ĐẠI TỲ KHEO TAM THIÊN UY NGHI
Hán dịch: Tam tạng An Thế Cao nước An Tức đời Hậu Hán
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN THƯỢNG
Đệ tử của đức Phật có hai hạng: Một là tại gia, hai là xuất gia. Người tại gia ban đầu lấy việc thọ năm giới làm gốc để ngăn ba đường ác, cầu phước trời người, vì họ chưa thể dứt bỏ hẳn sự phiền lụy của gia đình, quyến thuộc nên lại được trao thêm ba giới hỗ trợ cho năm giới trước trong một ngày một đêm để gieo nhơn duyên xuất gia nơi đời vị lai. Người xuất gia thực hành có bắt đầu có kết thúc, bao gồm các bậc thượng, trung, hạ.
Người xuất gia bậc hạ trước hết phải lấy mười giới làm gốc, thọ trì suốt đời, tuy bỏ gia đình, quyến thuộc nhưng vẫn còn nhiều việc của người thế tục, người xuất gia này đối với giới Cụ túc thì vẫn còn là giới tại gia nên gọi là xuất gia bậc hạ.
Người xuất gia bậc trung phải xả bỏ các sự việc ràng buộc, thọ đủ tám vạn bốn ngàn nhân duyên hướng đạo. Tuy xả bỏ các việc ràng buộc, tạo nghiệp, nhưng các nghiệp thân khẩu ý chưa thể hoàn toàn thanh tịnh, vẫn còn nội kết trong tâm, chưa được giải thoát, không thể sánh kịp người xuất gia bậc thượng nhưng hơn hẳn người xuất gia bậc hạ nên gọi là bậc trung.
Người xuất gia bậc thượng có căn thông lợi, tâm mạnh mẽ, có thể xóa bỏ các kiết sử ràng buộc. Người đã xả bỏ kiết sử ràng buộc thì đạt được thiền định, trí tuệ, tâm được giải thoát. Người đã được giải thoát thì các nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, ra khỏi nhà phiền não, ở nơi yên tĩnh, mát mẻ. Đó gọi là người xuất gia bậc thượng.
Người xuất gia bậc trung chỉ vừa mới thọ giới Cụ túc, chưa thể thấu đạt các oai nghi phép tắc của Sa-môn, cần phải y chỉ các vị trưởng lão có đức hạnh.
Vì thế Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi đức Phật:
– Phải thành tựu bao nhiêu pháp thì mới không cần y chỉ?
Đức Phật đáp:
– Thành tựu hai mươi lăm pháp thì không cần y chỉ. Nói đầy đủ thì hai mươi lăm pháp. Nói tóm lược thì chỉ cần biết Giới của hai bộ làm gốc.
Nay chỉ cần thành tựu mười pháp:
Một là, không biết rõ sự chung hay riêng về giới của hai bộ. Sự chung hay riêng là sự giống hoặc khác trong một Thiên, hoặc nhẹ trong giới Tỳ-kheo và nặng trong giới Ni, hoặc nhẹ trong giới Ni và nặng trong giới Tăng, hoặc có ở trong thiên trước và không có ở trong thiên sau, hoặc có ở trong giới của mình mà không có ở trong giới khác, hoặc có ở trong giới khác mà không có ở trong giới của mình, không biết cách phân bộ đối với các giới như vậy gọi là không biết giới.
Hai là, không biết đó là tội hay chẳng phải tội, hoặc là có tội đối với Phật pháp nhưng không có tội đối với thế gian, hoặc có tội đối với thế gian mà không có tội đối với Phật pháp, hoặc vừa có tội đối với Phật pháp vừa có tội đối với thế gian, hoặc chẳng có tội đối với Phật pháp và cả nhân gian.
Có tội đối với Phật pháp nhưng không có tội đối với thế gian là tội cất chứa của cải dư và lìa y sau khi đã chế giới…
Tội đối với thế gian chẳng phải tội đối với Phật pháp là tội sát sanh, trộm cướp… khi chưa chế giới.
Tội đối với Phật pháp và thế gian là tội tà dâm, dối gạt… trước và sau khi chế giới.
Chẳng có tội đối với cả Phật pháp và thế gian là chặt cỏ cây trước khi chế giới.
Tỳ-kheo nào ăn thức ăn dư, thức ăn được ngủ chung qua đêm, thức ăn để cách đêm, phạm tội. Nếu được tịnh nhân dâng thì không phạm tội. Nếu không biết các việc như vậy thì gọi là không biết tội hay chẳng phải tội.
Ba là, không biết tội nhẹ hay tội nặng. Không biết tội nhẹ là: như Sa-di phạm giới dâm một lần, hết sức xấu hổ thẹn thùng đến chết không tái phạm, suốt đời sống yên ổn, không nhận lời thỉnh của người, tha thiết cầu xin đại chúng cho phép thọ giới Tỳ-kheo, trọn đời khuyến hóa làm phước. Những người như vậy, tuy hiện đời không đắc đạo nhưng vị lai sẽ chịu tội nhẹ. Đó là không biết tội nhẹ. Không biết tội nặng là: Như trong thời Phật Ca Diếp có Tỳ-kheo hái lá Diêm bị đọa làm rồng, đến nay quả báo chưa hết do không biết phạm giới nhẹ mà mắc tội nặng. Đó gọi là không biết tội nặng.
Bốn là, không biết tội có thể cứu hay không thể cứu. Tội có thể cứu như trộm năm tiền của một người sau đó trả lại cho chủ, hoặc giết Chiên-đà-la mà không biết tội có thể cứu ở trong tội không thể cứu. Đó gọi là không biết tội có thể cứu. Không biết tội không thể cứu là ở trong ba mươi pháp Xả đọa, xin y tốt với ý thân quen, sau đó chủ y đòi lại, nếu không trả lại mà y đó có giá năm tiền trở lên, phạm Ba-la-di. Không biết bên trong tội có thể cứu, có tội không thể cứu. Đó gọi là không biết tội không thể cứu.
Năm là, không biết giới được chế một lần, nghĩa là có giới từ đầu đến cuối không có khai hoặc có một lý do, khai một lần. Đó là không biết giới chế một lần.
Sáu là, không biết giới được chế hai lần trở lên. Đó là có giới do hai ba nhơn duyên hợp làm một giới, hoặc có nhơn duyên được khai hai lần cho đến sáu lần. Đó gọi là không biết giới chế hai lần.
Bảy là không biết giới chế riêng cho trường hợp đặc biệt. Như ở cõi nước thanh tịnh thì không cần nhận thức ăn, ở cõi nước thờ nước thì không tẩy tịnh khi đi đại tiểu tiện, ở cõi nước có tuyết lạnh thì được mặc y nhiều lớp, Tỳ-kheo ở những cõi nước như vậy thì không phạm nhưng đến nước khác mà làm việc ấy thì phạm. Đó là không biết giới chế riêng cho trường hợp đặc biệt.
Tám là, không biết chế giới cho mọi trường hợp như sát sanh… không có nước nào không ngăn cấm. Đó là không biết giới chế cho tất cả mọi trường hợp.
Chín là không biết yết ma Bố tát. Bố tát nước Tần gọi là sống yên tịnh, nghĩa là nuôi dưỡng sự hòa hợp của Tỳ-kheo hoặc làm một trăm lẻ một pháp yết ma mà không biết hòa hợp. Đó gọi là không biết Bố tát.
Mười là, không biết yết ma Tự tứ. Tự tứ là cầu xin người khác nêu ra lỗi của mình, nói cho mình những lỗi mà họ thấy, nghe, nghi. Năm người trở lên làm yết ma đơn bạch. Khi Tự tứ đông phải sai hai người làm người Tự tứ. Lý do sai hai người là, khi Tăng Tự tứ xong, hai người ấy phải tự hướng về nhau để nêu ra tội, không được xin Tự tứ nơi người
khác bởi vì người khác không được Tăng sai. Hai, ba, bốn người thì Tự tứ bằng cách nói ba lần. Một người thì tâm nghĩ, miệng nói. Nếu không biết việc ấy thì gọi là không biết Tự tứ.
Nếu hoàn toàn không biết mười pháp trên thì khi tuy đủ hoặc hơn năm hạ cũng phải y chỉ vị trưởng lão có đức. Nếu không y chỉ thì mỗi ngày phạm một Đột-kiết-la. Nếu biết mười pháp trên và đủ năm hạ thì được lìa thầy y chỉ. Khi đã lìa y chỉ phải học pháp làm thầy. Đủ mười hạ được độ người khác. Nếu không biết năm pháp thì trọn đời không được độ người.
Năm pháp ấy là: Một, thông suốt giới của hai bộ, hai là có thể giải quyết những phân vân và tội lỗi của đệ tử, ba là đệ tử ở nơi xa thì có thể làm cho đệ tử đến, bốn là có thể phá tà kiến của đệ tử và dạy dỗ không cho làm ác, năm là nếu đệ tử bệnh thì có thể chăm nom như cha nuôi con.
Ai thành tựu năm pháp này và đủ mười tuổi hạ thì được làm Hòa thượng độ người khác. Nếu không biết việc ấy thì trọn đời không được độ người khác, nếu độ, phạm tội Đột-kiết-la.
Đã lìa y chỉ thì được độ người. Đã độ người khác thì sẽ có đồ chúng và cần phải biết pháp tập hợp Chúng. Trong chúng nếu không có người biết pháp thì dù cho trăm người, ngàn người cũng không được ở một chỗ.
Vì thế Tôn giả Ưu Ba Ly hỏi Đức Phật:
– Thế nào là Tỳ-kheo ở chung một chỗ giống như dê câm?
Đức Phật đáp:
– Đó là Tỳ-kheo không biết bốn pháp.
Một là, không biết thuyết giới. Không biết giới nghĩa là chưa thông suốt về giới chung và riêng, phân xử thuận theo Kinh điển.
Hai la, không biết việc thuyết giới. Ngày mười bốn và mười lăm nên thuyết đủ hay thuyết tóm lượt. Bốn người trở lên thì phát thẻ để điểm danh rồi thuyết đầy đủ, hai người, ba người thì thuyết giới bằng cách nói ba lần, một người thì tâm nghĩ miệng nói. Khi thuyết giới mà có tai nạn phát sanh thì sau khi nói bài tựa của giới xong, phải yết ma bạch nhất: “Hôm nay có việc phát sanh, đã nói bài tựa của giới xong, những phần khác thì như Tăng thường nghe”. Nếu không biết việc trên thì gọi là không biết việc thuyết giới.
Ba là ,không biết yết ma. Nên bạch nhất, lại bạch nhị. Nên bạch nhị, lại bạch tứ. Làm yết ma phi pháp biệt chúng. Yết ma phi pháp là: trước yết ma sau bạch, đương sự không có mặt, nếu người ấy có mặt thì không nêu ra việc này mà lập tức làm yết ma. Biệt chúng là cần gởi dục mà không nhắn gởi, đương sự yết ma ở bên ngoài cương giới, chúng Tăng yết ma bên trong cương giới, kết nội giới xong mới kết ngoại giới. Đó là yết ma phi pháp, biệt chúng. Hoặc là chúng phi pháp tụ tập lại một chỗ, hoặc là chúng hòa hợp bố tác phi pháp. Những trường hợp như vậy gọi là không biết yết ma.
Bốn là, không biết hội tọa, nghĩa là lúc nói giới, Tự tứ, có Tỳkheo khách đến, nên thuyết giới lại hay không nên thuyết giới lại, nên nghe theo thứ lớp hay không nên nghe theo thứ lớp, Tỳ-kheo đã đến trước nên ra khỏi cương giới mà lại bảo Tỳ-kheo khách ra khỏi cương giới. Hoặc có lúc khách đến ít, tuy không cần thuyết giới trở lại nhưng nếu khách có oai đức lớn hoặc cứng rắn có thể gây ra việc tranh cãi cần thuyết giới mà lại không thuyết. Đó là Tỳ-kheo không biết hội tọa.
– Nếu Đại chúng không có ai biết bốn pháp trên thì không được ở chung một chỗ, cần thỉnh người biết pháp đến. Nếu thỉnh không được thì cả chúng nên đến sinh hoạt với chúng biết pháp khác. Nếu không thỉnh, không sinh hoạt với chúng biết pháp khác thì cả chúng phạm tội Đột-kiết-la.
Đã được lìa y chỉ, lại được độ người và biết pháp lãnh đạo dẫn dắt đồ chúng thì cần phải làm thanh tịnh thân, miệng, y áo, thức ăn.
Làm thanh tịnh thân là rửa sạch đường đại tiểu tiện, cắt móng tay.
Làm sạch miệng là xỉa răng, súc miệng, cạo lưỡi. Nếu không tẩy rửa khi đại tiểu tiện, phạm Đột-kiết-la và không được ngồi ở trên tọa cụ sạch sẽ của Tăng và đảnh lễ Tam bảo, dù đảnh lễ cũng không có phước đức. Nếu không xỉa răng thì hoặc ăn, hoặc uống thuốc, hoặc uống nước đều phạm ba tội Đột-kiết-la. Nếu mặc y dơ mà đi vào làng, phạm tội Đột-kiết-la.
Thức ăn thanh tịnh là loại thức ăn chẳng phải là thức ăn dư của chúng Tăng, chẳng phải là loại thức ăn ở chung phòng với tịnh nhân qua đêm, chẳng phải là thức ăn đựng bằng bát dơ hay bát không được rửa bằng nước tháo đậu, không phải là thức ăn được đựng trong bát gỗ, thức ăn tự làm và thức ăn do mua bán mà được. Như vậy gọi là y áo… thanh tịnh. Thế nên phải mặc y sạch sẽ để ngồi ăn.
Khi mới thành đạo, đức Phật ăn cháo. Lúc nữ gia chủ đã nấu cháo xong, đức Phật suy nghĩ: “Các đệ tử xuất gia phải ngồi thế nào và ăn ra sao?” Ngài quán sát thấy pháp chư Phật và các đệ tử đều ngồi xổm một bên để ăn và chỉ ăn một lần, liền nghĩ: “Các đệ tử Ta cũng vậy”.
Lý do mặc y sạch là vì muốn hạn chế sự chướng ngại và phòng hộ các giới. Lý do ngồi chồm hổm là vì muốn giữ cho y sạch sẽ và trái với pháp của thế tục, và cũng để ngồi trên cỏ ăn cho dễ. Ai ngồi xổm không đúng pháp phạm chín tội Đột-kiết-la: Một là chân trước chân sau, hai là dang rộng chân, ba là lắc lư, bốn là dựng chân lên, năm là ngồi tréo chân, sáu là rũ ba y che bàn chân, bảy là kiễng chân lên, tám là cẳng chân chồng lên nhau, chín là gác đùi vế lên nhau. Như vậy đều phạm Đột-kiết-la. Do không ngồi xổm, phạm ba tội Đột-kiết-la.
