KINH NHẬP LĂNG GIÀ

Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 7

Phẩm 8: VÔ THƯỜNG

Bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Đức Thế Tôn nói vô thường thì tất cả ngoại đạo cũng nói vô thường. Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai nương vào danh tự, chương cú nói lời như vầy, các hạnh vô thường là pháp sinh diệt. Bạch Thế Tôn! Pháp này là chân thật hay là hư vọng? Bạch Thế Tôn! Lại có bao nhiêu loại vô thường?

Đức Phật bảo Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Tất cả ngoại đạo hư vọng phân biệt có tám loại vô thường. Những gì là tám?

  1. Phát khởi việc làm mà chẳng làm. Đó gọi là vô thường. Sao gọi là phát khởi? Nghĩa là pháp sinh, pháp bất sinh, pháp thường pháp vô thường gọi là phát khởi vô thường.
  2. Hình tướng dừng nghỉ gọi là vô thường.
  3. Sắc… tức là vô thường.
  4. Sắc chuyển biến nên sai khác là vô thường, các pháp nối tiếp nhau tự nhiên mà diệt như sữa, chuyển biến thành sữa đặc. Đối với tất cả pháp chẳng thấy sự chuyền biến ấy cũng chẳng thấy diệt thì gọi là vô thường.
  5. Lại có ngoại đạo khác… do không có vật nên gọi là vô thường.
  6. Có pháp, không pháp đều là vô thường, do tất cả pháp vốn chẳng sinh nên gọi là vô thường. Do pháp vô thường hòa hợp trong đó chính là vô thường.
  7. Lại có ngoại đạo khác… cho rằng, vốn không sau lại có gọi là nvô thường. Nghĩa là nương vào sự diệt tướng sinh của các Đại, chẳng thấy sự sinh ấy lìa khỏi thể nối tiếp nhau thì gọi là vô thường.
  8. Chẳng sinh vô thường. Nghĩa là chẳng phải thường chính là vô thường. Thấy các pháp có không, sinh chẳng sinh… cho đến quán sát bụi trần chẳng thấy pháp sinh nên nói rằng chẳng sinh, các pháp chẳng phải sinh. Này Đại Tuệ! Đó gọi là tướng vô sinh vô thường mà các ngoại đạo chẳng biết pháp đó sở dĩ chẳng sinh. Vậy nên họ phân biệt các pháp chẳng sinh nên nói rằng, vô thường.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Ngoại đạo phân biệt pháp vô thường, cho là có vật. Những ngoại đạo đó tự tâm hư vọng phân biệt về vô thường, thường, chẳng phải vô thường, do có vật. Vì sao? Vì tự thể chẳng diệt vậy. Tự thể chẳng diệt là thể của vô thường, thường là chẳng diệt.

Này Đại Tuệ! Nếu pháp vô thường là có vật thì đáng lẽ sinh ra các pháp, do vô thường đó có thể làm nhân vậy. Này Đại Tuệ! Nếu tất cả pháp chẳng lìa khỏi vô thường thì các pháp có, không, tất cả lẽ ra phải thấy. Vì sao? Vì như gậy, cây, sành, đá là vật năng phá, sở phá đều bị phá hủy hết. Thấy vô số tướng kia khác nhau, vậy nên vô thường do tất cả pháp không là pháp, cũng chẳng phải nhân, cũng chẳng phải quả.

Này Đại Tuệ! Lại có các lỗi, do nhân quả kia không sai biệt mà chẳng được nói rằng, đây là vô thường mà kia là quả. Do nhân quả sai biệt nên chẳng được nói rằng, tất cả pháp là thường, do tất cả pháp không nhân.

Này Đại Tuệ! Các pháp có nhân mà các phàm phu chẳng hiểu, chẳng biết nhân khác chẳng thể sinh ra quả khác.

Này Đại Tuệ! Nếu nhân khác có thể sinh ra quả khác thì khác nhân nên sinh ra tất cả các pháp. Nếu vậy thì lại có lỗi, nên nhân quả sai biệt mà thấy sai biệt.

Này Đại Tuệ! Nếu vô thường ấy là có vật thì lẽ ra giống với việc có đối tượng tạo tác của nhân thể. Lại có lỗi nữa, ở trong một pháp lẽ ra đầy đủ tất cả các pháp do giống tất cả đối tượng tạo tác, nhân quả nghiệp tướng không sai biệt. Hoặc tự có là vô thường, vô thường có thể vô thường vậy. Hoặc tất cả các pháp vô thường lẽ ra thường hằng vậy. Hoặc nếu vô thường ấy đồng với các pháp thì rơi vào pháp ba đời.

Này Đại Tuệ! Sắc quá khứ đồng với vô thường nên đã diệt, pháp vị lai chưa sinh ra do đồng với sắc vô thường nên chẳng sinh ra, hiện tại có pháp chẳng lìa khỏi sắc. Do sắc cùng với tướng các Đại kia nương vào năm Đại, nương vào trần, vậy nên chẳng diệt, do những pháp đó chẳng lìa nhau.

Này Đại Tuệ! Tất cả ngoại đạo chẳng diệt các đại, ba cõi nương vào đại, nương vào vi trần… Vậy nên nương vào pháp đó nói rằng, sinh trụ diệt. Này Đại Tuệ! Lìa khỏi pháp này, lại không có các pháp như: bốn đại, các trần… do ngoại đạo kia kia hư vọng phân biệt, lìa khỏi tất cả pháp, lại có vô thường nên ngoại đạo nói rằng, các đại chẳng sinh chẳng diệt, do tướng tự thể thường hằng chẳng diệt vậy. Vậy nên họ nói, phát khởi việc làm mà giữa chừng chẳng làm thì gọi là vô thường. Các đại lại có sự phát khởi các đại, không có những dị tướng đồng tướng đó, chẳng có pháp sinh diệt. Do thấy các pháp chẳng sinh diệt mà ở nơi đó sinh ra trí vô thường.

Này Đại Tuệ! Sao gọi là hình tướng vô thường dừng nghỉ? Nghĩa là hình tường năng tạo, sở tạo, thấy hình tướng khác như dài, ngắn, chẳng phải các đại diệt mà thấy hình tướng các đại chuyển biến. Người đó rơi vào trong pháp Tăng-khư (Số luận).

Này Đại Tuệ! Hình tướng vô thường nghĩa là những người nào là sắc thì gọi là vô thường. Người đó thấy ở hình tường vô thường mà chẳng phải các đại chính là pháp vô thường. Nếu các đại vô thường thì tất cả các thế gian chẳng được bàn luận việc đời, rơi vào bè đảng tà kiến Lô-ca-da-đà, do nói là, tất cả pháp chỉ có danh.

Lại thấy các pháp do tướng tự thể sinh ra. Này Đại Tuệ! Chuyển biến vô thường nghĩa là thấy đủ loại tướng khác của các sắc, chẳng phải các đại chuyển biến. Ví như thấy vàng được làm thành vật trang sức thì hình tướng chuyển biến mà thể của vàng chẳng khác. Các pháp khác chuyển biến cũng lại như vậy. Này Đại Tuệ! Như vậy ngoại đạo hư vọng phân biệt thấy pháp vô thường.

Lửa chẳng thiêu đốt các đại, tự thể chẳng thiêu đốt, do tự thể các đại đó sai khác.

Này Đại Tuệ! Các ngoại đạo nói, nếu lửa có thể thiêu đốt các đại thì các đại đoạn diệt. Vậy nên chẳng thiêu đốt. Này Đại Tuệ! Ta nói đại và các trần chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Vì sao? Vì ta chẳng nói cảnh giới bên ngoài là có. Ta nói ba cõi chỉ là tự tâm, chẳng nói đủ loại tướng là có. Vậy nên nói rằng, chẳng sinh chẳng diệt, chỉ là nhân duyên bốn đại hòa hợp, chẳng phải đại và các trần là pháp thật có, do tâm hư vọng phân biệt hai pháp khả thủ và năng thủ. Có thể biết như thật hai loại phân biệt. Vậy nên, lìa khỏi tướng thấy có không bên ngoài, chỉ là tự tâm phân biệt tạo tác nghiệp, gọi là sinh nhưng nghiệp chẳng sinh do lìa khỏi tâm phân biệt có không vậy.

Này Đại Tuệ! Vì sao chẳng phải thường, chẳng phải không thường? Vì do có những pháp thế gian và xuất thế gian thượng thượng. Vậy nên chẳng được nói rằng, thường. Vì sao chẳng phải vô thường? Vì có thể hiểu biết chỉ là tự tâm phân biệt thấy. Vậy nên chẳng phải vô thường. Do các ngoại đạo rơi vào tà kiến, chấp trước hai bên, không biết tự tâm hư vọng phân biệt, chẳng phải các Thánh nhân phân biệt vô thường.

Này Đại Tuệ! Tất cả các pháp có ba loại. Những gì là ba?

  1. Thế gian pháp tướng.
  2. Xuất thế gian pháp tướng.
  3. Xuất thế gian thượng thượng thắng pháp tướng.

Do nương vào ngôn ngữ nói vô số pháp mà các phàm phu chẳng hiểu, chẳng biết.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Lìa tạo tác từ trước
Cùng với hình tướng khác
Gọi có vật vô thường
Ngoại đạo vọng phân biệt
Các pháp không có diệt
Các Đại trụ tự tánh
Rơi vào mọi kiến chấp
Ngoại đạo nói vô thường.
Các ngoại đạo kia nói
Các pháp chẳng diệt, sinh
Các đại thể tự thường
Thì pháp nào vô thường?
Cả thế gian do tâm
Mà tâm thấy hai cảnh
Pháp khả thủ, năng thủ
Pháp không ngã, ngã sở
Pháp ba cõi trên dưới
Ta nói, đều là tâm
Lìa khỏi các tâm pháp
Lại không thể nắm bắt.

 

Phẩm 9: NHẬP ĐẠO

Lúc Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con nói về tướng thứ lớp nhập định Diệt tận của tất cả các Bồ-tát, Thanh văn, Bích-chiphật, con và tất cả các Bồ-tát… nếu được biết rõ tướng thứ lớp nhập vào định Diệt tận và phương tiện khéo léo thì chẳng rơi vào niềm vui Tam-muội Tam-ma-bạt-đề định Diệt tận của Thanh văn, Bích-chiphật, chẳng rơi vào pháp mê hoặc của Thanh văn, Bích-chi-phật và ngoại đạo.

Đức Phật bảo Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe, lắng nghe! Ta sẽ vì ông giải nói.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Thưa vâng, con xin lắng nghe và tin nhận!

Đức Phật dạy:

–Này Đại Tuệ! Bồ-tát từ Sơ địa cho đến Địa thứ sáu nhập vào định Diệt tận, Thanh văn, Bích-chi-phật cũng nhập vào định Diệt tận. Này Đại Tuệ! Các Đại Bồ-tát ở trong Địa thứ bảy từng niệm từng niệm thể nhập định Diệt tận do các Bồ-tát đều có thể xa lìa tướng có, không của tất cả các pháp.

Này Đại Tuệ! Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng thể từng niệm từng niệm nhập vào định Diệt tận do Thanh văn, Bích-chi-phật nương vào hạnh hữu vi để hội nhập định Diệt tận, rơi vào cảnh giới khả thủ năng thủ. Vậy nên Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng thể nhập vào định Diệt tận từng niệm từng niệm trong Địa thứ bảy, do Thanh văn, Bíchchi-phật phát sinh tư tưởng kinh sợ, sợ rơi vào tướng không, khác của các pháp, do hiểu các pháp với đủ loại tướng khác nhau: Pháp có, pháp không, pháp thiện, pháp ác, cùng tướng, khác tướng… mà vào định Diệt tận. Vậy nên Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng thể nhập vào định Diệt tận từng niệm từng niệm trong Địa thứ bảy, do không có trí phương tiện khéo léo.

Này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát ở Địa thứ bảy chuyển diệt tâm, ý, ý thức của Thanh văn, Bích-chi-phật. Này Đại Tuệ! Từ Sơ địa cho đến Địa thứ sáu, Đại Bồ-tát thấy ở ba cõi chỉ là tâm, ý, ý thức của tự tâm, lìa khỏi pháp ngã và ngã sở, chỉ là tự tâm phân biệt chẳng rơi vào đủ các tướng của pháp bên ngoài, chỉ là nội tâm ngu si của phàm phu rơi vào nhị biên, thấy có pháp khả thủ, năng thủ. Do không biết mà chẳng hiểu rõ từ đời vô thủy đến nay, do thân miệng và ý huân tập vọng tưởng phiền não, hý luận mà sinh tử các pháp.

Này Đại Tuệ! Ở trong Địa thứ tám, tất cả Bồ-tát, Thanh văn, Bích-chi-phật nhập vào tưởng Niết-bàn. Này Đại Tuệ! Các Đại Bồtát nương thần lực Phật và Tam-muội tự tâm, chẳng vào pháp môn Tam-muội An lạc, rơi vào Niết-bàn mà trụ, do chẳng đầy đủ Như Lai địa. Nếu Bồ-tát đó trụ ở phần Tam-muội thì dừng nghỉ độ thoát tất cả chúng sinh, đoạn tuyệt giống Như Lai, diệt tan nhà của Như Lai. Vì thị hiện các cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, vậy nên chẳng vào Niết-bàn.

Này Đại Tuệ! Thanh văn, Bích-chi-phật rơi vào pháp môn Tam-

muội An lạc. Vậy nên Thanh văn, Bích-chi-phật sinh ra tưởng Niếtbàn.

