KINH BỒ TÁT TẠNG
Hán dịch: Đời Lương Tam Tạng Tăng Già Bà La, người Phù Nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà -Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người và bảy vạn hai ngàn Bồ tát.

Bấy giờ, trưởng lão Xá Lợi phất, nương vào thần lực của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo vai phải, gối phải sát đất, chấp tay lễ Phật, bạch:

– Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ phải sám hối diệt tội như thế nào để mau đắc Chánh đẳng Chánh giác?

Đức Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất:

– Người muốn học Chánh đẳng Chánh giác, hoặc là hàng Thanh Văn, hoặc hàng Duyên Giác, hoặc hàng Đại thừa, hoặc các chúng sanh khác, nên tụng mười danh hiệu Phật ở mười thế giới trong mười phương, đốt mười ngàn ngọn đèn, hoặc bằng dầu tô, hoặc bằng dầu, hương và hương bột, cũng tùy theo số đèn, dùng nhiều loại hoa, nhiều loại quả, nhiều loại lá, để thực hiện sự cúng dường lớn, thực hành việc bố thí lớn; đựng đầy mười bình “tần-già” nước, mười lọ nước, tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thơm xông thân, mặc y phục mới, sạch, rồi rửa tay, chân, mỗi tay cầm mười cành hoa sen; cần phải chay tịnh, người giúp việc, người ở đều phải sạch sẽ. Ở mười phương đều thiết lập Phật tòa (Phật tòa ở trên thì phải nhỏ và cao). Người sám hối tùy nghi thiết lập tòa ở mười phương; ngồi ngay tại chỗ đảnh lễ chư Phật mười phương, miệng tự phát lồ sám hối hành nghiệp đã gây ra từ trước đến nay, cũng sám hối các tội ác đã gây ra trong sanh tử từ vô thỉ đến nay, ăn năn việc đã qua, sửa đổi việc đang đến, thề chẳng làm nữa.

Đức Phật dạy:

