KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ
(NHIẾP CHƯ THIỆN CĂN)
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 8: THỂ HIỆN SỰ BIẾN HÓA
Bấy giờ Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân đi đến thành Vương xá, tới thẳng nơi vườn Trúc, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra đứng một bên, thưa với Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Đức Phật Vô Tướng Âm xin gởi lời thăm hỏi vấn an Đức Thế Tôn có được ít phiền, ít bệnh, mọi sinh hoạt đều được thư thái, khí lực an lành chăng? Lại xin đem đóa hoa sen lớn này dâng lên Đức Thế Tôn.
Đức Phật liền nhận lấy hoa rồi nói rằng:
–Đức Phật Vô Tướng Âm có được an ổn trong mọi công việc cũng như sự giáo hóa luôn thuận hợp chăng?
Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Phật Vô Tướng Âm khí lực luôn khang kiện, chúng sinh dễ độ. Vì sao? Vì nơi thế giới ấy, trong những lúc đại chúng được tập hợp đông đúc luôn có được bốn pháp thanh tịnh, đó là:
- Căn lành thanh tịnh, vì sự giác ngộ.
- Vô lượng giới thanh tịnh, luôn phát nguyện chân chánh.
- Vô lượng tri kiến thanh tịnh, chẳng vướng chấp các pháp.
- Chỗ quán tưởng thanh tịnh, không giữ chặt lấy tướng.
Kính bạch Thế Tôn! Nơi chúng hội ấy không có ai là kẻ hủy phá giới luật cùng uy nghi, cũng chẳng có tên gọi về ba thứ hủy phá kia. Chúng hội ở quốc độ ấy xem chúng sinh trong thế giới Ta-bà này như thể cảnh tra khảo đánh đập ở chốn ngục tù. Con nay xin được trở về, kính mong Đức Như Lai đến thăm thế giới của con.
Đức Phật bảo Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân:
–Hãy khoan! Này bậc thiện nam! Đi đến thế giới ấy là nhằm làm công việc gì? Ta nay ở đây đang lo giáo hóa chúng sinh.
Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân đã ân cần cung thỉnh ba lần:
–Kính mong Đức Như Lai đến thăm thế giới ấy. Nếu chẳng chiếu cố quan tâm thì con sẽ xin đem thần lực có được do phước báo tiếp thế giới này, chỉ trong khoảng một niệm đem đặt liền nơi cõi kia, cũng trong phần hư không chẳng khác.
Lúc này Đức Phật im lặng, lắng nghe vị Bồ-tát ấy nói về việc sẽ thể hiện diệu lực của thần thông tự tại, nhằm khiến cho chúng sinh có được đầy đủ các căn lành, cũng là nhằm thị hiện diệu lực của mức độ tri kiến. Và vị Bồ-tát ấy liền dùng tay phải dứt mạnh lấy cõi tam thiên đại thiên thế giới, giống như người thợ đồ gốm dùng cây gậy để quay bánh xe, cứ việc giữ chặt lấy mà bước đi.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nhận biết khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới này đều đang bị dao động lớn nên thưa với Đức Thế Tôn:
–Hãy giữ chặt lấy thế giới này cùng với chúng ta! Hãy giữ chặt lấy thế giới này cùng với chúng ta!
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng âm thanh thuận theo trí tuệ, vừa êm dịu vừa hòa nhã, có thể đem lại sự vui thích cho mọi người, đầy đủ sự sâu xa, không cao không thấp, gọn đủ điều cốt yếu, không rối rắm để có thể chỉ rõ ý nghĩa, đáp lại Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Chẳng phải do ta tạo ra!
Tiếng nói ấy khắp đại thiên thế giới đều cùng được nghe. Lúc này có những chúng sinh vốn tham đắm nơi cái ta, tâm ta, dựa theo những điều nghe thấy nên hết sức kinh sợ mà có được tâm chán lìa. Ngoài ra thì bốn chúng đệ tử chỉ thấy Đức Như Lai được các vị Bồ-tát vây quanh và đang vì họ mà thuyết pháp, như vị Chuyển luân vương đang ngồi ngay ngắn nơi tòa ở chốn an ổn, các vị Đại phạm vương đang ở giữa chúng Phạm thiên.
Bấy giờ Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân đều đem vô lượng thế giới trong mười phương tập hợp lại ở một nơi để cho chúng sinh được thấy rõ. Lúc này Đức Thế Tôn dùng diệu lực thần thông khiến cho gió lớn dấy lên thổi khắp các thế giới, hỗ trợ cho việc lấy tay đánh mạnh vào làm vỡ tung ra và thảy đều tan biến. Đức Phật thể hiện thần lực như thế, các vị Đại phạm vương cùng các vị Phạm thiên, đối với kiến văn của mình luôn chấp các pháp là thường, chẳng bị hoại, nhất là ở chốn cung điện cùng ngôi vị Phạm vương, nay đều tự thấy cung điện tan hoại nên hết mực kinh hoàng, sinh tâm chán lìa, mỗi vị đều suy nghĩ: “Những cung điện này đã được xây dựng từ trước mà nay thảy đều bị phá vỡ, hủy hoại, như nước dấy sóng lớn đập vào sóng nhỏ thành bọt nước tung tóe lên cao. Nếu nước khô cạn, mặt trời dọi ánh nắng và gió thổi lên thì thảy tan hết! Thế thì đúng là chúng ta cùng chịu sự vô thường.” Suy nghĩ như vậy nên các vị đó đều cùng run rẩy sợ hãi, chắp tay lễ Phật.
