KINH KHÔNG TĂNG KHÔNG GIẢM
Hán dịch: Vào đầu nhà Ngụy, ngài Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi, người Bắc Ấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ-kheo và vô số các vị Đại Bồ-tát, đang ở tại núi Kỳ-xà-quật, trong thành Vương xá. Vào lúc đó, từ giữa đại chúng, Tuệ mạng Xálợi-phất đứng dậy đến trước Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, lui sang một bên rồi chắp tay, bạch:
–Bạch Thế Tôn! Từ vô thủy đến nay, hết thảy chúng sinh, qua lại trong ba cõi, sáu đường, trôi lăn sống chết trong bốn loài, chịu khổ vô cùng cực. Bạch Thế Tôn! Hết thảy chúng sinh này, nhóm lại trong bể chúng sinh thì có tăng giảm hay không có tăng giảm? Ý nghĩa này quá sâu kín, con không thể giảng giải được. Giả sử như có người hỏi, con biết trả lời sau đây?
Đức Thế Tôn liền bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Thật tốt thay! Này Xá-lợi-phất! Vì muốn làm cho tất cả chúng sinh được an ổn, làm cho tất cả chúng sinh được an vui, vì thương xót tất cả chúng sinh, vì lợi ích cho tất cả chúng sinh, vì muốn làm cho tất cả chúng sinh được an vui, sung túc và vì hàng trời, người, mà ông hỏi ta với ý nghĩa sâu xa này.
Xá-lợi-phất! Nếu như không hỏi ta về nghĩa lý như vầy, thì ông thật có lỗi nhiều lắm. Vì sao? Vì vào những đời quá khứ, hiện tại và vị lai, tất cả chúng sinh trong hàng trời, người, cứ mãi chịu những việc sầu não, tổn hại. Họ đã hoàn toàn mất đi tất cả những sự an vui và lợi ích.
Này Xá-lợi-phất! Những người tà kiến sâu nặng, họ quan niệm cõi chúng sinh tăng, cõi chúng sinh giảm.
Xá-lợi-phất! Vì quan niệm như vậy, nên những gì họ thấy đều như mù không có mắt. Và bởi thế, họ mới luôn luôn lầm lạc, tạo ra những điều sai quấy, đi vào con đường tà; và đó là nhân duyên mà ngay trong đời hiện tại này, họ phải bị đọa vào trong các nẻo ác.
Xá-lợi-phất! Có những người đại hiểm nạn, cho rằng cõi chúng sinh tăng, cho rằng cõi chúng sinh giảm, rồi bám chặt vào những suy tính không thật ấy.
Xá-lợi-phất! Vì do bám chặt vào những suy tính không thật này, cho nên những chúng sinh đấy, luôn luôn lầm lạc, tạo ra những điều sai quấy, đi vào con đường tà và đó là nhân duyên trong đời sau phải bị đọa vào các nẻo ác.
Xá-lợi-phất! Vì không biết không thấy một cách như thật về một pháp giới, cho nên tất cả hàng phàm phu ngu si mới khởi tâm tà kiến, rồi cho rằng cõi chúng sinh Tăng, cõi chúng sinh giảm.
