KINH GIẢI THÂM MẬT
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: MỞ ĐẦU

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn ở trong cung điện lớn, được làm bằng bảy báu rực rỡ lạ thường, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp vô biên cõi nước, nơi đó có vô số khu vực được trang hoàng xen nhau rất tuyệt diệu, vô giới hạn khó mà ước tính được, vượt lên trên ba cõi. Nơi đây được tạo thành do các thiện căn tối thượng, nơi lấy tâm thức trong sạch và tự tại vô ngại làm bản thể, nơi Đức Thế Tôn an trú, nơi các Đại Bồ-tát vân tập, nơi vô số tám bộ chúng thường xuyên đến hội họp, nơi sinh hoạt bằng sự vui thích mùi vị chánh pháp, nơi xuất phát mọi sự ích lợi chân thật cho chúng sinh, nơi dứt hẳn phiền não, tai ương, buộc ràng và nhơ bẩn, nơi tách rời các loại ma, nơi được sự trang nghiêm của Như Lai, nơi lấy đại niệm, đại tuệ và đại hạnh làm đường đi, nơi lấy đại chỉ, diệu quán làm phương tiện, nơi lấy đại không đại vô tướng đại vô nguyện làm cửa vào, nơi được kiến lập bởi các đại bảo hoa vương, nơi được trang nghiêm bởi vô lượng công đức.

Trong cung điện, Đức Thế Tôn tuệ giác thanh tịnh hiện hành pháp bất nhị đạt đến vô tướng, an trụ nơi trụ địa chư Phật đạt tính bình đẳng không chướng ngại, không lay chuyển. Chỗ thành lập của Đức Thế Tôn không thể nghĩ bàn, thấu suốt pháp tánh bình đẳng trong ba đời. Thân Phật lưu bố khắp tất cả thế giới, trí không nghi ngại đối với tất cả các pháp, các hạnh đều thành tựu đại giác, trí không nghi hoặc đối với các pháp. Tất cả hiện thân của Phật đều không thể phân biệt. Đó chính là cái trí tuệ vô nhị, thắng bỉ ngạn, không xen tạp, là diệu trí giải thoát của Như Lai, rốt ráo chứng không ở giữa không ở hai bên của Phật mà tất cả Bồ-tát đều mong cầu.

Cùng với Đức Thế Tôn, bấy giờ có đủ vô lượng chúng đại Thanh văn, tất cả đều là Phật tử thuận thành. Tâm của các vị rất giải thoát, tuệ rất giải thoát, giới rất thanh tịnh cùng hướng cầu cái vui của giáo pháp. Đây là những bậc học hỏi nhiều, giữ gìn và tích chứa nhiều học hỏi. Suy nghĩ ý tốt, nói việc tốt, làm điều tốt. Trí tuệ các vị nhanh chóng, mẫn tiệp, sắc bén và quyết đoán. Trí tuệ thì rộng lớn không gì bằng, thành tựu quý báu đầy đủ ba sáng suốt. Đây là những bậc đạt được niềm vui đệ nhất hiện pháp, an trụ đại tịnh phúc điền, là những bậc đầy đủ oai nghi vắng lặng, thành tựu nhu hòa nhẫn nhục lớn không suy giảm, khéo vâng giữ Thánh giáo của Như Lai.

Lại có vô lượng Bồ-tát Ma-ha-tát từ các cõi Phật về tập hợp. Các vị đều an trụ trong Đại thừa, du hóa pháp Đại thừa, tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, lìa các phân biệt và không phân biệt mọi thứ phân biệt, hàng phục tất cả ma oán, xa lìa mọi tác ý của Thanh văn, Độc giác, giữ pháp vị hỷ lạc rộng lớn, vượt qua năm thứ sợ hãi, một mạch thẳng vào địa vị không thoái chuyển, dứt hết mọi bức bách khổ não của chúng sinh hiện đã có mặt trước Đức Thế Tôn.

Tên các vị thượng thủ đó là Đại Bồ-tát Giải Thâm Nghĩa Ý, Đại Bồ-tát Như Lý Thỉnh Vấn, Đại Bồ-tát Pháp Dũng, Đại Bồ-tát Thiện Thanh Tịnh Tuệ, Đại Bồ-tát Quảng Tuệ, Đại Bồ-tát Đức Bản, Đại Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại, Đại Bồ-tát Từ Thị, Đại Bồ-tát Mạn-thù…

 

Phẩm 2: THẮNG NGHĨA (THẮNG NGHĨA ĐẾ TƯỚNG)

Bấy giờ, ở trước Đức Thế Tôn, Đại Bồ-tát Như Lý Thỉnh Vấn hỏi Đại Bồ-tát Giải Thâm Nghĩa Ý:

–Tối thắng tử! Nói các pháp Bất nhị thì các pháp là những gì? Tại sao lại bất nhị?

