KINH NẠI NỮ VÀ KỲ-BÀ
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng An Thế Cao, người nước An Tức
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Khi Phật còn tại thế, bấy giờ ở nước Duy-da-ly, trong vườn của nhà vua, tự nhiên mọc lên một cây táo, cành lá sum suê, trái rất lớn, màu sắc rực rỡ và hương thơm ngào ngạt, khác thường. Nhà vua rất yêu quý cây táo nay, ông ta cấm người trong hậu cung từ bậc tôn quý đến mỹ nhân không được ăn trái của cây táo. Lại trong nước có một Cư sĩ Phạm chí rất giàu có, tài sản vô số. Ông ta thông minh hiểu biết rộng, tài trí hơn người, nhà vua yêu thương trọng dụng, cho ông làm đại thần. Một hôm, nhà vua mời Phạm chí đến dùng cơm, ăn xong nhà vua lấy một trái táo thưởng cho ông. Phạm chí thấy trái táo thơm ngon khác lạ, bèn hỏi nhà vua:
–Tâu bệ hạ! Chắc ở dưới cây táo này có cây con, có thể cho phép hạ thần xin một cây được không?
Nhà vua nói:
–Cây nhỏ rất nhiều, nhưng trẫm phòng giữ cho cây lớn nên bỏ hết rồi. Nếu khanh muốn trẫm sẽ cho.
Nhà vua liền sai người lấy hat giống cây táo cho Phạm chí. Phạm chí đem nó về trồng, sớm hôm tưới bón, ngày càng lớn to, cành lá xanh tốt, ba năm có trái, trái cây táo lớn nhỏ đủ loại màu sắc giống như cây táo nhà vua. Phạm chí rất vui mừng, tự nghĩ: “Tài sản của gia đình ta vô số không thua gì nhà vua, chỉ không bằng nhà vua là chưa có cây táo. Nay đã có nó thì đâu thua gì nhà vua nữa.” Liền hái một trái ăn, nhưng ăn không được vì đắng và chát. Phạm chí quá buồn rầu chán nản lại suy nghĩ: “Lẽ nào đất này không màu mỡ sao?” Rồi ông đi chọn một trăm con bò sữa, đem sữa một trăm con cho một con uống, rồi vắt sữa nơi con bò ấy nấu thành đề hồ tưới xuống gốc cây. Hàng ngày, Phạm chí đều tưới cây táo như vậy, cho đến năm sau, quả nó ngon như cây táo nhà vua. Nhưng bên thân cây táo bỗng nhiên nhô lên khối u lớn như nắm tay, ngày càng to dần. Phạm chí nghĩ ngợi: “Sao tự nhiên lại có khối u này, ta lo cho cây táo quá.” Muốn chặt bỏ đi nhưng sợ bị thương cho cây táo, nhiều ngày suy nghĩ lưỡng lự chưa quyết định. Đột nhiên trong khối u lại sinh một nhánh cây chỉa thẳng lên trên, to lớn tốt tươi, cao hơn ngọn cây cũ và cách mặt đất bảy trượng. Nhánh cây của nó phân chia nhiều nhánh nhỏ, che phủ khắp nơi, hình dáng như cái lọng đặt ngược, lá xanh tốt đẹp hơn cây trước. Phạm chí lấy làm lạ: “Không biết cành cây mọc lên từ đâu.” Bèn đóng thang gỗ leo lên xem thử, thấy bên trong cành cây giống cái lọng đặt ngược đó có vũng nước vừa trong vừa thơm, giống như chùm hoa màu sắc sặc sỡ. Phạm chí vạch hoa ra xem, thấy có một bé gái ở dưới vũng nước, ông ta bồng lên đem về nuôi dưỡng khôn lớn và đặt tên là Nại Nữ. Năm mười lăm tuổi Nại Nữ nhan sắc vô cùng đẹp đẽ, trong thiên hạ không có người thứ hai, tiếng đồn vang khắp cả nước.
Bấy giờ, có bảy quốc vương cùng một lúc đến nhà Phạm chí xin cầu hôn với Nại Nữ. Phạm chí quá lo lắng không biết phải chọn ai. Ông liền cất một căn lầu trong vườn để Nại Nữ ở đó. Phạm chí tâu với các quốc vương:
–Tâu các đại vương! Người con gái này không phải do hạ thần sinh, mà được sinh ra từ trên cây táo, không biết đó là nữ của trời, rồng, quỷ, thần hay vật của ma quỷ chăng? Hôm nay, bảy đại vương đến đây cầu hôn, hạ thần thiết nghĩ nếu chọn một người thì sáu vị kia sẽ giận, nên hạ thần không dám chọn ai. Hiện Nại Nữ đang ở trên lầu trong vườn, các đại vương tự ý nghị bàn chọn ra phương pháp, rồi cứ tự nhiên, còn hạ thần không dám ra điều kiện.
Lúc đó, bảy đại vương cùng nhau tranh luận, phân vân chưa quyết định được, mãi cho đến tối, Bình-sa vương theo đường hầm đi vào, leo lên lầu ngủ với Nại Nữ một đêm. Sáng sớm, Bình-sa vương chuẩn bị ra đi, Nại Nữ thưa:
–Tâu đại vương! Đại vương đức hạnh cao quý đã tiếp đãi thần thiếp, nay lại chia tay. Nếu thần thiếp có con, đó là hạt giống của đại vương thì gửi gấm sao đây?
Nhà vua nói:
–Nếu là con trai phải đưa về cho trẫm, còn như con gái thì tiện thể nàng nuôi.
Nhà vua liền cởi ấn vòng vàng giao cho Nại Nữ để làm tin, rồi nhà vua ra ngoài nói với quần thần:
–Trẫm đã được Nại Nữ và ngủ với nàng một đêm. Nàng không có gì lạ, cũng như người phàm, vì thế không giữ lấy.
Quan quân của Bình-sa vương liền tung hô:
–Vạn tuế, đại vương của chúng ta đã được Nại Nữ.
