KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG-GIÀ

Hán dịch: Đại Châu Vu-điền, Tam tạng Pháp sư Thật-xoa-nan-đà.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 5

Phẩm 4: HIỆN CHỨNG

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn dạy cho con biết trạng thái liên tục theo trình tự của Diệt tận định mà tất cả Thanh văn, Duyên giác đạt được. Vì khi con và các Bồ-tát đã thông hiểu sâu xa nơi Diệt tận định rồi, sẽ được an lạc và không còn bị mê lầm, không rơi vào Nhị thừa và trong sự rối loạn của các nhà ngoại đạo.

Đức Phật nói:

–Hãy lắng nghe! Này Đại Tuệ! Các Bồ-tát nào đã đạt tới Địa thứ sáu thì cũng như các Thanh văn, Duyên giác nhập Diệt tận định. Ở Địa thứ bảy, chư Bồ-tát nhập Diệt tận định trong từng phút từng giây để xa lìa tất cả tướng tự tánh của các pháp. Nhưng đó không phải của hàng Nhị thừa, vì hàng Nhị thừa có sự tạo tác nên rơi vào năng thủ và sở thủ, không đạt được tướng vô sai biệt của các pháp, chưa hiểu rõ tướng chung, tướng riêng, pháp thiện, pháp bất thiện. Do đó, ở Địa thứ bảy, các Bồ-tát trong từng phút, từng giây đối với Diệt tận định vẫn chưa chứng đạt.

Này Đại Tuệ! Ở Địa thứ tám, các Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác không còn giữ những ý niệm phân biệt từ tâm, ý và ý thức. Bắt đầu từ Địa thứ nhất đến Địa thứ sáu, các vị quán sát ba cõi được sinh khởi từ sự phân biệt và tất cả không ngoài tâm, ý và ý thức. Không thấy có ngã và những gì thuộc về ngã, không có các đối tượng bên ngoài. Kẻ phàm ngu không hiểu, bởi chất chứa nhiều tập khí xấu từ thời vô thủy đến nay, nên nơi tự tâm họ bị vận hành theo tướng năng thủ và sở thủ mà sinh ra chấp trước.

Này Đại Tuệ! Ở Địa thứ tám, các Bồ-tát đã đạt Tam-muội đồng với Niết-bàn của các Thanh văn, Duyên giác, được năng lực của chư Phật hộ trì nên đối với môn Tam-muội này họ không nhập Niết-bàn. Nếu không được chư Phật hộ trì, họ không thể hóa độ tất cả chúng sinh, không thành tựu trọn vẹn Như Lai địa, cũng sẽ đứt đoạn chủng tánh của Như Lai. Thế nên chư Phật giảng thuyết những công đức lớn không thể nghĩ bàn của Như Lai, làm cho các Bồ-tát đạt đến tận cùng không nhập Niết-bàn. Còn hàng Thanh văn, Duyên giác đam mê trong hạnh phúc Tam-muội, do đó vẫn giữ ý tưởng về Niết-bàn.

Này Đại Tuệ! Ở Địa thứ bảy, Bồ-tát quán sát rõ về tâm, ý và ý thức, về ngã và những gì thuộc về ngã, sự chấp trước, sự vô ngã, sự sinh các pháp, hoặc sinh khởi, hoặc đoạn diệt, tướng chung, tướng riêng. Các vị ấy xác quyết khéo léo về bốn vô ngại biện. Vị ấy được tự tại nơi Tam-muội, dần dần nhập vào các Địa và đầy đủ pháp Bồđề phần.

Này Đại Tuệ! Ta sợ các Bồ-tát không hiểu rõ tướng chung và tướng riêng, không biết trình tự tương tục của các Địa, sẽ rơi vào những kiến giải sai lầm của các nhà ngoại đạo, nên ta nói về những điều này.

Này Đại Tuệ! Thật ra không có cái gì sinh ra, không có cái gì biến mất. Tất cả không ngoài sự thấy chính tự nơi tâm và trình tự liên tiếp của các Địa, sự vận hành trong ba cõi. Người ngu không hiểu được điều này. Do vì sự không hiểu của họ mà ta và các Đức Phật giảng thuyết như vậy.

Này Đại Tuệ! Hàng Thanh văn, Duyên giác ở Địa thứ tám của các Bồ-tát vì mê đắm với sự an lạc nơi Tam-muội nên chưa thông hiểu rốt ráo rằng: Không có gì ngoài những điều được thấy tự tâm.

Tâm họ bị ràng buộc vào những tập khí sinh ra do ý niệm về tướng chung và tướng riêng. Họ chấp vào hai vô ngã, khởi lên cái biết về Niết-bàn vốn không phải là trí tuệ hoàn toàn vắng lặng.

Này Đại Tuệ! Các Bồ-tát nhận thức về sự an lạc của Tammuội vắng lặng, liền nhớ đến tình thương vô biên do bản nguyện đã phát, các vị tu hành trọn vẹn mười nguyện vô tận. Vì vậy, các vị không nhập Niết-bàn vì trong Niết-bàn không sinh quả phân biệt, không còn năng thủ và sở thủ. Các Bồ-tát này biết rằng: Tất cả chỉ tại tâm, nên không có ý niệm phân biệt đối với tất cả các pháp. Họ không rơi vào tâm, ý và ý thức, không chấp trước các đối tượng bên ngoài hay bên trong; nhưng các Bồ-tát đã không nêu lên nguyên nhân chính của pháp Phật, tùy vào trí tuệ tự thân, các vị hành động điều gì đều phát khởi như vậy, vì họ đã đạt được trí tuệ tự chứng, thuộc Như Lai địa.

