KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG-GIÀ
Hán dịch: Đại Châu Vu-điền, Tam tạng Pháp sư Thật-xoa-nan-đà.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 1
Phẩm 1: LA-BÀ-NA VƯƠNG THỈNH PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong thành Lăng-già, tại đỉnh núi Ma-la-da, trên bờ biển lớn, cùng đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Bồ-tát vân tập đông đủ.
Các Đại Bồ-tát này đều đã thông đạt năm pháp, ba tánh và các thức vô ngã. Họ hiểu rõ thế giới đối đãi này là sự biểu hiện của tâm mình và chứng đắc nhiều Tam-muội, thần thông tự tại. Các Đại Bồtát này phương tiện giáo hóa, tùy theo tâm thức chúng sinh mà hiện nhiều loại hình thể khác nhau. Các đại chúng Bồ-tát này đến từ vô số cõi nước và được chính tay của tất cả các Đức Phật làm pháp quán đảnh. Đại Bồ-tát Đại Tuệ làm thượng thủ hội chúng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thuyết pháp nơi cung Hải Long Vương hơn bảy ngày rồi ra khỏi biển cả, có vô lượng ức Phạm vương, Đế Thích, Hộ thế, Tứ Thiên vương, Trời, Rồng cung nghênh. Đức Như Lai nhìn thành Lăng-già trên núi Ma-la-da mỉm cười nói:
–Các Như Lai toàn giác trong quá khứ đều ở thành này nói các
pháp đã được tự chứng bằng Thánh trí, chẳng phải như tà kiến suy luận của ngoại đạo và thế giới tu hành của hàng Nhị thừa. Nay ta cũng thế, vì La-bà-na vương giảng dạy pháp này.
Khi ấy, La-bà-na là chúa loài Dạ-xoa, do nhờ thần lực Phật, nên nghe được lời ấy, từ xa biết Đức Như Lai vừa từ cung rồng ra, có Phạm vương, Đế Thích, Hộ thế, Trời, Rồng cùng đến vây quanh. Nhìn sóng biển và nhìn cả ngọn gió dao động, thế giới biển thức Alại-da chuyển động tiếp diễn trong hội chúng ấy, mà nghĩ đến sóng thức đang phát khởi, nên La-bà-na phát tâm hoan hỷ, ở trong thành ấy vui sướng thốt lên:
–Ta sẽ đến thỉnh Phật vào thành Lăng-già, làm cho ta cùng chư Thiên và loài người được nhiều lợi ích lâu dài.
Nói xong, La-bà-na cùng quyến thuộc, ngồi nơi điện nhỏ, được kết bằng hoa, đi đến chỗ Đức Thế Tôn. Đến nơi, họ xuống xe, đi nhiễu quanh bên phải Thế Tôn ba vòng, rồi trổi các âm nhạc cúng dường Đức Như Lai. Tất cả những nhạc khí của họ đều bằng châu báu, trời Đế Thích màu xanh, xen lẫn là báu lưu ly bọc bằng vải quý vô giá. Âm thanh của nhạc khí này êm dịu, giao hòa, réo rắt tuyệt vời. Trong âm nhạc đó, La-bà-na nói kệ tán thán Đức Phật:
Kho pháp tâm tự tánh
Vô ngã lìa kiến, cấu
Nhận thức bằng trí chứng
Xin Phật tuyên giảng nói
Thân kết tập pháp lành
Chứng trí thường an lạc
Bậc biến hóa tự tại
Mong vào thành Lăng-già
Phật, Bồ-tát quá khứ
Từng ở nơi thành này
Chúng con, các Dạ-xoa
Nhất tâm nguyện nghe pháp.