Sáu vị vua kia nghe rồi, tất cả đều trở về nước. Nại Nữ sinh được một nam nhi. Lúc vừa mới sinh, trong tay đứa bé đã cầm nắm kim châm và túi đựng thuốc. Phạm chí nói:
–Con vua nước này mà cầm dụng cụ y dược chắc làm y vương.
Và đặt tên là Kỳ-bà. Lên tám tuổi Kỳ-bà rất thông minh, tài giỏi cả về học vấn lẫn các thứ binh thư đều thông suốt, đặc biệt “có một không hai.” Mỗi lần chơi đùa thường có tâm coi thường những đứa bé láng giềng, cho là không bằng mình. Chúng bạn cùng nhau mắng và nói:
–Mày là thứ không cha, cái hạng dâm nữ sinh ra. Vậy sao dám coi thường tụi tao?
Kỳ-ba ngạc nhiên lặng thinh không trả lời, trở về hỏi mẫu thân:
–Thưa mẹ! Những đứa bạn của con đều không bằng con, mà dám mắng: “Đồ cái thứ không cha.” Vậy hiện giờ cha con ở đâu?
–Cha con chính là Bình-sa vương.
–Bình-sa vương ở tại nước La-duyệt-kỳ, cách đây năm trăm dặm, làm sao sinh ra con? Như lời mẹ nói lấy gì làm chứng?
Người mẹ lấy ấn vòng vàng ra nói:
–Cái vòng vàng này làm chứng Bình-sa vương là cha con.
Kỳ-bà thấy ấn văn của vua Bình-sa mới hiểu rõ, kính cẩn thâu giữ vòng vàng rồi, lên đường đến nước La-duyệt-kỳ. Kỳ-bà đi vào cửa cung điện, không thấy ai hỏi, liền thẳng đến trước nhà vua làm lễ, quỳ gối, tâu:
–Tâu phụ vương! Con là vương tử do mẹ là Nại Nữ sinh ra. Nay được tám tuổi mới biết là dòng giống của phụ vương, cho nên đem ấn vòng vàng để làm tin. Con từ xa đến đây.
Nhà vua thấy ấn văn nhớ lại lời thề thuở xưa, biết là con mình lòng buồn bã thương xót, phong Kỳ-bà làm thái tử. Thời gian thấm thoát hai năm, sau đó nhà vua sinh ra A-xà-thế. Kỳ-bà nhân tiện tâu:
–Tâu phụ vương! Lúc con mới sinh tay cầm kim và túi đựng y dược ứng điềm con sẽ làm thầy thuoc. Tuy phụ vương phong vị cho con làm thái tử nhưng con không vui. Nay chánh hậu sinh được hoàng nam đã có người nối dõi tông tự, vậy con xin học nghề y thuật, mong phụ vương cho phép.
Nhà vua bảo:
–Con không làm thái tử mà học theo nghề thuốc thì không được hưởng bỗng lộc của triều đình.
Nhà vua liền ban lệnh cho các thầy thuốc giỏi nhất trong nước, phải hết lòng dạy dỗ Kỳ-bà, nhưng Kỳ-bà đi rong chơi không chịu học. Các thầy thuốc trách:
–Y thuật là nghề thấp kém, không sang trọng, chẳng phải nghề để hàng thái tử, vương tôn học. Vì phụng mạng nhà vua, không dám chống trái sắc lệnh ban xuống, ngày tháng trôi qua, vậy mà từ trước đến giờ, thái tử vẫn chưa học được nửa lời của phương thuốc. Nếu nhà vua có hỏi, chúng tôi phải trả lời sao đây?
Kỳ-bà nói:
–Khi tôi mới sinh, tay đã có dụng cụ y dược. Tôi đã xin phụ vương bỏ vinh hoa phú quý cầu học y thuật, đâu có biếng nhác để các thầy phải đốc thúc. Thật ra nghề thuốc của các thầy không đủ để tôi học.
Kỳ-bà lấy rễ dược thảo theo phương thuốc châm cứu kinh mạch, hỏi các vị thầy thuốc những câu hỏi khó. Các thầy thuốc không trả lơi được, họ đều cúi mình đảnh lễ Kỳ-bà, quỳ gối chắp tay nói:
–Hôm nay mới biết thái tử là vị thần thánh của y dược, chúng tôi chẳng dám so cùng thái tử. Những điều thái tử vừa hỏi đều là chỗ nghi ngờ, mà thầy của chúng tôi, trải qua nhiều năm nay, cũng không thể thông hiểu. Xin thái tử nói rõ điều đó, giải bày cho chúng tôi vì nhiều năm qua còn vướng mắc.
Kỳ-bà liền giải thích ý nghĩa của những điều đó. Các thầy thuốc vui vẻ, tất cả đều đứng dậy đảnh lễ sát đất và ghi nhận lời dạy.
Bắt đầu Kỳ-bà hành nghề trị bệnh, hễ trị là lành, trong nước đều biết tiếng. Một hôm, Kỳ-bà đi vào cung, trước cổng gặp một đứa bé đang gánh củi. Kỳ-bà trong thấy rõ ràng từng bộ phận của năm tạng trong cơ thể của đứa bé: nào là ruột, bao tử… Kỳ-bà suy nghĩ: “Sách thảo dược nói, hễ có cây Dược vương thì từ bên ngoài chiếu vào sẽ thấy bên trong bụng của con người. Trong gánh củi của đứa bé này, có cây Dược vương sao?” Kỳ-bà đến hỏi đứa bé:
–Bán gánh củi bao nhiêu tiền?
–Dạ, mười tiền.
Kỳ-bà trả cho đứa bé mười tiền. Đứa bé đặt gánh củi xuống đất thì trong bụng đứa bé lại tối om không thấy gì nữa. Kỳ-bà suy nghĩ: “Không biết vì sao trong bó củi có cây Dược vương?” Liền tháo hai bó củi ra, lấy từng cây đặt lên bụng đứa bé, nhìn vào đều không thấy gì. Kỳ-bà cứ làm như vậy cho đến hết hai bó củi, chỉ còn một cây củi nhỏ cuối cùng dài hơn một thước, Kỳ-bà lấy lên thử chiếu thì thấy toàn bộ trong bụng đứa bé. Kỳ-bà quá mừng, biết cây củi nhỏ này nhất định là Dược vương. Kỳ-bà trả lại toàn bộ củi cho đứa bé, chỉ giữ cây Dược vương, đứa bé vừa được tiền vừa được củi như thế, hớn hở bỏ đi.
