KINH GIẢI THÂM MẬT
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 5

Phẩm 8: PHẬT SỰ (NHƯ LAI THÀNH SỞ TÁC SỰ)

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Mạn-thù bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói Pháp thân Như Lai, vậy Pháp thân Như Lai có những tướng gì?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Khéo tu rốt ráo các Độ của các Địa mà hoàn thành chuyển y, thì chuyển y đó là tướng của Pháp thân Như Lai. Tướng này vì hai nhân duyên nên chẳng thể nghĩ bàn, đó là siêu việt hý luận và siêu việt thi vi, mà chúng sinh thì hý luận và thi vi.

–Bạch Thế Tôn! Chuyển y của Thanh văn và Độc giác được gọi là Pháp thân không?

–Thiện nam! Không.

–Bạch Thế Tôn! Vậy nên gọi là gì?

–Thiện nam! Nên gọi là Giải thoát thân. Do Giải thoát thân nên nói Thanh văn, Độc giác cùng với Như Lai rất bình đẳng, nhưng do Pháp thân nên có khác biệt. Pháp thân Như Lai khác biệt là vì có vô lượng công đức vừa tối thắng vừa khác biệt, toán số ví dụ không thể diễn tả.

Đại Bồ-tát Mạn-thù lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con nên hiểu như thế nào về tướng trạng sinh khởi của Như Lai?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Hóa thân Như Lai mà động tác thì cũng như thế giới sinh khởi mọi thứ; hóa thân ấy được mọi công đức của Như Lai trang sức và duy trì. Ông nên biết hóa thân thì có sinh khởi, Pháp thân thì phi sinh khởi.

–Bạch Thế Tôn! Chúng con nên hiểu như thế nào về phương tiện khéo léo của Hóa thân Như Lai đã thị hiện?

–Thiện nam! Khắp cả cõi Phật của Như Lai là đại thiên thế giới này, ở trong vương gia tăng thượng mà ai cũng công nhận hay trong gia đình đại phước mà ai cũng công nhận, Như Lai cùng lúc vào thai, đản sinh, lớn lên, hưởng dục, xuất gia, thị hiện khổ hạnh, rồi bỏ khổ hạnh mà thành Đẳng chánh giác, thị hiện với tuần tự như vậy thì gọi đó là phương tiện khéo léo của Hóa thân Như Lai thị hiện.

Đại Bồ-tát Mạn-thù bạch:

–Bạch Thế Tôn! Có mấy loại tiếng nói của Hóa thân Như Lai chủ trì, tiếng nói mà nhờ đó những người được hóa độ chưa thành thục thì thành thục, đã thành thục thì cũng nương vào đó mà mau được giải thoát?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Tiếng nói Như Lai khái lược có ba loại: Một là khế kinh; hai là điều phục; ba là bản mẫu.

–Bạch Thế Tôn! Khế kinh là gì? Điều phục là gì? Bản mẫu là gì?

–Thiện nam! Chỗ nào Như Lai căn cứ những sự bao quát mà thuyết pháp thì đó là khế kinh. Những sự ấy có bốn, có chín và có hai mươi chín.

Bốn sự là những gì?

  1. Lắng nghe.
  2. Hướng đến.
  3. Tu học.
  4. Chứng ngộ.

Chín sự là gì?

  1. Thiết lập chúng sinh.
  2. Thiết lập sự thọ dụng của chúng sinh.
  3. Thiết lập sự sinh khởi của chúng sinh.
  4. Thiết lập sự tồn tại của chúng sinh.
  5. Thiết lập sự nhiễm tịnh của chúng sinh.
  6. Thiết lập sự sai biệt của chúng sinh.
  7. Người nói.
  8. Pháp được nói.
  9. Chúng hội nghe nói.

Hai mươi chín sự là gì:

Loại tạp nhiễm có:

  1. Các hành.
  2. Các hành lưu chuyển.
  3. Nơi đó chấp ngã nên vị lai lưu chuyển.
  4. Nơi đó chấp pháp nên vị lai lưu chuyển.

