ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP IV
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

285. Chiến Thắng Vẻ Vang Nhất
286. Thành, Trụ, Hoại, Không
287. Đạo Phật Lòng Tin Và Sự Hiểu Biết
288. Vu Lan Nhớ Mẹ
289. Con Đường Của Người Con Phật
290. Thất Bồ Đề Phần
291. Thẳng Một Đường Tu
292. Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ
293. Thân Phàm Phu
294. Tâm Kim Cang
295. Ngã Mạn
296. Bảy Phương Cách Diệt Trừ Phiền Não
297. Tâm Bịnh
298. Tu Là Đi Tìm Cái Gì?

285. CHIẾN THẮNG VẺ VANG NHẤT

Đạo Phật không bi quan cho rằng đời là vô thường, nay còn mai mất, là đau khổ, rồi lẩn vào rừng sâu núi thẳm để tránh đời. Ngược lại, người con Phật vâng giữ những gì Phật dạy mà đi thẳng vào đời. Người con Phật không chìu chuộng hoặc trau chuốc thân nầy; tuy nhiên, người con Phật quyết không hành xác, lại càng không khổ hạnh, mà chỉ giữ thân nầy để tiến tu vì biết rằng: “nhất thất nhân thân, vạn kiếp nan phục.”

Người con Phật giữ thân nầy bằng cách từng giờ từng ngày tự quán sát rằng thân nầy luôn bất tịnh; tâm nầy luôn tạo nghiệp. Nếu không khéo tu thì vạn kiếp khó mong thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Người con Phật luôn sáng suốt thấy rằng từ bờ mê sang bến giác tuy quả là xa xôi dịu vợi, nhưng không tu bây giờ thì chừng nào ta mới tu đây?

Người con Phật không chủ trương giàu nghèo có thể làm cản trở, hoặc khó dễ cho việc tiến tu, mà tu hay không tu là ở ta. Có lắm khi giàu mà keo kiết bỏn xẻn, giàu lại muốn giàu thêm; cũng có lắm khi giàu mà tinh tiến tu hành, luôn thương người và luôn dùng tiền của làm được để bố thí cho người. Nghèo cũng vậy, có người nghèo thật là nghèo, nhưng lòng họ vẫn quảng đại. Có hạt muối họ vẫn cắn làm đôi cho những ai nghèo hơn họ. Như vậy, một khi đã quyết chí tu hành thì giàu nghèo gì cũng tu được. Nghèo giàu gì đều cũng có thể thẳng tiến trên đường thánh đạo được. Đừng đổ thừa căn cơ hoàn cảnh chi cả. Xin khẳng định lại một lần nữa, tự ta tu hay không tu mà thôi.

Tự ta muốn ăn chay hay không thôi, chứ đừng đổ thừa cho căn cơ hoàn cảnh. Không có căn cơ hoàn cảnh chi cả. Như ta thấy đó, muốn tu cũng dễ, mà muốn không tu thì cũng dễ. Phật ma, ma Phật chỉ cách nhau một sợi chỉ. Hễ gặp ai cần gì mà ta có thể giúp, ta bèn giúp, ấy là Phật. Ví bằng, có thể giúp, ta lại không giúp mà còn đi mắng chửi thì là ma. Lúc bố thí thì rộng lòng bố thí, chứ không phân biệt bạn thù, thân sơ, đẹp xấu… Làm được như vậy, cho dù có bảo tâm nầy đi tạo nghiệp cũng khó lắm. Con người như vậy, cả thân lẫn tâm đều trong sạch, tánh nết nhu mì, biết suy xét chánh tà, biết nghĩ xa, biết tu tỉnh. Người ấy luôn có một cái tâm sáng suốt để không bị vướng mắc vào những trùng trùng niệm khởi.

Với người biết tu, hễ làm chuyện gì không hợp lẽ phải hoặc không công bằng sẽ vô cùng hổ thẹn mà chừa bỏ không tái phạm nữa. Người ấy sẽ bình tâm trước mọi việc, suy trước nghĩ sau trước khi làm chuyện gì, chứ không làm càng bậy. Làm gì mà thấy có thiệt thòi cho người khác là quyết không làm. Người con Phật luôn ngồi lại để xét soi tâm mình, xem coi hôm nay mình đã làm những gì? Có lợi hoặc có hại như thế nào? Luôn quyết chí sửa chữa những chỗ sai trái. Tóm lại, người con Phật luôn tự chế tâm mình để tự chiến thắng lấy mình, đó là một chiến thắng vẻ vang nhất trong các chiến thắng.

286. THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG

Ai thấy được những thành, trụ, hoại, không trên cõi đời nầy? Có lẽ ai trong chúng ta, cho dù không phải là Phật tử, vẫn thấy được lẽ nầy của vạn vật. Tuy nhiên, mỗi người nhìn dưới một khía cạnh khác nhau. Người thì vì quá sợ sệt mà cho rằng có một đấng nào đó tạo ra và hủy diệt vạn vật; kẻ thì lại vô hồn cho rằng thành, trụ, hoại, không có quan hệ gì? Hãy tận hưởng một đời mà ta đang có đi… Chính vì những kẻ quá sợ hãi, hoặc vô hồn ấy mà thuyết thành, trụ, hoại, không của nhà Phật càng sáng tỏ và vững mạnh hơn. Với đạo Phật, thành, trụ, hoại, không chỉ là luật tất yếu của lẽ vô thường. Hễ có sanh thì có phát triển, rồi hư hoại, rồi dị diệt. Với đạo Phật, vạn pháp không bao giờ lọt ra được qui luật tất yếu nầy. Hãy nhìn cái bông, đêm qua vẫn còn là nụ búp, sáng đã nở to, rồi chiều lại đã tàn héo. Con người chúng ta có khác chi là cái bông ấy; có khác chăng là vấn đề thời gian mà thôi.

Thấy được cái lẽ thành, trụ, hoại, không nầy không phải để sợ, hoặc không phải để bất cần đời, cũng không phải để sống một cách vô hồn, mà thấy để biết rằng đời là giả tạm. Từ thuở mới có con người đến giờ, đời vẫn là giả tạm; tuy nhiên, có mấy ai tỉnh lòng để thấy được như vậy. Ngược lại, còn chạy theo ôm chân những cái giả tạm nầy nữa là khác. Tại sao chúng ta không nhìn những cái hoa tàn, những cụ già để suy gẫm cho rõ cái thành, trụ, hoại, không. Thấy để mà tu; thấy để tự mình không còn chạy theo nắm bắt những giọt nước mưa dưới ánh mặt trời nữa. Thấy để không còn bị vật chất phù hoa cám dỗ nữa. Thấy để không còn mãi chạy đi tìm. Tìm cái gì đây? Tìm chưa được cái nầy thì cái kia đã mất. Thấy để không còn đau khổ trước những họp tan, tan họp. Đời mất còn, còn mất chỉ là những thành, trụ, hoại, không chứ có là gì đâu? Những dãy Ngân Hà còn bị hủy hoại, huống hồ là quả đất, hoặc huống hồ là thân nầy.

Người con Phật luôn thấy cho tường tận lẽ thành, trụ, hoại, không nầy. Không phải thấy để mà sợ hãi, cũng chẳng thấy để mà sống hời hợt, mà thấy để tu. Thấy để lòng nầy được sống dửng dưng hơn; thấy để chẳng buồn, chẳng ghét, chẳng oán trách chi ai! Thấy để nếu tu kiếp nầy chưa đắc quả thì ít nhất cuộc sống ta cũng thanh thản và tự tại lắm vậy. Thấy để đổi ác làm thiện, đổi ích kỷ bỏn xẻn làm bố thí, đổi tàn bạo làm từ bi, đổi chấp trước làm hỉ xả… Tóm lại, thành, trụ, hoại, không của vạn pháp là những nguồn năng lượng vô tận giúp người con Phật tiến tu để cuối cùng đạt thành quả vị vô thượng.

287. ĐẠO PHẬT, LÒNG TIN VÀ SỰ HIỂU BIẾT

Phần lớn các tôn giáo khác đều nhấn mạnh ở lòng tin, đó chính là điểm khác biệt chính yếu giữa đạo Phật và những tôn giáo khác. Đạo Phật không xúi tín đồ phải coi Phật như là một đấng cứu thế, hoặc có một không hai, mà Phật giáo chủ trương niềm tin phải dựa trên sự hiểu biết tường tận. Phật giáo đồ xem Phật như một ông thầy, một người cha, hoặc một người hướng đạo tiên phong. Phật không yêu cầu bất cứ một lòng tin nào nơi con người, mà Phật chỉ là một ngọn đuốc sáng, ai thấy cần đuốc, cứ dùng. Ngược lại, ai muốn đi trong đêm tối, Phật chỉ thương xót chứ không bắt buộc ai phải tin vào đuốc của mình, hoặc giả chỉ có đuốc của Phật mới soi đường cho họ được.

Hơn thế nữa, Phật chủ trương với ngay chính những người con Phật cũng nên tìm hiểu cho biết rõ con đường đi của Phật trước khi cất bước đi theo. Vì theo Phật, tin mà không biết là tin mù quáng hoặc thiên kiến thì làm gì còn có khả năng học hỏi được sự thật và chân lý nữa. Tin mà không biết niềm tin của mình đúng hay sai là một trở ngại lớn trên bước đường tu tập. Tin cái gì? Tại sao tin? Hễ nói đến niềm tin mà không có sự hiểu biết đi kèm là nói đến chín thua một ăn, nghĩa là gần như trăm trận trăm thua. Niềm tin như vậy thì đưa con người đến đâu? Tin mà không biết mình đang tin cái gì? Cái đó có thể thực hiện được hay không? Quả là còn hơn mù quáng. Tỉ dụ như vài trăm năm trước đây, ở Âu châu họ cho rằng quả đất nầy vuông, rồi hễ ai nói khác đi là họ ùa nhau trị tội. Kỳ thật, quả đất lại có hình hơi bầu dục, chứ đâu có vuông. Như vậy, cho dù là niềm tin của nhiều người cũng chưa chắc gì đã đúng. Thế mà vì niềm tin mù quáng, họ đã nhốt Gallileo đến chết chỉ vì Gallileo dám nói ngược lại những gì họ tin. Thật niềm tin mù quáng nó tai hại vô cùng!

Với đạo Phật, Phật bảo đừng ai tin khi chưa rõ giáo pháp; đừng tin khi chưa biết rõ con đường mình sắp đi. Đừng cầu Phật để được giải thoát, mà hãy tự mình tìm hiểu xem coi Phật pháp có phải là hướng đi đúng cho ta hay không trước đã rồi hẳn bước vào. Phật đã từng khẳng định rằng Ngài thị hiện nhằm mở bày tri kiến Phật cho chúng sanh, chứ không và sẽ không bao giờ Ngài giải thoát thay cho ai được, ngay cả La Hầu La, con trai độc nhất của Ngài. Ngài đã từng khẳng định trong các cuộc thuyết giảng rằng con người không giải thoát hoặc bị đọa địa ngục chỉ vì lòng tin của họ, mà phải do bởi hành động thiện ác và thân tâm thanh sạch của chính họ. Ngài chưa bao giờ kêu gọi ai tin vào Ngài hay theo Ngài; Ngài chỉ khuyên mọi người hãy lắng nghe một cách tường tận để hiểu một cách thông suốt trước khi tin và theo. Chỉ có những người vừa lười vừa ngu mới cả tin mà không chịu suy nghĩ một điều gì mình chưa biết rõ. Sẽ có một lúc những người cả tin nầy thấy rằng họ bị lừa, mà có lắm khi họ không có được cơ hội để thấy mình bị lừa vì đời người quá ngắn ngủi.

