KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG-GIÀ

Hán dịch: Đại Châu Vu-điền, Tam tạng Pháp sư Thật-xoa-nan-đà.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 7: SỰ BIẾN HÓA

Lúc bấy giờ Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao các vị A-la-hán được Như Lai thọ ký cho Tuệ giác vô thượng? Vì sao bảo không có pháp Bát-niết-bàn mà các chúng sinh được thành Phật đạo? Và tại sao Thế Tôn bảo từ lúc mới thành Phật cho đến nhập Niết-bàn, trong khoảng thời gian ấy Như Lai chưa từng tuyên bố một chữ nào? Tại sao Như Lai thường tại định mà giác không quán? Vì sao bảo những việc Phật làm đều là thị hiện? Thế nào là sự tan rã theo từng sát-na của các thức? Vì sao thần Kim cang thường theo hộ vệ Như Lai? Vì sao không thể biết sự khởi đầu mà nói có Bát-niết-bàn? Có những ma và nghiệp ma, ngoài ra còn có những nghiệp báo khác, chẳng hạn như việc Chiến Già, con gái của một Bà-la-môn hay Tôn-đà-lợi, con gái của một ngoại đạo khất thực trở về với một cái bát không?… Thế Tôn đã có những nghiệp báo như vậy, làm sao có thể chứng đắc Nhất thiết chủng trí? Và đã chứng đắc Nhất thiết chủng trí như vậy, sao Thế Tôn không tránh những tai họa đó?

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe cho kỹ! Ta vì cảnh giới Vô dư Niết-bàn nên đem ý nghĩa thâm mật để khuyên bảo chúng sinh tu Bồ-tát hạnh. Có những Bồ-tát ở cõi này hay quốc độ khác mong cầu Niết-bàn của Thanh văn, vì muốn làm cho họ bỏ tâm niệm ấy để tinh tấn tu hạnh Đại thừa, nên ta dạy điều này. Các Thanh văn biến hóa, Phật biến hóa, được thọ ký, chứ không phải Phật của pháp tánh.

Này Đại Tuệ! Sự thọ ký cho Thanh văn như vậy được nói theo nghĩa thâm mật.

Này Đại Tuệ! Phật cùng hàng Thanh văn, Duyên giác không khác về sự dứt bỏ phiền não chướng, vì đồng một vị giải thoát, nhưng khác với sự dứt bỏ trí chướng. Vì trí chướng là cần phải thấy về pháp vô ngã thì mới được thanh tịnh. Nhưng phiền não chướng nghĩa là khi nhận thức sự vô ngã về người thì ý thức mới đoạn diệt. Khi tập khí trong tàng thức được tiêu diệt thì pháp chướng giải thoát mới được hoàn toàn trong sạch.

Này Đại Tuệ! Ta theo pháp thường trụ để nói nghĩa thâm mật, không khác Phật trước và sau. Như Lai nói pháp đầy đủ phương tiện về những từ ngữ.

Này Đại Tuệ! Như Lai biết một cách đúng đắn, không có suy tưởng sai lầm. Như Lai không đợi suy nghĩ sau đó mới nói pháp. Từ lâu Như Lai đã chấm dứt bốn tập khí, vượt ra khỏi hai sự chết, đoạn trừ hai chướng ngại.

Này Đại Tuệ! Bảy thức là: Ý và ý thức, nhãn thức… do tập khí làm nguyên nhân, đó là tánh sát-na. Chúng không có thiện vô lậu và không có pháp lưu chuyển.

Này Đại Tuệ! Như Lai tạng nghĩa là nguyên nhân của sinh tử lưu chuyển, cũng là nguyên nhân của Niết-bàn, cùng đau khổ và hỷ lạc. Người ngu không hiểu biết nên chấp chặt sai lầm nơi sự trống không.