Loại thanh tịnh có:

  1. Chánh niệm pháp được nghe.
  2. Tinh tấn về pháp ấy.
  3. Tâm an định.
  4. Sống trong pháp lạc.
  5. Phương pháp giải thoát khổ não.
  6. Biến tri khổ não, sự này có ba: Biến tri chỗ của những thứ điên đảo, biến tri chỗ của những thứ tà hành, biến tri chỗ của những thứ nội ly thượng mạn.
  7. Diệt nhân.
  8. Tác chứng.
  9. Tu tập.
  10. Cứng chắc.
  11. Hành tướng của sự cứng chắc.
  12. Đối tượng được duyên của sự cứng chắc.
  13. Sự khéo quan sát cái đã đoạn và cái chưa đoạn của sự cứng chắc.
  14. Sự tán loạn của sự cứng chắc.
  15. Sự không tán loạn của sự cứng chắc.
  16. Chỗ dựa của sự không tán loạn.
  17. Tu tập một cách cần cù nỗ lực.
  18. Thắng ích của sự tu tập.
  19. Sự bền chắc của sự tu tập.
  20. Thu hoạch tuệ giác của Thánh giả.
  21. Thu hoạch sự hỗ trợ của tuệ giác ấy.
  22. Thông suốt chân như.
  23. Chứng đắc Niết-bàn.
  24. Sự siêu việt trên đỉnh chánh kiến ngoại đạo của sự chánh kiến về pháp Như Lai thiện thuyết, dù sự chánh kiến ấy đang còn hữu lậu.
  25. Sự thoái lui của sự chánh kiến ấy, nhưng không tu tập pháp thiện thuyết nên nói là thoái lui, chứ không phải sự chánh kiến ấy có gì sai lầm mà gọi là thoái lui.

Thiện nam! Chỗ nào Như Lai do các vị Thanh văn và các vị Bồtát mà nói về pháp biệt giải thoát và pháp tương ưng với biệt giải thoát thì đó là điều phục.

Bạch Thế Tôn! Biệt giải thoát của Bồ-tát bao gồm vào mấy tướng?

Thiện nam! Nên biết có bảy tướng, một là nói về quy tắc thọ giới, hai là nói về các giới pháp nặng, ba là nói về sự phạm giới, bốn là nói về tánh tình còn phạm giới, năm là nói về tánh tình không phạm giới, sáu là nói về cách sám hối sự phạm giới, bảy là nói về sự xả giới.

Thiện nam! Chỗ nào Như Lai đem mười một tướng mà thuyết pháp thì đó là bản mẫu. Mười một tướng ấy là gì?

  1. Thế tục đế.
  2. Thắng nghĩa đế.
  3. Đối tượng được duyên của các pháp Bồ-đề phần.
  4. Hành tướng.
  5. Tự tánh.
  6. Quả của tự tánh.
  7. Sự tiếp nhận khai thị của tự tánh.
  8. Chướng ngại của tự tánh.
  9. Tùy thuận của tự tánh.
  10. Lỗi lầm của tự tánh.
  11. Thắng ích của tự tánh.

Tướng thứ nhất, Thế tục đế có ba loại:

  1. Nói về chấp ngã.
  2. Nói về Biến kế chấp.
  3. Nói về tác dụng của các pháp.

Tướng thứ hai, Thắng nghĩa đế là nói về bảy chân như.

Tướng thứ ba, đối tượng được duyên của các pháp Bồ-đề phần là nói về tất cả chủng loại nơi đối tượng được nhận thức. Tướng thứ tư, hành tướng là nói về tám hành quán:

  1. Đế thật.
  2. An lập.
  3. Quá thất.
  4. Công đức.
  5. Lý thú.
  6. Lưu chuyển.
  7. Đạo lý.
  8. Tổng biệt.

