ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP IV
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)
LỜI GIỚI THIỆU
Tôi Hân Hạnh được xem qua sách quý.
Do đạo tâm một Phật tử viết ra.
Quyển thứ tư chỉ Đạo Phật Thích Ca.
Trong Đời Sống nhân sinh cần phải biết.
Khen Thiện Phúc đã gắng công mài miệt.
Vừa đi làm, vừa nghiên cứu học tu.
Các khoá thiền, giảng Phật pháp các nơi,
đều cố gắng tham dự luôn đầy đủ.
Với kiến thức uyên thâm nhà mô phạm.
Trường Bồ Đề trên hai chục năm qua.
Đã am tường giáo lý Phật Thích Ca,
và đời sống nhân sanh nhiều đau khổ.
Từ lúc nhỏ sớm hồi tâm tỉnh ngộ,
nên thích nghề giáo dục tránh nghiệp trần.
Nhưng nghiệp đời còn bắt buộc chuyển dần,
bao gian khổ, nguy nan nào kể xiết.
Nhờ ân trên chư Phật hộ vẹn toàn.
Lòng tin tưởng có Phật Ngài tế độ.
Giữ trường trai, qui giới rán cần tu,
và viết thành quyển sách để khuyên đời.
Mong chúng sanh còn tối tăm mù mịch.
Mê đắm đuối theo tiền trần vật chất.
Mãi chen lấn không tìm ra lẽ thật.
Kiếp con người ngắn ngủi tự bèo mây.
Mới thấy đây rồi thay đổi liền đây.
Thấy sống đó rồi bổng liền mất đó.
Đời giả tạm có chi đâu gọi có.
Có ngày nay, mai biến đổi còn chi?
Thế gian nầy, hết lúc hiệp rồi ly.
Cõi tạo hóa tuần hoàn đà như thế.
Biết như vậy: “Sớm Mau Tu Kẻo Trể.”
Hỡi người ơi! Chìm đắm mãi mà chi?
Muốn cho đời thấu rõ đạo từ bi.
Nên Đức Phật, Ngài ban vui cứu khổ.
Ai hữu duyên, sớm hồi tâm tỉnh ngộ.
Nương thuyền Từ Bát Nhã đáo Tây Phương.
Quyển sách nầy là chỉ rõ con đường.
Tác giả viết không làm sao đầy đủ.
Nhưng gồm thâu lý nghĩa thật là hay.
Vài trăm trang làm sao được đủ đầy.
Nhưng tóm lược các điểm nào trọng yếu.
Mong thức giả xem qua liền thấu hiểu.
Cần xem qua ba quyển trước nữa thêm.
Muốn học tu, cần nên phải tìm kiếm.
Thấy lợi ích, nên in ra bố thí.
Đức Phật dạy vạn phước điền đều quý.
In sách kinh là pháp thí đứng đầu.
Phước đức nầy thật rộng lớn cao sâu.
Xin hồi hướng cùng khắp trong pháp giới.
Kẻ hiện tiền được tu hành tấn tới
Người qua đời, Cực Lạc sớm tiêu diêu.
Khắp nhân sanh hưởng an lạc mọi điều.
Cả thế giới năm châu đầy hạnh phúc.
Nay tóm tắt có đôi lời cầu chúc.
Người xem qua liền tuệ giác khai thông.
Mở từ tâm bác ái tánh đại đồng.
Trao truyền lại cho mọi người hiểu biết.
Bởi pháp thí rất vô cùng cần thiết.
Hoằng pháp là nhiệm vụ của người tu.
Lợi sanh là sự nghiệp phải đạt thù,
của mọi người con Phật khắp năm châu.
In kinh viết sách phổ thông truyền.
Thì mới vào hàng Phật, Thánh, Tiên.
Tự giác đã đành cần trợ giác.
Giác thành viên mãn vĩnh trường miên.
Thuyền Từ vớt chúng bằng kinh pháp.
Đò Trí đưa người đến bảo liên.
Kỉnh Phật, trọng Tăng, ban pháp thí.
Biết rồi phản bổn tánh hoàn nguyên.
California ngày 27 tháng Sáu năm 1997
Đức Pháp Chủ
Hòa Thượng Thích Giác Nhiên
Kính Thưa Quí Đạo Hữu,
Đời là chỗ mê lầm trụy lạc, là giả tạm vô thường, là thay đổi sanh diệt, là nay còn mai mất, là phiền lụy khổ đau, là xoay vần tụ tán, là vấn vương thương ghét. Chính vì thế mà gần hai mươi sáu thế kỷ về trước, Đức Thích Tôn Từ Phụ đã làm một cuộc cách mạng, đã mở một con đường, gọi là đạo cũng được mà gọi là triết lý cũng được. Con đường nầy đã đưa chúng sanh từ chỗ thấp đến chỗ cao, từ chỗ giả đến chỗ thiệt, từ chỗ tối tăm đến chỗ sáng sủa, từ chỗ u tối mê muội đến trí huệ, từ phiền não đến Bồ Đề, từ chỗ phàm phu đến chỗ thánh thiện và từ chỗ luân hồi sanh tử đến chỗ giải thoát vô sanh.
Tuy nhiên, kinh điển Phật quả là thậm thâm và nhiều khi khó hiểu cho những ai mới tìm về trước đài vô thượng giác. Vì thế có lắm người đã chùn bước trước bầu trời Phật pháp thăm thẳm. Nhiều khi nghe cũng hiểu, nhưng không biết phải thực hành như thế nào, hoặc đôi khi như mờ mịt không tìm ra manh mối để tu trì. Từ ngày đạo tràng Huệ Quang mở khóa tu học và thiền quán cho Phật tử vùng Orange County, tôi có cơ duyên được hằng tuần nghe pháp từ các thầy ở khắp nơi qui tụ về giảng dạy, nên tôi cố gắng biên soạn lại những gì đã lợi lạc thiết thực cho chính bản thân tôi, mong chia xẻ cho ai nấy đều có được sự lợi lạc như tôi. Pháp của quí thầy như những trận mưa rào trong sa mạc nóng cháy. Thú thật, tôi không có khả năng làm mưa như quí thầy, nhưng tôi nguyện làm một ốc đảo giữ những nước mưa ấy và phân phối lại cho những khách lữ hành đang đi trong sa mạc. Quí đạo hữu! Phật và quí thầy đã làm mưa cho khách lữ hành trong sa mạc như chúng ta, uống hay không uống là tùy · chúng ta, chứ không ai có thể bắt ép chúng ta được.
Kính thưa quí bạn,
Đời vô thường, vạn vật vô thường, thấy đó mất đó, sớm nở tối tàn. Tất cả tựa hồ như một trường huyễn mộng, nhưng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy chân như ngoài cái trường huyễn mộng nầy đâu. Xin ai nấy hãy thầm thầm tiến tu thì cho dù phong ba bão táp, hoặc thương hải tang điền, đi đâu đến đâu, chúng ta cũng sẽ tìm thấy những tâm hồn và nụ cười tươi mát của những vị Phật quí bạn ạ! Coi vậy mà chúng ta không còn nhiều thì giờ nữa đâu. Hãy cố tu tập và hành trì theo Phật để trước nhứt lợi lạc cho chính bản thân mình, sau đó là lợi lạc cho gia đình, bạn hữu và những người quanh mình. Hãy rán kết tập Bồ Đề quyến thuộc với mọi người mình gặp để cùng tạo thiện duyên cho nhau trên bước đường tu tập.
Tu phước, tu huệ hay tu công đức thế nào cũng được, miễn là tu theo Phật. Tụng kinh, ăn chay, lần chuỗi, niệm Phật, niệm chú, ngồi thiền… đều được, miễn sao ta liên tục hành trì, chứ đừng nay tu mai nghỉ. Hãy cố gắng tu để thấy rằng đời là phiền não, là bể khổ đáng chán, nhưng người con Phật không chán đời, mà ngược lại, người con Phật đi vào đời một cách tích cực và sinh động. Hãy cố tu để vun bồi đức hạnh, để không vọng ngữ vọng ngôn và làm não hại chúng sanh. Hãy cố tu để có cuộc sống thanh bần lạc đạo như Đức Thích Tôn Từ Phụ. Hãy vâng giừ những lời Phật dạy mà tu tâm sữa tánh, cải thiện hành vi, từ bi hỉ xả. Hãy sống trong chánh niệm và tĩnh thức để dứt cho bằng được kiếp sống lăn trôi trong bể sanh tử luân hồi nầy.
Tuy nhiên, bên cạnh những pháp vũ tinh sạch của Phật pháp do chính những đứa con chân thật của Ngài ban phát, có quá nhiều những con ma Ba Tuần, hoặc những kẻ theo tà ma ngoại đạo, hoặc những kẻ ngã mạn, cống cao và xảo quyệt. Những người tự xưng Phật nầy thầy nọ hòng cầu danh trục lợi, gạt gẫm và làm cho biết bao nhiêu người bị lầm lạc trong thần quyền mê tín, hoặc đồng cốt. Họ cũng làm mưa vậy, nhưng mưa của họ là những loại mưa hóa học, chẳng những không đem lại tươi mát cho ta mà còn làm lở lói thêm tấm thân vốn dĩ đã gầy còm đau khổ của những Phật tử nhẹ dạ.
Kính thưa quí bạn,
Dù thượng căn hay hạ trí, chúng ta hãy cùng hướng về giáo pháp của Phật Tổ Gotama mà tu trì, hãy siêng năng ôn tầm kinh điển, thân cận những thiện hữu tri thức và minh sư để củng cố và phát triển Bồ Đề Tâm nơi ta và nơi người. Hãy làm một cái gì có lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội, chứ không để cho thời gian luống qua vô ích. Hãy gạt bỏ phàm tâm mà phát tâm Bồ Tát. Hãy can đảm quỳ trước đài vô thượng giác, nguyện từ đây quyết tâm noi theo hạnh Phật mà tu trì; nguyện tinh tấn xả bỏ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến để một ngày không xa nào đó chúng ta sẽ cùng nắm tay chư Phật thong dong trong cõi vô sanh.
Kính thưa quí bạn,
Trong tinh thần tự lợi và lợi tha song hành của Phật giáo, dù văn mọn tài hèn, tôi quyết tiếp tục biên soạn quyển “Đạo Phật Trong Đời Sống Tập IV” những mong ai nấy đều sẽ tìm thấy đuốc sáng Từ Bi của Phật Tổ để cùng nương nhau tìm về đất Phật.
Cuối cùng, tôi xin chí tâm hồi hướng công đức cho những ai có cơ duyên cầm được quyển sách nầy trên tay, cũng như những ai chưa có cơ duyên sẽ có cơ duyên trong tương lai để pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật quả.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Viết tại California mùa Hè năm 1997
Thiện Phúc
ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP IV
266. Vô Minh
267. Ai Bố Thí Cho Ai?
268. Tánh Thấy Biết Chân Thật
269. Lý Trí Và Tình Cảm Của Người Phật Tử
270. Tôn Giáo Của Chơn Lý
271. Cho Và Nhận Với Người Phật Tử
272. Xuất Thế Gian
273. Tánh Khiêm Tốn Và Nhẫn Nại Của Người Phật Tử
274. Người Quan Sát Vô Tư
275. Phật Pháp Và Thế Gian
276. Tu Trong Phiền Não
277. Vô Thường
278. Tứ Chánh Cần
279. Văn, Tư, Tu
280. Quyết Thành Phật
281. Bồ Đề
282. Giới, Định, Huệ
283. Tu Theo Phật
284. Luân Hồi
266. VÔ MINH
Vô là không, Minh là sáng. Vô minh có nghĩa là không sáng suốt, hoặc không thấu triệt được điều hay lẽ phải. Theo đạo Phật, vô minh là không tỏ ngộ chơn tâm, hoặc hiểu biết các pháp không đúng như thật, hoặc hiểu sai lầm. Vô minh lại chia ra làm căn bản vô minh và mạt chi vô minh. Vô minh đầu tiên trong thập nhị nhơn duyên là căn bản vô minh vì nó là gốc sanh ra các mạt chi vô minh khác. Tất cả những phiền não, khổ đau, tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, buồn, vui, thương, ghét, bạn, thù… đều do vô minh mà ra cả.
Vì vô minh che lấp chơn tâm nên phiền não nổi lên làm cho thân, khẩu và ý tạo nghiệp. Cũng chính vì vô minh mà ta đã rong chơi trong trong khắp các nẽo luân hồi sanh tử. Vô minh nó bám theo ta như hình với bóng. Nó khiến ta chẳng những không nhận dạng được căn nguyên của phiền não và khổ đau, mà vô minh còn khiến ta chạy theo, níu kéo và nắm bắt lấy chúng nữa là khác. Rồi cũng chính vô minh đưa đẩy bắt ta phải phục tùng, tôn thờ và làm nô lệ cho bản ngã và dục vọng. Vô minh bảo ta thân nầy là có thật, là đẹp đẽ; tâm nầy là trung tâm của vũ trụ; ý nầy là cao thượng; mặt nầy là đẹp đẽ. Cũng chính vô minh bảo ta cái gì của ta là chơn lý, của người là tà vạy. Từ đó mà ta tăng trưởng lòng ích kỷ và bỏn xẻn. Ta chỉ biết có ta mà không hề biết đến người. Những cảm nghĩ của kẻ khác chỉ là những con số “không” to tướng với ta.
Vô minh như trên đã nói, nó theo ta như hình với bóng. Nó không phải là một thực thể đến từ bên ngoài, cũng không đơn thuần xuất hiện từ bên trong. Nó là sự phối hợp của cả trong lẫn ngoài. Vô minh là tên giặc khó nhận diện, nhưng lại là tên giặc vô cùng nguy hiểm mà chúng ta phải diệt ngay từ những bước đầu để đi đến con đường giác ngộ và giải thoát. Vì sao? Vì nếu móc xích vô minh mà bị chặt đứt thì Hành cũng không, Thức cũng không; Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão, Tử đều không nốt.
Ngoài ra, vô minh còn là đầu dây mối nhợ gây ra đau khổ và phiền não. Thực ra ở đời nầy không có cái gì bắt đầu, mà cũng không có cái gì chấm dứt. Chỉ có sự biến dạng của hiện tượng, nhưng vì bị vô minh che lấp nên cảm quan của ta bị lừa, thế thôi! Mới hồi sáng nầy vui vui sướng sướng, thì chiều lại đã đau khổ một trời. Mới hồi tối nầy cười cười nói nói,thì đến khuya đã im lìm trong mê sảng. Đời sống băng hoại, tâm ý rã rời đổ nát, ta nào hay biết. Tất cả đều do bởi vô minh mà ra. Nói như thế không có nghĩa là “trăm dâu đổ đầu tằm,” mà là nói một cách trung thực. Tất cả mọi khủng hoảng, lo sợ, tranh chấp, não phiền, đau thương, tang tóc… ở trên đời nầy đều do bởi vô minh mà ra cả. Chúng ta không có con đường nào khác để lựa chọn là phải chặt đứt vô minh nếu chúng ta không muốn bị nghiền nát bởi bánh xe luân hồi sanh tử. Một khi vô minh bị ánh sáng của trí huệ đẩy lùi thì phiền não và khổ đau cũng sẽ không còn.
Làm sao chặt đứt vô minh?