Này Đại Tuệ! Như một người trong giấc mộng, thấy mình tìm cách lội qua dòng sông, nhưng chưa qua hết dòng sông thì người ấy tỉnh mộng. Và khi tỉnh mộng rồi, người ấy suy nghĩ về những gì đã thấy: “Đây là thật hay giả?”, rồi lại thầm nói: “Không phải thật, cũng không phải giả.” Tất cả những dữ kiện đó là do thấy, nghe, biết tích tụ thành tập khí phân biệt qua các sự kiện. Ta đã tách rời ý niệm: “Các pháp hiện hữu hay không hiện hữu”, vì vậy ý thức của ta trong giấc mộng hiện tất cả những gì mà ta đã nhìn thấy.

Này Đại Tuệ! Các Đại Bồ-tát cũng như vậy, bắt đầu từ Địa thứ nhất đến Địa thứ bảy, cho đến tăng tiến nhập Địa thứ tám, đạt vô phân biệt, thấy tất cả các pháp giống như giấc mộng… Các vị xa lìa chấp trước năng và sở, quán sát tâm và những gì thuộc về tâm. Các vị nỗ lực quảng đại tu tập giáo pháp Phật-đà. Những ai chưa chứng đắc các vị làm cho họ chứng đắc. Vì các Bồ-tát này đã lìa bỏ những ý tưởng phân biệt vọng chấp phát sinh từ tâm, ý và ý thức nên đạt được Vô sinh nhẫn. Các Bồ-tát này đã đạt được Niết-bàn miên viễn.

Này Đại Tuệ! Trong Đệ nhất nghĩa, không có thứ bậc, cũng không có sự tương tục, xa lìa tất cả cảnh giới phân biệt. Đây chính là pháp tịch diệt (sự vắng lặng tuyệt đối).

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Các trú xứ Phật địa
Duy tâm không ảnh tượng
Đây là điều chư Phật
Đã, đang và sẽ nói.
Thất địa thì có tâm
Bát địa không ảnh tượng
Hai Địa này gọi trú
Địa cuối ta đã đạt.
Tự chứng và thanh tịnh
Địa này là của ta
Ma-hê, cõi tối cao
Sắc cứu cánh tốt đẹp.
Ví như khối lửa lớn
Phát ánh sáng rực rỡ
Hóa hiện nơi ba cõi
Mát mẻ, vui lòng người.
Hoặc là hiện biến hóa
Hoặc biến hóa trước đây
Nơi ấy giảng các thừa
Đều thuộc Như Lai địa.
Địa mười là thứ nhất
Thứ nhất là Địa tám
Thứ chín là Địa bảy
Thứ bảy lại là tám.
Địa hai là thứ ba
Thứ tư là thứ năm
Thứ ba là thứ sáu
Vô tướng không thứ lớp.

Phẩm 5: TÍNH CHẤT THƯỜNG VÀ VÔ THƯỜNG CỦA NHƯ LAI

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là thường hay vô thường?

Đức Phật đáp:

–Đại Tuệ! Như Lai là Bậc Ứng Chánh Đẳng Giác nên không thường, cũng không vô thường. Vì sao? Vì bên nào cũng có sai lầm cả. Vì sao có sự sai lầm?

Này Đại Tuệ! Nếu Như Lai là thường thì mắc lỗi có những tác nhân sinh tạo, vì các nhà ngoại đạo cho rằng tác nhân sinh tạo là thường hằng. Nếu Như Lai không thường thì mắc lỗi với những gì được tạo ra. Đồng nghĩa với các uẩn là tướng và thuộc tướng. Và cuối cùng các uẩn bị đoạn diệt, thành ra không có, nhưng Phật Như Lai thật không có đoạn diệt.

Này Đại Tuệ! Tất cả những gì được tạo ra, như cái bình, cái áo,… đều là vô thường. Do đó, Như Lai mà vô thường cũng không đúng và những sự tu tập phước đức trí tuệ sẽ trở thành rỗng không, vô ích, vì những pháp tác thành Như Lai không khác gì với nguyên nhân. Thế nên Như Lai không phải là thường, cũng không phải là vô thường.

Và này Đại Tuệ! Như Lai không thường hằng nếu Như Lai là thường, thì Như Lai sẽ giống như hư không và không trở thành do nhân.

Này Đại Tuệ! Ví như hư không, không thường hằng, cũng không vô thường. Vì sao? Vì hư không tách rời ý niệm thường hằng và vô thường, hoặc đồng nhất hoặc khác, cả đồng và không dị… Tất cả đều không đúng.

Này Đại Tuệ! Như Lai không thường hằng và nếu Như Lai là thường thì đó là bất sinh, giống như sừng thỏ, sừng ngựa, cá, rắn…

Này Đại Tuệ! Có một ý nghĩa khác, trong đó Như Lai được gọi là thường hằng. Vì sao? Vì trí tuệ hiện chứng thuộc pháp thường hằng, vì trí tuệ chứng ngộ là thường hằng nên Như Lai cũng là thường hằng.

