HÒA THƯỢNG PHỔ QUANG
Hạnh Đoan Tuyển dịch
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

(Bài viết này do một pháp hữu cung cấp chia sẻ, dành riêng cho các bạn đạo tham khảo học hỏi.)

Hòa thượng sinh năm 1901, đến nay 2020 đã 119 tuổi

Hòa thượng sinh ra mới tám tháng thì cha mẹ đều qua đời, ngài được Hòa thượng đồng hương ở Thiếu Lâm Tự dưỡng nuôi đến lớn và truyền cho võ công Thiếu Lâm Tự và kinh chú.

Sư phụ ngài có một phương pháp truyền dạy rất độc đáo. Từ khi Hòa thượng Phổ Quang bắt đầu biết nói, thì Sư phụ chỉ dạy học thuộc, mà không dạy cho biết chữ. Sư phụ bắt ngài đọc thuộc chú Lăng Nghiêm ba câu một ngày, hễ thuộc ba câu rồi mới cho một bữa ăn, cứ thế ngài được Sư phụ dưỡng nuôi đến 15 tuổi. Rất nhiều kinh điển Phật giáo trọng yếu và chú ngữ cơ bản ngài đều thuộc. Mãi đến hiện tại bất kể là lúc nào, hễ khởi sự học thuộc lòng, là ngài luôn đọc thuộc không sai một từ.

Hòa thượng Phổ Quang được Sư phụ tuyển chọn từ trong nhóm tăng sĩ bé của Thiếu Lâm, xem như ngài được truyền tất cả tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Tự.

Bởi vì khi Sư phụ ngài huấn luyện các chú tiểu thì bé nào cũng hét lên đau đớn, chỉ duy có bé Phổ Quang là cười to, thế là Sư phụ bế Phổ Quang ra truyền dạy môn Đồng Tử Công.

Quá trình giảng dạy cũng rất đặc biệt, và việc luyện tập cũng rất gian khổ. Từ năm tuổi Phổ Quang đã phải đứng từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng, vì trong thời gian này mọi người đều ngủ xem như không khí sạch nhất. Sau 5 giờ, nếu có người thức dậy “vừa đổ nước tiểu, thì sẽ không luyện công được”.

Công phu Phổ Quang tập luyện được xem như đã đến mức thượng thừa. Cho tới bây giờ, ngài rất an định, kiện khang. Các động tác luôn chuẩn xác. Sư phụ đã dạy cho ngài tất cả 47 môn tuyệt kỹ của Thiếu Lâm, toàn bộ đều truyền cho ngài hết.

Năm 1927 trước khi qua đời, Sư phụ đã dặn dò ngài rằng: Dưới 60 tuổi con không được phép giao tiếp với bất kỳ ai. Tốt nhất là hãy đi vào thâm sơn tu hành cho giỏi và luyện tập chăm chỉ, bởi vì phụ nữ vốn là…tổ tiên của loài hổ. Họ mà…. cắn một cái sẽ khiến công phu tu hành của con ngắn lại 500 năm… còn người nam, nếu biết rằng con tài giỏi hơn thì họ sẽ hạ độc để hại con… “.

Thế là sau 22 tuổi, Hòa thượng Phổ Quang dẫn theo vị sư nhỏ hơn ông vài tuổi rời chùa Thiếu Lâm vào sống ở núi Trường Bạch. Vâng theo di ngôn Sư phụ, ngài tiếp tục tập luyện võ và tinh tấn thực hành pháp Phật. Khi ở núi Trường Bạch ngài đã khống chế những con hổ dữ và gấu ác chuyên ăn thịt người. Hòa thượng đã thuần hóa hổ dữ, cho nó ăn khoai tây nướng mỗi ngày, 8 năm sau đó con hổ chết. Hòa thượng đã siêu độ cho nó vãng sinh thiện đạo.

Tại thâm sơn, có những con vật như vượn trắng và đười ươi rất ngoan, chịu nghe Hòa thượng dạy. Chúng quy y Tam bảo, nhận việc canh cổng, vượn thì hái trái cây và tinh tinh kiếm củi cho ngài. Những khi Hòa thượng tụng kinh và đọc chú, các con vật này cũng ngoan ngoãn khấu đầu. Con khỉ đột cũng học được cách thổi lửa của ngài.

Hòa thượng nói: Những con thú hung dữ này đều làm quan lớn trong kiếp trước. Do sống tham nhũng, thất đức, mà đời này bị sinh vào kiếp thú. Mặc dù là thú, nhưng chúng vẫn còn thiện căn, cũng có uy thế lớn và phi thường hung dữ. Vì vậy dạy dỗ chúng không phải là chuyện dễ.

Hòa thượng nhân câu chuyện này khuyên dạy mọi người ngàn vạn lần không nên khởi tâm tham.

