KINH PHẬT TẠNG
Hán dịch: Đời Dao Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: CHÚC LỤY

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vào đời xấu ác như thế, các Tỳ-kheo đối với pháp thiện làm thế nào để tinh tấn?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông chớ nên như vậy. Vì sao? Vì Đức Phật đã giảng nói với vô lượng trí tuệ nơi kinh điển, lúc ấy Tỳ-kheo hãy còn không thể tin hiểu, huống hồ là có thể siêng năng tu hành. Này A-nan! Như Lai đối với các pháp hữu vi đều có trí tuệ để lãnh hội, tất cả hàng Bíchchi-phật và A-la-hán… đều không thể hiểu biết. Này A-nan! Các pháp Như Lai đã nhận biết, nếu vì ông mà giảng nói sẽ khiến ông trở nên mê muội, huống gì là người ấy lại có thể tin hiểu? Hôm nay Như Lai giảng nói kinh như thế, bấy giờ người ngu si hãy còn không tin, huống gì là có thể tin chỗ giảng nói về tội báo. Này A-nan! Các pháp là như vậy. Tự thân là ác nên cho các thứ khác cũng ác. Như nay, Tỳ-kheo biếng nhác bậc nhất thì khi đó Tỳ-kheo tinh tấn bậc nhất cũng không sánh bằng. Hoặc chỗ giữ giới, oai nghi, trí tuệ cũng không thể cùng so sánh. Như Lai nếu nói về chỗ tạo tác của người ấy với những lỗi lầm xấu ác nên phải thọ báo khi chuyển thân, thì người này không tin còn dấy khởi tội nặng. Nếu các ông nghe được cũng phải lo sợ, không thể lường tính về chỗ tội ác sẽ thọ báo. Này A-nan! Người thọ nhận giáo pháp thâm diệu của Như Lai là rất khó có. Ý ông thế nào? Ví như loài heo có ưa thích giường chiếu mền nệm đẹp không?

–Bạch Thế Tôn! Dạ không.

–Này A-nan! Ta đã chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác với giáo pháp vi diệu sâu xa này, người trí ưa thích, người ấy không thể tin hiểu thấu đạt. Được xuất gia, tự xưng mình là Sa-môn, không thể gắng sức thọ nhận sự giáo hóa như thật, ở trong giáo pháp này mà không thể tu tâm, không được pháp vị giác ngộ phủi tay mà đi rơi vào đường ác, giống như con heo lìa bỏ giường chăn nệm đẹp. Vì sao? Này A-nan! Vì pháp thanh tịnh thâm diệu nơi đạo quả Bồ-đề vô thượng của ta chứng đắc ấy, chẳng phải là người khó hóa độ có thể tin hiểu. Người khó hàng phục, người không có trí tuệ, người khó đầy đủ, người khó nuôi dưỡng, người phá giới, người khó giảng nói, người trụ nơi tà pháp, người làm theo tà hành, người quý trọng của cải, lợi dưỡng, người cho cơm áo là trên hết, người phá oai nghi, người phá giới đức, người đọa đỉnh, người xấu ác, người biếng trễ, người ít ham muốn, người ít tinh tấn, người không biết xấu hổ, người chịu được xấu hổ, người vội vàng làm việc kinh doanh, hạng Chiên-đà-la trong Sa-môn, bạch y trong Sa-môn, Sa-môn hư hoại, người hành tà đạo trong Sa-môn, người không phải Sa-môn tự nói là Sa-môn, người bị ma ăn nuốt, người hợp với nghĩa lý của ngoại đạo, người hành không đúng như lời nói, người ưa thích chỗ ồn náo, người ưa nói lời tán loạn, người có đủ việc làm của ma, người bị ma não hại, người bị phiền não bùng cháy mạnh, người có kiến chấp ngã, có kiến chấp nhân, người có kiến chấp về chúng sinh, người kiến chấp điên đảo, đối với giáo pháp ấy của ta, nếu có thể tin hiểu thấu tỏ là điều không thể có. Vì sao? Này A-nan! Vì pháp thanh tịnh diệu lạc nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ta đã chứng đắc ấy, cùng với những người xấu ác kia không thể xứng hợp.