Này Đại Tuệ! Các Đại Bồ-tát từ Sơ địa cho đến Địa thứ bảy đầy đủ phương tiện khéo léo, quan sát tưởng của tâm, ý, ý thức, xa lìa pháp tướng chấp giữ của ngã và ngã sở, quan sát ngã không, pháp không, quan sát đồng tướng, dị tướng, hiểu rõ nghĩa phương tiện khéo léo của bốn vô ngại mà tự tại thứ lớp nhập vào pháp Bồ-đề phần của các Địa.

Này Đại Tuệ! Nếu ta chẳng nói pháp đồng tướng dị tướng của các Đại Bồ-tát thì tất cả các Bồ-tát chẳng biết như thật thứ lớp các Địa, sợ rơi vào pháp ngoại đạo tà kiến… Ta theo thứ lớp nói về tướng của các Địa.

Này Đại Tuệ! Nếu người theo thứ lớp mà vào Địa thì chẳng rơi vào đạo khác. Ta nói tướng các Địa theo thứ lớp thì chỉ tự tâm thấy thứ lớp các Địa và đủ các hành tướng trong ba cõi mà các phàm phu chẳng hiểu chẳng biết. Do các phàm phu chẳng hiểu biết, vậy nên ta và tất cả các Đức Phật nói đến tướng các Địa theo thứ lớp và kiến lập đủ các hành tường của ba cõi.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Thanh văn, Bích-chi-phật đối với Địa thứ tám của Bồ-tát ưa thích say đắm pháp môn An lạc Tam-muội Tịch diệt nên chẳng thể biết rõ chỉ là sự thấy tự tâm, rơi vào tự tướng đồng tướng huân tập chướng ngại, rơi vào lỗi thấy nhân vô ngã, pháp vô ngã vậy. Do tâm phân biệt gọi là Niết-bàn mà chẳng thể biết các pháp tịch tĩnh.

Này Đại Tuệ! Các Đại Bồ-tát, do thấy pháp môn An lạc Tammuội tịch tĩnh, nhớ nghĩ bản nguyện tâm đại Từ bi độ các chúng sinh, biết mười hạnh trí vô tận như thật. Vậy nên chẳng nhập vào Niết-bàn ngay.

Này Đại Tuệ! Các Đại Bồ-tát xa lìa tâm hư vọng phân biệt, xa lìa cảnh giới năng thủ, sở thủ gọi là vào Niết-bàn. Do trí như thật biết tất cả các pháp chỉ là tự tâm, vậy nên chẳng sinh ra tâm phân biệt. Do đó, chẳng chẳng chấp thủ tâm, ý, ý thức, chẳng chấp trước tướng pháp bên ngoài là thật có, chẳng phải chẳng vì tu hành Phật pháp, nương theo căn bản trí đắp đổi tu hành, vì ở tự thân cầu chứng Địa trí của Phật Như Lai vậy.

Này Đại Tuệ! Như người nằm mộng thấy đi qua nước biển cả, tạo ra phương tiện lớn muốn đưa mình qua. Chưa qua khỏi giữa chừng bỗng nhiên thức dậy, khởi sự suy nghĩ này: “Đây là thật hay hư vọng?” Người đó lại nghĩ: “Tướng như vậy chẳng phải thật, chẳng phải hư dối chỉ là ta vốn hư vọng phân biệt cảnh giới chẳng thật, huân tập nhân nên thấy đủ loại sắc, hình tướng điên đảo, chẳng lìa có không, do ý thức huân tập nên thấy trong giấc mộng.

Này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, ở nơi Địa thứ tám, thấy tâm phân biệt, các pháp cùng một tướng ở trong Sơ địa, như mộng, như huyễn bình đẳng không sai khác, lìa các công dụng tâm phân biệt khả thủ, năng thủ, thấy tâm, tâm số pháp vì chưa đạt được Phật pháp thượng thượng. Người tu hành thì khiến cho đạt được vậy. Đại Bồ-tát tu hành pháp thù thắng gọi là Niết-bàn, chẳng phải diệt tất cả pháp gọi là Niết-bàn. Đại Bồ-tát xa lìa tướng phân biệt về tâm, ý, ý thức, nên đạt được pháp nhẫn Vô sinh. Này Đại Tuệ! Trong Đệ nhất nghĩa cũng không thứ lớp, không có hạnh thứ lớp, các pháp tịch tĩnh cũng như hư không.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói, Thanh văn, Bích-chi-phật thể nhập pháp môn an vui Tịch tĩnh của Bồ-tát ở Địa thứ tám. Đức Như Lai lại nói, Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng biết chỉ là tự tâm phân biệt. Thế Tôn lại nói, các Thanh văn đạt được “nhân vô ngã” mà chẳng hiểu được “Pháp vô ngã” là rỗng không. Nếu nói như vậy thì Thanh văn, Bích-chi-phật còn chưa thể chứng được pháp Sơ địa, huống gì thể nhập pháp môn an vui tịch diệt của Địa thứ tám?

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Ta nay vì ông phân biệt tuyên nói. Này Đại Tuệ! Thanh văn có ba bậc. Nói rằng người nhập vào pháp môn Tịch diệt của Địa thứ tám, đây là người trước đã tu hạnh Bồ-tát mà rơi vào Thanh văn địa, rồi trở lại nương vào bản tâm tu hạnh Bồ-tát để cùng vào pháp môn an vui tịch diệt của Địa thứ tám, chẳng phải là Tăng thượng mạn Thanh văn tịch diệt, do hàng Thanh văn đó chẳng thể nhập vào hạnh Bồ-tát, chưa từng biết rõ ba cõi chỉ là tâm, chưa từng tu hành các pháp Bồ-tát, chưa từng tu hành các Ba-la-mật, hạnh Địa thứ mười. Vậy nên chắc chắn là Thanh văn tịch diệt chẳng thể chứng được pháp môn an vui tịch diệt mà Bồ-tát đó thực hành.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Chỉ tâm không sở hữu
Phật địa và các hành
Phật khứ, lai, hiện tại
Ba đời nói như trên.
Thất địa là Tâm địa
Không sở hữu Bát địa
Nhị địa gọi là hành
Địa khác gọi ngã địa.
Tịnh và chứng nội thân
Đây gọi là ngã địa
Chỗ Tự tại tối thắng
Trời A-ca-ni-sấc
Chiếu sáng như lửa hừng
Phát ánh sáng vi diệu
Đủ loại đẹp đáng ưa
Hóa làm ở ba cõi
Sắc ba cõi hiện lên
Hoặc có tại Quang hóa
Chỗ đó nói các thừa
Tự Tại địa của ta
Thập địa là Sơ địa
Sơ địa là Bát địa
Cửu địa là Thất địa
Thất địa là Bát địa
Nhị địa là Tam địa
Tứ địa là Ngũ địa
Tam địa là Lục địa
Tịch diệt đầu thứ lớp?
Chắc chắn các Thanh văn
Chẳng hành Bồ-tát hạnh
Đồng vào Địa thứ tám
Vốn là hạnh Bồ-tát.

 

Phẩm 10: THƯA HỎI ĐỨC NHƯ LAI LÀ THƯỜNG HAY VÔ THƯỜNG

Bấy giờ, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai Ứng Chánh Biến Trí là thường hay vô thường?

Đức Phật bảo Thánh giả Đại tuệ:

–Này Đại Tuệ! Như Lai Ứng Chánh Biến Tri chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Vì sao? Vì nhị biên là có lỗi vậy. Này Đại Tuệ! Nhị biên có, không nên có lỗi lầm. Này Đại Tuệ! Nếu nói Như Lai là pháp thường thì đồng với nhân của thường. Này Đại Tuệ! Do các ngoại đạo nói rằng, vi trần… các nhân là thường, chẳng phải là pháp do tạo tác.

Này Đại Tuệ! Vậy nên chẳng được nói Như Lai thường. Do chẳng phải là pháp tạo tác nên nói rằng thường. Này Đại Tuệ! Cũng chẳng được nói Như Lai vô thường. Nói vô thường tức là đồng với pháp hữu vi tạo tác. Pháp sở kiến, năng kiến của năm ấm là không, nên năm ấm diệt. Năm ấm diệt thì các Đức Phật Như Lai lẽ ra cũng diệt, mà Phật Như Lai chẳng phải là pháp đoạn trừ.

Này Đại Tuệ! Phàm các pháp tạo tác đều là vô thường, như cái bình, cái áo, cái xe, cái nhà và tấm vải, chiếc chiếu… đều là pháp tạo tác, vậy nên vô thường. Này Đại Tuệ! Nếu nói tất cả đều vô thường pháp Nhất thiết trí, tất cả công đức của người chứng Nhất thiết trí lẽ ra cũng vô thường do đồng tướng tất cả các pháp, do đó nên có lỗi. Nếu nói tất cả đều là vô thường thì các Đức Phật Như Lai lẽ ra chính là pháp tạo tác mà Phật Như Lai chẳng phải là pháp tạo tác, do không lại nói có nhân thù thắng nhân. Vậy nên, ta nói rằng, Như Lai chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Như Lai chẳng phải thường. Vì sao? Vì tánh của hư không cũng không tu hành các công đức vậy. Này Đại Tuệ! Ví như hư không chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Vì sao? Vì lìa khỏi thường và vô thường, do chẳng rơi vào một khác, đồng chẳng đồng, có không, chẳng phải có chẳng phải không, thường vô thường, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Vậy nên lìa khỏi tất cả các lỗi, chẳng nắm bắt, giảng nói.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Cũng chẳng được nói Như Lai là thường. Vì sao? Vì nếu nói là thường thì đồng với sừng của thỏ, ngựa, lạc đà, lừa, rùa, rắn, nhặng cá… Vậy nên chẳng nói rằng. Như Lai là thường.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Cũng chẳng được nói Như Lai là thường sợ rơi vào “bất sinh thường”. Vậy nên chẳng được nói Như Lai Thế Tôn là thường.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Lại có pháp khác, nương vào pháp đó nên được nói Như Lai Thế Tôn là thường. Vì sao? Vì vào pháp thường chứng đắc trí ở nội tâm. Vậy nên được nói Như Lai là thường. Này Đại Tuệ! Pháp Chứng đắc trí nội tâm của các Đức Phật Như Lai là thường hằng, thanh lương, chẳng biến đổi.

Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri hoặc ra đời hay không ra đời, pháp tánh vẫn thường. Như vậy pháp thể là thường. Như vậy quy tắc của pháp cũng thường. Như vậy, do pháp tánh đó mà tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật… cũng chẳng từng nghe, cũng chẳng từng thấy, như vậy pháp thể chẳng phải trong hư không nên phàm phu chẳng hiểu, chẳng biết.

Này Đại Tuệ! Trí chứng đắc của chư Phật Như Lai là nương vào đó mà có tên gọi. Này Đại Tuệ! Do nương vào trí tuệ như thật tu hành nên được gọi là Phật, chẳng phải do tâm, ý, ý thức, vô minh, năm ấm… huân tập mà có tên gọi.

Này Đại Tuệ! Tất cả ba cõi chẳng thật, do vọng tưởng phân biệt hý luận nên có tên gọi. Này Đại Tuệ! Phân biệt chẳng thật về hai pháp được gọi là thường cùng vô thường, nhưng Phật Như Lai chẳng rơi vào hai pháp, chẳng rơi vào nhị biên năng thủ, khả thủ. Như Lai tịch tĩnh nên hai pháp chẳng sinh. Vậy nên, này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri thì chẳng được nói là thường cùng vô thường. Này Đại Tuệ! Phàm có ngôn ngữ mà được nói rằng, thường cùng vô thường thì xa lìa sạch hết tất cả phân biệt, chẳng được nói chấp giữ pháp thường, pháp vô thường. Vậy nên, ta ngăn tất cả phàm phu, chẳng được phân biệt thường cùng vô thường. Do đạt được pháp chân thật tịch tĩnh nên hết phân biệt, chẳng sinh ra phân biệt.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Lìa khỏi thường, vô thường
Chẳng thường, chẳng vô thường
Nếu thấy Phật như vậy
Chẳng rơi trong đường ác.
Nếu nói thường, vô thường
Những công đức hư vọng
Kẻ vô trí phân biệt
Ngăn nói thường, vô thường
Người lập pháp, chấp giữ
Đều có những lỗi lầm.
Nếu thấy chỉ do tâm
Chẳng rơi vào các lỗi.

 

Phẩm 11: PHẬT TÁNH

Bấy giờ, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ lại thỉnh Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri vì con giảng nói. Xin Đấng Thiện Thệ vì con nói về tướng sinh diệt của ấm, giới, nhập. Bạch Thế Tôn! Nếu vô ngã thì ai sinh, ai diệt? Bạch Thế Tôn! Tất cả phàm phu nương vào sinh, diệt mà trụ, chẳng thấy hết khổ. Vậy nên, chẳng biết tướng Niết-bàn.

Đức Phật bảo Thánh giả Đại Tuệ:

–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông nói.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Thưa vâng, con xin lắng nghe và tin nhận.

Đức Phật bảo:

–Này Đại Tuệ! Như Lai tạng là nhân thiện hay chẳng thiện, có thể cùng tạo tác nhân duyên sinh tử trong sáu đường. Ví như nhà nghề làm ra đủ tài khéo léo, chúng sinh nương vào Như Lai tạng, sinh tử trong năm đường. Này Đại Tuệ! Mà Như Lai tạng cũng lìa khỏi ngã và ngã sở, các ngoại đạo… chẳng biết, chẳng hiểu. Vậy nên chẳng thể đoạn trừ nhân duyên sinh tử của ba cõi.

