SỐ 319
ĐẠI THÁNH VĂN-THÙ-SƯ-LỢI BỒ-TÁT PHẬT SÁT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM KINH
Hán dịch: Tam tạng Sa-môn Bất Không
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Bạc-già-phạm đang ở tại núi Thứu phong, thuộc thành Vương xá, cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn vị, Bồ-tát tám vạn bốn ngàn vị, đều đã đạt Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, được không thoái chuyển. Các vị là: Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Đắc Đại Thế, đều là hàng thượng thủ.

Lại có bảy mươi hai ức Thiên chúng đều trụ Bồ-tát thừa. Lại có Thiên đế Thích, chúa thế giới Ta-bà Đại phạm Thiên vương, cùng với bốn vạn Thiên chúng quyến thuộc, cũng đều trụ vào Bồ-tát thừa.

Lại có bốn A-tu-la vương như: Tỳ-ma-chất-đa-la A-tu-la vương, Mạt-lợi A-tu-la vương, Lư Kiên A-tu-la vương, Hoan Hỷ A-tu-la vương, cùng với trăm ngàn A-tu-la quyến thuộc.

Lại có sáu vạn hai ngàn các đại Long vương như: Nan-đà Long vương, Ô-ba-nan-đà Long vương, Thủy Thiên Long vương, Ma-na-tư Long vương, Địa Trì Long vương, Vô Nhiệt Não Long vương, Tômê-lư Long vương, Phục Ma Long vương, Nguyệt Thượng Long vương. Các Long vương như vậy đều là thượng thủ. Lại có bốn đại Thiên vương như: Trì Quốc Thiên vương, Tăng Trưởng Thiên vương, Quảng Mục Thiên vương, Đa Văn Thiên vương. Cùng với trăm ngàn Dược-xoa quyến thuộc như: Kim-tỳ-la đại Dược-xoa, A-tra-phượccâu đại Dược-xoa, Châm Mao đại Dược-xoa, Diệu Tuệ đại Dượcxoa, Hình Tướng đại Dược-xoa, Biến Hình Dược-xoa, Bất Động Dược-xoa, các Dược-xoa như vậy đều là thượng thủ.

Khi ấy, vua, đại thần và bốn chúng Thiên, Long, Dược-xoa, Nhân phi nhân trong thành Vương xá đều đem y phục, thức ăn, thức uống, ngoạ cụ, thuốc thang và các món dùng khác đến chỗ Như Lai, cung kính tôn trọng dâng cúng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhận thỉnh thọ thực của vua. Vào sáng sớm, Thế Tôn choàng y, ôm bát cùng với chúng Tỳ-kheo và trăm ngàn trời người vây quanh trước sau đi đến cung vua Vị Sinh Oán ở thành Vương xá. Đức Thế Tôn dùng sức oai thần đại thần cảnh thông phóng ra trăm ngàn tia sáng vi diệu, trăm ngàn âm nhạc đồng thời trổi lên, mưa rơi các hoa đẹp như: Hoa Ô-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lợi rơi tản mác xuống. Ngay khi ấy, Đức Như Lai dùng sức thần thông bấm chân xuống đất liền mọc hoa sen to như bánh xe, bạch ngân làm cành, huỳnh kim làm lá, phệ-lưuly bảo làm nhụy, trong đài hoa có hóa Bồ-tát ngồi kiết già.

Lúc đó, các Bồ-tát trong đài hoa sen báu nhiễu quanh bên phải thành Vương xá bảy vòng rồi nói kệ rằng:

Thương chủ lợi ích khắp thế gian
Cứu giúp hữu tình làm ruộng phước
Thích hùng tịch tĩnh đại oai đức
Thế Tôn nay sắp vào thành này.
Nếu có ai cầu sinh Thiên chúng
Giải thoát khổ sinh, già, bệnh, chết
Muốn mong thâu phục bọn ma-la
Thì nên cúng dường Thích Sư Tử.
Danh hiệu Mâu-ni khó được nghe
Trong ngàn ức kiếp tu tinh tấn
Thương xót thế gian làm lợi ích
Thế Tôn nay vào vương thành này.
Hành thí vô lượng vô biên kiếp
Ăn uống y phục và xe cộ
Trai gái vợ con đẹp thương yêu
Xả bỏ vương vị, sắp vào thành.
Hay thí tay chân và tai mắt
Kể cả đầu mũi các chi phần
Do đủ tất cả xả công đức
Nên được trí tuệ rất thù thắng.
Khéo học Đàn-na, tịnh luật nghi
Trì giới không khuyết, vượt hơn người
Đầy đủ nhẫn nhục thắng công đức
Tâm ý tịch tĩnh nay vào thành.
Tu tập Tinh tấn ngàn ức kiếp
Nhàm chán thương xót quán thế gian
Nhập vào Thiền định tu tịch tĩnh
Đại Phạm Âm này nay vào thành.
Trí tuệ vô lượng không ai bằng
Cũng như hư không không cùng tận
Thiện nhẫn công đức giới cũng vậy
Thắng hạnh như thế đều thanh tịnh,
Mạnh mẽ thâu phục chúng ma-la
Được tuệ bất động không ưu não
Pháp luận vi diệu y giáo chuyển
Đại Pháp tự tại nay vào thành.
Có ai mong cầu Thiện Thệ ta
Trang nghiêm đẹp đẽ ba hai tướng
Tâm hạnh Bồ-đề quyết nguyện thành
Nên đến thân cận dâng cúng dường.
Đoạn các phiền não, dục, sân si
Và các giác quán ác tư dục
Phải mau cúng dường vô lượng cụ
Nên đến thân cận Bậc Đại Sư.
Nếu ai muốn cầu vị Phạm thiên
Thích Đề-hoàn Nhân, Đại tự Tại
Cúng các Thiên nhạc hay vi diệu
Phải nên phụng hiến Đại Mâu-ni.
Muốn cầu Luân vương vua bốn châu
Và được bảy báu nguyện thành tựu
Đầy đủ ngàn con đều dũng mãnh
Phải nên cúng dường Nhân Trung Tôn.
Muốn cầu trưởng giả cùng tiểu vương
Và được của cải không cùng tận
Tướng mạo đoan nghiêm quyến thuộc tốt
Vậy mau đến cúng Đại Mau-ni.
Nếu có người tu hạnh giải thoát
Muốn nghe pháp thù thắng Thế Tôn
Thế nên nay ngươi đến đó nghe
Những gì khó nghe nay được nghe.