Đại Bồ-tát Giải Thâm Nghĩa Ý trả lời Đại Bồ-tát Như Lý Thỉnh Vấn:

–Này thiện nam! Các pháp đại khái có hai: Một là hữu vi; hai là vô vi. Trong ấy, hữu vi không phải là hữu vi, không phải là vô vi; vô vi không phải là vô vi, không phải là hữu vi, nên nói là bất nhị.

Đại Bồ-tát Như Lý Thỉnh Vấn lại hỏi Đại Bồ-tát Giải Thâm Nghĩa Ý:

–Tối thắng tử! Như thế nào gọi là hữu vi không phải là hữu vi, vô vi, vô vi không phải là vô vi, hữu vi?

Đại Bồ-tát Giải Thâm Nghĩa Ý trả lời Đại Bồ-tát Như Lý Thỉnh Vấn:

–Này thiện nam! Nói hữu vi thì đó là cái đức của Bản sư giả thiết; nếu là cái đức của Bản sư giả thiết thì cái ấy là Biến kế chấp trước và được ngôn ngữ diễn tả; nếu là cái Biến kế chấp trước và được ngôn ngữ diễn tả thì cuối cùng chỉ toàn là cách Biến kế chấp trước và ngôn ngữ diễn tả chứ không phải chân thật, vì vậy mà không phải là hữu vi. Nói vô vi thì cũng rơi vào ngôn ngữ; ngoài hữu vi vô vi mà nói chút ít gì đi nữa thì cũng là như thế. Thế nhưng, không phải không sự thể mà có nói phô; sự thể ấy là gì, là các Thánh giả, bằng sự thấy biết rất bậc Thánh, tách rời ngôn ngữ nên thể hiện sự Chánh biến giác đối với pháp tánh; rồi chính nơi pháp tánh tách rời ngôn ngữ ấy, các vị muốn làm cho người khác cũng thể hiện Chánh biến giác, nên giả thiết ngôn từ mà nói là hữu vi.

Thiện nam! Nói vô vi thì đó cũng là cái đức của Bản sư giả thiết; nếu là cái đức của Bản sư giả thiết thì cái ấy là Biến kế chấp trước và được ngôn ngữ diễn tả; nếu là cái Biến kế chấp trước và được ngôn ngữ diễn tả thì cuối cùng chỉ toàn là cách Biến kế chấp trước và ngôn ngữ diễn tả chứ không phải chân thật, vì vậy mà không phải là vô vi. Nói hữu vi thì cũng sa vào ngôn ngữ; ngoài vô vi hữu vi mà nói chút ít gì đi nữa thì cũng là như thế. Thế nhưng, không phải không sự thể mà có nói phô; sự thể ấy là gì, là các Thánh giả, bằng sự thấy biết rất bậc Thánh, tách rời ngôn ngữ nên thể hiện sự Chánh biến giác đối với pháp tánh; rồi chính nơi pháp tánh tách rời ngôn ngữ ấy, các vị muốn làm cho người khác cũng thể hiện Chánh biến giác, nên giả thiết ngôn từ mà nói là vô vi.

Lúc ấy, Đại Bồ-tát Như Lý Thỉnh Vấn lại hỏi Đại Bồ-tát Giải Thâm Nghĩa Ý:

–Tối thắng tử! Như thế nào gọi là sự thể các Thánh giả, bằng sự thấy biết rất bậc Thánh, tách rời ngôn ngữ nên thể hiện sự Chánh biến giác đối với pháp tánh; rồi chính nơi pháp tánh tách rời ngôn ngữ ấy, các vị muốn làm cho người khác cũng thể hiện Chánh biến giác, nên giả thiết ngôn từ mà hoặc nói là hữu vi, hoặc nói là vô vi?

Đại Bồ-tát Giải Thâm Nghĩa Ý trả lời Đại Bồ-tát Như Lý Thỉnh Vấn:

–Thiện nam! Như nhà ảo thuật, hay đồ đệ của nhà ảo thuật, đứng giữa ngả tư, gom cỏ lá ngói gạch và những vật liệu cùng việc, làm ra những ảo trạng tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, ma-ni, chân châu, lưu ly, loa bối, bích ngọc, san hô, kho tàng tiền của, kho tàng thóc gạo… Những kẻ thuộc loại ngu đần, hiểu sai, không trí thức, thì thấy nghe những ảo trạng trên với các vật liệu rồi, thì rằng những gì mình thấy nghe thật là tượng binh cho đến kho tàng thóc gạo…, lại y như sự thấy nghe ấy mà cố chấp và diễn tả, cho rằng chỉ sự thấy nghe ấy là đúng, ai nói khác đi là dốt và dối cả. Những kẻ như vậy sau đó rất cần quan sát lại. Còn những người thuộc loại không ngu đần, hiểu đúng, có trí thức, thì thấy nghe những ảo trạng trên với các vật liệu rồi, nghĩ rằng những gì mình thấy nghe toàn không thật: tượng binh cho đến kho tàng thóc gạo…, thế nhưng có những ảo trạng mê hoặc thị giác, nên tưởng đây là bản thân con voi và đây là chi tiết trên bản thân ấy, cho đến tưởng đây là bản thân kho tàng thóc gạo và đây là chi tiết trên bản thân ấy; họ không y như sự thấy nghe mà cố chấp và diễn tả, cho rằng chỉ sự thấy nghe ấy là đúng, ai nói khác đi là dốt và dối cả. Nhưng họ muốn làm cho người khác cũng biết sự thật như vậy nên cũng sử dụng ngôn từ. Những người như vậy sau đó không cần quan sát nữa.

