KINH NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 7: PHÁP THÂN
Bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ bạch:
–Bạch Thế Tôn! Bạch Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri! Nguyện xin Như Lai diễn nói pháp nhận biết chứng đắc tự thân! Do những pháp gì gọi là Pháp thân, để con và tất cả các Bồ-tát… biết rõ tướng Pháp thân của Như Lai để tự thân và người khác đều không còn nghi hoặc.
Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:
–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông có điều nghi ngờ gì, cứ tùy ý thưa hỏi, ta sẽ vì ông phân biệt rõ.
Bồ-tát Đại Tuệ bạch:
–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Con xin lắng nghe và tin nhận. Bạch Thế Tôn! Pháp thân của Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri pháp tạo tác hay chẳng phải pháp tạo tác vậy? Chính là nhân hay chính là quả vậy? Là năng kiến hay là sở kiến vậy? Chính lời nói hay là đối tượng nói vậy? Chính là trí hay là sự biết của trí vậy? Những từ, cú như vậy… với Pháp thân Như Lai là khác hay chẳng khác vậy?
Đức Phật nói:
–Này Đại Tuệ! Tướng Pháp thân của Như Lai Ứng Chánh Biến Tri và những từ, cú như vậy… chẳng phải pháp tạo tác, chẳng phải pháp chẳng tạo tác, chẳng phải thân, quán pháp quả. Vì sao? Vì do nhị biên là có lỗi.
Này Đại Tuệ! Nếu nói rằng, Như Lai chính là pháp tạo tác tức là vô thường. Nếu vô thường thì tất cả tác pháp lẽ ra chính là Như Lai, mà Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri chẳng chấp nhận pháp này.
Này Đại Tuệ! Nếu Pháp thân của Như Lai chẳng phải là pháp tạo tác tức là không có thân nên nói rằng, có người tu hành vô lượng công đức và tất cả hạnh tức là hư vọng.
Này Đại Tuệ! Nếu chẳng tạo tác thì lẽ ra đồng với sừng thỏ, thạch nữ sinh con… Do không nhân tạo tác nên cũng không có thân vậy. Này Đại Tuệ! Nếu pháp chẳng phải nhân, chẳng phải quả, chẳng phải có, chẳng phải không mà thể của pháp đó lìa khỏi bốn tướng thì, này Đại Tuệ! Bốn pháp đó gọi là ngôn thuyết của thế gian. Này Đại Tuệ! Nếu pháp lìa khỏi bốn pháp thì pháp đó chỉ có danh tự như thạch nữ sinh con. Này Đại Tuệ! Thạch nữ sinh con… chỉ là pháp danh tự chương cú, nói đồng với bốn pháp. Nếu rơi vào bốn pháp thì bậc Trí chẳng chấp giữ. Như vậy, tất cả những câu về Như Lai, bậc Trí nên biết.
Đức Phật lại bảo Bồ-tát Đại Tuệ:
–Ta nói tất cả các pháp là vô ngã. Ông hãy lắng nghe nhiếp hóa của vô ngã. Phàm vô ngã thì nội thân vô ngã, vậy nên vô ngã. Này Đại Tuệ! Tất cả các pháp tự thân là có, thân người khác là không, tựa như trâu, ngựa. Này Đại Tuệ! Ví như thân trâu chẳng phải là thân ngựa, ngựa cũng chẳng phải trâu. Vậy nên, chẳng được nói có hay nói không mà tự thể của chúng chẳng phải là không vậy.
Này Đại Tuệ! Tất cả các pháp cũng lại như vậy, chẳng phải không thể tướng hay có tướng tự thể. Phàm phu ngu si chẳng biết thể tướng các pháp vô ngã, do tâm phân biệt, chẳng phải tâm chẳng phân biệt.
Này Đại Tuệ! Như vậy tất cả pháp trống không, tất cả pháp chẳng sinh, tất cả pháp không thể tướng cũng vậy.