Mười hai nhân duyên với những liên quan mật thiết. Cái nầy vừa làm quả cho nhân trước, mà cũng vừa làm nhân cho quả sau. Chúng cứ nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Vô minh lại là một móc xích quan trọng trong mười hai nhân duyên nầy. Thế cho nên hễ chặt đứt vô minh là cả hệ thống sẽ bị rã rời. Cách duy nhất để chặt đứt vô minh là thiền quán. Quán để thấy rằng từ vô thỉ, cái gì cũng không, cái gì cũng thanh tịnh; rồi vì vô minh mà bản tâm thanh tịnh bị ẩn khuất, như áng mây che khuất ánh trăng. Lúc ấy căn trần tự nhiên tiếp xúc, tự nhiên phát khởi đủ thứ vọng động. Bây giờ quán để trở về với cái gì cũng không và cái gì cũng thanh tịnh ấy. Quán đến độ “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mới thôi; nghĩa là vin vào chỗ không mà sanh tâm. Quán đến độ “đối cảnh vô tâm” thì lúc đó vô minh không còn đất dụng võ nữa. Lúc ấy con đường đi về quê hương Phật quả là con đường Cái Quan sáng lóe những hào quang của các đấng Như Lai vậy.
267. AI BỐ THÍ CHO AI?
Phật tử chúng ta ai cũng đều biết đến bố thí; tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu cho rõ một chút nữa về hai chữ “Bố Thí” và ai bố thí cho ai?
Bố là rộng, thí là cho. Bố thí là cho một cách rộng rãi. Cho không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Không vì tướng mà bố thí; không vì sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp… mà bố thí, ấy là chân bố thí. Lại cũng không vì phước đức hay công đức mà bố thí. Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh cao quý của người tu Phật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền Định và Trí huệ. Đạo Phật là đạo của từ bi hỉ xả và tình thương trong đạo Phật quả là bao la, sâu rộng vô cùng. Phật đã từng dạy rằng để thể hiện và làm cho lòng từ bi mẩn chúng phát triển, chúng ta phải thực hành cho rốt ráo pháp môn Bố thí. Cho cùng khắp, cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi loài…
Nhưng ai bố thí cho ai?
Theo nghĩa thông thường thì người cho là người người cho, còn người nhận là người nhận. Nó rõ ràng như ban ngày, không có gì để thắc mắc. Tuy nhiên, với người con Phật, chuyện không đơn giản như vậy. Với người con Phật thuần thành thì nếu không có người nhận, người cho sẽ không có cơ hội để bố thí, để phát Bồ Đề tâm. Như vậy, cả hai đều bố thí lẫn nhau; người có của; kẻ đem đến cơ hội cho người làm điều thiện lành. Đây cũng chính là cái chỗ vô cùng dễ thương của đạo Phật; dễ thương nếu ta thành tâm làm việc thiện; dễ thương nếu ta không lý luận vì hễ còn lý luận là chúng ta cứ còn mãi loay hoay, chứ có bến bờ đâu để mà đến. Ngoài ra, trong lúc bố thí mà khởi tâm lý luận thì quả tình đây là một lối bố thí với dụng tâm, không trong sạch. Chúng ta đã biết bố thí là do từ tâm mà ra; bố thí, theo lời Phật dạy, còn là một cách để độ ta và độ người thực tiển nhất. Như vậy trong lúc bố thí mà còn khởi tâm coi ai bố thí cho ai? Xem coi trong cuộc bố thí nầy ai là người được tiếng, được danh? Bố thí với dụng ý như vậy và thái độ như thế ấy quả không là bố thí tí nào cả.
Bố thí chân thật phải xuất phát tận đáy lòng từ bi mẫn chúng của ta, chứ không vì được đăng lên báo mà bố thí, cũng không vì được tán thưởng mà bố thí, lại cũng không vì tỏ ra mình tài giỏi mà bố thí. Ngược lại, bố thí phải lấy tâm bình đẳng, xem chúng sanh mọi loài như nhau, không vị kỷ, không phân biệt bạn thù, hay thân sơ… Bố thí mà không tiếc và không còn phân biệt ai cho ai nhận nữa, ấy mới chính là sự bố thí chân thật và cao quý nhất.
268. TÁNH THẤY BIẾT CHÂN THẬT
Từ câu nói của Đức Từ Phụ: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật đương và sẽ thành,” chúng ta thấy rõ mọi chúng sanh đều có Phật tánh. Tuy nhiên, chỉ vì vọng tưởng và chấp trước mà ta không thấy được trí huệ và đức tướng của Như Lai. Đã vậy lại thêm đà tiến bộ kỹ thuật và văn minh vật chất nên hệ thống tư tưởng và tổ chức xã hội của con người càng phức tạp; do đó chúng ta càng đi xa Phật tánh của chúng ta hơn.
Phật tánh hay tánh thấy biết chơn thật từ vô thỉ vẩn đến ngày nay nó vẫn vậy; nó không lớn, không nhỏ, không rộng, không hẹp, không cao, không thấp. Bao la như vũ trụ vẫn là nó, mà vi tế như một hạt bụi cũng vẫn là nó. Làm sao để trở về được với cái tánh thấy biết chơn thật ấy? Tận hưởng các dục lạc thế gian hay tu hành ép xác và khổ hạnh? Cả hai thái cực nầy đều không nằm trong giáo pháp của nhà Phật. Theo Phật, chúng ta phải thấy biết mọi sự kiện trong thiên nhiên, vũ trụ và đời sống của con người một cách trung thực. Hiểu biết được như vậy, ta sẽ an nhiên tự tại hơn.
Nếu như ta hiểu được rằng nắng mưa là chuyện của thiên nhiên và vũ trụ, thì cho dù có nắng, có mưa, có lụt lội hay hạn hán; ta biết ta không tài nào thay mưa đổi nắng được, nên ta chấp nhận nắng mưa một cách an nhiên và tự tại. Hiểu được như vậy, ta sẽ không còn vướng mắc với các ý tưởng đối nghịch nữa. Lúc đó ta sẽ là người quan sát vô tư, chứ không còn là nhà phân tích hay phê bình tư tưởng nữa. Hiểu được như vậy thì không một pháp, một niệm nào có thể làm khơi dậy lòng tham muốn, giận dữ, sân si, hoặc hận thù trong ta để có thể đưa ta đến xáo trộn và đau khổ.
Tánh thấy biết chơn thật nầy rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Sống là sống hạnh phúc, ấy là tánh tự nhiên sẳn có nơi nơi mỗi chúng ta. Hãy suy gẫm cho kỹ đi rồi sẽ thấy rằng trong mỗi chúng ta ai mà không muốn được sống an lành và hạnh phúc? Tuy nhiên, vì tham, sân, si mà ta cứ mãi dong ruổi đi tìm. Đi tìm cái gì chính chúng ta cũng không biết. Tìm chưa được cái nầy thì đã mất cái kia… Chúng ta có cái gì để lựa chọn hoặc để tìm đâu mà cứ mãi dong ruổi? Càng lựa chọn, càng dong ruổi thì xáo trộn, mâu thuẩn và xung đột càng nhiều. Xin hãy quay về với sự trong sáng tự nhiên của tánh thấy biết chơn thật thì tự nhiên cuộc sống nầy sẽ tràn đầy hạnh phúc.
Một khi chúng ta đã quay về với tánh thấy biết chơn thật thì chúng ta sẽ luôn đi trên con đường trung đạo. Lúc đó làm cái gì ta cũng tiết độ chứ không thái quá; không ép xác khổ hạnh, mà cũng không phóng túng buông lung. Như vậy không phải là an vui và thoải mái lắm sao? Tánh thấy biết chơn thật nầy lúc nào cũng hiện hữu; hễ ta chịu quay về là ta sẽ gặp nó ngay. Nó bất sanh, bất diệt, bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm. Nó vô cùng, vô tận; nó vô thỉ, vô chung. Nó không có bắt đầu, mà cũng không có chấm dứt. Tánh thấy biết chơn thật ở Phật như thế nào thì ở chúng sanh cũng như thế ấy.
Nó luôn rỗng lặng, tinh sạch và trong sáng nơi mỗi chúng ta. Vũ trụ bao la là nó, mà hạt bụi vi tế cũng là nó. Với tánh thấy biết nầy ta sẽ thấy biết rõ ràng mọi thứ; không có thứ nào có thể khống chế được thứ nào. Không có thứ nào ưu tiên hơn thứ nào; không có cái nào đẹp, cũng không có cái nào xấu. Với tánh thấy biết chơn thật, mọi hiện tượng đều được thấy rõ ràng; thấy với tâm buông xả; thấy mà không khởi tâm phân biệt khen chê, đẹp xấu, hay dở. Thấy mà không chạy theo, cũng như không kềm giữ. Tánh thấy biết chơn thật nầy giống như bầu trời bao la thăm thẳm; mây đến, mây đi; bầu trời vẫn còn đấy, vẫn bao la thăm thẳm.
Ngoài ra, tánh thấy biết chơn thật còn cho chúng ta hiểu rõ tính cách vô thường của vạn pháp. Bầu trời hôm nay vần vũ, ngày mai nó có còn vần vũ nữa không? Biết như vậy, chúng ta sẽ không còn gì để sợ hãi nữa trước những vật đổi sao vời và những biến chuyển của vạn vật theo dòng thời gian. Biết như vậy tâm ta sẽ trở nên an trụ và thoải mái hơn. Biết được như vậy ta sẽ không chạy theo ưa thích những điều hay tốt, hoặc ghét bỏ những gì thô thiển xấu xa.
Một khi đã trở về với tánh thấy biết chơn thật thì tâm ta luôn tỉnh thức; lòng ta không còn vướng mắc bởi bất cứ thứ gì. Lúc ấy, tự tâm buông xả, không dính mắc, không phân biệt, không phân tích, không phê bình, không chê, không khen, không vui, không buồn, không thương, không ghét, không giận, không hờn, không tham, không sân, không si… Lúc ấy chúng ta đang làm gì nếu không phải là đang thực hành một cách rốt ráo “tánh không” của vạn pháp. Lúc ấy, cho dù ta có muốn si mê, trí tuệ cũng vẫn đến; cho dù ta có muốn vọng động, thanh tịnh vẫn cứ tìm về. Lúc đó từ bi hỉ xả và trí huệ luôn là nguồn suối tươi mát trong cuộc sống tràn đầy hạnh phúc chơn thật nơi ta. Lúc đó cuộc sống ta là một cuộc sống an vui bất tận. Lúc đó, dù trong hoàn cảnh nào ta cũng sống an vui và thoải mái một cách liên tục và miên viễn.
Tuy nhiên, để thấu triệt được cái tánh thấy biết chơn thật nầy, chúng ta phải trải qua một quá trình tu tập lâu dài, phải thực nghiệm tự thân mới thấy được, chứ không ai có thể thấy dùm mình được. Phải thực nghiệm nơi tự thân, chứ không qua kinh điển mà kiến tánh. Hãy cố mà tu tập như các thầy tổ cho đến độ “không có một chỗ để cho tâm phát sanh, ấy là chơn tâm, ấy là tánh thấy biết chơn thật tự thuở giờ.” Đừng để cho chúng ta phải trở thành những con người “túy sanh mộng tử” nữa; nghĩa là sống say chết mộng. Sống mà không hay, không biết mình đang sống; hàng ngày, hàng giờ không biết mình đang làm gì. Sống như vậy quả là uổng cho một kiếp con người. Sống phải tỉnh thức; phải biết mình đang làm gì? Đang đi đâu? Đang ăn gì, uống gì??? Phải biết mình có đang ăn dối, nói láo hay không? Biết để mà sửa đổi; biết nói dối là sai trái để rồi tự thẹn và không bao giờ nói dối nữa.
Chúng ta sẽ không còn nhiều thì giờ nữa đâu. Một ngày qua đi là một ngày ta mất dần đi cơ hội quay về với chính ta. Đừng đợi đến lúc tay run mắt mờ rồi mới hẳn tính, thì e rằng không còn kịp nữa đâu để mà tính. Hãy lắng nghe lời dạy của Đức Từ Phụ: “Nhất thất nhơn thân, vạn kiếp nan phục.” Một khi đã mất thân nầy rồi, vạn kiếp khó mong tái hồi. Mong cho ai nấy đều sớm quay về với tánh thấy biết chơn thật của chính mình để không còn phải phân biệt Ta Bà hay Tịnh Độ nữa.
269. LÝ TRÍ VÀ TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
Từ vô thỉ chúng ta đã vì tham, sân, si mà tạo nghiệp. Thân, khẩu, ý đã liên kết chặt chẻ để đưa ta hết từ kiếp luân hồi nầy qua đến kiếp luân hồi khác. Trong ba thứ thân, khẩu và ý thì hai anh thân và khẩu là chậm chạp vì phải gắn liền với thân nầy. Duy chỉ có anh ý là dong ruổi; nó đi nhanh còn hơn là ánh sáng, thoáng một cái là nó có khả năng xuất hiện bất cứ nơi nào trong vũ trụ nầy. Có rất nhiều người tự thuở giờ nào có biết mặt trăng tròn méo thế nào mà vẫn có thể tưởng tượng được trên ấy chị Hằng đẹp xấu ra sao. Thế mới biết những gì đến với ý là không thể lường biết trước được.
Chính anh “Ý” nầy đã làm chủ nhân ông hai phần chủ yếu trong mỗi chúng ta: lý trí và tình cảm. Cái trục trặc chính của ta là ở chỗ nầy. Một anh ý hay thích dong ruổi mà lại làm chủ nhân ông của hai trạm kiểm soát trọng yếu của con người. Trong mỗi hoàn cảnh, anh “Ý” đều biết là có sự xung đột giữa lý trí và tình cảm, nhưng anh ta lúc nào cũng để cho tình cảm lấn lướt lý trí. Tại sao? Tại bởi một lẽ dễ hiểu. Sở dĩ anh “Ý” dong ruổi là để đi tìm những hình ảnh quyến rũ và cảm xúc; mà tình cảm là sự quyến rũ và cảm xúc khó ngăn chận trong ta; còn lý trí thì ngược lại, nó khô khan, nó như là một cái thời khóa biểu, hoặc một bổn phận. Lý trí kéo ta về với hiện thực, nó cứng nhắc chứ không xúc tích như tình cảm. Thế cho nên dù lý trí có là lẽ phải đi nữa, ít khi nào chúng ta chịu theo nó lắm.
Người con Phật, một khi đã nắm vững được bản chất của anh “Ý” và quyết tâm tu trì, thì người ấy nhứt quyết sẽ không để cho tình cảm và những quyến rũ nhất thời lấn lượt lý trí và lẽ phải. Người ấy sẽ lội ngược dòng đời và quyết không để cho tham, sân, si ngăn cản sự hướng thượng của chính mình. Ngược lại, người ấy sẽ luôn dưỡng đạo tâm; dứt bỏ cái “Ta”; dứt bỏ lòng tham; diệt tận những vui, buồn, thương, ghét của phàm phu. Hơn thế nữa, người ấy sẽ luôn nhẫn nhục và nhu hòa đối với chúng sanh và các pháp. Ai mạ nhục mình, mình vẫn tỉnh bơ; trời có nóng, có lạnh, lòng nầy vẫn vậy.
Khi chưa tu thì ta để cho anh “Ý” buông lung và phóng túng; để mặc tình cho tình cảm lấn lướt lý trí. Đến lúc tu rồi thì ta không cho anh “Ý” buông lung nữa; không để cho tình cảm tha hồ tạo tác nữa, mà ta chỉ nghe theo tiếng gọi của lẽ phải và chân lý. Lúc tu rồi thì lý trí luôn kiểm soát tình cảm. Không phải là một tháng chỉ kiểm soát dăm ba ngày, mà là hết ngày nầy qua năm khác, là mãi mãi.
