PHẬT THUYẾT CHƯ HÀNH HỮU VI KINH

Hán dịch: Đời Tống, Sa-môn Pháp Thiên, ở chùa Na-lan-dà, nước Ma-già-đà, thuộc Trung Ấn Độ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ-kheo ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Bí-sô:

–Này các Bí-sô! Tất cả các hành biến đổi như huyễn, không thật, không lâu dài, không có tướng nhất định, là pháp điên đảo. Này các Bí-sô! Cho đến tất cả hành diệt sạch cấu bẩn, không còn uế nhiễm, lìa mọi uế nhiễm; tất cả chúng sinh, cho đến loài côn trùng cựa quậy và loài hóa sinh, khi đến hết tuổi thọ nhất định phải bị chết. Nếu chúng không sinh thì không diệt. Dù là Trưởng giả, Bàla-môn, Sát-đế-lợi, giàu sang tột bực, quyền quý trong tay của cải vàng bạc châu báu rất nhiều và thọ hưởng không thiếu thứ gì, dù có đầy đủ cha mẹ quyến thuộc, thân nhân bạn bè, quan dân tôi tớ, nhưng đến khi hết tuổi thọ thì phải chết. Như Sát-đế-lợi được nhập quán đảnh làm vua trong một nước lớn, có quyền lực lớn, thế lực lớn, với vô số dân chúng cùng đất đai rộng lớn, dù vua có chiến thắng tất cả nhưng đến khi tuổi thọ hết thì cũng phải chết. Các vị tu hành trong rừng Tiên nhân, không tham nơi mùi vị, chỉ ăn trái cây, hoặc lìa bỏ trái cây, tu khổ hạnh nhưng đến lúc tuổi thọ hết cũng phải chết. Còn những vị tu mười thiện, được sinh lên các cõi trời Tứ Đại vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đỗ-sử-đa, Lạc biến hóa, Tha hóa tự tại.

Lại nữa, các vị tu hành thiền định chứng đắc các cõi trời Phạn thân, Phạm phụ, Đại phạm, Thiểu quang, Vô lượng quang, Cực quang tịnh, Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh, Vô vân, Phước sinh, Quảng quả, Vô tưởng hữu tình. Lại, các vị chứng A-na-hàm, được sinh nơi các cõi trời Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện kiến, Thiện hiện, Sắc cứu cánh. Các vị nhàm chán sắc thân, tu Tam-muội vô biên hư không được sinh nơi Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chư Thiên ấy, tuy rất thù thắng chẳng phải là bất sinh nhưng cũng phải bị chết. Các vị ấy đã dứt sạch các lậu nơi ba cõi, làm xong những việc cần làm, xa lìa gánh nặng đạt được lợi mình, tận trừ các kết sử, chứng A-la-hán, mặc dù được thân như vậy nhưng cũng xả bỏ. Lại những vị gặp kiếp đao binh, tự tu một mình, ở nơi vắng vẻ, giác ngộ các nhân duyên, chứng được thừa bậc trung, gọi là Bích-chi-phật. Mặc dù được thân ấy cũng sẽ từ bỏ. Cho đến Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác với mười Lực rộng lớn, bốn Trí tròn sáng, thuyết pháp không sợ hãi, như sư tử gầm, đã trải qua vô số kiếp chịu gian khổ, chứng thân Na-ladiên nhưng cũng phải từ bỏ.

Này các Bí-sô! Giống như thợ gốm làm các loại chén, bát, bồn, chậu, mặc dù được thành đồ vật nhưng chắc chắn đến thời kỳ phải bể. Lại giống như quả chín thì tự rụng. Pháp sinh diệt cũng lại như vậy.

Này các Bí-sô! Tất cả hữu tình cho đến loài hóa sinh, hết thảy loài hàm thức đến lúc tuổi thọ hết đều bị chết. Nếu không có sinh thì không có chết.

Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:

Như Lai trời trong trời
Nói pháp vô thường ấy
Như chén bát không bền
Cuối cùng bị bể hư.
Như quả chín tự rụng
Mạng hữu tình cũng vậy
Bí-sô nay nên biết
Phải lo sợ sinh diệt.

Đức Phật giảng nói kinh này xong, chúng Tỳ-kheo nhất tâm tín thọ, hoan hỷ phụng hành.