SỐ 350
KINH DI NHẬT MA NI BẢO
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Chi Lâu Ca Sấm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Bấy giờ, Đức Phật ở tại Tinh xá Kỳ Hoàn, vườn Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, một vạn hai ngàn Bồ-tát. Khi ấy, Phật bảo Tỳ-kheo Đại Ca-diếp:
–Bồ-tát có bốn việc làm giảm trí tuệ. Bốn việc đó là gì? Một là không trọng kinh pháp, không kính Pháp sư. Hai là làm chướng ngại cho người nghe kinh. Ba là có người thỉnh cầu kinh pháp sâu xa nhưng bỏn sẻn chẳng nói. Bốn là tự đề cao mình, khinh chê người khác. Đó là bốn pháp.
Lại nữa, Bồ-tát có bốn pháp làm tăng trí tuệ. Bốn pháp đó là gì? Một là tôn kính kinh pháp, Pháp sư. Hai là không làm chướng ngại sự nghe pháp của người khác. Ba là chẳng hề che giấu đối với người ham cầu pháp sâu xa. Bốn là sẵn sàng nói pháp cho người, chẳng cầu danh tiếng lợi dưỡng, thường tự khích lệ tinh tấn, luôn nương theo giáo pháp để tu hành, chẳng theo lối nói suông. Đó là bốn pháp.
Bồ-tát có bốn việc khiến đời đời làm mất tâm đạo của Bồ-tát. Những gì là bốn? Một là khi dối thầy. Hai là để ý đến việc hay dở của người khác, gièm pha bất kể người tốt xấu. Ba là phá hoại đạo Bồ-tát. Bốn là mắng nhiếc người tu đạo Bồ-tát. Đó là bốn pháp.
Bồ-tát có bốn việc khiến đời đời nhớ nghĩ về đạo Bồ-tát chẳng quên và tự mình đạt đến quả Phật. Những gì là bốn? Một là không lừa dối thầy. Suốt đời không nói hai lời và không dua nịnh. Hai là suốt đời không nói hai lời và không chế nhạo người khác. Ba là hiện bày tâm từ đối với người và không nghĩ về điều xấu của người. Bốn là xem các Bồ-tát như Phật, như tâm ban đầu mới phát, không khác. Đây là bốn việc.
Bồ-tát có bốn việc làm mất hẳn đạo pháp và làm cho Bồ-tát ngày càng giảm, kém. Bốn pháp ấy gồm: Một là đem tâm cao ngạo học kinh ngoại đạo. Hai là chỉ muốn riêng mình được sự cúng dường, chẳng muốn người khác được. Ba là đã ghét bỏ lại còn hủy báng Bồtát. Bốn là có người đến nghe kinh thì lại ngăn cản, khiến dứt bỏ. Đó là bốn việc.
Lại nữa, Bồ-tát có bốn việc khiến cho việc cầu kinh pháp và sự tìm cầu đều được thành tựu. Bốn pháp ấy là: Một là chỉ cầu kinh pháp chân chánh như sáu Ba-la-mật và pháp tạng của Bồ-tát hay các pháp lìa bỏ tâm sân giận. Hai là tôn kính người trong thiên hạ khắp mười phương từ kẻ giúp việc đến bậc trượng phu. Ba là ưa thích kinh pháp, chẳng như ngoại đạo vì lợi ích bản thân mình. Bốn là tự giữ thân, chẳng nói lỗi của người và gièm pha người khác. Đối với những người chưa được nghe kinh hay trí Phật không giới hạn thì phải tùy theo kinh pháp thích hợp để thuyết giảng cho họ.
Bồ-tát có bốn việc tâm không dối nịnh phải xa lìa. Đó là: Một là còn do dự đối với pháp Phật. Hai là kiêu ngạo, sân giận, càn bướng gây hại người. Ba là tham lam, ganh ghét, dua nịnh. Bốn là nói chỗ kém của Bồ-tát.
Bồ-tát có bốn việc chí thành thẳng thắn: Một là nếu phạm tội lỗi gì thì chẳng che giấu mà tự sám hối để diệt trừ lỗi ấy. Hai là dù mất mạng, mất nước hay mất cả tài sản cũng chẳng nói hai lưỡi. Ba là giả sử có tai họa gì xảy ra, đến như bị mắng nhiếc khinh chê, đánh đập nhốt vào lao ngục, dù như thế cũng chỉ tự sám hối nghiệp ác nơi đời trước. Bốn là không giận dữ, không nghi ngờ.
Bồ-tát có bốn việc khó điều phục: Một là học kinh điển theo ý mình chẳng thuận theo Pháp sư. Hai là chẳng ứng dụng những điều được thọ giáo, không thương yêu hiếu thuận sư trưởng. Ba là nhận lời tin cẩn của Tỳ-kheo tăng, vọng trao cho người khác. Bốn là bất kính đối với Bồ-tát đã thành tựu.
Bồ-tát có bốn việc dễ điều hòa: Một là những kinh pháp đã được nghe đều thực hành như lời dạy chẳng vượt quá. Đối với những điều được nghe, chỉ y chỉ nơi pháp không y theo lời trau chuốc. Hai là phải cung kính Sư trưởng, không có dua nịnh. Ba là biết đủ trong ăn uống va giữ giới, tu định đúng pháp. Bốn là thấy Bồ-tát đã thành tựu phải đem tâm thiện hướng về, thân và miệng cũng như vậy, cũng muốn đạt được công đức ấy.
Bồ-tát có bốn việc mắc sai lầm: Một là đối với những người vốn không cùng nhau tu tập thì không nên vọng tin. Hai là không nên dạy bừa cho người những giáo pháp thâm diệu của Phật. Đây là lỗi lớn. Ba là đối với người thích đạo Bồ-tát lại dạy cho họ đạo của La-hán. Đây là lỗi lớn. Bốn là ở trong chúng Tỳ-kheo Tăng, khi bố thí tâm không bình đẳng. Đây là lỗi lớn.
Bồ-tát có bốn việc đạt được đạo Bồ-tát: Một là đối với mọi người đều có tâm bình đẳng. Hai là đối với tất cả chúng sinh đều bố thí bình đẳng. Ba là làm bất cứ việc gì cũng bình đẳng với tất cả chúng sinh. Bốn là đối với chúng sinh luôn thuyết pháp bình đẳng.
Bồ-tát có bốn việc dối xưng là Bồ-tát: Một là nương nhờ kinh pháp để kiếm sống. Hai là chỉ cầu tiếng khen chứ chẳng cầu Phật đạo. Ba là chỉ mong mình được an ổn chứ chẳng nghĩ đến cái khổ của người. Bốn là chỉ nói suông chứ chẳng muốn độ người khác.
