KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

LỜI TỰA

Đức Như Lai tùy duyên thị hiện, tùy cơ giáo hóa, không riêng trời, người mà cả đến loài rồng, loài quỷ…

Người được Ngài hóa độ đầu tiên là năm anh em Kiều Trần Như và người cuối cùng là Tu Bạt. Lúc bấy giờ, kinh sách tích lũy rất nhiều, trải dài từ Tây sang Đông nên thật khó ghi chép hết được. Đến như sách Lưu Hướng hiệu đính, lời huyền ký từ lâu đã sẵn. Hán Minh Đế cảm mộng, chứng tích linh hiển càng sáng tỏ.Từ đây về sau các vị tiếp nhau truyền dịch. Ba tạng kinh điển tuy tạm đầy đủ, nhưng những câu chuyện trong chín bộ vẫn chưa được tập hợp, phân loại. Hoàng đế trí hợp với Bậc Đẳng Giác, đức sánh cùng Đấng Biến Tri, hoằng truyền kinh giáo lợi ích cho đạo và đời, kêu gọi khắp những người thông thái chọn nhặt số kinh sách còn sót lại. Do đó, những bài kệ, chương cú bị tản mác thường được tìm thấy, đến nay tích lũy khá nhiều. Thánh chỉ cho rằng cuối thời tượng pháp, lòng tin giảm dần, kinh văn mênh mông nên khó tập hợp đầy đủ.

Vào niên hiệu Thiên Giám thứ bảy, Hoàng đế ra sắc lệnh cho các Ngài Thích Tăng Mân v.v… chuẩn bị sao chép kinh điển làm sáng tỏ lời kinh, nên bày tôn chỉ, lời gọn ý rõ. Việc làm này đã giúp cho người nghiên cứu rất nhiều.

Nhưng tướng lạ ít có vẫn còn rải rác trong nhiều sách và những câu chuyện nhiệm mầu ít nghe thấy chưa được kể ra. Cho nên, vào cuối niên hiệu Thiên Giám thứ mười lăm, Hoàng đế lại sắc cho Ngài Bảo Xướng sao chép các việc quan trọng trong kinh luật và sắp xếp theo từng loại để người xem dễ hiểu.

Hoàng đế lại sắc cho Ngài Thích Tăng Hào ở chùa Tân An, Ngài Thích Pháp Sinh ở chùa Hưng Hoàng v.v… cùng góp sức kiểm chứng lại. Nhờ thế, các Ngài đã tổng hợp kinh sách, lựa chọn những câu chuyện kỳ dị, tâu lên nhà vua xem xét, lập ra quy tắc, tổng cộng là năm mươi quyển, lại thêm năm quyển mục lục, phân làm năm trật, đặt tên là Kinh Luật Dị Tướng. Các học giả sau này chẳng phải khổ công mà vẫn hiểu biết rộng.

 

QUYỂN 1

Chương I: CHƯ THIÊN TRONG BA CÕI

  1. Cõi Dục
  2. Cõi sắc
  3. Cõi vô sắc

I. CÕI DỤC: Có bảy tầng trời

  1. Trời Tứ thiên vương
  2. Trời Đao Lợi
  3. Trời Diễm Ma
  4. Trời Đâu Suất
  5. Trời Hóa Lạc
  6. Trời Tha Hóa
  7. Cõi Ma Thiên

1.1. TRỜI TỨ THIÊN VƯƠNG

Tứ thiên vương ở bốn góc núi Tu Di. Bốn góc này đều cao bốn mươi hai ngàn (bốn mươi hai ngàn) do-tuần. (Luận Đại Trí Độ ghi: Bốn phía Tu Di có núi, đều gọi là Du-kiền-đà, mỗi núi cao bốn mươi hai ngàn do-tuần. Tứ thiên vương cai trị trên đó).

Thiên vương ở phương Đông tên Đề-đầu-lại-trá, thành hiệu Thượng Hiền. Thiên vương ở phương Nam tên Tỳ-lâu-lặc, thành hiệu Thiện Kiến. Thiên vương ở phương Tây tên Tỳ-lâu-bác-xoa, thành hiệu Chu La, có bản viết là Chu bãi (chưa rõ tên nào đúng). Thiên vương ở phương Bắc tên Tỳ-Sa-môn, trụ cả ba thành: Khả Úy, Thiên Kính, Chúng Quỷ.

Bốn vị Thiên vương này thân đều cao nửa do-tuần; thiên y dài một do-tuần, rộng nửa do-tuần, nặng hai phân, thọ năm trăm năm ở tuổi trời, tăng ít giảm nhiều. Một ngày một đêm ở cõi trời bằng năm mươi năm ở cõi người. Một tháng cũng có ba mươi ngày. Một năm cũng có mười hai tháng (năm trăm năm ở cõi trời tức là 90.000 năm ở cõi người). Tứ thiên vương ăn Tịnh đoàn thực, tắm giặt y phục là Tế hoạt thực. Nam lấy vợ, nữ lấy chồng, giao hợp giống như ở cõi người. Vị này, nhờ ba nghiệp lành đời trước nên đời này được sanh lên trời, tự nhiên hoá hiện trên đầu gối của Thiên nhân, thân hình cỡ bằng đứa bé hai tuổi ở cõi người. (Biệt ký ghi: Con trai thì ngồi trên gối cha, con gái thì ngồi trên gối mẹ). Đứa bé sanh ra chẳng bao lâu liền tự biết đói. Bát tốt đẹp bằng bảy báu đựng đầy thức ăn trăm vị. Vị nào phước báu nhiều thì cơm màu trắng; phước báu trung bình thì cơm màu xanh; phước báu ít thì cơm màu đỏ. Đứa bé ăn xong thì thức ăn biến mất. Sau đó, đứa bé cảm thấy khát, nước cam lộ trong bát báu hiện ra cũng có màu như thức ăn. Uống xong, bát nước cũng không còn, như bơ cho vào lửa. Thân hình to lớn bằng chư Thiên, liền vào ao tắm gội. Tắm xong, thiên nhân này đến cây có hương thơm, nhánh cây rủ xuống, lấy hương thoa mình, y phục trang nghiêm đầy đủ. Vật báu làm tràng hoa, trái cây làm nhạc khí đều có trên cây; đi đến đâu thì tùy ý lấy dùng. (Kinh Lâu Thán chép phần nhiều cũng giống như vậy, chỉ khác chút ít, văn nhiều nên không ghi lại). Vào các vườn rừng, có vô số thiên nữ trỗi nhạc, đàn ca, nói cười với nhau, sanh tâm đắm nhiễm, ngó tây thì quên đông, đang khi vui chợt đánh mất tâm niệm lúc sơ sinh là nhờ phước lành đời trước mà được sanh lên trời.

(Kinh Lâu Thán đại khái cũng như vậy).

Cõi trời này, ao hồ trong xanh, hoa quả sum xuê, thành có bảy lớp đều rộng sáu ngàn do-tuần. Lan can, lưới giăng, tường vách cung điện, hàng cây cũng đều có bảy lớp.

Tỳ-Sa-môn vương thường có năm đại quỷ thần luôn hầu bên cạnh. Đó là: Na-xà-lâu, Đàn-đà-la, Ê-ma-bạt-đà, Đề-kiệt-la, Tu-dật-lộ-ma. Nửa tháng có ba ngày trai là mồng tám, mười bốn, rằm. Ngày mồng tám, Tứ thiên vương thường ra lệnh cho sứ giả: “Các ngươi đi tuần nhân gian để xem người dân có ai hiếu thảo cha mẹ, kính thờ Sa-môn, Bàla-môn, trưởng lão và thọ trì trai giới, bố thí hay không?”. Sứ giả vâng theo lời dạy, về tâu đầy đủ mọi việc thiện ác. Tứ thiên vương nghe điều ác thì buồn, nghe điều thiện thì vui. Ngày mười bốn, Tứ thiên vương sai thái tử đi tra xét trong thiên hạ. Ngày rằm, đích thân Tứ thiên vương đi tuần tra; sau đó, bốn vị cùng đến điện Thiện Pháp tâu đầy đủ mọi việc lên Đế Thích. Đế Thích nghe điều ác thì buồn, nghe điều thiện thì vui, rồi nói kệ khen ngợi người thọ trì trai giới là người đồng hành với ta.

