DUY THỨC TAM THẬP TỤNG
SỐ 1586
Tác giả: Bồ Tát Thế Thân
Hán dịch: Pháp sư Huyền Trang
Bồ-tát Hộ Pháp lực theo ba mươi bài tụng nầy làm ra luận Thành Duy thức. Trong ba mươi bài tụng nầy, hai mươi bôn bài tụng đầu nói rõ về Duy thức tướng; một bài tụng tiếp theo nói rõ về Duy thức tánh; năm bài tụng sau cùng nói về Duy thức hạnh vị. Trong hai mươi bôn bài tụng đầu, một bài tụng rưỡi đầu nói sự lược về Duy thức tướng, hai mươi hai kệ rưỡi tiếp theo nói rộng về Duy thức tướng…
Người ngoài hỏi: Nếu chỉ có thức thì tại sao thế gian và Thánh giáo đều nói có ngã, pháp?
Nêu tụng trả lời:
Do giả nói Ngã, Pháp
Có các loại tướng chuyển
Chúng nương Thức biến hiện
Thức năng biến có ba:
Là Dị thục, tư lương
Và Thức Liễu biệt cảnh.
Hai mươi hai bài tụng rưỡi tiếp theo, nói rộng về Duy thức tướng,vì phân tụng trước nêu sơ lược về ba năng biến nên nay nói rõ tướng trạng của ba năng biến ấy.
Trước hết, năng biến thứ nhất, tướng trạng của nó như thế nào?
– Tụng nói:
Một (là): Thức A-lại-da
Dị thục, Nhất thiết chủng
Không thể biết chấp thọ,
Xứ, liễu. Tương ưng Xúc,
Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư.
Và chỉ có Xả thọ.
Tánh Vô phú, Vồ ký
Tánh Xúc… cũng thế
Hằng chuyển như dòng thác
A-la-hán thì xả.
Đã nói về thức năng biến thứ nhất, vậy thức năng biến thứ hai, tướng trạng như thế nào?
Tụng nói:
Thức, năng biến thứ hai
Gọi là thức Mạt-na
Nương kia chuyển, duyên kia (Alaya),
Tư lương làm tánh tướng
Tương ưng bốn phiền não
Là Ngã si, Ngã kiến
Và Ngã mạn, Ngã ái
Cùng với năm Biến hành,
Tánh hữu phú vô ký
Sinh theo A- lại – da
A-la-hán diệt định
Đạo xuất thế không còn.
Như thế là đã nói Thức năng biến thứ hai, còn Thức năng biến thứ ba, tướng trạng như thế nào?
Tụng nói:
Thức năng biến thứ ba,
Có sáu loại sai khác,
Liễu cảnh, làm tánh tướng,
Thiện, bất thiện, vô ký
Các tâm sở: Biến hành…
Biệt cảnh, Thiện, Phiền não,
Tùy phiền não, Bất định,
Đều tương ưng ba thọ.
Thứ nhất, Biến hành Xúc…
Thứ Hai Biệt cảnh Dục
Thắng giải, Niệm, Định, Tuệ,
Đối tượng duyên chẳng đồng.
Thiện là Tín, Tàm, Quý
Ba căn là Vô tham…
Cần, An, Bất phóng dật,
Hành xả và Bất hại.
Phiền não là Tham Sân,
Si, Mạn, Nghi, Ác kiến.
Tùy phiền não là Phẫn,
Hận, Phú, Não, Tật, Xan,
Cuống, Siểm, Hại và Kiêu.
Vô tàm cùng Vô quý
Trạo cử và Hôn trầm
Bất hại cùng Giải đãi
Phóng dật và Thất niệm
Tán loạn Bất chánh tri.
Bất định là Hối, Miên,
Tầm Tứ Đều có hai.
Đã nói tâm sở tương ưng với sáu thức, làm sao biết phần vị hiện khởi?
Tụng nói:
Nương vào Căn bản thức,
Năm thức theo duyên hiện,
Hoặc cùng khởi hoặc không,
Như sóng nương vào nước,
Ý thức thường hiện khởi,
Trừ sinh trời Vô tưởng
Và hai Vô tâm định
Ngủ nghỉ và hôn mê (chết giấc).
Đã phân biệt rộng tướng trạng của ba thức năng biến là tự biến ra hai phần để nương tựa. Làm thế nào để biết là nương vào thức biến ra và tạm, nói là Ngã, Pháp chứ chẳng phải thật có riêng biệt? Và do đó tất cả chỉ có Thức?
Tụng nói:
Các thức ấy chuyển biến
Phân biệt, Sở phân biệt
Vì cả hai đều không,
Tất cả chỉ có Thức.