Này Đại Tuệ! Pháp thân Như Lai cũng lại như vậy, ở trong năm ấm chẳng phải một, chẳng phải khác. Này Đại Tuệ! Pháp thân Như Lai với năm ấm là một tức là vô thường, do năm ấm chính là pháp tạo tác vậy. Này Đại Tuệ! Pháp thân Như Lai với năm ấm khác nhau tức là có hai pháp, chẳng đồng với thể tướng, như hai cái sừng con trâu tương tợ chẳng khác, dù thấy có hình thể riêng, dài ngắn hơi khác.
Này Đại Tuệ! Nếu như vậy thì tất cả các pháp lẽ ra không khác tướng nhưng lại có khác ướng như sừng trái con trâu khác sừng phải, sừng phải khác sừng trái. Như vậy tướng dài ngắn đối đãi đếu khác biệt. Như hình sắc đủ thứ đó đây sai biệt.
Này Đại Tuệ! Như vậy, tướng của Pháp thân Như Lai ở trong năm ấm chẳng thể nói một chẳng thể nói khác, ở trong giải thoát chẳng thể nói một chẳng thể nói khác, ở trong Niết-bàn chẳng thể nói một chẳng thể nói khác. Như vậy nương vào giải thoát nói tên tướng của Pháp thân Như Lai.
Này Đại Tuệ! Nếu Pháp thân Như Lai khác giải thoát thì đồng với sắc tướng là vô thường. Nếu Pháp thân Như Lai chẳng khác giải thoát tức là không sai biệt về năng chứng, sở chứng.
Này Đại Tuệ! Nhưng người tu hành lại thấy có năng chứng và cả sở chứng. Vậy nên chẳng phải một. Này Đại Tuệ! Như vậy biết đối với cảnh giới đối tượng nhận biết chẳng phải một, chẳng phải khác. Này Đại Tuệ! Nếu pháp chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, chẳng phải giác, chẳng phải bất giác, chẳng phải năng kiến, chẳng phải khả kiến, chẳng phải lìa khỏi ấm, giới nhập, chẳng phải từ là ấm giới nhập, chẳng phải danh, chẳng phải cảnh giới, chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải đồng, chẳng phải chẳng đồng, chẳng phải tương tục, chẳng phải chẳng tương tục… vượt qua tất cả các pháp. Nếu vượt qua các pháp thì chỉ có cái tên ấy thôi. Nếu chỉ có tên thì pháp đó chẳng sinh ra. Do chẳng sinh ra nên pháp đó chẳng diệt. Do chẳng diệt nên pháp đó bình đẳng như hư không.
Này Đại Tuệ! Hư không chẳng phải nhân, chẳng phải quả! Nếu pháp chẳng phải nhân, chẳng phải quả thì pháp đó chẳng thể quan sát, mà chẳng thể quan sát thì pháp đó vượt qua tất cả những hý luận. Nếu vượt qua tất cả các hý luận thì pháp đó gọi là Pháp thân Như Lai. Này Đại Tuệ! Đó gọi là tướng của Pháp thân Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, do vượt qua tất cả cảnh giới các căn vậy.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:
Lìa các pháp và căn
Không quả cũng không nhân
Đã lìa giác, sở giác
Năng, khả kiến lìa luôn
Năm ấm và các duyên
Phật không thấy có pháp
Nếu không thấy có pháp
Làm sao mà phân biệt?
Chẳng tác, chẳng không tác
Không quả cũng không nhân
Chẳng ấm, chẳng lìa ấm
Cũng chẳng trụ nơi khác.
Những tâm nào phân biệt
Phân biệt chẳng thấy được
Pháp đó chẳng phải không
Các pháp, pháp tự nhiên
Trước có nên nói không
Trước không nên nói có
Vậy nên chẳng nói không
Cũng chẳng được nói có
Mê theo ngã, vô ngã
Chỉ chấp trước âm thanh
Đó rơi vào nhị biên
Vọng nói thế gian hoại
Lìa khỏi tất cả lỗi
Thì thấy được pháp ta.
Đó gọi là chánh kiến
Chẳng phỉ báng Thế Tôn.
Bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:
–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn vì con giải nói! Nguyện xin Đấng Thiện Thệ vì con giải nói! Đức Như Lai ở đâu cũng nói rằng, các pháp chẳng sinh chẳng diệt.
Bạch Thế Tôn! Thế Tôn lại nói rằng, chẳng sinh chẳng diệt gọi là Pháp thân của Như Lai, nên nói chẳng sinh chẳng diệt.
Bạch Thế Tôn! Như Lai nói rằng, chẳng sinh chẳng diệt, vì không có pháp nên gọi chẳng sinh chẳng diệt. Vì Như Lai khác gọi chẳng sinh chẳng diệt mà Phật Như Lai thường nói, các pháp chẳng sinh chẳng diệt do lìa khỏi pháp kiến lập có không vậy.
Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp chẳng sinh thì đây chẳng được nói rằng, tất cả pháp, do tất cả pháp chẳng sinh. Nếu nương vào pháp khác có danh này thì xin Thế Tôn giảng nói cho con.
Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:
–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe, lắng nghe! Ta sẽ vì ông giải nói.
Bồ-tát Đại Tuệ bạch:
–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Vâng con xin lắng nghe và tin nhận!
Đức Phật nói:
–Này Đại Tuệ! Pháp thân Như Lai chẳng phải là không vật chất, cũng chẳng phải là tất cả pháp chẳng sinh chẳng diệt, cũng chẳng được nói rằng, nường vào nhân duyên mà có, cũng chẳng phải hư vọng nói chẳng sinh chẳng diệt.
Này Đại Tuệ! Ta thường nói rằng, chẳng sinh chẳng diệt thì gọi là Ý sinh thân. Pháp thân Như Lai chẳng phải là cảnh giới của các ngoại đạo, Thanh văn, Bích-chi-phật, cũng chẳng phải cảnh giới của Bồ-tát trụ ở Địa thứ bảy.
Này Đại Tuệ! Ta nói chẳng sinh chẳng diệt tức là tên khác của Như Lai. Này Đại Tuệ! Ví như Thích Đề-hoàn Nhân, Đế Thích, Bấtlan-đà-la, thủ trảo, thân thể, địa, phù di, hư không, vô ngại… những danh hiệu như vậy, tên gọi thì khác mà nghĩa chỉ một, chẳng nương vào nhiều danh hiệu mà nói rằng, có nhiều thể Đế Thích!
Này Đại Tuệ! Ta cũng như vậy, ở trong thế giới Ta-bà với ba trăm ngàn ức danh hiệu, phàm phu tuy nói mà chẳng biết là danh hiệu khác của Như Lai.
Này Đại Tuệ! Hoặc có chúng sinh biết Như Lai, có người biết Tự Tại, có người biết Nhất Thiết Trí, có người biết Đấng Cứu Thế, có người biết là Đấng Đạo Sư, có người biết là bậc Tướng, có người biết là bậc Thắng, có người biết bậc Vi diệu, có người biết là đấng Thế Tôn, có người biết là Đức Phật, có người biết là Ngưu Vương, có người biết là Sư Tử, có người biết là Tiên nhân, có người biết là đấng Phạm, có người biết là Na-la-diên, có người biết là bậc Thắng, có người biết là Ca-tỳ-la, có người biết là bậc Cứu Cánh, có người biết A-lị-sấc-ni-di, có người biết là mặt trăng, có người biết là mặt trời, có người biết là Bà-lâu-na, có người biết là Tỳ-gia-ta, có người biết là Đế Thích, có người biết là bậc Lực, có người biết là Biển, có người biết là bậc chẳng sinh, có người biết là bậc chẳng diệt, có người biết là đấng Không, có người biết là Chân Như, có người biết là Thật Tế, có người biết là Niết-bàn, có người biết là Pháp giới, có người biết là Pháp tánh, có người biết là đấng Thường Hằng, có người biết là bậc Bình Đẳng, có người biết là đấng Bất Nhị, có người biết là Vô Tướng, có người biết là Duyên, có người biết là Phật thể, có người biết là Nhân, có người biết là giải thoát, có người biết là Đạo, có người biết là Thật Đế, có người biết là Nhất Thiết Trí, có người biết là Ý sinh thân… Này Đại Tuệ! Vô số những danh hiệu Như Lai Ứng Chánh Biến Tri như vậy ở trong thế giới Ta-bà và các thế giới khác, ba trăm ngàn ức danh hiệu chẳng thêm chẳng bớt mà chúng sinh đều biết, như vầng trăng trong nước, chẳng vào chẳng ra mà các phàm phu chẳng hay chẳng biết, do rơi vào trong pháp nhị biên tương tục, nhưng họ đều cung kính cúng dường ta, chẳng thể hiểu rõ được danh tự, câu nghĩa, thủ đắc tướng sai biệt, chẳng thể tự biết, chấp trước danh tự nên hư vọng phân biệt, chẳng sinh chẳng diệt gọi là Không có pháp, mà chẳng biết đó là tướng sai biệt của danh hiệu Như Lai, như Nhân Đà-la, Đế Thích, Vương, Bất-lan-đà-la… Do chẳng thể quyết định danh hiệu chân thật mà thuận theo danh tự âm thanh chấp giữ pháp cũng lại như vậy.