Bồ-tát có bốn việc thành tựu công đức: Một là tin nơi lý không. Hai là tin rằng nếu làm ác thì sẽ sám hối. Ba là tâm luôn nghĩ rằng vạn vật đều chẳng phải sở hữu của ta. Bốn là thương yêu chúng sinh hết mực.
Bồ-tát có bốn tri thức ác: Một là dạy cho người cầu đạo tịch diệt của A-la-hán. Hai là dạy người cầu đạo Duyên giác, tự chấp giữ nơi vô vi. Ba là ưa dạy người cầu học đạo khác. Bốn là nếu có người mang tài vật đến để cầu học kinh pháp thì chẳng chịu dạy.
Bồ-tát có bốn tri thức thiện: Một là người có cầu xin điều gì đều được tùy thuận vì muốn làm cho họ thành tựu Phật đạo. Hai là xem thầy giảng kinh pháp là bậc tri thức thiện vì là bậc Đa văn. Ba là hay khuyên bảo người khác phát tâm cầu Phật đạo vì thành tựu công đức. Bốn là Đức Phật Thế Tôn là bậc Thiện tri thức vì đầy đủ các pháp Phật.
Bồ-tát có bốn thứ châu báu: Một là được gặp Phật rồi hết lòng cúng dường. Hai là được nghe sáu pháp Ba-la-mật. Ba là thường đem tâm thanh tịnh hướng về thầy. Bốn là chấm dứt ái dục, thường ở chỗ vắng lặng.
Bồ-tát có bốn việc ra khỏi cảnh giới ma: Một là không lìa bỏ tâm Bồ-tát. Hai là không có tâm sân giận đối với mọi chung sinh khắp mười phương, dầu chỉ làm hại sợi lông sợi tóc. Ba là biết rõ các đạo khác. Bốn là cung kính các Bồ-tát.
Bồ-tát có bốn việc đạt được công đức không thể kể hết: Một là đem pháp ban bố cho mọi người nhưng chẳng trông mong sự đền đáp. Hai là thương xót người phạm giới. Ba là thường khuyên bảo người hành đạo Bồ-tát. Bốn là nếu có người hạ tiện đến hủy báng thì Bồ-tát phải nhẫn nhục.
Phật bảo Tôn giả Đại Ca-diếp:
–Chẳng phải chỉ dùng danh tự gọi là Bồ-tát mà tùy thuộc vào pháp hành và tác dụng của pháp do vị ấy tạo ra, nên gọi là Bồ-tát.
Phàm là Bồ-tát có ba mươi hai việc.
- Đối với mọi người luôn giữ tâm từ bi, làm cho an on.
- Đối với hàng trí tuệ kém cỏi thì chẳng cao ngạo.
- Tự giữ gìn không lay động.
- Tự an trụ nơi bất động, bền vững.
- Biết đền đáp đối với chỗ thân hậu cho đến đạt được Niết-bàn.
- Bình đẳng đối với tri thức thiện và tri thức ác.
- Phàm làm việc gì không hề biếng trễ.
- Luôn hòa nhã đối với mọi người.
- Chẳng thoái chí giữa chừng.
- Chẳng bỏ mất tâm từ bi.
- Cầu kinh điển chẳng mệt mỏi.
- Không lúc nào nhàm chán đối với giáo pháp.
- Có lỗi gì đều tự phát lồ chẳng che giấu.
- Không nhớ nghĩ lỗi của người khác.
- Các công đức phải làm cho hoàn tất.
- Ai cầu pháp đều ban cho.
- Chỉ phát tâm cầu quả vị Phật.
- Không cầu những thứ khác.
- Nếu có phát tâm gì đều hướng về mọi người.
- Không oán ghét ai cả.
- Không có tâm tham đắm nơi thiền dịnh và chẳng muốn trụ mãi trong đó.
- Dùng phương tiện thiện xảo hộ trì trí tuệ.
- Thường khuyên bố thí với bốn sự cúng dường.
- Chẳng thích việc thế gian.
- Chẳng ưa pháp nhỏ.
- Tâm vui thích pháp lớn.
- Lìa xa tri thức ác.
- Gần gũi tri thức thiện.
- Đến ngũ tuần thì tự an ổn, ví như mặt trăng mới mọc, tăng lên dần dần. Đối với trí tuệ cũng tăng dần dan như vậy.
- Chẳng theo phi pháp.
- Lời nói không có sự sai khác.
- Cung kính với lời nói chân thật.
Đức Phật dạy:
–Này Tôn giả Ca-diếp! Có ba mươi hai việc này nên gọi là Bồtát. Ca-diếp, ví như đại địa, tất cả chúng sinh đều từ đó phát sinh, nhưng đại địa chẳng sắp đặt về người. Cũng vậy, Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đến khi thành Phật đều tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, nhưng không có sự sắp đặt theo ý.
Này Tôn giả Ca-diếp! Ví như mùa xuân hòa dịu, mùa hè ấm ấp, cây trái được tăng trưởng. Cũng vậy, trí tuệ của Bồ-tát làm thành thục tất cả công đức.
Ví như nước, lúa mạ cỏ cây đều nhờ đó mà tăng trưởng. Bồ-tát cũng vậy, các pháp đều từ nơi tâm của Bồ-tát mà phát sinh.
Ví như gió có thể thành lập tất cả quốc độ của chư Phật. Cũng vậy, Bồ-tát với phương tiện thiện xảo thành lập được tất cả pháp Phật.
Ví như mặt trời chiếu sáng khắp nơi, tất cả chúng sinh đều nhận được ánh sáng. Bồ-tát cũng vậy, ánh sáng trí tuệ chiếu khắp chúng sinh.
Ví như mặt trăng khi mới mọc thì càng ngày càng tăng trưởng.
Bồ-tát cũng vậy, công đức tinh tấn dần dần đầy đủ.
Ví như sư tử bước đi một mình không hề sợ hãi. Cũng vậy, Bồ-tát mặc áo giáp công đức bước đi một mình không sợ hãi.
Ví như cây cỏ, dù trên không cành nhưng nhờ rễ dưới đất nên nó vẫn phát triển. Bồ-tát cũng vậy, dù đã ra khỏi ba cõi nhưng với tâm đại từ, nên vẫn còn gắn bó mãi nơi thế gian.
Ví như vạn sông, mọi dòng đều chảy về biển nhưng hợp lại chỉ có một vị. Cũng vậy, Bồ-tát dùng biết bao nhiêu hạnh, hợp các công đức, đổi dụng thành nguyện, đều có một vị và đều nhập vào Nhất thiết trí.