Mục một, đế thật là nói về chân như của các pháp. Mục hai, an lập và lập ra ngã chấp, là lập ra Biến kế chấp, là lập ra quyết định, phân tích, hỏi lại và lặng bỏ, là lập ra ẩn mật và minh bạch hay ký biệt và sai biệt. Mục ba, quá thất là nói pháp tạp nhiễm có nhiều mặt tội lỗi. Mục bốn, công đức là nói pháp thanh tịnh có nhiều mặt thắng ích. Mục năm, lý thú có sáu thứ: Lý thú chân lý, lý thú chứng đắc, lý thú giáo hóa, lý thú siêu việt nhị biên, lý thú bất khả tư nghì, lý thú mật ý. Mục sáu, lưu chuyển là ba thời gian, ba hữu vi tướng và bốn duyên tố. Mục bảy, đạo lý là bốn đạo lý: Thứ nhất là đạo lý quán đãi, thứ hai là đạo lý tác dụng, thứ ba là đạo lý chứng thành, thứ tư là đạo lý pháp nhĩ. Thứ nhất, đạo lý quán đãi là do nhân tố và duyên tố mà phát sinh các hành và phát sinh ngôn từ liên quan các hành. Thứ hai, đạo lý tác dụng là do nhân tố và duyên tố mà các pháp sinh, các pháp thành, các pháp sinh thành rồi tác dụng. Thứ ba, đạo lý chứng thành là do nhân tố và duyên tố mà làm cho ý nghĩa nói ra được xác lập và làm cho người nghe hiểu biết chính xác. Thứ tư, đạo lý pháp nhĩ là Như Lai xuất thế hay không xuất thế, pháp tánh các pháp vẫn an lập, pháp giới các pháp vẫn an trú. Mục tám, tổng biệt là trước nói tổng quát bằng một câu về pháp, sau đó nói những câu phân tích khác nhau làm cho rõ ràng trọn vẹn.

Thêm nữa, đạo lý chứng thành có hai loại, là loại trong sáng và loại vẩn đục. Do năm tướng mà trong sáng và do bảy tướng mà vẩn đục. (Thứ nhất), do năm tướng mà trong sáng là hiện thấy, suy luận, luận cứ, toàn hảo và chánh giáo. Hiện thấy là các hành vô thường, các hành khổ não, các pháp vô ngã, đại loại như vậy, đó là những điều mà hiện lượng thấy được. Suy luận là dựa vào sự hiện thấy, tức xét thấy các hành là tính sát-na, là tính có đời sau, là tính nghiệp lành nghiệp dữ không mất; tính sát-na là do sự vô thường thô thiển mà biết, tính có đời sau là do chúng sinh có nhiều loại vì có nhiều loại nghiệp mà biết, tính nghiệp lành nghiệp dữ không mất là do chúng sinh có vui có khổ mà biết, đại loại như vậy, đó là những điều không hiện thấy mà có thể suy luận. Luận cứ là dẫn chứng từ những thí dụ cùng tính chất, tức đối với các hành nơi bản thân hay nơi ngoại giới đều có thể dẫn sự sống chết mà ai cũng biết để ví dụ, dẫn mọi sự khổ não của sự sống chết mà ai cũng biết để ví dụ, dẫn sự bất tự do mà ai cũng biết để ví dụ, dẫn sự thịnh suy mà ai cũng biết để ví dụ, đại loại như vậy. Toàn hảo là do hiện thấy, do suy luận và do luận cứ mà làm cho chủ thuyết lập ra được quyết định. Chánh giáo là những giáo huấn tốt đẹp trong sáng, tức những tuyên thuyết của Bậc Toàn Giác, như tuyên thuyết Niết-bàn là vắng lặng trọn vẹn, đại loại như vậy. Do năm sắc thái như vậy mà gọi là khéo quan sát về đạo lý trong sáng và do sự trong sáng ấy mà đạo lý như vậy đáng được học tập.

–Bạch Thế Tôn! Bậc Toàn Giác thì có mấy tướng?

–Thiện nam! Đại khái có năm tướng:

  1. Xuất hiện thế giới thì cái tiếng toàn giác ai cũng nghe cả.
  2. Toàn hảo ba mươi hai tướng quý của bậc Đại trượng phu.
  3. Đầy đủ mười trí lực loại được mọi nghi hoặc cho chúng sinh.
  4. Đầy đủ bốn Vô úy tuyên thuyết chánh pháp, không bị sự biện luận của ai khuất phục mà lại khuất phục được những sự tà luận.
  5. Trong chánh pháp được tuyên thuyết thì tám Thánh đạo và bốn Thánh quả toàn là những cái có thể thực hiện ngay trong hiện tại.

