Đ a n g t i d l i u . . .
Kinh Nhập Lăng Già

KINH NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: THỈNH PHẬT

Quy mạng Đại Trí Hải Tỳ-lô-giá-na Phật!

Tôi nghe như vầy:

Một thuở Đức Thế Tôn cư ngụ trong thành Lăng-già trên đỉnh núi Ma-la-gia bên bờ biển lớn, núi đó được tạo thành bằng đủ loại vật báu, các báu xen lẫn, ánh sáng rực rỡ như trăm ngàn mặt trời soi sáng núi vàng. Lại có vô lượng vườn hoa, cây thơm đều là rừng hương báu, gió nhẹ thổi qua, lay cành rung lá, làm trăm ngàn hương thơm cùng lúc lan tỏa, trăm ngàn âm thanh cực hay đồng thời phát ra. Núi cao trùng trùng điệp điệp, nơi nơi đều có tiên đường, linh thất, khám thờ, hang động do vô số vật báu tạo thành, trong ngoài sáng rực, làm ánh sáng mặt trời, mặt trăng đều phải mờ nhạt. Nơi đây chính là chỗ xưa các Tiên, Thánh hiền tư duy pháp như thật và đắc đạo. Đức Phật đã cùng với chúng đại Tỳ-kheo tăng và chúng Đại Bồ-tát đều từ các cõi Phật ở phương khác đến tập hội nơi đây. Các vị Bồ-tát này đầy đủ vô lượng lực tự tại Tam-muội thần thông, du hóa tinh tấn, năm pháp tự tánh, hai thứ vô ngã rốt ráo thông đạt, do Đại Bồ-tát Đại Tuệ làm thượng thủ. Tất cả chư Phật đều dùng tay làm pháp quán đảnh và thọ ký ngôi vị Phật cho chư vị ấy tự tâm là cảnh, giỏi hiểu ý nghĩa ấy, đủ loại chúng sinh, đủ thứ tâm sắc, tùy theo đủ loại tâm, đủ loại niệm khác nhau, dùng vô lượng pháp môn độ thoát nên tùy chỗ đáng độ, tùy việc ứng thấy mà vì họ thị hiện khắp nơi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói pháp ở cung vua rồng trong biển lớn đã mãn bảy ngày, rồi đi đến bờ Nam. Khi ấy, có vô lượng ức Đế Thích, Phạm vương, Thiên vương, các vua rồng… vô biên đại chúng đều cùng nhau hướng về bờ biển phía Nam. Lúc ấy, Đức Thế Tôn từ xa quan sát thành Lăng-già trên núi Ma-la-gia, tôn nhan thư thái như lay động núi vàng, vui vẻ mỉm cười rồi nói:

–Chư Phật Ứng Chánh Biến Tri đời quá khứ ở trong thành Lăng-già trên đỉnh núi Ma-la-gia kia, nói lên pháp Tự nội thân thánh trí chứng, lìa khỏi tất cả tà kiến giác quán, chẳng phải cảnh giới tu hành của các ngoại đạo, Thanh văn, Bích-chi-phật… Ta cũng nên ở trong thành Lăng-già trên núi Ma-la-gia kia mà vì vua Dạ-xoa La-bàna thượng thủ nói lên pháp này.

Bấy giờ, vua Dạ-xoa La-bà-na nhờ thần lực của Đức Phật nên nghe tiếng của Đức Như Lai. Sau khi rời khỏi cung vua rồng biển qua khỏi biển lớn Đức Phật cùng với vô lượng ức Phạm vương, Đế Thích, Thiên vương, các Long vương… vây quanh cung kính. Bấy giờ, Đức Như Lai quan sát sóng biển cả A-lê-gia thức của chúng sinh bị các cảnh giới gió mạnh thổi động nên làn sóng chuyển thức theo duyên mà khởi. Bấy giờ, vua Dạ-xoa La-bà-na tự nghĩ: “Ta nên thỉnh Đức Như Lai vào thành Lăng-già để khiến cho ta mãi mãi ở trong trời, người, cùng với những trời, người được lợi ích lớn, mau được an lạc.” Bấy giờ, vua Dạ-xoa La-bà-na, chủ của thành Lăng-già cùng với các quyến thuộc cưỡi cung điện hoa đi đến chỗ Đức Như Lai. Rồi ông cùng các quyến thuộc từ cung điện xuống, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, dùng đủ loại âm nhạc để cúng dường Đức Như Lai. Những nhạc khí họ mang theo đều làm bằng báu Nhân-đà-la xanh lớn và khảm xen vào các thứ báu khác như đại tỳ lưu ly, mã não…, bao bọc nhạc cụ bằng lớp áo màu sắc vô giá. Họ dùng tiếng Phạm và vô lượng những âm thanh khác ca tụng khen ngợi tất cả công đức của Đức Như Lai rồi nói kệ:

Tâm đủ ở Pháp tạng
Lìa vô ngã, kiến chấp
Thế Tôn nói các hạnh
Nội tâm biết pháp rồi
Pháp thiện được thân Phật
Nội thân pháp chứng được
Hóa thân bày hóa thân
Đúng lúc vào Lăng-già
Nay đây thành Lăng-già
Vô lượng Phật quá khứ
Và các hàng Phật tử
Vô lượng thân thọ dụng
Thế Tôn nếu nói pháp
Thì vô lượng Dạ-xoa
Hiện bày vô lượng thân
Muốn nghe tiếng thuyết pháp.

