Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức

Kinh Dược Sư Lưu Ly  Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
Kinh Sách

Kinh Dược Sư Lưu Ly
Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức

Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang – hán dịch
Tỳ Khưu Thích Nhất Chân – việt dịch

doahong

 

Tôi nghe như vầy, một thời Bạc Già Phạn đi giáo hóa các nước, đến thành Quảng Nghiêm, trú dưới gốc cây Nhạc Âm, cùng với chúng đại Bí su gồm tám ngàn người, Bồ tát Ma ha tát ba mươi sáu ngàn vị, cùng quốc vương, đại thần, bà la môn, cư sĩ, Trời, Rồng, Dược xoa, người cùng với chẳng phải người… Đại chúng vô lượng cung kính vây quanh để rồi Phật sẽ vì họ thuyết pháp.

Bấy giờ, Pháp vương tử Mạn Thù Thất Lợi thể theo oai thần của phật đứng giậy khỏi tòa, trịch y để trần một bên vai, gối phải qùy xuống đất, hướng về phía Bà Già Phạn cung kính chắp tay bạch rằng :

“- Thế Tôn, con cúi xin Ngài diễn bày nói về các tướng cùng loại của các Danh hiệu và các công đức đại Nguyện căn bổn đặc biệt siêu việt của các chư Phật, khiến cho người nghe nghiệp chướng tiêu trừ, cũng để lợi lạc cho chư hữu tình vào thời tượng pháp.”

Bấy giờ, Thế Tôn khen ngợi Mạn Thù Thất Lợi đồng tử rằng :

“- Khéo thay, khéo thay, Mạn Thù Thất Lợi ! Ông do đại bi mà thỉnh cầu ta nói về Danh hiệu và công đức Nguyện căn bổn của chư Phật, cũng để cứu vớt hữu tình bị các nghiệp chướng ràng buộc, lợi ích an lạc cho chư hữu tình vào thời tượng pháp. Ông nay lắng nghe, suy xét cho thật đúng đắn, ta sẽ vì ông mà nói.”

Mạn Thù Thất Lợi nói :

“- Thưa vâng, xin Phật hãy nói, chúng con mong muốn được nghe. ” Phật bảo Mạn Thù Thất lợi :

“- Phương đông cách đây qua khỏi mười lần số cát sông Găng Già cõi Phật có thế giới tên Tịnh Lưu Ly, Phật hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, -ng, Chính Đẳng Giác, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc Già Phạn.

Mạn Thù Thất Lợi, Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia, gốc khi còn thực hành con Đường Bồ Tát, có phát mười hai đại nguyện, làm cho hữu tình cầu gì cũng đều được :

Đại Nguyện thứ nhất : Nguyện ta đời sau khi đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề, ánh sáng thân mình rực rỡ, chiếu rạng vô lượng vô số vô biên thế giới, dùng ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp thân hình, trang nghiêm lấy thân, và làm cho tất cả hữu tình như ta không khác.

Đại Nguyện thứ hai : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, thân như lưu ly, trong ngoài trong suốt, sạch không vết bợn, ánh sáng rộng lớn, công đức uy nghi, thân trụ vững vàng, lưới sáng tô điểm, rực rỡ hơn cả mặt trăng mặt trời, chúng sinh tối tăm nhờ đó đều được thấy tỏ, tùy ý mà đi, làm các công việc. Đại Nguyện thứ ba : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, sẽ dùng vô lượng vô biên phương tiện trí huệ làm cho hữu tình đều được bất tận các vật hưởng dụng, không để chúng sinh thiếu thốn thứ gì.

Đại Nguyện thứ tư : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, nếu chư hữu tình ai hành tà đạo, đều khiến an trụ vào Đạo Bồ Đề. Nếu hành Thanh Văn hay Độc Giác Thừa, đều dùng Đại Thừa đặt để họ vào.

Đại Nguyện thứ năm : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, nếu có vô lượng vô biên hữu tình ở trong Pháp ta tu hành thanh tịnh, tất cả đều khiến không để sót giới, đủ cả ba tụ. Giả như có ai hủy phạm, nghe đến Danh ta sẽ thanh tịnh lại, khỏi đọa ác thú.

Đại Nguyện thứ sáu : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, nếu chư hữu tình thân thể hạ liệt, các căn không đủ, xấu xí ngu ngơ, đui điếc câm ngọng, cong khoèo lưng gù, lác trắng điên cuồng, đủ thứ bệnh khổ. Nghe Danh ta rồi, tất cả đều được ngay ngắn sáng suốt, các căn đầy đủ, không còn bệnh khổ.

Đại Nguyện thứ bẩy : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, nếu chư hữu tình bị bệnh ép ngặt, không người cứu chữa, không nơi nương về, không thầy không thuốc, không thân không thuộc, bần cùng bao khổ. Danh hiệu của ta vừa lọt qua tai, bao bệnh đều trừ, thân tâm an lạc, thân thuộc đồ dùng trọn đều đầy đủ, cho đến chứng đắc vô thượng Bồ Đề.