La-bà-na, chúa loài Dạ-xoa dùng âm điệu Tra-ca ngợi khen Phật, lại dùng âm ngợi khen ấy mà nói kệ:
Đức Thế Tôn bảy ngày
Ở trong biển Ma-kiệt
Sau rời khỏi Long cung
An lạc lên bờ này
Con cùng các thể nữ
Và quyến thuộc Dạ-xoa
Du-ca, Ba-lạt-na
Các bậc Trí trong chúng
Đều nhờ thần lực Phật
Đi đến chỗ Như Lai
Rời cung điện bằng hoa
Đảnh lễ Đức Thế Tôn
Và nhờ oai thần Phật
Trước Phật xưng họ tên
Con là vua La-sát
La-bà-na mười đầu
Nay con đến chỗ Phật
Mong Phật giáo hóa con
Cùng tất cả chúng sinh
Ở trong thành Lăng-già
Vô lượng Phật quá khứ
Đều lên đỉnh núi báu
Ở trong thành Lăng-già
Giảng nói pháp đã chứng
Đức Thế Tôn cũng vậy
Tại đỉnh núi báu kia
Chúng Bồ-tát vây quanh
Giảng nói pháp thanh tịnh
Chúng con ngày hôm nay
Cùng ở núi Lăng-già
Nhất tâm cùng muốn nghe
Pháp vô ngôn Phật chứng
Con nhớ đời xưa, nay
Vô lượng các Đức Phật
Chúng Bồ-tát vây quanh
Giảng nói kinh Lăng-già
Kinh Nhập Lăng-già đây
Phật xưa từng tán thán
Mong Phật ngày hôm nay
Vì đại chúng chỉ bày
Xin Phật vì thương xót
Vô lượng chúng Dạ-xoa
Vào thành quý giá kia
Dạy pháp môn vi diệu
Thành Lăng-già tốt đẹp
Trang hoàng bằng châu báu
Tường không bằng đất đá
Lưới báu bằng trân châu
Những chúng Dạ-xoa này
Xưa từng cúng dường Phật
Tu hành bỏ các lỗi
Thường chứng biết rõ ràng
Các Dạ-xoa nam nữ
Khát ngưỡng pháp Đại thừa
Kính tin pháp Đại thừa
Cũng muốn người khác tin
Cúi xin đấng Vô thượng
Vì những chúng La-sát
Và quyến thuộc mù tối
Đi đến thành Lăng-già
Con từ xưa đến nay
Siêng cúng dường chư Phật
Xin nghe pháp tự chứng
Cứu cánh đạo Đại thừa
Nguyện Phật thương tưởng con
Và các chúng Dạ-xoa
Cùng những chúng Phật tử
Vào thành Lăng-già đây
Thể nữ, cung điện con
Thật là nhiều anh lạc
Vườn vô ưu khả ái
Mong Phật thương nhận cho
Đối với Phật, Bồ-tát
Con xin dâng tất cả
Không tiếc thân phụng sự
Cúi xin Phật thương nhận.
Đức Thế Tôn nghe lời kệ, dạy:
–Này La-bà-na! Các bậc Đại đạo sư trong đời quá khứ đều thương tưởng và nhận lời thỉnh cầu của ngươi mà giảng nói pháp tự chứng tại núi báu này. Các Đức Phật tương lai cũng như vậy. Đây là trú xứ của các bậc tu hành pháp lạc quán hạnh sâu xa. Ta và các Bồtát vì thương tưởng ngươi nên nhận lời thỉnh cầu ấy.
Đức Thế Tôn nói xong ngồi tĩnh lặng.
Khi ấy, chúa La-bà-na mang tất cả cung điện hoa đẹp dâng cúng Đức Phật. Đức Phật ngồi trên điện hoa, vua Dạ-xoa và các Bồtát lần lượt tiếp nối nhau, vô lượng thể nữ ca ngâm khen ngợi cúng dường Đức Phật, cùng nhau đi đến thành Lăng-già. Đến thành rồi, chúa La-bà-na và các quyến thuộc dâng lên cúng dường Phật những vật tốt đẹp nhất. Những thanh niên Dạ-xoa nam nữ đem lưới báu cúng dường Phật. Chúa La-bà-na đem chuỗi ngọc báu quàng vào cổ Đức Phật và Bồ-tát.
