KINH LIÊN HOA DIỆN
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Na Liên Đề Da Xá
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, trước khi xả bỏ thọ mạng không lâu, Đức Phật ở tại một tòa lầu lớn nằm bên bờ ao Di-hầu, thuộc nước Tỳ-xá-ly.

Vào lúc đó, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ta muốn đến thành Ba-ba giáo hóa cho một vị trưởng giả tên Tỳ Sa Môn Đức. Ông hãy đi cùng Ta.

Tôn giả A-nan đáp:

–Vâng!

Tức thời A-nan liền đi theo Phật.

Khi chưa tới thành Ba-ba, gặp phải sông Bạt-đề, Phật nói với Tôn giả A-nan:

–Thân thể Ta mỏi mệt quá! Ta muốn xuống sông tắm.

Thế rồi Đức Thế Tôn cởi Uất-đa-la-tăng để trên bờ, xuống sông tắm.

Phật lại bảo Tôn giả A-nan:

–Ông có thể chí tâm quán thân Như Lai với ba mươi hai tướng tự trang nghiêm thân. Sau ba tháng nữa, Ta sẽ nhập Niết-bàn.

Rồi Phật bảo tiếp:

–Ông nên quán thân Như Lai như hoa Ưu-đàm, rất lâu mới hiện,

biết bao năm tháng mới xuất hiện một lần, khó xuất hiện, khó nhìn thấy. Cũng vậy, thân Phật vượt trội hơn cả trăm ngàn vạn lần đóa hoa kia, khó xuất hiện, khó nhìn thấy. Than đây, ba tháng sau sẽ không còn nữa.

Đức Phật lại bảo:

–Ông nên quán thân Như Lai giống như vòng hoa được người thợ lấy các hoa xâu thành vòng. Tất cả màu sắc của hoa cùng với hương thơm kết lại thành vòng hoa. Vòng hoa ấy, ai cũng đều vui thích khi nhìn thấy cả. Thân Như Lai với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm, ánh sáng sắc vàng Diêm-phù-đề tỏa quanh thân một tầm, thân ấy ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn.

Đức Phật bảo tiếp:

–Này A-nan! Ông nên quán thân Như Lai giống như đất ở cõi trời Ba Mươi Ba, được trăm thứ quý báu trang nghiêm. Nơi ấy lại có cả mọi thứ âm nhạc rất vui vẻ. Hàng chư Thiên nơi cõi trời ấy không hề tạm xa rời đất đai quý báu kia cùng với âm nhạc trời, cũng không thể ghi nhớ hết sắc báu của đất ấy. Ba mươi hai tướng nơi thân Phật cũng vậy, không thể nào nhìn thấy hết. Vì sao? Vì tâm không thể buông rời khi quán mỗi mỗi tướng. Thân ấy ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn.

Đức Phật lại bảo:

–Này A-nan! Ông nên quán thân Như Lai giống như mặt trời mặt trăng, có đại oai đức, thần thông và ánh sáng, thế nhưng ở bên thân Phật chúng bị lấn át, không thể hiển hiện được. Vì thế, thân Phật tối tôn, tối thắng, vượt trội hơn cả mặt trời, mặt trăng. Thân như vậy sau ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn.

Đức Phật lại bảo:

–Ví như sư tử là chúa trong các loài thú, như voi Đại-y-la-bát của Thiên Đế thích, là chúa trong các loài voi. Thân Phật cũng như vậy, đầy đủ uy lực lớn, đơn độc mà đi, không hề sợ hãi. Thân đấy, ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn.

Đức Phật lại bảo:

–Ông nên quán thân Như Lai như ngọn núi chúa Tu-di được hợp thành từ bốn thứ quý báu, ở giữa biển cả an trụ không động. Thể của núi chắc thật, không có một tỳ vết, một kẻ hở. Thân Như Lai hơn gấp cả trăm ngàn vạn lần sức Na-la-diên, không gì sánh bằng được. Thân ấy, sau ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn.

Đức Phật lại bảo:

–Trong các hàng chúng sinh: không chân, hai chân, nhiều chân, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng, sắc thân Như Lai là tối tôn tối thắng. Thân như vậy, ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn.