Này Đại Tuệ! Như Lai biến hóa được thần lực sĩ Kim Cang thường theo ủng hộ, không phải đúng là Phật thật, vì Như Lai chân thật vượt ra ngoài mọi hạn lượng, vượt ra ngoài sự hiểu biết của Thanh văn, Duyên giác và hàng ngoại đạo. Như Lai luôn an trú trong pháp lạc, vì Như Lai đã thành tựu trí nhẫn, do đó không bị ràng buộc vào sự ủng hộ của thần lực sĩ Kim Cang. Tất cả Phật hóa thân không sinh theo nghiệp. Chư vị không phải là Phật, cũng chẳng phải không là Phật. Ví như người thợ gốm hòa hợp các thứ để chế tạo, Đức Phật hóa thân cũng vậy. Chư vị vì chúng sinh thuyết giảng đầy đủ các pháp, nhưng không thể nói cảnh sở hành của Thánh trí tự chứng.

Này Đại Tuệ! Những người ngu thấy sáu thức diệt nên sinh khởi chấp đoạn và họ không hiểu tàng thức nên sinh khởi chấp thường.

Này Đại Tuệ! Giới hạn đầu tiên là sự phân biệt tự tâm của họ, cho nên không biết được, vượt ra ngoài sự phân biệt này tức là được giải thoát. Đoạn trừ được bốn tập khí thì xả bỏ được tất cả những sai lầm.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Ba thừa là vô thừa
Phật không có Niết-bàn
Như Lai trao thọ ký
Giảng lìa mọi lỗi lầm.
Thành tựu trí cứu cánh
Và Vô dư Niết-bàn
Sách tấn người khiếp nhược
Nói ý thâm mật này.
Trí chư Phật đạt được
Thuyết giảng con đường này
Không con đường nào khác
Nên Phật không Niết-bàn.
Các kiến, dục, sắc, hữu
Đó là bốn tập khí
Ý thức từ đây sinh
Tàng thức, ý cũng vậy.
Chấp đoạn cho vô thường
Bởi ý thức, nhãn thức
Ý, tạng mê khởi thường
Trí tà nghĩ Niết-bàn.

 

Phẩm 8: KHÔNG ĂN THỊT

Lúc bấy giờ Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Xin hãy nói cho con nghe về công đức hay lỗi lầm của sự ăn hay không ăn thịt, để con và các chúng Bồ-tát biết được ý nghĩa này mà trong hiện tại và trong tương lai có thể giảng nói về quả báo tích tập của sự ăn thịt cho các chúng sinh, làm cho họ lìa bỏ vị thịt và mong cầu nơi pháp vị. Họ sẽ khởi tâm Từ rộng lớn đối với tất cả chúng sinh và đem lòng thương yêu họ như đứa con duy nhất. Họ an trú ở các Địa Bồ-tát và chứng đắc Tuệ giác vô thượng, hoặc tạm thời dừng ở địa vị Thanh văn, Duyên giác, cứu cánh sẽ thành Vô thượng Chánh giác.

Kính bạch Thế Tôn! Phái Lô-ca-da-đà và các hàng ngoại đạo đều sinh khởi các kiến giải về hữu và phi hữu, chấp trước vào đoạn và thường. Họ cũng cấm ăn thịt và chính họ cũng không ăn thịt. Huống chi Như Lai là Bậc Ứng Chánh Đẳng Giác, đức Từ bi rộng lớn bao trùm khắp tất cả và là nơi nương tựa của cuộc đời, tại sao không cấm việc ăn thịt cho chính mình và cả mọi người?

Lành thay! Đức Thế Tôn! Đấng Đại Từ Đại Bi trọn vẹn, thương xót thế gian với tâm bình đẳng, xem tất cả chúng sinh như đứa con duy nhất của mình. Xin Thế Tôn hãy giải thích cho chúng con về công đức hay tội ác của việc ăn thịt hay không ăn thịt, để con cùng chư Bồ-tát nghe xong phụng hành và truyền bá cho mọi người.

Bồ-tát Đại Tuệ lập lại bằng kệ tụng:

Bồ-tát Ma-ha-tát
Chí cầu Vô thượng giác
Rượu thịt đến hành hẹ
Là ăn hay không ăn?
Kẻ ngu ham ăn thịt
Hôi hám không thể nói
Kẻ ấy như thú dữ
Làm sao có thể ăn?
Nếu ăn có tội gì?
Không ăn có đức chi?
Cúi xin đấng tối thắng
Thuyết giảng hết cho con.

