KINH GIẢI THÂM MẬT
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 3

Phẩm 6: DU-GIÀ (PHÂN BIỆT DU-GIÀ)

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Trong Đại thừa, các vị Bồ-tát y cứ vào chỗ nào và trú vào chỗ nào để tu tập Chỉ Quán?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Hãy nhận thức rằng trong Đại thừa, các vị Bồ-tát tu tập Chỉ Quán thì lấy giáo pháp của Như Lai thiết lập mà làm chỗ y cứ, lấy sự không bỏ mất tâm nguyen Vô thượng Bồ-đề mà làm chỗ an trú.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói có bốn đối cảnh của đối tượng được duyên:

  1. Có phân biệt.
  2. Không phân biệt.
  3. Biên tế của các pháp.
  4. Sở tác thành tựu.

Bốn đối cảnh này mấy là đối tượng được duyên của chỉ, mấy là đối tượng được duyên của quán, mấy là đối tượng được duyên của cả Chỉ Quán?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Một là đối tượng được duyên của chỉ, đó là đối cảnh không phân biệt; một là đối tượng được duyên của quán, đó là đối cảnh có phân biệt; hai là đối tượng được duyên của cả chỉ và quán, đó là đối cảnh biên tế của các pháp và đối cảnh sở tác thành tựu.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát do bốn đối cảnh của đối tượng được duyên như trên mà cầu về chỉ và khéo về quán là như thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Giáo pháp của Như Lai thiết lập cho Bồ-tát là Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Thí dụ, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Hy pháp, Luận nghị; đối với giáo pháp ấy, Bồ-tát khéo lắng nghe, khéo tiếp nhận, văn khéo rành rẻ, ý khéo tìm tòi, thấy khéo thông suốt; rồi chính nơi giáo pháp phải khéo tư duy như vậy, Bồ-tát một mình ở chỗ không phiền không ồn mà tác ý tư duy; sự tư duy này phải được nội tâm liên tục tác ý tư duy: hễ đứng vững rất nhiều trong cái chánh hạnh ấy, sinh ra sự khinh an nơi thân và sự khinh an nơi tâm, thì đó là chỉ và Bồ-tát như vậy là cầu về chỉ. Bồ-tát này do cái thân tâm khinh an trên đây làm nền tảng, đối với ấn tượng chánh định theo giáo pháp phải khéo tư duy nói trên, hãy quan sát, thắng giải, bỏ cái tâm tướng về chỉ: Hễ đối với ấn tượng chánh định cần phải chứng biết ấy mà chính xác quyết trạch, cùng cực quyết trạch, tầm tư toàn bộ, tứ sát toàn bộ, rồi xác nhận, ưa thích, hiểu biết, nhìn thấy, xét thấy, thì đó là quán và Bồ-tát như vậy là khéo về quán.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát từ khi lấy ấn tượng của tâm mà làm đối tượng, nội tâm tư duy tâm, cho đến lúc chưa được thân tâm khinh an, thì sự tác ý trong thời gian đó nên gọi là gì?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam, đó chưa phải là tác ý về chỉ, mà là tác ý thích thú sự thắng giải tùy thuận với chỉ.

–Bạch Thế Tôn! Cho đến lúc chưa được thân tâm khinh an, Bồtát có sự tác ý tư duy đối với ấn tượng chánh định theo giáo pháp phải tư duy, sự tác ý đó nên gọi là gì?

–Thiện nam! Đó chưa phải là tác ý về quán, mà là tác ý thích ứng sự thắng giải tùy thuận với quán.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Chỉ với quán nên nói có khác nhau hay nên nói không khác nhau?

Đức Thế Tôn dạy Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Nên nói không phải có khác nhau, cũng không phải không khác nhau. Tại sao không phải có khác nhau, vì chỉ lấy cái tâm đối tượng của quán mà làm đối tượng của nó; tại sao không phải không khác nhau, vì ấn tượng có phân biệt của quán không phải là ấn tượng của nó.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Ấn tượng chánh định của quán cùng với tâm thức chánh định ấy nên nói có khác hay nên nói không khác?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị: –Thiện nam! Nên nói không khác.

–Bạch Thế Tôn! Vì sao không khác?

–Thiện nam! Vì ấn tượng ấy chỉ là tâm thức. Thiện nam! Như Lai nói cái gì thức biết thì cái ấy chỉ do thức hiện.

–Bạch Thế Tôn! Nếu ấn tượng tâm thức không khác tâm thức thì làm sao tâm thức trở lại nhận thấy tâm thức?

–Thiện nam! Ở đây không có chút pháp nào nhận thấy chút pháp nào, nhưng chính tâm thức khi sinh ra thế nào thì hình thành đối tượng thế ấy. Như có kẻ nhờ mặt gương trong sáng rồi chính thân mình làm duyên tố mà thấy thân mình, nhưng bảo mình thấy hình ảnh, lại bảo hình ảnh đó biệt lập với thân mình; tương tự như vậy, khi tâm thức sinh ra thì thấy như có ấn tượng chánh định biệt lập hình thành.

–Bạch Thế Tôn! Như vậy thì chúng sinh ở trong đặc chất của mình chứ không phải ở trong chánh định mà nhận thức sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấn tượng ấy với nhận thức ấy cũng không khác nhau chăng?

–Thiện nam! Cũng không khác nhau; nhưng kẻ ngu ngơ thì vì ảo giác thác loạn, không nhận thức ấn tượng một cách đúng như sự thật của chúng chỉ là tâm thức, nên sinh ra ngộ nhận.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Căn cứ vào đâu mà nói Bồ-tát một chiều tu quán?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Y cứ nơi sự liên tục tác ý chỉ tư duy ấn tượng của tâm.

–Bạch Thế Tôn! Y cứ vào đâu mà nói là Bồ-tát một chiều tu chỉ?

–Thiện nam! Y cứ nơi sự liên tục tác ý chỉ tư duy tâm ấy liên tục.

–Bạch Thế Tôn! Y cứ vào đâu thì nên nói là Bồ-tát chỉ quán hòa hợp cùng có?

–Thiện nam! Y cứ nơi sự chính xác tư duy về tâm đồng nhất cảnh.

–Bạch Thế Tôn! Ấn tượng của tâm là gì?