Đức Phật lại bảo:

–Như trong tiểu thiên thế giới, ngàn mặt trời, ngàn mặt trăng, ngàn núi Tu-di, ngàn châu Phất-vu-đãi, ngàn châu Cù-da-ni, ngàn châu Uất-đan-việt, ngàn châu Diêm-phù-đề, ngàn Tứ Thiên vương, ngàn trời Tam Thập Tam, ngàn Thiên vương Đế thích, ngàn trời Diệm Ma, ngàn Thiên vương Diệm Ma, ngàn trời Đâu-suất-đà, ngàn Thiên vương Đâu-suất-đà, ngàn trời Hóa Lạc, ngàn Thiên vương Hóa Lạc, ngàn trời Tha Hóa Tự Tại, ngàn Thiên vương Tha Hóa Tự Tại, ngàn trời Phạm Thân, ngàn Thiên vương Phạm Thân, các chư Thiên trong ấy muốn thấy trọn vẹn diện mạo của Như Lai, hoàn toàn không thể thấy được. Vì sao? Vì diệu quang của Như Lai như trăm ngàn ánh sáng tia chớp, vượt trội gấp cả trăm ngàn vạn lần mọi ánh sáng của thế gian. Thế nên, các hàng Đế thích, Đại Phạm thiên v.v… thường ca ngợi ánh sáng thù thắng của Như Lai. Thân như vậy, sau ba tháng nữa sẽ nhập Niếtbàn.

Đức Phật lại bảo:

–Này A-nan! Ông chớ nên nghĩ: Do không dứt hết tham, sân, si nên Như Lai mớí tự khen thân mình. Đối với thân Như Lai, mọi tham, sân, si cùng các tập khí hoàn toàn chấm dứt, không còn gì cả. Như vậy, này A-nan! Như Lai là đấng Ứng Cúng Chánh Biến Tri, có uy đức lớn. Với nhân duyên cung kính hầu hạ sinh thân của Như Lai, ông sẽ đạt được công đức không thể lường, không thể tính đếm, không thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên a-tăng-kỳ.

Này A-nan! Nay ông có muốn nghe nhân duyên của chúng sinh đời vị lai cúng dường thân xá-lợi của Như Lai sau khi Như Lai diệt độ không?

Khi ấy, Tôn giả A-nan liền trịch áo vai phải, gối phải quỳ sát đất,

chấp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nay thật chính đúng lúc. Thưa Đức Bà Già Bà! Cúi xin Ngài hãy vì con trình bày về những nhân duyên của các chúng sinh đã cúng dường thân xá-lợi của Như Lai sau khi Như Lai diệt độ.

Nghe pháp này, con sẽ chí tâm thọ trì, rộng giảng nói cho mọi người.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Nay Ta sẽ nói, ông hãy khéo lắng nghe.

Này A-nan! Khi nhập Niết-bàn, Như Lai nhập vào Tam-muội Kim cang, nghiền nhỏ nhục thân giống như hạt cải.

Như thế, một phần xá-lợi hướng đến chư Thiên, lúc đó nhìn thấy xá-lợi, biết Phật Niết-bàn nên vua trời Đế thích cùng các chư Thiên liền mưa xuống các loại hoa trời: hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đàla, hoa Mạn-thù-sa v.v… cúng dường xá-lợi. Hễ ai thấy thân Phật mà lễ bái, nhiễu quanh theo bên phải thì có được căn lành của Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có được căn lành của Thanh văn, có được căn lành của Phật-bích-chi.

Một phần xá-lợi hướng tới thế giới loài rồng. Lúc đó nhìn thấy xá-lợi thân Phật, Long vương Ta-già-la cùng vô lượng chúng rồng thiết lễ trọng hậu cúng dường, đem vô lượng các loại vật báu như: Nhân-đàla báu, Ma-ha Nhân-đà-la báu, hỏa châu báu, thanh thủy báu để cúng dường toái thân xá-lợi, rồi lễ bái nhiễu quanh theo hướng bên phải. Khi cúng dường xong, mỗi vị trong chúng rồng đều tự phát nguyện, có vị phát nguyện về Chánh đẳng Chánh giác vô Thượng, có vị phát nguyện Bồ-đề, Thanh văn, có vị phát nguyện Bồ-đề Phật-bích-chi.

Một phần xá-lợi hướng đến thế giới Dạ-xoa. Lúc đó, Tỳ-sa-môn vương cùng vô lượng Đại vương Dạ-xoa khác thấy toái thân xá-lợi liền đem vô lượng các thứ như: các loại hoa, hương bột, hương đốt, đèn sáng, âm nhạc v.v… cúng dường xá-lợi, rồi lễ bái, chấp tay cung kính nhiễu quanh theo chiều hướng bên phải. Trong chúng ấy có vị phát nguyện Đại Bồ-đề Vô thượng, có vị phát nguyện Thanh văn, có vị phát nguyện Phật-bích-chi.

Ngoài ra, những xá-lợi còn lại ở tại cõi Diêm-phù-đề.