Ví như núi Tu-di, chư Thiên trời Đao-lợi ở trên đó. Cũng vậy, Bồ-tát đều phát tâm thành tựu Nhất thiết trí.
Ví như bóng cây trở lại tuôn mưa. Cũng vậy, Bồ-tát dùng mưa đại từ rưới xuống đường đi.
Ví như vị Quốc vương được các quần thần giúp sức cùng nhau trị nước. Cũng vậy, Bồ-tát nhờ phương tiện thiện xảo mà làm việc như Phật.
Ví như lúc trời quang tạnh, muốn cầu mưa cũng không thể được. Cũng vậy, Bồ-tát không học kinh pháp thì sự hiểu biết chẳng cao minh.
Ví như vua Chuyển luân vương trụ ở nơi nào thì nơi ấy có bảy báu xuất hiện. Cũng vậy, Bồ-tát vừa khởi lên trí Nhất thiết trí thì tự nhiên ba mươi bảy phẩm trợ đạo liền phát sinh.
Ví như ngọc ma-ni càng trau giồi thì càng có giá trị, đem lại nhiều lợi ích. Một người hoàn thành đạo Bồ-tát thì các A-la-hán và Phat-bích-chi đều nương vào đó mà đắc quả.
Ví như thuốc độc ở trong tay người chẳng hại ai. Bồ-tát tuy ở trong ái dục nhưng vẫn giữ trí tuệ chẳng rơi vào đường ác.
Ví như các nơi chốn trong cõi nước chứa nhiều phân đã hoại thì càng có ích cho ruộng vườn. Bồ-tát tuy ở trong ái dục nhưng lại có ích đối với tất cả.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Nếu Bồ-tát nào muốn học kinh Tích Di Nhật La là pháp bảo lớn phải phải tinh tấn học theo pháp chính của kinh này. Pháp chính ấy là gì? Là không có pháp, không có ngã, không có nhân, không có thọ mạng, không thường hằng, không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có sinh tử (hành) thức đó là pháp căn bản. Vì thường là một bên, vô thường là một bên, còn giữa thường và vô thường thì không có sắc, không thấy, không biết nên nói căn bản của trí tuệ là Trung đạo.
Ví như đại địa là một cảnh giới và Phật là một cảnh giới thì giữa hai cảnh giới này không có sắc, không có sự hiểu biết (kiến), không có sự phân biệt (thức), không có ngã, không có tri giác, không có chỗ vào, không có điều để nói. Đây là pháp lấy trí tuệ làm gốc.
Tâm là một bên, không có tâm là một bên, nếu không có tâm, không có thức, cũng không có ngã, không có thức thì đó là gốc của Trung đạo.
Trong giáo pháp của chư Phật không có sự khác biệt giữa có đức và không có đức, giữa việc ngoài và việc trong, giữa thế gian và không thế gian, giữa người đã được độ và người chưa được độ, người đã thoát khỏi ái dục, người chưa giải thoát ái dục và Niết-bàn cũng không có gì sai khác. Hữu ở một bên, vô hữu ở một bên, ở giữa hữu và vô hữu, là căn bản của trí tuệ Trung đạo.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Ta đã nói pháp cho các ông, từ sinh đến tử, nhưng thân đã sinh ra thì khổ não, ngu si ở một bên, thông minh trí tuệ ở một bên, không ngu si không trí tuệ ở khoảng giữa, đây gọi là gốc trí tuệ, là Trung đạo.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Hư không chẳng tạo ra pháp, pháp vốn không có không, không có tướng, chẳng tạo ra pháp. Pháp vốn không tướng, không nguyện, chẳng tạo ra pháp. Pháp vốn không nguyện, không sinh tử, chẳng tạo ra pháp. Pháp vốn không sinh tử, không sinh, không xuất, không sinh, không diệt, không xứ sở, không hình dạng, không tạo ra pháp. Pháp vốn không hình dạng nên phải theo pháp căn bản này. Đây là Trung đạo, xem như pháp gốc. Chẳng tự phân biệt, hiểu thân là không. Đem không bỏ vào trong không thì bản tánh cũa không vẫn là không cho đến vị lai cũng không và hiện tại cũng không.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Thà con người mắc phải sự ngu si lớn như núi Tu-di, chứ mắc phải lỗi này thì không nói hết được. Vì con người chấp trước vào không nên nói có không, lỗi này rất lớn. Nếu người ngu si chấp trước nhưng hiểu được không thì giải thoát. Còn người chỉ chấp vào không thì không được giải thoát.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Ví như người bệnh được thầy cho thuốc. Thuốc vào trong bụng nhưng chẳng tác dụng. Này Ca-diếp! Ý ông thế nào, người này có thể khỏi bệnh chăng?
Tôn giả Ca-diếp bạch:
–Rất khó.
Phật dạy:
–Những đạo khác ở ngoài, hễ hiểu được không thì được giải thoát, còn chấp vào không thì không giải thoát. Ví như người sợ hư không, kêu gào bảo người khác từ bỏ hư không.
Phật dạy:
–Này Ca-diếp! Người này bỏ được hư không chăng?
Tôn giả Ca-diếp bạch:
–Không thể bỏ được.
Phật dạy:
–Đúng vậy, này Tôn giả Ca-diếp! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn ở trong hư không, người đó cũng là hư không mà lại nói sợ hư không. Kẻ ấy là người cuồng không khác.
Phật dạy Tôn giả Ca-diếp:
–Ví như họa sĩ tự vẽ tượng quỷ than, rồi lại tự kinh sợ. Ví như người chưa đạt đạo, tự tạo sắc, thanh, hương, vị, nên rơi vào trong sinh tử mà chẳng hiểu biết. Ví như trong cây có lửa phát ra rồi trở lại đốt cháy cây. Cũng vậy, do quán nên được tuệ rồi trở lại thiêu đốt thân.
Ví như nhà huyễn thuật tạo ra người rồi trở lại nuốt lấy người huyễn thuật ấy. Cũng vậy, sắc, thanh, hương, vị, xúc từ trong tâm niệm sinh ra rồi tự nuốt lấy hư không, chứ không có vật nào khác.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Ví như khi thắp đèn sáng, ta không nghĩ là phải đuổi sự tối tăm, dẹp bỏ sự tối tăm, nhưng khi ánh đèn chiếu sáng, không biết sự tối tăm kia đã đi đâu. Cũng vậy, trí tuệ đâu nghĩ ta phải trừ bỏ sự ngu si để được trí tuệ, cũng chẳng biết sự ngu si ấy đã đi về đâu? Trí tuệ này không từ đâu đến, cũng không có chỗ đến. Ánh sáng đèn này là bóng tối. Hư không không thể nắm giữ được. Trí tuệ này cũng chính là ngu si, cả hai đều là không, không có chỗ nắm giữ.