Người con Phật quyết vâng giữ những lời Phật dạy là không và sẽ không bao giờ tin một cách mù quáng. Ngay cả tin theo Phật, cũng nên hiểu biết cho thật rõ rồi mới tin và theo. Có được như vậy thì niềm tin ấy mới trường tồn. Có được như vậy thì hướng đi trước mặt quả toàn là kỳ hoa dị thảo. Cuối cùng, hiểu biết rồi mới tin và theo sẽ không còn một nghi ngờ nào có thể làm vướng mắc hoặc trở ngại bước đường thanh tịnh, an lạc và giải thoát của ta nữa.

288. VU LAN NHỚ MẸ

Cứ mỗi lần đến mùa Vu Lan là lòng tôi bồi hồi nhớ đến người mẹ hiền thiên cổ của tôi. Người chẳng những đã tạo cho tôi hình hài, mà tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay đều là do người. Mẹ tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, lại thêm hoàn cảnh đất nước còn bị Tây đô hộ, nên người không có cái diễm phúc được đi học cho đến nơi đến chốn như chúng tôi về sau nầy. Lại nữa người lập gia đình rất sớm và gia đình chúng tôi rất đông anh chị em, vì thế mà cả cha lẫn mẹ tôi phải tần tảo vô cùng cực khổ để nuôi dưỡng cho chúng tôi nên hình nên vóc. Nhất là mẹ tôi, người đã suốt đời tận tụy vì con cái. Người đã dầm sương dãi nắng, tần tảo nuôi con mà chưa một lần tôi nghe người than trách. Tôi còn nhớ vào đầu thập niên sáu mươi, lúc ba tôi thất nghiệp, gia đình sa sút trầm trọng, tưởng chừng như không thể nào vượt qua được.

Lúc ấy có một người bà con đề nghị cho một vài anh em tôi đến tá túc và giúp việc nhà, nói theo kiểu bình dân là đi ở đợ. Mẹ tôi đã thẳng thắn, cương quyết, mà nhẹ nhàng cám ơn lòng tốt của người bà con. Người nói: “Tôi còn đôi tay, đôi chân, tôi còn nuôi và cho các con tôi ăn học được mà.” Thế rồi một mình mẹ với đôi vai trĩu gánh. Mẹ phải đi vay tiền trả góp để mua sách cho con học. Lúc ấy, tôi thấy cảnh nhà bi đát quá nên bèn đề nghị với mẹ là tôi nghỉ học để đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi cho các em khôn lớn, dù rằng hồi đó tôi đương là một trong những học sinh xuất sắc nhứt của trường trung học tỉnh. Mẹ tôi đã khóc mà nài nỉ tôi bỏ đi ý định nghỉ học. Người nói: “Mẹ cha nghèo quá nên không có của hồi môn để lại cho các con đâu, nhưng mẹ có tấm thân nầy. Dù có dầm sương dãi nắng mẹ cũng cam, miễn sao cho các con được đi học, có chữ nghĩa với đời.

Mẹ không muốn sau nầy các con nuôi cháu của mẹ cực khổ như mẹ đã nuôi các con.” Ôi còn hi sinh nào cao cả hơn? Còn công lao nào sâu nặng hơn? Ngoài chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, người còn cả một đời lầm lủi nuôi con. Vì quá khổ cực mà tuổi chưa quá thất tuần, người đã vĩnh viễn lìa bỏ các con, người đã ra đi không đòi hỏi. Mẹ ơi! Trên đời nầy còn sự hi sinh nào cao quí hơn sự hi sinh của mẹ đâu! Bây giờ người đã là thiên cổ, nhưng những lời dạy dỗ của người vẫn còn ở trong tôi, còn mãi trong tôi. Những lời ấy sẽ được lưu truyền lại cho cháu chắt của người.

Ôi công ân cha mẹ không thể nào nói cho hết, không thể nào đáp cho cạn. Nó sâu rộng như biển Thái Bình, nó cao thâm như núi Thái Sơn. Nó tợ như núi Tu Di vậy. Chính vì vậy mà trong Kinh Báo Ân Phụ Mẫu, Đức Từ Phụ đã nói rõ rằng nếu hai vai cõng vác cha mẹ đi giáp vòng hòn núi Tu Di cả vô lượng kiếp, ơn kia cũng khó đền. Là người con Phật, tôi không tin ở định mệnh; tuy nhiên, tôi vẫn thấy một cái gì ấy hơi quá khắc khe và quái ác với tôi. Mùa xuân của tôi qua nhanh quá, mới hôm nào đây, mà hôm nay tất cả đã thành dĩ vãng, đã trở thành tâm sự và kỷ niệm cho một kẻ tha hương với biết bao nhiêu cai nghiệt. Ôi quê hương bên kia bờ đại dương, quê hương xa vời đã cuộn lấy thân mẹ cha kính yêu. Ba mẹ ơi! Con đã không và sẽ không bao giờ có được cái diễm phúc cạnh kề và phụng dưỡng cha mẹ nữa rồi.

Bây giờ đây nơi đất khách quê người, hễ mỗi lần Vu Lan, mỗi lần cài một bông hồng trắng lên ngực là tôi bùi ngùi xúc động mà nguyện với lòng rằng: “Mẹ cha ơi! thân con dù không sánh được với Ngài Bồ Tát Địa Tạng, con cũng nguyện làm một cái gì đó để chuyển hóa những tội tình cha mẹ đã vì con mà tạo nên, hầu cho cha mẹ sớm được siêu thoát. Con cũng nguyện vì đời mà sống một cuộc sống vị tha như cuộc sống của mẹ năm nào.” Mẹ ơi con dù không là cái gì cả so với Ngài Mục Kiền Liên, nhưng con nguyện phát tâm Đại Bi để góp phần làm vơi đi nước mắt của nhân quần và xã hội.

Mẹ ơi! Con vẫn biết người tu theo Phật là phải tinh chuyên hành trì cho đến rốt ráo để cửu huyền thất tổ được siêu thăng, nhưng lòng con vẫn bùi ngùi nhớ lại câu nói của thầy Tử Lộ năm xưa: “Tử dục dưỡng, nhi thân bất tại.” Hoàn cảnh của con bây giờ có khác chi hoàn cảnh của Thầy Tử Lộ năm xưa đâu? Hồi còn hàn vi cơ cực thì có cha có mẹ, nay đã nên người, muốn nuôi dưỡng cha mẹ thì cả cha lẫn mẹ đều không còn. Thương thay cha mẹ sanh ta ra cực nhọc, chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, dưỡng dục ta, mớm cho ta từ những giọt sửa đầu đời. Lựa chỗ ướt nằm, nhường chỗ cao ráo cho con; ăn thì ăn thừa ăn cặn, nhường cái nguyên vẹn ngon hảo cho con.

Cha mẹ đã nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn đi chơi, thậm chí bịnh mà không dám thuốc thang để dành tiền nuôi cho con khôn lớn. Lo cho con ăn học, mua quần áo lành lặn cho con, trong khi mình thì rách rưới. Đi làm đầu tắt mặt tối, buôn gánh bán bưng, nhịn cay nuốt đắng. Những lúc con trở bịnh, mẹ lặn lội trong mưa một mình đi tìm thang thuốc cho con. Những lúc chập chờn trong cơn mê sốt, con vẫn thấy mẹ luôn túc trực bên giường với đôi mắt đầy lo âu. Mẹ chính là nguồn suối, nguồn năng lực trong đời con.

Chính vì vậy mà Đức Phật đã dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn chữ hiếu; điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu.” Hình hài nầy, khối óc nầy, tất cả những gì mà ta có được là của ai? Nếu không có những đấng sanh thành ấy? Đừng biện luận thế nầy thế nọ, mà hãy tự hỏi lại lòng ta một cách chân thật là ta đã làm được những gì để đền đáp lại phần nào công ơn ấy, cho dù có hết lòng phụng dưỡng đi nữa, cũng có lúc ta vẫn cảm thấy chưa được chu toàn, cũng có lúc ta cảm thấy ân hận. Thế mà nhìn lại trên cái xứ sở văn minh vật chất nầy, con càng bùi ngùi hơn. Có những người còn cha còn mẹ đó, mà phòng để trống chứ cha mẹ phải đi aên nhờ ở đậu, vất va vất vưởng, hoặc phải gửi thân già vào dưỡng lão viện.

Có khi nào họ hồi tưởng lại thân nầy có được là nhờ ai? Những người từng ẩm bồng chúng ta, luôn túc trực bên ta những lúc ta ấm đầu nóng lạnh, năm canh chầy thức đủ năm canh, không bao giờ kể lể than trách và cũng không bao giờ mong mỏi bất cứ sự đền đáp nào, chỉ mong sao cho con được thành nhân chi mỹ. Đến lúc ta lớn lên, có gia đình đi nữa nhưng những bà mẹ hiền vẫn tiếp tục lo lắng từ cái đi, cái ở. Con đi xa nhà một chút là mỗi đêm mỗi gọi điện thoại, xem coi con đã về chưa, con có khỏe không, con đã ăn chưa… Hôm nào gọi không gặp con là lòng bấn loạn, là đêm đó không chợp mắt được. Thế mà đến khi trở về già, tay run mắt mờ, chân đi không còn vững nữa, lại phải sống cô quạnh trong nhà dưỡng lão cho đến hết cuộc đời. Quả tình văn minh vật chất mang đến cuộc sống đầy đủ phương tiện đâu chưa thấy, chỉ thấy con người phải còng lưng vì nó, chỉ thấy nó cướp mất tất cả những gì cao quí nhất của con người.

Mẹ ơi! Mùa Vu Lan đến, ai cũng nô nức đi chùa lễ Phật mà nguyện cầu cho cha mẹ trường thọ. Con thì chỉ cài lên ngực một bông hồng trắng, đến trước bàn thờ cha mẹ mà khấn nguyện rằng: “Mẹ cha hãy yên lòng siêu thoát, con của cha mẹ đã và đang sống một cuộc sống thật xứng đáng cho mình, cho gia đình mình và cho người.” Bây giờ mỗi lần hồi tưởng đến song thân là mỗi lần con nguyện: “Để xứng đáng với công ơn cha mẹ, con nguyện thấm nhuần và hằng sống với tư tưởng đại từ, đại bi và mẩn chúng của Đức Từ Phụ. Con nguyện không có lửa tham, sân, si nào có thể đốt được con.

Con nguyện dù người có phụ con, con vẫn từ bi lân mẩn với người. Con nguyện dù người không lắng nghe con, con cũng lắng nghe người. Con nguyện dù người khinh rẻ con, con vẫn trọng người. Con nguyện dù người xấu với con, con vẫn tốt với người. Dù người có sân giận con, con vẫn đáp lại bằng sự hoan hỉ tràn đầy. Dù người tị hiềm ganh ghét con, con vẫn khoan dung. Dù người có thờ ơ, con vẫn vồn vã.” Để chuyển hóa những tội lỗi cha mẹ đã vì con mà gây ra, con cũng xin nguyện bây giờ và mãi mãi con không làm ai đau khổ, không rầy rà, tranh cãi hay đánh đập ai; không làm phương hại đến danh dự của ai; không sát sanh hại vật; không nói lưỡi hai chiều, hoặc lời thị phi. Đấy là lời nguyện đơn giản, dễ thương, mà khó làm của người Phật tử, nhưng con nguyện sẽ làm.

289. CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI CON PHẬT

Người con Phật nên đi theo con đường nào? Câu hỏi có vẻ hơi thừa; tuy nhiên, nếu không hỏi thì có người không biết chắc là nên đi theo con đường nào? Câu trả lời thật dễ và thật giản dị. Người con Phật chắc chắn phải đi theo con đường mà năm xưa Đức Từ Phụ đã đi. Đức Thế Tôn đã thị hiện và thành tựu sự nghiệp của một đấng hoàn toàn giác ngộ và giải thoát rốt ráo. Ngài đã vạch ra một con đường ngay giữa lòng thế giới Ta Bà nầy, con đường vừa thiêng liêng cao cả, mà cũng vừa thiết thực vô cùng. Ấy là con đường đi từ vô minh phiền não đến thanh tịnh, Niết Bàn và vô sanh. Đường nầy không đồng nhất cho mọi chúng sanh, mà lâu hay mau, dài hay ngắn còn tùy ở nghiệp lực và sự tinh tấn của từng chúng sanh một.