Vào đời vị lai, có vị vua tên là A-thâu-ca thống lĩnh cõi Diêmphù-đề. Vì muốn cúng dường xá-lợi, vị vua này đã cho xây dựng tám vạn bốn ngàn ngôi tháp, rồi đặt xá-lợi bên trong để cúng dường.

Tại cõi Diêm-phù-đề này lại có sáu vạn vị vua khác đem các vòng hoa, đủ các loại hương, đèn sáng, âm nhạc v.v… cúng dường toái thân xá-lợi, rồi cúng dường, lễ bái, cung kính đi nhiễu quanh theo chiều bên phải. Trong ấy có vị có được căn lành của Đại Bồ-đề Vô thượng, có vị có được căn lành của Thanh văn, có vị có được căn lành của Phật-bích-chi, có vị với lòng tin trong sạch đối với giáo pháp của Phật, liền bỏ nhà xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, siêng năng tu đạo, chấm dứt mọi lậu hoặc, nhập vào Niết-bàn.

Như vậy, này A-nan! Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri có oai đức lớn lao, đem pháp thân ấy nương dựa vào sinh thân, do đó công đức đạt được do nhân duyên cúng dường xá-lợi của sinh thân thật là vô lượng vô biên a-tăng-kỳ, không thể tính đếm, không thể nói hết được.

Bấy giờ, Đức Như Lai nghĩ như vầy: “Trong ba a-tăng-kỳ kiếp, Ta chăm chỉ, chịu khó mới thành tựu được pháp Phật. Muốn cho pháp Phật tồn tại lâu dài ở thế gian, Ta phải đến những nơi ở của các chư Thiên, A-tu-la, rồng, Càn-thát-bà, Ma-hầu-la-già phó chúc pháp Phật cho họ”.

Thế rồi Như Lai chợt biến khỏi cõi Diêm-phù-đề, xuất hiện tại cõi trời Ba Mươi Ba. Khi thấy Thế Tôn, vua trời Đế thích liền bày tòa cao, kính thỉnh Như Lai, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn nhận tòa này.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bèn ngồi lên tòa ấy. Vua trời Đế thích cùng với số thiên chúng trăm ngàn vạn đảnh lễ nơi chân Phật rồi đứng sang một bên.

Phật bảo Đế thích:

–Ông nên biết, không bao lâu nữa Ta sẽ nhập Niết-bàn. Hôm nay Ta đem giáo pháp của chư Phật giao phó cho ông, ông phải nhớ giữ gìn.

Đức Thế Tôn nói lên ba lần như vậy. Nghe thế, vua trời Đế thích đau xót nghẹn ngào, ràn rụa nước mắt, lau lệ thưa:

–Thế Tôn! Vào Niết-bàn sao vội thế? Như Lai Niết-bàn sao quá mau chóng vậy? Con mắt pháp của thế gian kể từ nay vĩnh viễn chấm dứt. Theo lời Phật dạy thì với phần sức của con phải che chở, giữ gìn, cung kính cúng dường. Khi xưa, Như Lai ở cung trời Đâu-suất-đà giáng thần vào thai mẹ, lúc ấy con cùng với chúng trời Đao-lợi thường bảo bọc, che chở. Đến khi Phật sinh, con cũng cùng với chư Thiên đến che chở, giữ gìn. Khi Như Lai ngồi bên gốc cây Bồ-đề phá tám ngàn vạn ức quân ma, đạt được đạo quả Bồ-đề Vô thượng, còn cùng với chư Thiên cũng thường che chở, giữ gìn. Khi Phật ở vườn Lộc-dã, trong nước Bala-nại, ba lần chuyển mười hai pháp luân, con cùng thiên chúng cũng thường che chở, giữ gìn. Thế mà nay con hoàn toàn không có khả năng để khiến cho Như Lai không nhập Niết-bàn, con hoàn toàn không có khả năng che chở.

Khi đó, bằng mọi cách, Đức Thế Tôn thuyết pháp khuyến dụ, an ủi, chỉ bày, làm lợi ích an vui cho Đế thích cùng với chư Thiên, khiến họ giữ gìn giáo pháp của Phật.

Từ cung trời ấy, Như Lai biến mất và xuất hiện ở cung Long vương Ta-già-la. Thấy Như Lai hiện đến, Long vương liền bày tòa, Phật ngồi lên tòa, bảo Long vương:

–Ông nên biết, không bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Nay Ta đem giáo pháp của Phật giao phó cho ông. Ông phải nên che chở, giữ gìn, đừng khiến cho đoạn dứt. Long vương, ông nên biết, tại thế giới rồng này có những loại rồng ác sinh khởi nhiều sân hận, không biết tội phước. Vì xấu ác, tàn bạo nên phá hoại giáo pháp của Ta. Thế nên, nay Ta đem giáo pháp của Phật giao phó cho ông.