Xin đừng chờ, đừng đợi nữa, bởi lẽ có ai trong chúng ta biết trước được chuyện gì sẽ xãy ra cho ngày mai đâu? Lá trên cành không nhất thiết phải vàng mới rụng; chúng ta cũng vậy. Chúng ta như những ngọn nến cháy dở, không nhất thiết phải đợi đến hết nến mới tắt, mà chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua, nến cũng có thể tắt được. Vậy hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ; phải hiểu cho tường tận mọi vấn đề. Hãy kiểm soát anh “Ý” từng giờ, từng ngày, đừng để cho tình cảm mãi lấn lướt lý trí nữa.
270. TÔN GIÁO CỦA CHƠN LÝ
Nếu có ai hỏi tôi rằng trong cõi Ta Bà huyễn giả nầy, cái gì làm tôi cảm thấy thân thương và gần gủi nhất, tôi sẽ vô cùng sung sướng mà đáp rằng đó là cái tôi đến với đạo Phật. Nhờ đến được với đạo Phật mà mặc dù chưa trọn hưởng gia tài của Ngài để lại, nhưng thân tâm tôi cũng như những người trong tiểu gia đình của tôi giờ đây đã thanh tịnh và an lạc nhiều rồi.
Đạo Phật mới nghe ai cũng cười mỉm mà nghĩ rằng đấy là một tôn giáo cho những ai chán đời và tiêu cực. Vì đạo Phật không tranh đua hơn kém với ai. Đạo Phật không tạo ra những yếu lý hoặc điều lệ cho người theo. Đạo Phật cũng không cấm cản việc tín đồ kết thân hoặc kết hôn với người của các tôn giáo khác. Những đứa con Phật chưa bao giờ gây thù kết oán, hoặc tạo ra một cuộc Phật chiến nào. Trái lại, đạo Phật là tôn giáo của sự hòa đồng và khoan dung. Đó chính là tôn giáo của chơn lý, của sự thật.
Thuở Đức Phật còn tại thế, có người đã hỏi Ngài rằng trong thời mạt pháp, nhiều loại ma Ba Tuần len lỏi vào đạo; chúng cũng hô hào rằng pháp của chúng là pháp Phật; vậy thì phải làm sao mà phân biệt đâu là Phật pháp, đâu là tà pháp? Chính Đức Thế Tôn đã không ngần ngại mà rằng: “Hễ cái gì luôn đúng với sự thật hoặc chơn lý, cái đó là Phật pháp.” Ngài còn thêm rằng: “Đạo Phật chẳng những giúp cho con người và chúng sanh mọi loài được giải thoát, nếu công phu tu trì, mà đạo Phật còn dẫn dắt chúng sanh đến một cuộc sống an lạc, tự tại, toàn thiện và toàn mỹ nữa.” Đạo Phật dạy cho con người vừa sống hòa hợp với thiên nhiên và vũ trụ mà cũng vừa thích hợp với khoa học hiện đại. Cho dù khoa học hiện đại có tiến bộ đến đâu đi nữa, đạo Phật vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho cả nhân loại và khoa học.
Nói về triết lý cao siêu thì đạo Phật cũng có đầy đủ những triết lý thậm thâm vi diệu; tuy nhiên, nếu đứng trên phương diện thực tiển mà nói thì đạo Phật cũng vô cùng thực tiển. Với đạo Phật, địa ngục hoặc Niết Bàn không ở đâu xa xôi, cũng không ở một kiếp nào xa vời, mà là ở đây, ở đời nầy, kiếp nầy. Chính chúng ta đã làm cho địa ngục có mặt trên mặt địa cầu đẹp đẽ nầy; rồi cũng chính vì sợ hãi mà chúng ta đã tạo ra những tôn giáo để mong được cứu rỗi. Với đạo Phật, chuyện nầy là không tưởng. Tại sao? Cứu rỗi hay không cứu rỗi là ăn thua ở chính ta mà thôi. Cứ mãi trộm cướp và làm những chuyện tà vạy rồi đi kiếm người che chở cho ta đừng vào tù hoặc đừng bị trừng trị, ai dám đứng ra che chở cho ta?
Thật ra chúng ta phải gọi đạo Phật là triết lý nhà Phật thì mới đúng vì đứng trên phương diện triết lý thì giáo lý Phật là một hệ thống triết lý của sự chơn thật và của cuộc đời. Nó giúp cho chúng ta quay về với con người thật của chúng ta chứ không tiếp tục làm những tay kịch sĩ nhà nghề nữa. Nếu ai muốn gọi là đạo thì cũng được, nhưng đúng tên gọi của đạo Phật phải là “Chơn Lý.” Chơn lý nầy không và sẽ không bao giờ được thuyết giảng suông qua sách vở, mà chính chúng ta phải thực nghiệm nơi tự thân, phải hằng sống với nó một cách khiêm tốn và thành thật thì nó mới hiển lộ.
Một khi chúng ta đã hiểu được “Chơn Lý” nầy thì chúng ta sẽ sống và để yên cho người khác sống; chúng ta sẽ thanh tịnh và cũng để yên cho người khác thanh tịnh. Sống được như vậy, thế giới Ta Bà nầy sẽ gồm toàn là những người bạn đồng hành, đồng tu. Lúc đó không có hận thù ganh ghét nữa, mà chỉ toàn là những nụ cười đầy “Từ, Bi, Hỉ, Xả.”
271. CHO VÀ NHẬN VỚI NGƯỜI PHẬT TỬ
Phải chăng khoa học kỹ thuật và đời sống văn minh hiện tại đã làm cho con người ta ích kỷ và bỏn xẻn hơn; hoặc giả sống một cách vô hồn hơn? Cũng có một phần; tuy nhiên, bản chất cố hữu của con người vẫn là muốn cho mình nhiều hơn cho người. Nói như vậy không có nghĩa là quơ đủa cả nắm. Trên mặt đất nầy vẫn còn có lắm vị Bồ Tát suốt đời chỉ biết có cho, chứ không mong cầu được nhận một thứ gì cả, ngay cả những thứ nhu yếu cho cuộc sống hằng ngày.
Cũng phải thành thật mà nhận rằng khoa học càng tiến bộ, văn minh vật chất càng cao thì cuộc sống của con người càng khô khan và bủn xỉn bấy nhiêu. Tương tự, lòng tham của con người trong xã hội loạn động nầy càng lên cao bấy nhiêu. Giới trẻ thì sống bất cần đời, sống xa hoa trụy lạc; những người đứng tuổi thì chỉ biết thủ lấy cho mình, còn thì sống chết mặc bây. Cuộc sống như vậy quả là một cuộc sống đầy trục trặc. Sống mà chỉ biết có nhận, chứ không biết cho. Chỉ biết có ích kỷ, chứ không biết đến vị tha.
Chỉ biết có bỏn xẻn, chứ chưa bao giờ bố thí… Sống như vậy là trưởng dưỡng tham, sân, si; sống như vậy chỉ gây thêm sóng gió cho đời và biến cõi Ta Bà nầy Ta Bà hơn. Những người sống như vậy, theo nhà Phật, là những con người đang trốn chạy chính mình. Vì sao? Vì họ chưa bao giờ dám thẳng thắn trực diện với chính họ; hoặc giả chưa bao giờ họ có can đảm đối đầu với thực tại. Nếu họ có can đảm một chút để đối đầu với hiện thực thì họ sẽ thấy rằng nếu ai cũng muốn nhận mà không muốn cho thì lấy ai ra để mà cho; có phải kết quả bi thảm sẽ là trộm đạo và cướp bóc hay không?
Những người con Phật quyết không trốn chạy, mà can đảm nhìn vào sự thật để thấy hằng ngày chúng ta đã và đang thọ nhận không biết bao nhiêu là công sức của người khác, từ nhà ở, chén cơm, manh áo, phương tiện di chuyển, đến phương tiện y khoa… Mỗi ngày có rất nhiều người làm việc cho chúng ta; nhờ vậy mà chúng ta mới có thể tiếp tục sống. Có phải là chúng ta đang thọ nhận nhiều lắm lắm đó không? Đúng vậy quý bạn ạ! Như thế, muốn cho cán cân cho và nhận được cân bằng, xin đừng đòi hỏi được nhận thêm, mà xin hãy cho ra thêm nữa.
Ngay cả trong ca dao bình dân mà ta còn thấy rõ ý thức về cho và nhận, huống hồ là người con Phật, chẳng hạn như: “Có qua có lại mới toại lòng nhau.” Hiểu được như vậy, người con Phật sẽ ý thức rằng đời sống nầy là một tiến trình liên tục của sự cho và nhận, chứ không riêng chỉ nhận mà thôi. Mà kỳ thật, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Tại sao? Tại vì nếu chúng ta chỉ biết có nhận mà không cho lại một thứ gì khác, thì sẽ đến một lúc không còn gì để nhận. Hoặc giả nếu ai cũng chỉ nghĩ có nhận thì lấy ai cho?
Với người Phật tử, cái cho không nhất thiết phải là tiền bạc hay của cải vật chất mới là cho, mà là bất cứ thứ gì. Thí dụ như thấy một đàn kiến đang bị nước cuốn trong một vũng nước, ta bèn gát cây ngan cho chúng bò lên, ấy là một cái cho tuyệt vời: cho mạng sống. Người Phật tử có thể nghèo tiền nghèo bạc, nhưng trái tim họ đâu có nghèo. Như vậy ít nhất chúng ta vẫn còn có trái tim để cho. Thấy ai lo sợ về việc gì, mình bèn đến gần khuyên lơn an ủi, ấy là cái cho cao quý rồi còn gì? Thấy ai không biết về một việc mà mình biết, mình liền cố gắng giải thích cho họ hiểu, ấy là cho… Những cái cho cao quý nầy đâu cần phải có nhiều tiền nhiều bạc. Nếu ai trong chúng ta cũng đều hiểu được như vậy thì đoan chắc rằng chúng ta luôn luôn có cái để cho. Cho mà không bao giờ mong cầu được đền trả lại, ấy là cái cho vô cùng cao quý vậy.
272. XUẤT THẾ GIAN
Chủ yếu của đạo Phật là chỉ dạy cho chúng sanh giải thoát mọi phiền não và đau khổ. Hễ ở đâu có mâu thuẩn là nơi đó có phiền não và đau khổ. Tuy nhiên, giải thoát khỏi phiền não và đau khổ không có nghĩa là trốn chạy chúng, nghĩa là ta không trốn chạy những mâu thuẩn. Người Phật tử một khi quyết chí tu theo Phật thì cũng quyết chí nhận rõ và đối mặt với phiền não và khổ đau. Một khi đã quyết chí tu theo Phật là quyết chí xuất thế gian, chứ không lừng khừng nửa xuất, nửa không. Người xuất thế gian có khác người thế gian hay không? Khi nói đến xuất thế gian là nói về tâm xuất thế gian, chứ thân nầy vẫn đây, vẫn ở tại cái thế gian tạm bợ nầy.
Người xuất thế gian vẫn tích cực và siêng năng làm việc để nuôi mình và nuôi những người thân; có điều là người xuất thế gian có phần tỉnh thức và chủ động hơn trong mọi ý nghĩ và hành động thường nhật; thân tâm họ có chừng mực hơn. Họ luôn siêng năng tu hành để trưởng dưỡng thiện tâm. Họ luôn đi con đường trung đạo. Người xuất thế gian cũng sinh hoạt bình thường như mọi người, cũng ăn, uống, ngủ, nghỉ… Có điều khác ở chỗ là họ ăn, uống, ngủ nghỉ trong tỉnh thức, có chừng mực và trong chánh niệm.
Người xuất thế gian luôn biết rằng đời sống nội tại nó cũng khẩn thiết không kém chi đời sống vật chất bên ngoài. Chính vì thế mà người xuất thế gian luôn dành nhiều thì giờ hơn cho nội tâm. Họ luôn sống trong tỉnh lặng, chăm chỉ và tự chủ. Họ luôn kiểm soát được những phản ứng tự thân. Họ luôn biết rằng mọi quyến luyến là do tâm thức và tình cảm làm phát sanh trước những huyễn cảnh. Họ không bị ngã và ngã sở khống chế; họ cũng không bị nghịch cảnh làm điên đảo, sân, si. Người xuất thế gian sẽ bước đi từng bước chậm rãi; tuy nhiên, họ lúc nào cũng tự tại nên chẳng bao giờ họ cảm thấy con đường đi đến giải thoát của họ là xa xôi dịu vợi. Chính vì thế, cho dù đơn độc lữ hành, họ không bao giờ cảm thấy lẻ loi.
273. TÁNH KHIÊM TỐN VÀ NHẪN NẠI CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
Những người con Phật trong xã hội cận đại phải luôn nhớ rằng mặc dù Phật không còn tại thế nữa, nhưng những tấm gương sống rạng ngời của Ngài vẫn còn đây. Một trong những đức tánh ấy là lòng khiêm tốn và tánh nhẫn nại. Đức Phật đã nêu lại cho chúng ta một bài học vô cùng quý giá về cuộc sống nhẫn nại và khiêm tốn của Ngài. Trong lúc còn tại thế, Ngài đã hằng khuyên chúng đệ tử là hãy sống nhẫn nại và khiêm tốn; không nên sân hận, hoặc trả thù trả oán chi ai. Người con Phật phải luôn ôn nhu, hòa nhã trong mọi trường hợp, trước mọi hoàn cảnh khiêu khích. Người con Phật phải luôn sống thật đơn giản, càng đơn giản càng tốt. Hãy nhìn vào Đức Từ Phụ thì sẽ thấy, Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để sống đời khất sĩ, ấy là gì nếu không là một sự khiêm tốn thượng thừa? Ngài đã an nhiên tự tại, mặc cho lũ nội ma ngoại chướng quấy phá, ấy là gì nếu không là một sự nhẫn nại vượt bực?
Theo Phật, chính đức khiêm tốn sẽ dẫn đến ôn nhu, hòa nhã và nhẫn nại. Khiêm tốn không có nghĩa là đầu hàng, hoặc ương hèn thua thiệt… Khiêm tốn là tự khắc phục chính mình; khắc phục những cảm xúc của mình; khắc phục những tị hiềm nhỏ nhen, những cống cao ngã mạn, những tự ti mặc cảm. Khiêm tốn còn có nghĩa là tự mình làm chủ lấy mình, chứ không để cho tham, sân, si quật ngả mình.
Khiêm tốn thật sự là một dấu chấm vĩ đại; nơi đó không có hận thù, oan trái, mưu toan, căm giận, bất an, phiền não, mất mát, oán ghét… Ngược lại trong khiêm tốn ta chỉ nhìn thấy sự khoan dung, lòng quảng đại, tính dịu hiền… Người Phật tử với tánh khiêm tốn sẽ luôn sống trong an vui, hạnh phúc và thanh tịnh. Người sống trong khiêm tốn là người thật sự sống trong sự giải thoát rốt ráo; giải thoát hoàn toàn khỏi vòng nô lệ của tham, sân, si, phiền não và đau khổ.
Tóm lại, đạo Phật thậm thâm không chỉ riêng ở chỗ đưa chúng sanh đến chỗ giải thoát, mà còn tạo cho con người một cuộc sống thực tiển với cá tánh hài hòa, an lạc, thái bình và hạnh phúc nữa.
