KINH NGŨ MẪU TỬ

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Xưa, có một vị A-la-hán, sống trong núi phụng hành đạo nghiệp. Lại có một đứa bé vừa mới bảy tuổi, rất thích đạo pháp nên từ bỏ mẹ, xuất gia làm Sa-di, theo vị đại Sa-môn sống trong núi. Sadi được học đạo và giúp đỡ thầy mọi việc cần đến, tụng kinh, hành đạo, không hề lười biếng. Đến năm tám tuổi, sa-di đạt được tuệ nhãn, nhìn thấy xa vô tận, tai nghe tiếng rất rõ, thấu triệt khắp cả trời đất. Hành động thiện ác chỗ nào cũng nghe biết, thân có khả năng tự tại bay đi bay tại, tự mình hóa phép phân thân không điều gì là không làm được. Tự biết mạng đời trước của mình, của người và của các loài động vật, côn trùng từ đâu sinh đến. Tự biết rõ mọi con đường thiện ác đã trải qua. Sa-di biết mạng đời trước của mình là con của năm người mẹ, liền tự cười. Thầy hỏi vì sao con cười?

Sa-di đáp:

–Con cười không có gì cả.

Thầy nói:

–Trong núi này không có ca xướng kỹ nhạc, vậy con cười ta chăng?

Sa-di thưa:

Dạ, con không dám cười thầy, con chỉ tự cười thôi. Con nhớ đời trước một thân con mà có tới năm người mẹ, các bà mẹ đều vì con ngày đêm khóc lóc, cảm thương, sầu não, không thể tự dứt, thường nhớ nghĩ đến con, lo nghĩ không thể nào quên được. Con nhớ có một thân mà đã làm buồn khổ tới năm nhà. Vì vậy con cười, đâu dám cười thầy.

Khi con làm con của người mẹ thứ nhất, gần đó, cũng có người sinh ra cùng ngày với con, sau ngày ấy con mất. Con của người ta vui chơi chạy nhảy, mẹ con thấy, lòng liền thương xót nhớ nghĩ: “Con tôi mà còn sống, cũng sẽ vui chơi chạy nhảy như vậy.” Bà nhớ nghĩ thương con, ưu sầu, lệ rơi như mưa.

Khi con làm con của người mẹ thứ hai. Con mạng yểu nên chết sớm. Mẹ con thấy người ta cho con bú mà lòng quặn đau nước mắt ràn rụa, than thở nhớ con.

Lúc con làm con của người mẹ thưa ba, năm được mười tuổi lại chết yểu. Cứ đến bữa ăn, mẹ con lại đau lòng thầm khóc nghĩ: “Con tôi mà còn sống thì nó sẽ cùng tôi ăn cơm. Nay nó đã chết rồi, để tôi phải ăn một mình.”

Bà thương nhớ con, cứ nghẹn ngào, nức nở.

Khi con làm con của người mẹ thứ tư, con bạc mệnh chết sớm. Chúng bạn con có vợ, mẹ con thấy, liền nhớ nghĩ: “Nếu con còn sống mẹ cũng sẽ cưới vợ cho con.” Bà than khóc: “Tôi đâu có phụ trời mà sao trời lại giết con tôi.”

Khi con làm con của người mẹ thứ năm. Con vừa được bảy tuổi, vui thích đạo, nên bỏ mẹ, lìa gia đình theo thầy vào núi cầu đạo và đắc quả A-la-hán. Mẹ con ngày ngày khóc than: “Tôi chỉ có một đứa con, nó đã theo thầy học đạo. Tôi không biết nó ở chỗ nào, đói no lạnh nóng sống chết ra sao, tôi không gặp nó được.” Bà thương nhớ con cứ mãi sầu thảm.

Năm người mẹ này đều thương yêu con. Mỗi người đều khóc than: “Con tôi mất rồi, không bao giờ gặp nó được nữa!” Cứ than như vậy nên khóc mãi không dứt. Con có một thân một vía, di chuyển cùng khắp, lần lượt làm con cho năm người mẹ. Năm người này vì nhớ nghĩ thương con, nghi hoặc, cố chấp, nên làm nhiều điều phiền muộn khổ não. Nay con dục vọng đã hết, vì vậy con cười. Con nghĩ ở thế gian, người ta không biết, chết rồi sẽ có chỗ đầu thai sinh ra, nên cùng nhau nói chết là hết. Phàm người nào khéo biết chết

còn có chỗ đến, nên khi sống làm điều thiện thì tự hưởng phước ấy. Làm ác thì tự chịu lấy tai ương, không ai thoát khỏi họa phước. Ở đời khi còn sống thường tạo những nghiệp ác, không điều gì sợ sệt từ bỏ. Sau khi chết, bị đọa trong địa ngục lớn, chịu nhiều thống khổ, ăn năn không kịp. Con nhàm chán thế gian, cố từ bỏ cha mẹ vào núi tinh tấn cầu đạo. Nay con thấy súc sinh, ngạ quỷ, chúng sinh trong địa ngục chịu nhiều thống khổ, nên rất sợ hãi. Con nhờ ân Phật, được nghe kinh pháp. Ngày đêm con nhớ thương năm người mẹ không có khả năng tự mình giải thoát. Con đã đạt được ý nguyện, không còn buồn lo. Con nghĩ, người thế gian cứ lần lượt cùng sinh rồi cùng vui cười trong luân hồi, không có ngày chấm dứt. Thân này dù có trả về cho cát bụi, thần thức vẫn còn hoạt động, tùy theo thiện ác, không tự cứu mình được. Con được giải thoát vì đã xa lìa tham dục, đoạn tận gốc rễ ân ái. Con không trở lại với sinh tử, con buồn cho mọi người thân đã đoạn, mà không chịu gieo trồng đạo nghiệp Niết-bàn an vui nên chịu nhiều đau khổ triền miên. Sa-di nói với thầy rồi liền bay đi.