Nếu chỉ có Thức hoàn toàn không có duyên ngoài thì do đâu mà phát sinh các loại phân biệt?
Tụng nói:
Do nhất thiết chủng thức
Biến như thế như thế,
Vì do sức chuyển biến,
Phân biệt sinh các loại.
Chỉ có Thức bên trong mà không có duyên bên ngoài thì do đâu mà có hữu tình sinh tử tiếp nối?
Tụng nói:
Do tập khí các nghiệp
Cùng tập khí Hai Thủ (Năng Thủ, Sở Thủ).
Dị Thục trước đã hết
Lại sinh Dị Thục khác.
Nếu chỉ có Thức thì vì sao trong các Kinh, Thế Tôn nói có ba tánh? Nên biết ba tánh cũng không lìa thức. Vì sao?
Tụng nói:
Do các Thức vọng tưởng,
Vọng tưởng đủ các thứ,
Biến kế Sở chấp này,
Tự tánh toàn không có
Tự tánh Y tha khởi,
Duyên phần biệt sinh ra
Viên thành thật thì khác,
Thường lìa tánh biến kế,
Nên nó cùng Y tha,
Chẳng khác chẳng không khác,
Như các tánh vô thường v.v…
Thấy đây và thấy kia.
Nếu có ba tánh thì vì sao Đức Thế Tôn nói tất cả các pháp đều không có tự tánh?
Tụng nói:
Nương vào ba tánh này,
Lập ba Vô tánh kia,
Nên Phật ngầm ý nói,
Tất cả pháp Vô tánh,
Một là Tướng Vô tánh,
Hai, Vô tự nhiên tánh.
Ba do lìa tánh trước.
Là tánh chấp Ngã Pháp
Các pháp thắng nghĩa này,
Cũng tức là Chân như,
Vì thường như tánh nó,
Tức Thật Tánh Duy thức.
Năm bài tụng sau nói rõ về hành vị của Duy thức.
Luận nối: Như vậy là Tánh, Tướng Duy thức đã thành. Vậy ai, nương vào bao nhiêu vị và làm sao ngộ nhập? Đó là đầy đủ hai chủng tánh đại thừa: Một là chủng tánh bản tánh, nghĩa là từ vô thủy đến nay tánh này nương vào Bản thức tự nhiên mà đạt được nhân pháp vô lậu, hai là chủng tánh do huân tập mà thành, nghĩa là tánh này do nghe pháp đẳng lưu trong pháp giới mà thành. Đầy đủ hai tánh đó mới có khả năng ngộ nhập.
Những gì là năm vị? Một là Tư lương vị: Tu đại thừa thuận phần giải thoát. Nương vào tánh tướng của thức, có khả năng tin hiểu sâu.
Tướng đó như thế nào?
Tụng nói:
Cho đến chưa khởi thức,
Cầu trụ tánh Duy thức,
Đối Nhị Thủ Tùy Miên,
Còn chưa thể phục diệt.
– Hai là Gia hạnh vị: Tu Đại thừa thuận phần quyết trạch. Ở địa vị này có khả năng dần dần phục trừ sở thủ và năng thủ. Tướng đó như thế nào?
Hiện tiền lập chút vật,
Cho là tánh Duy thức,
Vì còn có sở đắc,
Chẳng thật trụ Duy thức.
– Ba là Thông đạt vị: Chư Bồ-tát trụ ở Kiến đạo, tại vị Thông đạt, như thật Thông suốt, đạt được Tướng đó như thế nào?
Nếu khi đối sở duyên,
Trí đều không sở đắc,
Bấy giờ trụ Duy thức,
Vì lìa tướng Nhị thủ (Năng Thủ, Sở Thử).
– Bốn là Tu tập vị: Chư Bồ-tát trụ ở Tu đạo, tại vị tu tập thấy lý như thật, luôn luôn tu tập. Tướng đó như thế nào?
Vô đắc chẳng nghĩ bàn,
Là Trí xuất thế gian,
Vì bỏ hai thô trọng,
Liền chứng đắc Chuyển y.
– Năm là Cứu cánh vị: Nghĩa là trụ ở quả vị Giác ngộ Chánh đẳng Vô thượng, ra khỏi hai chướng, quang minh viên mãn, có thể hóa độ các loài hữu tình đến tận đời vị lai. Tướng đó như thế nào?
Đây là cảnh vô lậu,
Thiện, thường, chẳng nghĩ bàn,
Thân an lạc, giải thoát,
Gọi là Đại Mâu-ni (Mâu-nỉ).