Bấy giờ, trong nước có người con gái của một gia đình Cư sĩ, mười lăm tuổi, gần đến ngày xuất giá, bỗng nhiên đau đầu chết. Kỳbà nghe tin đến gia đình ấy, hỏi cha cô gái:
–Người nữ này thường bệnh gì mà dẫn đến tử vong?
Người cha đáp:
–Dạ, tiểu nữ thường có chứng bệnh đau đầu, tháng ngày nặng dần. Sáng nay, bệnh phát khởi quá nặng hơn bình thường nên phải bỏ mạng.
Kỳ-bà lấy cây Dược vương chiếu vào đầu, thấy vô số trăm ngàn trùng lớn nhỏ, lúc nhuc đục khoét trong ấy. Chúng rúc rỉa não cô ta cho đến hết sạch nên phải chết. Kỳ-bà lấy dao vàng mổ đầu cô gái, gắp hết trùng trong đó ra, bỏ vào cái vò đậy nắp lại, lấy ba loại thuốc bột thần bôi lên vết thương. Một loại bồi bổ vết thương chỗ xương trùng ăn. Một loại tái sinh bộ não. Một loại trị ngoài vết thương chỗ dao mổ. Kỳ-bà bảo cha cô gái:
–Tốt lắm rồi, để bệnh nhân nghỉ ngơi cẩn thận, đừng làm cô ta kinh động. Bảy ngày nữa bệnh sẽ bình phục, đến ngày đó tôi sẽ trở lại.
Kỳ-bà cáo từ ra đi. Mẹ cô gái than khóc nói:
–Sao lại làm như thế! Chỉ vì muốn sống lại mà để thầy thuốc mổ đầu não, làm cho con tôi chết một lần nữa. Ông làm cha cớ sao nhẫn nhịn để người ta mổ con mình như vậy?
Cha cô gái ngắt lời.
–Kỳ-bà vừa sinh ra tay đã cầm kim y dược, từ bỏ ngôi vị tôn quý người thầy thuốc chỉ vì tất cả sinh mạng của con người, đó là y vương của trời, bà chớ nói càn. Kỳ-bà dặn tôi cẩn thận chớ ồn ào mà bà không nghe, khóc lóc than van, làm kinh động con mình khiến nó không sống lại được.
Bà vợ nghe chồng nói vậy nên không khóc nữa. Hai người cùng chăm sóc nuôi dưỡng con mình, giữ yên tĩnh trong bảy ngày. Sáng sớm ngày thứ bảy, cô gái hắt hơi thức dậy như người ngủ tỉnh giấc, hỏi:
–Hôm nay sao con không còn đau đầu, thân thể lại khỏe mạnh.
Ai giúp cho con vậy?
Người cha đáp:
–Lúc trước con đã chết, y vương Kỳ-bà đến đây giúp con, mổ đầu lấy trùng ra cho nên con được sống lại.
Người cha mở cái vò đựng trùng đưa cho con gái xem. Cô thấy rất kinh sợ trong tâm tự nghĩ: “Mình quá may mắn nên mới có thần y Kỳ-bà đến cứu, lấy gì đền đáp công ơn này.” Người cha bảo:
–Kỳ-bà hẹn với cha là hôm nay quay lại.
Nói xong thì Kỳ-bà cũng vừa đến. Cô con gái quá vui mừng chạy ra cửa nghinh đón, đảnh lễ sát chân, quỳ gối chắp tay thưa:
–Nguyện xin thầy cho con theo làm nô tỳ, trọn đời phụng dưỡng để đền ân cứu mạng.
Kỳ-bà nói:
–Tôi làm thầy thuốc đi khắp nơi trị bệnh, chỗ ở không nhất định, làm sao nhận người hầu. Cô muốn đền đáp công ơn thì trả cho tôi năm trăm lượng vàng. Tôi cũng không dùng số vàng này. Sở dĩ tôi nhận là vì: Phàm làm người học đạo đúng phép phải tạ ân thầy. Tuy thầy tôi không dạy tôi, nhưng tôi từng là đệ tử. Nay cô trả số vàng ấy, tôi sẽ đem dâng thầy tôi.
Cô gái đem năm trăm lượng vàng biếu cho Kỳ-bà. Kỳ-bà thọ nhận đem về dâng cho thầy và nhân tiện xin nhà vua về quê thăm mẹ. Kỳ-bà về đến nước Duy-da-ly. Lúc này, trong nước ấy, nơi một gia đình Cư sĩ có đứa con trai tinh thông võ thuật, tạo ra một con ngựa gỗ cao hơn bảy thước, hàng ngày luyện tập. Mới đầu leo lên tập trên lưng ngựa rất là đắc ý. Luyện tập lâu, bỗng nhiên hôm đó nhảy qua thế nào mất thăng bằng, té xuống đất chết. Kỳ-bà nghe tin tìm đến, lấy cây Dược vương chiếu vào trong bụng, thấy gan lộn ngược ra sau nên bị khí tắt không thông mà chết. Kỳ-bà lấy dao vàng mổ bụng, dùng tay dò xét, sắp xếp cho gan về vị trí cũ, dùng ba loại thuốc mỡ thần: Một loại bồi bổ chỗ vết thương, đưa tay vào sửa bộ phận gan. Một loại giúp thông khí, để hơi thở điều hòa. Một loại trị vết thương chỗ dao mổ. Kỳ-bà làm xong dặn dò người cha:
–Phải can thận đừng kinh động, ba ngày bệnh sẽ lành. Người cha theo lời chỉ dạy yên lặng nuôi dưỡng chăm sóc, đến ngày thứ ba cậu con trai bắt đầu tỉnh, trạng thái giống như người ngủ vừa thức giấc và liền ngồi dậy. Chốc lát Kỳ-bà cũng vừa đến. Cậu ta vui mừng ra ngoài cửa tiếp đón, đảnh lễ sát đất, quỳ gối chắp tay, nói:
–Thưa thầy, thầy cho con theo làm người hầu. Suốt đời phụng dưỡng hầu hạ để đền đáp công ơn cứu mạng.