– Nầy Xá Lợi Phất! Ở phương Đông có thế giới tên là A Du Ha (Trung hoa dịch là Vô Ưu); Ở đó có Đức Phật hiệu là Nguyệt Thắng Kiết. Phương Nam có thế giới tên Nan Đà(Trung hoa dịch là Hoan Hỷ); Ở đó có Đức Phật hiệu là Chiên Đàn Kiết. Phương Tây có thế giới Bạt Đà La(Trung hoa dịch là Hiền); ở đó có Phật hiệu là Vô Biên Quang Minh. Phương bắc có thế giới Nhiêu Ích Nhãn; ở đó có Phật hiệu là Tràng Kiết. Phương Đông nam có thế giới Nguyệt Quang; ở đó có Phật hiệu là Vô Ưu Kiết. Phương Tây nam có thế giới Tràng; ở đó có Phật hiệu là Bảo Sát. Phương Tây bắc có thế giới Minh; ở đó có Phật hiệu là Hoa Đức. Phương đông bắc có thế giới An Ổn; ở đó có Phật hiệu là Tam Dõng Mãnh. Phương trên có thế giới Nguyệt; ở đó có Phật hiệu là Đại Công Đức Kiết. Phương dưới có thế giới Đại Danh; ở đó có Phật hiệu là Quang Minh Kiết. Ngày đêm sáu thời hành đạo lễ bái. Mặc áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay hướng Phật rồi nói thế nầy: “Con đảnh lễ tất cả chư Phật Như lai, đó là chư Phật hiện tại trong mười phương đã đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng , hiện đang Chuyển pháp luân, hiện đang làm sáng tỏ Pháp luân, hiện đang nắm giữ pháp luân, hiện đang tuôn mưa pháp, hiện đang đánh trống pháp, hiện đang thổi loa pháp, hiện đang dựng cờ pháp, hiện đang đốt đuốc pháp, hiện đang dùng pháp thí làm cho chúng sanh được đầy đủ, tùy theo sự ưa thích của chúng sanh mà đều nói pháp cho họ, luôn làm nhiều điều lợi ích an ổn cho chúng sanh, vì thương xót thế gian, vì lợi ích cho chư thiên và loài người. Nay con đảnh lễ Chư Như Lai. Chư Như Lai, chư Phật là những bậc tôn quí đáng cúng dường. Chư Phật là trí tuệ lớn, là con mắt của thế gian, chứng biết cho thế gian, thống lãnh thế gian, hiện đang biết, hiện đang thấy. Con đem thân, khẩu, ý kính lễ quí Ngài. Những nghiệp ác mà con đã gây ra từ vô thỉ sanh tử đến nay, làm chướng ngại tất cả chúng sanh, hoặc khởi tham, hoặc khởi sân, hoặc khởi si, chẳng biết Phật, Pháp, Tăng, chẳng biết pháp thiện, pháp bất thiện, hoặc dùng thân, khẩu ý, ác làm thân Phật chảy máu, hoặc phỉ báng Chánh pháp, hoặc phá hòa hợp Tăng, hoặc giết La hán chân nhân, hoặc giết cha mẹ, hoặc khởi đủ mười nghiệp bất thiện, hoặc đã làm, đang làm, sẽ làm, hoặc thấy người khác làm khen ngợi, tùy hỷ, hoặc dùng ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng, ba nghiệp của ý để tạo tác các việc ác , dùng lời ác mắng nhiếc phỉ báng người khác, hoặc đong lường non thiếu, cờ gian bạc lận với người, hoặc khi sanh trong sáu đường làm phiền lòng mẹ cha, hoặc lấy vật của chùa tháp, hoặc dùng vật của Tăng, hoặc dùng vật của Tăng bốn phương, hoặc phá giới mà Phật đã chế, hoặc chẳng nghe lời Hòa Thượng, A Xà Lê, hoặc sân hận, hoặc mắng nhiếc, hoặc phỉ báng Thanh Văn, Duyên giác, Đại thừa; hoặc do bỏn xẻn, ganh ghét mà tạo các nghiệp ác, hoặc chửi mắng Như lai, hoặc pháp nói là phi pháp, hoặc phi pháp nói là pháp, tất cả các tội ác như thế, nay con hướng về Chư Phật ở mười phương phát lồ sám hối. Xin chư Như lai thấy, biết, và chứng tri. Con ở trước Phật, nhất tâm phát lồ, không dám che giấu. Đã phát lồ rồi, về sau thề không dám làm nữa. Các nghiệp ác ấy đáng bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, A tu la hoặc bị rơi vào tám nạn. Nguyện xin các tội ác ấy hôm nay được tiêu diệt, vị lai không sanh nữa. Hôm nay con ở trước chư Phật, phát lồ sám hối, không dám che giấu. Sau khi phát lồ, thề không tái phạm. Như các Bồ tát quá khứ vì tu hành Bồ đề, như sự sám hối của các ngài, hôm nay, con cũng sám hối nghiệp chướng ngại như vậy. Sau khi phát lồ, không dám tái phạm. Như các Đại Bồ tát vị lai sẽ sám hối, con cũng phát lồ sám hối như vậy. Sau khi phát lồ, thề không tái phạm. Như Đại Bồ tát hiện tại trong mười phương vì tu hành Bồ đề, hiện đang sám hối, con cũng phát lồ sám hối như vậy, thề không tái phạm. Như các Đại Bồ tát trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại vì tu hành Bồ đề, đã sám hối, sẽ sám hối, đang sám hối, con cũng sám hối như thế, thề không tái phạm.

Nầy Xá Lợi Phất! Các thiện nam, thiện nữ nên sám hối như thế. Vì vậy, nầy Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn đạt được tất cả các pháp thanh tịnh, không có chướng ngại, thì cần phải, sám hối các nghiệp chướng ác như thế. Đã phát lồ rồi, thề không tái phạm. Nếu muốn sanh vào dòng họ giàu sang Sát lợi, có nhiều của báu, có tướng mạo tốt đẹp, và ai muốn đắc Đại thừa thì nên sám hối như thế. Nếu muốn được địa vị của Tứ thiên vương thì nên sám hối như thế. Nếu muốn được sanh lên cõi trời Ba mươi ba, trời Diệm Ma, trời Đâu Suất đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, thì nên sám hối như thế. Nếu muốn được sanh lên cõi trời Phạm thân, trời Phạm phú lâu, trời Đại phạm, trời Thiểu quang, Vô lượng quang, Quang huy, Thiểu Tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh, Thọ Phước Vô Quái ngại, trời Quả thật, trời Vô tưởng, Bất phiền, Bất nhiệt, Thiện kiến, Thiện hiện, Sắc cứu cánh thì nên sám hối như thế. Nếu muốn sanh về cõi Vô sắc, Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì nên sám hối như thế. Nếu muốn đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-Đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán thì nên sám hối như thế. Nếu muốn đắc ba Minh, sáu Thông, thần lực tự tại, căn trí thông lợi của Thanh-văn, nếu muốn đắc quả Bồ đề Duyên-giác thì nên sám hối như thế. Nếu muốn đắc trí nhất thiết, trí thanh tịnh, trí bất khả tư nghì, trí vô đẳng đẳng, trí chánh biến thì nên sám hối như thế .