Này A-nan! Ví như trăm ngàn ức tam thiên đại thiên thế giới với khoảng trung gian hết sức xa cách rộng lớn cách pháp Sa-môn, cũng lại như vậy, huống gì là đạt được thuận nhẫn, huống gì là đạt được Niết-bàn.

Này A-nan! Những sự việc như vậy nói không thể hết. Sa-môn đời vị lai xấu ác thấp kém, ôm lòng tham chấp sâu dày, ôm lòng sân giận sâu dày, ôm lòng không tin sâu dày, ba độc bùng cháy dữ dội, tâm hành thô ác, khó có thể chế ngự.

Này A-nan! Ví như ruộng lúa tốt đang chín vàng, lại dùng lửa tự đốt, bữa ăn là mỹ vị mà tự nói là độc hại, nhà cửa hiện có dùng toàn là lửa cháy mà tự cho là thanh tịnh, có nên như thế không?

–Bạch Thế Tôn! Không nên.

–Này A-nan! Người ấy ngu si ở đời vị lai cũng như vậy. Do nơi giáo pháp của ta mà được thọ nhận sự cúng dường, nhưng lại không tin hiểu công đức của Như Lai, lại không thể tin các kinh như vậy, không thể gắng nhẫn nói ra lỗi lầm thật sự, tự biết mình là mụt nhọt mà chống trái lời giảng nói của ta. Người ngu si như vậy nương dựa vào Phật để tự sinh sống, mà lại còn nghịch với giáo pháp ấy.

Này A-nan! Bấy giờ, trong cõi Diêm-phù-đề, người ngu si như vậy đầy khắp nơi đó. Này A-nan! Hãy tạm gác lại điều này. Đâu cần phải trách cứ những kẻ xấu ngu si ấy, những sinh những giả tạo tác việc ác.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì? Phụng hành như thế nào?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Kinh này gọi là Phật Tạng, cũng gọi là Phát Khởi Tinh Tấn, cũng gọi là Hàng Phục Kẻ Phá Giới, cũng gọi là Tuyển Chọn Các Pháp, nên theo đấy mà phụng trì. Này A-nan! Nếu người nào thọ trì đọc tụng kinh này, thì sẽ đạt được vô lượng vô biên công đức. Vì sao? Vì hạng Tỳ-kheo phá giới hãy còn không thể tin tưởng, đọc tụng, chỉ dạy cho mọi người, huống chi là đối với kinh ấy có được tâm hoan hỷ. Vì sao? Này A-nan! Ví như giặc ác đối với đại thần của vua thì không dám tự hiện bày việc trộm cắp vật dụng của người khác, không tự nói mình là giặc. Thế nên, này A-nan! Tỳ-kheo phá giới gây tạo các pháp chẳng phải là Sa-môn hãy còn không tự nói mình là kẻ xấu ác, huống hồ là có thể hướng đến người khác để nói mình đã có tội.

Này A-nan! Kinh này nếu Tỳ-kheo phá giới nghe được thì có thể tự hàng phục, tức có hổ thẹn. Tỳ-kheo giữ giới có được sự tăng trưởng nơi tự thân.

