KINH CA DIẾP CẤM GIỚI
Hán dịch: Cư sĩ Thư Cừ Kinh Thanh đời Lưu Tống
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ đà-Cấp cô độc cùng với đại chúng Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị và hai ngàn vị Bồ tát.

Lúc ấy, Đức Phật bảo Tỳ-kheo Đại Ca diếp:

– Có hai việc làm Tỳ-kheo bị đọa vào địa ngục: Một, nói đây là vật của tôi, hai là mong muốn được cúng dường.

Tỳ-kheo lại có hai việc: Một là nghe theo ngoại đạo, hai là ham muốn cất chứa y, bát.

Lại có hai việc: Một là chơi thân với bạch y, hai là thấy Sa-môn trì Giới nghiêm túc lại ganh ghét.

Lại có hai việc làm Tỳ-kheo bị đọa vào vạc dầu sôi: Một là thường nghĩ đến ái dục, hai là thích giao kết bạn bè.

Lại có hai việc: Một là có lỗi không chịu sám hối, hai là nghĩ về việc xấu của người khác.

Có hai việc làm Tỳ-kheo bị đọa vào địa ngục: Một là phỉ báng Kinh điển, hai là hủy hoại giới Kinh.

Tỳ-kheo lại có hai việc: Một là phạm tất cả các giới, hai là không đạt được gì trong Chánh pháp.

Tỳ-kheo lại có hai việc cần sám hối: Một là mặc pháp y, ca sa một cách phi pháp, hai là thân không trì giới lại không hầu hạ Sa-môn trì Giới.

Tỳ-kheo lại có hai việc thật khó tránh khỏi khổ não: Một là tâm tà vạy, tán loạn, hai là ngăn người khác thực hành đạo Bồ tát.

Đức Phật bảo Tôn giả Đại Ca Diếp:

– Sa-môn làm sao để được gọi là Sa-môn đúng nghĩa? Có bốn hạng Sa-môn: Một là hình dáng, y phục tương tợ Sa-môn. Hai là bên ngoài giống Sa-môn, bên trong thì hay dua nịnh. Ba là chỉ mong cầu được hầu hạ, danh tiếng, của cải và kiêu ngạo làm theo ý mình. Bốn là hạng Tỳ-kheo giữ giới hạnh không phạm, đó là Sa-môn chơn chánh.

Một – Thế nào là hạng có hình dáng, y phục tương tợ như Sa-môn? Đó là người cạo râu tóc, mặc pháp y, ôm bình bát nhưng tâm không tự sửa đổi, chỉ muốn làm ác, thích học đạo tà. Đó là hạng có hình dạng y phục giống như Sa-môn.

Hai – Hạng bên ngoài giống như Sa-môn, bên trong thì hay dua nịnh là người bước đi thong thả, chậm rãi ra vào, y áo và thức ăn bên ngoài thô xấu nhưng bên trong thì muốn thơm ngon, bên ngoài thì sống trong lều cỏ ở núi rừng, bên trong thì không có đức tin, mặc ý buông lung, hoặc bên trong thì ghét những người trung thực, hay xin nhiều của cải, mong cầu danh tiếng. Đó là hạng dua nịnh.

Ba – Hạng không trì giới là chỉ vì muốn được người khác khen ngợi nên giả vờ ở nơi vắng vẻ, không tự tỉnh thức để cầu giải thoát, chỉ có thái độ giả dối. Đó là hạng không giữ giới.

Bốn – Thế nào là Sa-môn chơn chánh? Đó là người giữ giới, hành đạo không tiếc thân mạng, coi nhẹ thân thể, không xin các vật dụng, không mong cầu sự cúng dường.

Nếu có Tỳ-kheo nào thực hành pháp Không, thường quán sát pháp thanh tịnh, hoàn toàn không có tì vết, tự phát sanh trí tuệ, không do người khác mà được, chứng đắc Niết-bàn ở trong Phật pháp. Đó là Sa-môn chơn chánh.

Đức Phật bảo Tôn giả Đại Ca Diếp:

– Muốn cầu đạo phải là Sa-môn chơn chánh, đừng nên bắt chước hạng Sa-môn cầu danh, Sa-môn dua nịnh. Giống như người nghèo mà tự xưng là rất giàu, chỉ có tiếng là giàu có, thật ra chẳng có gì cả. Này Ca Diếp! Người ấy có của cải không?