Khi ấy, Long vương đau xót, nghẹn ngào, nước mắt đầm đìa, lau nước mắt mà thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hàng rồng chúng con mù tối, không tuệ nhãn nên nay mới sinh vào loài súc sinh. Nếu Phật diệt độ, thế giới rồng sẽ trống không, chúng con sẽ chết, không biết mai sau sẽ sinh nơi đâu. Chư Phật Như Lai là vật báu của chúng sinh, vì sao nay lại nhập Niếtbàn? Con mắt thế gian đã phải chấm dứt rồi!

Lúc đó, Đức Thế Tôn chỉ bày, làm lợi ích an vui cho Long vương Ta-già-la, khiến che chở pháp Phật, rồi biến khỏi long cung này, xuất hiện ở cung Long vương Đức-xoa-ca. Long vương bày tòa cho Phật. Khi Phật ngồi lên tòa ấy xong, Long vương lại cùng trăm vạn ức rồng đảnh lễ Phật rồi lui ra đứng một bên.

Phật bảo Long vương:

–Các ông nên biết, không bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập vào cảnh giới vô lậu mà Niết-bàn. Nay Ta đem giáo pháp của Phật giao phó cho ông. Ông phải chí tâm che chở, giữ gìn.

Khi ấy, Long vương đau xót, nghẹn ngào, nước mắt đầm đìa, lấy tay lau nước mắt, thưa:

–Như Lai diệt độ, con mắt của thế gian đã mất. Chư Phật Như Lai là vật báu của chúng sinh. Nếu như Phật diệt độ, con không biết sẽ sinh nơi nào đây?

Phật liền dùng mọi cách thuyết pháp, chỉ bày khiến cho Long vương được sự lợi ích an vui, tức thời liền biến mất và xuất hiện ở cung Long vương Hắc-sắc. Khi đó, Long vương bày tòa cho Phật ngồi. Phật an tọa nơi tòa, Long vương Hắc-sắc cùng trăm vạn ức chúng rồng đảnh lễ nơi chân Phật, rồi lui đứng một bên.

Phật bảo Long vương:

–Các ông nên biết, không bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Nay Ta đem giáo pháp của Phật giao phó cho ông. Ông phải chí tâm che chở, giữ gìn.

Nghe vậy, Long vương trong lòng đau xót, nghẹn ngào, nước mắt ràn rụa, lấy tay lau nước mắt rồi thưa:

–Như Lai diệt độ, con mắt thế gian đã mất. Chư Phật Như Lai là vật báu của chúng sinh. Nếu Phật diệt độ, chúng con không biết sinh nơi nào đây?

Phật bèn thuyết pháp chỉ bày cho Long vương, khiến được sự lợi ích an vui, rồi liền biến mất và xuất hiện ở thế giới Dạ-xoa. Khi ấy, vua Tỳ-sa-môn trải tòa cho Phật. Phật ngồi yên nơi tòa, vua Tỳ-sa-môn cùng trăm vạn ức chúng Dạ-xoa đảnh lễ nơi chân Phật, rồi lui đứng sang một bên.

Đồng thời có vua trời Tỳ-lâu-lặc-xoa cùng trăm vạn ức chúng Cưu-bàn-trà đảnh lễ nơi chân Phật, rồi lui đứng một bên.

Vua trời Tỳ-lâu-bác-xoa cùng trăm vạn ức chúng rồng đảnh lễ nơi chân Phật, rồi lui đứng một bên.

Vua trời Đề-đầu-lại-trá cùng trăm vạn ức chúng Càn-thát-bà đảnh lễ nơi chân Phật, rồi lui đứng một bên.

Các đại tướng Dạ-xoa: Bát-chỉ-ca, Bàn-chiết-la, Diên-trà-ta-đa, Kỳ-lợi-tử, Ma-bạt-đa, Ma-ni-bạt-đà, Phú-na-bạt-đà v.v… các tướng Dạxoa như vậy cùng nhau đảnh lễ nơi chân Phật, rồi lui đứng một bên.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tứ Đại Thiên vương cùng các tướng Dạxoa, tướng Càn-thát-bà, tướng Cưu bàn trà, các Long tướng:

–Các ông nên biết, không bao lâu nữa, Như Lai sẽ nhập Niếtbàn. Nay Ta đem giáo pháp của Phật giao phó cho các ông. Các ông nhớ phải giữ gìn cho thật tốt.