–Thiện nam! Đó là ấn tượng có phân biệt của chánh định mà quán chuyên chú vào.

–Bạch Thế Tôn! Tâm ấy liên tục là gì?

–Thiện nam! Là cái tâm chuyên chú ấn tượng nói trên mà chỉ chuyên chú vào.

–Bạch Thế Tôn! Tâm đồng nhất cảnh là gì?

–Thiện nam! Là thấu triệt rằng ấn tượng chánh định là duy thức, hoặc thấu triệt như vậy rồi lại tư duy về chân như.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Quán có mấy thứ?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Đại khái quán có ba thứ, một là có tướng, hai là tầm cầu, ba là tứ sát. Quán có tướng là gì, là sự quán thuần tư duy ấn tượng có phân biệt của chánh định; quán tầm cầu là gì, là sự quán nhờ tuệ nên tác ý tư duy để khéo thấu hiểu đối với toàn bộ các pháp chưa khéo thấu hiểu; quán tứ sát là gì, là sự quán nhờ tuệ nên tác ý tư duy để khéo chứng ngộ và cực giải thoát đối với các pháp đã khéo thấu hiểu.

–Bạch Thế Tôn! Chỉ có mấy thứ?

–Thiện nam! Do chính cái tâm liên tục theo quán nên chỉ cũng có ba thứ; lại có tám thứ, đó là bốn Tĩnh lự và bốn Không định, mỗi thứ là một chỉ; lại có bốn thứ, đó là bốn vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả, mỗi thứ là một chỉ.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói Chỉ Quán dựa vào pháp, lại nói Chỉ Quán không dựa vào pháp, vậy thế nào là Chỉ Quán dựa vào pháp, thế nào là Chỉ Quán không dựa vào pháp?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Nếu Bồ-tát tùy thuận cái pháp đã tiếp nhận và tư duy và Chỉ Quán đạt được bởi nghĩa lý của pháp ấy thì gọi là Chỉ Quán dựa vào pháp; nếu Bồ-tát chưa có cái pháp đã tiếp nhận và tư duy, chỉ dựa vào sự chỉ dạy của người khác và Chỉ Quán đạt được bởi nghĩa lý của sự chỉ dạy ấy, như quán thân thể bất tịnh, các hành vô thường, các hành khổ não, các pháp vô ngã, Niết-bàn vắng lặng, những loại Chỉ Quán như vậy gọi là Chỉ Quán không dựa vào pháp. Dựa vào pháp mà được Chỉ Quán thì Như Lai quy định đó là Bồ-tát tùy pháp hành, là Bồ-tát lợi căn; không dựa vào pháp mà được Chỉ Quán thì Như Lai quy định đó là Bồ-tát tùy tín hành, là Bồ-tát độn căn.

Đại Bồ-tát Từ Thị lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói Chỉ Quán để nương vào pháp riêng biệt, lại nói Chỉ Quán vin vào pháp tổng quát, vậy Chỉ Quán nương vào pháp riêng biệt là thế nào, Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát là thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Nếu Bồ-tát nương vào mỗi pháp Khế kinh cho đến Luận nghị, đúng như pháp đã tiếp nhận và tư duy mà tu Chỉ Quán, thì gọi là Chỉ Quán nương vào pháp riêng biệt; nếu Bồ-tát nương vào các pháp Khế kinh cho đến Luận nghị, tập hợp lại làm một viên, một phần, một khối, tác y tư duy các pháp ấy bằng cách tùy thuận chân như, xu hướng chân như, đi vào chân như, tùy thuận Bồ-đề, tùy thuận Niết-bàn, tùy thuận chuyển y, xu hướng các pháp này, đi vào các pháp này, từ các pháp này thuyết ra vô lượng, vô số pháp thiện, tư duy như vậy mà tu Chỉ Quán thì gọi là Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát.

Đại Bồ-tát Từ Thị lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát nhỏ, Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát lớn, Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát vô lượng, vậy thế nào là Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát nhỏ, thế nào là Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát lớn, thế nào là Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát vô lượng?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Nếu nương vào mỗi Khế kinh riêng biệt cho đến mỗi Luận nghị riêng biệt mà làm một viên một khối để tác ý tư duy, thì nên biết như thế đó gọi là Chỉ Quán nương pháp tổng quát nhỏ; nếu nương vào các Khế kinh cho đến các Luận nghị đã tiếp nhận và tư duy mà làm một viên một khối để tác ý tư duy, chứ không phải chỉ nương vào mỗi giáo pháp riêng biệt, thì nên biết như thế đó gọi là Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát lớn; nếu nương vào vô lượng giáo pháp của Như Lai bằng cách nương vào vô lượng văn từ pháp nghĩa của giáo pháp ấy, vào vô lượng pháp được soi tỏ bởi vô lượng tuệ của các giai đoạn liên tiếp sau đó, mà làm một viên một khối để tác ý tư duy, chứ không phải chỉ nương vào các pháp đã tiếp nhận và tư duy, thì nên biết như thế đó gọi là Chỉ Quán nương pháp tổng quát vô lượng.

Đại Bồ-tát Từ Thị lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát y cứ vào đâu thì gọi là đạt được Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Y cứ vào năm hiệu quả sau đây thì gọi là đạt được:

  1. Khi tư duy thì trong từng sát-na đã tiêu dung chỗ dựa của mọi thứ thô trọng.
  2. Bỏ phân biệt mà được pháp lạc.
  3. Mở tỏ vô số ánh sáng của cái pháp không phân biệt khắp trong mười phương cõi nước.
  4. Đã thường xuyên hiện ra cái trí không phân biệt do việc làm đã thành mãn và đã thích ứng với phần thanh tịnh.
  5. Những giai đoạn sau đó vẫn thể hiện những nhân tố tinh tế hơn lên để làm cho Pháp thân thành mãn.

Đại Bồ-tát Từ Thị lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Chỉ Quán nương vào pháp tổng quát như trên thì từ đâu gọi là thông đạt và từ đâu gọi là chứng đắc?