Xá-lợi-phất! Khi ta còn ở đời, các đệ tử của ta không khởi lên các quan niệm ấy. Thế nhưng hơn năm trăm năm sau khi ta diệt độ, ngay trong giáo pháp của ta, mặc dù cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, hiện tướng Sa-môn, nhưng phần nhiều, có những kẻ ngu muội, không trí tuệ, bên trong hoàn toàn không có đức hạnh của một vị Sa-môn. Như vậy, những kẻ này, chẳng phải là Sa-môn, mà tự cho là Sa-môn, chẳng phải đệ tử của Phật, mà tự cho là đệ tử của Phật, rồi tự nói: “Ta chính là Sa-môn, chính là đệ tử của Đức Phật.” Như thế, họ đã khởi lên quan niệm tăng giảm. Vì sao? Vì những chúng sinh này, dựa vào bất liễu nghĩa kinh của Như Lai, mà không có Tuệ nhãn, xa lìa quan niệm không như thật thấy, không biết một cách đúng đắn về sự phát tâm ban đầu và những chỗ chứng đạt của Như Lai; không biết một cách đúng đắn về sự tu tập vô lượng hạnh công đức Bồ-đề; không biết một cách đúng đắn về vô lượng pháp mà Như Lai đã đạt được; không biết một cách đúng đắn về vô lượng lực của Như Lai; không biết một cách đúng đắn về cảnh giới vô lượng của Như Lai; không tin vô lượng hành xứ của Như Lai; không biết một cách đúng đắn về vô lượng pháp tự tại không thể nghĩ bàn của Như Lai; không biết một cách đúng đắn về vô lượng phương tiện không thể nghĩ bàn của Như Lai; không thể phân biệt một cách đúng đắn về vô lượng cảnh giới sai khác của Như Lai; không thể khéo nhập vào lòng lành rộng lớn không thể nghĩ bàn của Như Lai; không biết một cách đúng đắn về đại Niết-bàn của Như Lai.
Này Xá-lợi-phất! Vì không có văn tuệ nên nghe Niết-bàn của Như Lai, hàng phàm phu ngu si này liền khởi lên ý tưởng đoạn kiến và diệt kiến và vì khởi lên ý tưởng đoạn, diệt như vậy, họ cho rằng cõi chúng sinh giảm, nên sâu nặng về tà kiến và lún sâu vào ác nghiệp.
Lại nữa, Xá-lợi-phất! Dựa theo quan điểm về giảm đó, các chúng sinh này, lại khởi lên ba quan điểm khác. Và ba loại quan điểm này, lại không tách rời với quan điểm về giảm kia, chẳng khác nào như tấm lưới liên kết chẳng thể xa rời được. Vậy ba quan điểm đó là gì?
- Quan điểm về đoạn: Nghĩa là cuối cùng thì hết.
- Quan điểm về diệt: Nghĩa là Niết-bàn.
- Quan điểm về không Niết-bàn: Nghĩa là Niết-bàn này vắng lặng, rốt ráo.
Xá-lợi-phất! Ba quan điểm này, nó trói buộc như vậy, nó chấp chặt như vậy, nó xúc như vậy. Do sức của ba quan điểm này làm nhân duyên, cho nên mới xoay vần, lần lượt phát sinh ra hai loại tà kiến. Hai loại tà kiến này nó không tách rời với ba quan điểm kia, chúng giống như tấm lưới. Vậy hai quan điểm này là gì?
- Quan điểm vô dục.
- Quan điểm rốt ráo không có Niết-bàn.
Xá-lợi-phất! Dựa vào quan điểm vô dục, lại khởi lên hai quan điểm khác. Hai quan điểm này, không tách rời với quan điểm vô dục, chúng giống như tấm lưới. Vậy hai quan điểm đó là gì?
- Quan điểm giới thủ.
- Quan điểm khởi tịnh điên đảo trong bất tịnh.
Xá-lợi-phất! Dựa vào quan điểm rốt ráo không có Niết-bàn, lại khởi lên sáu loại quan điểm khác, sáu quan điểm này, lại không tách rời với quan điểm không có Niết-bàn, chúng giống như tấm lưới. Vậy sáu quan điểm đó là gì?
- Quan điểm thế gian có đầu mối.
- Quan điểm thế gian có chung cuộc.
- Quan điểm chúng sinh do huyễn hóa sinh ra.
- Quan điểm không có khổ, không có vui.
- Quan điểm không có nghiệp của chúng sinh.
- Quan điểm không có Thánh đế.
Lại nữa, Xá-lợi-phất! Dựa vào hai quan điểm tăng ấy, các chúng sinh này lại khởi lên hai quan điểm khác. Hai quan điểm này, lại không tách rời với quan điểm tăng kia, chúng giống như tấm lưới. Vậy hai quan điểm đó là gì?