Đại Nguyện thứ tám : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, nếu có nữ nhân bị trăm điều khổ của thân phụ nữ hành khổ, sinh chán cùng cực, nguyện xả thân nữ. Nghe Danh ta rồi, tất cả đều được chuyển nữ thành nam, đủ tướng trượng phu, cho đến chứng đắc vô thượng Bồ Đề.

Đại Nguyện thứ chín : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, khiến chư hữu tình thoát lưới bẫy Ma, giải thoát tất cả ràng buộc ngoại đạo ; nếu đọa lạc vào rừng rậm ác kiến, đều sẽ dẫn về đặt vào chính kiến, khiến cho từ từ tu hành Bồ Tát, mau chứng vô thượng chính đẳng Bồ Đề.

Đại Nguyện thứ mười : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, nếu chư hữu tình vì phạm phép vua, bị trói đánh đập, nhốt trong lao ngục ; hoặc xử phải chết ; cùng với vô lượng tai nạn đọa đày, sầu đau nung đốt, thân tâm khốn khổ. Nếu nghe Danh ta, do lực oai thần phúc đức của ta, đều được giải thoát tất cả ưu khổ.

Đại Nguyện thứ mười một : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, nếu có hữu tình đói khát hành hạ. Do vì kiếm ăn tạo các nghiệp ác. Được nghe Danh ta, chuyên nhớ thọ trì. Ta trước sẽ ban uống ăn thượng diệu cho thân no đủ, sau dùng vị Pháp an lạc tối hậu mà xây dựng cho.

Đại Nguyện thứ mười hai : Nguyện ta đời sau khi đắc Bồ Đề, nếu chư hữu tình nghèo không manh áo, muỗi ruồi lạnh nóng ngày đêm bức bách. Nếu nghe Danh ta chuyên nhớ thọ trì, thì như ý thích sẽ được đủ loại y phục tuyệt đẹp, được luôn tất cả ngọc báu điểm trang, vòng hoa, hương thoa, trống nhạc các trò, tùy tâm vui hưởng đều được đủ cả.

“Mạn Thù Thất Lợi, đó là mười hai thượng Nguyện vi diệu do Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai -ng Chính Đẳng Giác phát thệ trong khi thực hành con Đường Bồ Tát.

“Lại nữa Mạn Thù Thất lợi, đại Nguyện mà Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia phát thệ trong khi còn thực hành con Đường Bồ Tát, cùng với vẻ đẹp công đức của cõi Phật kia, dù ta một kiếp hay hơn một kiếp nói cũng không cùng. Song cõi Phật kia luôn luôn thanh tịnh, không có người nữ, cũng không nẻo ác, không có tiếng khổ. Đất bằng lưu ly, giây vàng phân đường, cửa thành lầu gác, lan can song cửa, đều làm bằng bẩy loài báu, y như vẻ đẹp công đức của tây phương Cực Lạc thế giới không hề sai khác. Trong cõi nước này có hai Bồ tát Ma ha tát, một danh Nhật Quang Biến Chiếu, hai danh Nguyệt Quang Biến Chiếu, là hai vị đứng đầu trong chúng Bồ Tát vô lượng vô số, tiếp nối vào ngôi Phật, đều có thể trì giữ kho tàng chính Pháp của Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai này. Thế nên, Mạn Thù Thất Lợi, các thiện nam tử thiện nữ nhân nào mà có tín tâm phải nên nguyện sinh về thế giới của đức Phật kia.”

Lúc ấy, Thế Tôn lại bảo Mạn Thù Thất Lợi đồng tử rằng :

“- Mạn Thù Thất Lợi, có các chúng sinh không rõ thiện ác, chỉ lo tham tiếc, không biết bố thí và quả báo thí, ngu si vô trí lại thiếu tín căn, chất chứa của báu, ra công giữ gìn. Thấy người xin lại trong lòng không vui, khi bất đắc dĩ mà phải thí cho, thì như cắt thịt, tâm sinh đau đớn. Lại có vô lượng hữu tình tham tiếc, tích tập tiền của, ngay chính thân mình còn chẳng dám dùng, nói gì đến cho cha mẹ, vợ con, người ăn kẻ ở, cùng người lại xin. Các hữu tình này khi chết khỏi đây, sinh cõi qủi đói hoặc loài súc sinh. Do xưa cõi người từng được nghe qua Danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, giờ tại cõi ác chỉ thoáng nhớ lại Danh của Phật kia. Lúc vừa nhớ lại liến mất khỏi đó sinh lại loài người, nhớ lại đời trước, sợ khổ cõi ác, không còn thích dục, ưa hành thí cho, ca ngợi người thí, tất cả sở hữu không còn tiếc tham, từ từ có thể đem đầu mắt tay chân máu thân thịt thí cho người lại cầu xin, huống gì là các tài vật.