Sự xuất hiện thế giới (với cái tiếng toàn giác và đủ các tướng quý), sự giải quyết nghi hoặc, sự không bị khuất phục mà khuất phục được người khác, sự hiện tại có thể thực hiện Thánh đạo và Thánh quả, năm sự như vậy là tướng của Bậc Toàn Giác mà ông nên biết. Và, như thế, đạo lý chứng thành do hiện lượng, do tỷ lượng cùng những luận cứ và sự toàn hảo của tỷ lượng ấy và do chánh giáo lượng, do năm tướng như vậy mà gọi là trong sáng. (Thứ hai), do bảy tướng mà vẩn đục là một, một phần cùng tính chất; hai, một phần khác tính chất; ba, toàn phần cùng tính chất; bốn, toàn phần khác tính chất; năm, ví dụ khác tính chất; sáu, không phải toàn hảo; bảy, không phải chánh giáo. Nếu đưa ra lý do vì ý thức nhận biết thì đó là toàn phần cùng tính chất. Nếu đưa ra lý do vì tướng, vì đặc tính, vì tác dụng, vì nhân quả, mỗi lý do riêng biệt của mỗi pháp, quyết định khác nhau, thì đó là toàn phần khác tính chất. Nếu đưa ra lý do mà một phần cùng tính chất và ví dụ lại toàn phần khác tính chất thì vì vậy mà chủ thiết lập ra không được quyết định, nên đó là không phải toàn hảo. Nếu đưa ra lý do mà một phần khác tính chất và ví dụ lại toàn phần cùng tính chất thì vì vậy mà chủ thuyết lập ra không được quyết định, nên đó là không phải toàn hảo. Không phải toàn hảo, không phải khéo quan sát đạo lý trong sáng, thì do sự vẩn đục ấy mà không đáng học tập. Ví dụ khác tính chất và không phải chánh giáo, thì ông nên biết bản chất toàn là vẩn đục.

Tướng thứ năm, tự tánh là sự tu hành và sự y cứ theo lời mà Như Lai nói cho để thủ đắc các pháp Bồ-đề phần và niệm trú và các đồng loại.

Tướng thứ sáu, quả của tự tánh là những sự diệt trừ phiền não

và những thành quả công đức thuộc cả phạm vi thế gian và phạm vi xuất thế gian.

Tướng thứ bảy, sự tiếp nhận khai thị của tự tánh là đối với cái quả nói trên, đem cái trí giải thoát mà lãnh nhận và khai thị phong phú cho người.

Tướng thứ tám, chướng ngại của tự tánh là chính các pháp ô nhiễm gây chướng ngại cho sự tu hành các pháp Bồ-đề phần.

Tướng thứ chín, tùy thuận của tự tánh là những gì làm cho sự tu hành ấy nhiều hơn lên.

Tướng thứ mười, tội lỗi của tự tánh là những tội lỗi của các pháp chướng ngại nói trên.

Tướng thứ mười một, thắng ích của tự tánh là những công đức của các pháp tùy thuận nói trên.

Đại Bồ-tát Mạn-thù lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn nói tóm tắt cho các vị Bồ-tát biết sự Tổng trì Kinh, Luật, Luận, một sự Tổng trì không cộng hữu với ngoại đạo; do sự Tổng trì không cộng hữu này mà làm cho các vị Bồ-tát ngộ nhập được mật ý sâu xa của các pháp Đức Thế Tôn tuyên thuyết.

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Ông hãy nghe kỹ. Như Lai nay sẽ nói tóm tắt cho các ông về sự Tổng trì không cộng hữu, để làm cho các vị Bồ-tát khéo ngộ, nhập những ngôn từ mật ý mà Như Lai tuyên thuyết. Thiện nam! Dù pháp tạp nhiễm, dầu pháp thanh tịnh, Như Lai nói tất cả toàn không tác dụng, toàn không bản ngã, bởi vì hết thảy chủng loại đều là phi thi vi. Không phải pháp tạp nhiễm trước bẩn sau sạch, không phải pháp thanh tịnh sau sạch trước bẩn. Nơi cái thân nặng nề, những kẻ phàm phu chấp pháp chấp ngã với bao đặc tính và chi tiết. Chính vọng kiến tùy miên này làm duyên tố nên chấp ta và của ta. Chính vọng kiến tùy miên này bảo ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta chạm, ta biết, ta ăn, ta làm, ta bẩn, ta sạch, đại loại như vậy chuyển thành tà hành. Nếu ai biết đúng như thế này thì vĩnh viễn loại bỏ cái thân nặng nề, đạt được sự không còn phiền não, cùng cực thanh tịnh, siêu việt hý luận, không làm chỗ nương tựa, không có sự sắp đặt bày biện. Đó là tóm tắt về Tổng trì không cộng hữu.

