KINH ĐƯƠNG LAI BIẾN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật Thế Tôn ngụ tại khu lâm viên Kỳ Đà – Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với năm trăm đại Tỳ-kheo và các Bồtát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Đời vị lai sẽ có Tỳ-kheo nhân nơi một pháp không theo chánh pháp để giáo hóa, khiến cho chánh pháp bị hủy diệt, không thể tăng trưởng. Thế nào là một pháp? Đó là không thọ trì giới cấm, không thể thâu giữ nội tâm, không tu tập trí tuệ, buông lung tâm ý, chỉ cầu tiếng khen, chẳng thuận theo đạo pháp, không siêng năng tu tập pháp xuất thế, chỉ ham sự nghiệp thế gian.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Lại có hai việc khiến cho chánh pháp hủy diệt. Những gì là hai pháp? Đó là:

1. Không hộ trì giới cấm, không thâu giữ nội tâm, không tu tập trí tuệ, nuôi dưỡng vợ con, tâm ý buông lung, mua bán để sinh sống.

2. Cùng nhau kết bè đảng, ghét người tu tập chánh pháp, chỉ muốn hãm hại họ, vì thế nên vu khống họ bằng những lời dối trá dua nịnh, trong khi làm việc xấu mà bên ngoài thì giả vờ thanh tịnh.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Có ba điều làm cho chánh pháp hủy diệt. Những gì là ba?

1. Không thọ trì giới cấm, không thâu giữ tâm ý, không tu tập trí tuệ.

2. Tự đọc kinh điển nhưng không hiểu rõ về câu nghĩa, nên đem đoạn trước để ra sau, lấy đoạn sau để lên trước, đầu đuôi lộn xộn, vì vậy không thể hiểu rõ về chỗ ý nghĩa hướng đến mà tự cho mình là đúng.

3. Khi bị người trí quở trách thì không chịu nghe theo, lại ôm lòng sân hận, cho là vì ghét mình. Người hiểu rõ về nghĩa lý thì ít, người không phân biệt được về nghĩa lý thì nhiều, thành ra cũng tự cho mình là đúng.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Lại có bốn điều làm cho chánh pháp hủy diệt. Những gì là bốn?

1. Có Tỳ-kheo từ bỏ sự nghiệp thế tục, đến chốn vắng vẻ nhưng không lo sự nghiệp tu học.

2. Ưa thích dạo chơi, vào những chốn đông đúc náo nhiệt, bàn chuyện phiếm của thế gian, tìm sắm ca-sa tốt đẹp, y phục đầy cả năm màu.

3. Nghe, nhìn những chuyện xa vời, cho mình là giỏi, tự xem mình là bậc cao đức, không ai bằng, lấy sự hiểu biết vụn vặt ấy mà so sánh với các Tỳ-kheo có trí tuệ.

4. Không thâu giữ ba nghiệp, không hộ trì các căn, qua lại với phụ nữ, nói nhiều lời hoa mỹ hợp vơi ý họ gây xao động lòng người, khiến cho sự thanh tịnh biến thành uế trược, tạo việc hoang loạn, phế bỏ chánh pháp.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Lại có năm điều làm cho chánh pháp hủy diệt. Những gì là năm?

1. Có Tỳ-kheo ban đầu theo chánh pháp, xuất gia để tu đạo, nhưng lại phế bỏ lời dạy sâu xa của kinh điển như: Mười hai nhân duyên, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, kinh Phương Đẳng với trí tuệ sâu xa huyền diệu, Sáu pháp Ba-la-mật phương tiện thiện xảo, Ba cửa giải thoát là không, vô tướng, vô nguyện.

2. Ngược lại học tập các câu cú thô thiển, kinh điển nhỏ nhặt, vụng về, tạo việc thế gian, đó là nguyên nhân làm rối loạn ba tạng kinh điển. Họ chỉ thích giảng giải sự việc của thế tục biến đổi, để được lòng người, làm vừa ý để có tiếng khen.

3. Người mới nghe pháp, sự hiểu biết còn cạn cợt lại cho là họ thích thú, người đã thâm đạt không cho đấy là sự thành tựu.

4. Các chúng trời, rồng, quỷ thần không vui thích hộ trì, ôm lòng buồn bã, miệng thầm than thở: “Pháp lớn sắp hủy diệt nên mới xảy ra sự việc như vậy”.

Bỏ việc giáo hóa theo diệu pháp, ngược lại phơi bày lời lẽ thô tạp, khiến cho chư Thiên rơi lệ, vội vàng bỏ, tránh.

5. Do vậy, chánh pháp dần dần bị mai một, vì không có người tinh tấn tu học.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Sau khi Ta diệt độ, có mười lăm điều tà loạn đó khiến cho chánh pháp bị hủy diệt, thật là đau đớn.

Nếu có Tỳ-kheo muốn học đạo đúng đắn thì phải xả bỏ trang sức, không cầu danh tiếng, chân thật, chất phác, giảng truyền chánh kinh, giáo hóa theo đúng chánh pháp vi diệu của Phật, không cầu nhiều lời, căn cứ vào nghĩa chính yếu của kinh để thuyết pháp, lời nói đơn giản nhưng chính xác, không mất ý Phật, đời sống giản dị, đạm bạc, được tốt không mừng, bị xấu không buồn, ăn mặc tốt xấu, ngon dở tùy ở tín thí, không bị buồn vui chi phối, luôn phòng giữ thân, khẩu, ý, thâu giữ các căn, không trái lời Phật dạy, luôn nhớ nghĩ về mạng sống ngắn ngủi, bỗng chốc trôi qua, như mộng thấy có, lúc thức thì không còn, khổ nạn trong ba đường dữ không thể lường được. Phải tinh tấn tu học pháp Phật như cứu lửa cháy dầu, nên tu hành các pháp: Năm giới, Mười thiện, Sáu độ, Bốn tâm vô lượng, Bốn ân bằng trí tuệ và phương tiện quyền xảo. Người ấy tuy không gặp Phật ở đời, nhưng luôn được xuất gia học đạo, với tâm bình đẳng thương xót chúng sinh làm cho tất cả điều nhờ ơn.

Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo đều xúc động và hoan hỷ, tự quy y Phật, làm lễ và lui ra.