Tương tự như vậy, những kẻ thuộc loại ngu phu, thuộc loại dị sinh, chưa được tuệ giác siêu việt thế gian của các vị Thánh giả, thì không thể thấu hiểu pháp tánh tách rời ngôn ngữ của các pháp, nên thấy nghe các pháp hữu vi, vô vi rồi, nghĩ rằng cái mình thấy nghe được đó quyết định thật là hữu vi hay vô vi, lại đúng như sự thấy nghe ấy mà cố chấp và diễn tả, cho rằng chỉ sự thấy nghe ấy là đúng, ai nói khác đi là dốt và dối cả. Những kẻ như vậy sau đó rất cần quan sát lại. Còn những người không thuộc loại ngu phu, đã thấy chân lý của Thánh giả, đã được tuệ giác siêu việt thế gian của Thánh giả, thì thấu hiểu một cách đúng như sự thật về pháp tánh tách rời ngôn ngữ của các pháp, nên thấy nghe các pháp hữu vi hay vô vi rồi nghĩ rằng cái mình thấy nghe được đó quyết định không thật là hữu vi, vô vi; thế nhưng, có hành tướng của sự phân biệt như ảo trạng mê hoặc tuệ giác, nên có ý tưởng về bản thân hữu vi hay vô vi, có ý tưởng về chi tiết nơi bản thân hữu vi hay vô vi; nghĩ như vậy nên không y như sự thấy nghe mà cố chấp và diễn tả, cho rằng chỉ sự thấy nghe ấy là đúng, ai nói khác đi là dốt và dối cả. Nhưng họ muốn làm cho người khác cũng biết sự thật như vậy nên cũng sử dụng ngôn từ. Những người như vậy sau đó không cầu quan sát nữa.

Vì vậy, này thiện nam! Trong sự thể này các vị Thánh giả, bằng sự thấy biết rất Thánh, tách rời ngôn ngữ nên thể hiện sự Chánh biến giác đối với pháp tánh, rồi chính nơi pháp tánh tách rời ngôn ngữ ấy, các ngài muốn làm cho người khác cũng thể hiện Chánh biến giác nên giả thiết ngôn từ mà nói là hữu vi, nói là vô vi.

Đại Bồ-tát Giải Thâm Nghĩa Ý muốn tuyên lại nghĩa trên nên nói kệ:

Pháp tánh bất nhị
Tách rời ngôn ngữ
Mà Thế Tôn nói
Thì rất sâu xa,
Không phải người ngu
Có thể hiểu biết
Với pháp tánh ấy
Những kẻ ngu phu
Thì bị mê hoặc
Vì sự ngu dốt,
Nên thích nắm lấy
Hai pháp y cứ
Vận dụng ngôn từ
Hý luận đủ cách.
Họ thành những kẻ
Thuộc nhóm bất định
Hay còn hơn nữa
Thuộc nhóm tà định
Nên đã trôi lăn
Ở trong cái khổ
Của sự sống chết
Rất là lâu dài
Nay lại trái nghịch
Đối với tuệ giác
Cùng với ngôn luận
Rất là chính xác,
Nên trong vị lai
Họ phải sinh vào
Loài bò, loài dê
Các loài như thế.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Pháp Dũng bạch:

–Kính bạch Thế Tôn! Ở phía Đông cõi này, qua bảy mươi hai hằng hà sa thế giới hệ, có thế giới hệ tên Đủ tiếng khen lớn, Đức Thế Tôn giáo chủ hiệu Tiếng Khen Rộng Lớn. Trước đây con từ cõi Phật ấy mà đến cõi này. Tại cõi Phật ấy, con từng thấy một nơi có bảy mươi bảy ngàn ngoại đạo, gồm cả các bậc thầy của họ, cùng ngồi với nhau. Để nghĩ về sắc thái của thắng nghĩa nơi các pháp, họ chung nhau bàn luận, cân nhắc, xem xét. Suy tầm khắp cả mà rốt cuộc họ không biết được thắng nghĩa của các pháp, chỉ có những cái biết phức tạp, mâu thuẫn, bất định, nên họ chống nhau, cãi nhau, miệng lưỡi xuất ra giáo với lao mà đâm thọc nhau, quấy phá nhau, rồi họ giải tán. Lúc ấy con nghĩ riêng như vầy, sự xuất thế của các Đức Thế Tôn thật là hiếm có, bởi vì nhờ sự xuất thế ấy mà đối với cái thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư vẫn có những người thấu suốt chứng ngộ.

Đức Thế Tôn bảo:

–Thiện nam! Đúng vậy! Đúng như ông nói! Đối với thắng nghĩa siêu việt tầm tư, Như Lai đã thành tựu Chánh biến giác và nói rõ cho mọi người.