Kỳ-bà nói:
–Ta làm thầy thuốc trị bệnh khắp nơi. Bệnh nhân nhiều gia đình cũng xin theo ta làm người hầu, nhưng ta đâu cần. Ta còn mẹ, mẹ ta nuôi ta khổ nhọc, công ơn ấy chưa đền đáp được. Nếu ngươi muốn đền ân thì trả cho ta năm trăm lượng vàng, để ta đền ân mẫu thân.
Thế rồi Kỳ-bà đem số vàng ấy dâng cho mẹ là Nại Nữ rồi trở lại nước La-duyệt-kỳ. Kỳ-bà cứu sống hai người này, nên tiếng đồn vang khắp thiên hạ, không ai mà không biết.
Ở phương Nam có một nước rất lớn, cách La-duyệt-kỳ tám ngàn dặm. Bình-sa vương và các nước nhỏ đều lệ thuộc nước ấy. Vua nước này mắc bệnh nhiều năm nay mà không hết, thường đau khổ và giận dữ. Ông ta luôn lăm le giết người. Người nào nhìn ngó là giết, người nào cúi đầu không ngẩng lên là giết, người nào đi chậm cũng giết, người nào đi nhanh cũng giết. Hầu cận hai bên không biết liệu tính thế nào. Những lương y chế thuốc thì nghi kỵ có độc cũng giết. Trước sau đều giết sạch, tất cả cung nữ, cận thần, lương y không thể tính hết. Căn bệnh ngày càng trầm trọng, chất độc đã dồn vào tim, phiền muộn dẫy đầy, hơi thở hổn hển, toàn thân như bị thiêu đốt. Ông ta nghe danh Kỳ-bà liền xuống chiếu chỉ, ra lệnh Bình-sa vương mời cho được Kỳ-bà. Kỳ-bà nghe ông vua này đã giết nhiều thầy thuốc nên rất lo sợ. Bình-sa vương lại thương Kỳ-bà tuổi còn nhỏ, e rằng sẽ bị giết, không muốn cho đi, nhưng lại sợ ông ta đem quân chinh phạt. Cha con ray rứt, đêm ngày lo buồn không biết tính làm sao. Bấy giờ, Bình-sa vương mới đưa Kỳ-bà đến chỗ Đức Phật để hỏi xin ý kiến. Đức Phật bảo Kỳ-bà:
–Mạng đời trước của con và ta cùng ước thệ là phải cứu giúp bệnh mọi người trong thiên hạ. Ta trị nội bệnh, con trị ngoại bệnh. Nay ta đã thành Phật được như sở nguyện, nguyện của ta đã đạt. Ông vua đó bệnh nặng ở xa mời con, vậy sao không đi? Hãy mau đi cứu ông ta, dùng phương tiện khéo léo chữa trị mau lành thì nhà vua không giết con đâu.
Kỳ-bà nương nơi oai thần của Phật, đến chỗ ông vua đó, chẩn đoán mạch lý, lấy Dược vương chiếu vào, thấy trong ngũ tạng của nhà vua qua trăm kinh mạch, khí huyết khắp thân thể chảy rần rần đều là chất độc của mãng xà. Kỳ-bà tâu với nhà vua:
–Tâu hoàng thượng! Bệnh của hoàng thượng có thể trị, bảo đảm là lành, nhưng cho phép hạ thần được gặp thái hậu để nghị bàn chế thuốc. Nếu hạ thần không gặp được thái hậu thì thuốc khó thành.
Nhà vua nghe nói thế không hiểu ý Kỳ-bà, trong lòng đã muốn nổi giận nhưng sợ ảnh hưởng đến bệnh. Vả lại trước kia đã nghe danh tiếng Kỳ-bà, từ xa phải nghinh đón, nghĩ cũng có ích cho lòng mong mỏi. Xét ra, Kỳ-bà tuổi còn nhỏ, chắc cũng không gian xảo gì, nên nhẫn nại lắng nghe. Nhà vua ra lệnh cho quan thái giám đưa Kỳbà đến gặp thái hậu. Kỳ-bà thưa với thái hậu:
–Bẩm thái hậu! Bệnh của hoàng thượng có thể trị. Nay phải kết hợp làm thuốc nhưng phương thuốc rất tối mật không thể tiết lộ, dù là thân cận hai bên.
Thái hậu liền đuổi quan thái giám ra ngoài, nhân tiện Kỳ-bà mới hỏi thái hậu:
–Bẩm thái hậu! Khi hạ thần xem mạch bệnh của hoàng thượng, thấy khí huyết trong thân hoàng thượng đều là chất độc của mãng xà, hình như chẳng phải là loài người, vậy nên xác định hoàng thượng là con ai? Thái hậu thành thật kể cho hạ thần biết, hạ thần mới có thể chữa trị cho hoàng thượng. Còn nếu không cho hạ thần biết thì hạ thần không thể chữa trị, chắc chắn bệnh không lành.
Thái hậu kể:
–Trước kia vào một buổi trưa, ta đang ngủ tại điện Kim Trụ, bỗng nhiên có một vật đến đè lên thân ta. Lúc ấy, ta hốt hoảng nửa tỉnh nửa mơ, trạng thái như bị bóng đè trong mộng, rồi thỏa mãn thông tình. Bất chợt giật mình thấy một con mãng xà to lớn, dài hơn ba thước từ trên thân ta bò đi. Rồi biết được mình mang thai, nhà vua đúng là con của mãng xà. Ta nghĩ quá xấu hổ nên chưa từng nói với ai. Đồng tử biết được việc này sao thần diệu vậy? Nếu bệnh này có thể trị, ta xin phó thác mạng sống nhà vua cho Đồng tử. Giờ thì trị bệnh cho nhà vua bằng thuốc gì?
Kỳ-bà nói:
–Chỉ có đề hồ thôi.