Khi ấy, người trong thành lớn Vương xá và trăm ngàn thôn ấp xóm làng, nghe bài tụng cảnh giác này rồi, tất cả trai gái đồng nam đồng nữ đều đem hoa, hương đốt, hương xoa, hương bột, vòng hoa, kim ngân hoa, tràng phan, thượng, khư, trống, sừng, đàn, sáo và các thứ âm nhạc khác nhất tâm tư duy mong Phật nhiếp thọ, hoan hỷ phấn khởi cung kính cúng dường.

Lúc Thế Tôn sắp vào thành, chân phải bước vào cửa thành, đất trong thành sáu cách chấn động, các hàng trời người và trăm ngàn âm nhạc không trổi tự kêu, trời mưa hoa đẹp. Các hữu tình trong thành, người mù được thấy, người điếc được nghe, người cuồng tâm được tĩnh, người lõa thể được áo mặc, người đói được ăn uống, người nghèo được của cải và không bị tham dục, sân nhuế, ngu si, keo kiệt, tật đố, phẩn hận, ngã mạn làm bức bách, nhìn nhau với Từ tâm như cha với con. Trong tiếng âm nhạc đó nói kệ tụng rằng:

Thế Tôn mười Lực vào trong thành
Là Đại Trượng Phu Thích Sư Tử
Sát-na đều được đại an lạc
Người mù được thấy, điếc được nghe
Người cuồng tâm lại không tán loạn
Người lõa thể được áo mặc
Những người đói khát được ăn uống
Người nghèo cùng được của cải,
Vô lượng chư Thiên ở hư không
Cung kính lễ bái và tán thán
Mưa hoa cúng dường Đức Như Lai
Trống, sừng, thương, khư các âm nhạc
Chờ Phật vào thành tấu cúng dường
Đất trong thành sáu cách chấn động
Người thấy kỳ lạ sinh vui thích
Tham ái, sân nhuế không bức bách
Xan tham, ganh ghét, mạn đều trừ
Nhìn nhau Từ tâm như cha con
Như Lai mười Lực vào trong thành
Nhân dân an lạc đều hoan hỷ.
Âm nhạc không trổi tự nhiên kêu
Tất cả đều được vui phi thường
Đều nhờ oai thần của Như Lai
Trời, người, Tu-la chúng thế gian,
Nhiều chúng như vậy đồng thời hiện
Lạ thường thù thắng chẳng nghĩ bàn
Khi Đức Thế Tôn vào trong thành
Rộng làm lợi ích cho nhiều người.

Khi Đức Thế Tôn vào thành Vương xá, bấy giờ, có Đại Bồ-tát tại gia con của trưởng giả giàu có tên là Tồi Quá Cữu, ở trong đường hẻm từ xa trông thấy Thế Tôn, tướng tốt lạ thường, đoan nghiêm nhuần nhã, các căn tịch tĩnh, nhìn mãi không biết chán, trụ Xa-matha, điều phục tối thượng, phòng hộ các căn như khéo điều với, chánh niệm không loạn như ao Tịnh tuyền, thân trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Bồ-tát thấy Như Lai thành tựu sắc tướng đoan nghiêm, tâm sinh tôn trọng tinh tín, liền đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ sát hai chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi lui đứng một bên. Đại Bồ-tát Tồi Quá Cữu ở trước Thế Tôn chắp tay cung kính bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát thành tựu bao nhiêu pháp mới chóng được tâm Chánh đẳng Chánh giác, tùy theo điều mong cầu cõi Phật thanh tịnh mà trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh?

Lúc đó, Đức Thế Tôn vì thương xót Tồi Quá Cữu và biết duyên giáo hóa đã đến. Lúc đó, ở giữa đường hẻm ấy cũng có vô lượng trăm ngàn ức người đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân và đứng chap tay. Trong hư không lại có vô lượng trăm ngàn chư Thiên kính lễ Đức Thế Tôn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Tồi Quá Cữu rằng:

–Bồ-tát thành tựu một pháp, mau chóng thành tựu Vô thượng Bồ-đề, tùy theo ý muốn mà được cõi Phật thanh tịnh. Này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với tất cả hữu tình khởi đại Bi thương xót, ý vui tăng thượng, nên phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

Thế nào là ý vui tăng thượng? Này thiện nam! Nếu đã phát tâm Bồ-đề rồi thì không nên khởi lên một mảy may pháp bất thiện nào.

Thế nào là hạnh mảy may bất thiện? Là không khởi tham ái, không nổi sân nhuế, không hành ngu si. Nếu ở tại gia thì nên giữ gìn oai nghi không cười cợt. Nếu xuất gia thì không nên cầu cung kính lợi dưỡng, khéo trụ xuất gia tu hành các pháp, thông đạt tất cả pháp như thật.

