PHẬT THUYẾT PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM PHÁ CHƯ MA KINH
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN THƯỢNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc lâm Ca-lan-đà, thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Bí-sô một ngàn hai trăm năm mươi người hội đủ và chư vị Đại Bồ-tát vân tập đến.
Bấy giờ, tại thành Vương xá, có đại Bà-la-môn họ Ca-diếp, vào một đêm, chợt nằm mộng thấy thế giới Diêm-phù-đề này có hoa sen rộng lớn gồm ngàn cánh, bảy báu trang nghiêm, thanh tịnh, đáng yêu thích. Nơi hoa sen lại có vầng trăng lớn, trong lành, đầy đặn, ánh sáng tỏa chiếu rực rỡ, Bà-la-môn thấy được hình ảnh này, tâm vô cùng hoan hỷ, thích thú, khoan khoái. Từ nơi mộng tỉnh giấc, ông ta suy nghĩ: “Ta nghe Sa-môn Cù-đàm là bậc Đại trí, những người có trí khác không ai hơn được. Ngài cũng gồm đủ đại tuệ cùng các phương tiện thiện xảo, ta nên đến đó để thưa hỏi về hình ảnh kia.” Sáng hôm sau, Bà-la-môn đến thẳng chỗ ở của Đức Thế Tôn là tinh xá Trúc lâm Ca-lan-đà. Đến nơi, Bà-la-môn đầu mặt lễ sát chân Phật rồi chắp tay, cung kính đem điều mộng thấy của mình bạch đầy đủ lên Phật.
Đức Thế Tôn bảo Bà-la-môn:
–Như chỗ ông mộng thấy thì hình ảnh này là rất tốt.
Này Bà-la-môn! Ông nay nên biết! Nếu trong mộng, người nào thấy được bốn thứ tướng sau đây thì đều là hình tướng thù thắng, an lành tối thượng. Bốn thứ ấy là gì?
- Hoa sen trắng.
- Dù lọng trắng.
- Vầng trăng.
- Tượng Phật.
Nếu thấy bốn loại hình ảnh như vậy thì phải hiểu đó là điều lợi lớn trên hết.
Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này nên nói kệ:
Trong mộng nếu thấy tướng hoa sen
Và dù lọng trắng đều ân lành
Hoặc thấy vầng trăng lớn thanh tịnh
Người mộng sẽ được lợi tối thượng,
Lại nữa, nếu thấy hình tượng Phật
Tướng này tối thắng trong tối thượng
Ai ai cũng kính người ấy
Các công đức sẽ thường thành tựu.
Bà-la-môn lại bạch Phật:
–Kính thưa Thế Tôn! Những gì gọi là lợi lớn tối thượng? Phật do duyên gì mà nói như vậy?
Thế Tôn liền dùng kệ đáp:
Về lợi lớn nay ta thuyết giảng
Bà-la-môn! Ông hãy lắng nghe
Nếu người nào phát tâm Bồ-đề
Thành Lưỡng Túc Tôn là lợi lớn.
Chuyển luân vương ngôi vị tôn thắng.