Này Pháp Dũng! Như Lai nói thắng nghĩa thì Thánh giả tự chứng ngộ từ bên trong, còn đối tượng tầm tư thì dị sinh chuyền cho nhau mà hiểu biết; thế nên, do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư. Này Pháp Dũng! Như Lai nói thắng nghĩa thì tuệ giác vô tướng lãnh hội, còn tầm tư thì chỉ biết về đối tượng hữu tướng; thế nên, Pháp Dũng! Do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư. Pháp Dũng! Như Lai nói thắng nghĩa thì không thể nói phô, còn tầm tư thì chỉ biết bằng sự nói phô, do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư. Pháp Dũng! Như Lai nói thắng nghĩa thì tuyệt hết mọi sự biểu thị, còn tầm tư thì chỉ biết bằng sự biểu thị; thế nên, Pháp Dũng! Do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư. Pháp Dũng! Như Lai nói thắng nghĩa thì tuyệt hết mọi sự tranh luận, còn tầm tư thì chỉ biết bằng sự tranh luận; thế nên, Pháp Dũng! Do điều này mà ông nên biết thắng nghĩa siêu việt lĩnh vực tầm tư.

Này Pháp Dũng! Nên nhận thức rằng, tựa như có kẻ suốt đời đã quen mùi vị cay đắng, thì đối với mùi vị của mật và đường, kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Hoặc như những kẻ trong bao thời gian khẳng định dục vọng, lửa dục nung đốt, thì đối với cái vui siêu thoát tinh tế do từ bên trong đã loại bỏ năm dục, kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Hoặc như những kẻ trong bao thời gian khẳng định ngôn từ, ưa thích ngôn từ hoa dạng của thế gian, thì đối với cái vui lặng thinh thánh thiện do sự yên tĩnh từ bên trong, kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Hoặc như những kẻ trong bao thời gian khẳng định sự biểu thị của thấy nghe hay biết, ưa thích những sự biểu thị có tính thế gian, thì đối với Niết-bàn toàn hảo do hủy diệt mọi sự biểu thị và cái thân năm uẩn, kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Hoặc như những kẻ mà trong bao thời gian khẳng định về ngã sở, chiếm hữu và tranh luận, ưa thích mọi sự tranh luận của thế gian, thì đối với sự không ngã sở, chiếm hữu và tranh luận của nhân loại ở đại lục Bắc Câu-lô, kẻ ấy không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu. Tương tự như vậy, Pháp Dũng! Những kẻ tầm tư thì đối với thắng nghĩa siêu việt cái biết của tầm tư, họ không thể tầm tư, so sánh, tin hiểu.

Để lặp lại ý nghĩa đã nói, lúc ấy Đức Thế Tôn nói bài tụng sau đây:

Chứng ngộ từ trong
Vô tướng lãnh hội
Không thể nói phô
Tuyệt hết biểu thị,
Đình chỉ tranh luận
Thắng nghĩa như vậy
Siêu việt hết thảy
Sắc thái tầm tư.

Lúc ấy, Đại Bồ-tát Thiện Thanh Tịnh Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thật diệu kỳ, thật khéo giảng nói, nói thắng nghĩa rất vi tế, rất sâu, khó thấu, vượt trội đặc tính đồng nhất hay dị biết đối với các hành.

Bạch Thế Tôn! Chính tại cõi này, con từng thấy một nơi có các vị Bồ-tát đồng đẳng tu hành chân thật về quả vị Thắng giải hành cùng ngồi với nhau, chung nhau nghĩ bàn về thắng nghĩa đối với các hành là một hay khác nhau. Trong đó, một số nói thắng nghĩa với các hành hoàn toàn là một; một số nói không phải thắng nghĩa với các hành hoàn toàn là một, mà là tuyệt đối khác nhau; một số nghi hoặc, do dự, nói các vị ấy ai thật ai dối, ai đúng ai sai, khi một số nói thắng nghĩa với các hành là một, một số nói thắng nghĩa với các hành khác nhau.

Bạch Thế Tôn! Thấy như vậy, con nghĩ rằng các thiện nam này ngây thơ, không sáng, không khéo và không đúng; đối với thắng nghĩa rất vi tế, rất sâu và siêu việt nhất dị đối với các hành, họ không thấu hiểu.

Đại Bồ-tát Thiện Thanh Tịnh Tuệ kính bạch như vậy rồi, Đức Thế Tôn nói:

–Thiện nam! Đúng vậy! Đúng như ông nói! Các thiện nam ấy ngây thơ, không sáng, không khéo và không đúng; đối với thắng nghĩa rất vi tế, rất sâu và siêu việt nhất dị đối với các hành, họ không thấu hiểu. Lý do là vì, đối với các hành, không phải khi nhận thức như vậy mà gọi là thấu hiểu hay chứng ngộ thắng nghĩa.