Đức Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe và suy nghĩ! Ta sẽ phân tích và giải thích rõ ràng.

Này Đại Tuệ! Vì có vô số nguyên do mà đối với tất cả các loại thịt, Bồ-tát nên sinh lòng từ mẫn, không nên ăn bất cứ loại thịt nào. Nay ta giảng nói cho ông một số nguyên do này:

Này Đại Tuệ! Từ vô lượng kiếp đến nay, tất cả chúng sinh bị trôi lăn mãi trong vòng sinh tử không ngừng, không một chúng sinh nào đã từng là cha mẹ, anh em, hoặc con trai, con gái, hoặc bà con dòng họ, cho đến bạn bè thân thiết, hay tôi tớ của thầy. Khi thay đổi mạng sống, có thể họ sẽ làm thân chim muông, cầm thú… Làm sao Bồ-tát đối với những chúng sinh như vậy mà có thể ăn thịt được!

Này Đại Tuệ! Bồ-tát Ma-ha-tát quán thấy các chúng sinh cũng như chính thân mình và làm sao có thể ăn thịt được, nếu các ông nghĩ rằng thịt ấy đều từ thân mạng sinh ra?

Này Đại Tuệ! Các loài La-sát… khi nghe ta nói về việc này, còn chấm dứt sự ăn thịt, huống chi những người yêu thích pháp!

Này Đại Tuệ! Bồ-tát ở nơi nào có chúng sinh được sinh ra thì hãy quán các chúng sinh ấy đều là bà con thân thuộc, cho đến thương tưởng họ như nghĩ đến đứa con duy nhất. Vì thế, không nên ăn bất cứ một loại thịt nào.

Này Đại Tuệ! Tất cả những loại thịt được người ta đem bày bán bên lề đường hay phố chợ, họ đem cả thịt chó, thịt ngựa, thịt trâu, thịt người… vì cầu lợi mà người ta bán cả những thứ thịt không thường ăn. Đầy những sự tạp nhạp, nhơ bẩn như vậy, làm sao có thể ăn được!

Này Đại Tuệ! Tất cả các loại thịt đều được tạo thành từ tinh dịch, máu… đầy ô uế, người cầu đạo thanh tịnh làm sao có thể ăn được!

Này Đại Tuệ! Các chúng sinh rất sợ hãi khi thấy người ăn thịt, thế nên người tu tâm Từ làm sao có thể ăn thịt được?

Này Đại Tuệ! Ví như có những người thợ săn, kẻ bán thịt, ngư phủ, lưới chim… và những người ác, những con chó trông thấy hãi sợ sủa vang, loài thú trông thấy bỏ chạy. Tất cả những loài vật bay trên trời hay ở dưới nước, nếu gặp những người này cũng đều nghĩ rằng: “Người này sắc khí giống như La-sát, hôm nay đến đây chắc sẽ hại ta.” Vì muốn giữ thân cho nên chúng nó cùng bỏ chạy. Người ăn thịt cũng như vậy. Thế nên Bồ-tát vì tu hạnh Từ bi không nên ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Hễ người nào ăn thịt, thân thể sẽ hôi thối, tiếng xấu vang xa và bậc Thánh hay người hiền đều không gần gũi. Vì thế, Bồ-tát không nên ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Máu và thịt là nơi các bậc tiên xa lánh và các bậc Thánh không ăn. Vì vậy, Bồ-tát không nên ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Bồ-tát đem tâm Từ bảo vệ chúng sinh, làm cho họ không sinh tâm hủy báng đối với pháp Phật-đà. Vì lòng thương xót nên Bồ-tát không ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Nếu đệ tử của ta ăn thịt, sẽ làm cho người đời phê phán, chê cười rằng: “Sa-môn là người tu hạnh thanh tịnh, tại sao lại bỏ loại thức ăn của bậc Thiên tiên, mà lại ăn thịt giống như loài ác thú! Tại sao họ ăn thịt đầy bụng, rồi lại đi khắp nơi trên thế giới gây sự kinh hãi khiếp sợ cho chúng sinh, làm hủy hoại hạnh thanh tịnh và đánh mất đời sống của một Sa-môn. Thế mới biết rằng: Không có hạnh chế ngự những người này trong giáo pháp nhà Phật.” Vì không muốn những người này sinh tâm phỉ báng giáo pháp Phật như vậy, nên Bồ-tát với lòng từ thương xót che chở chúng sinh, không bao giờ ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Khi thịt của con người hay thịt của các loài sinh vật khác được nướng lên thì mùi hôi thối ấy không khác nhau. Vì sao có sự phân biệt là ăn hay không ăn đối với các loại thịt ấy.