Đức Thế Tôn dạy Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Từ Địa thứ nhất là Cực hỷ thì gọi là thông đạt, từ Địa thứ ba là Phát quang mới gọi là chứng đắc. Thiện nam! Các vị Bồ-tát mới tu học cũng tác ý học theo Chỉ Quán này, tuy chưa đáng tán dương nhưng đừng nên nhác bỏ.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Chỉ Quán như vậy tại sao gọi là chánh định có tầm có tứ, chánh định không tầm chỉ tứ, chánh định không tầm không tứ?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Đối với ấn tượng đã thủ đắc từ giáo pháp đã tầm tứ, những Chỉ Quán có sự tiếp nhận quan sát rất thô thì gọi là chánh định có tầm có tứ; đối với ấn tượng ấy, những Chỉ Quán tuy không có sự tiếp nhận quan sát rất thô nhưng có sự tiếp nhận quan sát của ký ức sáng tỏ rất nhỏ, thì gọi là chánh định không tầm chỉ tứ; đối với ấn tượng của tất cả giáo pháp, những Chỉ Quán mà sự tiếp nhận quan sát không có mọi sự tác ý, thì gọi là chánh định không tầm không tứ. Lại nữa, thiện nam! Chỉ Quán có tầm cầu thì gọi là chánh định có tầm có tứ, Chỉ Quán có tứ sát thì gọi là chánh định không tầm chỉ tứ, Chỉ Quán vin pháp tổng quát thì gọi là chánh định không tầm không tứ.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Đình chỉ là thế nào? Phấn chấn là thế nào? Xả bỏ là thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Khi tâm quấy động, hay khi phòng tâm quấy động, thì sự tác ý về cái đáng chán và sự tác ý về cái tâm ấy liên tục, gọi là đình chỉ; khi tâm chìm đắm, hay khi phòng tâm chìm đắm, thì sự tác ý về cái đáng vui và sự tác ý về cái tâm ấy, gọi là phấn chấn; hoặc chỉ có chỉ, hoặc chỉ có quán, hoặc cả Chỉ Quán song hành, mà khi bị nhuốm bẩn vì hai thứ tùy phiền não là quấy động và chìm đắm như trên thì sự tác ý trong vô công dụng mà vận chuyển tự tại, gọi là xả bỏ.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Các vị Bồ-tát tu tập Chỉ Quán thì phải biết pháp và biết nghĩa, vậy biết pháp là thế nào? Biết nghĩa là thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Các vị Bồ-tát ấy do năm sự sau đây mà biết về pháp:

  1. Biết tên.
  2. Biết câu.
  3. Biết văn.
  4. Biết riêng.
  5. Biết chung.

Tên là thế nào, là sự giả thiết về tự tánh của tất cả các pháp nhiễm, tịnh. Câu là thế nào, là sự quy tụ của tên, thành cấu trúc diễn tả về nghĩa nhiễm hay tịnh của các pháp. Văn là thế nào, là chữ mà tên và câu dựa vào. Biết riêng những thứ trên là thế nào, là tác ý nhận thức mỗi thứ riêng ra. Biết chung những thứ trên là thế nào, là tác ý nhận thức các thứ trên chung lại. Tất cả những sự trên đây tổng lược nhất trí thì gọi là biết về pháp và biết về pháp như vậy thì gọi là Bồ-tát biết pháp.

Thiện nam! Các vị Bồ-tát ấy do mười sự sau đây mà biết về nghĩa:

1. Tánh tận hữu là biên cương tất cả chủng loại của các pháp nhiễm tịnh, biên cương ấy gọi là tánh tận hữu, tức năm số về uẩn, sáu số về nội xứ, sáu số về ngoại xứ, những pháp số đại loại như vậy.

2. Tánh như hữu là chân như nơi các pháp nhiễm tịnh, chân như ấy gọi là tánh như hữu. Chân như ấy có bảy: Một là chân như nơi sự lưu chuyển, tức cái tánh không mở đầu không chấm hết của các hành; hai là chân như nơi các tướng, tức cái tánh nhân vô ngã và pháp vô ngã của các pháp; ba là chân như nơi sự phân biệt rõ ràng, tức cái tánh duy thức của các hành; bốn là chân như nơi sự an lập, tức Thánh đế về khổ mà Như Lai nói; năm là chân như nơi sự tà hành, tức Thánh đế về tập mà Như Lai nói; sáu là chân như nơi sự thanh tịnh, tức Thánh đế về diệt mà Như Lai nói; bảy là chân như nơi sự chánh hành, tức Thánh đế về đạo mà Như Lai nói. Nên biết trong đây do chân như nơi sự lưu chuyển, nơi sự an lập và nơi sự tà hành nên tất cả chúng sinh rất là bình đẳng; do chân như nơi các tướng và nơi sự phân biệt rõ ràng nên tất cả các pháp rất là bình đẳng; do chân như nơi sự thanh tịnh nên Thanh văn Bồ-đề, Độc giác Bồ-đề và Vô thượng Bồđề rất là bình đẳng; do chân như nơi sự chánh hành nên cái tuệ của Chỉ Quán siêu việt vin vào pháp tổng quát, sau khi nghe giáo pháp, rất là bình đẳng.

3. Nghĩa chủ thể chọn lấy là năm sắc xứ ở trong, là tâm ý thức và các tâm sở.

4. Nghĩa đối tượng được chọn lấy là sáu xứ ở ngoài và những nghĩa chủ thể thủ cũng là nghĩa đối tượng được thủ.

5. Nghĩa dựng nên là giới thế giới, trong giới thế giới này có thể dựng nên giới chúng sinh, tức ruộng đất một thôn, trăm, ngàn hay trăm ngàn ruộng đất thôn ấy; hoặc một lục địa giới hạn do đại dương, trăm, ngàn hay trăm ngàn lục địa ấy; hoặc một đại lục Thiệm-bộ, trăm, ngàn hay trăm ngàn đại lục ấy; hoặc một bốn đại lục, trăm, ngàn hay trăm ngàn bốn đại lục ấy; hoặc một thế giới ngàn nhỏ, trăm, ngàn hay trăm ngàn thế giới ngàn nhỏ ấy; hoặc một thế giới ngàn vừa, trăm, ngàn hay trăm ngàn thế giới ngàn vừa ấy; hoặc một thế giới ngàn lớn, trăm, ngàn hay trăm ngàn thế giới ngàn lớn ấy; hoặc một ức, trăm, ngàn hay trăm ngàn ức thế giới ngàn lớn ấy; hoặc một vô số, trăm, ngàn hay trăm ngàn vô số thế giới ngàn lớn ấy; hoặc tại một phương hướng, thế giới ngàn lớn ấy nhiều đến vô số mà có cả trăm ngàn lần, hay nhiều như số lượng vi trần; và ở khắp mười phương hướng có vô lượng, vô số những giới thế giới như vậy.