Khi giảng nói kinh này có vô số chư Thiên đối với các pháp đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Ma ác và các quyến thuộc của chúng đều sầu não lớn, như rơi vào mười sáu hầm lửa, kêu khóc lớn tiếng, nói: Sa-môn Cù-đàm đã biết ta, hiểu ta. Ta luôn ở trong đêm dài sinh tử mong cho sau khi Phật diệt độ, sẽ quấy phá Tỳkheo giữ giới, trợ giúp cho Tỳ-kheo phá giới, nhằm khiến các Tỳkheo xấu ác không hiểu biết về pháp Phật, chỉ biết đọc tụng. Ta muốn ở trong pháp Phật hủy hoại tâm an ổn, nói đây chẳng phải là Phật pháp, không có nghĩa lý sâu xa. Hôm nay Sa-môn Cù-đàm ở nơi đại chúng gồm cả chư Thiên và loài người, giữ gìn pháp này, ngăn chận việc làm của ta.

Ma nói như vậy rồi, ôm lòng sầu não, bỗng nhiên biến mất.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rõ sự việc này nên nói kệ:

Ta giảng nói các pháp
Tùy thuận Đệ nhất nghĩa
Hữu vi không bền chắc
Như chỗ thấy trong mộng.
Nay ta nói pháp này
Quở trách việc vị lai
Thuận theo Đệ nhất nghĩa
Ngăn chận các người ác.
Bấy giờ trong đời ác
Tâm Tỳ-kheo nhiễu động
Tranh cãi sinh phải quấy
Không thể đạt Niết-bàn.
Sa-môn và bạch y
Giảng nêu không có khác
Bấy giờ pháp của ta
Cùng giống với pháp tục.
Vì người tại gia nói
Ông biết ta ít có
Ta đạt được pháp Phật
Chứng đắc quả thứ nhất.
Lại có Tỳ-kheo nói
Ta nếu là không sai
Người này đồng với ta
Ta thấy pháp chân thật.
Thấy pháp, không thấy pháp
Vì đến chỗ bạch y
Đều ở trong pháp mình
Mà sinh ra bàn luận.
Có nói tất cả có
Có nói tất cả không
Không trụ nơi chánh đạo
Tánh ác chê pháp ta.
Ông chớ gần người này
Nên đến gần gũi ta
Nói pháp thật cho ông
Như ta mau đắc đạo.
Các âm thanh như vậy
Lưu truyền khắp xa gần
Đồng tâm giúp bè đảng
Phá giáo pháp Như Lai.
Ví như các giặc ác
Làm bạn cùng kẻ ác
Phản nghịch phá cõi nước
Thành ấp và xóm làng.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo
Khó có thể giáo hóa
Độn căn tham chấp sâu
Trí kém nương ngã, nhân.
Không hiểu nơi Như Lai
Giảng nói pháp tùy tiện
Nói hữu lậu tăng thượng
Tự cho là đắc đạo.
Ở trong chúng hội lớn
Phần nhiều các Tỳ-kheo
Đều nói có trí tuệ
Không một người cầu trí.
Hoặc là trong hội lớn
Chỉ có một Tỳ-kheo
Có trí tuệ chân thật
Đều trách, nói vô trí.
Chư Thiên, thần đều thấy
Đạo Pháp vương tan hoại
Đều ôm lòng sầu não
Than khóc nói với nhau.
Trong có các thần cây
Từ cây rơi xuống đất
Đều nói Thích Sư Tử
Nay hoại pháp vi diệu.
Phật bảo, Pháp, Tăng bảo
Ở đời cũng chưa lâu
Vì sao nơi ngày nay
Thảy đều sẽ tan hoại.
Chúng ta không chịu nghe
Như Lai nói chánh pháp
Tối tăm không hiểu biết
Đạo vô thượng sắp diệt.
Bấy giờ các địa thần
Đều phát ra tiếng lớn