Sở dĩ phải ngồi xuống để nhận hương là do ở nước Đạt-ba có trụ xứ Tỳ-kheo. Phụ nữ dâng hương đụng tay Tỳ-kheo. Do đó, Tỳ-kheo ấy khởi tâm dục liền bỏ đạo. Thầy hỏi lý do, Tỳ-kheo ấy liền nói rõ. Vị thầy mới đến bạch đức Phật, đức Phật liền chế giới: “Tỳ-kheo nào đứng nhận hương, phạm Đột-kiết-la.”
Lý do không được ăn nhiều lần mà chỉ ăn một lần là vì, nếu làm hoặc xin hoặc nấu thì mất hết nửa ngày, lại tăng thêm dâm dục, giận dữ, si mê và không khác gì người thế tục. Vì thế chỉ ăn một lần.
Ở trên đã nêu ra các phép tắc khác nhau của Sa-môn nhưng chưa luận về việc mà người xuất gia phải làm. Các việc đó là: Một là tọa thiền, hai là tụng Kinh, ba là làm các việc giáo hóa. Nếu làm đủ ba việc đó thì hợp với pháp của người xuất gia. Nếu không làm các việc ấy thì là hạng nửa sống nửa chết và gây ra nhân chịu khổ.
Tỳ-kheo nào thành tựu mười pháp này thì được độ người và truyền giới Cụ túc cho người, thành tựu oai nghi, lo sợ, thận trọng với cả những tội nhỏ, học rộng hiểu nhiều, có thể thọ trì những pháp mà đức Phật dạy, tụng thông suốt Luật của hai bộ và hiểu rõ ý nghĩa, có thể dạy cho đệ tử được tăng trưởng Giới học, Định học và Tuệ học, có thể trừ bỏ sự nghi ngờ, thắc mắc của đệ tử, cũng có thể nhờ người khác trừ bỏ sự nghi ngờ ấy, có thể trị bệnh cho đệ tử và cũng có thể nhờ người khác trị bệnh, nếu đệ tử khởi tà kiến ác thì có thể dạy cho họ xả bỏ tà kiến hoặc nhờ người khác làm cho họ xả bỏ tà kiến ấy. Nếu đệ tử khởi ý nghĩ về sự an nguy của đất nước thì có thể xoay chuyển ý nghĩ của đệ tử hoặc nhờ người khác xoay chuyển. Nếu đủ mười hạ hoặc hơn mười hạ và thành tựu mười pháp thì nên truyền giới Cụ túc cho người.
Biết tội nặng, biết tội nhẹ, biết tội thô, biết tội có thể cứu, biết tội không thể cứu, biết tội có yết-ma, biết tội không yết-ma, đủ mười hạ hoặc hơn mười hạ. Thành tựu năm pháp này thì nên truyền giới Cụ túc cho người, có thể dạy đệ tử được tăng trưởng về giới học, Định học, Tuệ học, việc làm kỹ lưỡng chắc chắn, luôn giữ chánh niệm.
Ai thành tựu năm pháp, ba pháp như trên thì thông minh, biện tài. Có năm pháp thành tựu, là: Thành tựu giới, thành tựu Định, thành tựu Tuệ, thành tựu Giải thoát và thành tựu Giải thoát tri kiến.
Có năm pháp thành tựu, là: Tự an trụ nơi giới, dạy người an trụ nơi giới, tự an trụ nơi Định, dạy người an trụ nơi Định, tự an trụ nơi Tuệ, dạy người an trụ nơi Tuệ, tự an trụ nơi Giải thoát, dạy người an trụ nơi Giải thoát, tự an trụ nơi Giải thoát tri kiến, dạy người an trụ nơi Giải thoát tri kiến.
Lại có năm pháp thành tựu, là: Thành tựu các Giới vô học, các Định vô học, các Tuệ vô học, các Giải thoát vô học, các Giải thoát tri kiến vô học.
Lại có năm pháp thành tựu là có thể dạy đệ tử Giới Tăng thượng, Phạm hạnh tăng thượng, biết có phạm hay không phạm, biết đã hối lỗi hay chưa hối lỗi, đủ mười hạ hoặc hơn mười hạ thì nên truyền giới Cụ túc cho người, độ Sa-di hay làm y chỉ cho người cũng như vậy.
Chúng Tăng từ lớn đến nhỏ đều nghe rõ. Hôm nay là thời điểm bốn phương đều tập hợp đến đây. Phật khó được gặp, pháp khó được nghe, người hiền khó được gặp, ngày tháng qua mau. Nay các hiền giả đã trải qua bao nhiêu lần sanh, bao nhiêu lần chết, đã được sanh trong pháp, đã được thọ giới, đã được nghe pháp, đã được việc làm tốt, những tội đã phạm từ năm trước đến nay hoặc tham lam dâm dục, hoặc sân hận, hoặc ngu si thì hôm nay đều phải nêu bày ra, chấp nhận ngu si, không được che giấu. Ở trong chúng, người phạm tội mà nói dối thì mắc tội hư không thực, liền khinh chê Giới và tự hủy hoại.
Tỳ-kheo phạm giới dâm tên Ca-lưu-đa, Tỳ-kheo phạm giới sát tên Ca-lưu, Tỳ-kheo phạm giới trộm cắp tên Ca-lưu-hoàn, Tỳ-kheo phạm giới vọng ngữ tên Ca-hoàn, đều ở nước Xá vệ, Tỳ-kheo cất thất tên Calưu ở tại nước Xá vệ, Tỳ-kheo thủ dâm làm xuất tinh tên Ca-lưu-đa ở nước La duyệt kỳ. Có Tỳ-kheo tên Ca-lưu-đa dẫn năm trăm đệ tử đến ở tại nước Ni Diễn.
Trong mười ba Tăng tàn, có ba giới không cần sám hối. Ba Giới đó là: gặp người che giấu tội lỗi thì không cần sám hối, không giúp đỡ nhau một cách chơn thật thì không cần sám hối, đối với vợ của đàn việt và các thiếu nữ dâm loạn thì không cần sám hối. Mười Giới còn lại thì phải sám hối.
Nếu phạm quá một ngày phải lập tức sám hối trong ba ngày. Nếu quá ba ngày không sám hối thì phải sám hối trong bảy ngày, quá bảy ngày không sám hối thì phải sám hối trong mười lăm ngày, nếu quá mười lăm ngày mà không sám hối thì phải sám hối trong ba mươi ngày, nếu quá ba mươi ngày mà không sám hối thì phải thọ giới lại, nếu không thọ giới lại thì chẳng phải Sa-môn (ND: Trong Luật không có văn này, không biết rút ra từ sách nào). Nếu muốn sám hối thì phải có đủ hai mươi vị. Không đủ hai mươi vị thì không được sám hối.
Ba mươi Xả đọa đều phải sám hối, phải đủ bảy Tỳ-kheo, thiếu một người thì không được sám hối. Nếu phạm thì phải sám hối trong ngày hôm ấy và sám hối liên tục ba ngày. Nếu quá ba ngày không sám hối thì phải sám hối bảy ngày, nếu quá bảy ngày không sám hối thì phải sám hối trong mười lăm ngày, nếu quá mười lăm ngày không sám hối thì phải sám hối ba mươi ngày, nếu quá ba mươi ngày không sám hối thì phải sám hối chín mươi ngày.
Chín mươi Ba-dật-đề đều phải sám hối. Nếu phạm quá một ngày liền sám hối và phải sám hối suốt ba ngày. Nếu quá ba ngày không sám hối thì phải sám hối suốt bảy ngày, nếu quá bảy ngày không sám hối thì phải sám hối mười lăm ngày, quá mười lăm ngày không sám hối thì phải sám hối ba mươi ngày, quá ba mươi ngày không sám hối thì phải sám hối chín mươi ngày. Nếu sám hối phải đủ bốn vị.
Ai có đủ mười việc sau thì được làm thầy yết-ma: Một là thọ giới đã lâu; hai là có danh tiếng; ba là có trí tuệ; bốn là biết phương tiện; năm là có thể phát sanh công đức; sáu là có đức; bảy là được chúng Tăng tín nhiệm; tám là được đàn-việt tín nhiệm; chín là có thể lui tới với đàn-việt; mười là phải đủ mười hạ.
Lại có bốn việc phải nên đi: Một là nhà cửa hư nát; hai là không có đàn việt; ba là nhiều ruồi; muỗi trùng độc;bốn là vua ghét đạo. Lại có bốn việc nên đi: Một là làm sứ giả cho tháp; hai là làm sứ giả cho chúng Tăng; ba là làm sứ giả cho ba vị thầy; bốn là đã học hết những điều mà ba thầy đã biết; phải theo thầy đi tìm người hết sức sáng suốt. Có bốn việc mà khi đến nước khác không đem theo y vẫn không có tội: Một là không có chùa tháp; hai là không có chúng Tăng; ba là trộm cướp;bốn là vua không thích Đạo.
Có bảy nơi không nên dừng lại: Một là giữa chợ; hai là lò mổ; ba là nơi tế tự; bốn là dưới cầu; năm là đầu cầu; sáu là ngã tư đường; bảy là nơi vắng vẻ. Đó là bảy nơi mà ác quỷ cư trú.
Ngủ dậy muốn ra khỏi cửa thì phải giữ năm việc sau: Một là xuống giường không được làm cho giường phát ra tiếng; hai là mang dép phải giũ trước; ba là phải đứng ngay ngắn mặc pháp y; bốn là trước khi mở cửa phải khảy móng tay ba lần, không được làm cửa phát ra tiếng ồn; năm là nếu trong thất có tượng Phật thì không được quay lưng mà đi ra, phải quay lưng về phía cửa mà đi thụt lui ra, không được đứng nói chuyện với người khác.
Tắm rửa súc miệng có năm việc cần phải tránh: Một là không được ngồi xổm; hai là không được hướng về tháp Phật cũng không được xoay lưng về phía ấy; ba là không được hướng về Hòa thượng A-xà-lê và cũng không được ngồi xoay lưng về phía ấy; bốn là không được làm việc ấy trên nguồn nước hay đất sạch; năm là không được ở trong ấy nói chuyện với người khác cũng không được nhận sự lễ lạy của người.
Dùng tăm xỉa răng phải lưu ý năm việc: Một là độ dài đúng lượng; hai là phải chẻ đúng pháp;, ba là đầu để xỉa răng không lớn quá ba phân; bốn là súc miệng phải nhăm ba lần; năm là phải dùng nước để súc miệng, tắm rửa.
Cạo lưỡi có năm việc: Một là không được quá ba lần;hai là lưỡi bị chảy máu phải ngưng; ba là không được vẫy tay làm dơ Tăng-già-lê hoặc chân; bốn là không được vất bỏ tăm xỉa răng ở giữa đường đi;năm là thường để nơi khuất.
Lúc lấy ca-sa để mặc có năm việc: Một là dùng tay gãi lên thân mình thì không được mặc y ngay mà phải rửa tay; hai là chưa rửa tay thì không được cầm ca-sa; ba là không được thả y từ trên xuống dưới mà phải xếp lên tay trái rồi nâng ở phía dưới; bốn là sau khi đã cầm y thì phải giũ y rồi mới mặc; năm là không được vắt y ra đằng trước móc y lên tay.
Lại có năm việc: Một là phải giữ y ở mức độ vừa phải không được để chấm đất; hai là hai đầu phía dưới không được để đụng chân; ba là khi mặc ca-sa không được hướng về tháp Phật hoặc quay lưng về phía ấy; bốn là không được hướng về phía Thượng tọa hoặc ba thầy và cũng không được quay lưng về phía ấy; năm là xếp ca-sa không được dùng miệng ngậm cũng không được dùng hai tay giũ.
Nhiễu tháp có năm việc: Một là cúi đầu ngó xuống đất; hai là không được đạp trùng; ba là không được nhìn ngó hai bên; bốn là không được khạc nhổ lên vùng đất ở trước tháp; năm là không được đứng trong tháp nói chuyện với người khác.
Khi nhiễu tháp phải nghĩ về năm việc: Một là phải niệm công đức của Phật;hai là phải niệm Giới Kinh của Phật; ba là phải niệm trí tuệ của Phật; bốn là phải nghĩ ơn Phật rất khó báo đền; năm là phải nghĩ về sự tinh tấn cho đến nhập Niết-bàn của Phật.
Lại có năm việc: Một là phải nghĩ về chúng Tăng; hai là phải nghĩ
về ơn của thầy; ba là phải nghĩ về ơn của cha mẹ; bốn là phải nghĩ về ơn của bạn đồng học;, năm là phải nghĩ về việc làm cho mọi người đều giải thoát xa lìa tất cả các khổ.
Lại có năm việc: Một là nghĩ về việc học trí tuệ; hai là phải nghĩ về việc trừ ba độc; ba là phải nghĩ về việc cầu đạo giải thoát; bốn là thấy cỏ mọc trên tháp phải cẩn thận dùng tay gỡ bỏ không được nhổ mạnh; năm là thấy có vật bất tịnh phải dọn dẹp.
Lại có năm việc: Một là trời mưa phải cởi giày bỏ dưới tháp rồi mới lên lễ Phật; hai là phải ngồi theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và phải thăm hỏi nhau; ba là Tăng có việc sai đi phải đi lập tức; bốn là muốn ra đi phải báo cho người ở lại biết; năm là nghe tiếng kiền chùy phải lập tức đến nơi họp mặt.
Buổi chiều vào phòng phải lưu ý năm việc: Một là muốn vào phải đứng khảy móng tay ba tiếng rồi vào, không được làm cửa phát ra tiếng ồn; hai là giày dính bùn dơ phải cởi bỏ ở ngoài; ba là phải làm đúng pháp cởi cà-sa; để ở nơi thường để; bốn là phải lau giày rồi đem để ở nơi kín đáo; năm là sau khi tắm rửa thì muốn nghỉ ở đâu tùy ý.
Muốn lên giường phải lưu ý năm việc: Một là từ từ ngồi lên giường;hai là không được bò lên giường; ba là không được để giường gây ra tiếng động; bốn là không được lau chùi giường quá mạnh gây ra tiếng ồn; năm là rửa chân chưa khô thì phải lau cho khô.
Ở trên giường có năm việc: Một là không được tằng hắng lớn; hai là không được nói chuyện rộn ràng; ba là không được than thở nhớ nghĩ việc thế gian;bốn là không được nằm dựa vách; năm là muốn ngồi dậy phải đúng thời. Nếu tâm tán loạn không yên thì phải tự trách rồi mới ngồi dậy.
Kinh hành có năm việc: Một là phải ở nơi vắng vẻ; hai là phải ở nơi trước cửa; ba là phải ở trước giảng đường;, bốn là phải ở dưới tháp; năm là phải ở dưới gác.
Lại có năm việc: Một là không được ngồi trên gác; hai là không được cầm gậy đi trong chùa; ba là không được nằm tụng Kinh; bốn là không được mang dép; năm là không được dở chân quá cao đạp xuống đất gây ra tiếng động.
Nằm có năm việc: Một là phải hướng đầu về phía Phật;, hai là không được nằm mà ngó Phật;, ba là không được duỗi thẳng hai chân; bốn là không được nằm hướng về phía vách tường cũng không được nằm sấp; năm là không được vắt chân chữ ngũ và gác hai chân lên nhau, phải gác đầu lên bàn tay, xếp hai bàn chân và chồng hai đầu gối lên nhau.