Sau khi nhận sự cúng dường, Đức Thế Tôn và các Bồ-tát giảng nói tóm tắt pháp sâu xa, cùng cảnh giới tự chứng cho các Dạ-xoa nghe. Chúa La-bà-na và các quyến thuộc lại đến cúng dường Bồ-tát Đại Tuệ, ca tụng thỉnh cầu Bồ-tát:
Con và các Bồ-tát
Thỉnh hỏi Đức Thế Tôn
Tất cả Đức Như Lai
Cảnh giới trí tự chứng
Con cùng chúng Dạ-xoa
Và các Bồ-tát này
Nhất tâm nguyện muốn nghe
Thế nên cùng thỉnh ngài
Ngài là bậc tu hành
Tối thắng trong ngôn luận
Chúng con rất tôn kính
Xin ngài tham vấn Phật
Pháp thanh tịnh tự chứng
Cứu cánh vào Phật địa
Xa tất cả lỗi lầm Của
Nhị thừa ngoại đạo.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vận sức thần thông, ở nơi núi Lăng-già hóa ra vô lượng núi báu, trang hoàng bằng trăm ngàn vạn ức châu báu tốt đẹp của chư Thiên. Trên đỉnh của từng ngọn núi báu đều thấy hiện thân Phật. Trước mỗi Đức Phật đều có chúa La-bà-na và hội chúng, cùng tất cả cõi nước khắp mười phương đều hiện ra nơi núi đó. Trong mỗi nước đều có Như Lai, trước mỗi Đức Như Lai đều có chúa La-bà-na cùng quyến thuộc của vua và vườn A-du-ca nơi đại thành Lăng-già có những sự trang nghiêm cũng như vậy không khác. Nơi mỗi nước đó đều có Bồ-tát Đại Tuệ đang thưa hỏi Phật. Đức Phật vì đại chúng, dùng trăm ngàn thanh âm vi diệu khai thị cảnh trí tự chứng. Nói kinh này xong, Đức Phật và Bồ-tát đều ẩn mất trong hư không. Còn lại chúa La-bà-na chỉ thấy chính mình đang ở nơi cung cũ.
La-bà-na suy nghĩ: “Vừa rồi là ai? Ai đã nghe những lời chỉ dạy? Ai đã thấy mọi hiện tượng? Đức Phật đâu rồi? Núi, rừng, châu báu, đất đai, thành quách đâu? Những sự kiện đó bây giờ đang ở đâu? Là giấc mộng chăng? Hay ảo ảnh tạo thành? Hay đó là thành Cànthát-bà hóa hiện ra? Hay ta bị thấy bởi hoa mắt, là ánh lửa làm mê hoặc? Như đứa con trong cơn mộng do người đàn bà đá sinh? Hay là những ánh đuốc quay vòng mà ta thấy như thế?”
Chúa La-bà-na lại suy nghĩ: “Tính chất của các pháp đều như thế. Chỉ do tự tâm phân biệt cảnh giới mà kẻ phàm phu mê muội không hiểu rõ. Không có người thấy, cũng không có cái gì được thấy. Không có người nói, cũng không có điều được nói. Thấy Phật, nghe Pháp… đều là sự phân biệt. Kẻ nào thấy theo cách đã thấy trước kia, thì không thể thấy Phật. Khi không có tâm phân biệt sinh khởi, thì đó chính thực là thấy.”
Chúa La-bà-na chợt tỉnh ngộ, xa lìa các pháp tạp nhiễm, chứng đắc tự tâm, trú cảnh giới vô phân biệt. Đời trước đã gieo trồng nhiều năng lực thiện căn, nên đối với tất cả các pháp ông được thấy đúng như thật (Không ngộ do người khác, bằng thắng trí thiện xảo để quán sát). Vĩnh viễn xa lìa tất cả những hiểu biết sai lầm ức đoán. Ông trở thành bậc thầy đại tu hành, tự thân hóa hiện các tướng, khéo đạt phương tiện, biết rõ các cấp độ của Bồ-tát. Thường ưa viễn ly tâm, ý và ý thức, đoạn trừ ba kiến tương tục, xa lìa sự chấp trước của ngoại đạo, tự giác ngộ vào Như Lai, hướng đến Phật địa.