Đến lần thứ hai, lần thứ ba, Đức Thế Tôn cũng đều nói như vậy.

Các ông nên biết, trong nước Dạ-xoa có các Dạ-xoa ác, trong nước Cưu-bàn-trà có những Cưu-bàn-trà ác, trong nước Càn-thát-bà có các Càn-thát-bà ác, trong nước của loài rồng có các loại rồng ác. Các chúng sinh như vậy phần nhiều sinh khởi sân hận, không biết tội phước, làm việc tàn ác, bạo ngược, phá hoại pháp Phật vô thượng mà Ta đã chăm chỉ, chịu khó tu tập suốt ba a-tăng-kỳ kiếp. Thế nên, nay Ta mới giao phó cho các ông.

Nghe thế, từ Tứ Thiên vương cùng các tướng Dạ-xoa cho đến các Long tướng thảy đều đau xót, nghẹn ngào, nước mắt ràn rụa, lấy tay lau nước mắt mà nói:

–Thế Tôn Niết-bàn sao mau chóng vậy? Như Lai diệt độ sao mà vội thế?

Lúc đó, Đức Thế Tôn dùng mọi cách thuyết pháp, chỉ dạy khiến cho họ được sự lợi ích an vui, rồi lại biến mất và xuất hiện ở cõi Diêmphù-đề.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghĩ: “Nay Ta đã làm xong mọi việc. Các chúng sinh ác nay đã được điều phục. Ta có thể an ổn nhập vào Niếtbàn tịch diệt”.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Sự sống chết đáng nhàm chán, không bao lâu nữa Ta muốn nhập Niết-bàn.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan sinh đại khổ não, đau xót nghẹn ngào, nước mắt ràn rụa như bị mũi tên cắm vào tim, lảo đảo thưa:

–Thế Tôn Niết-bàn sao mau chóng vậy? Như Lai diệt độ sao vội thế? Con mắt thế gian đã mất, con sẽ phải cầm bát cho ai đây? Con sẽ cầm quạt đứng bên cạnh ai đây? Con sẽ không còn được nghe pháp cam lồ nữa! Ai sẽ giảng nói pháp vị cam lồ cho con đây? Con sẽ phải đi sau ai đây? Con sẽ không còn thấy được khuôn mặt thù thắng tròn đầy như vầng nhật nguyệt nữa, các vị như Tôn giả Xá-lợi-phất v.v… là bậc đại trí tuệ đã nhập Niết-bàn rồi, nay Như Lai diệt độ, thế gian tối tăm đã mất đi con mắt trí tuệ, ngọn núi trí chúa Tu-di nay sắp sụt lở, tan hoại; cây Phật sắp ngã, cầu pháp sắp dứt, thuyền pháp sắp chìm, ngọn đèn pháp sắp tắt, vầng nhật nguyệt chánh pháp sắp rơi xuống đất, cánh cửa giải thoát nay sắp bít lấp, cánh cửa ba nẻo ác nay sắp mở, pháp nhóm họp trong suốt ba a-tăng-kỳ kiếp không lâu sẽ mất đi!

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông chớ nên ưu sầu, chớ nên khóc lóc, nghẹn ngào, lảo đảo nơi đất. Vì sao? Sự sống nơi thế gian là pháp hữu vi, hợp – quy đều vô thường. Nếu muốn pháp này không mất, không hoại mà thường trụ, việc ấy không thể có.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng mọi phương cách thuyết pháp, an ủi, khuyến dụ, chỉ bảo, khiến cho được sự lợi ích an vui.

Khi giao phó tạng pháp xong, Đức Thế Tôn mặc nhiên an trụ.

Lúc này, Đức Thế Tôn lại nghĩ: “Tỳ-kheo A-nan đã bị sự sầu muộn khắc sâu vào tim. Ta phải dứt bỏ sự phiền muộn ấy cho Tôn giả”.

Rồi bảo Tôn giả A-nan:

–Ông có muốn thấy việc đời sau không? Ta thấy đời sau cũng như xem xét đời nay vậy. Ta sẽ nói cho ông rõ.

Khi ấy, Tôn giả A-nan trịch áo bên phải, gối phải quỳ chạm đất, chấp tay hướng về Phật đảnh lễ rồi thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nay thật đúng lúc, xin hãy vì con mà giảng nói.

Nghe pháp rồi, con sẽ vâng theo, giữ gìn, trình bày, lưu hành khắp nơi.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Hãy chí tâm lắng nghe. Ta sẽ nói: Này A-nan! Vào đời sau, có các Tỳ-kheo phá giới, mình mang ca-sa đi vào các thành ấp, qua lại nơi xóm làng, ở nơi nhà người. Họ chẳng phải là Tỳ-kheo, cũng chẳng phải là hàng bạch y, họ chăm nom, nuôi nấng vợ con.