6. Nghĩa hưởng dụng là đồ dùng của chúng sinh thu thập mà Như Lai đã nói.

7. Nghĩa đảo ngược là đối với những sự từ nghĩa chủ thể thủ sắp đi trên đây mà tưởng thác loạn tâm thác loạn và thấy thác loạn cho vô thường là thường, tưởng thác loạn tâm thác loạn và thấy thác loạn cho khổ là vui, cho bất tịnh là tịnh, cho vô ngã là ngã.

8. Nghĩa không ngược thì nên biết là mâu thuẫn với những sự đảo ngược ở trên, có sức đối trị những sự đảo ngược ấy.

9. Nghĩa tạp nhiễm là ba sự tạp nhiễm khắp cả ba cõi: Một là hoặc tạp nhiễm; hai là nghiệp tạp nhiễm; ba là sinh tạp nhiễm.

10. Nghĩa thanh tịnh là những pháp Bồ-đề phần có sức cởi mở sự thắt buộc của ba sự tạp nhiễm nói trên.

Mười sự như trên đây, nên biết đã bao quát tất cả các nghĩa.

Thiện nam! Các vị Bồ-tát ấy lại còn do biết năm sự sau đây nên gọi là biết về nghĩa. Năm sự ấy là những gì?

1. Sự biến tri thì nên hiểu là tất cả pháp của đối tượng được nhận thức, tức các uẩn, các nội xứ, các ngoại xứ, những sự như vậy.

2. Nghĩa biến tri là bao nhiêu phẩm loại khác nhau mà cần biết về sự ở trên, tức hoặc Thế tục đế với Thắng nghĩa đế; hoặc công đức với lầm lỗi; hoặc duyên tố với thời gian; hoặc sinh, trú và diệt; hoặc như bệnh tật, (như ung thối, như trúng tên, như đau đớn); hoặc khổ, tập, diệt, đạo; hoặc chân như, thật tế, pháp giới và những danh hiệu cùng loại; hoặc phong phú với khái quát; hoặc bốn cách phán quyết là quyết định, phân tích, hỏi lại và lặng bỏ; hoặc ẩn mật với minh bạch; những pháp như vậy nên biết là nghĩa biến tri.

3. Nhân biến tri là những pháp Bồ-đề phần có sức thủ đắc hai loại biến tri ở trên, tức bốn Niệm trú, tám Chánh đoạn và những pháp số cùng loại.

4. Quả biến tri là các Sa-môn quả đã tạm diệt tham, sân, si và vĩnh diệt tham, sân, si, cùng với những công đức chứng Sa-môn quả mà Như Lai đã nói, tức những công đức cộng hữu hay đặc hữu mà bao gồm cả thế gian và xuất thế gian của Thanh văn và của Như Lai.

5. Biết sự ấy là chính những công đức chúng Sa-môn quả nói trên, các trí giải thoát khai thị và tuyên dương phong phú cho người.

Năm sự như trên nên biết cũng bao quát tất cả các nghĩa.

Thiện nam! Các vị Bồ-tát ấy lại do biết bốn sự sau đây nên gọi là biết về nghĩa. Bốn sự ấy là những gì?

  1. Chấp thọ.
  2. Lãnh nạp.
  3. Phân biệt rõ ràng.
  4. Nhiễm tịnh.

Bốn sự như trên nên biết cũng bao quát tất cả các nghĩa.

Thiện nam! Các vị Bồ-tát ấy lại còn do biết ba sự sau đây nên gọi là biết về nghĩa. Ba sự ấy là những gì?

  1. Văn.
  2. Nghĩa.
  3. Giới.

Văn là danh thân cú thân và văn thân. Nghĩa thì có mười:

  1. Sự chân thật.
  2. Sự biến tri.
  3. Sự vĩnh đoạn.
  4. Sự tác chứng.
  5. Sự tu tập.
  6. Sự chi tiết của các sự nói trên.
  7. Sự tương thuộc của đối tượng được nương dựa và chủ thể nương dựa.
  8. Sự chướng ngại của sự biến tri cho đến sự tu tập.
  9. Sự tùy thuận của sự biến tri cho đến sự tu tập.
  10. Nhược điểm với ưu điểm của sự bất tri với sự biến tri, cho đến sự bất tu với sự tu tập.

Giới là năm giới:

  1. Giới thế giới.
  2. Giới chúng sinh.
  3. Giới các pháp.
  4. Giới người được thuần hóa.
  5. Giới phương pháp thuần hóa.

Năm sự như trên nên biết cũng bao quát tất cả các nghĩa.

Đại Bồ-tát Từ Thị lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cái tuệ do nghe mà có và biết nghĩa của cái nó nghe, cái tuệ do nghĩ mà có và biết nghĩa của cái nó nghĩ, cái tuệ do tu Chỉ Quán mà có và biết nghĩa của cái nó tu, ba cái tuệ như vậy khác nhau thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Cái tuệ do nghe mà có thì dựa vào văn từ, chỉ như lời nói, chưa khéo biết ý nghĩa, đồng loại với cái nghĩa đã biết là ấn tượng chánh định chưa hiện trước mắt, tùy thuận với giải thoát, nhưng chưa lãnh nhận được sự giải thoát thành đạt. Cái tuệ do nghĩa mà có thì cũng dựa vào văn từ, nhưng không phải chỉ như lời nói, lại khéo biết ý nghĩa, đồng loại với cái nghĩa đã biết là ấn tượng chánh định chưa hiện trước mắt, nhưng càng thuận với giải thoát, dù cũng chưa lãnh nhận được sự giải thoát thành đạt. Còn cái tuệ do tu mà có của Bồ-tát thì cũng dựa vào văn từ mà cũng không dựa vào văn từ, cũng như lời nói mà cũng không như lời nói, khéo biết ý nghĩa, đồng loại với cái nghĩa đã biết là ấn tượng chánh định đã hiện trước mắt, cực thuận với giải thoát, đã lãnh nhận được sự giải thoát thành đạt. Đó là sự biết nghĩa mà khác nhau của ba tuệ.