“- Lại nữa Mạn Thù Thất Lợi, hoặc các hữu tình tuy theo Như Lai thọ các học giới, song lại phá Thi la ; có kẻ tuy không phá Thi la, mà lại phá phép tắc ; có kẻ tuy Thi la, phép tắc không hoại, song lại hủy chính kiến ; có kẻ tuy không hủy chính kiến mà lại bỏ “nghe nhiều”, nên không hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của các khế Kinh do Phật nói ra ; có kẻ “nghe nhiều” lại đâm ngộ nhận mà thành kiêu mạn, do kiêu mạn bởi ngộ nhận như thế che mờ tâm trí, cho mình là đúng người khác là sai, chê bai chính pháp, bè đảng với Ma. Kẻ ngu như thế tự hành tà kiến, lại làm vô lượng câu chi hữu tình đọa vào hầm dữ. Chư hữu tình ấy lẽ phải lưu chuyển bất tận ở trong địa ngục, ngạ qủy, bàng sinh, nếu được nghe đến Danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia, liền bỏ hành ác, tu các pháp thiện, khỏi đọa cõi ác. Hay dù không thể xả bỏ hành ác, tu tập thiện pháp, mà đọa cõi ác, thời do oai lực bổn Nguyện của Như Lai kia khiến họ hiện thời tạm nghe Danh hiệu, thì khi mệnh chung từ cõi ác kia, sẽ sinh trở lại cõi người, được chính kiến tinh tiến, khéo điều tâm ý, và rồi có thể bỏ nhà hướng đến xuất gia, nơi Pháp Như Lai thọ trì học giới, không hề hủy phạm, chính kiến nghe nhiều, hiểu nghĩa thật sâu, lìa kiêu mạn do ngộ nhận, không chê chính Pháp, không làm bạn Ma, tuần tự tu hành các hành Bồ Tát mau được viên mãn.

“- Lại nữa Mạn Thù Thất Lợi, hoặc các hữu tình tiếc tham ganh ghét, khen mình chê người, phải đọa vào ba cõi ác chịu bao khổ ải vô lượng ngàn năm. Chịu khổ ải rồi, từ đó mệnh chung sinh lên cõi người làm thân trâu, ngựa, lạc đà, la, lừa, luôn bị roi quật, đói khát dày vò, lại thường mang nặng đi lại trên đường. Hoặc được làm người, sinh nhà hèn hạ, làm tôi tớ người, chịu người sai bảo, chẳng được tùy tâm tự tại. Nếu xưa làm người từng nghe Danh hiệu Thế Tôn Dược sư Lưu Ly Quang Như Lai, do nhân thiện ấy nay nhớ trở lại, rốc lòng quy y, do thần lực Phật thoát hết các khổ, các căn lanh lợi, trí huệ nghe nhiều, thường cầu thắng Pháp, thường gặp “bạn tốt”. đoạn dứt bẫy Ma, phá vỏ vô minh, cạn sông phiền não, giải thoát tất cả sinh, già, bệnh, chết, ưu, sầu, khổ, não.

“- Lại nữa Mạn Thù Thất Lợi, hoặc các hữu tình ưa thích chống trái, tranh cãi lẫn nhau, nhiễu loạn ta người, dùng thân ngữ ý tạo tác tăng trưởng đủ thứ nghiệp ác, làm hết chuyện bất lợi này đến chuyện bất lợi khác, mưu hại lẫn nhau ; vời triệu các thần núi, rừng, cây, mả, giết các chúng sinh lấy máu cùng thịt tế tự các qủy Dược xoa, La Sát ; viết tên kẻ thù, làm hình tượng họ, dùng ác chú thuật mà chú ếm lên, trù rủa, thả độc, chú gọi thây ma, khiến giết kẻ kia hay hại thân họ. Các hữu tình này nếu lại được nghe Danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia, thì các mưu ác kia sẽ không sao hại được. Tất cả rồi ra đều khởi từ tâm, làm lợi an lạc không còn ý hại hay lòng oán hận, ai nấy vui vẻ với vật mình dùng, sinh lòng biết đủ hỉ hoan, không xâm lấn nhau mà cùng lợi ích.

“- Lại nữa Mạn Thù Thất Lợi, hoặc có bốn chúng Bí su, Bí su ni, Ưu ba sách ca, Ưu ba xích ca, cùng với các thiện nam tử thiện nữ nhân có lòng tin thanh tịnh. Trong ấy có ai có thể nhận giữ tám điều trai Giới: hoặc suốt một năm hoặc trọn ba tháng nhận giữ học giới. Do căn thiện ấy nguyện sinh tây phương Cực Lạc thế giới nơi chốn Vô Lượng Thọ Phật để nghe chính Pháp, mà chưa quyết chắc. Nếu nghe được Danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì vào lúc mệnh chung sẽ có tám Bồ Tát, tên các vị ấy là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát, Vô Tận Ý Bồ tát, Bảo Đàn Hoa Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, Dược Thượng Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, từ trong không lại chỉ cho đường lối, thì sẽ tự nhiên hóa sinh trong hoa bằng báu đủ loại mầu sắc của thế giới kia. Hoặc lại có vị nhân đó mà sinh lên trời. Tuy sinh cõi trời, song căn thiện vốn vẫn chưa cùng tận, không còn sinh lại vào các cõi ác, hết thọ trên trời sinh lại nhân gian, hoặc làm Luân vương thống nhiếp bốn châu, oai đức trùm khắp tự tại, dẫn dắt vô lượng trăm ngàn hữu tình vào đường thập Thiện. Hoặc sinh vào dòng Sát đế lợi, Bà la môn, cư sĩ danh giá, của báu dẫy đầy, kho chứa tràn ngập ; hình tướng sang đẹp, họ hàng đông đảo ; thông minh trí huệ, khỏe mạnh oai hùng như đại lực sĩ. Nếu là người nữ được nghe Danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà chí tâm thọ trì, thì sau này sẽ không mang lại thân người nữ nữa.

