[vc_row row_padd=”no-padding”][/vc_row][vc_column][/vc_column][vc_custom_heading text=”TRANG 3″ font_container=”tag:h2|text_align:center|color:%23c98600″ google_fonts=”font_family:Roboto%3A100%2C100italic%2C300%2C300italic%2Cregular%2Citalic%2C500%2C500italic%2C700%2C700italic%2C900%2C900italic|font_style:900%20bold%20regular%3A900%3Anormal”]
Tào Khê
Vào đời Lương, có một vị Phạm Tăng từ Ấn Ðộ sang, pháp hiệu là tam tạng pháp sư Trí Dược. Vị Phạm Tăng này đã từng nói với dân chúng địa phương vùng Tào Khê: “Nơi đây phải nên kiến lập một ngôi phạm sát. Trong vòng một trăm sáu mươi năm, sẽ có nhục thân Bồ Tát đến đây hoằng pháp. Các vị hãy nên hậu đãi vị đó.”
Ngôi chùa được xây sớm nhất vào thời đó là chùa Bảo Lâm. Minh triều sơ niên, chùa Bảo Lâm được gọi là chùa Nam Hoa.
Tào Khê tuy là Tổ Ðình của Thiền tông, nhưng sau đời tổ Huệ Năng, Thiền tông phân thành năm phái. Tự viện tại Tào Khê dần dần bị bỏ hoang. Tự viện tuy lớn, nhưng đa số không có tăng sĩ cư trú, duy chỉ có thầy phương trượng và vị hương đăng lo việc hương khói. Không lạ gì việc dân chúng đến chiếm cứ phòng ốc đất đai mà tăng sĩ không ai có thể quản chế. Trước khi Ngài đến, tại Tào Khê, bên ngoài tuy còn hình dáng chùa chiền, nhưng nội dung bên trong lại biến thái thậm tệ.
Ðất đai chung quanh chùa được tăng sĩ khai khẩn trồng trọt cày cấy và họ không trú trong tự viện mà thường sống bên ngoài nông trại như dân thường. Ðến niên hiệu Hoằng Chánh, dân chúng bị nạn hạn hán thất mùa ở những nơi khác, tìm đến lập nghiệp tại Tào Khê. Họ bắt đầu làm thuê và sống chung với tăng sĩ. Tăng sĩ cũng làm ăn như dân dã. Thế nên, dần dà không biết tài sản điền địa ở đó thuộc về ai, tăng sĩ hay cư dân. Chu vi chùa Nam Hoa từ từ bị dân chúng chiếm lấy để xây dựng nhà cửa, mở mang chợ búa. Thế nên, Tào Khê không còn là đạo tràng thanh tịnh của Phật, Tổ như xưa.
Ðến đời của ngài Hám Sơn, Tào Khê không còn là linh địa của Thiền tông. Tự viện nơi đó biến thành nhà cửa làng xóm chợ búa của dân thường. Tăng sĩ thường bị dân chúng khinh khi. Nhìn thấy cảnh trạng đó, Ngài rất đau lòng chua xót. Lần đầu đến Tào Khê, Ngài tự nhủ là sẽ quyết tâm trùng tu, khôi phục lại ngôi Tổ Ðình.
Lần thứ hai đến Tào Khê vào năm năm mươi sáu tuổi, Ngài miêu tả Tào Khê như sau: “Thấy phía Ðông chùa có bọn du đãng tụ tập tại sơn môn, mở quán rượu thịt, thật rất bẩn thỉu. Việc này đã kéo dài hơn một trăm năm. Trong và ngoài chùa đều dơ bẩn. Ngọn núi xây tháp thờ Tổ Sư bị các băng đảng chiếm làm nghĩa địa. Ðất của tăng chúng bị phân chia. Các du đãng lập kế thông đồng với các địa chủ bên ngoài, đánh lừa và dọa nạt, khiến những vị tăng còn lại trong chùa không dám thưa kiện. Các địa chủ trong vùng dùng thủ đoạn xảo thuật xâm chiếm tài sản điền địa của tăng sĩ. Họ còn thông đồng với quan lại địa phương để đuổi các tăng sĩ ra khỏi núi.”
Ðến Tào Khê, nhìn thấy hiện trạng suy đồi này, Ngài tự nghĩ là một mình không có cách gì để phục hưng lại Tổ đình Thiền tông. Vì thế, Ngài chỉ còn cách là đi cầu sự giúp đỡ của quan triều. Trong quan phủ có nhiều vị tin tưởng Phật pháp, nên rất thương hại cho tăng sĩ. Các đại quan như Trần Ðại Liệu, Chu Hải Môn, Chúc Tinh Tồn, Ðái Diệu đều hy vọng là Ngài sẽ chấn chỉnh lại linh khí Tào Khê. Quan sử Nam Thiều Chúc Tinh Tồn rất có cảm tình với Tào Khê. Khi Ngài vào núi chấn chỉnh đạo tràng Tào Khê, ông giúp đỡ nhiệt tình.
Sau khi Ngài giải nạn cho đại tướng quân, thống đốc Ðái Diệu thấy Ngài là một người rất có tài cán, nên thiết đãi Ngài trọng hậu hầu mong Ngài sẽ phục vụ và giúp đỡ ông ta giải quyết những vấn đề khó khăn. Do Ngài muốn ẩn cư tu hành, không thích giao du qua lại mật thiết với quan lại vì sợ sẽ tự chiêu họa, nên từ chối lời thỉnh mời của Ðái Diệu. Lần này Ngài đến nhờ sự giúp đỡ, ông ta lập tức hạ lịnh cho quan huyện địa phương tự thân dẫn quân đến Tào Khê. Trong vòng ba ngày, cư dân du đãng cưỡng chiếm đất đai điền sản của chùa đều dời đi nơi khác. Từ đó, tăng chúng trong chùa Nam Hoa tại Tào Khê dọn dẹp sạch sẽ tất cả dơ bẩn tích tụ trong bao năm.
Sau đó, Ngài liền sửa sang quán rượu thịt lại thành tịnh xá cho khách lên núi lễ Phật nghỉ ngơi. Nơi phía đông chùa, Ngài lập lữ quán cho quan lại lên núi nghỉ chân. Từ từ, Ngài trùng hưng chấn chỉnh lại đạo tràng Phật Tổ.
Biết Ngài đã chấn chỉnh xong Tào Khê, thống đốc Ðái Diệu thiết đãi buổi cơm chay và cùng Ngài đàm luận. Thống đốc bảo: “Tôi đã giúp Ngài dọn dẹp sạch sẽ rác rưới tại Tào Khê rồi. Trước mắt sanh linh đang bị lầm than. Xin Ngài hãy từ bi cứu hộ.”
Ngài hỏi: “Việc gì thế?”
Thống đốc nói: “Ðại Sư có biết hoàng thượng phái quan sử đến đây trông coi việc mò ngọc trai không?”
Ngài đáp: “Vâng, ai ai cũng biết hoàng thượng phái quan sử đến đây trông coi việc mò ngọc trai. Không biết đại nhân muốn chỉ giáo điều gì?”
Thống đốc nói: “Việc thứ nhất là thuyền bè mò ngọc trai có hàng ngàn chiếc. Song, những người lợi dụng hành nghề mò ngọc trai trên những chiếc thuyền này vốn là hải tặc; chúng giết người cướp của trên biển cả, gây bao việc hung ác. Hiện tại, những chiếc thuyền này lợi dụng việc cho phép mò ngọc trai của triều đình, nên lại hoành hành hơn trước. Ngày không mò ngọc trai, chúng không trở về nhà mà ở trên biển hoành hành cướp bóc, không coi pháp luật ra gì. Quan quân cũng không có biện pháp gì để ngăn chận. Ngư phủ trong vùng không dám ra biển đánh cá.
Việc thứ hai là nhiều quặng mỏ bị đào xới. Các thợ đào mỏ rất hung hăng. Những ngôi mộ bị đào xới và nhà cửa dân chúng bị phá vỡ. Mọi nơi, dân chúng đều là nạn nhân của những sự phá hoại này. Họ không thể sống an lành được. Vậy phải làm thế nào?”
Ngài đáp: “Những việc này không phải giải quyết dễ dàng.”
Duyên lành may mắn, quan họ Lê trông coi việc mò ngọc trai và đào mỏ lại là Phật tử có tín tâm. Nghe tin Ngài đang trùng hưng pháp đường tại Tào Khê, ông ta đến đó lễ bái nhục thân Lục Tổ và lưu lại chùa vài ngày để nghe giảng kinh thuyết pháp. Nhân dịp này, Ngài khuyến khích ông ta cúng dường tiền để trùng hưng lại Tổ Ðường. Quan họ Lê đáp ứng rất nhiệt tình. Ngài cùng ông ta đàm luận cả vài ngày. Hôm nọ, biết thời cơ đã chín mùi, Ngài bảo: “Bần tăng có việc rất khó giải quyết, không biết đại nhân có thể giúp được không?”
Ông đáp: “Xin Ðại Sư cứ nói.”
Ngài bảo: “Bần tăng nghe nói những chiếc thuyền mò ngọc trai khi hết hạn lại không chịu trở về bến mà ở tại biển hoành hành cướp bóc. Ðối với việc này, đại nhân có biết đến chăng?”
Ông hỏi: “Ðại sư ở tại chùa thì làm sao biết đến những việc này?”
Ngài đáp: “Hiện tại bá tánh đang khổ sở vì bọn hải tặc hoành hành. Dân chúng ta thán oán hận đằng đằng. Chư Phật từ bi, làm sao không biết đến?”
Ông nói: “Việc mò ngọc trai là ý chỉ của hoàng thượng. Nếu như dân chúng có oán trách, tại hạ cũng không cách gì để giải quyết.”
Ngài nói: “Bần tăng có lời đề nghị là xin đại nhân hãy ra lịnh cho những chiếc thuyền mò ngọc trai phải trở về bến sau khi đã mãn hạn. Ngược lại, nếu ở trên biển quá thời hạn thì phải bị triều đình trừng phạt. Việc này đâu có trái ngược với thánh chỉ của hoàng thượng!”
Ông trầm ngâm một chút rồi nói: “Ðại sư còn việc gì nữa, xin hãy nói ra!”
Ngài bảo: “Việc đào mỏ lại thường nhiễu nhương dân chúng thái quá. Xin đại nhân hãy ra lịnh ngưng đào xới hầm mỏ tại nhà cửa và phần mộ của dân chúng và trả lại đất đai cho họ. Công đức này sánh bằng bố thí ngàn muôn lượng vàng, tu tạo hàng trăm chùa viện.”
Nghe lời phân trần của Ngài, quan sử họ Lê hạ lịnh giám sát và gia hạn thời gian cho các chiếc thuyền mò ngọc trai và ngưng việc đào xói nhà cửa dân chúng. Sau việc này, thống đốc Ðái Diệu rất cảm kích công ơn của Ngài, nên qua lại rất thân mật. Ông trở thành một vị đại hộ pháp, luôn trợ giúp Ngài trong công việc khai núi kiến tự, đào suối sửa đường, tuyển tăng thọ giới, khai đường thu đệ tử tại Tào Khê. Trong vòng một năm, Ngài an tâm ở lại Tào Khê, phục hưng thanh thế đạo tràng Thiền tông.
Tại Tào Khê, Ngài khai khẩn đất hoang, sửa đổi phong thủy của đường lộ, (theo ý Ngài thì sự suy đồi của Thiền tông tại Tào Khê một phần do sự mất đi hình thể chính của núi. Vì thế, Ngài sửa chữa lại đường lộ để bảo tồn linh khí của núi, tức hình thể Long Tượng), tuyển trạch tăng sĩ, lập đàn truyền giới, mở trường nghĩa học (trường học miễn phí), nuôi dưỡng Sa Di, thiết lập thanh quy, kiểm tra thuế má đất đai cho mướn, lấy lại tài sản cho tăng chúng, thâu hồi đất đai bị chiếm mất. Tất cả công việc được hoàn tất trong vòng một năm.
Năm 1602, sắp xếp công việc trùng hưng chùa chiền xong xuôi, bước kế là Ngài tuyển chọn đệ tử. Có chùa tức phải có tăng. Thế nên Ngài tuyển chọn tăng chúng trên hai mươi tuổi và dưới bốn mươi tuổi. Ngài cũng quy định tăng chúng mỗi ngày bốn thời công phu tụng kinh, niệm Phật, bái sám. Song, có một số tăng sĩ tuy cắt tóc vào chùa, nhưng trong tâm lại không muốn tu hành, nên không biết ý nghĩa xuất gia là gì, chỉ thích làm nghề cày cấy. Hầu mong giúp họ hiểu rõ Phật pháp, Ngài cố ra công sức dạy dỗ, nhưng thật rất khó. Ngài lại mời các nhà nho như Lương Tứ Tương, Long Chương v.v… đến dạy tứ thư, đạo lý làm người cho các chú tiểu, từ tám tuổi đến hai mươi tuổi. Sau ba năm học tập, những chú tiểu này chính thức xuất gia, trở thành đệ tử của chùa Nam Hoa.
Năm 1603, vào tháng mười một vì sự liên hệ với Ngài và vụ án Yêu Thư tại Bắc Kinh, Thiền Sư Ðạt Quán bị bắt bỏ tù. Khi xưa, biết không thể trốn thoát hình phạt, Ngài yên tâm chờ đợi lịnh xử án. Nhờ hoàng đế khoan hồng, nên Ngài thoát chết và được giải vào vào Nam.
* Lời bàn của Phước Chưng *:
Năm đó, Thiền Sư Ðạt Quán ngồi Thiền nhập định mà qua đời trong ngục tù. Trong quyển tự thuật ngài Hám Sơn không nhắc đến sự kiện này. Song, vài năm sau lúc tham dự buổi lễ trà tỳ nhục thân Thiền Sư Ðạt Quán, Ngài có viết rất nhiều bài kệ tán thán vị pháp hữu của mình và được khắc ghi trên mộ bia.