Đại Bồ-tát Từ Thị lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Các vị Bồ-tát tu Chỉ Quán thì phải biết pháp biết nghĩa, vậy biết là thế nào? Thấy là thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Bằng nhiều mặt, Như Lai đã nói sự khác biệt của biết và thấy. Như Lai nay nói khái lược cho ông về sự ấy: Cái tuệ tinh tế vin vào pháp tổng quát mà tu Chỉ Quán thì gọi là biết, cái tuệ tinh tế vin vào pháp riêng biệt mà tu Chỉ Quán thì gọi là thấy.

Đại Bồ-tát Từ Thị lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Các vị Bồ-tát tu Chỉ Quán là do tác ý nào? Trừ khử tướng gì? Và làm sao trừ khử?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Do tác ý chân như và trừ khử pháp tướng nghĩa tướng. Đối với cái danh của pháp nghĩa và tự tánh của cái danh ấy, khi vô đắc thì cũng không thấy cái tướng của cái danh ấy dựa vào: trừ khử như vậy đó; như đối với danh thì đối với câu, đối với văn và đối với nghĩa nên biết cũng như vậy; sau hết đối với cái giới của pháp nghĩa và tự tánh của cái giới ấy, khi vô đắc thì cũng không thấy cái tướng của cái giới ấy dựa vào: Trừ khử như vậy đó.

–Bạch Thế Tôn! Thấu triệt chân như thì tướng chân như ấy cũng bị trừ khử chăng?

–Thiện nam! Thấu triệt chân như hoàn toàn vô tướng và vô đắc, vậy trừ khử cái gì. Như Lai nói rằng khi thấu triệt chân như thì trừ khử được pháp tướng và nghĩa tướng, chứ không phải chân như được thấu triệt đó cái khác có thể trừ khử.

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói đồ chứa nước nhơ bẩn, tấm gương không sáng sạch, suối hồ nước xao động, thì không thể nhìn thấy hình ảnh mặt mình, nhìn thấy thì không phải những thứ trên đây; tương tự như vậy, cái tâm mà không tu thì không thể chính xác nhìn thấy chân như, khéo tu cái tâm thì có thể nhìn thấy. Lời này nói về quán trí nào và nói về chân như nào?

–Thiện nam! Lời này nói về ba quán trí là quán trí do nghe mà có, quán trí do nghĩ mà có và quán trí do tu mà có, căn cứ chân như nơi sự phân biệt rõ ràng mà nói.

–Bạch Thế Tôn! Để trừ khử các tướng nên các vị Bồ-tát biết pháp tướng nghĩa tướng phải nỗ lực tu tập phương cách trừ khử, vậy có bao nhiêu cái tướng khó trừ khử? Và cái gì trừ khử được?

–Thiện nam! Cái tướng có mười thứ và cái Không có thể trừ khử. Mười thứ ấy là những gì?

1. Biết pháp biết nghĩa thì có cái tướng văn từ, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do các pháp không.

2. Biết chân như nơi sự an lập thì có cái tướng sinh trụ diệt và cái tướng liên tục chuyển biến, hai cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do tướng không và vô tiền hậu không.

3. Biết nghĩa chủ thể chọn lấy thì có cái tướng luyến tiếc thân thể và cái tướng ngã mạn, hai cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do nội không và vô sở đắc không.

4. Biết nghĩa đối tượng được chọn lấy thì có cái tướng luyến tiếc tài sản, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do ngoại không.

5. Biết nghĩa hưởng dụng, trong đó có trai gái phục dịch và đồ dùng thích hợp, thì có cái tướng trong thấy thích thú và cái tướng ngoài thấy tốt đẹp, hai cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do nội ngoại không và bản tánh không.

6. Biết nghĩa dựng nên thì có cái tướng thế giới bao la, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do đại không.

7. Biết không hình sắc thì có cái tướng bên trong vắng lặng giải thoát, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do hữu vi không.

8. Biết chân như nơi các tướng thì có các tướng nhân vô ngã, tướng pháp vô ngã, tướng duy thức và tướng thắng nghĩa, bốn cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do cứu cánh không, vô tánh không, vô tánh tánh không và thắng nghĩa không.

9. Biết chân như nơi sự thanh tịnh thì có cái tướng vô vi và cái tướng không biến dịch, hai cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do vô vi không và vô biến dị không.

10. Chính sự tác ý tư duy về cái không để đối trị các cái tướng nói trên thì có cái tướng không, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử do không không.

–Bạch Thế Tôn! Như vậy khi trừ khử mười cái tướng là trừ khử cái gì? Và giải thoát cái gì?

–Thiện nam! Trừ khử cái tướng của ấn tượng chánh định và giải thoát sự tạp nhiễm thắt buộc, rồi sự trừ khử ấy cũng không còn. Nhưng ông nên biết Như Lai căn cứ phần đặc thù mà nói cái không này trừ khử cái tướng kia, chứ không phải mỗi cái không không trừ khử được mọi cái tướng. Thí dụ vô minh không phải không sinh ra mọi thứ tạp nhiễm từ hành cho đến lão tử, nhưng căn cứ phần đặc thù nên nói vô minh sinh ra hành, vì nó là duyên tố gần nhất của hành. Đạo lý ở đây ông nên biết cũng lại như vậy.

–Bạch Thế Tôn! Ở đây cái không nào là cái không tổng quát? Bồ-tát hiểu được cái không ấy thì không có những sự mất mát hư hỏng, bỏ được sự tăng thượng mạn đối với cái không.

Đức Thế Tôn, vào lúc ấy, khen ngợi Đại Bồ-tát Từ Thị rằng:

–Tốt lắm! Thiện nam! Tốt lắm! Ông có thể hỏi Như Lai cái nghĩa sâu như vậy để làm cho các vị Bồ-tát không bị mất bị hỏng về cái không. Các vị Bồ-tát mất hỏng về cái không thì mất hỏng toàn thể Đại thừa. Do vậy, ông hãy nghe cho thật kỹ, Như Lai nói cho ông về cái không tổng quát. Ấy là, nơi tánh Y tha khởi và tánh Viên thành thật, mọi tánh Biến kế chấp dầu thuộc loại tạp nhiễm hay thuộc loại thanh tịnh đều rốt ráo rời bỏ, hoàn toàn vô đắc, như vậy gọi là cái không tổng quát của Đại thừa.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Chỉ Quán như thế này bao gồm được mấy thứ chánh định siêu việt?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Vô lượng chánh định siêu việt của Thanh văn của Bồ-tát và của Như Lai mà Như Lai đã nói, thì ông nên biết tất cả đều bao gồm trong Chỉ Quán ở đây.