Thế nên tất cả những ai thích đời sống thanh tịnh đều không nên ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Có những người thiện nam, thiện nữ tĩnh tâm tu hành ở nơi nghĩa địa, dưới gốc cây thanh vắng, hoặc an trú tâm Từ, hoặc trì chú thuật, hoặc mong cầu giải thoát, hoặc hướng đến Đại thừa, nhưng do vì ăn thịt phải gặp nhiều chướng ngại, không được thành tựu như ý nguyện. Thế nên, Bồ-tát muốn lợi mình và lợi người thì không được ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Người ăn thịt khi trông thấy hình sắc của các sinh vật đã sinh tâm ham muốn mùi vị của chúng, Bồ-tát Từ bi luôn nghĩ đến tất cả chúng sinh như chính bản thân mình, làm sao có thể trông thấy chúng mà sinh ra ý tưởng ăn thịt được? Thế nên Bồ-tát không nên ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Những người ăn thịt sẽ bị chư Thiên xa lánh, hơi miệng thường hôi hám, khi ngủ thấy toàn ác mộng bất an, đến lúc thức lòng đầy âu lo. Người này đã bị ác quỷ Dạ-xoa đoạt mất tinh khí, tâm kinh hoàng, ăn uống không biết điều độ, tật bệnh tăng thêm, dễ sinh ung nhọt. Luôn bị loài trùng rúc rỉa, nên đối với thức ăn, người này không bao giờ biết nhàm chán từ bỏ.

Này Đại Tuệ! Ta thường dạy rằng: Khi ăn thịt phải có ý tưởng như ăn thịt đứa con của mình, ăn thức ăn khác cũng nghĩ như vậy. Sao ta có thể cho phép đệ tử của ta ăn thịt được?

Này Đại Tuệ! Thịt không mang lại sự tốt đẹp, bởi vì thịt không trong sạch, chúng sinh ra nhiều tật xấu, làm tan hoại các công đức, là chỗ chư tiên Thánh nhân hoàn toàn xa lánh. Sao ta có thể cho phép đệ tử của ta ăn thịt được? Người nào bảo được phép ăn thịt thì người đó hủy báng ta.

Này Đại Tuệ! Thức ăn tốt và trong sạch nên biết chính là gạo, lúa mì, lúa mạch, đậu, sữa, dầu, đường… Những loại thức ăn này đã được chư Phật thời quá khứ cho dùng và ta đã nêu bày cho các thiện nam, thiện nữ trong chủng tộc của ta từ lâu đã vun trồng thiện căn, tín tâm thanh tịnh. Họ không sinh tâm tham đắm nơi thân mạng, tài sản, thương yêu mọi loài như chính thân mình. Những người này hãy nên ăn uống như vậy, vì họ không phải tích tập những tánh xấu ác của loài hổ lang và tâm họ không bị chìm sâu trong ngã ái.

Này Đại Tuệ! Thuở xưa có một ông vua tên Sư Tử Sinh. Ông ta đắm say các mùi vị thịt, ăn tất cả các loại thịt và sự tham ăn thịt ấy dẫn đến ăn cả thịt người. Từ đó, quan dân hết chịu nổi hành động ấy, nên họ xa lánh ông. Cuối cùng, ông mất cả vương vị, quốc gia, phải gánh chịu vô vàn khổ não.

Này Đại Tuệ! Thích Đề-hoàn Nhân làm vua ở trên trời, vào thời quá khứ, do tập khí ăn thịt phải biến thành chim ưng đuổi bắt chim bồ câu. Lúc bấy giờ, ta làm vua tên Thi-tỳ, vì thương xót chim bồ câu kia nên ta đã tự cắt thịt của mình cho chim ưng để thay mạng sống cho chim câu.