Trước hết, này Thiện Thanh Tịnh Tuệ! Nếu thắng nghĩa với các hành là một thì đáng lẽ hiện nay tất cả dị sinh đã thấy đế lý, đã được Niết-bàn yên ổn, đã chứng Bồ-đề tối thượng; nếu thắng nghĩa với các hành khác nhau thì đáng lẽ người đã thấy đế lý không thể trừ khử các hành, không trừ khử các hành thì không thể giải thoát tướng phược, không giải thoát tướng phược thì không thể giải thoát trọng phược, không giải thoát hai phược ấy thì không thể được Niếtbàn yên ổn, cũng không thể chứng Bồ-đề tối thượng. Nhưng, vì hiện nay các loại dị sinh không phải đã thấy đế lý, không phải đã được Niết-bàn yên ổn, không phải đã chứng Bồ-đề tối thượng, nên cho thắng nghĩa với các hành là một thì phi lý, nói thắng nghĩa với các hành là một thì do đạo lý này mà ông nên biết họ nói không đúng; mặt khác, vì hiện nay không phải những người thấy đế lý không thể loại bỏ các hành mà là loại bỏ được, không phải không thể giải thoát tướng phược mà là giải thoát được, không phải không thể giải thoát những ràng buộc mà là giải thoát được, giải thoát được hai phược nên cũng được Niết-bàn yên ổn và chứng Bồ-đề tối thượng, nên cho thắng nghĩa với các hành khác nhau thì phi lý, nói thắng nghĩa với các hành khác nhau thì do đạo lý này mà ông nên biết họ nói không đúng.

Thứ nữa, này Thiện Thanh Tịnh Tuệ! Nếu thắng nghĩa với các hành là một thì đáng lẽ các hành là tạp nhiễm, thắng nghĩa cũng tạp nhiễm; nếu thắng nghĩa với các hành khác nhau thì đáng lẽ không phải cộng tướng của các hành gọi là thắng nghĩa. Nhưng, vì hiện nay thắng nghĩa không phải là tạp nhiễm, mặt khác, vì cộng tướng của các hành gọi là thắng nghĩa, nên cho thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau thì đều phi lý, nói thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau thì do đạo lý này mà ông nên biết họ nói không đúng.

Sau nữa, này Thiện Thanh Tịnh Tuệ! Nếu thắng nghĩa với các hành là một thì đáng lẽ thắng nghĩa là phi sai biệt, các hành cũng phi sai biệt, đáng lẽ hành giả tu quán, thấy nghe hay biết các hành rồi sau đó không còn tìm biết thắng nghĩa; nếu thắng nghĩa với các hành khác nhau thì đáng lẽ không phải cái được hiển lộ bởi các hành vô ngã vô tánh chính là thắng nghĩa, đáng lẽ tạp nhiễm và thanh tịnh cùng lúc dị biệt mà song lập. Nhưng, vì hiện nay các hành là sai biệt chứ không phải phi sai biệt, vì hành giả tu quán, thấy nghe hay biết các hành rồi sau đó còn tìm biết thắng nghĩa, mặt khác, vì chính cái được hiển lộ do các hành vô ngã vô tánh gọi là thắng nghĩa, vì không phải tạp nhiễm và thanh tịnh cùng lúc dị biệt mà song lập, nên cho thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau thì đều phi lý, nói thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau thì do đạo lý này mà ông nên biết họ nói không đúng.

Này Thiện Thanh Tịnh Tuệ! Như sắc trắng nơi loa bối, không dễ gì nói là một hay khác nhau với loa bối. Như sắc trắng nơi loa bối, sắc vàng nơi vàng cũng vậy. Như khúc nhạc hòa nơi âm thanh đàn hầu, không dễ gì nói là một hay khác nhau với âm thanh đàn không hầu. Như hơi thơm hòa nơi trầm đen, không dễ gì nói là một hay khác nhau với trầm đen. Như vị cay nơi hạt tiêu, không dễ gì nói là một hay khác nhau với hạt tiêu. Như vị cay nơi hạt tiêu, vị bùi nơi trái halê cũng vậy. Như sự láng mịn nơi lụa tơ tằm, không dễ gì nói là một hay khác nhau với lụa tơ tằm. Như váng sữa nơi sữa chín, không dễ gì nói là một hay khác nhau với sữa chín. Như sự vô thường nơi các hành, sự khổ não nơi hữu lậu, sự vô ngã nơi các pháp, không dễ gì nói là một hay khác nhau với các hành, hữu lậu và các pháp. Sự thác loạn và tạp nhiễm nơi tham, không dễ gì nói là một hay khác nhau với tham; như nơi tham, nơi sân và nơi si cũng vậy. Tương tự như thế, Thiện Thanh Tịnh Tuệ! Không thể quy định thắng nghĩa với các hành là một hay khác nhau.

Này Thiện Thanh Tịnh Tuệ! Đối với thắng nghĩa siêu việt một, khác các hành như vậy, rất vi tế rất sâu và rất sâu, khó biết và cực kỳ khó biết, Như Lai đã đạt được Chánh biến giác. Chánh biến giác rồi, Như Lai nói rõ cho người.