(Trích Kinh Trường A-hàm quyển 20, lại trích luận Đại Trí Độ và kinh Lâu Thán)

1.2. TRỜI ĐAO LỢI

Trời Đao Lợi ở đỉnh núi Tu-di, có ba mươi ba Thiên cung. Vua tên Thích-đề-hoàn-nhân (Đời Lương dịch là Năng-tác-thiên-vương); thân cao một do-tuần; thiên y dài hai do-tuần, rộng một do-tuần, nặng sáu thù. Tuổi thọ cõi trời này làmột ngày năm, tăng ít giảm nhiều. Lúc sắp mạng chung, có năm tướng hiện ra. Đó là: y phục nhơ bẩn, hoa trên đầu héo, thân thể hôi dơ, dưới nách ra mồ hôi, không ưa chỗ ngồi. Khi thấy năm tướng trên hiện ra,vị thiên nhân ấy rất khổ não như chịu khổ ở địa ngục.

Chư Thiên cõi này ăn uống, cưới gả cũng như ở cõi trời Tứ thiên. Thân thể gần nhau do khí tạo thành Âm dương (kinh Xuất Tam Pháp Độ ghi: Hành dục như loài người) Nhờ thân khẩu ý thiện được sanh lên cõi trời Đao Lợi mà tự nhiên hoá hiện bằng đứa bé ba tuổi trên đầu gối của thiên nhân. Vị thiên vương ấy liền chấp nhận: Đây là con trai ta, con gái ta. Đứa bé tự biết đời trước nhờ bố thí, trì giới mà nay muốn ăn uống, bát vàng có đủ các thứ tùy sở thích. Thức ăn ngon dở là do phước dày mỏng cũng như ở cõi trời Tứ thiên vương. Thành này ngang dọc tám mươi ngàn do-tuần (kinh Lâu Thán ghi: dài rộng 3.200 dặm) có bảy lớp, chín trăm chín mươi chín cửa. Mỗi cửa có sáu mươi Dạ-xoa thanh y canh giữ (kinh Trường A-hàm ghi: Cao sáu mươi do-tuần, cách năm trăm dotuần thì có một cửa, mỗi cửa có năm trăm quỷ thần canh giữ).

Ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên, thành vàng thì cửa bạc, thành bạc thì cửa vàng. Cứ như thế, bảy báu xen nhau làm cửa và thành. Lầu gác, đền đài bao bọc xung quanh. Vườn rừng ao tắm có hoa báu xen lẫn. Cây báu hàng hàng, hoa quả sum xuê. Hương thơm theo gió bay khắp bốn phía làm vui đẹp lòng người. Vô số chim lạ đủ loại cùng hòa giọng hót.

Trong các khu vườn ở bốn phía thành, mỗi vườn có hai gò đá. Mỗi gò ngang dọc năm mươi do-tuần, do bảy báu nhuyễn như thiên y làm thành (kinh Lâu Thán cũng ghi tương tự, văn nhiều không chép ra).

Ở giữa vườn Thô sáp và vườn Họa lạc có ao Nan-đà, ngang dọc một trăm do-tuần, nước ao trong xanh. Vách ao bảy báu sanh ra bốn loại hoa có đủ các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng… Hương thơm bay xa một do-tuần. Gốc cây như trục xe, nhựa trắng như sữa, vị ngọt như mật.

Lại nữa, ở giữa vườn Tạp và vườn Đại hoan hỷ có cây Trú độ, chu vi bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, nhánh lá tỏa rộng bốn phía đến năm mươi do-tuần, hương thơm ngược gió bay xa trong vòng một trăm do-tuần.

Phía Nam điện Đao Lợi còn có cây Ba-chất-câu-kì-la, cao bốn ngàn dặm, nhánh lá tỏa rộng hai ngàn dặm. Khi gió thổi, hương thơm ngược gió bay xa hai ngàn dặm. Lúc cây trổ hoa, chư Thiên cùng ngồi dưới cây lấy làm vui thích.

Dạo khắp cõi trời này phải mất một trăm hai mươi ngày. Đế thích có ba mươi hai đại thần nên được gọi là Tam Thập Tam Thiên. Mỗi đại thần đều có cung điện trong thành, vui chơi khắp vườn phải mất bảy ngày.

Thô sáp: khi vào vườn này, thân thể thô nhám.

Họa: Khi vào vườn này, thân thể tự nhiên có đủ các màu.

Tạp: Thường vào các ngày mồng tám, mười bốn, rằm trong tháng cho các thể nữ vui chơi cùng các thiên tử nên gọi là tạp, riêng Đế Thích và Xá-chi ở một chỗ.

Đại hỷ: Khi vào vườn này, lòng rất hoan hỷ.

(Trích Kinh Trường A-hàm quyển 20, lại trích kinh Lâu Thán, luận Đại trí Độ, kinh Hoa Nghiêm, Niết-bàn).

1.3. TRỜI DIỄM MA

(Diễm Ma: đời Lương dịch là Thời)

Cung trời Diễm Ma do phong luân bảo trì ở giữa hư không. Thiên vương tên Thiện Thời (Luận Đại Trí Độ ghi là Diệu Thiện). Thiên nhân cõi này, thân cao hai do-tuần; thiên y dài bốn do-tuần, rộng hai do-tuần, nặng ba-thù, hiện ra trên cây, sáng rỡ sạch sẽ, có nhiều màu sắc. Thân thể họ sáng chói, không cần ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.

Vị ấy do thân, khẩu, ý thiện; hoặc do bố thí đèn đuốc, minh châu…; hoặc do trì giới; thiền định… nên được sanh lên cõi trời Diễm Ma. Tuổi thọ cõi trời này là hai ngàn năm, tăng ít giảm nhiều. Cách ăn uống, hôn nhân, hành dục giống như ở cõi trời Đao Lợi (Kinh Tam Pháp Độ ghi: Do ý nhiễm trước, ôm nhau là thành dục; nếu không đắm nhiễm thì không thành sự thỏa mãn). Lúc mới sinh ra, thân trời bằng đứa bé bốn tuổi ở cõi người. Ánh sáng của thiên nhân cõi trời Đao Lợi không thể sánh với thiên nhân cõi này.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20, lại trích kinh Lâu Thán, kinh Hoa Nghiêm và luận Đại Trí Độ).

1.4. TRỜI ĐÂU SUẤT

(Đâu Suất: đời Lương dịch Tri Túc)

Cung trời Đâu Suất do phong luân bảo trì ở giữa hư không. Thiên vương tên Thiện Hỷ. Bồ-tát thọ thân rốt sau phần nhiều sanh về cõi trời này. Cõi trời Diễm Ma phóng đãng, cõi trời Hoá Lạc ngu tối, cho nên Bồ-tát sanh vào cõi trời này. (Luận Đại Trí Độ ghi: cõi Diễm Ma kiết sử sâu dày, cõi Hoá Lạc kiết sử cạn mỏng; chỉ trời Đâu Suất không dày không mỏng, trí tuệ an định). Lại nữa, cõi Diễm Ma thọ mạng ngắn ngủi; khi mạng chung, Đức Phật chưa ra đời. Cõi Hoá Lạc thọ mạng lâu dài, mạng chưa hết mà Phật đã nhập diệt Cõi trời Đâu Suất tuổi thọ của họ ngang bằng với Đức Phật. Đức Phật thường ở trung đạo mà cõi trời Đâu Suất ở giữa sáu tầng trời cõi Dục.

Thiên nhân cõi này, thân cao bốn do-tuần; thiên y dài tám dotuần, rộng bốn do-tuần nặng một thù rưỡi; thọ bốn ngàn tuổi, tăng ít giảm nhiều. An uống giống như ở cõi trời Diễm Ma, cũng có cưới gả, chỉ nắm tay nhau là thành dục. Lúc mới sinh ra, thân trời bằng đứa bé năm tuổi ở cõi người, tự biết đời trước đã làm những việc bố thí, trì giới… nên nay sanh lên cõi trời này, tự nhiên có đủ ăn uống, áo mão, ca múa. Thân thể sáng hơn thiên nhân cõi trời Diễm Ma.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20, lại trích kinh Hoa nghiêm, Niết-bàn, Lâu Thán và luận Đại Trí Độ).