Ban đêm ngồi dậy tụng Kinh có năm việc: Một là không được nghĩ đến sự thông suốt về giới Kinh của mình, người khác không bằng ta; hai là giả sử không thông suốt thì không được nói Giới Kinh của ta không thông suốt, chính vì việc của Tỳ-kheo ấy nên làm rối loạn ý của ta; ba là không được ngồi nghĩ việc ác của người; bốn là giả sử ngày mai muốn hỏi chỗ nào còn phân vân thì không được hỏi lòng vòng mà phải hỏi thẳng điều mình chưa hiểu; năm là không được nghĩ: “Phải đem những lời trong Kinh này đi hỏi cho người khác bí”. Nếu có ý nghĩ như vậy thì chẳng phải pháp của người hiền.
Ở trong chùa có năm việc: Một là không được mang giày da lên trên tháp; hai là không được đi ngược chiều trong tháp; ba là không được xoay lưng về phía Phật khi đi ra cửa; bốn là không được khạc nhổ trên tháp; năm là không được ngồi trên lan can.
Lại có năm việc: Một là không được lấy vật không thích hợp để nơi không thích hợp; hai là sau khi trở về nhà không được dùng quá nhiều nước của thầy tri sự để rửa tay; ba là không được dùng nhầm khăn tay của mọi người;bốn là không được rửa chân trên giếng của mọi người;năm là không được lấy nhầm bất cứ vật gì của mọi người, có lấy vật gì thì phải báo với chủ.
Lại có năm việc: Một là không được cùng bạch y cãi lộn mắng nhau; hai là khi nói chuyện với người không được lắc đầu; ba là không được ngồi trên giường của Thượng tọa; bốn là không được ngồi xoạc chân ở trước Thượng tòa; năm là không được ngồi ngang hàng với Hòa thượng A-xà-lê.
Lại có năm việc: Một là không được trèo cây; hai là không được cầm trái lê ném cho người; ba là không được đem nước tạt người; bốn là trong nước có trùng không được uống hoặc rửa; năm là Tỳ-kheo không được trả thù người đã mắng mình.
Lại có năm việc: Một là không được giận dữ đánh mắng súc sanh; hai là không được dùng lời nói ác mắng người là súc sanh; ba là không được ngồi nằm vẽ trên giường; bốn là không được bôi hương hoa phấn sáp lên thân; năm là không được ca, ngâm, múa, hát. Nếu có ai biểu diễn âm nhạc thì không được đi xem nghe.
Lúc ăn có năm việc: Một là Tỳ-kheo ăn cơm không được nói: “Tôi biết lúc nào sẽ chết”, chỉ nên ăn cho no; hai là Tỳ-kheo ăn đã no, thí chủ lại mang cơm đến thêm thì Tỳ-kheo không được nhận; ba là Tỳkheo ăn cơm còn dư không được ném cho người khác, không được vứt trên cỏ; bốn là cơm còn dư phải mang đổ trên nước sạch; năm là người chỉ có dư ít cơm mà thỉnh Tỳ-kheo đến ăn cơm thì không nên đến.
Lại có mười việc: Một là khi đến phải khảy móng tay rồi mới vào; hai là quan sát chỗ ngồi rồi mới ngồi; ba là dưới chỗ ngồi có tiền, dao, trái cây, dưa thì không nên ngồi; bốn là nếu có binh khí, y áo, đồ vật ở dưới chỗ ngồi hoặc chỗ ngồi dính đầy bụi đất thì không nên ngồi; năm là những đồ vật được trang trí đẹp bằng vàng bạc thì không ôm và sờ vào; sáu là không được thường xuyên nhìn phụ nữ ở gia đình đàn việt; bảy là phải ngồi đúng pháp; tám là chưa ăn không được thuyết pháp cho người; chín là không được lấp cơm lên canh để mong được nhận thêm; mười là ăn chưa no thì không được nói.
Có năm trường hợp không nên đảnh lễ: Một là đến nhà cư sĩ rồi trở về thì không được đảnh lễ người khác ở giữa đường, cũng không nên nhận sự lễ lạy của người; hai là Thượng tọa nằm thì không nên đảnh lễ, cũng không nên nằm mà nhận người khác đảnh lễ; ba là Thượng tọa súc miệng thì không nên đảnh lễ, tự mình đang súc miệng cũng không nên nhận sự đảnh lễ của người khác; bốn là Thượng tọa dọn mâm chưa xong thì không nên đảnh lễ, tự mình dọn mâm chưa xong cũng không được nhận người khác đảnh lễ; năm là Thượng tọa đang ăn thì không được đảnh lễ, tự mình đang ăn cũng không được nhận sự đảnh lễ của người.
Lại có năm trường hợp không nên đảnh lễ: Một là khi đang đọc Kinh, cầm Kinh thì không nên đảnh lễ Thượng tọa; hai là Thượng tọa ở chỗ thấp, mình ở chỗ cao thì không nên đảnh lễ; ba là Thượng tọa đi ở phía trước thì không được theo đảnh lễ phía sau; bốn là không được ngồi trên ghế mà đảnh lễ Thượng tọa; năm là không được đội mũ mà đảnh lễ Phật, hoặc ba thầy, chúng Tăng Thượng tọa mà mắc tội nặng thì cũng không được đảnh lễ.
Tỳ-kheo mặc y lót phải chú ý năm việc: Một là không được mặc lộn ngược; hai là phải giữ cho bốn phía bằng thẳng; ba là phải xếp cho đầu mối nằm gần phía bên trái; bốn là buộc dây thắt lưng về phía phải; năm là buộc dây thắt lưng ba vòng không được để thòng hai đầu.
Ở trần mặc y lót có mười việc: Một là nếu không có áo che nách ở trong thì không được mặc ca-sa; hai là không được đến trước tượng Phật trên tháp; ba là không được vào trong giảng đường; bốn là không được đến trước ba vị thầy; năm là không được cùng nói Kinh với Thượng tọa; sáu là không được đến cùng ngồi với Thượng tọa; bảy là không được đến ngồi trên giường của Thượng tọa; tám là không được vào phòng của Thượng tọa; chín là không được vào nhà ăn hoặc đến trước chúng Tăng;
mười là nếu bên trên không có áo lót thì không được ra khỏi cửa hoặc xuống lầu quá ba thước.
Mặc ba pháp y có năm việc: Một là nên mặc ở trên y lót, không có y lót ở trong thì không được mặc An-đà-hội; hai là ở trong có y lót nhưng không có An-đà-hội thì không được mặc Uất-đa-la-tăng; ba là có mặc An-đà-hội bên trên, không có Uất-đa-la-tăng thì không được mặc Tăng-già-lê; bốn là ba y phải mặc đều đặn từ trong ra ngoài; năm là không được quá ba màu. Phải đi bộ như pháp. Đó là pháp đi đường.
Mang bát có năm việc: Một là phải buộc thắt lưng cho chắc; hai là phải đặt bát dưới nách trái; ba là khi đi phải để bát hướng ra ngoài; bốn là không được để thòng đụng gót chân, năm là ăn cơm xong phải mang bát trở về.
Rửa bát có năm việc: Một là dùng nước tháo đậu hoặc đậu đen để rửa; hai là không được rửa ở đất sạch; ba là không được hướng về tháp, chúng Tăng hoặc ba thầy; bốn là không được hắt đổ nước tung tóe; năm là không được dùng khăn dơ lau trong, ngoài bát. Mỗi người phải có một cái khăn khô dùng tay lau cho khô thì tốt, khi muốn ra hợp mặt gấp thì phải phơi dưới mặt trời hoặc hơ lửa.
Cầm chìa khóa có năm việc: Một là khi muốn ra khỏi phòng phải đến chỗ thường để mà lấy rồi đeo trong ngón tay; hai là muốn đóng cửa không được cầm móc khóa kéo mạnh mà phải nhìn kỹ;ba là muốn mở cửa không được cầm móc khóa mở bật cửa ra mà phải mở từ từ; bốn là đặt then khóa ở nơi gần tầm tay; năm là cứ bảy ngày lại phải lau chùi một lần.
Lại có năm việc: Một là không được ngồi cùng chiếu với người nữ; hai là nếu gặp thầy thuốc giỏi thì không được theo hỏi các việc về y dược; ba là không tranh cãi với người đời; bốn là khi ngồi đối diện với người nữ không được nói lung tung những việc không cần thiết;, năm là nếu thấy việc gì không vừa ý thì phải đứng dậy bỏ đi.
Đi đến nhà người để đọc Kinh có năm việc: Một là phải đủ bốn người; hai là khi đến phải ngồi theo thứ lớp đúng pháp; ba là phải xem thử có nên đọc Kinh hay không; bốn là nếu người ngồi trên chiếu không muốn nghe Kinh thì hãy chấm dứt; năm là nếu trong pháp hội có người say nói lời hung ác thì không nên đọc Kinh nữa.
Có ba lý do để Tỳ-kheo đến nhà quan lại, quốc vương: Một là vì công việc của thầy; hai là được mời đến đọc Kinh cho người bệnh, người chết; ba là Tỳ-kheo được mời đến thọ trai.
Có bảy việc không nên đến: Một là không được đến để mong cầu việc riêng; hai là không được đến liên tục vì mọi việc; ba là không được cố ý đi theo để xin việc làm; bốn là nếu có đến thì không được nói các việc về thuốc thang; năm là nếu họ mời Tỳ-kheo đến để hỏi các việc thế gian hoặc vấn nạn về Kinh ngoại đạo; sáu là mời Tỳ-kheo đến để xem sao hạn, ngày tốt, ngày xấu…; bảy là nước ấy muốn xuất binh, mời Tỳ-kheo đến để bàn việc quân, theo pháp của người hiền thì không nên đến.
Lên tòa cao đọc Kinh có năm việc: Một là trước hết phải lạy Phật; hai là phải lạy Kinh pháp, Thượng tọa; ba là trước hết phải bước lên bệ rồi mới ngồi xuống; bốn là phải hướng về Thượng tọa; năm là vịn tay lên tòa rồi mới ngồi.
Ngồi có năm việc: Một là khi ngồi phải giữ cho pháp y ngay thẳng; hai là khi tiếng kiền chùy dứt thì phải tụng đọc một bài kệ; ba là phải đọc tùy theo nhân duyên; bốn là nếu có người không vừa ý mình thì không nên nổi sân giận khi ở trên tòa; năm là nếu có người cúng dường vật gì thì nên đặt ở trước mặt.
Không nên nói Kinh, có năm việc: Một là người không kính ba vị thầy; hai là người phạm giới; ba là người phỉ báng đạo Phật; bốn là Tỳkheo hỏi Kinh không đúng pháp; năm là không nên nói Giới Kinh của Tỳ-kheo cho bạch y nghe, nếu nói thì phạm tội.
Lại có năm việc: Một là níu kéo, cặp kè nhau; hai là ngồi chung trên giường nhỏ; ba là người biết chút ít Kinh muốn đến vấn nạn Tỳkheo; bốn là nói Kinh nhưng mọi người không nghe; năm là bệnh, say đều không nên nói pháp cho họ.
Muốn ngồi thiền, lại có năm việc: Một là phải tùy thời; hai là phải được chiếc giường an ổn; ba là phải ngồi ngay ngắn; bốn là phải được nơi yên tĩnh; năm là phải có người hướng dẫn.
Lại có năm việc: Một là phải có đàn-việt tốt, thuần thành; hai là phải có ý tốt; ba là phải có thuốc tốt; bốn là phải có thể uống thuốc; năm là phải được trợ giúp tốt, như vậy mới được phát triển.
Tùy thời là bốn thời.
Chiếc giường an ổn nghĩa là giường dây, ghế mềm nghĩa là ghế lông.
Nơi yên tĩnh là bên gốc cây trong núi, ở chùa riêng không ở chung với người khác.
Bạn lành là người ở chung.
Đàn việt tốt là giúp cho người không có mong cầu.
Ý tốt là có thể quán sát điều tốt.
Thuốc tốt là có thể điều phục ý.
Có thể uống thuốc là không nghĩ về vạn vật.
Sự trợ giúp tốt là dây ngồi thiền. Dây ngồi thiền có năm: Một là rộng một thước; hai là dài tám thước; ba là đầu dây có móc; bốn là phải quấn ba lớp; năm là không được dùng cỏ tươi cũng không được dùng móc bằng vàng.
Có năm việc không nên dùng ghế ngồi: Một là khi đại chúng ngồi (dưới đất); hai là khi vào thành;, ba là khi mãn chín mươi ngày; bốn là khi ở cùng chỗ với ba thầy và để bày tỏ sự cung kính; năm là đến nhà bạch y hoặc nhà khách đều không nên tự ngồi một mình trong phòng trừ khi nghỉ ngơi thì được dùng một mình.
Lại có năm việc: Một là phải dùng cỏ lau già; hai là phải làm đúng pháp; ba là không quá hai lớp; bốn là không được dùng tơ khâu lại; năm là phải mặc đúng pháp, không được để nơi ẩm thấp.
Lại có năm việc: Một là không được mang để lạy Phật; hai là không được mang để vào ngồi trong chúng; ba là không được mang đi lên tháp Phật; bốn là không được mang Kinh hành; năm là khi trời mưa không được mang để đi khất thực.
Lại có năm việc: Một là không được mang vào thất của ba thầy; hai là không được mang đến hỏi Kinh; ba là không được mang đến đảnh lễ Hòa thượng A-xà-lê; bốn là không được mang đảnh lễ chúng Tăng; năm là ngày đêm không được dùng để tắm rửa.
Có năm việc phải vào thất của nhau: Một là hỏi thăm nhau; hai là đến thăm bệnh đau; ba là hỏi Kinh; bốn là muốn mượn vật gì; năm là Chúng sai đến mời.
Đi đến gặp người khác, có năm việc: Một là phải đứng ở ngoài khảy móng tay; hai là đi vào phải bỏ mũ xuống; ba là phải đảnh lễ; bốn là phải đứng ngay ngắn đợi mời ngồi mới ngồi; năm là không được quên mang Kinh vào.
Hỏi: Kinh có năm việc: Một là xuống giường phải hỏi đúng như pháp; hai là không được ngồi chung mà hỏi; ba là phải hỏi thẳng những chỗ không hiểu; bốn là không được để tâm chạy theo duyên bên ngoài; năm là nếu đã hiểu thì phải đảnh lễ sát đất rồi trở về.
Ra khỏi nhà lại có năm việc: Một là không bảo: “Mua thứ ấy đến, tôi muốn ăn”; hai là không được lấy trái cây đưa cho Sa-di và bảo: “Ông hãy tác tịnh và trao lại cho ta, ta muốn ăn”; ba là không được nằm trên giường của người khác mà nói đùa; bốn là không được khạc nhổ lên đất sạch của người; năm là người quở trách đúng pháp thì không 0 được nổi giận bỏ đi. Đó là cung kính.