Sau đó, Hòa thượng nhận ra: Võ công dù cao mấy cũng không liễu đạo, hơn nữa rất dễ làm tổn thương người. (Hễ nhìn thấy việc bất bình thì ưa ra tay… nên kết quả là: Cứu một được người tốt nhưng có thể làm tổn hại trăm người xấu, vậy thì oan oan tương báo chừng nào mới hết?)…

Do vậy Hòa thượng quyết định không luyện võ nữa, từ đây ngài sống ẩn trong thâm sơn, không tiếp xúc với con người, để khỏi thấy chuyện bất bình.

Sau đó, nghe kể rằng núi Chung Nam là vùng đất chư vị sư tăng tu hành thành đạo, nên ngài quyết định sẽ đến núi Chung Nam để tu. Lúc đó, con đười ươi thấy ngài thu thập hành lý ra đi, nó ôm ngài khóc, không chịu lìa xa. Ngài thừa lúc con đười ươi đang ngủ, cầm thiền trượng và cà sa lặng lẽ rời đi.

Ngài và đồ đệ đi ròng rã trong mấy tháng, từ núi Trường Bạch đi bộ đến núi Chung Nam. Núi Chung Nam khắp nơi là những đỉnh cao dốc đứng cheo leo nguy hiểm, nên họ chưa tìm ra chỗ để trụ. Ngài phải ở tạm trong cái hang cọp.

Núi Chung Nam không giống như núi Trường Bạch, cây chỉ có lá, chứ không có loại cây cho quả trái vì đất không tốt. Cũng không thể trồng khoai như núi Trường Bạch để ăn đỡ đói, vùng này không có trái cây gì để ăn. Hai vị sư vẫn nhớ lời dạy của Sư phụ, nên không liên lạc tiếp xúc với người, mỗi ngày tĩnh tọa trong hang, mùa hè ăn lá cây, mùa đông ăn vỏ cây.

Rồi, 96 năm sau Hòa thượng đã chịu thu một đệ tử Tỳ kheo ni, (Sư phụ ngài đã dặn sau 90 tuổi mới thu đệ tử Tỳ kheo ni).

Ở trên núi không có lương thực thì cũng phải ăn lá cây. Cô vừa ăn thì ói. Hòa thượng cầm lá trong tay gia trì rồi đưa cho cô, bảo ăn đi sẽ không ói nữa. Cô hỏi là tại sao, thì ngài mỉm cười nói: Tất cả do tâm tạo!

Không thể ở mãi trong hang cọp, khi tạm quen với môi trường chung quanh rồi, Hòa thượng bắt đầu tìm một nơi thích hợp để ở. Ngài tìm tới tìm lui và phát hiện ra một hang động Quan Âm cổ ở độ cao hơn 3.000 mét. Theo ngài thì đây là nơi các vị tu hành chứng ngộ cư ngụ. Phong cảnh vô cùng ưu mỹ, có mây đẹp lơ lửng dưới chân, nhìn giống như cảnh thần tiên. Tuy có mấy mươi hộ dân sống dưới núi, nhưng không có đường dẫn lên núi.

Sau khi tìm thấy nơi này, hai vị sư già đã chuyển đến Quan Âm Cổ Động tu hành, ngoài việc ngồi thiền, hai vị sư già đã san phẳng đầu núi, lập nên vùng đất bằng. Trên vùng đất bằng phẳng này, hai nhà sư đã lấy đất trên đồi để xây dựng Đại hùng bảo điện, Viên Thông điện, còn xây nhà bếp và sáu mươi ngôi nhà đất, để mọi người có thể đến đây tu hành trong tương lai.

Bảo điện đã xong, Hòa thượng xuống núi (theo Tỳ kheo ni kể) lúc cô quy y Sư phụ, thấy Sư phụ lên xuống núi chỉ mất thời gian vài phút , và thậm chí bây giờ ngài đã tạo những bậc thang để đi rồi, nhưng người bình thường muốn lên xuống núi phải mất cả tiếng). Ngài mua đất tốt của nông dân vác lên núi tạo hình tượng phật và Bồ tát Quan Âm ngàn tay ngàn mắt.

Ba mươi hai bức tượng của Bồ tát Quan Âm được vẽ trên vách đất trong Viên Thông điện, bao gồm bốn tượng Tứ Thiên Vương v.v… từng hình đều do một tay Hòa thượng Phổ Quang đích thân vẽ. Ngài nói mình không có tiền mua hình treo, nên ngài xuống núi và bỏ ra 80 nhân dân tệ để mua màu và vẽ trên tường đất, ngài cũng không biết vẽ ra sao. Nhưng vừa nhắm mắt lại thì thấy hình dạng Bồ tát Quan Âm hiển hiện, tay tả cầm tịnh bình, ngài liền vẽ tịnh bình, thấy dưới chân Bồ tát có con rồng xanh thì ngài vẽ con rồng xanh. Bằng cách này, ngài đã hoàn thành việc trang trí trong Phật điện.

