KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG VÔ TƯỞNG
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN IV

Chương 36: NHƯ LAI NIẾT BÀN

Bấy giờ, trong chúng hội có vị vua Đại Phạm tên Kiện Hành, đem nhiều thứ để cúng dường Phật, rồi cung kính chấp tay, nhiễu bên phải ba vòng, vọt lên không trung cao bảy cây Đa-la, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Kinh điển Đại Thừa gồm có mấy loại tổng trì Tam-muội? Tạng bí mật của đạo tu hành, cảnh giới ưa giảng nói vô ngại của Như Lai, quốc độ thế gian có bao nhiêu thứ? Vì Như Lai có lòng đại từ thương xót tất cả nên hôm nay con mới nêu ra câu hỏi này. Cúi xin đấng Nhị Túc thương xót mà giảng nói rõ. Khi nghe Phật nói rồi, con sẽ lãnh nhận, thọ trì.

Lúc ấy, trong đại chúng có Thiên tử tên Vô Tận Ý, nương vào uy thần của Phật vì các hàng Phạm thiên nói kệ:

Lành thay! Vua Đại Phạm

Hỏi Phật nghĩa chân thật

Phật sẽ đáp như thật

Độ khắp các chúng sinh.

Nên phải hết lòng nghe

Cung kính và tôn trọng

Từng phần kinh Phương

Đẳng Hằng sa nghĩa khó hiểu.

Như Lai – Đại Pháp vương

Mở bày rộng pháp giới

Phật đắc pháp tổng trì

Nhị thừa chẳng thể đạt.

Đức Phật dạy:

–Này Đại Phạm! Nghĩa của kinh Đại Thừa chẳng phải chỉ một mà cả đến hàng vạn thứ. Giả sử có người trí như Tôn giả A-nan, sống lâu đến như số cát sông Hằng cũng không thể nào thọ trì nhận biết được hết nghĩa lý ấy.

Lại có thể khiến cho người ấy miệng nói rất nhanh, trải qua thời gian như số cát sông Hằng cũng không thể nào nói hết được. Vì sao? Vì nghĩa lý của kinh Đại Thừa rất thâm thúy, không thể nghĩ bàn, không thể xưng lường, là cảnh giới khó nhận biết.

Cả chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai giảng nói về nghĩa lý, câu cú trong kinh cũng không thể hết được.

Này Phạm thiên! Ví như vị thầy thuốc chữa bệnh, đối với tác dụng của thuốc cũng không thể nào nói hết được. Chư Phật Thế Tôn cũng như vậy.

Này Phạm thiên! Ví như người nữ chỉ có mỗi một đứa con, vì muốn cho con mau lớn nên hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng. Chư Phật, Thế Tôn cũng như vậy.

Này Phạm thiên! Ông đã vì hàng chúng sinh nêu ra câu hỏi này.

Tôi sẽ hết lòng nghe nhận nghĩa lý ấy.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Vân Mật Tạng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Trong kinh này có bốn trăm Tam-muội, nghĩa lý rất sâu xa, thật khó hiểu được. Cúi mong Như Lai hãy phân biệt giảng nói.

Phật dạy:

–Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Theo như ông nói, vì nhằm trị bệnh cấu uế tạp ác của chúng sinh, khiến đạt được tâm chánh tín nhẫn nhục, tâm chánh tinh tấn, tâm niệm, tâm định, vì muốn cho những người phước ít ở đời sau sinh khởi phước đức nên ông đã nêu ra những vấn đề ấy.

Này thiện nam! Nếu như có người thuộc bốn bộ chúng, ở nơi các xóm làng, thành ấp, quốc độ, thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh này thì sáng sớm trời mưa, mưa xong thì dừng.

Này thiện nam! Tùy theo sự thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh này của những chúng sinh nơi quốc độ ấy, nên biết những người ấy đạt được thân kim cang. Vì sao? Là do trong kinh điển này có thần chú. Vì các hàng chúng sinh mà chư Phật nơi ba đời đã cùng nói ra thần chú này:

“Ức cứu lệ, mâu cứu lệ, đầu để, tỷ đầu để, đà ni yết để, đà na lại để, đà na tăng tháp hề”.

Nếu bốn bộ chúng nào đọc tụng chú này thì được chư Phật khen ngợi. Nếu quốc độ nào muốn cầu mưa thì vị vua nước ấy vào sáu ngày trai nên tắm rửa sạch sẽ, cúng dường Tam bảo, tôn trọng, tán thán, xưng danh Long vương. Thiện nam! Tính chất của bốn đại có thể khiến biến đổi. Tụng trì chú này, nếu trời không mưa xuống, chắc chắn không có việc đó.

Đầu tiên, ông đã hỏi về nghĩa lý của bốn trăm Tam-muội, vậy hãy chí tâm lắng nghe, Ta sẽ giảng nói cho ông rõ.

Này thiện nam! Trong kinh có Tam-muội Tịnh thủy đại hải thậm thâm của chư Phật, Bồ-tát. Các hàng Thanh văn, Duyên giác chẳng thể nào biết được, nên gọi là thâm diệu hết mực.

Tam-muội này có năng lực đoạn dứt tất cả sự đói khát, thiếu thốn của sinh tử nên gọi là tịnh thủy.

Biên giới của Tam-muội này là không thể nắm bắt nên gọi là đại hải.

Chư Phật, Thế Tôn đều cùng bình đẳng với nhau nên gọi là Tammuội.

Nếu Bồ-tát nào có đầy đủ Tam-muội này thì đạt được thân: Thường, lạc, ngã, tịnh, đạt được thân đa văn hải, đa văn bảo tạng, thân không còn sự động chuyển, bất thoái đối với tâm Bồ-đề, thân Phật tuệ thường trụ, không còn sự thay đổi, tâm không nghi ngại, không lìa pháp vũ, thường gặp Tam bảo, gặp tri thức thiện, thành tựu tất cả phước đức chân chánh.

Này thiện nam! Ông nên thọ trì Tam-muội này, thọ trì sẽ được thành tựu đầy đủ vô lượng công đức.

Lại nữa, này thiện nam! Lại có Tam-muội Tịnh thủy đại hải sở nhập thậm thâm.

Không có Tam-muội nhưng có thể bày rõ về tướng Tam-muội, nên gọi là thâm diệu tột bậc.

Vì rửa sạch sinh tử nên gọi là nước.

Không thể dò tới đáy nên gọi là đại hải.

Đạt được thân bất động thường, lạc, ngã, tịnh nên gọi là nhập.