Thế nào là thông đạt tất cả pháp như thật? Này thiện nam! Tất cả pháp là uẩn, xứ, giới.

Thế nào la thông đạt năm uẩn? Nên quán năm uẩn như huyễn, xa lìa tánh không không sở duyên, tịch tĩnh không sinh không diệt. Tuy thông đạt như vậy, nhưng không thấy thông đạt, cũng không có cái thấy, không biết không suy nghĩ, cũng không phân biệt và sở phân biệt. Tất cả phân biệt tịch tĩnh thông đạt. Đó gọi là Đại Bồ-tát chánh hạnh không xả hữu tình. Vì sao? Vì Bồ-tát biết pháp huyễn ấy. Như vậy là vì hữu tình mà diễn nói, hữu tình và pháp cả hai đều không thể được.

Này thiện nam! Do thành tựu một pháp này, nên Bồ-tát mau chóng chứng Vô thượng Bồ-đề, viên mãn cõi Phật thanh tịnh.

Khi Đức Phật nói pháp môn thành tựu công đức trang nghiêm cõi Phật, Bồ-tát Tồi Quá Cữu được Vô sinh pháp nhẫn, hoan hỷ phấn khởi bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la. Hai ngàn hữu tình ở trong chúng ấy phát tâm Bồ-đề. Một vạn bốn ngàn trời, người xa lìa trần cấu, ở trong các pháp được Pháp nhãn tịnh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn mỉm cười rạng rỡ, từ nơi mặt phóng ra ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía chiếu sáng vô lượng vô biên thế giới, chiếu rồi trở lại nhiễu quanh Phật ba vòng rồi nhập vào đỉnh.

Lúc đó, Tỳ-kheo A-nan từ chỗ ngồi sửa lại y phục, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất nói kệ trước Thế Tôn:

Các pháp tự tại đến bờ kia
Đạo Sư mười Lực tối thắng tôn
Tất cả trí giả thảy đều nghe
Cúi xin nói rõ vì sao cười?
Mâu-ni thế nào biết quá khứ
Thế nào vị lai đều giác ngộ
Hiện tại làm sao mà giác tri
Cúi xin diễn nói hiện mỉm cười?
Tất cả tâm hạnh của hữu tình
Hạ, trung, tối thượng có sai biệt
Giải thoát các tưởng đến bờ kia
Xin Điều ngự nói vì sao cười?
Trăm ngàn muôn ức chư Thiên đến
Chắp tay lễ kính Đức Thế Tôn
Ở trong đại chúng sinh khát ngưỡng
Cúi xin Mâu-ni nói diệu phap!
Bậc trí đến bờ kia
Diệt trừ mọi lỗi lầm
Biết tất cả thắng hạnh
Vì lý do gì cười?
Trăm ngàn ức chư Thiên
Đang mong muốn cầu pháp
Vô lượng các Tỳ-kheo
Đều đến nghe chánh pháp.
Vì phát nguyện cúng dường
Vô lượng các âm thanh
Tất cả đều khát ngưỡng
Xin Phật trừ nghi hoặc!

Đức Phật bảo Tỳ-kheo A-nan-đà:

–Nay ngươi có thấy Đại Bồ-tát Tồi Quá Cữu bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la không?

A-nan-đà bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Đức Phật bảo:

–Này A-nan-đà! Bồ-tát Tồi Quá Cữu này về sau quá sáu mươi hai a-tăng-kỳ trăm ngàn ức kiếp ở trong tam thiên đại thiên thế giới, trong kiếp Lìa nhiệt não chứng thành Chánh đẳng Chánh giác, hiệu là Tịch Tĩnh Điều Phục Âm Thanh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Này A-nan-đà! Cõi Phật của Tịch Tĩnh Điều Phục Âm Thanh Như Lai kia công đức trang nghiêm, cho đến chúng Thanh văn, Bồtát cũng như thế giới Diệu hỷ của Đức Như Lai Bất Động.

Khi Thế Tôn nói pháp này rồi, từ nơi ấy tiến dần về cung vua Vị Sinh Oán. Đến rồi cùng với chúng Tỳ-kheo theo thứ tự trải tòa mà ngồi.

Lúc đó, vua Vị Sinh Oán biết Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo ngồi rồi, liền đem các món ăn uống, hương vị thơm ngon, tự tay dâng cúng Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo Tăng khiến được no đủ. Lại đem y phục thượng diệu dâng lên Như Lai và chúng Tỳ-kheo, cúi mình choàng lên Phật và chúng Tăng. Choàng rồi, đảnh lễ Thế Tôn, lui ngồi ghế thấp một bên trước Phật thưa:

–Bạch Thế Tôn! Phẫn, hận, phú và các lỗi lầm cho đến vô tri từ đâu mà sinh, từ đâu mà diệt?

Đức Phật dạy:

–Này Đại vương! Phẫn, hận, phú và các lỗi lầm đều từ ngã và ngã sở mà sinh, ngã và ngã sở được kiến lập từ không xứ. Nếu không biết công đức và lỗi lầm thì là vô tri. Nếu biết ngã và ngã sở như thật trí cũng không phải trí không thể thi thiết. Thế nên, Đại vương nên học như vậy. Tất cả pháp hữu vi vốn không đến không đi, cũng không ngôn thuyết. Này Đại vương! Pháp không đến đi, không đến đi đó cũng không sinh không diệt. Không sinh không diệt đó gọi là trí, mà cái vô trí đó cũng gọi là trí. Vì sao? Vì các pháp nhập xuất không thể biết nhau. Nếu không biết thì gọi là trí.