Lúc này Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Ta từ trước đến nay luôn vì Tôn giả mà nói rằng: Thế gian hư vọng, không có chân thực. Ví như có người cùng với cái không tranh luận. Thế gian là như thế đấy. Chỉ theo sự nhớ tưởng phân biệt nên cho là có. Không chắc, không bền, chẳng khác gì bọt nước tụ lại trong chốc lác. Thế gian như ảo, có thể lừa dối chúng sinh. Thế gian như ánh lửa rực sáng, thể tướng nó là không thật, kể cả sự khát khao yêu mến. Thế gian như bóng hình, chẳng thể cầm giữ được. Thế gian như tiếng vang, hư dối, khiến các loài khởi nghiệp. Thế gian như thật chính là tánh dứt điên đảo.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ta ngồi nơi đạo tràng đã thông đạt được điều như thật, biết hình tướng thế gian là không, không chốn có, không chốn nương tựa, dùng cái không bị ngăn ngại để đạt được hình tướng thế gian.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Xưa nay ta đã từng biết rõ về vị của thế gian, về nỗi lo ở thế gian cũng như việc ra khỏi thế gian, không tự mình tuyên bố là ta đã được Phật đạo. Chỉ khi ta đã nhận ra tướng như thật của thế gian cùng nguyên nhân gây nên bao nỗi khổ ở thế gian, nhận biết sự diệt khổ ở thế gian và con đường diệt khổ đó, thì mới tự mình tuyên bố rõ là ta đã đạt được Phật đạo.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế nào gọi là thế gian và những gì là năm ấm ở trong thế gian ấy? Năm ấm đó là sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm. Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế nào là sắc ấm? Hoặc như có chúng sinh suy nghĩ rằng: “Nếu như quá khứ ấy không gọi tên là sắc; vị lai, hiện tại không gọi tên là sắc, vì thế mà Phật bảo mọi sở hữu là sắc. Nếu ở nơi quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần hoặc xa, đều được gọi tên là sắc ấm, mà sắc ấm ấy thật không có hình tướng. Ví như không ấm, phong ấm, hỏa ấm, thủy ấm, địa ấm, chỉ có tên gọi thôi. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm lại cũng như vậy, nên dùng sự tương hợp của nhân duyên ấy để nói về các ấm.”
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Hàng phàm phu ngu si tối tăm luôn tham đắm nơi thân mình, không biết rõ về hình tướng của sắc, cho là sắc là ta, là sở hữu của ta, để giữ lấy hình tướng phân biệt mà sinh ra tâm tham đắm. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ta an tọa nơi đạo tràng, ở trong các sự việc ấy không cho là có, không cho là không, mà phát sinh Pháp nhãn. Hàng phàm phu ở những trường hợp không có pháp sở hữu, sinh tâm khao khát yêu mến, cho là pháp bị tan hoại bèn dấy sự buồn khổ lo phiền. Kẻ tham đắm sâu nặng ấy do bị mất chỗ mình tham đắm nên càng thêm mê muội, lầm lạc, liên tiếp tạo các nghiệp xấu ác. Như dùng gạch đá, gậy gộc, gươm giáo, đủ thứ binh khí để sát hại lẫn nhau, do si mê lầm lạc nên khởi tạo nghiệp dữ, gây ra tội lỗi như thế. Như Lai thông đạt các pháp đều bình đẳng, mọi tri kiến cũng bình đẳng nên thuyết giảng chánh kiến. Gọi là chánh kiến tức là bình đẳng, chánh trực, không có cao thấp, đó là hành đạo chân chánh, tu tập chính đáng, giải thoát chân chánh, đạt được những tri kiến ấy nên gọi là chánh kiến.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Phật nói về chánh kiến, chẳng thể chỉ dùng ngôn ngữ vì các vị mà nói suông, phải nên thuận theo lời nói để tu tập.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Các vị đều phải theo đúng pháp tu tập sẽ có được trí tuệ vô lượng, vô biên, đó chính là tám vạn bốn ngàn các Pháp tạng trong một cửa Pháp tạng. Đó gọi là những dấy khởi tạo tác chẳng phải tướng dấy khởi tạo tác.
Lúc Đức Như Lai nói về cửa Pháp tạng ấy, có đến bảy vạn bảy ngàn na-do-tha các vị Phạm thiên vương ở trong các pháp xa lìa bụi bặm phiền não, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Chư Thiên ở cõi Dục giới có tới tám vạn bốn ngàn na-do-tha vị ở trong các pháp đều lìa bỏ phiền não cấu uế, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh; cùng với vô lượng người khác, cũng đối với các pháp xa lìa bụi bặm và có được Pháp nhãn thanh tịnh. Có đến trăm ngàn vạn ức các vị Bồ-tát ở trong trăm ức cõi Diêm-phù-đề, đều ở nơi chúng hội này đạt được pháp Nhẫn vô sinh, cùng với vô lượng, vô biên chúng sinh khác thảy đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thu lại thần lực. Bốn bộ chúng cùng với chư Thiên ở các cõi trời Phạm thế, Phạm trụ, Phạm chúng và trong cõi Dục giới, Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-đà-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… thảy đều tự nhận ra thân mình, trở lại thế giới ấy.