Bấy giờ, vua thành Lăng-già La-bà-na dùng đủ loại âm thanh vi diệu Đô-đà-ca để ca tụng khen ngợi những công đức của Đức Như Lai rồi, lại dùng diệu thanh kệ tụng ca ngợi Đức Như Lai:

Như Lai ở bảy ngày
Trong biển lớn ác thú
Qua biển đến bờ kia
Ra khỏi rồi liền trụ
Đức vua La-bà-na
Cùng vợ con Dạ-xoa
Và quyến thuộc vô kể
Các đại thần đại trí
Thúc-ca-bà-la-na
Những Thiên chúng như vậy
Tất cả đều hiện ra
Những thần thông vô lượng
Cưỡi cung điện hoa quý
Đi đến chỗ Đức Phật.
Đến rồi, xuống điện hoa
Lễ bái cúng dường Phật
Nương nơi oai lực Phật
Liền ở trước Như Lai
Tự nói lên danh tự:
Con, La-sát mười đầu
Nguyện xin thương xót con
Những chúng sinh thành này
Nhận thành Lăng-già này
Núi báu Ma-la-gia
Vô lượng Phật quá khứ
Ở trong thành Lăng-già
Trên núi đủ loại báu
Tự nói Pháp thân chứng
Như Lai cũng vậy nên
Ở trong núi báu này
Đồng chư Phật quá khứ
Cũng nói pháp như vậy
Nguyện cùng các Phật tử
Nói pháp thanh tịnh này
Con và chúng Lăng-già
Đều rất muốn được nghe
Nhập Lăng-già kinh điển
Phật quá khứ tán thán:
Cảnh giới trí nội thân
Lìa lời nói, tên gọi
Con nghĩ đời quá khứ
Vô lượng Đức Như Lai
Hàng Phật tử vây quanh
Giảng nói kinh điển này
Ngày hôm nay Đức Phật
Cũng nên vì chúng con
Và tất cả những chúng
Nói pháp sâu xa này
Các Thế Tôn vị lai
Và các hàng Phật tử
Ở trên núi báu này
Giảng sâu xa pháp này
Nay tại Lăng-già thành
Hơn cung trời vi diệu
Đất, đá không làm tường
Những lưới báu che phủ
Những Dạ-xoa này từng
Ở chỗ Phật quá khứ
Lìa các lỗi, tu hành
Trụ Đại thừa rốt ráo
Khéo tư duy nội tâm
Như thật nghĩ tương ứng
Nguyện Phật rủ lòng thương
Vì các Dạ-xoa nói,
Nguyện Phật, Thầy trời, người
Vào núi Ma-la-gia
Dạ-xoa và thê tử
Muốn được Đại thừa tôn
Những La-sát tai vò
Cũng đã trụ trong thành
Từng cúng dường quá khứ
Vô lượng ức Thế Tôn
Nay lại muốn dâng cúng
Hiện tại Đại Pháp vương
Muốn nghe hạnh nội tâm
Muốn được Đại thừa tôn.
Nguyện Phật thương xót con
Và những chúng Dạ-xoa
Cùng các hàng Phật tử
Vào thành Lăng-già này
Những cung điện của con:
Thê tử và quyến thuộc
Mũ báu, các chuỗi ngọc
Đủ vật dụng trang nghiêm
Vườn rừng A-thư-ca
Đủ thứ đều ưa thích
Và những cung điện hoa
Dâng lên Phật, đại chúng!
Con ở chỗ Thế Tôn
Không vật gì chẳng xả
Nguyện Đại Mâu-ni Tôn
Thương xót con thọ nhận
Các Phật tử và con
Nhận lời pháp của Phật
Nguyện Phật rủ lòng thương
Vì con, nhận giảng nói
Bấy giờ Tam Giới Tôn
Nghe lời Dạ-xoa thỉnh
Vì Dạ-xoa giảng nói
Phật quá khứ, vị lai
Dạ-xoa! Quá khứ Phật
Ở trong núi báu này
Thương xót Dạ-xoa nên
Nói Nội Thân Chứng Pháp
Các Thế Tôn vị lai
Cũng ở núi báu này
Vì các chúng Dạ-xoa
Cũng nói pháp mầu này
Dạ-xoa! Ở núi báu
Người tu hành như thật
Người tu pháp hiện tại
Mới an trụ nơi này
Dạ-xoa! Nay bảo ông
Ta và các Phật tử
Do thương xót các ông
Nhận cúng dường, thỉnh giảng