Thống lãnh bốn đại châu tự tại
Nếu có chúng sinh ưa thành tựu
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Thiên chủ Đế Thích phước báo hơn
Tự tại trong trời Tam thập tam
Nếu có chúng sinh ưa thành tựu
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Trong ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc
Mỗi cõi phước báo đều tăng hơn
Nếu có chúng sinh ưa thành tựu
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Cảnh giới chúng sinh hiện vô biên
Theo đấy nên khéo hóa độ khắp
Như có tạo mọi lợi lạc rộng
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Đại y vương hiện có thế gian
Trị liệu khắp tất cả các bệnh
Nếu có chúng sinh ưa thành tựu
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Tạo ánh sáng lớn hiện thế gian
Mọi nơi tối tăm đều chiếu sáng
Nếu có chúng sinh ưa thành tựu
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Tuy lại sinh ở trong ba cõi
Đoạn trừ tất cả hành điên đảo
Nếu có chúng sinh muốn lìa khỏi
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Các chướng ngại, phiền não hiện có
Và mọi thứ pháp bất thiện khác
Nếu có chúng sinh vui đoạn trừ
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Ba cõi, các kết sử hiện có
Tùy chỗ tạo tác bị ma thâu
Nếu có chúng sinh vui trừ đoạn
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Nơi vô minh, nếu khéo điều phục
Mọi lưới ái, đều có thể đoạn
Nếu có chúng sinh vui xuất ly
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Pháp tham ái kia nếu đoạn trừ
Tất cả cấu nhiễm đều thanh tịnh
Nếu có chúng sinh vui xuất ly
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Nơi sinh tộc họ cùng sắc, lực
Người ngu dựa đấy sinh kiêu mạn
Nếu có chúng sinh vui đoạn trừ
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Ngu chấp ngã kiến chấp thọ mạng
Nơi tự thiện lợi sinh kiêu căng
Nếu có chúng sinh vui đoạn trừ
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Với các sắc pháp sinh kiêu mạn
Tội lỗi lớn sinh từ nhiễm ái
Nếu có chúng sinh vui đoạn trừ
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Đa văn, trì giới và tu hành
Người ngu cậy đó sinh kiêu mạn
Nếu có chúng sinh vui đoạn trừ
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Trụ A-lan-nhã hành khất thực
Với việc như vậy sinh kiêu mạn
Nếu có chúng sinh vui đoạn trừ
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Ứng cúng, tự tại, thần thông đủ
Cậy mình tột bậc sinh kiêu mạn
Nếu có chúng sinh vui đoạn trừ
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Kẻ ngu chấp trước tướng nhân, ngã
Cậy nơi, tướng ngã sinh kiêu mạn
Nếu có chúng sinh vui đoạn trừ
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Thế Tôn, Phật hiện tại, vị lai
Tôn trọng, cung kính mà được phước
Nếu có chúng sinh thích lợi ấy
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Chư Phật xuất hiện nơi thế gian
Chuyển đại pháp luân, hóa độ khắp
Nếu có chúng sinh vui nghe, nhận
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Mọi pháp ác đều cần phải đoạn
Mọi pháp thiện đều cần phải tu
Nếu có chúng sinh vui thành tựu
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Các hành giả cần tu phạm hạnh
Do đấy chứng đắc đạo vô lậu
Nếu có chúng sinh vui thành tựu
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Ta đã thuyết giảng pháp vô thường
Mỗi mỗi nơi thân tự xem xét
Nếu có chúng sinh thích biết rõ
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Ta nói hữu lậu đều là khổ
Người trí thấy khổ sinh chán lìa
Nếu có chúng sinh muốn xuất ly
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Ta vì hữu tình rộng tuyên thuyết
Nên biết mọi pháp đều vô ngã
Nếu có chúng sinh muốn thông đạt
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Nêu bày Niết-bàn, pháp tịch diệt
Chứng ngộ đại Bồ-đề vô thượng
Nếu có chúng sinh muốn thành tựu
Phải nên phát khởi tâm Bồ-đề.
Điều ta xưng tán tâm Bồ-đề
Này Bà-la-môn! Cung kính nghe
Như nghe, tin sâu nên phát tâm
Nên gọi là tu hạnh Bồ-đề.
Bà-la-môn sau khi nghe Phật nói kệ này rồi, liền bạch Phật:
–Kính thưa Thế Tôn! Nếu có người phát tâm Bồ-đề thì người này sẽ đạt được bao nhiêu phước?
