KINH PHẬT ẤN TAM-MUỘI

Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư An Thế Cao, người nước An Tức
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Bấy giờ, Đức Phật trú trong núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành La-duyệt-kỳ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo mười hai ngàn vị đều là bậc A-la-hán.

Chúng Đại Bồ-tát gồm có bốn trăm ức vạn vị đều là những bậc Hiền giả như Bồ-tát Di-lặc và chư Bồ-tát trong mười phương nhiều vô số không thể đếm xuể. Tất cả đều bay đến trước Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, đứng dậy đi nhiễu quanh chỗ Phật bảy vòng, rồi lui ra ngồi theo thứ lớp lớn nhỏ trăm ngàn vạn ức hàng vô số kể.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi là bậc biện tài đệ nhất, trí tuệ sáng suốt, tuyệt vời so với các Bồ-tát không ai sánh kịp.

Bấy giờ, Đức Phật ngồi nhập Tam-muội; toàn thân của Đức Phật, nội y và ngoại y đều oai nghiêm, ánh sáng rực rỡ; tất cả đều không thấy mà vô số cõi Phật trong mười phương đều sáng. Những chúng sinh ở các cõi Phật tự nhiên cúng dường chư Phật, Bồ-tát, Bích-chi-phật, A-la-hán và chư Tỳ-kheo Tăng. Vô số chư Phật trong mười phương đều sai các Bồ-tát bay đến chỗ Phật, ngồi qua một bên; chư Bồ-tát đến đầy đủ, nhiều như số cát sông Hằng; một hạt cát là một vị Bồ-tát, cho đến số cát nơi bốn mươi sông Hằng cũng như vậy; tất cả trên dưới kế nhau, cứ một vị Bồ-tát tự nhiên ngồi trên một hoa sen lớn. Đức Phật liền biến hóa làm cho thế giới rộng mênh mông, các Bồ-tát đến ngồi đông đủ trong đó.

Bồ-tát Di-lặc…, Tôn giả Xa-lợi-phất liền đến trước Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi chắp tay hỏi:

–Thưa Nhân giả! Nhân giả là bậc biện tài, vừa rồi Đức Phật nhập vào Tam-muội; nay không thấy, không biết Ngài đến đâu; có ý nghi ngờ xin Hiền giả giảng nói cho.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói với Bồ-tát Di-lặc:

–Nhân giả cũng là bậc biện tài, vả lại không lâu sẽ thành Phật, còn Tôn giả Xá-lợi-phất, là đại đệ tử Phật, chứng đạo quả A-la-hán, trí tuệ bậc nhất; sao mỗi vị không tự nhất tâm tọa thiền suy tìm để biết thân tâm của Phật đến đâu!”

Vô số Bồ-tát và A-la-hán… đang ngồi đều nhất tâm suy tìm nơi vô số cõi Phật trong mười phương vô cùng tận, nhưng cũng không ai có thể biết được thân tâm của Phật ở chỗ nào!

Bồ-tát Di-lặc… Tôn giả Xá-lợi-phất lại quỳ gối chắp tay hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Chúng tôi nhất tâm suy tìm thân tâm của Phật, nhưng không thể biết Ngài ở đâu! Muốn biết việc này, xin Nhân giả nói cho.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

–Quý vị đều ngồi yên, chỉ trong khoảnh khắc, Ngài sẽ trở về. Nghe Phật trở về chỗ ngồi, trong hội chúng thấy Phật trở về, thì đều vui mừng đứng dậy đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Bồ-tát Di-lặc… Tôn giả Xá-lợi-phất… đến trước quỳ gối chắp tay thưa hỏi Đức Phật:

–Vừa rồi, khi Đức Thế Tôn nhập Tam-muội, thân tâm và y phục của Thế Tôn chúng con không thấy, cũng không biết đi đâu! Chúng con cùng nhất tâm nhập định để suy tìm thân tâm của Thế Tôn, khắp cả mười phương đến vô cùng, vô tận, vẫn không biết Thế Tôn ở đâu!