Như Lai lược đáp xong
Tịch tĩnh yên lặng ngồi
La-sát La-bà-na
Dâng Phật cung điện hoa
Như Lai và Phật tử
Nhận rồi và lên ngự
Dạ-xoa La-bà-na
Tự ngồi cung điện hoa
Lệnh các thể nữ, nhạc
Tấu đưa Phật đến thành
Đã đến thành diệu đó
Dạ-xoa La-bà-na
Và vợ Dạ-xoa ấy
Cùng con trai con gái…
Mang đồ cúng tốt đẹp
Đủ loại đều vi diệu
Cúng dường Đấng Như Lai
Và các chúng Phật tử
Chư Phật cùng Bồ-tát
Đều nhận cúng dường đó
Các chúng La-bà-na
Cúng dường người nói pháp
Quan sát lời nói pháp
Chứng cảnh giới nội thân
Cúng dường Đại Tuệ sĩ
Lâu sau mà thỉnh rằng:
Đại sĩ! Ngài hỏi Phật
Tu cảnh giới nội thân
Con cùng chúng Dạ-xoa
Và các hàng Phật tử
Tất cả những thính giả
Đều thỉnh Ngài thưa hỏi
Đại sĩ nói pháp thắng
Tu hành cũng tối thắng
Con tôn trọng Đại sĩ
Thỉnh hỏi Phật thắng hành!
Lìa các chấp ngoại đạo
Nhị thừa cũng rời khỏi
Nói nội pháp thanh tịnh
Như Lai địa cứu cánh!
Bấy giờ, lực Thế Tôn
Lại hóa làm thành, núi
Tướng cao ngất trăm ngàn
Nghiêm sức núi Tu-di
Vô lượng ức vườn hoa
Đều là những rừng báu
Mùi hương tỏa lan tràn
Thơm nức, chưa từng nghe
Trong mỗi một núi báu
Đều thị hiện thân Phật
Cũng có Dạ-xoa vương
La-bà-na và chúng
Đất nước Phật mười phương
Cùng với những thân Phật
Phật tử, Dạ-xoa vương
Đến tập hợp núi đó
Những chúng hiện có đây
Ở trong thành Lăng-già
Đều thấy được thân mình
Trong hóa thành Lăng-già
Như Lai hiện thần lực
Cũng đồng Lăng-già đó
Các núi và vườn rừng
Báu trang nghiêm cũng vậy.
Phật trong mỗi núi báu
Đều có Đại Tuệ hỏi
Như Lai đều nói lên
Sự chứng pháp nội thân
Phát trăm ngàn tiếng hay
Kinh pháp này nói xong
Phật và các Phật tử
Tất cả đều biến mất.
Dạ-xoa La-ba-na
Bỗng nhiên thấy tự thân
Ở tại cung điện cũ
Chẳng thấy còn vật khác
Mới khởi lên suy nghĩ:
Cái nhìn thấy ai làm
Ai là người nói pháp
Là những ai lắng nghe
Pháp gì ta đã thấy
Có những việc như vậy
Đất nước các Thế Tôn
Và những thân Phật đó
Việc vi diệu như thế
Nay đã đi về đâu
Là điều nhớ trong mộng
Hay việc làm của huyễn
Hay thành ấp chân thật
Hay thành Càn-thát-bà
Hay bị che, thấy dối
Hay là bóng nắng khởi
Là mơ thạch nữ sinh
Là ta thấy vầng lửa
Hay thấy khói hỏa luân
Ta thấy cái gì vậy?
Lại tự mình suy nghĩ
Thể các pháp như vậy
Cảnh giới chỉ tự tâm
Nội tâm hay chứng biết
Mà các hạng phàm phu
Bị vô minh che lấp
Tâm hư vọng phân biệt
Mà không thể biết thông.
Năng kiến và sở kiến
Tất cả chẳng vẹn toàn
Người nói và điều nói
Như vậy… cũng là không.
Thể Phật pháp chân thật
Chẳng có cũng chẳng không
Pháp tướng hằng như vậy
Chỉ tự tâm phân biệt
Nay thấy vật là thật
Người đó chẳng thấy Phật!
Chẳng trụ tâm phân biệt
Cũng chẳng thể thấy Phật!
Chẳng thấy có các hành
Như vậy gọi là Phật!
Nếu thấy được như vậy
Thì người đó thấy Phật.
Bậc trí quán như trên
Tất cả các cảnh giới
Chuyển thân được diệu thân
Tức là Bồ-đề, Phật.