Đuốc pháp lớn Như Lai
Hôm nay sắp diệt tận.
Chư Thiên và các thần
Đời sau chớ hối hận
Nói không được thấy nghe
Phật đạo nay đã diệt.
Như Lai vô lượng kiếp
Lợi mình cũng lợi người
Thọ nhận các khổ não
Phát nguyện được thành Phật.
Thích Sư Tử, Đại Thánh
Giáo hóa các chúng sinh
Pháp vi diệu thanh tịnh
Nay sắp muốn diệt tận.
Những giặc ác ngu si
Ngày nay được năng lực
Không có tâm thương xót
Cùng chê bai, não hại.
Ma sứ và dân ma
Độn căn khó giáo hóa
Tâm dua nịnh, biếng nhác
Giận dữ hoại Phật pháp.
Ở trong rừng vắng vẻ
Ngồi thiền suốt ba tháng
Tự cho là La-hán
Không thiền sao đắc đạo.
Không được nói được đạo
Chết nói nhập Niết-bàn
Mọi người tin xây tháp
Mà tự vào địa ngục.
Người ngu si như vậy
Khinh thường và giận dữ
Ta ở vô lượng kiếp
Chỗ đạt nay hoại hết.
Bấy giờ thần hư không
Cùng thấy Thích Sư Tử
Chê bai pháp vi diệu
Phát ra tiếng khóc than.
Bốn Thiên vương nghe được
Đều ôm lòng sầu não
Lúc ấy, chư Thiên thần
Đều cùng nhau đi xuống.
Thành A-la-ca-bàn
Chúng thần Dạ-xoa đến
Đều lớn tiếng kêu khóc
Phát ra tiếng đáng sợ.
Có các thành bảy báu
Trang hoàng thật đẹp đẽ
Màu sắc đều như đất
Chư Thiên không thích ở.
Xót thương than khóc lớn
Nơi nơi đều vân tập
Cùng ôm lòng sầu khổ
Thấy nhau không thể nói.
Trằn trọc nằm nơi đất
Phát ra tiếng như vậy
Cùng đi Diêm-phù-đề
Thấy nên sợ hãi lớn.
Phật tử! Tự tranh chấp
Phá hoại pháp, phân tán
Đều từ trên trời xuống
Và đến chỗ ta sinh.
Các thành báu Thiên thần
Bảy ngày không ánh sáng
Đều cùng ngồi kêu khóc
Hết bảy ngày không dậy.
Thế nào đại tinh tấn?
Dũng mãnh, thế gian quý
Chúng ta thấy ở đây
Nay sẽ không còn thấy.
Đều đi đến Kỳ hoàn
Đối diện và than khóc
Phật nói bốn Đế này
Chúng tôi nghe nơi đây.
Thế gian sắp mịt mù
Cùng khinh mạn giận dữ
Chỉ khởi các nghiệp ác
Lại đọa vào đường dữ.
Cung điện chư Thiên đẹp
Đáng tiếc nay sắp không
Chúng ta, chư Thiên, thần
Không còn ai cứu độ.
Bấy giờ, Diêm-phù-đề
Hủy hoại không oai lực
Kinh hành nơi gốc cây
Núi sâu không người thiện.
Tất cả các thế gian
Thảy đều nhiễu động lớn
Chư Thiên và đại thần
Âm thanh rất đáng sợ.
Khi ấy trời Đao-lợi
Đưa tay khóc lớn tiếng
Đều ở trong cung điện
Phát ra tiếng khóc than.
Trong cung điện chư Thiên
Đều xưng nói với ta
Mãi mãi xa Đại Thánh
Vì ta nói các pháp.
Trời Đao-lợi sáu tháng
Không ăn món chư Thiên
Không nghe tiếng kỹ nhạc
Đau khổ như con mất.
Các chúng A-tu-la
Nghe có việc như vậy
Đều cùng nhau vân tập
Muốn đánh trời Đao-lợi.
Các vua cõi Diêm-phù
Đều cùng nhau chinh phạt
Chư Thiên, A-tu-la
Cũng đều cùng chiến đấu.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo
Và các Tỳ-kheo-ni
Phần nhiều đọa đường ác
