CÓ PHƯỚC ĐỪNG HƯỞNG HẾT
VIÊN THẮNG
Người xưa dạy: “Có phước đừng hưởng hết”. Vì sao cổ nhân dạy như thế? Bởi vì, nếu như chúng ta hưởng hết phước thì tất nhiên họa sẽ ập đến; cho nên Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ1 cũng dạy: “Phước là phải do tu mà có, phước thì nên tích không nên tán. Phước không tích thêm mà cứ lạm hưởng thì rồi cũng hết. Khi đó phước trở thành họa”. Vì thế trong dân gian ông cha ta thường nói: “Phước bất tận thâu, lộc bất tận hưởng”. Nghĩa là khi chúng ta được phước, được lộc đừng bao giờ hưởng hết một mình mà nên chia sẻ đến những người khó khăn và phải biết tích phước, chính là sống tiết kiệm.
Gần hai năm qua (2020- 2021), khi cả thế giới phải nếm trải cuộc sống đầy khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 kinh hoàng chưa từng có. Chính vì trải qua các trận dịch đã làm cho nhiều người thay đổi suy nghĩ, cách sống. Có người trước giờ vô tư tiêu xài thoải mái, nhưng nay bị cảnh dịch giã nên đã biết cân nhắc vấn đề chi tiêu trước sau, không dám vung tay xả láng như trước đây. Nặng nhất là khi đợt dịch thứ tư bùng phát, phần đông các tỉnh thành thực hiện chỉ thị 16 suốt mấy tháng dài. Đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh – nơi đầu tàu kinh tế của cả nước bị nhiễm đông nhất, số người chết vì Covid-19 cũng rất nhiều, khiến cho nhiều người đau đớn tuyệt vọng. Bởi vì xưa nay, họ chưa bao giờ nghĩ tới tình cảnh vô thường này; vừa chứng kiến cảnh người thân mất vừa phải nghỉ làm việc một thời gian dài để không ra khỏi nhà, tránh dịch bệnh lây lan.
Trong thời gian này, nếu có người nào trước đây biết tu dưỡng tích phúc đức, lại còn biết sống tiết kiệm thường ngày chi tiêu dành dụm, nên khi xảy ra đại dịch họ có tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình mình; lại còn tham gia đóng góp cho xã hội cùng nhau chống dịch.
Thế nhưng, cũng có rất nhiều người vô tư làm ra đồng nào xài hết đồng ấy, không dành dụm tích lũy. Đặc biệt là các bạn trẻ, nghĩ mình mạnh khỏe có công việc ổn định, làm ra tiền nên họ ăn xài xả láng, không nghĩ tới ngày mai; cho nên khi lâm vào tình cảnh này, cuộc sống họ đảo lộn bị thiếu trước hụt sau. Có người cầm cự bằng mì gói, chờ hàng cứu trợ đem đến, nên tinh thần họ rơi vào bi quan bế tắc. Thật đúng như ông cha ta nói: “Đời người lên voi xuống chó mấy hồi”.
