TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN
Hạnh Đoan
HƯƠNG THẦM BẰNG HỮU
“Chiều về nơi đầu ngỏ, ngang căn nhà màu trắng thấy ai đang trợn mình!”… Tôi muốn hát câu đó khi bắt gặp con nhỏ cứ đứng tựa cửa nhìn tôi. Mặt nó hách lạ! Cặp chân mày nửa hướng thiên nửa hướng địa nhướng nhướng đầy riễu cợt mỗi lúc nhãn quang nó chiếu vào tôi. và trước khi chấm dứt trò “chiêm ngưỡng” tôi, nó nhún vai một cái!…. Tôi không muốn nói là nó… rùng mình! Tôi chịu đựng cảnh trạng đó với một tâm tư ấm ức khá lâu, cho đến khi tôi bất thần toét miệng cười “đáp lễ” nhỏ theo đúng phương châm: “Tặng sự lễ độ cho kẻ hách dịch”… thì mọi chuyện bắt đầu đổi khác. Tôi hiểu ra rằng tất cả những gì nhỏ đối với tôi từ trước đến nay chỉ là sự giả trá, khi chiếc mặt nạ “quỷ quái” kia rơi xuống, tôi mới biết thế nào là hương vị ngọt ngào của tình bạn…
Con nhỏ tên Lan, nhà nó dọn đến khu phố này ở tạm chờ ngày xuất cảnh. Tôi thì trọ học nơi đây cũng chẳng lâu, nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi này đủ để chúng tôi thân nhau thắm thiết.
Ngày nhỏ, tôi không ưa con gái – dù tôi cũng là con gái! – Tôi cho rằng con gái là hiện thân của mọi tật tánh xấu xa, hẹp hòi và nhiều chuyện. Thêm vào đó, Mối tương giao giữa tôi và đám con gái không lấy gì làm êm đẹp, lòng tốt tôi dành cho “họ” luôn bị bạc đãi phũ phàng. Tôi sống và lớn lên với thành kiến đầy ắp trong đầu. Rồi tình cờ đọc ở đâu có câu: “Đàn bà và tiểu nhân là hai kẻ không nên gần, thân thì lờn, mà sơ thì… oán!”… Tôi gật gù thầm khen: “Chí lý!”. Rồi quyết định “đứng xa mà nhìn” bọn con gái, để giữ yên ổn cho mình.
Nhưng… tất cả thành kiến xấu về con gái chợt lung lay và sụp đổ hẳn khi trái tim tôi bị nghĩa cử của các cô bạn làm mềm đi. Nếu tôi đến với họ bằng sự cố chấp, thì họ đối với tôi bằng sự khoan dung; nếu lòng tôi đầy nhỏ nhen nghi kỵ thì các cô bạn tôi là hiện thân của sự hào phóng, chân tình! Lan cũng là một trong những người bạn gái khả ái đã góp công xô ngã bức tường “đen” trong đầu tôi. Dần dà, tôi khám phá ra rằng: phe ta có nhiều đức tính thật đáng yêu! Nếu bản chất của tình bạn là vị tha và hy sinh, thì các bạn tôi đã thể hiện trọn vẹn điều ấy, mà Lan là một trường hợp đơn cử điển hình…
Lan luôn luôn tìm cách làm vui lòng tôi. Sau nầy thân nhau rồi nhỏ mới thố lộ:
– Nghe mọi người nói nhiều về Bích, mình trêu, cố tình khiêu khích thử xem sao… chứ trong thâm tâm, mình khoái Bích từ khuya rồi!
Tôi cúi mặt cố giấu nụ cười khoái chí. Tôi giống như con mèo đã thu hết móng vuốt vào trong, chỉ còn lại dáng vẻ nhu mì bên ngoài để lừa thiên hạ. Không hiểu sao khi người ta khen những điều mình không có, tôi lại sướng phồng mũi? Và khi người ta chê những tật tánh mình, tôi lại căm ghét…? Có lẽ được khen, dù không đúng sự thật luôn làm mình dễ chịu hơn? Tôi sẽ thu băng những lời người ta tán tụng (thu bằng tâm não), tôi thề tôi sẽ xếp loại những kẻ dám coi thường, chê bai tôi là hạng “không có mắt”! và còn khuya tôi mới yêu được kẻ coi thường mình.
Tôi năng lui tới nhà Lan vì nhà nó toàn con gái. Lan là chị cả, sau nó còn hai đứa em. Lan rất có tài, còn nhỏ xíu mà nó đã biết kinh doanh lớn, tự lo cho bản thân và nuôi cả gia đình. Những ngày gần đi, dù rất bận, Lan càng quan tâm săn sóc tôi hơn như bù đắp cho lúc xa nhau. Tôi thích thứ gì là Lan tìm mua ngay, bất kể đắt, rẻ và đích thân nó xuống bếp làm bánh cho tôi ăn, dù nó nổi tiếng là chúa lười, ít khi nào chịu lăn vô bếp. Đôi khi ôm quà um sùm của nó, tôi tỏ vẻ ái ngại thì Lan hùng dũng nói:
– “Không phải kẻ nhận, mà chính người cho mới hạnh phúc”! – Và thưa bạn, tôi rất muốn cho nó được “hạnh phúc”…
Lan vừa đánh trứng làm bánh vừa hỏi tôi:
– Ê! Có thích làm bánh không? Không tập làm, mai mốt ta đi rồi ai làm cho ăn?