Tôn giả Ca Diếp đáp:

– Thưa không.

Đức Phật nói:

– Đúng vậy! Có người tuy được gọi là Sa-môn nhưng không thực hành pháp Sa-môn thì cũng như người nghèo tự xưng rất giàu có. Giống như có người bị nước cuốn trôi nhận chìm mà lại khát sắp chết. Cũng vậy, Sa-môn tuy đọc tụng nhiều, có trí tuệ, tài cao nhưng không bỏ tình dục thì bị tình dục làm đói khát, khi chết bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Giống như thầy thuốc có cả một bình thuốc đầy mà không thể tự chữa lành bệnh, người tuy đọc Kinh nhiều nhưng không trì Giới cũng như vậy. Giống như hạt châu ma ni bị rơi vào chỗ dơ, người nào tuy tụng Kinh thường xuyên nhưng không trì Giới cũng vậy. Giống như người chết trang sức vàng, bạc, châu báu, người nào thân không trì Giới mà lại mặc ca sa giống như Sa-môn thì cũng như vậy. Giống như có người con của trưởng giả mặc áo mới, trang sức đẹp đẽ nhưng bên trong không sạch sẽ, người tụng Kinh nhiều nhưng không trì Giới cũng giống như vậy.

Đức Phật bảo Ca Diếp:

– Có bốn hạng giống như người trì giới. Bốn hạng đó là:

Một là có Tỳ-kheo tự nói mình không phạm giới cấm. Họ nói như vậy là vì có sự chấp thủ tự xưng là mình tốt.

Hai là, có Tỳ-kheo biết đó là tất cả những giới hạnh ở trong Kinh điển sâu xa và tự cho là việc mình đã làm.

Ba là, có Tỳ-kheo nắm bắt được nhiều vấn đề và tự khoe đó là điều tôi nắm bắt được.

Bốn là, tự nói tôi thường thực hành tâm bình đẳng, luôn sợ hãi sanh tử. Đó là những Sa-môn tự ca ngợi mình là người trì giới.

Đức Phật bảo Tôn giả Ca Diếp:

– Giới cấm không có hình tướng, không lệ thuộc ba cõi, không có thường, không có ta, không có người, không có mạng, không có ý, không có tên gọi, không có chủng loại, không có giáo hóa, không có người dạy làm, không từ đâu đến, không đi về đâu, không hình tướng, không diệt mất, không có thân, không có chỗ phạm, không có miệng, không có chỗ phạm, không có tâm, không có chỗ phạm, không có thế gian, không có tính toán, không có việc đời, không có chỗ trụ, không có giới, không có chỗ niệm, không có hư hoại, đó gọi là giới cấm.

Lúc ấy, đức Đức Phật nói về giới cấm không có tì vết cũng không có sự vướng mắc. Giới là sự không có các việc sân hận, luôn an ổn, vượt khỏi con đường thế gian, như vậy là trì giới. Không yêu mến thân hình và tuổi thọ cũng không thích năm đường, hiểu rõ cách thể nhập Phật đạo, đó là trì giới. Không ở giữa, cũng không ở một bên, không vướng chấp mắc cũng không thay đổi, giống như gió giữa hư không. Đó là trì giới, đó mới là người không phân biệt chủng loại và có định tâm, không chấp trước điều gì, không có bản ngã, với hình tướng trời người mà hiểu rõ như vậy, đó gọi là trì giới thanh tịnh. Không bị lay chuyển đối với giới cấm, không tự cao, thường muốn giữ đạo, trì giới, được như vậy thì không ai có thể hơn. Người này không tin nơi sự trống rỗng, làm điều Phật làm, không có nhiễm ô, từ trong bóng tối của thế gian đi ra ánh sáng, đứng ở nơi không có chỗ trụ, không còn ở ba cõi, đó là pháp về giới.

Khi Đức Phật giảng nói pháp về giới này, ba vạn ba ngàn trời và người đều đắc đạo Tu-đà-hoàn, tám trăm Sa-môn nhờ nhân duyên này mà được giải thoát và có được trí tuệ như vậy.