Năm 1604, vào tháng giêng, vì việc của Thiền Sư Ðạt Quán, triều đình ban lịnh cho cho quan địa phương đưa Ngài về viện thẩm phán. Ngài theo lịnh triều đình, rời Tào Khê để trở về Lôi Châu. Ngài nhớ lời của Thiền Sư Ðạt Quán: “Kinh Lăng Nghiêm thuyết về nhân quả trong bảy loài, nhưng chưa có sách vở thế gian nào giải thích hết.”
Khi đó, Ngài đáp: “Truyện Xuân Thu bàn về nhân quả rõ ràng.”
Sau này Ngài viết quyển “Xuân Thu Tả Thị Tâm Pháp.” (Trong quyển sách này, Ngài nhắc nhở gián tiếp nhà vua đương thời về việc ảnh hưởng tai hại lòng tin ngu muội vào các cung tần, mỹ nữ của các triều vua trước. Những cung tần mỹ nữ này là một trong những nguyên nhân chính làm sụp đổ triều đình).
Năm 1605, vào tháng ba Ngài vượt biển đến đảo Hải Nam, nơi vùng đất tận cùng về phía nam của Minh triều. Từ xưa đến nay, đảo Hải Nam vốn là nơi lưu trú của những quan lại, tướng sĩ, học giả, đạo sĩ, tăng sĩ bất đồng chánh kiến với triều đình. Xưa kia, Tô Ðông Pha vì bất đồng ý kiến với các đại thần trong triều nên bị bãi chức và đày ra đảo Hải Nam lúc sáu mươi tuổi. Tuy cách xa cả năm trăm năm, nhưng tâm tình và hoàn cảnh của Ngài thật giống với Tô Ðông Pha. Song, so với Tô Ðông Pha, Ngài có phần phước nhiều hơn vì không bị triều đình bức bách quá đáng.
Ngài đến thăm am Quán Lang của Tô Ðông Pha và suối Bạch Long. Ngài tìm kiếm di tích của Thiền Sư Giác Phạm nhưng không được. Ngài trú tại tháp viện Minh Xương và viết lời tựa cho quyển “Xuân Thu Tả Thị Tâm Pháp”. Ngài đến núi Danh Sơn, viết quyển “Quỳnh Hải Thám Kỳ Ký”, tức quyển sách tham tầm đảo Hải Nam, và quyển “Kim Túc Tuyền Ký”, tức quyển ký sự dòng suối gạo vàng. Tại Quỳnh Châu, vào một đêm nọ, Ngài ra Quận Thành ngắm cảnh trăng khuya, nhưng đột nhiên cảm thấy có điều chi lạ lùng. Ngài phát hiện núi non suối ngàn lặng lẽ mà trong thành dường như không có bóng người, duy chỉ có phía tây của Quận Thành là còn chút sinh khí. Do đó, Ngài bảo các đệ tử: “Quỳnh Thành trong tương lai sẽ có thiên tai hoạn nạn. Phải mau lễ sám cầu an.”
Dân chúng trong vùng cho đó là lời huyễn hoặc nên không màng đến. Sau khi vượt biển Hải Nam trở vào đất liền khoảng nửa tháng thì một trận động đất lớn xảy ra tại Quỳnh Châu. Tất cả nhà cửa phòng ốc phía đông Quận Thành cùng cách tường và cổng thành đều bị hủy hoại. Tháp Minh Xương bị đổ sụp. Căn nhà Ngài ở khi trước, cũng bị đổ nát tan tành.
Trước đó, khi sắp trở vào đất liền tuy được các quan dân sĩ phu trong vùng cố lưu giữ, nhưng Ngài không dám ở lại. Nếu không đi, thì chắc thân Ngài đã thành tro bụi rồi. Sau trận động đất, lòng tin tưởng của họ đối với Ngài thực rất sâu đậm. Khi lênh đênh trên vịnh Hải Nam để vào đất liền, Ngài có dịp ngắm cảnh Quỳnh Hải. Ðảo Hải Nam là một trong những hòn đảo lớn nhất của nước Tàu.
Tháng tư, thống đốc họ Ðái ra lịnh cho Ngài trở về Ngũ Dương.
Tháng bảy, Ngài trở lại Tào Khê, tiếp tục công trình trùng tu chùa. Khi Ngài rời Tào Khê, những phòng ốc cũ đã được phá hủy và đang được xây dựng lại. Lúc trở về, công trình trùng tu chùa chiền đã xong khoảng bảy mươi phần trăm. Tiền công và vật liệu tốn khoảng vài ngàn đồng vàng. Số tiền này đều do Ngài đi hóa duyên mà được. Song cũng chưa đủ, nên Ngài khuyến khích hai vị quan nội sử cúng dường. Số tiền cúng dường được trả tiền nợ và cũng dùng để sửa chữa am Trường Xuân ở Ngũ Dương, làm nơi thu nhận tiền cúng dường xây dựng chùa Nam Hoa ở Tào Khê.
Tháng mười, hai thị giả Quảng Ích và Quảng Nhiếp xuất gia.
Ðược Trả Tự Do
Năm 1606, vào tháng ba, Ngài vượt Ðại Nhạn đến Nam Châu, thăm Ðinh Hữu Võ. Ngài đến yết kiến tướng quốc Trương Hồng Dương. Năm xưa, lúc Ngài đang bị nạn ở Bắc Kinh, tướng quốc Trương Hồng Dương đang trú tại Á Tương. Vừa nghe tin Ngài bị nạn cùng biết rõ sự tình, Trương Hồng Dương liền nỗ lực giải cứu Ngài, nhưng không thành công. Thế nên, Ngài rất cảm kích ân tình của ông ta. Biết được ông đã từ quan về hưu, nên nay Ngài đến viếng thăm ông tại nhà, cách Tào Khê không xa mấy. Gặp lại Ngài, ông rất vui mừng và mời Ngài cùng chư đệ tử đến dùng buổi cơm chay tại lữ quán Vân Lâu trên sông. Ông cũng mời các danh sĩ trong vùng đến dự buổi cơm chay đó. Trong khi dùng cơm, ông bảo: “Ai ai cũng biết ngài Hám Sơn là vị đại thiện tri thức, nhưng lại không biết Ngài có công lao rất to lớn đối với sơn hà xã tắc (Trương Hồng Dương muốn nhắc về việc Ngài chuyển đổi pháp hội Vô Giá thành pháp hội cầu Thái Tử cho triều đình).
Nghe thế, mọi người liền hỏi ông ta sự việc. Ông liền kể hết tự sự như công lao cầu thái tử của Ngài. Ðương thời chỉ có một mình ông ta là dám luận nghị việc này. Dân dã nếu ai dám bàn luận việc này thì sẽ bị họa nạn, nếu triều đình biết được. Nhờ vậy, không khí trong buổi cơm chay hoàn toàn thay đổi.
Sau đó, Ngài trở về Tào Khê. Trên đường, Ngài ghé qua Văn Giang, thăm đại quan họ Châu, rồi ở lại nơi đó vài ngày. Ngài lại đến Chương Cống, thăm tướng quân Trần Nhị Sư. Nơi đó, Ngài được ông ta giữ lại tại đại bản doanh vài ngày. Trong tháng đó, Ngài bị bịnh nhưng cũng viết được mười hai bài kệ. Sau đó, Ngài trở về Tào Khê.
Vào tháng tám, trở về Tào Khê chẳng bao lâu, Ngài nghe tin thái tử Chu Thường Lạc sanh hạ một hoàng tôn. Thế nên nhà Minh ban lệnh đại xá phạm nhân. Các phạm nhân già yếu bịnh hoạn được ân xá. Các phạm nhân bị hàm oan, vu khống có thể cầu biện minh để được phóng thích. Vì thuộc hạng thứ hai, Ngài đến trình tại tại đại bản doanh. Sau khi chấp nhận lời biện minh, họ chuyển Ngài đến chính quyền địa phương ở Lôi Châu để xét xử. Nơi đó, phán quan ra lịnh phóng thích Ngài. Từ đó, Ngài không còn bị giám sát bởi quan quân, tức công khai đăng đàn giảng kinh, thuyết pháp.
Tại Tào Khê, Ngài viết rất nhiều thơ, văn, ký thuật. Trong đó có bài ‘Văn viết về thị giả Linh Thông và giới uống rượu.’
Theo truyền thuyết, thị giả Linh Thông vốn là hoàng tử của nước Ba Tư. Vì nghe oai danh đức độ của Lục Tổ Huệ Năng, vua nước Ba Tư sai ông cùng với năm vị đại thần qua Tàu cung thỉnh Lục Tổ đến quốc gia họ để truyền pháp. Vì đường xá xa xôi, Lục Tổ không thể đáp lời thỉnh nguyện đó. Thế nên, do muốn tu học, hoàng tử không trở về nước mà trú tại vùng phụ cận, rồi phát nguyện quy y và làm thị giả cho Lục Tổ. Ðối với Phật pháp, thị giả Linh Thông rất chân thành khẩn thiết tu học, nhưng ngặt một việc là thích uống rượu. Lục Tổ biết việc này, nhưng không trách cứ ông ta. Sau khi chết, ông được mai táng tại vùng. Biết ông hoàng tử nước Ba Tư này rất thành tâm kính phục Lục Tổ, có một vị tăng dùng đồng để đúc hình tượng ông ta và để kế bên nhục thân Lục Tổ. Tượng đồng đó giống hệt hình tượng của ông lúc còn sống. Bên trên, cũng có cái mũ mà ông thường đội. Bên dưới có cái bát mà ông thường dùng để uống rượu. Lạ thay, sau khi tạo tượng, qua ngày thứ hai, rượu ở trong bát của ông ta chợt biến thành nước, và cái mũ lại lệch qua một bên. Dân chúng trong vùng thấy thế cho là hoàng tử hiển linh biến dị.
Khi đến Tào Khê, việc thị giả Linh Thông hiển hiện uống rượu rất bất lợi cho công cuộc chấn hưng giới pháp của Ngài. Thế nên, Ngài viết bài văn về ‘thị giả Linh Thông và giới uống rượu’, để răn nhắc những tăng sĩ đam mê rượu chè. Từ đó, họ chân thành tiếp thọ lời giảng dạy của Ngài về giới luật.
Năm 1607, vào tháng ba Ngài xin trở về quê quán, nhưng quan môn lại ra lịnh cho quan ở Thiều Châu đưa Ngài trở lại Tào Khê. Thời gian trụ ở núi, Ngài giảng kinh thuyết pháp cho các đệ tử. Năm đó, Ngài hoàn tất chú giải quyển Ðạo Ðức Kinh.
Lúc nhỏ, Ngài đã đọc qua quyển Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử, nhưng lời văn lại cổ xưa, ý nghĩa thâm sâu. Tuy nhiên, sau này Ngài đã nghiên cứu kỹ càng và hiểu rõ ý chỉ. Vì các đệ tử cư sĩ thường thỉnh cầu Ngài chú giải quyển Ðạo Ðức Kinh này, Ngài cũng nghĩ đến chuyện đó. Ngài bắt đầu chú giải quyển Ðạo Ðức Kinh vào năm bốn mươi bảy tuổi. Mỗi khi tham tầm nghiên cứu thấu triệt rồi thì Ngài mới đặt bút viết. Nếu còn một chữ nào khả nghi, Ngài nghiên cứu đến cùng tận, quyết không bỏ sót. Ngài dụng công chú giải cả mười lăm năm. Ði đâu cũng mang theo, nên nay mới hoàn tất.
* Lời bàn của Phước Chưng *:
Ngài Hám Sơn kể lại: “Sau khi quyết định viết lời chú giải cho quyển Ðạo Ðức Kinh, tôi phải bỏ ra mười ba năm mới hoàn tất. Muốn nắm được ý của quyển sách này thì phải trải qua quá trình kinh nghiệm sống. Những chữ ghi trên giấy trắng không thể diễn đạt được hết ý nghĩa.
Những khi chú giải kinh điển, tôi đều nhập định chú tâm để xem xét, nhìn thẳng vào lời kinh, hầu mong hợp với tâm Phật. Nhờ thế, những kiến giải cá nhân và nghĩa lý chân thật tự nhiên vụt ra lập tức. Khi đó tôi mới viết xuống giấy. Nếu lạc vào suy nghĩ thì ý nghĩa chân chánh của kinh điển khó mà hiểu được.
Năm sáu mươi ba tuổi, Ngài bắt đầu trùng tu chánh điện chùa Nam Hoa. Tháng hai, quan Phùng Nguyên Thành, nhậm chức tại vùng Nhạn Tây, vốn người Giang Tây, đến thăm Ngài và ngủ qua đêm tại núi. Tối đến, ông mơ thấy đại sĩ Quán Âm hiện thân cảm ứng. Sáng hôm sau, khi lên chánh điện lễ Phật, thấy ba thánh tượng bị hư bể mục nát, ông liền hỏi Ngài: “Thưa Ðại Sư! Hai cây cột trụ trong ngôi chánh điện của đạo tràng hùng vĩ này đang bị hư nát nghiêng ngửa và ba tôn thánh tượng (tượng Phật A Di Ðà, Bồ Tát Quán Âm, Bồ Tát Ðại Thế Chí) cũng bị hư hoại. Tại sao Ngài chưa sửa chữa lại?”
Ngài đáp: “Tuy có tâm muốn sửa chữa, nhưng ngặt vì rất tốn kém, mà bần tăng chỉ có hai bàn tay trắng, thì làm sao có tiền tài để làm?”