Nầy Xá Lợi Phất! Vì sao? Vì tất cả các pháp do nhân duyên sanh. Như lai đã nói pháp từ duyên sanh, pháp từ duyên diệt, do nhơn duyên mà thay đổi; pháp ấy trong quá khứ đã diệt, đã chuyển, nghiệp ấy không chướng ngại. Các pháp ấy, vị lai cũng không chướng ngại.

Nầy Xá Lợi Phất! Vì sao? Vì tất cả các pháp mà Như lai đã nói thảy đều rỗng lặng, không có chúng sanh, không có mạng sống, không có người, chẳng sanh, chẳng diệt.

Nầy Xá Lợi Phất! Tất cả các pháp, do tự thân tạo tác, tự thân ấy cũng là sự hiện hữu.

Nầy Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam! Thiện nữ muốn vào pháp tuệ nầy thì đó gọi là không có chúng sanh thật sự; như vậy gọi là diệt trừ tất cả các nghiệp chướng.

Bấy giờ, Trưởng lão Xá Lợi Phất bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ muốn đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, muốn chứng đắc thừa Thanh-văn, thừa Duyêngiác, Đại thừa, hoặc có người khác tu công đức, thì sẽ phát sanh căn lành tùy hỷ như thế nào?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất!

– Thiện nam, thiện nữ, nếu muốn tùy hỷ thì ngày đêm sáu thời, mặc áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, cung kính chấp tay, nói:’’ Nếu có chúng sanh nào ở mười phương đã làm việc công đức, hoặc bố thí, hoặc trì Giới, hoặc tu hành, thì con đối với họ, tùy hỷ tất cả, vì đó là sự tùy hỷ bậc nhất, tùy hỷ hơn hết, tùy hỷ tối thượng, tùy hỷ vô thượng, tùy hỷ vô đẳng, tùy hỷ vô đẳng đẳng, con đều tùy hỷ như thế . Nếu có chúng sanh nào ở trong mười phương sẽ làm việc công đức, hoặc bố thí, hoặc trì giới, hoặc tu hành, con đối với họ, đều tùy hỷ tất cả, vì đó là sự tùy hỷ bậc nhất, tùy hỷ hơn hết, tùy hỷ tối thượng, tùy hỷ vô thượng, tùy hỷ vô đẳng, tùy hỷ vô đẳng đẳng, con đều tùy hỷ như thế. Nếu có chúng sanh nào ở trong mười phương đang làm việc công đức, hoặc bố thí, hoặc trì giới, hoặc tu hành, con đối với họ, đều tùy hỷ tất cả, vì đó là sự tùy hỷ bậc nhất, tùy hỷ hơn hết, tùy hỷ tối thượng, tùy hỷ vô thượng, tùy hỷ vô đẳng, tùy hỷ vô đẳng đẳng, con đều tùy hỷ như thế. Hoặc đối với công đức của các Bồ tát mới phát tâm Bồ đề, hoặc công đức của Bồ tát đã tu hành trăm kiếp, hoặc công đức của Bồ tát đã đắc Pháp nhẫn vô sanh, hoặc công đức của Bồ tát đã đắc quả vị bất thối, hoặc công đức của Bồ tát từ địa thứ nhất lần lượt đến Địa thứ mười, con đều tùy hỷ tất cả, vì đó là sự tùy hỷ bậc nhất, tùy hỷ hơn hết, cho đến tùy hỷ vô đẳng đẳng. Nếu Bồ tát trước đã tu hành sáu Ba-la-mật tương ưng căn lành công đức thì con đều tùy hỷ, vì đó là sự tùy hỷ bậc nhất, cho đến tùy hỷ vô đẳng đẳng. Nếu Bồ tát vị lai sẽ tu hành sáu Ba-la-mật tương ưng với căn lành công đức thì con đều tùy hỷ, vì đó là sự tùy hỷ bậc nhất cho đến tùy hỷ vô đẳng đẳng.