Vì rốt ráo nên gọi là Tam-muội.

Này thiện nam! Nếu Bồ-tát nào đạt đầy đủ Tam-muội này thì có khả năng biến hóa thành các hình dáng của chư Thiên.

Thấy sự việc về Phạm thiên, liền biến thành hình dạng Phạm thiên. Vì phá trừ sự việc Phạm thiên nhưng tâm không đắm chấp.

Thấy sự việc về Tự Tại thiên, liền biến thành hình dạng Tự Tại thiên.

Thấy sự việc về Bát tý, liền biến thành hình dạng Bát tý.

Thấy sự việc về Kiến đà, liền biến thành hình dạng Kiến đà.

Thấy sự việc về Thiên mẫu, liền biến thành hình dạng Thiên mẫu.

Thấy sự việc về quỷ liền biến thành hình dạng quỷ.

Tuy hiện ra các loại hình dạng như thế, nhưng vì để phá bỏ cái thấy sai lầm, tâm thật không mê chấp.

Thấy kẻ đồ tể, liền hiện thành hình dạng đồ tể là vì muốn giáo hóa họ không sát sinh.

Kể từ quán rượu cho đến hình dạng của Chiên-đà-la cũng đều như vậy.

Gặp nơi bài bạc, đùa cợt liền hiện thành hình dạng như thế là nhằm đoạn trừ sự bần cùng.

Dẫu hiện hình dạng súc sinh, vợ con, nô tỳ, tôi tớ, nhưng bên trong tâm thường tu phạm hạnh.

Tuy đeo những đồ trang sức quý báu nhưng tâm thường thanh tịnh.

Tuy thị hiện ăn uống những món ngon ngọt, nhưng bên trong thường lấy cái vui của pháp để tự làm no đủ, thấm đượm.

Tuy vào nơi dâm dục nhưng vì để giáo hóa những kẻ bất thiện muốn làm việc xấu.

Hiện các loại thân như: bậc trí thức, thầy bói, chim thứu, cho đến tất cả tạp loại súc sinh; cũng lại hiện nhập vào những hình dạng thấp kém, thân không đầy đủ là nhằm nói rõ về cái đáng lo của thân.

Thậm chí hiện chín mươi lăm loại tà đạo, tùy theo sự thị hiện từng mỗi hình dạng ấy mà phá trừ kiến chấp của họ.

Thị hiện bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh nơi thân là muốn trị mọi bệnh cả trong lẫn ngoài cho chúng sinh.

Hiện đọc tụng ngoại thư, hiểu tất cả ngôn ngữ, thị hiện hình dạng nô tỳ, tôi tớ già trẻ trai gái, cùng thọ trì với hình dạng sinh, già, bệnh, chết là muốn điều phục các chúng sinh.

Hiện có khả năng hiểu được ngôn ngữ của các loài chim, thú, hiện ra các loại hoa, hương, thuốc cỏ, quả cây, quả cỏ. Hoặc là hiện hình dạng thân vua, thân các vương tử, đại thần, trưởng giả. Hoặc hiện dạng thân Sa-môn, Bà-la-môn, Đế thích, Thiên vương, Chuyển luân Thánh vương, mặt trời, mặt trăng v.v… sở dĩ thị hiện ra dạng thân Tứ Đại Thiên vương là vì muốn ủng hộ bốn cõi thiên hạ.

Thị hiện thần thông tự tại của chư Phật, trọn không rốt ráo nhập vào Niết-bàn.

Biến ra các màu sắc nhưng không làm ảnh hưởng đến tính chất của màu sắc.

Tuy được vãng sinh tịnh độ của chư Phật, nhưng hoàn toàn không phân biệt hình tướng của các quốc độ ấy.

Đạt được Tam-muội thâm diệu của chư Phật, nhưng đối với pháp giới hoàn toàn không có phân biệt.

Làm chủ cả hàng trời, người nhưng tâm không kiêu ngạo.

Tuy nói về việc mộng nhưng lại không thấy tướng mộng.

Bên ngoài hiện việc ma, nhưng thật sự không có nghiệp ma.

Hành động trong thế gian nhưng không bị cấu nhiễm theo thế pháp. Chẳng khác nào như hoa sen ở nơi cấu bẩn mà không bị nhiễm ô.

Thiện nam! Đạt như vậy gọi là thành tựu được Tam-muội Sở nhập đại hải thậm thâm (Tam-muội với đối tượng hội nhập là biển thâm diệu).

Bấy giờ, trong chúng hội có Bà-la-môn tên Thiện Đức, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Giáo pháp của Như Lai là vô cùng sâu xa bí mật, Thế Tôn đã phân biệt diễn nói cho các chúng sinh. Thế nhưng Đề-bà-đạt-đa ngu si căn độn phước mỏng kia, đã không nghe, không nhận, không biết ơn nghĩa, lại chỉ thuần hành động đồng với đám lục quần Tỳ-kheo xấu ác, làm tăng trưởng nẻo địa ngục, làm thân Phật chảy máu, phá hoại chúng Tăng. Sinh vào dòng họ Thích nhưng lại càng tăng thêm kiêu mạn, thật gượng gọi là người, nhưng chẳng phải là người, vì xét hành vi của họ, chẳng khác nào súc sinh. Lại đã từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp thường sinh tâm ác nghịch đối với Như Lai. Những ai bố thí cho họ thì chẳng được quả báo, việc tu tập pháp thiện cũng không thành tựu, chẳng khác nào Ni-kiền-tử. Ni-kiền-tử nói không nhận, không cho, Đề-bà-đạt-đa cũng như thế. Đúng là bè nhóm của ma, chẳng phải là quyến thuộc của Phật. Vì sao? Vì thường khởi tâm hại đối với Như Lai. Tuy gọi là Sa-môn nhưng thật chẳng đúng nghĩa Sa-môn, giống như bên trong áo ca-sa có che đậy dao bén. Thật là kẻ ngu tối, đáng gọi là kẻ vô mạng. Đồ chúng hiện có của ông ta cũng như vậy. Thật chẳng phải là Thế Tôn, nhưng lại sinh tưởng Thế Tôn. Nếu Thế Tôn, Như Lai là bậc Nhất thiết trí, thì do Đâu-lại chấp nhận cho kẻ xấu ác ấy cạo tóc xuất gia, thọ giới cụ túc? Những điều Như Lai giảng nói đều khiến khắp chúng sinh phát sinh căn lành thì vì sao chỉ một mình người ấy lại không phát sinh? Như Lai từ bi thường giảng nói những điều an lạc, rộng nói chánh pháp cho tất cả chúng sinh. Hễ nghe, người ngu tối đều được thấm đượm, căn lành mở bày. Thế tại sao Đề-bà-đạt-đa không được hưởng sự lợi ích ấy? Như Lai tánh tịnh, thân tịnh, tâm tịnh, quyến thuộc nên tịnh, tại sao trong chúng lại có những người này?