Khi ấy, trong hư không và trong cung điện bỗng phát ra tiếng nói:
–Lành thay! Đại vương! Như những điều ngươi đã học, bậc tu hành nên học như vậy, nên thấy như vậy. Tất cả Như Lai cũng thấy như ngươi thấy. Những ai trông thấy các pháp mà khác đây, thì gọi người đó là chấp đoạn. Ngươi hãy vĩnh viễn xa lìa tâm, ý và ý thức. Thường nỗ lực quán sát tất cả các pháp, nên nhìn vào nội tâm, đừng để bị ràng buộc vào cái thấy bên ngoài, chớ rơi vào Nhị thừa, cho đến ngoại đạo, hay rơi vào nghĩa cú, kiến giải và sự chứng đắc các pháp Tam-muội. Ngươi chớ nên ưa thích nói bông đùa, bỡn cợt. Ngươi không nên sinh khởi những kiến thức quanh co và không nên đắm trước tự do nơi vương vị, không nên trú trong sáu định. Nếu được như thế là người tu hành chân thật, bẻ gãy những luận thuyết của người khác, phá tan những kiến giải tai hại xấu xa, xả bỏ tất cả những chấp trước về ngã. Lấy trí tuệ sáng suốt chuyển thức sở y, tu đạo Đại thừa Bồ-tát, đạt đến cấp độ tự chứng của Như Lai đã đạt. Ngươi hãy nên nỗ lực tu học như vậy, làm cho đắc pháp, chuyển đến thanh tịnh, tinh tấn tu tập thiền định và thiền tuệ. Chớ đắm trước cảnh giới Nhị thừa ngoại đạo, cho là an vui tối thượng, vì đó là tâm phân biệt của người tu phàm phu ngoại đạo, chấp ngã kiến nên có ngã tướng và thật đức, nên sinh đắm trước. Hàng Nhị thừa chấp có, nên vô minh duyên hành, nên loạn tưởng phân biệt đối với tánh không.
Này chúa thành Lăng-già! Pháp này là đạo Đại thừa, siêu việt tất cả, có thể làm cho thành tựu, tự chứng thánh trí. Pháp này đưa đến sự sống tốt đẹp tuyệt vời trong các cõi.
Lăng-già vương! Hạnh Đại thừa này phá tan bóng tối vô minh, ngăn chặn làn sóng của thức và không rơi vào trong những kiến thức sai lầm của ngoại đạo.
Lăng-già vương! Người thực hành theo ngoại đạo, chấp trước nơi ngã, tạo những dị luận, không thể giảng nói để rời bỏ, chấp chặt về kiến và hai nghĩa của thức tánh.
Lành thay, này chúa thành Lăng-già! Hãy tư duy về ý nghĩa này như đã tư duy khi gặp Phật trước đây. Thật thế, tư duy pháp này chính là thấy Đức Như Lai.
Bấy giờ, chúa La-bà-na suy nghĩ: “Con mong được gặp lại Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn Như Lai là bậc quán thấy tự tại tất cả vạn pháp, là bậc đã xa lìa pháp ngoại đạo, nói về sự chứng ngộ cảnh giới của đấng Thánh trí, là bậc siêu việt các ứng hóa và làm những việc đáng làm, là bậc an trú thiền định Như Lai và nhập Tam-muội an lạc. Thế nên Như Lai còn gọi là Bậc Thầy đại quán hạnh, cũng gọi là Đấng Đại Từ Mẫn, đốt hết phiền não, không còn củi phân biệt, là Bậc được các chúng đệ tử Phật vây quanh và đã thâm nhập trong tâm thức của tất cả chúng sinh, là Đấng đầy đủ Nhất thiết trí, đi khắp đến mọi nơi, vĩnh viễn xa lìa sự tướng phân biệt. Thế nên gặp được Đức Thế Tôn, lại với sức thần thông lớn, con sẽ đạt được những gì chưa đạt và đã đạt rồi đều được không thoái chuyển, xa lìa các phân biệt, an trú nơi hỷ lạc Tam-muội, tinh tấn trọn vẹn đến bậc Trí của Như Lai.”