Lúc này, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói bài tụng sau đây:

Thắng nghĩa các hành
Siêu việt một, khác
Phân biệt một, khác
Là biết không đúng.
Chúng sinh thì bị
Tướng phược trọng phược
Siêng tu Chỉ Quán
Mới giải thoát được.

Khi ấy, Đức Thế Tôn hỏi Trưởng lão Thiện Hiện:

–Thiện Hiện! Trong chúng sinh giới, Trưởng lão có biết bao nhiêu người có tăng thượng mạn, do tăng thượng mạn chi phối mà xác định sự hiểu biết của mình? Bao nhiêu người không tăng thượng mạn mà xác định sự hiểu biết của mình?

Trưởng lão Thiện Hiện bạch:

–Bạch Thế Tôn! Trong chúng sinh giới, con biết chỉ có một số người không tăng thượng mạn mà xác định sự hiểu biết của mình, nhưng có vô số người có tăng thượng mạn, do tăng thượng mạn chi phối mà xác định sự hiểu biết của mình.

Bạch Thế Tôn! Có một lần con ở chỗ thanh vắng trong rừng cây lớn. Bấy giờ có nhiều vị Tỳ-kheo cũng ở trong rừng ấy, gần con. Các vị Tỳ-kheo này, trong phần sau của ban ngày, lần lượt hội lại, căn cứ sự hiện quán có thủ đắc mà nói các pháp, xác định sự hiểu biết của mình. Tóm lại một số do thủ đắc về uẩn tức thủ đắc đặc tính của uẩn, thủ đắc sự phát sinh của uẩn, thủ đắc sự tận diệt của uẩn, thủ đắc sự tác chứng về sự tận diệt của uẩn, nên xác định sự hiểu biết của mình. Như một số do thủ đắc về uẩn, một số do thủ đắc về xứ và một số do thủ đắc về duyên khởi thì cũng như vậy. Một số do thủ đắc về thực: thủ đắc đặc tính của thực, thủ đắc sự phát sinh của thực, thủ đắc sự tận diệt của thực, thủ đắc sự tác chứng về sự tận diệt của thực, nên xác định sự hiểu biết của mình. Một số do thủ đắc về đế: thủ đắc đặc tính của đế, thủ đắc sự biến tri về đế, thủ đắc sự vĩnh đoạn về đế, thủ đắc sự tác chứng về đế, thủ đắc sự tu tập về đế, nên xác định sự hiểu biết của mình. Một số do thủ đắc về giới: thủ đắc đặc tính của giới, thủ đắc chủng loại của giới, thủ đắc đa dạng của giới, thủ đắc sự tận diệt của giới, thủ đắc sự tác chứng về sự tận diệt của giới, nên xác định sự hiểu biết của mình. Một số do thủ đắc về niệm trú: thủ đắc đặc tính của niệm trú, thủ đắc về chủ thể đối trị và đối tượng được đối trị của niệm trú, thủ đắc sự tu tập về niệm trú, thủ đắc sự chưa phát sinh thì làm cho phát sinh của niệm trú, thủ đắc sự đã phát sinh thì làm cho kiên cố, bội phần tu tập cao lên và rộng ra của niệm trú, nên xác định sự hiểu biết của mình. Như một số do thủ đắc về niệm trú, những số do thủ đắc về chính đoạn, do thủ đắc về thần túc, do thủ đắc về căn, do thủ đắc về lực, do thủ đắc về giác chi, thì cũng như vậy. Một số do thủ đắc về tám chi Thánh đạo: thủ đắc đặc tính của tám chi Thánh đạo, thủ đắc về chủ thể đối trị và đối tượng được đối trị của tám chi Thánh đạo, thủ đắc sự tu tập về tám chi Thánh đạo, thủ đắc sự chưa phát sinh thì làm cho phát sinh của tám chi Thánh đạo, thủ đắc sự đã phát sinh thì làm cho kiên cố, bội phần tu tập cao lên và rộng ra của tám chi Thánh đạo, nên xác định sự hiểu biết của mình.

Bạch Thế Tôn! Con thấy như vậy thì nghĩ rằng các vị trưởng lão này căn cứ sự hiện quán có thủ đắc mà nói các pháp, xác định sự hiểu biết của mình như thế, thì biết các vị toàn là tăng thượng mạn, bị tăng thượng mạn chi phối, nên không thể thấu hiểu đặc tính phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị của thắng nghĩa. Vì thế nên Thế Tôn thật kỳ diệu, Thế Tôn thật khéo nói, ấy là Thế Tôn nói thắng nghĩa rất vi tế và cùng cực rất vi tế, rất sâu và cùng cực rất sâu, khó biết và cùng cực khó biết, phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị. Bạch Thế Tôn! Các vị Tỳ-kheo tu học trong chánh pháp mà còn khó thấu hiểu đặc tính phổ biến nhất vị của thắng nghĩa, huống chi những người ngoại đạo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Thiện Hiện:

–Đúng như vậy! Trưởng lão Thiện Hiện! Đối với thắng nghĩa rất vi tế và cùng cực rất vi tế, rất sâu và cùng cực rất sâu, khó biết và cùng cực khó biết, phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị, Như Lai đã thể hiện Chánh biến giác. Chánh biến giác rồi, Như Lai nói rõ cho mọi người.