1.5. TRỜI HOÁ LẠC

Cung trời Hóa Lạc cũng do phong luân bảo trì ở giữa hư không. Thiên vương tên Thiện Hóa. Thiên nhân tự hóa hiện ra năm trần cảnh để tự vui chơi; thân cao tám do-tuần; thiên y dài mười sáu do-tuần, rộng tám do tuần, nặng một thù, thọ tám ngàn tuổi, tăng ít giảm nhiều. Ăn uống giống như ở cõi trời Đâu Suất, cũng có cưới gả, nhìn nhau say đắm là thành dục (Kinh Tam Pháp Độ ghi: Nói chuyện với thiên nữ mà tâm nhiễm ô nặng là thành dục. Nếu một trong hai không nhiễm thì không thành, chỉ vui mà thôi). Lúc mới sinh ra, thân bằng đứa bé sáu tuổi ở cõi người, có ánh sáng rực rỡ hơn thiên nhân cõi trời Đâu Suất.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20, lại trích kinh Lâu Thán, Hoa Nghiêm).

1.6. TRỜI THA HOÁ TỰ TẠI

Cung trời Tha Hoá Tự Tại cũng do phong luân bảo trì ở giữa hư không. Thiên vương tên Tự Tại. Thiên nhân cõi này lấy những cảnh người khác hóa hiện làm niềm vui cho chính mình, nên còn gọi là trời Ái Thân. Trong cõi Dục, chỉ có cõi trời này được tự tại.

Thân thiên nhân cao mười sáu do-tuần; thiên y dài ba mươi hai dotuần, rộng mười sáu do-tuần, nặng nửa thù; thọ mười sáu ngàn tuổi, tăng ít giảm nhiều. Ăn uống giống như ơ cõi trời Hoá Lạc, cũng có hôn nhân, vừa nhìn nhau là thành dục (kinh Lâu Thán ghi: chỉ nghĩ tới liền thành dục. Kinh Tam Pháp Độ ghi: cùng người nữ, cả hai đều đắm nhiễm, nhìn nhau là thành dục; Nếu một trong hai không nhiễm thì không thành, chỉ vui như ở cõi người ôm lấy nhau mà thôi. Vì thiên nhân cõi này thấy cảnh người khác hoá ra mà tự vui nên gọi là Tha Hóa).

Lúc mới sinh ra, thân trời bằng đứa bé bảy tuổi ở cõi người. Vị này tư biết đời trước do bố thí, trì giới, bỏ ác nên nay tự nhiên có các thứ ăn uống, y phục, ngọc nữ giống như ở cõi trời Hoá Lạc. Thân thể sáng hơn thiên nhân cõi trời Hóa Lạc.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20, lại trích kinh Hoa nghiêm, Lâu Thán và luận Đại Trí Độ).

1.7. CÕI MA THIÊN

Cung Ma Thiên ở giữa hai cõi Dục và Sắc.

Ma: ví như đá mài, mài mòn công đức. Cung trời này ngang dọc sáu ngàn do-tuần, tường cung có bảy lớp, tất cả đều đẹp đẽ giống như ở cõi trời Tha Hoá Tự Tại. Ma thiên có mười phép:

  1. Bay đi không hạn định
  2. Bay đến không hạn định
  3. Đi không ngăn ngại
  4. Đến không ngăn ngại
  5. Thân thiên nhân không có da, xương tủy, gân mạch, máu thịt.
  6. Thân không có đại tiện, tiểu tiện nhơ nhớp
  7. Thân không mệt mỏi
  8. Thiên nữ không sinh sản
  9. Mắt không liếc ngó
  10. Thân tùy theo ý muốn, thích xanh thì thân màu xanh, thích vàng thì vàng, thích các màu đỏ, trắng… đều tùy ý hiện. Đây là mười phép của Ma thiên.

Lại nữa, Ma thiên có khả năng chủ trì mười phép:

  1. Bay đi vô tận
  2. Trở về vô cùng
  3. Chư Thiên không dâm, không trộm
  4. Không tự khen mình, không nói lỗi người
  5. Không xúc phạm nhau
  6. Ma thiên răng đều, hàm khớp
  7. Tóc xanh biếc, óng mượt, dài tám trượng
  8. Ma thiên tóc xanh thì thân cũng xanh.
  9. Muốn trắng, thân liền trắng.
  10. Muốn đen, thân liền đen.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 18, 30; lại trích kinh Lâu Thán, luận Đại Trí Độ).

II. CÕI SẮC: hai mươi ba tầng trời

  1. Trời Phạm Thân
  2. Trời Phạm Phụ
  3. Trời Phạm Chúng
  4. Trời Đại Phạm
  5. Quang Thiên
  6. Trời Thiểu Quang
  7. Trời Vô Lượng Quang
  8. Trời Quang Âm
  9. Tịnh Thiên
  10. Trời Thiểu Tịnh
  11. Trời Vô Lượng Tịnh
  12. Trời Biến Tịnh
  13. Trời Nghiêm Sức
  14. Trời Thiểu Nghiêm Sức
  15. Trời Vô Lượng Nghiêm Sức
  16. Trời Nghiêm Sức Quả Thiệt
  17. Trời Vô Tưởng
  18. Trời Bất Phiền
  19. Trời Vô Nhiệt
  20. Trời Thiện Kiến
  21. Trời Đại Thiện Kiến
  22. Trời Sắc Cứu Cánh
  23. Trời Ma-ê-thủ-la

2.1 TRỜI PHẠM THÂN

Cung trời Phạm Thân thuần là vàng ròng. Thiên nhân thân màu bạc trắng (cõi sắc đều như vậy), thiên y màu vàng y, hành thiền, ly dục, tu tập Hỏa quang tam muội. Cho nên, thân thể phát ra ánh sáng rực rỡ hơn ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Cõi này không có nam, nữ, lấy thiền duyệt làm thức ăn, thọ một kiếp hoặc ít hơn, nếu thân cao nửa do-tuần thì thọ nửa kiếp.

(Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20)

2.2 TRỜI PHẠM PHỤ

Trời Phạm Phụ (thường gọi là Phú Lâu).

Cõi trời này cũng giống cõi trời trên (Trời Phạm Thân). Nếu tu thiền bậc trung thì sanh vào hàng Phạm thiên tôn quý. Thiên nhân thân cao một do-tuần, thọ một kiếp.

(Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20)

2.3 TRỜI PHẠM CHÚNG

Trời Phạm Chúng cũng giống cõi trời trên (Trời Phạm Phụ). Nếu tu thiền bậc hạ thì sanh vào hàng phạm thiên thấp kém. Thiên nhân thân cao một do-tuần rưỡi, thọ một kiếp rưỡi.

(Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20)

2.4 TRỜI ĐẠI PHẠM

Thiên vương Đại Phạm tên Thi Khí (đời Lương dịch Hỏa Sắc). Cõi trời này cũng giống cõi trời Phạm Chúng. Nếu tu thiền bậc thượng thì sanh vào cõi trời này. Ở giữa cõi trời Phạm Chúng phát ra Âm thanh to lớn khiến cho tất cả thiên nhân đều nghe thấy. Chư Thiên Phạm Thân mỗi người tự nghĩ: Thiên vương Đại Phạm chỉ tiếp ta thôi, không tiếp người khác. Ta tự nhiên đạt đến chỗ khỏi phải tiếp nhận, được tự tại nhất khắp ngàn thế giới, giàu có sung túc, có khả năng tạo ra vạn vật. Ta là cha mẹ của tất cả chúng sanh, sau này được tôn trọng bậc nhất trong các Phạm Thiên, dung mạo như đồng tử nên đặt tên là Đồng Tử. Đồng Tử nâng con gà, cầm cái linh, nắm phướn đỏ, cỡi khổng tước, tu sơ thiền gọi là Phạm-ca-di, thiên cung cách cung Tha Hóa Tự Tại hai do-tuần.

(Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20, kinh Hoa Nghiêm, kinh Lâu Thán, luận Đại Trí Độ.Tạp A-tỳ-đàm Tâm ghi: Ở 17 tầng trời cõi Sắc, cõi thiền thứ 3 trở xuống, mỗi cõi có ba tầng trời; cõi thiền thứ tư có chín tầng trời, đáng lẽ có 18 tầng trời. Chư Thiên cõi thiền thứ nhất là các Phạm nô nên không tính số. Cõi thiền thứ nhất không có Phạm thân, cõi thiền thứ hai không có ánh sáng, cõi thiền thứ ba không có thanh tịnh ).

2.5. QUANG THIÊN

Cõi Quang Thiên lấy thiền vị làm thức ăn, thọ hai kiếp hoặc ít hơn.

(Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20)

2.6. TRỜI THIỂU QUANG

Trời Thiểu Quang đại khái cũng giống như cõi trời trên (cõi Quang Thiên).

(Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20. Phẩm Tỳ Y ghi: khi nói chuyện, trong miệng phát ra một ít ánh sáng).

2.7. TRỜI VÔ LƯỢNG QUANG

Trời Vô Lượng Quang đại khái cũng giống như cõi trời trên (Trời Thiểu Quang)

(Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20. Phẩm Y ghi: khi nói chuyện, trong miệng phát ra nhiều ánh sáng).

2.8. TRỜI QUANG ÂM

Trời Quang Âm (Phẩm Y gọi là trời Quang Diệu. Khi nói chuyện, trong miệng phát ra vô biên ánh sáng thanh tịnh).

Thiên vương tên Lạc Quang (kinh Lâu Thán ghi: Bồ-tát A-phiphù Thiên còn gọi là Quang Niệm, hay Quan Âm Thanh) nhìn thấy cõi Diêm-phù-đề dơ bẩn. Mùi hôi xông lên bảy ngàn vạn dặm (70.000.000 dặm). Vì vậy, Bồ-tát không sanh vào cõi trời này (kinh Trường A-Hàm ghi: cõi trời cách xa một trăm do-tuần còn nghe mùi thối hơn mùi nhà xí). Nhị thiền gọi chung là Quang Âm, thiên cung cách cung Phạm-ca-di hai do-tuần.

(Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20, kinh Hoa Nghiêm, kinh Lâu

Thán, luận Đại Trí Độ và kinh Bồ-tát Xử Thai)

2.9. TỊNH THIÊN

Cõi Tịnh Thiên lấy thiền duyệt làm thức ăn, thọ ba kiếp hoặc ít hơn.

(Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20).

2.10. TRỜI THIỂU TỊNH

Trời Thiểu Tịnh đại khái cũng giống như cõi trời trên (Tịnh Thiên) (Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20). (Trích kinh Trường A-Hàm quyển 20. Phẩm Y ghi: Ba cõi trời (Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh, Biến Tịnh) cùng tu tập không có hỷ lạc tương ưng với thiền nên sanh vào ba cõi trời này. Dùng ít phương tiện tương ưng với thiền ít nên sanh vào trời Thiểu Tịnh, thọ lạc cũng ít).

2.11. TRỜI VÔ LƯỢNG TỊNH

Trời Vô Lượng Tịnh đại khái cũng giống cõi trời Thiểu Tịnh

(Trích kinh A-hàm. Phẩm Y ghi: dùng phương tiện bậc trung nên sanh về cõi trời này).

2.12. TRỜI BIẾN TỊNH

Trời Biến Tịnh (tiếng Phạm là Vi Tế. Phẩm Y ghi: dùng phương tiện bậc thượng nên sanh về cõi trời này).

Thiên vương tên Tịnh Trí, bốn tay nắm giữ bối luân, cỡi chim cánh vàng. Tam thiên gọi chung là Biến Tịnh, cũng gọi là Thủ-đà-cân, thiên cung cách cung Quang Âm hai do-tuần.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20, kinh Hoa Nghiêm, kinh Lâu Thán, luận Đại Trí Độ).

2.13. TRỜI NGHIÊM SỨC

Trời Nghiêm Sức lấy thiền duyệt làm thức ăn, thọ 40.000 kiếp hoặc ít hơn.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20).

2.14. TRỜI THIỂU NGHIÊM SỨC

Trời Thiểu Nghiêm Sức đại khái cũng giống cõi trời Nghiêm Sức (Trích kinh Trường A-hàm quyển 20).

2.15. TRỜI VÔ LƯỢNG NGHIÊM SỨC

Trời Vô Lượng Nghiêm Sức đại khái cũng giống cõi trời Thiểu Nghiêm Sức.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20).

2.16. TRỜI NGHIÊM SỨC QUẢ THIỆT

Trời Nghiêm Sức Quả Thiệt Thiên vương tên Pháp Hoa Quang. Tứ thiền gọi chung là Quả Thiệt, thiên cung cách cung Biến Tịnh hai do-tuần.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20, lại trích kinh Hoa Nghiêm).

2.17. TRỜI VÔ TƯỞNG

Trời Vô Tưởng (kinh Lâu Thán gọi là Vô Nhân Tưởng).

Thiên nhân cõi này lấy thiền duyệt làm thức ăn, thọ năm trăm kiếp hoặc ít hơn, bằng số kiếp của cõi Sắc, ánh sáng rực rỡ hơn ở cõi trời Quả Thiệt. Ngoại đạo cho đây là Niết-bàn.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20. Phẩm Y ghi: Diệt tưởng thì sanh về Vô tưởng, chỉ còn sắc ấm, hành ấm, hễ khởi chút niệm tưởng liền chết).

2.18. TRỜI BẤT THIỀN

Trời Bất Thiền (kinh Trường A-hàm gọi là Vô Tạo, kinh Lâu Thán gọi là A-tỳ-phi).

Thiên nhân cõi này lấy thiền duyệt làm thức ăn, thọ một ngàn kiếp hoặc ít hơn, ánh sáng rực rỡ hơn ở cõi trời Vô Tưởng.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20)

2.19. TRỜI VÔ NHIỆT

Trời Vô Nhiệt thân cao bốn ngàn do-tuần, đất mềm nhuyễn nên thiên nhân không đứng được, nếu bước xuống thì thân hình dường như trở thành thô xấu. Thiên nhân cõi này lấy thiền vị làm thức ăn, thọ hai ngàn kiếp hoặc ít hơn, ánh sáng rực rỡ hơn ở cõi trời Bất Phiền.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20)

2.20. TRỜI THIỆN KIẾN

Thiện Kiến (kinh Hoa Nghiêm gọi là Thiện Kiến, kinh Lâu Thán gọi là Tu-đà-chiên).Thiên nhân cõi này thân cao bốn ngàn do-tuần, cũng lấy thiền duyệt làm thức ăn, thọ ba ngàn kiếp (kinh Tam Thừa Danh Số ghi:thọ bốn ngàn kiếp) hoặc ít hơn, Ánh sáng rực rỡ hơn ở cõi trời Vô Nhiệt.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20).

2.21. TRỜI ĐẠI THIỆN KIẾN

Đại Thiện Kiến (kinh Hoa Nghiêm gọi là Thiện Kiến, kinh Lâu Thán gọi là Tu-di-chiên-ni)

Thiên nhân cõi này thân cao tám ngàn do-tuần, cũng lấy thiền duyệt làm thức ăn, thọ bốn ngàn kiếp (kinh Tam Thừa Danh Số ghi: tám ngàn kiếp) hoặc ít hơn, ánh sáng rực rỡ hơn ở cõi trời Thiện Kiến. (Trích kinh Trường A-hàm quyển 20).

2.22. TRỜI SẮC CỨU CÁNH

Trời Sắc Cứu Cánh (kinh Hoa Nghiêm và kinh Lâu Thán đều là A-ca-nị-tra).

Thiên nhân cõi này thân cao mười sáu ngàn do-tuần, cũng lấy thiền duyệt làm thức ăn, thọ năm ngàn kiếp (kinh Tam Thừa Danh Số ghi:mười sáu ngàn kiếp) hoặc ít hơn.