Nếu các Bồ tát hiện tại đang tu hành sáu Ba-la-mật tương ưng với công đức, thì con đều tùy hỷ, vì đó là sự tùy hỷ bậc nhất, cho đến tùy hỷ vô đẳng đẳng; đối với công đức mà Như lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri trong quá khứ đã đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đã chuyển Pháp luân, vì làm lợi ích cho chúng sanh, vì làm an ổn cho chúng sanh, vì thương xót chúng sanh, đem nghĩa lý làm lợi ích cho chúng sanh và công đức của chư thiên, loài người, Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ tát đã tạo ra, con đều tùy hỷ. Đối với công đức mà Như Lai vị lai sẽ đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, sẽ chuyển Pháp luân, vì lợi ích của chúng sanh, vì làm an ổn cho chúng sanh, vì thương xót chúng sanh, đem nghĩa lý làm lợi ích cho chúng sanh và công đức chư thiên, loài người, Thanhvăn, Duyên-giác, Bồ tát, sẽ tạo ra, con đều tùy hỷ. Đối với công đức mà chư Phật hiện tại trong mười phương, đang đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đang chuyển Pháp luân, đang đốt đuốc pháp, đang đánh trống pháp, đang thổi loa pháp, đang dựng cờ pháp, đang dùng pháp thí làm cho chúng sanh được đầy đủ, làm lợi ích cho chúng sanh, làm an ổn cho chúng sanh, thương xót thế gian, đem nghĩa lí làm lợi ích cho tất cả người, trời, hoặc công đức mà hàng Thanh-văn, Duyên-giác, Đại thừa, đang tạo ra, con đều tùy hỷ, vì đó là sự tùy hỷ bậc nhất, cho đến tùy hỷ vô đẳng đẳng.

Nầy Xá Lợi Phất! Đây gọi là chứa nhóm tùy hỷ công đức. Với công đức tùy hỷ, nếu thiện nam, thiện nữ nào tu hành công đức nầy thì đạt được phước báo không thể tính đến, không thể lường.

Nầy Xá Lợi Phất! Nếu chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới cho đến chúng sanh trong các thế giới nhiều như các sông Hằng đều diệt tận các lậu thành A la hán, nếu có thiện nam thiện nữ nào trọn đời dùng bốn sự cúng dường, lại có thiện nam thiện nữ nào tùy hỷ công đức như thế thì công đức này hơn công đức cúng dường ấy vô lượng, vô biên. Vì vậy, nầy Xá Lợi Phất, nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng thì nên tùy hỷ. Nếu người nữ nào 3 muốn được thân nam thì nên tùy hỷ.

Bấy giờ, Trưởng lão Xá Lợi Phất bạch Phật:

– Thế Tôn đã nói tùy hỷ. Nếu vì ánh quang minh của Bồ tát ở hiện tại và vị lai thì nên khuyến thỉnh như thế nào?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất:

Nếu thiện nam, thiện nữ muốn đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, hoặc Thanh-văn thừa, hoặc Duyên-giác thừa, hoặc Đại thừa, hoặc chúng sanh khác thì ngày đêm sáu thời mặc áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, cung kính chấp tay, nói: “Con kính lễ tất cả chư Phật Thế Tôn. Chư Phật hiện tại ở mười phương đã đắc Vô thượng Chánh đẳng, Chánh Giác, đang Chuyển Pháp luân, con đã lễ lạy Đức Phật ấy. Hôm nay con thỉnh cầu chuyển Pháp luân. Xin chư Phật Thế Tôn chuyển Pháp luân, xin đốt đèn pháp, xin khai mở mắt pháp, xin đốt đuốc pháp, xin nổi mây pháp, xin thổi loa pháp, xin đánh trống pháp, xin dựng cờ pháp vì làm lợi ích cho chúng sanh, làm an ổn cho chúng sanh, vì thương xót thế gian, vì làm lợi ích cho tất cả trời, người”.