Hòa thượng phải có mười lăm đức: Một là phải biết giới; hai là phải giữ Giới; ba là không phạm giới; bốn là phải biết Kinh; năm là phải tự ghi nhớ; sáu là phải dạy Kinh; bảy là phải răn dạy; tám là phải dạy (Định) rèn luyện ý; chín là phải dạy thọ nhận vừa phải; mười là phải dạy phép tắc; mười một là phải có đức độ; mười hai là có thể dẫn dắt đàn-việt; mười ba là không được có tâm riêng tư; mười bốn là có ai mang đồ vật đến thì phải nói: “Đều là vật của chúng”; mười lăm là chăm nom bệnh nhân phải giúp họ bớt bệnh.
Lại có mười việc: Một là có đệ tử thì phải lo cho đệ tử có đủ y áo, thức ăn; hai là phải có thể dạy Kinh; ba là có thể giảng dạy ý nghĩa của Kinh; bốn là thông hiểu được Kinh gì sâu xa đều phải dạy đệ tử; năm là đệ tử hỏi điều gì đều phải trả lời được; sáu là có thể phân biệt giảng nói tội dẫn đến ba đường ác; bảy là có thể dạy cho họ có trí tuệ như mình hoặc hơn mình; tám là phải dạy trì giới, phân biệt, biết được việc làm; chín là phải dạy Giới theo sự hiểu biết của mình; mười là phải xét rõ ý tứ, khả năng của đệ tử.
A-xà-lê phải có năm đức: Một là phải thông hiểu bốn bộ A hàm; hai là phải có đầy đủ Giới đức; ba là phải có trí tuệ; bốn là phải có đức lớn; năm là phải tự giữ gìn.
Lại có năm việc: Một là làm thầy phải tự giữ giới; hai là giả sử y áo của đệ tử bị rách có thể cung cấp cho họ y áo mới; ba là đệ tử đau bệnh thì có thể chăm nom; bốn là phải hướng dẫn họ bố thí, giảng rõ về tội phước; năm là đủ mười hạ mới nên làm Hòa thượng và phải đầy đủ kiến thức.
Lại có năm việc: Một là phải dạy học trí tuệ; hai là phải dạy siêng năng tụng Kinh; ba là phải dạy cho có thể hiểu Kinh; bốn là phải dạy những Kinh sâu xa; năm là phải dạy họ đừng tranh luận về Kinh với người khác.
Lại có năm việc: Một là phải răn dạy; hai là phải dạy nhận vừa đủ; ba là phải dạy họ biết giới; bốn là phải dạy trì giới; năm là phải dạy tùy thuận theo Hòa thượng, phải đầy đủ mười hạ và biết hết mọi việc.
Hầu thầy có năm việc: Một là phải kính sợ thầy, hai là phải tuân theo sự răn dạy của thầy, ba là phải thuận theo ý của thầy, bốn là phải hiểu lời thầy nói, năm là không được trái lời thầy dạy.
Lại có năm việc: Một là sáng chiều phải đến hỏi thăm sức khỏe; hai là khi đến phải mặc cà sa, bỏ mũ; ba là đến cửa phải khảy móng tay ba lần, không được ngang nhiên bước vào; bốn là phải đảnh lễ sát đất
rồi quì phía trước hỏi thăm sức khỏe; năm là nếu thầy nói: “Này con! người nọ đến đây nói về việc không đúng pháp mà con đã làm, con có biết mình đã phạm tội không?”. Nếu mình có phạm thì phải lập tức sám hối: “Con thật ngu si”. Nếu không có thì không được nói ngược lại. Thầy bảo đi thì phải đứng dậy đảnh lễ rồi ra khỏi phòng.
Lại có năm việc: Một là phải vì thầy mà bưng bô đi đổ đồ bất tịnh, rửa sạch rồi mang vào; hai là phải lau chùi giường chiếu, xếp mền gối; ba là phải xếp ca-sa để nơi thầy thường để; bốn là đứng đợi, thầy dạy ngồi không được ngồi ngay, thầy bảo ba lần mới được ngồi; nếu thầy hỏi: “Con thuộc Kinh chưa?” mà không bảo tụng thì không được tụng ngay; năm là nếu muốn hỏi Giới Kinh thì phải xem lúc này có nên hỏi hay không nên hỏi.
Lại có năm việc nên báo: Một là gội đầu, cạo tóc;hai là tắm rửa; ba là ra đi; bốn là làm việc chúng; năm là bệnh đau, uống thuốc.
Đệ tử hầu thầy có hai mươi việc. (Thiếu phần nêu bày)
Tỳ-kheo may pháp y có năm việc: Một là phải đảnh lễ sát đất; hai là phải trình bày sự việc: “Hôm nay con may y, con xin bạch thầy rõ”; ba là thầy im lặng không đáp thì phải đứng dậy đảnh le;, bốn là nếu cho phép làm thì phải thọ giáo như pháp; năm là nếu thầy bảo: “Chưa được làm, hãy may rộng chừng đó, dài chừng đó” thì phải theo lời dạy đó, không được làm trái.
Lại có năm việc: Một là không đủ ba y thì phải mau chóng may cho đủ; hai là đã đủ thì không được may thêm; ba là pháp y đã rách thì nên may; bốn là pháp y chưa quá rách thì không nên may; năm là phải may y cho đúng kích thước, được may bằng ba màu xanh, vàng, mộc lan. Đó là y phục.
Nhuộm pháp y có năm việc: Một là phải dùng vật sạch; hai là phải nhuộm nơi kín đáo; ba là phải làm sao cho chắc; bốn là không được lìa y; năm là phải thường trông coi.
Mặc pháp y có năm việc: Một là đến nhà đàn việt không được bày ngực mà đi vào; hai là không được vắt pháp y qua khuỷu tay mà đi vào; ba là không được vung vẩy pháp y mà vào cửa;, bốn là không được vắt ngược pháp y mà đi vào cửa; năm là không được quay nhìn hai bên.
Khi đi, mặc pháp y có năm việc: một là giữa đường gặp ba thầy phải bày vai phải; hai là phải che hai vai từ cổ họng trở xuống chỉ chừa bàn tay phải; ba là che hai vai được thò bàn tay phải ra từ bên dưới; bốn là đi đường sình lầy được dùng một tay vén y; năm là khi trở vào nhà, sợ y dơ, được dùng hai tay vén y.
Không nên mặc Tăng-già-lê, có ba việc: Một là khi làm tháp; hai là khi làm việc cho tăng bốn phương; ba là làm việc của Tỳ-kheo tăng.
Lại có mười việc: Một là vá chưa xong; hai là giặt chưa xong; ba là Sa-di cầm khóa đi ra chưa vào;, bốn là có gió lớn; năm là có mưa;, sáu là lụt lội; bảy là có lửa lớn; tám là gặp quan huyện; chín là gặp trộm cướp; mười là làm việc cùng người nữ.
Lại có năm việc: Một là bùn lầy ẩm thấp; hai là sương móc; ba là trời âm u; bốn là vào núi; năm là đi xa.
Phơi pháp y có năm việc: Một là gió thổi mạnh không được phơi; hai là cứ sáu ngày phải phơi một lần; ba là không được phơi ngang đường đi; bốn là không được phơi quá lâu;, năm là không được xếp ngay mà phải đợi đem vào hết.
Giặt pháp y có năm việc: Một là không được dùng chân đạp; hai là không được dùng hai tay nắm vò; ba là không được dùng hai tay nắm kéo; bốn là không được dùng y áo đùa giỡn với người khác; năm là không được xếp y áo để dưới chiếu.
Lại có năm việc: Một là đặt y trên khăn sạch;, hai là muốn xếp mang vào phải nhận từ tay người khác;, ba là đem vào phải để nơi thường để; bốn là không được đem y khác đặt lên; năm là không được xếp pháp y và nằm lên đó.
Lại có năm việc: Một là không có ba pháp y thì không được vào ngồi giữa chúng Tăng; hai là pháp y không đủ thì không được vào nghỉ trong chùa; ba là đi ra sau nhà rửa tay thì không được mặc y; bốn là đi ra sau nhà chưa dùng nước thì không được lên tháp; năm là đi ra sau nhà phải cởi ca-sa và áo lót.
Gội đầu cạo tóc phải báo, có năm việc: Một là từ ngày mười lăm đến ngày mười lăm phải báo; gội đầu cạo tóc xong phải báo; hai là tắm rửa phải báo; ba là cắt móng tay, móng chân phải báo; bốn là như thường lệ hoặc nhỏ nhặt thì không cần báo; năm là tự biết không đúng thời thì đều không nên báo.
Khi sắp ra đi phải báo, có năm việc: Một là phải đảnh lễ sát đất; hai là phải đứng ngay ngắn nói rõ sự việc; ba là khi đã được chấp nhận thì phải đảnh lễ;, bốn là thầy bảo ở lại thì không được làm trái lời thầy; năm là muốn trở vào phòng để đọc Kinh.
Vào phòng tắm có hai mươi lăm việc: Một là phải cúi đầu mà vào, không được ngó lên; hai là phải ngồi theo thứ lớp, không nên lộn xộn; ba là không được đọc Kinh, nói bậy; bốn là nói lời chúc phúc không được lấy nước rửa; năm là không được lấy nước nóng để dùng; sáu là không được lấy nước rưới vào lửa; bảy là không được quở trách lửa nhiều ít; tám là không được dùng nhiều nước của người khác; chín là không được giặt y, khăn tay ở trong đó; mười là tắm xong phải đi ra ngay; mười một là Hòa thượng, A-xà-lê ở trong đó thì không được vào; mười hai là ba thầy tắm thì đang vào phải quay trở ra; mười ba là ba thầy tắm phải cầm y đứng đợi bên ngoài; mười bốn là đã ra thay y thì phải lấy khăn tắm đem giặt; mười lăm là tự mình vào tắm phải báo; mười sáu là khi vào phải thoa dầu mè; mười bảy là phải dùng đất; mười tám là phải dùng tháo đậu; mười chín là phải dùng tro; hai mươi là phải dùng nước nóng rồi mới dùng nước; hai mươi mốt là phải tụng Kinh ít nhiều; hai mươi hai là phải mang nước đến chỗ tắm; hai mươi ba là không được đứng trước Thượng tọa; hai mươi bốn là nếu không có Thượng tọa thì phải chúc phúc cho đàn việt; hai mươi lăm là khi đi ra không được đứng ngoài gió mà phải mau chóng vào phòng.
Vào nhà sưởi ấm có hai mươi lăm việc: Một là phải ngồi theo thứ lớp; hai là mỗi người tự đọc Kinh; ba là phải tư duy về Đạo; bốn là không được vô phép đến trước Thượng tọa; năm là không cùng người hạ tọa nói chuyện thế gian; sáu là nghe tiếng kiền chùy phải đi lạy Phật; bảy là phải lạy chúng Tăng; tám là không được ngồi chỗ dành cho Thượng tọa; chín là không được quay nhìn hai bên mà nói chuyện; mười là không được khạc nhổ làm dơ đất sạch; mười một là không được quở mắng hạ tọa; mười hai là không được la mắng người đốt lửa; mười ba là không được thoạt ra thoạt vào; mười bốn là không được bước đi gây ra tiếng ồn; mười lăm là khi đi ra phải đóng cửa; mười sáu là nếu cửa đã đóng thì phải khảy móng tay; mười bảy là không được kéo mạnh cửa gây ra tiếng ồn; mười tám là khảy móng tay xong thì phải giữ tâm yên tĩnh mà đọc Kinh; mười chín là tự đọc Kinh không được nói chuyện; hai mươi là người khác đang đọc Kinh không được nói lung tung; hai mươi mốt là đọc Kinh chưa xong không được đứng lên ngồi xuống nhiều lần gây ra tiếng ồn làm loạn tâm ý người khác; hai mươi hai là đọc Kinh chưa xong không được bỏ đi nằm nghỉ trước; hai mươi ba là chúc phúc chưa xong, thì không được mở cửa bỏ đi; hai mươi bốn là phải lạy Phật; hai mươi lăm là phải lạy Thượng tọa.
Vào giảng đường có năm việc: Một là phải đảnh lễ Thượng tọa; hai là không được cởi cà sa đặt trước Thượng tọa; ba là không được lớn tiếng; bốn là không được tụ tập nói cười; năm là Thượng tọa nói Kinh phải chú ý lắng nghe.
Lại có năm việc: Một là khi người khác đang nói Kinh dù đúng hay sai cũng không được ngắt lời giữa chừng; hai là khi họ đã nói xong mới từ từ đứng dậy nêu lên thắc mắc; ba là không được tranh cãi với nhau về Kinh điển bằng ý xấu; bốn là không được nổi giận nằm trên ghế của người; năm là phải tư duy tự trách.
Vấn đáp Kinh có ba việc nên hỏi, ba việc không nên hỏi: Một là người kia mạnh khỏe thì hỏi; hai là lúc người kia vui vẻ thì nên hỏi; ba là người kia tự nói Kinh theo thời thì nên hỏi.
Người kia không khỏe thì không nên hỏi. Người kia không vui vẻ thì không nên hỏi. Người kia đang nói về việc khác thì không nên hỏi.
QUYỂN HẠ
Mười hai hạnh đầu đà là: Một là không được nhận lời thỉnh của người, hàng ngày đi khất thực, cũng không được nhận phần ăn và của cải của chúng Tăng; hai là nghỉ đêm ở trên núi, không nghỉ đêm ở nhà người, ở phố phường, xóm làng; ba là không được xin y phục của người khác, người cho y phục cũng không nhận, chỉ nhặt y người ta vứt bỏ ở nghĩa địa, may vá lại mà dùng; bốn là nghỉ đêm ở bên gốc cây nơi đồng trống; năm là mỗi ngày ăn một bữa gọi là đại thệ nguyện; sáu là ngày đêm không nằm, chỉ ngủ ngồi, tỉnh dậy liền đi Kinh hành, còn gọi là Tăng-nê-sa-kỳ-lũ; bảy là chỉ có ba tấm y, không có y dư, cũng không nằm trên nệm; tám là ở gò mả, không ở trong chùa, không ở trong nhà dân, quan sát hài cốt người chết, ngồi thiền, cầu Đạo; chín là chỉ muốn ở một mình, không muốn gặp người, cũng không muốn nằm chung với người; mười là trước tiên ăn trái cây, sau đó mới ăn cơm, ăn xong không được ăn trái cây trở lại; mười một là chỉ muốn nằm ngủ ngoài trời, không thích ngủ bên gốc cây hay trong nhà; mười hai là không ăn thịt, bơ sữa, không dùng dầu mè thoa lên thân.