Hành trình đi đến đất Phật có thể trải qua nhiều đời nhiều kiếp. Theo lời Phật dạy là phải mất đến ba a tăng kỳ kiếp. Ba a tăng kỳ kiếp quả là một chuổi thời gian vô tận; tuy nhiên, dù muốn hay không muốn, dù trước hay sau gì thì ta cũng phải đi trên con đường nầy. Nghĩa là dù muốn hay không muốn tu bây giờ, thì về sau nầy chúng ta cũng phải tu. Thôi thì hãy sắp xếp mà tu mau kẻo trễ.

Đường đi đến đất Phật không khó đi, nhưng không dễ cho những ai không quyết tâm. Trước khi cất bước trên con đường nầy, người Phật tử phải phát Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là tâm giác ngộ và tỉnh thức. Nhờ Bồ Đề tâm mà ta biết nhàm chán sanh tử luân hồi; nhờ Bồ Đề tâm mà ta biết tinh tấn tu trì; cũng nhờ Bồ Đề tâm mà ta xa lìa những điên đảo mộng tưởng của cõi Ta Bà để lần về cảnh giới an nhiên tự tại. Ngoài ra, Bồ Đề tâm còn cho chúng ta thấy rõ những nhọc nhằn đau khổ của chúng sanh, từ đó mà chúng ta cảm thấy thương xót chúng sanh hơn. Tuy nhiên, phát Bồ Đề tâm suông chưa đủ, mà chúng ta phải ngày đêm tinh tấn hành trì những gì mình đã phát nguyện và thành khẩn tu hành. Tu hành để chi? Tinh tấn tu hành để thực nghiệm chính tự thân mà tìm về với bản lai chân diện mục, về với chính cái chơn tâm của mình.

Phát Bồ Đề tâm và tinh chuyên tu hành chỉ mới là bước đầu của con đường đi về đất Phật mà thôi. Giai đoạn kế tiếp của cuộc hành trình là giai đoạn quyết liệt nhất trong quá trình tu tập. Nó quyết định điểm đến mau hay chậm. Trong giai đoạn nầy, người Phật tử quyết tâm tu theo hạnh của Phật: Bồ Tát hạnh. Đã nói là giai đoạn quyết liệt nên tấn, thoái, nhanh, chậm chỉ trong đường tơ kẻ tóc. Tại sao? Vì dù tu theo Bồ Tát hạnh, nhưng cái tâm phàm phu lúc nào nó cũng thôi thúc, xúi dục chúng ta xé rào bẻ lưới. Mới hồi sáng nầy nhu hòa nhẫn nhục thì trưa lại đã sân hận đùng đùng. Mới hôm qua tâm từ bủa rộng thì hôm nay tâm địa lại bỏn xẻn keo kiết.

Mới tuần rồi đến chùa thọ giới thì tuần nầy đã phá giới. Như ta thấy đó, cái quyết liệt của giai đoạn nầy là ở chỗ đó, ở chỗ giữa ma và Phật chỉ cách nhau có có một sợi chỉ. Chính vì vậy mà người tu theo Bồ Tát hạnh phải vô cùng cẩn trọng từ sự hiểu biết, sự suy nghĩ, lời nói, công ăn việc làm, đến cuộc sống… nhứt nhứt đều phải chính đáng. Ngoài ra, người con Phật lúc nào cũng phải tinh tấn tu trì. Chỉ nhớ những gì đáng nhớ; nghe những gì đáng nghe; biết những gì đáng biết; thấy những gì đáng thấy; nói những gì đáng nói và làm những gì đáng làm. Vì nếu bạ đâu nhớ đó, nói đó, làm đó, hóa ra ta tự làm cho tâm ta loạn động. Muốn đạt đến mức chỉ nhớ những gì đáng nhớ, con đường duy nhất là chúng ta phải thường xuyên hành trì rốt ráo sáu con đường Ba La Mật cao quí mà năm xưa Đức Thế Tôn đã ân cần dạy dỗ.

Trước hết phải bố thí rộng rãi, bố thí một cách bình đẳng, chứ không vì thân sơ, bạn thù mà bố thí. Lại cũng không vì sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Nghĩa là bố thí vô phân biệt từ tài thí, pháp thí đến vô úy thí. Bố thí chẳng những cho loài người, mà còn cho loài vật và khắp giới chúng sanh. Kế đến là trì giới. Giới chính là con thuyền Bát Nhã đưa ta từ bờ mê sang bến giác. Phá giới là tự ta đâm lủng thuyền, nghĩa là tự mình dìm mình trở lại biển luân hồi sanh tử. Thứ ba là nhẫn nhục. Người xưa thường nói: “Dĩ hòa vi quí.” Ôn hòa nhẫn nhục lúc nào cũng là chìa khóa của mọi sự thành công, ngoài đời cũng như trong đạo. Chính vì vậy mà Đức Từ Phụ đã dạy chúng đệ tử hãy lấy nhẫn nhục làm chất keo bọc trét đáy thuyền Bát Nhã để lướt qua sông mê bể khổ.

Ngài đã dạy rằng hễ một niệm sân hận mà nổi lên thì lập tức muôn ngàn chướng ngại bày ra trước mặt. Muốn tiến lên ta cũng không có cách nào tiến được. Như vậy Phật tử nên nhẫn nhục trong tất cả, từ những cái đáng nhẫn đến những cái không đáng nhẫn. Kế đến là tinh tấn tu trì. Chỉ có tinh tấn tu trì mới sớm đưa ta đến bến bờ giác ngộ và giải thoát, không có cách nào khác hơn, không có cái gì được gọi là tu tắt, lại càng không có chuyện tức thì khai ngộ hoặc giải thoát, mà chỉ có sự tinh tấn tu trì. Biếng nhác, trể nãi và giải đãi chỉ là những vé tàu suốt đưa ta về địa ngục mà thôi.

Thứ năm là thiền định. Thiền định sẽ giúp ta định tỉnh chính ta để thấy cho rõ mặt mũi cũng như bản lai chân diện mục của chính ta. Thiền còn giúp ta dẹp bỏ các tạp niệm, chỉ nhớ những cái đáng nhớ, chứ không bạ đâu nhớ đó. Nhờ có thiền định mà tâm ta ít xáo trộn hơn và độ tán loạn từ đó sẽ giảm dần để đi đến chỗ nhứt niệm hoặc vô niệm. Cuối cùng là trí huệ. Sau khi đã bố thí rốt ráo, trì giới rốt ráo, nhẫn nhục và thiền định rốt ráo thì sự ngu si mê muội sẽ không còn đất dụng võ trong ta nữa. Từ đó mà trí huệ sẽ sáng tỏ như một ngọn hải đăng, nhờ đó mà ta đạt được đến bến bờ giải thoát một cách rốt ráo và nhanh chóng hơn.

Giai đoạn chót của cuộc hành trình về đất Phật là mở rộng tâm từ, bi, hỉ, xả để cứu độ chúng sanh muôn loài. Mục đích mà Phật thị hiện ra nơi đời là để khai, thị, ngộ và nhập cho chúng sanh cái tri kiến Phật, nghĩa là phải tới được chỗ của Phật và cùng nắm tay các Ngài dạo chơi trên vùng đất của vô sanh, chứ Ngài không muốn chúng ta chỉ nhởn nhơ ở vườn Bồ Đề, hoặc vườn Bồ Tát. Nhờ ở Tứ Vô Lượng Tâm và sáu Ba La Mật cao quí mà chúng ta sẽ vượt thoát mọi khổ đau phiền muộn, hàng phục nội chướng ngoại ma để chẳng những cứu mình, cứu người, mà còn có thể độ chúng sanh muôn loài ở cõi Ta Bà nầy nữa. Mong rằng ai nấy cũng nhìn vào tấm gương rạng ngời của Phật: Ba mươi tuổi Ngài đã thành đạo. Thấy cái gương của Ngài để mà quyết chí chứ không lần lựa, chần chừ. Chúng ta sẽ không còn thì giờ nữa đâu mà chần chừ với lần lựa!

290. THẤT BỒ ĐỀ PHẦN

Mục đích cuộc sống của con người, Phật tử hay không Phật tử, là mưu cầu hạnh phúc và an lạc. Hãy suy gẫm một chút ta sẽ thấy rằng mọi mưu cầu của nhân loại đều nhằm mang đến cho nhau một cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Từ những nhà bác học dày công nghiên cứu, phát minh và sáng chế nhằm mang lại phương tiện thoải mái hơn cho cuộc sống: đến những bác nông dân tay lấm chân bùn, dầm sương dãy nắng cũng nhằm mang lại lương thực cho mọi người. Thế thì tại sao lại nói rằng đời là bể khổ? Chúng ta như những chàng kỵ mã, một khi đã vào cuộc rồi thì không còn biết gì nửa, chỉ làm sao cho phần được, phần thắng về mình, còn thì sống chết mặc bây. Chứ kỳ thật, khởi đầu chúng ta cũng là những “nhơn chi sơ, tính bổn thiện” vậy. Ngặt vì vô minh khống chế nên thay vì làm bạn với từ, bi, hỉ, xả; chúng ta lại đi kết thân với tham, sân, si, ngã mạn, cống cao. Thay vì làm bạn với hạnh phúc và an lạc thì chúng ta lại đi chơi với phiền não và khổ đau.

Chính vì nhìn thấy chúng sanh đang lặn ngụp trong trầm luân khổ hãi nên Đức Từ Phụ đã dấn thân tìm đường giác ngộ và giải thoát. Ngài đã để lại cho chúng ta một đại lộ giải thoát thênh thang và trên đó Ngài trang bị cho chúng ta vô số những phương tiện. Thất Bồ Đề phần cũng là một phương tiện thù thắng, cho những ai đang lần đi về cỏi vô sanh. Với Thất Bồ Đề Phần, ngoại cảnh là ngoại cảnh, ta là ta. Với thất Bồ Đề phần, không có nghĩa là chúng ta sẽ không gặp những ma chứơng, kẻ thù, phiền não và đau khổ. Tuy nhiên những thứ ấy không là chướng ngại cho ta trên bước đường giải thoát. Như vậy Thất Bồ Đề phần là gì? Bồ Đề có nghĩa là giác ngộ, như vậy Thất Bồ Đề phần là bảy con đường đưa ta đến giác ngộ:

Thứ nhất là sự lựa chọn chánh đáng. Đức Phật đã dạy: “Hãy dùng trí tuệ để suy nghiệm và hiểu rồi hẳn tin theo và thực hành.” Nếu không hiểu mà tin và theo là sự tin theo tà vạy. Với lòng tin tà vạy, con người sẽ trở thành cuồng tín và nguy hiểm gấp trăm ngàn lần những người không tu hành.

Thứ nhì là siêng năng chân chánh. Sau khi đã lựa đúng và tin đúng phép tu rồi thì phải siêng năng hành trì, phải luôn luôn dũng cảm tiến bước cho dù nội ma ngoại chướng. Người siêng năng chân chánh là người không quản ngại gian lao khó nhọc, cho dù có khổ đau cách mấy cũng không khiếp sợ, không thối chuyển. Ngược lại cho dù có vẻ vang thế mấy cũng không tự mãn, tự cao mà trì trệ sự tiến tu.

Thứ ba là vui vẻ chân chánh. Vui vẻ chân chánh là sự vui vẻ vĩnh hằng, dù trong an lạc hay trong cơn đau khổ, chứ không phải an lạc thì vui, đắc thắng thì vui, đến hồi hoạn nạn thì sầu, thì khổ. Nhờ ở tâm hoan hỉ nầy mà chẳng những ta, mà người cũng được phấn chấn trên bước đường tu tập. Thực vậy hãy học theo gương của Ngài Di Lạc mà lúc nào cũng giữ trên khuôn mặt ta một nụ cười. Hãy để cho thời gian tự chữa lành những vết hằn đau khổ, chứ ta không cần khổ nữa. Nếu ta không thay đổi được gì nó, thì có khổ cũng không được gì. Hãy xem những khó khăn, chướng ngại và khổ đau là những cơ hội cho ta tu. Hãy tự mỉm cười mà rằng: “anh chị đã đeo đẳng theo tôi lâu quá rồi, nay thì đừng hòng nửa vì trên môi tôi lúc nào cũng có nụ cười của Ngài Di Lạc.”