Ví như những ngôi nhà hoặc lớn hay nhỏ, trong đó suốt cả trăm năm, ngàn năm chưa từng thắp đèn. Sau đấy, các ngôi nhà được thắp sáng. Này Tôn giả Ca-diếp! Ý ông thế nào, bóng tối trong ngôi nhà ấy có nghĩ rằng tôi đã ở đây hàng ngàn năm nên chống đối chẳng chịu đi chăng?
Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, không. Bóng tối tuy ở lâu trong đó nhưng gặp ánh sáng của lửa, đèn thì sợ hãi liền bỏ đi.
Phật dạy:
–Cũng vậy, này Tôn giả Ca-diếp! Bồ-tát đã vô số kiếp ở trong ái dục, bị tội lỗi che lấp, nhưng chỉ nghe kinh Phật một lần, nghĩ về việc thiện thì tội lỗi liền tiêu hết. Ánh đèn sáng chính là ánh sáng trí tuệ ở trong Phật pháp, còn bóng tối là ái dục liền bị tiêu diệt. Ví như trong hư không, hột giống không thể sinh trưởng, chỉ trong đất hột giống mới sinh trưởng được. Cũng vậy, trong cảnh Niết-bàn khong sinh Bồ-tát được, chỉ trong cảnh ái dục mới sinh được Bồ-tát. Trong đất đã bón phân thì giống lúa sẽ được thấm nhuần tăng trưởng.
Phật dạy Tôn giả Ca-diếp:
–Ví như nơi đồng hoang hoặc trên núi chẳng sinh ra hoa sen và hoa Ưu-bát. Bồ-tát chẳng sinh trong pháp của La-hán và Phật-bíchchi. Ví như trong bùn nước ẩm thấp sinh ra hoa sen và hoa Ưu-bát. Từ trong ái dục phát sinh pháp của Bồ-tát.
Ví như bốn biển lớn đều dừng chảy. Bồ-tát ở trong ba cõi, công đức thấm nhuần mà thành tựu đạo Bồ-tát. Cũng như con mọt ăn hạt cải thành một lỗ hổng. Trí tuệ của La-hán và Phật-bích-chi cũng nhỏ như vậy.
Ví như chẻ sợi tóc ra làm trăm phần, lấy một phần chấm vào dầu vừng thì được biết bao nhiêu giọt. Trí của La-hán và Phật-bích-chi cũng nhỏ như vậy.
Ví như khoảng không gian trong mười phương bao la. Bồ-tát hiểu rõ trí Phật cũng như vậy.
Ví như Chuyển luân Thánh vương có một ngàn người con trai nhưng chẳng ai có tướng Thánh vương. Tuy có nhiều con như vậy nhưng chẳng có người nào trong số đó được xem là con. Cũng vậy, dầu có ngàn vạn ức La-hán, nhưng chẳng có một vị Bồ-tát nào ở trong sự quan tâm của Phat. Tuy Phật có nhiều La-hán như vậy nhưng họ không đủ điều kiện để gọi là Phật tử.
Ví như đại phu nhân của vua Già-ca-việt-la (Chuyển luân vương) thông dâm với kẻ bần tiện sinh được người con trai.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Đây có phải là vương tử không?
Ca-diếp thưa:
–Bạch Thế Tôn, không.
Phật dạy:
–Này Tôn giả Ca-diếp! Cũng vậy, tuy có nhiều La-hán từ pháp sinh ra nhưng chẳng phải là Phật tử, chẳng phải là hàng Bồ-tát. Vì sao? Vì Bồ-tát chẳng đoạn mất pháp Phật.
Ví như Chuyển luân Thánh vương hành dâm với thể nữ sau đó sinh con trai, đầy đủ tướng để thành Thánh vương, tuy là do thể nữ sinh nhưng là con của Chuyển luân Thánh vương. Cũng vậy, Bồ-tat tuy ở trong sinh tử tu hành, dù năng lực ít ỏi nhưng được gọi là Phật tử.
Ví như phu nhân của Chuyển luân Thánh vương mang thai bảy ngày, hội tụ các tướng sẽ thành Chuyển luân vương, chư Thiên đều thấy rõ bào thai trong bụng. Con trai của Chuyển luân vương tuy nhiều nhưng không ai có tướng Thánh vương như vậy. Chư Thiên nói: “Cung cấp, phụng dưỡng những người kia không bằng cung dưỡng người con trai trong thai, tuy mới bảy ngày”. Sự phát tâm cua Bồ-tát cũng vậy, phải có tâm vì Phật Đạo. Tâm của chư Thiên nghĩ: “Tuy có hàng vạn ức La-hán hào quý nhưng chẳng bằng Bồ-tát phát tâm cúng dường”.
Ví như một viên ngọc ma-ni vẫn hơn cả núi Tu-di thủy tinh. Cũng vậy, Bồ-tát mới phát tâm, La-hán và Phật-bích-chi đều không thể bì kịp.
Ví như con trai của Chuyển luân vương tuy nhỏ nhưng các tiểu vương và quần thần đều bái yết. Bồ-tát mới phát tâm cũng vậy, chư Thiên, Phạm vương, Đế thích, người, rồng, quỷ thần trên thế gian đều lễ kính.
Ví như trên đỉnh núi lớn mọc lên các cây cỏ thuốc, chúng chẳng thuộc về ai cả nhưng tùy theo người bệnh dùng uống đều được lành bệnh. Cũng vậy, Bồ-tát đem thuốc trí tuệ chữa lành bệnh sinh, lão, tử cho mọi người khắp mười phương với tâm bình đẳng.
Ví như mặt nguyệt mới nhô lên mọi người đều làm lễ, nhưng khi mặt nguyệt tròn đầy không có ai làm lễ nữa. Nếu có người tin Phật thì ở trong pháp Phật phát tâm Bồ-tát và người tin Phật luôn kính lễ Bồtát. Vì sao? Vì từ Bồ-tát mà thành Phật.
Ví như người có trí chẳng bỏ mặt trăng mà kính lễ các ngôi sao. Cũng vậy, bậc cao đức chẳng bỏ Bồ-tát mà kính lễ hàng La-hán.
Ví như trời, người cùng nhau dũa mài viên thủy tinh cũng không thể biến nó thành ngọc ma-ni được. Cũng vậy tất cả những người giữ Giới-Định-Tuệ của hàng La-hán thì không thể ngồi nơi cội cây Bồ-đề, không thể thành Phật được.