- Quan điểm Niết-bàn đã có từ đầu.
- Quan điểm không do nhân, không do duyên mà bỗng nhiên có.
Xá-lợi-phất! Vì hai loại quan điểm này cho nên ngay trong pháp lành, các chúng sinh đây không có tâm mong mỏi, không có tâm siêng năng tinh tấn.
Xá-lợi-phất! Do các chúng sinh đấy, khởi lên hai loại quan điểm như thế, nên đã khiến bảy vị Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, lần lượt xuất hiện ở đời, vì họ mà thuyết pháp, ở ngay trong pháp lành hoặc sinh tâm ham muốn, hoặc sinh tâm siêng năng tinh tấn. Điều đó không thể xảy ra.
Xá-lợi-phất! Hai loại quan điểm này, chính là nền tảng của vô minh và các hoặc. Đó chính là quan điểm Niết-bàn đã có từ đầu và quan điểm không do nhân, không do duyên, bỗng nhiên mà có.
Xá-lợi-phất! Hai loại quan điểm này, chính là pháp cực ác, là gốc rễ của những họa lớn.
Xá-lợi-phất! Dựa vào hai quan điểm này, mà khởi lên tất cả quan điểm khác. Tất cả quan điểm khác này, lại không tách rời với hai quan điểm kia, chúng giống như tấm lưới. Nói tất cả quan điểm, đó tức là các quan điểm hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc to, hoặc nhỏ, hoặc chính giữa. Hết thảy đó chính là cái quan điểm về tăng, về giảm.
Xá-lợi-phất! Hai loại quan điểm này, dựa vào một cõi, đồng một cõi, hợp một cõi. Vì không biết một cách đúng đắn về một cõi kia, vì không thấy một cách như thật về một cõi kia, nên những hàng phàm phu, ngu si này, mới khởi lên tâm ác sâu nặng, tâm tà kiến sâu nặng, rồi cho cõi chúng sinh tăng, cõi chúng sinh giảm.
Bấy giờ, ngài Tuệ mạng Xá-lợi-phất, bạch:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là một cõi? Vì không biết một cách đúng đắn về một cõi kia, vì không thấy một cách như thật về một cõi kia, nên tất cả những kẻ phàm phu, ngu si, mới khởi lên tâm cực ác, tâm đại tà kiến, rồi cho rằng cõi chúng sinh có tăng, có giảm.
Xá-lợi-phất thưa tiếp:
–Hay thay! Bạch Thế Tôn! Nghĩa này sâu xa, con chưa thể hiểu được, cúi xin Thế Tôn giải thích, để cho con được hiểu rõ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Tuệ mạng Xá-lợi-phất:
–Nghĩa lý sâu xa này, chính là cảnh giới trí tuệ của Như Lai, mà cũng chính là chỗ thực thi nơi tâm Như Lai. Xá-lợi-phất! Đối với nghĩa lý sâu xa như vầy, thì trí tuệ của tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác, không thể nào hiểu thấu được, không thể nào thấy được, không thể nào xem xét kỹ được, huống chi những kẻ phàm phu, ngu si này, thì làm sao có thể liệu lường được. Duy có trí tuệ của chư Phật, của Như Lai mới có thể quán sát được, thấy được và hiểu thấu được nghĩa lý này thôi.
Xá-lợi-phất! Cái trí tuệ mà tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác có, đối với nghĩa lý này, chỉ có thể kính ngưỡng mà tin theo, chớ không thể nào biết, thấy và quán sát một cách chính xác như thật về cái nghĩa lý này được cả.
Xá-lợi-phất! Nghĩa lý sâu xa này, tức là Đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế này, tức là cõi chúng sinh. Cõi chúng sinh tức Như Lai tạng. Như Lai tạng tức là Pháp thân.