274. NGƯỜI QUAN SÁT VÔ TƯ
Đạo Phật không những chỉ dành riêng cho những ai mong cầu giải thoát, mà nó còn giúp cho con người có được cuộc sống an lạc và tự tại. Một khi chúng ta đã biết rõ tính hư ảo của các pháp thì lúc đó chúng ta sẽ tin chắc rằng nếu không sớm hồi đầu, không ai trong chúng ta có thể tránh được đau khổ. Tuy nhiên, cái quan trọng ở đây là hồi đầu bằng cách nào? Bằng cách đến chùa nghe pháp, tụng kinh ư? Bằng cách tham dự vào các khóa thiền quán ư? Hoặc bằng cách quy y Tam Bảo? Tất cả những cách trên đều cần thiết; tuy nhiên, cái quan trọng nhất vẫn là thay đổi chính con người của chúng ta.
Thay đổi hoàn toàn cái bịnh chủ quan của phàm phu. Hãy nhìn tất cả các pháp bằng cái nhìn khách quan vô tư, chứ không chủ quan, thiên kiến. Một khi chúng ta nhìn sự vật bằng khách quan và vô tư thì dĩ nhiên cái nhìn ấy không có thiên vị. Giữa ta và vật được nhìn không có một mối liên hệ tinh thần đặc biệt nào cả. Giữa tâm ta và vật có một khoảng cách. Chúng ta hoàn toàn độc lập với đối tượng, chứ không bị ràng buộc hoặc liên kết. Cái nhìn khách quan là cái nhìn vô tư; chúng ta hoàn toàn không thêm, không bớt một chút nhân nhụy gì cho cái nhìn ấy. Lúc ấy, ta là ta, đối tượng là đối tượng. Không có bất cứ một mối quan hệ nào có thể làm sai lệch đi cái nhìn của ta.
Người Phật tử mà luyện tập được rốt ráo cái nhìn khách quan thì khi trông thấy vật gì chỉ thấy vật ấy mà thôi. Khi nghe tiếng gì, chỉ nghe có tiếng ấy mà thôi. Khi có ý tưởng nào, chỉ nhận thức có ý tưởng ấy mà thôi… Tỉ dụ như thấy hòn núi là hòn núi, chứ không thêm không bớt, không phân biệt. Núi là núi, không cao, không thấp, không đẹp, không xấu… Ấy là cái nhìn khách quan. Nhìn thẳng vào trần cảnh mà không bị trần cảnh lôi cuốn, ấy là cái nhìn khách quan. Chúng ta phải khách quan trong bất cứ trường hợp nào và bất cứ ở đâu.
Khách quan từ sắc, thinh, hương, vị, xúc, đến ý tưởng. Những gì ta thấy trên đường đi, đường đời, đường tu… ta đều khách quan. Làm được như vậy, thay vì bị trần cảnh chế ngự, ta sẽ kinh qua cuộc đời một cách đứng đắn chứ không lầm lạc. Khi ấy ta sẽ có cái nhìn vạn vật đúng y như chân tướng của nó, chứ không còn nhận giả làm chân nữa. Lúc ấy chúng ta không còn là nạn nhân của si mê nữa. Lúc ấy, không một tư tưởng nào có thể chen vào tâm ta mà ta không hay biết rõ ràng. Lúc ấy ta như bầu trời bao la thăm thẳm, mây có bay đến, bay đi, ta đều hay biết, nhưng ta không mời, không giữ, cũng không đuổi. Lúc ấy ta sẽ hoàn toàn hòa nhập với thiên nhiên và vũ trụ bao la.
275. PHẬT PHÁP VÀ THẾ GIAN
Đạo Phật không những là con đường tu hành đưa chúng sanh đến giải thoát, mà còn là con đường đưa con người đến một cuộc sống hài hòa, ôn nhu, an lạc, tự tại và hạnh phúc. Người con Phật chân chánh luôn có một thái độ sống tích cực, sống thực với một phong cách cao đẹp của con người. Người tu theo Phật không nhứt thiết phải vào rừng sâu núi thẳm hay lên chốn non cao lánh tục. Trái lại, người con Phật luôn tích cực nhập thế, hành đạo để cứu mình, cứu người và cứu đời. Người ấy luôn kiên quyết thực hiện rốt ráo lời dạy của Đấng Cha Lành: “Phật pháp bất ly thế gian pháp.” Người con Phật luôn can đảm thực hiện sự giải thoát ngay tại thế gian nầy và ngay trong kiếp nầy, chứ không lừng khừng chờ đợi ở một kiếp nào xa xôi.
Hãy đi thẳng vào đời mà hành đạo; hãy sống và tu hành một cách thật đơn giản. Sống một cách thực tế và nhẹ nhàng thanh thoát, ấy là tu. Thấy đói, biết đói, nói đói và tìm một cái gì ăn cho hết đói. Tuy nhiên, người con Phật không lừa lọc để tìm miếng ăn; người con Phật không tìm miếng cơm manh áo bằng những phương pháp bất thiện… Hơn nữa, người con Phật chân chánh, khi thấy mệt, nói mệt; thấy giận, nói giận… Duy chỉ có một điểm khác với phàm phu là người tu theo Phật không chạy theo. Đói thì ăn cho hết đói, chứ không phóng tâm khen chê, ngon dở; mệt thì nghỉ ngơi cho hết mệt chứ không than trời trách đất, cũng không ham mê ngủ nghỉ; giận thì nói rõ với người tại sao lại giận, nói cho người hiểu rồi thôi, chứ không ôm mà cũng không chạy theo cái giận, không giận hết năm này qua tháng nọ.
Buồn thì nói buồn, rồi thôi chứ không buồn rủ rượi. Vui thì cũng vui nhưng không mê mệt với nó. Phật pháp gắn liền với thế gian pháp ở những điểm nầy. Hễ ta phóng tâm trịch đi một chút là ta tự tách rời Phật pháp ra khỏi thế gian; làm như vậy là tự mình tách xa bồ đề. Chính Đức Từ Phụ đã từng dạy: “Tách rời Thế Gian để đi tìm giác ngộ là tự xa đạo Bồ Đề.” Vì vậy, muốn đạt được giác ngộ và giải thoát thì phải đi thẳng vào đời, chứ không lẩn tránh, cũng không tự tách mình xa khỏi cuộc sống thực tại của thế gian.
Như thế, những ai cố xa lìa thế gian mà tìm chốn non cao núi thẳm và thanh vắng để tu trì không phải là cách tích cực, mà chỉ là tiêu cực, thụ động và trốn chạy. Với người con Phật chân chánh, một khi đã quyết chí tu trì thì sơn lâm hay thành thị, núi rừng hoang vu hay phố chợ ồn ào đều là những đạo tràng cho ta tu. Tu trong mọi hoàn cảnh, bất cứ lúc nào và bất luận ở đâu trong cuộc sống hằng ngày. Từng bước đi an lạc và tỉnh thức là tu; tu không nhất thiết phải ngồi yên quán tưởng; mà trái lại, tu là phải thể hiện một cuộc cải cách tự thân và tự tâm qua hành động thực tiển.
Một thí dụ đơn giản và dễ hiểu nhứt của sự tu hành là muốn biết hương vị của trà, xin đừng tưởng tượng chi cho phí thêm thời giờ vốn dĩ đã không có của chúng ta, hãy tự nâng tách trà lên uống, rồi sẽ thấy hương vị của nó, thế thôi. Kinh điển chỉ chỉ vạch cho ta đường nào nên đi; đi hay không là hoàn toàn tùy thuộc ở ta, chứ lý thuyết viễn vông sẽ không bao giờ đưa ta đến đâu cả. Muốn có tiền, phải ra công làm lụn, chứ không có con đường chân chánh nào khác. Muốn có củi, hoặc phải trồng cây, hoặc phải ra chợ mua…
Đạo Phật đi thẳng vào đời như thế đó; đi vào đời một cách tự nhiên và thong dong, chứ không vướng mắc. Muốn có gạo ăn, hoặc phải trồng, hoặc phải mua, chứ không mưu toan sang đoạt hay trộm cắp của ai, ấy là đạo. Người con Phật, chẳng những sống hòa đồng với mọi loài, mà còn hòa nhập với thiên nhiên, cây cỏ và vũ trụ nữa. Dù ở đâu, dù thế nào, người con Phật luôn tin rằng với đuốc sáng Từ Bi của Đức Phật, cho dù hoàn cảnh có khó khăn và cơ cực đến đâu, cơn giông tố rồi cũng sẽ qua, mùa xuân rồi sẽ đến, mặt trời rồi sẽ mọc. Người con Phật đi vào đời với lòng tự tin như thế đó. Sẽ không còn một pháp nào nữa khi có sự hiện hữu của an nhiên và tự tại. Với ánh sáng của an nhiên và tự tại, thì tham, sân, si, ngã mạn, cống cao, tà kiến, tị hiềm, cố chấp, tranh đua, lập dị đều phải chào thua để nhường bước cho khiêm tốn, bình dị, hạnh phúc và thoải mái.
Tóm lại, người con Phật chân chánh luôn đi thẳng vào đời để phụng sự; phụng sự mà lòng không vướng mắc, cũng như đi thẳng vào trần cảnh mà không bị trần cảnh lôi cuốn. Đứng trước mọi pháp mà mình vẫn an trụ như như, ấy là thực hiện rốt ráo lời dạy của Đức Từ Phụ trong kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” vậy. Cứ thẳng đường mà đi chứ không xoay đi ngoảnh lại. Với người con Phật chân chánh sẽ không vướng mắc ở bất cứ thứ gì thì chuyện mang Phật pháp đi thẳng vào đời chẳng những là đúng, mà còn là một nhu cầu cấp thiết trong xã hội văn minh loạn động hôm nay.
276. TU TRONG PHIỀN NÃO
Trong một buổi giảng pháp ở đạo tràng Huệ Quang, Phật tử đã hỏi thầy Vân Đàm là làm sao để tránh được phiền não. Thầy mỉm cười mà đáp rằng: “Phật tử ơi! Làm sao tránh được phiền não đây? Thế giới nầy là thế giới Ta Bà, là thế giới của phiền não nên chi ở trong Ta Bà mà đòi không phiền não là chuyện không tưởng. Chỉ có một cách duy nhất để tránh được phiền não là phải thoát cho ra khỏi Ta Bà; muốn thoát khỏi Ta Bà là phải tu. Phải tu trong phiền não quý Phật tử ạ!” Quả là một bài pháp ngắn mà đầy đủ và tuyệt diệu.
Chính Đức Từ Phụ đã từng dạy rằng: “Mỗi chúng sanh đều có thể thành Phật.” Tuy nhiên, chúng sanh vì bị vô minh che lấp cho nên chẳng những không thấy được cái Phật tánh của mình, mà lắm khi còn có quá nhiều hành động quấy ác, khiến cho cứ mãi lăn trôi trong luân hồi sanh tử. Nhất là con người, do bởi tâm lực điên đảo và mưu trí cao sâu, thế nên họ đã và đang làm cho Ta Bà trở nên Ta Bà hơn. Cái mưu trí cao sâu và tâm lực điên đảo nầy không chỉ ảnh hưởng riêng một cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến gia đình, xã hội, quốc gia và toàn thế giới nữa. Chính lòng ái nhiễm và tánh tham lam bỏn xẻn của nhân tâm đã tạo ra cả bầu khổ lạc cho nhân loại vậy. Như vậy, rõ ràng là chúng ta đang ở trong một căn nhà lửa khổng lồ; mỗi chúng ta đang thêm dầu cho lửa cháy lan, thế mà vẫn vỗ tay đồng tình tán thưởng.
Chính Đức Từ Phụ đã thấy rõ thế gian phiền não như vậy nên Ngài đã vì thương xót chúng sanh mà thị hiện ra nơi đời. Nếu thế gian nầy không có phiền não thì Ngài đã không thị hiện để làm gì? Và có lẽ không ai trong chúng ta cần phải tu, hoặc giả giáo pháp của Phật cũng không còn cần thiết nữa. Kỳ thật, thế giới Ta Bà nầy là sự kết hợp của vô vàn phiền não và khổ đau. Chính vì vậy mà ai trong chúng ta cũng đều phải tu; chính vì vậy mà giáo pháp của Phật là vô cùng cần thiết, nhất là trong thời buổi văn minh vật chất nầy, con người vì tranh giành miếng cơm manh áo, cũng như phương tiện xa hoa mà chà đạp lên nhau và gây thêm đau khổ cho nhau.
Vậy thì chúng ta phải làm sao đây? Chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là phải tu trong phiền não. Thật tình mà nói, dù muốn hay không muốn, tất cả chúng ta rồi cũng phải tu, không sớm thì muộn. Vậy thì chúng ta còn chờ đợi gì mà không bắt đầu từ bây giờ? Đến chùa lễ Phật, nghe pháp, cúng dường chư tăng và tu tâm… cũng tốt, nhưng chưa đủ. Tu là phải cố gắng thật sự xuất thế gian. Xuất thế gian không nhất thiết phải là đầu tròn áo vuông; có nhiều khi đầu tròn áo vuông đã lâu mà chưa từng bao giờ xuất thế gian. Xuất thế gian chân chánh là không còn bị chi phối bởi cái phạm vi dời đổi không thường và luống dối không thật của các pháp nữa. Những cái không thường chẳng thật ấy đối với người xuất thế gian như nước đổ lá môn; nước cứ đổ, nhưng có bao giờ thấm được lá môn đâu?
Tu là phải tu cả ba nghiệp từ thân, khẩu đến ý. Tu là phải tu trong bất cứ trường hợp nào và bất cứ ở đâu, chứ không nhứt thiết là phải lui vào rừng sâu núi thẳm. Lui vào rừng sâu núi thẳm có khi đạo Phật gọi đó là trốn chạy, chứ không phải là tu. Trốn chạy loạn động và não phiền của phố thị để lui vào sơn lâm cùng cốc thì lấy phiền não và loạn động đâu nữa mà kinh nghiệm, mà thực nghiệm tự thân, xem coi mình có diệt trừ được phiền não hay không? Đạo Phật chủ trương tu trong phiền não. Đạo Phật còn chủ trương Bồ Đề trong phiền não; hễ không có phiền não thì cũng chẳng có bồ đề.
Sống trong một xã hội tranh đua và chém giết mà ta vẫn tu. Tu về thân là không nên sát sanh. Cho dù những sinh vật nhỏ, chúng cũng là những người anh em nhỏ lạc loài của chúng ta. Lúc chưa tu, từng bước chân dẫm lên bao nhiêu sinh vật, ta không hề để ý; đến lúc tu rồi, từng bước chân dẫm lên mặt đất, cho dù có nhẹ nhàng thế mấy, chúng ta cũng đã vô tình giết hại không biết là bao nhiêu sinh vật nhỏ bé dưới đôi bàn chân ta. Thế nên, từng bước chân đi là từng bước nguyện cầu cho những người em nhỏ lạc loài nầy sớm được về cõi Tây Phương Cực Lạc. Lúc tu rồi, ta thấy ta đã ngày ngày vô tình giết hại chúng sanh quá nhiều, nên quyết không cố tình làm hại thêm bất cứ một chúng sanh nào nữa.