Lúc ấy Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói bài tụng sau đây.

Tất cả các pháp
Nhiễm cũng như tịnh,
Toàn vô tác dụng
Toàn phi bản ngã:
Phi nêu bày này
Mà như lai nói,
Thì bẩn với sạch
Không phải trước sau.
Vọng kiến tùy miên
Làm duyên tố chính,
Thấy thân nặng nề
Là ta của ta,
Và vọng nói rằng
Ta thấy ta biết,
Ta ăn ta làm
Ta bẩn ta sạch.
Đúng như sự thật
Mà biết như vậy,
Vĩnh viễn diệt được
Cái thân nặng nề,
Được phi nhiễm tịnh
Và siêu hý luận,
Không là chỗ dựa
Không là sắp đặt.

Lúc ấy, Đại Bồ-tát Mạn-thù bạch:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con nên nhận thức như thế nào về trạng thái sinh khởi nơi tâm của Đức Thế Tôn?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Như Lai thì không phải được biểu thị bằng sự sinh khởi của tâm ý thức. Thế nhưng Như Lai có sự sinh khởi của cái tâm không cần gia hành và sự sinh khởi ấy nên biết tựa như sự biến hóa.

–Bạch Thế Tôn! Pháp thân Thế Tôn tách rời mọi sự gia hành, gia hành không có thì làm sao có sự sinh khởi của tâm?

–Thiện nam! Do sức mạnh gia hành mà trước đó đã tu tập về Tuệ độ nên tâm sinh khởi. Tựa như kẻ đang ngủ một cách không có tâm thức gì trong giấc ngủ thì không có gia hành gì để thức cả, nhưng do sức mạnh gia hành trước đó nên vẫn thức dậy. Lại như vị đang nhập định diệt tận thì không có gia hành gì để xuất định, xuất định là do gia hành trước đó. Như ngủ và định diệt tận mà tâm sinh khởi trở lại, Như Lai cũng do sức mạnh gia hành mà trước đó đã tu tập về Tuệ độ, nên vẫn có sự sinh khởi của tâm.

–Bạch Thế Tôn! Hóa thân của Thế Tôn có tâm thức hay không có tâm thức?

–Thiện nam! Không phải có tâm thức, cũng không phải không tâm thức, vì không có cái tâm do nơi mình nhưng có cái tâm nơi người.

Đại Bồ-tát Mạn-thù lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Sở hành và cảnh giới của Như Lai, hai thứ ấy có gì khác nhau?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Này thiện nam! Sở hành của Như Lai là tất cả các thứ vô lượng công đức không thể nghĩ bàn mà chư Như Lai cộng hữu đã làm trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh. Cảnh giới của Như Lai là tất cả năm thứ cảnh giới sai biệt. Năm thứ cảnh giới ấy là gì? Một là hữu tình giới, hai là thế giới, ba là pháp giới, bốn là điều phục giới, năm là điều phục phương tiện giới. Như vậy gọi là hai thứ sai biệt.

Đại Bồ-tát Mạn-thù lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Đức Thế Tôn thành Đẳng chánh giác, chuyển chánh pháp luân, nhập đại Niết-bàn, ba sự như vậy con nên hiểu là tướng gì?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Nên biết ba sự như vậy đều không có hai tướng: Phi thành Đẳng chánh giác, phi không thành Đẳng chánh giác; phi chuyển chánh pháp luân, phi không chuyển chánh pháp luân; phi nhập đại Niết-bàn, phi không nhập đại Niết-bàn. Tại sao, bởi vì Pháp thân Như Lai thì cứu cánh thanh tịnh mà hóa thân Như Lai thì thường xuyên thị hiện.

Đại Bồ-tát Mạn-thù lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Các loại chúng sinh chỉ thấy nghe và phụng sự hóa thân Thế Tôn mà sinh công đức, vậy Thế Tôn là nhân duyên gì của họ?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Như Lai là nhân duyên cho tăng thượng duyên của họ, bởi vì hóa thân Như Lai là do cái lực của Pháp thân Như Lai gìn giữ.