Đức Thế Tôn biết rằng chúa thành Lăng-già sẽ chứng ngộ Vô sinh pháp nhẫn nhưng vì lòng Từ thương xót nên hiện ra một lần nữa, làm cho các sự biến hóa trở lại như cũ. Thập đầu vương thấy những điều đã từng thấy, vô lượng núi non, thành quách được trang hoàng bằng châu báu. Trong mỗi mỗi thành đó đều có Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác với ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm thân. Đồng thời ông cũng tự thấy mình đối diện với các Đức Phật, đều có Dạ-xoa Đại Tuệ vây quanh đang thuyết pháp của trí tự chứng, cũng thấy cõi nước của chư Phật khắp mười phương… Những việc như thế hoàn toàn không khác.
Khi ấy, Đức Thế Tôn lại nhìn khắp đại chúng bằng đôi mắt trí tuệ, chứ không nhìn bằng đôi mắt của người thường. Oai hùng như sư tử chúa, Thế Tôn quay lại đưa mắt uy nghiêm nhìn với nụ cười rạng rỡ phát thành tiếng. Giữa chân mày, từ bàn tọa đến bên sườn, từ hông, từ lưng, từ cổ cho đến vai nơi chữ Vạn, từ cánh tay, nơi từng lỗ chân lông phóng ra vô lượng tia hào quang sắc màu vi diệu, như cầu vồng rực rỡ, như mặt trời tỏa chiếu ánh sáng và như kiếp hỏa bùng cháy mãnh liệt sáng ngời.
Trong hư không, Phạm thiên, Đế thích, Tứ Thiên vương, từ xa trông thấy Đức Như Lai ngồi trên đỉnh núi Lăng-già, có thể sánh với núi Tu-di và dường như đang hân hoan cười lớn; lúc ấy các Bồ-tát và chúng trời đều nghĩ rằng: “Không hiểu vì nguyên nhân nào mà Đức Như Lai Thế Tôn vốn rất tự tại đối với các pháp, lại hân hoan cười lớn như thế? Tại sao từ Đức Như Lai phóng ra ánh sáng, tịch lặng, không dao động, ở trong cảnh giới tự chứng nhập Tam-muội an lạc? Như sư tử chúa, Đức Như Lai quay nhìn khắp nơi quán sát La-bà-na và nghĩ đến pháp như thật?”
Bấy giờ, Đại Tuệ là vị Đại Bồ-tát mà trước đây La-bà-na chỉ thỉnh cầu tham vấn Đức Phật, biết tâm ý của hội chúng Bồ-tát, cùng quán thấy tất cả chúng sinh đời tương lai đều thích đắm trước vào ngôn ngữ văn tự, theo ngôn từ chấp nghĩa lý mà sinh ra mê muội, chấp chặt vào sự tu hành của hàng ngoại đạo Nhị thừa. Họ nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn đã vượt cảnh giới tâm thức siêu việt, mà vì nguyên nhân nào Đức Thế Tôn hân hoan cười thành tiếng?” Bồ-tát Đại Tuệ vì muốn giải tỏa sự nghi ngờ thắc mắc đó, nên thỉnh hỏi Phật.
Đức Phật bảo:
–Hay thay! Đại Tuệ! Lành thay! Đại Tuệ! Ông đã quán sát thế gian, thương xót chúng sinh bị ràng buộc nơi kiến giải sai lầm trong quá khứ, hiện tại, tương lai và muốn cho họ được giải ngộ nên mới hỏi ta. Những người có trí tuệ, vì lợi ích cho mình cho người, mới thưa hỏi như vậy.