Bấy giờ, vua thành Lăng-già, La-sát mười đầu La-bà-na thấy lỗi của tâm phân biệt mà chẳng trụ ở trong tâm phân biệt, do lực căn lành đời quá khứ nên hiểu rõ như thật tánh chất các luận, có thể thấy như thật về thật tướng các pháp, chẳng theo lời dạy của kẻ khác, giỏi tự suy nghĩ hiểu rõ các pháp, có thể lìa khỏi tất cả sự nhận thức của tà kiến, có thể tu hành như thật hành pháp, ở trong tự thân có thể hiện tất cả đủ loại sắc tượng mà được cứu cánh, hiểu rõ đại phương tiện, biết rõ tướng mạo tự thể trên tất cả các địa thượng, ưa quan sát tự thể của tâm ý và thức thấy thân tương tục ở ba cõi, đoạn lìa thường kiến của các ngoại đạo, nhờ trí như thật biết rõ Như Lai tạng, giỏi trụ ở thật trí nội tâm của Phật địa, nghe trong hư không và trong tự thân phát ra âm thanh vi diệu như vầy: “Hay thay! Hay thay! Này vua Lăng-già! Những người tu hành đều nên tu học như ngươi!”

Lại nói: “Hay thay! Này vua Lăng-già! Pháp Như Lai chư Phật và phi pháp như ông đã thấy, nếu chẳng đúng như điều thấy của ông thì gọi là Đoạn kiến. Này vua Lăng-già! Ông nên lìa khỏi tâm, ý, thức, mà tu hành như thật các pháp thật tướng. Ông nay cần phải tu hành nội pháp, chớ chấp trước tướng tà kiến nghĩa ngoại đạo. Này Lăng-già Vương, ông chớ tu hành theo cảnh giới tu hành của Thanh văn, Duyên giác, các ngoại đạo… Ông chẳng nên trụ ở các Tam-muội khác của tất cả ngoại đạo. Ông chẳng nên ưa thích đủ thứ hý luận của tất cả ngoại đạo. Ông chẳng nên trụ ở Vi-đà-tà kiến của tất cả ngoại đạo. Ông chẳng nên đắm trước trong lực tự tại buông lung của ngôi vua. Ông chẳng nên đắm trước trong lực tự tại thần thông của thiền định. Này vua Lăng-già! Những việc như trên đây đều là thật hạnh của người tu hành như thật, có thể hàng phục tà luận của tất cả ngoại đạo, có thể phá tất cả tà kiến hư vọng, có thể chuyển lỗi ngã kiến của tất cả kiến, có thể chuyển tất cả hạnh của thức vi tế mà tu hạnh Đại thừa. Này vua Lăng-già! Ông nên nội thân Như Lai địa, tu hạnh như thật. Người tu hành như vậy được chuyển lên pháp Thượng thanh tịnh. Này vua Lăng-già! Ông chớ bỏ đạo sở chứng của ông, khéo tu Tam-muội Tam-ma-bạt-đề. Ông chớ đắm trước cảnh giới Tam-muội của Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo mà lấy làm thắng lạc, như người tu hành theo đạo phàm phu, ngoại đạo. Ông chớ phân biệt. Này vua Lăng-già! Ngoại đạo chấp trước ngã kiến. Có ngã tướng nên hư vọng phân biệt. Ngoại đạo thấy có tướng bốn đại mà chấp trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cho là thật có. Thanh văn, Duyên giác thấy có vô minh duyên hành cho là thật có. Họ khởi lòng chấp trước, lìa khỏi “như thật không”, hư vọng phân biệt chuyên chấp trước “hữu pháp” mà rơi vào trong năng kiến, sở kiến. Này vua Lăng-già! Pháp thắng đạo này có thể khiến cho nội thân chúng sinh giác quán, có thể khiến cho chúng sinh được thì Đại thừa thắng, có thể sinh ra ba cõi. Này vua Lăng-già! Hạnh nhập Đại thừa này có thể phá đủ thứ màn che, đủ thứ sóng thức của chúng sinh, chẳng rơi vào trong các kiến, hành của ngoại đạo. Này vua Lăng-già! Đây chính là hạnh của Đại thừa, chẳng phải hạnh vào ngoại đạo. Hạnh ngoại đạo thì nương vào “nội thân hữu ngã” mà thực hạnh thấy hai pháp sắc, thức cho là thật nên thấy có sinh diệt. Hay thay! Này vua Lăng-già! Tư duy nghĩa này đúng như tư duy của ông tức là thấy Phật.”