Khi ấy, nương theo thần lực của Phật, Bồ-tát Đại Vân Mật Tạng bảo với Thiện Đức:

–Lành thay! Lành thay! Này đại Bà-la-môn! Đối với sự việc này, các hàng Thanh văn, Phật-bích-chi đều không thể nói. Thế mà nay ông lại có thể thưa về nghĩa ấy, vậy thì ông hãy chí tâm lắng nghe, ta sẽ nương theo đạo lực nơi uy thần của Phật mà nói rộng cho ông rõ.

Ông không nên cho Đề-bà-đạt-đa không biết ơn nghĩa. Đây là người biết ơn, chứ không phải là không biết ơn. Tuy hành động đồng với lục quần Tỳ-kheo nhưng không gọi là ác được. Đề-bà-đạt-đa là không thể nghĩ bàn. Nghiệp hạnh tu tập của ông ta tu đều đồng với Như Lai. Nghiệp hạnh của Như Lai cũng chính là nghiệp hạnh của Đềbà-đạt-đa. Tất cả chúng sinh không thể khai hiển công đức chân thật của Như Lai Thế Tôn. Thế mà Đề-bà-đạt-đa lại có khả năng khai thị cho người, khiến cho vô lượng a-tăng-kỳ chúng sinh an trụ nơi căn lành. Nghiệp hạnh của Như Lai chẳng phải hạt giống của địa ngục, thế sao ông lại cho Đề-bà-đạt-đa là người của địa ngục? Ông cho rằng hạnh đồng với lục quần, nhưng ông nay nên biết lục quần Tỳ-kheo thật chẳng phải là pháp hạnh xấu ác mà là đồng với hạnh Phật.

Này Đại Bà-la-môn! Máu nơi thân Như Lai thật sự không chảy ra. Đề-bà-đạt-đa cũng không thể làm cho chảy ra. Nếu nói: bóng cây có thể làm cho chảy máu thì việc đó hoàn toàn không có. Thân Như Lai cũng như vậy. Nếu nói làm cho thân chảy máu thì nên biết đấy tức là phương tiện thiện xảo không thể nghĩ bàn.

Này Đại Bà-la-môn! Chủng tánh của Đức Thích Ca Như Lai thanh tịnh như ngọc lưu ly xanh biếc. Các đệ tử hiện có của Như Lai không hủy giới cấm. Ta cũng không thấy có đệ tử nào của Như Lai phá giới cả. Chánh pháp vô thượng được Như Lai giảng nói thật sự khiến cho người nghe phát sinh căn lành, chứ chẳng phải là không phát sinh. Đại chúng của Như Lai thành tựu trì giới, đều nhập vào cảnh giới của chư Phật. Đồ chúng quyến thuộc như rừng cây chiên-đàn, chỉ toàn chiên-đàn bao vây xung quanh, không thể phá hoại, như núi Kim cương. Cũng không thấy có người có khả năng phá hoại. Có sự sợ hãi tức là có thể phá hoại. Đệ tử của Như Lai hoàn toàn không có sợ hãi. Nếu đã không còn sợ hãi, sao cho là có thể phá hoại? Không thể phá hoại, chẳng khác nào như đàn sư tử. Như Lai là vị Pháp vương, là vua sư tử, chỉ toàn sư tử là quyến thuộc của mình. Quyến thuộc như vậy thật khó có thể lường xét. Đây chẳng phải là cảnh giới của hàng Thanh văn, Duyên giác. Không thể hủy diệt, giống như lửa âm ỉ dưới tro tàn. Như Lai là bậc Nhất thiết trí vô thượng, một khi đã chấp nhận cho ai đó thế phát thọ giới cụ túc, thì người ấy hoàn toàn không còn hủy hoại giới cấm. Tất cả chúng sinh đều nhập vào cảnh giới nơi đối tượng được nhận biết của Như Lai nên Như Lai được gọi là Nhất thiết trí. Đề-bàđạt-đa đầy đủ những yếu tố như vậy nên không gọi là phá hoại Tăng.

Này Đại Bà-la-môn! Giả sử đến như ngàn vạn vô lượng chúng

ma cũng không thể phá hoại được. Nếu nói Đề-bà-đạt-đa xấu ác, phá hoại Tăng chúng thì nên biết đấy là phương tiện thiện xảo. Vì sao lại cho rằng hạnh đồng súc sinh? Đề-bà-đạt-đa thật sự là sinh trong dòng họ thanh tịnh của Như Lai Thích Ca, không phải sinh trong loài súc sinh. Nếu nói dòng họ Thích làm các điều ác, chuyện ấy hoàn toàn không thể xảy ra. Sở dĩ Đề-bà-đạt-đa thực hành hạnh ác là vì muốn hiển thị diệu lực nơi công đức của Như Lai Thích Ca. Sinh trong dòng họ Thích mà gọi là kẻ ngu tối, hoàn toàn không có chuyện đó. Đề-bàđạt-đa hay khéo hộ trì giới tịnh giải thoát, thế sao lại nói như Ni-kiềntử được? Người nào ham muốn điều ác thì người ấy gọi là kẻ ác. Đềbà-đạt-đa tâm không ham muốn điều ác, thế sao lại nói là Tỳ-kheo ác? Người tu hành theo phương tiện thiện xảo của Như Lai, người ấy chính là Đề-bà-đạt-đa.

Này Đại Bà-la-môn! Nếu có người nói Đề-bà-đạt-đa nhóm tập nghiệp địa ngục thì nên biết, nghiệp ấy là nghiệp Bồ-tát. Nghiệp Bồtát tức là thần thông, vì để giáo hóa chúng sinh nên mới ở trong địa ngục, và nên biết thật ra cũng không ở trong địa ngục. Ví như có hai người cùng đi trên đường, về sau mỗi người chia đi mỗi ngã, người thì hướng Đông, kẻ đi hướng Tây. Nếu nói hai người này hòa hợp, chuyện đó không có xảy ra. Hoặc nói Như Lai và Đề-bà-đạt-đa hoàn toàn cách xa nhau, điều đó cũng không có.