Thái hậu thốt lên:
–Chao ôi! Đồng tử cẩn thận chớ chế loại thuốc đề hồ này. Nhà vua rất ghét ngửi mùi đề hồ, cũng ghét nghe nói đến tên đề hồ. Tiếng trước tiếng sau là giết người nào làm đề hồ. Con số đã lên đến hàng trăm hàng ngàn người. Nay Đồng tử chế thuốc ấy, chắc bị giết, huống gì là cho vua uống, càng không được. Xin hãy chế thuốc khác đi!
Kỳ-bà nói:
–Đề hồ trị độc, bị bệnh độc mà căm ghét đề hồ như thế thì bệnh nhà vua tuy ít cũng sẽ sinh thêm bệnh khác, chỉ thuốc đó mới có thể trị lành. Chất độc mãng xà quá nặng, đã lan tràn khắp thân thể. Nếu không phải đề hồ thì không thể tiêu diệt được. Bây giờ đem nấu làm cho nó hóa thành nước không hơi không mùi vị. Hoàng thượng không biết, chắc phải uống nó, thuốc thấm vào, bệnh sẽ lành.
Thôi thái hậu đừng lo lắng nữa!
Kỳ-bà ra ngoài tâu lại nhà vua:
–Tâu hoàng thượng! Hạ thần đã gặp thái hậu, đã đưa ra phương thuốc, đã nghị bàn bào chế và mười lăm ngày sẽ thành. Nay hạ thần có năm điều nguyện, nếu hoàng thượng nghe theo hạ thần, bệnh có thể lành, còn nếu không nghe lời hạ thần, chắc bệnh không thể hết.
Nhà vua hỏi:
–Năm điều nguyện đó là những việc gì?
Kỳ-bà thưa:
–Nguyện thứ nhất: Xin một cái áo giáp mới chưa ai mặc trong kho của nhà vua để hạ thần mặc.
Nguyện thứ hai: Cho phép hạ thần một mình ra vào trong cung, không được ngăn cấm.
Nguyện thứ ba: Xin phép hàng ngày một mình được vào diện kiến thái hậu, vương hậu, cũng không ngăn cấm hạ thần.
Nguyện thứ tư: Xin hoàng thượng khi uống thuốc phải uống một lần cho hết, không được ngưng giữa chừng.
Nguyen thứ năm: Xin hoàng thượng cho mượn con bạch tượng đi tám ngàn dặm để hạ thần cỡi nó.
Nhà vua nghe thế quá giận, hét lớn:
–Thằng chuột con, sao dám cả gan cầu xin năm điều nguyện đó, mau giải thích những việc ấy. Nếu không giải thích được, ta cho người đánh chết ngươi. Vì sao ngươi xin ta áo mới? Có phải muốn trá hình mặc áo ta để giết ta chăng?
Kỳ-bà đáp:
–Tâu hoàng thượng! Chế thuốc phải nên trai giới thanh tịnh, mà hạ thần đến đây đã lâu, y phục bị bẩn, nên muốn xin áo mới của hoàng thượng để chế thuốc.
Nhà vua hiểu rồi, lại hỏi:
–Tốt lắm, vì sao ngươi muốn tự ý ra vào cung môn mà không bị ngăn cấm, có phải thừa cơ hội đem binh tấn công giết ta chăng?
Kỳ-bà thưa:
–Tâu hoàng thượng! Những vị thầy thuốc xung quanh, hoàng thượng đều có sự nghi kỵ, không tin tưởng, lại muốn tàn sát họ, hoàng thượng cũng không dùng thuốc họ. Quần thần lớn nhỏ đều nói: “Hoàng thượng rồi cũng sẽ giết hạ thần. Vả lại, bệnh của hoàng thượng còn nặng, e kẻ ngoài mà biết sẽ sinh loạn. Nếu để hạ thần ra vào không bị ngăn cấm thì người ngoài lớn nhỏ đều biết hoàng thượng tin tưởng hạ thần. Tất nhien, hoàng thượng sẽ dùng thuốc hạ thần, bệnh sẽ lành. Lúc ấy, người ngoài không dám sinh tâm nghịch loạn.”
Nhà vua nói:
–Vậy thì tốt! Còn vì sao hằng ngày ngươi muốn một mình vào gặp mẹ và vợ ta, muốn dâm loạn chăng?
Kỳ-bà thưa:
–Tâu hoàng thượng! Từ trước đến giờ hoàng thượng giết rất nhiều người, quần thần lớn nhỏ ai cũng ôm mối lo sợ, cũng không muốn hoàng thượng yên ổn, nên không thể tin tưởng họ. Nếu hàng ngày cùng nhau chế thuốc, nhân lúc hạ thần lơ là họ bỏ thuốc độc vào, hạ thần không biết thì chẳng phải là chuyện nhỏ. Nhân đây nghĩ xem có thể tin ai được vừa có thâm tình lại không hai lòng, duy chỉ có mẹ và vợ, nên hạ thần muốn vào gặp hoàng hậu và thái hậu, cùng sắc chế thuốc trong vòng mười lăm ngày là xong. Do đó, hạ thần muốn được hàng ngày vào thăm bệnh, làm thuốc vậy thôi.
Nhà vua nói:
–Tốt lắm! Vì sao ngươi muốn ta uống thuốc một lần cho hết không dừng giữa chừng. Vì trong đó có độc sợ ta biết phải không?
Kỳ-bà thưa:
–Tâu hoàng thượng! Thuốc có nhiều mùi vị hợp lại. Mùi vị và hơi phải liên tục với nhau, nếu dừng nửa chừng thì thuốc không công hiệu.
Nhà vua nói:
–Hay lắm! Còn vì sao ngươi muốn mượn bạch tượng của ta, con voi này là vật báu của nước, nó đi một ngày tám ngàn dặm. Sở dĩ ta chinh phục được các nước chính là nhờ nó. Ngươi muốn cỡi nó trở về quê hương, để cùng cha ngươi tấn công nước ta chăng?
Kỳ-bà thưa:
–Tâu hoàng thượng! Trong nước, ở biên giới phía Nam có thảo dược thần diệu, đi đến đó bốn ngàn dặm, chế thuốc cho hoàng thượng phải lấy thuốc đó, tuy khó khăn cũng phải lấy cho được, nên hạ thần muốn mượn bạch tượng đến đó hái thuốc. Sáng đi chiều về để mùi vị thuốc vẫn còn.