Đức Thế Tôn lại nói kệ để trả lời Bà-la-môn:
Giả sử hết thảy loài chúng sinh
Tụ tập khắp trong cõi Phật này
Mỗi mỗi tu trì, hành tịnh giới
Đều hay an trú bậc học giới,
Khối phước kia lượng chứa vô biên
Ở trong các phước là tối thượng
Nếu người dốc phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Giả sử hết thảy mọi chúng sinh
Tụ tập khắp trong cõi Phật này
Mỗi mỗi phát tâm tín thanh tịnh
Thường hay an trụ bất tín hạnh,
Khối phước kia lượng chứa vô biên
Ở trong các phước là tối thượng
Nếu người dốc phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Giả sử hết thảy mọi chúng sinh
Tụ tập khắp trong cõi Phật này
Mỗi mỗi tu trì, diệu pháp môn
Đều hay an trụ bậc pháp hạnh,
Khối phước kia lượng chứa vô biên
Ở trong các phước là tối thượng
Nếu người hay phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Giả sử hết thảy mọi chúng sinh
Tụ tập khắp trong cõi Phật này
Rộng tu pháp hành Tu-đà-hoàn
Đều trụ quả vị Tu-đà-hoàn,
Khối phước kia lượng chứa vô biên
Ở trong các phước là tối thượng
Nếu người thường phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Giả sử hết thảy mọi chúng sinh
Tụ tập khắp trong cõi Phật này
Rộng pháp tu hành Tư-đà-hàm
Đều trụ quả vị Tư-đà-hàm,
Khối phước kia lượng chứa vô biên
Ở trong các phước là tối thượng
Nếu người thường phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Giả sử hết thảy mọi chúng sinh
Tụ tập khắp trong cõi Phật này
Rộng pháp tu hành A-na-hàm
Đều trụ quả vị A-na-hàm,
Khối phước kia lượng chứa vô biên
Là trên hết đối trong các phước
Nếu người thường phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Giả sử hết thảy mọi chúng sinh
Tụ tập khắp trong cõi Phật này
Rộng pháp tu hành A-la-hán
Đều trụ quả vị A-la-hán,
Khối phước kia lượng chứa vô biên
Là trên hết đối trong các phước
Nếu người thường phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Nếu người ở thế giới Phật này
Rộng gom hương Chiên-đàn thượng diệu
Tạo chùa, tháp Phật rất trang nghiêm
Cao, rộng ngang mức núi Tu-di,
Khối phước như vậy cũng vô biên
Là trên hết đốt trong các phước
Nếu người hay phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Lại nếu tạo lập các tháp Phật
Chỗ nên làm phân lượng như kia
Tùy chỗ tạo rồi rộng trang nghiêm
Chúng sinh này được quả thù thắng,
Mà phước lợi kia rộng vô biên
Là trên hết đối trong các phước
Nếu người hay phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Lại nếu tất cả loài chúng sinh
Giả sử sống lâu trọn một kiếp
Giúp chúng sinh bằng các thứ vui
Theo ý chúng sinh khiến đầy đủ,
Khối phước như vậy lượng vô biên
Là trên hết đối trong các phước
Nếu người hay phát tâm Bồ-đề
Mười sáu phần kia không bằng một.
Chỗ ta thuyết giảng đều như vậy
Mỗi một đều là pháp tối thượng
Nếu có chúng sinh lòng vui thích
Nên cầu quả Bồ-đề tịch tĩnh
Trụ nơi quả này được lợi lớn
Tối tôn thắng không gì sánh kịp.
Do vậy nếu người nghe pháp này
Phải nên tôn trọng hành chánh tuệ
Rộng tu khối phước lớn như thế
Mau chứng đại Bồ-đề Vô-thượng.
Bà-la-môn nghe Phật Thế Tôn xưng tán về tâm Bồ-đề như vậy, liền bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con ở trong tâm Bồ-đề không một chút pháp nào có thể lay chuyển được.
Phật bảo Bà-la-môn:
–Đúng vậy, đúng vậy! Này Bà-la-môn! Nếu người phát tâm Bồ-đề thì quả thật không một pháp nào có thể chuyển. Tại sao? Này Bà-la-môn, nên biết Bồ-đề có ba loại. Những gì là ba? Ấy là Bồ-đề của Thanh văn, Bồ-đề của Duyên giác và Bồ-đề Vô thượng.