“- Lại nữa Mạn Thù Thất Lợi, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia vào lúc đắc Bồ Đề, do lực Nguyện gốc thấy các hữu tình bị các bệnh khổ như bệnh gầy gò, siêu vẹo, khô tróc, vàng vọt, nóng sốt.. ; hoặc bị trúng phải trù rủa, vật độc ; hoặc là đoản mạng hoặc là chết bất ngờ ; muốn cho các bệnh khổ ấy tiêu trừ, thỏa mọi mong cầu, nên Thế Tôn kia nhập Tam ma địa gọi là “Diệt trừ tất cả khổ não của chúng sinh”. Khi nhập định rồi, từ trong nhục kế phóng ra ánh sáng to lớn. Trong ánh sáng ấy nói lên đại Đà la ni như sau : “Nam mô bạt già phạt đế, Bệ sát xã lũ lô tích lưu ly, Bát lạt bà hát ra xà dã, Đát tha yết đa gia, A ra hát đế, Tam miệu Tam bột đà da. Đát điệt tha :. Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã tam một yết đế, sa ha.” Lúc ấy trong ánh sáng nói chú này xong, đất đai chấn động, phóng ánh sáng lớn, tất cả chúng sinh bệnh khổ đều trừ, được vui an ổn. – Mạn Thù Thất Lợi, nếu thấy người nam kẻ nữ nào phải chịu bệnh khổ, thì phải một lòng vì người bệnh ấy thường tắm rửa, súc miệng sạch sẽ, rồi hoặc trong đồ ăn hoặc trong thuốc uống hoặc trong nước không trùng, chú đủ một trăm lẻ tám biến, cho người kia uống hay ăn, thì có bệnh gì cũng đều tiêu trừ. – Nếu có cầu gì, chí tâm niệm tụng, đều được như vậy, không bệnh sống lâu, sau khi mệnh chung sinh về thế giới kia, được không thối chuyển, cho đến Bồ Đề. – Thế nên Mạn Thù Thất Lợi, nếu có người nam người nữ nào mà chí tâm ân cần, cung kính cúng dường Dược sư Lưu Ly Quang Như Lai kia, thì phải thường trì chú này, đừng để lãng quên.

“- Lại nữa Mạn Thù Thất Lợi, nếu có người nam người nữ nào lòng tin thanh tịnh, được nghe Danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai -ng Chính Đẳng Giác. Nghe rồi tụng trì, sáng ra nhai nhành cây cho sạch răng, rồi tắm gội súc miệng cho trong sạch, dùng các hương hoa, hương đốt, hương thoa, trổi các âm nhạc, cúng dường hình tượng. Với Kinh điển này hoặc mình tự chép hoặc bảo người chép, một lòng thọ trì, lắng nghe ý nghĩa. Với vị pháp sư cần phải cúng dường, tất cả vật dụng cần cho cơ thể trọn đều cúng đủ, không để thiếu sót. Nhờ đó sẽ được chư Phật bảo bọc thương tưởng, cầu gì cũng được, cho đến Bồ Đề.”

Bấy giờ, Mạn Thù Thất Lợi bạch

Phật rằng :

“- Thế Tôn, con xin thề rằng vào thời tượng pháp, sẽ dùng đủ mọi phương tiện khiến cho các thiện nam tử thiện nữ nhân có lòng tin thanh tịnh, đều được nghe đến Danh hiệu của Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Cho đến trong giấc ngủ họ, con cũng dùng danh Phật mà nói vào tai cho họ nghe biết.

“- Thế Tôn, nếu nơi Kinh này mà thọ trì đọc tụng, hoặc lại vì người mà giảng nói chỉ bày, hoặc tự chép hoặc bảo người chép, cung kính tôn trọng, dùng đủ loại hương hoa, hương thoa, hương bột, hương thắp, vòng hoa, chuỗi ngọc, cờ phướn lọng che, nhạc nghệ, để mà cúng dường. Dùng lụa năm mầu làm đãy đựng Kinh, quét dọn chỗ sạch, xắp xếp tòa cao mà đặt Kinh lên. Tức thì bốn đại Thiên Vương cùng với tùy tùng, và cả vô lượng trăm ngàn chúng trời, đều đến nơi ấy cúng dường gìn giữ.