Lúc đó, vua Vị sinh oán bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật là kỳ lạ, thật là đặc biệt, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khéo nói như vậy. Nay con thà chết yểu mà được nghe chánh pháp còn hơn sống lâu mà không nghe được pháp.

Vua Vị Sinh Oán thỉnh Phật chiều hôm đó nói pháp, Đức Thế Tôn nhận lời. Sau khi thọ thực xong, Đức Phật xếp y bát trở về núi Linh thứu, rửa chân sửa tòa nhập vào chánh định. Lúc đó, Đức Thế Tôn vì muốn nói pháp, nên xế hôm ấy xả định. Đồng thời, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và các đại Thanh văn cũng đều xả định. Đồng chân Bồtát Văn-thù-sư-lợi cũng xả định, cùng với bốn vạn Thiên tử đến hội. Bồ-tát Từ Thị cùng năm ngàn Bồ-tát đến hội. Bồ-tát Sư Tử Dũng Mãnh Lôi Âm cùng năm trăm Bồ-tát vừa xả định dẫn các quyến thuộc vây quanh trước sau đến núi Linh thứu, đảnh lễ Thế Tôn rồi mỗi mỗi trải tòa ngồi sang một bên.

Lúc đó, vua Vị Sinh Oán cùng các quyến thuộc trước sau tiến về núi Linh thứu, đến chỗ Như Lai đảnh lễ sát chân Phật rồi lui ngồi một bên. Đồng thời, tại thành Vương xá lại có vô lượng trăm ngàn hữu tình đồng đến núi Linh thứu, đến chỗ Đức Như Lai đảnh lễ sát chân rồi lui ngồi một bên.

Khi ấy, Xá-lợi-phất nhờ oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng lên Đức Phật bạch rằng:

–Bạch Thế Tôn! Vừa rồi ở giữa đường hẻm trong thành Xá-vệ Đức Thế Tôn đã vì Đại Bồ-tát Tồi Quá Cữu lược nói công đức trang nghiêm cõi Phật vien mãn của Bồ-tát. Lành thay, thưa Thế Tôn! Nay cúi xin Thế Tôn nói rộng ra. Như các Bồ-tát thực hành hạnh Bồ-tát chớ khiến thoái chuyển Vô thượng Bồ-đề, được Nhất thiết trí, nhiếp phục ma la, hàng các ngoại đạo, thanh tịnh các phiền não, trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh, mãn nguyện rồi khởi tuệ thiện xảo, lìa Phật địa, trụ vào Thanh văn và Duyên giác địa, khéo chuyển pháp luân, tu các Ba-la-mật, khiến được trí Tát-bà-nhã, hiện vì các Bo-tát cùng vô lượng vô số hữu tình làm lợi ích lớn. Trong hội ấy có thiện nam, thiện nữ cầu Bồ-đề, được thân cận theo Phật, nghe nói diệu pháp hoan hỷ phấn khởi, được hoan hỷ rồi như thuyết tu hành.

Khi ấy, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Nay ta hiện khởi thần thông như vậy, từ thần thông này hiện hành cảnh giới, phóng ra trăm ngàn ánh sáng khắp cả mười phương mỗi mỗi ánh sáng phát ra muôn ngàn ánh sáng đến nhiều cõi Phật. Chiếu sáng trong các cõi ấy, che cả ánh sáng mặt trời mặt trăng và che cả nhãn căn. Tất cả ánh sáng của trời, rồng, Dược-xoa, ma-ni, điện, lửa không còn hiển hiện, cũng không có sắc tướng địa ngục và các ánh sáng của hữu tình khác. Cho đến núi Vi, núi Đại Luân vi, núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại Mụcchân-lân-đà, núi chúa Tô-mê-lô và các núi đen khác, tường, vách, cây cối trong mười phương các thế giới bị ánh sáng Phật chiếu nên thảy đều tiêu hết.”

Khi ấy, Thế Tôn ở trong ánh sáng phát tiếng dõng dạc cảnh giác mười phương vô lượng thế giới. Lúc đó, phương Đông cách thế giới này quá tám mươi bốn hằng hà sa cõi Phật, có một thế giới tên là Pho biến. Cõi đó có Phật hiệu là Cát Tường Tích Vương Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện đang trụ thế. Trong cõi Phật ấy không nghe đến tên Thanh văn, Duyên giác, chỉ có chúng Đại Bồ-tát thanh tịnh vô lượng khắp cả nước ấy. Mỗi mỗi Bồ-tát đều có trăm ức Đại Bồ-tát không thoái chuyển vây quanh trước sau làm quyến thuộc. Trong thế giới ấy có một Đại Bồ-tát tên là Pháp Dũng.

Vì sao gọi là Pháp Dũng? Vì khi Cát Tường Tích Vương Như Lai nói pháp ở trong chúng, Bồ-tát Pháp Dũng nghe pháp rồi bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la, tự ẩn thân vì chúng mà nói pháp, pháp đó là pháp môn Đà-la-ni kim cang Bồ-tát tạng. Lúc đó, chúng hội đều nghĩ rằng: “Tất cả các pháp chỉ có nghe tiếng.” Này thiện nam! Vì sao vậy? Vì không thấy thân mà chỉ nghe tiếng, phát ra thanh sắc như vậy thành tựu không hiện; như sắc thanh cũng lại như vậy; như tiếng tất cả pháp cũng vậy, vô lượng Bồ-tát đều được pháp nhẫn. Do vì nghĩa đó cho nên gọi là Pháp Dũng.