Xá-lợi-phất! Như cái nghĩa Pháp thân, mà ta đã nói, nó vượt qua cả công đức, trí tuệ của Như Lai, cả hằng sa Phật pháp, không lìa, không thoát, không đứt, không khác, không thể nghĩ bàn.
Xá-lợi-phất! Như những ánh sáng rực rỡ và sự xúc chạm không lìa, không thoát, của ngọn đèn thế gian. Lại như hình tướng và ánh sáng rực rỡ của hạt ngọc báu Ma-ni, nó không lìa, không thoát.
Xá-lợi-phất! Cái nghĩa Pháp thân mà Như Lai đã nói, nó cũng như vậy. Nó vượt hẳn cả công đức, trí tuệ của Như Lai, cả hằng sa Phật pháp, không lìa, không thoát, không đứt, không khác, không thể nghĩ bàn.
Xá-lợi-phất! Pháp thân này, là pháp không sinh, không diệt; chẳng phải là ngằn mé của quá khứ; chẳng phải ngằn mé của vị lai; nó lìa khỏi nhị biên. Xá-lợi-phất! Chẳng phải là ngằn mé của quá khứ, tức là xa lúc sinh ra; chẳng phải ngằn mé của vị lai, tức là xa lúc diệt.
Xá-lợi-phất! Pháp thân Như Lai, luôn vì là pháp không khác, vì là pháp không tận.
Xá-lợi-phất! Pháp thân Như Lai “hằng”, vì luôn có thể nương dựa, vì bình đẳng cả thời vị lai.
Xá-lợi-phất! Pháp thân Như Lai mát mẻ, vì là pháp không hai, vì là pháp không phân biệt.
Xá-lợi-phất! Pháp thân Như Lai không thay đổi, vì là pháp chẳng phải bị diệt, vì là pháp chẳng phải do tạo ra.
Xá-lợi-phất! Bởi đã trải qua sự trói buộc của hằng sa vô biên phiền não; bởi từ vô thủy đến nay, tùy thuận theo thế gian, mà lênh đênh trên những làn sóng qua lại trong sinh tử, nên Pháp thân này, được gọi là chúng sinh.
Xá-lợi-phất! Pháp thân này nhàm chán, xa lìa những khổ não, sinh tử ở thế gian, vứt bỏ tất cả mọi ham muốn, mong cầu thực hành mười pháp Ba-la-mật, thu tóm tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu hạnh Bồ-đề, cho nên Pháp thân này, được gọi là Bồ-tát.
Lại nữa, Xá-lợi-phất! Pháp thân này, xa lìa mọi phiền não ở thế gian; thoát khỏi mọi ràng buộc khổ não; xa lìa tất cả sự dơ bẩn của phiền não; được trong sạch, an trụ trong pháp trong sáng nơi bờ giác; đến những nơi mà chúng sinh mong mỏi, thông suốt một cách rốt ráo tất cả cảnh giới, không có gì hơn được; xa lìa tất cả chướng ngại; được sức tự tại ở trong tất cả các pháp; nên được gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Do đó, này Xá-lợi-phất! Không thể có Pháp thân, khi xa lìa cõi chúng sinh, không thể có cõi chúng sinh khi lìa Pháp thân. Cõi chúng sinh tức là Pháp thân, Pháp thân cũng chính là cõi chúng sinh. Xá-lợi-phất! Hai pháp này, một nghĩa khác tên gọi.
Lại nữa, Xá-lợi-phất! Theo những điều, ta đã nói ở trên, trong cõi chúng sinh cũng có ba pháp. Những pháp này, đều chân thật, không sai, không khác. Vậy ba pháp đó là gì?
- Như Lai tạng bản tế, tương ưng với thể và pháp trong sạch.
- Như Lai tạng bản tế, không tương ưng với thể, trói buộc bởi phiền não và pháp không trong sạch.
- Như Lai tạng vị lai tế mãi mãi bình đẳng cùng với pháp hữu.