“- Thế Tôn, nếu chỗ nào mà Kinh báu này lưu hành đến, có ai thọ trì, thì do lực Nguyện gốc và do nghe Danh hiệu của Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia, phải hiểu chốn ấy không có nạn chết bất ngờ nữa, cũng không hề bị các ác qủy thần đoạt mất tinh khí ; mà dù có bị đoạt cũng vẫn hồi phục lại được như thường, thân tâm an lạc.”

Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi :

“- Đúng vậy, đúng vậy ! Đúng như ông nói. Mạn Thù Thất Lợi, nếu có các thiện nam tử thiện nữ nhân nào có lòng tin thanh tịnh, mà muốn cúng dường Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia, thì phải trước hết tạo lập hình tượng của Phật ấy, rồi dọn tòa thanh tịnh mà đặt tượng lên, rải đủ loại hoa, thắp mọi thứ hương, rồi trang điểm bằng đủ loại cột cờ. Trong vòng bẩy ngày bẩy đêm nhận giữ tám điều Giới trai, ăn uống thanh tịnh, tắm gội thơm sạch, mặc áo mới sạch ; phải sinh tâm không nhơ bợn, tâm không giận hại, đối với tất cả hữu tình khởi tâm bình đẳng từ bi hỉ xả làm lợi ích và an lạc ; rồi trổi nhạc ca hát ngợi khen, đi quanh tượng Phật theo phía bên phải của tượng ; lại phải nhớ nghĩ đến công đức Nguyện gốc của Như Lai kia, đọc tụng Kinh này, suy xét ý nghĩa, giảng giải khai bày. Thì tùy mình cầu gì, tất cả đều toại nguyện : cầu sống lâu được sống lâu, cầu giầu có được giầu có, cầu quan chức được quan chức, cầu trai gái được trai gái.

“- Nếu lại có người bỗng bị ác mộng, thấy các điềm gở hoặc loài chim xấu tụ về ; hoặc nơi chỗ ở hiện ra trăm thứ quái lạ. Người này nếu đem vật dụng qúy giá cung kính cúng dường Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia, thời ác mộng điềm gở, mọi thứ bất tường, đều biến mất sạch, không gây hại được.

“- Hoặc bị bao thứ sợ hãi như nước, lửa, dao kiếm, thuốc độc, cheo leo nguy hiểm, voi dữ, sư tử, hổ, sói, gấu, rắn độc, bò cạp, rết, bọ độc, muỗi, mòng…, nếu lại có thể chí tâm nhớ tưởng Phật kia, cung kính cúng dường, thì mọi sợ hãi đều được thoát khỏi.

“- Hoặc nước khác xâm lược, giặc giã phản loạn, thời nhớ tưởng cung kính Như Lai kia, cũng đều thoát hết.

“- Lại nữa Mạn Thù Thất Lợi, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào có lòng tin thanh tịnh, mà cho đến suốt đời không thờ bất cứ trời nào, chỉ cứ một lòng quy y Phật Pháp Tăng, nhận giữ cấm Giới, hoặc năm giới, mười giới, Bồ Tát bốn trăm giới, Bí Su hai trăm năm mươi giới, Bí su ni năm trăm giới. Nơi Giới thọ nhận hoặc có hủy phạm, sợ đọa cõi ác. Nếu lại chuyên nhớ được Danh hiệu Phật, cung kính cúng dường, thì chắc chắn không sinh vào ba nẻo ác.

“- Hoặc có người nữ vào lúc sinh sản chịu các cực khổ, nếu lại có thể chí tâm xưng Danh, lễ lậy ca ngợi, cung kính cúng dường bậc Như Lai kia, thì mọi khổ sở đều trừ dứt hết, con cái sinh ra thân thể đầy đủ, hình dung đẹp đẽ, ai thấy cũng ưa, lanh lẹn thông minh, an lành ít bệnh, không bị phi nhân đoạt mất tinh khí.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A Nan rằng :

“- Như ta đề cao các công đức mà Phật Thế Tôn Dược Sư Lư Ly Quang Như lai kia có được, đó là chỗ thực hành rất thâm sâu của chư Phật, khó mà hiểu nổi. Ông có tin chăng ?” A Nan bạch rằng :

“- Đại đức Thế Tôn, con đối với khế Kinh do Như Lai nói không hề sinh nghi hoặc. Tại sao như vậy ? Tất cả Như Lai nghiệp thân ngữ ý không nghiệp nào không thanh tịnh. Thế Tôn, mặt trăng mặt trời kia còn có thể làm cho rơi xuống, núi chúa Diệu Cao kia cũng có thể làm cho lay chuyển ; song lời nói của chư Phật không bao giờ sai khác. Thế Tôn, có các chúng sinh gốc tín không đủ, nghe nói đến chỗ thực hành rất thâm sâu của chư Phật, bèn nghĩ như sau : Làm sao chỉ niệm Danh hiệu của một Phật Dược sư Lưu Ly Quang Như Lai không thôi, mà có được công đức lợi ích to lớn như thế. Do không tin như thế nên ngược lại sinh hủy báng. Người ấy trong đêm dài mất đi lợi lạc lớn, đọa các cõi ác, lưu chuyển không cùng.” Phật bảo A Nan :

“- Các hữu tình ấy, nếu lại nghe được Danh hiệu của Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chí tâm thọ nhận giữ, không sinh nghi hoặc, mà đoạ cõi ác, thì thật không có điều ấy.