Này Đại Bà-la-môn! Người nào sát sinh, tạo ra nghiệp ác thì phải chịu quả nơi địa ngục trong vô lượng trăm ngàn đời.

Người nào tu pháp thiện thì sẽ được hưởng quả trên cõi trời trong vô lượng trăm ngàn đời.

Nếu người nào tu thiện mà thọ quả ở địa ngục, hoặc tạo ác mà thọ báo nơi cõi trời, thì đây chính là cảnh giới của chư Phật Như Lai, các hàng Thanh văn, Duyên giác không thể nào biết được.

Như Lai thành tựu vô lượng công đức vi diệu chân thật, vậy sao có thể nói Đề-bà-đạt-đa có khả năng hủy hoại thân Phật? Thật ra trong vô lượng kiếp, ở nơi trú xứ của Như Lai từng sinh tâm ác nghịch, nhưng Đề-bà-đạt-đa thật sự không có tâm sát hại. Vì sao? Vì người này đã có được sự quyết định chân thật hiểu rõ về quả báo thiện ác, biết được chỉ cần một niệm ác cũng phải chịu quả báo ở địa ngục suốt vô lượng kiếp.

Do đó, Đề-bà-đạt-đa chắc chắn không tạo nghiệp ác.

Từ vô lượng kiếp, Như Lai đã dứt hẳn mọi niệm ác, thế tại sao các chúng sinh lại còn dấy khởi tâm ác đối với Như Lai? Nếu nói Đềbà-đạt-đa là người của địa ngục thì sao lại đồng cùng một chủng tánh với đấng Pháp vương Như Lai? Chúng sinh ở địa ngục cùng được làm hàng quyến thuộc với Như Lai, chuyện ấy cũng không thể có.

Nếu nói Đề-bà-đạt-đa đã tạo việc ác trong vô lượng kiếp thì phải chịu quả báo ở địa ngục suốt vô lượng kiếp, vậy tại sao lại được cùng ở chung một chỗ với Như Lai? Nếu cùng ở chung một chỗ với Như Lai thì nên biết đấy chẳng phải là người xấu ác. Nếu Đề-bà-đạt-đa thật sự là người xấu ác, thế tại sao lại được hòa hợp cùng với Như Lai?

Như Lai là người đi đường kia, lộ trình theo mỗi hướng Đông – Tây trái nhau, đúng lý là không hòa hợp. Đề-bà-đạt-đa vâng theo lời Phật dạy bảo thế nào thì làm thế ấy, không hề chống trái, thế sao lại gọi là người của địa ngục? Nếu bảo lên hướng Đông mà trái lại đi ngược hướng Tây thì không được gọi là kẻ phi địa ngục. Nếu nói Đềbà-đạt-đa là người của địa ngục thì đấy là người không ác. Vì sao? Vì địa là chỉ cho người, mà ngục chỉ cho trời. Qua lại trong hàng trời, người thì gọi là người của địa ngục.

Lại nữa, địa là thường, ngục là vô tướng. Đề-bà-đạt-đa vừa thường, vừa vô tướng nên được gọi là địa ngục.

Lại nữa, địa là lạc, mà ngục là đoạn. Ưa đoạn sinh tử nên gọi là địa ngục.

Lại nữa, địa là phương tiện thiện, mà ngục là năng thuyết. Năng thuyết phương tiện thiện nên gọi là địa ngục.

Này Đại Bà-la-môn! Như Lai Thế Tôn có phương tiện thiện, lại có thể giảng nói nêu bày thì không gọi là địa ngục. Tại sao gọi Đề-bàđạt-đa là người của địa ngục? Thật ra, mọi cảnh giới của Đề-bà-đạt-đa hàng Thanh văn, Duyên giác đều chẳng thể nào biết hết được.

Này Đại Bà-la-môn! Như Lai Thế Tôn thường khen ngợi Hoàng Đầu Đại sĩ, vị Đại sĩ này chính là Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa, còn lục quần Tỳ-kheo cũng là những vị Đại Bồ-tát. Đề-bà-đạt-đa cùng hạnh với họ, sao lại có thể gọi là người của địa ngục?

Như cây chiên-đàn, chiên-đàn vây quanh. Như bước chân của

loài voi quý thì bước chân lừa không thể bì kịp. Chỉ có loài voi quý hiếm mới có thể khoan dung cho tất cả.

Này Đại Bà-la-môn! Như Lai Thế Tôn là đại Hương tượng vương (voi quý) cũng như vậy. Những giáo nghĩa sâu xa được nói ra, hàng Nhị thừa chẳng thể nào biết hết được. Chỉ có các vị Đại Bồ-tát Hương tượng mới có khả năng thọ trì. Đề-bà-đạt-đa thành tựu vô lượng công đức như vậy, ông nên sám hối, cung kính cúng dường, tôn trọng, tán thán.

Này Đại Bà-la-môn! Các hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều có thể biết được công đức của Đề-bà-đạt-đa một cách rõ ràng, không nghi ngờ. Ông nên biết, Đề-bà-đạt-đa đích thực là đệ tử Phật, đã đạt được một trong hai phần công đức của Phật, đạt được một con mắt của Phật, đạt được một nửa thân thể Phật.

Này Đại Bà-la-môn! Tất cả chúng sinh đều không thể biết được hết mọi công đức hiện có của Đề-bà-đạt-đa. Đối với mọi cảnh giới hiện có nơi công đức của Như Lai, tất cả chúng sinh cũng đều không thể nhận biết hết được. Lại cũng không thể nào thấy được pháp thân của Như Lai.

Này Đại Bà-la-môn! Đề-bà-đạt-đa thật sự biết được mọi công đức vi diệu của Như Lai. Hàng Thanh văn, Duyên giác chẳng thể biết hết được. Thế mà chỉ có Đề-bà-đạt-đa hiểu rõ, không nghi ngờ, lại có khả năng chỉ dạy cho chúng sinh như Như Lai đã làm, biết được mọi quốc độ của chư Phật Như Lai. Đề-bà-đạt-đa chính là một vị đại trượng phu. Bất cứ nơi nào Như Lai đến, Đề-bà-đạt-đa cũng đều đi theo. Do đó nên gọi là đại trượng phu.

Tất cả cảnh giới của chư Phật Như Lai sâu xa, lời lẽ bí mật không thể nghĩ bàn, chỉ có Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa mới có khả năng hiểu được. Hôm nay, Như Lai sẽ mở bày mật ngữ, các Nhân giả nên cố gắng lắng nghe.