Ông liền hỏi cần phải có bao nhiêu tiền để làm. Ngài nói rõ số tiền cần thiết. Nghe xong, ông ta bảo: “Không gì khó cả. Con sẽ cố gắng thâu góp.”
Ðương thời, hải tặc ở vùng biển tỉnh Quảng Ðông nhiễu loạn dân chúng rất nhiều. Dân chúng các nơi lại liên tục khởi nghĩa. Thế nên việc chi phí cho quan quân rất tốn kém. Phùng Nguyên Thành không biết ông thống đốc họ Ðái có muốn giúp Ngài để sửa sang lại chùa chiền trong lúc này không. Song, ông vẫn phân trần tình trạng bi đát của chùa Nam Hoa cho ông thống đốc họ Ðái nghe. Nghe qua những lời này, ông thống đốc họ Ðái bảo: “Quý hóa thay! Thấy trẻ con bị té xuống giếng, mình phải trèo xuống mà cứu, huống hồ chi thánh tích của chư Phật, chư Bồ Tát nay đang bị suy đồi hiểm ngặt. Tại sao chúng ta ngồi yên mà nhìn?”
Khi quan thống đốc họ Ðái hỏi về số tiền sửa chữa, quan Phùng Nguyên Thành liền thuật lại lời của Ngài. Nghe xong, quan thống đốc bảo: “Có thể số tiền này vẫn chưa đủ.”
Quan thống đốc họ Ðái liền ra lịnh cho quan vùng Nam Thiều gởi người đến xem xét tính toán tiền sửa chữa. Ðược ông ta mời, Ngài đến kiến nghị bàn luận. Biết ông ta có ý lấy tiền từ trong công khố ra để cúng dường sửa chữa chùa chiền, Ngài bảo: “Nếu dùng của công mà xây dựng chùa thì thật bất tiện. Chỉ có sự phát tâm cúng dường xây chùa của dân chúng mới thật là y theo pháp.”
Ông hỏi: “Vậy phải làm thế nào?”
Ngài đề nghị là thống đốc nên lập ra một ủy ban cổ động dân chúng mua công phiếu cúng dường tiền sửa chữa chùa. Việc này nên giao cho quan vùng phía tây tỉnh Quảng Ðông lo liệu in mười hai quyển công phiếu. Mỗi bộ trong dinh phủ có một quyển công phiếu, được khuyến khích tùy ý cúng dường. Tất cả tiền cúng dường được thâu nhận bằng cách này và được gởi thẳng về dinh thống đốc, mà không gởi đến tăng chúng (Qua kinh nghiệm gặp hoạn nạn do việc khuyến khích thái hậu dành dụm tiền của trong triều nội để trùng hưng chùa Từ Ân và lập chùa Hải Ấn, Ngài mới đưa ra cách này để tránh việc liên hệ rắc rối với triều đình.)
Vì cách này rất dễ dàng thực hiện, nên thống đốc họ Ðái đồng ý. Trong vòng một tháng, khoảng một ngàn đồng vàng được thâu góp. Cá nhân Ngài đi miền Tây để mua gỗ. Vì sợ Ngài tuổi già sức yếu, không đủ sức lực để lo việc mua gỗ, thống đốc họ Ðái nhờ Ngài đến Ðoan Châu sửa chữa Ðài Bảo Nguyệt (phía Bắc vùng Cao Yếu, do quan Phùng Nguyên Thành bỏ tiền ra xây cất. Trong chánh điện có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm mặc y trắng), hầu mong lưu giữ Ngài lại trong tỉnh phủ. Việc mua gỗ do một quan địa phương trông lo. Mùa Ðông, đài Bảo Nguyệt được sửa chữa hoàn thành. Do đó, Ngài vận chuyển gỗ mộc về Tào Khê. Ngài có viết bài ký truyện về việc này.
Năm sáu mươi bốn tuổi, Ngài mang gỗ từ Ðoan Châu trở về Tào Khê bằng thuyền vì đương thời chưa có công lộ thuận tiện cho việc vận chuyển vật liệu. Vì gió bão nên Ngài phải ngừng tại ải Linh Dương. Sẵn dịp, Ngài du hành đến Ðoan Khê. Nơi đó, Ngài viết bài kệ “Mộng Du Ðoan Khê” (tức bài kệ du hành đến Ðoan Khê trong mộng). Khi đưa gỗ về đến Mông Giang, Ngài trở về chùa tìm người phụ giúp việc khuân vác. Việc vận chuyển gỗ cây về Tào Khê thật rất khổ nhọc. Song, lúc Ngài dự định bắt đầu sửa chữa đại điện thì có việc không may xảy ra.
Số là đương thời dân chúng theo quân khởi nghĩa ngày một đông đảo. Quân khởi nghĩa đang đánh chiếm Khâm Châu. Vốn là thống đốc tỉnh Quảng Ðông, ông Ðái Diệu phải tìm cách để bảo vệ Khâm Châu. Vì thọ ơn của ông ta trong việc khôi phục lại đạo tràng Tào Khê, mộ tiền để xây chùa chiền, Ngài phải đành xuống núi để trợ giúp ông ta bằng cách khuyên nhủ quân khởi nghĩa hãy rút quân khỏi Khâm Châu. Nghĩa binh thấy việc tấn công thành Khâm Châu thật khó khăn. Họ lại nghe những lời khuyên giải của Ngài, nên quyết định rút quân. Tuy nghĩa quân rút lui, nhưng triều đình lại bắt tội thống đốc họ Ðái bằng cách bãi chức ông ta. Mùa Ðông năm 1608, thống đốc Ðái Diệu bị bãi chức chính thức. Ngài không còn được sự ủng hộ của vị đại hộ pháp nữa. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc khôi phục Tào Khê của Ngài. Xưa kia, nhờ có sự trợ giúp của thống đốc họ Ðái mà Ngài dễ dàng chỉnh lý chùa chiền và tăng chúng tại Tào Khê, cùng lấy lại điền sản của tăng chúng bị cư dân tiếm chiếm. Thống đốc họ Ðái bị bãi chức chẳng bao lâu, một số tăng sĩ bắt đầu chống đối Ngài ra mặt. Ngày nọ, Ngài nhờ một ông tăng đem vật liệu ra để chuẩn bị khai công sửa chữa chánh điện. Như đổ thêm dầu vào lửa, ông tăng kia vốn bất mãn Ngài đã lâu, nay nhân dịp này mà nộ khí chửi mắng Ngài. Trong chùa cũng có một số tăng chúng phụ họa theo mà nhục mạ Ngài. Ðối với việc này, Ngài không màng chấp trước vì đã từng bị dân chúng vây đánh chửi mắng nhiều lần. Song, đối với việc sửa chữa chùa chiền, tâm Ngài rất đau đớn vì trong phút chốc công trình dự án trùng hưng Tổ đình lại biến thành tro bụi. Ngài tự nhủ: “Vì mình làm trái ngược với lời dạy của đức Phật, tức do quá chú trọng vào hình tướng nên mới thọ nạn trong kiếp này.” Những tăng sĩ bại hoại này cũng khuyến khích những người khuân vác làm loạn.
Khi họ bắt đầu làm loạn, Ngài lên chánh điện, một mình đốt hương, tụng kinh Kim Cang Bát Nhã. Lúc xưa, thường đọc tụng văn kinh, nhưng Ngài chưa hiểu rõ nghĩa. Nay tụng đọc lại, tự nhiên giải ngộ, nên Ngài chú giải quyển “Kim Cang Quyết Nghi”.
Tên tuổi của Ngài tại Tào Khê tuy lớn, nhưng không có gốc rễ. Thống đốc họ Ðái vừa bị bãi chức, một số tăng sĩ bất mãn lâu nay, liên hợp với nhau để chống đối Ngài. Nơi dinh phủ họ tố cáo Ngài tham ô tiền của thường trụ tự viện khoảng tám ngàn đồng vàng. Trong dinh phủ, Ngài không còn được ai trợ giúp, nên phải tự ra đối chất. Ðối với tội trạng nào, Ngài cũng nhẫn thọ. Song, về việc tham ô tiền của chùa chiền, Ngài phải biện bạch vì rất hệ trọng đến thanh danh tăng sĩ. Do đó, Ngài trình cho phán quan tất cả sổ sách chi tiêu rõ ràng.
Vì đợi quyết định của phán quan và vì an toàn cá nhân, Ngài phải ở trên thuyền bên sông Phù Dong hai năm. Lần nọ, quan Hạng Sở Ðông, đang trấn tại ải Hiệp Quang, gởi thơ mời Ngài đến doanh trại. Ngài chèo chiếc thuyền hư giữa sóng gió, nhưng cuối cùng vẫn đến được nơi đó. Lúc đến doanh trại, Ngài bị bịnh nặng gần chết. Nhờ quan Hạng Sở Ðông mời y sĩ đến chữa trị nên Ngài đỡ phần nào. Khi trở về quận nhà, Ngài lại bị bịnh liệt giường gần cả năm trời.
Năm 1610, vào tháng bảy, phán quan đến quận và chất vấn Ngài. Sau đó, ông ta bắt đầu xét xử vấn đề. Cuối cùng phán quan tuyên bố Ngài phạm tội. May mắn thay, quan Vương An Bộ vốn là bạn xưa của Ngài, cũng tham dự việc xử án. Xem qua án lệnh, Vương An Bộ viết: “Ðại sư Hám Sơn có công lớn trong việc trùng tu lại chùa Nam Hoa, tổ đình của Lục Tổ tại Tào Khê. Ðại Sư vì thường trụ mà lo xây cất, khiến cho những tăng sĩ gian xảo được lợi. Nay Ðại Sư bị kết án là phạm tội, vậy Ngài có được đối xử bình đẳng không?”
Vì thế, đích thân Vương An Bộ ra lệnh cho quan phủ phải điều tra sự vụ rõ ràng. Ông phái quan họ Trần đến Tào Khê tra vấn những tăng sĩ trong chùa. Kết quả, quan họ Trần nhận thấy lời tố cáo của các tăng sĩ bại hoại hoàn toàn không đúng với sự thật. Vì vậy, quan phủ địa phương tin tưởng Ngài vô tội, nên thỉnh Ngài trở về Tào Khê.
Những tăng sĩ bại hoại cuối cùng phải khai rõ tội trạng. Nhờ điều tra sự kiện từng chi tiết, quan phủ biết được là những tăng sĩ bại hoại chỉ đặt điều vu khống, vô căn cứ. Họ vu khống cho Ngài là lạm dụng, lấy hơn tám ngàn đồng tiền vàng. Tuy nhiên, khi đặt Thanh Quy thọ nhận tiền cúng dường, Ngài đã lập sổ sách chi phiếu rõ ràng. Tiền bạc được nhận đều ghi trong chi phiếu và sổ sách đàng hoàng. Tất cả tiền thâu nhận hay chi phí, đều được thư ký và tăng giám viện của chùa đảm trách. Cuối cùng, quan phủ biết rõ là Ngài chưa bao giờ chạm đến tiền chùa. Vì vậy, kẻ trong cùng người ngoài chùa đều thấy rõ là Ngài vô tội. Sự việc minh bạch rõ ràng. Quan phủ tức giận, định trừng phạt những tăng sĩ vu khống đặt chuyện. Ngài cố gắng hết sức để bào chữa cho họ khỏi bị tội vạ. Quan phủ thỉnh ở lại chùa ba lần, nhưng Ngài đều từ chối vì quá mệt nhọc trong hai năm tới lui phán viện. Cuối cùng, Ngài giao chùa lại cho đệ tử là Hoài Ngu quản lý, rồi đi đến Ngũ Dương, trú tại am Trường Xuân. Trừ thời gian qua đảo Hải Nam, trong mười năm trường tại Tào Khê, Ngài dồn hết mọi sức lực để chấn chỉnh trùng tu đạo tràng của Lục Tổ.
(Tại sao có chuyện lạ kỳ như vầy? Ngài không nói rõ chi tiết, nhưng chỉ nhắc đến việc một vài “tăng sĩ bại hoại” khơi dậy những chuyện rắc rối. Sự việc chỉ xảy ra sau khi thống đốc Ðái Diệu, hộ pháp trung thành của Ngài, bị cách chức. Như lời của Phước Chưng, việc thiết lập văn phòng tài chánh tại dinh thống đốc để thâu nhận tiền cúng dường xây dựng chùa, khiến cho các tăng sĩ đó mất đi dịp lấy tiền riêng như theo thông lệ. Vì không thể lấy tiền hay thức ăn theo lệ thường, họ tố cáo Ngài tham nhũng tiền bạc xây chùa, hầu mong quan quân đuổi Ngài đi nơi khác để giữ mối lợi lộc).
Năm 1611, vào tháng ba Ngài đến núi Ðỉnh Hồ ở Ðoan Châu để dưỡng bịnh. Sau khi được ân xá, Ngài vẫn còn bị triều đình kiểm soát. Ngài đợi triều đình chánh thức tuyên bố ân xá. Vì không nhận được tin tức gì về bộ hình sự, nên án của Ngài vẫn còn bị treo. Sau cuộc thẩm sát, cuối cùng Ngài được chánh thức tha bổng. Thế là Ngài được tự do đi lại không những miền Nam mà ngay cả miền Bắc nữa. Do các đệ tử Nho giáo thỉnh cầu, Ngài lược giảng Ðại Học Yếu Chỉ (Quyển Ðại Học là một trong bốn quyển thuộc bộ Tứ Thư).
Năm sáu mươi bảy tuổi, tại am Trường Xuân, Ngài giảng Luận Ðại Thừa Khởi Tín, Bát Duy Thức Quy Củ, Bách Pháp Trực Giải, Pháp Hoa Kích Tiết Văn Nghĩa cho các đệ tử. Vì Ngài tổng hợp các kinh lại để giảng giải, nên các đệ tử khó hiểu ý chỉ. Do đó, Ngài viết chú giải từng phẩm rõ ràng trong từng bộ kinh.