Bấy giờ, Phật bảo Tôn giả Đại Ca-diếp:
–Vì giáo hóa mọi người nên Bồ-tát làm việc công đức. Vì lợi ích của mọi người nên Bồ-tát làm việc công đức mà chẳng tự cao. Bồ-tát phải luôn dạy cho mọi người cách chữa lành bệnh. Cách chữa lành bệnh ấy thế nào? Nghĩa là dùng phép quán làm thuốc trị tham dâm. Dùng tâm bình đẳng làm thuốc trị bệnh sân giận. Dùng mười hai nhân duyên làm thuốc trị bệnh ngu si. Dùng pháp không làm thuốc trị bệnh nghi ngờ chẳng tin. Người ở trong Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, nếu muốn giác ngộ thì dùng vô tướng làm thuốc. Dùng vô nguyện làm thuốc trị những vọng niệm của ái dục về ngã sở, chẳng phải ngã sở. Đối với bốn thứ điên đảo thì mỗi thứ đều có thuốc riêng. Thế nào là thuốc riêng của mỗi thứ?
Một là đối với Hữu thường thì lấy Vô thường làm thuốc.
Hai là đối với Hữu lạc thì lấy Khổ làm thuốc.
Ba là neu chấp đây là Ngã sở thì dùng Phi ngã sở làm thuốc.
Bốn là nếu chấp Có thân thì dùng phép Quán làm thuốc.
Dùng bốn niệm xứ làm chỗ nhớ nghĩ của thân tâm. Đó chính là thuốc. Dùng bốn ý đoạn (bốn chánh cần) để đoạn trừ tất cả tội lỗi, đây là thuốc.
Dùng bốn thần túc hợp thành thân, dùng rỗng không làm thuốc.
Dùng năm căn, năm lực nhớ nghĩ công đức làm thuốc trị bệnh chẳng tín, biếng trễ.
Dùng bảy giác chi làm thuốc để vào sâu nơi trí tuệ. Ngoại đạo và hàng bất tín thì dùng tám Thánh đạo làm thuốc. Đây là thuốc riêng của mỗi thứ bệnh.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Nếu đầy khắp cõi Diêm-phù-đề toàn là những thầy thuốc hoặc đệ tử của thầy thuốc, hoặc Y vương rất tôn quý. Hoặc đầy trong tam thiên thế giới toàn là Y vương thì tuy có nhiều Y vương như vậy nhưng không thể chữa lành bệnh của hàng ngoại đạo và kẻ không có tâm tin, không biết nên dùng những pháp dược nào để chữa lành bệnh cho họ? Bồ-tát bèn nghĩ: “Không thể dùng thuốc ở thế gian mà chữa lành bệnh được, phải dùng thuốc pháp của Phật mới chữa lành bệnh của con người. Thuốc pháp của Phật là những gì? Đó là tùy theo nhân duyên của họ, vì trong trí tuệ không có ngã, không có nhân, không thọ, không mạng, nếu tin vào không thì được độ thoát. Không, không có Không, nghe như vậy mà chẳng kinh sợ thì hãy tinh tấn tâm niệm suy tìm.
Những gì là tâm tham dục?
Những gì là tâm sân giận?
Những gì là tâm ngu si?
Chúng thuộc vào quá khứ, hiện tại hay vị lai? Nếu là quá khứ thì đã hết rồi, nếu là vị lai thì chưa tới, còn hiện tại thì không dừng.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Tâm không sắc, không nhìn, không thấy.
Chư Phật cũng không thấy tâm này. Nó vốn không sở hữu, không có nhân duyên, tự nó tạo ra nhân duyên, tự chịu sự sinh tử. Tâm đi xa và chỉ đi một mình. Tâm ví như dòng nước từ trên cao sinh ra bọt nước trong chốc lát liền tan biến. Tâm ví như trời mưa bất ngờ, chợt đến không báo trước. Ái dục cũng vậy, đến bất ngờ không kỳ hạn. Tâm ví như chim bay khỉ nhảy không chịu dừng lại một chỗ. Chỗ nhân của tâm đó cũng không chịu dừng lại một chỗ. Ví như nhà hội họa bày vẽ ra màu sắc, tâm mỗi mỗi sai khác. Như vậy, tùy theo việc mình làm, ví như nhà vua là bậc trên hết giữa mọi người, thì tâm cũng là vô thượng trong các công đức. Ví như con ruồi xanh ở trên đống phân tự cho là sạch. Cũng vậy, tâm vào trong ái dục tự cho là thanh tịnh. Tâm ví như kẻ thù địch đẩy người ta vào đường ác mà không có kỳ hạn. Ví như lấy tro xây thành, lấy vô thường làm hữu thường. Ví như dùng lưỡi câu mà câu được ca. Tâm lấy phi ngã sở làm ngã sở. Tâm ví như giặc đã tạo được công đức bèn trở lại tự hủy nhục. Ví như sườn núi có cao rồi có thấp, trong một khoảnh khắc mà tâm có thương có ghét. Tâm ví như người thù địch chỉ rình chờ dịp để hại người. Tâm thường muốn mùi thơm, ví như chiếc bình bên ngoài vẽ đẹp, trong đựng đầy phân uế, làm gì có mùi thơm khác để ưa thích. Giống như đứa hầu gái đáp ứng theo thú vui của người đàn ông. Ví như con thiêu thân tự gieo mình vào trong lửa đèn.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Truy tìm tâm, chẳng thể nắm bắt được. Vì chẳng thể nắm bắt được nên gọi là không có. Do không có nên không có chỗ sinh. Không có chỗ sinh nên cũng không chỗ ra khỏi. Vì không có chỗ ra khỏi nên không có sự hủy hoại. Vì không có sự hủy hoại nên không có chết cũng không có sinh. Vì không có sinh nên không có chết, vốn không có nhân duyên sinh tử. Vì vốn không có nhân duyên nên vô sinh, vô nguyện. Vì vô nguyện nên cũng không có sự nắm giữ. Vì không sự nắm giữ nên đây chính là Niết-bàn của La-hán. Đây là sự diệt độ của La-hán thì không còn giới cấm. Căn bản của sinh tử hay tội lỗi đã tạo ra trước đây cũng không có. Đây không có sinh tử nên đây chính là sự diệt độ của La-hán. Sự diệt độ của La-hán không có thân hành, khẩu hành hay tâm hành. Sự diệt độ này không có gì khác biệt. Vì sao? Vì các kinh điển đều đồng một vị. Sự diệt độ này bình đẳng như hư không. Nó vừa không có cái không, cũng không có ngã sở, và cũng chẳng phải là ngã sở. Diệt đế này vốn không có đế. Nó vốn thanh tịnh, không có tỳ vết nhỏ nào của ái dục. Diệt độ lìa diệt độ là diệt độ theo thứ lớp tiến dần đến Niết-bàn, đó là sự diệt độ vô tận, vì vốn không có sinh. Vì diệt ấy an ổn nên đạt đến Niết-bàn an ổn, đó là diệt độ, thường diệt, vì thường vượt qua cái không gốc thì diệt ấy là một sự lìa bỏ hoàn hảo, vốn không tử sinh.