Khi ấy, đại chúng đều cùng lời ca ngợi:

Giả sử ma Ba-tuần

Với số chúng vô lượng

Đem hết sức thần thông

Không thể hoại chúng sinh.

Như Lai, đấng vô thượng

Lòng đại từ thương xót

Vì các hàng chúng sinh

Thị hiện quả báo nghiệp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Đại Bồ-tát Đại Vân Mật Tạng:

–Lành thay! Lành thay! Hôm nay ông đã nói thông suốt về công đức chân thật của Đề-bà-đạt-đa – công đức mà các hàng Thanh văn, Phật-bích-chi v.v… đều không thể hiểu được. Vì nhằm đem uy lực nơi công đức của Đại Thừa Phương Đẳng để phá trừ lòng nghi ngờ cho tất cả chúng sinh, ông đã khai hiển công đức của Bồ-tát Đề-bà-đạt-đa.

Lại nữa, này thiện nam! Kinh này lại có Tam-muội Thâm tiến đại hải thủy triều của chư Phật, Bồ-tát. Nếu có Bồ-tát nào thành tựu đầy đủ Tam-muội này thì có năng lực thổi tan nát núi chúa Tu-di cao lớn vững chắc. Ví như vi trần bám vào rau, trấu, không vì thế làm cho rau, trấu tăng thêm trọng lượng. Tứ Đại Thiên vương không sợ hãi, không phá, không hoại, cũng không tự biết được nơi an ổn. Trời Tam Thập Tam cũng như vậy.

Này thiện nam! Đó gọi là Bồ-tát thành tựu đầy đủ Tam-muội Thâm tiến đại hủy thủy triều.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ-tát nào thành tựu đầy đủ Tammuội này thì có khả năng đem nước bốn biển rót vào một lỗ chân lông, vẫn khiến cho những loài thủy tộc như: giải, đà, rùa, rồng, cá, ba ba v.v… không bị quấy nhiễu và cuộc sống vẫn như thường, không bị ảnh hưởng. Các hàng Long vương, A-tu-la, Càn-thát-bà không tự biết được nơi mình đến. Người thành tựu đầy đủ Tam-muội này có khả năng đem ba ngàn đại thiên thế giới đặt vào lòng bàn tay phải, đoạn lấy đại địa như người thợ gốm quay vòng xe rồi ném đến phương khác cách Hằng hà sa cõi. Những chúng sinh trong đó hoàn toàn đều không biết cũng không có tưởng về qua lại. Đem thế giới kia đặt ở cõi nầy cũng như vậy.

Bấy giờ, Bà-la-môn Thiện Đức đem các loại hương, hoa, phướn, lọng, kỹ nhạc cúng dường Phật, rồi chấp tay cung kính, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Với lòng đại bi Thế Tôn thương yêu tất cả chúng sinh như La-hầu-la. Nay con muốn thưa hỏi, cúi xin Thế Tôn chấp nhận.

Khi ấy, Đức Thế Tôn im lặng không trả lời.

Lúc đó, trong chúng hội có Đồng tử Lê-xa tên Nhất Thiết Chúng Sinh Lạc Kiến nói với Bà-la-môn Thiện Đức:

–Như Lai im lặng là đã không chấp nhận. Nay tôi sẽ tùy theo những điều ông hỏi mà trả lời.

Bà-la-môn nói:

–Này Lê-xa! Tôi đã từng nghe Như Lai giảng nói nghĩa như vậy: “Nếu có thể cúng dường xá-lợi của Như Lai – dù chỉ nhỏ bằng hạt cải – thì phước báo đạt được sẽ được làm chủ cõi trời Đao-lợi”. Lê-xa! Nghĩa lý của kinh Đại Vân này rất sâu xa, mật ngữ của Như Lai khó có thể hiểu được. Đây chẳng phải là những điều mà các hàng Thanh văn, Duyên giác biết được, huống gì chúng ta là những kẻ biên địa. Đã từ lâu, tôi thường có ước nguyện là muốn được cung kính lễ bái xá-lợi của Như Lai – dù chỉ bằng hạt cải – để rồi được đến cõi trời Đao-lợi làm chủ nơi đó.

Khi ấy, Lê-xa liền nói kệ:

Giả sử trong sông Hằng

Giữa dòng mọc hoa sen

Chim trắng Câu-chỉ-la

Xá-lợi mới đạt được.

Giả sử rùa mọc lông

Lấy làm Tăng-già-lê

Mùa đông làm tiêu nước

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử chân con muỗi

Dùng lấy làm cầu đường

Đưa mọi người qua lại

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử đỉa trong nước

Bỗng nhiên mọc răng trắng

Lớn như răng hương tượng

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử thỏ mọc sừng

Dùng lấy làm thang cấp

Cao đến trời Tịnh Cư

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử những sâu, chuột

Leo lên thang sừng thỏ

Lên tới mà ăn nguyệt

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử ruồi uống được

Chén đá thấm rượu ngon

Mê cuồng rồi túy lúy

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử môi miệng lừa

Hình như quả Tần-bà

Hay khéo ca, vịnh, múa

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử quạ và cú

Cùng đậu nơi một cây

Ăn uống không lìa nhau

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử lá cây gai

Trải khắp cả tam thiên

Trên đại thiên thế giới

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử ghe thuyền nhỏ

Chở được núi Tu-di

Vượt qua dòng biển lớn

Xá-lợi mới thể được.

Giả sử tiêu ô thước

Riêng ngậm núi Đại Hương

Dời đến một nơi khác

Xá-lợi mới thể được.

Bà-la-môn bèn nói kệ đáp lời Lê-xa:

Lành thay, ông Lê-xa!

Khéo biết phương tiện sâu

Nay nên hết lòng nghe

Tôi nói công đức Phật.

Cảnh Phật khó nghĩ bàn

Đạt được đã rốt ráo

Chư Phật thường không đổi

Vì thế không nơi sinh.

Chư Phật, sắc bình đẳng

Ấy là cõi pháp Phật

 Như Lai chẳng tác pháp

Cũng lại chẳng có sinh.

Thân kim cương Như Lai

Không thể nào hủy hoại

Vì thế nên xá-lợi

Chân thật chẳng đạt được.

Như Lai không xá-lợi

Thậm chí như hạt cải

Không có máu thịt xương

Sao lại có xá-lợi?

Như Lai vì chúng sinh

Hiện thọ thân phương tiện

Thân chư Phật thường trụ

Pháp giới cũng như vậy.