Này Đại Tuệ! Pháp vị, Pháp trụ và Pháp tánh được chư Phật Như Lai chứng đạt ngay liền, nên Như Lai dầu có ra đời hay không ra đời thì pháp ấy vẫn tồn tại không khác. Trong sự chứng đắc của tất cả hàng ngoại đạo, Nhị thừa không phải là sự trống rỗng của hư không, nhưng hàng phàm ngu không thể hiểu biết.

Này Đại Tuệ! Như Lai là do tuệ giác thanh tịnh chứng ngộ pháp tánh mà thành, không phải do tập khí vô minh nối kết với tâm, ý, ý thức và các uẩn, xứ, giới mà đạt được. Tất cả ba cõi đều bắt nguồn từ sự phân biệt hư vọng, còn Như Lai không bắt nguồn từ phân biệt hư vọng.

Này Đại Tuệ! Nơi nào có hai bên thì ở đó có thường hằng và vô thường. Như Lai không ở hai bên, vì chứng biết thực tướng của tất cả các pháp là bất sinh. Vì thế, Như Lai không thường hằng, cũng không vô thường.

Này Đại Tuệ! Bao giờ còn có một chút phân biệt theo ngôn từ sinh khởi, thì còn có ý niệm sai lầm về thường hằng hay vô thường. Thế nên, hãy đoạn trừ sự phân biệt về thường và vô thường bằng tuệ giác, không để cho tồn tại một mảy may nào.

Đức Thế Tôn lập lại bằng kệ tụng:

Xa lìa thường, vô thường
Mà hiện thường, vô thường
Như luôn nhìn thấy Phật
Không kiến giải sai lầm.
Nếu chấp thường, vô thường
Vô ích mọi tích tập
Để trừ biết phân biệt
Không nói thường, vô thường.
Sự khẳng định hình thành
Tất cả đều lẫn lộn
Nếu biết chỉ tự tâm
Thì không còn tranh luận.

 

Phẩm 6: SÁT-NA

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn dạy cho con biết về sự sinh khởi và biến mất của các uẩn, xứ, giới. Nếu không có ngã thì ai sinh ra và ai diệt? Và những kẻ phàm phu dựa vào sự sinh diệt đó nên không cầu chấm dứt khổ đau và mong chứng đắc Niết-bàn.

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe ta nói.

Này Đại Tuệ! Như Lai tạng là nguyên nhân của thiện hay ác và tất cả các cõi của chúng sinh hay những gì hiện hữu đều được tạo ra từ đó. Ví như một diễn viên biến hiện nhiều hình trạng khác nhau và tách rời khỏi ngã, hay những gì thuộc về ngã. Vì không hiểu điều này nên duyên vào ba hòa hợp, từ đó các kết quả sinh ra. Ngoại đạo không biết điều này nên chấp vào nguyên nhân tạo tác. Do những tập khí đã huân tập từ vô thủy đến nay bởi sự suy luận sai lầm, nên gọi là tàng thức sinh cùng bảy thức, là chỗ trú của vô minh. Ví như biển lớn, trong đó có sóng mãi cuồn cuộn, nhưng thể tướng của nó vẫn tương tục tồn tại không gián đoạn, bản tánh thanh tịnh vượt khỏi sự hư giả của vô thường, xa lìa ngã luận.

Còn bảy thức kia như ý, ý thức… có sự sinh diệt trong từng mỗi niệm. Chúng được sinh ra bởi các duyên hòa hợp mà nguyên nhân là suy tưởng sai lầm về những hình sắc, tướng trạng. Chúng không hiểu về sắc… là những thứ được thấy chính tự tâm, rồi chấp chặt vào danh tướng và khởi lên cảm thọ khổ lạc. Danh tướng ràng buộc con người được sinh ra từ tham, rồi tham lại sinh ra. Nếu nguyên nhân và sở duyên cùng thủ căn bị đoạn diệt thì chúng sẽ không còn tương tục sinh, không còn nhận biết khổ lạc vốn là tự phân biệt của trí tuệ. Hoặc đạt Diệt tận định, hoặc đạt Tứ thiền, hoặc nhập vào giải thoát chân thật. Ngay lúc ấy, hành giả vọng sinh ý niệm giải thoát vừa đạt, mà thật ra chưa xả, chưa chuyển tên tạng thức trong Như Lai tạng. Nếu không có Tạng thức thì bảy thức kia liền đoạn diệt. Vì sao? Vì sự phát triển của các thức tùy thuộc vào nguyên nhân và sở duyên này. Nhưng điều này không thuộc về lãnh vực của những nhà ngoại đạo, của Thanh văn, Duyên giác, hay của những bậc tu hành hiểu biết hết. Họ chỉ biết tính chất của nhân vô ngã, chấp nhận tướng chung và tướng riêng của các uẩn, xứ, giới. Họ thấy được năm pháp, tự tánh các pháp là vô ngã nơi Như Lai tạng, tùy theo thứ bậc của các Địa mà được đoạn diệt dần dần, không bị các nhà ngoại đạo chủ trương kiến giải sai lầm làm dao động. Các vị ấy trụ nơi địa Bất động, đạt được an lạc nơi mười Tam-muội. Nhờ trợ lực của chư Phật trong Tam-muội nên quán sát được pháp Phật chẳng thể nghĩ bàn và quán sát sức bản nguyện của mình mà họ không trú vào an lạc của Tam-muội và thật tánh. Nhờ đạt được trí tuệ tự chứng nên vị này không như là hàng Thanh văn, Duyên giác và các nhà ngoại đạo. Bồ-tát đạt đạo mười Thánh chủng tánh và thân trí tuệ do ý sinh ra, thoát khỏi các hành.

