KINH GIẢI THÂM MẬT
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 2
Phẩm 4: TỰ TÁNH (NHẤT THIẾT PHÁP TƯỚNG)
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Đức Bản bạch:
–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói Bồ-tát khéo biết tánh của các pháp, vậy Bồ-tát khéo biết tánh của các pháp như thế nào mới được gọi là Bồ-tát khéo biết tánh của các pháp? Và do đâu mới được Thế Tôn quy định vị Bồ-tát ấy là Bồ-tát khéo biết tánh của các pháp?
Đại Bồ-tát Đức Bản bạch hỏi như vậy rồi, Đức Thế Tôn nói:
–Tốt lắm! Đức Bản! Ông có thể hỏi Như Lai cái nghĩa sâu xa như vậy. Vậy là ông muốn tạo lợi ích yên vui cho vô lượng chúng sinh. Ông thương tưởng cả thế giới loài người và tám bộ loại khác, muốn làm cho họ được lợi thật, được yên vui, nên phát ra câu hỏi vừa rồi. Ông hãy nghe kỹ. Như Lai sẽ nói cho ông về tánh của các pháp.
Này Đức Bản! Tánh của các pháp đại lược có ba mặt: Một là tánh Biến kế chấp; hai là tánh Y tha khởi; ba là tánh Viên thành thật. Tánh Biến kế chấp là thế nào, là tự tánh và sai biệt của các pháp, được giả thiết nhờ danh từ, cho đến làm cho theo đó mà phát sinh ngôn ngữ. Tánh Y tha khởi là thế nào, là đặc tính duyên sinh của các pháp, cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, vô minh duyên sinh hành, cho đến lớn lao. Tánh Viên thành thật là thế nào, là chân như nhất quán của các pháp, chân như mà Bồ-tát phải do các duyên tố tinh tấn dũng mãnh, tác ý đúng lý và tư duy không ngược mới thông đạt, bằng vào sự thông đạt này mà tuần tự tu tập, cho đến Vô thượng Chánh biến giác mới chứng ngộ viên mãn.
Đức Bản! Như người bị bệnh màng mắt, cái màng mắt ấy tánh Biến kế chấp cũng vậy. Như người bị bệnh màng mắt thấy những ảo ảnh tóc, lông, ong, ruồi, lá diếp, dây sắn hay xanh vàng đỏ trắng, những ảo tượng ấy tánh Y tha khởi cũng vậy. Như người mắt đã trong sáng, hết hẳn màng mắt, bản tánh con mắt trong sáng nhìn thấy cảnh vật không thác loạn, cảnh vật không thác loạn ấy tánh Viên thành thật cũng vậy.
Tựa như ngọc bạch châu trong suốt, nếu nhuộm màu xanh thì thấy như ngọc đế thanh, do ngộ nhận là ngọc đế thanh mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu đỏ thì thấy như ngọc hổ phách, do ngộ nhận là ngọc hổ phách mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu lục thì thấy như ngọc sát sắc, do ngộ nhận là ngọc sát sắc mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu vàng thì thấy như hoàng kim, do ngộ nhận là hoàng kim mà làm cho người lầm lẫn thác loạn. Tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt mà có màu sắc, nơi tánh Y tha khởi mà có tập khí ngôn từ của tánh Biến kế chấp thì cũng như vậy; tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt mà có những ngộ nhận đế thanh hổ phách sát sắc hoàng kim, nơi tánh Y tha khởi mà có tánh Biến kế chấp thì cũng như vậy; tương tự ngọc bạch châu trong suốt, tánh Y tha khởi thì cũng như vậy; tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt, đế thanh hổ phách sát sắc hoàng kim luôn luôn và vĩnh viễn không thật có và không đặc tính, nơi tánh Y tha khởi, cái tánh Viên thành thật mà tánh Biến kế chấp luôn luôn vĩnh viễn không thật có và không đặc tính thì cũng như vậy.
Này Đức Bản! Biết do tướng và danh tương ứng làm duyên tố thì biết được tánh Biến kế chấp; nơi tánh Y tha khởi, biết cái chấp của tánh Biến kế chấp làm duyên tố thì biết tánh Y tha khởi; nơi tánh Y tha khởi, biết không có cái chấp của tánh Biến kế chấp làm duyên tố thì biết tánh Viên thành thật.
Lại nữa, nếu Bồ-tát có thể nơi tánh Y tha khởi của các pháp mà đúng như sự thật biết tánh Biến kế chấp, thì thế là đúng như sự thật biết sự vô tướng của các pháp; nếu Bồ-tát đúng như sự thật biết tánh Y tha khởi, thì thế là đúng như sự thật biết sự tạp nhiễm của các pháp; nếu Bồ-tát đúng như sự thật biết tánh Viên thành thật, thì thế là đúng như sự thật biết sự thanh tịnh của các pháp. Bồ-tát nếu nơi tánh Y tha khởi mà đúng như sự thật nhận biết sự vô tướng thì có thể hủy diệt sự tạp nhiễm, nếu có thể hủy diệt sự tạp nhiễm thì có thể chứng đắc sự thanh tịnh.