Tùy theo các chúng sinh

Mà phương tiện nói pháp

Cũng tùy chỗ thích nghi

Mà hiện ra mỗi thân.

Nếu Phật có thương xót

Khắp thảy các chúng sinh

Tại sao không được thấy

Phân thân ban xá-lợi?

 

Lúc đó, trong đại chúng có Thiên nữ tên Tịnh Quang đem hương, hoa, phướn, lọng, kỹ nhạc cúng dường Phật, rồi cung kính chấp tay bạch:

–Bạch Thế Tôn! Hai vị Hiền giả thành tựu trí tuệ vi diệu sâu xa, có khả năng khai tạng bí mật của Như Lai, từ đâu tới vậy? Cúi xin Thế Tôn hãy giảng nói.

Phật dạy:

–Lành thay! Này Thiên nữ! Nàng đã vì chúng sinh mà thưa hỏi nghĩa này. Vậy thì hãy lắng nghe, Ta sẽ giảng nói. Hai người này chính là hai người con chân chánh của Phật, như Hương tượng vương, là bậc đại trượng phu, vì chúng sinh nên vui ở nơi sinh tử, tri ân báo ân về sự hộ niệm của Ta, khéo có thể hộ trì chủng tánh của chư Phật, vì chư Phật mà chịu trọng trách đốt lên ngọn đèn pháp.

Thiên nữ! Vào thời quá khứ xa xưa vô lượng ức na-do-tha a-tăngkỳ kiếp về trước, lúc đó có Phật ra đời hiệu là Đồng Tánh Đăng gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Cõi Diêm-phù-đề lúc ấy có vô lượng vô biên chúng sinh không thể tính đếm, những chúng sinh này đều thành tựu sự an ổn vui vẻ, không còn những bận tâm về đói khát, khổ não. Đất đai nơi ấy rộng rãi, thanh tịnh, ngang dọc sáu vạn tám ngàn do-tuần. Thành quách có nhiều đến bảy vạn tám ngàn tòa, mỗi một đại thành đều được hình thành từ bảy báu. Bốn phía vách thành có chín vạn lần đẩy lùi quân địch. Đại thành lúc đó tên là Bảo tụ, tức nay là thành Vương-xá. Trong thành Bảo tụ có tám vạn ngàn ức người. Đức Phật Đồng Tánh Đăng sinh ra tại thành này. Tất cả vô lượng chúng sinh trong thành ấy đều phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng thành tựu được`thần thông, là tượng vương trong loài người.

Thiên nữ! Bấy giờ ở giữa đại chúng, Đức Như Lai cất lên tiếng sư tử gầm, rồi tuyên nói kinh điển Đại Vân này. Thời ấy, trong thành có vị vua tên Đại Tinh Tấn Long Vương, vua có phu nhân tên Hộ Pháp, có một đại thần tên Pháp Lâm Tụ.

Lúc này, vua cùng phu nhân với vị đại thần kia đi đến chỗ Phật, cung kính cúng dường, chấp tay lễ bái, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi lui ra ngồi một bên. Khi đó, Đức Phật Đồng Tánh Đăng biết được những suy nghĩ nơi tâm của Đại Tinh Tấn Long Vương, bèn phóng ra luồng ánh sáng lớn có tên Vô sở úy, khi gặp luồng ánh sáng này, lòng vua đạt được pháp hỷ. Lúc ấy, nương thần lực của Phật, vị đại thần của vua, bạch: “Bạch Thế Tôn! Xá-lợi của Như Lai có thể đạt được chăng?”. Đức Thế Tôn im lặng không trả lời.

Thiên nữ! Vị đại vương ấy vì chánh pháp nên đã cùng vị đại thần thay phiên nhau luận giảng về xá-lợi. Nghe thế, Phật khen ngợi: “Lành thay! Lành thay!”.

Trong chúng của vị Phật ấy có một vị đại đệ tử tên Ma-ha-nam, tâm sinh thiện dục, thầm nghĩ: “Thật tốt thay, vị đại vương này đã khéo giải pháp giới hết sức thâm diệu của Như Lai”. Thế rồi Đức Phật liền giảng nói về những diệu nghĩa của giáo pháp sâu xa mà vua đã giải thích cho chúng hội nghe. Đại chúng nghe rồi đều sinh lòng kinh sợ, nghi ngờ. Phật liền bảo đại chúng: “Công đức của vị vua này là không thể nghĩ bàn, sâu xa không thể lường xét. Đây chẳng phải là những điều mà các ông có thể lãnh hội được”.

Nghe Phật khen ngợi công đức của mình như thế, vị đại vương hết sức vui mừng, liền đứng dậy nhiễu quanh theo phía bên phải ngàn vòng, đem hoa báu cúng dường, tung rải lên trên Phật, rồi ca ngợi, phát nguyện: “Vào đời vị lai, khi Đức Như Lai Thích Ca xuất hiện ở đời, lúc dùng đại phương tiện chỉ bày sự diệt vong của giáo pháp, lúc đó, con sẽ xuất gia tu đạo, thọ trì tịnh giới đủ đại uy lực. Hễ thấy có Tỳ-kheo hành ác phá giới nào, con sẽ xua đuổi họ đến những nơi biên địa, nơi không có pháp Phật, và vì chánh pháp, con sẵn sàng không tiếc thân mạng mình”.

Vị đại thần kia cũng lại phát nguyện: “Khi Đức Như Lai Thích Ca dùng đại phương tiện thị hiện Niết-bàn, vào lúc ấy con sẽ làm một vị đại quốc vương hộ trì chánh pháp vô thượng của Như Lai. Hễ thấy Tỳ-kheo ác nào, con sẽ ra lệnh đuổi đi. Còn đối với những vị trì pháp, con sẽ hết lòng cung kính cúng dường”.

Vị phu nhân kia cũng lại phát nguyện: “Khi Đức Như Lai Thích Ca xuất hiện, khiến cho uy lực của con có khả năng hàng phục tà kiến”.

Vị đệ tử Ma-ha-nam cũng phát nguyện: “Con xin nguyện vào lúc ấy được làm vị đại đệ tử của Đức Như Lai, đạt được thần thông lớn, đối với công đức của Phật, con có khả năng cất lên tiếng sư tử gầm”.

Thiên nữ! Ngày hôm nay, bốn vị này đã nhận trọng trách gánh vác giáo pháp của Ta. Không chỉ hôm nay mà mãi đến về sau, bốn người đó cũng sẽ hộ trì chánh pháp của Ta.