Bấy giờ, vua Lăng-già La-bà-na lại nghĩ: “Ta nên hỏi Đức Phật về pháp hành như thật để chuyển đến hành của tất cả các ngoại đạo, tu hành nội tâm, cảnh giới sở quán, lìa khỏi ứng thân Phật làm việc ứng hợp, lại có thắng pháp. Sở dĩ gọi người tu hành như thật là khi chứng được pháp thì đạt được niềm vui của Tam-muội cứu cánh. Nếu được niềm vui đó thì gọi là người tu hành như thật. Vậy nên, ta nên hỏi Đức Thế Tôn Như Lai đại Từ bi, Như Lai có thể đốt cháy hết củi phiền não và các Phật tử cũng có thể đốt cháy hết. Đức Như Lai có thể biết phiền não sai khiến tâm của tất cả chúng sinh. Đức Như Lai đến khắp chỗ Nhất thiết trí. Đức Như Lai có thể hiểu biết rõ như thật là tướng hay phi tướng. Ta nay nên dùng sức thần thông vi diệu để thấy được Đức Như Lai. Thấy Đức Như Lai rồi thì người chưa được, người đã được đều chẳng thoái lui, được Vô phân biệt Tammuội Tam-ma-bạt-đề, được tăng trưởng đầy đủ hành xứ của Như Lai.”

Lúc ấy, Đức Thế Tôn như thật soi biết vua Lăng-già đã đến lúc ứng chứng Vô sinh pháp nhẫn, thương xót vua La-sát mười đầu nên làm cho cung điện đã ẩn mất hiện trở lại như cũ và hiện thân ở trong thành ở trên núi với vô số lưới báu trang nghiêm.

Bấy giờ, La-sát mười đầu, vua thành Lăng-già thấy các cung điện trở lại như cũ. Trong mỗi một núi, khắp nơi đều thấy có Đức Phật Thế Tôn Ứng Chánh Biến Tri với ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm thân, ở tại trong núi, ông tự thấy thân mình ở trước khắp các Đức Phật. Ông lại thấy tất cả cõi nước chư Phật và các quốc vương nghĩ về thân vô thường, do tham vương vị, vợ con, quyến thuộc, năm dục trói buộc nhau không có kỳ hạn giải thoát nên liền đem đất nước, cung điện, vợ con, voi ngựa, trân báu… dâng cúng Phật và Tăng rồi vào với núi rừng xuất gia học đạo. Ông lại thấy Phật tử ở trong rừng núi dũng mãnh tinh tấn gieo thân cho hổ đói, sư tử, La-sát để cầu Phật đạo. Ông lại thấy Phật tử ở dưới rừng cây đọc tụng Kinh kiển, vì người diễn nói để cầu Phật đạo. Ông lại thấy Đức Bồ-tát nghĩ về chúng sinh khổ, ngồi dưới gốc cây Bồ-đề nơi Đạo Tràng tư duy Phật đạo. Ông lại thấy trước mỗi một Đức Phật đều có Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ nói về cảnh giới tu hành nội thân và cũng thấy tất cả quyến thuộc Dạ-xoa vây quanh mà nói danh tự chương cú.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng trí tuệ quan sát đại chúng hiện tại, chẳng phải dùng mắt thịt quan sát, như dáng chồm lên của sư tử chúa, nhìn khắp rồi cười lớn, nhục kế trên đỉnh phóng ra vô lượng ánh sáng, từ vai, hông, lưng, đùi, ngực, chỗ chữ 卐 đức và những lỗ chân lông đều phóng ra tất cả ánh sáng không lường như cái cầu vồng ở không trung, như ngàn ánh sáng mặt trời, như khi hết kiếp lửa mạnh bốc cháy bừng bừng… Đế Thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương… ở trong hư không, quan sát Đức Như Lai, thấy Đức Phật ngồi ở trên núi Tudi đối diện với đỉnh núi Lăng-già và cười lớn. Bấy giờ, chúng Bồtát, Đế Thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương… suy nghĩ như vầy: “Vì nhân duyên gì Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri ở trong các pháp mà được tự tại, chưa từng cười lớn như vậy, lại tự thân phóng ra vô lượng ánh sáng, ngồi yên chuyên niệm cảnh giới trí tuệ nội thân chẳng cho là thù thắng, như sư tử nhìn xem vua Lăng-già niệm hạnh như thật?

Lúc ấy, Thánh giả Đại Bồ-tát Đại Tuệ trước đã nhận sự thỉnh cầu của vua Lăng-già La-bà-na, nghĩ đến vua Lăng-già, biết những pháp tâm hành của tất cả chúng Đại Bồ-tát, quan sát tất cả chúng sinh vị lai, lòng đều ưa danh tự nói pháp, lòng mê sinh ra nghi, theo đúng như lời nói mà chấp trước tất cả hành hóa của hàng Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo. Còn các Đức Phật Thế Tôn lìa khỏi những sự vận hành của tất cả tâm thức, có thể cười, cười lớn. Vì đại chúng kia đoạn dứt lòng nghi hoặc, Thánh giả hỏi Đức Phật:

–Đức Như Lai vì nhân gì, duyên gì, việc gì, mà cười lớn?