Viên Tịch
Năm 1613, trong mùa An Cư Kiết Hạ tại am Trường Xuân, Ngài giảng kinh Viên Giác. Tuy nhiên, đang giảng đến nửa bộ kinh thì lưng Ngài lại nổi một mụt nhọt lớn mà không có thuốc nào chữa trị được, nên rất nguy hiểm cho tánh mạng. Ngài ủy thác cho đại tướng quân Vương Hán Sung lo việc hậu sự cho mình. May thay, có một y sĩ người Quảng Ðông, tên Lương Hạnh Sơn chuyên trị bịnh ung nhọt, nhưng lại là kẻ say rượu, đột nhiên đến am Trường Xuân. Sau khi xem xét bịnh tình, ông ta bảo Ngài: “Ung nhọt này thật nguy hiểm. Chậm trễ chút nữa chắc sẽ nguy hiểm đến tánh mạng. Song, Ngài hãy an tâm, bịnh tình sẽ thuyên giảm.”
Kế đến, ông ta dùng thuốc Bắc tán nhỏ rồi xoa bóp nơi mụn nhọt. Như ảo thuật, mụt nhọt tan biến hoàn toàn. Mùa Ðông, bịnh tình hết hẳn. Ngài viết thơ cảm tạ ông ta. Lúc xưa, vào năm mười chín tuổi, mới bắt đầu ngồi Thiền tại chùa Thiên Giới với Thiền Sư Vân Cốc, Ngài cũng bị mụt nhọt tương tự. Ngài tự biết rằng đó là do nghiệp chướng tiền kiếp, nên phát nguyện tụng kinh Hoa Nghiêm để giải trừ hoặc nghiệp. Thật lạ kỳ, mỗi lần đọc tụng hoặc viết chú giải kinh Hoa Nghiêm, hay lần chuỗi niệm Phật, mụn nhọt liền tan biến. Lúc ở Quảng Ðông, mụn nhọt này hiện ra hai lần nhưng không nhức nhối. Trong bốn mươi tám năm, mụn nhọt này thường hiện trên lưng. Lần này, Ngài chẳng chú ý đến và không ngờ tới việc trầm trọng của căn bệnh này. Nhờ ông y sĩ háo rượu mà bệnh này được giảm bớt. Tháng mười, mụn nhọt tan biến hoàn toàn (Năm 1596, từ khi đến Quảng Ðông, Ngài không thể đưa tay lên được. Phước Chưng cũng kể là Ngài không thể đứng vững một mình trong thời gian lâu được. Ngài thường chống gậy mà đi. Dầu chỉ có khoảng một trăm bước, nhưng Ngài vẫn cần có người giúp hộ. Bốn thị giả thường đi theo hầu Ngài. Tuy tuổi tác và bịnh hoạn thường xuyên, Ngài vẫn thường đi du hành rất nhiều nơi, nhất là trong những năm cuối của cuộc đời. Dĩ nhiên, lưng Ngài không đến nỗi nguy kịch lắm trong việc du hành.)
Xưa kia, Ngài cùng hành dương Bộ Kim Giản, hẹn nhau sau này sẽ đến dưỡng tuổi già tại Nam Nhạc. Ông ta viết cả mười lá thơ, nhưng Ngài vẫn chưa đáp ứng. Hôm nay, ông ta lại viết thêm một lá thơ nữa. Thế nên, Ngài cùng với các thị giả Thông Quýnh, Phước Thiện, và Phước Huệ, rời am Trường Xuân đi Quảng Ðông.
Xưa kia, Ngài có vài mươi người đệ tử tại chùa Pháp Tánh ở Quảng Ðông, nhưng dần dần họ lưu lạc khắp nơi, chỉ còn lại Thông Quýnh và Siêu Dật, luôn luôn theo Ngài bên phải, bên trái mà không rời xa, cho dầu phong ba bão táp hoạn nạn bịnh tật. Nay định đi Quảng Ðông, họ vẫn không muốn rời bỏ Ngài mà nguyện cùng đi theo. Ðệ tử Thông An cũng thường tới lui thăm viếng Ngài. Lúc ra đi, Thông An và Siêu Dật mang cây dù lớn để che cho Ngài. Trong chuyến đi lần này, Ngài dẫn theo thị giả là Phước Hải.
Tháng mười một, Ngài cùng các thị giả đến Hồ Ðông. Ðệ tử Pháp Thiện và Thâm Quang đã trở về miền Bắc thăm cha mẹ vài ngày, nay cũng tìm đến tháp tùng theo hầu Ngài.
Năm 1614, những đệ tử không thể đi theo hầu, họ luôn nhớ đến Ngài. Ðược tăng chúng chùa Nam Hoa ủy thác, một số đệ tử của Ngài từ Tào Khê vội đi tìm và cung thỉnh Ngài trở về Tào Khê. Nhân vì sau khi Ngài được miễn án, những tăng sĩ vu khống tội vạ cho Ngài bị quan quân đuổi ra khỏi núi hoặc bị trừng phạt. Trong chùa không có ai trụ trì. Thế nên tăng chúng trong chùa đều ngưỡng vọng, mong muốn Ngài trở về Tào Khê. Song, Ngài không muốn trở về vì ám ảnh của biến cố năm xưa tại chùa Nam Hoa. Do lòng chí thành thỉnh cầu của họ, Ngài phái Phước Huệ đại biểu mình trở về Tào Khê nhậm chức trụ trì.
Năm đó, Ngài gởi Phước Thiện tháp tùng theo Phước Huệ trở về Quảng Ðông. Tháng Giêng, Ngài đến Quảng Ðông, lễ tháp tổ Ðức Sơn. Khi ấy, Ngài cũng viết bốn bài kệ. Ngài cũng đến thăm quan Phùng Nguyên Thành tại Võ Long và gặp lại đệ tử họ Long. Tại Chu Long, Ngài nhận lời thỉnh mời của hoàng tử Vinh thọ trai tăng. Tại chùa Ðại Thiện, chúng tăng cầu Ngài truyền giới pháp. Quan Phùng Nguyên Thành và các đồng đạo cúng dường tiền sửa chữa tịnh xá Ðàm Hoa.
Tháng Tư, vừa trở lại Hồ Ðông nghe tin Lý thái hậu đã qua đời, nên Ngài liền kiếp lập pháp hội cầu siêu Báo Ân. Ðối với Lý thái hậu, Ngài cảm kích ân đức của bà vô cùng. Vua Thần Tông lấy danh nghĩa của Lý thái hậu mà phái người đến Quảng Ðông triệu Ngài trở về kinh đô làm lễ an táng. Trước bài vị của Lý thái hậu, Ngài cạo râu tóc và mặc y ca sa trở lại, chánh thức kết thúc cuộc sống lưu đày. Bao năm sống trong vòng tù tội mà tinh thần hoằng dương Phật pháp của Ngài trước sau như một. Ðiều này khiến cho kẻ hậu lai phải thán phục.
Nơi linh sàng của Lý thái hậu, Ngài rơi lệ bảo: “Ðau đớn thay! Ðàn việt đã siêu vãng. Nguyện trùng tu chùa Báo Ân vẫn chưa thành. Phải đợi kiếp sau chăng?”
(Theo lời của Phước Chưng, trước khi qua đời, Lý thái hậu tỏ lòng nuối tiếc vì ngài Hám Sơn và Ðạt Quán không thể cử hành lễ an táng cho bà được. Khi biết Ngài vẫn còn ở tại Quảng Ðông, Lý thái hậu liền yêu cầu hoàng đế cho phép ngài Hám Sơn trở lại Bắc Kinh. Pháp hội Báo Ân tại Hồ Nam do ngài Hám Sơn làm pháp chủ là do lịnh đặc biệt của triều đình).
Những vị pháp hữu của Ngài đã lần lượt viên tịch như đại Sư Liên Trì, Thiền Sư Ðạt Quán, Thiền Sư Triệt Không.
Năm 1639, một hoàng tử con của vua Sùng Trinh bị chết giấc trong một thời gian ngắn. Khi sống lại, vị hoàng tử kia liền thuật rằng ông thấy Lý thái hậu là một vị Bồ Tát, hiệu Cửu Liên. Vì thế, một điện đường thờ Lý thái hậu được đặt ngay trong hoàng cung có tên là Bồ Tát Cửu Liên. Hình của ngài Hám Sơn cùng với bài kệ của vua Sùng Trinh được treo bên trong điện đường thờ Lý thái hậu.
Từ khi trú tại Ðông Hải, Ngài đã có ý định viết quyển chú giải kinh Lăng Nghiêm, Lăng Nghiêm Thông Nghĩa. Tuy thế, Ngài chẳng có thời gian rảnh rỗi để thực hiện việc chú giải. Tháng năm, Ngài bắt đầu hạ bút và hoàn thành trong vòng năm mươi ngày.
Tháng mười một, tịnh xá Ðàm Hoa đã được trùng tu hoàn toàn. Ngài viết bài kệ trú ở núi. Ngài thế độ xuống tóc xuất gia cho đệ tử là Từ Lực.
Năm 1615, Ngài giảng thông nghĩa của kinh Lăng Nghiêm. Mùa Hè, Ngài trước tác quyển “Pháp Hoa Thông Nghĩa”. Tuy đã viết hai bài chú giải ngắn gọn, nhưng nghĩa lý không dung hợp và liên tục với ý của kinh. Ðây là lý do tại sao mà Ngài phải viết lại bài chú giải kinh Lăng Nghiêm lần thứ ba kỹ càng hơn, trong vòng năm mươi ngày. Ngài giảng và chú giải luận Ðại Thừa Khởi Tín. Tháng bảy, Ngài đến Nam Nhạc. Rằm trung thu, Ngài lên núi Chúc Dung viết thi kệ. Ngày chín tháng chín, tướng Phùng Nguyên Thành sau khi được thuyên chuyển từ Vũ Long đến trấn thủ tại Hồ Nam, mời Ngài cùng ông đến thăm chùa Phương Quảng. Sau khi trở về, ông ta cùng quan Ngô Sanh Bạch đến gặp Ngài tại Hồ Ðông. Ông rất thích thú khi nghe Ngài đàm luận về quyển chú giải kinh Lăng Nghiêm. Ông lại cùng các tùy tùng cúng dường tiền khắc gỗ để in quyển chú giải kinh Lăng Nghiêm của Ngài. Sau đó, họ cùng nhau lễ hình ảnh của tám mươi tám vị Tổ. Ông rất tán thán ca ngợi và ra lịnh cho thợ vẽ những tấm hình đó vào cuốn tập ảnh. Mỗi hình Tổ, ông ta thỉnh Ngài viết kệ. Sau khi sắp xếp chuyện công xong, Phùng Nguyên Thành lại mời Ngài đến thăm núi Cửu Nghi.
Tháng mười, Ngài đến Linh Long, lưu lại đấy qua mùa Ðông tại Ngu Khê.
Năm bảy mươi mốt tuổi Ngài từ Linh Long trở về núi. Lúc sắp đi, tăng chúng chùa Hoa Dược thỉnh Ngài đến thọ trai. Ngài ghé ngang qua chùa Mai Tuyết, lễ mộ phần Thiền Sư Tốn Am. Tháng tư, Ngài rời Hồ Ðông, viết bài kệ “Khứ Nam Nhạc Giải Trào.” (Sau khi Lý thái hậu qua đời, Ngài quyết định rời Hồ Ðông để đến vùng Tây ngạn như An Huy, Giang Tây, Triết Giang. Mặc dầu Ngài không có ghi lại gì về việc Ngài thăm viếng quê nhà tại Toàn Tiêu hay chùa Báo Ân ở Nam Kinh, nhưng cuộc hành trình này nhắm vào việc trở về vùng quê quán để tưởng niệm Ngài được thả tự do. Thật tế, Ngài được quần chúng Phật tử cùng các quan triều chào đón như một vị cao tăng. Khi đó, vì vua Vạn Lịch vẫn còn tại vị, nên để tránh sự hiềm khích Ngài không muốn trở về chùa Báo Ân).
Một trong những lý do Ngài phát khởi cuộc hành trình này là vì muốn đến thăm linh cữu của Thiền Sư Ðạt Quán, đang được đặt tại núi Kính Sơn, phía Bắc Hàng Châu tỉnh Triết Giang. Trước khi nhập tịch, Thiền Sư Ðạt Quán có nhắn nhủ rằng ngài Hám Sơn hãy lo an táng giùm. Một năm sau khi Thiền Sư Ðạt Quán qua đời, đệ tử là Ðại Nghĩa được triều đình cho phép mang linh cữu của Thiền Sư từ Bắc Kinh trở về núi Kính Sơn (1604). Nay nghe sẽ có buổi lễ an táng Thiền Sư Ðạt Quán lần thứ hai, Ngài liền quyết định tự đến núi Kính Sơn để hoàn thành lời hứa).
Các đệ tử Quảng Mộ Nhất, Phương Di Thị, Hà-trung-Ích, đưa tiễn Ngài đến phố Chương Mộc. Tháng Năm, Ngài đến Võ Xương, lễ bái tượng Phật lớn. Ngài thăm núi Cửu Phong. Tháng sáu, Ngài đến Tầm Dương, thăm Ðông Lâm, viết kệ “Hoài Cổ” (nhớ người xưa). Ngài leo lên núi Khuông Lư, truy điếu Thiền Sư Triết Không. Ðể tránh khí hậu nóng nực, Ngài đến núi Kim Trúc. Vì thấy phong cảnh của núi này rất đẹp, Ngài có ý muốn ẩn cư nơi đó. Ði xem cùng khắp núi, chẳng thấy một bóng người ở.