Này Đức Bản! Bồ-tát do đúng như sự thật mà biết tánh Biến kế chấp, tánh Y tha khởi và tánh Viên thành thật, nên cũng đúng như sự thật mà nhận biết sự vô tướng, sự tạp nhiễm và sự thanh tịnh. Đúng như sự thật mà nhận biết sự vô tướng nên hủy diệt sự tạp nhiễm, hủy diệt sự tạp nhiễm nên chứng đắc sự thanh tịnh: Do đây mà gọi là vị Bồ-tát khéo biết tánh của các pháp và cũng do đây mà Như Lai quy định vị Bồ-tát ấy là Bồ-tát khéo biết tánh của các pháp.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa đã nói nên nói bài tụng sau đây:
Nếu không biết rõ
Về sự vô tướng
Thì sự tạp nhiễm
Không thể hủy diệt,
Nếu sự tạp nhiễm
Không thể hủy diệt
Thì sự thanh tịnh
Không thể chứng đắc.
Không hề quan sát
Lỗi lầm các hành
Sự phóng dật này
Làm hại chúng sinh.
Nên trong hai mặt
Trú pháp, động pháp
Sự nhác làm cho
Đã không lại có:
Mất hỏng đến thế
Thật đáng xót thương.
Phẩm 5: VÔ TÁNH (VÔ TỰ TÁNH TƯỚNG)
Lúc ấy, Đại Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh bạch:
–Bạch Thế Tôn! Con từng một mình ở nơi thanh vắng, tâm trí tầm tư như vầy, bằng nhiều mặt, Thế Tôn đã giảng nói về đặc tính, phát sinh, tận diệt, vĩnh đoạn và biến tri của năm uẩn; như Thế Tôn đã nói năm uẩn, thì Thế Tôn đã nói mười hai xứ, mười hai duyên khởi và bốn thực cũng như vậy; cũng vậy, Thế Tôn đã nói về đặc tính, biến tri, vĩnh đoạn, tác chứng và tu tập của bốn Đế; Thế Tôn đã nói về đặc tính, chủng loại, đa dạng, vĩnh đoạn và biến tri của mười tám giới; Thế Tôn đã nói về đặc tính, chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị, tu tập chưa sinh thì phát sinh, đã sinh thì kiên cố, bội phần tu tập cao lên và rộng ra của bốn Niệm trú; như Thế Tôn đã nói bốn Niệm trú, thì Thế Tôn đã nói bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi và tám Thánh đạo cũng như vậy. Nhưng Thế Tôn lại nói các pháp toàn không, không sinh, không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn. Bạch Thế Tôn! Con chưa hiểu rõ do mật ý nào mà Thế Tôn nói như vậy? Con xin thỉnh vấn Thế Tôn về nghĩa ấy; xin Thế Tôn thương mà giải thích cho chúng con về mật ý mà Thế Tôn nói các pháp toàn không, không sinh, không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh:
–Tốt lắm! Thắng Nghĩa Sinh! Sự tầm tư của ông rất đúng lý. Tốt lắm! Thắng Nghĩa Sinh! Ông có thể hỏi Như Lai cái thâm nghĩa như vậy. Vậy là ông muốn tạo lợi ích yên vui cho vô lượng chúng sinh. Ông thương tưởng cả thế giới loài người và tám bộ loại khác, muốn làm cho họ được lợi thật, được yên vui, nên phát ra câu hỏi vừa rồi. Ông hãy nghe kỹ. Như Lai sẽ giải thích cho ông về mật ý mà Như Lai đã nói rằng các pháp toàn không, không sinh, không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn.
Này Thắng Nghĩa Sinh! Hãy nhận thức rằng Như Lai căn cứ ba vô tánh sau đây mà mật ý nói các pháp toàn không, ấy là Tướng vô tánh, Sinh vô tánh, Thắng nghĩa vô tánh.
Tướng vô tánh là thế nào? Là chính tánh Biến kế chấp của các pháp. Vì sao? Vì tánh ấy do giả danh thiết lập chứ không phải do tự tướng thiếp lập, nên gọi là tướng vô tánh.
Sinh vô tánh là thế nào? Là chính tánh Y tha khởi của các pháp. Vì sao? Vì do cái khác là duyên tố mà có chứ không phải tự nhiên mà có, nên gọi là sinh vô tánh.
Thắng nghĩa vô tánh là thế nào? Là một mặt các pháp do sinh vô tánh mà nói là vô tánh, có nghĩa chính các pháp duyên sinh cũng gọi là thắng nghĩa vô tánh. Vì sao? Vì nơi các pháp, nếu là đối tượng được duyên thanh tịnh thì Như Lai nói là thắng nghĩa vô tánh, mà tánh Y tha khởi không phải đối tượng được duyên thanh tịnh nên cũng gọi là thắng nghĩa vô tánh.