Đức Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Hãy lo việc của chính mình, chớ lo duyên theo bên ngoài. Trong vị lai, hàng Tỳ-kheo ví như bốc một cục đất ném con chó. Con chó chỉ đuổi theo cục đất chứ không chạy theo người. Cũng vậy, trong vị lai, hàng Tỳ-kheo muốn vô trong núi ở chỗ vắng vẻ, luôn được an lạc nhưng chẳng chịu quán sát nội thân. Vì không hiểu mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thì do đâu được giải thoát? Do vậy, khi họ vào thành khất thực, hoặc vào thôn xóm thành ấp, thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt bèn đắm theo, liền bị suy thoái ở trong núi. Nếu ít nhiều có giữ giới nhưng chẳng quán nội thân thì chết được sinh lên cõi trời. Từ cõi trời này sinh xuống nhân gian, rồi từ đây về sau chẳng lìa khỏi ba đường ác.
Đức Phật dạy:
–Này Tôn giả Ca-diếp! Tỳ-kheo như chó đuổi theo cục đất. Người ta mắng cũng mắng lại. Người ta đánh cũng đánh lại. Người chẳng chế ngự tâm ý cũng như vậy.
Ví như người chăn ngựa, nếu gặp ngựa chứng thì phải luôn luôn huấn luyện, về sau ngựa mới được điều phục. Tỳ-kheo phải luôn quán sát phap, chế ngự và điều phục tâm, chẳng còn thấy có pháp xấu nào nữa.
Ví như người bệnh nghẹt yết hầu, toàn thân đều bị đau. Tâm của những người bị ngã sở và phi ngã sở trói buộc, đi theo ngoại đạo, cũng như vậy.
Phật day:
–Này Tôn giả Ca-diếp! Sa-môn có hai việc rơi vào lao ngục: Một là cho “Đây là cái của tôi”. Hai là mong cầu được sự cúng dường của mọi người.
Sa-môn lại có hai việc trói buộc. Hai việc đó là: Một là học theo ngoại đạo. Hai là tham muốn, tích chứa nhiều y phục, mùng mền, y bát.
Sa-môn lại có hai việc làm đoạn mất Trung đạo. Hai việc đó gồm: Một là thân cận với hàng bạch y. Hai là ghét bỏ những Sa-môn giữ giới thanh tịnh.
Sa-môn lại có hai việc rơi vào chỗ uế trược: Một là thường nghĩ nhớ về ái dục. Hai là ưa giao kết bạn bè.
Sa-môn lại có hai việc vướng mắc: Một là tự mình có lỗi chẳng chịu sám hối. Hai là trở lại luôn nghĩ đến lỗi của người khác.
Sa-môn lại có hai việc đọa vào địa ngục: Một là phỉ báng chánh pháp. Hai là hủy hoại giới pháp.
Sa-môn lại có hai việc: Một là phạm giới hoàn toàn. Hai là ở trong giáo pháp không được gì cả.
Sa-môn lại có hai lỗi lầm: Một là chẳng xứng đáng mà thọ mặc ca-sa. Hai là tự thân chẳng giữ giới, trái lại giữ giới Tỳ-kheo mà làm việc cho người khác.
Sa-môn lại có hai bệnh khó chữa lành: Một là tâm tà loạn. Hai là ngăn chặn người hành đạo Bồ-tát.
Đức Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Sa-môn có mấy hạng? Có bốn hạng gọi là Sa-môn.
Một là hình dáng, dung nghi, y phục tựa như Sa-môn.
Hai là bên ngoài giống như Sa-môn, bên trong mang tâm dối trá.
Ba là tham cầu danh lợi, cao ngạo.
Bốn là thực hành đúng phạm hạnh của Sa-môn.
Thế nào là hình dạng, y phục như Sa-môn? Nghĩa là cạo bỏ râu tóc, đắp y mang bát, nhưng tâm bất chính, chẳng giữ giới, chỉ ưa làm việc ác, thích học theo ngoại đạo. Đó là hình dáng y phục tựa như Samôn.
Thế nào là bên ngoài giống như Sa-môn nhưng bên trong thì dối trá? Nghĩa là bước đi từ tốn, đi ra từ tốn, đi vào từ tốn. Giống như hàng ngoại đạo thô ác ở trên núi, lấy cỏ làm thất, lấy tranh làm nhà, nhưng bên trong không có đức tin, lại chấp trước nơi ngã và ngã sở. Nếu gặp người tu khổ hạnh, có tâm tin chân chánh thì lại ganh ghét.
Thế nào là Sa-môn tham cầu danh lợi? Nghĩa là dối trá giữ giới để người khác khen ngợi, học kinh một cách a dua để được người khác ngợi khen. Dối trá là người ưa ở chỗ vắng lặng để được người khen. Chẳng mong cầu chính mình mau được giải thoát mà chỉ toàn dối trá.
Thế nào là Sa-môn hành đúng phạm hạnh? Nghĩa là chẳng tiếc thọ mạng, xem thường thân mạng, huống gì lại mong cầu sự quy kính cúng dường. Nếu có Tỳ-kheo tu theo hạnh “Không” thì thường khuyến khích, theo đuổi và thấy các pháp vốn thanh tịnh không có tỳ vết gì, tự phát trí tuệ chứ chẳng nhờ người khác đem lại. Đối với pháp Phật chẳng hề chấp trước, huống gì đối với sắc mà thường chấp trước. Không có sự trói buộc cũng không cầu sự giải thoát. Vốn nhận thấy Niết-bàn, cũng không có sinh tử, cũng không có giải thoát. Đó là Samôn chân thật.
Phật dạy:
–Này Tôn giả Ca-diếp! Thật đúng là Sa-môn phải luôn suy nghĩ: Phải noi gương bậc Sa-môn chân thật, chớ học theo hàng Sa-môn dối trá lừa bịp. Ví như người bần cùng tự xưng giàu có lớn, chỉ được cái danh giàu có chứ chẳng có gì cả.
Phật dạy:
–Này Tôn giả Ca-diếp! Người này có xứng được với cái danh đó không?