Này Đại Tuệ! Ngay cả Đế Thích mà vẫn còn dư báo làm khổ não cho chúng sinh, huống chi là những kẻ luôn ăn thịt và không biết hổ thẹn là gì. Nên biết rằng: Người ăn thịt là tự gây khổ não cho chính mình và cho cả người khác. Vì thế, Bồ-tát không nên ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Thuở xưa, có một ông vua cỡi ngựa đi săn. Ngựa chạy quá nhanh và đi lạc vào trong núi sâu hiểm trở. Nhà vua không thể quay lại con đường cũ, cắt đứt liên lạc với cư dân. Ông ta cùng đi với một con sư tử cái và đã phạm những hành vi xấu để rồi sau đó sinh ra mấy con sư tử con. Đứa con lớn nhất của ông vua và sư tử tên là Bang túc. Sau đó được làm vua thống lãnh bảy ức hộ. Ông vua này chỉ ham ăn thịt và trở thành thói quen là không phải thịt thì không ăn. Ban đầu ông còn ăn thịt thú vật, dần dần ông ăn cả thịt người, để rồi sinh ra những đứa con trai, con gái toàn là La-sát. Sau khi chuyển đổi thân người, những đứa con này lại sinh trong các loài sư tử, hổ, báo, sói, chồn, cú… Có mong muốn làm thân người, chắc chắn không bao giờ được, huống chi thoát khỏi đường sinh tử, đạt đến Niết-bàn an lạc.

Này Đại Tuệ! Có biết bao nhiêu là lỗi lầm sinh ra từ sự ăn thịt và những ai biết đoạn tuyệt không ăn thịt, sẽ đạt được vô lượng công đức. Người ngu si không biết đến sự lợi ích và tác hại như vậy. Thế nên, hôm nay ta chỉ dạy cho các vị: phàm những gì là thịt thì không nên ăn.

Này Đại Tuệ! Sở dĩ có sự sát sinh vì có nhiều người ăn thịt. Nếu không có người ăn thịt thì cũng chẳng có sự giết hại. Vì vậy, người ăn thịt và người sát sinh đồng tội như nhau. Thật lạ thay! Người thế gian vì tham đắm mùi vị thịt, nên ngay cả thịt người còn không từ chối, huống chi thịt của loài chim muông, cầm thú, có gì mà không ăn! Do vì đắm say vị thịt mà con người bày ra đủ mọi phương tiện như giăng lưới, đặt bẫy ở khắp mọi nơi, không kể là dưới nước, đất liền hay trên không trung, tất cả con vật đều bị giết hại. Có thể có người tự thân họ không ăn, nhưng vì tham tiền mà họ làm việc sát sinh này.

Này Đại Tuệ! Trong đời lại có những kẻ không có lòng thương xót, chuyên làm những hành động hung bạo giống như La-sát. Nếu họ thấy những chúng sinh có thân mập khỏe, liền nghĩ ngay đến việc con vật này thịt có thể ăn được.

Này Đại Tuệ! Món thịt chẳng phải là thực phẩm hiển nhiên trong đời sống, nếu tự mình không giết, cũng chẳng bảo người khác giết, tâm không nghi giết thì mới có thể ăn được. Với ý nghĩa này, ta cho phép Thanh văn ăn những loại thịt này.

Này Đại Tuệ! Thời tương lai sẽ có những người ngu si đi xuất gia trong giáo pháp của ta, nói sai lầm giới luật, làm rối loạn chánh pháp, phỉ báng lời dạy của ta. Họ bảo rằng: Ta cho phép ăn thịt và chính ta cũng đã từng ăn thịt.

Này Đại Tuệ! Nếu ta cho phép hàng Thanh văn ăn thịt thì làm sao ta có thể an trú với tâm Từ? Người thực hành hạnh Đầu-đà tu tập quán hạnh, hướng đến Đại thừa, ta thường khuyên các thiện nam, thiện nữ hãy dứt hẳn việc ăn tất cả các loại thịt, đối với các chúng sinh nghĩ rằng đó như đứa con duy nhất của mình.