Này Đại Tuệ! Vào đời vị lai, phàm phu ngu si nói lời như vầy: “Nghĩa cũng giống như danh vậy” mà họ chẳng biết khác danh có nghĩa. Vì sao? Vì do nghĩa không có thể tướng. Họ lại nói lời này: “Chẳng khác danh tự âm thanh có nghĩa, mà danh tự âm thanh tức là nghĩa. Vì sao? Vì họ chẳng biết thể tướng của danh tự.
Này Đại Tuệ! Người ngu si kia chẳng biết âm thanh tức là sinh, tức là diệt, còn nghĩa thì chẳng sinh diệt.
Này Đại Tuệ! Tánh của âm thanh rơi vào danh tự mà nghĩa thì chẳng đồng rơi vào danh tự, do lìa khỏi có không nên vô sinh, vô thể.
Này Đại Tuệ! Như Lai nói pháp nương vào tiếng của mình mà nói, chẳng thấy các chữ là có không nên chẳng chấp trước danh tự. Này Đại Tuệ! Nếu người chấp trước danh tự mà nói thì người đó chẳng gọi là người nói pháp giỏi. Vì sao? Vì pháp không danh tự vậy.
Này Đại Tuệ! Vậy nên trong kinh ta nói, các Đức Phật Như Lai thậm chí chẳng nói một chữ, chẳng thị hiện một danh. Vì sao? Vì các pháp không có chữ, nương vào nghĩa không mà nói, nương vào phân biệt mà nói vậy.
Này Đại Tuệ! Nếu chẳng nói pháp thì pháp luân của các Đức Phật Như Lai sẽ đoạn diệt. Pháp luân đoạn diệt thì cũng không có Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát mà không có Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát thì vì những người nào? Nói những pháp gì? Những việc gì? Này Đại Tuệ! Vậy nên Đại Bồ-tát chẳng nên chấp trước lời nói, danh tự. Này Đại Tuệ! Danh tự chương cú chẳng phải là pháp cố định, nương vào tâm của chúng sinh mà nói. Các Đức Phật Như Lai tùy theo niềm tin của chúng sinh mà nói các pháp. Vì khiến cho họ xa lìa tâm, ý, ý thức nên chẳng nói Tự thân chứng đắc Thánh trí kiến lập các pháp, khiến cho họ có thể biết như thật tất cả tướng tịch tĩnh của các pháp, chỉ thấy tự tâm biết rõ các pháp, lìa khỏi hai tướng phân biệt của tâm… các Đức Phật chẳng nói như vậy.
Này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát nương vào nghĩa chẳng nương vào lời nói. Nếu thiện nam, thiện nữ tùy theo văn tự mà nói thì rơi vào tà kiến, tự thân hoại mất Đệ nhất nghĩa đế, cũng hủy hoại người khác, khiến cho họ, chẳng thể nhận biết.