Thứ tư là an ổn chân chánh. An ổn chân chánh không là đàn áp người để mình được, mà là một sự trút bỏ toàn vẹn từ tham, sân, si, dục vọng, mê mờ, cống cao, ngã mạn, nghi ngờ và ác kiến. Nhờ trút bỏ được chúng mà thân tâm ta hằng thanh tịnh, nhẹ nhàng và khoan khoái. Nhờ trút bỏ được những thứ rác rưởi ấy mà ta quay lưng lại cõi luân hồi. Nhờ trút bỏ chúng mà ta thấy rõ đau khổ và phiền não là bản chất của luân hồi sanh tử. Nhờ trút bỏ tham, sân, si mà giờ nầy khổ với ta không là khổ nữa, mà là một loại thần dược chẳng những giúp ta trị bịnh kiêu căng và ngã mạn, mà còn trị cả những bịnh keo kiết bỏn xẻn nữa.

Thứ năm là chánh niệm. Tâm chúng ta như vượn chuyền cây, nó cứ dong ruổi mãi, không một phút ngừng nghỉ. Hễ ta không có chánh niệm thì lập tức tà niệm sẽ xen vào, mà tà niệm là gì nếu không là phiền não và khổ đau? Chánh niệm như mạ non, còn tà niệm như những đám cỏ dại. Bác nông phu trồng lúa, cho dù ngày ngày có cố công nhổ cỏ dại, thế mà vừa đi hết đầu ruộng, quay trở lại là đã thấy cỏ dại rồi. Thế mới biết tà niệm chúng dễ sanh làm sao ấy! Thấy sự khó khăn nầy, từ đó ta mới quyết tâm không xao lãng, hoặc buông lung nghĩ bậy.

Thứ sáu là chánh định, nghĩa là chuyên chú tập trung vào sự tu hành của mình, chứ không chạy đông chạy tây. Hãy trở về với chính mình thì mới mong tìm được chân như bản thể đã bị chính mình bỏ trong quên lãng nhiều đời nhiều kiếp. Chánh định ở đây còn có nghĩa là sống tỉnh thức, làm cái gì biết mình đang làm cái đó. Nhờ có chánh định mà tâm ta không còn bị những phiền não và đau khổ chi phối nữa, do đó mà lúc nào ta cũng vui sống, do đó mà tự nhiên đau khổ trở thành con đường đạo sống động và hạnh phúc. Quả đúng như lời Phật dạy: “Bồ Đề trong phiền não.” Nghĩa là không có phiền não, chúng ta sẽ không tìm thấy được bồ đề; hoặc giả nếu không có trường huyễn mộng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được chân như vậy.

Cuối cùng là xả bỏ một cách chân chánh. Người tu hành nên biết xả, không nên nắm giữ một thứ gì hết. Tiền tài vật chất chỉ là những chướng ngại trên bước đường tu tập. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến chỉ là những vầng mây đen vần vũ bầu trời giác ngộ của ta mà thôi. Người biết tu không trụ ở các pháp tu mà mình đã đạt đến, cũng không say đắm vào bất cứ một quả vị nào. Chứng hay không chứng, đắc hay không đắc, ôm chặt vào chúng chẳng khác nào đến bến bờ giải thoát rồi mà vẫn còn ôm thuyền và không chịu lên bờ vậy.

Với Thất Bồ Đề Phần, cuộc sống tu của ta sẽ an nhiên tự tại hơn. Thất bồ đề phần sẽ cho chúng ta thấy rằng trong đau khổ mà ta không tu được, thì trong sung sướng hạnh phúc ta sẽ khó tu hơn gấp bội phần. Với thất bồ đề phần, dù thành hay bại, hơn hay kém, sang hay hèn, vui sướng hay đau khổ, được khen hay bị chê, đẹp hay xấu… thân tâm ta vẫn không dao động, mà trái lại, thường hay an lạc. Với thất bồ đề phần, bất tịnh cũng trở thành như như và Ta Bà cũng sẽ thành Tịnh Độ. Với thất bồ đề phần, cả thân tâm ta sẽ cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng, không vướng mắc. Thân thì an lạc trong khi tâm luôn tỉnh thức.

Nhờ sự siêng năng chân chánh của thất bồ đề phần mà niệm thiện chưa sanh, sẽ phát sanh; niệm thiện đã sanh sẽ tăng trưởng; niệm ác chưa sanh sẽ không sanh; niệm ác đã sanh sẽ từ từ bị diệt. Với thất bồ đề phần, ta không còn bị tham, sân, si, khát ái khống chế nữa, do đó ta không tiếp tục tạo thêm nghiệp và cũng từ đó đau khổ đoạn tận. Nhờ chánh định của thất bồ đề phần mà ta luôn tỉnh thức, nghĩa là ta không còn sống trong một chuỗi dài mộng mị của vô minh nữa. Tóm lại, thất bồ đề phần chẳng những giúp ta có một cuộc sống khinh an, định tỉnh và hạnh phúc, mà còn là phương tiện thù thắng biến đau khổ và phiền não thành giác ngộ, giải thoát, hoặc giả đưa ta vào cõi vô sanh.

291. THẲNG MỘT ĐƯỜNG TU

Đạo Phật nhìn thấy đời là bể khổ; tuy nhiên, đạo Phật không chủ trương trốn chạy cái bể khổ của cuộc đời; ngược lại, đạo Phật chủ trương nên nhìn thẳng và trực diện với cái bể khổ ấy, xem coi cái nào làm cho ta khổ để tận diệt nó. Chính vì vậy, với đạo Phật, nhân phẩm và trí tuệ của từng con người mang một giá trị vô cùng đặc biệt. Với đạo Phật, con người không bị chi phối hay lệ thuộc vào ai. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi người có một con đường để đi đến giác ngộ và giải thoát, có thể không đường nào giống đường nào; tuy nhiên, Phật dạy hễ quyết chí tu hành thì phải thẳng một đường tu, chứ không lừng khừng, đại khái, hoặc loanh quanh. Nhưng thẳng một đường tu như thế nào, xin hãy suy gẫm một chút những lời chỉ dạy của Thế Tôn.

Thế Tôn đã khuyên chúng ta phải đoạn tận những mong muốn tà vạy, những mong muốn nhằm thỏa mãn thú tính, những tham vọng tội lỗi, những đam mê tiền tài vật chất… vì chúng chính là những nhơn của luân hồi sanh tử. Ngược lại, Thế Tôn khuyến khích chúng ta nuôi dưỡng những mong muốn hướng thượng. Thế nào là những mong muốn hướng thượng? Mong muốn lợi tha là mong muốn hướng thượng. Mong cho Ta Bà thành Tịnh Độ; mong cho phiền não đau khổ biến thành thanh tịnh, Niết Bàn; mong cho ai nấy đều phát Bồ Đề tâm, sớm về nương nơi Tam Bảo; mong cho người đều phát tâm Bồ Tát… đều là những mong muốn hướng thượng. Chính nhờ những mong muốn hướng thượng nầy mà vô số Bồ Tát đã dấn thân đi thẳng vào đời để độ hóa chúng sanh.

Mong muốn hướng thượng là một cái tát nhá lửa cho những ai cứ mãi lý luận thụ động, làm sai đi tính chất sinh động và tích cực của đạo Phật. Họ cho rằng đạo Phật chủ trương diệt dục, nghĩa là diệt mọi sự ham muốn, ngay cả sự muốn sống. Quả là lý luận của những con ma trơi, hoặc của những kẻ tà ma ngoại đạo. đã không hiểu, hoặc hiểu sai mà còn lớn lối ngụy biện. Tóm lại, đạo Phật chỉ chủ trương tiêu diệt những ham muốn xấu xa bẩn thỉu, những ham muốn đưa con người vào địa ngục vô gián, chứ đạo Phật không xui ai dẹp bỏ những chí nguyện, những đức tánh tốt, những ham muốn lợi tha, những ham muốn hợp lý, những ước nguyện tu trì để đi đến giác ngộ và giải thoát. Đạo Phật khuyên con người thay vì ham muốn làm giàu bằng vật chất, hãy mong muốn tu trì, hãy làm giàu tâm linh để có một cuộc sống an lạc trước mắt và cuối cùng đi đến giải thoát.

Một khi đã quyết tâm mong muốn hướng thượng thì Thế Tôn khuyên chúng ta không nên lừng khừng hay trù trừ, mà nên đi thẳng vì chính Đức Từ Phụ đã vào nhà Như Lai bằng con đường thẳng nầy. Ngài khuyên chúng ta hãy ngày ngày hành trì cho bằng được những quyết tâm ấy. Thí dụ như mong muốn bố thí thì ngày ngày hãy làm bố thí; mong làm lành lánh dữ thì xin hãy ngày ngày làm lành lánh dữ; mong muốn giải thoát thì xin hãy ngày ngày trì giới, nhẫn nhục và thiền định… Có làm được như vậy thì những con ma chướng bỏn xẻn, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến mới chịu thối lui.

Nếu chúng ta không cương quyết hành trì thì những mong muốn, dù là hướng thượng, cũng không hơn chi những thực đơn trong các nhà hàng. Tuy nhiên, chúng ta nên vô cùng cẩn trọng vì nếu tâm ta không thực hành những mong muốn hướng thượng thì hãy coi chừng cái tâm viên ý mã nầy nó sẽ mở cửa cho những mong muốn xấu xa đê tiện. Tại sao? Vì tâm ta không có con đường nào khác, hễ không từ thì phải tà, thế thôi. Thấy rõ như vậy để chúng ta tinh tấn hành trì những mong muốn đẹp đẽ, những mong muốn lợi tha.

Một khi tâm ta chỉ chuyên nhất hành trì những lợi ích cho người thì chắc chắn một điều là ta không có cái gì để loạn động cả. Lúc ấy con đường tu của chúng ta là một con đường thẳng với những kỳ hoa dị thảo. Lúc ấy cả thân lẫn tâm ta xa rời những ham muốn ngũ trần. Một khi đã xa rời những sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp thì vô minh đoạn diệt và thiền định hiển bày. Từ đó mà làm gì, đi đâu, đến đâu… chúng ta cũng chỉ dùng cái trí huệ sáng suốt. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng con đường tu thênh thang thẳng tấp của ta, trên đó chỉ có giác ngộ và giải thoát mà thôi.

292. TÍN, TẤN, NIỆM, ĐỊNH, HUỆ

Ngay từ những ngày đầu của Phật giáo, chính Đức Từ Phụ đã khẳng định rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Từ đó cho đến nay, các thầy tổ cũng đã tương tục dạy dỗ chúng đệ tử như vậy. Một thí dụ điển hình là Lục Tổ Huệ Năng trong một cuộc đáp vấn với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn: “Người có Bắc Nam, nhưng Phật tánh không có Nam Bắc.” Bấy nhiêu đó cũng đủ cho chúng ta thấy hễ tin và siêng năng hành trì trong chánh niệm, thì phải có sự định tỉnh và trí huệ sẽ phát là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, lòng tin vẫn đứng đầu trong mọi thứ, nếu không có lòng tin thì khoan hẳn nói đến chuyện thiền định và phát trí huệ, vì lòng tin là mẹ đẻ của vô lượng vô biên công đức.

Tin cái gì?