Nhà vua nghe mọi chuyện và hiểu rõ. Thế là, Kỳ-bà ra sức nấu luyện đề hồ mười lăm ngày là xong, biến no trong như nước. Tất cả được năm thăng liền đưa cho thái hậu, hoàng hậu bưng thuốc ra. Kỳbà tâu với nhà vua:
–Hoàng thượng có thể uống thuốc và cho bạch tượng đứng trước điện.
Nhà vua liền cho phép. Nhà vua thấy thuốc trong như nước không mùi vị, không biết là đề hồ, lại có hoàng hậu, thái hậu cùng tham gia chế thuốc, nên tin tưởng thuốc không phải độc. Như đã hứa nhà vua uống một lần hết sạch. Kỳ-bà lên voi đi thẳng về quê nhà. Kỳ-bà tuổi còn nhỏ, thể lực còn yếu, mới đi được ba ngàn dặm, không thể chịu đựng mỏi mệt, hoa mắt, đau đầu nên dừng lại trong núi nằm nghỉ. Đến quá trưa, nhà vua hắt hơi, đề hồ trong mũi văng ra, liền giận dữ hét lớn:
–Thằng chuột con… dám lấy đề hồ cho ta uống. Ta lấy làm lạ, hèn chi nó mượn bạch tượng của ta, mục đích muốn bỏ đi.
Nhà vua có một cận thần dũng sĩ tên là Ô. Dũng sĩ Ô có thần túc đi bộ, tài năng bằng bạch tượng. Nhà vua gọi Ô tới, bảo:
–Ngươi cấp tốc đuổi theo thằng chuột bắt sống đem về. Ta đích thân đánh nó chết trước mặt ta. Ngươi tánh thường không liêm khiết, tham ăn uống nên gọi là Ô. Đám thầy thuốc đó nhiều mẹo vặt dùng độc, nếu thằng chuột cho ngươi ăn nên cẩn thận đừng ăn.
Ô vâng lệnh ra đi, gặp Kỳ-bà ở trong núi, Ô bảo:
–Vì sao ngươi lấy đề hồ cho hoàng thượng uống, mà nói là thuốc. Hoàng thượng sai ta đuổi theo gọi ngươi về. Ngươi mau theo ta quay lại, tự thú tạ tội mới có hy vọng sống. Nếu ngươi muốn chạy bắt buộc ta giết ngươi, không bao giờ thoát được đâu.
Kỳ-bà suy nghĩ: “Tuy ta đã dùng phương tiện là mượn bạch tượng này nhưng cũng không thoát. Bây giờ phải dùng mưu kế mới có thể thoát được.” Nghĩ rồi bèn bảo Ô:
–Từ sáng đến giờ, ta chưa ăn, đường nào cũng chết, vậy cho ta nghĩ ngơi chốc lát để vào trong núi, ăn chút trái cây, uống miếng nước cho no bụng, chết cũng được.
Ô thấy Kỳ-bà còn nhỏ, nghe chết thì hoảng sợ, nói ra lời đau khổ, thương xót lời nói của Kỳ-bà, nên bảo:
–Thôi, đi kiếm ăn cho mau.
Không bao lâu, Kỳ-bà cầm một trái lê ăn khuyết một nửa, lấy thuốc độc bỏ vào móng tay, bôi vào nửa phần còn lại, để xuống đất. Lại lấy một ly nước, trước tiên uống một nửa rồi dùng móng tay có độc búng vào trong nửa ly nước dư, cũng để xuống đất và than:
–Nước và lê đều là thần dược, vừa trong sạch lại thơm ngon, ăn uống những thứ này thân thể an ổn, trăm bệnh tiêu trừ, khí lực gấp bội. Rất tiếc những thứ ấy sao không có tại kinh đô? Trăm họ đang cần mà những thứ này lại ở trong núi sâu, đôi khi người ta không biết vào núi tìm kiếm lại gặp trái cây khác.
Ô tánh tham ăn, đang đói và khát không thể nhịn được, lại nghe Kỳ-bà khen là thần dược, cũng thấy Kỳ-bà đã ăn, uống, nghĩ chắc không có độc. Ô liền lấy phần trái cây dư ăn và uống cạn phần nước còn lại, bị ngay kiết lỵ, đi chảy như nước, khụy hai chân xuống đất nằm dài, cố đứng dậy liền hoa mắt ngã xuống, không cử động nữa.
Kỳ-bà đến nói với Ô:
–Hoàng thượng uống thuốc của tôi chắc chắn bệnh phải lành. Nhưng hiện nay sức thuốc chưa ngấm, chất độc chưa hết, nếu tôi ở lại chắc sẽ bị giết. Vì ông không biết nên đuổi theo bắt tôi để giải về cho nhà vua, nên tôi phải làm ông bị bệnh. Bệnh này không nặng cẩn thận đừng cử động ba ngày sẽ lành, nếu đứng dậy đuổi theo tôi chắc chết không sai.
Nói rồi, Kỳ-bà lên voi ra đi, đi ngang qua một ngôi làng nghèo, bảo với trưởng làng:
–Đằng kia có sứ giả của nhà vua, bỗng nhiên lâm bệnh. Các ông mau mau đến khiêng về nhà, nuôi dưỡng chăm sóc ông ta cho tốt, chuẩn bị giường chiếu chu đáo, cung cấp cháo thịt thận trọng đừng để chết. Nếu để ông ta chết, nhà vua sẽ tiêu diệt làng của các ông.
Nói rồi lên đường trở về quê nhà. Trưởng lang vâng lời nghinh đón Ô về nuôi dưỡng. Ba ngày độc dứt hẳn, Ô trở về gặp nhà vua, cúi đầu thuật lại:
–Tâu hoàng thượng! Hạ thần thật ngu si trái lời hoàng thượng dạy, tin lời Kỳ-bà ăn uống trái cây, nước dư, nên trúng độc bị kiết ba ngày, đến nay mới khỏi.