Này Đại Tuệ! Các ngoại đạo… vọng chấp có ngã nên chẳng thể thấy như thật về Như Lai tạng, do các ngoại đạo từ đời vô thủy đến nay hư vọng chấp trước đủ thứ hý luận và các sự huân tập.

Này Đại Tuệ! A-lê-gia thức gọi là Như Lai tạng cùng liên hệ với bảy thức vô minh, như sóng ở biển cả, thân câu sinh thường chẳng đoạn dứt, nếu lìa khỏi lỗi vô thường, lìa khỏi lỗi của ngã, thì tự tánh thanh tịnh. Còn bảy thức, tâm, ý, ý thức… từng niệm từng niệm chẳng trụ, chính là pháp sinh diệt. Bảy thức do nhân hư vọng đó sinh ra, chẳng thể phân biệt như thật các pháp, xem xét hình tướng cao thấp, dài ngắn, chấp trước danh tướng, có thể khiến cho tự tâm thấy sắc tướng, có thể nhận lấy khổ vui, có thể lìa khỏi nhân của giải thoát, do danh tướng sinh ra phiền não tham. Nương vào ý niệm đó, nương vào sự diệt tận các căn, chẳng theo thứ lớp sinh ra, còn tự ý phân biệt chẳng sinh ra cảm nhận khổ vui. Vậy nên nhập vào định Thiểu tưởng Diệt tận, vào Tam-ma-bạt-đề, Tứ Thiền, Thật đế giải thoát mà người tu hành sinh ra tướng giải thoát, do chẳng biết chuyển diệt tướng hư vọng.

Này Đại Tuệ! Như Lai tạng thức chẳng ở trong A-lê-gia thức. Vậy nên, bảy thức có sinh, có diệt. Như Lai tạng thức chẳng sinh chẳng diệt. Vì sao? Vì bảy thức nương vào ý niệm quán sát các cảnh giới mà sinh ra. Cảnh giới bảy thức này, tất cả Thanh văn, Bích-chiphật, ngoại đạo tu hành thì chẳng thể thông đạt, chẳng biết như thật về nhân vô ngã, do chấp giữ pháp cùng tướng và khác tướng, do thấy các pháp ấm, giới, nhập…

Này Đại Tuệ! Như Lai tạng thấy như thật về thể tướng của năm pháp, pháp vô ngã nên chẳng sinh, biết như thật các Địa thứ lớp đắp đổi hòa hợp, còn ngoại đạo thì chẳng chánh kiến nên chẳng thể quan sát.

Này Đại Tuệ! Bồ-tát trụ ở Bất Động địa, bấy giờ được mười pháp môn Tam-muội… là bậc đứng đầu, đạt được vô lượng, vô biên Tam-muội. Nương vào Tam-muội chư Phật an trụ mà quán sát chẳng thể nghĩ bàn pháp của chư Phật và năng lực bản nguyện của mình, ngăn chặn hộ trì cảnh giới thật tế của pháp môn Tam-muội. Ngăn chặn rồi, nhập vào cảnh giới Tự thân chứng Thánh trí của pháp Chân thật, chẳng đồng với cảnh giới quan sát tu hành của Thanh văn, Bíchchi-phật và ngoại đạo.

Bấy giờ, vượt qua mười Thánh đạo đó, thể nhập trí thân, ý sinh thân của Như Lai, lìa khỏi các tâm Tam-muội dụng công. Vậy nên, này Đại Tuệ! Các Đại Bồ-tát muốn chứng pháp thù thắng của Như Lai tạng và A-lê-gia thức thì nên tu hành khiến cho thanh tịnh.

Này Đại Tuệ! Nếu Như Lai tạng, A-lê-gia thức gọi là không thì lìa khỏi A-lê-gia thức không sinh không diệt. Tất cả phàm phu và các Thánh nhân nương vào A-lê-gia thức đó nên có sinh có diệt. Do nương vào A-lê-gia thức nên những người tu hành chứng đắc Thánh hạnh nơi tự thân, hiện tại được hạnh an lạc của pháp mà chẳng dừng nghỉ.

Này Đại Tuệ! Các cảnh giới về tâm A-lê-gia thức, Như Lai tạng của Như Lai này, tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật, ngoại đạo… chẳng thể phân biệt. Vì sao? Vì Như Lai tạng là tướng thanh tịnh mà khách trần phiền não thì cấu bẩn bất tịnh.

Này Đại Tuệ! Ta nương vào ý nghĩa này, nương vào phu nhân Thắng Man nương vào các Đại Bồ-tát khác, những người trí tuệ thậm thâm mà nói tạng A-lê-gia thức của Như Lai, cùng với bảy thứ thức sinh ra gọi là tướng chuyển diệt, vì các Thanh văn, Bích-chi-phật… hiện bày pháp vô ngã. Đáp lại lời phu nhân Thắng Man nên nói rằng, Như Lai tạng chính là cảnh giới Như Lai.

Này Đại Tuệ! Cảnh giới Như Lai tạng, A-lê-gia thức, ta nay cùng ông và các Bồ-tát, những người có trí tuệ thậm thâm có thể phân biệt rõ hai pháp này. Còn những Thanh văn, Bích-chi-phật và ngoại đạo… những người chấp trước danh tự thì chẳng thể biết rõ hai pháp này. Này Đại Tuệ! Vậy nên, ông và các Đại Bồ-tát nên học pháp này.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Như Lai tạng sâu xa
Cùng bảy thức đều sinh
Chấp hai pháp thì sinh
Như thật biết chẳng sinh
Như tâm hiện bóng gương
Huân tập từ vô thủy
Như thật xét kỹ càng
Các cảnh đều trống không
Ngu nhìn tay chỉ trăng
Thấy tay, chẳng thấy trăng
Người chấp trước danh tự
Chẳng thấy Ngã chân thật
Tâm như thợ nghề khéo
Ý như kẻ gian manh
Ý thức và năm thức
Chấp cảnh giới hư vọng
Hòa hợp như nhà nghề
Lừa dối kẻ phàm phu.

 

Phẩm 12: NĂM PHÁP MÔN

Bấy giờ, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ lại thỉnh Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri

vì con giải nói. Cúi xin Đấng Thiện Thệ vì con giảng nói về thể tướng của năm pháp và hành tướng sai biệt của hai vô ngã. Con và các Bồtát… nếu được biết rõ thể tướng của năm pháp và tướng sai biệt của hai vô ngã thì tu hành pháp này, theo thứ lớp thể nhập tất cả các Địa, tu hành pháp này có thể vào trong tất cả pháp của chư Phật. Đã hội nhập pháp của chư Phật thì có thể chứng đắc Trí địa Tự Thân Như Lai.

Đức Phật bảo Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông nay hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông giải nói.

Bồ-tát Đại Tuệ thưa:

–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Thưa vâng, con xin lắng nghe và tin nhận.

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Ta vì ông nói thể tướng của năm pháp và hành tướng sai biệt của hai loại ngã.

Này Đại Tuệ! Những gì là năm pháp?

  1. Danh.
  2. Tướng.
  3. Phân biệt.
  4. Chánh trí.
  5. Chân như.

Những ai tự thân tu hành, chứng trí bậc thánh thì lìa khỏi đoạn kiến và thường kiến, hiện tại như thật tu hành thì được vào Tam-muội an lạc, pháp môn Tam-ma-bạt-đề vậy.

Này Đại Tuệ! Tất cả phàm phu chẳng hiểu chẳng biết thể tướng năm pháp và hai loại vô ngã mà chỉ do tự tâm thấy vật bên ngoài nên sinh ra tâm phân biệt, chẳng phải là Thánh nhân.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Sao phàm phu sinh tâm phân biệt, chẳng phải Thánh nhân vậy?

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Tất cả phàm phu chấp trước danh tướng, thuận theo pháp sinh ra. Thuận theo pháp sinh rồi, thấy đủ các tướng, rơi vào trong tâm tà kiến, ngã và ngã sở, chấp trước đầy đủ tất cả pháp tướng. Chấp trước rồi vào đến chỗ vô minh tối tăm chướng ngại. Vào chỗ chướng ngại rồi, khởi lên lòng tham. Khởi lên lòng tham rồi, có thể tạo tác nghiệp tham, sân, si. Tạo hành nghiệp rồi, chẳng thể tự dừng như con tằm làm tổ kén, do tâm phân biệt mà tự trói buộc thân, rơi vào biển cả hiểm nạn trong sáu đường, như con lăn (cái ròng rọc) xoay chuyển mà chẳng tự hay biết, do thiếu trí tuệ nên chẳng biết tất cả các pháp như huyễn, chẳng biết vô ngã và ngã sở, các pháp chẳng phải là thật mà từ vọng tưởng phân biệt sinh ra, lại chẳng biết lìa khỏi sở kiến, năng kiến, chẳng biết lìa khỏi tướng sinh, trụ, diệt, chẳng biết do tự tâm hư vọng sinh ra. Gọi là biết thuận theo trời Tự Tại, thời gian, vi trần, ngã sinh ra.

Này Đại Tuệ! Những gì là danh? Là nhãn thức thấy sắc trước… tướng các pháp như: tướng thanh, tướng nhĩ, tướng tỷ, tướng thiệt, tướng thân. Này Đại Tuệ! Những tướng như vậy… ta nói danh, là tướng của danh.

Này Đại Tuệ! Phân biệt là gì? Do nương vào những pháp gì gọi là chấp giữ tướng? Phân biệt rõ pháp này như vậy… như vậy… rốt ráo chẳng khác, như là con voi, con ngựa, chiếc xe, bước đi, nhân dân… phân biệt đủ các tướng. Đó gọi là Phân biệt.

Này Đại Tuệ! Chánh trí là gì? Quan sát danh, tướng. Quan sát rồi, chẳng thấy có thật pháp, chúng do các nhân cùng đắp đổi sinh ra nên nhìn thấy. Do đắp đổi cùng sinh ra thì các thức chẳng khởi lên nên tướng thức phân biệt, chẳng đoạn, chẳng thường. Vậy nên, chẳng rơi vào Địa của tất cả ngoại đạo, Thanh văn, Bích-chi-phật. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Chánh trí.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát nương vào Chánh trí, chẳng chấp thủ pháp danh tươn g cho là có, chẳng chấp giữ tướng chẳng thấy cho là không. Vì sao? Vì lìa khỏi tà kiến có không, do chẳng thấy danh tướng chính là nghĩa của Chánh trí. Vậy nên, ta nói danh là Chân như.

Này Đại Tuệ! Bồ-tát trụ ở pháp Chân như thì được thể nhập cảnh giới Vô tướng tịch tĩnh. Sau khi hội nhập thì đạt được Hoan hỷ địa đầu tiên của Đại Bồ-tát. Khi Bồ-tát được Hoan hỷ địa đầu tiên thì chứng được pháp môn Bách kim cang Tam-muội minh, lìa bỏ tất cả quả nghiệp của hai mươi lăm cõi, vượt qua các địa Thanh văn, Bíchchi-phật, trụ ở cảnh giới chân như, nhà của Như Lai, như thật tu hành, biết tướng năm pháp đều như huyễn, như mộng, như thật quán sát tất cả các pháp, khởi lên sự tu hành chứng Thánh trí nơi tự thân. Như vậy, dần dần lìa xa địa quán sát an lạc của thế gian hư vọng, theo thứ lớp cho đến Pháp vân địa. Vào Pháp vân địa rồi, thứ đến đạt được lực Tam-muội thần thông tự tại, địa Chư hoa trang nghiêm của Như Lai. Vào Như Lai địa rồi, vì giáo hóa chúng sinh nên thị hiện đủ loại ánh sáng ứng với thân trang nghiêm, như trăng trong nước. Nương vào Vô tận cú mà khéo trói buộc đối tượng trói buộc, tùy theo niềm tin của chúng sinh mà nói pháp cho họ, lìa khỏi thân, tâm, ý và ý thức vậy. Này Đại Tuệ! Bồ-tát vào Chân như rồi, được vô lượng, vô biên pháp như vậy… như vậy… trong Phật địa.

Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì năm pháp môn nhập vào ba pháp, vì ba pháp nhập vào trong năm pháp môn, hay vì tướng tự thể mỗi mỗi đều sai biệt.

Đức Phật bảo:

–Này Đại Tuệ! Ba pháp nhập vào trong năm pháp môn. Này Đại Tuệ! Chẳng phải chỉ có ba pháp môn nhập vào trong năm pháp môn mà tám thứ thức, hai vô ngã cùng nhập vào năm pháp môn.

Này Đại Tuệ! Thế nào là ba pháp nhập vào trong năm pháp? Này Đại Tuệ! Danh tướng là pháp tướng phân biệt. Này Đại Tuệ! Nương vào hai pháp phân biệt đó sinh ra tâm. Tâm số pháp cùng một lúc, chẳng phải trước sau như mặt trời cùng ánh sáng xuất hiện một lúc mà có đủ các tướng phân biệt. Này Đại Tuệ! Đó gọi là ba tướng, nương vào lực nhân duyên sinh ra.

Này Đại Tuệ! Chánh trí Chân như gọi là tướng Đệ nhất nghĩa đế nương vào pháp không diệt.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Chấp trước tự tâm thấy pháp phân biệt; có tám loại sai biệt, do phân biệt các tướng. Do là thật nên lìa khỏi pháp sinh diệt của ngã, ngã sở, bấy giờ chứng đắc hai pháp vô ngã.