Này Đại Tuệ! Các ngoại đạo… đều nương vào luận của mình và kiến chấp khác mà nói năng.
Này Đại Tuệ! Ông nên biết rõ tướng của tất cả Địa, biết rõ biện tài giảng nói, văn chương, từ cú. Biết rõ tướng của tất cả các Địa rồi, ông tiến đến nắm giữ biện tài nhạo thuyết về danh cú, biết rõ nghĩa tướng tương ưng của các pháp. Bấy giờ, tự thân đối với niềm vui pháp vô tướng mà nhận lấy an lạc, trụ ở trong Đại thừa, khiến cho chúng sinh biết rõ.
Này Đại Tuệ! Giữ gìn Đại thừa thì tức là hộ trì các Đức Phật, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Hộ trì các Đức Phật, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát là ủng hộ tất cả chúng sinh. Ủng hộ tất cả chúng sinh là giữ gìn pháp tạng thù thắng vi diệu. Giữ gìn pháp tạng tức là chẳng gián đoạn Phật chủng. Chẳng gián đoạn Phật chủng thì chẳng đoạn tất cả chỗ sinh ra thù thắng vi diệu. Do chỗ thù thắng đó là nơi các Bồ-tát nguyện sinh ra, để gặp các chúng sinh trong pháp Đại thừa, với mười Lực tự tại, tùy theo hình sắc của các chúng sinh và các sử, có thể tùy theo đó để ứng hiện nói pháp như thật.
Này Đại Tuệ! Pháp như thật là gì? Như thật pháp là chẳng khác, chẳng sai biệt, chẳng chấp giữ, chẳng bỏ, lìa khỏi các hý luận. Đó gọi là Pháp như thật.
Này Đại Tuệ! Thiện nam, thiện nữ chẳng nên chấp trước văn tự, âm thanh, do tất cả pháp không có văn tự.
Này Đại Tuệ! Ví như có người vì chỉ vật cho người, dùng ngón tay chỉ bày mà người ngu liền chấp trước ngón tay, chẳng nương theo ngón tay để lấy vật được chỉ bày.
Này Đại Tuệ! Phàm phu ngu si cũng lại như vậy, Thanh văn chấp trước “ngón tay” văn tự, cho đến chết cũng chẳng thể bỏ “ngón tay” văn tự để nắm giữ Đệ nhất nghĩa.
Này Đại Tuệ! Ví như lúa gạo gọi là thức ăn của phàm phu mà chẳng giã, chẳng thổi nấu thì chẳng thể ăn được. Nếu lúa gạo ấy, có người chưa làm thành đồ ăn mà ăn thì gọi là điên cuồng, cần phải theo thứ lớp… cho đến thổi nấu chín mới thành đồ ăn được.
Này Đại Tuệ! Chẳng sinh chẳng diệt cũng lại như vậy, chẳng tu hạnh phương tiện trí khéo léo thì chẳng được Pháp thân đầy đủ sự trang nghiêm.
Này Đại Tuệ! Người chấp trước danh tự để nói được nghĩa thì như người ngu si kia chẳng biết giã, thổi, nấu mà nuốt lấy những “hạt thóc” văn tự, chẳng được “món ăn” nghĩa. Do ý nghĩa này nên phải học đến nghĩa, chớ chấp trước văn tự.
Này Đại Tuệ! Sở dĩ nói nghĩa là gọi Niết-bàn, nói danh tự là tướng phân biệt, trói buộc sinh ra lý giải của thế gian.
Này Đại Tuệ! Nghĩa là từ nơi người học rộng hiểu nhiều mà được.
Này Đại Tuệ! Nói học rộng hiểu nhiều là gọi phương tiện khéo léo của nghĩa, chẳng phải phương tiện khéo léo của âm thanh.
Này Đại Tuệ! Nghĩa phương tiện thì lìa khỏi tất cả tà thuyết của ngoại đạo, cũng chẳng hòa lẫn vào nhau. Nói như vậy thì tự thân chẳng rơi vào pháp tà của ngoại đạo. Này Đại Tuệ! Đó gọi là học rộng hiểu nhiều có nghĩa phương tiện.