Cầm tích trượng có hai mươi lăm việc: Một là vì rắn, trùng; hai là vì tuổi già; ba là vì đi khất thực; bốn là ra vào thấy tượng Phật không được để đầu gậy phát ra tiếng; năm là không được cầm gậy vào trong chúng; sáu là vào buổi chiều không được cầm gậy đi ra ngoài; bảy là không được vác trên vai; tám là không được gác ngang vai và dùng hai tay níu hai đầu; chín là không được dùng tay vung gậy tới lui; mười là không được cầm gậy đến nhà sau; mười một là ba thầy đã cầm gậy đi ra, không được cầm gậy đi ra theo; mười hai là nếu người cùng đi, một người cầm gậy đi ra, những người khác không được cầm gậy ra theo; mười ba là đến nhà đàn việt không được để gậy rời khỏi thân; mười bốn là đến cửa nhà người phải tằng hắng, nếu thí chủ không ra thì phải đi nơi khác ngay; mười lăm là nếu thí chủ đi ra thì phải đặt gậy lên khuỷu tay trái và kẹp lại; mười sáu là gậy ở trong thất, không được đem bỏ nằm dưới đất; mười bảy là phải mang đến để gần giường nằm; mười tám là phải lau chùi; mười chín là không được để đầu gậy rỉ sét; hai mươi là muốn cầm gậy đi ra phải nhận gậy từ Sa-di hoặc bạch y; hai mươi mốt là đến nhà người bệnh nghỉ đêm thì được mang gậy theo vào buổi chiều tối; hai mươi hai là tiễn đi một quãng xa được dùng gậy vào buổi chiều tối; hai mươi ba là đi ngủ đêm ở nơi xa được phép dùng gậy vào buổi chiều tối; hai mươi bốn là đi ở chỗ vắng được phép dùng gậy vào buổi chiều tối; hai mươi lăm là phải thường để gần mình, không được lấy để chỉ người hoặc viết vẽ thành chữ trên mặt đất.
Đến nhà Ưu-bà-tắc có năm việc nên đến: Một là được Tăng sai; hai là được khất thực; ba là A-kỳ-vân; bốn là thọ thỉnh; năm là bệnh đau chết chóc. Còn tất cả các việc khác thì không nên đến.
Tỳ-kheo nói Kinh cho Ưu-bà-di có năm việc: Một là Ưu-bà-di ẵm con nhỏ đến hỏi Kinh thì không nên thuyết pháp cho họ với tâm dâm; hai là nếu khởi ý dâm thì không được bồng đứa bé mà vuốt ve, đùa giỡn; ba là không được ẵm cho ngồi ở bên cạnh; bốn là Ưu-bà-di bảo Tỳ-kheo nói Kinh về kỹ thuật thoa dầu, phải bảo người nam cầm nhành dương đưa cho Tỳ-kheo, người nam đang cầm nhành dương ở trong tay thì hoàn toàn không được nói Kinh; năm là nếu Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di cùng đến hỏi Kinh, Ưu-bà-tắc đi ra ngoài trước Ưu-bà-di thì Tỳ-kheo cũng phải ra, nếu không thì phi pháp.
Tỳ-kheo mới đến có mười đức: Một là lạy Phật xong phải lùi lại đứng hỏi tên họ của vị chủ tọa, chúng Tăng có bao nhiêu vị và tên là gì; hai là phải đảnh lễ Thượng tọa và thăm hỏi Hạ tọa; ba là không được hỏi chỗ nghỉ ngơi; bốn là đối với người phân chia giường chiếu, ngọa cụ của các Tỳ-kheo thì không được khen chê tốt xấu; năm là phải cầu y chỉ A-xà-lê; sáu là phải cúng dường hầu hạ A xà lê; bảy là không được chê Kinh; tám là không được tự ý ra vào; chín là muốn quét tháp phải báo thầy tri sự; mười là muốn ra đi, nếu có ngọa cụ thì phải gởi lại người chủ.
Lại có năm việc: Một là phải lo việc chúng, hai là không được dùng nước sạch ở trong chùa một cách phung phí, ba là không được đến phòng của người khác một cách tùy tiện, bốn là không được đi ngược chiều, năm là không được giẫm đạp lên cây cỏ trong chùa.
Phải làm mười việc để tiếp đãi Tỳ-kheo mới đến: Một là phải nhường phòng cho họ; hai là phải cung cấp những thứ cần dùng; ba là sáng chiều phải đến thăm hỏi; bốn là phải nói cho họ tập quán ở nơi ấy; năm là dạy cho họ tránh những điều kiêng kỵ; sáu là phải chỉ cho họ nơi
khất thực; bảy là phải nói cho họ nghe về nội qui của Tăng; tám là phải nói cho họ biết thức ăn nào được phép ăn;, chín là phải nói những điều cấm kỵ của quan huyện; mười là phải nói về nạn trộm cướp, nơi đó có thể đi, nơi kia không thể đi.
Tỳ-kheo mới đến muốn gặp vị Thượng tọa để xin y chỉ, nhận vị ấy làm thầy A xà lê thì phải tự nói: “Con tên là… nay con đã xa lìa ba thầy. Các vị ấy đã ở cách xa đây ngần ấy dặm, chỉ có một mình con đến đây để học hỏi bởi vì vua ở nước con quấy rối không để chúng con yên nên con đến đây xin quy y Tôn giả. Xin Tôn giả hãy làm thầy A xà lê cho con được y chỉ, Tôn giả chấp nhận sự quy y của con, nhận con làm đệ tử, hãy cho con cùng ở. Con sẽ ở với thầy để làm đệ tử của thầy. Xin Tôn giả hãy theo pháp mà làm thầy A xà lê của con. Con xin đê đầu đảnh lễ, bạch: Vì ba ngôi báu, xin thầy A xà lê hãy nhận làm thầy con, xin hãy dạy con cách ra vào, trong trường hợp có ai bắt buộc, tranh cãi với con. Thầy sẽ có người đệ tử là con, hoặc thầy hoặc con muốn đi hay ở đều được tự do. Sau khi đi, con sẽ trở về nơi ấy. Vì thế xin A xà lê hãy nhận con làm đệ tử”. Nói như vậy ba lần.
Vị thầy phải đáp lời: “Này Hiền giả! Ông hãy nghe ta nói. Nay ông đã thấy Đạo, cần phải thực hành như lời Phật dạy, cần phải giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, phải nhất tâm suy nghĩ Đạo pháp và phải nghĩ đến trí tuệ, phải ngăn ngừa thân, miệng, ý, diệt trừ ba độc, phải làm ba Pháp sự. Đã làm đệ tử Phật thì không được nghĩ và làm việc làm của nhân gian. Ai có thể thực hành như pháp thì chắc chắn sẽ đắc Đạo, vượt khỏi thế gian”.
Thượng tọa dạy xong, ta phải đứng dậy đảnh lễ sát đất rồi đi theo Thượng tọa để nhận y bát. Tỳ-kheo nào muốn nhận bát và ba y nơi A xà lê thì phải nêu lên lý do như bị mất, nước trôi, lửa cháy, trộm cướp, bị rách. Tỳ-kheo ấy phải tự thưa: “Thưa Tôn giả! Bậc Tuệ hạnh tịnh Giới chính là ba thầy của con, xin hãy giúp cho con những thứ cần thiết”. Nói xong ba lần liền đến nhận y bát. Vị A-xà-lê liền giảng dạy:
– Này Hiền giả, hãy lắng nghe. Con người có sáu tình, phải giữ gìn và phải suy nghĩ thanh tịnh. Tuy sự trong sạch ở thế gian không thể giúp ta đạt đến con đường trí tuệ thanh tịnh nhưng ta phải giữ cho trong ngoài thanh tịnh, không dơ bẩn, không rò rỉ, trong ngoài tương ứng nhau thì mới có thể đạt đến con đường thanh tịnh. Vì thế ta phải nương tựa, phải giữ gìn, bảo vệ. Đó là bát. Về y áo thì phải dạy họ thường xuyên trông coi, giặt giũ.
– Này Tỳ-kheo! Giống như người thế gian chăm sóc thân thể, thích tắm gội, xông hương vào y phục, ngọa cụ. Thà để cho thân không an ổn, ý không an ổn chứ không nên vì sự vừa ý mà để y phục bị rách nát. Nếu không giữ y phục hoàn toàn an ổn, chắc chắn thì không thể đạt đến con đường trí tuệ thanh tịnh. Nếu để ẩm ướt thì sẽ bị trùng ăn nát. Giống như trên thân nếu có một chỗ bị thối rữa thì sẽ không được an ổn, không đạt đến con đường trí tuệ. Hoặc như một chỗ trên thân này bị trùng ăn lở loét hoặc đau hoặc ngứa thì sẽ không được an ổn, không thể đạt đến con đường trí tuệ. Vì vậy từ đầu đến cuối phải bảo vệ y, giặt sạch trong ngoài. Đó là trừ tham lam và ít ham muốn, để đạt được sự thanh tịnh của Hiền giả. Đó là việc về y phục.
Thầy A-xà-lê dạy đệ tử y chỉ phải lưu ý mười lăm việc: Một là lúc chúng Tăng nhóm họp, phải dạy đệ tử quan sát trên dưới đúng pháp; hai là chúng Tăng có dạy điều gì thì bảo đệ tử không được phạm; ba là phải dạy đệ tử tùy thuận theo chúng Tăng từ trên xuống dưới; bốn là phải dạy cho họ biết cung kính; năm là phải dạy những việc cấm kị ở nơi đó và các loại thức ăn thích hợp hoặc không thích hợp; sáu là phải chỉ cho họ biết nơi khất thực, nơi có thể đến, nơi không được đến; bảy là nếu có trộm cướp thì phải tránh ở nơi ấy, không nên tránh nơi ấy; tám là nếu đệ tử bệnh đau thì phải chăm sóc; chín là y áo sắp rách thì phải cung cấp; mười là nếu đệ tử đi hay ở cũng không được ngăn cản; mười một là phải trông chừng ý người; mười hai là việc ở phải tùy theo phương tiện; mười ba là khi đến, ai có hỏi thì phải đáp; mười bốn là muốn tưới ướt đất thì phải làm cho thật gọn và nhẹ nhàng; mười lăm là nếu có lỗi thì không được nói: “Ta không nói với ông nữa”. Đó là pháp A-xà-lê dạy đệ tử y chỉ.
Đệ tử y chỉ A xà lê có năm việc: Một là phải thường đến thăm; hai là đến cửa phải khảy móng tay ba lần; ba là bước vào phải đảnh lễ sát đất; bốn là quì hỏi thăm sức khỏe; năm là khi đi ra phải quay lưng về phía cửa lui ra.
Lại có năm việc: Một là sáng chiều phải đến thăm hỏi; hai là thầy gọi liền mặc cà sa đến, không được ở trần mang dép đi vào; ba là phải quét đất, rưới nước, lau giường chiếu; bốn là nếu có việc thì khi ra vào phải báo; năm là đến hỏi Kinh, dù có được hay không cũng không nên có ý lo sợ. Đó là năm việc mà đệ tử y chỉ A xà lê phải làm.
Tỳ-kheo không nên chứa bảy loại thuốc: Một là thuốc làm bằng ngũ cốc; hai là thuốc tiêu; ba là thuốc nôn mửa; bốn là thuốc bổ; năm là thuốc uống kích thích ăn uống; sáu là thuốc độc; bảy là thuốc trị ghẻ,
không có bệnh thì không được dùng các loại thuốc ấy, cũng không được đưa cho người khác dùng, nếu trái lại, phạm tội Đọa.
Tỳ-kheo muốn thâu nhận Sa-di phải có năm việc: Một là phải biết bốn bộ A hàm, hai là phải biết giới, ba là phải biết Kinh, bốn là phải có trí tuệ, năm là phải có đức.
Lại có năm việc: Một là phải giữ giới, hai là không phạm giới, ba là phải hiểu được Kinh, bốn là phải nhẫn nhục, năm là phải tự giữ gìn tất cả. Phải có đầy đủ các việc đó mới được nuôi Sa-di. Nếu không biết đầy đủ thì không được thâu nhận Sa-di.
Tỳ-kheo có thâu nhận Sa-di, phải lưu ý năm việc: Một là Sadi làm việc chúng Tăng chưa xong thì không được sai làm việc của mình; hai là không được bảo Sa-di tìm chỗ tốt xấu của người khác; ba là không được tin lời Sa-di; bốn là không được lớn tiếng mắng Sa-di ở giữa chúng; năm là không được chỉ sai làm các việc cho riêng mình, nên sai làm việc chúng.
Có ba việc không cho Sa-di ở chung: Một là ưa thích hình tướng đẹp, hai là thấy họ liền nổi sân, ba là Sa-di bị bệnh tật.
Có ba việc nên đuổi đi: Một là nói phạm giới không có tội; hai là nói không có Phật, Pháp, Tăng; ba là nói với người khác về sự tốt xấu của Hòa thượng, A xà lê.
Nếu muốn đi xa đem gởi Sa-di cho người khác phải dạy năm việc: Một là phải hỏi trước Sa-di có đồng ý không; hai là hỏi: “Ông theo hầu hạ vị thầy mới có làm vừa ý vị ấy không?”; ba là: “Nếu bị quở mắng, ông không được nói “Không phải là thầy tôi mà mắng tôi là chẳng đúng”; bốn là “Phải hầu thầy mới như hầu ta”; năm là “Nếu vị ấy dạy ông đúng pháp thì không được bỏ đi.”
Khi đem Sa-di đến nơi gởi có năm việc: Một là phải dạy cho Sa-di đảnh lễ sát đất, hai là dạy tự quy y, ba là phải nói: “Xin thầy hãy xem Sa-di tôi như Sa-di của thầy”; bốn là khi tôi từ nơi ấy trở về Sa-di này sẽ tự trở về với tôi; năm là nếu vô thường xảy ra với tôi thì Sa-di này sẽ thuộc về thầy.
Nhận Sa-di của người khác gửi có năm việc: Một là phải dạy đọc Kinh; hai là phải dạy không được phạm giới; ba là phải dạy theo thứ lớp cao thấp trong chúng; bốn là phải dạy đi đứng cho có phép tắc; năm là dạy cung kính mọi người.
Khi chúng Tăng ăn có năm việc: Một là Thượng tọa chưa ngồi thì không được ngồi trước; hai là Thượng tọa chưa nhận phần ăn thì không được nhận phần ăn; ba là Thượng tọa chưa ăn thì không được ăn trước; 100 bốn là Thượng tọa chưa ăn xong thì không được ngừng ăn trước; năm là Thượng tọa chưa đứng dậy thì không được đứng dậy trước.
Nhận phần cơm có năm việc: Một là phải dùng khăn tay mà nhận; hai là khăn nhận đồ ăn phải rộng một thước sáu; ba là phải cầm khăn tay để trên tay đỡ lấy thức ăn; bốn là đầu gối phải ngay thẳng; năm là hai khuỷu tay không được lìa đầu gối.
Lại có năm việc: Một là đã nhận thì không được rời ra; hai là không được quay nhìn hai bên; ba là đã đi ra thì phải lại nhận từ Thượng tọa; bốn là nếu người không bằng lòng thì không được ăn; năm là nếu ở lại đêm mà người không giúp cho những điều kiện thuận tiện thì phải tự thu xếp lấy hoặc nhờ người khác.
Lại có năm việc: Một là không được dùng bàn tay phải hay tay trái giữ bất cứ vật gì; hai là cần xin gì không được gọi lớn tiếng; ba là trao bát của người phải quan sát người xung quanh trên dưới; bốn là trao bát phải dùng tay phải để vỗ lên trên; năm là phải giữ gìn phần đã nhận.