Năm cõi trời trên đây đều gọi là Tịnh Cư, là chỗ trụ của các vị Ana-hàm, ánh sáng rực rỡ nhất.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20, kinh Hoa Nghiêm, kinh Lâu Thán, luận Đại Trí Độ).

2.23. TRỜI MA-Ê-THỦ-LA

Trời Ma-ê-thủ-la (đời Lương dịch Tự Tại) còn gọi là Tịnh Cư. Qua khỏi năm cõi trời Tịnh Cư thì có tám xứ đều trống không, vắng lặng, là trú xứ của mười vị Đại sĩ. Bồ-tát Pháp Vân phần nhiều làm thiên vương ở đây. Thiên vương có tám tay, ba mắt, cỡi trâu trắng lớn. Mây lớn tuôn mưa khắp cả đại thiên thế giới. Tất cả chúng sanh không thể biết số lượng, chỉ vị thiên vương này mới biết được.

(Kinh Niết-bàn ghi: như người nào cúng dường trời Ma-ê-thủ-la phải biết người này đã cúng dường tất cả chư Thiên. Kinh Lâu Thán ghi: Từ trời Quang Âm trở lên không có thiên vương)

(Trích luận Đại Trí Độ quyển 2)

III. CÕI VÔ SẮC: Có bốn tầng trời

3.1 VÔ LƯỢNG KHÔNG NHẬP XỨ:

Còn gọi là Không xứ trí Thiên, thọ mười ngàn kiếp hoặc ít hơn

(Trích kinh Tạp A-hàm. Kinh Lâu Thán gọi là Hư không trí thiên).

3.2 VÔ LƯỢNG THỨC NHẬP XỨ

Còn gọi là Thức xứ trí thiên, thọ hai mươi mốt ngày kiếp hoặc ít hơn.

(Trích kinh Tạp A-hàm. Kinh Lâu Thán gọi là Thức tri thiên).

3.3 VÔ SỞ HỮU NHẬP XỨ

Còn gọi là Vô sở hữu xứ trí thiên, hay Bất dụng xứ. Thiên nhân cõi này thọ bốn mươi hai ngàn kiếp hoặc ít hơn.

Có vị Ưu-đạp-lam không được Phật giáo hóa mà tự mạng chung. Đức Phật thọ ký vị này sanh về cõi Bất dụng xứ. Thọ hết phước trời, vị này làm vua nơi biên địa làm tổn hại nhân dân; sau khi chết, đoạ vào địa ngục.

(Trích kinh Trường A-hàm, Tăng Nhất A-hàm. Kinh Lâu Thán gọi là A-kiệt-nhã-nhiên).

3.4 PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG NHẬP XỨ

Còn gọi là Hữu tưởng vô tưởng thiên. Thiên nhân cõi này thọ tám vạn bốn ngàn kiếp hoặc ít hơn.

Có Phất-la-lặc-ca-lam không được Phật giáo hoá mà tự mạng chung. Đức Phật thọ ký vị này sẽ sanh về cõi trời Hữu tưởng vô tưởng; sau lạ làm chồn dữ có cánh. Các loài chim bay thú chạy đều bị nó làm hại. Sau khi mạng chung, chồn dữ bị sanh vào địa ngục.

(Trích kinh Tạp A-hàm, Tăng Nhất A-hàm. Kinh Lâu Thán ghi: Trên cõi trời này còn có cõi trời Vô hữu phi tưởng tư, cũng gọi là Hữu tư tưởng thiên.)

 

Chương II: SỰ THÀNH HOẠI CỦA HAI CÕI

  1. Tam tiểu tai (còn gọi là Tam tiểu kiếp hay Tam trung kiếp)
  2. Tam đại tai (còn gọi là Tam đại kiếp)

1. TAM TIỂU TAI

Thời kiếp sơ, con người thọ bốn vạn tuổi, sau giảm xuống còn một trăm tuổi, giảm dần cho tới mười tuổi (Tạp Tâm và Tiểu kiếp kinh sao ghi: hơn mười hai tuổi). Lúc ấy, người nữ sinh ra năm tháng đã lập gia đình. Khi tuổi thọ con người còn mười tuổi thì gọi là Tam tiểu kiếp: đao binh, đói kém (Kinh Trường A-hàm ghi: lúa gạo đắt đỏ) và bệnh tật.

Kiếp đao binh: con người phần nhiều tham lam, thô bạo, làm muời điều ác. Nếu người nào làm một việc thiện thì mọi người đều lộ vẻ cười chê, cho là ngu, và tranh nhau hiếp đáp, tiêu diệt. Họ dạy nhau làm ác, không có một người làm thiện. Ngũ cốc không còn, vị ngon mất hết, tơ lụa, vải vóc tự nhiên hết sạch, chỉ ăn bông cỏ, mặt áo dệt bằng cỏ, bảy báu biến mất, cát đá đầy dẫy. Đất sanh gai góc, nhánh lá lớn nhỏ đều là đao kiếm xô ngã cây cối. Mặt đất hầm hố, sóng dập vỡ bờ. Sông ngòi rộng ra, đất bằng hẹp lại. Mỗi lần khởi đao binh phải mất bảy ngày. Trong thời gian đó, cây cỏ ngói đá cầm nơi tay đều thành đao kiếm. Họ muốn cướp giật lẫn nhau, gây hại kinh hồn ghê rợn, chỉ muốn giết nhau, giống như người thợ săn gặp bầy nai. Trong kiếp này người trí ẩn sâu vào hang núi, nơi không một bóng người, ăn quả uống nước để trọn mười tuổi. (Kinh Trường A-hàm ghi: Họ sống bảy ngày thì mãn kiếp). Tất cả những người giết nhau đều đọa vào địa ngục. Đây gọi là kiếp đao binh.

Kiếp đói kém: Con người phần nhiều làm điều phi pháp ngu si tà kiến, tham lam keo kiệt, ganh ghét, giữ của không cho. Mưa nắng thất thường, ruộng trồng thì không thu hoạch được. Ngũ cốc hết sạch, cơm gạo đắt đỏ, phải gom nhặt những hạt gạo lép, lá cây rụng giữa đường để kéo dài mạng sống. Lúc hạt lép, lá cây đã hết, họ phải đào đất tìm ăn rễ cỏ, cây. Ai không ăn được thì đành chết trước. Người sống phanh da sẽ thịt người chết, ăn nuốt lẫn nhau. Thịt giết ăn đã hết, họ đến gò mã, nhặt hài cốt nấu nước uống để tự sống. Tất cả những người chết đói đều đọa vào địa ngục. Đây gọi là tiểu kiếp đói kém.

Kiếp tật bệnh: Con người đều có chánh kiến, tu hành Thập thiện, nhiều bệnh tật, ít thuốc men phần lớn không có cách chữa. Tuy họ thực hành đều thiện, nhưng vẫn không tránh khỏi bệnh tật; vì ít phước đức nên mắc bệnh là chết. Các vị thần đến quấy nhiễu, dùng gậy đánh đập khiến tâm họ điên loạn, bắt lấy thần thức, giết chết rồi đem đi. Sau khi mạng chung, họ được sanh lên trời. Đây gọi là kiếp bệnh tật.

Nếu người giữ giới không sát sinh một ngày một đêm thì trọn không sinh vào kiếp đao binh; Nếu người cúng dường chúng Tăng một quả A-lê-lặc thì trọn không sinh vào kiếp bệnh tật; Nếu người cúng dường chúng Tăng một bữa ăn thì trọn không sinh vào kiếp đói kém. Trong cõi Diêm-phù-đề này, kiếp ác xen nhau khởi lên; các cõi khác thì ít hơn. Cõi này kiếp đao binh khởi thì cõi khác chỉ giận dữ. Cõi này kiếp bệnh tật khởi thì cõi khác sức khoẻ suy yếu. Cõi này kiếp đói kém khởi thì cõi khác chỉ thiếu ăn, thiếu uống mà thôi.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 22, lại trích kinh Tam tiểu kiếp,Tạp Tâm quyển14).