Thế nên, này Đại Tuệ! Các Bồ-tát muốn đạt đến giáo pháp cao siêu thì phải thanh tịnh Như Lai tạng, còn gọi là Tàng thức.

Này Đại Tuệ! Nếu không có Như Lai tạng gọi là Tàng thức thì sẽ không có sự sinh khởi hay biến mất. Nhưng các hàng phàm phu cho đến Thánh nhân đều có sự sinh khởi và biến mất. Do đó, những bậc tu hành tuy thấy được nội cảnh (tự chứng) và trú trong pháp lạc hiện tại, nhưng vẫn không lìa bỏ sự nỗ lực tinh tấn tu hành.

Này Đại Tuệ! Tàng thức Như Lai tạng này bản tánh không ô nhiễm, nhưng lại bị ô nhiễm bởi những cấu uế bên ngoài, làm cho không thanh tịnh. Nó xuất hiện nơi tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác và các nhà ngoại đạo, làm cho họ không hiện chứng được. Trường hợp này đối với chư Như Lai thì rất phân minh hiển hiện, như thấy quả A-ma-lặc trong bàn tay.

Này Đại Tuệ! Ta đã giảng kinh này cho phu nhân Thắng Man và các Bồ-tát có trí tuệ thanh tịnh sâu xa vi diệu khác. Ta nói về Như Lai tạng tên là Tàng thức cùng với bảy chuyển thức, làm cho các Thanh văn thấy được pháp vô ngã.

Này Đại Tuệ! Ta thuyết giảng cảnh giới Phật cho phu nhân Thắng Man, chứ không phải cảnh giới của hàng Thanh văn, Duyên giác hay ngoại đạo.

Này Đại Tuệ! Tàng thức Như Lai tạng này là cảnh giới Phật, được hướng đến cho các Bồ-tát như thầy, những vị Bồ-tát có trí tuệ thanh tịnh, có năng lực hiểu biết phù hợp với ý nghĩa, chứ không phải chỗ của hàng Thanh văn, Duyên giác hoặc ngoại đạo hay chấp chặt vào văn tự. Thế nên thầy và các Bồ-tát khác hãy nỗ lực quán sát tu tập đối với Tàng thức Như Lai tạng. Không nên chỉ nghe được chút ít rồi bằng lòng cho là đủ.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Như Lai tạng sâu xa
Tương ưng với bảy thức
Chấp thì nhị biên sinh
Hiểu rõ, nhị biên dứt
Huân tập từ vô thủy
Như ảnh hiện nơi tâm
Quán sát đúng như thật
Các ảnh tượng không có
Người ngu thấy chỉ trăng
Thấy tay nào thấy trăng!
Người chấp chặt văn tự
Không thấy chân lý ta
Tâm như con múa rối
Ý giống như anh hề
Năm thức là bạn lữ
Xem những tuồng vọng tưởng.

Bấy giờ, Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn dạy cho con biết những khía cạnh khác nhau của năm pháp, tự tánh, các thức và vô ngã, để con và các Bồ-tát khác hiểu rõ những khía cạnh này mà tu tập, dần dần đến các Địa và đầy đủ các pháp của Phật. Chúng con cũng sẽ đạt được địa vị tự chứng ngộ của Như Lai.

Đức Phật nói:

–Thầy hãy lắng nghe những điều ta nói.

Này Đại Tuệ! Năm pháp, tự tánh, các thức và vô ngã, đó là: danh, tướng, phân biệt, chánh trí, như như. Những bậc tu hành nào quán sát các pháp này sẽ nhập vào cảnh giới tự chứng của Như Lai. Họ sẽ xa lìa những kiến giải về thường đoạn, hữu vô… Họ sẽ được pháp lạc sâu xa của Tam-muội trong hiện tại.

Này Đại Tuệ! Vì người ngu không hiểu năm pháp, tự tánh, các thức và vô ngã nên khởi ra phân biệt, thấy có những vật bên ngoài, thật ra tất cả những thứ này được thấy từ tâm và những bậc Thánh thì không thấy như vậy.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao người ngu không hiểu, để khởi lên sự phân biệt như vậy?

Đức Phật nói:

–Đại Tuệ! Người ngu không hiểu rằng đó chỉ là tên gọi giả lập. Tâm của họ chạy theo dòng dao động khi nhìn những tướng trạng. Họ chấp vào ngã và những gì thuộc về ngã, đắm say nơi sắc, trí tuệ bị bao phủ bởi vô minh nên sinh khởi tham, sân, si, tạo ra bao nhiêu nghiệp chướng. Giống như con tằm làm kén, ý tưởng sai lầm của con người tự quấn họ rơi vào biển sinh tử luân hồi. Giống như bánh xe kéo nước, mãi quay vòng không dứt. Họ không biết rằng tất cả các pháp như huyễn hóa, như sóng nắng, như bóng trăng trong nước, được thấy bởi tự tâm, sinh khởi từ vọng tưởng phân biệt, không dính dấp gì đến năng thủ và sở thủ, cùng với sinh, trụ và diệt. Họ cho rằng các pháp được sinh ra từ Tự tại thiên, từ thời tiết, vi trần, hay từ một thần linh tối cao. Do đó, họ trôi theo dòng danh tướng.