Lúc ấy, Thiên nữ liền bạch:

–Nay con chưa biết bốn vị ấy là ai. Cúi mong Như Lai hãy nói tên những vị ấy.

Phật đáp:

–Lành thay! Này Thiên nữ! Cô hãy chí tâm lắng nghe, Ta sẽ phân biệt giảng nói cho cô rõ. Vị đại thần thuở đó, nay chính là Bà-lamôn Thiện Đức đây. Một trăm hai mươi năm, sau khi Ta diệt độ, ông ấy sẽ làm vua ở cõi Diêm-phù-đề, trụ trong thành Ba-lê-phất-la, tên là A-thúc-ca, họ Vô Tà, là bậc Chuyển luân vương. Ông đã đạt được một trong hai phần phước đức, được đại tự tại trong cõi Diêm-phù-đề, hộ trì chánh pháp gầm lên tiếng sư tử, truyền bá giáo pháp khắp chốn được nhiều xá-lợi, cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán. Gặp Tỳ-kheo xấu ác thì sửa trị, khiến tu thiện.

Thiên nữ lại nói:

–Xin Như Lai hãy giảng nói thêm.

Phật bảo Thiên nữ:

–Hãy chờ một chút, Ta sẽ nói về nhân duyên của cô trước.

Nghe Phật nói thế, Thiên nữ cảm thấy xấu hổ, cúi mặt xuống đất. Phật bèn khen:

–Lành thay! Xấu hổ tức là y phục pháp thiện của chúng sinh. Thiên nữ! Vị phu nhân của vua thời ấy chính là nàng đấy. Vào thời vị Phật ấy, do vì được nghe một lần về bản kinh Đại Niết Bàn mà nay nàng đạt được thân của cõi trời, gặp lúc Ta xuất hiện ở đời, lại được nghe giáo nghĩa sâu xa xả bỏ hình hài cõi trời này, liền dùng thân nữ làm vua một nước, được làm Chuyển luân vương, thống lãnh một trong bốn cõi, được đại tự tại, thọ trì năm giới, làm một Ưu-bà-di giáo hóa cho những nam nữ lớn nhỏ nơi các xóm làng, thành ấp của mình, khiến họ thọ trì năm giới, giữ gìn chánh pháp, hàng phục những ngoại đạo, các tà thuyết dị kiến. Lúc ấy, nàng đích thực là một Bồ-tát, nhưng do vì để giáo hóa chúng sinh nên đã thị hiện thọ thân nữ.

Còn vị vua thuở đó nay là vị Đồng tử Lê-xa Nhất Thiết Chúng

Sinh Lạc Kiến. Do đã thông đạt giáo nghĩa thâm diệu của chánh pháp nên vị này có khả năng mở tạng pháp bí mật của Như Lai, hộ trì Phật pháp không cho thiếu mất.

Còn vị Ma-ha-nam ấy, nay là Bồ-tát Đại Vân Mật Tạng. Vị Bồtát này đã đạt được một trong hai phần chân thật của Ta, đã tri ân báo ân, hộ trì chánh pháp, có khả năng giải đáp nghĩa lý sâu xa không hề vướng mắc.

Thiên nữ! Ngay cả những vị thượng trí như Tôn giả Đại Ca-diếp trong chúng của Ta cũng không thể nào biện nói được nghĩa lý sâu xa này như Đại Bồ-tát Đại Vân Mật Tạng.

Bấy giờ, trong đại chúng có một Thiên tử tên Kỳ Tài cùng với một ngàn Thiên tử liền đứng dậy, hướng về Phật, đem các loại hoa, hương, phướn, lọng, kỹ nhạc cúng dường rồi cung kính chấp tay nói kệ tán thán:

Biển cả có thể lường

Tu-di có thể biết

Cảnh giới pháp Như Lai

Thật khó thể nghĩ bàn.

Lúc Đức Phật giảng nói pháp này, có vô số ngàn người phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

Lúc ấy, Đức Như Lai bảo Bà-la-môn Thiện Đức:

–Lành thay! Lành thay! Này Đại Bà-la-môn! Nay ông khéo phát tâm hoan hỷ nên được quả báo vô thượng.

Này Đại Bà-la-môn! Cách đây về hướng Nam, khoảng ba mươi vạn hằng hà sa thế giới, có một thế giới Tu-man-na, nơi ấy có vị Phật hiệu Tịnh Quang Bí Mật gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, vì hóa độ chúng sinh nên thường trụ ở đời, chuyển bánh xe chánh pháp.

Từ nơi đây về hướng Nam, cách khoảng năm mươi vạn hằng hà sa thế giới, có một thế giới tên Pháp Hỷ Bảo, vị Phật ở cõi đó hiệu là Pháp Tạng gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, vì hóa độ chúng sinh nên thường trụ ở đời, chuyển bánh xe chánh pháp.

Từ đây về hướng Nam, lại cách khoảng sáu mươi vạn hằng hà sa thế giới, có thế giới tên Nhất Thiết Trì, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Sư Tử Hống Thần Túc Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, vì nhằm hóa độ chúng sinh nên thường trụ ở đời, chuyển bánh xe chánh pháp.

Lại từ đây hướng về phía Nam, cách hơn ba mươi sáu vạn hằng hà sa thế giới, có thế giới tên Hoa Phan, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu Cao Tu Di, mười tôn hiệu gồm đủ cho đến chuyển bánh xe chánh pháp.

Lại từ đây hướng về phía Nam, cách hơn tám mươi vạn hằng hà sa thế giới, có thế giới tên Bảo Thủ, Phật hiệu là Pháp Hộ, mười tôn hiệu gồm đủ cho đến chuyển bánh xe chánh pháp.

Này Đại Bà-la-môn! Thế giới của chư Phật như thế được trang nghiêm thanh tịnh, không có núi, ụ, gò, đồi, đá, cát, các thứ cấu uế xấu ác. Đất nơi ấy mềm mại như y Ca-lăng-già. Đời không có năm trược, cũng không có người nữ, không có những người thuộc hàng Nhị thừa, thậm chí cả đến tên gọi của những người này cũng đều không có. Nơi ấy chỉ toàn là các Đại Bồ-tát vui thích Đại thừa, hộ trì Đại thừa, ưa giảng nói Đại thừa.

Này Đại Bà-la-môn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thọ trì danh hiệu chư Phật ấy mà còn bị đọa vào ba nẻo ác thì hoàn toàn không có chuyện đó. Trái lại, chắc chắn sẽ đạt được đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

Này Đại Bà-la-môn! Do ý nghĩa ấy, sau khi Ta Niết-bàn, kinh này sẽ lưu truyền rộng rãi ở các nước phía Nam và khi chánh pháp sắp mất, hơn bốn mươi năm sẽ truyền đến phương Bắc.