Tôn giả Ca-diếp thưa:
–Bạch Thế Tôn, không.
Đức Phật dạy:
–Đúng vậy, này Tôn giả Ca-diếp! Người tuy có danh tự là Samôn nhưng chẳng hành pháp của Sa-môn thì như người bần cùng tự xưng là giàu sang. Ví như có người đang bị trôi chìm giữa dòng nước mà lại khát nước, muốn chết. Cũng vậy, Sa-môn đọc tụng nhiều Kinh điển, tài cao mà chẳng bỏ được tình dục, nên ở trong tình dục ấy khát dục mà chết, đọa vào địa ngục, súc sinh, quỷ đói. Ví như thầy thuốc mang đầy túi thuốc nhưng không thể trị lành bệnh cho tự thân. Tuy đọc tụng nhiều Kinh điển nhưng chẳng giữ giới, giống như người bệnh được thuốc của nhà vua nhưng chẳng thích hợp nên phải chết. Tuy đọc tụng nhiều Kinh điển mà chẳng giữ giới cũng ví như ngọc ma-ni rơi vào trong phân. Dầu đọc tụng nhiều Kinh điển mà chẳng giữ giới, ví như thây người chết đeo chuỗi vàng. Người không giữ giới lại đắp casa tợ như Sa-môn giữ giới. Ví như con của trưởng giả, mặc y phục mới, đeo trang sức mới v.v… đọc tụng nhiều kinh điển, giữ giới nghiêm chỉnh cũng như vậy.
Đức Phật dạy:
–Này Tôn giả Ca-diếp! Có bốn hạng Tỳ-kheo phá giới mà tựa như giữ giới. Bốn hạng đó: Một là có hạng Tỳ-kheo không khuyết phạm đối với giới cấm đã được nghe. Tuy được như vậy nhưng chấp trước nơi ta, người. Hai là có hạng Tỳ-kheo biết hết thảy Kinh Luật nhưng chấp vào sự hành trì này là hành trì của ta. Ba là có hạng Tỳkheo chấp trước vào ngã và ngã sở. Bốn là có hạng Tỳ-kheo thường thực hành tâm bình đẳng đối với mọi người, nhưng sợ sự sinh tử. Đây là Sa-môn không giữ giới mà gọi là giữ giới.
Đức Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Giới cấm không có hình tướng, chẳng vướng nơi ba cõi. Nhân gì gọi là giới? Không có ta, không ngã, không nhân, không thọ mạng, không ý thức, không danh tự, không chủng tánh, không biến hóa, không dạy bảo, không người tạo tác, không có sự đến, không có sự đi, không có sự kìm chế, không có sự diệt độ, không có thân phạm, không có khẩu phạm, không có tâm phạm, không có thế gian, không có chấp, không có chỗ trụ, cũng không hữu giới, cũng chẳng vô giới, cũng không có sự nhớ nghĩ, cũng không có sự hủy hoại, cũng không đứng ngồi. Cho nên gọi là giới cấm.
Bấy giờ, Phật dạy:
–Giới không có tỳ vết, chấp trước. Người giữ giới không xa hoa, không sân giận, an định, thành tựu Niết-bàn. Như vậy gọi là giữ giới. Chẳng yêu thân cũng chẳng tiếc mạng, chẳng thích ở trong năm cảnh giới. Đối với các pháp hiểu rõ như vậy nên ở trong pháp Phật gọi là giữ giới. Không thích ở giữa, không trụ hai bên. Ở giữa hay ở hai bên đều chẳng chấp trước, chẳng trói buộc.
Ví như gió giữa hư không vốn không có chỗ nương tựa, không có chỗ dừng nghỉ. Đây gọi là giữ giới. Người nào tâm an định, không có sự chấp trước, không có tưởng ngã, không có tưởng nhân, người hiểu như vậy chính là giữ giới thanh tịnh. Chẳng khinh giới cấm, chẳng tự cao ngạo, luôn muốn giữ đạo trì giới, như vậy không ai có thể gây tội lỗi. Lìa tưởng ngã sở, tự ngã và đây là ngã sở, hoàn toàn không có như vậy. Tin vào pháp không và thực hành giáo pháp của Phật, chẳng nhiễm thế gian, chẳng tham đắm thế gian, từ tối vào sáng, không còn gây nhân nữa, không tham đắm nơi ba cõi. Đó chính là giữ giới.
Khi Đức Phật giảng nói pháp này xong, có hai vạn hai ngàn chư Thiên, dân chúng, rồng, quỷ thần đều chứng đạo Tu-đà-hoàn, tám trăm Sa-môn đều đắc quả A-la-hán. Năm trăm Sa-môn thanh tịnh đều thâu giữ tâm ý chứng được thiền đạo, những vị nghe Đức Phat thuyết giảng Kinh điển thâm diệu này chẳng tin, chẳng hiểu, liền rời chỗ ngồi bỏ đi.
Tỳ-kheo Ca-diếp bạch Phật:
–Năm trăm vị Tỳ-kheo thiền định này nghe thuyết giảng kinh thâm diệu, vì không tin không hiểu chỗ sâu xa nên bỏ đi.
Đức Phật dạy:
–Này Tôn giả Ca-diếp! Năm trăm Tỳ-kheo thiền định này vì nghe dạy giáo pháp thâm diệu chẳng tin chẳng hiểu, lại tin nơi các việc khác.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Thời quá khứ, thuở Đức Phật Ca-diếp, năm trăm vị Tỳ-kheo này đều tu đạo Bà-la-môn, ở chỗ Đức Phật Ca-diếp một lần nghe kinh, tâm ý họ rất vui thích, ngay lúc ấy, năm trăm vị này tự nói: “Những lời Đức Phật Ca-diếp giảng nói thật vi diệu”. Chính vì vậy nên năm trăm vị này được phước báo tốt, sau khi qua đời được sinh lên cõi trời Đao-lợi.
Đức Phật dạy:
–Năm trăm vị Tỳ-kheo được phước báo ấy rồi, sau đó được làm Sa-môn trong giáo pháp của Ta, nhưng nay được nghe giao pháp thâm diệu lại chẳng tin hiểu.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Năm trăm vị Tỳ-kheo này do được nghe giáo pháp thâm diệu nên không bị đọa vào cõi ác. Ở trong đời này, họ đều sẽ đắc quả Niếtbàn A-la-hán.
Đức Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:
–Ông hãy gọi năm trăm Tỳ-kheo kia đến đây.
Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Năm trăm Tỳ-kheo đó còn chẳng chịu nghe những điều Phật dạy, lẽ nào lại nghe theo lời của vị A-la-hán nhỏ này.