Nầy Xá Lợi Phất! Ngày đêm sáu thời, mặc áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, cung kính chấp tay nói: “Con kính lễ tất cả chư Phật Thế Tôn. Nếu chư Phật ở mười phương muốn vào Niết bàn, thì con sẽ kính thỉnh chư Phật ấy trụ lâu ở đời, vì lợi ích cho chúng sanh, an ổn chúng sanh, thương xót chúng sanh, dùng nghĩa lý làm lợi ích cho tất cả người, trời. Con vì Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng mà thực hành sự kính thỉnh nầy.

Nầy Xá Lợi Phất! Đây gọi là công đức khuyến thỉnh. Với công đức khuyến thỉnh nầy, công đức mà thiện nam, thiện nữ ấy đạt được không thể tính đếm, suy lường.

Nầy Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ trải đầy bảy báu cả Ba ngàn đại thiên thế giới để cúng dường Như Lai, so sánh, thì công đức của thiện nam, thiện nữ khuyến thỉnh đã nói trước vẫn hơn công đức nầy vô lượng vô biên.

Nầy Xá Lợi Phất! Nếu trải bảy báu đầy các thế giới nhiều như cát sông Hằng để cúng dường chư Như lai nếu so sánh, thì công đức khuyến thỉnh của thiện nam, thiện nữ trước, vẫn hơn công đức nầy vô lượng, vô biên. Khuyến thỉnh đấng Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng như vậy là sự khuyến thỉnh của ta.

Nầy Xá Lợi Phất! Đây gọi là công đức khuyến thỉnh với phước đức khuyến thỉnh này, nếu thiện nam, thiện nữ nào hiện đang khuyến thỉnh thì công đức chẳng thể suy lường. Vì sao? Nầy Xá Lợi Phất! Trước kia, ta tu hành hạnh Bồ đề, ta đã khuyến thỉnh chư Phật chuyển Pháp luân như vậy. Do công đức nầy ta đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Đế Thích, chủ thiên, chư thế giới Ta bà là Phạm Thiên Vương.v.v… cũng khuyến thỉnh ta chuyển Pháp luân, làm nhiều điều lợi ích an ổn cho thế gian, cho đến dùng nghĩa lý làm lợi ích cho tất cả Trời, Người.

Nầy Xá Lợi Phất! Trước kia Ta khuyến thỉnh chư Như lai vì muốn Chánh pháp trụ lâu ở đời. Ta vì căn lành công đức nầy mà đắc mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cọng, đắc bốn Biện tài vô ngại, đắc đại từ đại bi. Dù Ta đã nhập Niết bàn, nhưng pháp của Ta sẽ tồn tại lâu dài.

Bấy giờ, Trưởng lão Xá Lợi Phất bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ muốn đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, hoặc Thanh-văn thừa, hoặc Duyên-giác thừa, hoặc Đại thừa, hoặc chúng sanh khác, phải hành hồi hướng căn lành Nhất thiết trí như thế nào?

Khi ấy, Đức Phật bảo Xá Lợi Phất:

– Nếu Thiện nam, thiện nữ nào muốn đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, hoặc Thanh-văn thừa, hoặc Duyên-giác thừa, hoặc Đại thừa, hoặc chúng sanh khác, thì ngày đêm sáu thời, mặc áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, cung kính chấp tay, nói: “Những căn lành công đức mà con đã tạo được trong vô thỉ sanh tử, như hoặc đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, hoặc một người cho đến cho súc sanh một vắt cơm, hoặc sám hối, hoặc khuyến thỉnh, hoặc tùy hỷ, hoặc công đức quy y Tam bảo, thọ Giới, tất cả đều hợp lại hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Như chư Phật Thế Tôn dùng Hiện trí, Vô trước trí hồi hướng cho tất cả chúng sanh, con cũng như vậy, hồi hướng cho tất cả chúng sanh, như tay cầm ngọc báu bố thí cho tất cả, như mây rơi mưa xuống thấm nhuận không cùng, không giảm, sự giàu sang của chúng sanh không giảm, để công đức không giảm, pháp không giảm, trí tuệ không giảm, nhạo thuyết không giảm, vì đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng không giảm, để đắc Nhất thiết trí, con dùng công đức bố thí cho chúng sanh nầy, tất cả đều hợp lại hồi hướng về Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Nhờ căn lành nầy, nguyện làm cho tất cả chúng sanh cũng đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đắc Nhất thiết trí. Như chư Bồ tát trước đây vì Bồ đề mà tu hành căn lành, hồi hướng vì Nhất thiết trí, con cũng như vậy, hồi hướng vì Nhất thiết trí. Nhờ căn lành nầy con sẽ đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đắc Nhất thiết trí. Như chư Bồ tát vị lai, sẽ tu hành hồi hướng căn lành, vì Nhất thiết trí, con cũng như vậy, vì hồi hướng căn lành, vì Nhất thiết trí. Như chư bồ tát hiện tại, đang tu hành căn lành vì Nhất thiết trí, con cũng như vậy, hồi hướng căn lành vì Nhất thiết trí. Nhờ căn lành nầy, nguyện cho tất cả chúng sanh đều đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng , đắc Nhất thiết trí. Như đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước kia ngồi nơi cội cây Bồ đề trụ định vô cấu không thể nghĩ bàn, thu phục ma ác. Các pháp hiện hữu, có thể biết, có thể thấy, có thể rõ, vào lúc gần sáng, khi sao mai mọc, dùng nhất niệm tương ưng với tuệ hành, “diệt khổ đạo” chứng đắc “Đề hồ”, con cũng như vậy, tất cả chúng sanh học theo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như Như Lai Vô Lượng Quang Minh, Như Lai Thắng Quang Minh, Như Lai Thanh Tịnh Quang Minh, Như Lai Công đức Quang Minh, Như lai Sư Tử, Như Lai Bách Quang, Như Lai Cao Minh, Như lai Võng Quang, Như Lai Châu Quang, Như lai Hỏa Quang, Như Lai Quang Vương, Như Lai Trang Nghiêm, Như Lai Bảo Tràng, Như Lai Pháp Tràng, Như Lai Thắng Thân.v.v… Ứng Cúng Chánh Biến Tri và như chư Phật Thế Tôn khác đã đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đã chuyển Pháp luân, vì lợi ích cho nhiều chúng sanh, vì làm an ổn cho các chúng sanh, vì thương xót thế gian, cho đến dùng nghĩa lý làm lợi ích cho tất cả trời, người, con cũng như thế, vì tất cả chúng sanh mà đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng , sẽ chuyển Pháp luân, vì lợi ích cho nhiều chúng sanh, vì an ổn cho chúng sanh, vì thương xót thế gian, cho đến dùng nghĩa lý làm lợi ích tất cả người, trời.

Nầy Xá Lợi Phất! Đây gọi là công đức hồi hướng. Công đức nầy hơn công đức bố thí trước cả trăm phần, ngàn vạn ức phần, cho đến tính đếm, thí dụ cũng không thể sánh kịp.

Nầy Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam, thiện nữ thọ trì Kinh nầy, giảng nói cho mọi người, thì công đức đạt được vô số vô lượng.

Nầy Xá Lợi Phất! Nếu có người có thể khiến cho đủ loại chúng sanh ở ba ngàn đại thiên thế giới, trong khoảng một niệm đều được thân người, rồi lại có thể khiến cho đắc Bồ đề Duyên-giác, thường dùng bốn sự cúng dường, cúng dường cho mỗi Duyên-giác bảy báu như núi Tu Di, cứ như thế hằng ngày cho đến lúc vị ấy nhập Niết bàn, nhập Niết bàn rồi, dựng tháp bảy báu, dùng hoa hương cờ, lọng để cúng dường, thì nầy Xá Lợi Phất, theo ý ông thì sao? Thiện nam, thiện nữ ấy, đã đạt được công đức có nhiều chăng?

Xá Lợi Phất đáp:

– Bạch thế Tôn! Nhiều lắm! Bạch Thiện Thệ! Nhiều lắm!

– Nầy Xá Lợi Phất! Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì Kinh nầy thì công đức đạt được lại càng nhiều hơn công đức trên. Đem công đức này hồi hướng về Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng thì công đức nầy hơn công đức trước trăm phần, ngàn vạn ức phần, cho đến tính đếm, thí dụ cũng không thể kịp. Vì sao? Nầy Xá Lợi Phất! Vì thiện nam, thiện nữ tin Kinh nầy, khuyến thỉnh chư Phật khắp mười phương chuyển Pháp luân, như ta đã nói là pháp thí hơn tài thí.