Tin Phật là đấng đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát nên quyết một lòng tu theo Ngài. Tin rằng Phật là Phật đã thành, còn chúng ta, nếu chịu tu hành rốt ráo, là Phật đương thành hoặc sẽ thành. Tin rằng những gì Thế Tôn đã thuyết giảng là những chân lý không thể nghĩ bàn. Vũ trụ và những thái dương hệ, trong đó có địa cầu mà chúng ta đang ở, có thể một ngày không xa nào đó sẽ vỡ tan ra từng mảnh vụn, chứ những điều Phật dạy lúc nào cũng là những chân lý bất hư. Cuối cùng, tin vào những người đã cắt ái ly gia, quyết một lòng vì chúng sanh, vì đạo cả. Bàn tay năm ngón, vẫn có ngón dài ngón vắn; trong hàng tăng chúng cũng có người vầy người khác. Khi gặp những ngón dài ngắn bất thường, hoặc giả tăng chúng bất nhất thì chúng ta cũng đừng nên nãn chí mà hãy quay ngay vào những lời Phật dạy: “Y pháp bất y nhân.” Thế là lúc nào chúng ta cũng vững một niềm tin. Tin ở Phật, pháp, tăng không chưa đủ, mà chúng ta cần phải tin nơi chính mình nữa.

Một khi đã có lòng tin vững chắc ở Phật, pháp, tăng rồi, chúng ta phải hạ quyết tâm ngày đêm siêng năng hành trì những gì Phật dạy; thực hiện những điều mình tin. Tin rằng bất luận cái gì con người làm bây giờ, con người sẽ phải gặp chuyện tương tự ấy trong tương lai. Người tốt gặp điều lành; điều xấu đến với kẻ xấu. Tin rằng tất cả hành động ở đời nầy, kiếp nầy là những hạt giống cho tương lai; hễ gieo giống nào thì trổ quả nấy, không thể nghĩ bàn gì khác hơn được. Tin rằng vũ trụ nầy nằm trọn trong sự kiểm soát của luật nhân quả luân hồi, không sai chạy vào đâu được. Tin để siêng năng chuyển hóa những hành động tham ái ra vị tha, bỏn xẻn ra bố thí, thị phi ra chánh niệm… từ đó mà phền não đau khổ sẽ biến thành an lạc và tự tại.

Người con Phật luôn tâm niệm, ghi nhớ và hành trì những lời Phật dạy và luôn biết rằng con đường giải thoát không dễ, nhưng cũng không khó cho những ai có tâm huyết. Tâm niệm những gì? Tâm niệm bố thí chứ không bỏn xẻn; tâm niệm giữ giới chính là con thuyền đưa ta đáo bỉ ngạn, phá giới là tự ta đâm lủng thuyền. Ngoài ra, giới còn giúp ta đoạn trừ phiền não và nghiệp chướng. Vì không sát sanh là không gây ra đau khổ cho ai; không trộm cướp là không gây phiền não cho người; không tà dâm là không gây thù kết oán; không vọng ngữ là không làm người loạn động; không rượu chè be bét là không hại mình hại người. Chính nhờ giữ giới mà những hạnh lành tăng trưởng và các chướng nghiệp ở thân tâm đều đoạn diệt.

Một khi đã tin và siêng năng tu trì theo Phật, nhiếp tâm giữ giới thì tự nhiên con người ta sẽ trở nên định tỉnh, tâm ta sẽ lắng đọng và yên tịnh. Đối cảnh vô tâm, nghĩa là đứng trước trần cảnh mà tâm ta vẫn như như bất động. Cảnh là cảnh, còn ta là ta. Ấy là gì nếu không phải là trống vắng phiền não, là Niết Bàn? Từ chỗ trống vắng phiền não nầy mà tâm trí ta sáng suốt hơn. Lúc ấy vô minh và mê lầm không còn khống chế được ta nữa. Lúc ấy, tâm ta chẳng những đã gạn lọc sạch hết những vọng tưởng, mê lầm, mà hình như trong ta chỉ còn lại một bầu trời bao la thăm thẳm của từ bi, bác ái và vị tha. Lúc ấy ta sẽ thông đạt hết mọi lẽ của vũ trụ, do đó mọi việc ta làm, mọi nơi ta đến đều hanh thông và an lạc.

293. THÂN PHÀM PHU

Đạo Phật ngoài cứu cánh cuối cùng là đưa con người đến giác ngộ và giải thoát, còn có công năng giúp cho thân tâm chúng ta an lạc và định tỉnh hơn để có một đời sống hạnh phúc trong đời nầy kiếp nầy. Tuy nhiên, muốn được định tỉnh, an lạc, giác ngộ và giải thoát, chúng ta phải trải qua một quá trình kiên trì tu tập, chúng ta phải học và hành đúng như lời Phật dạy thì mới mong chuyển hóa được từ thân tâm đau khổ phiền não của một phàm phu thành an lạc và tự tại của một Phật tử thuần thành.

Thế nào là thân của một phàm phu? Thân của phàm phu là thân của đẹp xấu, giàu nghèo, sang hèn, sướng khổ… thân của phàm phu là thân của hơn thua, tranh cải; vừa mới cười vui hê hả đó thì lại ưu tư phiền não đó; vừa mới công hầu khanh tướng đó thì lưu đày khổ ải đó; vừa mới làm chủ đó thì làm đầy tớ đó; vừa mới dư đó thì thiếu trước hụt sau đó; vừa mới cười đó thì khóc đó; vừa mới sống đó thì chết đó… Thân của phàm phu còn là cái thân của bề ngoài, chứ không có nội tâm; là cái thân của những nhà cao cửa rộng, xe đẹp, ăn mặc se sua, diêm dúa, tham, sân, si, cống cao, ngã mạn và tà kiến. Thân của phàm phu nó như thế đó, nó chỉ là tạm bợ chớ có cái gì vĩnh hằng đâu mà ham? Người mang thân phàm phu luôn bị tiền tài vật chất khống chế, luôn bị dục tình lôi kéo, luôn bị mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý làm chủ và tham, sân, si mê hoặc để rồi cứ chạy mãi trong luân hồi sanh tử.

Hãy định tỉnh để thấy rằng tất cả chỉ là dã tràng se cát bể đông, chỉ cần một cơn sóng vô thường kéo đến là tất cả đều sụp đổ; hoặc chỉ là một vầng mây mỏng, chỉ cần một cơn gió vô thường là tản mác. Hãy định tỉnh để thấy rằng thân nầy khác chi ngọn nến đang cháy dở, một ngọn gió vô thường ập đến là tắt lỉm; hoặc giả đêm chưa tàn thì tim đã lụn, dầu đã mòn, còn chi nữa để mà chịu đựng đến bình minh. Nếu có chịu nổi đến bình minh đi nữa, thì tim đã lụn, dầu đã cạn, e rằng không còn kịp nữa để mà thấy được cái đau khổ của những bước đi chập chùng mộng mị trong kiếp luân hồi sanh tử. Hãy định tỉnh để thấy rằng thân phàm phu như bọt nước đầu gành, hoặc giả như sương mai đầu cỏ, chỉ cần một làn gió nhẹ hoặc một tia nắng ban mai là tan tác.

Là Phật tử, chúng ta quyết thấy cho rõ cái thân phàm phu là thân của tạm bợ, của khổ nhiều vui ít, của tội phước, lo âu, phiền muộn. Thấy như vậy để không nuông chìu thân nầy một cách thái quá. Thấy và hiểu cho rõ luật phước thưởng tội trừng để quyết trả cho xong những nợ nần năm cũ, những nợ luân hồi… Hễ oan nghiệt đến, xin cứ vui vẻ mà trả, chứ đừng kỳ kèo bớt một thêm hai chi cho thêm nặng nghiệp. Sống trong vô vô minh minh của kiếp Ta Bà nầy thì biết ai là chủ nợ, ai là con nợ, ai vay ai trả? Ai đến đòi nợ? Ai đi trả nợ? Vậy hãy trả cho đến lúc nào không còn ai đòi nữa thì lúc đó hạt giống bồ đề đang nẩy nở. Một khi không còn nợ nần nghiệp chướng thì bến mê không hẹn cũng sẽ tự nhiên biến thành ao sen.

294. TÂM KIM CANG

Tại sao chúng ta làm Phật tử? Chúng ta chịu làm Phật tử vì chúng ta thấy rồi cuộc đời giả tạm nầy chỉ là một trường huyễn mộng, chỉ là vô thường, sớm nở tối tàn; chúng ta chịu làm Phật tử vì chúng ta tin những lời Phật dạy là những chân lý không thể nghĩ bàn và quyết chí tu trì theo những chân lý ấy cho đến khi thành Phật. Quyết chí nương theo ánh đạo vàng của Thế Tôn để phá tan màn vô minh tăm tối, để rồi cũng có được thân Kim Sắc, trí Bát Nhã và tâm Kim Cang như Ngài vậy.

Thế nào là tâm Kim Cang? Kim cương là một loại đá quí mà không có một thứ gì có thể phá thủng được nó; ngược lại, nó có khả năng phá thủng mọi thứ. Còn tâm là cái gì? Tâm ở đâu? Tâm hình dạng ra sao? Tâm ở trong ta hay ở ngoài ta? Như chúng ta đã hiểu, tâm là một cái gì trừu tượng, chứ không cụ thể, nó không hình, không dáng, không lớn, không nhỏ. Tâm ở trong ta hay ở ngoài ta, chỉ có chư Phật mới hiểu nỗi. Tuy nhiên, hễ nói đến tâm là ta nghĩ ngay đến sự tạo tác của nó. Tâm đã tạo phiền não và đau khổ cho ta, thì tâm cũng có khả năng đưa ta đến an vui vĩnh hằng của Cực Lạc và Niết Bàn.

Tại sao lại như vậy? Tại sao tâm tà cũng là ta, mà tâm từ lại cũng là ta? Tâm phàm phu cũng là ta, mà tâm kim cương cũng là ta? Khó hiểu lắm quí bạn a! Tâm nó như vậy đó; xé rào bẻ lưới cũng nó, mà trì giới cũng nó; sân hận cũng nó, mà nhu hòa nhẫn nhục cũng nó; tham lam bỏn xẻn cũng nó mà từ tâm bố thí cũng nó; nói lưỡi hai chiều, nói lời đâm thọc cũng nó, mà nói lời chân thật cũng nó. Thật vô cùng phức tạp và khó hiểu; tuy nhiên, cái may mắn của chúng ta là từ khi có Phật, chúng ta có sự lựa chọn. Chọn từ thay vì tà; chọn bố thí thay vì bỏn xẻn; chọn nhu hòa nhẫn nhục thay vì sân hận; chọn nói lời chân thật thay vì nói lưỡi hai chiều, nói lời đâm thọc; chọn tâm kim cang thay vì tâm phàm phu; chọn thiện thay vì ác…

Cách hành xử của người có tâm kim cang như thế nào? Người có tâm kim cang là người có một cuộc sống hết sức bình thường và giản dị, nhìn sự vật bằng cái nhìn như thị. Người ấy không bao giờ nghĩ đến mưu sâu kế độc, chứ đừng nói chi dùng mưu sâu kế độc để hại người. Người ấy không bao giờ nghĩ đến tà dục, chứ đừng nói chi đến làm việc tà dục. Lúc bố thí, người ấy chẳng vin vào sắc, thinh hương, vị, xúc, pháp mà bố thí; nghĩa là không vì đẹp, xấu, nghèo, giàu, thân, sơ mà bố thí. Đối với người có tâm kim cang, việc thành hay bại, hơn hay thua, đẹp hay xấu, hư hay thực, nhiều hay ít… không là đáp số của cuộc sống nữa. Người ấy sẽ bố thí một cách rộng rãi, rộng cho đến nỗi không có thể dùng cái gì mà sánh lường cho được. Người có tâm kim cang sẽ không chấp có ta, có người, có pháp, có tướng chi cả.

