KINH PHẬT NÓI VỀ BẤT TĂNG BẤT GIẢM
Đời Nguyên ngụy Tam tạng Bắc Ấn Độ Bồ Đề Lưu Chi hán dịch
Tỳ Kheo Nhất Chân việt dịch

doahong

 

Tôi nghe như vầy, một thời nọ Bà Già Bà trụ trong núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, cùng với đại Tỳ Kheo chúng một ngàn hai trăm năm mươi người, và chư Bồ Tát Ma Ha Tát vô lượng vô biên không sao kể hết được.

Bấy giờ Huệ mệnh Xá Lợi Phất ở giữa đại chúng đứng dậy khỏi tòa, đến trước chỗ Phật. Đến rồi đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui lại ngồi sang một bên, chắp tay bạch Phật rằng :

– Thế Tôn, tất cả chúng sinh từ thời vô thủy đến nay xoay vòng trong sáu nẻo, qua lại trong ba cõi, luân hồi sinh tử trong bốn loài sinh, chịu vô cùng khổ. Thế Tôn, tụ chúng sinh này, biển chúng sinh này là có tăng có giảm hay không tăng không giảm ? Ý nghĩa này thâm sâu ẩn mật con chưa thể hiểu nổi. Nếu có ai hỏi con, thì sẽ phải trả lời thế nào?

Bấy giờ Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất :

– Thiện tai! Thiện tai! Xá Lợi Phất, ông vì để cho tất cả chúng sinh được an ổn, để cho tất cả chúng sinh được an lạc, vì thương xót tất cả chúng sinh, vì lợi ích cho tất cả chúng sinh, làm nhiêu ích và an lạc cho tất cả chúng sinh, cho các Người Trời, nên mới có thể hỏi ta về ý nghĩa thậm thâm này.

1) Xá Lợi Phất, nếu ông không hỏi Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri về ý nghĩa như thế thì sẽ có nhiều sai lầm. Tại sao vậy? Vì trong hiện tại này và thời vị lai, các Người Trời cùng tất cả chúng sinh sẽ mãi chịu mọi điều ưu não tổn hoại và vĩnh viễn mất hết tất cả lợi ích an lạc.

2) Xá Lợi Phất, đại tà kiến có nghĩa là thấy chúng sinh giới tăng, thấy chúng sinh giới giảm.

Xá Lợi Phất, các chúng sinh có đại tà kiến này, do vì kiến ấy nên như người sinh ra đã mù, không có mắt, nên cứ trong đêm dài vọng hành tà đạo. Do nhân duyên ấy nên ngay thời hiện tại đọa vào các ác thú.

3) Xá Lợi Phất, đại hiểm nạn có nghĩa là ngoan cố vọng chấp cho rằng chuùng sinh giới tăng, ngoan cố vọng chấp cho rằng chúng sinh giới giảm.

Xá Lợi Phất, các chúng sinh này ngoan cố vọng chấp, nên cứ trong đêm dài vọng hành tà đạo. Do nhân duyên ấy nên ngay thời hiện tại đọa vào các ác thú.

4) Xá Lợi Phất, tất cả các phàm phu ngu si do không biết đúng như thật về một pháp giới, không thấy đúng như thật về một pháp giới, nên khởi tâm tà kiến cho rằng : chúng sinh giới tăng, chúng sinh giới giảm.

Xá Lợi Phất, khi Như Lai còn tại thế, đệ tử của ta không khởi các kiến ấy. Nhưng sau khi ta diệt rồi, hơn năm trăm năm sau, có nhiều chúng sinh ngu thiếu trí huệ. Tuy cạo râu tóc ở trong Phật pháp, đắp ba pháp y, hiện dáng sa môn, song trong kẻ ấy không có đức hạnh sa môn. Các hạng người ấy thật chẳng phải sa môn mà tự nhận là sa môn, chẳng phải là đệ tử Phật mà tự cho là đệ tử Phật, và tự nói rằng :”tôi là sa môn, đúng thật là đệ tử Phật”. Các hạng người ấy khởi kiến tăng giảm. Tại sao vậy ?