Tháng Bảy, Ngài đến Quy Tông, lên đỉnh núi Kim Luân Phong, lễ tháp Xá Lợi, viết bài kệ. Ðương thời, một tăng sĩ tại Ngũ Nhũ cúng dường cho Ngài một tịnh thất. Ngài lên đỉnh núi, xem thấy vùng đất này không rộng cho lắm, nhưng rất biệt lập nên thọ nhận. Ðệ tử cư sĩ của Thiền Sư Ðạt Quán là Hình Lai Từ, người Giang Châu, cúng dường năm mươi lạng vàng, mua vùng núi đó để thỏa mãn ý muốn của Ngài an dưỡng tuổi già nơi đó. Ông Ðiệt Thạch, Trần Ðại Tham đến núi thăm viếng Ngài. Khi nghe ý Ngài muốn ở núi Khuông Sơn, nên cũng phát tâm hộ pháp.Tháng tám, Ngài rời núi, đến Hoàng Mai lễ Tứ Tổ và Ngũ Tổ, rồi thăm viếng quan triều Uông Tư Mã. Sau đó, Ngài vào núi Tử Vân Sơn, lưu lại nơi đây cả mười ngày. Quan họ Uông nguyện mua vùng đất này cúng dường Ngài trên đồi núi Khuông Sơn. Kế đến, Ngài tới Tương Thành, thăm thái sử họ Ngô.
Thái sử Ngô Mộc Như muốn xây am Như Ý cho Ngài tu hành. Kế đến, Ngài lên núi Phù Sơn, rồi vượt sông tới núi Cửu Hoa. Ðầu tháng mười, Ngài đến chùa Ðông Thiền tại Kim Sa, gặp cư sĩ Lãng Nhai Diệu. Ông cùng đồng hành với Ngài. Cư sĩ Nhan Sanh tại Thạch Môn, đến cung nghinh Ngài tại Ngô Giang. Ngài ở lại nhà ông ta vài hôm. Vị cư sĩ này chuẩn bị thức ăn, để tham dự cuộc hành trình đến chùa Tịch Chiếu tại núi Kính Sơn trong khoảng một tháng.
Ngài đến chùa Tịch Chiếu tại núi Kính Sơn vào ngày mười lăm tháng mười. Ngài phỏng đoán ngày làm lễ trà tỳ nhục thân Thiền Sư Ðạt Quán hợp với ngày mà các đệ tử của Thiền Sư dự định tổ chức. Ai nấy đều kinh ngạc sửng sốt. Ngày mười chín, Ngài làm pháp chủ buổi lễ trà tỳ nhục thân của Thiền Sư Ðạt Quán. Các đệ tử tại gia và xuất gia của Thiền Sư Ðạt Quán đã chuẩn bị bài vị điếu tang. Ngày hai mươi lăm, Ngài nhặt lấy Xá Lợi tro cốt, rồi đặt vào đài Văn Thù. Sau đó, đệ tử Ngài là Pháp Khải xây tháp, còn Ngài thì khắc tiểu sử Thiền Sư Ðạt Quán vào bia đá. Ngài tự tay làm những việc này hầu mong đáp lại ân tình mà Thiền Sư Ðạt Quán đã dành cho Ngài (Hai Ngài là pháp hữu thân mật, cùng có chí hướng xiển dương Phật pháp. Vì liên hệ với chính trị, nên hai Ngài càng gắn bó với nhau hơn. Với chủ tâm muốn cứu ngài Hám Sơn, Thiền Sư Ðạt Quán phải bị chết trong tù. Nay cả hai Ngài đều gặp lại nhau. Một còn sống, một đã qua đời).
Ngài trú lại núi qua năm mới, cùng viết quyển “Tham Thiền Thiết Yếu” cho các chư tăng tu hành trên núi. Pháp Khải thỉnh Ngài thuyết giảng về “Tướng Tông”. Do đó, Ngài viết quyển “Duy Tướng Thông Thuyết”. Ðối với những ai thỉnh khai thị, Ngài thuyết vài lời Pháp Ngữ. Ngài cũng viết bài kệ “Ðam Bản Ca”. Ðệ tử Thông Ngạn từ giã Ngài xuống núi. Cư sĩ Ðộc Siêu thỉnh vấn Phước Thiện. Các quan Pháp Tôn, Thâm Quang cầu thỉnh Ngài thuyết pháp ngày đêm.
* Lời chú giải của Phước Chưng *:
Lời giới thiệu của Ngài trong quyển “Ðam Bản Ca”, như sau: “Tại động Pháp Quật, núi Kim Sơn, kể từ khi Thiền Sư Ðại Huệ chấn chỉnh tông phong, tông Lâm Tế được truyền thừa từ đời này sang đời nọ rất liên tục. Tuy nhiên, ngày nay Thiền Tông đã bị hủy diệt và chìm trong quên lãng. Hiện tại trên núi, chư tăng nhóm họp, tu hành Thiền định. Trong nhóm đó, có vị đạt đến trạng thái tịch tĩnh trong chớp mắt, khiến thân tâm tự tại, tức không còn cảm thọ hay tình thức. Tuy vậy, tiếc rằng đang khi ngồi trên dãy đất trắng, tức trực nghiệm cảnh giới tịch tĩnh, họ lại cho là cứu cánh, không biết xả bỏ, nên đâu biết đang bị chướng ngại vì chấp vào pháp. Trong Giáo Tông, cảnh giới này được gọi là “Chướng Ngại của Cái Biết”.
Các bậc cổ đức thường bảo: “Ðạt đến cảnh giới trăng sáng hiện trong tuyết lạnh, chuông vang trong đêm vắng không làm gợn chút sóng cồn, nhưng vẫn còn ở bên bờ sanh tử.” Thế nên bảo: “Dễ đạp gai nhọn trong bụi cây. Khó nhận thân mình dưới lùm tre trong đêm trăng sáng”, hay “ngồi trên đỉnh trụ cây, trầm lặng nơi nước chết.” Những ai đạt đến cảnh giới này, chớ nên trụ dừng nơi đó. Chưa đạt đến những cõi Thiền, chỉ mới đạt đến cảnh giới thô thiển, sao lại dám bảo là đạt được trí huệ chân thật!
Bịnh Thiền này xảy ra rất thông thường đối với người xưa lẫn nay. Tuy chưa đạt đến cứu cánh mà vẫn bảo là đã đạt được. Những người như thế lại dám dẫn đường, khiến cho người sau lầm lạc bước theo. Tôi đã viết bài kệ “Ðam Bản Ca”, tức bài ca của người mang gỗ, cho những Thiền Sư đã từng thỉnh vấn.
Năm bảy mươi hai tuổi, vào mồng một tháng Giêng Ngài thuyết giới luật. Sau đó, Ngài xuống núi Song Kinh, đi đến vùng Ðông Nam Hàng Châu, Triết Giang, làm lễ tưởng niệm Thiền Sư Vân Thê, tức đại sư Liên Trì. Khi ấy hơn một ngàn đệ tử tại gia đang đợi Ngài trên núi. Suốt hai mươi ngày, vào mỗi buổi tối, đều có những buổi thỉnh vấn Phật pháp, liên hệ với tông Tịnh Ðộ (vì vùng này ảnh hưởng tông Tịnh Ðộ , và nhất là đại sư Liên Trì được tôn sùng như một vị tổ của tông Tịnh Ðộ) khiến cho ai ai cũng đều hoan hỷ. Ngài cũng giảng giải mật hạnh của đại sư Liên Trì lúc sinh thời. Trong những đệ tử của đại sư Liên Trì, có vị khi nghe lời Ngài kể, không thể cầm được nước mắt. Họ bảo rằng Ngài tiết lộ những điều liên hệ với đại sư Liên Trì mà trước đây họ chưa từng biết đến (Việc giải thích mới mẻ về tông Tịnh Ðộ phản ảnh sự khác biệt phần nào về việc tu hành của Ngài và đại sư Liên Trì. Tuy nhiên, cả hai ngài đều nhấn mạnh sự giống nhau giữa Thiền Tông và Tịnh Ðộ Tông, tức lý «duy tâm Tịnh Ðộ».)
Kế tiếp, họ thỉnh cầu Ngài khắc kệ trên bia tháp của đại sư Liên Trì.
Khi trở về, pháp sư Huyền Tân, Ông Hác, quan triều Ðồng Thông Quận, Ngu Sử Bộ, Ông Ðại Tham, v.v… thỉnh Ngài trú tại điện đường Tông Cảnh, chùa Tịnh Từ (Phía Ðông Nam vùng Hàng Châu. Huyền Tân, trụ trì chùa Tịnh Từ, vốn là đệ tử của thầy Tuyết Lãng, vị sư huynh thuở thiếu thời tại chùa Báo Ân và cũng là pháp hữu đồng hành đầu tiên của Ngài. Ðiện đường Tông Cảnh vốn là nơi ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thường thuyết pháp, và cũng là trung tâm thuyết giảng kinh điển nhà Phật trong triều Minh).
Chùa Tịnh Từ được xây tại núi Nam Bình, đỉnh Huệ Nhật cạnh Tây Hồ, vào đời Ngũ Ðại Hậu Chu, Hiển Ðức nguyên niên (954). Chùa vốn được gọi là ‘Huệ Nhật Vĩnh Minh Viện’, và là một trong bốn ngôi chùa lớn nhất tại Tây Hồ. Những năm đầu nhà Tống, Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ lại xây thêm Tông Cảnh Ðường.
Nơi đó, Ngài thuyết giới cho cả ngàn người. Ngài cũng viết bài ký thuật “Tây Hồ Tịnh Từ Tự Tông Cảnh Ðường Ký”. Chư sơn trưởng lão, các pháp sư đạo cao đức trọng, đồng tụ hội trên hồ cạnh chùa cùng thỉnh vấn, đối đáp Phật pháp với Ngài.
* Lời bàn của Phước Chưng *:
Khi thuyết giảng tại giảng đường Tông Cảnh, ngài Hám Sơn thường thuyết một lần cả vài ngàn chữ trong một hơi dài mà không ngừng nghỉ. Âm thanh của Ngài rất rõ ràng và trong trẻo như tiếng chuông ngân vang, khiến thính chúng trong ngoài chùa đều nghe rõ ràng. Ngài luôn ngồi tư thế kiết già mà không thay đổi trong khi tay đang viết kệ hay những bài pháp ngữ. Ngài viết vài trăm hoặc hàng ngàn chữ trên giấy trắng mà chẳng ngừng nghỉ. Ngài viết xong, thị giả vội vã mang bài viết đó đến cho người thỉnh pháp.
Tay trái Ngài luôn lần hạt chuỗi, còn tay phải thì luôn cầm quạt tre màu trắng. Cây quạt này không rời tay Ngài giây phút nào, dẫu mùa hè nóng nực hay mùa đông lạnh giá. Ngài chỉ cầm chứ không mở ra để quạt. Khi cần thiết ban giáo huấn cho chúng sanh trong ba cõi dục giới, sắc giới, và vô sắc giới, Ngài chỉ việc gõ quạt xuống bàn, khiến vang tiếng lớn. Âm thanh của cây tích trượng hòa cùng với tiếng đánh hét, không thể vang to sánh bằng âm thanh của cây quạt. Âm thanh này giống như tiếng sét đánh, khiến tà ma quỷ quái đều bỏ chạy.
Trong cuộc đàm luận đó, người người đều đưa ra những câu hỏi, đề mục khó khăn. Thời ấy, pháp hội này là tối thắng vi diệu nhất tại vùng Ðông Nam.
Sau đó, Ngài đi thăm viếng các danh lam thắng cảnh như Linh Ẩn, Tam Trúc, Tây Sơn, v.v… Tại những nơi đó, Ngài khuyến khích dân chúng hành hạnh phóng sanh. Trước khi Ngài ra đi, các quan triều, cư sĩ chèo thuyền ra giữa hồ để phóng sanh cá cùng làm tiệc tiễn biệt trên hồ. Nơi đó, họ đồng dâng thơ, cầu thỉnh Ngài ở lại Vân Thê. Do nhân duyên đó, Ngài đồng ý ở lại ba năm.
Trong thời gian ở tại núi Kính Sơn, chùa Vân Thê và Tịnh Từ, Ngài cuốn hút một số đông học giả và quan triều. Ngài có dịp đến thăm đảnh lễ tháp của Thiền Sư Vân Cốc, vị thầy dẫn dắt Ngài vào Thiền Tông. Ngôi chùa rất tịch tĩnh và tao nhã, nhưng ngôi tháp lại bị hư hoại và chìm trong quên lãng. Ngài rất đau xót vì hối tiếc không đủ thời gian ở lại để trùng tu ngôi tháp đó. Thế nên, Ngài nhờ một cư sĩ lo lắng sửa sang ngôi tháp đó và mua lại mảnh ruộng hương hỏa để trồng trọt, thu hoạch lợi tức, ngõ hầu mua hương, hoa, đèn, dầu cúng dường chùa tháp.
Ngài ủy thác cho pháp sư Huyền Tân và cư sĩ họ Hác viết bốn quyển ký sự “Ðông Du Tập”.
Lúc trở về Ngô Môn, hai pháp sư Triều Tùng và Nhất Vũ mời Ngài vào núi Hoa Sơn. Ngài đi du ngoạn đến những danh lam thắng cảnh như Thiên Trì, Huyền Mộ, Thiết Sơn. Các cư sĩ như Triệu Phàm Phu, Nghiêm Thiên Trì, Từ Trung Dung, Diêu Mạnh Tường tại núi Hàm Sơn đều thiết lập trai tăng trong núi và cầu thỉnh Ngài giảng giải Phật pháp. Quan triều Phùng Nguyên Thành và Thân Huyền Chử đồng thỉnh Ngài đến nhà để dùng cơm chay. Lúc sắp khởi hành rời Ngô Môn, đệ tử Ngài là Ðộng Văn Hán cùng quan thái sử họ Tiền, đồng đến Thường Thục đón tiếp Ngài. Ðến núi Ngu Sơn, Ngài ở lại hai đêm. Nơi đó, Ngài được một vị Thái Sử tiễn đưa đến Khúc Hà. Cư sĩ Hạ Tri Nhẫn cùng con trai và đứa cháu đợi Ngài tại am Tam Lý, vùng Bôn Ngưu. Họ thỉnh Ngài ở lại nơi đó qua mùa an cư kiết hạ. Ngài từ chối lời mời để trở về núi. Ông ta tặng Ngài ảnh vẽ của tám mươi tám vị tổ.