Này Đại Tuệ! Tướng ở đây có nghĩa là những gì được nhìn thấy do nhãn thức, gọi đó là Sắc. Nghe, ngửi, nếm, thân thể và ý thức được nhận thức là âm thanh, mùi, vị, sự xúc chạm và ý niệm. Tất cả những thứ này ta gọi là tướng.

Sự phân biệt có nghĩa là các tên gọi được đặt ra để nêu chỉ các tướng, như là voi, ngựa, xe, người đi bộ, nam, nữ… Những tên gọi như vậy được nêu ra để chỉ về các tướng của nó. Những sự thể như vậy được chỉ định không khác. Đây gọi là sự phân biệt.

Chánh trí nghĩa là danh và tướng được xem như một sự hỗ tương, do đó không còn sự sinh khởi của tâm thức. Vì không có cái gì đoạn diệt nên không có cái gì thường trụ và không còn bị rơi vào cấp độ của hàng ngoại đạo hay Thanh văn, Duyên giác. Đây gọi là Chánh trí.

Này Đại Tuệ! Các Đại Bồ-tát nhờ Chánh trí này mà quán sát danh và tướng là phi hữu hay phi vô. Khi các kiến thức sai lầm và ý niệm nhị biên làm tổn hại sự lợi ích được lìa bỏ, thì các danh tướng và các thức không còn sinh khởi. Ta gọi pháp này là Như như.

Này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát nào đã an trú trên Như như thì sẽ đạt đến trạng thái không chiếu hiện, đạt đến Hoan hỷ địa, xa lìa các cõi ác của ngoại đạo, nhập vào pháp xuất thế. Khi đã thuần thục các pháp tướng, vị ấy nhận ra rằng: Tất cả các pháp giống như huyễn,… nên đạt được pháp thực hành của Thánh trí tự chứng. Vị ấy vượt khỏi sự lập luận lý thuyết, trải qua trình tự tu tập như vậy nên đạt đến Pháp vân địa.

Sau khi đã đạt Pháp vân địa, vị ấy thành tựu quả vị Như Lai. Nơi ấy, những bông hoa của Tam-muội, các năng lực, thần thông tự tại đều nở rộ tròn đầy. Khi đã thành tựu Như Lai rồi, vì các chúng sinh, nên vị ấy như mặt trăng trong nước, hiện thân chiếu sáng khắp nơi, vị ấy giảng pháp cho các chúng sinh tùy theo sự yêu thích của họ. Thân của vị ấy thanh tịnh, thoát khỏi ý muốn của tâm, thành tựu trọn vẹn những thệ nguyện rộng lớn và đầy đủ mười nguyện vô tận.

Đây gọi là những gì Đại Bồ-tát đã đạt được khi nhập vào Như như.

Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Phải chăng ba tự tánh là gồm trong năm pháp,

hay ba tự tánh có đặc tính riêng của tự nó?

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Ba tự tánh, tám thức và hai pháp vô ngã đều gồm trong năm pháp. Danh và tướng của chúng là tánh vọng chấp. Vì tùy thuộc vào chúng nên sự phân biệt sinh khởi về tâm, tâm sở pháp xảy ra đồng thời. Như mặt trời cùng với ánh sáng là tánh duyên khởi. Chánh trí và Như như thì bất diệt, là tánh Viên thành.

Này Đại Tuệ! Khi có sự chấp chặt vào những gì được thấy tự tâm thì có tám thứ phân biệt khởi lên. Điều này do tướng sai biệt, chứ hoàn toàn không có thật, chỉ là tánh vọng chấp mà thôi. Nếu hai loại chấp ngã không còn thì hai trí vô ngã được sinh trưởng.

Này Đại Tuệ! Năm pháp này bao gồm tất cả giáo pháp Phật và gồm cả trình tự các Địa Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Như Lai, nhập vào Thánh trí tự chứng.

Này Đại Tuệ! Năm pháp nghĩa là tướng, danh, phân biệt, như như và chánh trí. Trong đó:

  1. Tướng nghĩa là cái được nhìn thấy mỗi hình dáng có nét riêng biệt như hình ảnh, màu sắc… đây là tướng.
  2. Dựa vào các hình tướng đó mà người ta đặt tên, như cái bình,… Do đó, người ta gọi cái này như thế này, chứ không phải như thế kia, đó là danh.
  3. Khi các tên gọi được nêu ra thì hiển lộ các tướng và cho rằng đây là tâm, hay thuộc về tâm, đây gọi là Phân biệt.
  4. Thật ra, danh và tướng này cuối cùng hoàn toàn không có, mà đó chỉ là dòng phân biệt của vọng tâm. Quán sát như vậy cho đến khi nào sự nhận thức cũng không còn thì gọi là Như như.
  5. Này Đại Tuệ! Tướng như như này được định nghĩa là chân thật, quyết định, cứu cánh, căn bản, tự tánh, chẳng thể nắm bắt. Ta và các Đức Phật đã tùy thuận chứng nhập thật tướng này một cách trọn vẹn để khai thị, thuyết giảng cho mọi người. Nếu ai đối với pháp này có thể tùy thuận hiểu rõ thật đúng đắn thì vĩnh viễn xa lìa ý niệm về đoạn hay thường và không còn sinh khởi phân biệt, nhập vào Thánh trí tự chứng, ra khỏi cảnh giới của các nhà ngoại đạo và Nhị thừa. Đây gọi là Chánh trí.