Đức Phật bảo Thánh giả Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông có thể quan sát tâm của thế gian vọng tưởng, phân biệt, tà kiến, điên đảo. Ông thật có thể biết việc ba đời mà còn hỏi việc này. Như câu hỏi của ông thì câu hỏi của bậc Trí cũng lại như vậy, vì tự lợi và lợi tha. Này Đại Tuệ! Vua Lăng-già này đã từng hỏi tất cả các Đức Phật Ứng Chánh Biến Tri đời quá khứ hai pháp như vậy, hiện tai lại cũng muốn hỏi ta hai pháp như vậy. Hai pháp này thì tất cả Thanh văn, Duyên giác, ngoại đạo chưa từng biết tướng của hai pháp này. Này Đại Tuệ! La-sát mười đầu này cũng hỏi tất cả chư Phật đời vị lai hai pháp như đây.

Bấy giờ, Đức Như Lai biết nên hỏi vua La-bà-na:

–Này vua Lăng-già! Ông có điều nghi ngờ gì thì nay đều có thể hỏi. Ta đều có thể đáp để dứt trừ lòng nghi ngờ của ông, khiến cho ông được hoan hỷ. Này vua Lăng-già! Ông đoạn trừ tâm phân biệt hư vọng, được Địa đối trị phương tiện quan sát, trí tuệ như thật có thể vào Tam-muội Nội thân như thật tướng, ưa tu hành Tammuội thì Như Lai liền nhiếp lấy thân của ông, khéo an trụ trong cảnh giới an lạc của định, qua khỏi sự cấu bẩn nơi Tam-muội bất tịnh của các Thanh văn, Duyên giác thì có thể trụ ở địa Bất động, địa Thiện tuệ, địa Pháp vân… biết rõ như thật về pháp vô ngã, ngồi lên vương tòa Đại bảo liên hoa, được vô lượng Tam-muội mà nhận của vị Phật.

Này vua Lăng-già! Chẳng bao lâu nữa, ông sẽ tự thấy thân mình cũng ngồi trên vương tòa Liên hoa như vậy, giữ gìn pháp như vậy, vô lượng quyến thuộc của hoa sen chúa vô lượng quyến thuộc của Bồ-tát, tất cả đều ngồi tòa hoa sen chúa mà tự vây quanh ngắm nhìn nhau, chẳng bao lâu tất cả đều được an trụ ở cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn đó. Như là khởi một hạnh phương tiện trụ trong các Địa, có thể thấy chẳng thể nghĩ bàn cảnh giới, thấy vô lượng, vô biên đủ loại pháp tướng của địa Như Lai mà tất cả Thanh văn, Duyên giác, Tứ Thiên vương, Đế Thích, Phạm vương… chưa từng thấy.

Lúc ấy, vua Lăng-già nghe Đức Phật Thế Tôn nói. Sau khi nghe và hỏi rồi, ở trên núi được trang nghiêm bằng mọi thứ báu, hoa sen báu lớn với vô lượng ánh sáng thanh tịnh đó, có vô lượng thiên nữ tự vây quanh, rồi hiện ra vô lượng vô số hoa lạ, đủ loại hương lạ, hương tung rải, hương bôi xoa, cờ, phướn báu, mũ báu, chuỗi ngọc, đồ trang sức thân. Lại hiện ra đủ loại đồ trang nghiêm thù thắng vi diệu mà thế gian chưa từng nghe thấy. Lại hiện ra vô lượng đủ loại nhạc cụ hơn cả nhạc cụ của các trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… Lại biến hóa ra nhạc cụ giống như trong ba cõi, cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Lại biến hóa ra đủ loại nhạc cụ thù thắng vi diệu như ở cõi nước chư Phật khắp mười phương lại hóa làm vô lượng màn lưới báu lớn che khắp ở bên trên tất cả chư Phật, đại chúng Bồ-tát. Lại dựng vô lượng vô số cờ báu. Vua La-bà-na làm những việc biến hóa như vậy rồi, thân bay lên hư không, cao bảy cây Đa-la, rồi trụ trong hư không mưa xuống đủ loại kỹ nhạc, mưa xuống đủ loại hoa, mưa xuống đủ loại hương, mưa xuống đủ loại y phục… đầy trong hư không như trời tuông mưa lớn dùng để cúng dường Đức Phật và Phật tử. Mưa cúng dường xong, ông ấy từ trên xuống, đến giữa hư không, liền ngồi ở trên tòa Đệ nhị điển quang minh trang nghiêm bằng hoa sen báu chúa và vô số núi báu.

Bấy giờ, Đức Như Lai thấy ông ấy ngồi liền mỉm cười, nghe vua Lăng-già hỏi hai pháp. Vua Lăng-già bạch:

–Bạch Thế Tôn! Hai pháp này con đã từng nghe ở các Đức Phật Ứng Chánh Biến Tri đời quá khứ, các Đức Phật Thế Tôn đó đã vì con mà giảng nói. Bạch Thế Tôn! Con hiện tại nương vào danh tự chương cú thưa hỏi Đức Như Lai, kính mong Đức Như Lai giảng nói rõ ràng cho con.