Ngược lại, người ấy luôn như như bất động, dù có tướng, không tướng, không quan hệ gì. Người có tâm kim cang sẽ không nói, không rằng, không đốn, không tiệm; tuy nhiên, người ấy sẽ nương theo giáo pháp nhà Phật mà tinh chuyên tu hành. Với tâm kim cang, muôn pháp đều thông, muôn pháp đều đầy đủ; tất cả đều không nhiễm, tất cả đều xa lìa. Người ấy sẽ có đủ từ, bi, hỉ, xả của nhà Phật, luôn gieo căn lành và luôn kết Bồ Đề quyến thuộc với những người từng gặp. Người ấy sẽ tinh tiến tu hành từ ăn chay, giữ giới đến bố thí, nhẫn nhục và thiền định, nhứt nhứt đều hành trì một cách rốt ráo. Người có tâm kim cang sẽ tu trì với một cái tâm “Vô sở cầu, vô sở đắc.” Cầu cái gì? Đắc cái gì đây với người tu? Tâm mà còn cầu đắc là tâm của phàm phu.

Người có tâm kim cang, dù biết rằng hễ tánh còn mê thì cho dù phước báo có to lớn dường nào cũng không thoát ra khỏi luân hồi sanh tử; tuy nhiên, người ấy sẽ không câu chấp vào chỗ nầy để rồi từ nan việc phước đức, vì từ nan việc phước đức chẳng khác nào xây đường về địa ngục. Người ấy sẽ nghe một cách sáng suốt, suy nghĩ một cách sáng suốt, và hành trì một cách sáng suốt. Người ấy luôn tin rằng muốn tu cho được định và đáo được bỉ ngạn (Ba La Mật) thì phải có trí huệ sáng suốt (Bát Nhã) vì có trí huệ mới không bị mê mờ, có trí huệ mới thấy rõ thiệt tướng, có trí huệ mới có thể xa vọng gần chơn được, có trí huệ mới mong thấy tánh hoặc đặng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Tóm lại, người có tâm kim cang là người luôn biết hổ thẹn khi lầm lỗi, không động lòng tham trong bất cứ tình huống nào, luôn dũng cảm giúp người mà không đòi, hoặc không cần bất cứ điều kiện gì, luôn khiêm tốn và kính trên nhường dưới, không bao giờ thất tín hoặc sai hẹn, luôn có lòng trung thành, tin cẩn và hiếu thảo với cha mẹ. Với người có tâm kim cang thì phiền não, bồ đề, chân như… không sai khác. Chính vì vậy mà tâm họ lúc nào cũng như như bất động. Chính vì vậy mà với họ, Ta Bà hay Cực Lạc hoặc Niết Bàn… có gì đâu để nói. Cuộc sống hay cuộc chết của họ là một chuỗi dài của an nhiên và tự tại.

295. NGÃ MẠN

Chính Đức Phật đã nói: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, giai kham tác Phật.” Nghĩa là mọi chúng sanh đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật với một điều kiện là chúng sanh ấy phải ngày đêm tu trì để tìm trở về cái Phật tánh ấy. Tuy nhiên, có những kẻ cố tình lợi dụng kim ngôn ngọc ngữ của Phật nhằm thỏa mãn tánh tự đại tự cao của mình, rằng thì là ta cũng có Phật tánh, không tu cũng không ai cướp được cái Phật tánh ấy của ta. Đúng vậy, không ai cướp được cái Phật tánh ấy của mình, nhưng nếu không tu, thì Phật tánh đâu chả thấy, chỉ thấy địa ngục cạnh kề. Ý của Phật là ai cũng có Phật tánh và có thể trở thành Phật, chỉ vì bị vô minh che lấp nên chúng ta không có được cái tri kiến Phật, thế thôi. Muốn liễu ngộ được tri kiến Phật, con đường duy nhất là phải tu phải hành một cách liên tục, cho đến khi nào hết mê mờ mới thôi.

Muốn được tri kiến Phật, không có con đường nào ngoài bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định và trí huệ. Đây là những lời Phật dạy, những điều không thể nghĩ bàn. Vậy tốt hơn hết là nên về đóng cửa lại mà tu, chứ đừng nghĩ bàn gì cả. Những pháp môn Phật dạy phải tương liên, nghĩa là cái nầy hổ tương cho cái kia, cái nầy không thể thiếu cái kia được. Thí dụ như cố gắng ngồi thiền mà không mở lòng bố thí, không trì giới, không nhẫn nhục, thì ngồi thiền để làm gì? Vì cho dù có ngồi hết kiếp nầy đến kiếp khác, thì ma vẫn là ma, chứ làm sao mà định tỉnh đây? Làm sao mà phát trí huệ đây? Như vậy, ai nói ngồi thiền mà không giữ giới thì tốt hơn hết là đừng ngồi vì nếu cứ tiếp tục ngồi không khác chi là mình đang ngồi trên con thuyền lủng; chẳng những không đáo được bỉ ngạn, mà còn có thể bị dìm sâu vào bể luân hồi sanh tử nữa là khác.

Sự thể quá rõ ràng như vậy, thế nhưng vẫn có kẻ không tin, hoặc cố tình không tin, hoặc giả họ đã biết nhưng vẫn cố tình làm ngơ cho cái ngã của mình nó càng ngày càng lớn. Thú thật, họ có thể gạt được người, chứ họ đâu có thể gạt được ông Phật nơi chính họ. Họ đi đâu, đến đâu, làm gì… ông Phật đó đâu có lìa họ, thế mà họ vẫn oang oang tự đắc, coi trời không bằng vun. Với những người như vậy, ngay cả ông Phật nơi chính họ cũng phải chào thua. May ra gặp một duyên lành nào đó, họ mới có thể bừng tỉnh mà xa lìa cái cống cao ngã mạn để quay về với chính họ.

Có một lần anh em đạo hữu chúng tôi được hân hạnh đàm đạo với một vị cao tăng. Ai nấy đều đàm đạo trong khiêm tốn và hoà nhã; duy chỉ có một vị cứ oang oang cho rằng mình đã là thiền sư, nên ai nói gì ra, vị ấy cũng chỉ mặt mà rằng: “Các anh còn ở mức độ sơ cơ lắm, hoặc giả các anh còn cần một thời gian dài nữa mới thấy những cái tôi đã thấy, hoặc chứng cái tôi đã chứng mươi năm về trước.” Trong bàn hình như vị ấy lấn lướt hết ý kiến của mọi người. Tôi thấy vô cùng tội nghiệp cho một con người chỉ vì cống cao ngã mạn mà chả học được gì ở ai. Ấy thế mà vị ấy còn đem những chuyện tà vạy lồng vào Phật pháp. Thí dụ như đang bài bạc mà vẫn niệm Phật. Thật là lý luận của những con ma Ba Tuần.

Trước khi rời bàn, vị ấy còn vói lại cho chúng tôi một câu: “Mấy anh coi tôi nè, tôi đã hoàn toàn phá chấp, tôi không chấp chi chuyện giữ giới hay không giữ giới nữa. Ăn chay hay ăn mặn, với tôi là con số không; uống bia hay uống nước, chấp làm gì…” Thú thật, nghe những lời ấy, tôi phát rùn mình cho cái tâm địa của chúng sanh. Ngay đêm đó, tôi về quỳ trước đài vô thượng giác mà bẫm Phật rằng những gì Phật đã dạy vào thời mạt pháp đang diễn ra đây, diễn ra ngay trước mắt con hồi chiều nầy. Những con ma Ba Tuần đang len lỏi vào hàng ngủ của những đứa con Phật, mong phá cho tan nát những tấm dư đồ vốn đã cũ kỷ.

Ngoài ra, cũng vì ngã mạn cống cao mà có những kẻ đã dám mạo nhận mình là sự nhập xác, hoặc giả là hiện thân của Phật nầy Thầy nọ hòng gạt gẫm những con người vốn dĩ đã quá đau khổ. Quả những lời Phật dạy về những con ma Ba Tuần vẫn còn rạng ngời: “Trong thời mạt pháp, những con ma Ba Tuần sẽ len lỏi vào tứ chúng, chúng cũng giảng kinh nói pháp. Tuy nhiên, pháp chúng nói ra, không vì lợi tha, mà vì danh vì lợi, vì sự ngã mạn cống cao của chúng. Chúng sẽ oang oang tuyên bố chúng là vô thượng sư, hoặc Phật Thầy nầy Phật thầy nọ, những mong lừa gạt những đứa con Phật nhẹ dạ.” Là Phật tử chân chánh, chúng ta nên vô cùng cẩn trọng, chứ đừng vì quá đau khổ mà ai nói gì cũng nghe và chạy theo. Phật tử nên nhớ Phật Thích Ca chưa bao giờ nói Ngài chứng này đắc nọ.

Ngược lại, những kẻ cống cao ngã mạn thì luôn tự xưng chúng là Phật thầy nầy, hoặc Phật thầy nọ. Phật Thích Ca chưa bao giờ tự ca tụng mình vì trí huệ của Ngài là trí huệ chơn chánh. Ngược lại, những kẻ không có trí huệ chân chánh, sau khi học thuộc lòng đôi ba câu pháp, hoặc thi thơ của cổ nhân thì thường hay vổ ngực xưng nầy xưng nọ. Những kẻ ngã mạn cống cao, chẳng những làm đau khổ gia đình, chồng vợ, con cái, mà họ còn làm cho xã hội vốn dĩ đã đau khổ, lại càng đau khổ hơn. Vì ngã mạn cống cao, mà chồng vợ, con cái ly tán. Vì ngã mạn cống cao mà họ tự xem mình là số một của thiên hạ, rồi tự biên tự diễn với những màn kịch “Vô Thượng sư, hoặc Phật thầy nầy Phật thầy nọ” do chính họ soạn. Vì ngã mạn cống cao mà họ không chịu cam tâm làm một Phật tử bình thường và thầm thầm tiến tu.

Ngược lại, họ bày ra những chuyện đi ngược với đạo đức và lương tâm. Vì ngã mạn cống cao mà họ cầu danh cầu lợi, thay vì xuất hồng trần gia thì họ lại mang thêm nghiệp báo cho cái hồng trần gia vốn dĩ đã nát bấy của họ. Vì ngã mạn cống cao nên thay vì tu phước, tu huệ, thì họ lại tu ma tu quỉ. Tu không phải một ngày một bữa mà thành; tuy nhiên, vì ngã mạn cống cao mà mới hôm qua đây là đồng cốt thì sáng hôm sau đã tự xưng Phật thầy nhập xác. Thật là chuyện huyền hoặc hoang đường! Thật không có bút mực nào có thể lột trần cho hết được cái ngã mạn cống cao của chúng sanh; thế nên Phật tử chân chánh phải vô cùng cẩn trọng, đừng vì một phút bồng bột yếu lòng mà để cho bọn ma Ba Tuần chúng lôi kéo ta vào địa ngục vô gián với chúng, để vĩnh viễn không có ngày ra.

Như trên đã thấy cống cao ngã mạn chính là những con ma Ba Tuần, hễ có ma thì không có Phật. Vậy là Phật tử, chúng ta nên cẩn trọng tự xét xem coi chính ta có phải là những con ma Ba Tuần hay không? Người ngoài khó phát giác ma Ba Tuần, nhưng chính ta, nếu bình tâm, chúng ta sẽ biết ngay là ta có cống cao ngã mạn hay không. Nếu có, hãy ba chân bốn cẳng mà xa lìa chúng đi. Hãy cố can đảm lên những người con Phật! Hãy tự thành thật với chính mình, xem coi mình có vì ngã mạn cống cao mà lợi dụng Phật pháp để đi lường gạt những chúng sanh đau khổ khác hay chưa? Nếu có, hãy can đảm tát cho mình một cái mà rằng: “Thôi, lừa gạt người bây nhiêu đó đủ rồi. Hãy về đóng cửa lại mà tu đi, đừng tiếp tục đi vào ngục Vô Gián nữa.”