Mặt khác tánh Viên thành thật của các pháp cũng gọi là thắng nghĩa vô tánh. Vì sao? Vì pháp vô ngã của tất cả các pháp thì gọi là thắng nghĩa, thắng nghĩa này cũng gọi là vô tánh, vì nó mới là thắng nghĩa của các pháp và do vô tánh hiển lộ, nên tánh Viên thành thật gọi là thắng nghĩa vô tánh. Tương tự không hoa, tướng vô tánh cũng vậy. Tương tự ảo tượng của ảo thuật, sinh vô tánh cũng vậy, thắng nghĩa vô tánh mặt thứ nhất cũng vậy. Tương tự hư không do sắc tướng vô tánh hiển lộ và phổ biến tất cả, thắng nghĩa vô tánh mặt thứ hai cũng vậy, vì do pháp vô ngã hiển lộ và phổ biến tất cả. Như Lai căn cứ vào ba vô tánh như vậy mà mật ý nói rằng các pháp toàn không.
Này Thắng Nghĩa Sinh! Ông nên biết Như Lai căn cứ tướng vô tánh mà mật ý nói các pháp không sinh, không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn. Vì sao? Vì nếu tự tướng các pháp toàn không thì không sinh, không sinh thì không diệt, không sinh diệt thì bản lai vắng bặt, bản lai vắng bặt thì tự tánh Niết-bàn, trong đó không có chút gì gọi là có để còn phải làm cho nhập vào Niết-bàn, nên Như Lai căn cứ tướng vô tánh mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn. Thế nhưng, Như Lai cũng căn cứ thắng nghĩa vô tánh được hiển lộ do pháp vô ngã mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niếtbàn. Vì sao? Vì thắng nghĩa vô tánh do pháp vô ngã hiển lộ thì, luôn luôn và vĩnh viễn, pháp tánh các pháp là an trú, vô vi, không thích ứng với tất cả tạp nhiễm: Luôn luôn và vĩnh viễn, pháp tánh các pháp là an trú nên vô vi, là vô vi nên không sinh diệt, là không thích ứng với tất cả tạp nhiễm nên bản lai vắng bặt, tự tánh Niếtbàn. Thế nên, Như Lai căn cứ thắng nghĩa vô tánh do pháp vô ngã hiển lộ mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn.
Thắng Nghĩa Sinh! Nhưng không phải vì trong chúng sinh giới có những kẻ nhìn riêng Biến kế chấp cho là tự tánh, cũng không phải vì những kẻ ấy nhìn riêng Y tha khởi hay Viên thành thật cho là tự tánh cả, mà Như Lai thiếp lập ba vô tánh. Như Lai thiếp lập ba vô tánh là vì những kẻ nơi tánh Y tha khởi và tánh Viên thành thật mà tăng thêm tánh Biến kế chấp. Những kẻ ấy, do tánh Biến kế chấp quá khứ nên hiện tại nơi tánh Y tha khởi và tánh Viên thành thật mà hiện khởi ngôn ngữ; như ngôn ngữ hiện khởi như thế nào thì ngôn ngữ huân tập vào tâm như thế ấy, ngôn ngữ phát sinh ra biết, ngôn ngữ liên tục trong tâm, nên nơi tánh Y tha khởi và tánh Viên thành thật mà tăng thêm tánh Biến kế chấp. Vì, như tánh Biến kế chấp thế nào thì, nơi tánh Y tha khởi và tánh Viên thành thật mà tăng thêm tánh Biến kế chấp như thế ấy, nên phát sinh tánh Y tha khởi trong vị lai, nghĩa là bị hoặc tạp nhiễm, bị nghiệp tạp nhiễm, bị sinh tạp nhiễm, nên trong phạm vi sinh tử, những kẻ ấy mãi hoài giong ruổi, trôi lăn, không hề ngừng nghỉ, chịu mọi khổ não trong Nại-lạc-ca (địa ngục), trong bàng sinh, trong ngạ quỷ, trong chư Thiên, trong A-tu-la, trong nhân loại.