Này Đại Tuệ! Ta giải thích khắp nơi về mười điều ngăn cấm và ba điều cho phép, đó là những phương tiện cấm đoán tạm thời cho người mới tu học. Nhưng nay, trong kinh này thì tự giết hay bảo người khác giết, hễ là thịt thì tuyệt đối cấm hẳn.

Này Đại Tuệ! Ta chưa từng hứa cho phép đệ tử của ta ăn thịt, dù là hiện tại hay tương lai, ta cũng không cho như vậy.

Này Đại Tuệ! Sự ăn thịt hoàn toàn là đồ bất tịnh đối với người xuất gia.

Này Đại Tuệ! Có người si mê, vu khống Như Lai là đã ăn thịt và cho phép mọi người ăn thịt. Nên biết, những kẻ như vậy phải bị trói buộc theo ác nghiệp, chắc chắn sẽ bị sa đọa, vĩnh viễn không được ở chỗ hạnh phúc an vui.

Này Đại Tuệ! Hàng đệ tử Thanh văn của ta đối với thức ăn người thường dùng còn không ăn, huống chi ăn những thức ăn có máu thịt nhơ nhớp.

Này Đại Tuệ! Hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát còn chỉ ăn pháp vị, huống chi là Đức Như Lai?

Này Đại Tuệ! Pháp thân của Như Lai chẳng phải là thân ăn tạp.

Này Đại Tuệ! Ta đoạn tận tất cả phiền não, ta đã gột sạch tất cả tập khí xấu xa. Ta đã hoàn toàn giải thoát trong tâm và trí tuệ, xem tất cả chúng sinh như đứa con duy nhất của mình bằng tâm đại Bi bình đẳng, vậy thì tại sao ta lại cho phép hàng Thanh văn đệ tử cũng như chính ta ăn thịt được? Kẻ nào nói ra điều này thật hoàn toàn không có cơ sở.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lập lại bằng kệ tụng:

Đều từng là thân thuộc
Tạo thành bởi uế nhơ
Làm muôn loài sợ hãi
Vì thế không ăn thịt.
Các loại thịt và hành
Hẹ, tỏi, các thứ rượu
Là những vật bất tịnh
Người tu hành tránh xa.
Cũng tránh các dầu thoa
Không ngủ giường khoan lỗ
Vì loài trùng nhỏ nhít
Ở nơi đó hoảng sợ.
Ăn uống sinh buông lung
Buông lung sinh vọng tưởng
Từ vọng tưởng sinh tham
Thế nên không ăn thịt.
Từ vọng tưởng sinh tham
Do tham sinh mê muội
Tâm mê tăng ái dục
Không giải thoát sinh tử.
Vì lợi giết chúng sinh
Vì thịt để thu tiền
Cả hai đều nghiệp ác
Chết đọa ngục Khiếu hoán.
Không nghĩ lời ta dạy
Có ba loại gọi sinh
Không thịt nào ở đời
Ta quở trách người ăn.
Ăn thịt nhau mà sống
Chết đọa trong ác thú
Hôi hám và điên cuồng
Vì thế không ăn thịt.
Thợ săn, Chiên-đà-la
Đồ tể, La-sát-bà
Kẻ sinh trong loài này
Quả báo từ ăn thịt.
Đã ăn không hổ thẹn
Đời đời thường điên cuồng
Chư Phật và Bồ-tát
Cùng Thanh văn quở trách.
Kinh Tượng Hiếp Đại Vân
Niết-bàn, Ương-quật-ma
Và kinh Lăng-già này
Ta đều dạy dứt thịt
Trước hết thấy, nghe, nghi.
Đều đoạn tất cả thịt
Vì người tập khí ác
Kẻ ngu lầm phân biệt
Tham chướng ngại giải thoát.
Ăn thịt cũng như vậy
Nếu kẻ nào ăn thịt
Không thể vào dòng Thánh
Tương lai có những người.
Thiếu trí, bảo ăn thịt
Thích hợp không có tội
Phật cho phép ta ăn
Ăn thịt giống như thuốc.
Nghĩ như thịt trẻ con
Thế nên người tu hành
Khất thực và biết đủ
Ăn thịt nghịch giải thoát.
Ngược chiều biểu tượng Thánh
Làm chúng sinh kinh hãi
Vì thế không ăn thịt
Ai an trú tâm Từ.
Ta dạy: Hãy chán xa
Ăn thịt sinh cùng chỗ
Với sư tử, hổ lang
Đối các loại rượu thịt.
Tất cả đều không ăn
Ắt sinh trong Hiền thánh
Giàu sang nhiều trí tuệ.