2. TAM ĐẠI TAI

Trời đất từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc gọi là một kiếp. Bắt

đầu kiếp hoại, hỏa tai sẽ khởi lên, mọi người đều bỏ chánh theo tà, đua nhau làm mười điều ác. Trời hạn, lâu ngày không mưa, cây cỏ không sống được. Các nguồn nước cho đến bốn con sông đều khô cạn. Lâu dần về sau, gió xoáy đáy biển, đem mặt trời đặt lên thành quách bên cạnh núi Tu-di ngay giữa quỷ đạo. (Tạp Tâm ghi: Khi kiếp diệt, có bảy vầng mặt trời mọc ở núi Du-kiền-đà. Có thuyết nói: chia một mặt trời thành bảy mặt trời. Lại có thuyết cho rằng: chúng sanh do nghiệp lực dẫn dắt đọa vào địa ngục A-tỳ).

Khi một mặt trời xuất hiện, trăm thứ cỏ cây cùng lúc tàn lụi. Khi hai mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn trong khoảng từ trăm do-tuần đến bảy trăm do-tuần tự nhiên khô cạn. Khi ba mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn trong khoảng từ ngàn do-tuần đến bảy ngàn do-tuần tự nhiên khô cạn. Khi bốn mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn rút sâu xuống cả ngàn do-tuần. Khi năm mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn chảy dài hơn bảy trăm do-tuần đều bị cạn hết. Khi sáu mặt trời xuất hiện, đất này dày sáu mươi tám ngàn do-tuần đều bốc khói. Từ núi Tu-di cho đến ba ngàn đại thiên cõi nước và tám địa ngục đều bị thiêu trụi, tro khói mù mịt. Nhân dân ở núi Tu-di đều chết, còn năm loại chư Thiên: Tam Thập Tam Thiên, Diễm Thiên cho đến Tha Hoá Tự Tại thiên đều mạng chung, cung điện trống không. Tất cả mọi vật đều vô thường, không có bền lâu. Khi bảy mặt trời xuất hiện, đất đai, núi Tu-di dần dần sụp lỡ cả trăm do-tuần, không còn gì cả. Các loại vàng, bạc, đồng, sắt đều chảy thành nước, tiêu đến khô cạn. Núi cũng như vậy. Các vật báu vỡ vụn, tiếng kêu xoang xoảng, sức nóng xông lên tới cõi Phạm Thiên. Tất cả ác đạo và A-tu-luân đều hết sạch. Tội diệt phước sanh thì tập hợp lên cõi trời thứ mười lăm. Từ cõi trời thứ mười lăm trở xuống đều thành tro. Các thiên tử mới sinh ra nhìn thấy cảnh này sanh tâm sợ hãi. Các thiên tử sanh trước đến an ủi: Đừng sinh tâm lo sợ, việc ấy không xảy ra ở đây. Người dân chết đi, sanh lên cõi trời Quang Âm, lấy niệm làm thức ăn. Thân thể vị này có ánh sáng tự chiếu, có thần túc bay đi tự tại, hoặc sanh vào cõi khác, hoặc sanh vào địa ngục. Hết tội địa ngục thì sanh lên cõi trời, nếu tội chưa hết cũng sanh lên trời. Lên trời mà tội chưa hết thì dời vào cõi khác, không có mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cũng không có đêm ngày, chỉ có tối đen. Đây gọi là hỏa kiếp hỏa tai. Nhân duyên quả báo bại hoại đến như thế.

Lúc kiếp sắp thành, lửa liền tự diệt, mây lớn kéo tới, tuôn mưa xối xả, giọt nước mưa to bằng trục bánh xe. Bấy giờ nước tràn ngập đến cõi

Phạm Thiên trong ba ngàn đại thiên cõi nước (Tạp Tâm ghi: Thuỷ tai phá hoại đến cõi Nhị thiền từ cõi Tam thiền trút mưa nước tro nóng. Lại có thuyết cho là thủy luân phát khởi). Đây gọi là thủy kiếp thủy tai.

Lại có bốn ngọn gió giữ nước lại không cho lan tràn, đó là trụ phong, trợ phong, bất động phong, kiên phong. Trải qua mấy ngàn ức triệu năm, trên mặt nước, những bọt nước biến thành hàng ngàn thiên cung bằng bảy báu ở cõi trời thứ mười bốn. Sau đó, nước rút dần, bị gió núi thổi vỗ lên. Những bọt nước lần lượt chuyển thành các cõi trời, cung điện, mặt trời, mặt trăng; Lại chuyển thành ngàn núi Tu-di rồi đến đất đai, núi sông, thành trì của hàng ngàn bốn châu thiên hạ. Khi mặt nước trong sạch, đầu tiên làm thành thiên cung bằng bảy báu sáng rỡ tối thắng. Khi nước rút xuống và dơ bẩn, ánh sánh thiên cung bằng bảy báu cũng lu mờ dần. Lúc đất sắp lộ ra, nước đổ dồn xuống, xoáy cát thành sông cuốn vào biển cả, biển sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, rộng không giới hạn. (Kinh Lâu Thán ghi: sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần). Núi Tu-di ở trong biển này. Cách biển này tám vạn bốn ngàn do-tuần, vị nước mặn đắng.

Đầu kiếp thành, mây nổi lên bao phủ khắp cõi trời Quang Âm, tuôn mưa rửa sạch thiên cung, tẩy sạch các chất dơ bẩn trong vạn vật, rồi chảy vào biển khiến nước biển mặn đắng.

Lại có vị đại tiên nhân đọc chú khiến nước biển mặn đắng, không ai uống được.

Lại có nhiều loại chúng sanh ở trong biển, tiểu tiện trong đó nên nước biển mặn đắng.

Đây gọi là phong kiếp phong tai. (Tạp Tâm ghi: Phong tai phá hoại đến Tam thiền, trăm ức bốn châu thiên hạ cùng lúc đều hoại diệt). Tam đại tai và địa chủng gọi là Tứ tai tứ kiếp. Trừ kiếp địa chủng ra, ba thứ kia gọi là đại kiếp. Qua kiếp địa chủng, đến kiếp hoại, chưa hề xảy ra ở cõi Tứ thiền là trời Tịch Cư.

Qua kiếp địa chủng là đến kiếp hoại, chưa từng xảy đến cõi Tứ thiền vì cõi này là Tịnh cư thiên, cũng không xảy đến ở các cõi trên đó, tức nơi ấy cũng không có sự hiện diện của Niết-bàn. Những hiện tượng trên giảm dần, trời đất hiện ra. Trời đất lại bắt đầu thênh thang trống rỗng, hoàn toàn không có một vật gì, cũng không có mặt trời, mặt trăng. Đất phun ra suối nước ngọt, thơm như sanh tô, ngọt như mật. Bấy giờ, chư Thiên ở cõi trời Quang Âm, có vị dư phước hết mà sanh về đây, có vị ưa xem đất mới, táy máy lấy tay vít đất nếm thử. Như thế hai ba lần, họ thích thú mùi vị, ăn mãi không thôi. Thân thể họ dần dần thô xấu, mất hết sắc đẹp, thần túc, ánh sáng của trời, toàn thân tối đen. Sao đó, trận cuồng phong thổi nước biển kia, nổi lên mặt trời, mặt trăng và đặt chúng vào trong quỹ đạo bên núi Tu-di. Mặt trời, mặt trăng xoay quanh núi Tu-di, chiếu sáng bốn châu thiên hạ. Lúc ấy con người thấy mặt trời mọc thì vui mừng, mặt trời lặn thì sợ hãi. Từ đây về sau, có bốn mùa, năm tháng ngày giờ, trở lại như lúc ban đầu.

Người ăn nhiều, tướng mạo trở nên xấu xí, người ăn ít thì vẫn còn sắc đẹp. Ngon dở, tốt xấu dần dần sanh ra, kiêu mạn, ganh ghét lần lần phát khởi, căm giận đau tranh nối nhau không dứt. Suối nước ngọt tự nhiên khô cạn, trên đất sanh ra lớp váng có vị thơm ngon như cam lộ. Lúc ấy, chúng sanh cùng nhau ăn váng đất. Người ăn ít, thân nhẹ, không mệt, vẫn còn bay đi được. Người thân nặng thấy vậy mới gào khóc lên, than rằng: “Chúng tôi cùng quẫn mới ở lại thế gian này”. Từ đó, phải quấy, kiện tụng nổi lên gấp bội trước đây. Do ăn váng đất nên khi nhìn ngắm sắc đệp của nhau, người nhiều dục tâm biến thành người nữ. Họ ái nhiễm nhau, liền hành dâm dục. Như thế lan rộng ra.