Tôi cười:
– Mình không có khiếu… Hồi nhỏ cô mình có dạy nhưng cô cứ bảo “khó lắm” nên mình không can đảm học!
Lan chu môi:
– Xời ơi! Dễ ợt! Lan làm được là Bích làm được. Đây nè! Bích cứ nhìn Lan làm, ăn chừng ba ổ bánh là Bích rành ngay!
Mà đúng thật, ăn tới…. ổ thứ ba, tôi biết làm bánh không thua kém gì Lan. Tôi thích kiểu dạy “tuyệt vời” của nó. Câu mở đầu “ dễ lắm” chính là nấc thang cho người ta tiến lên. Chả bù với cô tôi, cô đã hủy diệt “thiên tài” của tôi! Nếu không nhờ Lan khơi dậy, tôi cứ tưởng mình vụng về, có tai hại không chứ?!
Mẹ Lan là một phụ nữ không đẹp nhưng rất dịu dàng. Nhìn bà, tôi thấy câu “Dịu dàng là đức tánh của thánh nữ” quả rất đúng! Bà không bao giờ lớn tiếng la rầy ai, ngay cả lúc Lan làm ăn thất bại, Lan bị giựt hụi tưởng như khánh kiệt gia tài. Con bé hốc hác trông thấy, mẹ Lan ôn tồn khuyên:
– Đồng tiền mất còn kiếm được, nhưng sức khỏe thì khó tìm! Không nên buồn mà sinh bệnh… Có lúc “được” thì cũng có khi “ mất”, rồi mẹ sẽ gầy dựng lại giúp con, thua keo này ta bày keo khác, con ạ!
Những lúc ấy Lan dụi đầu vào ngực mẹ thủ thỉ:
– Con rất hạnh phúc vì được làm con của mẹ…
Lan đã nói thật lòng mình. Nó cho tôi biết nó chỉ là con nuôi, nhưng không bao giờ Lan có mặc cảm lạc loài. Ngay cả chính tôi còn có cảm giác như là người thân trong gia đình nó. Lan thường bảo tôi : “Kiếp sau mình làm chị em ruột đi!”
Tôi cười:
– Đợi gì đến kiếp sau? Mình đã là chị em rồi!
– Nhưng… nếu là chị em thật sự thì mình đã “bốc” Bích xuất cảnh theo được rồi, có đâu phải chia mỗi người một ngã thế này? – Lan phàn nàn.
Tôi không nghĩ như Lan. Tôi có rất nhiều chị em, không ruột thịt nhưng lại thân thiết vô ngần, nên tôi không bao giờ mơ ước một điều tự nó đã có sẵn. Cả nhà Lan không ai đẹp xuất sắc, nhưng tất cả đều tốt tính. Mẹ Lan thường bảo tôi:
– Bác không cần sinh con gái đẹp… Vừa thôi! Con gái đẹp thường hay khổ! Bác không muốn con mình khổ.
Thật vậy chăng? Chả lẽ có sự bất công thiên vị như thế của tạo hóa? Đành là trong các mối tương giao, tôi nhìn nhận đa số các cô gái không đẹp, tính nết rất dễ thương. Nết đầu tiên của họ là sự khiêm cung dịu dàng. Các cô thường nghĩ đến người nhiều hơn lo cho bản thân mình. Gia đình Lan là một chứng minh. Nếu như… mỹ nhân nào cũng có đức tính khả ái đó và không hề nghĩ đến chuyện làm khổ người khác thì chắc “ hồng nhan” cũng “hồng phận”? Sự “bạc phận” bắt nguồn từ trái tim bạc? Bạc từ trong bạc ra? Những tật tánh nào mình có sẽ hành hạ và làm khổ mình trước tiên, sau đó mới lan tỏa ra làm khổ lây đến người chung quanh. Phải vậy không?
Ngày chia tay Lan, tôi không khóc được. Những lá thư tôi viết cho Lan không thường xuyên, nhưng tình bạn chúng tôi mãi ngọt ngào, khó thể phai nhòa với thời gian. Những mối tương giao êm đềm của tình bằng hữu giúp tôi thấy rõ một điều: “Tìm bạn tốt không khó, mà chính mình biến thành bạn tốt mới khó. Và khó nhất là tha thứ được những cái xấu người ta đem đến cho mình”.
Tôi chợt nhận ra rằng: “Ai biết yêu thương và hy sinh, sẽ không bao giờ cô đơn” và “Ai sống hết lòng, hết tình vì người sẽ không bao giờ thiếu vắng bạn bè”.
(Đã đăng trên báo G-N 28/1996 dưới bút danh H.T.H)