KINH NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 14: SÁT-NA
Bấy giờ, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:
–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri giảng nói cho con. Xin Đấng Thiện Thệ vì con giảng nói về tướng sinh diệt của tất cả pháp. Sao Như Lai nói, tất cả pháp từng niệm từng niệm chẳng trụ.
Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:
–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông giải nói.
Bồ-tát Đại Tuệ bạch:
–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Xin vâng, con xin lắng nghe và tin nhận.
Đức Phật nói:
–Này Đại Tuệ! Tất cả pháp. Tất cả pháp là những gì gọi là, pháp thiện, pháp bất thiện, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp bên trong, pháp bên ngoài…
Này Đại Tuệ! Lược nói pháp năm ấm, nương vào tâm, ý, ý thức huân tập tăng trưởng. Những người phàm phu nương vào tâm, ý, ý thức huân tập nên phân biệt pháp thiện, pháp bất thiện.
Này Đại Tuệ! Thánh nhân hiện tại chứng Tam-muội Tam-mabạt-đề, hạnh an lạc pháp thiện vô lậu. Này Đại Tuệ! Đó gọi là pháp thiện.
Lại nữa, này Đại Tuệ! Nói rằng, pháp thiện, pháp bất thiện là gọi tám thức. Những gì là tám?
- A-lê-gia thức.
- Ý.
- Ý thức.
- Nhãn thức.
- Nhĩ thức.
- Tỵ thức.
- Thiệt thức.
- Thân thức.
Này Đại Tuệ! Thân năm thức cùng với thân ý thức đối với pháp thiện, pháp bất thiện đắp đổi sai biệt tương tục, thể không thân sai biệt, thuận theo pháp sinh ra, sinh ra rồi trở lại diệt, chẳng biết tự tâm thấy cảnh giới hư vọng tức là lúc diệt, có thể chấp giữ hiện trạng cảnh giới, hình tướng lớn nhỏ, hơn hay ngang bằng.
Này Đại Tuệ! Ý thức cùng với thân năm thức tương ứng sinh ra, thời gian một niệm chẳng trụ. Vậy nên ta nói, thời gian niệm về pháp đó chẳng trụ.
Này Đại Tuệ! Nói sát-ni-ca thì gọi là Không A-lê-gia thức gọi là Như Lai tạng, không cùng với ý chuyển biến thức huân tập nên gọi là không, đầy đủ pháp huân tập vô lậu gọi là bất không.
Này Đại Tuệ! Phàm phu ngu si chẳng hiểu, chẳng biết chấp trước các pháp trong sát-na chẳng trụ, rơi vào tà kiến mà nói: “Pháp vô lậu cũng chẳng trụ trong sát-na, phá chân như Như Lai tạng đó.
Này Đại Tuệ! Thân năm thức chẳng sinh ra sáu đường, chẳng nhận chịu khổ vui, chẳng tạo tác nhân của Niết-bàn.
Này Đại Tuệ! Như Lai tạng chẳng nhận chịu khổ vui, chẳng phải nhân của sinh tử, còn pháp khác thì cùng sinh, cùng diệt, nương vào bốn loại say sưa huân tập, mà các phàm phu chẳng hiểu chẳng biết, huân tập tà kiến, nói rằng, tất cả pháp chẳng trụ trong sát-na.
Lại nữa, này Đại Tuệ! Kim cang Như Lai tạng, pháp Như Lai chứng đắc chẳng phải trong sát-na chẳng trụ.
Này Đại Tuệ! Pháp Như Lai chứng đắc, nếu trong sát-na chẳng trụ thì tất cả Thánh giả chẳng thành Thánh nhân.
Này Đại Tuệ! Chẳng phải phi Thánh nhân do đó là Thánh nhân vậy.
Này Đại Tuệ! Trụ ở Kim cang một kiếp gọi là bằng trụ không lường, chẳng tăng chẳng giảm.
Này Đại Tuệ! Sao phàm phu ngu si phân biệt các pháp cho rằng, sát-na chẳng trụ, mà các phàm phu chẳng thông đạt ý của ta, chẳng hiểu chẳng biết các pháp trong ngoài từng niệm từng niệm chẳng trụ?
Bồ-tát Đại Tuệ bạch:
–Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói, đủ đầy sáu pháp Ba-lamật, thì đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bạch Thế Tôn! Những gì là sáu Ba-la-mật? Làm sao đầy đủ?
Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:
–Này Đại Tuệ! Ba-la-mật có ba loại khác nhau, đó là: Thế gian Ba-la-mật, xuất thế gian Ba-la-mật, xuất thế gian Thượng thượng Bala-mật.