Này Thắng Nghĩa Sinh! Với những người từ trước đến giờ chưa gieo trồng thiện căn, chưa làm sạch chướng ngại, chưa thành thục liên tục, chưa tu nhiều thắng giải, chưa thể tích chứa hai thứ tư lương phước đức, trí tuệ, thì Như Lai vì họ, căn cứ sinh vô tánh mà tuyên thuyết pháp chính yếu; nghe pháp chính yếu này rồi, họ có thể tùy sức mà lý giải các hành duyên sinh là không thường hằng, không yên ổn, biến động, hư rã; lý giải như vậy rồi, đối với các hành, họ sợ sệt, chán ghét sâu xa; sợ sệt chán ghét như vậy nên họ kềm chế điều ác, với điều ác thì có khả năng đình chỉ, với điều thiện thì có khả năng tu tập; tu tập điều thiện nên chưa gieo trồng thiện căn thì có thể gieo trồng, chưa làm sạch chướng ngại thì có thể làm sạch, chưa thành thục liên tục thì có thể thành thục và do vậy mà tu nhiều thắng giải, dồn nhiều hai thứ tư lương phước đức, trí tuệ. Tuy gieo trồng thiện căn cho đến dồn nhiều hai thứ tư lương phước đức, trí tuệ, nhưng đối với sinh vô tánh, họ vẫn chưa như thật thấu triệt tướng vô tánh và hai thắng nghĩa vô tánh, nghĩa là đối với các hành, họ vẫn chưa chán ghét chính xác, chưa lìa dục chính xác, chưa giải thoát chính xác, chưa giải thoát toàn thể hoặc tạp nhiễm, chưa giải thoát toàn thể nghiệp tạp nhiễm, chưa giải thoát toàn thể sinh tạp nhiễm, nên Như Lai nói thêm pháp yếu cho họ về tướng vô tánh và thắng nghĩa vô tánh, vì muốn làm cho họ đối với các hành có thể chán ghét chính xác, lìa dục chính xác, giải thoát chính xác, vượt qua toàn thể hoặc tạp nhiễm, vượt qua toàn thể nghiệp tạp nhiễm, vượt qua toàn thể sinh tạp nhiễm; được nghe pháp yếu Như Lai nói thêm cho như vậy, nên, đối với sinh vô tánh, họ có thể tin hiểu tường tận về tướng vô tánh và thắng nghĩa vô tánh, lựa lọc suy xét, thấu suốt chính xác, nghĩa là nơi tánh Y tha khởi họ không còn chấp tánh Biến kế chấp, cái trí không còn huân tập theo ngôn ngữ, không còn nhận thức theo ngôn ngữ, không còn liên tục theo ngôn ngữ, nên họ có thể hủy diệt tánh Y tha khởi, ngay trong hiện tại họ được nắm giữ bởi sức mạnh của cái trí như trên nên vĩnh viễn diệt được cái nhân đời sau, tức là đối với các hành họ chán ghét chính xác, lìa dục chính xác, giải thoát chính xác, giải thoát toàn thể hoặc, nghiệp, sinh, ba loại tạp nhiễm.
Thắng Nghĩa Sinh! Những người có chủng tánh đi theo Thanh văn thừa cũng do con đường và dấu đi này mà được Niết-bàn yên ổn tối thượng, những người có chủng tánh đi theo Độc giác thừa, những người có chủng tánh đi theo Như Lai thừa, cũng do con đường và dấu đi này mà được Niết-bàn yên ổn tối thượng; tất cả các vị Thanh văn Độc giác Bồ-tát cùng đi con đường sạch sẽ tinh tế và duy nhất này, cùng được sự thanh tịnh toàn hảo và duy nhất này, chứ không có con đường và sự thanh tịnh thứ hai, nên Như Lai căn cứ sự thể ấy mà mật ý nói chỉ có Nhất thừa. Chứ không phải trong chúng sinh giới không có những chủng tánh khác nhau, hoặc độn căn, hoặc trung căn, hoặc lợi căn. Do vậy, nếu người có chủng tánh Thanh văn một chiều đi đến Niết-bàn, thì dầu được ơn Phật thiếp lập đủ cách cải hoán hướng dẫn cho họ tu hành dũng mãnh đi nữa, cũng không bao giờ có thể làm cho họ sẽ ngồi nơi Bồ-đề tràng mà chứng được vô thượng giác. Vì sao? Vì họ vốn chỉ có chủng tánh thấp kém, một chiều Từ bi bạc nhược, một chiều khiếp sợ khổ sở; vì một chiều Từ bi bạc nhược nên họ một chiều trái bỏ những công hạnh tạo lợi ích cho chúng sinh, vì một chiều khiếp sợ khổ sở nên họ một chiều trái bỏ những thệ nguyện phát khởi công hạnh và Như Lai không bao giờ nói những người một chiều trái bỏ công hạnh tạo lợi ích cho chúng sinh và một chiều trái bỏ thệ nguyện phát khởi công hạnh sẽ được ngồi nơi Bồ-đề tràng và thành tựu vô thượng giác, nên Như Lai gọi những người này là Thanh văn một chiều đi đến Niết-bàn. Nếu người có chủng tánh Thanh văn xoay lại hướng về Bồ-đề, thì Như Lai cũng dùng cách nói khác mà nói họ là Bồ-tát. Vì sao? Vì họ giải thoát phiền não chướng rồi, khi được ơn Phật thức tỉnh cho, thì đối với sở tri chướng họ cũng sẽ được giải thoát; chỉ do từ nguyên thỉ họ vì tự lợi mà tu hành những cách giải thoát phiền não chướng, nên Như Lai nói họ là chủng tánh Thanh văn.
Này Thắng Nghĩa Sinh! Như thế, trong chánh pháp mà Như Lai khéo tuyên thuyết, khéo quy định và được nói ra do ý muốn rất trong sạch, vẫn có những nhận thức khác nhau của nhiều hạng người. Như Lai vốn căn cứ ba vô tánh như trên, nhưng do mật ý sâu xa, nên trong những kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo mà Như Lai đã nói, Như Lai nói pháp yếu theo cách nói kín đáo, rằng các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn.