Đại Bồ-tát Mạn-thù lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cùng là không có gia hành mà tại sao Pháp thân Thế Tôn vì chúng sinh mà phóng ánh sáng lớn của trí giác vĩ đại, lại xuất ra vô lượng ảo tượng hóa thân, còn giải thoát thân của Thanh văn và Độc giác lại không có những sự ấy?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Tựa như cùng là không có gia hành, nhưng tinh thể của nhật nguyệt thì phóng ánh sáng lớn chứ không phải những tinh thể khác, ấy là vì chúng sinh đại oai đức giữ gìn, vì nghiệp lực tăng thượng của chúng sinh; thêm nữa, như từ viên ngọc ma-ni được chạm khắc bởi tay thợ lành nghề mới xuất hiện đường nét, chứ không phải từ những viên ngọc không được chạm khắc. Tương tự như vậy, do cái Tuệ độ y hết vào vô lượng pháp giới cùng cực khéo léo tu tập mài dũa mới thành Pháp thân Như Lai, từ Pháp thân này mới phóng được ánh sáng trí giác vĩ đại và xuất ra vô lượng ảo tượng hóa thân, chứ không phải chỉ từ giải thoát thân mà có những sự ấy.

Đại Bồ-tát Mạn-thù lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói, do oai đức giữ gìn của Thế Tôn và của chư Bồ-tát mà làm cho chúng sinh ở trong cõi Dục thì sinh vào nhà đại phú quý của đẳng cấp Sát-đế-lợi hay đẳng cấp Bàla-môn, cái thân con người cùng với tài sản, bảo vật không thứ nào không toàn hảo; sinh trong chư Thiên cõi Dục, sinh trong cõi Sắc và cõi Không, thì cũng toàn hảo thân thể và tài bảo ở những cõi ấy.

Bạch Thế Tôn! Lời này có mật ý gì?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Như Lai với Bồ-tát đem oai đức mà giữ gìn chánh pháp; bất cứ chỗ nào có thể làm cho chúng sinh được thân thể và tài bảo toàn hảo, thì Như Lai tùy nghi mà nói chánh pháp ấy cho họ. Rồi ai có năng lực chính xác tu hành chánh pháp ấy, thì sinh ra chỗ nào, thân thể và tài bảo nhận được cũng đều toàn hảo; ai chống đối khinh phá chánh pháp ấy, lại quấy phá tức giận Như Lai, thì mạng chung rồi sinh ra ở đâu, thân thể và tài bảo nhận được cũng toàn thấp kém. Do vậy, oai đức giữ gìn của Như Lai và Bồ-tát không những làm cho chúng sinh, thân thể và tài bảo đều toàn hảo, mà oai đức giữ gìn của Như Lai và Bồ-tát cũng làm cho chúng sinh thân thể và tài bảo đều thấp kém.

Đại Bồ-tát Mạn-thù lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Trong những thế giới nhơ bẩn thì việc gì dễ có và việc gì khó có? Trong những cõi tịnh thì việc gì dễ có và việc gì khó có?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Trong những thế giới nhơ bẩn thì có tám sự dễ có và hai sự khó có. Tám sự dễ có là dễ có ngoại đạo, dễ có kẻ khổ, dễ có đẳng cấp gia tộc lắm sự thịnh suy, dễ có sự làm ác, dễ có sự phạm giới, dễ có các đường dữ, dễ có giáo lý thấp, dễ có Bồ-tát ý lạc gia hành đều thấp kém; hai sự khó có là khó có sự đến đó của các vị Bồtát mà ý lạc và gia hành đều tăng thượng, khó có sự xuất hiện của Như Lai. Trong những cõi tịnh thì trái ngược với trên đây, có tám sự rất khó có và có hai sự dễ có.

Lúc ấy, Đại Bồ-tát Mạn-thù bạch:

–Bạch Thế Tôn! Trong pháp môn Giải Thâm Mật, giáo pháp này gọi tên là gì? Chúng con phải kính cẩn ghi nhớ như thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù:

–Thiện nam! Giáo pháp này tên là Nghĩa Lý Hoàn Hảo Về Phật Sự. Ông hãy kính cẩn ghi nhớ theo cái tên như vậy.

Khi Đức Thế Tôn giảng nói giáo pháp Nghĩa Lý Hoàn Hảo Về Phật Sự thì trong đại hội có bảy mươi lăm ngàn Đại Bồ-tát đều được chứng ngộ Pháp thân viên mãn./.

Pages: 1 2 3 4 5