Tu về thân là không trộm đạo. Quyền sở hữu là một quyền thiêng liêng và quan trọng vô cùng vì vật chất cung cấp những thứ cần thiết cho con người. Đức Phật đã từng khuyên Phật tử tại gia nên nỗ lực sinh nhai bằng những phương tiện lương thiện, chứ đừng bao giờ lừa lọc, đổi chín làm mười, sang đoạt những gì không phải là của mình vì tất cả những hành động ấy đều là trộm đạo. Tu về thân còn phải đoạn trừ dâm dục vì dâm dục không những là cái nhân của sanh tử luân hồi mà còn là đầu dây mối nhợ của bao oán thù. Chính Đức Phật đã từng dạy: “Với người xuất gia, muốn chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, phải đoạn trừ dâm dật; tuy nhiên, với người tại gia, chưa thể dứt đoạn chánh dâm, nhưng phải tuyệt đối đoạn trừ tà dâm. Tà dâm là lang chạ hoặc ngoại tình với những người không phải là chồng vợ chánh thức của mình. Ngay cả vợ chồng chánh thức, cũng phải có tiết độ.”
Tu về khẩu là không nói dối. Người tu nghe sao nói vậy. Việc phải nói phải, việc quấy nói quấy. Việc có nói có, việc không nói không. Không vì tiền tài vật chất hay uy vũ mà ta bị khuất phục. Tu về khẩu là không nói lời thêu dệt, nghĩa là không dùng lời lẽ trau chuốt, đường mật để mua chuộc lòng người; hoặc để quyến rủ người làm điều sai quấy. Tu về khẩu là không nói lưỡi hai chiều; không đến bên nầy nói xấu bên kia; đến bên kia, nói xấu bên nầy. Tu về khẩu là không nói lời hung ác. Trên đời nầy lời lẽ hung ác đã quá nhiều rồi, xin hãy dùng lời lẽ êm ái mà nói với nhau.
Tu về khẩu rất ư là quan trọng; hãy ngẫm nghĩ câu nói của cổ nhân thì ta sẽ thấy rõ cái quan trọng của khẩu: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất.” Vã lại, lời nói không mất tiền mua, xin hãy lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nếu như tai họa đến với chúng ta là do từ miệng thì tốt hơn hết là ta nên tịnh khẩu. Một lời nói ra như mũi tên bắn đi; một khi đã ra rồi thì khó lòng mà thu hồi lại được. Cũng như ly nước một khi đã đổ, khó lòng mà hốt lại được cho đầy. Là Phật tử chân chánh nên lắng nghe lời chỉ dạy của Đức Từ phụ, hãy nói năng trong chánh pháp, mà im lặng cũng trong chánh pháp. Xin hãy vô cùng cẩn trọng để đừng mang thêm khẩu nghiệp. Ngoài ra, khi sự thật được nói lên mà gây đau khổ và phiền não cho người khác thì người Phật tử khoan hẳn nói, hoặc không nói. Hãy tìm cách mà nói cho đừng hại đến chúng sanh khác. Tuy nhiên, khi làm như vậy,chúng ta phải làm với tâm không dụng ý, không đánh lận con đen, hoặc không làm vì danh vì lợi.
Tu về tâm là tu về cái gì vô cùng phức tạp. Tâm không có hình tướng; nói lớn thì nó lớn; nói nhỏ thì nó nhỏ. Nó có thể được ví như thái hư hoặc giả như là hạt bụi vi tế. Nói tới tâm là nói tới một cái gì vô cùng mông lung, khó diễn tả. Tâm chân như, tâm sanh diệt. Hai tâm nầy không rời nhau và đều bao trùm tất cả các pháp. Không biết bao nhiêu là bút mực đã được dùng để nói về tâm, thế mà vẫn chưa lột trần được tí gì về nó. Ở đây chúng ta không cần phải dong dài về tâm mà chỉ cần biết rằng tâm luôn a tòng với tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến để xô đẩy chúng ta lăn trôi không ngừng nghỉ trong vòng luân hồi sanh tử. Chỉ với bấy nhiêu đó chúng ta phải mất đến ba a tăng kỳ kiếp mới có cơ tẩy sạch hết tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Sự kết hợp của những chủng tử luân hồi từ nho nhỏ, đến vừa vừa, rồi lớn lớn; chúng kết hợp với nhau quá chặt chẻ khiến cho ta khó lòng chặt đứt chúng được.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tham, sân, si chiếm mất gần hết tâm của ta. Tuy nhiên, nếu lắng lòng suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng tham, sân, si đều là những vọng tưởng, chứ chúng nào có thực thể. Chính những thứ giả danh nầy đã biến chúng ta thành hiện thân của phiền não; biến thân tâm chúng ta thành sản phẩm của chúng. Nếu không khéo tu, chúng ta sẽ chẳng những nhận giặc làm con, mà chúng ta sẽ luôn tiếp tay và trưởng dưỡng chúng. Cái trục trặc của chúng ta là những cái đáng tu ta lại không tu; ngược lại ta đi ôm đồm những thứ không đáng, hoặc không cần. Thí dụ như chân mình còn lấm mê mê, thế mà cứ cầm đuốc đi vê chân người. Lỗi mình chồng chất, mình chẳng thấy, chỉ thấy lỗi người. Lỗi mình thì dễ tha thứ, còn lỗi người thì quyết bươi móc cho đến cùng. Xin hãy tự soi rọi lại chính mình để thấy tại sao chúng ta lại tham, sân, si… Hãy khép cửa lại mà tự hỏi chính ta coi giận, hờn, thương, ghét đã mang lại cho ta những gì? Nếu chúng chỉ mang lại phiền não và đau khổ, xin đừng vướng mắc chi chúng.
Người Phật tử luôn biết cải tạo thân tâm và hoàn cảnh để cho mình và cho người được an lạc. Lúc nào cũng đổi sát sanh thành phóng sanh; đổi căm thù, hung ác ra từ, bi, hỉ, xả. Luôn nhẫn nhục trước mọi hoàn cảnh; nhẫn những cái đáng nhẫn và nhẫn ngay cả những cái không đáng nhẫn. Làm được như vậy thì cả thân, khẩu và ý đều thanh tịnh; con người sẽ trở nên thanh thoát, sẽ thoát ly khỏi sanh tử luân hồi. Hãy dùng pháp của Phật để đối trị những tham, sân, si. Đối trị bằng cách nào? Bằng cách sống và kinh nghiệm với chính tham, sân và si ngay trong lòng ta, chứ không trốn chạy đi đâu cả.
Ai đối trị dùm ai?
Tự mình gây ra tham, sân, si thì cũng chính mình phải đối trị chúng, chứ không ai có thể đối trị dùm ta cả, ngay cả Phật. Cái quan trọng chủ yếu của người tu Phật là biết lúc nào mình có phiền não để mà đối trị. Người Phật tử chân chánh luôn tự tin rằng phiền não chính là những cơ hội cho chúng ta tu. Mà kỳ thật, nếu không có phiền não thì thế giới Ta Bà nầy cũng không cần Bồ Đề Tâm, hoặc giả nó cũng không còn mang tên Ta Bà nữa. Nói thì nói vậy, chứ phiền não vốn dĩ không có thật; nó chính là sản phẩm của sự chấp trước và mê hoặc của chúng sanh. Như vậy khi ta xa lìa chấp trước thì Bồ Đề tâm không cần tìm mà vẫn phát, vẫn hiện.
Do bởi mê lầm chấp trước mà đa số chúng ta đã nhận giặc làm con; nhận tham, sân, si làm lính giữ nhà; thậm chí, nhận chúng làm mình. Nào là tôi muốn; tôi giận; tôi buồn; tôi biết; tôi không biết… Xin hãy bình tâm mà tu theo Đức Từ Phụ. Đức Từ Phụ đã ngồi liên tục bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ Đề; cái chuyện mà Ngài chứng đắc này nọ, chúng ta không bàn ở đây. Ngay trước mắt, Ngài đã chuyển tham, sân, si thành Bồ Đề. Điểm chính yếu là Ngài đã hiên ngang dám mời tham, sân, si đi chỗ khác chơi, thế nên Ngài giải thoát.
Muốn diệt tham, sân, si không phải nhờ Phật, lại càng không nhờ ở quý thầy, mà là nhờ ở ngay nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta phải hành trì, phải sống với kinh từng phút, từng giờ, chứ không phải là học kinh cho thuộc làu để đi đó đi đây biện giải hí luận. Người tu Phật không cần những thứ thế trí biện thông vặt vảnh. Nếu chỉ cần học kinh cho thuộc lòng để biện bác mà thành Phật được thì những cái máy điện toán hoặc những cái máy thâu băng đã thành Phật từ khuya rồi. Cái quan trọng trong việc tu Phật là phải huệ tu, huệ văn và huệ tư, chứ không thuộc lòng như cưởng như kéc. Phải hành trì, chứ không nói suông. Khi tu ta nên tu thật tình, chứ không tu lừng khừng; hoặc tu đại khái, chừa mai tu tiếp… Nếu chưa thật tâm tu, xin hãy khoan tu. Nếu còn ý nghĩ tu đại khái thì đừng nên tu vì không khéo, thay vì làm vơi nghiệp, chúng ta lại cõng thêm ác nghiệp vào thân. Xin hãy suy đi nghĩ lại cho kỹ, rồi sớm tu, chúng ta sẽ không còn bao nhiêu thì giờ nữa đâu.
277. VÔ THƯỜNG
Từ ngàn xưa lịch sử nhân loại đã từng cho thấy thế giới nầy đã có không biết bao nhiêu là những nền văn minh tự cổ chí kim; từ Ai Cập, Babylon, Incas, Maya, đến văn minh cận đại Âu Mỹ. Tuy nhiên, nền văn minh nào rồi cũng vậy, hễ lên đến tuyệt đỉnh rồi cũng mai một đi bởi luật vô thường của vạn vật. Hết lúc thịnh đến hồi tàn suy chẳng khác chi hoa nở, hoa tàn… Đức Thế Tôn tuy khởi đi từ những kinh nghiệm của một con người; tuy nhiên, Ngài đã sớm thấy những chi phối liên tục của vô thường nên Ngài đã quyết chí phát đại nguyện: tìm đạo giác ngộ và giải thoát.
Đức Phật đã vạch rõ cho chúng ta thấy là chúng ta luôn có những tham vọng; chính những tham vọng ấy đã bám chặt lấy ta. Chúng ta chỉ chịu buông bỏ chúng sau khi trút bỏ hơi thở cuối cùng. Thậm chí có lắm khi cho đến hơi thở cuối cùng, chúng ta vẫn chưa chịu buông bỏ; nhưng vì hơi tàn sức tận nên chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác; chứ nếu còn hơi sức, chưa chắc chúng ta đã chịu buông, mà có lẽ hãy còn muốn bám víu. Tại sao lại như vậy? Sở dĩ có tình trạng nầy là vì sự lầm chấp của chúng sanh. Cứ tưởng rằng thân nầy miên viển, của nầy vĩnh hằng. Này là ta, kia là của ta… Có một đôi khi chúng ta chịu khó suy đi nghĩ lại và có thấy những điều mình bám víu là vô vọng, thế nhưng mình vẫn cứ bám víu.
Đức Thế Tôn đã khuyên dạy chúng sanh một cách hết sức rõ ràng trong kinh điển rằng: “Mọi vật, mọi pháp trên đời nầy luôn biến chuyển; biến chuyển không ngừng nghỉ; biến chuyển với tốc độ mà khả năng phàm phu của chúng ta không và sẽ không bao giờ nắm bắt được chúng đâu.” Hãy nhìn những tang điền thương hải, những sông hóa cồn, những đám mây trôi đến, trôi đi… Tất cả đều biến đổi trong tích tắc. Thời gian trôi qua thế nào thì mọi vật cũng trôi qua như thế ấy. Giáo lý nhà Phật gọi những biến chuyển và đổi thay nầy là “Vô Thường.” Tất cả những gì hiện hữu trên thế gian nầy đều chịu chung số phận: biến đổi và hư hoại, hoặc không thường còn, hoặc không mãi mãi ở trong một trạng thái nhất định. Ngược lại, các pháp luôn thay hình đổi dạng từ trạng thái nầy qua trạng thái khác; từ hình thể nầy qua hình thể khác.
Trời nóng thì nước sẽ bốc hơi, mà lạnh quá thì nó sẽ đông lại thành băng, chứ đâu được ở mãi trạng thái lỏng. Hãy quan sát một làn sóng biển thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng từ sinh, trụ, dị, diệt. Từ mới khởi sóng (sinh); đến lúc sóng nhô lên cao (trụ); rồi sóng hạ dần (dị); và rồi sóng tan biến đi (diệt). Tương tự, trong thân thể ta, các tế bào sanh ra, phát triển, yếu dần, rồi chết hẳn. Các tế bào trong cơ thể ta, hoặc chính ta có khác chi những gợn sóng ba đào ấy đâu? Mỗi giây phút chúng ta sống là mỗi giây phút chúng ta chết dần. Một ngày trôi qua là một ngày ta đi gần hơn đến nhà mồ.
Từng giây, từng phút trôi qua là từng giây phút hoại diệt trong ta. Tóc ta mới hồi sáng nầy còn xanh như những ngọn cỏ non, thế mà đến tối đã bạc trắng nào khác chi những đám cỏ khô úa, héo tàn. Nếu chịu khó để ý một chút thì ta sẽ thấy rằng thân nầy chóng lớn, chóng già và chóng tàn hơn ta dự tưởng. Hơn thế nữa, thân nầy chẳng khác chi ngọn nến đang cháy dở; đâu phải đợi đến lúc hết nến mới tắt, mà chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua, nến cũng có thể tắt được.
Cái trục trặc chính của chúng ta là dù có biết sự vô thường của vạn pháp, chúng ta vẫn nhắm mắt đưa chân mà phủ nhận, hoặc làm ngơ, để rồi phải rước lấy khổ đau. Dù biết chúng ta sẽ già yếu, xấu xí với thời gian, nhưng chúng ta vẫn cố bám víu và ưa thích cái non trẻ mà ghét cay, ghét đắng cái già, cái xấu. Chúng ta không chấp nhận luật biến đổi của vô thường để rồi khư khư ôm giữ một cách tuyệt vọng những gì không ôm giữ được. Búa thời gian nào có tha ai? Chính Đức Thế Tôn đã nhìn thấy sự vô thường của vạn pháp nên Ngài đã chẳng những tự cảnh tỉnh mình, mà còn dóng một hồi chuông dài để cảnh tỉnh mọi người. Tiếng chuông ấy vẫn còn vang dội cho đến ngày hôm nay và sẽ còn vang dội mãi mãi.
Người con Phật, một khi đã quyết chí tu theo Phật, phải luôn tự cảnh tỉnh để thấy rằng thân nầy vô thường, chỉ do tứ đại duyên hợp mà có; thuận duyên thì còn, mà nghịch duyên thì mất. Thân đã vô thường như thế thì tâm nầy còn vô thường hơn thế nữa. Niệm đến, niệm đi còn vi tế và nhanh gấp vạn triệu lần những gì xãy ra nơi thân. Niệm thay đổi từng sát na với ngoại trần từ vui, buồn, thương, ghét đến tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến… Mới sát na trước ta đang nhớ đến ông bà ông vải của thời quá khứ, thì sát na sau đà lo ngại cho tương lai của cháu chắc rồi. Thật là đúng y như trong kinh Phật:
Tâm người như vượn chuyền cây,
Hoặc như ngựa dong không cương.