(Ghi chú: Truy cứu từ đời Minh, bốn quyển ‘Phật Tổ Ðạo Ảnh’, do hai thầy Chân Tịch và Vân Phúc phát tâm sưu tập tất cả hình ảnh, pháp tướng, kệ cú của chư thánh tăng Ấn Ðộ và Trung Quốc, gồm có hai trăm bốn mươi tôn tượng, được lưu trữ tại tự viện núi Ngưu Thủ. Sau này, đại sư Hám Sơn tuyển chọn truyện tán; ngài Tử Bá (Ðạt Quán) khắc bản lưu truyền. Ðời Minh, niên hiệu Sùng Trinh, hòa thượng Vĩnh Giác tại chùa Dõng Tuyền, núi Cổ Sơn lại sưu tập thêm hơn một trăm ba mươi pháp tướng và kệ cú của chư Tổ Sư, rồi khắc bản lưu truyền, nhưng lâu ngày lại bị mất hết. Triều Thanh, niên hiệu Khang Hy năm thứ tư, thầy Vi Lâm gom nhóm và bổ khuyết lại. Tất cả được một trăm hai mươi hai tôn tượng và kệ cú. Sau này được khắc in, gọi là bản ‘Phật Tổ Ðạo Ảnh’.
Thời cận đại, khi trụ trì chùa Dõng Tuyền, ngài Hư Vân phát hiện bản trân bảo này. Nhận thấy bản ‘Phật Tổ Ðạo Ảnh’ rất có giá trị về lịch sử Thiền tông, nên Ngài trùng tân chỉnh lý. Ngài lại đi khắp nơi sưu tập, các tư liệu về tông phái của chư Tổ Sư, thánh tăng Ấn Ðộ và Trung Quốc. Cộng chung với bản cũ và tư liệu sưu tập, tất cả hơn ba trăm ba mươi vị Tổ Sư. Do đó, Ngài thêm truyện kệ cú tán, rồi xuất bản thành bốn quyển, được gọi là ‘Tăng Ðính Phật Tổ Ðạo Ảnh Truyện Tán’.
Hiện nay, bốn quyển này được cố hòa thượng Tuyên Hóa, đệ tử truyền tâm ấn của đại lão hòa thượng Hư Vân, xuất bản tại chùa Vạn Phật Thành. Xin quý vị xem qua tiểu sử và cuộc đời tu hành của ngài Hư Vân trong cuốn sách Ðường Mây Trên Ðất Hoa).
Sau đó, ông ta cùng Ngài đi Kinh Khẩu. Tại đây, Ngài được thỉnh mời dùng cơm chay do chư tăng và cư sĩ núi Tam Sơn khoản đãi. Tại giới đường Ðại Giới, Ngài giảng thuyết về lễ nghi và giới luật. Sau đó, một mình Ngài tự chèo thuyền qua Nam Kinh đến An Huy, dọc theo sông Dương Tử, rồi về núi Khuông Sơn.
Mồng một tháng năm, Ngài đi qua Bạch Hạ, rồi ở qua đêm trên sông. Nơi đó, Ngài gặp lại các bạn thân tri kỷ thuở thiếu thời, tức Dương Phàm Nhi Tây.
Mồng năm tháng năm, Ngài đến Vu Hồ. Quan trấn ải, Lưu Thiện Bộ Ngọc thỉnh Ngài lưu lại vài ngày và kể những giấc mộng kỳ lạ. Quan văn Thôi Sử Bộ Lạc Lâu, đến tìm và đàm đạo trên sông.
Ngày mười sáu tháng năm, Ngài đi thuyền đến Tinh Chử, qua Quy Tông, rồi ở lại nơi đó. Bấy giờ, quan Uông Tư Mã đã cúng dường đủ số tiền để xây tịnh thất cho Ngài.
Mười lăm tháng sáu, Ngài bảo đệ tử Phước Thiện trông coi công trình xây cất tại Ngũ Nhũ. Tháng mười, công trình xây cất Tịnh Xá hoàn thành. Tên của tịnh xá mới là chùa Pháp Vân. Như thế Ngài có một nơi thích hợp để an cư. Lúc ấy, Ngài giảng kinh Lăng Nghiêm. Ðệ tử Siêu Dật bế quan nhập tịch tại đỉnh núi Kim Luân.
* Lời bàn của Trầm Ðức Phù *:
Trong mọi ngôi chùa, mỗi lần giảng kinh thuyết pháp hay thọ nhận tín chúng lễ bái cúng dường, ngài Hám Sơn luôn ngồi xoay mặt về hướng Nam, trước điện thờ Phật. Các quan triều khi đến chùa đều tôn kính Ngài. Mỗi khi có các học giả Nho giáo đến chùa thuyết giảng, họ không thể ngồi nơi tòa giảng của Ngài và không thể để tượng ông Khổng Tử trước mặt được. Nếu cây quạt của Ngài có thể khuấy động trời đất thì con người, nhất là lề lối Khổng giáo, không thể ràng buộc Ngài được. Ngài đã từng được trạng nguyên Cao Phan Long (1562-1626), một lãnh tụ của phong trào Ðông Lâm Hàn Viện, tiếp đãi thân thật. Xin nhắc lại ông Cao Phan Long cùng với Cố Hiến Thành phục hưng Ðông Lâm Hàn Viện. Vì liên hệ với chính trị, ông bị Ngụy Trung Hiền cách chức năm 1624. Hai năm sau, ông ta tự sát.
* Lời bàn của Phước Chưng *:
Tôi đã chứng kiến tận mắt cả trăm trường hợp mà Ngài dùng thần thông để cứu độ dân chúng. Sau đây là vài câu chuyện:
1/ Ngày nọ, Ngài vừa thăng tòa giảng kinh thì bỗng đâu có hai vị tăng lôi kéo một ông tăng vào thềm chùa. Hai vị tăng kia cầu thỉnh Ngài cứu giúp, thưa: “Bạch Hòa Thượng! Ông tăng khùng này đã tụng kinh Hoa Nghiêm trong năm năm liền và chưa phạm giới trọng gì. Song, hôm nay không biết vì sao ông ta lại bị ma quỷ hành hạ”.
Nghe thế, Ngài bảo: “Có thể chữa trị được!”
Ngài liền bảo thị giả cho mời ba vị tăng ra tụng thần chú “Kim Cang Trừ Cấu Uế”. Trên tòa giảng kinh, Ngài tự tụng thần chú “Kim Cang Trừ Cấu Uế”, và bảo hai vị tăng kia cố gắng dạy ông tăng điên học thần chú đó. Mới đầu, ông tăng kia vẫn chưa tỉnh. Ngài liền dùng cây quạt vỗ lên bàn, khiến vang âm thanh rất lớn. Cùng lúc, Ngài tụng từng câu từng chữ. Ông tăng điên theo đó mà đọc đi đọc lại. Cứ như thế, ông tăng điên kia dần dần đọc được thần chú Kim Cang Trừ Cấu Uế từ đầu cho đến cuối. Thế nên, ông tăng điên đột nhiên bừng tỉnh dậy, quỳ xuống đảnh lễ Ngài. Ngài lại bảo ông tăng điên hãy nên đến trú tại am tranh cạnh nhà trù. An dưỡng nơi đó trong một thời gian, ông tăng kia hồi phục sức khỏe lại như thường. Quan quản kho và các quan triều rất ngạc nhiên khi được chúng kiến tận mắt thần thông kỳ lạ.
2/ Ngày khác, một ông tăng đi vào chùa, dập đầu lễ bái Ngài. Trước khi ông tăng kia đứng dậy, Ngài đập cây quạt trên bàn rồi quát: “Ðồ giết người! Sao dám đến đây gặp ta?” Tăng tri sự nghe tiếng Ngài quát mắng, liền chạy ra. Ông tăng kia im lặng đứng dậy, bỏ ra đi. Những ai có mặt vào hôm đó rất sửng sốt, ngạc nhiên vì không hiểu tại sao Ngài lại quát mắng như thế. Hôm sau, đại chúng nghe tin ông tăng kia phạm tội giết người và đã bị bắt. Những việc Ngài tiên đoán biết trước, xảy ra rất nhiều lần.
3/ Hôm nọ, sau khi đại chúng thọ cơm chiều xong, đèn nến được đốt lên để dùng trà và buổi Thiền tọa bắt đầu. Cửa Thiền đường đã đóng chặt. Ðột nhiên, một gã nọ tay cầm roi đến trước cửa Thiền đường quát to. Khi đó, đại chúng nhận diện biết gã kia chính là người làm trong sở thuế vụ. Mọi người nghĩ rằng gã chỉ la hét vì uống rượu say sưa. Thế nên, tăng chúng lôi kéo gã đi chỗ khác, nhưng gã lại la to: “Hôm nay nhục thân Bồ Tát đã hiện xuống đây. Tôi phải được cứu độ. Tại sao lại cản trở tôi?”
Tôi (Phước Chưng) rất ngạc nhiên, nên đi vào thuật lại câu chuyện cho Ngài nghe. Ngài bảo: “Hãy dẫn ông ta vào đây.” Khi cho phép vào, gã thành kính chắp tay lại, cử chỉ rất giống oai nghi của người xuất gia. Gã quỳ xuống, thưa: “Ông ta là Trần Ðại Phu, còn con là Chung Nguyệt Chấn. Lúc sống, con ăn chay trường và tu pháp môn Niệm Phật cả tám năm. Hôm nay là tuần thứ năm, kể từ lúc con qua đời. Con phải được vãng sanh qua cõi Tây Phương Cực Lạc. Mong cầu Bồ Tát đại từ đại bi cứu độ dẫn dắt con.” Nói xong, gã khóc sướt mướt. Ngài Hám Sơn liền bảo sáu vị thị giả thủ cựu, chuyên môn tu pháp môn niệm Phật, lên chánh điện niệm Phật. Một tay Ngài cầm tràng chuỗi, còn một tay Ngài đưa tràng chuỗi khác cho gã kia. Khi ấy, mọi người trên chánh điện đồng niệm danh hiệu Phật A Di Ðà. Niệm Phật xong, Ngài giải thích ý nghĩa buổi lễ Mông Sơn Thí Thực cho loài ngạ quỷ. Khi nói đến câu: “Nên quán nhất thiết pháp, tất cả do tâm tạo”, Ngài quất cây quạt và quát to: “Hãy mau vãng sanh!” Gã kia, khi nghe thế liền lập lại: “Hãy mau vãng sanh!”
Ngài quát ba tiếng, gã kia cũng lặp lại ba lần, nhanh hơn tiếng vang. Sau đó, gã đứng dậy cám ơn Ngài đã cứu độ ông ta qua cõi Tây phương Cực Lạc. Gã xoay qua trái, qua phải chắp tay xá lễ những người có mặt trong chánh điện, rồi nói: “Xin hãy thành tâm! Tôi sẽ gặp lại quý vị tại hội Long Hoa.”
Khi đó, chánh điện đầy cả người, có người khóc vì cảm động, có người rất tán thán Ngài. Tuy nhiên, Ngài vẫn không động, bỏ đi xuống thuyền. Gã kia theo Ngài ra đến bờ sông. Nơi đó, gã lại đảnh lễ, tạ ơn Ngài cứu độ, rồi trở lại Thiền đường. Nơi đây, gã lại tạ ơn ông thâu thuế vì đã cho mượn thân để được cứu rỗi. Nói xong, lập tức gã té xuống, nhưng khi tỉnh dậy thì dạng trạng chính lại là ông thâu thuế. Trong Thiền đường, có người bảo Chung Nguyệt Chấn vốn là cha của một học giả nổi tiếng tại vùng Triều Châu, hiện đang sống bên bờ sông kia. Người cha rất mực chân thành tu hành theo tông Tịnh Ðộ. Tôi (Phước Chưng) bảo: “Vị học giả kia chính là Chung Thần Phụ, thành viên hội Liên Xã của chùa.”
Sau đó, tôi dẫn vài người đến gặp Chung Thần Phụ để mời ông ta qua gặp Ngài. Khi đó, tôi được ông ta cho biết thật đúng là tuần thứ năm kể từ khi cha ông ta qua đời. Ông thâu thuế đã đến nhà ông ta vào ngày đó để thâu thuế. Vì ông ta uống rượu say mèm khi đứng trước bài vị linh cửu, nên mới bị hồn của ông Chung Nguyệt Chấn nhập vào, mượn thể xác để cầu cứu độ.
Năm 1618, bảy mươi ba tuổi Ngài tu sửa Phật điện cùng Thiền đường. Tháng ba, quan triều tại Phù Lương là Trần Diệc Thạch vào núi thăm Ngài. Ông ta cùng với quan lễ Bảo Trung Tố và quan Hạ Ngã Tế, nhóm họp cả mười người để hộ trợ tiền tài trùng tu chùa viện. Tháng chạp, điện đường được sửa sang hoàn tất.
Năm 1619, đệ tử Ngài là Thông Quýnh đến thăm. Tháng giêng, Ngài mở giảng đường tụng kinh Hoa Nghiêm. Ngài giảng liên tục kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Viên Giác, Duy Ma Cật, luận Ðại Thừa Khởi Tín, v.v…
Ngài bảo Thông Quýnh làm vị thủ chúng. Tháng tám, Ngài gởi thơ yêu cầu quan huyện nên để vùng núi Ngũ Nhũ cho tăng chúng niên trưởng ở mười phương đến dưỡng già.
