Sinh Hoạt

Trích Hoa Sen Trong ngày Xuân
Hòa Thượng Tuyên Hóa

Hỏi: Trong nhà chỉ có một người học Phật Pháp, vậy làm sao trừ được chướng ngại để khiến toàn gia theo Phật, bà con họ hàng đều hưởng được lợi ích của Phật Pháp?

Ðáp: Bạn cứ thành tâm tu hành thì tự nhiên mọi người sẽ cảm động mà tin theo.

Hỏi: Nếu vợ chồng ly dị, phải chăng con cái chẳng thể nên người, thành tài được?

Ðáp: Ðúng vậy! Bạn chẳng thấy những trẻ em bụi đời, những trẻ em thuộc loại nan giải của xã hội sao? Lỗi lầm là do cha mẹ không làm tròn trách nhiệm dạy dỗ con cái. Vì giáo dục gia đình và giáo dục học đường không được phối hợp, hoàn toàn thất bại, do đó con em mới hư hỏng. Rồi chúng lại bị ti vi và máy điện toán (com- puter) khống chế, đoạt mất tự do của chúng. Xã hội Tây-phương đâu đâu cũng đề xướng tự do. Song, theo tôi thấy thì đó chỉ là thứ tự do mù quáng, mê muội và lầm lẫn; một thứ tự do không có lý trí. Do đó, hoàn toàn chẳng có tự do!

Hỏi: Khi còn nhỏ, tôi bị cha mẹ đối xử rất tàn tệ. Như vậy họ có xứng đáng cho tôi hầu hạ hiếu thuận chăng?

Ðáp: “Thương cho roi cho vọt.” Ða số các bậc làm cha mẹ đều mong muốn con cái mình được nên người, thành tài. Chính vì muốn bạn trở nên người tốt, cha mẹ bạn mới phải trách mắng, đối xử khắt khe như thế.

Hỏi: Trong nhà tôi có rất nhiều gián, kiến. Ðạo Phật dạy không nên sát sanh, vậy tôi phải giải quyết như thế nào?

Ðáp: Bạn dọn dẹp, quét tước, lau chùi sạch sẽ, không để dơ dáy, thì tự nhiên không có gián bay, kiến lại chứ gì!

Hỏi: Theo đạo Phật thì có nên đốt tiền giấy, vàng mã hay không?

Ðáp: Trước hết, các bạn nên cảnh giác: Bọn quỷ thật sự cần tiền sao? Bọn chúng dùng tiền để làm gì? Mua thức ăn, mua áo quần, mua nhà cao cửa rộng ư? Nếu quỷ mà cần tiền thì chỉ có bọn quỷ Trung Hoa là có tiền để tiêu xài vì được người ta đốt tiền giấy cho; còn ở Tây-phương không có phong tục này thì chẳng lẽ bọn quỷ Tây đều thành quỷ nghèo hết hay sao?

Ðây rõ ràng là do bọn con buôn lợi dụng lòng mê tín của những người thiếu hiểu biết, bày ra chuyện đốt tiền giấy, máy bay giấy, nhà lầu giấy… để trục lợi. Kỳ thực, tập tục này chẳng hợp luận lý gì cả, và cũng chẳng phải là Phật Giáo.

Hỏi: Nếu lỡ để tên tuổi của mình nơi tà đạo, thì thân tâm có bị ảnh hưởng gì không?

Ðáp: Tâm của bạn mà chánh, không có tà vạy gì cả, thì ở đâu cũng chánh. Tâm của bạn mà tà vạy, thì đâu đâu cũng là chỗ .

Hỏi: Ở đời có nhiều chuyện phải tranh giành mới được. Nay Hòa Thượng dạy là phải “không tranh, không tham, không cầu,” vậy xét cho cùng thì phải theo cái nào, bỏ cái nào?

Ðáp: Tới lúc ăn cơm, thì bạn ăn cơm. Chưa tới lúc để ăn, thì bạn chẳng nên ăn!

Hỏi: Vì sao nhà Phật nhấn mạnh đến vấn đề quả dục (ít dục vọng)?

Ðáp: Bạn mà quả dục thì sẽ tri túc (biết đủ). Hễ bạn tri túc thì sẽ được thường an lạc. “Thường an lạc” tức là hết âu lo vậy!

Hỏi: Ðức Phật dùng thái độ gì khi đối diện với nhân sinh?

Ðáp: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Hỏi: Tham, Sân, Si từ đâu mà sinh ra? Do ác nghiệp đời trước hay do đời này chẳng chịu tu hành mà ra?

Ðáp: Tất cả đều đúng. Nói tóm lại, bạn trừ được chúng là tốt lắm. Bạn hỏi gốc gác của chúng, song chẳng chịu trừ chúng thì có ích gì?

Hỏi: Nếu con người không “tham” thì xã hội làm sao tiến bộ? Không “si” thì làm sao có hằng tâm2? Không “sân” thì làm sao có sức bi phẫn?

Ðáp: Bạn đừng lầm lẫn nhé! Chấn-tác có nghĩa là làm cho tốt hơn, chứ không phải là tham lam. Ðó là sự nỗ lực làm việc mà chẳng có chút vọng tham, vọng cầu. Si là gì? Si tức là làm những việc ngu si như cờ bạc, chơi xổ số, đánh lô-tô, v.v… Sân tức là nổi giận. Tất cả đều là những hành vi ngu si.

Hỏi: Tôi làm việc ở trại nuôi gà. Nhất thời chưa có cách đổi việc, vậy tôi phải làm sao để biến trại nuôi gà thành đạo tràng hầu siêu độ đàn gà đó?

Ðáp: Bạn đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan.” Phương pháp tốt nhất là đừng nuôi gà nữa, mà hãy nuôi người!

Hỏi: Giả sử chúng tôi bị người ngoài sỉ nhục mà không có cách kháng cự, chúng tôi bèn áp dụng công phu nhẫn nhục mà nhà Phật chỉ dạy. Song, dưới cái nhìn của người ngoài thì chúng tôi bị xem là “có tinh thần như A Q.” 3 Vậy thì chúng tôi phải làm sao?

Ðáp: Các bạn đừng để cho chuyện bên ngoài làm giao động. Ðừng kể gì đến “A Q” hay “chẳng phải A Q.” Không phải vì người ta nói thế này thế nọ rồi bạn mới nhẫn nhục. Bạn cần phải có lập trường, có tông chỉ của chính mình.

Hỏi: Con cái bất hiếu, đánh chửi cha mẹ, chúng tôi phải làm sao?

Ðáp: Bị đánh thì chịu đựng đi thôi! Ai khiến bạn kiếp này sinh ra đứa con ấy?

Giữa người với người có một mối quan hệ rất mật thiết. Có lẽ là kiếp trước bạn đã đánh đập cha mẹ bạn, do đó kiếp này mới phải chịu quả báo như vậy. Suy nghĩ như thế thì bạn sẽ giải tỏa được mọi ưu sầu!

Khi nổi tâm muốn “trả đũa,” bạn hãy niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, thỉnh cầu Ngài dẹp tan oán khí trong lòng bạn. Song le, bạn phải thật thành tâm mà niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát…” Thành tâm tất có cảm ứng. Thiếu nợ nhiều thì phải trả nhiều, thiếu ít thì trả ít!