Trước hết, này Thiện Hiện! Như Lai đã nói cái đối tượng được duyên thanh tịnh nơi toàn thể năm uẩn chính là thắng nghĩa; Như Lai đã nói cái đối tượng được duyên thanh tịnh nơi toàn thể mười hai xứ, mười hai Duyên khởi, bốn Thực, bốn Đế, mười tám Giới, bốn Niệm trú, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi và tám Thánh đạo, chính là thắng nghĩa. Cái đối tượng được duyên thanh tịnh ấy, nơi toàn thể năm uẩn, nó là đồng nhất tính vị, không có dị biệt; như nơi toàn thể năm uẩn, thì nơi toàn thể mười hai xứ, cho đến nơi toàn thể tám Thánh đạo, nó cũng là như vậy, đồng nhất tính vị, không có dị biệt. Thế nên, Thiện Hiện! Do đạo lý này mà trưởng lão hãy nhận thức thắng nghĩa là phổ biến toàn thể, đồng nhất tính vị.

Thứ nữa, này Thiện Hiện! Các vị Tỳ-kheo tu quán, thấu hiểu chân như thắng nghĩa vô ngã nơi một uẩn, thì không cần tìm cầu chân như thắng nghĩa ấy riêng biệt nơi các uẩn khác, nơi mười hai xứ cho đến nơi tám Thánh đạo. Và chính cái trí thích ứng với chân như thắng nghĩa bất nhị này làm căn cứ mà thẩm cứu tiến chứng chân như thắng nghĩa phổ biến toàn thể và đồng nhất tánh vị. Thế nên, Thiện Hiện! Do đạo lý này mà trưởng lão hãy nhận thức thắng nghĩa là phổ biến toàn thể và đồng nhất tính vị.

Sau nữa, này Thiện Hiện! Như năm uẩn thì triển chuyển khác nhau, như mười hai xứ cho đến tám Thánh đạo thì cũng triển chuyển khác nhau, nếu chân như thắng nghĩa vô ngã của toàn thể các pháp ấy mà cũng khác nhau, thì chân như thắng nghĩa này đáng lẽ cũng có nhân tố, do nhân tố xuất sinh; nếu do nhân tố xuất sinh thì đáng lẽ là hữu vi, nếu là hữu vi thì đáng lẽ không phải thắng nghĩa, nếu không phải thắng nghĩa thì đáng lẽ phải tìm cầu thắng nghĩa nào khác nữa.

Nhưng, này Thiện Hiện! Do chân như thắng nghĩa vô ngã không có nhân tố, không phải nhân tố xuất sinh, cũng không phải hữu vi, mà đích là thắng nghĩa, nên chứng ngộ thắng nghĩa ấy rồi thì không còn tìm cầu thắng nghĩa nào khác nữa, mà thấy chỉ có thường xuyên, vĩnh viễn, Như Lai xuất thế hay không xuất thế, pháp tánh các pháp vẫn an lập, pháp giới các pháp vẫn an trú. Thế nên, này Thiện Hiện! Do đạo lý này mà trưởng lão hãy nhận thức thắng nghĩa là phổ biến toàn thể và đồng nhất tánh vị.

Thiện Hiện, tựa như trong toàn thể hình sắc khác nhau, đa dạng và đa số, hư không vẫn không hình sắc, không phân biệt, không biến đổi, mà là phổ biến và nhất vị. Tương tự như vậy, nơi toàn thể các pháp khác đặc tính và khác sắc thái, thắng nghĩa vẫn là phổ biến và nhất vị.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói bài tụng sau đây:

Chính cái thắng nghĩa
Phổ biến nhất vị
Như Lai nói là
Không có khác nhau.
Nếu có kẻ nào
Phân biệt khác nhau
Kẻ ấy tối mê
Thượng mạn chi phối.

Phẩm 3: TÂM THỨC (TÂM Ý THỨC TƯỚNG)

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Quảng Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói Bồ-tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức, vậy Bồ-tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức như thế nào mới được gọi là Bồ-tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức? Và cho rằng do đâu mới được Thế Tôn quy định vị Bồ-tát ấy là Bồ-tát khéo biết mật nghĩa tâm ý thức?

Đại Bồ-tát Quảng Tuệ bạch hỏi như vậy rồi, Đức Thế Tôn nói:

–Tốt lắm! Quảng Tuệ! Ông có thể hỏi Như Lai cái nghĩa sâu xa như vậy. Vậy là ông muốn tạo lợi ích yên vui cho vô lượng chúng sinh. Ông thương tưởng cả thế giới loài người và tám bộ loại khác, muốn làm cho họ được lợi thật, được yên vui, nên phát ra câu hỏi vừa rồi. Ông hãy nghe kỹ. Như Lai sẽ nói cho ông về mật nghĩa tâm ý thức.