Hãy bình tâm mà suy nghĩ thì sẽ thấy rằng cái ta không có trong luật vô thường. Cái ta là cái gì? Là cái của năm trước hay của năm nay? Của sát na trước hay của sát na sau? Không có câu trả lời đâu quý bạn ạ! Tất cả đều vô thường, đều tạm bợ và giả tạo. Thấy như thế thì chúng ta sẽ không còn ham muốn chi những vui, buồn, thương, ghét. Thấy như thế thì những thịnh những suy cũng sẽ giống như những hạt sương mai trên đầu cỏ thôi. Thấy như thế thì những tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến sẽ không còn đất dụng võ trong ta. Thấy như thế, chúng ta sẽ không còn tự cho mình là trung tâm vũ trụ nữa; do đó chúng ta sẽ không còn mơ mộng chà đạp lên hạnh phúc và cuộc sống của người khác; mà ngược lại, chúng ta sẽ cùng nhau nỗ lực biến Ta Bà thành Tịnh Độ; biến cõi nước tạm bợ nầy thành cõi nước của yêu thương và từ, bi, hỉ, xả.
278. TỨ CHÁNH CẦN
Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước đây, Đức Thế Tôn đã thấy rõ cái trục trặc chính của con người, cái nguyên nhân gây ra những đau khổ triền miên và đưa đẩy con người lăn trôi trong luân hồi sanh tử từ hết kiếp nầy qua kiếp khác. Ngài đã thấy rằng chỉ vì không hành xử đúng hai chữ thiện ác mà con người cứ mãi trục trặc, xã hội cứ mãi khủng hoảng và bế tắc. Chính vì thế mà Ngài đã dạy rằng: “Muốn tu đến rốt ráo giải thoát thì trước tiên mọi chúng sanh phải thực hành cho kỳ được bốn điều cần thiết chánh yếu sau đây: việc ác chưa sanh, đừng cho phát sanh; việc ác đã sanh, phải tìm cách đoạn diệt. Việc thiện chưa sanh, phải ráng cho nó phát sanh; việc thiện đã sanh, phải trưởng dưỡng cho nó mãi phát triển. Làm được như vậy, không đòi giải thoát vẫn giải thoát; không đòi thanh tịnh, vẫn thanh tịnh.”
Làm con Phật, chúng ta quyết lấy câu chỉ dạy trên đây của Ngài làm phương châm tu tập. Tinh cần không để cho khởi sanh các ác pháp chưa sanh; tinh cần đoạn tận các ác pháp đã sanh. Mà ác pháp là cái gì? Ác pháp là những điều dữ, hoặc những điều có thể làm tổn hại cho mình và cho người, trong hiện tại cũng như ở vị lai. Chúng ta biết rằng nếu khởi tâm ham ăn gà dai, vịt dai mà đi tìm mua những con gà, vịt sống để làm thịt, ấy là tổn hại đến chúng sanh, nên không bao giờ khởi tâm như thế. Tuy nhiên, giả dụ như ác niệm như thế đã khởi lên trong ta thì chúng ta hãy cố bình tâm mà suy nghĩ rằng chúng ta là những người con Phật, đã quyết tu trì, đã thọ tam qui ngũ giới, không lẽ lại quên đi lời hứa với chính ta là không sát hại chúng sanh.
Thấy và hiểu được như thế thì cho dù ác niệm đã khởi, chúng ta cũng có thể đoạn diệt được chúng ngay từ trong trứng nước. Nếu có khởi tâm gian tham mà ta chịu bình tâm suy nghĩ một chút thì sẽ nhớ lại rằng mình đang tu theo Phật, đang giữ giới không tham lam. Lại nữa, của mình mà có lỡ bị mất mát mình cũng buồn rầu, đau khổ, sao lại nỡ lấy chi của kẻ khác khiến cho họ phải buồn rầu đau khổ. Người con Phật quyết không làm vậy đâu. Khi muốn khởi tâm đi bẻ hoa bắt bướm nhà người, lại nhớ tới lời Phật dạy không tà dâm vì tà dâm chẳng những gây đau khổ cho người, mà còn là nhân cho những kiếp luân hồi lăn trôi nữa. Thấy và hiểu như vậy ta quyết không làm những chuyện tà dâm đâu. Khi nói dối để được lợi mình mà hại người là điều không thiện; thế mà mình đã quỳ trước đài vô thượng giác nguyện trọn đời ăn ngay nói thẳng, nên phải cố gắng giữ cho trọn lời thệ nguyện. Tóm lại, ta quyết không để cho phát khởi những gì nghịch với từ bi, bình đẳng và chơn lý. Nếu lỡ chúng phát khởi trong ta, chúng ta phải thấy cho được mà đoạn diệt ngay.
Đối với những thiện pháp thì ngược lại; chúng ta phải tinh cần làm phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và làm tăng trưởng các thiện pháp đã sanh. Nhiều khi chúng ta có những ý định hay đẹp, nhưng vì bản tính rụt rè, nhút nhát, sợ sệt, hoặc thiếu nghị lực nên chúng ta không thực hiện được những ý định cao đẹp trên. Với những bản tánh ấy, cho dù ta có tài giỏi bao nhiêu, chúng ta vẫn không giúp ích gì được cho ai. Người con Phật phải lắng nghe lời Phật dạy: Tinh cần làm phát khởi các thiện pháp chưa sanh và làm tăng trưởng các thiện pháp đã sanh, ấy mới xứng đáng là con Phật. Người con Phật trưởng dưỡng thiện pháp bằng cách nói bố thí là làm bố thí; nghĩ đến ái ngữ là nói lời ái ngữ, chứ không thô lỗ cộc cằn.
Xin đừng giải đãi, đừng đợi, đừng chờ nữa, chúng ta sẽ không có bao nhiêu thì giờ nữa đâu mà chờ với đợi. Làm việc thiện lành giống như trồng lúa, còn tạo tác ác cũng giống như loài cỏ dại; cho dù ta có chăm bón thế nào, những nhánh lúa nầy cũng bị cỏ dại lấn lướt. Có lắm kẻ với bao nhiêu ý định thiện lành, nhưng vì giải đãi, thiếu nghị lực nên đã mang theo dưới đáy mồ những ý định thiện lành nầy. Nói thiện lành, mà không làm thiện lành, ngược lại chỉ làm những điều quấy ác thì cửa địa ngục vẫn mở rộng đón ta vào. Như vậy đã là con Phật, chúng ta quyết luôn hăng hái phát triển và hành trì những điều thiện lành vì hễ một khi ta đi với thiện lành là ta không đi với xấu ác.
Tóm lại, tứ chánh cần nói dễ khó làm, nó giống như thuyền đi ngược gió, hoặc giả như người tu phải đi ngược lại với dòng đời. Tuy nhiên, không phải khó làm mà không cố làm. Cơ hội được thân người và gặp được Phật pháp có trở lại với chúng ta lần nữa hay không? Không ai trong chúng ta dám cả quyết là có. Vậy thì ngay trong đời nầy kiếp nầy, chúng ta phải phát đại nguyện; phải làm cho bằng được những lời Phật dạy để thành Phật ngay trong đời nầy kiếp nầy.
279. VĂN, TƯ, TU
Bất cứ tôn giáo nào cũng đều hướng con người đến chân thiện mỹ; tuy nhiên, với đạo Phật, ngoài việc hướng con người đến chơn thiện mỹ và cuộc sống an lạc, còn đưa con người đến chỗ giải thoát rốt ráo nếu chịu công phu tu trì đúng đường, đúng hướng. Như vậy người Phật tử tốt sẽ luôn phát nguyện rèn luyện thân tâm; học và làm theo lời Phật dạy; phát triển lòng từ bi rộng lớn để đi đến tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.
Làm sao để đi đến chỗ rốt ráo tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn? Bất cứ môn học nào cũng đều phải có phương pháp rất rõ ràng, huống hồ là môn học giải thoát. Muốn học toán, phải biết số, rồi mới đi từ từ đến cộng, trừ, nhân, chia, giải tích, vi phân… Muốn học chữ, trước hết phải hoặc biết chữ cái, hoặc biết những bộ chính (như trong chữ Tàu)… Cách nay trên hai mươi lăm thế kỷ, Đức Phật đã dạy cho chúng sanh một phương pháp học và tu Phật, mà mãi cho đến bây giờ, vẫn còn là một chân lý. Chẳng những là chơn lý cho việc tu học theo Phật, mà còn cho bất kỳ một môn khoa học nào: nghe, suy nghĩ cho hiểu thấu và hành trì cho rốt ráo. Theo Hán tự gọi là văn, tư và tu. Tại sao phải nghe, hiểu rồi mới tu?
Chính Đức Thế Tôn đã khẳng định rằng nếu chúng sanh nào không hiểu giáo pháp của Ngài mà cứ nhắm mắt tu theo thì chỉ là tu mù, kết quả sẽ chẳng đi đến đâu. Mà trước tiên phải nghe coi Ngài nói gì; suy nghĩ xem coi những điều Ngài nói có hợp với mình hay không; rồi hẳn tu theo Ngài thì mới mong đạt được quả vị chánh đẳng chánh giác.
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu xem thế nào là Văn? Văn là nghe; không phải nghe những chuyện thị phi của phàm phu, mà là nghe giáo lý Phật Đà; nghe những lời kim ngôn ngọc ngữ của Thế Tôn, được giảng giải bởi chư tôn thiền đức, hoặc những thiện hữu tri thức. Hoặc có thể chính ta đọc được những lời Phật dạy qua kinh điển, khiến cho ta hiểu biết thêm về những sự thật cao quí trong Phật pháp. Tuy nhiên, chỉ nghe, chỉ đọc rồi nhắm mắt làm theo là mù quáng. Phật dạy rằng muốn hiểu rõ chân lý, chúng ta phải suy nghĩ cho chính chắn, ấy là Tư.
Như thế Tư là gì? Tư là suy xét và phán đoán những lời Phật dạy được các thầy tổ hoặc thiện tri thức giảng giải. Suy xét và phán đoán xem coi những điều nầy có hợp với lẽ phải và chân lý hay không. Nếu quả thật là hợp với lẽ phải và chân lý thì chừng đó chúng ta mới tin theo; chừng đó chúng ta mới dùng những giáo pháp của Ngài như những ngọn đuốc sáng để soi rõ những kỳ hoa dị thảo trên đường đi đến đất Phật. Chừng đã hiểu và tin theo giáo pháp của Ngài thì chúng ta quyết chí theo Ngài mà không còn một mãi mai nghi ngờ nữa. Lúc ấy chúng ta sẽ đi thẳng; đi không buồn ngoảnh lại. Thí dụ như một khi đã hiểu rõ về luật vô thường, chúng ta sẽ vui vẻ mà trả những nợ nần năm cũ, chứ không kỳ kèo bớt một thêm hai chi cho thêm nặng gnhiệp.
Khi đã biết rõ luật vô thường thì chúng ta sẽ không lo âu sợ sệt trước những sanh, lão, bệnh, tử, hoặc trước những cái nhức đầu, sổ mũi nữa; mà ngược lại, chúng ta sẽ xem chúng và nhận chúng như là những thông điệp khuyến tu. Do đó, sự tu hành của chúng ta sẽ tinh tiến và chóng có kết quả hơn. Với lòng tin vững chắc: thế gian là vô thường, thì chúng ta chẳng những sẽ dửng dưng trước sự sinh, trụ, di, diệt của thiên nhiên và vũ trụ, mà chúng ta sẽ dửng dưng với những cái vô thường ở ngay chính ta. Từ đó chúng ta sẽ không còn coi trọng cái ngã hoặc ngã sở nữa. Sau khi ta đã có khả năng dửng dưng với thiên nhiên, vũ trụ và chính ta thì cái việc tu chỉ là con đường thẳng tấp đưa ta đến giải thoát mà thôi.
Thế nào là tu? Sau khi xem xét và phán đoán những lời Phật dạy là đúng, là hợp với lẽ phải, là chơn lý, bấy giờ chúng ta sẳn sàng cho một cuộc hành trình trở về. Trở về tìm lại bản lai chân diện mục; trở về tìm lại chính mình. Thí dụ như sau khi biết rõ lẽ vô thường của nhà Phật là một chơn lý không thể nghĩ bàn thì cho dù cái gì xãy đến với ta, ta cũng mỉm cười mà chấp nhận. Những cơn sốt, sổ mũi, nhức đầu, nóng lạnh… đối với ta chỉ là những bức thông điệp nhắc nhở chúng ta tu mau kẻo trể, thế thôi.
Do thấy lẽ vô thường nó không thiên vị một ai; do thấy nến không nhứt thiết phải hết mới tắt, mà chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng làm tắt nến, nên chúng ta quyết chí tu trì, chứ không chịu ngồi yên chờ chết. Chúng ta sẽ nỗ lực làm lợi mình, lợi người. Do nhận rõ luật nhân quả luân hồi của nhà Phật là đúng, là một chân lý không thể nghĩ bàn, nên ta quyết tâm tu trì để không còn bị lôi cuốn vào cái vòng lẩn quẩn ấy nữa. Chúng ta sẽ tu một cách tinh chuyên để vượt ra khỏi sức hút của luân hồi sanh tử, như chiếc phi thuyền vượt ra khỏi sức hút của trái đất để tự do bay vào không trung của vũ trụ.
Tóm lại, một người học tu theo Phật không thể nào thiếu một trong ba thứ văn, tư và tu; chúng như chiếc đỉnh ba chân, hễ thiếu một chân, chiếc đỉnh ấy sẽ đổ nhào. Vậy thì đi chùa không chưa đủ; đi chùa phải nghe pháp; nghe pháp cũng chưa đủ; nghe rồi phải suy nghĩ coi pháp đã nghe có hợp lý hay không? Xem coi pháp ấy có hợp với căn cơ trình độ của mình không? Hoặc giả mình có hiểu pháp không? Cái nào chưa hiểu, chưa rõ thì hỏi lại cho hiểu, cho rõ. Đã hiểu rõ rồi thì phải cố công tu trì và thực hành cho rốt ráo. Một khi đã triệt để áp dụng văn, tư và tu vào cuộc hành trình trở về của mình thì chẳng bao lâu sau chúng ta sẽ có khả năng chế ngự chính bản thân ta, gạn lọc những điều xấu ác, những bợn nhơ, cặn cáu… Do đó ta dù chưa giải thoát rốt ráo, cuộc sống ta cũng đã an nhiên và tự tại lắm rồi vậy.
280. QUYẾT THÀNH PHẬT
Ngoại trừ Phật, A La Hán và Bồ Tát, còn thì tất cả đều phải trôi dạt, chìm nổi trong vòng sanh tử luân hồi. Tại sao Phật, A La Hán và Bồ Tát lại tự chủ đối với sanh tử, mà chúng sanh thì cứ mãi lăn trôi? Tại vì các ngài đã đoạn trừ hết vô minh, công đức các ngài đã đầy đủ, tánh giác đã chứng ngộ đến chỗ hoàn thiện, hoàn mỹ, đã thành tựu quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác; còn chúng sanh thì vô minh chưa dứt, công đức lúc vơi, lúc cạn thì làm sao mà thoát được sanh tử đây, chứ đừng nói chi đến chuyện hoàn thiện hoàn mỹ, hoặc chứng quả vô thượng chánh đẳng?