Trong thời gian ba ngày đến khi Ô trở về, bệnh của nhà vua cũng đã lành, tự nghĩ lại: “Ta rất ăn năn đã sai Ô đi” nên thấy Ô trở về vừa thương, vừa vui. Nhà vua nói:
–Lúc tram giận sai khanh không được chậm trễ bắt thằng nhỏ đem về đánh cho chết. Nhưng trẫm mang ân nó cứu mạng, mà lại giết nó thì tội lỗi không phải là nhỏ.
Nhà vua hối hận vì đã giết nhiều người oan uổng từ trước đến giờ, nên ra lệnh cho tất cả được hậu táng và ban cho tiền bạc đến các nhà ấy. Nhà vua nghĩ lại Kỳ-bà, muốn đền đáp công ơn, liền sai sứ giả nghinh đón Kỳ-bà. Tuy Kỳ-bà biết nhà vua hết bệnh nhưng còn lo sợ không muốn đi. Kỳ-bà đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật và bạch:
–Kính thưa Thế Tôn! Nước đó lại sai sứ giả đến thỉnh con, con có nên đến không?
Phật bảo Kỳ-bà:
–Mạng đời trước, con đã thệ nguyện thì phải làm cho thành tựu công đức sao lại dừng nửa chừng? Nay nên đến đó, con đã trị ngoại bệnh, ta cũng phải trị nội bệnh cho ông ta.
Kỳ-bà theo sứ giả ra đi. Khi nhà vua thấy Kỳ-bà thì hết sức vui mừng, dẫn đến ngồi chung chỗ, vịn lên vai Kỳ-bà, nói:
–Trẫm nhờ ân Nhân giả cứu mạng sống lại, vậy lấy gì đền đáp đây? Thôi thì, trẫm phân chia vương quốc mỗi người một nửa, thể nữ trong cung, kho tàng châu báu cũng chia làm đôi, tha thiết mong Nhân giả nhận cho.
Kỳ-bà nói:
–Hạ thần vốn là thái tử, tuy nước nhỏ nhưng cũng có dân chúng, châu báu đầy đủ. Hạ thần không vui với việc trị nước, chỉ cầu làm thầy thuốc đi trị bệnh. Hoàng thượng cho đất đai, thể nữ, châu báu, tất cả hạ thần đều không cần. Trước kia, hoàng thượng đã nghe năm điều nguyện của hạ thần, nhờ vậy, ngoại bệnh đã trị lành, nếu nghe một điều nguyện quan trọng của hạ thần nữa thì nội bệnh của hoàng thượng cũng có thể trị hết.
Nhà vua nói:
–Xin Nhân giả chỉ dạy, nguyện muốn nghe sự việc của điều nguyện.
Kỳ-bà nói:
–Nguyện xin hoàng thượng thỉnh Đức Phật đến để thọ chánh pháp cao minh. Phật sẽ vì hoàng thượng giảng nói về công đức vời vợi, tôn quý của chư Phật.
Nhà vua nghe qua, liền vui mừng nói:
–Bây giờ trẫm sai Ô đem bạch tượng đi nghinh đón Đức Phật có được không?
Kỳ-bà thưa:
–Tâu hoàng thượng, không cần dùng bạch tượng. Dù ở xa, Đức Phật luôn biết tất cả tâm niệm của mọi người, chỉ cần có một đêm trai giới thanh tịnh, dâng cúng đầy đủ hương trầm, quay về hướng Phật, làm lễ quỳ gối bạch thỉnh, tự nhiên Đức Phật đến.
Nhà vua làm theo lời Kỳ-bà. Sáng ngày, Đức Phật cùng đầy đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo đến, thọ trai xong vì nhà vua, Đức Phật giảng nói kinh. Ý vua được mở bày và biết rõ, liền phát tâm đạo Chánh chân Vô thượng, hướng dẫn các nước lớn nhỏ đều thọ năm giới, tất cả cung kính làm lễ rồi ra đi.
Trở lại chuyện Nại Nữ. Lúc Nại Nữ sinh ra đã rất kỳ dị, lại mau lớn, thông minh, theo cha học hành, hiểu sâu xa kinh đạo, thuật chiêm tinh, toán số, vượt hơn cha. Nại Nữ lại thông thạo âm nhạc, tấu âm thanh như Phạm thiên. Những người con gái của các gia đình Cư sĩ, Phạm chí, tất cả gồm năm trăm người đều theo học và tôn Nại Nữ làm đại sư. Nại Nữ thường cùng năm trăm đệ tử giảng nói kinh, thuật, hoặc cùng nhau du ngoạn nơi hoa viên, ao hồ hay chơi âm nhạc. Người trong nước không hiểu việc làm của họ, sinh chê bai cho là dâm nữ, còn năm trăm đệ tử gọi là dâm đảng. Khi Nại Nữ sinh, trong nước lại có Tu-mạn nữ và Ba-đàm nữ cùng sinh một lúc. Tu-mạn nữ sinh trong hoa Tu-mạn. Có gia đình Cư sĩ ở nước ấy thường bện hoa Tu-mạn để làm hương cao. Bên chỗ bện thạch cao bỗng nhiên mọc ra khối u to như hòn đạn, ngày ngày lớn dần bằng nắm tay, rồi hòn đá nứt ra trong kẽ đá rực sáng như lửa đom đóm, ánh sáng bắn ra ngoài rơi xuống đất. Ba ngày sinh ra cây Tu-mạn. Ba ngày nữa cây Tu-mạn nở hoa, hoa nở ra một bé gái. Gia đình giữ bé gái ấy nuôi dưỡng đặt tên là Tu-mạn nữ. Tu-mạn nữ lớn khôn, nhan sắc tươi đẹp, tài trí vẹn toàn, so với Nại Nữ nàng là người thứ hai. Lại có gia đình Phạm chí nơi ao nước trong vườn tự nhiên mọc lên hoa sen xanh rất to, ngày ngày hoa lớn dần và to bằng cái bình năm đấu. Khi hoa sen nở ra có một bé gái, Phạm chí bồng về nuôi dưỡng đặt tên Ba-đàm nữ. Ba-đàm nữ lớn khôn, tài trí như Tu-mạn nữ. Vua các nước nghe đồn hai nàng này nhan sắc tuyệt thế, nên đến cầu hôn. Hai nàng nói:
–Chúng tôi không phải sinh ra từ bào thai, mà sinh ra trong hoa nên không giống với người phàm, vậy làm sao thích hợp theo người đời mà kết hôn được. Nghe Nại Nữ thông minh không ai bằng, lại sinh ra cũng cùng một cách, hai nàng bèn từ giã cha mẹ, đến gặp Nại Nữ xin làm đệ tử, trí tuệ họ thông đạt hơn năm trăm đệ tử kia.