Này Đại Tuệ! Pháp môn của năm pháp thể nhập các Phật địa, pháp tướng các Địa cũng hội nhập trong năm pháp môn, pháp của tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật cũng nhập vào trong năm pháp môn, pháp chứng Thánh trí tự thân của Như Lai cũng nhập vào trong năm pháp môn.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Năm pháp tướng gọi là Chánh trí phân biệt chân như. Này Đại Tuệ! Sao gọi là tướng? Tướng là thấy hình tướng, màu sắc hơn hay thua. Đó gọi là tướng.

Này Đại Tuệ! Nương vào pháp tướng đó sinh khởi tướng phân biệt: Đây là cái bình, đây là con trâu, con ngựa, con dê… pháp này như vậy… như vậy… chẳng khác. Này Đại Tuệ! Đó gọi là danh. Này Đại Tuệ! Nương vào pháp đó mà thành lập danh, tướng đó thị hiện rõ ràng. Vậy nên lập ra đủ các danh tự, trâu, dê, ngựa… đó. Đó gọi là tâm phân biệt, tâm số pháp.

Này Đại Tuệ! Quán sát từ danh, tướng cho đến vi trần thường chẳng thấy được tướng một pháp, các pháp chẳng thật, do tâm hư vọng phân biệt sinh ra.

Này Đại Tuệ! Nói Chân như tức là Danh chẳng trống rỗng, mà tự tánh tự thể quyết định rốt ráo tận cùng, chánh kiến về tướng Chân như. Ta và Bồ-tát cùng các Đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nói danh thì khác mà nghĩa là một. Này Đại Tuệ! Như vậy… thuận theo chánh trí, chẳng đoạn, chẳng thường, không phân biệt, chẳng phân biệt hành xứ, thuận theo sự chứng đắc Thánh trí mới Tự thân lìa khỏi những bè đảng ác kiến, chẳng Chánh trí của tất cả ngoại đạo, Thanh văn, Bích-chi-phật…

Này Đại Tuệ! Đối với năm pháp thì ba pháp tướng, tám thức, hai pháp vô ngã và tất cả Phật pháp đều thể nhập trong năm pháp. Này Đại Tuệ! Ông và các Đại Bồ-tát vì cầu Trí thù thắng thì nên phải tu học. Này Đại Tuệ! Ông nên biết, năm pháp chẳng nương theo lời dạy của người khác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Tướng tự thể năm pháp
Cùng với tám loại thức
Hai thứ pháp vô ngã
Bao trùm các Đại thừa.
Danh, tướng và phân biệt
Ba pháp tướng tự thể
Chân như và Chánh trí
Là tướng Đệ nhất nghĩa.

 

Phẩm 13: HẰNG HÀ SA

Bấy giờ, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nương vào danh tự giảng nói, chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại nhiều như cát sông Hằng. Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai nói như vậy là nương vào lời nói trong kim khẩu của Như Lai, con thuận theo chấp lấy, cho là nghĩa! Nguyện xin Thế Tôn vì con giải nói.

Đức Phật bảo Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ:

–Này Đại Tuệ! Như danh tự, chương cú của ta đã giảng nói thì không nên chấp giữ như vậy. Này Đại Tuệ! Các Đức Phật ba đời chẳng phải nhiều như cát sông Hằng. Vì sao? Vì lời nói thí dụ vượt hơn thế gian thì chẳng phải như thí dụ. Vì sao? Vì do có tương tự và chẳng tương tự vậy.

Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri chẳng định nói thí dụ tương tự, chẳng tương tự vượt hơn thế gian. Vì sao? Này Đại Tuệ! Vì ta nói thí dụ chỉ là phần ít. Này Đại Tuệ! Lời nói thí dụ của ta và các Đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri chỉ nói lên một ít nghĩa. Vì sao? Vì phàm phu ngu si, các ngoại đạo… sự chấp trước các pháp là thường, tăng trưởng tà kiến, thuận theo thế gian, luân hồi sinh tử. Vì những người đó nhàm chán, khi nghe sinh ra kinh sợ mà lại nghe các Đức Phật nhiều như cát sông Hằng, đối với đạo Thánh vô thượng của Như Lai họ sinh ra tư tưởng dễ có được, dễ cầu pháp xuất thế.

Này Đại Tuệ! Vậy nên, ta nói các Đức Phật Như Lai nhiều như cát sông Hằng. Vì sao? Vì trong những kinh khác mà ta nói, Đức Phật ra đời như hoa Ưu-đàm. Chúng sinh nghe rồi nói rằng, đạo Phật khó đạt được mà chẳng tu hành tinh tấn. Vậy nên ta nói, các Đức Phật Như Lai nhiều như cát sông Hằng.

Này Đại Tuệ! Ta nói, các Đức Phật ra đời như hoa Ưu-đàm nương vào nghĩa này có thể giáo hóa chúng sinh, nên ta nói các Đức Phật ra đời như hoa Ưu-đàm, này Đại Tuệ! Hoa Ưu-đàm ở trong thế gian, không có người từng thấy, rồi sẽ cũng chẳng thấy. Này Đại Tuệ! Chư Phật Như Lai trong thế gian đã thấy, hiện tại đang thấy và sẽ thấy. Này Đại Tuệ! Ta nói như vậy chẳng phải nương vào pháp tự thân chứng đắc mà nói. Vậy nên nói rằng: Như hoa Ưu-đàm, các Đức Phật Như Lai cũng lại như vậy.

Này Đại Tuệ! Ta nương vào pháp chứng đắc nơi tự thân mà nói pháp. Vậy nên, nói thí dụ vượt hơn thế gian, do các phàm phu, chúng sinh không có niềm tin chẳng thể tin lời thí dụ của ta. Vì sao? Vì nói về cảnh giới Thánh trí tự thân mà không thí dụ thì có thể nói được, còn xa lìa tâm, ý và ý thức, qua khỏi các kiến địa, pháp Chân như của các Đức Phật Như Lai thì chẳng thể nói được. Vậy nên ta nói đủ các thí dụ.

Này Đại Tuệ! Ta nói, các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng tức là thí dụ một phần ít. Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai bình đẳng, chẳng phải chẳng bình đẳng, do chẳng thể phân biệt mà phân biệt được.

Này Đại Tuệ! Ví như cát trong sông Hằng bị cá, ba ba, rùa, rồng, trâu, dê, voi ngựa… các loài thú giẫm đạp mà cát sông đó chẳng sinh phân biệt, chẳng sân, chẳng giận, cũng chẳng sinh tâm: “Chúng quấy nhiễu”, không phân biệt nên thanh tịnh lìa các cấu bẩn.

Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri cũng lại như vậy, đã chứng đắc Thánh trí nội thân, đủ đầy các lực, thần thông tự tại, công đức như cát sông Hằng. Tất cả tà luận ngoại đạo, những học phái, cá, ba ba… vì ngu si nên đem tâm sân hận chê bai Như Lai mà Như Lai chẳng động, chẳng sinh ra phân biệt. Do năng lực bản nguyện nên ban cho chúng sinh tất cả các niềm vui Tammuội Tam-ma-bạt đề, khiến họ thỏa mãn đầy đủ, chẳng còn phân biệt điều gì.

Này Đại Tuệ! Vậy nên ta nói, các Đức Phật Như Lai nhiều như cát sông Hằng. Đẳng là bình đẳng, không có tướng khác, do lìa khỏi tấm thân yêu thích. Này Đại Tuệ! Ví như cát của sông Hằng chẳng lìa khỏi tướng của đất. Này Đại Tuệ! Đại địa lửa đốt cháy, lửa chẳng khác đất, lửa chẳng đốt cháy đất. Địa đại có thể tương tục của lửa.

Này Đại Tuệ! Phàm phu ngu si rơi vào trí điên đảo, tự tâm phân biệt nói rằng, đất bị đốt cháy mà đất chẳng cháy, do chẳng lìa khỏi đất mà lại có thân lửa bốn đại vậy.

Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai cũng lại như vậy, thể Pháp thân của các Đức Phật Như Lai giống như cát của sông Hằng, chẳng diệt, chẳng mất. Này Đại Tuệ! Ví như cát sông Hằng vô lượng, vô biên. Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai cũng lại như vậy, xuất hiện ở thế gian, phóng ra vô lượng ánh sáng, chiếu khắp tất cả đại hội của chư Phật, vì giáo hóa chúng sinh khiến cho họ đều rốt ráo thông đạt.

Này Đại Tuệ! Như cát sông Hằng lại chẳng sinh ra tướng, như vi trần kia vẫn an trụ nơi thể tướng vi trần. Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai cũng lại như vậy, ở trong thế gian chẳng sinh chẳng diệt, các Đức Phật Như Lai đã đoạn trừ nhân hữu.

Này Đại Tuệ! Như cát sông Hằng, nếu ra khỏi sông thì cũng chẳng thể thấy, vào ở trong sông cũng chẳng thể thấy, cũng chẳng khởi tâm: Ta ra vào sông.

Này Đại Tuệ! Lực trí tuệ của các Đức Phật Như Lai cũng lại như vậy, độ các chúng sinh cũng chẳng diệt hết, cũng chẳng tăng trưởng. Vì sao? Vì các pháp không thân vậy.

Này Đại Tuệ! Tất cả loài có thân đều là pháp vô thường, hủy diệt, chẳng phải pháp không thân. Các Đức Phật Như Lai chỉ có Pháp thân.

Này Đại Tuệ! Ví như có người muốn được váng sữa, dầu mà lại ép cát sông Hằng thì nhất định chẳng thể được, không có váng sữa, dầu vậy.

Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai vì khổ não của các chúng sinh đã đè nén sân hận mà chẳng thể được, các Đức Phật chẳng xả tướng pháp giới của mình, chẳng xả tướng pháp vị của mình, chẳng xả bản nguyện cùng chúng sinh an lạc, do được đầy đủ đại Từ đại Bi, rằng: Ta nếu chẳng khiến cho tất cả chúng sinh vào Niết-bàn thì thân ta cũng chẳng thể nhập Niết-bàn.

Này Đại Tuệ! Như cát sông Hằng theo dòng nước mà chảy thì nhất định chẳng ngược dòng. Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai vì các chúng sinh nói pháp cũng vậy, thuận theo Niết-bàn thì chẳng phải ngược dòng. Này Đại Tuệ! Do đó, ta nói các Đức Phật Như Lai nhiều như số cát sông Hằng.

Này Đại Tuệ! Ta nói, cát sông Hằng thuận theo dòng thì chẳng phải là nghĩa bỏ đi. Nếu Phật Như Lai có nghĩa bỏ đi thì các Đức Phật Như Lai lẽ ra vô thường và diệt mất.

Này Đại Tuệ! Bản tế của thế gian còn chẳng thể biết, mà chẳng thể biết thì ta làm sao nương vào mà nói nghĩa bỏ đi. Vậy nên, Như Lai chẳng phải là nghĩa bỏ đi. Này Đại Tuệ! Nghĩa bỏ đi thì gọi là nghĩa đoạn diệt nghĩa, phàm phu ngu si chẳng hiểu chẳng biết.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh luân hồi trong thế gian, bản tế đến đi chẳng thể biết thì làm sao Đức Như Lai được giải thoát, lại còn khiến cho chúng sinh được giải thoát?

Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Này Đại Tuệ! Nói giải thoát là lìa khỏi tâm phân biệt huân tập tất cả hý luận phiền não từ vô thủy, có thể biết như thật, chỉ là tự tâm thấy tâm xoay chuyển phân biệt bên ngoài. Vậy nên, ta gọi là Giải thoát.

Này Đại Tuệ! Nói giải thoát chẳng phải là pháp Diệt. Vậy nên, nay ông hỏi ta, nếu ta chẳng biết bản tế làm sao được giải thoát thì câu hỏi này chẳng thành.

Này Đại Tuệ! Nói bản tế thì tức là tâm phân biệt, một thể mà khác tên. Này Đại Tuệ! Lìa khỏi tâm phân biệt lại không có chúng sinh, tức sự phân biệt này gọi là chúng sinh.

Này Đại Tuệ! Trí tuệ chân thật quan sát pháp trong ngoài, không có pháp chủ thể biết và đối tượng để biết. Này Đại Tuệ! Do tất cả pháp vốn là tịch tĩnh.

Này Đại Tuệ! Nếu chẳng biết như thật, chỉ là tự tâm thấy, do hư vọng phân biệt nên sinh ra tâm phân biệt. Biết như thật thì chẳng sinh ra phân biệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Quan sát đối chư Phật
Ví như cát sông Hằng
Chẳng diệt cũng chẳng sinh
Người đó thấy được Phật
Xa lìa các trần cấu
Như cát dòng sông Hằng
Thuận theo dòng chẳng đổi
Pháp thân cũng như vậy.

 

Phẩm 14: SÁT-NA

Bấy giờ, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri giảng nói cho con. Xin Đấng Thiện Thệ vì con giảng nói về tướng sinh diệt của tất cả pháp. Sao Như Lai nói, tất cả pháp từng niệm từng niệm chẳng trụ.

Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông giải nói.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Xin vâng, con xin lắng nghe và tin nhận.

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Tất cả pháp. Tất cả pháp là những gì gọi là, pháp thiện, pháp bất thiện, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp bên trong, pháp bên ngoài…

Này Đại Tuệ! Lược nói pháp năm ấm, nương vào tâm, ý, ý thức huân tập tăng trưởng. Những người phàm phu nương vào tâm, ý, ý thức huân tập nên phân biệt pháp thiện, pháp bất thiện.