1. Các chúng sinh này do y theo các kinh không liễu nghĩa của Như Lai,

2. Do không có huệ nhãn,

3. Do lìa xa [chính] kiến như thật không,

4. Do không biết đúng như thật sơ phát tâm mà Như Lai chứng được,

5. Do không biết đúng như thật tu tập vô lượng Bồ đề công đức hành,

6. Do không biết đúng như thật về vô lượng pháp Như Lai đắc được,

7. Do không biết đúng như thật về vô lượng lực của Như Lai,

8. Do không biết đúng như thật về vô lượng cảnh giới của Như Lai,

9. Do không tin được vô lượng hành xứ của Như Lai,

10. Do không biết đúng như thật về vô lượng pháp tự tại bất tư nghì của Như Lai,

11. Do không biết đúng như thật về vô lượng phương tiện bất tư nghì của Như Lai,

12. Do không thể phân biết đúng như thật về vô lượng cảnh giới sai biệt của Như Lai,

13. Do không thể khéo nhập được vào đại bi bất khả tư nghì của Như Lai,

14. Do không biết đúng như thật về đại Niết bàn của Như Lai.

5) a. Xá Lợi Phất, phàm phu ngu si không nghe nhiều không trí huệ, nên nghe nói Như Lai nhập Niết Bàn thì khởi đoạn kiến, diệt kiến. Do khởi tưởng là đoạn, khởi tưởng là diệt, nên cho rằng chúng sinh giới giảm, mới thành đại tà kiến ác nghiệp cực nặng.

b. Lại nữa Xá Lợi Phất, các chúng sinh này là y theo kiến giảm mà khởi ba kiến. Ba loại kiến này với kiến giảm kia không tách biệt khỏi nhau như là lưới võng. Gì là ba kiến ?

  1. Một là kiến đoạn, là rốt cuộc tận hế
  2. hai là kiến diệt, tức là Niết Bàn.
  3. Ba là kiến không có Niết Bàn, nghĩa là Niết Bàn này rốt cuộc là không tị

c. Xá Lợi Phất, ba loại kiến ấy, phược như thế, chấp như thế, xúc như thế, do vì nhân duyên theo lực của ba kiến ấy, lại lần lượt sinh hai loại tà kiến. Hai loại kiến này với ba kiến kia không tách biệt khỏi nhau như là lưới võng. Gì là hai kiến ?

  1. Một là kiến “không có dục”.
  2. Hai là kiến “rốt cuộc không có Niết Bàn”.

d. Xá Lợi Phất, y theo kiến “không có dục” lại khởi hai kiến. Hai loại kiến này với kiến “không có dục” không tách biệt khỏi nhau như là lưới võng. Gì là hai kiến ?

  1. Một là giới thủ kiế
  2. Hai là kiến “ở trong bất tịnh mà khởi kiến điên đảo cho là tịnh”.

e. Xá Lợi Phất, y theo kiến “rốt cuộc không có Niết Bàn” lại khởi lên sáu loại kiến. Sáu loại kiến này và kiến “không có Niết Bàn” không tách biệt khỏi nhau như là lưới võng. Gì là sáu kiến ?

  1. Một là kiến “thế gian có khởi đầu”.
  2. Hai là kiến “thế gian có kết thúc”.
  3. Ba là kiến “chúng sinh do huyễn hóa tạo tác nên”
  4. Bốn là kiến “không khổ không lạc”.
  5. Năm là kiến “không có chúng sinh sự”.
  6. Sáu là kiến “không có thánh đế”.

6) a. Lại nữa, Xá Lợi Phất, các chúng sinh này y nơi kiến tăng lại khởi hai kiến. Hai loại kiến này với kiến tăng kia không tách biệt khỏi nhau như là lưới võng. Gì là hai kiến ?

  1. Một là kiến “Niết Bàn mới bắt đầu sinh”.
  2. Hai là kiến “không nhân không duyên bỗng nhiên mà có”.

Xá Lợi Phất, hai loại kiến này làm cho chúng sinh không có tâm mong muốn, tâm tinh tiến đối với thiện pháp nữa.

Xá Lợi Phất, các chúng sinh này do khởi hai kiến ấy nên dù ngay cả bẩy Phật Như Lai Ứng Chính Biến Tri tuần tự xuất thế vì họ mà nói pháp, thì họ cũng không thể nào sinh nổi dục tâm hay tinh tiến tâm đối với thiện pháp được.

Xá Lợi Phất, hai loại kiến này chính là vô minh căn bổn của các hoặc. Đó là kiến “Niết Bàn mới bắt đầu sinh” và kiến “không nhân không duyên bỗng nhiên mà có”.

Xá Lợi Phất, hai loại kiến này chính là pháp căn bổn cực ác đại loạn.

b. Y hai kiến này khởi tất cả các kiến. Tất cả kiến này đối với hai kiến kia không tách biệt khỏi nhau y như lưới võng. Tất cả các kiến chính là hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế hoặc trung, đủ loại kiến hết.

7) Xá Lợi Phất, gọi là kiến tăng kiến giảm, hai loại kiến này, y chỉ nơi một giới, cùng một giới, hợp lại một giới. Tất cả phàm phu ngu si do không biết đúng như thật về một giới kia, do không thấy đúng như thật về một giới kia, nên mới khởi tâm đại tà kiến cực ác, cho là chúng sinh giới tăng, là chúng sinh giới giảm.