Này Đại Tuệ! Muốn hiểu được nghĩa thì nên thân cận bậc Trí học rộng hiểu nhiều cúng dường cung kính. Những ai chấp trước danh tự thì nên lìa xa, chẳng nên gần gũi.
Bấy giờ, Bồ-tát Đại Tuệ nương thần lực chư Phật mà bạch:
–Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Thế Tôn nói, tất cả pháp chẳng sinh chẳng diệt chẳng phải là đặc biệt kỳ lạ. Vì sao? Vì tất cả ngoại đạo cũng nói, các nhân chẳng sinh chẳng diệt. Đức Như Lai cũng nói, hư không, chẳng phải sô duyên diệt và cõi Niết-bàn chẳng sinh chẳng diệt.
Bạch Thế Tôn! Các ngoại đạo cũng nói, nương vào các nhân duyên sinh ra các chúng sinh. Đức Như Lai cũng nói, nghiệp vô, minh, ái nhân duyên phân biệt sinh ra các thế gian. Nếu vậy, Đức Như Lai cũng nói tướng nhân duyên danh tự khác nhau, nương vào nhân duyên bên ngoài có thể sinh ra các pháp. Ngoại đạo cũng nói, nương vào nhân duyên bên ngoài mà sinh ra các pháp. Vậy nên, Đức Như Lai cùng với ngoại đạo nói không có sai biệt.
Bạch Thế Tôn! Ngoại đạo nhân vi trần, thắng nghĩa căn, Tự tại thiên, Phạm thiên… cùng với chín loại nhân duyên bên ngoài mà nói rằng, các pháp chẳng sinh chẳng diệt. Đức Như Lai cũng nói, tất cả các pháp chẳng sinh chẳng diệt, có, không chẳng thể nắm bắt, do bốn đại chẳng diệt. Tự tướng chẳng sinh chẳng diệt, theo như Đức Phật Như Lai nói có đủ loại khác nhau mà chẳng lìa khỏi lời nói của ngoại đạo, các ngoại đạo cũng nói, các Đại chẳng lìa khỏi Đại thể. Bạch Thế Tôn! Các ngoại đạo phân biệt các đại, Như Lai cũng phân biệt các đại như vậy. Do nghĩa này nên lời nói của Đức Như Lai chẳng khác ngoại đạo. Nếu chẳng đồng thì Đức Như Lai lẽ ra nói có tướng khác. Nếu có tướng khác thì sẽ biết chẳng đồng với lời nói của ngoại đạo.
Bạch Thế Tôn! Nếu Phật Như Lai ở trong pháp của mình chẳng nói tướng thù thắng thì trong các ngoại đạo lẽ ra cũng có Phật, do nói các pháp chẳng sinh chẳng diệt. Đức Như Lai thường nói trong một thế giới mà có nhiều Đức Phật cùng ra đời thì không có điều này. Nhưng theo lời nói trên thì trong một thế giới đáng lý có nhiều Đức Phật. Vì sao? Vì đã nói có nhân, không nhân đều không sai khác vậy. Như lời Phật nói không hư dối thì tại sao, ở trong pháp của mình, Thế Tôn chẳng nói lên tướng thù thắng.
Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:
–Này Đại Tuệ! Ta nói “pháp chẳng sinh chẳng diệt” chẳng đồng với chẳng sinh chẳng diệt của ngoại đạo, cũng chẳng đồng với pháp vô thường chẳng sinh kia. Vì sao? Này Đại Tuệ! Vì các ngoại đạo nói có thể tánh thật có, chẳng sinh, chẳng biến tướng, còn ta thì chẳng rơi vào trong nhóm bè đảng có, không như vậy.
Này Đại Tuệ! Lời ta nói lìa khỏi pháp có không, lìa khỏi tường sinh, trụ, diệt, chẳng phải có, chẳng phải không, thấy tất cả đủ loại sắc tượng như huyễn như mộng. Vậy nên chẳng được nói điều ấy là có hay không.