Này Đại Tuệ! Năm pháp này bao gồm cả ba tánh, tám thức và hai vô ngã, cùng tất cả giáo pháp Phật.

Này Đại Tuệ! Đối với pháp này, ông hãy khéo léo thông đạt bằng trí tuệ tự chứng và khuyến khích người khác cũng được thông đạt như vậy. Một khi đã thông suốt giáo pháp này rồi, chắc chắn tâm thầy sẽ không bị người khác làm lay chuyển được.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Năm pháp, ba tự tánh
Cho đến tám loại thức
Cùng hai pháp vô ngã
Đều gồm trong Đại thừa.
Danh tướng và phân biệt
Thuộc trong hai tự tánh
Chánh trí và như như
Đó là tướng viên thành.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Trong kinh, Thế Tôn dạy: “Chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai nhiều như số cát sông Hằng.” Điều này có thể chấp nhận theo nghĩa bình thường, hay còn có nghĩa nào khác?

Đức Phật bảo Đại Tuệ:

–Không nên hiểu theo nghĩa bình thường.

Này Đại Tuệ! Chư Phật trong ba đời không thể ví bằng cát sông Hằng. Vì sao? Vì Như Lai là bậc cao tột, siêu việt nhất trong thế gian nên không thể so sánh hay có thể dùng ví dụ để so sánh được. Có chăng chỉ là ví dụ một chút nào đó mà thôi. Ta vì hàng phàm ngu và những nhà ngoại đạo, tâm thường chấp chặt vào ý niệm thường hay vô thường, tăng trưởng kiến giải sai lầm, bị trôi lăn trong dòng luân hồi sinh tử mà làm cho họ xa lìa nhàm chán những hy vọng cao vời, cho rằng Phật sẽ dễ thành và dễ được gặp. Những ai nghe ta nói rằng Như Lai khó gặp, như hoa Ưu-đàm, họ liền thoái tâm và khiếp sợ, không còn nỗ lực tinh tấn, thế nên ta bảo Như Lai nhiều như số cát sông Hằng. Có khi ta quán sát về đối tượng để giáo hóa nên nói rằng: Phật khó gặp như hoa Ưu-đàm-bát.

Này Đại Tuệ! Chưa có ai từng thấy hoa Ưu-đàm-bát, đang thấy hay sẽ thấy hoa nở cả. Còn Đức Như Lai thì đã thấy, đang thấy và sẽ thấy.

Này Đại Tuệ! Ví dụ như vậy chẳng liên quan gì đến tự pháp. Vì tự pháp là cảnh giới chân lý, là Thánh trí nội chứng, nó vượt khỏi tất cả những gì trong thế gian có thể lấy làm thí dụ hay so sánh được, tất cả phàm ngu không thể tin hiểu được.

Này Đại Tuệ! Chân lý Như Lai vượt khỏi mọi ý niệm được nhìn nhận bởi tâm, ý và ý thức, nên không thể lập thí dụ nơi Như Lai được. Nhưng đôi khi cũng lập giả thiết cho rằng: Như Lai sánh với số cát sông Hằng vẫn không có gì nghịch lý nhau.

Này Đại Tuệ! Ví như cát sông Hằng có bị dẫm đạp bởi rùa, cá, voi, ngựa,… thì cát vẫn luôn trong sạch, không ô nhiễm, vì không sinh khởi phân biệt. Thánh trí Như Lai giống như cát sông Hằng và các năng lực, thần thông, sự tự tại của Như Lai như là cát ấy. Cho dù bị cá, rùa ngoại đạo tranh nhau đến khuấy nhiễu mà Phật vẫn không sinh khởi một ý niệm phân biệt nào. Vì sao? Vì bản nguyện của Như Lai là đem an lạc của Tam-muội ban bố khắp mọi loài. Như cát sông Hằng không có tâm niệm yêu ghét và không có sự phân biệt.

Này Đại Tuệ! Ví như cát sông Hằng mang tính chất của đất, khi cuối kiếp lửa cháy thiêu tất cả đất, nhưng đại địa ấy không mất bản tánh, luôn cùng với hỏa đại câu hữu phát sinh. Những người ngu muội cho rằng đất bị đốt cháy, nhưng thật ra đất không hề bị cháy, vì đất là nguyên nhân của lửa. Pháp thân Như Lai cũng như vậy, như cát sông Hằng không bao giờ bị hoại diệt.

Này Đại Tuệ! Ví như cát sông Hằng không có hạn lượng, ánh sáng của Như Lai cũng như vậy, chiếu khắp hội chúng của tất cả chư Phật, vì muốn đưa vô lượng chứng sinh đến chỗ thành tựu viên mãn.