Lại có Tỳ-kheo ở nơi nhà dâm nữ.

Lại có Tỳ-kheo dâm dục với Tỳ-kheo-ni.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống bản thân bằng cách chứa nhóm vàng bạc, tạo dựng sự nghiệp.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống bản thân bằng cách nhận lãnh sứ mạng thông tin, liên lạc.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống bản thân bằng cách chuyên làm nghề thuốc.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống bản thân bằng cách đánh bài đánh bạc.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống bản thân bằng cách xem bói cho người.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng cách vì người mà tạo phù chú khiến cho thây chết sống dậy, rồi sai đi giết kẻ mình oán.

Lại có Tỳ-kheo vì người tụng chú xua đuổi quỷ thần, lấy nhiều tài vật để nuôi sống cho mình.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống bản thân bằng cách chuyên làm việc giết hại.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng cách ở Tăng-già-lam mà riêng tư lạm dụng vật của Phật, Pháp, Tăng.

Lại có Tỳ-kheo bên trong thật phạm giới, bên ngoài giả bộ trì để nhận sự bố thí của người có lòng tin.

Lại có Tỳ-kheo tuy không phá giới, nhưng ôm lòng bỏn sẻn về đồ ăn mặc cho đến giấu giếm vật của chúng Tăng, không cho khách Tăng.

Lại có Tỳ-kheo tuy không phá giới nhưng lại giấu giếm phòng xá, giường ghế của chúng Tăng, không trao cho khách tăng.

Lại có Tỳ-kheo tuy không phá giới nhưng chỉ muốn tự mình hưởng những tài lợi do đàn việt cúng dường lễ bái, trong lòng không muốn cho những Tỳ-kheo khác cùng hưởng tứ sự bố thí của những người có lòng tin này.

Lại có Tỳ-kheo thật chẳng phải là La-hán nhưng vì muốn khiến cho mọi người biết ta là bậc La-hán nên thường dối trá xưng là đạt được quả vị La-hán.

Lại có Tỳ-kheo nhận nhiều tứ sự cúng dường của đàn việt, nhưng bên trong lại không có thật đức, chỉ tăng thêm lòng tham, đều vì mạng sống mà không vì tu đạo.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng cách kiếm lợi từ việc buôn bán.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng việc chuyên đi trộm cướp.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng cách chăn nuôi voi, ngựa, lạc đà, lừa, trâu, dê, cho đến việc buôn bán.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng cách buôn bán nô tỳ.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng cách làm đồ tể giết trâu, dê.

Lại có Tỳ-kheo nhận lời mời nhập trận, chinh chiến thảo phạt, giết nhiều người để cầu sự tưởng thuởng trọng hậu.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng cách đục khoét tường vách trộm cắp tài vật của người.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng cách chuyên làm việc chiếm đoạt, đánh phá thành ấp, xóm làng.

Lại có Tỳ-kheo tự nuôi sống mình bằng cách hủy hoại tháp Phật để lấy vật báu trong đấy.

Với vô lượng nhân duyên địa ngục như vậy, sau khi chết họ sẽ phải bị đọa vào địa ngục.

Này A-nan! Chẳng khác nào mạng sống của sư tử chấm dứt, thân chết đi, hết thảy mọi loài chúng sinh hoặc ở trong không trung, hoặc ở trong đất, hoặc ở dưới nước, hoặc trên bờ cũng đều không dám ăn thịt sư tử này. Duy chỉ những côn trùng sinh từ thân sư tử trở lại ăn thịt của sư tử.

Này A-nan! Pháp Phật của Ta không ai có khả năng hủy hoại mà là do các Tỳ-kheo ác trong giáo pháp của Ta giống như gai độc, phá hoại Phật pháp mà Ta đã tích góp hạnh chăm chỉ, chịu khó chứa nhóm trong suốt ba a-tăng-kỳ kiếp.

Này A-nan! Ví như có người vào biển lớn, đi đến hòn đảo có của báu, lấy nhiều vật báu đem để trên thuyền rồi muốn vượt qua biển lớn, nhưng giữa dòng thì bị đắm chìm. Chánh pháp của Phật giống như thuyền chở vật báu kia. Các Tỳ-kheo phá giới ở đời sau phần nhiều ưa tạo ra các nghiệp ác, diệt pháp Phật của Ta, làm cho chìm đắm không xuất hiện.