Đại Bồ-tát Pháp Dũng thấy ánh sáng lớn và nghe tiếng dõng dạc, liền đến chỗ Cát Tường Tích Vương Như Lai, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên thưa:

–Thưa Thế Tôn! Vì lý do gì mà trong thế gian có ánh sáng lớn và nghe tiếng dõng dạc từ xưa chưa từng có?

Cát Tường Tích Vương Như Lai bảo:

–Này thiện nam! Phương Tây cách đây quá tám mươi bốn hằng hà sa số cõi Phật, có thế giới tên Ta-bà, Phật hiệu là Thích-ca Mâuni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hiện đang trụ thế, vì muốn triệu tập muôn ức các Bồ-tát trong mười phương thế giới đến nghe pháp, cho nên tất cả lỗ chân lông phóng ra ánh sáng và tiếng dõng dạc này.

Bồ-tát Pháp Dũng bạch Cát Tường Tích Vương Như Lai:

–Bạch Thế Tôn! Nay con muốn đến thế giới Ta-bà lễ bái chiêm ngưỡng cúng dường thừa sự Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng muốn diện kiến chúng Bồ-tát và để nghe pháp.

Đức Phật dạy:

–Nên đi, nay đã đúng lúc.

Bồ-tát Pháp dũng liền cùng sáu mươi ức chúng Đại Bồ-tat, trước sau cùng nhau rời khỏi cõi ấy, nhanh như tráng sĩ co duỗi cánh tay liền hiện trong thế giới này. Khi ấy, Bồ-tát Pháp dũng nghĩ như vầy: “Nay ta nên hiện Thần cảnh thông nào, để đến lễ bái thân cận chiêm ngưỡng cúng dường Thích-ca Mâu-ni Như Lai.” Nghĩ như vậy rồi, liền nhập vào chánh định Nhất thiết trang nghiêm. Nhờ vào oai lực chánh định Thần cảnh thông, khiến tam thiên đại thiên thế giới đầy cả hoa đẹp, hoa rơi ấy cao đến ngang goi. Trăm ngàn âm nhạc đồng thời trổi lên, tràng phan bảo cái trang nghiêm đủ loại. Lại dùng diệu hương xông ngát cả thế giới này, cũng như cung trời Tha hóa tự tại. Bồ-tát Pháp Dũng hiện Thần cảnh thông rồi, cùng với các Bồ-tát đến chỗ Thích-ca Mâu-ni Như Lai, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh bên phải ba vòng, tùy theo chỗ đến dùng nguyện lực hóa hiện hoa sen, rồi ngồi lên hoa ấy.

Phương Nam cách thế giới này quá chín mươi sáu ức cõi Phật, có thế giới tên là Ly trần, hiện có Phật hiệu Sư Tử Dũng Mãnh Phấn Tấn Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, được vô lượng chúng Đại Bồtát cung kính vây quanh. Trong thế giới ấy có một Đại Bồ-tát tên là Bảo Thủ. Vì nghĩa gì mà gọi là Bảo thủ? Vì khi Bồ-tát ấy ở trong các cõi Phật hóa độ hữu tình, dùng tay phải sờ khắp thế giới chư Phật, tùy theo ý muốn mà có thể thành tựu từ lòng bàn tay phát ra tiếng Phật, Pháp, Tăng, Thí, Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền định, Trí tuệ, Từ Bi, Hỷ Xả và trăm ngàn ức tiếng pháp bảo khác. Vì nghĩa đó cho nên gọi là Bảo Thủ.

Lúc đó, Đại Bồ-tát Bảo Thủ thấy ánh sáng lớn và tiếng dõng dạc từ xưa chưa nghe, từ xưa chưa thấy, liền đến chỗ của Sư Tử Dũng Mãnh Phấn Tấn Như Lai, đảnh lễ sát chân Phật thưa:

–Thưa Thế Tôn! Vì lý do gì mà có ánh sáng lớn và tiếng dõng dạc này?

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Phương Bắc cách đây quá chín mươi sáu ức cõi Phật, có thế giới Ta-bà, Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hiện đang trụ thế. Tất cả chân lông của Đức Phật ấy phóng ra ánh sáng lớn và tiếng dõng dạc này, vì muốn diễn nói công đức trang nghiem cõi Phật. Nay vô số Bồ-tát đều giữ bản nguyện trang nghiêm cõi Phật cho nên hiện điềm này.

Khi ấy, Bồ-tát Bảo Thủ lại thưa Sư Tử Dũng Mãnh Phấn Tấn Như Lai:

–Nay con muốn đến thế giới Ta-bà lễ bái chiêm ngưỡng cúng dường thừa sự Thích-ca Mâu-ni Như Lai, diện kiến các Bồ-tát và cũng để nghe pháp.

Đức Phật ấy hỏi:

–Ông dùng cách gì để đến thế giới tạp nhiễm?

Bồ-tát Bảo Thủ thưa:

–Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thấy được nghĩa lợi gì mà chọn thế giới tạp nhiễm đó, sao không chọn cõi Phật thanh tịnh?

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Đức Phật Thế Tôn ấy, trong nhiều kiếp nguyện như vầy: “Ta nguyện chóng thành tựu đại Bi, thường ở trong chỗ hữu tình tệ ác, thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển diệu pháp luân.”

Bồ-tát Bảo Thủ lại thưa Sư Tử Dũng Mãnh Phấn Tấn Như Lai:

–Thưa Thế Tôn! Chỉ có Như Lai Thích-ca Mâu-ni mới phát nguyện đại Bi khó phát này, hiện ở trong thế giới tệ ác này. Như vậy Đấng Từ Tôn này rất khó gặp, con nay đến thế giới ấy lễ bái chiêm ngưỡng.