Tôi đã nhìn thấy những bức tượng Phật ngài tự nắn và tự vẽ, sự trang nghiêm phi thường của các bức tượng quả đáng kinh ngạc, thật khó mà tưởng tượng, tất cả đều được vẽ từ bàn tay võ thuật của ngài! Hòa thượng nói rằng ngài có thể làm mọi thứ trừ thợ mộc!

Trong quá trình xây dựng, Hòa thượng dần dần liên lạc với những nông dân dưới núi, nhưng ngài vẫn ăn lá và vỏ cây để sống, thuở giờ không hóa duyên. Theo lời ngài kể, nông dân vùng này rất nghèo, ăn còn không đủ, làm sao ngài đành lòng hướng họ hóa duyên?

Mặc dù cư dân ở Tây An này cũng quy y ngài, nhưng họ rất nghèo, chỉ có thể cúng dường ngài chút ít, Ngài nói: “Tôi tiêu một xu như là một trăm đô la… cho Đức Phật và Bồ tát.” Thuở giờ bản thân tôi không hưởng dụng gì. Khi ngài đi đến Tây An để mua đèn nhang, hành trình xuống núi đường xa, nhưng ngay cả một đồng năm xu mua vé ngài cũng không chịu bỏ ra, chỉ toàn lội bộ. Khi trời tối, ngài tạm biệt đồ đệ đi xuống núi. Vừa đi vừa trì xong 108 biến chú Lăng Nghiêm thì đến Tây An, trời cũng vừa sáng. Ngài nhặt thứ gì đó trên đường để ăn, rồi đi mua những thứ cần, mua xong thì lội bộ về, trời vừa tối, là ngài cũng về đến Quan Âm động.

Mặc dù Hòa thượng không luyện võ nữa, nhưng có rất nhiều người tìm đến xin thi đấu. Theo ngài kể, mặc dù mình không dám sử dụng hết bốn phần sức mạnh, chỉ dụng có ba phần, nhưng cũng làm nhiều người bị thương.

Tỳ kheo ni đồ đệ của ngài kể rằng: Có lần cô thấy một vị sư trẻ xưng là mình thuộc phái Hoa Sơn xin giao đấu với ngài. Nhưng Hòa thượng không chịu.

Kết quả ông tăng trẻ này cứ đứng trước mặt Hòa thượng chửi mãi. Hòa thượng bèn ra ngoài đứng cách xa ông tăng một trượng, ngài đưa tay hất một cái, thì vị tăng trẻ té xuống. May nhờ khinh công rất giỏi nên anh ta không bị bổ nhào, nhưng do bị một ngón tay hoà thượng đánh nên ông đã bị gãy xương sườn, và ngài phải băng bó chữa trị cho ông ta.

Ngoài những người đến đấu võ, cũng có nhiều người đến xin bái sư, nhưng Hòa thượng không dạy. Vì tâm họ xấu nên ngài không dám dạy, người tâm lành thì Hòa thượng bảo họ nên niệm Phật tu hành là tốt nhất, phải tu mau kẻo trễ.

Vị Tỳ kheo ni kể: Trên núi có một thanh niên là người Tây An đã tình nguyện đến công quả giúp Hòa thượng xây dựng. Hòa thượng luôn khen: Tiểu tử này rất tốt! Và ngài đã phá lệ dạy cho anh ta võ công tùy lúc tùy thời. Kết quả là chưa đầy ba tháng. Năm sáu viên gạch xếp đặt chồng lên lên nhau và chàng trai trẻ trước đây chưa bao giờ luyện võ đã có thể một tay chặt vỡ gạch.

Tùy theo kinh tế của đất nước chuyển tốt, mà Hòa thượng được cúng dường nhiều hơn trước. Trên núi ngài đã có thể an trí đặt thờ hàng chục tôn tượng Phật, và mở được con đường rộng bốn inch. Nhưng một số bức tường đất được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước đã sụp đổ như điện Viên Thông, nhà bếp, v.v…

Hai vị sư già giờ đã đến tuổi 100. Mặc dù họ vẫn cố gắng làm việc, nhưng không có tiền để mua gạch, họ phải tự xẻ đá và biến điện thờ bùn đất thành thạch điện. Hòa thượng muốn biến tất cả các ngôi điện đường bằng đất thành những ngôi nhà gạch đá kiên cố, ngài nói: Như vậy dù tôi có ở đây hay không, chỉ cần có đạo tràng là sẽ có người ở đây tiếp tục tu hành.