–Bạch Thế Tôn! Chỉ Quán như thế này lấy gì làm nhân tố? Thiện nam! Nhân tố của Chỉ Quán như thế này là giới thanh tịnh, là chánh kiến được có do nghe thanh tịnh và nghĩa thanh tịnh. Bạch Thế Tôn! Chỉ Quán như thế này lấy gì làm thành quả?

–Thiện nam! Thành quả của Chỉ Quán như thế này là tâm thanh tịnh và tuệ thanh tịnh, còn nữa, hết thảy pháp thiện thuộc loại thế gian và thuộc xuất thế gian của Thanh văn và của Như Lai, nên biết toàn là thành quả của Chỉ Quán như thế này tạo ra.

–Bạch Thế Tôn! Chỉ Quán như thế này làm được công việc gì?

–Thiện nam! Làm được công việc giải thoát tướng phược và giải thoát trọng phược.

–Bạch Thế Tôn! Trong năm thứ ràng buộc mà Thế Tôn nói,

mấy thứ là sự cản trở của chỉ? Mấy thứ là sự cản trở của quán? Mấy thứ là sự cản trở của cả hai?

–Thiện nam! Sự luyến tiếc thân thể và luyến tiếc tài sản là những sự cản trở của chỉ, không thích Thánh giáo là sự cản trở của quán, thích ở xen lẫn và được ít đã đủ là những sự cản trở của cả hai: vì sự thứ nhất mà việc tu không làm được, vì sự thứ hai mà việc tu không trọn được.

–Bạch Thế Tôn! Trong năm thứ ngăn che, mấy thứ là sự cản trở của chỉ? Mấy thứ là sự cản trở của quán? Mấy thứ là sự cản trở của cả hai?

–Thiện nam! Trạo cử ố tác là sự cản trở của chỉ, hôn trầm thụy miên và nghi pháp là những sự cản trở của quán, tham dục và sân hận là những sự cản trở của cả hai.

–Bạch Thế Tôn! Y cứ vào đâu thì gọi là được trong sáng đầy đủ về chỉ?

–Thiện nam! Cho đến lúc bao nhiêu hôn trầm thụy miên được chính xác và khéo léo loại trừ thì ngang đó gọi là được trong sáng đầy đủ về chỉ.

–Bạch Thế Tôn! Y cứ vào đâu thì gọi là được trong sáng đầy đủ về quán?

–Thiện nam! Cho đến lúc bao nhiêu trạo cử ố tác được chính xác và khéo léo loại trừ thì ngang đó gọi là được trong sáng đầy đủ về quán.

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát khi Chỉ Quán đã hiện ra thì phải biết có mấy thứ làm cho tâm xao động?

–Thiện nam! Phải biết có năm thứ: Tác ý, ngoại tâm, nội tâm, cảnh tướng, thô trọng.

1. Nếu Bồ-tát rời tác ý hợp với Đại thừa mà rơi vào những tác ý hợp với Thanh văn, Độc giác thì gọi là tác ý xao động.

2. Nếu bao nhiêu tầm tư đều xuôi theo phiền não khi đối trước đa dạng của năm thứ dục lạc, nếu buông thả tâm trí ra chảy tràn vào ngoại cảnh, thì gọi là ngoại tâm rối loạn.

3. Nếu vì hôn trầm và thụy miên, vì trầm một, vì đam mê về định, vì sự nhuốm bẩn của một tùy phiền não nào đó chướng ngại cho định, thì gọi là nội tâm xao động.

4. Nếu đối với cảnh tướng ngoài định mà nghĩ là cảnh tướng của định bên trong thì gọi là cảnh tướng xao động.

5. Nếu những cảm giác do tác ý sinh ra mà cho là do cái thân thô trọng nên chấp tự ngã, nổi kiêu mạn, thì gọi là thô trọng xao động.

–Bạch Thế Tôn! Từ Bồ-tát Địa đầu tiên cho đến địa Như Lai, Chỉ Quán như thế này đối trị được những sự chướng ngại nào?