Đức Phật dạy:

–Nay đã đúng lúc nên đi, nhưng ông đến đó phải cẩn trọng quán sát, chớ có tự hủy làm tổn thương Phật và Bồ-tát ấy rất khó gặp, còn các hữu tình khác tâm hạnh hiểm hóc khó có thể điều phục.

Bồ-tát Bảo Thủ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Cõi ấy tuy có phẫn hận oán thù, nhưng không làm ton thương đến con. Giả sử tất cả hữu tình tận đời vị lai trong muôn ức kiếp sân hận mạ nhục cho đến dùng đao, gậy, ngói, đá đánh ném, con sẵn sàng nhận chịu không trả thù lại.

Lúc đó, Sư Tử Dũng Mãnh Phấn Tấn Như Lai bảo tất cả chúng Bồ-tát:

–Này các thiện nam! Các ông nên mặc giáp nhẫn nhục như Bồ-tát Bảo thủ, thì mới cùng đến thế giới Ta-bà được.

Sư Tử Dũng Mãnh Phấn Tấn Như Lai nói lời ấy rồi, Bồ-tát Bảo Thủ nhất tâm, nhất ý cùng với vô lượng Bồ-tát trong hội vây quanh trước sau rời khỏi thế giới ấy, đến thế giới này. Bồ-tát Bảo Thủ nghĩ như vầy: “Nay ta nên dùng cảnh giới thần thông nào để lễ bái Thíchca Mâu-ni Như Lai và làm sao để an lạc vô lượng hữu tình.” Nghĩ như vậy rồi, liền vận thần thông hiện hành cảnh giới, dùng tay phải che tam thiên đại thiên thế giới, từ trong tay mưa các món ăn uống, y phục, xe cộ, kim ngân, lưu ly, trân châu, kha bối, san hô, ngọc bích, tùy theo sự mong muốn của hữu tình đều được đầy đủ. Người thích nghe pháp được nghe pháp từ trong tay ấy. Lại khiến cho vô lượng hữu tình nghe pháp hiện chứng chân thật, cũng khiến vô lượng hữu tình thọ vui vi diệu thù thắng. Lúc đó, Đại Bồ-tát Bảo Thủ vận thần thông cảnh giới như vậy rồi, cùng các Bồ-tát đến chỗ Thích-ca Mâuni Như Lai, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh bên phải ba vòng, tùy theo chỗ đến, dùng nguyện lực hóa hiện hoa sen, rồi ngồi lên hoa ấy.

Phương Tây cách thế giới này quá chín mươi ức trăm ngàn cõi Phật, có thế giới tên Bảo tạng, có Phật hieu là Bảo Tích Vương Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hiện đang ở thế giới ấy. Cõi Phật ấy thành tựu bằng các thứ lưu ly thanh tịnh, không có Thanh văn, Duyên giác, chỉ có chúng Đại Bồ-tát thanh tịnh, đến, đi, ngồi, đứng trên đất lưu ly đều thấy Bảo Tích Vương Như Lai hiển hiện rõ ràng cũng như gương sáng soi thấy mặt mình. Các Bồ-tát này ở nơi đất ấy thấy Phật Thế Tôn cũng như vậy, thấy rồi thỉnh pháp, Đức Phật liền nói về bản nguyện thuở xưa, các Bồ-tát ấy nghe pháp được pháp nhẫn. Bảo Tích Vương Như Lai thường từ Ma-ni bảo tướng giữa chặng mày phóng ánh sáng lớn, chiếu khuất ánh sáng mặt trời, mặt trăng, không biết được ngày đêm, chỉ dựa vào hoa úp nở ma biết ngày đêm. Trong cõi Phật Bảo Tích Vương có một Đại Bồ-tát tên là Nguyện Tuệ Thù Thắng thấy được ánh sáng và tiếng dõng dạc của Thích-ca Mâu-ni Như Lai, liền đến chỗ Bảo Tích Vương Như Lai đảnh lễ sát chân rồi lui ngồi một bên bạch rằng:

–Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì ở trong thế gian có tiếng dõng dạc và ánh sáng lớn này?

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Phương Đông cách đây quá chín mươi ức trăm ngàn cõi Phật, có thế giới Ta-bà, Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, vì muốn triệu tập muôn ức Bồ-tát trong mười phương thế giới đến nghe pháp, nên tất cả lỗ chân lông phóng ra ánh sáng lớn và tiếng dõng dạc này.

Bồ-tát Nguyện Tuệ Thù Thắng nghe nói vậy rồi lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nay con muốn đến thế giới Ta-bà, lễ bái chiêm ngưỡng cúng dường thừa sự Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng để diện kiến các Bồ-tát và nghe pháp.

Đức Phật bảo:

–Nay đúng lúc, ngươi nên đi.

Lúc đó, Đại Bồ-tát Nguyện Tuệ Thù Thắng cùng các Bồ-tát trong khoảng sát-na đã đến thế giới Ta-bà. Bồ-tát Nguyện Tuệ Thù Thắng nghĩ rằng: “Nay ta nên dùng biến hóa nào để đến chiêm ngưỡng Thích-ca Mâu-ni Như Lai.” Nghĩ như vậy rồi, liền nhập vào chánh định. Nhờ chánh định Thần cảnh thông này, nên khiến các khổ của bàng sinh Diệm-ma trong tam thiên đại thiên thế giới đều chấm dứt, trong khoảng sát-na được vô thượng an lạc thù thắng. Lửa địa ngục đều được dập tắt, ngạ quỷ, súc sinh và hữu tình Diệm-ma giới đều được no đủ không còn đói khát, trong khoảng sát-na đều được an lạc. Cũng như Tỳ-kheo vừa nhập tĩnh xứ, lúc đó, không có một hữu tình nào bị tham lam, sân nhuế, ngu si, phẫn hận, não hại, xan tham, ngã mạn, tật đố, kiêu ngạo, khi dối, che lấp bức não. Tất cả các cõi đều khởi tâm Từ và tâm lợi ích.