Này A-nan! Không bao lâu sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, chánh pháp sẽ rối loạn. Khi chánh pháp đã rối loạn, có những Tỳ-kheo ác xuất hiện ở đời, không tin Như Lai đã đạt chứng Niết-bàn, tịch diệt vô lậu, huống gì lại tin có người ở thế gian đạt được quả vị A-la-hán, nhập vào Niết-bàn.

Này A-nan! Mọi chánh pháp của Như Lai gọi là vị cú nghĩa (câu nghĩa thâm diệu) bao gồm: Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Bỉ-ca-hạt-la, Ca-đà, Ưuđà-na, Ni-đà-na, A-ba-đà-na, Y-đế-tỷ-lợi-đa-già, Xà-đa-ca, Tỳ-phậtlược, A-phù-đà-đạt-ma, Ưu-ba-đề-xá. Mười hai bộ loại kinh đấy là những gì mà các Tỳ-kheo ác nhằm hủy diệt. Những người này ưa viết văn chương, trau chuốt ngôn từ. Có nhiều Tỳ-kheo ác như vậy phá hoại pháp Phật của Ta.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vào đời sau, có những Tỳ-kheo ác phá giới như vậy xuất hiện ở đời chăng?

Phật đáp:

–Đúng vậy. Đúng vậy! Này A-nan! Đời sau sẽ có những Tỳ-kheo ác như vậy xuất hiện ở đời. Mặc dù hình thức mặc pháp phục, cạo bỏ râu tóc nhưng lại phá hoại pháp Phật của Ta.

Khi ấy, Tôn giả A-nan nghĩ: “Dựa vào thần lực của Phật, có thể khiến ta thấy được những việc như vầy ở đời sau không?”.

Lúc đó, Như Lai dùng sức thần thông khiến cho Tôn giả A-nan thấy được các Tỳ-kheo ác ở đời sau với việc: Con nhỏ ngồi trên đầu gối, vợ ngồi bên cạnh. Lại thấy tất cả mọi việc phi pháp.

Khi thấy những việc như thế, lòng hết sức sợ hãi đến nỗi lông trên thân đều dựng đứng. Tôn giả A-nan liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nay chính là lúc Như Lai sắp nhập Niết-bàn, tại sao Thế Tôn lại cho thấy những việc xấu ác như vậy ở đời sau này?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông nghĩ sao? Như Lai nói về những quả báo nơi nghiệp ác của các Tỳ-kheo, lẽ nào có người khác biết được chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

–Bạch Thế Tôn! Duy chỉ có Như Lai mới có khả năng biết được

các nghiệp báo ác nơi đời sau này mà thôi.

Phật nói:

–Này A-nan! Đúng như ông nói, chỉ có Như Lai mới có khả năng biết được việc đó. A-nan! Nay ông có thấy khi chưa Niết-bàn, với các Tỳ-kheo ác vây quanh, Như Lai có vì họ mà thuyết pháp không?

Tôn giả A-nan đáp:

–Không có việc như vậy.

Phật nói:

–Này A-nan! Thật tốt thay! Đúng như ông nói, hiện tại Như Lai thật sự không có những Tỳ-kheo ác như vậy vây quanh, nên Phật Như Lai vì họ mà thuyết pháp. Này A-nan! Vào đời sau, phần nhiều hàng tại gia bạch y được sinh lên cõi trời, phần nhiều hàng xuất gia lại bị đọa nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Này A-nan! Nghiệp thiện, nghiệp ác hoàn toàn không tiêu mất. Xưa kia, Ta từng làm vị thương chủ đi vào biển cả sống với nhiều người, vì tự tay giết một mạng người nên do nghiệp duyên ấy, mãi đến khi thành Phật rồi, thân vẫn còn chịu quả báo của kim cương.

Khi ấy, có vua trời Đế thích cùng với chúng trời Ba Mươi Ba vội vã đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi lui đứng một bên.

Có vua trời Diễm-ma cùng trăm vạn ức chúng trời Diễm-ma vội vã đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi lui đứng một bên.

Có vua trời Đâu-suất-đà cùng trăm vạn ức chúng trời Đâu-suất – đà vội vã đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi lui đứng một bên.

Có vua trời Hóa Lạc cùng trăm vạn ức chúng trời Hóa Lạc vội vã đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi lui đứng một bên.

Có vua trời Tha Hóa Tự Tại cùng trăm vạn ức chúng trời Tha Hóa Tự Tại vội vã đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi lui đứng một bên.

Lại có vua A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la cùng trăm vạn ức chúng A-tu-la vội vã đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi lui đứng một bên.

Có Long vương Ta-già-la cùng trăm vạn ức Long chúng cũng đều vội vã đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi lui đứng một bên.