Này Đại Tuệ! Nói rằng, thế gian Ba-la-mật là phàm phu ngu si chấp trước pháp ngã và ngã sở, rơi vào nhị biên, vì đối với vô số cảnh giới thù thắng vi diệu mà tu hành Ba-la-mật, cầu quả báo nơi cảnh giới Sắc…
Này Đại Tuệ! Phàm phu ngu si hành Thi ba-la-mật (Trì giới), Sằn-đề ba-la-mật (Nhẫn nhục), Tỳ-lê-gia ba-la-mật (Tinh tấn), Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật-đa (Trí tuệ)… cho đến sinh ở Phạm thiên cầu pháp năm thần thông thế gian. Này Đại Tuệ! Đó gọi là những Ba-la-mật của thế gian.
Này Đại Tuệ! Nói rằng xuất thế gian Ba-la-mật nghĩa Thanh văn, Bích-chi-phật chấp giữ tâm Niết-bàn của Thanh văn, Bích-chiphật mà tu hành Ba-la-mật. Này Đại Tuệ! Như phàm phu ngu si thế gian kia vì cầu niềm vui Niết-bàn nơi tự thân mà tu hạnh Ba-la-mật của thế gian. Thanh văn, Duyên giác cũng lại như vậy, vì tự thân cầu niềm vui Niết-bàn mà tu hành hạnh Ba-la-mật xuất thế gian cho đến cầu niềm vui chẳng phải cứu cánh đó.
Này Đại Tuệ! Xuất thế gian Thượng thượng Ba-la-mật là có thể
biết như thật, chỉ là tự tâm hư vọng phân biệt nên thấy cảnh giới bên ngoài. Bấy giờ, biết quả thật chỉ là tự tâm thấy pháp trong ngoài, chẳng phân biệt hư vọng phân biệt, chẳng chấp giữ sắc tướng trong ngoài tự tâm. Đại Bồ-tát có thể biết như thật tất cả pháp nên tu hành Đàn ba-la-mật (Bố thí), vì khiến cho tất cả chúng sinh được niềm vui yên ổn, không kinh sợ. Đó gọi là Đàn ba-la-mật (Bố thí).
Này Đại Tuệ! Bồ-tát quan sát tất cả các pháp đó, chẳng sinh ra phân biệt mà tùy thuận thanh lương. Đó gọi là Thi ba-la-mật.
Này Đại Tuệ! Bồ-tát lìa khỏi tâm phân biệt mà nhẫn nhịn. Bồtát đó tu hành như thật mà biết cảnh giới năng thủ, khả thủ chẳng phải thật, đó gọi là Sằn-đề ba-la-mật của Bồ-tát.
Này Đại Tuệ! Bồ-tát làm sao tu hạnh tinh tấn? Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm thường siêng năng tu hành, thuận theo pháp như thật, đoạn trừ các phân biệt. Đó gọi là Tỳ-lê-gia ba-la-mật.
Này Đại Tuệ! Bồ-tát lìa khỏi tâm phân biệt, chẳng thuận theo tướng cảnh giới năng thủ khả thủ của ngoại đạo, đó gọi là Thiền bala-mật.
Này Đại Tuệ! Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát là gì? Bồ-tát như thật quan sát tướng tự tâm phân biệt, chẳng thấy phân biệt chẳng rơi vào nhị biên, nương vào sự tu hành như thật mà chuyển biến thân, chẳng thấy một pháp nào sinh ra, chẳng thấy một pháp nào diệt đi, tự thân chứng đắc tu hành Thánh hạnh. Đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát.
Này Đại Tuệ! Nghĩa Ba-la-mật đủ đầy như vậy thì đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:
Không, vô thường sát-na
Ngu phân biệt hữu vi
Như sông, đèn, hạt giống
Không, vô thường sát-na.
Phân biệt nghĩa sát-na
Cũng như vậy sát-na
Sát-ni-ca chẳng sinh
Tịch tĩnh lìa tạo tác.
Tất cả pháp chẳng sinh
Ta nói, nghĩa sát-na
Vật sinh tức có diệt
Chẳng nói vì phàm phu.
Phân biệt pháp tương tục
Vọng tưởng thấy sáu đường
Nếu vô minh là nhân
Hay sinh những tâm ấy
Cho đến sắc chưa sinh
Trung gian nương đâu trụ?
Có sinh tức có diệt
Tâm khác theo đó sinh
Sắc chẳng trụ một niệm
Quan sát pháp gì sinh?
Nương nhân nào sinh pháp?
Tâm không nhân mà sinh
Vậy nên sinh chẳng thành!
Làm sao biết niệm hoại?
Người tu hành chứng định
Kim Cang, Xá-lợi-phất
Cung điện trời Quang Âm
Việc thế gian chẳng hoại
Chứng đắc pháp Chân như
Thành tựu trí Như Lai
Tỳ-kheo chứng bình đẳng
Làm sao niệm chẳng trụ?
Huyễn, thành Càn-thát-bà
Vì sao niệm chẳng trụ?
Bốn đại không, thấy sắc
Thì bốn đại là gì?