Khi ấy, Đức Phật liền hóa làm hai Tỳ-kheo thong thả đến trước năm trăm Tỳ-kheo. Năm trăm Tỳ-kheo đều vội vàng đi đến trước hai vị hóa Tỳ-kheo, hỏi:
–Hai Hiền giả định về đâu?
Hai vị Tỳ-kheo đáp:
–Chúng tôi muốn tìm chỗ an ổn trong núi vắng, thâu giữ tâm tọa thiền để không còn sự phiền toái nào khác.
Năm trăm vị lại hỏi:
–Vì sao vậy?
Hai vị Tỳ-kheo liền đáp:
–Vì chúng tôi chẳng tin chẳng hiểu giáo pháp sâu xa mà Đức Phật đã thuyết giảng.
Nam trăm vị ấy lại nói:
–Chúng tôi cũng muốn vào trong núi, ở chỗ vắng vẻ, an lạc tọa thiền, không ai đến quấy nhiễu. Nghe Đức Phật thuyết pháp, chúng tôi chẳng tin chẳng hiểu.
Hai vị Tỳ-kheo nói tiếp:
–Việc này phải cùng nhau bàn luận thật kỹ, chớ nên xem thường. Không tranh chấp chính là pháp của Tỳ-kheo. Vì sao nói Niếtbàn trong thân có ngã, có thần, có thọ mạng, có nhân, có ý? Sẽ có người đạt đến Niết-bàn chăng?
Năm trăm Tỳ-kheo bèn nói:
–Thân này cũng không nhân, không ngã, không thọ mạng, không ý thức, cũng không có người tu hành đạt đến Niết-bàn.
Hai vị Tỳ-kheo nói:
–Những gì diệt tận sẽ được gọi là Niết-bàn?
Năm trăm vị Tỳ-kheo đáp:
–Diệt tham, diệt sân, diệt si, đó chính là Niết-bàn.
Hai vị Tỳ-kheo lại hỏi:
–Tham, sân, si của các thầy diệt hết chưa?
Năm trăm vị đáp:
–Cũng không có trong cũng chẳng có ngoài.
Hai vị Tỳ-kheo nói:
–Các ông chớ chấp trước cũng chớ không chấp trước. Tuy không chấp trước mà chẳng thấy không chấp trước, đó chính là Niết-bàn. Giới cấm không ở trong sinh tử cũng chẳng ở trong Niết-bàn. Trí tuệ và giải thoát tri kiến cũng chẳng ở trong sinh tử, chẳng ở trong Niếtbàn. Pháp căn bản ấy là rỗng lặng, không hình sắc, cũng không có cái để thấy, xa lìa mọi tưởng, xa lìa tưởng về Niết-bàn, diệt tận tưởng về thọ, mau đạt đến chỗ chẳng nghĩ, cũng không những nghĩ về pháp sở hữu, diệt tưởng về thọ. Đây chính là không tạo tác.
Lúc hai thầy Tỳ-kheo thuyết giảng pháp này, năm trăm vị Tỳkheo ấy đều chứng được đạo A-la-hán. Năm trăm vị liền quay trở lại chỗ Đức Phật. Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi năm trăm vị Tỳ-kheo:
–Các Hiền giả đã đi đến đâu và từ đâu lại?
Năm trăm Tỳ-kheo đáp:
–Như Đức Phật đã dạy, không từ đâu đến cũng không đi đến đâu.
Tu-bồ-đề hỏi năm trăm vị Tỳ-kheo:
–Ai là thầy các ông?
Năm trăm Tỳ-kheo đáp:
–Vốn không có sinh thì nhân gì phải có xuất.
Tu-bồ-đề hỏi tiếp:
–Các thầy được nghe pháp từ ai?
Năm trăm Tỳ-kheo đáp:
–Không có năm ấm, không có bốn đại, không có sáu trần. Đó là thầy chúng tôi.
Tu-bồ-đề liền hỏi:
–Thầy đã thuyết cho các ông những pháp gì?
Năm trăm Tỳ-kheo trả lời:
–Không có sự trói buộc cũng không có sự buông thả.
Tu-bồ-đề hỏi:
–Vốn do nhân duyên nào mà giữ đạo?
Năm trăm Tỳ-kheo đáp:
–Cũng không có giữ mà cũng không có chấp giữ.
Tu-bồ-đề nói:
–Những việc các ông đã làm thật là thích hợp.
Năm trăm Tỳ-kheo đáp:
–Việc làm như vậy cũng không có gì thích hợp.
Tu-bồ-đề lại hỏi:
–Các thầy đã hàng phục được ma chăng?
Năm trăm Tỳ-kheo liền đáp:
–Không có năm ấm và ma nào cả. Tu-bồ-đề lại hỏi:
–Khi nào các thầy nhập Niết-bàn?
Năm trăm Tỳ-kheo đáp:
–Khi nào hóa nhân nhập Niết-bàn, lúc đó chúng tôi cũng sẽ nhập Niết-bàn.
Tu-bồ-đề hỏi:
–Ai chữa lành bệnh cho các thầy?
Năm trăm Tỳ-kheo đáp:
–Không thân, không tâm ấy là thầy chữa lành bệnh cho chúng tôi.
Tu-bồ-đề hỏi tiếp:
–Các ông đã đoạn hết ái dục chăng?
Năm trăm Tỳ-kheo liền đáp:
–Các pháp duyên vốn đã diệt tận.
Tu-bồ-đề hỏi:
–Các thầy đã trụ nơi địa A-la-hán chăng?
Năm trăm Tỳ-kheo liền đáp:
–Không có chỗ nắm giữ cũng không chỗ buông thả.
Tu-bồ-đề lại hỏi:
–Các ông đã đoạn hết sinh tử chăng?
Năm trăm Tỳ-kheo đáp:
–Vốn đã đoạn hết, cũng không còn cái thấy.
Tu-bồ-đề hỏi:
–Các ông đã đạt được địa Nhẫn chăng?
Năm trăm Tỳ-kheo đáp:
–Tất cả đã giải thoát nên không còn chấp trước vào đâu.
Khi Tôn giả Tu-bồ-đề cùng với năm trăm Tỳ-kheo hỏi đáp, có một trăm hai mươi vạn người và chư Thiên, quỷ, thần, rồng đều đạt được đạo Tu-đà-hoàn, một ngàn ba trăm Tỳ-kheo đều được đạo A-lahán.
Khi Đức Phật thuyết giảng kinh này rồi, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, chư Thiên, người, quỷ, thần, rồng đều hoan hỷ, ở trước Phật làm lễ lui ra.