Một, đối với kinh pháp như vậy, người đã gieo trồng thiện căn thượng phẩm, đã làm sạch chướng ngại, đã thành thục liên tục, đã tu nhiều thắng giải, đã dồn chứa được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ thượng phẩm, thì nghe kinh pháp như vậy rồi, người ấy thấu hiểu đúng như sự thật lời nói mật ý sâu xa của Như Lai: Người ấy tin hiểu sâu xa kinh pháp như vậy, đối với nghĩa lý của kinh pháp như vậy người ấy dùng cái trí tuệ không đảo ngược mà thông suốt đúng như sự thật, rồi dựa vào sự thông suốt này mà khéo léo tu tập, nên mau chóng đạt đến sự cứu cánh cùng cực; và đối với Như Lai, người ấy phát sinh một cách sâu xa đức tin trong sáng, nhận thức Như Lai là Bậc Ứng Cúng Chánh Biến Giác, đã Chánh biến giác tất cả các pháp.
Hai, người đã gieo trồng thiện căn thượng phẩm, đã làm sạch chướng ngại, đã thành thục liên tục, đã tu nhiều thắng giải, nhưng chưa dồn chứa được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ thượng phẩm, mà tính họ chất trực, họ thuộc loại chất trực, dầu bất lực trong việc suy nghĩ chọn lựa những sự phế bỏ và thiếp lập, họ vẫn không đứng yên trong sự giữ chặt ý kiến của mình; do đó, họ nghe kinh pháp như vậy rồi, dầu bất lực trong sự thấu hiểu đúng như sự thật lời nói mật ý sâu xa của Như Lai, nhưng đối với kinh pháp như vậy họ vẫn có thắng giải, vẫn sinh đức tin trong sáng: Tin rằng kinh pháp như vậy là do Như Lai nói, là rất sâu xa, biểu lộ sự sâu xa, thích hợp đạo lý không, khó thấy khó hiểu, không thể tầm tư, không phải là lĩnh vực tầm tư biết thấu, mà là nhỏ nhiệm, xác thật, những người tuệ giác sáng suốt biết thấu; đối với nghĩa lý được nói trong kinh pháp như vậy thì họ khiêm tốn mà tự nói rằng tuệ giác Thế Tôn cực kỳ sâu xa, pháp tánh các pháp cũng cực kỳ sâu xa, chỉ Thế Tôn mới thấu triệt một cách khéo léo chứ không phải là cái mình hiểu nổi; Thế Tôn thuyết pháp cho những người thắng giải khác nhau, thấy và biết của Thế Tôn không có giới hạn, thấy và biết của mình chỉ bằng lỗ chân trâu bò; đối với kinh pháp như vậy họ tôn kính như thế và đem nói cho người, sao chép, bảo tồn, đọc tụng, truyền bá, thiết tha, hiến cúng, học hỏi, tụng thuộc, ôn tập, nhưng chưa thể đem cái tu của mình mà làm theo. Do vậy, họ chưa thể thông suốt lời chữ của Như Lai mật ý sâu xa nói ra, nhưng cũng do vậy mà họ vẫn tăng trưởng được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ và người đời sau thì thành thục được cái chưa thành thục.
Ba, người chưa gieo trồng thiện căn thượng phẩm, cho đến chưa dồn chứa được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ thượng phẩm, tính không chất trực, không thuộc loại chất trực, dầu có sức lực trong việc suy nghĩ chọn lựa những sự phế bỏ và thiếp lập, nhưng vẫn đứng yên trong sự giữ chặt ý kiến của mình, thì họ nghe kinh pháp như vậy không thể thấu hiểu đúng như sự thật lời nói mật ý sâu xa của Như Lai, dầu tin hiểu kinh pháp như vậy nhưng đối với nghĩa lý kinh pháp như vậy thì chấp trước theo ngôn ngữ, cho các pháp quyết định toàn không, quyết định không sinh không diệt, quyết định bản lai vắng bặt, quyết định tự tánh Niết-bàn. Do vậy, đối với các pháp, họ thấy không, thấy không tánh, vì thấy không và thấy không tánh nên phủ nhận rằng các tánh đều không tánh, nghĩa là họ bài bác tất cả tánh Biến kế chấp, tánh Y tha khởi và tánh Viên thành thật của các pháp. Vì sao? Vì biết họ bài bác tất cả, vì có tánh Y tha khởi và tánh Viên thành thật mới thiếp lập tánh Biến kế chấp, nếu tánh Y tha khởi và tánh Viên thành thật mà thấy là không tánh cả thì thế là bài bác cả tánh Biến kế chấp, thế nên Như Lai nói họ bài bác tất cả ba tánh và như thế thì dầu đối với kinh pháp của Như Lai họ thấy là kinh pháp, nhưng đối với phi nghĩa lý họ thấy là nghĩa lý, vì kinh pháp thấy là kinh pháp nhưng phi nghĩa lý thấy là nghĩa lý, nên họ nắm lấy kinh pháp làm kinh pháp và nắm lấy phi nghĩa lý làm nghĩa lý: Họ tin hiểu kinh pháp nên phước đức tăng trưởng, nhưng chấp trước phi nghĩa lý nên trí tuệ lui mất, trí tuệ lui mất nên lui mất vô số pháp thiện quảng đại. Người nào nghe họ nói một cách cho kinh pháp là kinh pháp nhưng cho phi nghĩa lý là nghĩa lý, rồi chấp thuận kiến thức của họ thì cũng cho kinh pháp là kinh pháp nhưng cho phi nghĩa lý là nghĩa lý, vì cho kinh pháp là kinh pháp nhưng cho phi nghĩa lý là nghĩa lý nên, cũng như họ, người này lui mất pháp thiện. Còn người nào không chấp thuận kiến thức của họ, nhưng đột nhiên nghe họ nói các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn, thì sinh ra sợ hãi, sợ hãi như thế nên nói kinh pháp như vậy không phải Phật nói mà là ma nói; do nhận định này mà phỉ báng lăng mạ kinh pháp như vậy, do phỉ báng thóa mạ kinh pháp như vậy mà bị đại suy tổn, chạm đại nghiệp chướng, vì thế, Như Lai nói ai cho các tánh toàn là không tánh, nghĩa là lấy phi nghĩa lý làm nghĩa lý, thì đó là phương cách tiện lợi nổi đại nghiệp chướng, vì họ làm cho vô số chúng sinh phải bị sa đọa mà tạo đại nghiệp chướng.