Này Đại Tuệ! Tại sao chẳng được nói điều ấy có hay không? Nghĩa là thể tướng của sắc có thấy hay chẳng thấy, có thủ chấp hay chẳng thủ chấp vậy. Này Đại Tuệ! Vậy nên, ta nói tất cả các pháp chẳng phải có chẳng phải không.
Này Đại Tuệ! Do chẳng hiểu biết, chỉ là tự tâm phân biệt sinh ra kiến chấp. Tất cả các pháp thế gian xưa nay chẳng sinh diệt mà các phàm phu sinh ra phân biệt, chẳng phải Thánh nhân vậy.
Này Đại Tuệ! Tâm mê hoặc phân biệt nghĩa chẳng thật thì ví như phàm phu thấy thành Càn-thát-bà, thấy nhà ảo thuật tạo tác vô số người huyễn đủ loại voi ngựa…, thấy những thứ ấy vào ra mà hư vọng phân biệt nói lời như vầy: “Những thứ này vào như vầy… như vầy…, ra như vầy… như vầy…” Này Đại Tuệ! Nhưng chỗ ấy thật không người ra, vào chỉ là tự tâm thấy mê hoặc phân biệt, pháp sinh hay pháp chẳng sinh cũng lại như vậy.
Này Đại Tuệ! Nhưng ở đó thật không có điều này, là không, là các pháp, như việc tạo tác việc huyễn của nhà ảo thuật kia, mà nhà huyễn thuật kia chẳng sinh chẳng diệt.
Này Đại Tuệ! Các pháp có không cũng không có đối tượng để tạo ra do lìa khởi sinh diệt vậy. Chỉ những phàm phu rơi vào tâm điên đảo phân biệt sinh diệt, chẳng phải là Thánh nhân.
Này Đại Tuệ! Điên đảo thì như tâm phân biệt pháp này thì như vậy, như vậy, pháp kia thì chẳng như vậy, như vậy… cũng chẳng phải điên đảo mà phân biệt điên đảo thì chấp trước các pháp là có, là không, chẳng phải thấy tịch tĩnh vậy. Chẳng thấy tịch tĩnh thì chẳng thể xa lìa hư vọng phân biệt.
Vậy nên, này Đại Tuệ! Thấy tịch tĩnh thì gọi là tướng thù thắng, chẳng phải thấy các tướng thì gọi là tướng thù thắng, do chẳng thể đoạn tướng sinh nhân. Này Đại Tuệ! Nói vô tướng là xa lìa tất cả các tâm phân biệt. Vô sinh, vô tướng thì chính là điều ta nói, gọi là Niếtbàn.
Này Đại Tuệ! Nói Niết-bàn nghĩa là thấy được trụ xứ như thật của các pháp, xa lìa tâm phân biệt, tâm số pháp, nương theo thứ tự như thật tu hành đối với sự chứng đắc Thánh trí tự thân. Ta nói như vậy gọi là Niết-bàn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:
Vì ngăn các pháp sinh
Kiến lập pháp vô sinh
Ta nói pháp không nhân.
Phàm phu chẳng thể biết.
Ta nói pháp không nhân
Mà phàm phu chẳng biết
Tất cả pháp chẳng sinh
Cũng chẳng được nói không.
Càn-thát-bà, mộng, huyễn
Các pháp không có nhân
Các pháp không, vô tướng.
Làm sao ta giảng nói?
Lìa các duyên hòa hợp
Trí tuệ chẳng thể thấy
Do không vốn chẳng sinh
Vậy nên nói vô thể
Mỗi một duyên hòa hợp
Thấy vật chẳng nắm bắt
Ngoại đạo không thể thấy
Hòa hợp chẳng nắm bắt.
Mộng, huyễn và vầng sáng.
Càn-thát-bà loáng nắng
Vọng thấy mà không nhân
Việc thế gian cũng vậy.
Hàng phục luận không nhân
Thì thành nghĩa vô sinh
Có thể thành vô sinh
Thì pháp ta chẳng diệt.
Nói các luận vô nhân
Ngoại đạo sinh kinh sợ:
Tại sao những người nào?