Bạch Thế Tôn! Hóa Phật ứng hóa giảng nói, hai pháp này chẳng phải căn bản Như Lai. Bạch Thế Tôn! Căn bản Như Lai tu tập cảnh giới Tam-muội an lạc thì chẳng nói những cảnh giới ngoài tâm thức. Hay thay! Bạch Thế Tôn! Tự thân Như Lai đối với tất cả pháp mà được tự tại. Nguyện xin Đức Thế Tôn Ứng Chánh Biến Tri nói hai pháp này. Tất cả Phật tử và bản thân con cũng nguyện muốn nghe.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn biến nên liền bảo vua Lăng-già:

–Này vua Lăng-già! Ông hỏi hai pháp này chăng?

Bấy giờ, vua Dạ-xoa thay đổi đủ loại vật dụng trang sức bằng vàng như đội mũ vàng, đeo chuỗi ngọc vàng… rồi bạch:

–Đức Như Lai thường nói, pháp còn nên xả bỏ, huống gì là phi pháp? Bạch Thế Tôn! Sao gọi là hai pháp xả? Bạch Thế Tôn! Những gì là pháp? Những gì là phi pháp? Bạch Thế Tôn! Pháp xả làm sao có hai? Do rơi vào trong tướng phân biệt nên hư vọng phân biệt là pháp có, không, không Đại, có Đại. Bạch Thế Tôn! Thức A-lê-gia biết danh thức tướng. Thể tướng vốn có của nó như trong hư không có vầng lông trụ, là cảnh giới mà trí thanh tịnh biết được. Bạch Thế Tôn! Nếu pháp như vậy thì làm sao mà xả?

Đức Phật bảo vua Lăng-già:

–Này vua Lăng-già! Ông chẳng thấy cái bình… là pháp vô thường, biến hoại. Phàm phu ngu si phân biệt tướng sai biệt của cảnh giới này. Này vua Lăng-già! Vì sao không thủ chấp tướng sai biệt của pháp và phi pháp như vậy? Nương theo tâm phân biệt của phàm phu ngu si thì có, chớ chẳng phải trí chứng Thánh cho là có thể thấy. Này vua Lăng-già! Như việc đặt cái bình… đủ thứ tướng thì tâm phàm phu ngu si gọi là có, chẳng phải gọi Thánh nhân cho là có pháp. Này vua Lăng-già! Ví như có một ngọn lửa đốt cháy cung điện, vườn rừng, cỏ cây mà nhìn thấy đủ loại màu sắc ánh sáng của lửa mỗi một đều sai biệt. Nương vào đủ thứ củi, cỏ, cây dài hay ngắn mà phân biệt thì thấy có tướng hơn, thua. Trong này vì sao chẳng biết có tướng sai biệt của pháp và phi pháp như vậy? Này vua Lăng-già! Chẳng phải chỉ ngọn lửa nương vào trong một thân nối tiếp nhau mà thấy có đủ những loại tướng sai biệt. Này vua Lăng-già! Như một hạt giống là một sự nối nhau sinh ra mầm, thân, cành, lá, hoa, trái, cây rừng… đủ các tướng khác nhau. Như vậy, sự sinh ra các pháp trong, ngoài như vô minh và hành, ấm, giới, nhập… tất cả các pháp, mọi vật sinh ra trong ba cõi đều có sai biệt, như hiện ra niềm vui, hình tướng, ngôn ngữ, đi lại, thắng trí, dị tướng… cảnh giới một tướng mà chấp lấy tướng cũng thấy tướng thù thắng, thượng, trung, hạ, tướng nhiễm, tịnh, thiện, bất thiện. Này vua Lăng-già! Chẳng phải chỉ trong đủ loại pháp thấy tướng sai biệt, mà người giác ngộ đạo như thật, trong tu hành nội chứng cũng có thấy đủ các tướng sai khác, huống gì là pháp, phi pháp mà không phân biệt đủ loại tướng sai biệt? Này vua Lănggià! Có đủ thứ tướng sai biệt của pháp và phi pháp!

Này vua Lăng-già! Thế nào là pháp? Đó là sự thấy phân biệt của tất cả ngoại đạo, Thanh văn, Duyên giác, phàm phu ngu si. Từ nhân và vật thật mà lấy làm căn bản để sinh ra đủ thứ pháp. Những pháp như vậy… nên xả, nên lìa, chớ thủ chấp tướng mà sinh ra phân biệt. Thấy pháp tự tâm liền cho là thật. Này vua Lăng-già! Không có pháp thật về cái bình mà phàm phu ngu si hư vọng phân biệt. Pháp vốn không có tướng quán sát, biết như thật thì gọi là xả các pháp.