Bốn, người chưa gieo trồng thiện căn, chưa làm sạch nghiệp chướng, chưa thành thục liên tục, không tu nhiều thắng giải, chưa dồn chứa hai thứ tư lương phước đức trí tuệ, tính không chất trực, không thuộc loại chất trực, dầu có sức lực trong việc suy nghĩ chọn lựa những sự phế bỏ và thiếp lập, nhưng thường đứng yên trong sự cố thủ kiến thức của mình, thì nghe kinh pháp như vậy họ không thể thấu hiểu đúng như sự thật về lời nói mật ý sâu xa của Như Lai, cũng không tin hiểu kinh pháp như vậy, nên kinh pháp cho là phi kinh pháp, nghĩa lý cho là phi nghĩa lý; kinh pháp cho là phi kinh pháp và nghĩa lý cho là phi nghĩa lý, nên nói rằng kinh pháp như vậy không phải Phật nói mà là ma nói và nhận định này làm cho họ phỉ báng thóa mạ kinh pháp như vậy là hư dối, bằng lắm cách, họ hủy diệt, xô đổ kinh pháp như vậy, những ai tin hiểu kinh pháp như vậy thì bị họ coi là kẻ thù; họ, trước kia bị nghiệp chướng làm cho chướng ngại, nay do lý do trên mà bị nghiệp chướng tiếp tục chướng ngại và nghiệp chướng này mở đầu có vẻ giản dị, nhưng rồi chịu khổ trong thời kỳ bằng trăm ngàn câu-chi na-do-tha, khó có lúc thoát khỏi.
Này Thắng Nghĩa Sinh! Như thế, trong chánh pháp mà Như Lai khéo tuyên thuyết, khéo quy định và được nói ra bởi ý muốn cực kỳ trong sạch, vẫn có những nhận thức khác nhau của nhiều hạng người như vậy.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa đã nói nên nói bài tụng sau đây:
Tất cả các pháp
Toàn là không cả
Không sinh không diệt
Bản lai vắng bặt,
Tự tánh các pháp
Vốn thường niết-bàn
Lời có trí này
Sao không mật ý?
Tướng vô tự tánh
Sinh vô tự tánh
Nghĩa vô tự tánh
Ba thứ như vậy
Như Lai căn cứ
Mà nói lời trên
Nếu không biết được
Mật ý như lai,
Thì mất đường chính
Không đi đến đâu
Các vị trong sạch
Toàn do đường ấy
Đường ấy duy nhất
Không đường thứ hai
Do sự thể này
Lập ra nhất thừa
Không phải chúng sinh
Chủng tánh đồng nhất.
Nên trong chúng sinh
Có vô số người
Chỉ đưa bản thân
Đi đến Niết-bàn,
Và thật hiếm có
Những ai đại Bi
Tinh tấn dũng mãnh
Chứng đại niết-bàn
Không hề bỏ rơi
Hết thảy chúng sinh.
Trong giới vô lậu
Nhiệm mầu khó xét
Thì sự giải thoát
Thật là đồng đẳng,
Hoàn thành chân thật
Thoát ly khổ não
Nên còn được gọi
Hai cách gọi khác
Hoặc gọi là thường
Hoặc gọi là lạc.