Vì muốn thấy Như Lai lần cuối cùng, ngay trong khoảnh khắc một niệm, một sát-na, một vô hư luật đa, các hàng trời, A-tu-la, Calâu-la, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già đã cùng nhau đến trụ trong không trung đầy khắp cả mười hai do-tuần.

Bấy giờ, Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Cây Bồ-đề ở đạo tràng này là tối thắng thù diệu. Chư Phật quá khứ đều ngồi nơi đây mà chứng được đạo quả Chánh giác Vô thượng. Chư Phật vị lai cũng ngồi nơi đây mà chứng được đạo quả Chánh giác Vô thượng. Thân Ta hiện tại lại ngồi nơi đây phá tan mười tám ức quân ma, đắc đạo quả Chánh giác Vô thượng. Như vậy, này Tôn giả A-nan!

Không bao lâu nữa, Ta sẽ Niết-bàn.

Lại bảo Tôn giả A-nan:

–Vườn Lâm-tỳ-ni tối thắng tối diệu là nơi sinh cuối cùng của chư Phật Như Lai.

Lại bảo:

–Phu nhân Ma-da là người đại phước đức nên mới sinh ra bậc quý báu trong loài người.

Lại bảo:

–Quốc vương Tịnh Phạn là người đại phước đức nên mới làm cha một bậc quý báu, tối thắng trong tất cả các chúng sinh.

Lại bảo:

–Thành Tỳ-xá-ly của nước Tỳ-thị-ly là nơi tối thắng tối diệu. Đại thành Vương-xá của nước Ma-kiệt-đà là nơi tối thắng tối diệu. Nơi cây Thất-am-ba-la cũng thắng diệu. Nơi cây Cù-đam-ma-nhược, Ni-câu-đà cũng rất thắng diệu. Nơi nghỉ ngơi ở Bùi-la-đa, Đậu-la-đa, Đậu-la-ni cũng rất thắng diệu. Nơi Lực sĩ sinh chính là nơi Chuyển luân Thánh vương thời quá khứ cởi bỏ thiên quan báu, tại nơi đây an trí quả Phậtbích-chi, là nơi tối thắng diệu của phần thân Ta.

Lại bảo:

–Cõi Diêm-phù-đề là nơi tốt đẹp tối thắng. Chúng sinh trong ấy tham ưa mạng sống, thế nên nay Ta Niết-bàn nơi đây. Những giáo pháp mà Ta chứa nhóm trong ba a-tăng-kỳ kiếp, không bao lâu sẽ bị diệt mất.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn an ủi, dẫn giải Tôn giả A-nan, khiến tâm ông được vui vẻ trừ bỏ mọi vương vấn của sầu não.

Khi phó chúc pháp xong, Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Nay ông hãy cùng Ta đi qua các nước.

Tôn giả A-nan vâng lời.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đến thành Ba-ba. Những người đáng được độ, Phật đã độ xong. Rồi lại đi qua các nước, giáo hóa, thành tựu cho vô lượng trăm ức na-do-tha chúng sinh khác.

Tôn giả A-nan đi theo Phật, cứ như vậy lần lựa đến cây Bồ-đề, nơi đạo tràng ở nước Ma-già-đà. Đức Thế Tôn đi nhiễu quanh cây sáu vòng, rồi ngồi kiết già bên cội cây.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Không bao lâu, sau mười lăm ngày Như Lai sẽ nhập Niết-bàn.

Khi ấy, những hàng trời, A-tu-la, Ca-lâu-la, Càn-thát-bà, Khẩnna-la, Ma-hầu-la-già đều nghĩ: “Không bao lâu, sau mười lăm ngày nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Chúng ta nên lễ bái lần cuối cùng”.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông chớ nên nghĩ cho Phật Thế Tôn có tham, sân, si mà ca ngợi cõi Diêm-phù-đề này. Như Lai là người đã lìa bỏ tham, sân, si. Ba cõi đây là nơi các chúng sinh sinh vào. Trong ba cõi, đây là cõi Dục. Các chúng sinh nơi đó quen tạo ba nghiệp ác, lại tạo nghiệp thân người cùng với trời, lại tạo nghiệp cõi Sắc và cõi Vô sắc. Thậm chí cả đến nghiệp Phi tưởng và phi phi tưởng.

Nói xong, Phật bèn đứng dậy, tức thời cõi đất chấn động đủ sáu cách. Vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha chư Thiên ở trên không trung sầu khóc, nói:

–Như vậy, sẽ không bao lâu vật báu trong chúng sinh sẽ diệt mất!

Trang: 1 2