Này vua Lăng-già! Những gì là phi pháp? Cái gọi là không có thân tướng, chỉ tự tâm diệt vọng tưởng phân biệt mà những phàm phu thấy thật pháp chẳng phải thật pháp, Bồ-tát thấy như thật. Như vậy là xả bỏ phi pháp. Lại nữa, này vua Lăng-già! Cái gì là phi pháp nữa? Cái gọi là sừng thỏ, sừng ngựa, sừng lừa, sừng lạc đà, thạch nữ không thân, không tướng mà phàm phu ngu si chấp là có, vì nghĩa của thế gian nên nói đến danh tự, chẳng phải chấp tướng như cái bình kia… là pháp có thể xả. Người trí chẳng chấp sự phân biệt hư vọng như vậy, sừng thỏ… pháp danh tự cũng có thể xả bỏ. Đó là xả bỏ pháp và phi pháp. Này vua Lăng-già! Ông nay hỏi ta về pháp và phi pháp làm sao xả bỏ, ta đã nói xong.

Này vua Lăng-già! Ông nói rằng: “Con đã hỏi pháp này nơi các đấng Ứng Chánh Biến Tri đời quá khứ, những Đức Như Lai đó đã vì con nói.” Này vua Lăng-già! Ông nói quá khứ thì tức là tướng phân biệt. Phân biệt vị lai, hiện tại cũng vậy. Này vua Lăng-già! Ta nói Chân như pháp thể là như thật cũng là phân biệt. Như phân biệt sắc là thật tế, vì chứng thật trí nên ưa tu hành trí tuệ vô tướng. Vậy nên, chớ phân biệt Như Lai là thân trí, thể trí. Trong tâm chớ phân biệt, trong ý chớ thủ chấp ngã, nhân, thọ mạng… sao chẳng phân biệt? Trong ý thức, chấp giữ đủ thứ cảnh giới như sắc, hình tướng… như vậy chớ thủ chấp, chớ phân biệt cái có thể phân biệt.

Lại nữa, này vua Lăng-già! Ví như vẽ lên vách đủ thứ hình tướng, tất cả chúng sinh cũng lại như vậy. Này vua Lăng-già! Tất cả chúng sinh giống như cỏ cây không nghiệp, không hành. Này vua Lăng-già! Tất cả pháp, phi pháp không nghe, không nói. Này vua Lăng-già! Tất cả pháp thế gian đều như huyễn mà các ngoại đạo, phàm phu chẳng biết. Này vua Lăng-già! Nếu có thể thấy như vậy, thấy như thật thì gọi là chánh kiến. Nếu thấy khác thì gọi là tà kiến. Nếu phân biệt thì gọi là nắm giữ cả hai. Này vua Lăng-già! Ví như hình tượng trong gương tự thấy hình tượng. Ví như bóng dáng trong nước tự thấy bóng dáng. Như bóng ánh sáng đèn, trăng ở trong nhà tự thấy bóng dáng. Như tiếng vang trong không tự phát ra tiếng rồi thủ chấp cho là tiếng… Nếu như vậy chấp giữ pháp cùng phi pháp đều là vọng tưởng hư vọng phân biệt. Vậy nên chẳng biết pháp và phi pháp, tăng thêm hư vọng, chẳng được tịch diệt. Tịch diệt thì gọi là nhất tâm, nhất tâm thì gọi là Như Lai tạng, thể nhập cảnh giới trí tuệ nội thân, đạt được Tam-muội Vô sinh pháp nhẫn.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN SANH

Lần 2649 - Phật Lịch: 2569

Đản sanh Ngài con gửi trọn niềm tin

Thắp nén hương lòng cầu chúng sanh thoát khổ

Nguyện người người thuyền từ bi tế độ

Sống bình an - giác ngộ độ trầm luân.

 

KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2649

MÙNG 8 THÁNG 4 ÂM LỊCH

 

 

Ngưỡng mong quý độc giả dành đôi phút lắng đọng dòng suy tư, thanh tịnh chí thành hướng về ngày trọng đại của Phật giáo đồ khắp năm châu, ngày Mùng Tám tháng Tư Âm Lịch của ngày này năm xưa cách đây 2649 năm (năm Giáp Dần). Bồ tát Hộ Minh đã đản sanh vào cõi Nam Diêm Phù Đề này.

Thành kính chúc quý vị một mùa vô ưu nở, thân tâm thường lạc, Bồ đề tâm luôn tăng trưởng và thành tựu mọi Pháp lành.

Thanks for signing up. You must confirm your email address before we can send you. Please check your email and follow the instructions.
Chúng tôi tôn trọng sự riêng tư của bạn. Thông tin của bạn được an toàn và sẽ không bao giờ được chia sẻ.
Nam mô A Di Đà Phật!
×
×