Khi Đức Phật du hóa đến nước Duy-da-ly. Nại Nữ cùng năm trăm đệ tử ra ngoài thành nghinh đón Đức Phật, đảnh lễ sát đất, quỳ gối và bạch:
–Kính thưa Thế Tôn! Ngày mai kính thỉnh Thế Tôn đến vườn của chúng con thọ trai.
Đức Phật im lặng thọ nhận. Nại Nữ trở về chuẩn bị đầy đủ đồ cúng dường. Đức Phật đi vào thành, quốc vương ra khỏi cung nghinh đón, lễ xong quỳ gối thỉnh Phật:
–Ngày mai nguyện thỉnh Thế Tôn đến vương cung thọ trai.
Đức Phật nói:
–Nại Nữ đã thỉnh ta trước rồi.
Nhà vua tỏ vẻ không vui, nói:
–Con làm vua một nước, đã hết lòng thỉnh Đức Thế Tôn, hy vọng Thế Tôn thương xót đồng ý. Nại Nữ chỉ là dâm nữ, hàng ngày cô ta cùng năm trăm đệ tử làm việc không đúng. Vậy sao Thế Tôn từ chối lời mời của con, nhận lời thỉnh cầu của cô ta?
Đức Phật bảo:
–Người nữ đó chẳng phải là dâm nữ. Mạng đời trước của cô ta có đại công đức, vì đã cúng dường ba ức Đức Phật. Ngày xưa, Nại Nữ cùng Tu-mạn nữ, Ba-đàm nữ đều là chị em. Nại Nữ là chị cả, Tumạn là thứ, Ba-đàm là út, sinh trong một gia đình thuộc dòng họ lớn, tài sản giàu có. Chị em cùng nhau cúng dường năm trăm Tỳ-kheo-ni, hằng ngày bày biện thức ăn, nước uống và may y phục, coi chỗ nào không có đều cúng dường cho đủ, cúng dường suốt cả đời họ. Ba người thường thệ nguyện: “Nguyện đời sau chúng ta đều được gặp Phật.” Do vậy mà được hóa sinh, không do bào thai, xa lìa được cấu ue. Nay được như ý nguyện, sinh vào đời có ta. Lúc đó, tuy họ cúng dường Tỳ-kheo-ni, nhưng làm con trong gia đình giàu có, nên lời ăn tiếng nói cũng kiêu hãnh, buông thả, lúc nào cũng trêu chọc các Tỳkheo-ni: “Những người theo đạo ở trong đó lâu ngày, chắc cũng muốn có chồng, ngặt vì do chúng tôi cúng dường, kiểm soát, nên không dám tự ý tư tình vậy thôi!” Do đó nên nay họ phải chịu nhiều tai ương, tuy hàng ngày tán tụng kinh đạo nhưng vẫn bị chê bai, cho là dâm nữ. Còn năm trăm đệ tử là những người cùng chung sức, tương trợ cúng dường, đồng tâm vui vẻ, nên sinh ra gặp nhau, hưởng quả như vậy. Khi đó Kỳ-bà làm con gia đình nghèo, thấy Nại Nữ cúng dường ý rất vui mừng, nhưng không có tiền tài nên giúp đỡ Tỳkheo-ni bằng công việc quét dọn cho sạch sẽ, rồi phát thệ nguyện: “Nhờ công đức quét dọn này ta có thể quét trừ thân bệnh cho thiên hạ, nhất định nguyện được như vậy.”
Nại Nữ thương Kỳ-bà nghèo khổ, lại siêng năng cần cù nên nhận làm con. Mỗi lần những vị Tỳ-kheo-ni có bệnh, thường nhờ Kỳ-bà đón thầy thuốc về bổ thuốc. Và nói: “Đời sau ngươi và ta cả hai đều được phước.” Kỳ-bà đón thầy thuốc về trị, hễ trị là lành. Kỳbà thề: “Ta nguyện đời sau làm đại y vương, luôn trị tất cả thân bệnh của bốn đại, hễ trị là hết.” Nhờ nhân duyên đời trước, nay Kỳ-bà làm con Nại Nữ, được như ý nguyện.
Nhà vua nghe Phật giảng nói liền quỳ gối ăn năn lỗi lầm, đồng ý chờ ngày hôm sau. Sáng ngày, Đức Phật cùng hàng Tỳ-kheo đến vườn Nại Nữ. Vì tất cả, Đức Phật đã thuyết giảng về bản nguyện công đức. Ba nàng nghe kinh, tâm được mở bày, tỏ ngộ, cùng năm trăm đệ tử một lượt vui mừng đắc quả A-la-hán.
Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Ông phải thọ trì và vì bốn chúng thuyết giảng kinh này đừng để dứt mất. Tất cả chúng sinh phải thận trọng nơi thân, khẩu, ý, chớ sinh kiêu ngạo, buông thả. Chỉ vì xưa kia Nại Nữ trêu chọc các Tỳkheo-ni mà nay bị chê bai là dâm nữ. Ông phải tu hành nghiệp thân, khẩu, ý, thường phát nguyện làm điều thiện, nghe kinh tùy hỷ, tin vui, thọ trì, chớ sinh chê bai mà bị đọa vào địa ngục, còn bị dư báo làm súc sinh, trải qua trăm ngàn kiếp, sau được làm người cũng nghèo cùng khốn khổ, không nghe được chánh pháp, sinh vào nhà tà kiến, thường gặp vua ác, thân tướng không đầy đủ. Ông phải tu hành thọ trì đọc tụng cho đến tận đời vị lai, mãi mãi không hề dứt.