Phẩm 9: ĐÀ-LA-NI

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Đại Tuệ:

–Này Đại Tuệ! Chư Phật trong các đời hiện tại, quá khứ và tương lai vì muốn ủng hộ người thọ trì kinh này nên chư Phật đã tuyên nói thần chú kinh Lăng-già. Nay ta cũng nói như vậy, thầy nên thọ trì.

Đức Thế Tôn nói thần chú:

–Đát diệt tha, đổ tra đổ tra, đỗ tra đỗ tra, bát tra bát tra, cát tra cát tra, a ma lệ a ma lệ, tì ma lệ tì ma lệ, nhĩ mê nhĩ mê, hí mê hí mê, phược mê phược mê, cát lệ cát lệ, yết la cát lệ, a tra mạt tra, chiết tra đốt tra, kì nhã tra tát phổ tra, cát địa thích địa, bát địa, hí mê hí mê, đệ mê, chiết lệ chiết lệ, bát lợi bát lợi, bạn đệ tì đệ, án chế mãn chế, trú, trà lệ đỗ trà lệ, bát trà lệ, át kế đát kế, mạt kế mạt kế, chước kết chước kết lệ, địa mê địa mê, hí mê hí mê, trú trú trú trú, chử chử chử chử, đỗ đỗ, đỗ, đỗ đỗ, đỗ hổ, đỗ hổ, đỗ hổ, đỗ hổ, sa bà ha. (Tadyathà tuỉỉe tuỉỉe vuỉỉe vuỉỉe paỉỉe paỉỉe kaỉỉe kaỉỉe amale amale vimale vimale nime nime hime hime vame vame kale kale kale kale aỉỉe maỉỉe vaỉỉe, tuỉỉe jĩeỉỉe spuỉỉe kaỉỉe kaỉỉe laỉỉe paỉỉe dime dime cale cale pace pace badhe bandhe aĩce maĩce dutàre dutàre patàre patàre arkke arkke sarkke sarkke cakre cakre dime dime hime hime ỉu ỉu ỉu ỉu, đu đu đu đu, ru ru ru ru, phu phu phu phu, svàhà)

Này Đại Tuệ! Vào đời tương lai, có người thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng hay giảng nói cho người khác chú Đà-la-ni này, nên biết, người đó không bị tất cả loài người hay phi nhân cùng các quỷ thần… làm hại.

Lại có người sau khi chết sẽ đọa trong đường ác, hãy vì người ấy tụng niệm thần chú này một trăm lẻ tám biến, tức thời ác quỷ nhanh chóng chạy mất.

Này Đại Tuệ! Ta sẽ nói cho ông nghe chú Đà-la-ni này:

–Đát diệt tha, bát đầu ma đệ tì, bát đầu mê hê, ni hê nhĩ nê, lệ chủ la chủ lệ, hổ lệ hổ la hổ lệ, dữu lệ dữu lệ, phả lệ phả lệ phả lệ, sân đệ tẫn đệ, bạn thệ mạt đệ, ni la ca lệ, sa bà ha. (Tadyathà padme padmadeve hine hini hine cu cule culu cule phale plula plule yule ghule yula yule ghule ghula ghule pale pala palemuĩce cchinde bhinde bhaĩje marde pramarde dinakare svàhà.)

Này Đại Tuệ! Có người thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng hoặc giải thích chú Đà-la-ni này cho người khác, thì những người đó không bị tất cả hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Nhân phi nhân… và các loài thần hay ác quỷ làm hại được. Ta cũng nói thần chú này để ngăn cấm các loài La-sát. Nếu ai trì chú này tức là người đó đã thọ trì đầy đủ trọn vẹn tất cả văn cú của kinh Nhập Lăng-già vậy.

Trang: 1 2 3 4 5