–Thiện nam! Chỉ Quán như thế này trong Bồ-tát địa đầu tiên thì đối trị được sự chướng ngại vì hoặc nghiệp sinh tạp nhiễm của cõi ác, trong Bồ-tát Địa thứ hai thì đối trị được sự chướng ngại vì hiện hành của sự lầm lỡ vị phạm rất nhỏ, trong Bồ-tát Địa thứ ba thì đối trị được sự chướng ngại vì tham lam của dục, trong Bồ-tát Địa thứ tư thì đối trị được sự chướng ngại vì định ái và pháp ái, trong Bồ-tát Địa thứ năm thì đối trị được sự chướng ngại vì một chiều chống sinh tử hướng Niết-bàn, trong Bồ-tát Địa thứ sáu thì đối trị được sự chướng ngại vì hiện hành nhiều của tướng thô, trong Bồ-tát Địa thứ bảy thì đối trị được sự chướng ngại vì hiện hành của tế tướng, trong Bồ-tát Địa thứ tám thì đối trị được sự chướng ngại vì phải gia công dụng đối với vô tướng và không tự tại đối với hữu tướng, trong Bồ-tát Địa thứ chín thì đối trị được sự chướng ngại vì không tự tại đối với ngôn từ khéo léo về mọi chủng loại, trong Địa Bồ-tát thứ mười thì đối trị được sự chướng ngại vì không chứng đắc Pháp thân viên mãn. Và Chỉ Quán như thế này, trong địa Như Lai thì đối trị được sự phiền não chướng và sở tri chướng cực vi tế; và tối cực vi tế, vì vĩnh viễn hại được hai chướng như vậy nên chứng được một cách cứu cánh cái trí thấy biết hoàn toàn, không còn vướng mắc không còn chướng ngại, lại do đối tượng được tạo tác thành tựu của cái trí nói trên nên lập ra Pháp thân tối cực thanh tịnh.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát do nỗ lực tu hành Chỉ Quán mà chứng đắc Vô thượng Bồ-đề là thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Nếu Bồ-tát đã được Chỉ Quán bằng cách căn cứ bảy chân như, đúng như cái pháp đã nghe và đã nghĩ, do tâm trí của chánh định siêu việt mà bên trong tự chánh tư duy về tánh chân như đã khéo thẩm định khéo tư lượng và khéo thiếp lập, thì vì chánh tư duy chân như nên đối với sự hiện hành của tế tướng tâm trí còn bỏ được, huống chi là đối với sự hiện hành của thô tướng. Tế tướng là ấn tượng chấp thọ, lãnh nạp, phân biệt rõ ràng và nhiễm tịnh, là ấn tượng pháp trong, pháp ngoài và trong ngoài, là ấn tượng cho rằng mình làm mọi sự lợi ích cho chúng sinh, là ấn tượng chánh trí, chân như, là ấn tượng khổ tập diệt đạo, là ấn tượng hữu vi, vô vi, là ấn tượng hữu thường, vô thường, là ấn tượng khổ có biến dị, khổ không biến dị, là ấn tượng hữu vi đa dạng, hữu vi đồng nhất, là ấn tượng tất cả được có bởi biết tất cả là tất cả, là ấn tượng nhân vô ngã, pháp vô ngã, mọi ấn tượng như vậy tâm trí Bồ-tát loại bỏ được cả. Bồ-tát ở nhiều trong sự tu hành như thế này nên lúc nào cũng khéo sửa trị tâm trí của mình trong mọi sự ràng buộc, ngăn che và xao động. Từ đó về sau, đối với bảy chân như có bảy cái trí thông suốt, tự chứng bên trong, được riêng biệt sinh ra và gọi là Kiến đạo vị. Do được như vậy nên gọi là vị nhập vào chánh tánh ly sinh của Bồtát, vị sinh vào nhà Như Lai, vị chứng đắc Bồ-tát địa đầu tiên, vị hưởng dụng mọi thành quả siêu việt của địa Bồ-tát này. Bồ-tát như vậy, trước đây được Chỉ Quán bằng cách được đối tượng có phân biệt và đối tượng không phân biệt, nay được Kiến đạo vị là được thêm đối tượng biên tế của các pháp. Rồi các giai đoạn liên tiếp về sau, trong tất cả địa Bồ-tát còn lại, thì tiến tu tu đạo vị, bằng cách tác ý tư duy cả ba đối tượng nói trên. Tựa như có kẻ lấy chốt nhỏ đẩy chốt to ra, vị Bồ-tát này, với cách lấy chốt tháo chốt mà trừ khử mọi ấn tượng có từ bên trong, nên bao nhiêu cái tướng thuộc loại tạp nhiễm đều trừ khử cả và tướng phược được trừ khử nên trọng phược cũng trừ khử. Vì vĩnh viễn trừ được tướng phược và trọng phược nên tuần tự trong các địa Bồ-tát về sau, vị Bồ-tát này y như cách luyện vàng mà luyện tâm mình, cho đến chứng được Vô thượng Bồ-đề, nghĩa là chứng được đối tượng sở tác thành tựu.

Thiện nam! Như thế đó gọi là Bồ-tát từ bên trong tu hành chính xác về Chỉ Quán nên chứng được Vô thượng Bồ-đề.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như thế nào là Bồ-tát tu hành Chỉ Quán dẫn ra uy đức cao rộng của Bồ-tát?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Bồ-tát khéo biết sáu sự sau đây thì có thể dẫn ra uy đức cao rộng của Bồ-tát:

1. Khéo biết tâm phát sinh là chính xác biết mười sáu tâm phát sinh khác nhau, đó là thứ nhất, sự phát sinh của cái thức mà hành tướng chủ thể được duyên khó biết, liên tục chấp thọ sắc căn và liên tục chấp trì thế giới, đó là A-đà-na thức; thứ hai, sự phát sinh của cái thức mà hành tướng đa dạng vin theo đối cảnh đa dạng, đó là phân biệt ý thức nhận thức một lúc tất cả đối cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc và cảm nhận một lúc tất cả ấn tượng của giác quan ở trong và đối cảnh ở ngoài, đó là phân biệt ý thức trong một tháng mà nhập nhiều chánh định, thấy nhiều cõi Phật, thấy nhiều Đức Phật; thứ ba, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh nhỏ hẹp, đó là thức hệ thuộc cõi Dục; thứ tư, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh rộng lớn, đó là thức hệ thuộc cõi Sắc; thứ năm, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh vô lượng, đó là thức hệ thuộc Không vô biên xứ và Thức vô biên xứ; thứ sáu, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh vi tế, đó là thức hệ thuộc vô sở hữu xứ; thứ bảy, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh tận biên, đó là thức hệ thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ; thứ tám, sự phát sinh của cái thức mà đối cảnh vô tướng, đó là thức siêu thoát thế gian và thức vin theo Niết-bàn; thứ chín, sự phát sinh của cái thức mà đi đôi với khổ thọ, đó là thức địa ngục; thứ mười, sự phát sinh của cái thức đi đôi với tạp thọ, đó là thức cõi Dục; mười một, sự phát sinh của cái thức đi đôi với hỷ thọ, đó là thức Sơ thiền và Nhị thiền; mười hai, sự phát sinh của cái thức đi đôi với lạc thọ, đó là thức Tam thiền; mười ba, sự phát sinh của cái thức đi đôi với xả thọ, đó là thức Tứ thiền cho đến phi phi tưởng xứ; mười bốn, sự phát sinh của cái thức đi đôi với các pháp nhiễm, đó là thức thích ứng với mọi phiền não và tùy phiền não; mười lăm, sự phát sinh của cái thức đi đôi với các pháp lành, đó là thức thích ứng với tâm sở thiện; mười sáu, sự phát sinh của cái thức đi đôi với pháp vô ký, đó là thức không thích ứng cả hai loại tâm sở nói trên.

2. Khéo biết tâm trú ở là biết chính xác chân như nơi sự phân biệt rõ ràng.

3. Khéo biết tâm thoát ra là biết chính xác rằng phải thoát khỏi hai thứ tướng phược và trọng phược và đó là khéo biết rằng phải làm cho tâm mình thoát ra hai thứ như vậy.