Bấy giờ, bốn Chúng gồm một vạn người đều đứng dậy, sửa lại áo vai phải, gối phải sát đất, chấp tay hướng Phật, thưa:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ thọ trì Kinh nầy, giảng nói,cho mọi người họ sẽ tin theo. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì chúng con muốn đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Chúng con sẽ thành tựu căn lành như thế, pháp lành như thế.

Khi ấy, Thiên Vương Đế Thích dùng hoa trời rải cúng dường Thế Tôn và kinh pháp nầy, rồi bạch:

– Bạch Thế Tôn! Kinh nầy có công đức lớn vì làm tăng trưởng căn lành của các Bồ tát, vì diệt trừ nghiệp chướng.

Đức Phật bảo Đế Thích:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Kiều Thi Ca! Vì sao? Nầy Thiên Vương! Ta nhớ về vô số kiếp quá khứ, khi ấy có Đức Đại Quang Tụ Như lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời. Nầy Thiên Vương! Đại Quang Tụ Như lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri thọ sáu mươi tám ức tuổi, lần đầu tiên thuyết pháp có trăm ngàn vạn ức đệ tử. Tất cả họ đều là A-la-hán đã diệt tận các lậu. Thuyết pháp lần thứ hai, có chín mươi chín ngàn ức đệ tử, cũng đều diệt tận các lậu, đắc A-la-hán. Thuyết pháp lần thứ ba, có chín mươi tám ức trăm ngàn đệ tử, đoạn tận các lậu, đắc A-la-hán.

Nầy Thiên Vương! Đức Đại Quang Minh Tụ Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì tất cả thế gian, chư thiên, Phạm vương, Sa-môn, Bàla-môn nên trụ thế trải qua sáu mươi tám ức tuổi. Khi ấy, Thiên vương Đế Thích và bốn Chúng theo Như lai Quang Minh Tụ thọ trì Kinh nầy vì tạo nhiều lợi ích cho tất cả thế gian, vì thành tựu Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Lại có một thiên nữ tên là Kiệt-già-đà thọ trì Kinh nầy, phát tâm Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, lìa bỏ thân nữ được thân nam, thường sanh trong cõi người, trời, không trải qua đường ác, tám vạn bốn ngàn đời làm Chuyển luân vương.

Nầy Kiều Thi Ca! Theo ý ông thì sao? Đến nay người nữ Kiệtgià-đà kia đâu phải người nào khác mà đó chính là thân Ta. Thuở xưa, Ta ở trong ức trăm ngàn thế giới gặp vô số Phật đồng một hiệu là Như lai Quang Minh Tụ. Ở chỗ của những Phật ấy, Ta đều nghe Kinh nầy.

Nếu thiện nam, thiện nữ nào nghe danh hiệu đức Như lai nầy chắc chắn sẽ đắc Đại Bát Niết bàn. Nếu có người nữ nghe danh hiệu đức Như lai Quang Minh Tụ nầy thì sẽ chuyển thân nữ, khi tuổi thọ hết thì không có nghi ngờ, tán loạn, chẳng còn trở lại thọ thân nữ nữa.

Nầy Kiều Thi Ca! Đại công đức của Kinh nầy có thể thâu tóm căn lành của các Đại Bồ tát , có khả năng diệt trừ các nghiệp chướng ngại.

Bấy giờ, Đế Thích bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Kinh nầy tên gì? Và thọ trì thế nào?

Đức Phật bảo Đế Thích:

Nầy Kiều Thi Ca! Kinh nầy tên là “Diệt nghiệp chướng ngại”, ông nên thọ trì; cũng gọi là “Bồ tát tạng”, ông nên thọ trì; cũng gọi là “Đoạn nhất thiết nghi”, như vậy mà thọ trì.

Đức Phật giảng thuyết kinh này rồi, Thiên Vương Đế Thích và Trưởng lão Xá Lợi Phất, chúng Tỳ-kheo và các Bồ tát, trời, người, Atu-la, Càn-thát-bà, tất cả thế gian nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.