 

KINH NGŨ MẪU TỬ 1

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Ngày xưa, có một vị A-la-hán sống ở trong núi, nghiêm trì hành đạo. Lại có một đứa bé lên bảy tuổi, rất ưa thích đạo, từ bỏ gia đình sống hạnh Sa-môn. Đứa bé theo thầy học đạo, ở trong núi luôn tinh tấn, không hề biếng nhác. Năm tám tuổi chứng đắc bốn thần thông:

  1. Mắt có khả năng thấy xa.
  2. Tai có thể nghe thấu hết.
  3. Có khả năng bay đi biến hóa.
  4. Biết thân mạng đời trước của mình từ đâu sinh đến.

Ngay chỗ ngồi, đứa bé lặng yên suy nghĩ, thấy mạng đời trước của mình làm con năm người mẹ, rồi tự cười.

Vị thầy hỏi:

–Con cười cái gì? Chúng ta ở trong núi này không có ca múa, xướng hát, vậy con cười vì dụng ý gì?

Sa-di đáp:

–Con không dám cười thầy. Con tự thấy một thân mình mà có tới năm người mẹ, mỗi người mẹ đều vì con ngày đêm khóc lóc cảm thương sầu não, luôn nói lúc nào cũng nhớ con. Con tự nghĩ một mình mà làm sầu não năm nhà, vì vậy con cười, chớ không dám cười thầy.

Khi con làm con của người mẹ thứ nhất, gần bên nhà cũng có người cùng con sinh trong một ngày. Sau ngày đó con chết, thấy con của người ta đi lại ra vào, mẹ con liền nói: “Con tôi mà còn sống, nó cũng đi vào qua lại như vậy.” Thế là bà ưu sầu, đau khổ nhớ con.

Khi làm con của người mẹ thứ hai, con sinh ra chưa bao lâu lại chết, mẹ con thấy người ta cho con bú, bà ưu sầu khóc lóc nhớ con.

Khi làm con của người mẹ thứ ba, con lại mất sớm, đến bữa ăn mẹ con lệ tràn, thương khóc nói: “Con tôi còn sống cũng sẽ cùng tôi ăn cơm, vì sao con bỏ mẹ mà đi!” Bà ưu sầu thương nhớ con.

Khi làm con của người mẹ thứ tư, con sống không bao lâu cũng lại qua đời, thấy chúng bạn con lấy vợ, bà lại nhớ con bà nói: “Nếu con không chết thì nay mẹ cũng sẽ cưới vợ cho con.” Nói như vậy rồi, buồn rầu khóc lóc nhớ con.

Hiện nay con làm con của người mẹ thư năm, đã xuất gia học đạo. Hằng ngày mẹ cứ khóc than: “Tôi đã mất con, không biết nó ở đâu, đói lạnh sống chết ra sao? Tôi không gặp được nó.” Bà đau khổ, than khóc, nhớ con.

Nay năm người mẹ cùng gặp đều nói: “Tôi đã mất con.” Họ cùng nhau than khóc. Con nhớ thần thức của một người, đi làm con cho năm người mẹ, rồi làm cho họ khóc lóc nhớ thương. Vì vậy con cười. Người ở thế gian không biết có đời sau, họ chỉ nói chết là hết. Người làm điều thiện tự hưởng phước ấy, làm ác thì chịu cái họa do mình gây ra. Người ta sống ở đời vui giận buông thả, làm điều ác không biết sợ, sau phải chịu thống khổ không thể nói hết, đọa vào trong đường ác ăn năn không kịp. Vì vậy, con nhàm chán thế gian, từ bỏ cha mẹ xuất gia cầu đạo. Con thấy địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh đời đời chịu nhiều đau khổ mà sợ hãi. Con nhờ ân thầy, được thọ giới pháp học kinh điển, nay đã giải thoát, ý nguyện của con đã được viên mãn. Con nhớ năm người mẹ, tự bản thân không thể giải thoát vì còn ưu não về thân con. Người thế gian luân hồi triền miên, sầu não khóc lóc không luc nào dứt. Thân chỉ là nắm đất là chỗ để cho thần thức nương vào theo đó mà thọ nghiệp. Thần thức không tự đoạn gốc rễ thì làm sao có thể giải thoát! Hằng ngày tích chứa điều ác, si mê, vì thế con nay không đứng vào hàng ngũ sinh tử. Như người thế gian không gieo trồng hạt giống Niết-bàn làm sao được Niết-bàn an vui?

Sa-di thưa xong, đến trước đảnh lễ thầy, rồi bay đi.