Trong thời kỳ này, răng của ngài đã rụng ba lần và mọc mới ba lần. Nghe nói ngài có 36 chiếc răng. Hiện tại mọc rất đều đặn chỉnh tề.

Hòa thượng xưa nay chưa từng đánh răng, vậy mà răng vẫn sạch sẽ không có mùi hôi và chẳng bị ố vàng, vừa đến nơi Hòa thượng cư ngụ thì đã nghe mùi thơm đàn hương xông nức mũi, nhưng cơ bản là Hòa thượng không tắm, không rửa mặt, không rửa tay, rửa chân chi… nhưng ngài không bao giờ có mùi hôi như người thế tục.

Áo cũ vẫn tỏa hương thơm nức mũi, ai cũng nghe. Ngay cả những chiếc khăn lông ngài lau mồ hôi cũng thơm phưng phức. Khi có ai yêu cầu ngài gia trì chuỗi hạt cho họ, ngài bèn cầm chuỗi dùng tay xoa xoa, thì lập tức chuỗi thơm nồng mùi đàn hương.

Có lần tôi hỏi tại sao ngài thơm như vậy? Hòa thượng mỉm cười bảo: AI CÓ THỂ TỤNG CHÚ LĂNG NGHIÊM 108 BIẾN TRONG MỘT NGÀY, CŨNG SẼ THƠM NHƯ VẬY.

Hòa thượng không biết chữ và chưa quen với xã hội hiện đại này. Tính tình hào sảng, ngây thơ, hiền hòa chất phác, giống như trẻ nít. Ngài sợ nóng nực, nên bình thường chỉ thường chỉ mặc một chiếc áo và luôn đổ mồ hôi. Có lúc cao hứng còn để người quen nhìn thấy cơ bắp cuồn cuộn của ngài. Đúng là chỗ nào cũng cứng như đồng. Mấy thanh niên còn bẻ cong không nổi ngón tay của ngài.

Làm sao mà cơ thể chỉ ăn cải trắng và đậu phụ lại có được cơ bắp như vậy chứ? Quả thực ngài đã khiến những người không hiểu Pháp khó mà tin được, và một cơ thể cứng như vậy lại có có thể ngồi xếp bằng tĩnh toạ thực hay.

Sau khi đến Bắc Kinh, nhiều cư sĩ thưa Hòa thượng rằng: “Khi đến Bắc Kinh ngài phải rửa tay vì Bắc Kinh không được như Quan Âm Cổ Động, do khắp nơi đều phun thuốc trừ sâu, nếu không rửa tay sẽ rất dễ bị ung thư “.

Nhưng Hòa thượng không có ý muốn rửa tay. Các cư sĩ cũng sắp xếp cho ngài đi tắm nước nóng và ngâm chân. Ngài làm theo ý họ. Nhưng sau này, khi các cư sĩ mời ngài đi tắm, ngài nói không muốn tắm, vì tắm tuy có thú vị nhưng cũng chả thấy thoải mái.

Hòa thượng ăn rất đơn giản. Ngài ưa bắp cải, đậu phụ, chỉ thêm dầu ăn và muối vào. Còn những mùi vị khác ngài đều không ăn. Đồ có chút vị tanh cũng không ăn, kể cả sữa bò cũng không dùng. Nhưng ngài chịu uống trà.

Tại Bắc Kinh ban ngày Hòa thượng tiếp các cư sĩ, còn ban đêm vừa đi vừa tụng 108 biến chú Lăng Nghiêm. Mỗi ngày chỉ ngủ hơn một tiếng, thật khiến người ngưỡng mộ vô cùng.

Chuyện của Hòa thượng Phổ Quang, kể ra giống như chuyện thần thoại, nhưng nếu bạn được tận mắt chứng kiến thì sẽ tin là thực có người như vậy. Nếu có cơ hội, mọi người hãy đến thân cận ngài và tự cảm nhận.

Ngài rất được các vị sư đạo hạnh nổi danh hiện đại ca ngợi, khâm phục.

Chuyện tu hành Phật pháp giống như chèo thuyền ngược nước, nếu bạn không tiến lên thì ắt phải lùi.

Lời người dịch:

Khi bạn thấy trì chú Lăng Nghiêm được thơm tho và vô số linh diệu, đừng tưởng dễ nhé. Người tụng phải giữ giới nghiêm nhặt, đoạn dục khử ái, tâm luôn từ hoà thanh tịnh, buông hết tình chấp, trì ròng rả đạt được Lăng Nghiêm tam muội mới là thành công.

Nhưng chú Lăng Nghiêm là pháp bảo vi diệu, như ngài Tuyên Hoá nói chỉ người có phúc lớn mới gặp và có thể trì tụng.

Chúc quý vị đều được ích lợi khi đọc bài dịch này