Trong các kinh điển Phật giáo, chúng ta thường nghe nói đến “Tức tâm tức Phật,” “Vô tâm thị Phật,” “Tâm chơn như, tâm sáng là Phật…” Nói, hoặc nghe nói thì dễ, chứ tu trì cho được cái tâm chơn như đâu phải dễ. Nếu dễ thì giờ nầy chúng ta đâu còn làm chúng sanh. Tuy nhiên, dễ hay không dễ gì, một khi đã phát tâm tu trì là phải tu cho đến khi thành Phật mới thôi. Phát tâm thành Phật là hạnh đầu và cũng là hạnh cao quý nhất của người tu theo Phật. Lại nữa, người tu theo Phật mà không phát tâm thành Phật, chứ phát tâm thành cái gì đây? Không lẽ lại phát tâm thành ma Ba Tuần! Người con Phật mà chưa phát tâm thành Phật là còn lừng khừng, ai sao tôi vậy… Như vậy chưa phải là con Phật. Ai đi chùa, tôi cũng đi chùa; ai niệm Phật, tôi cũng niệm Phật; ai tụng kinh, tôi cũng tụng kinh… Như vậy có một lúc nào đó ai đi casino, tôi cũng đi casino; ai đi Las Vegas, tôi cũng đi Las Vegas. Đó chính là cái nguy hại của những kẻ lừng khừng. Thà khoan hẳn tu, chứ đừng tu theo những “Thích Đại Khái.” Tu như vậy, nghiệp trước chưa hết, nghiệp sau đã dập dồn.
Một khi đã quyết tâm tu Phật, dù xuất gia hay tại gia, phải nhận biết rõ rằng: “Phát tâm thành Phật” là hạnh nguyện căn bản. Chính sự phát tâm nầy sẽ đưa ta đến những thao thức ôn tầm chánh pháp, thấy rõ đâu là con đường đưa đến chân lý. Một khi đã biết rõ chánh pháp và chơn lý rồi thì con đường tu trì sẽ dễ dàng và thênh thang hơn.
Có phát tâm thành Phật ta mới phấn chấn vạch bỏ bức màn vô minh để thấy rằng những khoái lạc vật chất, giàu có, ăn ngon, mặc đẹp, quyền uy, danh vọng, chức tước, địa vị… chỉ là những giọt nước mưa xuyên qua ánh mặt trời, trông thì giống như những hạt kim cương, nhưng có bao giờ ta nắm bắt được chúng đâu? Có chăng chúng chỉ làm mát tay ta trong giây lát mà thôi. Cũng từ cái phát tâm thành Phật nầy mà ta mới thấy được cõi Ta Bà nầy là một bể khổ mênh mông; trong đó nhơn tình lầm than, đói khổ, rét mướt; xã hội đầy dẫy những bất công với cảnh cá lớn nuốt các bé, thú lớn ăn thú nhỏ, người ăn thú, và người bóc lột người. Từ thấy như vậy đó, phát tâm thành Phật sẽ trở thành quyết tâm thành Phật và do đó công cuộc tu trì của ta sẽ trở nên mãnh liệt hơn. Chúng ta quyết làm những con chim bay bổng trên vòm trời bao la thăm thẳm, cao tít mù khơi. Chúng ta quyết hòa nhập với thiên nhiên và vũ trụ.
Người con Phật một khi đã hiểu rõ con đường mình đi sẽ chẳng những tự mình phát tâm thành Phật, mà còn làm cho mọi chúng sanh phát tâm thành Phật nữa. Chẳng những tự mình thoát khỏi những mê lầm, ngu tối và đau khổ, mà còn giúp người khác thoát khỏi những ngu tối và khổ đau của cõi Ta Bà nầy. Muốn làm được điều nầy, người con Phật luôn nhớ điều kiện căn bản là “gieo nhân nào, gặt quả đó.” Gieo nhân thiện, gặt quả thiện; gieo nhân ác, gặt quả ác; gieo nhân Phật thì đương nhiên phải gặt quả Phật thôi. Nhân như thế nào thì quả cũng như thế ấy.
Đã gieo nhân Phật mà muốn thành cái gì khác Phật cũng không được. Lại nữa, đã biết Phật là cao thượng vô cùng vì thế ta cứ hướng thượng, hướng về Phật mà tiến lên, chứ không được dăm ba chút rồi tự ngã mạn cống cao… Hãy cố gắng hướng thượng, dù biết rằng trông xuống mình có hơn dăm ba người, nhưng trông lên thì quả tình là mình chẳng bằng ai. Người Phật tử hướng thượng bằng cách nói thiện là làm thiện; nói bố thí, làm bố thí; nói giữ giới, là giữ giới; nói từ bi, làm từ bi; nói hỉ xả, là hỉ xả… Hướng thượng như thế ấy và hướng thượng một cách rộng rãi. Có phát tâm được như vậy mới thực sự gọi là tu Phật. Từ quyết tâm ấy ta mới thẳng tiến, chứ không loanh quanh nữa.
Tóm lại, một khi đã quyết tâm thành Phật thì con đường tu của ta nó sẽ sáng sủa thênh thang. Cho dù chưa đến quả vị Phật, ta và toàn thiện, toàn mỹ đã gần như là một vậy. Cuộc sống ta là cuộc sống cao cả với sự phát triển của những tinh hoa trên đời. Ta vượt lên tất cả mọi sự; ta và vũ trụ đã là một vậy.
281. BỒ ĐỀ
Trên phương diện Phật lý mà nói thì ai trong chúng ta cũng đều có Phật tánh; tuy nhiên, nếu chúng ta không tu trì đúng cách thì cái Phật tánh ấy sẽ chẳng bao giờ hiển lộ. Chẳng hạn như ngọc trong đá mà không biết cách lấy ra thì đá vẫn là đá thôi. Nếu cứ lý luận mình có Phật tánh, dầu không tu đi nữa Phật tánh vẫn ở trong ta. Đó là lối lý luận gàn bướng, chứ không đưa ta đi đến đâu cả. Đồng ý Phật tánh vẫn ở trong ta, nhưng ngay cả cái Phật tánh nầy cũng sẽ phải cùng ta lăn trôi trong luân hồi sanh tử, nếu chúng ta không dụng công tu trì. Phải dụng công tu trì sao cho có được đầy đủ giác và đạo mới gọi là Phật được. Hãy lấy một thí dụ điển hình là nếu chúng ta vô nhà hàng mà chỉ đọc thực đơn, chứ không kêu món nào cả thì chừng nào chúng ta mới được ăn?
Người Phật tử thực tâm tu, luôn kiên quyết thực hành hạnh nguyện thành Phật và cứu khổ chúng sanh. Ấy chính là Bồ Đề tâm. Một khi đã phát Bồ Đề tâm thì tự mình đoạn lìa phiền não và nghiệp chướng. Lúc ấy trí huệ mình không còn bị ô nhiễm, không còn bị ràng buộc nữa. Lúc ấy, chánh hạnh của ta là lợi mình, lợi người. Lúc ấy ta sẽ liểu ngộ hoàn toàn chân thân của thực tại; những vết tích đen tối của vô minh sẽ bị tiêu trừ tận gốc rễ. Bấy giờ cho dù ta không cầu như ý, ta cũng được như ý; không cầu thiên nhãn, vẫn được thiên nhãn; không cầu thiên nhĩ, thiên nhĩ vẫn đến; không cầu tha tâm thông, ta vẫn đọc rõ mồn một những suy tưởng của người.
Tuy nhiên, quá trình thành tựu viên mãn Bồ Đề Tâm không phải trong một sớm một chiều mà được. Chúng ta phải tự thân tu trì, phải thực nghiệm tự thân, phải lấy chính mình mà kinh nghiệm qua mọi hoàn cảnh, từ thuận duyên đến nghịch cảnh. Chúng ta phải trang trải tâm ta ra khắp pháp giới. Ta phải thấy cho rõ rằng bản chất của các pháp đều huyễn giả, đều không có tự tánh. Lúc ấy ta mới có thể hòa nhập vào vũ trụ; lúc ấy đại bi tâm của ta mới rãi khắp một cách bình đẳng và không phân biệt đến muôn loài để cứu khổ ban vui. Người Phật tử mà làm được như vậy thì cho dù quả vị Phật chưa đạt, cuộc sống ta đã toàn mỹ và thanh tịnh lắm rồi. Lúc ấy ta đâu còn cái tâm phân biệt thù hận, đố kỵ, ghen ghét, thiên lệch, đối kháng và vị kỷ nữa. Lúc ấy ta đã hoà nhập vào chúng sanh; ta và chúng sanh là một. Lúc ấy hễ chúng sanh bịnh là ta bịnh; hễ chúng sanh vui sướng hạnh phúc là ta vui sướng và hạnh phúc.
Tóm lại, chúng ta hãy nhớ lời Phật dạy: “Nếu không có phiền não thì cũng chẳng có Bồ Đề.” Nhớ như vậy để thấy rằng tự mình phóng thẳng đến cái niết bàn xa xôi nào đó là hãy còn quá ích kỷ, là hãy còn tâm địa sống chết mặc bây, ta cứ khứ lai niết bàn. Hãy dấn thân vào đời, hãy phát tâm Bồ Đề ngay giữa lòng xã hội loạn động của hôm nay. Hãy tự xây dựng mình, gia đình mình và xã hội quanh mình. Hãy luôn tâm niệm rằng nghịch cảnh, thuận cảnh, hoặc trớ trêu cảnh đều là những cơ hội, những duyên lành cho ta tu trì va sửa chữa tự thân, sửa chữa tha nhân và tịnh độ hóa Ta Bà. Vậy thì ngay từ bây giờ mọi người con Phật hãy nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, mà dấn thân. Dấn thân như hạnh nguyện của Ngài Quán Thế Âm vậy: muốn người nam, có người nam; muốn người nữ, có người nữ; muốn kỹ sư, có kỹ sư; muốn bác sĩ, có bác sĩ; muốn chánh s, có chánh sở; muốn công nhân, có công nhân. Hãy thị hiện vào tất cả các thành phần trong xã hội mà cảm hóa người. Nếu những người con Phật đều làm được như vậy thì từ bác sĩ, kỹ sư, chánh sở, đến công nhân, nông dân… đều là những con người có lương tâm, giàu lòng bác ái và hướng thượng và chẳng bao lâu sau, ai nấy trong cõi Ta Bà nầy đều có chung một thứ tâm: Bồ Đề Tâm.
282. GIỚI, ĐỊNH, HUỆ
Sở dĩ chúng sanh cứ mãi lăn trôi trong vòng luân hồi sanh tử là vì nghiệp chướng tích tụ từ đời nầy qua kiếp khác. Nếu chúng ta cho là tự nhiên thì thôi khỏi nói nữa; ví bằng ta thấy nó là sự trục trặc; nay vui mai khổ; nay thân nầy, mốt lốt nọ… Nếu chúng ta muốn vượt ra khỏi vòng lẩn quẩn nầy, vượt ra khỏi mọi đau khổ và tối tăm của cuộc đời thì chúng ta phải nhiếp tâm tu trì.
Tu trì bằng cách nào? Tu bằng cách nào cũng tốt vì tôn giáo nào cũng hướng con người đến chỗ toàn thiện toàn mỹ. Tuy nhiên, theo Phật giáo, toàn thiện toàn mỹ chưa đủ vì lắm khi tai họa vẫn đến với con người toàn thiện toàn mỹ. Nếu hiện tượng nầy xãy ra thì các tôn giáo khác biện minh là có “Ai đó” trừng phạt chúng ta, còn Phật giáo thì biện minh hoàn toàn khác hẳn: đó là những nghiệp báo của những đời trước mà đến giờ chúng ta phải trả, thế thôi. Do đó, theo Phật thì muốn giải trừ những nghiệp báo nầy, con đường duy nhất trước mắt là chúng ta phải tu trì. Mà tu trì theo đạo Phật thì ai cũng phải vượt qua ba cửa ải lớn, hoặc ba pháp tu Phật: Giới, Định, Huệ. Ba phép nầy đi với nhau và tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng phải đi theo thứ tự từng giai đoạn: Giới, rồi Định, rồi Huệ.
Giới là gì? Giới là những điều luật được đặt ra bởi Thế Tôn lúc Ngài còn tại thế nhằm vừa giúp chúng đệ tử ngăn chận những tạo tác ác, mà cũng vừa giúp phát triển những tạo tác lành. Nhờ Giới mà ta điều hòa phẩm hạnh từ đó ta củng cố vững mạnh định tâm để đi đến phát triển trí huệ. Đức Phật đã nói rất rõ về những giới nào cho tại gia cũng như xuất gia. Từ năm giới cho tại gia đến mười giới cho người mới xuất gia, đến 250 giới cho Tỳ kheo và 348 giới cho Tỳ kheo ni… Cho dù giới điều có nhiều, nhưng căn bản vẫn là năm giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu.
Năm giới nầy mà ta giữ cho rốt ráo thì cho dù thành Phật hay không, từ lời nói đến việc làm của chúng ta đều thanh cao; nghĩa là ta đã thanh lọc rốt ráo từ thân, khẩu và ý rồi. Người biết giữ giới, xem chúng sanh mọi loài là những người anh em thân thương cho nên họ chẳng bao giờ tranh tài đoạt của của ai; họ chẳng bao giờ nói lời giả dối, đâm thọc, nói lưỡi hai chiều, ngồi lê đôi mách, bẻ gảy tình bạn, nói lời thô lỗ cộc cằn, nói lời nhảm nhí vô ích, dèm pha, thị phi… Từ cái gieo thiện đến cái gặt thiện; gieo thói quen tốt ta sẽ gặt tâm tánh lành. Một ngày giữ giới, mười ngày, một tháng, một năm, vài năm và mãi mãi giữ giới, ta sẽ dần dà đoạn lìa phiền não, tham, sân, si. Từ từ ta sẽ bỏ ác, hành thiện để đi đến an lạc, thanh tịnh và tự tại. Đây chính là bước đầu đưa ta vào Định.
Thế nào là Định? Định là trạng thái tập trung vững chắc, giống như ngọn đèn không dao động dù có gió hay không có gió. Định là công phu trị tâm tối yếu. Nhờ Định mà tâm ta không xao xuyến. Với Định, cảnh là cảnh, còn tâm là tâm. Đối cảnh vô tâm. Lúc Định tâm ta hoàn toàn an trụ trong chánh niệm, nghĩa là ta không còn bị ngoại cảnh khuấy động nữa. Lúc Định, nếu có quán sát sự vật, chúng ta sẽ nhìn chúng với cái nhìn như thị. Cho dù niệm trước đi niệm sau đến và cứ tiếp tục mãi như thế, tâm nầy không vướng mắc, thân nầy không vướng mắc. Sự vật cứ tự nhiên phát khởi và tan biến, tâm ta vẫn vậy, vẫn dửng dưng. Giông bão ngoài trời vẫn không làm tâm an tỉnh nầy dao động. Từng hành động ta đều buông xả; buông xả đến độ hòa nhập vào sự bao la thăm thẳm của bầu trời.