Nhân gì? Ở đâu thế?
Sinh các pháp vô nhân
Chẳng nhân, chẳng vô nhân
Bậc trí nếu thấy được
Xa lìa thấy diệt, sinh.
Không pháp sinh, chẳng sinh
Là không tướng nhân duyên.
Nếu là pháp danh tự
Là ta nói Vô nghĩa
Chẳng sinh pháp có không
Cũng chẳng có nhân duyên
Pháp trước chẳng có danh
Danh cũng chẳng phải không
Phi cảnh giới Thanh văn
Bích-chi-phật, ngoại đạo
Và bậc trụ Thất địa
Chỗ đó không tướng sinh.
Lìa các pháp nhân duyên
Vì ngăn các nhân duyên.
Nói kiến lập duy tâm
Ta nói tên không sinh
Các pháp không nhân duyên
Lìa phân biệt phân biệt
Lìa bè đảng có không
Ta nói tên không sinh
Tâm xa lìa chấp pháp
Lìa khỏi hai pháp thể
Chuyển thân nương chánh tướng.
Ta nói tên vô sinh.
Ngoài phi thật, không thật.
Chẳng có tâm chấp thủ
Huyễn, mộng và vầng sáng
Càn-thát-bà loáng nắng
Xa lìa các kiến chấp
Gọi là tướng Vô sinh
Như vậy những pháp không…
Nên biết những văn cú
Chẳng sinh và không không
Mà không ở sinh không
Các nhân duyên hòa hợp
Có diệt và có sinh
Xa lìa các nhân duyên
Chẳng diệt cũng chẳng sinh
Lìa nhân duyên, không pháp
Lìa hòa hợp không thành.
Ngoại đạo vọng phân biệt
Đều thấy có một, khác
Có không chẳng pháp sinh
Chẳng nắm bắt có không
Chỉ các pháp hòa hợp
Mà thấy có diệt, sinh.
Và có ở danh tự
Đắp đổi làm gông cùm
Lìa nhân duyên xiềng xích
Sinh pháp chẳng thể thành.
Pháp sinh chẳng thấy sinh
Lìa khỏi lỗi ngoại đạo
Ta nói duyên xiềng xích
Phàm phu chẳng biết thông.
Nếu lìa duyên xiềng xích
Không có pháp phân biệt
Tức là không nhân duyên
Phá nghĩa duyên trói buộc
Như đèn hiển hình tượng
Xiềng xích sinh cũng vậy
Nếu xa lìa xiềng xích
Lại có các pháp sinh.
Pháp sinh vốn không thể
Tự tánh như hư không
Lìa xiềng xích cầu pháp
Người ngu không biết rõ.
Lại có vô sinh khác
Pháp Thánh nhân chứng đắc
Pháp sinh, vô sinh đó
Là pháp Nhẫn vô sinh.
Nếu thấy các thế gian
Tức là thấy xiềng xích
Tất cả đều trói buộc
Vậy là định được tâm.
Vô minh và nghiệp ái…
Là xiềng xích bên trong
Dùi, trục, bùn, bánh xe
Chủng tử xiềng xích lớn.
Nếu lại có pháp khác
Mà sinh từ nhân duyên
Lìa khỏi nghĩa xiềng xích
Đó chẳng trụ Thánh giáo.
Nếu pháp sinh là không
Ai là người trói buộc
Đắp đổi mà sinh ra
Đó gọi nghĩa nhân duyên.
Pháp cứng, ẩm, nóng, động
Phàm phu sinh phân biệt
Lìa buộc lại không pháp
Vậy nên nói không thể.
Như thuốc trị mọi bệnh
Tùy bệnh mà chữa trị
Bàn luận không sai biệt
Bệnh khác nên thuốc khác.
Ta nghĩ các chúng sinh
Bị nhiễm lỗi phiền não
Biết căn, lực sai biệt
Theo sức nhận mà nói.
Pháp ta không sai biệt
Tùy căn bệnh nói khác
Pháp ta chỉ Nhất thừa
Tám Thánh đạo thanh tịnh.