Rất ít người tránh khỏi.
Các cư sĩ phá giới
Thuận theo Tỳ-kheo ác
Do vì nhân duyên này
Đều hướng tới cõi ác.
Những Ưu-bà-di xấu
Tùy thuận theo thầy ác
Cũng rơi vào đường dữ
Thế gian đều nhiễu loạn.
Vào thành ấp, xóm làng
Có đi đến núi rừng
Đông, Tây ôm sầu não
Vì tổn hại mạng sống.
Lúc ấy nhiều giặc ác
Có nhiều các đường hiểm
Gieo ngũ cốc không mọc
Nếu mọc bị sâu ăn.
Khi đó người thế gian
Đói khát nên chết nhiều
Chết đọa vào ngạ quỷ
Chịu lâu các khổ não.
Người đem vật cúng Phật
Tháp và Tăng bốn phương
Liền đều phân thức ăn
Ta, sau Tăng như vậy.
A-nan, các ông phải
Nỗ lực, siêng tinh tấn
Chớ thấy đời sau này
Những việc ác như thế.
Tất cả các phàm phu
Ngu si không trí tuệ
Phàm phu khởi các nghiệp
Mau đọa vào đường ác.
Các ông siêng đọc tụng
Đó là nhân trí tuệ
Nếu giữ gìn trí tuệ
Chóng đạt đến thắng xứ.
Ta học chánh kiến đời
Ông cũng học như ta
Đoạn trừ việc chướng ngại
Sớm đến chốn an lạc.
Siêng tu tám Thánh đạo
Sớm sẽ đạt Niết-bàn
Suy xét cầu tự lợi
Ta đã nói như thế.
Sau kiếp quá khứ này
Sáu mươi kiếp không Phật
Tiếng Phật còn không có
Huống có người đắc đạo.
Những chúng sinh ở đời
Bị đói khát hành hạ
Không có tâm hiếu từ
Mẹ lại ăn thịt con.
Những nhà sinh con trẻ
Luôn giữ sợ họ ăn
Ai nghe việc ác này
Lại khởi nghiệp sinh tử.
Các khổ, si làm gốc
Năm ấm, tham làm gốc
Nếu không ưa năm dục
Sẽ đoạn các tham chấp.
Khi thọ quả báo phước
Sinh tâm tham đắm sâu
Do nhân duyên tham đắm
Khởi ác, đọa đường dữ.
Pháp vô lậu vắng lặng
Thế gian không bền chắc
Nếu biết rõ như vậy
Các ông mau tu hành.
Không tâm sinh tưởng tâm
Mà tự lo sợ lớn
Ta vì làm không làm xong
Việc này là thế nào?
Các phàm phu như vậy
Tư duy mà tính lường
Ta phải làm thế nào
Luôn kêu khóc như thế.
Không ấm, sinh tướng ấm
Không ngã sinh tưởng ngã
Nghe pháp không tự tướng
Như vậy, cũng mê muội.
Không biết Phật như thật
Đã nói nghĩa các ấm
Nghe được là chắc thật
Sợ chốn, không sợ tưởng.
Ta nói khứ, lai, tại
Các ấm đều vắng lặng
Ba đời đều bình đẳng
Hoặc giống như hư không.
Chư Phật ở quá khứ
Cũng nói tự tướng không
Chư Phật đời vị lai
Cũng nói tự tướng lặng.
Ta ra đời hiện tại
Cũng nói tất cả pháp
Tự tánh, tự tướng không
Ba đời không sai khác.
Người đương lai không biết
Phật đã nói thật nghĩa
Tham chấp ngã chúng sinh
Sẽ đọa ba đường ác.
Đời vị lai như vậy
Đại ác rất đáng sợ
Các ông siêng tinh tấn
Chớ gặp đời ác này.

Khi Đức Phật giảng nói kinh này xong, Trưởng lão Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo, tất cả hàng trời, người ở thế gian, đại chúng, nghe Phật giảng nói đều hết sức vui mừng, tin thọ lời Phật dạy.

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10