“- A Nan, đó là sự thực hành rất thâm sâu của chư Phật thật khó mà tin hiểu nổi. Ông nay có thể thọ nhận, phải biết là đều do nơi oai lực của Như Lai. A Nan, tất cả các Thanh Văn, Độc Giác cùng các Bồ Tát mà chưa lên đến Địa, đều không thể tin hiểu đúng như thật nổi, chỉ trừ Bồ Tát “còn một lần sinh nữa” mà thôi.

“- A Nan, thân người khó có được ; đối với Tam Bảo tín kính tôn trọng càng khó có hơn ; được nghe Danh hiệu của Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai lại càng khó hơn hết.

“- A Nan, vô lượng hành Bồ Tát, vô lượng phương tiện khéo léo, vô lượng đại Nguyện rộng lớn của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia, dù ta có một kiếp hoặc là hơn một kiếp mà nói cho tường tận, thì kiếp sẽ mau hết, mà hành, Nguyện và phương tiện khéo léo của đức Phật kia không hề cùng tận.”

Bấy giờ, trong chúng có một Bồ tát Ma ha tát tên gọi Cứu Thoát, đứng giậy khỏi tòa, trệch y để lộ vai bên phải, gối phải chạm đất, kính cẩn chắp tay bạch với Phật rằng :

“- Đại Đức Thế Tôn, vào thời tượng pháp có các chúng sinh bị đủ hoạn nạn làm cho khốn khó : bệnh liệt gầy mòn không ăn uống được, môi cổ khô ran, thấy xung quanh tối, điềm chết hiện tiền. Cha mẹ họ hàng, bạn bè thân hữu vây quanh khóc lóc. Song thân người kia nằm yên một chỗ, thấy Diễm Ma sứ dẫn thần thức mình đến ngay trước mặt Diễm Ma Pháp Vương. Vốn các hữu tình luôn có vị thần “cùng sinh với mình”, tùy mình làm gì hoặc tội hoặc phúc, đều ghi chép đủ, rồi trao lại hết cho Diễm Ma Pháp Vương. Lúc ấy Vương kia hạch hỏi người bệnh, xem xét việc làm của họ, rồi tùy tội hay phúc để mà phán xử. Khi ấy bạn bè thân thuộc của người bệnh kia, nếu có thể vì người ấy mà quy y với Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thỉnh chư chúng tăng đọc tụng Kinh này, thắp bẩy từng đèn, treo cờ tục mạng thần thức gồm có năm mầu, thời có thể là thần thức người kia được hồi trở về, như ở trong mộng tự thấy rõ ràng, hoặc trong vòng bẩy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc bốn mươi chín ngày. Khi thức hồi lại, như từ mộng tỉnh, mình đều nhớ rõ nghiệp thiện, không thiện, đều có quả báo. Do tự chứng kiến nghiệp và quả báo, thì dù mạng bị đe dọa cũng không dám tạo các thứ nghiệp ác. Thế nên, thiện nam tử thiện nữ nhân có lòng tin thanh tịnh đều phải nhận giữ Danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tùy khả năng mình mà cung kính cúng dường.”

Bấy giờ, A Nan hỏi Bồ Tát Cứu Thoát rằng :

“- Thiện nam tử, phải cung kính cúng dường Thế Tôn Dược Sư Lư Ly Quang Như Lai ra sao ? Cờ và đèn “tục mạng” phải làm như thế nào ? ” Bồ Tát Cứu Thoát nói :

“- Đại Đức, nếu có người bệnh muốn thoát bệnh khổ, thì hãy vì người ấy bẩy ngày bẩy đêm nhận giữ tám điều trai Giới, phải đem đồ ăn thức uống cùng các vật dụng, tùy khả năng mình, cúng dường cho Bí su tăng. Ngày đêm sáu thời lễ bái cúng dường Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như lai kia, đọc tụng Kinh này bốn mươi chín lần, thắp bốn mươi chín ngọn đèn, tạo bẩy hình tượng của Như Lai kia. Trước mỗi một tượng đặt bẩy ngọn đèn. Mỗi một ngọn đèn lớn như bánh xe, suốt trong bốn mươi chín ngày ánh sáng liên tục. Tạo cờ năm mầu sắc, dài bốn mươi chín gang tay, lại thả các loại chúng sinh đủ bốn mươi chín loại. Thời có thể qua khỏi nguy ách, không bị chết bất ngờ hay ác qủy bắt giữ nữa.