Này Đại Tuệ! Ví như cát sông Hằng vẫn giữ bản chất cát của chính nó, không bị biến đổi làm vật khác; Như Lai cũng vậy, không sinh khởi, không đoạn diệt trong thế gian, vì những gì có nhân sinh khởi chắc chắn sẽ đoạn diệt.

Này Đại Tuệ! Ví như cát sông Hằng lấy đi thì không thấy giảm, bỏ thêm thì không thấy nó tăng thêm; chư Phật cũng vậy, dùng trí tuệ phương tiện để hóa độ chúng sinh thì không tăng không giảm. Vì sao? Vì Pháp thân Như Lai không có thân.

Này Đại Tuệ! Vì có thân nên có sự hoại diệt, Pháp thân thì không có thân cho nên không hoại diệt.

Này Đại Tuệ! Ví như cát sông Hằng, dù cho có nhọc công để tìm lấy dầu thì cũng không bao giờ có được. Như Lai cũng vậy, cho dù phải mang nặng khổ đau vì chúng sinh, cho đến những chúng sinh ngu xuẩn, nên chưa vào hết Niết-bàn thì chư Như Lai không bao giờ lìa bỏ tâm nguyện sâu xa, vì hạnh phúc của họ trong khắp pháp giới cũng không thể được. Vì sao? Vì Như Lai đã thành tựu trọn vẹn tâm nguyện đại Bi.

Này Đại Tuệ! Ví như cát sông Hằng bị dòng nước kéo theo, chứ không bị kéo theo nơi không có nước; Như Lai cũng vậy, tất cả pháp Như Lai thuyết đều thuận theo dòng Niết-bàn. Do đó mới bảo rằng: Chư Phật Như Lai giống như cát sông Hằng.

Này Đại Tuệ! Pháp Như Lai thuyết giảng không theo các cảnh giới, vì cảnh giới nghĩa là hoại diệt và không thể biết được ngọn nguồn sinh tử. Đã không thể biết được thì làm sao ta có thể nói ý nghĩa của cảnh giới?

Này Đại Tuệ! Ý nghĩa của cảnh giới là đoạn diệt và người phàm ngu không biết được điều này.

Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nếu ngọn nguồn của sinh tử không thể biết được, thì các chúng sinh ở trong sinh tử làm sao biết được sự giải thoát?

Đức Phật nói:

–Này Đại Tuệ! Khi biết rõ thế giới bên ngoài là những gì được nhìn thấy tự tâm thì những nguyên nhân tập khí sai lầm, giả dối từ vô thủy sẽ đoạn diệt, vì những phân biệt được chuyển y (hai quả Bồ-đề và Niết-bàn), gọi đó là giải thoát chứ không phải là hoại diệt. Do đó, không thể nói gì về vô cùng vô cực được.

Này Đại Tuệ! Không cùng cực chỉ là một cái tên khác của phân biệt.

Này Đại Tuệ! Tách rời tâm phân biệt thì không còn một chúng sinh khác. Khi các pháp bên trong và bên ngoài được quán sát bằng trí tuệ thì năng tri và sở tri đều vắng bặt.

Này Đại Tuệ! Tất cả các pháp chỉ là những gì được nhìn thấy từ sự phân biệt của tự tâm, vì không hiểu biết nên sinh khởi tâm phân biệt, nếu hiểu rõ thì tâm phân biệt không còn.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Quán sát các Đạo sư
Ví như cát sông Hằng
Không hoại cũng không đi
Đó là người thấy Phật.
Ví như cát sông Hằng
Hoàn toàn không lầm lỗi
Cát luôn trôi thuận dòng
Phật tánh cũng như vậy.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn dạy cho con biết tướng hoại diệt trong từng sát-na của tất cả các pháp. Các pháp được gọi là sát-na nghĩa là gì?

Đức Phật nói:

–Ông hãy lắng nghe ta dạy!

Này Đại Tuệ! Tất cả các pháp đó là: Pháp thiện, pháp bất thiện, pháp hữu vi hay vô vi, pháp thế gian hay xuất thế gian, pháp hữu lậu hay vô lậu, pháp hữu thọ hay vô thọ.

Này Đại Tuệ! Tóm lại, tâm, ý, ý thức và tập khí là nguyên nhân tăng trưởng của năm thủ uẩn. Do đó, hàng phàm phu sinh phân biệt, cho là thiện hay bất thiện. Còn bậc Trí hiện trú nơi an lạc Tam-muội thì được gọi là pháp thiện vô lậu.

Và này Đại Tuệ! Thiện và bất thiện là chỉ cho tám thức. Tám thức là gì? Nghĩa là Như Lai tạng, gọi là Tàng thức. Ý và ý thức gồm thân năm thức.

Này Đại Tuệ! Thân năm thức hợp cùng ý thức có sự tương tục tiếp nối không gián đoạn và sự khác biệt của thiện hay bất thiện vận hành liên tục, thể ấy không khác, cứ sinh rồi diệt. Vì không hiểu rằng những gì hiện hữu không ngoài cảnh giới tự tâm, nên các thức khác sinh khởi theo trình tự của sự diệt ban đầu. Ý thức cùng hợp nhất với năm thức kia, ghi nhận các tướng trạng và hình ảnh khác nhau nên không giữ yên được một sát-na nào. Điều này ta gọi là pháp sát-na.