296. BẢY PHƯƠNG CÁCH DIỆT TRỪ PHIỀN NÃO

Đức Phật luôn khuyến khích chúng sanh làm lành lánh dử và luôn giữ cho thân tâm hằng thanh tịnh. Tại sao vậy? Tại vì theo thuyết nhơn quả luân hồi của nhà Phật, cuộc đời mà chúng ta đang sống không phải là cuộc đời duy nhất của một chúng sanh, mà nó chỉ là một mắc xích của vô lượng kiếp. Cứ đời nầy nối tiếp đời kia, kiếp nầy nối tiếp kiếp kia và cứ thế mà tương tục nhau. Chúng ta cứ thay hình đổi dạng, nay lốp nầy, mai lốp khác. Chúng ta cứ thế mà sống, cười, khóc, đẹp, xấu, giàu, nghèo, có, không, bịnh, già, chết… Cuộc đời như vậy quả là trục trặc, quả là phiền não. Sự sống của chúng ta nào có khác chi ngọn nến cháy dở, nó chập chờn trước gió, đang cháy bỗng tắt hồi nào cũng không chừng. Rồi vì sợ chết mà chúng ta cố cưỡng lại luật vô thường để kéo dài sự sống, mà càng kéo dài thì càng khổ chứ có sướng ích chi đâu? Vì thấy rõ như vậy nên Đức Từ Phụ đã ân cần chỉ dạy bảy phương pháp để diệt trừ phiền não.

Khi một phiền não nổi lên thì việc thứ nhất là chúng ta phải có “tri kiến” đúng, nghĩa là phải can đảm thấy biết đúng đắn coi do đâu mà có phiền não. Thế nào là thấy biết đúng đắn? Thấy biết đúng đắn là sự thấy biết đơn giản, không gút mắc. Thấy biết đúng đắn là nhìn thật sâu vào lẽ thật của cuộc đời để thấy rằng sinh mạng là vô thường, đời là tạm bợ, sớm còn tối mất. Thấy được như vậy thì ta có còn buồn giận được ai nữa? Thấy được như vậy thì phiền não sẽ phải dừng lại, rồi từ từ tháo lui. Tại sao? Vì với cái thấy biết đúng đắn, chúng ta sẽ dám nhìn thẳng vào những cái vô thường mong manh và tạm bợ của con người. Từ đó, chúng ta sẽ thấy rõ được sự huyễn ảo của thế gian, mà trút bỏ lần những chủng tử phiền não, hoặc giả bỏ chúng bên lề, hoặc giả xem chúng như gió thoảng mây bay. Khi thấy được như vậy thì cho dù có lên voi xuống chó, chúng ta vẫn thanh thản, an nhiên và tự tại; xem sự việc xãy ra như một giấc chiêm bao. Thấy được như vậy thì cho dù có được, mất, hơn, thua, vinh hoa phú quí, nghèo hèn… ta vẫn dửng dưng.

Từ cái thấy biết đúng đắn ấy, chúng ta mới nhận ra rằng chỉ có Phật pháp mới có đủ công năng giúp ta phòng hộ những phiền não chưa sanh, hoặc giả không cho những phiền não đã sanh phát triển. Phòng hộ thế nào? Ngoài đời giữ cửa bằng cách làm nhiều cửa an toàn, thế mà chúng ta lúc nào cũng mở toang sáu cửa để cho giặc tự do ra vào. Mắt thì ham thấy, tai ham nghe, mũi ham ngữi, lưỡi ham nếm, thân ham tiếp xúc, miệng ham nói, mà nói toàn những chuyện thị phi, hoặc cống cao ngã mạn không thôi. Đức Từ Phụ đã dạy rằng muốn vượt thoát khỏi mọi hệ lụy, khổ đau, cách duy nhứt là chúng ta hoặc phải khép bớt, hoặc canh giữ cho cẩn trọng những cách cửa ấy.

Chúng ta phải luôn luôn đề phòng những tên sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp len lõi, xâm nhập vào phá tan trí huệ của chúng ta. Chúng ta luôn nhớ rằng hễ khi mắt thấy sắc mà khởi tâm phân biệt đẹp xấu là giặc đã vào nhà rồi đấy; khi tai nghe tiếng mà khởi tâm khen chê là giặc đã vào nhà rồi đấy. Khi ăn mà lưỡi hãy còn khen ngon dở là giặc đã có mặt trong ta đấy. Chỉ có chánh pháp của Đức Phật mới có thể giúp ta phòng hộ; chỉ có bố thí mới giúp ta không bỏn xẻn; trì giới mới giúp ta bớt tạo nghiệp; nhẫn nhục mới giúp ta bớt sân hận; thiền định mới giúp ta đóng bớt lục căn. Lúc ta dùng Phật pháp để phòng hộ thì cho dù có nghe, có thấy, có ngữi… chúng ta vẫn không bị sắc thanh, hương, vị, xúc lôi cuốn nữa. Như vậy thì làm gì có phiền não? Ấy là gì nếu không là giải thoát?

Phương pháp thứ ba nhằm diệt trừ đau khổ là thọ dụng, nghĩa là chấp nhận những phương tiện từ bên ngoài để làm cho hoặc thân thể, hoặc tình huống của ta dễ chịu hơn. Thí dụ như khi trời nóng thì dùng quạt, lạnh thì sưởi; khi đau ốm thì dùng thuốc men… Đạo Phật không chủ trương khổ hạnh vì thân thể khó chịu thì làm gì có tâm an tịnh cho được. Như vậy, Phật tử không tự ái mà hành xác; ngược lại, Phật tử phải săn sóc thân tứ đại, chứ không vì tự ái, vì ngã mạn cống cao mà hành xác. Ngược lại, Phật tử phải săn sóc thân tứ đại nầy cho đàng hoàng, cho nó khỏe mạnh để dễ tiến tu. Săn sóc đàng hoàng chứ không chìu chuộng thái quá.

Phương pháp thứ tư là kham nhẫn. Có những phiền não phải được sự kham nhẫn mới đoạn trừ. Nhẫn những cái đáng nhẫn và nhẫn những cái không đáng nhẫn. Những xuyên tạc, phỉ báng, ganh tị, hiềm khích, buồn giận… nếu chúng ta coi chúng là phiền não thì chúng sẽ trở thành phiền não; ví bằng ta xem chúng như nước chảy qua cầu hoặc gió thoảng mây bay thì tự nhiên chúng sẽ bị dòng nước hoặc luồn gió cuốn đi mất, thế thôi. Xin hãy để cho chúng tự tan rã chứ đừng ôm ấp chi cho phiền não tăng trưởng.

Phương pháp thứ năm là tránh né. Có những phiền não mà muốn đoạn trừ chúng, chúng ta phải tránh né. Phật đã dạy hễ phiền não đến là phải diệt; ví bằng chưa đến, ta nên tránh, chứ không nên chui đầu vào rọ. Ông bà ta vẫn thường nói: “tránh voi không xấu mặt nào” cơ mà, thế thì tại sao nếu tránh được phiền não ta lại không tránh? Thí dụ thay vì đến với những buổi trà dư tửu hậu, ta không đến, mà nên tránh, ấy là ta đã tránh né được phiền não. Ta nên biết nếu ta tham gia vào chuyện thị phi thì phiền não sẽ tăng. Vậy thì thay vì tham gia, ta ở nhà tham thiền nhập định có khỏe hơn không.

Tránh né còn có nghĩa là không đọc, không nghe, không nếm, không tiếp xúc, không nghĩ ngợi những chuyện tà vạy. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó lòng tránh né mọi thứ; tuy nhiên, phải cố mà biết mình đang nghe gì, thấy gì, hoặc nghĩ gì… Phải biết lúc nào nên dừng lại để khỏi dấn thân đi sâu vào phiền não. Tóm lại, tránh né không có nghĩa là trốn chạy, mà là tự mình làm chủ lấy mình; làm chủ lấy thân, khẩu và ý của mình. Tự mình làm chủ lấy mình trong bất cứ tình huống nào, ấy là sự tránh né tuyệt vơi nhất.

Thứ sáu là diệt trừ. Có những loại phiền não mà chúng ta phải đối đầu và diệt trừ ngay. Thí dụ như dục vọng, hoặc tham, sân, si vừa nổi lên là chúng ta phải nhận diện và diệt trừ ngay, chứ không thể nào tránh né hoặc chần chừ, vì những thứ nầy luôn rình rập chờ vật ngả ta. Hãy nhìn tấm gương đại dũng cảm của Đức Từ Phụ, Ngài đã diệt trừ những dục vọng, tham mê, Ngài đã dám từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con yêu, một thân, một mình đi vào rừng sâu núi thẳm tìm đạo giải thoát. Nếu Ngài chần chờ mà không đoạn diệt những thứ ấy, thì chắc giờ nầy chúng ta đâu có được ánh đạo vàng, hoặc đuốc từ bi của Ngài. Như vậy Phật tử phải quyết tâm đoạn diệt cho bằng được những tham, sân, si ngay từ trong tư tưởng, không cho chúng phát sinh thành hành động. Có được như vậy thì phiền não không cách gì xâm nhập vào ta được.

Phương pháp cuối cùng là tu tập. Tu tập có nghĩa là liên tục duy trì chánh niệm, không cống cao ngã mạn, lúc nào cũng buông bỏ, luôn tự thắp đuốc lên mà đi. Người tu tập nên luôn cẩn trọng với kinh điển; kinh điển chỉ là tấm bản đồ chỉ đường, tu tập mới thật sự là đi. Phải đi như các Đức Như Lai, phải là một kẻ độc hành, chứ không ai đi dùm ai được, ngay cả Phật. Hãy thầm thầm mà tu tập thì sự định tỉnh sẽ từ từ đến, sự sáng suốt sẽ đến một cách thầm lặng mà chắc chắn, phiền não sẽ tự dưng tan rã. Đừng sợ phải độc hành, hoặc giả sống một mình. Hãy tập làm người biết sống một mình như lời Phật dạy. Đừng sợ sự buông bỏ vì buông bỏ có thể ta mất đi tiền tài vật chất, nhưng bù lại ta sẽ được sự giác ngộ rốt ráo. Đừng sợ không ai biết ta khi ta không cống cao ngã mạn. Ngược lại, khi ta không tự mãn kiêu căng, người người sẽ đến với ta, do đó mà ta học hỏi được nhiều hơn và con đường đi đến giác ngộ và giải thoát của ta sẽ nhanh hơn.

Tóm lại, Phật đã dạy rõ ràng như vậy đó, muốn nghe hay không nghe còn tùy ở từng nhơn duyên và căn cơ của chúng sanh. Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu khó bình tâm mà suy nghĩ, lắng nghe và tu tập một chút thì các động tác của ta từ thân, khẩu và ý đều không do tham, sân, si tác động; do đó mà ta sẽ thoát khỏi phiền não và cuộc sống ta sẽ an nhiên tự tại vô cùng.

297. TÂM BỊNH

Tâm là cái gì không ai biết, không ai thấy. Nó không lớn, không nhỏ; không ở trong, không ở ngoài. Tuy nhiên, hễ nói tới tâm là người ta liên tưởng đến những tạo tác của nó. Tâm là động cơ chánh tác động lên vạn pháp và ảnh hưởng đến toàn cõi Ta Bà. Thế nhân ngày nay hung bạo, cũng tại tâm; tranh cãi hơn thua giữa người nầy với người kia, giữa nhóm nầy với nhóm kia, cũng tại tâm; chiến tranh xãy ra khắp nơi nơi, cũng tại tâm. Một cái tâm lành mạnh chưa chắc đã góp được phần nào trong việc làm cho Ta Bà bớt Ta Bà hơn, huống hồ là cái tâm bịnh.

Thế nào là tâm bịnh?

Tâm thế trí biện thông là tâm bịnh. Đạo Phật không bao giờ cần những cái tâm nầy. Ngược lại, đạo Phật chỉ cần những cái tâm bình thường, biết tiến tu nơi chính tự thân của mình, chứ không cần phải lý luận hoặc biện giải. Tâm tham lam, sân hận, bỏn xẻn, keo kiết là tâm bịnh. Những ai có tâm nầy hãy mau sớm tìm Phật dược mà trị kẻo không còn kịp nữa. Hãy mau hồi đầu hỡi những người con Phật vì mỗi niệm sân hận là một vé tàu đi về địa ngục đấy.