Những vị Trời Quang Âm khác nhìn thấy các thiên tử đều bị đọa lạc mới đến quở trách: “Các ngươi cớ sao làm hạnh bất tịnh?”

Váng đất thấm vào lòng đất, tự nhiên sanh ra lúa gạo tươi tốt, sạch sẽ, không có vỏ, đã thơm lại ngon. Người ăn vào thì mập trắng ra. Lúa này, sáng hái thì chiều mọc. Con người ngày càng lười biếng, lấy cất để dùng nhiều ngày, tình dục phóng túng quá độ, không có tiết chế. Người nữ mang thai lại sanh ra con nhỏ. Người khác thấy vậy liền đuổi họ xa cách mọi người, ba tháng mới cho phép trở về. Những người này sanh tâm xấu hổ, cùng nhau tìm phương tiện thích nghi, lấy cây cỏ dựng lập nhà cửa, che giấu thân hình khiến người khác không trông thấy, quen thói dâm dục, cứ thế càng tăng. Họ lấy nhiều lương thực để dự trữ. Ai cũng bắt chước nhau nên lúa gạo lép, dơ, sinh ra trấu cám, cắt rồi thì không mọc nữa. Chúng sanh thấy vậy, lòng buồn khôn xiết. Khi ba đại tai xảy ra, lúa gạo còn không được như trước.

Mỗi người tự nghĩ: “Lúc mới sanh ra, ta vẫn sống bằng niệm, bay đi tự tại, ánh sáng tự chiếu, do sống ở đây giãi đãi, mới ra nông nổi này”.

Họ lại bảo nhau: “Bây giờ chúng ta nên chia đất ra và cắm nêu làm dấu”.

Bắt đầu từ đó, có bờ cỏi, ranh giới. Có kẻ tự cất dấu phần mình, trộm cắp lúa gạo người khác. Người chủ bắt được, bảo: “Lần này ta tha tội cho ngươi, về sau không được làm như thế nữa!” Kẻ kia cứ trộm mãi như thế. Người chủ lại quở trách nhiều hơn. Quở trách không được, họ dùng tay đánh, rồi tố cáo với mọi người: “Người này là kẻ trộm”

Kẻ trộm lại nói: “Người này đánh tôi”

Mọi người thấy thế, buồn bã không vui, cùng họp lại, bàn bạc: “Chúng sanh ngày càng làm ác; đó là nguyên nhân của sanh, già, bệnh, chết, đưa đến khổ báo, phiền não, đọa ba đường dữ. Bởi có ruộng đất sanh ra kiện tụng, nay chúng ta nên cử ra một người tài cao, thông minh làm chủ để xử lý việc này. Người đáng bảo hộ thì bảo hộ, người đáng quở trách thì quở trách, người nên đuổi đi thì đuổi đi. Chúng ta nên góp gạo để chu cấp cho vị ấy”.

Thế rồi, họ mới tuyển chọn người tài giỏi, thân hình đẹp đẽ, có oai đức rồi nói: “Ông hãy làm chủ công bằng cho chúng tôi”.

Vị ấy khéo dùng lời thăm hỏi, mọi người đều vui mừng, và khen ngợi: “Lành thay, Đại vương”

Nhà vua dùng chánh pháp trị dân đều là phép tắc đã có từ lâu nên gọi là Sát-lợi.

Về sau, người nào xâm phạm tài vật của người khác liền bị trừng phạt. Nếu phạm lần thứ hai thì dùng roi gậy răn đe. Nếu cứ tiếp tục, nhà vua sẽ sử dụng hình thức giam cầm, tra khảo… khiến kẻ trộm sợ hãi.

Bấy giờ, có người nghĩ: “Nhà nhiều hoạn nạn giống như gai độc”, liền bỏ vợ con, một mình ở chốn núi rừng, dựng lập am tranh, nhiếp tâm định tĩnh, tu tập Phạm hạnh, gọi là Bà-la-môn.

Về sau, trong hàng Bà-la-môn có vị không thích ngồi thiền tư duy yên tĩnh, mới vào nhân gian, làm nghề đọc tụng, lại tự xưng: “Ta là người không tọa thiền”. Thế rồi, người đời gọi vị này là Bà-la-môn không tọa thiền.

Bấy giờ, trong hàng chúng sanh, có người thích kinh doanh, sự nghiệp, chứa nhiều của báu gọi là cư sĩ. Lại có người ưa thích kỹ thuật gọi là Thủ-đà-la. Lại có người nhàm chán các pháp thế gian, nên cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục tu hành gọi là Sa-môn.

Thời ấy, con người thường hay sát sanh, trộm cắp. Khi mất hết lúa thóc, con người nghĩ ra năm loại giống: rể, lá, hoa, quả, thân và các giống khác. Năm loại giống này đều do gió thổi từ các cõi nước phương khác để giúp chúng sanh cõi này. Đây là đầu mối của sanh, già, bệnh, chết, năm ấm lừng lẫy, khổ não không dứt.

Cuối thời thủy kiếp, chư Thiên cõi Quang Âm vào sông tắm gội. Tinh khí của bốn đại nhậpvào thân sinh ra xúc phạm khoái lạc, xuất tinh trong nước. Tám gió thổi động, tinh trùng rơi xuống bùn lầy, tự nhiên thành trứng. Trứng ấy nở ra một người nữ, có thân hình xanh đen giống như bùn đọng, có chín trăm chín mươi chín đầu, một ngày mắt, chín trăm chín mươi chín cái miệng; Mỗi miệng có bốn răng; Trên răng phát ra lửa, hình dạng giống như gạch ngói. Người này có hai mươi bốn tay trong tay cầm đủ loại vũ khí. Thân cao lớn như núi Tu-di, vào trong biển cả vỗ nước tự vui. Có gió lốc thổi vào nước biển. Tinh khí của nước nhập vào cơ thể, vị này liền mang thai, trải qua tám ngàn năm, sau đó sinh ra đứa bé trai.

Chương III: KIẾP GIẢM

Đức Phật dạy: “Giả sử trong thành vuông một trăm do-tuần chứa đầy hạt cải, có người trường thọ cứ một trăm năm lấy một hạt cải, như thế cho đến hết hạt cải mà kiếp vẫn chưa hết. Lại như tảng đá vuông một trăm do-tuần, có người cầm điệp y Ca-thi mềm mại, cứ một trăm năm phủi lên tảng đá một lần, đá mòn hết mà kiếp vẫn không hết. Đây gọi là đại kiếp.” Đức Phật lại dạy: “Thành sắt vuông một do-tuần, cao thấp cũng vậy. Trong đó chứa đầy hạt cải. Cứ một trăm năm lại lấy một hạt, lấy cho đến hết là một kiếp. Lại như núi đá vuông một do-tuần, có kẻ sĩ lấy y Ca-thi cứ một trăm năm phủi lên tảng đá một lần, phủi liên tục cho đến khi núi đá mòn hết mà kiếp vẫn chưa hết. Cứ một niệm trong sáu mươi niệm là cực tiểu kiếp.”

(Trích luận Đại Trí Độ quyển 36; lại trích Tăng Nhất A-hàm quyển 31, 28; lại trích Tạp A-hàm quyển 34).

Chương IV: MẶT TRỜI

Thành mặt trời vuông vức hai ngàn lẻ bốn mươi dặm, cao cũng vậy. Ánh sáng tỏa ra, mắt người trông thấy như hình tròn. Cung thành thuần bằng vàng, bảy báu sáng đẹp, không có tỳ vết, được năm gió bảo trì. Đó là: trì, dưỡng, thọ, chuyển, điều.

