KINH NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 7
Phẩm 8: VÔ THƯỜNG
Bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:
–Bạch Thế Tôn! Đức Thế Tôn nói vô thường thì tất cả ngoại đạo cũng nói vô thường. Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai nương vào danh tự, chương cú nói lời như vầy, các hạnh vô thường là pháp sinh diệt. Bạch Thế Tôn! Pháp này là chân thật hay là hư vọng? Bạch Thế Tôn! Lại có bao nhiêu loại vô thường?
Đức Phật bảo Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ:
–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Tất cả ngoại đạo hư vọng phân biệt có tám loại vô thường. Những gì là tám?
- Phát khởi việc làm mà chẳng làm. Đó gọi là vô thường. Sao gọi là phát khởi? Nghĩa là pháp sinh, pháp bất sinh, pháp thường pháp vô thường gọi là phát khởi vô thường.
- Hình tướng dừng nghỉ gọi là vô thường.
- Sắc… tức là vô thường.
- Sắc chuyển biến nên sai khác là vô thường, các pháp nối tiếp nhau tự nhiên mà diệt như sữa, chuyển biến thành sữa đặc. Đối với tất cả pháp chẳng thấy sự chuyền biến ấy cũng chẳng thấy diệt thì gọi là vô thường.
- Lại có ngoại đạo khác… do không có vật nên gọi là vô thường.
- Có pháp, không pháp đều là vô thường, do tất cả pháp vốn chẳng sinh nên gọi là vô thường. Do pháp vô thường hòa hợp trong đó chính là vô thường.
- Lại có ngoại đạo khác… cho rằng, vốn không sau lại có gọi là nvô thường. Nghĩa là nương vào sự diệt tướng sinh của các Đại, chẳng thấy sự sinh ấy lìa khỏi thể nối tiếp nhau thì gọi là vô thường.
- Chẳng sinh vô thường. Nghĩa là chẳng phải thường chính là vô thường. Thấy các pháp có không, sinh chẳng sinh… cho đến quán sát bụi trần chẳng thấy pháp sinh nên nói rằng chẳng sinh, các pháp chẳng phải sinh. Này Đại Tuệ! Đó gọi là tướng vô sinh vô thường mà các ngoại đạo chẳng biết pháp đó sở dĩ chẳng sinh. Vậy nên họ phân biệt các pháp chẳng sinh nên nói rằng, vô thường.
Lại nữa, này Đại Tuệ! Ngoại đạo phân biệt pháp vô thường, cho là có vật. Những ngoại đạo đó tự tâm hư vọng phân biệt về vô thường, thường, chẳng phải vô thường, do có vật. Vì sao? Vì tự thể chẳng diệt vậy. Tự thể chẳng diệt là thể của vô thường, thường là chẳng diệt.
Này Đại Tuệ! Nếu pháp vô thường là có vật thì đáng lẽ sinh ra các pháp, do vô thường đó có thể làm nhân vậy. Này Đại Tuệ! Nếu tất cả pháp chẳng lìa khỏi vô thường thì các pháp có, không, tất cả lẽ ra phải thấy. Vì sao? Vì như gậy, cây, sành, đá là vật năng phá, sở phá đều bị phá hủy hết. Thấy vô số tướng kia khác nhau, vậy nên vô thường do tất cả pháp không là pháp, cũng chẳng phải nhân, cũng chẳng phải quả.
Này Đại Tuệ! Lại có các lỗi, do nhân quả kia không sai biệt mà chẳng được nói rằng, đây là vô thường mà kia là quả. Do nhân quả sai biệt nên chẳng được nói rằng, tất cả pháp là thường, do tất cả pháp không nhân.
Này Đại Tuệ! Các pháp có nhân mà các phàm phu chẳng hiểu, chẳng biết nhân khác chẳng thể sinh ra quả khác.
Này Đại Tuệ! Nếu nhân khác có thể sinh ra quả khác thì khác nhân nên sinh ra tất cả các pháp. Nếu vậy thì lại có lỗi, nên nhân quả sai biệt mà thấy sai biệt.
Này Đại Tuệ! Nếu vô thường ấy là có vật thì lẽ ra giống với việc có đối tượng tạo tác của nhân thể. Lại có lỗi nữa, ở trong một pháp lẽ ra đầy đủ tất cả các pháp do giống tất cả đối tượng tạo tác, nhân quả nghiệp tướng không sai biệt. Hoặc tự có là vô thường, vô thường có thể vô thường vậy. Hoặc tất cả các pháp vô thường lẽ ra thường hằng vậy. Hoặc nếu vô thường ấy đồng với các pháp thì rơi vào pháp ba đời.
Này Đại Tuệ! Sắc quá khứ đồng với vô thường nên đã diệt, pháp vị lai chưa sinh ra do đồng với sắc vô thường nên chẳng sinh ra, hiện tại có pháp chẳng lìa khỏi sắc. Do sắc cùng với tướng các Đại kia nương vào năm Đại, nương vào trần, vậy nên chẳng diệt, do những pháp đó chẳng lìa nhau.