Lúc ấy, Đại Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh bạch:
–Bạch Thế Tôn! Ngôn ngữ mật ý của Thế Tôn thật rất kỳ lạ, rất hiếm có! Cho đến tinh tế và rất tinh tế, sâu xa và rất sâu xa, khó thấu triệt và rất khó thấu triệt. Nay, theo ý nghĩa của Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà giả danh thiếp lập làm tự tánh và sai biệt của sắc uẩn, giả danh thiếp lập làm tự tánh và sai biệt của sắc uẩn phát sinh, của sắc uẩn diệt tận, của vĩnh đoạn sắc uẩn, của biến tri sắc uẩn, sự giả danh thiếp lập ấy gọi là tánh Biến kế chấp, cũng vậy Thế Tôn căn cứ tánh Biến kế chấp như vậy mà thiếp lập tướng vô tánh; còn chính các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào thì gọi là tánh Y tha khởi và Thế Tôn căn cứ tánh Y tha khởi như vậy mà thiếp lập sinh vô tánh và một phần của thắng nghĩa vô tánh; và cứ như thế, theo ý nghĩa của Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì chính nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà thấy tánh Biến kế chấp không thật có: cái tánh không thật có tánh Biến kế chấp này, tức chân như do pháp vô ngã hiển lộ và là đối tượng được duyên thanh tịnh này, gọi là tánh Viên thành thật và Thế Tôn căn cứ tánh Viên thành thật như vậy mà thiếp lập một phần nữa của thắng nghĩa vô tánh. Như đối với sắc uẩn được nói như vậy thì đối với các uẩn khác cũng nên nói rõ như vậy; như đối với năm uẩn được nói như vậy thì đối với mười hai xứ, mỗi xứ cũng nên nói rõ như vậy, đối với mười hai hữu chi mỗi hữu chi cũng nên nói rõ như vậy, đối với bốn thật mỗi thật cũng nên nói rõ như vậy, đối với ba lần sáu giới tức mười tám giới mỗi giới cũng nên nói rõ như vậy.
Nay, theo ý nghĩa của Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì nơi các hành của phân biệt biết đến và Biến kế dựa vào mà giả danh thiếp lập làm tự tánh và sai biệt của Khổ đế và của Biến tri khổ đế, sự giả danh thiếp lập ấy gọi là tánh Biến kế chấp và Thế Tôn căn cứ tánh Biến kế chấp như vậy mà thiếp lập tướng vô tánh; còn chính các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào thì gọi là tánh Y tha khởi, cũng vậy Thế Tôn căn cứ tánh Y tha khởi như vậy mà thiếp lập sinh vô tánh và một phần của thắng nghĩa vô tánh; và cứ như thế, theo ý nghĩa của Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì chính nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà thấy tánh Biến kế chấp không thật có, tức cái tánh không thật có của tánh Biến kế chấp này, tức chân như do pháp vô ngã hiển lộ và là đối tượng được duyên thanh tịnh này, gọi là tánh Viên thành thật và Thế Tôn căn cứ tánh Viên thành thật như vậy mà thiếp lập một phần nữa của thắng nghĩa vô tánh. Như đối với Khổ đế được nói như vậy thì đối với các đế khác cũng nên nói rõ như vậy; như đối với bốn Đế được nói như vậy thì đối với bốn Niệm trú, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi và tám Thánh đạo, mỗi thứ cũng nên nói rõ như vậy.
Nay, theo ý nghĩa của Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà giả danh thiếp lập làm tự tánh và sai biệt của chánh định, của các sự của chánh định là chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị, chính tu chưa sinh thì phát sinh, đã sinh thì kiên cố, bội tu thì cao lên và rộng ra, sự giả danh thiếp lập ấy gọi là tánh Biến kế chấp, Thế Tôn căn cứ tánh Biến kế chấp như vậy mà thiết lập tướng vô tánh; còn chính các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào thì gọi là tánh Y tha khởi; Thế Tôn căn cứ tánh Y tha khởi như vậy mà thiết lập sinh vô tánh và một phần của thắng nghĩa vô tánh; và cứ như thế, theo ý nghĩa của Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì chính nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà thấy tánh Biến kế chấp không thật có, tức cái tánh không thật có tánh Biến kế chấp này, tức chân như do pháp vô ngã hiển lộ và là đối tượng được duyên thanh tịnh này, gọi là tánh Viên thành thật, cũng vậy Đức Thế Tôn căn cứ tánh Viên thành thật như vậy mà thiết lập một phần nữa của thắng nghĩa vô tánh.
Bạch Thế Tôn! Như thuốc Tỳ-thấp-phược thì nên để khắp
trong các phương thuốc tán và thuốc tiên; tương tự như vậy, “do ba vô tánh nên các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn”, pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo này nên để vào khắp trong các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo. Như bột vẽ màu thì có khắp trong tất cả nét vẽ, làm cho những nét vẽ ấy đều cùng một màu hoặc xanh hoặc vàng hoặc đỏ hoặc trắng, lại làm cho rõ ra những nét vẽ ấy; tương tự như vậy, “do ba vô tánh nên các pháp toàn không cho đến tự tánh Niết-bàn”, pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo này có khắp trong tất cả các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo, làm cho các kinh ấy cùng một ý vị, lại làm cho rõ ra nghĩa lý chưa hoàn hảo trong các kinh ấy. Như những thực phẩm bánh trái đã chín và quý mà bỏ sữa chín vào thì càng thêm mùi vị đặc biệt; tương tự như vậy, “do ba vô tánh nên các pháp toàn không cho đến tự tánh Niết-bàn”, pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo này đặt vào các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo thì càng làm sinh ra nỗi thích thú siêu việt. Như hư không thì khắp nơi đều cùng một đặc tính, ấy là không trở ngại mọi sự việc; tương tự như vậy, “do ba tự tánh nên các pháp toàn không cho đến tự tánh Niết-bàn”, pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo này thì khắp trong các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo đều cùng một đặc tính, ấy là không trở ngại việc tu của Thanh văn, Độc giác và Đại thừa.