8) Bấy giờ Huệ mệnh Xá Lợi Phất bạch Phật rằng:

– Thế nào là một giới mà Thế Tôn nói rằng “tất cả phàm phu ngu si do không biết đúng như thật về một giới kia, do không thấy đúng như thật về một giới, nên mới khởi tâm đại tà kiến cực ác, cho là chúng sinh giới tăng, là chúng sinh giới giảm” ?

Xá Lợi Phất thưa:

– Thiện tai, Thế Tôn, ý nghĩa này thậm thâm con chưa thể hiểu nổi. Chỉ mong Như Lai vì con giải nói cho con được hiểu.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Huệ mệnh Xá Lợi Phất rằng :

– Ý nghĩa thậm thâm này chính là cảnh giới thuộc trí huệ của Như Lai, cũng là chỗ mà tâm của Như Lai hành.

Xá Lợi Phất, thâm nghĩa ấy trí huệ của tất cả Thanh Văn Duyên Giaùc không thể biết được, không thể thấy được, không thể quán sát, huống gì tất cả các phàm phu ngu si thì sao mà có thể trắc lượng được. Duy có trí huệ của chư Phật Như Lai mới có thể quán sát, biết và thấy được ý nghĩa này.

Xá Lợi Phất, trí huệ của tất cả Thanh Văn Duyên Giác đối với ý nghĩa này chỉ có thể tín ngưỡng mà thôi, chứ không thể biết, thấy, quán sát đúng như thật được.

Xá Lợi Phất, ý nghĩa thậm thâm chính là đệ nhất nghĩa đế.

Đệ nhất nghĩa đế lại chính là Chúng Sinh Giới.

Chúng Sinh Giới lại chính là Như Lai Tạng.

Như Lai Tạng lại chính là Pháp Thân.

9) Xá Lợi Phất, như ta vẫn nói nghĩa của Pháp Thân không lìa ngoài không thoát khỏi các công đức và trí huệ của Như Lai quá số hằng sa, là Pháp Phật không đoạn diệt, không biến dị, bất tư nghì.

Xá Lợi Phất, như đèn trong thế gian không lìa ngoài, không thoát khỏi với mầu sắc ánh sáng và xúc chạm mà nó có được. Lại như ma ni bảo châu không lìa ngoài, không thoát khỏi các hình tướng mầu sắc và ánh sáng mà nó có được.

Xá Lợi Phất, ý nghĩa Pháp Thân mà Như Lai tuyên thuyết cũng y như vậy, không lìa ngoài, không thoát khỏi quá hơn hằng sa công đức và trí huệ của Như Lai, là Pháp Phật không đoạn diệt, không biến dị, bất tư nghì.

Xá Lợi Phất, Pháp Thân này là pháp không sinh không diệt, không phải ở quá khứ tế, không phải thuộc vị lại tế, vì pháp này lìa hai bên vậy. Xá Lợi Phất, không phải quá khứ tế vì lìa ngoài lúc sinh, không phải vị lai tế vì lìa ngoài lúc diệt.

Xá Lợi Phất, Pháp Thân của Như Lai là thường vì không phải là pháp biến dò, vì khoâng phaûi laø phaùp taän dieät.

Xá Lợi Phất, Pháp Thân của Như Lai là hằng vì thường quy y được, vì ở vị lai tế vẫn bình đẳng.

Xá Lợi Phất, Pháp Thân của Như Lai là thanh lương vì là pháp bất nhị, vì là pháp không có phân biệt.

Xá Lợi Phất, Pháp Thân của Như Lai là bất biến, vì không phải là pháp diệt, vì không phải pháp tạo tác.

10) Xá Lợi Phất, chính Pháp Thân này bị vô biên phiền não quá hơn hằng sa triền phược, từ thời vô thủy đến nay tùy thuận sóng gió thế gian, nổi trôi qua lại trong sinh tử, được gọi là chúng sinh.

Xá Lợi Phất, cũng chính Pháp Thân này chán lìa khổ não sinh tử của thế gian, xả bỏ tất cả các dục cầu thuộc các cõi hữu, hành mười Ba La Mật, nhiếp tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu Bồ Đề hành, được gọi là Bồ Tát.

Lại nữa Xá Lợi Phất, tức chính pháp thân này lìa tất cả sử triền phiền não của thế gian, vượt qua tất cả khổ, lìa tất cả phiền não cấu, đắc thanh tịnh, trụ nơi pháp thanh tịnh bờ bên kia, đến được nơi sở nguyện của tất cả chúng sinh, cứu cánh thông đạt tất cả mọi cảnh giới không ai hơn được, lìa tất cả chướng, lìa tất cả ngại, đắc lực tự tại đối với tất cả pháp, được gọi là Như Lai Ứng Chính Biến Tri.