Này Đại Tuệ! Tất cả ngoại đạo chẳng diệt các đại, ba cõi nương vào đại, nương vào vi trần… Vậy nên nương vào pháp đó nói rằng, sinh trụ diệt. Này Đại Tuệ! Lìa khỏi pháp này, lại không có các pháp như: bốn đại, các trần… do ngoại đạo kia kia hư vọng phân biệt, lìa khỏi tất cả pháp, lại có vô thường nên ngoại đạo nói rằng, các đại chẳng sinh chẳng diệt, do tướng tự thể thường hằng chẳng diệt vậy. Vậy nên họ nói, phát khởi việc làm mà giữa chừng chẳng làm thì gọi là vô thường. Các đại lại có sự phát khởi các đại, không có những dị tướng đồng tướng đó, chẳng có pháp sinh diệt. Do thấy các pháp chẳng sinh diệt mà ở nơi đó sinh ra trí vô thường.
Này Đại Tuệ! Sao gọi là hình tướng vô thường dừng nghỉ? Nghĩa là hình tường năng tạo, sở tạo, thấy hình tướng khác như dài, ngắn, chẳng phải các đại diệt mà thấy hình tướng các đại chuyển biến. Người đó rơi vào trong pháp Tăng-khư (Số luận).
Này Đại Tuệ! Hình tướng vô thường nghĩa là những người nào là sắc thì gọi là vô thường. Người đó thấy ở hình tường vô thường mà chẳng phải các đại chính là pháp vô thường. Nếu các đại vô thường thì tất cả các thế gian chẳng được bàn luận việc đời, rơi vào bè đảng tà kiến Lô-ca-da-đà, do nói là, tất cả pháp chỉ có danh.
Lại thấy các pháp do tướng tự thể sinh ra. Này Đại Tuệ! Chuyển biến vô thường nghĩa là thấy đủ loại tướng khác của các sắc, chẳng phải các đại chuyển biến. Ví như thấy vàng được làm thành vật trang sức thì hình tướng chuyển biến mà thể của vàng chẳng khác. Các pháp khác chuyển biến cũng lại như vậy. Này Đại Tuệ! Như vậy ngoại đạo hư vọng phân biệt thấy pháp vô thường.
Lửa chẳng thiêu đốt các đại, tự thể chẳng thiêu đốt, do tự thể các đại đó sai khác.
Này Đại Tuệ! Các ngoại đạo nói, nếu lửa có thể thiêu đốt các đại thì các đại đoạn diệt. Vậy nên chẳng thiêu đốt. Này Đại Tuệ! Ta nói đại và các trần chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Vì sao? Vì ta chẳng nói cảnh giới bên ngoài là có. Ta nói ba cõi chỉ là tự tâm, chẳng nói đủ loại tướng là có. Vậy nên nói rằng, chẳng sinh chẳng diệt, chỉ là nhân duyên bốn đại hòa hợp, chẳng phải đại và các trần là pháp thật có, do tâm hư vọng phân biệt hai pháp khả thủ và năng thủ. Có thể biết như thật hai loại phân biệt. Vậy nên, lìa khỏi tướng thấy có không bên ngoài, chỉ là tự tâm phân biệt tạo tác nghiệp, gọi là sinh nhưng nghiệp chẳng sinh do lìa khỏi tâm phân biệt có không vậy.
Này Đại Tuệ! Vì sao chẳng phải thường, chẳng phải không thường? Vì do có những pháp thế gian và xuất thế gian thượng thượng. Vậy nên chẳng được nói rằng, thường. Vì sao chẳng phải vô thường? Vì có thể hiểu biết chỉ là tự tâm phân biệt thấy. Vậy nên chẳng phải vô thường. Do các ngoại đạo rơi vào tà kiến, chấp trước hai bên, không biết tự tâm hư vọng phân biệt, chẳng phải các Thánh nhân phân biệt vô thường.
Này Đại Tuệ! Tất cả các pháp có ba loại. Những gì là ba?
- Thế gian pháp tướng.
- Xuất thế gian pháp tướng.
- Xuất thế gian thượng thượng thắng pháp tướng.
Do nương vào ngôn ngữ nói vô số pháp mà các phàm phu chẳng hiểu, chẳng biết.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:
Lìa tạo tác từ trước
Cùng với hình tướng khác
Gọi có vật vô thường
Ngoại đạo vọng phân biệt
Các pháp không có diệt
Các Đại trụ tự tánh
Rơi vào mọi kiến chấp
Ngoại đạo nói vô thường.
Các ngoại đạo kia nói
Các pháp chẳng diệt, sinh
Các đại thể tự thường
Thì pháp nào vô thường?
Cả thế gian do tâm
Mà tâm thấy hai cảnh
Pháp khả thủ, năng thủ
Pháp không ngã, ngã sở
Pháp ba cõi trên dưới
Ta nói, đều là tâm
Lìa khỏi các tâm pháp
Lại không thể nắm bắt.