Tâm loạn động là tâm bịnh. Tại sao? Vì tâm của một người Phật tử phải là một cái tâm trầm lặng và tỉnh thức. Có trầm lặng và tỉnh thức thì những u tối mê muội mới được nhận diện rõ ràng; ngược lại, sự loạn động cũng giống như một ly nước mà cặn cáu đang được khuấy lên vậy, làm gì thấy được đáy ly? Ngoài ra, tâm bịnh là tâm bị ngoại cảnh khống chế trong mọi tình huống. Hễ cảnh vui thì người vui; cảnh buồn thì người buồn; cảnh ác thì người ác; cảnh hiền thì người hiền; mà cảnh loạn động thì người loạn động. Người có tâm bịnh sẽ vỗ tay tán thưởng loạn động, tán thưởng ngoại trần. Tâm bịnh còn là tâm của loài rắn, cho nên người có tâm bịnh, cho dù ngoài miệng có nói pháp, trong tâm vẫn là rắn.

Cái tâm bịnh nó xui khiến người ta phải chạy hết đầu nầy sang đầu khác chỉ vì giàu sang, quyền quý, công hầu khanh tướng. Hết ngày dài rồi lại đêm thâu, người ấy sẽ đi hết nơi nầy đến chỗ nọ mà thâu góp tài vật và quyền lợi để làm khổ người. Người có tâm bịnh luôn buông lung phóng túng, ăn nói quàng xiên, chuyện có nói không, chuyện không nói có, tham lam tràn đầy, không kinh vì tội ác, gặp ai cũng muốn gây gỗ cãi cọ, ăn bậy nói bạ, tranh đua giành giựt, buôn bán thì một lời hai ba…

Người có tâm bịnh luôn cống cao ngã mạn, nhìn ai cũng thua mình, coi trời không bằng vun. Đi đâu, đến đâu cũng dạy đời rằng thì là anh chị về tu vài mươi năm nữa đi thì mới mong thấy được, chứng được những cái tôi đã thấy mươi năm về trước. Quả là bịnh nặng vô cùng. Hạng người nầy chỉ thích được người tâng bốc, chứ ai mà nói hơi hơn một chút là la lối cãi lẫy om sòm. Loại người như vậy chỉ thích hợp với tà ma ác quỉ mà thôi, Phật tử hãy cẩn trọng.

Tóm lại, cái tâm bịnh là cái tâm của những kẻ tu ba mứa, tu xuất, phá giới, thủ cựu, phá vở sự đoàn kết của bằng hữu hoặc tứ chúng. Đó là cái tâm của sự độc quyền, chỉ có ta là hay là giỏi, còn thì ai cũng không bằng ta. Tuy nhiên, vỏ quít dày thì có móng tay nhọn, hoặc cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Cho dù tâm chúng sanh có bịnh hoạn thế mấy, mà biết dùng Phật dược thì vẫn lành mạnh lại như thường. Phật dược có thừa khả năng trị từng triệu chứng của cái tâm bịnh nầy. Hễ tham lam bỏn xẻn thì có bố thí; hễ vô lễ, vô phép, hoặc phá giới thì có giới luật; hễ nóng nãy, sân hận thì có nhẫn nhục; hễ loạn động thì có thiền định.

Người con Phật phải thấy cho rõ coi mình mang loại tâm bịnh nào? Thấy để luôn thành khẩn tu trì, chứ không thế trí biện thông. Thấy để quyết dù nghèo vẫn thanh bần lạc đạo, vẫn ngày ngày niệm lục tự Di Đà và trì giới, nhẫn nhục, chứ không dong ruổi kiếm tìm, không giàu muốn giàu thêm. Một khi đã biết xử dụng Phật dược thì chẳng những ta sẽ trị được tâm bịnh, mà lúc ấy ta sẽ dửng dưng trước mọi tình huống. Lúc ấy ta sẽ biết dừng, biết đủ, biết thương người, biết từ, bi, hỉ, xả, biết ăn ngay nói thẳng. Lúc ấy ta biết tránh xa tham, sân, si và tội ác, biết tự đoạn bỏn xẻn, keo kiết, biết ăn hiền ở lành, và biết chí tâm niệm Phật. Tuy nhiên, Phật dược không mua được, không mượn được của ai, cũng không ăn cắp được, mà chỉ có bằng tự mình ứng dụng những lời Phật dạy vào chính bản thân, đời sống của mình và của gia đình mình.

298. TU LÀ ĐI TÌM CÁI GÌ?

Mỗi khi nói đến Đức Phật là ta luôn nhớ đến hạnh vô úy, sự cứu khổ ban vui, hạnh tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn của Ngài. Ngài luôn mở lòng từ bi để cứu giúp chúng sanh và phục vụ xã hội. Vì nhận thấy rõ sự bất công cùng cực của xã hội loạn động tại Ấn Độ thời bấy giờ mà Ngài quyết tâm từ bỏ mọi hưởng thụ lợi lạc riêng tư để làm một cuộc cách mạng tư tưởng, tháo gỡ mọi bất công vô lý nhằm mang lại một đời đời sống tinh thần an lạc cho Ấn Độ nói riêng, và cho loài người nói chung.

Đến thời mạt pháp, nhiều khi vì hiểu lầm hoặc vì không hiểu mà rất nhiều Phật tử đã diễn dịch sai lệch đi nghĩa lý của sự tu theo Phật. Thế cho nên thay vì thừa tự pháp thậm thâm vi diệu của Phật, họ lại đi thừa tự vật chất, hoặc giả thậm chí còn lún sâu vào tiền tài danh lợi. Vậy thì đúng nghĩa, tu là đi tìm cái gì? Phật giáo luôn nói về từ, bi, hỉ, xả, hoằng pháp lợi sanh, vị tha, nhẫn nhục… Chung quy Phật giáo khuyến khích mọi người làm thiện; tuy nhiên, với Phật giáo, chủ yếu cơ bản nhất là con người. Con người là trung tâm điểm đưa đến ác tác cũng như thiện tác; xấu xa tội ác hoặc thánh thiện cũng từ con người mà ra.

Vậy thì khi tu là không đi tìm cầu cái gì xa xôi, mà tự tìm về với chính mình để thấy rằng những gì ta đang có là hạnh phúc. Thân nầy đang khỏe mạnh, không ươn yếu, không là hạnh phúc lắm sao? Răng nầy không đau; mắt nầy vẫn còn thấy; tai nầy vẫn còn nghe, không là hạnh phúc lắm rồi sao? Thế mà chúng ta cứ mãi dong ruổi đi tìm, tìm cái gì chúng ta cũng không biết. Có khi chưa tìm được cái nầy thì đã mất cái kia. Đâu phải chúng ta mới biết cớ sự nầy, chúng ta đã biết từ lâu rồi ấy chứ, thế nhưng chúng ta vẫn vổ tay đồng tình và tán thưởng.

Một khi chúng ta tu rồi thì chúng ta không còn dong ruổi đi tìm những cái vớ vẩn nữa, mà chỉ tìm và hành trì những gì Phật dạy. Chúng ta sẽ cố công định tỉnh để thấy rằng bản chất của việc tu Phật là cải thiện tự thân tâm, rồi từ đó mới đem từ bi mà giáo hóa thế nhân để mang lại an lạc cho đời. Thiện và ác của con người hay xã hội chỉ là những mâu thuẩn và đối kháng nhau trong cách hành xử mỗi ngày của chúng ta. Một cái mang lại sự lợi ích hoặc an lạc và thoải mái cho ta và cho người; còn cái kia làm tổn hại hoặc gây đau khổ và phiền não. Đức Phật đã từng dạy tăng chúng rằng:” Này các thầy tỳ khưu, các thầy phải là những người thừa tự pháp, chứ không nên làm những kẻ thừa tự tài vật của ta.” Sao lạ nhỉ! Tài vật của Phật có gì để mà thừa tự? Ba tấm y bá nạp, một bình bát và một cây gậy được làm bằng nhánh cây khô.

Như vậy thì có gì đáng gọi là tài vật để được thừa tự? Thế thì ý Phật muốn nói gì? Ý Phật muốn nói Phật đã từ bỏ tất cả để tìm ra chơn lý; còn các thầy cũng đã từ bỏ giang sơn gấm vóc để đến với Phật pháp mà tìm sự an lạc và giải thoát, như vậy con đường duy nhất là phải đến với chánh pháp, chứ không được u mê lầm lạc nữa. Con đường duy nhất là phải thừa tự chánh pháp. Phải tự mình cảm hóa từ mê ra ngộ, từ tà qua chánh, chứ không thể nào đi ngược lại được. Cải thiện trong thầm lặng của tự thân, chứ không phô trương, không đấu tranh hận thù, không hiềm khích ganh tị, mà chỉ bằng yêu thương, hiểu biết và cảm thông, ấy là sự thừa tự pháp tuyệt vời và rốt ráo nhất.

Chúng sanh sanh vào thời mạt pháp, dù vẫn còn gặp Phật pháp; tuy nhiên, căn cơ kém cõi nên khó lòng liễu ngộ được Phật pháp. Chính vì thế mà đa phần trong chúng ta chỉ tìm đến với Phật pháp những khi đau khổ dồn dập, chứ ít khi vì chánh pháp mà đến. Dù đến bằng cách nào đi nữa, chúng ta vẫn là những người con Phật, chúng ta vẫn tu theo Phật, chứ không tu theo tài vật, chúng ta vẫn quyết chỉ thừa tự chánh pháp mà thôi.

Thế nào là thừa tự pháp? Một là thừa tự chánh pháp của Thế Tôn đã để lại; sống đúng như Thế Tôn; sống mà phải luôn biết viễn ly, ấy là biết thừa tự pháp, chứ không thừa tự tài vật. Viễn ly cái gì? Viễn ly tham, sân, si, ngã mạn, cống cao. Hai là nên cố bỏ những tạo tác ác và hằng hành trì những tạo tác thiện. Tạo tác thiện là căn bản của sự tu hành, tạo tác thiện là tu nhân tích đức. Tất cả mọi bất công ở trên đời nầy sẽ không bao giờ được giải quyết bằng chém giết hay thanh toán, hoặc bằng những tạo tác ác, mà phải được giải quyết bằng lòng nhơn đức của con người, bằng những tạo tác thiện. Lấy oán báo oán, oán thù chồng chất; lấy ân báo oán, oán thù tất tiêu tan. Như vậy, trong Phật giáo không có bạo lực mà chỉ có sự cải thiện liên tục. Ba là phải biết sống thiểu dục tri túc, nghĩa là ít ham muốn mà thường hay biết đủ. Người sống mà không biết thiểu dục tri túc thường chỉ làm nô lệ cho vật chất, như thế cuộc sống vốn dĩ đã khổ lại càng khổ hơn.

Là Phật tử phải lắng nghe những gì Phật dạy, nghe hiểu rồi hành trì, nghĩa là cả khẩu và thân giáo phải song hành, ấy là sự hành trì rốt ráo nhất. Từ đi, đứng, nằm, ngồi đến cách hành xử với người khác, phải từ trong chánh pháp mà ra. Tu Phật là như vậy đó, chứ không phải là những chuyện trên trời dưới biển. Người con Phật quyết thừa tự chánh pháp đến độ không còn ai nhắc nhở, ấy là thừa tự mà không bao giờ biết nghĩ đến tài vật. Đến với thầy và học theo những hạnh nguyện lành của thầy, ấy là thừa tự pháp, chứ không thừa tự tài vật. Làm được như vậy, sự chuyển hóa sẽ tự nhiên đến. Làm được như vậy, thân tâm ta luôn thật sự được tu sửa để đi đến an lạc và tự tại.

Pages: 1 2 3