“- Lại nữa A Nan, Hoặc các bậc vua chúa như vua Quán Đỉnh sát đế lợi, gặp lúc tai biến, như nạn tật dịch trong dân chúng, nạn xâm lấn bởi nước khác, nạn phản nghịch ngay trong cõi, nạn tinh tú biến bất thường, nạn nhật thực nguyệt thực, nạn mưa gió trái thời, nạn quá thời không mưa. Khi ấy các vị vua Quán Đỉnh sát đế lợi phải khởi tâm từ bi đối với tất cả các hữu tình, ân xá kẻ tù ngục, y theo phép cúng dường đã nói trước đó mà cúng dường Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia. Do gốc thiện căn ấy và do lực Nguyện gốc của Như Lai kia mà cõi nước sẽ được an ổn, mưa gió đúng thời, lúa thóc được mùa, tất cả hữu tình không bệnh an vui. Ở trong nước ấy không có các thần Dược Xoa hung tợn đe dọa hữu tình nữa, tất cả điềm gở đều tan biến mất. Còn vua Quán Đỉnh sát đế lợi kia thì tuổi thọ khí lực, không bệnh tự tại, đều được an ổn kéo dài.

“- A Nan, hoặc đế vương, hoàng hậu, cung phi, chúa tể, phụ tướng, vua chúa, vương tử, đại thần, phó tướng, thể nữ trong cung, trăm quan, dân chúng, bị bệnh làm khổ cùng hoạn nạn khác, cũng phải tạo lập cờ thần thức năm mầu, thắp đèn sáng liên tục, thả các sinh mạng, rải đủ loại hoa, thắp các hương thơm, thì bệnh trừ hết, giải thoát các nạn.”

Bấy giờ A Nan hỏi Bồ Tát Cứu Thoát rằng :

“- Thiện nam tử, tại sao mạng đã tận rồi, mà lại kéo dài được thêm nữa ?”

Bồ Tát Cứu Thoát nói :

“- Đại Đức, ông không nghe  Như lai nói về chín thứ “chết bất ngờ” hay sao ? Thế nên tôi mới khuyên nên làm đèn và cờ “tục mạng”, tu các phúc đức. Do nhờ tu phúc nên trọn suốt tuổi thọ không bị nạn khổ.”

A Nan hỏi rằng :

“- Chín thứ chết bất ngờ là thế nào?”

Bồ Tát Cứu Thoát nói :

“- Có các hữu tình bị bệnh tuy nhẹ, song không thầy không thuốc, không người chăm sóc, giả như gặp thầy lại cho sai thuốc. Thật không đáng chết mà lại thành chết bất ngờ. Lại do tin nơi tà ma, ngoại đạo, các thầy yêu qủy trong thế gian này, vọng nói phúc họa mà sinh lo sợ, tâm không tự chủ bói hỏi mối họa, rồi mới đi giết đủ loại chúng sinh dâng lên bầy tỏ cho thần soi xét, vời các yêu mị, xin xỏ ban phước, mong được sống dài, rốt lại không được: ngu si mê hoặc, tin tà điên đảo, thành bất ngờ chết rơi vào địa ngục không có ngày ra, đó là loại chết bất ngờ thứ nhất. Hai là bất ngờ bị phép vua gia hình giết hại. Ba là săn bắn vui chơi, đam mê tửu sắc, phóng túng quá độ, bị loài phi nhân đoạt mất tinh khí mà bất ngờ chết. Bốn là bị lửa thiêu chết bất ngờ. Năm là bị nước nhận chết bất ngờ. Sáu là các loại thú dữ bất ngờ giết ăn. Bẩy là rớt từ núi cao mà chết bất ngờ. Tám là trúng phải các thứ thuốc độc, trù rủa, ếm chú, gọi qủy thây chết, mà chết bất ngờ. Chín là do khổ đói khát, không được uống ăn mà chết bất ngờ. Đó là Như Lai nói tóm có chín loại chết bất ngờ. Ngoài ra còn có vô lượng các cách chết bất ngờ khác khó mà nói hết được.

“- Lại nữa A Nan, vua Diễm Ma kia coi xét các sổ tên tuổi ghi chép các việc thế gian, Nếu các hữu tình nào bất hiếu , phạm năm tội “nghịch”, phá hoại làm nhục Tam Bảo, hoại phép vua tôi, hủy phạm tín giới, thời vua pháp Diễm Ma sẽ tùy tội nặng nhẹ, tra khảo trừng phạt. Thế nên tôi nay khuyên các hữu tình thắp đèn làm cờ, phóng sinh tu phúc, để thoát khổ ách, không bị các nạn.”

Bấy giờ trong chúng có mười hai đại tướng Dược Xoa, đều ở nơi tòa trong Hội, đó là : Cung Tỳ La đại tướng, Phạt Triết La đại tướng, Mê Xí La đại tướng, An Để La đại tướng, Án Nhĩ La đại tướng, San Để La đại tướng, Nhân Đạt La đại tướng, Ba Di La đại tướng, Ma Hổ La đại tướng, Chân Đạt La đại tướng, Chiêu Đổ La đại tướng và Tỳ Yết La đại tướng. Mười hai vị đại tướng Dược Xoa này mỗi vị có bẩy ngàn tùy tùng dược xoa, đồng lúc cất tiếng bạch Phật rằng :