Xá-lợi-phất! Ông nên biết! Như Lai tạng bản tế tương ưng với thể và pháp trong sạch tức là pháp này, như thật, không giả dối, không lìa, không thoát; là cõi pháp của trí tuệ, trong sạch, chân như; là pháp không thể nghĩ bàn. Cái thể tương ưng với pháp thanh tịnh này, từ vô thủy bản tế đến nay nó đã có sẵn.
Xá-lợi-phất! Vì hàng chúng sinh, nên ta dựa vào cõi pháp trong sạch chân như này, mà nói pháp không thể nghĩ bàn, đó là tự tánh thanh tịnh tâm.
Xá-lợi-phất! Nên biết, Như Lai tạng bản tế không tương ưng với thể và pháp phiền não trói buộc không trong sạch; tức là pháp này, từ xưa đến nay là lìa, thoát, không tương ưng, bị phiền não trói buộc; là pháp không trong sạch, duy chỉ có trí Bồ-đề của Như Lai, mới có thể đoạn trừ.
Xá-lợi-phất! Vì hàng chúng sinh, nên ta dựa vào cõi pháp bị phiền não trói buộc, không tương ưng, không thể nghĩ bàn này, mà nói pháp bị nhiễm bởi khách trần phiền não; đó là tâm tự tánh trong sạch, không thể nghĩ bàn.
Xá-lợi-phất! Nên biết, Như Lai tạng vị lai tế mãi mãi bình đẳng cùng với pháp hữu, tức pháp này, là nền tảng của tất cả pháp, nó chuẩn bị và làm cho đầy đủ tất cả pháp, trong pháp thế gian, nó không lìa không thoát chân thật với tất cả pháp; nó nắm giữ tất cả pháp, tóm thâu tất cả pháp.
Xá-lợi-phất! Ta dựa vào cõi pháp trong sạch, không thể nghĩ bàn, không sinh, không diệt, mát sạch, thường hằng, bất biến, để quay về nương tựa mà gọi là chúng sinh. Vì sao? Nói chúng sinh, tức là nói đến cái tên khác của cõi pháp trong sạch, không thể nghĩ bàn, không sinh, không diệt, thường hằng, mát mẻ, bất biến, để quay về nơi nương tựa. Vì nghĩa đó dựa vào pháp này, ta gọi là chúng sinh.
Xá-lợi-phất! Ba loại pháp này, đều là chân thật, không sai, không khác. Trong pháp chân thật không sai, không khác, ba pháp này rốt ráo, không khởi lên hai loại tà kiến cực ác và không tốt. Vì sao? Vì đó là quan điểm đúng đắn, cho nên gọi là quan điểm tăng và giảm. Xá-lợi-phất! Hai loại tà kiến này, chư Phật Như Lai đều rốt ráo xa lìa, cũng là điều mà chư Phật Như Lai quở trách.
Xá-lợi-phất! Nếu như có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di, khởi lên một quan điểm hoặc hai quan điểm, rồi cho các Đức Phật Như Lai, chẳng phải là Đấng Thế Tôn của họ. Như vậy, những người này, chẳng phải là đệ tử của ta. Xá-lợi-phất! Do vì khởi lên hai quan điểm ấy, cho nên những người này, họ từ chỗ tối tăm này, đi vào chỗ tối tăm khác. Với những người này, ta gọi họ là những kẻ chẳng tin Phật pháp. Thế nên, này Xá-lợi-phất! Nay ông nên học pháp này, để giáo hóa những chúng sinh ấy, khiến cho họ xa lìa hai quan điểm kia, mà trụ vào trong chánh đạo. Xá-lợi-phất! Đối với những pháp này, ông cũng phải nên học, để xa lìa hai quan điểm kia, mà trụ trong chánh đạo.
Khi Phật nói kinh này xong, ngài Tuệ mạng Xá-lợi-phất! Cùng tất cả những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các vị Đại Bồ-tát cùng các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân tất cả đại chúng, thảy đều vui mừng, tín thọ, phụng hành.