Lúc Bồ-tát Nguyện Tue Thù Thắng hiện Thần cảnh thông như vậy rồi, cùng các Bồ-tát đến chỗ Thích-ca Mâu-ni Như Lai đảnh lễ sát chân, nhiễu bên phải ba vòng rồi tùy theo chỗ đến dùng nguyện lực hóa hiện hoa sen, rồi ngồi lên hoa ấy.

Phương Bắc cách đây quá hơn sáu vạn ba ngàn cõi Phật, có thế giới tên Trang nghiêm, hiện có Phật hiệu Sinh Sa La Đế Vương. Trong thế giới ấy không có người tại gia mặc áo thế tục, tất cả Bồtát đều mặc ca-sa. Thế giới ấy không nghe đến tên người nữ, thì có đâu đến thai sinh. Tất cả đều mặc áo ca-sa, ngồi kiết già trong hoa sen mà hóa sinh. Đức Phật Thế Tôn ấy vì các Bồ-tát thường nói pháp môn Tánh ấn.

Sao gọi là pháp môn Tánh ấn? Nghĩa là phát tâm Bồ-đề, đầy đủ luật nghi Bồ-tát, là nhập vào tạng Đà-la-ni căn bản của Bồ-tát, tâm không tán loạn. Vì có khả năng hành xả cho nên nhập vào tánh không Tam-ma-địa. Vì trụ vào chánh hạnh cho nên nhập vào vô tướng Tam-ma-địa. Vì không chỗ hy vọng nên nhập vào vô nguyện Tam-ma-địa. Tánh lìa tham dục, thông đạt uẩn, xứ, giới. Đối với sự hy vọng mà được giác ngộ; đối với Phật trí chánh nguyện vô sinh, cho đến thông đạt tất cả phap, đối với tất cả pháp phân biệt, không phân biệt thảy đều đoạn trừ. Do thấy được các pháp ấy như vậy, cho nên gọi là pháp môn Tánh ấn.

Trong hội ấy, có một Đại Bồ-tát tên là Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tích Vương Bản Nguyện Thù Thắng. Nếu có chúng sinh nào thấy được thân Bồ-tát ấy thì nhất định sẽ được ba mươi hai tướng.

Lúc Bồ-tát thấy được ánh sáng lớn và tiếng dõng dạc của Phật, liền đến chỗ Sinh Sa La Đế Vương Như Lai, đảnh le sát hai chân, nhiễu bên phải ba vòng, lui ngồi một bên thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì mà có ánh sáng lớn và tiếng dõng dạc này?

Đức Phật ấy bảo:

–Này thiện nam! Phương Nam cách đây quá sáu vạn ba ngàn cõi Phật, có thế giới Ta-bà, Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Tất cả lỗ chân lông của Đức Phật ấy phóng ra ánh sáng lớn và tiếng dõng dạc này là vì muốn triệu tập chư Đại Bồtát trong mười phương vô số thế giới đến nghe pháp.

Bồ-tát Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tích Vương thưa:

–Vì lý do gì mà gọi là thế giới Ta-bà?

Đức Phật dạy:

–Thế giới ấy có khả năng kham nhẫn tham lam, sân nhuế, ngu si và các khổ não khác. Vì thế cho nên gọi là thế giới Ta-bà.

Bồ-tát Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tích Vương thưa:

–Các hữu tình ở thế giới Ta-bà hủy báng, chửi bới, đánh đập đều có thể nhẫn chịu ư?

Đức Phật ấy dạy:

–Này thiện nam! Các hữu tình ở cõi ấy, ít có thể thành tựu công đức như vậy mà phần nhiều là tùy thuận với tham lam sân nhuế, ngu si, oán hận trói buộc.

Bồ-tát ấy thưa:

–Nếu như vậy thì thế giới ấy không thể gọi là thế giới Ta-bà.

Đức Phật ấy nói với Bảo Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tích Vương:

–Này thiện nam! Cõi Phật ấy cũng có người hành Bồ-tát thừa, các thiện nam, thiện nữ đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, thành tựu nhẫn nhục, bảo hộ hữu tình, điều phục chính mình. Nếu các hữu tình dùng những dụng cụ gây khổ gia hại, thảy đều nhẫn chịu, không khởi lên buông lung, tham lam, sân nhuế, ngu si.

Này thiện nam! Do có các thiện trượng phu như vậy, cho nên gọi thế giới ấy là Ta-bà.

Lại trong thế giới của Thích-ca Mâu-ni Như Lai, cũng có các hữu tình đủ mọi tánh ác, ít có khả năng sửa đổi, tâm tánh thô thao không biết xấu hổ, không biết kính Phật, không trọng pháp, không mến Tăng, rồi đây sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh. Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai ở giữa hữu tình hạ liệt, có khả năng nhẫn chịu sự mạ nhục, tị hiềm, sân hận, bài xích, não loạn lời thô ác, tâm oán ghét. Cũng như đại địa không thể lay động, không có trái nghịch. Nếu được cúng dường thì tâm không phân biệt, cũng không yêu ghét, cho nên gọi là thế giới Ta-bà.

Khi ấy, Bồ-tát Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tích Vương lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nay con được lợi ích lớn, không sinh vào chỗ hữu tình tệ ác kia.