4. Khéo biết tâm thêm lên là biết chính xác về cái tâm trí đối trị được tướng phược và trọng phược khi nó lớn thêm khi nó dồn lại, những gì tùy thuộc nó cũng được lớn thêm cũng được dồn lại.

5. Khéo biết tâm bớt đi là biết chính xác về cái bị đối trị, tức cái tâm trí bị bẩn vì tướng phược và trọng phược khi nó lui lại khi nó bớt đi, những gì tùy thuộc nó cũng bị lui lại cũng bị bớt đi.

6. Khéo biết các phương tiện là biết chính xác về tám Giải thoát tám Thắng xứ và mười Biến xứ, về cách tu tập và về sự trừ khử của các pháp này.

Thiện nam! Bồ-tát nào khéo biết như vậy thì uy đức cao rộng của Bồ-tát hoặc đã được dẫn ra, hoặc sẽ được dẫn ra, hoặc đang được dẫn ra.

Đại Bồ-tát Từ Thị bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói trong Niết-bàn hoàn toàn thì hết thảy cảm giác vĩnh viễn diệt hết, không còn thừa sót, vậy những cảm giác nào bị vĩnh viễn diệt hết ở đây?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Lấy cốt yếu mà nói thì ở đây có hai loại cảm giác vĩnh viễn diệt hết, không còn thừa sót, đó là một, cảm giác xuất từ giác quan và hai, cảm giác xuất từ đối cảnh. Cảm giác xuất từ giác quan lại có bốn loại: Thứ nhất là cảm giác dựa vào giác quan có sắc chất, thứ hai là cảm giác dựa vào giác quan không sắc chất, thứ ba là cảm giác của kết quả hoàn thành, thứ tư là cảm giác của kết quả chưa hoàn thành, kết quả đã hoàn thành là cảm giác hưởng chịu trong hiện tại, kết quả chưa hoàn thành là cảm giác làm nhân cho vị lai. Cảm giác xuất từ đối cảnh cũng có bốn loại: Thứ nhất là cảm giác do thế giới đang sống, thứ hai là cảm giác do đồ dùng để sống, thứ ba là cảm giác do hưởng dụng hai loại trên, thứ tư là cái giác do luyến tiếc hai loại trên. Trong Niết-bàn chưa toàn thì đã diệt hết tất cả cảm giác của kết quả chưa hoàn thành, còn lại là cảm giác phát sinh từ tuệ giác đối trị, là cảm giác mà Thánh giả và phàm phu đều có, là cảm giác của kết quả đã hoàn thành; lại nữa, trong Niết-bàn chưa toàn cũng diệt hết cả hai loại cảm giác của kết quả là đã hoàn thành và chưa hoàn thành, còn lại chỉ có cảm giác phát sinh từ tuệ giác đối trị. Còn Niết-bàn hoàn toàn mà nhập vào thì lúc đó cái cảm giác phát sinh từ tuệ giác đối trị cũng không còn. Do vậy nên Như Lai nói rằng trong Niết-bàn hoàn toàn, hết thảy cảm giác đều vĩnh viễn diệt cả, không còn thừa sót.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn dạy như vậy rồi lại nói với Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Tốt lắm! Thiện nam! Hôm nay ông khéo căn cứ nơi pháp Dugià tinh tế, cùng cực trong sáng và hoàn toàn đầy đủ mà xin hỏi Như Lai. Đối với pháp Du-già, vốn ông đã được sự khéo léo hiểu biết một cách quyết định và tột bậc. Như Lai cũng đã nói cho ông về pháp Dugià tinh tế, cùng cực trong sáng và hoàn toàn đầy đủ. Trong quá khứ và trong vị lai, bao nhiêu bậc Chánh biến giác đã nói và sẽ nói thì cũng toàn là nói như vậy. Các thiện nam và thiện nữ nên dựa vào pháp thoại này, dũng mãnh tinh tấn mà chính xác tu học.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói bài tụng sau đây.

Đối với Du-già
Giáo pháp lập ra,
Ai sống buông thả
Mất đại Niết-bàn;
Dựa vào Du-già
Giáo pháp lập ra,
Chính xác tu tập
Được đại Bồ-đề.
Thấy mà thủ đắc,
Khó mong giải thoát
Cho cái thấy ấy
Là đã được pháp,
Kẻ ấy rời xa
Khỏi pháp Du-già
Như là mặt đất
Cách xa không gian.
Lợi ích chúng sinh
Một cách bền bĩ
Mà không nghĩ rằng
Mình làm như vậy:
Lãnh hội như vậy
Càng làm lợi người.
Ai người có trí
Làm hết kiếp lượng
Thì được cái mừng
Cao cả trong sáng.
Ai vì dục vọng
Mà thuyết chánh pháp,
Thì người như vậy
Phải được gọi là
Đã bỏ dục vọng
Lại theo dục vọng
Ngu si như vậy
Mà được pháp này
Thì như một kẻ
Được ngọc vô giá
Mà đi lang thang
Làm kẻ ăn mày
Cái lối luận bàn
Vô ích ồn náo
Thì phải bỏ đi
Để mà khởi dậy
Hạnh nguyện tinh tấn
Vào bậc thượng thừa:
Vì để hóa độ
Cả trời và người,
Hãy siêng tu học
Pháp Du-già này.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Từ Thị lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Trong toàn bộ pháp thoại Giải Thâm Mật, pháp thoại này nên mệnh danh là gì? Chúng con phải kính cẩn ghi nhớ như thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Thiện nam! Pháp thoại này tên là Nghĩa Lý Hoàn Hảo Về Dugià. Ông hãy kính cẩn ghi nhớ theo cái tên như vậy.

Khi Đức Thế Tôn nói pháp thoại Nghĩa Lý Hoàn Hảo Về Dugià thì trong đại hội có sáu trăm ngàn chúng sinh phát tâm Vô thượng Bồ-đề; ba trăm ngàn Thanh văn lánh xa bụi bặm, tách rời nhơ bẩn, đối với các pháp thì được mắt pháp trong sáng; một trăm năm mươi ngàn Thanh văn hết hẳn mọi thứ lậu hoặc, tâm được giải thoát; bảy mươi lăm ngàn Bồ-tát được tác ý về Du-già rộng lớn.

Pages: 1 2 3 4 5