Rằm tháng tám, Ngài bế quan nhập thất, không tiếp xúc khách khứa, y theo cách thức tu hành tông Tịnh Ðộ của tổ Huệ Viễn, sáu thời dâng hương niệm Phật, chuyên tâm tu tịnh nghiệp. Tông Hoa Nghiêm gần như bị thất truyền. Lời sớ sao về kinh Hoa Nghiêm của quốc sư Thanh Lương thì lại quá thâm sâu khó hiểu. Vì quốc sư Thanh Lương là nhà chú giải kinh Hoa Nghiêm đầu tiên, nên nếu bỏ lời chú giải của quốc sư thì tông này sẽ dứt đoạn. Những bài dịch thuật và chú giải kinh Hoa Nghiêm của các tổ khác cũng phải bị phế bỏ hết. Thế nên, Ngài muốn diễn giảng rõ và rút gọn ý nghĩa lời chú giải của quốc sư Thanh Lương để người sau dễ dàng hiểu rõ. Ngài viết đề mục là Hoa Nghiêm Cương Yếu. Ngài viết quyển này đang khi nhập thất.
Mùa Ðông, nơi thất, Ngài giảng kinh Lăng Già và luận Khởi Tín.
Năm 1620, hoàng đế Vạn Lịch qua đời. Chu Thường Lạc lên ngôi lấy hiệu là Thái Xương, tức vua Minh Tông. Tuy nhiên, lên ngôi chỉ trong vòng một tháng là vua Minh Tông lại mất (qua vụ án ‘Hồng Hoàn). Do lời thỉnh cầu của thị giả Quảng Ích, Ngài chú giải luận Ðại Thừa Khởi Tín, kinh Viên Giác Trực Giải, Trang Tử Nội Thất Biên Chú.
Tuy rời khỏi Tào Khê vào năm 1613, các đệ tử vẫn luôn cung thỉnh Ngài vào Nam. Quan triều Ngô Trung Vi đã từng gặp Ngài tại Hồ Ðông, nay được chuyển nhiệm sở trở về Quảng Ðông. Khi đến lễ tổ ở Tào Khê, Ngô Trung Vi được các đệ tử trên núi yêu cầu ông ta nên cố gắng thuyết phục thỉnh Ngài trở lại Tào Khê. Thế nên, ông ta viết một lá thơ, hứa là sẽ hộ pháp hết mình khi Ngài trở lại Tào Khê, nhưng Ngài lại từ chối lấy cớ vì già yếu bịnh hoạn.
Năm 1622, đệ tử Thị Ngự, Vương An Vũ vào núi thỉnh vấn Phật pháp. Mùa hè, Ngài giảng kinh Lăng Già. Mùa đông, Ngài cũng giảng kinh Lăng Già và viết chú giải luận Ðại Thừa Khởi Tín. Năm 1623, vào tháng Giêng, đệ tử Khiêm Lưu, Trần Ðịch Tường, Trần Ðịch Thống, Lương Tứ Tương vào núi vấn đạo. Ngài vì họ mà giảng kinh Lăng Nghiêm và luận Ðại Thừa Khởi Tín.
Tháng bảy, Vương Thị Ngự lại vào núi, thỉnh Ngài trở về Tào Khê. Lúc bấy giờ Ngài nỗ lực hoàn tất quyển Hoa Nghiêm Cương Yếu. Quan triều Ngô Trung Vi lại gởi thơ đến, ý rất chân thành cầu mong Ngài vào Nam. Thái thú Thiều Châu là Trương Dục Chẩn gởi một lá thơ đặc biệt đến Ngài và yêu cầu thầy Bổn Ngang, trụ trì chùa Bảo Lâm ở Tào Khê, đích thân đến Khuông Sơn, thỉnh Ngài vào nam. Vì họ quá thiết tha, nên Ngài phải đành lòng rời Khuông Sơn để vào Nam.
Mồng mười tháng mười một, Ngài rời Khuông Sơn, qua Loa Giang, gặp thái sử Tiêu Chuyết Tu, Lưu Thiều Dã, Lưu Chuyển Hoa, Mã Lý Phòng, v.v… Trên sông Kiền Thành, Ngài viết những bài thi kệ tặng họ. Sau đó, Ngài đến am Tập Long, gặp các pháp hữu thuở xưa như Lưu Kính Nhất. Tháng chạp, Ngài đến Tào Khê. Tăng chúng hội họp đông đủ trên núi, chưng bày hương hoa la liệt khắp nơi. Người người kéo đến lễ bái và thỉnh vấn Ngài đông đảo. Khi đó, Ngài vẫn tiếp tục giảng kinh thuyết pháp.
Năm bảy mươi tám tuổi Ngài trú tại Thiền đường ở Tào Khê. Tháng giêng, thái thú Trương Dực Chẩn vào núi vấn đạo. Tháng ba, các đệ tử Tỉnh Thành, Pháp Tánh đến. Ngài truyền tâm pháp cho họ. Tháng bảy, Ngài giảng thuyết giới luật, kinh Lăng Nghiêm, luận Ðại Thừa Khởi Tín, v.v… Tháng bảy, Ngài lại giảng thuyết giới luật.
Tháng tám, sau khi tiếp đón khách, Ngài bảo thị giả đến cảm tạ ơn của quan triều họ Ngô. Khi thị giả sắp đi, Ngài bảo: “Giáo hóa chúng sanh bằng những lời chân thật vi diệu, chư Phật Tổ cũng phải tùy theo nhân duyên và thời tiết. Nếu không hợp với nhân duyên và thời tiết thì không đạt được kết quả tốt. Một đời hành Phật sự đã xong. Nay Thầy phải trở về.”
Những người có mặt lúc ấy không hiểu lời trên, chỉ nghĩ rằng Ngài muốn trở về núi Khuông Sơn. Khi ấy, Ngài viết bài kệ “Trung Thu không trăng rằm”.
Cảm thấy ngày cuối sắp kế cận, Ngài gởi thơ đến Khuông Sơn bảo Thông Quýnh và Phước Thiện vào Nam gấp.
Ngày chín tháng chín, Ngài viết bài tựa về một bài kệ “Trụ Tại Núi Cao”. Trong đó Ngài viết: “Dầu lão tăng này biếng nhác dùng bút mực, nhưng một khi hơi thở không trở lại thì sẽ bước qua đời khác. Nếu chỉ xem như câu kệ tầm thường thì thật không công bằng cho lão tăng vậy.”
Mồng một tháng mười, đệ tử Thông Quýnh về đến Tào Khê. Ngài vui vẻ hỏi thăm Thông Quýnh cặn kẽ về những đệ tử và pháp hữu đang sống và tu tập rải rác khắp nơi. Khi ấy, có đệ tử thỉnh Ngài viết sơ lược về cuộc đời tu hành của Ngài.
Mồng ba tháng mười, quan triều Tiêu Huyền Phố vào núi thăm Ngài. Ngài cùng ông ta đàm luận vui vẻ cả ba ngày ba đêm. Khi ông ta thỉnh vấn Phật pháp, Ngài viết ba bài kệ pháp ngữ tặng ông ta.
Ngày thứ sáu, Tiêu Huyền Phố sắp rời khỏi núi thì Ngài bảo: “Dân chúng trong vùng này đặt hết niềm tin vào ông. Hãy bảo trọng.” Tiêu Huyền Phố định hỏi ngày tháng để trở lại bái kiến, Ngài bảo: “Sơn Tăng đã quá già. Bốn đại chẳng bao lâu sẽ rã rời. Hẹn gặp lại ông nơi hội Long Hoa.”
Nghe lời này ông cùng đại chúng rất sửng sốt.
Năm đó, thị giả Quảng Ích và Tỉnh Thành trở về Tào Khê.
Thái thú Thiều Dương, Trương Dực Chẩn, mời y sĩ vào núi điều trị bịnh Ngài.
Mồng tám tháng mười, Ngài thị hiện chút bịnh. Khi đệ tử hỏi thăm về sức khoẻ, Ngài bảo: “Lão tăng mệt nhưng không bịnh.”
Mồng chín tháng mười, khi đệ tử đem thuốc vào, Ngài không chịu uống, bảo: “Lão tăng sắp đi đây. Uống thuốc có lợi ích gì!”
Ðệ tử Quảng Ích nghe thế giật mình thưa: “Bạch Thầy! Nếu thật sự sắp ra đi, vậy Thầy có để lại lời di chúc, dạy bảo cuối cùng cho chúng con không?”
Ngài mắng: “Con theo hầu Thầy bao năm trường, sao còn có kiến chấp như thế? Con phải nhớ sanh tử là việc lớn, vô thường luôn tấn tốc. Hãy luôn chánh tâm niệm Phật.”
Quảng Ích thưa: “Bạch Thầy! Nếu Thầy chẳng có một lời dạy bảo, vậy chúng con phải nương theo ai?”
Ngài bảo: “Ngay cả ngôn thuyết xuất phát từ kim khẩu của đức Như Lai đã trở thành những tờ giấy cũ. Lời của Thầy thật chẳng có ích gì.” Thế nên, Ngài chẳng dạy thêm lời nào.
Ngày mười hai tháng mười, tức là ngày sinh nhật của Ngài. Các đệ tử xuất gia và tại gia đồng tụ hội trong chùa. Thái thú Thiều Dương, Trương Dực Chẩn cúng dường y ca sa màu tím làm quà tặng sinh nhật. Ngài và ông ta đàm luận vui vẻ cả ngày cho đến hoàng hôn.
Tối hôm đó, Ngày tự đi tắm rửa sạch sẽ. Hôm sau, Ngài mặc y ca sa màu tím vừa được thái thú họ Trương cúng dường. Khi thái thú họ Trương đến bên giường bệnh, Ngài bảo: “Sơn Tăng sắp đi đây… Chân thành cảm tạ sự hộ pháp nhiệt tình của ông.” Thái thú họ Trương an ủi Ngài: “Ðại Sư! Ngài không có bịnh. Xin Ngài chớ lo âu. Con là hộ pháp vùng này và sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình.”
Ngài chắp tay và cảm tạ ông ta. Giữa trưa, quan thái thú họ Trương rời núi.
Sau đó, Ngài bảo thị giả mang nước đến để súc miệng rồi nói tiếp: “Hôm nay, dây leo sẽ bị cắt đứt.”
Sau đó, Ngài tắm rửa và thay đổi y phục. Những đệ tử đứng xung quanh, cùng nhau niệm Phật. Ngài lại bảo: “Ðừng đau buồn. Phải làm đúng theo truyền thống Phật giáo: Không để tang, không khóc lóc, chỉ luôn nhất tâm niệm Phật.”
Vào khoảng ba bốn giờ khuya, Ngài ngồi xếp bằng mà thị tịch. Ðêm hôm đó, bầu trời chớp lòe đầy những tia sáng. Cầm thú trên núi đều kêu rống. Bốn chúng đệ tử rơi lệ đau buồn, khiến rung động cả vùng núi non.
Ba ngày sau, sắc mặt của Ngài vẫn hồng hào như lúc sống.
Suốt cuộc đời, Ngài gặp bao tai nạn, nhưng cuối cùng viên tịch an lành tại chùa Nam Hoa, Tào Khê. Chân tay Ngài nhẹ bẵng như đang nhập định. Ðược tin buồn, thái thú họ Trương liền đến ai điếu.
Khi thân Ngài được đặt vào linh cửu khoảng năm ngày, quan triều họ Tiêu đã rời núi Khuông Sơn, nhưng vẫn còn ở tại Thiều Châu, nơi ông ta nhận được tin buồn, Ngài đã nhập tịch. Ðầu tiên, ông ta rất buồn bã, nhưng khi nghe chi tiết về việc nhập tịch của Ngài, ông bảo: “Ðại sư Hám Sơn đã nhập vào dòng Thánh. Nếu Ngài không thấu triệt cái khổ của sanh tử trong lúc còn sống, thì ngay lúc lâm chung làm thế nào được như thế!”
Ông ta viết hai câu liễn để truy điệu Ngài và cúng dường một trăm lạng vàng. Ông ta cũng viết thơ cho hai quan huyện ở Nam Thiều kiến lập tháp cùng xây điện thờ tượng Ngài.
Nhục thân Ngài được chư đệ tử quyết định giữ lại Tào Khê. Vì sau khi nhập tịch, nhục thân Ngài vẫn còn ở trong tư thế ngồi kiết già, nên sau này được đặt vào một cái khám bằng gỗ.
Khi Phước Thiện, trụ trì chùa Pháp Vân ở đỉnh Ngũ Nhũ nghe tin Ngài nhập tịch, liền xây tháp thờ Ngài tại Khuông Sơn. Tuy nhiên, trong chúng đệ tử, có sự tranh luận về việc nên giữ nhục thân Ngài lại Tào Khê hay Khuông Sơn. Năm 1625, Phước Thiện được sự ủng hộ của các quan triều cùng với tân thống đốc của Quảng Ðông, mang nhục thân Ngài trở về Khuông Sơn vào ngày hai mươi tám tháng hai âm lịch.
* Lời bàn của Phước Chưng *:
Ngày hai mươi mốt tháng giêng năm 1625, nhằm đời vua Thiên Khải năm thứ năm, nhục thân của Ngài được đưa về núi Khuông Sơn. Vì khí hậu vùng Khuông Sơn ẩm ướt, nhục thân Ngài được đặt trong khám thờ. Sau này, thái thú vùng Nam Khương chọn nơi chôn cất khám thờ nhục thân Ngài.