“- Thế Tôn, chúng con ngày nay nhờ oai lực Phật được nghe Danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, không còn nỗi sợ cõi ác gì nữa. Tướng sĩ chúng con đều đồng một tâm, cho đến trọn đời quy Phật Pháp Tăng, thề sẽ gánh vác tất cả hữu tình, làm việc có lợi, gây ích an lạc. Tùy ở nơi nào, thôn xóm, thành thị, đất nước, cõi bờ, chỗ tịch mịch hay rừng sâu vắng vẻ, hễ có Kinh này lưu hành, hay có người nào nhận giữ Danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như lai, cung kính cúng dường,  chúng con và quyến thuộc sẽ hộ vệ người ấy, làm cho họ được thoát khỏi tất cả nạn khổ ; ai có cầu gì đều làm thỏa nguyện ; hoặc có tật bệnh tai ách, muốn cầu thoát khỏi, thì hãy đọc tụng Kinh này, dùng chỉ năm mầu thắt tên chúng con, bao giờ như nguyện rồi hãy cởi ra.”

Bấy giờ, Thế Tôn ca ngợi các đại tướng Dược Xoa rằng :

“- Khéo thay, khéo thay, tướng đại Dược Xoa ! Các ông những muốn báo đền ân đức của Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như lai, thì phải luôn làm an lạc lợi ích tất cả hữu tình như thế.”

Bấy giờ, A Nan bạch Phật rằng :

“- Thế Tôn, Pháp môn này gọi là gì

? Chúng con phụng trì thế nào ?” Phật bảo với A Nan :

“- Pháp môn này tên là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức, cũng gọi là Mười Hai Thần Tướng Lợi Ích Hữu Tình Kết Nguyện Thần Chú, cũng gọi là Nhổ Trừ Tất Cả Nghiệp Chướng, hãy như vậy mà giữ gìn lấy.”

Lúc Bà Già Phạn nói lời ấy rồi, các Bồ tát Ma ha tát cùng đại Thanh Văn, quốc vương, đại thần, Bà la môn, cư sĩ, Trời, Rồng, Dược xoa, Càn thát phược, A tố lạc, Yết lộ trà, Khẩn nại lạc, Ma hô lạc già, người và chẳng phải người, tất cả đại chúng, nghe những gì Phật nói đều rất vui mừng, tin tưởng vâng nhận tuân hành.

Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh

Dược Sư Quán Đỉnh chân ngôn

Nam mô Bạt già phạt đế, Bệ sát xã lũ lô tích lưu ly, Bát lạt bà hát ra xà dã, Đát tha yết đa gia, A ra hát đế, Tam miệu Tam bột đà gia. Đát điệt tha : Án, Bệ sát thệ, Bệ sát thệ, Bệ sát xã tam một yết đế, sa bà ha.

Cởi, cởi ràng buộc, cởi oán buộc,
Cởi hết bao đời nghiệp oán ân,
Rửa tâm sạch tưởng, phát lòng thành,
Nay đối trước Phật cầu cởi hết.
Dược Sư Phật, Dược Sư Phật,
Nạn tiêu tăng thọ, Dược sư Phật,
Tùy tâm mãn nguyện, Dược Sư Phật

Mười hai đại tướng Dược Xoa
Trợ Phật tuyên dương.
Dùng chỉ năm mầu cột lấy tên
Tùy nguyện ắt viên thành.
Oan nghiệp sạch trong,
Phúc, thọ mãi an khang.

Nam mô Dược Sư Hải Hội Phật Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)

Bài Viết Liên Quan

Kinh Sách

Video: Cung thỉnh giác linh tham lễ Phật Tổ tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Chùa Phật Ân

Cung thỉnh giác linh tham lễ Phật Tổ tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Chùa Phật Ân - Tang lễ của Trưởng lão Hoà Thượng thượng Nguyên hạ Chứng hiệu Tuệ Sỹ   
Kinh Sách

A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Thích Luận Quyển 20

A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ THÍCH LUẬN Tác giả: Tôn giả Bà-tẩu-bàn-đậu Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Chân Đế Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản   QUYỂN 20 Phẩm 7:...
Kinh Sách

Du Già Sư Địa Luận Lược Toản Quyển 04

DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN LƯỢC TOẢN Soạn giả: Sa-môn Khuy Cơ Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản   QUYỂN 4 (Bản Luận 9, 10) BẢN LUẬN 9 Trong chín môn của...
Kinh Sách

Chương 4: Yếu nghĩa Thập chú

Chương 4: YẾU NGHĨA THẬP CHÚ ÐẠI BI THẦN CHÚ (Trích ở hàm chữ “Năng” trong đại tạng, kinh đề là thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ tát quảng đại viên mãn Vô ngại Ðại bi Tâm đà La Ni Kinh). Bấy giờ...
Kinh Sách

Luận Tạp A Tỳ Đà Tâm Quyển 04

LUẬN TẠP A TỲ ĐÀ TÂM Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu Hán dịch: Tam Tạng Tăng già Bạt Ma, người Thiên Trúc, Đời Lưu Tống Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản...
Kinh Sách

Thắng Man Giảng Luận

THẮNG MAN GIẢNG LUẬN Tuệ Sỹ NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG   thang-man-giang-luan