Này Đại Tuệ! Chúa thành Lăng-già đây đã từng hỏi hai câu này nơi tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ. Hiện tại ông cũng muốn hỏi ta và tương lai cũng như thế. Hai câu này có tướng khác nhau, điều mà tất cả hàng Nhị thừa và ngoại đạo không thể biết hết.
Đức Như Lai biết chúa thành Lăng-già muốn hỏi ý này, nên bảo:
–Lăng-già vương! Ngươi muốn hỏi ta thì hãy thưa nhanh đi. Ta sẽ giải thích và phân tích đầy đủ theo sở nguyện của ngươi, khiến ngươi được hoan hỷ. Ngươi hãy dùng trí tuệ tư duy, quán sát, xa lìa những sự phân biệt và khéo biết các cấp độ tu tập, đối trị thấu suốt bản chất của nguyên lý trong an lạc của Tam-muội. Được các Đức Như Lai hộ trì, an trú trong an lạc của thiền định và xa lìa lầm lỗi của hàng Nhị thừa. Hãy an trú nơi Bất động địa, Thiện tuệ địa và Pháp vân địa. Như thật biết các pháp đều vô ngã. Như Lai ở trong cung Đại bảo liên hoa, dùng nước Tam-muội làm pháp quán đảnh cho ngươi. Và hiện vô lượng hoa sen chung quanh, có vô số Bồ-tát ở trong đó, cùng các hội chúng đang lần lượt nhìn ngươi. Cảnh giới như thế vượt ra ngoài trí tưởng tượng luận bàn.
Lăng-già vương! Ngươi phát họa ra một cách nhìn thích hợp và đặt mình vào một mức độ, phát họa vô lượng phương tiện thiện xảo, nhất định ngươi sẽ đạt những điều như trên đã nói, không thể suy nghĩ luận bàn. Ngươi nên đạt đến địa vị của Như Lai, tùy theo đối tượng, thể hiện nhiều hình tướng khác nhau. Những gì ngươi sẽ thành tựu là điều mà tất cả hàng ngoại đạo, Nhị thừa và Phạm vương, Đế Thích, Tứ Thiên vương… chưa từng thấy.
Chúa Lăng-già nhờ ân Phật hứa khả, được ở ngay nơi ánh sáng
thanh tịnh như hoa sen lớn trên đỉnh núi báu. Ông rời khỏi tòa, cùng các thể nữ vây quanh. Có vô lượng những bông hoa tươi đẹp đầy màu sắc, những hương thơm, hương bột, tràng phan, lọng báu, chuỗi ngọc, những vật dụng trang nghiêm tốt đẹp nhất mà ngoài thế gian chưa ai từng nghe thấy vừa được hóa hiện ra. Những nhạc cụ âm nhạc, vô lượng nhạc khí ở cõi Dục có vượt hơn tất cả nhạc của chư Thiên, Trời, Rồng, Càn-thát-bà… ở thế gian, những khí cụ âm nhạc mà khắp các cõi nước mười phương chưa từng thấy, được hóa hiện ra. Những màn lưới báu lớn giăng khắp trên tất cả Phật, Bồ-tát. Nhiều loại y phục tốt đẹp nhất và đủ loại cờ xí, tràng phan đều được dựng lên để cúng dường Phật.
Những việc này được hóa hiện xong, chúa loài Dạ-xoa bay lên hư không cao bằng bảy cây đa-la. Trong hư không, trời mưa tuôn xuống những đám mây lớn chứa vật cúng dường và những âm nhạc. Vị ấy từ hư không hạ xuống, ngồi trên đỉnh núi báu, sáng rực như mặt trời thứ hai, như hoa sen lớn, hoan hỷ, cung kính vui mừng bạch:
–Con muốn thỉnh hỏi Đức Như Lai hai việc. Hai việc này, con đã từng thỉnh hỏi Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ và Đức Phật Thế Tôn đã chỉ dạy cho con. Hiện tại con cũng muốn thỉnh hỏi nghĩa này, cúi xin Đức Như Lai vì con mà tuyên nói.