Lúc ấy cần chi nói đến Thiền, mà đối cảnh vẫn vô tâm. Lúc ấy tâm ta nếu chưa phải là tâm Phật thì cũng đã là cái tâm hạnh phúc, an lạc và tự tại lắm rồi. Lúc ấy làm gì những tư tưởng tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến có thể khống chế được ta? Một khi ta đã thực sự trở về với cái tâm chơn như của ta thì tự nhiên những buông xả, những suy nghĩ chân chánh, những từ, bi, hỉ, xả và sáng suốt tự tâm sẽ tự nhiên tuôn trào như dòng thác đổ. Chính nhờ Định Lực mà đại trí huệ mới phát sanh. Chính nhờ cái định lực nầy đã tẩy sạch những bụi bặm trên gương để lộ ra một vầng sáng chói, soi sáng không thiếu một vật nào. Vầng gương sáng ấy chính là “Chân Tâm” hay là trí huệ tự thuở giờ bị che mờ bởi những cố chấp, ngã mạn, tham, sân, si.
Tóm lại, tu Phật mà không giữ được giới thì đừng nói chi đến Định và Huệ. Hãy lắng nghe Đức Từ Phụ mà mau sớm tu trì kẻo không còn kịp nữa. Trên đời nầy không có việc chi là khó, chỉ tại tâm mình không chuyên cần, thế thôi. Hãy nhìn Thế Tôn mà tu, Ngài cũng đã từng là một chúng sanh, nhưng Ngài và các Đức Như Lai khác đã dụng công tu trì mà đạt thành quả vị vô thượng. Vậy nếu ta cũng dụng công tu trì thì rồi cũng có một ngày công thành quả mãn, cũng có một ngày sen nở trong ta và trong người. Hãy cố gắng lên quý bạn ạ!
283. TU THEO PHẬT
Tại sao chúng ta phải tu? Tu để làm gì? Tu có lợi gì cho ta? Cho người??? Chuyện ta tu hay không tu thì có liên quan gì đến người? Không phải tu khó hoặc dễ, mà nó hoàn toàn tùy thuộc vào cơ duyên và hoàn cảnh của từng người. Nếu đủ duyên, chỉ cần bỏ ngay chiếc áo đời để vào đạo. Ví bằng chưa đủ duyên, cho dù có năm lần bảy lượt bước vào, rồi cũng bước ra. Tuy nhiên, có chịu bước vào là đã đở lắm rồi, cho dù sau nầy có phải bước ra thì con người cũng đã thay đổi lắm rồi. Người đời thấy rõ đời là vô thường, là bể khổ, nhưng lại chấp chặt vào tự ngã nên đau khổ lại càng đau khổ hơn. Trong cõi người ta nầy, cũng vì cái ngã mà ta không ưa người, người không ưa ta.
Chính vì cái ngã mà đã xãy ra không biết bao nhiêu là cuộc bể dâu. Chính vì cái ngã mà đã xãy ra không biết bao nhiêu là chuyện đau đớn tang thương. Đấy là những cái khiến ta tu. Tu để thấy cho rõ đời là vô thường, vạn pháp là vô thường. Tất cả đều do duyên sanh mà hiện hữu, duyên nghịch thì tất cả đều tan biến như những làn khói tan vào hư không. Cái trục trặc của chúng ta là chúng ta cố trì giữ và nắm bắt cho kỳ được những làn khói ấy. Làm sao được? Cái vô thường của vạn pháp, tự nó không làm khổ một ai cả, mà chính cái tham ái và chấp thủ của chúng ta làm khổ chúng ta thôi. Sanh ra làm một người da đen, da vàng, hay da đỏ; hoặc giả sanh ra cao, thấp, đẹp, xấu có quan hệ gì? Nếu ta thực sự thấy không quan hệ gì, ấy là ta đã tu được một phần đường rồi đấy.
Ví bằng còn thấy trục trặc thì hãy coi chừng; coi chừng chúng ta đang tự làm khổ chúng ta đấy. Thấy da mình vàng, khác người da trắng rồi từ đó đâm ra phân biệt “anh ” và “tôi ” để rồi đi vào một chuổi dài tranh chấp và đau khổ. Tại sao mình không nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng trên thế giới nầy có hàng ngàn, hàng vạn sinh vật khác nhau? Chấp nhận để mạnh ai nấy sống và mưu cầu hạnh phúc. Một lời nguyền rủa nặng nhẹ, nếu ta cho là nguyền rủa thì nó là nguyền rủa; còn nếu như ta chỉ xem chúng như những tiếng rít của gió lúc chạm vào đôi môi thì những tiếng rít ấy sẽ thoáng qua và tan biến vào hư không mà không làm di hại đến một ai. Hoặc giả ta cứ xem chúng như những tiếng thông reo thì đời quả là tuyệt diệu. Làm được như vậy quả tình chúng ta đã đi vào đạo, chứ không đợi chi phải thiền với định.
Như vậy tu theo Phật là đi theo con đường mà năm xưa Ngài đã đi; nghĩa là thấy rõ những cái chấp chặt của ta là sai, là quấy. Vô thường mà ta chấp thường hằng, ấy là sai. Từ cái thấy rõ ta sai đó, ta chịu sửa chữa. Đừng ai nói tu là không còn tham, sân, si… Tu vẫn còn tham, sân, si; tuy nhiên, người tu vì muốn giác ngộ và giải thoát nên lúc nào cũng nhận dạng được tham, sân, si mà tránh xa chúng. Người tu luôn bình tỉnh tìm hiểu do đâu mà ta tham, sân và si. Người tu còn thấy rõ rằng trưởng dưỡng tham, sân, si là tự mở của địa ngục cho mình vô. Tu là thấy tham, sân, si chỉ là những loài chùm gửi, chứ chúng không sẳn có nơi thực tánh. Chúng theo dòng đời mà bám víu vào ta, làm tàn hại thân ta. Người tu theo Phật quyết luôn tỉnh thức và không để cho những loài chùm gửi nầy bám vào ta , chứ đừng nói chi trưởng dưỡng. Xin hãy ứng dụng ngay những lời Phật dạy vào cuộc sống hằng ngày của mình. Những nhánh chùm gửi chưa dính, đừng cho dính; những nhánh nào đã dính rồi, ta hãy cố mà gỡ cho sạch. Có như vậy chẳng những thân tâm ta được an lạc, mà người quanh ta cũng an lạc.
284. LUÂN HỒI
Ngày nay chúng ta không còn xa lạ gì với hai chữ “Luân Hồi” nữa. Ngay cả những tôn giáo thờ thần thánh hay thượng đế cũng đã bắt đầu công nhận có luân hồi; tuy nhiên, với họ thì loài nào sau khi chết, sẽ trở lại làm loài đó, nếu không bị địa ngục hay chưa được cứu rỗi. Với đạo Phật, luân hồi hàm nghĩa bao quát hơn. Theo Đức Phật, luân hồi là nhân quả liên tục trong phạm vi tinh thần trong suốt thời gian từ quá khứ đến hiện tại và vị lai.
Từ vô thỉ, chúng sanh vì bởi vô minh mà tạo nghiệp để rồi phải lăn trôi trong sáu đường. Cứ lộn đi lộn lại mãi, hết xuống rồi lên, hết lên rồi xuống. Hết hình nầy đến tướng khác; nay lốt nầy, mai lốt khác, cứ thế mà lăn tròn mãi không ngừng nghỉ. Với thuyết nhà Phật, hễ còn sanh đi sanh lại trong bốn loài thai, noãn, thấp, hóa là còn luân hồi; hễ còn trở lên lộn xuống trong sáu đường từ trời, người, thần, đến địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh là còn luân hồi.
Vì vô minh mà ta cứ lăn trôi, ta nào có biết con người xuất hiện và mất đi nhanh hơn ánh điện chớp nếu so với sự biến thiên của vũ trụ. Cái khổ đau của ta là không chịu nhìn và công nhận sự hiểu biết hạn hẹp của ta, mà ta cứ dong ruổi với những nghi vấn to lớn để rồi khổ lại khổ hơn. Ta nào có biết ta từ đâu đến? Đến để làm gì? Cuộc hành trình dài hay ngắn ra sao? Chừng nào chấm dứt cuộc hành trình??? Ta nào có biết gì về quá khứ, tương lai… Chỉ có điều ta hãy bình tâm mà nhận cho rõ rằng hiện tại của chúng ta là vô cùng ngắn ngủi; nó ngắn ngủi hơn cả ánh điện chớp.
Nếu chúng ta chịu bình tâm mà nhận chân hiện tại thì ta sẽ thấy rằng tuy hiện tại ngắn ngủi như ánh điện chớp, mà lại hàm chứa không biết bao nhiêu là hiện tượng từ lành, dữ, bất công,vô lý, mạnh hiếp yếu, giàu hiếp nghèo, đẹp chê xấu, khôn chê dại… đến những trớ trêu may rủi của thế nhân. Như vậy thì chúng ta giải thích những hiện tượng ấy như thế nào? Có người bảo mọi hiện tượng, mọi vật, mọi việc đều do ý của một đấng nào đó sắp đặt; có người thì cho rằng trời kêu ai nấy dạ; thậm chí còn có người cho là hên sui mai rủi, không có luật lệ chi cả. Đạo Phật cho rằng những giải đáp như vậy là vô lý và chỉ làm cho con người thêm sợ hãi hơn ở thần quyền, hoặc sống cuồng sống vội hơn.
Nếu bảo rằng có đấng nào đó thương mọi loài như con thì tại sao đấng ấy không làm cho mọi loài đều được an vui hạnh phúc đi, mà lại có kẻ giàu người ngheò, kẻ đẹp người xấu, kẻ vui người khổ…? Còn nếu bảo trời kêu ai nấy dạ thì trời là gì mà có sức mạnh ghê gớm như vậy? Nếu nói rằng chỉ hên sui mai rủi, chứ không có luật lệ chi cả thì quả là vô lý. Hãy bình tâm mà suy nghĩ đi thì chúng ta sẽ thấy trên đời nầy không có cái gì sanh ra mà không có nguyên nhân của nó cả.
Nếu cho rằng ta chỉ có một đời để sống, đến khi nhắm mắt là mất hẳn thì quả là đoạn kiến. Còn ngược lại, nếu cho rằng khi chết thân nầy tan rã, nhưng linh hồn vẫn còn để hoặc xuống địa ngục, hoặc lên thiên đàng, ấy chỉ là một thường kiến. Làm gì có chuyện mất hẳn, hoặc còn mãi được? Khi đốt một tờ giấy chẳng hạn, có chuyện mất hẳn hay không? Khói chỉ hòa nhập vào hư không còn tro thì rơi rớt trở xuống mặt đất để hòa nhập vào đất. Như vậy chỉ có việc thay hình đổi dạng, chứ có mất đi đâu? Còn bảo rằng linh hồn thường còn lại càng vô lý hơn; trên đời nầy làm gì có việc thường còn, hoặc vĩnh viễn, hoặc ở yên một chỗ đâu? Ngược lại, mọi vật, mọi việc đều biến chuyển và xê dịch không ngừng nghỉ. Còn vô lý hơn nữa là khi chỉ cần vâng phục là được thiên đàng; khi không vâng phục thì phải ôm địa ngục.
Theo đạo Phật, luân hồi là nhân quả liên tục. Khi lên, khi xuống, khi biến, khi hiện, lúc thay hình, lúc đổi lốt. Nếu chúng ta không bình tâm suy nghĩ thì chúng ta cứ tưởng là chúng gián đoạn, chứ kỳ thật, dù lên, dù xuống, dù thay hình đổi dạng… tất cả đều chi phối lẫn nhau. Khi đốt một tấm giấy thì tấm giấy ấy sẽ biến thành khói và tro; chỉ thay hình đổi dạng thôi, chứ không mất đi đâu cả. Nước bị sức nóng mà bốc thành hơi, cũng chỉ thay hình đổi dạng thôi. Núi đá bị thời gian và thời tiết nghiền nát thành cát, cũng chỉ thay hình đổi dạng thôi. Đến chúng sanh cũng vậy, khi trả thân tứ đại nầy về cho tứ đại thì chỉ là sự trả về, chứ có mất mát đi đâu? Kỳ thật đâu phải đợi đến lúc dứt hơi thở ta mới trả về, mà chúng ta từng giây, từng phút, từng sát na đang trả về, hoặc đang ở trong trạng thái luân hồi.
Ấy là nói về thân, giờ nói về thần thức thì cũng vậy. Chúng ta đã từng tạo nghiệp trong quá khứ và hiện tại, những cái nghiệp ấy sẽ theo ta, bắt ta xoay vần, đảo lên lộn xuống. Theo nhà Phật, sự xoay vần, đảo lên lộn xuống nầy không phải là những ngẫu nhiên tình cờ mà là do một định luật nhất định: nhơn quả. Hễ trồng cam thì được cam, trồng chanh thì được chanh. Định luật nầy không và sẽ không bao giờ có thể sai chạy đi đâu cả. Không bao giờ có chuyện trồng cam mà được đậu cả. Hễ sân hận và tàn độc thì gánh lấy đủ điều khổ sở; hễ tham lam bỏn xẻn, mưu sâu, kế độc hại người thì phải chịu làm ngạ quỉ thôi; hễ si mê, sa đọa vào lục dục, tửu sắc thì phải lãnh vai súc sanh về sau nầy. Hễ không sát sanh hại vật, không tham lam, bỏn xẻn, không nói lời tàn độc hại người, không tà dâm, không rượu chè be bét thì đời sau trở lại làm người.
Tóm lại, luân hồi là nhân quả liên tục trong phạm vi tinh thần và trong khoảng thời gian vô hạn định. Không ai biết nó bắt đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu? Trong nhân quả luân hồi, quá khứ, hiện tại và tương lai tương liên chi phối. Không có cái gì xãy ra trong quá khứ mà không chi phối hiện tại. Tương tự, không có cái gì xãy ra trong hiện tại mà không chi phối tương lai cả. Nghĩa là trong hiện tại ta gieo nhân gì thì ta sẽ gặt quả ấy trong tương lai. Ví bằng ta không gieo nhân thì không có quả để mà gặt.
Tại sao ta gieo nhân?
Vô minh là nguyên nhân chính; tuy nhiên, nói vô minh thì nghe nó mông lung và hơi khó hiểu. Nên chi với chúng ta, chúng ta hãy lấy một nguyên nhân dễ hiểu và rõ ràng là tham ái. Vì tham ái mà ta muốn lấy, muốn có để rồi từ đó ta có những hành động, dù thiện dù ác, đều là những nhân cho những quả của luân hồi. Một khi đã có nhân, ắt phải có quả. Đến khi ta gặt quả có thể ta gặt không hết, hoặc gặt quá lố. Gặt không hết thì ta vẫn phải trở lên lộn xuống mà gặt tiếp. Ví bằng gặt quá lố thì đương nhiên ta phải luân hồi để trả lại phần đã gặt lố. So với vũ trụ thì thân xác nầy có khác chi những hạt bụi, nhưng thương thay cho hạt bụi ấy phải triệu triệu, tỷ tỷ năm lăn trôi trong luân hồi sanh tử. Xin Phật tử hãy hiểu cho tường tận và rõ ràng luật nhân quả luân hồi trong nhà Phật. Hiểu để phấn chấn, mạnh mẻ thêm lên trong việc tự quyết định cho mình một hướng đến. Hiểu để quyết không buông xuôi trao trọn mình cho ai, cũng không rên xiết hay trách móc ai. Hiểu để quyết không cho hạt bụi nầy tiếp tục lăn trôi mãi nữa, mà cho nó rơi vào hòa nhập với vũ trụ bao la và chấm dứt đi cái sức hút miên viễn của Ta Bà. Quý bạn ạ! Chỉ có chính mình mới làm được điều nầy mà thôi.