Trải nghiệm từ các đợt dịch này, làm cho tôi nhớ lại những năm mới vô chùa tu, thời còn hành điệu. Lúc ấy, thời bao cấp kinh tế còn khó khăn, hầu như các chùa đều làm kinh tế tự túc. Điều hạnh phúc nhất là tôi được quý Sư (ở Ni viện Diệu Quang, Nha Trang) dạy đem cháo gạo lức lên cúng dường quý Ôn mỗi ngày ở chùa Long Sơn2. Có lần tôi thấy xô nhựa đựng nước của Ôn Trí Nghiêm bể nửa trên chỉ còn nửa dưới còn lại mà Ôn vẫn dùng. Tôi mới bạch Ôn xin bỏ cái xô bể này để ngày mai con đem cái xô mới lên Ôn dùng. Thế là tôi được Ôn dạy cho một bài học vô cùng sâu sắc: “Của đàn na tín thí nặng lắm con ơi! Mình mà không chịu tu thì một giọt nước, một hạt gạo cũng mắc nợ họ. Trong kinh, đức Phật dạy hạt gạo nặng như núi Tu Di. Do đó, các con cố gắng tu học, không được lười biếng và xài phí phạm của đàn na tín thí nghe chưa!”. Còn cố Hòa thượng Đỗng Minh mang đôi dép cao su hơn hai mươi năm. Ôn Trí Tín – thường gọi là Ôn trụ trì, Phật tử cúng dường Ôn đồng tiền nào đều để dành mua cam, sữa, đạp xe xuống bệnh viện Đa Khoa tỉnh Khánh Hòa cho các bệnh nhân nghèo. Ôn Thiện Bình thì chăm lo cho Tăng Ni sinh… Thật sự cuộc đời quý Ôn là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Các ngài luôn thể hiện nếp sống của bậc chân tu, thiểu dục tri túc, giới đức tinh nghiêm, gắn liền đời sống của mình với sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài đáng để cho hàng hậu học chúng con noi theo.
Mặc dù các Ngài đầy đủ phước đức như vậy nhưng luôn sống trong cảnh tri túc thanh bần. Ngài Phổ Tuệ từng tâm sự: “Cuộc đời tôi trăm năm xuất gia theo nghiệp tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương…”. Các bậc Cao Tăng của chúng ta để lại cho hàng xuất gia và tại gia các bài học thật sâu sắc vô cùng, đó là Phước Huệ song tu.
Vì thế, chúng ta là đệ tử Phật nên ai cũng biết rõ phước là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đời mình. Chúng ta nghèo hay giàu, may mắn hay xui xẻo, bình an hay bất an, bệnh tật hay mạnh khỏe, gặp nhiều thuận lợi hay khó khăn bất trắc trong cuộc đời đều một phần do ảnh hưởng của phước. Do đó, nếu như trong cuộc sống thường ngày, chúng ta muốn mình và người thân gặp nhiều may mắn, bình an, công việc thuận lợi thì hãy sống cuộc đời hy sinh, yêu thương và giúp đỡ mọi người. Vì vậy, người xưa thường nói: “Tâm mình rộng lượng bao nhiêu thì phước báu ngang bằng bấy nhiêu”. Con người sinh ra cõi này ai cũng có phước, vấn đề quan trọng là họ có biết tu dưỡng, tin sâu nhân quả hay không? Do đó, có những người hiểu rõ giáo lý nhân quả, nên họ vừa hưởng phước vừa tạo phước; bởi vì cho dù của núi ngồi ăn không cũng hết. Phước cũng như thế, nếu chúng ta cứ hưởng mà không tạo thì lâu ngày phước hết thì nghiệp xấu ập đến. Điều này, ngay trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thấy rất rõ.
Thế nhưng phần đông hàng phàm phu chúng ta luôn bị tâm tham lôi kéo, nên không bao giờ hài lòng với cái mình có. Khi họ có tiền triệu trong tay thì muốn phải có tiền tỷ; trong khi cuộc sống của họ quá giàu sang ở nhà lầu, đi xe xịn, tiện nghi vật dụng đều những thứ đắt tiền, nhưng không bao giờ họ dám cho ai đồng nào. Những hạng người này gọi là ‘lòng tham vô đáy’.
Chính vì vậy, Đức Phật thường dạy các hàng đệ tử hãy nhìn lại mình. Bởi vì chúng ta có quán chiếu tâm mình để thấy mình được may mắn hơn bao nhiêu người chẳng có gì, để biết vui sống, giảm bớt lòng tham, an lạc trong hiện tại, nên Đức Phật dạy:
Tài sản vật sở hữu
Tất cả không đem theo
Khi nhắm mắt lìa đời
Chỉ mang nghiệp tốt xấu
Như bóng không rời hình
Do vậy hãy làm lành
Để dành cho đời sau
Sống an vui hạnh phúc.