Bạch Thế Tôn! Hai việc này do Đức Như Lai biến hóa nói, chứ không phải chính Đức Phật căn bản. Đức Phật căn bản nói cảnh giới an lạc của Tam-muội. Đức Phật không nói những sự tu hành phân biệt hư dối.
Lành thay! Đức Thế Tôn! Đấng Tự Tại đối với các pháp, cúi xin Thế Tôn thương xót chỉ dạy cho con hai nghĩa này. Tự thâm tâm chúng đệ tử Phật đều muốn được nghe.
Đức Thế Tôn bảo chúa thành Lăng-già:
–Ta sẽ chỉ dạy những điều ngươi vừa thưa hỏi.
Khi ấy, chúa loài Dạ-xoa lại mang chuỗi ngọc, mão báu và tất cả những vật tốt đẹp để trang nghiêm thân mà bạch:
–Đức Như Lai thường dạy: “Pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp.” Làm thế nào bỏ được hai pháp này? Những gì là pháp? Những gì là phi pháp? Pháp nên bỏ thì làm sao có hai? Nói có hai, tức rơi vào tướng phân biệt. Hữu thể hay vô thể là thật hay chẳng phải thật? Như thế, tất cả đều là phân biệt, không thể biết rõ tướng vô sai biệt của thức A-lại-da. Giống như việc trông thấy cái vòng tóc, chẳng phải cảnh trí thanh tịnh. Tánh pháp như vậy thì làm thế nào có thể lìa bỏ pháp?
Đức Phật bảo:
–Lăng-già vương! Phải chăng ngươi không thấy những vật như cái bình,… là pháp vô thường tan hoại? Kẻ phàm phu đối với nó vọng sinh phân biệt. Vì sao nay ngươi không như thật biết tướng sai biệt của pháp, cùng phi pháp? Đây là sự phân biệt của phàm phu, không phải tri kiến của bậc Thánh. Phàm phu bị rơi vào đủ loại tướng, nên không phải là bậc Thánh.
Lăng-già vương! Như vườn, rừng, cung điện… bị đốt cháy, thấy rất nhiều loại ngọn lửa, tuy nhiên tính chất của lửa chỉ là một. Do năng lực của củi phát ra ánh lửa, cho nên có dài ngắn, lớn nhỏ, mỗi ngọn lửa khác nhau. Vì sao ngươi không biết đúng như thật tướng sai biệt của pháp cùng phi pháp?
Lăng-già vương! Như một hạt giống sinh ra mầm, chồi, cành, lá, hoa, quả, vô lượng sự sai khác nhau. Ngoại pháp cũng thế và nội pháp cũng thế. Nghĩa là vô minh làm duyên sinh ra uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp. Ở trong ba cõi, thọ sinh nơi các nẻo; có khổ, vui, tốt, xấu, nói năng, im lặng, làm, nghỉ… mỗi mỗi tướng khác nhau. Và như các thức tướng, tuy là một nhưng tùy nơi cảnh giới mà có thượng, trung, hạ, nhơ, sạch, thiện, ác… nhiều tướng trạng khác nhau.
Lăng-già vương! Không phải chỉ có các pháp như trên mới sai biệt, mà những người tu hành khi tu quán hạnh, hành động theo trí của họ cũng thấy có tướng sai khác, huống là pháp và phi pháp làm sao khỏi có muôn ngàn sự phân biệt khác nhau.
Lăng-già vương! Tướng sai khác của pháp và phi pháp, nên biết đều là tướng phân biệt.