Này Đại Tuệ! Thánh nhân hiện tại chứng Tam-muội Tam-mabạt-đề, hạnh an lạc pháp thiện vô lậu. Này Đại Tuệ! Đó gọi là pháp thiện.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Nói rằng, pháp thiện, pháp bất thiện là gọi tám thức. Những gì là tám?

  1. A-lê-gia thức.
  2. Ý.
  3. Ý thức.
  4. Nhãn thức.
  5. Nhĩ thức.
  6. Tỵ thức.
  7. Thiệt thức.
  8. Thân thức.

Này Đại Tuệ! Thân năm thức cùng với thân ý thức đối với pháp thiện, pháp bất thiện đắp đổi sai biệt tương tục, thể không thân sai biệt, thuận theo pháp sinh ra, sinh ra rồi trở lại diệt, chẳng biết tự tâm thấy cảnh giới hư vọng tức là lúc diệt, có thể chấp giữ hiện trạng cảnh giới, hình tướng lớn nhỏ, hơn hay ngang bằng.

Này Đại Tuệ! Ý thức cùng với thân năm thức tương ứng sinh ra, thời gian một niệm chẳng trụ. Vậy nên ta nói, thời gian niệm về pháp đó chẳng trụ.

Này Đại Tuệ! Nói sát-ni-ca thì gọi là Không A-lê-gia thức gọi là Như Lai tạng, không cùng với ý chuyển biến thức huân tập nên gọi là không, đầy đủ pháp huân tập vô lậu gọi là bất không.

Này Đại Tuệ! Phàm phu ngu si chẳng hiểu, chẳng biết chấp trước các pháp trong sát-na chẳng trụ, rơi vào tà kiến mà nói: “Pháp vô lậu cũng chẳng trụ trong sát-na, phá chân như Như Lai tạng đó.

Này Đại Tuệ! Thân năm thức chẳng sinh ra sáu đường, chẳng nhận chịu khổ vui, chẳng tạo tác nhân của Niết-bàn.

Này Đại Tuệ! Như Lai tạng chẳng nhận chịu khổ vui, chẳng phải nhân của sinh tử, còn pháp khác thì cùng sinh, cùng diệt, nương vào bốn loại say sưa huân tập, mà các phàm phu chẳng hiểu chẳng biết, huân tập tà kiến, nói rằng, tất cả pháp chẳng trụ trong sát-na.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Kim cang Như Lai tạng, pháp Như Lai chứng đắc chẳng phải trong sát-na chẳng trụ.

Này Đại Tuệ! Pháp Như Lai chứng đắc, nếu trong sát-na chẳng trụ thì tất cả Thánh giả chẳng thành Thánh nhân.

Này Đại Tuệ! Chẳng phải phi Thánh nhân do đó là Thánh nhân vậy.

Này Đại Tuệ! Trụ ở Kim cang một kiếp gọi là bằng trụ không lường, chẳng tăng chẳng giảm.

Này Đại Tuệ! Sao phàm phu ngu si phân biệt các pháp cho rằng, sát-na chẳng trụ, mà các phàm phu chẳng thông đạt ý của ta, chẳng hiểu chẳng biết các pháp trong ngoài từng niệm từng niệm chẳng trụ?

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói, đủ đầy sáu pháp Ba-lamật, thì đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bạch Thế Tôn! Những gì là sáu Ba-la-mật? Làm sao đầy đủ?

Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Này Đại Tuệ! Ba-la-mật có ba loại khác nhau, đó là: Thế gian Ba-la-mật, xuất thế gian Ba-la-mật, xuất thế gian Thượng thượng Bala-mật.

Này Đại Tuệ! Nói rằng, thế gian Ba-la-mật là phàm phu ngu si chấp trước pháp ngã và ngã sở, rơi vào nhị biên, vì đối với vô số cảnh giới thù thắng vi diệu mà tu hành Ba-la-mật, cầu quả báo nơi cảnh giới Sắc…

Này Đại Tuệ! Phàm phu ngu si hành Thi ba-la-mật (Trì giới), Sằn-đề ba-la-mật (Nhẫn nhục), Tỳ-lê-gia ba-la-mật (Tinh tấn), Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật-đa (Trí tuệ)… cho đến sinh ở Phạm thiên cầu pháp năm thần thông thế gian. Này Đại Tuệ! Đó gọi là những Ba-la-mật của thế gian.

Này Đại Tuệ! Nói rằng xuất thế gian Ba-la-mật nghĩa Thanh văn, Bích-chi-phật chấp giữ tâm Niết-bàn của Thanh văn, Bích-chiphật mà tu hành Ba-la-mật. Này Đại Tuệ! Như phàm phu ngu si thế gian kia vì cầu niềm vui Niết-bàn nơi tự thân mà tu hạnh Ba-la-mật của thế gian. Thanh văn, Duyên giác cũng lại như vậy, vì tự thân cầu niềm vui Niết-bàn mà tu hành hạnh Ba-la-mật xuất thế gian cho đến cầu niềm vui chẳng phải cứu cánh đó.

Này Đại Tuệ! Xuất thế gian Thượng thượng Ba-la-mật là có thể

biết như thật, chỉ là tự tâm hư vọng phân biệt nên thấy cảnh giới bên ngoài. Bấy giờ, biết quả thật chỉ là tự tâm thấy pháp trong ngoài, chẳng phân biệt hư vọng phân biệt, chẳng chấp giữ sắc tướng trong ngoài tự tâm. Đại Bồ-tát có thể biết như thật tất cả pháp nên tu hành Đàn ba-la-mật (Bố thí), vì khiến cho tất cả chúng sinh được niềm vui yên ổn, không kinh sợ. Đó gọi là Đàn ba-la-mật (Bố thí).

Này Đại Tuệ! Bồ-tát quan sát tất cả các pháp đó, chẳng sinh ra phân biệt mà tùy thuận thanh lương. Đó gọi là Thi ba-la-mật.

Này Đại Tuệ! Bồ-tát lìa khỏi tâm phân biệt mà nhẫn nhịn. Bồtát đó tu hành như thật mà biết cảnh giới năng thủ, khả thủ chẳng phải thật, đó gọi là Sằn-đề ba-la-mật của Bồ-tát.

Này Đại Tuệ! Bồ-tát làm sao tu hạnh tinh tấn? Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm thường siêng năng tu hành, thuận theo pháp như thật, đoạn trừ các phân biệt. Đó gọi là Tỳ-lê-gia ba-la-mật.

Này Đại Tuệ! Bồ-tát lìa khỏi tâm phân biệt, chẳng thuận theo tướng cảnh giới năng thủ khả thủ của ngoại đạo, đó gọi là Thiền bala-mật.

Này Đại Tuệ! Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát là gì? Bồ-tát như thật quan sát tướng tự tâm phân biệt, chẳng thấy phân biệt chẳng rơi vào nhị biên, nương vào sự tu hành như thật mà chuyển biến thân, chẳng thấy một pháp nào sinh ra, chẳng thấy một pháp nào diệt đi, tự thân chứng đắc tu hành Thánh hạnh. Đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát.

Này Đại Tuệ! Nghĩa Ba-la-mật đủ đầy như vậy thì đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Không, vô thường sát-na
Ngu phân biệt hữu vi
Như sông, đèn, hạt giống
Không, vô thường sát-na.
Phân biệt nghĩa sát-na
Cũng như vậy sát-na
Sát-ni-ca chẳng sinh
Tịch tĩnh lìa tạo tác.
Tất cả pháp chẳng sinh
Ta nói, nghĩa sát-na
Vật sinh tức có diệt
Chẳng nói vì phàm phu.
Phân biệt pháp tương tục
Vọng tưởng thấy sáu đường
Nếu vô minh là nhân
Hay sinh những tâm ấy
Cho đến sắc chưa sinh
Trung gian nương đâu trụ?
Có sinh tức có diệt
Tâm khác theo đó sinh
Sắc chẳng trụ một niệm
Quan sát pháp gì sinh?
Nương nhân nào sinh pháp?
Tâm không nhân mà sinh
Vậy nên sinh chẳng thành!
Làm sao biết niệm hoại?
Người tu hành chứng định
Kim Cang, Xá-lợi-phất
Cung điện trời Quang Âm
Việc thế gian chẳng hoại
Chứng đắc pháp Chân như
Thành tựu trí Như Lai
Tỳ-kheo chứng bình đẳng
Làm sao niệm chẳng trụ?
Huyễn, thành Càn-thát-bà
Vì sao niệm chẳng trụ?
Bốn đại không, thấy sắc
Thì bốn đại là gì?

 

Phẩm 15: HÓA

Bấy giờ, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Phật Thế Tôn thọ ký cho các vị La-hán thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Như Lai lại nói, các Đức Phật Như Lai chẳng vào Niết-bàn, lại nói, Như Lai Ứng Chánh Biến Tri vào đêm đó chứng Đại Bồ-tát, vào đêm đó nhập Bát-niếtbàn và ở khoảng giữa ấy chẳng nói một chữ. Như Lai lại nói, các Đức Phật Như Lai thường vào định Vô giác vô quán vô phân biệt, lại nói, tạo ra vô số thân ứng hóa độ các chúng sinh. Thế Tôn lại nói, các thức sai khác từng niệm từng niệm chẳng trụ. Kim Cang Mật Tích thường theo ủng hộ. Thế Tôn lại nói, bản tế của thế gian khó biết, lại nói rằng, chúng sinh vào Niết-bàn, mà nếu vào Niết-bàn lẽ ra có bản tế. Thế Tôn lại nói, các Đức Phật không có thù oán, mà thấy các ma, lại nói, Như Lai đoạn tất cả chướng, nhưng mà thấy Chiên-già, Mana-tỳ, Tôn-đà-lê… bài báng. Phật vào thôn Ta-lê-na rốt cuộc chẳng được thức ăn, mang bát không mà đi ra.

Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì Như Lai có vô lượng tội, nghiệp chướng, sao Như Lai chẳng lìa khỏi tất cả những tội lỗi mà đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Được Nhất thiết chủng trí?

Đức Phật bảo Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông giải nói.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Thưa vâng, con xin lắng nghe và tin nhận.

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Ta vì các Thanh văn… đã từng tu hành hạnh Bồtát, nương vào Niết-bàn Vô dư mà thọ ký cho họ. Này Đại Tuệ! Ta thọ ký cho Thanh văn là vì chúng sinh khiếp nhược làm cho họ sinh ra có lòng dũng mãnh.

Này Đại Tuệ! Trong thế giới này và những cõi Phật khác, có các chúng sinh tu hạnh Bồ-tát mà ưa thích hạnh của pháp Thanh văn. Vì chuyển cho họ đạt được Đại Bồ-đề nên Phật ứng hóa vì Thanh văn ứng hóa mà thọ ký, chẳng phải là Phật báo thân, Phật Pháp thân mà thọ ký.

Này Đại Tuệ! Niết-bàn của Thanh văn, Bích-chi-phật không sai khác. Vì sao? Vì đoạn trừ phiền não không sai khác, đoạn phiền não chướng chẳng phải đoạn trí chướng.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Thấy pháp vô ngã thì đoạn trừ được Trí chướng. Thấy nhân vô ngã thì đoạn trừ phiền não chướng. Này Đại Tuệ! Chuyển ý thức nên đoạn pháp chướng, nghiệp chướng. Do chuyển huân tập của ý và A-lê-gia thức nên được thanh tịnh hoàn toàn.

Này Đại Tuệ! Ta thường nương vào thể của bản pháp mà trụ, lại chẳng sinh ra pháp, nương vào bản danh tự chương cú chẳng hiểu, chẳng tư duy mà nói các pháp.

Này Đại Tuệ! Như Lai thường biết như ý, thường chẳng mất niệm, vậy nên Như Lai không giác, không quán. Các Đức Phật Như Lai lìa khỏi Tứ địa rồi, xa lìa hai loại sinh tử, hai chướng, hai loại nghiệp vậy.

Này Đại Tuệ! Bảy loại thức, ý, ý thức, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân từng niệm từng niệm chẳng trụ, do hư vọng huân tập lìa khỏi các thiện pháp vô lậu.

Này Đại Tuệ! Như Lai tạng ở thế gian chẳng sinh, chẳng tử, chẳng đến, chẳng đi, thường hằng, thanh lương, bất biến.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Nương vào Như Lai tạng nên có nhân của thế gian, Niết-bàn, khổ vui mà các phàm phu chẳng hiểu, chẳng biết, rơi vào trống không, hư vọng, điên đảo.

Này Đại Tuệ! Kim Cang Mật Tích thường theo ủng hộ, vây quanh Đức Như Lai Ứng Hóa, chẳng phải Phật Pháp thân, Phật báo thân, căn bản Như Lai Ứng Chánh Biến Tri.

Này Đại Tuệ! Căn bản Như Lai xa lìa các căn lớn nhỏ, các lượng xét xa lìa tất cả phàm phu, Thanh văn, Bích-chi-phật… Này Đại Tuệ! Người tu hành như thật đạt được cảnh giới hạnh an lạc Chân như đó, biết căn bản Phật do đạt được pháp nhẫn Bình Đẳng. Vậy nên Kim Cang Mật Tích theo Phật Ứng Hóa.