Đại Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh thưa như vậy rồi, Thế Tôn bảo:
–Tốt lắm! Thắng Nghĩa Sinh! Ông khéo lý giải về ý nghĩa của lời nói mật ý rất sâu xa mà Như Lai đã nói. Ông lại khéo ví dụ về ý nghĩa ấy, ví như thuốc Tỳ-thấp-phược, như bột vẽ màu, như sữa chín, như hư không. Thắng Nghĩa Sinh! Đúng vậy! Đúng như ông nói chứ không có gì khác hơn nữa. Ông hãy tiếp nhận và lý giải đúng như vậy.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh lại bạch:
–Bạch Thế Tôn! Xưa kia, trong thời kỳ đầu tiên, khi ở trong rừng ban cho loài nai, chỗ Tiên nhân Ba-la-niệt-tư-sa xuống, Thế Tôn chỉ vì những vị có xu hướng Thanh văn thừa, căn cứ đạo lý Tứ đế mà chuyển pháp luân, tuy rất lạ, rất hiếm, bao nhiêu người trời trong thế giới không ai chuyển được đúng cách, nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ này vẫn có cái trên nữa, vẫn chịu đựng đả phá, là nghĩa lý chưa hoàn hảo, là nơi đặt chân của sự tranh luận. Kế đó, trong thời kỳ thứ hai, Thế Tôn chỉ vì những vị có xu hướng Đại thừa, căn cứ đạo lý “các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn”, dùng sự ẩn mật mà chuyển pháp luân, tuy càng rất lạ, càng rất hiếm nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ này vẫn còn có cái trên nữa, vẫn còn chịu đựng đả phá, vẫn là nghĩa lý chưa hoàn hảo, vẫn là nơi đặt chân của sự tranh luận. Còn nay, trong thời kỳ thứ ba, Thế Tôn khắp vì các vị có xu hướng Nhất thế thừa, căn cứ đạo lý “do ba vô tánh nên các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn”, dùng sự minh bạch mà chuyển pháp luân, càng rất lạ nhất, càng rất hiếm nhất và pháp luân được chuyển hiện nay không còn có cái gì trên nữa, không còn chịu đựng sự đả phá nữa, nghĩa lý đích thật hoàn hảo, không còn là nơi đặt chân của sự tranh luận.
Bạch Thế Tôn! Đối với pháp thoại rất sâu xa và rất hoàn hảo của Thế Tôn căn cứ đạo lý “do ba vô tánh nên các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết-bàn” mà nói ra đây, nếu thiện nam hay thiện nữ nào nghe rồi tin hiểu, sao chép, bảo tồn, hiến cúng, truyền bá, học hỏi, tụng thuộc, tu tập, tư duy đúng lý và đem sự tu của mình mà nỗ lực tu tập, thì phát sinh được bao nhiêu phước đức?
Đại Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh thưa như vậy rồi, Đức Thế Tôn nói:
–Này Thắng Nghĩa Sinh! Thiện nam hay thiện nữ như vậy được phước vô số, vô lượng, khó thể đối chiếu và nhận thức. Như Lai nay chỉ nói cho ông một phần nhỏ. Đất nơi móng tay mà so sánh với đất cả đại địa thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn, không bằng một phần sổ, toán, kế, dụ, Ô-ba-ni Sát-đàm. Nước trong lỗ chân trâu bò mà so sánh với nước cả bốn đại dương thì không bằng một phần trăm, cho đến không bằng một phần Ô-ba-ni Sát-đàm. Tương tự như vậy, đối với các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo mà nghe rồi tin hiểu, cho đến đem sự tu của mình mà nỗ lực tu tập, cái phước như vậy đem so sánh với cái phước nghe rồi tin hiểu, cho đến đem cái tu của mình mà nỗ lực tu tập đối với pháp thoại nghĩa lý đã hoàn hảo này, thì không bằng một phần trăm, cho đến không bằng một phần Ô-ba-ni Sát-đàm.
Khi Đức Thế Tôn dạy như vậy rồi, Đại Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh lại thưa:
–Bạch Thế Tôn! Trong toàn bộ pháp thoại Giải Thâm Mật, pháp thoại này nên mệnh danh là gì? Chúng con phải kính cẩn ghi nhớ như thế nào?
Đức Thế Tôn nói:
–Này Thắng Nghĩa Sinh! Pháp thoại này tên là Nghĩa Lý Hoàn Hảo Về Thắng Nghĩa. Ông hãy kính cẩn ghi nhớ theo cái tên như vậy.
Khi Đức Thế Tôn nói pháp thoại Nghĩa Lý Hoàn Hảo Về Thắng Nghĩa này thì trong đại hội có sáu trăm ngàn chúng sinh phát tâm Vô thượng Bồ-đề; ba trăm ngàn Thanh văn lánh xa bụi bặm, tách rời dơ bẩn, đối với các pháp thì được mắt pháp trong sáng; một trăm năm mươi ngàn Thanh văn hết hẳn mọi lậu hoặc, tâm được giải thoát; bảy mươi lăm ngàn Bồ-tát được Vô sinh pháp nhẫn.