KINH NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 11: PHẬT TÁNH
Bấy giờ, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ lại thỉnh Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri vì con giảng nói. Xin Đấng Thiện Thệ vì con nói về tướng sinh diệt của ấm, giới, nhập. Bạch Thế Tôn! Nếu vô ngã thì ai sinh, ai diệt? Bạch Thế Tôn! Tất cả phàm phu nương vào sinh, diệt mà trụ, chẳng thấy hết khổ. Vậy nên, chẳng biết tướng Niết-bàn.
Đức Phật bảo Thánh giả Đại Tuệ:
–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông nói.
Bồ-tát Đại Tuệ bạch:
–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Thưa vâng, con xin lắng nghe và tin nhận.
Đức Phật bảo:
–Này Đại Tuệ! Như Lai tạng là nhân thiện hay chẳng thiện, có thể cùng tạo tác nhân duyên sinh tử trong sáu đường. Ví như nhà nghề làm ra đủ tài khéo léo, chúng sinh nương vào Như Lai tạng, sinh tử trong năm đường. Này Đại Tuệ! Mà Như Lai tạng cũng lìa khỏi ngã và ngã sở, các ngoại đạo… chẳng biết, chẳng hiểu. Vậy nên chẳng thể đoạn trừ nhân duyên sinh tử của ba cõi.
Này Đại Tuệ! Các ngoại đạo… vọng chấp có ngã nên chẳng thể thấy như thật về Như Lai tạng, do các ngoại đạo từ đời vô thủy đến nay hư vọng chấp trước đủ thứ hý luận và các sự huân tập.
Này Đại Tuệ! A-lê-gia thức gọi là Như Lai tạng cùng liên hệ với bảy thức vô minh, như sóng ở biển cả, thân câu sinh thường chẳng đoạn dứt, nếu lìa khỏi lỗi vô thường, lìa khỏi lỗi của ngã, thì tự tánh thanh tịnh. Còn bảy thức, tâm, ý, ý thức… từng niệm từng niệm chẳng trụ, chính là pháp sinh diệt. Bảy thức do nhân hư vọng đó sinh ra, chẳng thể phân biệt như thật các pháp, xem xét hình tướng cao thấp, dài ngắn, chấp trước danh tướng, có thể khiến cho tự tâm thấy sắc tướng, có thể nhận lấy khổ vui, có thể lìa khỏi nhân của giải thoát, do danh tướng sinh ra phiền não tham. Nương vào ý niệm đó, nương vào sự diệt tận các căn, chẳng theo thứ lớp sinh ra, còn tự ý phân biệt chẳng sinh ra cảm nhận khổ vui. Vậy nên nhập vào định Thiểu tưởng Diệt tận, vào Tam-ma-bạt-đề, Tứ Thiền, Thật đế giải thoát mà người tu hành sinh ra tướng giải thoát, do chẳng biết chuyển diệt tướng hư vọng.
Này Đại Tuệ! Như Lai tạng thức chẳng ở trong A-lê-gia thức. Vậy nên, bảy thức có sinh, có diệt. Như Lai tạng thức chẳng sinh chẳng diệt. Vì sao? Vì bảy thức nương vào ý niệm quán sát các cảnh giới mà sinh ra. Cảnh giới bảy thức này, tất cả Thanh văn, Bích-chiphật, ngoại đạo tu hành thì chẳng thể thông đạt, chẳng biết như thật về nhân vô ngã, do chấp giữ pháp cùng tướng và khác tướng, do thấy các pháp ấm, giới, nhập…
Này Đại Tuệ! Như Lai tạng thấy như thật về thể tướng của năm pháp, pháp vô ngã nên chẳng sinh, biết như thật các Địa thứ lớp đắp đổi hòa hợp, còn ngoại đạo thì chẳng chánh kiến nên chẳng thể quan sát.
Này Đại Tuệ! Bồ-tát trụ ở Bất Động địa, bấy giờ được mười pháp môn Tam-muội… là bậc đứng đầu, đạt được vô lượng, vô biên Tam-muội. Nương vào Tam-muội chư Phật an trụ mà quán sát chẳng thể nghĩ bàn pháp của chư Phật và năng lực bản nguyện của mình, ngăn chặn hộ trì cảnh giới thật tế của pháp môn Tam-muội. Ngăn chặn rồi, nhập vào cảnh giới Tự thân chứng Thánh trí của pháp Chân thật, chẳng đồng với cảnh giới quan sát tu hành của Thanh văn, Bíchchi-phật và ngoại đạo.
Bấy giờ, vượt qua mười Thánh đạo đó, thể nhập trí thân, ý sinh thân của Như Lai, lìa khỏi các tâm Tam-muội dụng công. Vậy nên, này Đại Tuệ! Các Đại Bồ-tát muốn chứng pháp thù thắng của Như Lai tạng và A-lê-gia thức thì nên tu hành khiến cho thanh tịnh.
Này Đại Tuệ! Nếu Như Lai tạng, A-lê-gia thức gọi là không thì lìa khỏi A-lê-gia thức không sinh không diệt. Tất cả phàm phu và các Thánh nhân nương vào A-lê-gia thức đó nên có sinh có diệt. Do nương vào A-lê-gia thức nên những người tu hành chứng đắc Thánh hạnh nơi tự thân, hiện tại được hạnh an lạc của pháp mà chẳng dừng nghỉ.
Này Đại Tuệ! Các cảnh giới về tâm A-lê-gia thức, Như Lai tạng của Như Lai này, tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật, ngoại đạo… chẳng thể phân biệt. Vì sao? Vì Như Lai tạng là tướng thanh tịnh mà khách trần phiền não thì cấu bẩn bất tịnh.
Này Đại Tuệ! Ta nương vào ý nghĩa này, nương vào phu nhân Thắng Man nương vào các Đại Bồ-tát khác, những người trí tuệ thậm thâm mà nói tạng A-lê-gia thức của Như Lai, cùng với bảy thứ thức sinh ra gọi là tướng chuyển diệt, vì các Thanh văn, Bích-chi-phật… hiện bày pháp vô ngã. Đáp lại lời phu nhân Thắng Man nên nói rằng, Như Lai tạng chính là cảnh giới Như Lai.
Này Đại Tuệ! Cảnh giới Như Lai tạng, A-lê-gia thức, ta nay cùng ông và các Bồ-tát, những người có trí tuệ thậm thâm có thể phân biệt rõ hai pháp này. Còn những Thanh văn, Bích-chi-phật và ngoại đạo… những người chấp trước danh tự thì chẳng thể biết rõ hai pháp này. Này Đại Tuệ! Vậy nên, ông và các Đại Bồ-tát nên học pháp này.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ:
Như Lai tạng sâu xa
Cùng bảy thức đều sinh
Chấp hai pháp thì sinh
Như thật biết chẳng sinh
Như tâm hiện bóng gương
Huân tập từ vô thủy
Như thật xét kỹ càng
Các cảnh đều trống không
Ngu nhìn tay chỉ trăng
Thấy tay, chẳng thấy trăng
Người chấp trước danh tự
Chẳng thấy Ngã chân thật
Tâm như thợ nghề khéo
Ý như kẻ gian manh
Ý thức và năm thức
Chấp cảnh giới hư vọng
Hòa hợp như nhà nghề
Lừa dối kẻ phàm phu.