Tòa ngồi của vua mặt trời vuông hai mươi dặm. Thân vua phát ra ánh sáng chiếu rực cả cung điện. Ánh sáng cung điện chiếu vào thành quách. Ánh sáng thành quách chiếu xuống khắp bốn châu thiên hạ. Vua có vô số thiên thần ủng hộ trước sau. Âm nhạc tự vui không hề dừng nghỉ. Vườn rừng ao tắm cũng như ở cõi trời Đao Lợi. Thiên nhân thọ năm trăm tuổi. Con cháu kế thừa đến hết một kiếp. Thành mặt trời quay quanh núi Tu-di. Mặt trời mọc ở phương Đông, giữa trưa ở phương Nam, nửa đêm ở phương Tây và lặn ở phương Bắc, quay tròn về phía phải như thế tạo thành ngày đêm. Ngày đêm lại có dài ngắn. Mặt trời lệch về phương Nam sáu mươi dặm thì ở phương Nam một trăm tám mươi ngày dài ra, và ở phương Bắc ngày ngắn lại; Lại vận hành lệch về phương Bắc thì ở phương Bắc một trăm tám mươi ngày dài ra, ở phương Nam ngày ngắn lại.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 22, lại trích kinh Lâu Thán)

Chương V: MẶT TRĂNG

Thành mặt trăng rộng dài mười chín ngàn sáu mươi dặm, cao cũng như vậy. Thành này dĩ nhiên là vuông vức nhưng nhìn từ xa cho nên thấy tròn. Thành được làm bằng hai phần thiên ngân (bạc trời), một phần lưu ly, trong ngoài trong suốt, ánh sáng chiếu xa, được năm gió bảo trì.

Vua mặt trăng ngự trong cung điện bảy báu vuông hai mươi dặm, vô lượng thiên thần thân có ánh sáng, cùng tấu âm nhạc, theo hầu trước sau. Ở đây cũng có các chốn vui chơi như vườn, ao không khác cõi trời Đao Lợi. Thiên nhân thọ năm trăm tuổi. Con cháu kế thừa đến hết một kiếp.

Mặt trăng có tròn, khuyết.

Khuyết: khi vận hành về đêm, một góc hơi lệch và bị che khuất nên thấy mặt trăng khuyết. Lại có thuyết nói: Bên thành mặt trăng có cõi trời. Thiên nhân thân màu xanh. Ánh sáng xanh nơi khuôn mặt họ chiếu vào thành nên mặt trăng bị khuyết.

Tròn: khi vận hành, mặt trăng chuyển qua đúng hướng.

Vào ngày rằm chư Thiên mặc y phục xanh vào thành mặt trăng hội họp với vua.

Lại nữa, vùng đất phía Nam của núi Tu-di có cây lớn tên Diêmphù-đề, cao bốn ngàn dặm, cành che mát hai ngàn dặm, bóng cây hiện giữa mặt trăng.

* NHẬT THỰC, NGUYỆT THỰC:

Thiên vương A-tu-luân tên La-hô, thân cao hai vạn tám ngàn dặm.

Vào ngày rằm trong tháng, vua đứng ở giữa biển, khi nước biển mới tới rốn thì cúi đầu nhìn lưới báu Tu-di, Thái Sơn và các núi ở bốn phương, lấy tay che mặt trời, mặt trăng khiến ban ngày trở thành ban đêm. Khi nhật thực, nguyệt thực thì không có ánh sáng. (Trích kinh Lâu Thán quyển ).

Chương VI: TINH TÚ

Thành tinh tú là nhà của thiên thần, lấy tinh chất của nước làm thành, bảy báu làm cung, lơ lửng giữa không trung, nhờ gió lớn bảo trì giống như mây nổi. Tinh tú vận hành theo mặt trời, mắt có thể nhìn thấy. Thành lớn bảy trăm dặm, trung bình năm trăm dặm, nhỏ một hai mươi dặm. Cung điện, vườn ao giống như cõi trời Tứ thiên vương. Tuổi thọ cũng như vậy.

(Trích kinh Lâu Thán quyển 6, lại trích kinh Trường A-hàm)

Chương VII: SẤM

Giữa đám mây trên không, có khi địa đại va chạm với thủy đại, có lúc va chạm với hỏa đại, phong đại… Khi chạm nhau, phát ra tiếng sấm giữa đám mây trên không.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20).

Chương VIII: CHỚP

Chớp có bốn loại. Chớp ở phương Đông gọi là Thân quang, ở phương Nam gọi là Nam hủy, ở phương Tây gọi là Lưu diễm, ở phương Bắc gọi là Định minh.

Vì sao trong đám mây giữa không trung có ánh chớp này? Điện ở bốn phương va chạm vào nhau nên có ánh sáng chiếu ra.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20).

Chương IX: MÂY

Mây có bốn loại: trắng, đen, đỏ và hồng. Trắng là địa đại nhiều hơn, đen là thủy đại nhiều hơn, đỏ là hỏa đại nhiều hơn, hồng là phong đại nhiều hơn. Mây cách mặt đất khoảng mười hoặc hai mươi ba mươi cho đến bốn mươi dặm; trừ thời kiếp sơ, mây lên đến cõi trời Quang Âm. (Trích kinh Trường A-hàm quyển 20).

Mây có bốn màu: xanh, dỏ, trắng ngà và đen. Xanh là bên trong phần lớn là nước, đỏ là bên trong phần nhiều là lửa, trắng ngà là bên trong phần lớn là đất, đen là bên trong phần nhiều là gió. (Trích kinh Lâu Thán quyển 4)

Khí rồng phun ra thành mây. (Trích kinh Trường A-hàm).

Chương X: GIÓ

Khi thế giới hoại diệt, có ngọn gió lớn tên là Hoại tán nổi lên, có thể thổi tiêu tất cả vạn vật trong đại thiên thế giới như kim cương, núi Thiết vi. Bấy giờ, ở ngoài đại thiên thế giới, lại có một ngọn núi lớn khác tên là Chướng hoại tán nổi lên có thể ngăn phong tai đến phương khác. Nếu không có gió chướng này thì vô lượng A-tăng-kỳ thế giới trong mười phương đều bị hoại diệt.

(Trích kinh Hoa Nghiêm quyển 30).

Chương XI: MƯA

Có năm nhân duyên về mưa không thể biết được một cách chắc chắn nên thầy tướng tiên đoán thường bị sai lầm.

1. Mây có sấm chớp, thầy tướng đoán là sắp mưa. Nhưng vì hỏa đại nhiều nên thiêu hủy mây đi, do đó không mưa.

2. Mây có sấm chớp, thầy tướng cũng đoán là mưa. Nhưng vì có gió lớn nổi lên, thổi mây bay đi tứ tán vào trong các núi.

3. Mây có sấm chớp, thầy tướng cũng đoán là mưa. Nhưng bấy giờ A-tu-la gom mây nổi đặt giữa biển cả.

4. Mây có sấm chớp, thầy tướng cũng đoán là mưa. Nhưng vì thần mưa phóng dãng dâm loạn, nên cuối cùng không mưa xuống.

5. Mây có sấm chớp, thầy tướng cũng đoán là mưa. Nhưng vì chúng sanh ở thế gian làm việc phi pháp, phóng túng, làm ô nhiễm hạnh thanh tịnh, xan tham, tật đố, điên đảo, cho nên khiến trời không mưa. Do năm việc này nên thầy tướng đoán sai lầm.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20, kinh Lâu Thán cũng vậy).

Long vương A-nậu-đạt nổi mây dày lớn đầy cả cõi Diêm-phủ-đề và tuôn mưa xối xả. Trăm thứ lúa thóc cỏ cây đều sinh sôi nảy nở. Sông ngòi, ao hồ đầy tràn nước. Nước mưa lớn này từ trong thân tâm của Long vương xuất ra, có thể làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.

Long vương Ma-na-tư muốn làm mưa, trước nổi mây dày che khắp hư không. Vì tâm từ bi nên ngưng bảy ngày để khiến cho chúng sanh dứt hết các nghiệp; Sao đó làm mưa nhỏ dần thấm ướt khắp cả đại địa. (Trích kinh Trường A-hàm quyển 20)