Trước hết, này Quảng Tuệ! Ông nên nhận thức rằng sự sinh tử trong sáu đường, chúng sinh chết ở thế giới nào rồi sinh vào thế giới nào, thì thân thể hoặc sinh trong loài sinh bằng trứng, hoặc sinh trong loài sinh bằng thai, hoặc sinh trong loài sinh bằng ẩm thấp, hoặc sinh trong loài sinh bằng biến hóa. Sự sinh ấy đầu tiên do chủng tử thức vốn đã thành thục nay triển chuyển hóa hợp, tuần tự lớn lên, với hai sự chấp thọ của thức ấy: Một là chấp thọ các sắc căn và đối tượng được nương dựa của các sắc căn; hai là chấp thọ chủng tử của tướng, danh và phân biệt, loại chủng tử do ngôn từ hý luận mà có. Sinh trong thế giới có hình sắc thì có đủ hai sự chấp thọ vừa nói, còn sinh trong thế giới không hình sắc thì không đủ hai sự chấp thọ ấy.

Thứ nữa, này Quảng Tuệ! Thức ấy cũng tên là A-đà-na, vì nó theo mà nắm giữ thân thể; cũng tên là A-lại-da, vì nó chấp thọ mà cùng yên cùng nguy với thân thể; cũng tên là Tâm, vì nó do sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tích tụ tăng trưởng.

Sau nữa, này Quảng Tuệ! Chính thức A-đà-na làm nền tảng và xây dựng mà phát sinh sáu thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý: Do nhãn căn và sắc cảnh làm duyên tố mà phát sinh nhãn thức, đồng thời đồng cảnh có ý thức cùng phát sinh với nhãn thức ấy; do các căn nhĩ, tỷ, thiệt, thân và các cảnh thanh, hương, vị, xúc làm duyên tố mà phát sinh các thức nhĩ, tỷ, thiệt, thân, đồng thời đồng cảnh có ý thức cùng phát sinh với các thức nhĩ, tỷ, thiệt, thân ấy. Như vậy nếu một lúc nào đó chỉ có một thức phát sinh thì lúc đó chỉ có một ý thức cùng phát sinh với một thức ấy, nếu một lúc nào đó có hai đến năm thức phát sinh thì lúc đó cũng chỉ có một ý thức cùng phát sinh với hai đến năm thức ấy. Ví như dòng nước chảy vừa mạnh vừa lớn, nếu có duyên tố nổi một cơn sóng thì một cơn sóng nổi lên, nếu có duyên tố nổi hai đến nhiều cơn sóng thì hai đến nhiều cơn sóng nổi lên, nhưng bản thân dòng nước vẫn chảy mãi, không dứt không hết. Lại như mặt gương tốt và sáng, nếu có duyên tố hiện một hình ảnh thì chỉ một hình ảnh hiện ra, nếu có hai đến nhiều duyên tố hiện hai đến nhiều hình ảnh thì hai đến nhiều hình ảnh hiện ra, nhưng không phải mặt gương biến thành hình ảnh, cũng không có sự hết hiện hình ảnh. Tương tự như vậy, do dòng nước thức A-đà-na làm nền tảng và xây dựng, nên một lúc nào đó có duyên tố phát sinh của một thức thì lúc đó một thức phát sinh, nếu một lúc nào đó có duyên tố phát sinh của hai đến năm thức thì lúc đó có hai đến năm thức phát sinh.

Này Quảng Tuệ! Như trên là Bồ-tát do cái trí pháp trú làm nền tảng và xây dựng mà khéo biết mật nghĩa tâm ý thức. Thế nhưng Như Lai không do đây quy định vị Bồ-tát ấy là Bồ-tát khéo biết tất cả mật nghĩa của tâm ý thức. Quảng Tuệ! Nếu Bồ-tát từ bên trong và rành rẽ, đúng như sự thật mà không thấy A-đà-na và thức A-đà-na, không thấy A-lại-da và thức A-lại-da, không thấy tích tập và tích tập tâm, không thấy nhãn căn sắc cảnh và nhãn thức, cho đến không thấy ý căn pháp cảnh và ý thức, như thế mới gọi là vị Bồ-tát khéo biết thắng nghĩa và do đây Như Lai quy định vị Bồ-tát ấy là Bồ-tát khéo biết thắng nghĩa; cũng ngang đây gọi là vị Bồ-tát khéo biết tất cả mật nghĩa của tâm ý thức và cũng ngang đây Như Lai quy định vị Bồ-tát ấy là Bồ-tát khéo biết tất cả mật nghĩa của tâm ý thức.

Muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên lúc này Đức Thế Tôn nói bài tụng sau đây.

Thức A-đà-na
Cùng cực vi tế
Tất cả chủng tử
Như dòng nước mạnh.
Như Lai không nói
Cho kẻ phàm phu
Sợ họ phân biệt
Chấp làm bản ngã.

Trang: 1 2 3 4 5