Này Đại Tuệ! Phật Ứng Hóa thì không còn nghiệp, không bài báng, mà Phật Ứng Hóa chẳng khác Pháp Phật, Báo thân Phật Như Lai mà cũng chẳng là một. Như thợ gốm, muối… người làm việc làm ra, Phật Ứng Hóa làm việc giáo hóa chúng sinh, khác với tướng chân thật nói pháp, chẳng nói pháp chứng đắc cảnh giới Thánh trí nơi tự thân.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Tất cả phàm phu, ngoại đạo, Thanh văn, Bích-chi-phật… thấy sáu thức diệt thì rơi vào Đoạn kiến, chẳng thấy A-lê-gia thức thì rơi vào Thường kiến. Lại nữa, này Đại Tuệ! Chẳng thấy tự tâm phân biệt bản tế, vậy nên thế gian gọi là không bản tế.

Này Đại Tuệ! Xa lìa sự thấy phân biệt nơi tự tâm thì gọi là giải thoát, được chứng Niết-bàn. Này Đại Tuệ! Các Đức Phật Như Lai xa lìa bốn huân tập khí, vậy nên không gây ra những lỗi lỗi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Ba thừa và phi thừa
Chư Phật vô lượng thừa
Thọ ký thảy Phật địa
Nói đoạn các phiền não
Chứng Thánh trí nội thân
Và Vô dư Niết-bàn
Khuyên gắng chúng sinh khiếp
Nên nói pháp ẩn lấp.
Như Lai chứng đắc trí
Cũng nói đến đạo trên
Chúng sinh nương vào đạo
Nhị thừa không Niết-bàn.
Thấy Dục, Sắc và Hữu
Và huân tập bốn Địa
Ý thức cũng sinh ra
Thấy ý thức cùng trụ.
Thấy ý, nhãn thức thảy
Thường vô thường, đoạn diệt
Nương ý… chấp thường kiến
Khởi kiến chấp Niết-bàn.

 

Phẩm 16: NGĂN ĂN THỊT

Bấy giờ, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con quan sát thế gian, sinh tử lưu chuyển, oán kết liền nhau, rơi vào các đường ác, đều do ăn thịt, giết hại lẫn nhau, tăng trưởng tham sân, chẳng được ra khỏi, thật là khổ sở.

Bạch Thế Tôn! Người ăn thịt đoạn trừ hạt giống đại Từ. Người tu đạo Thánh thì chẳng nên ăn thịt. Bạch Thế Tôn! Các ngoại đạo… nói pháp tà kiến Lô-ca-da-đà, rơi vào luận của thế tục, rơi vào trong hai kiến đoạn thường, hữu vô, đều ngăn ăn thịt, tự mình chẳng ăn, chẳng cho phép người khác ăn. Sao trong pháp thanh tịnh của Như Lai, người tu phạm hạnh thì tự ăn, cho phép người khác ăn, tất cả chẳng cấm chế? Như Lai Thế Tôn đối với các chúng sinh Từ bi bình đẳng thì sao lại cho phép dùng thịt làm thức ăn? Hay thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thương xót thế gian, nguyện xin vì con nói về lỗi của sự ăn thịt và công đức của sự chẳng ăn thịt. Con và những Bồtát nghe rồi, được nương vào đó tu hành như thật và tuyên nói, lưu bố rộng rãi, khiến cho chúng sinh hiện tại và vị lai, tất cả đều biết rõ.

Đức Phật bảo Thánh giả Đại Tuệ:

–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông có tâm đại Từ bi thương xót chúng sinh nên có thể hỏi ý nghĩa này. Ông nay hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông giải nói.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Thưa vâng, con xin lắng nghe và tin nhận.

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Luận về ăn thịt có vô lượng lỗi. Các Đại Bồtát tu đại Từ bi thì chẳng được ăn thịt. Tội lỗi và công đức của người ăn thịt cùng chẳng ăn thịt, ta sẽ nói lên một phần ít. Ông nay hãy lắng nghe. Này Đại Tuệ! Ta quán sát chúng sinh từ vô thủy đến nay đã quen ăn thịt, tham trước vị thịt, giết hại lẫn nhau, xa lìa Hiền thánh, chịu khổ sinh tử. Người xả bỏ vị thịt, nghe vị chánh pháp, ở Bồ-tát địa tu hành như thật thì mau chóng đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại khiến cho chúng sinh vào đến chỗ dừng nghỉ, cả địa Thanh văn, Bích-chi-phật. Dừng nghỉ rồi, khiến họ vào Như Lai địa.

Này Đại Tuệ! Những lợi ích như vậy lấy tâm Từ làm gốc. Người ăn thịt đoạn trừ hạt giống đại Từ thì làm sao sẽ được lợi lớn như vậy? Vậy nên, này Đại Tuệ! Ta quan sát chúng sinh luân hồi sáu đường, đồng ở trong sinh tử, cùng nhau nuôi sống, đắp đổi làm cha mẹ, anh em, chị em, hoặc nam, hoặc nữ hoặc trong lục thân quyến thuộc nội ngoại, hoặc sinh vào đường khác, đường thiện, đường ác, thường làm quyến thuộc. Do nhân duyên đó, ta quan sát chúng sinh ăn thịt lẫn nhau thì không ai là chẳng phải người thân. Do tham vị thịt, họ đắp đổi ăn lẫn nhau, thường sinh tâm ác hại, tăng trưởng nghiệp khổ, lưu chuyển trong sinh tử, chẳng được ra khỏi.

Khi Đức Phật nói lời này, các La-sát ác nghe lời dạy của Đức Phật đều bỏ tâm ác, dừng lại chẳng ăn thịt, cùng khuyên nhau phát tâm Từ bi, hộ trì mạng của chúng sinh, hơn tự hộ thân mình, lìa bỏ tất cả những thứ thịt, chẳng ăn nữa, buồn khóc rơi nước mắt, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con nghe Phật dạy, quan sát kỹ sáu đường, thịt mà con ăn đều chính là người thân của con, mới biết ăn thịt chúng sinh là oán thù lớn, cắt đứt giống đại Từ, lớn thêm nghiệp bất thiện, chính là gốc của khổ đau. Bạch Thế Tôn! Từ ngày hôm nay, con chấm dứt, chẳng ăn thịt và quyến thuộc của con cũng chẳng được phép ăn. Đệ tử của Đức Như Lai có người nào chẳng ăn thịt thì con sẽ ngày đêm gần gũi ủng hộ. Nếu có người ăn thịt thì con sẽ làm cho họ chẳng được nhiều lợi ích.

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Quỷ ác La-sát là loài thường ăn thịt, nghe lời nói của ta còn phát Từ tâm, bỏ thịt chẳng ăn, huống là đệ tử của ta tu hành thiện pháp mà được phép ăn thịt ư? Nếu có người ăn thịt thì phải biết kẻ đó là oán thù của chúng sinh, đoạn trừ Thánh chủng của ta.

Này Đại Tuệ! Nếu đệ tử của ta nghe lời ta dạy, chẳng quan sát kỹ càng mà ăn thịt thì phải biết người đó chính là dòng giống Chiênđà-la, chẳng phải đệ tử của ta, ta chẳng phải là thầy của người ấy. Vậy nên, này Đại Tuệ! Nếu muốn cùng ta làm quyến thuộc thì tất cả các thứ thịt đều chẳng nên ăn.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Bồ-tát nên quan sát tất cả thịt đó đều nương vào máu mủ bất tịnh đỏ trắng của cha mẹ hòa hợp mà sinh ra thân bất tịnh. Vậy nên, Bồ-tát quan sát thịt bất tịnh, chẳng nên ăn thịt.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Người ăn thịt thì chúng sinh nghe thấy hơi đều kinh sợ, chạy trốn tránh xa. Vậy nên, Bồ-tát tu hạnh như thật, vì hóa độ chúng sinh thì chẳng nên ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Ví như Chiên-đà-la, thợ săn, người giết mổ, người đánh cá, kẻ bắt chim… tất cả hành động của họ, chúng sinh thấy từ xa đều khởi lên ý nghĩ như vầy: “Ta nay nhất định chết, người đi đến đây chính là người đại ác, chẳng nhận thức được tội phước, giết hại mạng của chúng sinh, cầu lợi hiện tiền, nay đi đến đây, vì tìm kiếm chúng ta. Nay thân của chúng tôi đều có thịt. Vậy nên, nay chúng tôi nhất định sẽ chết.”

Này Đại Tuệ! Do người ăn thịt có thể khiến cho chúng sinh nhìn thấy đều sinh ra kinh sợ như vậy.

Này Đại Tuệ! Tất cả chúng sinh trong hư không, trên đất thấy người ăn thịt đều sinh ra kinh sợ mà khởi lên ý niệm nghi ngờ: “Đến hôm nay thì ta sống hay chết đây? Như vậy, người ác chẳng tu Từ tâm cũng như loài hổ, chó sói ở thế gian thường tìm kiếm thịt ăn, như trâu ăn cỏ, bọ hung ăn phân… chẳng biết no đủ. Thân ta là thịt chính là thức ăn của chúng, chẳng nên cho chúng nhìn thấy.” Chúng sinh đó liền bỏ chạy trốn, tránh xa những kẻ giết hại ấy, như người sợ sệt Lasát không khác.

Này Đại Tuệ! Người ăn thịt có thể khiến cho chúng sinh thấy thì đều sinh ra kinh sợ như vậy. Ông nên biết, ăn thịt chúng sinh là oán thù lớn. Vậy nên, Bồ-tát tu hành từ bi, vì cứu giúp chúng sinh thì chẳng nên ăn thịt họ, chẳng phải vị ăn của người Thánh tuệ, tiếng ác truyền khắp, Thánh nhân quở trách. Vậy nên, này Đại Tuệ! Bồ-tát vì hộ trì chúng sinh chẳng nên ăn thịt.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Bồ-tát vì hộ trì lòng tin của chúng sinh thì chẳng nên ăn thịt. Vì sao? Này Đại Tuệ! Vì nói rằng, Bồ-tát thì chúng sinh đều biết chính là hạt giống tâm Từ của Phật Như Lai, có thể làm nơi nương tựa cho chúng sinh, người nghe tự nhiên chẳng sinh ra nghi ngờ, kinh sợ mà sinh ra tướng thân hữu tưởng Thiện tri thức, tưởng không sợ hãi… còn nói rằng, được chỗ quy y, được chỗ yên ổn, được thầy dẫn đường tốt.

Này Đại Tuệ! Do chẳng ăn thịt, có thể sinh ra lòng tin của chúng sinh như vậy, còn nếu ăn thịt thì chúng sinh liền mất đi tất cả lòng tin và liền nói rằng, thế gian không có người có thể tin được. Họ liền đoạn trừ tín căn. Vậy nên, này Đại Tuệ! Bồ-tát vì hộ trì lòng tin của chúng sinh thì tất cả các thứ thịt đều chẳng nên ăn.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Các đệ tử của ta vì ủng hộ thế gian, ngăn bài báng Tam bảo nên chẳng nên ăn thịt. Vì sao? Vì thế gian có người thấy ăn thịt nên hủy báng Tam bảo nói lên lời như vầy: Ở trong Phật pháp, chỗ nào sẽ có Sa-môn, Bà-la-môn tu phạm hạnh chân thật thì bỏ món ăn của Thánh nhân đã ăn mà ăn thịt chúng sinh, giống như La-sát ăn thịt no bụng ngủ say chẳng động, nương vào người phàm ở đời, giàu có thế lực, tìm kiếm thịt để ăn, như vua La-sát làm chúng sinh kinh sợ. Vậy nên, khắp nơi xướng lên lời như vầy: Chỗ nào có Sa-môn, Bà-la-môn tu hạnh thanh tịnh chân thật thì chỗ đó không pháp, không Sa-môn, không Tỳ-ni, không có người tu hạnh thanh tịnh. Sinh ra vô lượng, vô biên lòng ác, chẳng lành như vậy… đoạn dứt pháp luân của ta, diệt hết Thánh chủng… tất cả đều do lỗi của người ăn thịt. Vậy nên, này Đại Tuệ! Đệ tử của ta vì hộ trì người ác, hủy báng Tam bảo, thậm chí chẳng nên sinh ra ý niệm “tưởng về thịt, huống gì là ăn thịt.”

Lại nữa, này Đại Tuệ! Bồ-tát vì cầu cõi Phật thanh tịnh, giáo hóa chúng sinh thì chẳng nên ăn thịt mà nên quan sát các thứ thịt như thây chết của người, mắt chẳng muốn thấy, chẳng muốn nghe hơi, huống gì có thể ngửi mà đặt vào trong miệng. Tất cả các thứ thịt cũng lại như vậy.

Này Đại Tuệ! Như thiêu đốt thây chết mùi hôi thối bất tịnh cùng với thiêu đốt thịt khác, thối bẩn không khác thì làm sao trong đó có đồ ăn hay chẳng có đồ ăn? Vậy nên, này Đại Tuệ! Bồ-tát vì cầu cõi Phật thanh tịnh, giáo hóa chúng sinh thì chẳng nên ăn thịt.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Bồ-tát vì cầu lìa khỏi sinh tử nên phải chuyên tâm nhớ nghĩ hạnh Từ bi, ít muốn biết đủ, nhàm chán khổ thế gian, mau cầu giải thoát, phải bỏ nơi ồn ào, đến với nơi thanh vắng, ở trong rừng thây chết, chỗ thanh tịnh, vùng tha ma, ngồi một mình dưới gốc cây để tư duy, quan sát các thế gian, không có một thứ gì đáng vui: Vợ con quyến thuộc tưởng như cùm khóa, cung điện lầu đài quán tưởng như lao ngục, quan sát những trân bảo tưởng như đống phân, thấy đồ ăn thức uống tưởng như máu mủ, nhận đồ ăn thức uống như bôi thuốc trị ung nhọt, mục đích giữ được mạng sống buộc niệm vào Thánh đạo, chẳng vì tham vị. Rượu, thịt, hành, hẹ, tỏi, nén… mùi hôi đều bỏ chẳng ăn.