Này Bà-la-môn! Sao gọi là Bồ-đề của Thanh văn? Nghĩa là, như có người tuy phát tâm Bồ-đề nhưng ưa thích với tự lợi, không ưa thích lợi tha. Với lợi tha, tâm không thể phát khởi, không thể tu trì, không thể hướng nhập, không thể an trụ. Đối với kinh pháp ấy không thích lắng nghe, ghi nhận, cũng lại không thể thuyết giảng cho người khác nghe… Trong đời sau không còn thọ thân, đoạn trừ tướng đến, đi cũng không thể đạt được chánh trí bình đẳng, ở nơi đời hiện tại ưa cầu giải thoát. Này Bà-la-môn! Do nghĩa như vậy nên gọi là Bồ-đề của Thanh văn.
Lại nữa, sao gọi là Bồ-đề của Duyên giác? Nghĩa là, như có người tuy phát tâm Bồ-đề, nhưng đối với pháp Đại thừa không thích tu tập, không ghi nhớ, lại cũng tự lợi, hướng cầu chứng quả, không ưa lợi tha. Đối với lợi tha, tâm không thể tu trì, không thể hướng nhập, không thể an trụ. Với kinh pháp ấy không thích lắng nghe, thọ nhận, cũng không thuyết giảng chỉ bày cho ai, không thể an trụ nơi chánh trí bình đẳng, chỉ khởi tâm niệm quán mối liên hệ của các pháp, tùy chỗ quán sát mà được giải thoát. Này Bà-la-môn! Do nghĩa này, nên gọi là Bồ-đề của Duyên giác.
Lại nữa, sao gọi là Bồ-đề Vô thượng? Nghĩa là, như có người, tự mình có thể phát sinh tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, rồi lại khuyên người khác cũng phát tâm như vậy, đối với kinh pháp ấy tự mình lắng nghe, thọ nhận, tu tập, ghi nhớ, lại vì người khác giảng nói cho họ biết về ý nghĩa một cách rộng rãi. Nơi thân luân hồi không sinh nhàm chán mệt mỏi. Vui, muốn vì tất cả chúng sinh tạo mọi lợi lạc. Trụ ở trí bình đẳng, tự giải thoát rồi, lại muốn khiến cho hết thảy chúng sinh đều được giải thoát. Tự lợi, lợi tha đều được an ổn lợi lạc. Đem điều thiện lợi của mình giúp khắp cả đại chúng trời, người. Này Bà-la-môn! Do ý nghĩa ấy nên gọi là Bồ-đề Vô thượng. Tu tập hạnh này gọi là người hành thừa Bồ-tát. Này Bà-la-môn! Ông nay nên biết, lời Phật dạy là hết sức chân thật không có hư dối. Như chỗ ta nói về tâm vô thượng chánh đẳng Bồ-đề là nghĩa tối thượng. Nếu rời tâm đại Bồ-đề này mà phát khởi tâm Thanh văn, Duyên giác thì không thể lợi tha, rốt cuộc không đến được cảnh giới đại Niết-bàn. Vì sao? Vì hàng Thanh văn, Duyên giác, kia do từ chỗ lợi mình lại không sinh khởi hạnh lợi tha cao cả. Do duyên cớ ấy nên không thể hội đủ các phần nơi Phật pháp. Tuy phát tâm Bồ-đề tự cho là giải thoát nhưng tâm Bồ-đề kia cũng không thể đạt được quả báo lợi tha. Này Bà-la-môn! Nếu người có thể phát tâm Bồ-đề Chánh đẳng Vô thượng thì nơi tự nơi tha thảy đều bình đẳng. Đem chỗ lợi của mình hoan hỷ bố thí tức là đem cái tâm này thâu tóm khắp tất cả chúng sinh nơi thế gian. Chính là lợi lớn tối thượng của thế gian, cũng gọi đây là khéo, chế ngự giáo hóa thế gian. Như vậy, tức có thể trụ ở trí bình đẳng tối thượng, tối thắng không thể nghĩ bàn. Này Bà-la-môn!