Lại có năm việc: Một là người đến trao vật, dùng tay tiếp xúc xong phải rửa tay; hai là không được cầm đưa lên cao thả vào trong bát; ba là nếu thấy không vừa ý thì không nên ăn, cũng không được cho người hai bên biết; bốn là trong khi ăn không được khạc nhổ trước Thượng tọa; năm là không ăn thức ăn không nên ăn. Nếu ăn, phạm tội đọa.
Lại có năm việc: Một là không được dùng tay xoa vuốt mặt, mắt; hai là tay trái đã dơ không được tiếp xúc với tay phải; ba là nếu tay đã dơ thì không được bưng bát nước; bốn là không được dùng tay dơ sửa y; năm là không được dùng khăn tay lau bàn tay dơ.
Lại có năm việc: Một là chén đặt không ngay thì phải sửa lại cho ngay, không sửa lại thì không được ăn; hai là thức ăn đã rớt thì không nên lượm ăn lại; ba là nếu có người mang thức ăn đến thêm thì phải dùng ngón tay ra dấu nhận; bốn là không thấy thí chủ đến thì không nên ăn; năm là thức ăn ở trước mặt thì không được nếm vị.
Lại có năm việc: Một là lúc ăn cơm không được trung tiện (hạ phong) trên chỗ ngồi; hai là ăn cơm chưa xong, không được khạc nhổ trên đất; ba là muốn khạc nhổ thì khạc nhổ dưới giày; bốn là đã rửa tay thì không được cầm giày trở lại; năm là đã cầm giày phải tự biết tay dơ, không lau chùi thì không được cầm y áo.
Trên đây là bốn mươi điều về ăn uống.
Rửa tay, súc miệng sau khi ăn có năm việc: Một là không được sờ tay lên lưng; hai là không được dùng ngón tay móc trong miệng; ba
là không được hỉ mũi, khạc nhổ vào trong bát; bốn là súc miệng không được nhổ vào trong bát; năm là không được rảy tay lên làm dơ người xung quanh.
Lại có năm việc: Một là cầm khăn tay phải cầm một cách thuần thục, không được vò nát, trước hết phải rửa tay; hai là không được rảy làm ướt chỗ khô; ba là không được dùng tay lau mặt, mắt, mũi, miệng; bốn là không được nói tôi đã có và không được lấy mang đi; năm là phải dùng đúng pháp.
Lại có năm việc: Một là lau bàn tay khô xong phải đặt khăn trên đầu gối; hai là lau xong phải sửa y lại không được đụng chạm người xung quanh; ba là hạ tọa rửa chưa xong không được quở mắng và gọi lại; bốn là chú nguyện không được nói lung tung; năm là chú nguyện chưa xong không được tự ý đứng dậy.
Lại có năm việc: Một là nếu Thượng tọa nói Kinh cho đàn việt nghe thì phải ngồi ngay thẳng lắng nghe; hai là nếu muốn đi làm các việc gấp, phải bạch với thầy; ba là muốn đi đâu gấp phải nói lại với người hạ tọa; bốn là nếu được phân chia tiền thì phải đem cất; năm là khi được trả lại, nếu muốn gửi lại cho người thì không được dùng chân hất, không được quăng ném.
Lúc ăn cơm có mười việc cố nhìn hai bên mà không có tội: Một là phải xem thử Thượng tọa nhận mâm cơm chưa; hai là phải xem phía trước Thượng tọa có đầy đủ mọi vật chưa; ba là phải xem hạ tọa cũng vậy; bốn là khi mọi người đều đã ăn cơm phải xem trước Thượng tọa còn thiếu món gì, món gì hết thì gọi mang thêm; năm là xem hạ tọa cũng vậy; sáu là ăn chưa xong lại phải xem Thượng tọa cần thứ gì; bảy là xem hạ tọa cũng vậy; tám là phải xem Thượng tọa đã ăn xong chưa, nếu mình đã ăn xong trước thì phải thu dọn những vật của mình, không được ngồi nhìn người khác; chín là xem hạ tọa cũng vậy; mười là không được nhận phần cơm trước liền bày ra ăn mà phải đợi người khác.
Tỳ-kheo cầm bình rửa và bồn rửa, có hai mươi lăm việc: Một là tay dơ không được nắm lên tay sạch; hai là tay dơ không được cầm nắm; ba là tay dơ không được che trước miệng; bốn là tay dơ không được bảo châm nước vào thêm; năm là tay tay dơ không được sờ trước cổ; sáu là phải từ dưới nâng lên từ chỗ bụng bình; bảy là nước ít thì chỉ dùng chút ít nước để rửa tay cho sạch; tám là phải ra múc thêm nước vào rồi mới rửa kĩ; chín là muốn lấy thêm nước rửa thì trước hết phải rửa tay ba lần cho sạch; mười là muốn đổ nước vào thùng chứa thì phải xúc thùng ba lần rồi mới đổ đầy vào; mười một là muốn cầm vào thì không được đứng ở giữa đường; mười hai là để ở nơi kín; mười ba là bên dưới gáo múc nước phải có cán để cầm; mười bốn là phải đậy nắp bên trên; mười lăm là phải đựng đầy nước; mười sáu là khi cầm thau rửa không được kéo gây tiếng động; mười bảy là không được làm dơ phần bên cạnh; mười tám là không được đựng cơm bên trong; mười chín là đổ nước dơ; hai mươi là đổ nước không được hắt ra xa mà phải đổ từ từ; hai mươi mốt là rửa bồn trước hết phải rửa cho sạch bên trong, bên ngoài; hai mươi hai là cầm bồn rửa nếu tay dơ thì không được thọc tay vào để lấy nước súc miệng; hai mươi ba là nếu tay dơ thì không được cầm gáo múc nước súc miệng; hai mươi bốn là không được lấy nước ở dưới bếp để rửa gáo múc nước; hai mươi lăm là trong ngoài đều phải rửa ba lần rồi mới đem vào; muốn lấy gáo bỏ vào bồn thì không được bỏ mạnh gây ra tiếng ồn.
Dùng khăn tay, có năm việc: Một là để lau phần trên dưới đầu; hai là phải dùng một đầu để lau tay, dùng một đầu để lau mắt, mặt; ba là không được dùng để lau mũi; bốn là sau khi dùng để lau chất bẩn thì phải giặt ngay; năm là không được lau thân thể, nếu tắm gội thì có khăn khác.
Khi đắp Tăng-già-lê-mà cầm khăn tay, có năm việc: Một là không được để đầu khăn thò ra ngoài; hai là không được cầm khăn trắng; ba là phải nhuộm khăn thành màu đen; bốn là không được lau mặt; năm là khi ăn phải lấy che trên đầu gối, ăn xong phải lấy xuống, nếu không lấy xuống, có người đảnh lễ hoặc đứng dậy thì phải xếp khăn ấy lại.
Trong Tỳ-kheo Tăng có bảy hạng người không nên làm quản chúng và trực nhật: Một là tuổi già không thể làm việc; hai là bệnh sởi, nhọt không sạch sẽ; ba là bệnh lâu ngày hết sức gầy ốm; bốn là được chúng sai nuôi bệnh; năm là Thượng tọa; sáu là người tri sự; bảy là người gánh vác công việc trong một năm.
Bảy hạng người ấy đều không nên làm. Nếu có ai cưỡng lại không chịu làm thì không nên quở trách hỏi han. Đó mới chính là pháp khí cho đời sau.
Làm thầy coi kho phải thực hành một trăm sáu mươi đức.
Làm người trực trong một tháng phải thực hành sáu mươi đức.
Người trực nhật trong một ngày phải thực hành mười đức.
Người tri sự phải thực hành ba mươi đức.
Người trực trong một năm phải thực hành mười đức.
Năm hạng người trên cứ thực hành như vậy trong một thời gian lâu dài sẽ đạt được Đạo vô vi, vượt khỏi nhân gian.
Làm thầy trụ trì phải có mười lăm đức: Một là vì Phật; hai là vì Pháp; ba là vì chúng Tăng; bốn là phải tiếc vật của chúng; năm là phải tiếc vật của Tăng bốn phương; sáu là phải tiếc vật của Tỳ-kheo Tăng; bảy là phải biết việc Phật; tám là phải biết việc của Tăng bốn phương; chín là phải biết việc của chúng Tăng; mười là không được mang vật của tháp để vào vật của chúng Tăng bốn phương; mười một là không được mang vật của tháp để vào vật của chúng Tăng; mười hai là không mang vật của Tăng bốn phương để vào vật của tháp; mười ba là không được lấy vật của Tăng bốn phương để vào vật của chúng Tăng; mười bốn là không được mang vật của chúng Tăng để vào vật của tháp; mười lăm là không được lấy vật của chúng Tăng để vào vật của Tăng bốn phương.
Lại có mười lăm đức: Một là muốn làm việc gì phải bạch và báo với chúng; hai là không được cắt xén vật của chúng để sử dụng riêng; ba là không được mang vật của chúng đem cho người thân; bốn là không được lấy vật của chúng Tăng đem bố thí để cầu danh; năm là phải luôn bảo vệ ngọa cụ của chúng Tăng; sáu là nếu có ai đau bệnh thì phải chăm sóc và đem cho các thứ cần thiết; bảy là phải cung kính chăm sóc chúng Tăng; tám là làm thức ăn cho chúng Tăng phải sạch sẽ; chín là phải theo ý của Bà-la-môn; mười là giống như thờ quỉ thần không khác; mười một là không tự ý giận vui; mười hai là muốn sạch sẽ thì không được ở trần làm việc dưới bếp; mười ba là buổi chiều tối phải thường lần lượt đi xem xét các phòng, xem các phòng Tỳ-kheo đã đóng cửa chưa. Nếu thấy người lạ thì không được la hét liền mà nên hỏi họ có phải là Sa-môn không; nếu đúng vậy thì cho họ ở đến sáng hôm sau, mười bốn là không được lánh nặng tìm nhẹ, quét bỏ vật lạnh vào chỗ nóng, mười lăm là không được quét bỏ vật nóng vào chỗ lạnh. Đó là mười lăm việc.
Khi ăn ở trong nhà ăn, người tri sự trông coi công việc trong chùa phải thực hành hai mươi lăm đức: Một là đã xếp mâm không thì phải đích thân đi xem xét tất cả có sạch sẽ không; hai là không được xếp mâm không trước tiên; ba là Thượng tọa đã có mặt thì nên phân cơm; bốn là tất cả đều đã được phân phát thì đem cho Sa-di hoặc bạch y;, năm là ba thầy ở trong ấy thì không được mang thêm, sáu là phân chia bình đẳng từ trên xuống dưới; bảy là phân cơm xong phải dùng tay làm cho bằng phẳng; tám là muốn phân chia canh phải dùng muỗng khuấy ba lần rồi mới châm; chín là phải phân đều cái và nước; mười là không được múc canh trong nồi bỏ ngay vào bát của người, mà trước hết phải phân vào đồ đựng khác; mười một là không được nói cười lúc phân chia thức ăn; mười hai là không được từ xa gọi lớn bảo đem phần của tôi đến; mười ba là trong chúng có người không ăn canh thì mang thêm cho vị ấy món thích hợp; mười bốn là nếu trong chúng có gì không vừa ý thì không được quở mắng tại chỗ ngồi; mười lăm là phải nghĩ đến việc nuôi bệnh; mười sáu là lúc ăn cơm người mang vật đến phải lập tức phân chia ngay không được nói để dành đến ngày hôm sau; mười bảy là phải mau châm canh; mười tám là phải châm thêm cơm cho hết; mười chín là không được ngồi chồm hổm ở trong mà ngó chúng Tăng; hai mươi là không được ở cách xa Tăng và bỏ đi trước; hai mươi mốt là khi chúng Tăng đều đã ăn phải đích thân đi xem có ai ăn không đủ thì mang thêm cho họ; hai mươi hai là không được đứng lớn tiếng gọi những người đi theo kiểm tra các vật đựng thức ăn; hai mươi ba là đậy nắp không được gây ra tiếng hoặc vất bỏ dưới đất; hai mươi bốn là phải sai người chuẩn bị các dụng cụ như chỗi quét, nước rửa, khăn tay; hai mươi lăm là phải đứng đợi tăng chú nguyện xong, phải thưa rồi mới đi ra.
Dưới bếp có hai mươi lăm đức: Một là làm thầy trụ trì phải hết sức nhẫn nhục; hai là phải làm theo Phật pháp, cung kính, bình đẳng đối với người trên kẻ dưới; ba là nếu có ai theo xin vật gì, nếu có thì phải cho không được nói dối là không có; bốn là phải thức dậy sớm đi xem xét chuẩn bị tất cả mọi thứ; năm là tất cả những người được tăng sai đi nếu cần mua bán gì thì phải cung cấp cho họ, không được bảo đi xin; sáu là muốn gọi lại để nhờ thì không được ở xa lớn tiếng gọi; bảy là khi làm việc gì cũng đều không được để đồ vật gây ra tiếng động lớn; tám là phải luôn làm vừa lòng Chúng, không được bắt buộc họ; chín là nếu người đem cơm, vật khác dù nhiều hay ít thì phải lập tức bạch Chúng để chú nguyện, không được nhận một mình rồi bảo thí chủ đi; mười là lập tức phân chia khắp, giả sử đã quá giờ thì phải cất lại, không được nếm trước; mười một là nếu đàn-việt đến bảo muốn làm cơm, chưa thấy họ mang gì đến thì không được nói với mọi người. Nếu chủ nhân cầm tiền đến để làm cơm cho chúng Tăng thì người trụ trì cùng thí chủ bàn bạc rồi cùng làm, không được đảm nhận một mình; mười hai là múc nước không được quăng mạnh gàu xuống giếng làm đục nước; mười ba là không được tự chọn gạo; mười bốn là rửa nồi phải thay nước ba lần cho sạch; mười lăm là không được đem nước sôi trong nồi rưới vào rãnh nước; mười sáu là không được vô cớ nhóm bếp; mười bảy là không được quét cỏ tươi làm đứt gốc; mười tám là không được đem râu, rễ, lá tươi bỏ vào lửa; mười chín là không được mang thức ăn, cơm đổ vào nguồn nước; hai mươi là tất cả đồ đựng thức ăn đều phải đậy bên trên, không được để cho dính bụi đất; hai mươi mốt là không được bảo người làm dư phần, giả sử tăng không ăn thì phải đem cất; hai mươi hai là không được đem vật của chúng cho người thân để cầu ơn huệ; hai mươi ba là đậy cất thì phải đích thân đi xem có chắc chắn không; hai mươi bốn là không được phân thức ăn hôm nay để sang ngày mai; hai mươi lăm là không được mang thức ăn ngày mai làm thức ăn hôm nay.
Có bảy việc để phục vụ Tỳ-kheo mới đến: Một là họ mới đến nơi liền hỏi sức khỏe, hai là phải theo thứ tự lớn nhỏ, ba là phải cung cấp phòng ốc, bốn là phải cung cấp ngọa cụ, mền gối; năm là phải cung cấp đèn, sáu là phải nói những nội quy chính của Tỳ-kheo tăng, bảy là phải nói phong tục của vùng đó.