Lăng-già vương! Thế nào là pháp? Nghĩa là hàng ngoại đạo Nhị
thừa phân biệt lừa dối, nghĩ rằng: Các pháp là có thật, do nhân duyên tạo thành. Các pháp như thế nên từ bỏ, nên xa lìa, không nên từ đó chấp tướng phân biệt. Thấy pháp tánh tự tâm thì không chấp trước. Những vật như bình,… là chỗ chấp giữ của phàm ngu, vốn không có thật thể. Những hành giả nhìn sự vật nên nhập thiền quán để quán sát đúng chân lý, gọi là xả bỏ các pháp.
Lăng-già vương! Thế nào gọi là phi pháp? Nghĩa là các pháp vô tánh, vô tướng, vĩnh viễn xa rời sự phân biệt. Người thấy đúng như thật, cảnh giới này hoặc có hay không thì vẫn không phát khởi. Đây gọi là xả bỏ phi pháp. Và phi pháp còn có nghĩa như sừng thỏ, con của Thạch nữ… đều không có tánh tướng, không thể phân biệt, chỉ theo thế tục mà nói có danh tự, đâu như cái bình… mà có thể chấp giữ? Vì sự chấp giữ kia chẳng phải là thức. Các pháp phân biệt cũng phải từ bỏ như thế. Đây gọi là sự từ bỏ pháp và phi pháp.
Lăng-già vương! Ngươi bảo rằng: “Con đã hỏi câu này nơi các Đức Như Lai quá khứ và các Đức Như Lai ấy cũng đã trả lời cho con.” Lăng-già vương! Điều ngươi nói ra thuộc về quá khứ, chỉ là phân biệt và tương lai cũng thế. Ta cũng giống như vậy.
Lăng-già vương! Pháp của các Đức Phật kia đều xa lìa phân biệt, đã vượt khỏi tất cả phân biệt và hý luận. Chư Phật không theo sắc tướng, ngoại trừ trí tuệ thực chứng để soi sáng chúng sinh được an lạc. Thế nên Như Lai thuyết giảng pháp bằng trí tuệ, vượt lên trên sắc tướng, gọi là Như Lai. Như Lai lấy trí làm thể, có thân thể của ngài trong trí tuệ. Vì thế, ngài không phân biệt và không bị phân biệt. Không thể phân biệt theo ý niệm về tự ngã tánh, hay chúng sinh tánh. Không phân biệt như thế nào? Vì ý thức làm nhân cảnh giới mà phát sinh, rồi giữ lấy hình tướng của sắc. Do đó đừng phân biệt và nên xa lìa đối tượng phân biệt.
Lăng-già vương! Ví như trên tường được họa hình ảnh của chúng sinh nhưng không có tâm thức. Chúng sinh nơi thế gian giống như hình vẽ trên tường ấy, không có tạo tác, không có quả báo. Các giáo pháp cũng thế, không có sự nghe, không có sự giảng nói.
Lăng-già vương! Chúng sinh ở thế gian giống như sự biến hóa,
kẻ phàm phu ngoại đạo không thể hiểu thông.
Lăng-già vương! Những ai thấy được như vậy, gọi là thấy đúng như thật. Những ai nhìn sự vật khác như vậy, thì đó gọi là cái thấy phân biệt. Do phân biệt nên chấp vào nhị biên.
Lăng-già vương! Ví như có người thấy hình ảnh mình phản chiếu trong gương, trong nước, hay thấy ánh trăng trong dòng nước, hay nghe tiếng vang trong hang núi, người ấy sinh tâm chấp chặt vào những hình bóng ấy của mình mà sinh phân biệt. Ở đây cũng thế, duy trì sự phân biệt của pháp và phi pháp, do phân biệt nên không thể xa lìa, càng tăng trưởng biết bao nhiêu hư vọng, nên không đạt được sự an tịnh. Do an tịnh có ý nghĩa nhất duyên (nhất tánh) và nhất duyên là đỉnh cao của Tam-muội. Từ đây sinh ra Thánh trí tự chứng, lấy Như Lai tạng làm cảnh giới.