Tại phương Bắc, có vị vua tên An Lạc, khi thấy những ai thọ trì, biên chép kinh quyển, đọc tụng, giảng nói, ông liền tùy thời đem bốn việc cung cấp, không để cho thiếu. Vào lúc ấy, ở phương Bắc có tám vạn bốn ngàn chúng sinh thọ trì kinh này.

Này thiện nam! Nếu có người nào nghe kinh này rồi lại buông bỏ, xa lìa thì hoàn toàn không có chuyện ấy. Nếu thiện nam, thiện nữ nào hết lòng cung kính, thọ trì danh hiệu chư Phật, mà vẫn bị nạn binh đao, độc hại, lửa, nước, giặc cướp, thì hoàn toàn không có chuyện đó, ngoại trừ túc nghiệp của người ấy.

Lại nữa, này Đại Bà-la-môn! Nếu trong bốn bộ chúng và các chúng sinh bên ngoài vì cúng dường, vì sợ hãi, vì muốn cho chánh pháp không bị hủy hoại mà phụng trì danh hiệu của chư Phật thì trọn không còn đọa vào ba nẻo ác. Nếu vẫn bị rơi vào ba nẻo ác thì chuyện này không bao giờ có.

Khi ấy, Bà-la-môn Thiện Đức thưa:

–Bạch Thế Tôn! Có những chúng sinh nghe tên kinh này hãy còn đạt được vô lượng thiện lợi như vậy huống chi là những người thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói. Nếu ai được nghe danh hiệu chư Phật kia thì người ấy đã đạt được bảo lớn vô thượng, quả vị Bồ-đề Vô thượng đã ở trong tầm tay của họ. Chư Phật Như Lai đã đến nhà họ. Đất nơi ấy là kim cang, thân họ cũng vậy, tâm vững chắc không động, không thể di chuyển.

Bạch Thế Tôn! Nay con cũng sẽ cung kính cúng dường những người như vậy.

Phật nói:

–Lành thay! Lành thay! Này Đại Bà-la-môn! Ông nay đã khéo nhận biết, khéo lãnh hội diệu lực công đức của Như Lai. Nếu có chúng sinh nào nghe danh hiệu Phật mà cung kính, tin tưởng, không nghi, không sợ, thì chúng sinh ấy sẽ không còn các nỗi sợ hãi như: nỗi sợ hãi của vua, nỗi sợ hãi của con người, nỗi sợ hãi của loài quỷ; không còn các thứ bệnh tật, thường được làm đệ tử học đạo của chư Phật, được tám bộ quỷ thần cùng quyến thuộc che chở, được chư Phật nghĩ đến.

Lúc ấy, trong chúng hội có vua Càn-thát-bà tên Hỷ Kiến, liền rời khỏi tòa ngồi đứng dậy, bước tới chỗ Phật, cung kính chấp tay, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, những chúng sinh nào có khả năng thọ trì kinh này và truyền bá rộng rãi? Những chúng sinh nào không có khả năng thọ trì và khiến pháp bị hủy diệt?

Đức Như Lai im lặng không trả lời.

Khi đó, Tôn giả Đại Ca-diếp bảo Hỷ Kiến:

–Này thiện nam! Như Lai thật sự không có Niết-bàn, giáo pháp thật sự không bị diệt mất. Vậy sao có thể nói là sau khi Như Lai diệt độ, ai có khả năng thọ trì kinh này?

Vua Hỷ Kiến nói:

–Thưa Đại đức! Tất cả chúng sinh do cuồng ngu, vô trí, cúi xin Đại đức hãy tuyên nói lý do Như Lai không diệt độ. Tất cả chúng sinh bị ngu si u ám che lấp, cúi xin Đại đức hãy thắp ngọn đèn chánh pháp để được bừng sáng. Vào đời vị lai, con cũng sẽ rộng vì tất cả chúng sinh mà khai phát ý nghĩa này. Cúi xin Đại đức thương xót giảng nói rõ.

Tôn giả Đại Ca-diếp nói:

–Này thiện nam! Pháp thân của Như Lai không gọi là nhục thân. Thân Phật là kim cương, chẳng phải là thân bị hủy hoại. Thân ấy đã thành tựu đầy đủ vô lượng công đức. Còn thân phương tiện, không gọi là thực thân. Thân như vậy sao nói là diệt độ?

Vua Hỷ Kiến nói:

–Thưa Đại đức! Nay con biết chắc là Như Lai Thế Tôn chỉ là phương tiện vào Niết-bàn chứ chẳng phải diệt độ một cách rốt ráo.

Tôn giả Đại Ca-diếp khen:

–Lành thay! Thật đúng như ông nói. Thiện nam! Biển cả có thể đo lường, nhưng công đức của Như Lai thì không thể lường tính.

Vua Hỷ Kiến hỏi:

–Khi nào Như Lai sẽ rốt ráo diệt độ?

Tôn giả Đại Ca-diếp đáp:

–Giả sử tất cả mọi chúng sinh cho đến những loài như: muỗi, kiến v.v… thảy đều đạt quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, nhập vào Niết-bàn, thì khi ấy Như Lai mới Niết-bàn.

Vua Hỷ Kiến hỏi tiếp:

–Thưa Đại đức! Như Lai thành tựu công đức vô lượng vô biên như vậy, thế tại sao tất cả chúng sinh không phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng? Đúng là khổ thay! Vì phước mỏng, chúng sinh không biết thân kim cang thường trụ bất biến của Như Lai chẳng phải là thân tạp thức. Đại đức! Với thân như vậy, ngoài Phật ra các hàng Thanh văn, Duyên giác chẳng thể nào biết được.

Tôn giả Ca-diếp lại nói:

–Này thiện nam! Tất cả chúng sinh đều có tánh Phật, đạt được

tâm Bồ-đề.

Khi thuyết giảng phần pháp này, có hai vạn hai ngàn Thiên tử đều phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng, tất cả dị khẩu đồng âm cất lời nói kệ:

Như Lai không Niết-bàn

Chân pháp không có diệt

Vì các hàng chúng sinh

Thị hiện có diệt độ.

Như Lai thường, chẳng diệt

Vì chúng, phương tiện nói

Như Lai không nghĩ bàn

Pháp, Tăng cũng như vậy.

Trang: 1 2 3