Sai người đi chợ mua sắm có năm việc: Một là dạy họ không nên tranh cãi với người; hai là dạy phải mua vật thanh tịnh; ba là không được sai họ xâm phạm của người; bốn là không được đi quá nhanh; năm là phải theo ý người.
Mua thịt, có năm việc: Một là thấy thịt còn nguyên chưa cắt ra thì không nên mua ngay; hai là người đã cắt xả ra mới nên mua;ba là nếu thấy thịt ít thì không được mua hết; bốn là nếu thịt thiếu thì không được tùy tiện tăng thêm tiền để lấy; năm là nếu thịt đã hết không được nói sẽ mua nhiều.
Dạy người múc nước, có năm việc: Một là phải bảo rửa sạch gàu nước; hai là phải bảo đặt ở nơi kín; ba là phải che bên trên cho sạch; bốn là không được múc nước dơ; năm là nước đã bị người khác làm dơ thì không được dùng lại.
Dạy người chẻ củi có năm việc: Một là không được chẻ ở chỗ giữa đường; hai là phải coi cán búa có chắc chắn không; ba là không được sai chẻ củi có cỏ tươi;bốn là không được tùy tiện chẻ ván dành để làm tháp; năm là đem cất ở nơi khô ráo.
Dạy người chọn gạo, có năm việc: Một là phải tự lượng nhiều ít; hai là không được có cỏ rác; ba là lựa bỏ cứt chuột; bốn là không được để có vỏ trấu; năm là để nơi đất sạch.
Dạy người vo gạo, có năm việc: Một là phải dùng thau chắc chắn; hai là dùng nước sạch; ba là thay nước năm lần cho sạch; bốn là để ở nơi kín đáo; năm là đậy bên trên cho kín.
Rửa nồi, có năm việc: Một là không được dùng nước tạt mạnh vào đáy nồi; hai là đổ nước dơ ở trong nắp trong thau ra; ba là thêm nước vào cho nay; bốn là rửa sạch nắp gỗ đậy lên trên; năm là ngày đêm che đậy trông chừng cho chắc chắn.
Đốt lò, có năm việc: Một là nhóm lửa không được đốt củi ướt; hai là không được đốt củi tươi; ba là không được đảo ngược củi lại mà đốt; bốn là không được tự dùng miệng thổi cho lửa cháy; năm là không được dùng nước nóng rưới cho lửa tắt.
Dạy người nấu cơm có năm việc: Một là dạy phải đợi hơi bốc lên mới xới cơm; hai là theo hơi bốc lên mà chụm lửa từ từ; ba là giữ nồi đất cho ngay không được để hơi thoát ra; bốn là bỏ gạo vào nồi đất và đậy kín; năm là đã chín thì bưng xuống và cũng phải đậy đừng để hở.
Lặt rau có năm việc: Một là phải bỏ gốc; hai là phải lặt cho đều; ba là không được để lẫn xanh và vàng; bốn là phải bảo rửa cho sạch; năm là dạy hơ lửa, tác tịnh rồi mới được dùng.
Nấu canh có năm việc: Một là dạy bỏ vật nấu vào theo thứ lớp; hai là phải nấu cho chin; ba là nếm cho vừa ăn; bốn là phải trông coi cho sạch sẽ; năm là khi đã chín phải tắt lửa và đậy lại.
Dạy người rửa mâm và tất cả các dụng cụ ăn uống, có năm việc: Một là phải thay nước ba lần cho sạch; hai là lau cho sạch; ba là bày mâm cách hai tấc; bốn là phải ngồi trên ghế cho chắc chắn để rửa; năm là không được làm dơ y của chúng Tăng.
Kiền chùy, có năm việc: Một là khi hội họp thông thường; hai là vào giờ ăn sáng; ba là giờ ăn trưa; bốn là giờ nhóm họp buổi chiều; năm là tất cả những lúc cần tập họp đột xuất.
Lại có bảy pháp: Một là quan huyện; hai là lửa lớn;ba là nước lớn; bốn là trộm cướp; năm là tập họp Sa-di; sáu là tập họp Ưu-bà-tắc; bảy là gọi thị giả riêng.
Lại phải biết mười hai lúc đánh kiền chùy: giờ hội họp thông thường đánh hai mươi tiếng từ nhỏ, đến vừa, đến lớn; hai mươi mốt tiếng vừa, mười tiếng nhỏ rồi lại đánh ba tiếng. Giờ ăn sáng đánh tám tiếng lớn. Giờ ăn trưa đánh một hồi. Nhóm họp cũng đánh một hồi. Tập họp Sa-di đánh ba tiếng, tập họp Ưu-bà-tắc đánh ba tiếng. Khi tập họp đột xuất thì tùy theo thời mà đánh. Gặp quan huyện, nước, lửa, trộm cướp cũng tùy theo thời. Gọi thị giả riêng thì đánh một tiếng, kế đó đánh một hồi cho đến khi kiền chùy không còn phát tiếng ngân.
Có một trăm sáu mươi việc khi hội họp thầy quản kho phải làm.
Khi tập họp trong hội dâng thức ăn và tổ chức yết ma có năm việc: Một là phải lạy Phật; hai là phải lạy chúng Tăng; ba là phải ngồi theo thứ lớp; bốn là không được ngồi mạnh trên giường phát ra tiếng động; năm là phải dành chỗ cho Thượng tọa.
Lại có năm việc: Một là không được tranh ngồi trên dưới; hai là phải cung kính Thượng tọa; ba là phải theo pháp lệnh của chúng; bốn là nếu được quản chúng phân công trực nhật hoặc làm việc gì thì phải nghe theo như pháp;năm là khi đã hoàn tất;đứng dạy phải qua bạch Hòa thượng, A-xà-lê.
Nhận trực nhật có năm việc: Một trước là phải nhận chìa khóa cửa; hai là phải thường lau chùi tượng Phật; ba là phải thường lau chùi lư hương; bốn là phải thường lau chùi bóng neon; năm là phải ngồi ngay ngắn trên chiếu để nhận nhiệm vụ.
Quét trên tháp có năm việc: Một là không được mang giày lên; hai là không được quay lưng về phía Phật mà quét tháp; ba là không được mang đất sét trắng ném xuống phía dưới; bốn là phải hạ hoa héo ở tượng Phật xuống; năm là phải rửa tay mới được cầm khăn sạch và trở vào.
Lau tượng Phật có năm việc: Một là phải cầm cho chắc; hai là thường lau cho sạch; ba là không được dùng tay vuốt ve mặt,mắt và ngón tay; bốn là phải đích thân trích tiền mua hoa; năm là bố thí cho người rải hoa dâng Phật.
Quét dưới tháp có năm việc: Một là phải rưới nước trước; hai là rưới phải cho đều; ba là phải đợi khô; bốn là không được quét ngược; năm là không được quét ngược gió.
Quét dọn lại có năm việc: Một là không được quét đất trắng; hai là phải dùng tay nhổ cỏ; ba là phải đem đất đổ ở chỗ thấp; bốn là không được quét chừa lại bốn góc; năm là phải quét sạch sáu bộ trước tháp (một bộ bằng 1,5 mét).
Khi có đại hội chúng Tăng, quét dọn giảng đường có bảy việc: Một là phải dậy sớm đi xem cửa đã mở chưa; hai là phải kiểm tra xem đèn nào hết dầu thì gom lại để ở nơi thường để; ba là phải lau chùi tượng Phật và đem bỏ hoa hôm trước; bốn là phải đốt hương để trước Phật; năm là phải đốt ngọn đèn lớn để giữa nhà rồi sửa lại ghế ngồi của chúng Tăng cho ngay ngắn; sáu là khi chúng Tăng đã hội họp xong phải từ từ rưới nước lên đất; bảy là phải quét dọn đất trở lại.
Rưới nước lên đất có năm việc: Một là phải đi lui; hai là phải nhẹ tay; ba là phải rưới đều khắp; bốn là phải đợi khô; năm là không được làm dơ y áo của người khác.
Quét đất tháp có năm việc: Một là không được xoay lưng về phía Phật; hai là không được rảy tay làm dơ chân người; ba là không được quét bỏ đất trắng; bốn là phải tự tay đem bỏ rác; năm là không được bỏ ngay giữa đường cái cũng không được ném bỏ trong nước và trong 10 nhà xí.
Kiểm tra đèn có năm việc: Một là không được dập bấc đèn; hai là phải rót thêm mỡ, làm ngọn đèn lớn đốt để trước Phật; ba là phải đem đèn hết dầu đặt ở nơi thường để; bốn là không được sơ ý để làm vỡ; năm là nếu làm mất vật thì phải phải mua bồi thường và để nơi thường để.
Đốt hương đặt trước tượng Phật có ba việc: Một là không thay lửa cũ ở trong đó; hai là phải đích thân rút hương; ba là phải đem cho người.
Sửa sang giường chiếu chúng Tăng có ba việc: Một là phải yên ổn và làm cho chân giường chắc chắn; hai là phải chú ý quét dọn lau chùi cho sạch sẽ; ba là phải lau chùi khắp giường không được để dơ y của Tỳ-kheo.
Chuẩn bị lư hương có ba việc: Một là phải gạt bỏ lửa cũ, lấy hương bỏ qua một phía; hai là phải lau chùi cho sạch rồi mới nhóm lửa, lấy hương cũ bỏ vào; ba là đốt lửa không được đốt cháy quá hừng, cũng không được quá ít làm lửa mau tắt.
Đốt đèn có năm việc: Một là phải dùng khăn sạch lau bên trong, bên ngoài cho sạch; hai là phải làm sạch bấc; ba là phải tự làm dầu mè; bốn là không được đổ đầy dầu mỡ, cũng không được đổ ít; năm là phải giữ cho chắc, không được treo ở giữa đường làm trở ngại và làm dơ người.
Đó là pháp trực nhật. Thực hành như trên thì sẽ được phước.
Trên đây là sáu mươi việc mà người trực nhật nên làm.
Người tri sự có mười lăm đức lớn: Một là chỉ vì Phật; hai là chỉ vì Pháp; ba là chỉ vì Tăng; bốn là chỉ vì Hòa thượng A xà lê; năm là do rời bỏ gia đình làm Sa-môn; sáu là làm chủ mà biết tha thứ cho những người xung quanh; bảy là đối xử tốt với những người xung quanh; tám là trong chúng có người phạm lỗi không được rêu rao lung tung nói cho người khác biết mà phải khéo léo xử phạt; chín là có một người phạm lỗi, chúng muốn phạt phải thỉnh ý cả của chúng, không được tự quyết định một mình; mười là phải có đức; mười một là phải được lòng đànviệt; mười hai là Tỳ-kheo ở bốn phương đến mà y áo bị rách thì xin may y áo cho họ; mười ba là tất cả đồ ăn uống phải dùng chung; mười bốn là chăm sóc bệnh nhân một cách bình đẳng; mười lăm là nghe có Tỳ-kheo bệnh thì phải đến chăm sóc.
Lại có sáu việc: Một là không được mang vật của Tăng bốn phương bỏ vào vật của tháp; hai là không được mang vật của Tăng bốn phương bỏ vào vật của Tỳ-kheo; ba là không được mang vật của tháp bỏ vào vật của Tăng bốn phương; bốn là không được mang vật của tháp bỏ vào vật của Tỳ-kheo; năm là không được mang vật của chúng Tăng bỏ vào vật của tháp; sáu là không được mang vật của chúng Tăng bỏ vào vật của Tăng bốn phương.
Lại có ba việc: Một là không được che giấu tất cả các thứ từ lông tóc đến vô số các thứ khác; hai là từ Sa-di trở lên, nếu có bệnh tật, y bị rách thì phải mua y khác cho vị ấy thay, không được lấy đó làm ân huệ hay cầu tiếng khen và phải làm một cách bình đẳng; ba là vật của hết thảy tháp hoặc vật của Tăng bốn phương thì không được dời đổi qua lại. Hãy làm như vậy không được hưởng phước ấy trước. Ai làm được như vậy thì có thể làm tri sự.
Lại có bốn việc: Một là từ ngày rằm tháng tư đến ngày rằm tháng bảy phải cùng với các Tỳ-kheo kiểm tra vật dụng và nêu ra đầy đủ. Sau khi kiểm tra xong phải báo cho đại chúng đều biết. Những vật còn lại phải rõ ràng; hai là từ ngày rằm đến ngày rằm thì thầy quản chúng và Tăng phải cùng nhau bàn luận nghĩ nhớ những việc bất thường,đó là bốn việc phải làm; ba là nếu có Tỳ-kheo muốn đến gặp vị kia, giả sử vào ban đêm vị ấy theo hỏi ba pháp sự, hỏi về tháp, hoặc tượng Phật hoặc các vật của Tăng, hoặc hỏi về Tỳ-kheo Tăng, hoặc tên họ của đàn-việt thì cần phải trả lời cho họ biết đầy đủ về tất cả các câu hỏi đó; bốn là nếu bậc tôn trưởng trong nước hoặc đàn-việt chủ chùa đem nhiều hoặc ít vật đến thì phải bạch cho Tăng biết.
Nghe đầy đủ bốn việc như vậy thì hiền giả đã gặp rồi thì sẽ không nhầm lẫn nữa, đó là công năng của vị tri sự tự làm thanh tịnh vượt khỏi nhân gian.
Người lo công việc một năm, có mười đức: Một là tận lực đối với ba pháp; hai là nếu có Tỳ-kheo từ phương xa đến phải cung nghinh đón làm cho an ổn; ba là phải cấp cho họ giường chiếu hoặc đèn từ ba đến bảy ngày; bốn là giả sử các phòng đều đủ người thì phải tự sắp xếp nhường chỗ mình cho khách; năm là phải thường đến chăm nom thăm hỏi; sáu là phải nói cho họ nghe tập tục ở nơi đó; bảy là phải quan tâm về sự không đầy đủ; tám là nếu trong nhóm có người tranh cãi thì không được trợ giúp mà phải thường hòa giải cho an ổn; chín là ban đêm nếu có việc gì không vừa ý thì phải cố gắng giữ im lặng, không được la mắng ở trong chúng, cũng không được gọi người khác cùng làm người chủ không vừa ý; mười là không được cùng thầy tri sự tranh cãi hơn thua, phải thường nói việc ấy ở giữa chúng, cũng không được lấy vật của ba pháp đem phân phát để tạo ân huệ cho mình. Người thực hành đúng pháp thì có thể làm người trực một năm và biết nguyên nhân sanh ra vạn vật.
Có năm việc: Một là năm việc trong bốn thời; hai là dòng họ; ba là tự nhiên; bốn là ban cho; năm là công đức. Do năm việc này, người trực nhật chắc chắn sẽ được giác ngộ.
Người sử dụng kiền chùy có năm việc: Một là phải tụ họp; hai là phải tập họp để đọc Kinh; ba là Bố taut; bốn là tập hợp chúng Tăng để thọ trai; năm là dành cho tất cả các cuộc hội họp bất thường.