Đây tức là tâm đại Bồ-đề, ông nên hiểu rõ đúng sự thật là như vậy.
Bấy giờ, Bà-la-môn bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Phật nói giải thoát vì sao sự giải thoát ấy lại có nhiều thứ loại như thế?
Phật nói:
–Này Bà-la-môn! Sự giải thoát của Như Lai, Thanh văn, Duyên giác không có nhiều thứ loại hình tướng. Này Bà-la-môn! Ví như có người dùng ba loại xe thú nhằm đi đến chốn báu, tuy phương tiện đi lại có sai biệt song nơi chốn hướng đến thì không có khác. Ba con thú kia, đó là lừa, ngựa, voi. Xe lừa thì sức mạnh của nó kém yếu. Do nhân duyên ấy nên người này tuy đến chốn báu nhưng không thể lấy các thứ châu báu ở đây để giúp cho chúng sinh rộng rãi, chỉ vui với cái lợi của mình, chứng đắc Niết-bàn. Xe ngựa thì nhẹ, lợi, nhanh chóng. Do sức ấy, nên người này tuy đến chốn báu cũng lại không thể sử dụng châu báu ở đây để rộng giúp chúng sinh, chỉ cùng với chúng sinh làm phước điền trong sạch. Còn xe voi kia thì bước đi thăng bằng, mạnh mẽ nhiều lực. Do sức lực như thế nên người này đến được tất cả kho báu ở trong thành rộng, lớn. Đến thành ấy rồi bèn suy nghĩ: “Châu báu của ba xe đều từ đây mà ra. Ta sẽ đem châu báu không kể xiết này cứu giúp khắp tất cả chúng sinh vô biên, vì họ mà tạo lợi lạc lớn rộng khắp.” Này Bà-la-môn! Người đi trên ba xe kia và người tu pháp ba thừa, cũng lại như vậy. Xe lừa kia tức là thừa Thanh văn. Xe ngựa ấy tức là thừa Duyên giác và xe voi chính là Đại thừa. Ông nay nên biết, nẻo hành nơi ba thừa kia tuy có nhiều loại hình tướng song chỗ chứng Niết-bàn, chỗ đạt được giải thoát thì không nhiều loại hình tướng, cũng không sai khác. Này Bà-la-môn! Lại như thế gian có ba người, đều muốn vượt qua một đoạn sâu của con sông lớn. Người thứ nhất dựa vào một chiếc bè lá nhỏ nổi mà qua sông. Người thứ hai so với người trước thì hơn, ông ta dựa vào tấm ván nổi mà sang sông. Người thứ ba so với hai người trước thì hơn hẳn, ông ta dùng thuyền lớn cùng với mọi người ngồi an ổn mà qua đến bờ bên kia. Điều này giống như người con trưởng của thế gian, khuyên bảo cha mẹ mình, chốn khỏi phải phòng hộ là ở tất cả nơi nào đã xa lìa các ưu não. Này Bà-la-môn! Người thứ nhất dựa vào bè lá mà qua sông nên biết đó là người theo thừa Thanh văn. Người thứ hai dựa vào tấm ván mà qua sông nên biết đó là người theo thừa Duyên giác. Người thứ ba ngồi thuyền lớn qua sông nên biết đó là người theo thừa Bồ-tát, từ chỗ tự độ lại độ người khác. Này Bà-la-môn! Do vậy, nên biết người theo ba thừa kia, tuy pháp tu hành có nhiều loại hình tướng, song chỗ chứng đắc về Niếtbàn của Thanh văn, Duyên giác và Như Lai không có nhiều hình tướng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này, nên nói kệ:
Ba thừa chứng Niết-bàn
Pháp Niết-bàn chỉ một
Chứng đạo tuy sai biệt
Niết-bàn không hai tướng
Tất cả Phật ba đời
Đạt giải thoát tối thượng
Các pháp nhãn như thế
Bậc Chánh Giác nên giảng
Là pháp trí tối thượng
Sinh ra các phương tiện
Các hành giả tu tập
Phải nên học như vậy.