Cho nên Xá Lợi Phất, không lìa Chúng Sinh Giới có Pháp Thân, không lìa Pháp Thân có Chúng Sinh Giới, Chúng Sinh Giới tức Pháp Thân, Pháp Thân tức Chúng Sinh Giới. Xá Lợi Phất, hai pháp này ý nghĩa là một mà tên thì khác.

11) Lại nữa Xá Lợi Phất, như trên ta đã nói, trong Chúng Sinh Giới lại có ba loại pháp, đều chân thật như, không biến dị, không sai biệt. Thế nào là ba pháp ?

1- Một là bản thể tương ưng với bổn tế Như Lai tạng và các pháp thanh tị

2- Hai là bản thể không tương ưng với bổn tế Như Lai tạng và các pháp phiền não triền không thanh tị

3- Ba là Như Lai tạng bình đẳng ở vị lai tế, hằng và pháp có.

Xá Lợi Phất, phải hiểu rằng bản thể tương ưng với bổn tế Như Lai tạng và pháp thanh tịnh, pháp này như thật, không hư vọng, không lìa ngoài, không thoát khỏi pháp bất tư nghì, là chân như pháp giới, là trí huệ thanh tịnh. Từ bổn tế vô thủy đến nay, đã có pháp thể tương ưng thanh tịnh này rồi. Xá Lợi Phất, ta y nơi pháp giới chân như thanh tịnh này, vì các chúng sinh nên mới nói đó là tâm tự tính thanh tịnh, là pháp bất khả tư nghì.

Xá Lợi Phất, phải hiểu rằng bản thể không tương ưng với bổn tế Như Lai tạng và pháp phiền não triền không thanh tịnh, pháp này từ bổn tế đến nay lìa ngoài thoát khỏi, không tương ưng, là pháp không thanh tịnh bị phiền não triền buộc. Duy chỉ có trí Bồ Đề của Như Lai mới đoạn được mà thôi. Xá Lợi Phất, ta y nơi pháp giới bất tư nghì, không tương ưng, bị phiền não triền buộc này, vì các chúng sinh nên mới nói là pháp bất khả tư nghì tức tâm tự tính thanh tịnh bị khách trần phiền não ô nhiễm.

Xá Lợi Phất, phải hiểu rằng Như Lai tạng nơi vị lai tế bình đẳng, hằng và pháp có, tức là căn bổn của tất cả các pháp, sẵn tất cả các pháp, đủ tất cả các pháp, ở nơi thế pháp mà không lìa ngoài, không thoát khỏi tất cả các pháp chân thật, trụ giữ tất cả các pháp, nhiếp tất cả các pháp. Xá Lợi Phất, ta y nơi pháp giới thanh tịnh bất khả tư nghì, không sinh, không diệt, thường, hằng, thanh lương, bất biến, quy y này mà nói đó là chúng sinh. Tại sao như thế ?

Nói chúng sinh tức có nghĩa là tên gọi khác của pháp giới thanh tịnh bất khả tư nghì, không sinh, không diệt, thường, hằng, thanh lương, bất biến, quy y vậy. Do vì nghĩa ấy, ta y nơi pháp kia mà gọi là chúng sinh.

Xá Lợi Phất, ba loại pháp này đều chân thật như, không biến dị, không sai khác. Ở nơi pháp chân thật như, không biến dị, không sai khác này, rốt cuộc sẽ không khởi hai loại tà kiến cực ác bất thiện. Tại sao vậy? Do vì thấy đúng như thật.

Xá Lợi Phất, gọi là kiến tăng kiến giảm, hai loại tà kiến ấy, chư Phật Như Lai rốt cuộc rời xa, và bị chư Phật Như Lai trách chê.

Xá Lợi Phất, nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào hoặc khởi một kiến, hoặc khởi hai kiến, thì chư Phật Như Lai sẽ không phải là Thế Tôn của họ, các hạng người ấy không phải là đệ tử của ta.

Xá Lợi Phất, các người này do vì nhân duyên khởi hai kiến ấy nên từ tối vào tối, từ ám vào ám. Ta nói các người ấy là nhất xiển đề.

Cho nên, Xá Lợi Phất, ông nay phải học pháp này, giáo hóa các chúng sinh kia khiến cho lìa khỏi hai kiến, trụ vào chính đạo. Xá Lợi Phất, các pháp như thế, ông cũng phải thưa hỏi để lìa hai kiến kia trụ vào chính đạo.

Phật nói kinh này xong, Huệ mệnh Xá Lợi Phất, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Bồ Tát Ma Ha Tát, cùng chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân, tất cả đại chúng, đều hết sức hoan hỉ, tín thọ phụng hành.

Kinh Phật nói về bất tăng bất giảm