Lại có năm việc: Một là khi đánh kiền chùy thì trước hết nên xem thử sớm hay muộn; hai là phải nên báo với Thượng tọa; ba là nên báo với đàn-việt đem thực phẩm đến và xem Tăng đủ hay chưa; bốn là nên làm vừa lòng chúng Tăng; năm là phải ngồi theo thứ lớp trong Tăng, không được đứng dậy nhiều lần.
Lại có năm việc: Một là không được ngồi đối mặt với tăng; hai là không được tự ý trách phạt người khác; ba là nói năng phải thuận với ý của người khác; bốn là thưa lại sự việc không được thêm bớt vào lời nói của người; năm là nếu có phân chia vật gì thì phải phân cho đều.
Lại có năm việc: Một là nếu trong Tăng có người không như pháp thì không nên quở mắng ngay ở giữa chúng; hai là không được làm trái lệnh của Tăng; ba là không được thường rời bỏ chúng Tăng mà đi lung tung; bốn là đã phạm tội thì phải xin sám hối chúng Tăng, nếu có nói lời không nên nói, chia phần không đều thì xin tăng xả tội cho; năm là sau khi thưa xong, không được đi ra trước.
Lại có năm việc: Một là sáng chiều phải đi thăm bệnh; hai là hàng ngày phải đi thăm hỏi các bậc Thượng tọa; ba là phải đến an ủi các nhà đàn-việt; bốn là nếu có các Tỳ-kheo ở xa đến thì phải giúp đỡ họ; năm là nếu có đồng học qua đời thì phải coi ngó việc chôn cất họ.
Đó là hai mươi lăm đức của người tri sự.
Nhờ việc trên, ta có năm loại phước: Một là đời sau, dù sanh ở đâu, nếu bị bệnh tật nằm liệt giường sẽ có người tự nhiên mang thần dược đến điều trị; hai là đời sau ở nơi nguy hiểm gặp tai nạn mà không hề hay biết thì tự nhiên có người báo cho biết; ba là về sau, nếu ở chỗ không có gạo, nước thì tự nhiên sẽ có người mang thức ăn thơm ngon đến cho; bốn là đời sau nếu bị đói khát ở nơi không an ổn thì tự nhiên sẽ có người mang cam lộ đến cho; năm là đã hưởng phước này, đời sau sẽ được thần túc và đắc Đạo.
Đánh kiền chùy tập họp chúng, trước hết phải đánh tiếng nhỏ, kế đó đánh ba mươi tiếng, kế đó đánh hai mươi tiếng, kế đó đánh mười tiếng rồi đánh năm tiếng nhỏ, đánh ba lần như vậy, sau đó đánh ba tiếng lớn.
Khi tập họp Sa-môn phải đánh ngay bốn mươi tiếng lớn, sau đó đánh ba mươi tiếng, kế đó đánh hai mươi tiếng, kế đó đánh mười tiếng rồi đánh năm tiếng nhỏ, đánh ba lần như vậy, sau đó đánh ba tiếng lớn.
Khi Bố tát, trước hết đánh bảy tiếng nhỏ, rồi đánh năm mươi tiếng lớn, kế đó đánh bốn mươi tiếng, kế đó đánh ba mươi tiếng, kế đó đánh hai mươi tiếng, kế đó đánh mười tiếng nhỏ, đánh ba lần như vậy sau cùng đánh ba tiếng lớn.
Khi Tăng thọ trai, trước hết đánh bốn tiếng lớn, sau đó đánh hai mươi tiếng, kế đó đánh mười tiếng, kế đó đánh mười tiếng nhỏ, kế đó đánh năm tiếng, đánh ba hồi như vậy.
Khi đánh phải xét xem lý do, nếu chẳng phải thời thì không nên đánh. Có khi trước đánh mau sau đánh chậm, có khi trước đánh chậm sau đánh mau. Đó là cách đánh kiền chùy của người tri sự.
Khi đến tập hợp phải có năm việc: Một là nghe tiếng kiền chùy, lập tức phải mặc cà sa đi ra khỏi cửa như pháp; hai là khi đến bên ngoài cửa giảng đường, phải dừng lại sửa cà sa, lấy mũ xuống rồi mới vào; ba là nếu có tượng Phật thì phải đảnh lễ Phật rồi mới đảnh lễ Tăng; bốn là phải ngồi theo thứ lớp và hướng về Thượng tọa; năm là phải làm theo Thượng tọa, Thượng tọa ngồi thì ngồi theo, Thượng tọa ngồi xổm thì ngồi xổm theo.
Ngồi xổm có năm việc: Một là hai chân không được giao nhau; hai là không được đưa hai chân ra phía trước; ba là không chống hai tay và rung hai chân; bốn là không được chống một chân và duỗi một chân; năm là không được đưa chân lên xuống.
Ngồi ngay ngắn có năm việc: Một là không được dựa vào vách; hai là không được chống hai tay phía trước; ba là không được chống khuỷu tay lên giường; bốn là không được nằm sấp và dùng hai tay ôm lên đầu; năm là không được dùng ngón tay chống cằm.
Lại có năm việc: Một là không được dựa vai của người ngồi hai bên; hai là không được tự tiện đến ngồi cạnh Thượng tọa; ba là không được quát lớn tiếng người quản chúng hoặc hạ tọa; bốn là không được cởi cà sa bỏ ở phòng Thượng tọa mà đi ra; năm là không được lắc lư làm giường phát ra tiếng.
Lại có năm việc: Một là muốn ra ngoài là phải sửa cà sa cho ngay không được để so le; hai là muốn sửa cà sa phải trông chừng hai bên đường đừng để cà sa quét vào mặt người; ba là khi đứng dậy phải nhìn xuống đất, không được nhìn xa quá sáu thước; bốn là đứng dậy đi ra không được để cà sa dính đất; năm là khi đi phải nhìn thẳng phía trước không được nhìn hai bên.
Lại có năm việc: Một là Thượng tọa nói Kinh, không được từ bên dưới mà sửa sai; hai là giả sử có các Thượng tọa tranh luận với nhau, không được ở bên dưới mà trợ giúp; ba là hạ tọa cùng tranh luận, nếu họ có thưa gì thì không được bắt buộc họ ngưng; bốn là người tri sự đến trước măt thưa việc gì, muốn sai họ làm, Thượng tọa phải ngồi dậy và bên dưới phải trả lời “Vâng”; năm là không được nói “đến phiên Thượng tọa nào thì vị đó phải làm,” “vị hạ tọa nào phải đến trước tôi và làm việc ấy.”
Lại có năm việc: Một là đã tự bãi bỏ, không được sau đó lại nói “Việc tôi làm hôm đó là vì bị bắt buộc”; hai là không được nói “Hôm nay tôi muốn vấn nạn, muốn sử dụng việc ấy nên sắp đặt như vậy”; ba là Hòa thượng A-xà-lê có quở trách điều gì thì phải nghe theo. Nếu họ dạy đi đến đâu trước để làm việc gì thì phải y theo lời; bốn là nếu quay về chung thì không được vào cửa trước thầy, phải đi theo sau, hoặc đi bên phải thầy, không được giẫm bên bóng của thầy; năm là được người muốn mời ở lại ăn thì phải báo cho thầy rồi mới đi, không được tự tiện ở lại để ăn.
Lại có năm việc: Một là có người kiên quyết giữ lại dùng cơm mà không báo với thầy, ăn xong phải lập tức xin đi, không được ngồi cho đến tối; hai là nếu đến tối mới về thì phải tự sám hối việc ấy; ba là không được ở nơi kín tự khoe: “Hôm nay chỉ có một mình tôi ở lại dùng cơm, cần gì cũng có”; bốn là không được nói với mọi người: “Hôm nay tôi phải mang cơm về mà người ấy cố giữ tôi lại ăn cơm làm cho bụng tôi không an”; năm là khi quay về phải vào thất tư duy, Kinh hành, suy nghĩ về Đạo, không được đến thất người khác nói chuyện nhân gian.
Khi vào Chúng Bố tát có năm việc: Một là không được mang giày da vào chúng; hai là không được chống tích trượng đi vào Chúng; ba là không được cầm quạt tre, khăn tay trắng vào chúng; bốn là không được mang dép trắng vào Chúng; năm là không được mang guốc vào Chúng.
Lại có năm việc: Một là khi chúng Tăng tập họp, không được chỉ mặc ca-sa đi vào chúng; hai là không được đứng giữa cửa giảng đường mà dòm ngó chúng Tăng; ba là không được ngồi xổm ngoài cửa nghe Tăng nói; bốn là không được đứng giữa cửa lớn tiếng gọi người ở trên; năm là giả sử cửa giảng đường đã đóng, không được nắm kéo ra, nếu muốn vào gấp thì phải khảy móng tay ba tiếng.
Lại có năm việc: Một là đã đọc Giới Kinh, không nên làm lễ trở lại; hai là phải cúi đầu từ trên hạ dần xuống thấp; ba là không được lấn chỗ người; bốn là không được nói chuyện lăng xăng; năm là khi đã ngồi yên, không được nói: “Hôm nay vì sao Tăng họp sớm vậy?”
Lại có năm việc: Một là khi mọi người bàn bạc thì không được nói đùa; hai là không được khạc nhổ lung tung dưới đất; ba là không được dùng tay nâng đầu gối; bốn là không được dùng tay chống đầu nằm ngủ; năm là không được há miệng lớn mà thổi.
Đến nhà sau có hai mươi lăm việc: Một là khi muốn đi đại tiểu tiện trên đường đi không được đảnh lễ Thượng tọa; hai là cũng không nhận sự lễ bái của người; ba là khi trở vào phải cúi đầu, dòm xuống đất; bốn là khi đến phải khảy móng tay ba tiếng; năm là đã có người khảy móng tay trở lại thì không được hối thúc; sáu là sau khi đến chỗ, phải khảy móng tay ba tiếng rồi mới ngồi; bảy là phải ngồi cho chính; tám là không được co một chân, duỗi một chân; chín là không được dựa vách; mười là khi vén y không được để rơi đụng bàn cầu; mười một là không được rặn mạnh đến đỏ mặt; mười hai là phải nhìn thẳng về phía trước không được quay đầu nghe ngóng; mười ba là không được khạc nhổ làm dơ bốn bức vách; mười bốn là không được cúi đầu nhìn vào hố xí; mười lăm là không được nhìn bộ hạ; mười sáu là không được dùng tay cầm bộ hạ; mười bảy là không được cầm cỏ viết vẽ dưới đất; mười tám là không được cầm cỏ viết vẽ trên vách; mười chín là không được xài phí nước; hai mươi là không được vung vẩy nước dơ; hai mươi mốt là khi dùng nước không được để tay trước đụng tay sau; hai mươi hai là phải chùi bằng đất ba lần; hai mươi ba là phải dùng tháo đậu; hai mươi bốn là phải rửa bằng nước ba lần; hai mươi lăm là nếu thấy hết nước, cỏ, đất thì phải báo với người trực nhật hoặc tự mình đi lấy càng tốt.
Không nên dùng nước, có mười việc: Một là làm tháp; hai là làm việc cho chúng Tăng; ba là trời quá lạnh; bốn là đi đường; năm là không đi chung nhà xí với người nữ; sáu là muốn dậy tụng Kinh; bảy là chép Kinh; tám là may pháp y; chín là nhuộm y; mười là được thỉnh đi xa. Đó đều là những lúc không nên dùng nước. Nếu có cỏ thơm thì được dùng nước.
“Âm khởi” có mười việc, năm việc có tội, năm việc không có tội: Một là thấy sắc nên khởi; hai là nghe tiếng nên khởi; ba là suy nghĩ về vẻ đẹp của người nữ nên khởi; bốn là suy nghĩ về việc trước kia nên 11 khởi; năm là dùng tay cầm nên khởi. Đó là năm trường hợp có tội.
Trường hợp không có tội là: Một là uốn mình khi nằm;hai là do thói quen; ba là trở mình khi name; bốn là thân có ghẻ nên dùng tay gãi ở gần “chỗ đó”; năm là mắc tiểu tiện quá độ. Đó là những trường hợp không có tội.
Một trăm hai mươi ngày, từ ngày mười sáu tháng tám đến ngày rằm tháng chạp là thuộc mùa Đông. Một trăm hai mươi ngày, từ ngày mười sáu tháng chạp đến ngày rằm tháng tư là thuộc mùa Xuân. Một trăm hai mươi ngày, từ ngày mười sáu tháng tư đến ngày rằm tháng tám là thuộc mùa Hạ. Đây là thời điểm chấm dứt an cư. Từ mười sáu tháng tám đến ngày rằm tháng chạp là thuộc mùa Đông. Sa-môn nào thọ hậu an cư, không kịp thọ vào mùa hạ thì tuy đã mãn hạ vẫn không được tính thêm tuổi. Hoặc có Sa-môn được tính tuổi hạ vào ngày mười lăm hoặc có Sa-môn được tính tuổi hạ vào ngày mười sáu.
Bộ Tát-hòa-đa trí tuệ thông suốt rộng rãi, làm lợi ích cho đạo pháp nên mặc ca-sa đỏ.
Bộ Đàm-vô-đức giữ gìn giới trọng, đảm đương pháp luật nên mặc ca-sa đen.
Bộ Ca-diếp-duy siêng năng dũng mãnh cứu giúp chúng sanh nên mặc ca-sa màu mộc lan.
Bộ Di-sa-tắc ngồi Thiền, tư duy, nhập vào chỗ u huyền tịch mặc nên mặc y màu xanh.
Bộ Ma-ha-tăng-kỳ siêng học các Kinh, diễn bày nghĩa lý nên mặc ca-sa vàng.
Xưa kia, khi đức Phật còn tại thế, chúng Tăng đều mặc y phục giống nhau và không mặc đủ các màu. Sau đó, Tỳ-kheo La-tuần-du mỗi khi đi khất thực đều mang bát không trở về. Biết được tội từ thuở xưa của vị ấy và muốn hiển bày tội phước cho người đời sau rõ, Đức Phật phân chúng Tăng thành năm bộ, mặc năm loại ca-sa khác nhau về màu sắc. Do đó, họ nối tiếp nhau cho đến sau khi đức Phật diệt độ, lập hiệu xưng danh, nêu ra sở trường. Đó gọi là màu sắc của y.
Đại chúng tập hợp và đều cùng nhau chấp nhận. Nay Tỳ-kheo đưa ra khuôn phép khắp bốn phương thực hành các việc lành và các việc khác. Khi tập hợp, chúng Tăng đều chấp nhận việc ấy. Sau đó, họ đồng lòng chuyên tinh giới cấm, tu hành bình đẳng, thọ trì các học xứ. Cương giới được thiết lập hôm nay, những lời nói ra phải được chấp nhận và làm khuôn phép cho bốn phương dùng để nói Giới Kinh. Khi tinh xá kiết cương giới, nếu chấp nhận thì cùng im lặng, nếu không chấp nhận thì nói ra.
Khi chúng Tăng tập hợp thì cùng nhau kiết giới một cách bình đẳng. Sau khi đã thuyết giới, chúng Tăng đồng ý thì im lặng mà thọ trì.