Phật bảo:

–Nơi ta đến rất sâu xa, chẳng phải các ông có thể biết được, chỉ có chư Phật mới biết được thôi.

Phật dạy tiếp:

–Tam-muội ấy rất khó gặp; nếu thấy, nghe, biết được Tammuội ấy, thì rất vui mừng không thể nói được. Vì sao? Vì rất khó lãnh hội.

Phật bảo:

–Các Bồ-tát cầu đạo phụng hành đầy đủ sáu Ba-la-mật, trải qua một ngàn ức vạn kiếp hãy còn không thể thấy được khi Phật nhập vào Tam-muội, cũng không nghe, biết được danh hiệu của Tam-muội Phật này. Nếu Bồ-tát thực hành sáu Ba-la-mật luôn siêng năng, không biếng trễ trải qua ba ngàn ức vạn kiếp mà nghe và gap danh hiệu của Tam-muội Phật này, hãy còn chưa tin để hướng về nó. Hoặc Bồ-tát hành sáu Ba-la-mật không hư mất trong bảy ngàn ức vạn kiếp nghe danh hiệu Tam-muội Phật này, vẫn còn chưa tin để hướng về nó. Hoặc Bồ-tát hành sáu Ba-la-mật hư mất trong tám ngàn ức vạn kiếp nghe danh hiệu Tam-muội Phật này thì mới tin, hướng về, tin hướng về Tam-muội, một khi nghe hoặc thấy Tammuội này, trong lòng hoan hỷ một ngày một đêm còn hơn là hành sáu Ba-la-mật trải qua ba ngàn ức vạn kiếp. Vì sao? Vì nghe Tammuội này về sau cầu đạo mau thành Phật. Danh hiệu của Tam-muội Phật này, đó là Ấn trí tuệ trong kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật. Bồtát cầu đạo mới nghe được Ấn trí tuệ nơi kinh Bát-nhã ba-la-mật ấy, còn các vị khác thì không thể nghe được.

Bồ-tát cầu đạo muốn chứng quả vị Phật, cần phải thấu đạt được kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật. Kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật là cha mẹ lớn của chư Phật trong mười phương; thấu đạt được kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật mới được thành Phật. Bồ-tát cầu đạo cần phải tích công bồi đức đầy đủ mới thấu đạt được kinh Bát-nhã Ba-lamật. Bồ-tát cầu đạo mà không thấu đạt được kinh Bát-nhã Ba-la-mật thì không thể thành Phật.

Phật bảo:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin hướng đến kinh Phật Tam-muội, quỳ trước kinh ấy, thành tâm hoan hỷ lễ bái, thì người đó liền được phước báo đời này và đời sau: khi qua đời sinh lên cõi trời làm Thiên vương, hết tuổi thọ sinh xuống nhân gian, lại làm vua Chuyển luân thánh vương. Sau khi qua đời lại sinh lên cõi trời, ở cõi trời qua đời, sinh xuống nhân gian trong hàng vua chua, lần lượt sinh trong cõi trời, cõi người, không còn đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, quỷ thần, rồng, sau đó trải qua vô số kiếp sẽ thành Phật. Nếu người nào nghe danh hiệu Tam-muội này còn chút hồ nghi không tin du như mảy lông, sợi tóc, thì người đó sau khi qua đời sẽ bị đọa vào mười tám địa ngục, bị thiêu đốt không khi nào ra khỏi. Sau khi ra, người đó cầu đạo không thể thành Phật. Vì sao? Vì kinh Phật Tam-muội là yếu quyết ấn chứng của chư Phật trong mười phương.

Phật bảo:

–Ta đã giảng nói như vậy, các ông nên tin chớ có hồ nghi. Ai sẽ chứng minh điều đó. Chỉ có các Bồ-tát như số cát bốn mươi sông Hằng là đệ tử nhỏ của ta chứng minh điều đó.

Phật giảng nói kinh này xong, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Di-lặc… Tôn giả Xá-lợi-phất và những vị A-la-hán, chư Thiên, dân chúng nghe kinh đều rất vui mừng, đứng dậy đảnh lễ Phật.