Này Đại Tuệ! Như Lai tạng được gọi là Tạng thức cùng với ý và kết hợp với các tập khí. Đây là pháp sát-na. Tập khí vô lậu không phải là pháp sát-na. Các nhà luận thuyết và kẻ phàm ngu không thể hiểu pháp sát-na này. Vì họ không hiểu tánh sát-na và phi sát-na của tất cả các pháp nên chấp vào vô vi, đồng với sự hoại diệt của các pháp nên rơi vào đoạn kiến.

Này Đại Tuệ! Thân năm thức thì không bị lưu chuyển, không bị khổ lạc, cũng không phải là nhân của Niết-bàn. Nhưng Như Lai tạng kết hợp cùng với nhân thọ khổ lạc, nên có sinh diệt, nó bị bốn tập khí làm che lấp, mê muội. Những người ngu tâm chứa đầy sự phân biệt, không hiểu rõ nên sinh khởi kiến giải về sát-na.

Này Đại Tuệ! Như vàng, kim cương và xá-lợi của Phật có đặc tính riêng của chúng, nên không bao giờ bị tổn hoại. Nếu đạt chứng ngộ là pháp sát-na thì bậc Thánh trí sẽ chẳng phải là Thánh, nhưng bậc Thánh đó chưa từng chẳng phải là Thánh. Như vàng, kim cương tuy trải qua thời gian lâu dài mà cân lượng vẫn không bị giảm. Như vậy tại sao kẻ ngu không hiểu được lời thâm mật của ta đối với tất cả các pháp mà có ý tưởng về sát-na?

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn thường dạy: Nếu ai thành tựu sáu pháp Ba-la-mật tức là đạt đến Chánh giác. Sáu pháp Ba-la-mật là những gì? Và người ta thành tựu như thế nào?

Đức Phật nói:

–Đại Tuệ! Có ba loại Ba-la-mật khác nhau, đó là thế gian, xuất thế gian và siêu xuất thế gian tối thượng.

Này Đại Tuệ! Ba-la-mật thế gian nghĩa là do đắm trước vào ngã và những gì thuộc về ngã mà những kẻ phàm ngu chấp chặt vào nhị biên, tìm cầu vào các thân, tham thế giới hình sắc… Thế nên họ tu hành Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định ba-la-mật. Họ đạt được thần thông, được sinh vào cõi Phạm thiên.

Này Đại Tuệ! Ba-la-mật xuất thế gian nghĩa là hàng Thanh văn, Duyên giác chấp trước về Niết-bàn, mong cầu niềm vui cho chính mình nên họ tu tập các Ba-la-mật này.

Này Đại Tuệ! Ba-la-mật vượt thế gian tối thượng nghĩa là các Đại Bồ-tát hiểu rõ đối với hai pháp tự tâm chỉ là những gì được hiện hữu từ sự phân biệt. Họ không sinh vọng tưởng, không sinh chấp trước, không chấp sắc tướng.

Vì muốn làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh nên các vị ấy thường tu hành Bố thí ba-la-mật. Họ không hề sinh khởi tâm phân biệt đối với các cảnh giới.

Họ tu hành Trì giới ba-la-mật tức là không bao giờ sinh khởi sự phân biệt.

Nhẫn biết trọn vẹn về tự tánh của năng thủ và sở thủ, đó là Nhẫn nhục ba-la-mật.

Nỗ lực tu tập từ đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm không phút giây giải đãi trong sự tùy thuận, hiểu rõ thật nghĩa, không sinh phân biệt. Đây gọi là Tinh tấn ba-la-mật.

Không sinh phân biệt, không khởi kiến giải về Niết-bàn của hàng ngoại đạo, gọi đó là Thiền định ba-la-mật.

Dùng trí quán sát, tâm không phân biệt, không rơi vào nhị biên, làm thanh tịnh sở y mà không hoại diệt, đạt đến cảnh giới nội chứng của trí tuệ bậc Thánh, gọi đây là Bát-nhã ba-la-mật.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Ngu phân biệt hữu vi
Không, vô thường, sát-na
Phân biệt nghĩa sát-na
Như sông, đèn, hạt giống…
Tất cả pháp không sinh
Tịch lặng, không tạo tác
Tánh các việc đều lìa
Ta gọi nghĩa sát-na
Sinh diệt nối tiếp nhau
Không nói cho người ngu
Do tương tục không dứt
Phân biệt khởi các cõi
Vô minh là nguyên nhân
Tâm từ đây sinh khởi
Sắc chưa rõ từ đâu
Trung ấm trú chỗ nào?
Tương tục diệt không ngừng
Tâm khác được sinh ra
Khi không trú nơi sắc
Tâm dựa vào đâu sinh?
Nếu tâm duyên đâu sinh
Nguyên nhân này không thực
Nhân giả thể không thành
Làm sao sát-na mất
Người tu hành chánh thọ
Kim cương, xá-lợi Phật
Đến cung Quang âm thiên
Không bị diệt ở đời
Trí Như Lai viên mãn
Và Tỳ-kheo chứng đắc
Tánh các pháp thường trú
Làm sao thấy sát-na?
Thành Càn, các sắc huyễn
Sao không phải sát-na?
Đại chủng không thật tánh
Sao nói có thể tạo?

Trang: 1 2 3 4 5