Này Đại Tuệ! Nếu người như vậy, chính là người tu hành chân chánh, đủ sức thọ sự cúng dường của tất cả trời người. Nếu ở thế gian chẳng sinh nhàm chán tham trước nhiều vị: rượu, thịt, cay, nồng… có được liền ăn ngay thì chẳng nên nhận của tín thí ở thế gian.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Có các chúng sinh ở quá khứ từng tu vô lượng nhân duyên, có ít thiện căn, lại được nghe pháp của ta. Người tín tâm xuất gia ở trong pháp của ta mà đời quá khứ từng làm quyến thuộc của La-sát, sinh ra trong loài cọp, sói, sư tử, mèo, chồn thì tuy ở tại trong pháp ta nhưng tập quán ăn thịt còn nên thấy người ăn thịt thì vui mừng, gần gũi. Họ vào trong thành ấp xóm làng, tháp chùa mà uống rượu, ăn thịt, cho là vui vẻ. Nhưng người trong thiên hạ xem họ giống như quỷ La-sát dành ăn thây chết với nhau, không khác mà chẳng tự biết, rồi đánh mất chúng của ta, thành quyến thuộc của La-sát. Họ tuy mặc áo ca-sa, cạo bỏ râu tóc nhưng kẻ có mạng sống nhìn thấy họ thì lòng sinh kinh sợ như sợ La-sát. Vậy nên, này Đại Tuệ! Nếu người thờ ta làm thầy thì tất cả các thứ thịt đều chẳng nên ăn.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Những thầy chú thuật tà kiến ở thế gian nếu họ ăn thịt thì chú thuật chẳng thành. Vì để thành tà thuật mà còn chẳng ăn thịt, huống là đệ tử của ta vì cầu đạo Thánh vô thượng của Như Lai, cầu giải thoát xuất thế? Tu đại Từ bi, tinh cần khổ hạnh còn sợ chẳng được huống là nơi nào sẽ có giải thoát như vậy, vì người ngu si đó ăn thịt mà được? Vậy nên, này Đại Tuệ! Những đệ tử của ta vì cầu niềm vui giải thoát xuất thế thì chẳng nên ăn thịt.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Ăn thịt có thể sinh ra sắc lực, người ăn vị này khiến có nhiều tham trước nên phải quan sát kỹ càng. Kẻ có thân mạng trong tất cả thế gian đều tự quý trọng, sợ nỗi khổ chết, tiếc giữ thân mạng, người và súc vật không khác biệt, thà phải ưa tấm thân ghẻ lở hoang dã tồn tại, chẳng thể bỏ mạng để đạt được những niềm vui cõi trời. Vì sao? Vì sợ khổ của cái chết.

Này Đại Tuệ! Do sự quan sát chết đó là khổ lớn, chính là pháp đáng sợ, tự thân sợ chết thì làm sao mà ăn thịt người khác được? Vậy nên, này Đại Tuệ! Muốn ăn thịt thì trước tự nghĩ đến thân, thứ đến là quan sát chúng sinh thì chẳng nên ăn thịt.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Phàm người ăn thịt thì chư Thiên xa lìa, huống gì là Thánh nhân. Vậy nên Bồ-tát vì thấy Thánh nhân phải tu từ bi, chẳng nên ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Người ăn thịt ngủ nghỉ cũng khổ, khi thức dậy cũng khổ. Hoặc ở trong mộng, thấy đủ thứ ác, kinh sợ dựng tóc gáy, lòng luôn bất an, không có lòng từ nên thiếu thốn các năng lực thiện. Nếu người ấy, một mình ở chỗ thanh vắng thì bị nhiều phi nhân lén lút quấy phá cọp, sói, sư tử cũng đến rình mò muốn tìm cơ hội mà ăn thịt, lòng luôn luôn kinh sợ chẳng được yên ổn.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Những người ăn thịt khó thỏa mãn lòng tham, ăn chẳng biết lượng sức, chẳng thể tiêu hóa, bốn đại tăng thêm, hơi của miệng tanh tao bên trong lại có nhiều vô lượng trùng độc thân nhiều ghẻ lở, hắc lào, bệnh tật đủ thứ, chẳng sạch, phàm phu hiện tại chẳng ưa nghe thấy, huống là có thể được thân người thơm sạch không bệnh trong đời vị lai.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Ta nói, phàm phu vì cầu mạng sống thanh tịnh mà ăn thức ăn thanh tịnh còn nên sinh ra lòng tưởng như ăn thịt con, huống gì là cho phép ăn thức ăn chẳng phải của Thánh nhân. Thánh nhân giải thoát thì dùng thịt có thể sinh ra vô lượng lỗi, mất đi tất cả công đức xuất thế thì làm sao nói rằng, ta cho phép những đệ tử của ta ăn những thứ thịt, máu, vị bất tịnh… Người nào nói rằng, ta cho phép tức là bài báng ta.

Này Đại Tuệ! Ta cho phép đệ tử ăn thứ ăn mà các Thánh nhân ăn, chẳng phải là thức ăn Thánh nhân xa lìa. Thức ăn của Thánh có thể sinh ra vô lượng công đức, xa lìa các tội lỗi.

Này Đại Tuệ! Thức ăn của Thánh nhân quá khứ hiện tại như là gạo lúa nước, đại mạch, tiểu mạch, đậu, đủ thứ dầu, mật, cây mía, nước cốt cây mía, bột kiển-đà, can-đề… tùy lúc được thì cho phép ăn vì thanh tịnh.

Này Đại Tuệ! Ở đời vị lai, có người ngu si nói đủ các Tỳ-ni rằng, được ăn thịt. Do ở đời quá khứ người ấy huân tập ăn thịt, tham đắm vị thịt, tùy theo tâm mình thấy nên nói lời như vậy, chẳng phải Phật, thánh nói vì món ăn ngon.

Này Đại Tuệ! Người chẳng ăn thịt thì do đời quá khứ, cúng dường chư Phật, gieo trồng căn lành, có thể tin lời của Phật, giữ gìn giới luật chắc chắn, tin các nhân quả, đối với thân miệng có thể tự tiết chế, điều lượng, chẳng vì tham trước các vị của thế gian. Thấy người ăn thịt có thể sinh tâm Từ.

Này Đại Tuệ! Ta nhớ, thuở quá khứ, có vị vua tên là Sư Tử Nô ăn đủ thứ thịt, đam mê vị của thịt, lần lượt thậm chí ăn cả thịt người. Vì vua ấy ăn thịt người nên cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc đều xa lìa hết. Tất cả thần dân trong đất nước, xóm làng đều liền mưu phản, cùng muốn giết vua ấy. Do người ăn thịt có những lỗi lầm như vậy. Vậy nên, chẳng nên ăn tất cả loài thịt.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Vua trời Tự tại hóa thân làm chim câu. Thích Đề-hoàn Nhân là chúa của chư Thiên, do tập khí ăn thịt ở đời quá khứ nên hóa thân làm chim ưng đuổi bắt chim bồ câu này. Chim bồ câu bay đến đậu vào ta. Bấy giờ, ta làm vua Thi Tỳ, thương xót chúng sinh ăn nuốt nhau nên cân thịt của thân mình cho chim ưng thay cho thịt bồ câu, cắt thịt thân chẳng đủ đặt lên trên cân, phải chịu đau khổ vô cùng.

Này Đại Tuệ! Như vậy từ vô lượng đời đến nay huân tập ăn thịt, thân mình, thân người khác có lỗi như vậy, huống gì là người thường ăn thịt không hổ thẹn.

Này Đại Tuệ! Lại có vị vua khác chẳng ăn thịt thì cưỡi ngựa dạo chơi, vì ngựa nổi kinh sợ, dẫn vào núi sâu, thất lạc tùy tùng, chẳng biết đường về. Vì vua ấy chẳng ăn thịt nên sư tử, cọp, sói nhìn thấy không có tâm muốn hại, rồi cùng với sư tử cái cùng làm việc dâm dục, cho đến sinh ra con là Ban Túc Vương… Do đời quá khứ huân tập ăn thịt và làm vua cõi người cũng thường ăn thịt, ở tại thôn Thất gia, nhiều người ưa ăn thịt, ăn thịt thái quá liền ăn cả thịt người nên họ sinh ra những con trai, con gái hầu hết là La-sát.

Này Đại Tuệ! Chúng sinh ăn thịt nương vào quá khứ huân tập ăn thịt nên phần nhiều sinh vào trong những loài La-sát, sư tử, cọp, sói, báo, mèo, chồn, cú vọ, diều hâu, chim ưng… Những loài có thân mạng đều tự hộ thân, không ai có thể giết hại, chịu khổ đói khát thì thường sinh ra tâm ác, nghĩ đến việc ăn thịt kẻ khác, mạng chung lại rơi vào đường ác, thọ sinh thân người khó được, huống nữa sẽ đạt được đạo Niết-bàn.

Này Đại Tuệ! Ông nên biết, người ăn thịt có vô lượng những tội lỗi như vậy. Người chẳng ăn thịt tức là gom tụ công đức không lường.

Này Đại Tuệ! Các phàm phu chẳng biết tội lỗi của ăn thịt và công đức của chẳng ăn thịt như vậy. Ta nay lược nói về chẳng cho phép ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Nếu tất cả mọi người chẳng ăn thịt thì cũng không có người giết hại chúng sinh. Do người ăn thịt nếu chẳng có để thì đi khắp nơi tìm mua, người vì tài lợi liền giết để buôn bán. Vì người mua nên giết, vậy nên người mua cùng người giết không khác. Vậy nên, ăn thịt có thể làm chướng ngại Thánh đạo.

Này Đại Tuệ! Người ăn thịt đam mê vị thịt, đến nỗi không có vật nuôi thì ăn cả thịt người, huống gì là hươu, nai, trĩ, thỏ, ngỗng, heo, dê, gà, chó, lạc đà, lừa, voi, ngựa, rồng, rắn, cá, ba ba… loài có sinh mạng sống dưới nước, trên đất đã bắt được mà chẳng ăn. Do tham đắm vị thịt nên tạo ra các phương tiện giết hại chúng sinh, tạo tác đủ thứ lưới giăng, cạm bẫy…, lưới bao núi, lưới giăng dưới đất, ngăn sông, chận biển… khắp nơi trên đất, trong nước đều vây lưới, đặt bẫy, đào hầm hố, đặt cung, dao, tên độc… xen lẫn không còn chỗ trống. Đủ thứ chúng sinh sống trong hư không, trên đất, dưới nước đều bị giết hại vì ăn thịt vậy.

Này Đại Tuệ! Thợ săn, kẻ giết mổ, người ăn thịt… tâm ác bền vững có thể làm điều bất nhẫn, thấy hình thể chúng sinh béo tốt, da thịt mơn mởn thì sinh tâm nghĩ đến món ăn, lại chỉ cho nhau rằng, cái này có thể ăn, lòng chẳng sinh một ý niệm bất nhẫn. Vậy nên ta nói, người ăn thịt đoạn mất hạt giống đại Từ.

Này Đại Tuệ! Ta quan sát thế gian, không có thứ thịt nào mà chẳng phải là sinh mạng. Tự mình chẳng giết, chẳng dạy người giết, thì người khác chẳng bị giết, chẳng từ sinh mạng mà có thịt này thì không có điều này. Nếu có thứ thịt chẳng từ sinh mạng mà ra này lại là món ăn ngon thì ta vì lý do gì chẳng cho phép người ăn? Tìm khắp thế gian, không có thứ thịt như vậy. Vậy nên ta nói, ăn thịt là tội, đoạn dứt hạt giống Như Lai nên chẳng cho phép ăn.

Này Đại Tuệ! Sau khi ta Niết-bàn, vào đời vị lai, lúc pháp sắp diệt, ở trong pháp của ta, có người xuất gia, cạo bỏ râu tóc, tự xưng: “Ta là Thích tử Sa-môn”, mặc áo ca-sa của ta mà ngu si như đứa trẻ, tự xưng là luật sư mà rơi vào nhị biên, đủ thứ hư vọng giác quán, loạn tâm, tham trước vị thịt, theo kiến chấp tự tâm nói. Trong Tỳ-ni nói rằng, được ăn thịt, cũng bài báng ta rằng, các Đức Phật

Như Lai cho phép người ăn thịt, cũng nói rằng, do cấm chế mà được phép ăn thịt, cũng bài báng ta rằng, Như Lai Thế Tôn cũng tự ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Ở trong tất cả kinh, như Tượng Dịch, Ương-quậtma, Niết-bàn, Đại Vân… của ta chẳng cho phép ăn thịt, cũng chẳng nói, cho thịt vào thức ăn.