Mười một năm sau, vì núi Khuông Sơn thường có cọp hổ, nên chư tăng trên núi cùng Phước Thiện quyết định là vùng chôn cất khám thờ nhục thân Ngài không thích hợp. Thế nên, họ đào lên và mang khám thờ nhục thân Ngài vào thờ phụng trong tháp tự. Khi ấy, họ khám phá ra là phân nửa cái khám đã bị kiến nhấm. Vì vậy, không ai dám chôn cất nữa.
Chín năm sau, vào tháng chín năm 1643, quan bộ lễ của vùng Lĩnh Nam, vốn là đệ tử Ngài, gởi thơ và tiền cúng dường đến Khuông Sơn, cầu thỉnh nhục thân Ngài trở về Tào Khê.
Thật ngẫu nhiên, phán quan ở Thụy Châu, Lưu Khởi Tương, vốn là đệ tử Ngài, đang đi kinh lý tại Nam Khương, liền chịu trách nhiệm về việc chuyển vận nhục thân Ngài về lại Tào Khê (Năm 1622, ông đã từng thỉnh Ngài về lại Tào Khê). Chính ông ta đứng ra vận động triều đình ban sắc lịnh cho quan quân lo việc hộ tống vận chuyển nhục thân Ngài suốt hành trình về lại Tào Khê.
Khi ấy, loạn binh Lý Tự Thành nổi dậy khắp nơi. Tướng trấn thành Quảng Ðông tình cờ đi kinh lý qua núi Ðại Vũ chợt gặp đoàn hộ tống, nên ông ta rất mừng rỡ. Chính ông ta cùng quân lính tham gia vào đoàn hộ tống nhục thân Ngài trở về Tào Khê. Vài tháng, sau khi nhậm chức vụ mới, viên tướng này lại đến Tào Khê lễ bái nhục thân Ngài.
Trở về Tào Khê, đệ tử Ngài nhìn thấy khám thờ nhục thân Ngài có hiện ra đường nứt nẻ. Nhìn vào đường nứt nẻ, họ thấy nhục thân Ngài vẫn còn ngồi trong tư thế xếp bằng như lúc còn sống. Họ bàn luận về việc mở cái khám thờ ra, nhưng không ai dám làm. Viên tướng kia nghe họ có ý muốn mở cái khám thờ ra, nên liền dùng thanh gươm mà rạch theo đường nứt. Vừa mở ra, họ thấy nhục thân Ngài vẫn ngồi trong tư thế kiết già như lúc sống. Tóc và móng tay mọc dài ra. Mặt mũi Ngài hồng hào. Y ca sa tuy trông như còn mới, nhưng bị rã rụng từng miếng, khiến thấy da thịt rõ ràng. Ðột nhiên, một vị khách tăng đến, thỉnh cầu tẩn liệm nhục thân Ngài theo truyền thống Ấn Ðộ, tức trét sơn mài trộn với hương trầm lên khắp nhục thân Ngài. Công việc hoàn tất xong, vị khách tăng liền bỏ đi.
Thuở xưa, khi Ngài còn trú tại Tào Khê, một đồng nữ nọ đã từng phát nguyện cúng dường cho Ngài một bộ y ca sa bằng lụa có thêu hình tượng ngàn vị Phật. Vì sợ hơi thở phát ra mùi bất tịnh, đang khi thêu y ca sa ngàn vị Phật, cô ta bịt miệng bằng miếng vải màu vàng. Khi cô ta thêu dệt xong y ca sa ngàn vị Phật thì Ngài đã nhập tịch, nhục thân được để trong khám thờ. Vì thế, y ca sa ngàn vị Phật được để lại Tào Khê.
Khi khám thờ nhục thân Ngài được mang về Tào Khê và được mở ra thì thấy những miếng vải y áo rã rụng. Y ca sa được cô đồng tử kia may, nay cũng vẫn mới giống như thuở xưa, dầu được thêu trong khoảng hai mươi năm. Sau đó, các đệ tử đem y ca sa ngàn Phật ra và đắp lên nhục thân của Ngài. Kế đến, nhục thân của Ngài được đặt trong tháp tự để phụng thờ. Ðương thời, ngôi chùa thờ Ngài cách khoảng chùa Nam Hoa của Lục Tổ Huệ Năng khoảng một dặm.
Dân chúng và tăng sĩ đến lễ bái cúng dường nhục thân của Ngài như Lục Tổ Huệ Năng. Mỗi năm, nhục thân Ngài được tắm rửa một lần và tín chúng thường dùng nước đó để trị bịnh. Vào rằm tháng hai và tháng tám, tín chúng Phật tử cùng nhau đến Tào Khê lễ bái Lục Tổ Huệ Năng và ngài Hám Sơn. Thật sự, ngài Hám Sơn được sùng bái như vị tổ thứ bảy trong Thiền tông, mặc dầu Ngài không được chín thức truyền thừa tâm ấn từ những vị tổ Thiền tông. Tuy nhiên dưới mắt của các đệ tử, ngài Hám Sơn thực sự được truyền thừa tâm ấn thực thể tại Tào Khê, vì Ngài tiếp nối chư Tổ Sư, truyền bá giáo lý trực chỉ chân tâm của Lục Tổ. Thêm nữa, nhờ công đức của Ngài mà Thiền tông tại Tào Khê được xiển hưng phát triển lại.
Ngày nay, nhục thân của ngài Hám Sơn vẫn được phụng thờ tại chùa Nam Hoa cùng với nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng. Dưới mắt tín chúng Phật tử, nhục thân Ngài là hiện thân của một vị tổ sư.
Biên sử cuộc đời của ngài Hám Sơn
Sự tích đời Ngài Hám Sơn | Sự kiện lịch sử xảy ra đồng thời | |
1522 | Ngài Liên Trì ra đời (1535-1615) | Năm Gia Hưng (1522-1566) |
1535 | Bồ Ðào Nha chiếm Ma Cao | |
1543 | Ngài Tử Bá ra đời (1543-1603) | |
1546 | Ngài hạ sanh ngày 5, tháng 11 | |
1550 | Mông Cổ đe dọa chiếm kinh đô | |
1557 | Ngài trở thành Sa Di tại chùa Báo Ân. | |
1564 | Ngài được hòa thượng Tây Lâm truyền giới. | |
1565 | Ngài hành Thiền tại chùa Thiên Giới. Bị mụn nhọt sau lưng. | Trụ trì chùa Báo Ân, đại sư Tây Lâm viên tịch. |
1566 | Chùa Báo Ân bị cháy. | |
1567 | Ngài dạy học tại trường Nghĩa Học. | Long Khánh nguyên niên (1567-1572). Trương Cư Chánh thăng chức. (1524 -1582). |
1571 | Ngài du hành đến Giang Tây. | Ðại sư Liên Trì trụ tại núi Vân Thê. |
1572 | Du hành đến Bắc Kinh. | Vạn Lịch nguyên niên (1573-1620). Trương Cư Chánh làm Tể Tướng. |
1574 | Ngài sống chung với các văn sĩ ở Bắc Kinh. Cùng du hành với Diệu Phong đến Sơn Tây. Ðạt giác ngộ. | |
1575 | Trụ tại núi Ngũ Ðài (đến 1582) | |
1576 | Ðạt giác ngộ. Gặp đại sư Liên Trì. Tham quan Triều Hồ Thuận Am. Viết ‘Hám Sơn Trứ Ngôn”. | |
1577 | Viết kinh Hoa Nghiêm bằng máu. Ðược Lý Thái Hậu biết đến. | Thuế má và cải cách ruộng đất theo lệnh của Trương Cư Chánh. |
1578 | Mộng ba giấc mơ lành. | |
1579 | Ba ngàn công nhân được Lý Thái Hậu gởi đến núi Ngũ Ðài. | Hoàn tất chùa Từ Thọ tại Bắc Kinh. |
1580 | Cứu núi Ngũ Ðài khỏi bị thuế. | |
1581 | Lập pháp hội cầu Thái Tử cho triều đình. | |
1582 | Rời núi Ngũ Ðài. | Trương Cư Chánh qua đời.Vương Cung Phi sanh thái tử Chu Thường Lạc.
|
1583 | Ngài đến núi Lao Sơn (ở cho đến 1589) | |
1584 | Lý thái hậu cúng dường ba ngàn đồng vàng. | |
1585 | Chuyển tâm các Nho Sĩ tại Sơn Ðông. | |
1586 | Một bộ Ðại Tạng kinh được gởi đến núi Lao Sơn. Xây chùa Hải Ân. Gặp Tử Bá. Viết Lăng Nghiêm Huyền Cảnh. | Trịnh Quý Phi sanh hoàng tử Chu Thường Tuân. |
1587 | Viết Tâm Kinh Trực Thuyết. Nhận Phước Thiện làm đệ tử. | |
1588 | Giảng pháp tại chùa Hải Ấn. | |
1589 | Trở về Nam Kinh. Thăm cha mẹ. Lập dự án mười năm trùng tu chùa Báo Ân. | |
1590 | Ðối đầu với các đạo sĩ tại Lao Sơn. Viết “Quán Lão Trang Ảnh Hưởng” | |
1592 | Thăm ngọn núi khắc Ðại Tạng kinh gần Bắc Kinh với Tử Bá. | Nhật xâm chiếm Cao Ly (1592-98). |
1593 | Cứu trợ nạn đói tại Sơn Ðông. | |
1594 | Dự hội tết tại Bắc Kinh. Bãi bỏ dự án mười năm. | |
1595 | Bị bắt và xử án tại Bắc Kinh | Tranh chấp về sự chọn lựa Thái Tử. |
1596 | Bị giải đày đến Lôi Châu. | Nạn đói tại Quảng Ðông. |
1597 | Ðến Quảng Ðông. Viết “Lăng Già Bổ Di” và “Trung Dung Trực Chỉ”. | |
1598 | Viết “Pháp Hoa Cổ Tiết”. | Nhật Hoàng Toyotomi qua đời. Vụ án Yêu Thư thứ Nhất. |
1599 | Cổ động phong trào phóng sanh theo truyền thống Phật Giáo. | |
1600 | Giải hòa vụ nổi loạn tại Quảng Ðông. | Bộ khai mỏ đào xới nhà cửa mộ bia. |
1601 | Ðến Tào Khê (cho tới năm 1610) | Lễ đăng quang cho thái tử Chu Thường Lạc. |
1602 | Cải cách tại Tào Khê. | |
1604 | Trở về Lôi Châu. Viết “Xuân Thu Tả Thị Tâm Pháp”. | Thành lập viện Ðông Lâm hàn lâm. |
1605 | Ðến Hải Nam. Trở về Tào Khê. | |
1606 | Thăm Trương Vị tại Giang Tây. Trở lại Lôi Châu. Ðược xác nhận ân xá | Triều đình ban lịnh ân xá trong dịp Hoàng Tôn của vua Vạn Lịch ra đời. |
1607 | Thành tăng sĩ trở lại. Viết “Ðạo Ðức Kinh Chú”. | |
1608 | Trùng tu am Bảo Nguyệt. | |
1609 | Chống đối tại Tào Khê. Viết “Kim Cang Quyết Nghi”. Ðến Cao Yếu mua gỗ. | |
1610 | Rời Tào Khê. Ðến trú trên sông Phù Dong. Ra pháp viện. | |
1610 | Ở tại Cao Yếu. Viết “Ðại Học Quyết Nghi”. Chánh thức được ân xá. | |
1612 | Giảng pháp tại Quảng Ðông. Viết “Pháp Hoa Phẩm Tiết”. | |
1613 | Bị nhức lưng dữ dội. Rời Quảng Ðông đến Khuông Sơn. | Chu Thường Tuân rời Bắc Kinh, đến Lạc Dương. |
1614 | Cạo tóc, đắp y ca sa lại. Viết “Lăng Nghiêm Thông Nghĩa”. | |
1615 | Viết “Pháp Hoa Thông Nghĩa”, và “Khởi Tín Sơ Lược”. | |
1616 | Ðến miền đông duyên hải. Viết “Triệu Luận Chú”, và “Tánh Tướng Thông Thuyết”. Ðến Kính Sơn làm lễ an táng Tử Bá. | |
1617 | Ðến lễ điếu đại sư Liên Trì tại Vân Thê. Giảng kinh tại Tông Kính Ðường. An dưỡng tại Khuông Sơn. | |
1618 | Xây chùa Pháp Vân tại Khuông Sơn | Nurhachu tự tuyên bố là Hoàng Ðế của Mãn Châu và xâm lăng Liêu Ðông. |
1619 | Nhất tâm tu pháp môn Tịnh Ðộ. Viết “Hoa Nghiêm Cương Yếu”. | |
1620 | Giảng giải và viết “Khởi Tín Luận Trực Giải, Viên Giác Kinh Trực Giải, Trang Tử Nội Thất Biến Chú”. | Vua Vạn Lịch mất. Chu Thường Lạc lên ngôi, hiệu Thái Xương. Vụ án Hồng Dược. Chu Do Giảo lên ngôi, tức vua Hy Tông, hiệu Thiên Khải. |
1621 | Giảng pháp tại Khuông Sơn. in “Mộng Du Thi Tập”. | Quan thái giám Ngụy Trung Hiền thăng chức. |
1622 | Hoàn tất quyển “Hoa Nghiêm Cương Yếu”. Trở về Tào Khê. | |
1623 | Nhập tịch ngày năm tháng mười một tại Tào Khê. | |
1625 | Nhục thân được chuyển đến Khuông Sơn. | |
1627 | Bắt đầu cuộc khởi nghĩa của nông dân. | |
1643 | Nhục thân Ngài được chuyển về lại Tào Khê. | |
1644 | Nhục thân của Ngài được thờ phụng tại chùa Hám Sơn. | Triều Minh chấm dứt. Triều Mãn Thanh dựng lập. |
[/vc_column_text]