Đức Phật ấy dạy:

–Này thiện nam! Chớ nói như vậy. Vì sao? Vì phía Đông bắc co thế giới Thiện trang nghiêm, hiện có Phật hiệu Đại Tự Tại Vương Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Hữu tình cõi ấy hoàn toàn hướng đến an lạc. Ví như Tỳ-kheo nhập diệt tận định, sự an lạc của hữu tình ấy cũng lại như vậy. Neu các hữu tình ở trong cõi Phật ấy tu hành phạm hạnh trải qua trăm ức năm, cũng không bằng hữu tình trong cõi Ta-bà chỉ khoảng một khảy móng tay khởi tâm Từ đối với các hữu tình, thì sẽ được công đức nhiều hơn, huống nưa là trong một ngày một đêm trụ tâm thanh tịnh.

Khi ấy, Bồ-tát Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tích Vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn đến thế giới Ta-bà lễ bái, chiêm ngưỡng, cúng dường, thừa sự Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng để diện kiến các Bồ-tát và nghe pháp.

Đức Phật bảo:

–Nay đã đúng lúc nên đi đi.

Lúc đó, Đại Bồ-tát Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tích Vương, cùng trăm ức Bồ-tát rời khỏi thế giới ấy, trong khoảng sát-na đã đến cõi Ta-bà. Bồ-tát Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tích Vương suy nghĩ: “Nay ta nên dùng sức thần thông nào để cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ bái Thích-ca Mâu-ni Như Lai.”

Nghĩ như vậy rồi, Bồ-tát tự dùng than cảnh thông hóa thành bảo cái ở trong hư không, che cả tam thiên đại thiên thế giới, trăm ngàn vạn ức châu anh, tràng phan, bảo cái trang trí xung quanh rủ xuống. Trong bảo cái mưa xuống, đủ loại hoa, trăm ngàn âm nhạc không trổi tự kêu. Lại khiến cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bàtắc, Ưu-bà-di, Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-la, Yếtlộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Ma-hô-la-già, Nhân phi nhân trong hội này đều tự thấy thân đầy đủ ba mươi hai tướng hiện trong bảo cái.

Lúc Bồ-tát Tướng Trang Nghiêm Tinh Tú Tích Vương hiện Thần cảnh thông như vậy rồi, cùng các Bồ-tát đến chỗ Thích-ca Mâu-ni Như Lai, đảnh lễ sát hai chân, nhiễu bên phải ba vòng, tùy theo cho đến, dùng nguyện lực hóa hiện hoa sen rồi ngồi lên hoa ấy.

Như vậy, cho đến khắp cả mười phương đều có vô lượng atăng-kỳ trăm ngàn ức Bồ-tát ở trong vô lượng a-tăng-kỳ cõi Phật, thấy ánh sáng lớn và tiếng dõng dạc này, đều hỏi Thế Tôn của mình rồi đến thế giới này, đảnh lễ Phật, ngồi qua một bên cũng lại như vậy.

Lại có Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-la, Yết-lộtrà, Khẩn-nại-lạc, Ma-hô-la-già, cho đến Thích, Phạm, Hộ thế và các chư Thiên đại oai đức khác trong tam thiên đại thiên thế giới đều thấy ánh sáng và tiếng dõng dạc này, cùng đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân rồi lui ngồi một bên.

Khi ấy, Đức Thế Tôn vận thần thông hiện hành rồi, tất cả Bồtát trong mười phương a-tăng-kỳ vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức cõi Phật, đều thấy công đức trang nghiêm ở cõi này và thân Phật, Bồ-tát, Thanh văn, thọ dụng, danh tiếng, quốc độ đều bằng nhau, mỗi mỗi Bồ-tát đều tự biết thân mình ở trong đó.

Lúc đó, Bồ-tát Từ Thị từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng lên Phật nói tụng rằng:

Trí tuệ vô biên vang mười phương
Ánh sáng chiếu khắp cõi trời người
Tất cả hữu tình cùng gom lại
Không thể lường được trí của Phật.
Mười phương vô lượng các Bồ-tát
Vì muốn cầu pháp đều đến hội
Tất cả cùng nhau cung kính Phật
Thảy đều khát ngưỡng Đại Mâu-ni.
Như Lai đầy đủ giới định tuệ
Đoan nghiêm Vô úy như Sư tử
Tuệ quang như nhật chiếu hư không
Danh xưng vang khắp các cõi Phật.
Chư Thiên, Long thần, cùng trai gái
Cho đến Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Thảy đều chắp tay và cung kính
Xin Phật thương xót vì nói pháp.
Quá, hiện, vị lai người đáng độ
Quyết định biết rõ pháp khí này
Như Lai thông đạt các hữu tình
Cúi xin diễn nói trừ nghi hoặc.
Phật tử tu hành như thế nào
Để được cõi tịnh lìa trần cấu?
Làm sao thành tựu được đại nguyện
Như Lai vì con rộng tuyên nói
Làm sao không nhiễm tánh keo kiệt
Làm sao không hoại các Thi-la
Làm sao vượt qua mọi lăng nhục
Chửi bới bài báng đều kham nhẫn?
Làm sao dũng mãnh siêng tinh tấn
Ức kiếp tu hành không mệt mỏi
Vô lượng khổ não các hữu tình
Thảy đều khiến được đại an lạc?
Làm sao chuyên chú luôn định tâm
Trụ Tam-ma-địa, tâm thanh tịnh
Không thể đắm nhiễm trước mọi cảnh
Cũng như hoa sen không dính nước?
Làm sao để nói pháp thậm thâm
Thông đạt được trí tuệ xuất thế?
Làm sao hàng phục quân ma-la
Rốt ráo chứng được Vô thượng giác?

Trang: 1 2 3