Này Đại Tuệ! Ta nếu cho phép các đệ tử Thanh văn lấy thịt làm thức ăn thì nhất định ta chẳng được miệng thường khen ngợi người tu từ bi thực hành hạnh như thật, cũng chẳng khen ngợi người tu hạnh đầu đà trong rừng Thi-đà, cũng chẳng khen ngợi người tu hành Đại thừa trụ ở Đại thừa, cũng chẳng khen ngợi người chẳng ăn thịt. Ta chẳng tự ăn, chẳng cho phép người khác ăn. Vậy nên ta khuyên người tu hạnh Bồ-tát, khen ngợi chẳng ăn thịt, khuyên nên xem chúng sinh như con một thì tại sao xướng lên rằng, ta cho phép ăn thịt. Ta vì đệ tử tu hạnh ba thừa mau đạt được quả nên ngăn chặn tất cả thịt, chẳng cho phép ăn thì tại sao nói rằng trong Tỳ-ni của ta cho phép người ăn thịt.

Lại nữa, nói rằng trong kinh khác của Như Lai nói, có ba thứ thịt cho phép người ăn thì nên biết người đó chẳng lý giải được Tỳ-ni mà cắt đứt thứ lớp nên xướng rằng, được ăn. Vì sao? Này Đại Tuệ! Vì thịt có hai thứ, một là người khác giết, hai là tự chết. Do người đời nói rằng, có thịt được ăn, có thịt chẳng được ăn. Voi, ngựa, rồng, rắn, người, quỷ, khỉ vượn, heo, chó và trâu thì nói chẳng được ăn, còn các loài khác thì được ăn. Người giết mổ chẳng hỏi được ăn hay chẳng được ăn mà cứ giết hết tất cả, bày bán khắp nơi. Chúng sinh không có lỗi mà bị giết hại ngang ngược. Vậy nên, ta cấm chế thịt người khác giết hay tự tử đều chẳng được ăn. Nghe thấy nghi ngờ thì gọi là người khác giết, chẳng nghe thấy nghi ngờ thì gọi là tự tử. Vậy nên, này Đại Tuệ! Trong Tỳ-ni của ta xướng lên lời như vầy: Phàm đối với tất cả Thích tử Sa-môn, thịt đều là thức ăn bất tịnh, làm ô uế mạng sống thanh tịnh, chướng ngại Thánh đạo phần, không có phương tiện mà có thể được ăn. Nếu có nói rằng, trong Tỳ-ni của Phật nói có ba thứ thịt là chẳng cho phép ăn, chẳng phải là cho phép ăn. Ông nên biết là người trụ vững chắc ở Tỳ-ni là người chẳng bài báng ta.

Này Đại Tuệ! Nay trong kinh Lăng-già này, tất cả thời gian, tất cả các thứ thịt, cũng không phương tiện mà có thể được ăn. Vậy nên, này Đại Tuệ! Ta ngăn ăn thịt chẳng phải vì một người mà hiện tại và vị lai, tất cả chẳng được ăn. Vậy nên, này Đại Tuệ! Nếu người ngu si kia tự nói là luật sư mà nói rằng, trong Tỳ-ni cho phép người ăn thịt, cũng bài báng ta rằng, Như Lai tự ăn thì người ngu si đó thành tội chướng lớn, mãi mãi rơi vào chỗ không lợi ích, chỗ không Thánh nhân, chỗ chẳng nghe pháp, cũng chẳng được gặp đệ tử của bậc Thánh hiền hiện tại, vị lai, huống là sẽ được gặp các Đức Phật Như Lai.

Này Đại Tuệ! Những hàng Thanh văn thường nên ăn gạo, lúa mì, dầu mất, đủ thứ mè, đậu có thể sinh ra mạng thanh tịnh. Nếu là chứa nuôi phi pháp, nhận lấy phi pháp thì ta nói bất tịnh, còn chẳng cho ăn, huống gì là cho phép ăn máu thịt bất tịnh.

Này Đại Tuệ! Các đệ tử Thanh văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát của ta ăn được pháp thực thì chẳng phải ăn uống thức ăn, huống gì là Như Lai.

Này Đại Tuệ! Pháp thực, pháp trụ của các Đức Phật Như Lai chẳng phải là thân ăn uống, chẳng phải thân trụ ở tất cả các thức ăn thức uống, lìa khỏi các của cải ưa thích… xa lìa tất cả tội lỗi của tập khí phiền não, khéo phân biệt tâm, trí tuệ của tâm, Nhất thiết trí, Nhất thiết kiến, thấy các chúng sinh thương xót bình đẳng. Vậy nên, này Đại Tuệ! Ta thấy tất cả các chúng sinh bình đẳng giống như con một thì làm sao mà cho phép dùng thịt làm thức ăn. Ta cũng chẳng tùy hỉ, huống gì là tự ăn.

Này Đại Tuệ! Như vậy, tất cả hành hẹ tỏi nén hôi nhơ bất tịnh có thể làm chướng ngại đạo Thánh, cũng làm chướng ngại chỗ thanh tịnh của người trời ở thế gian, huống gì là quả báo cõi thanh tịnh của chư Phật. Rượu cũng như vậy, có thể làm chướng ngại Thánh đạo, có thể làm tổn hại nghiệp thiện, có thể sinh ra những tội lỗi. Vậy nên, này Đại Tuệ! Người đến với Thánh đạo thì rượu, thịt, hành, hẹ, tỏi nén… những thứ có thể tạo vị nồng đều chẳng nên ăn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Đại Tuệ Bồ-tát hỏi
Rượu, thịt, tỏi, nén, hành…
Phật rằng, là bất tịnh
Tất cả chẳng cho ăn.
Quỷ La-sát ăn nuốt
Chẳng phải của Thánh ăn
Người ăn, Thánh quở trách
Và tiếng ác lưu truyền
Nguyện Phật phân biệt nói
Tội phước ăn, chẳng ăn.
Này Đại Tuệ! Nghe kỹ.
Ta nói lỗi trong ăn
Rượu, thịt, hành, hẹ, tỏi
Là chướng đạo Thánh nhân
Ta xem trong ba cõi
Chúng đạt được đạo Thánh
Từ thế giới vô thủy
Đắp đổi đều thân thuộc
Làm sao ở trong ấy
Mà có ăn, chẳng ăn.
Quan sát chỗ thịt đến
Xuất xứ chẳng thanh tịnh
Sinh máu mủ trộn lẫn
Phân, giải mủ… hòa chung.
Người tu hạnh thanh tịnh
Phải quán, chẳng nên ăn
Đủ thứ thịt, hành hẹ…
Uống rượu cũng chẳng nên
Đủ loại tỏi và nén…
Người tu thường xa lìa
Xa lìa khỏi dầu mè
Giường thùng lỗ chẳng nằm
Các trùng nhỏ biết bay
Đoạn hai mạng người khác.
Ăn thịt tăng sức mạnh
Do lực sinh tà niệm
Tà niệm sinh tham dục
Nên chẳng cho ăn thịt
Do ăn thịt sinh tham
Lòng tham say mê hoặc
Mê say tăng ái dục
Chẳng giải thoát tử, sinh
Vì lợi giết chúng sinh
Vì thịt tìm của tiền
Nghiệp ác hai người đó
Chết đọa ngục kêu la
Ba thứ gọi tịnh nhục
Chẳng nghi, chẳng thấy nghe
Đời không thịt như vậy
Ăn thịt rơi vào trong
Nạn nhơ uế đáng chán
Thường sinh trong điên cuồng
Sinh vào nhà đồ tể
Chiên-đà-la, thợ săn
Hoặc sinh nữ La-sát
Và những chỗ ăn thịt.
La-sát và mèo, chồn…
Sinh trong loài ăn thịt
Kinh Tượng Dịch, Đại Vân
Kinh Niết-bàn, Thắng Man
Và kinh Nhập Lăng-già
Ta chẳng cho ăn thịt.
Phật, Bồ-tát, Thanh văn
Các vị cũng quở trách
Ăn thịt không hổ thẹn
Đời đời điên cuồng mãi.
Trước nói, nghi, thấy, nghe
Đã đoạn tất cả thịt
Vọng tưởng chẳng hiểu biết
Nên tưởng ăn thịt sinh.
Như lỗi tham dục đó
Chướng ngại Thánh giải thoát
Rượu, thịt, hành, tỏi, nén…
Thánh đạo đều bị ngăn
Chúng sinh đời vị lai
Với thịt, ngu nói rằng:
Thịt thanh tịnh không tội
Phật cho chúng ta ăn
Ăn thanh tịnh như thuốc
Giống như ăn thịt con
Tri túc sinh nhàm chán
Tu hành đi khất thực
Người Từ tâm an trụ
Ta nói, luôn lìa chán
Sư tử, sài lang, cọp
Thường hay đi, ở chung.
Ăn thịt người thấy sợ
Làm sao có thể ăn?
Vậy nên người tu hành
Tâm từ chẳng ăn thịt.
Ăn thịt đoạn tâm Từ
Lìa Niết-bàn giải thoát
Trái lời dạy Thánh nhân
Nên chẳng cho ăn thịt
Không ăn sinh Phạm chủng
Và những người tu đạo.
Trí tuệ và giàu sang
Ấy do chẳng ăn thịt.

 

Phẩm 17: ĐÀ-LA-NI

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ:

–Này Đại Tuệ! Ông nên lắng nghe, thọ trì chú kinh Lăng-già của ta. Thần chú này, các Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đã nói, nay nói và sẽ nói.

Này Đại Tuệ! Ta nay cũng nói. Ta vì các pháp sư thọ trì, đọc tụng Kinh Lăng-già mà nói chú:

Đâu đế đâu đế, chúc đế chúc đế, tô pha đế tô pha đế, ca đế ca đế, a ma lị, a ma đế, tỳ ma lê tỳ ma lê, ni di ni di, hề di hề di, bà mê bà mê, ca lê ca lê, ca la ca lê, a tề ma tề, già tề đâu tề, nhượng tề, tô phất tề, cát đệ cát đệ, ba đệ ba đệ, hề mễ hề mễ địa mễ địa mễ, la chế la chế, ba chế ba chế, bàn đệ bàn đệ, a chế di chế, trúc trà lê đâu trà đệ, ba la đệ, át kế át kế, chước kế chước kế lê lợi, nhỉ dương mễ, hề mễ hề mễ, trú trú trú trú, trừu súc trừu súc, trừu trừu trừu trừu, trừ trừ trừ trừ, tô bà ha.

Này Đại Tuệ! Đó gọi là câu văn chú trong kinh Đại Lăng-già. Thiện nam, thiện nữ, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… có thể thọ trì đọc tụng câu văn này và vì người diễn nói thì không có người nào có thể tìm ra tội lỗi của những người ấy. Hoặc Trời, thiên nữ, hoặc rồng, rồng nữ, hoặc Dạ-xoa, Dạ-xoa nữ, A-tu-la, A-tu-la nữ, Ca-lâu-la, Ca-lâu-la nữ, Khẩn-na-la, Khẩn-na-la nữ, Ma-hầu-la-già, Ma-hầu-la-già nữ, Phù-đa, Phù-đa nữ, Cưu-bàn-trà, Cưu-bàn-trà nữ, Tỳ-xá-xà, Tỳ-xá-xà nữ, Ô-đa-la, Ô-đa-la nữ, A-ba-la, A-ba-la nữ, Lasát, La-sát nữ, Trà-già, Trà-già nữ, Ô-châu-hà-la, Ô-châu-hà-la nữ, Già-tra-phước-đa-la, Già-tra-phước-đa-la nữ, hoặc người, phi nhân, hoặc người nữ, chẳng phải người nữ… chẳng thể tìm thấy tội lỗi của những người ấy. Nếu có quỷ thần ác làm tổn hại người mà muốn mau chóng khiến cho những ác quỷ đó đi thì tụng một trăm biến chú Đàla-ni này. Những quỷ ác đó kinh sợ gào khóc vội vàng bỏ đi.

Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Này Đại Tuệ! Ta vì hộ trì Pháp sư ủng hộ pháp này lại nói Đàla-ni!

Đức Phật nói chú:

–Ba đâu di, ba đầu di đề tỳ, hề ni hề ni hề nỉ chư lê, chư la, chư lệ, hầu la, hầu lệ, do lê, do la, do lệ, ba lệ, ba la, ba lệ, văn chế, ân điệt tần điệt bàn thể mạt điệt trì na, ca lê tô ba ha.

Này Đại Tuệ! Câu văn chú Đà-la-ni này, nếu thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói thì không người nào có thể gây tạo tội lỗi cho họ. Hoặc trời hoặc thiên nữ hoặc rồng hoặc rồng nữ, Dạ-xoa, Dạ-xoa nữ, A-tu-la, A-tu-la nữ, Ca-lâu-la, Ca-lâu-la nữ, Khẩn-na-la, Khẩn-na-la nữ, Ma-hầu-la-già, Ma-hầu-la-già nữ, Cànthát-bà, Càn-thát-bà nữ, Phù-đa, Phù-đa nữ, Cưu-bàn-trà, Cưu-bàntrà nữ, Tỳ-xá-xà, Tỳ-xá-xà nữ, Ô-đa-la, Ô-đa-la nữ, A-bạt-ma-la, Abạt-ma-la nữ, La-xoa, La-xoa nữ, Ô-thát-a-la, Ô-thát-a-la nữ, Giàtra-phước-đơn-na, Già-tra-phước-đơn-na nữ, hoặc người, hoặc phi nhân, hoặc người nữ phi nhân nữ… tất cả những người đó chẳng thể tìm được tội lỗi của họ.

Này Đại Tuệ! Nếu có người có thể thọ trì đọc tụng câu văn chú này thì người đó được gọi là tụng tất cả kinh Lăng-già. Vậy nên, ta nói câu chú Đà-la-ni này, vì ngăn chận tất cả các La-sát, hộ trì tất cả thiện nam, thiện nữ giữ gìn kinh này.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9