CHỨNG CỨ
CÁC LOẠI TRÌ PHẠM

BIÊN SOẠN: LÝ VIÊN TỊNH
DỊCH CHÚ: THÍCH GIÁC QUẢ
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

 

Chương đầu
PHƯƠNG DIỆN GIỮ GIỚI

Chương Sau
PHƯƠNG DIỆN PHẠM GIỚI

Phụ Lục
PHẦN TỔNG KẾT

Lời Tựa

Giới là nguồn cội của hết thảy Thiện pháp, là nền tảng của Tam vô lậu học và mọi quả vị Giải thoát. Đây là sự thật mà đức Thế Tôn đã dạy: “Hành trì Giới Luật thì sẽ phát khởi toàn bộ Phật pháp, ngay cả pháp Vô thượng Bồ-Đề. Tại sao như thế? – Bởi lẽ, do trì Giới dẫn đến hoàn thiện Thiền định, dẫn đến phát sinh Trí tuệ, dẫn đến thành tựu Giải thoát, dẫn đến viên mãn Tri kiến Giải thoát”.1

Ấy thế, nhưng thời Mạt pháp bây giờ tinh thần thọ Giới, giữ Giới rất yếu kém, suy đồi; kéo theo sự chứng đắc những quả vị Giải thoát rất hạn hữu. Với hiện trạng đó, các bậc Thạc đức rất xót xa thương cảm, tiêu biểu như Đại sư Ngẫu Ích đã bộc bạch nguyện cầu: “Đảnh lễ đấng Đại Từ-Bi, xin cứu hộ thời Mạt kiếp. Con biết cái khổ của thời Mạt kiếp đứng đầu là do phá Giới, con suy nghĩ về phương pháp cứu khổ thì không phương pháp nào sánh với Tạng Tỳ-Ni. Nếu Tỳ-Ni trú thế thì Chánh pháp vĩnh viễn hiện hữu. Hành trì Tỳ-Ni hn nhiên sẽ thành đạt kết quả, chứ lời dạy ấy hoàn toàn không phải lý thuyết suông. Nghĩa là, do năng lực trì Giới mà sớm viên mãn sự thanh tịnh tròn đầy tôn quý, hoặc do giữ Thi-La thanh tịnh mà trang nghiêm thế giới chư Phật, hoặc do Biệt giải thoát mà chứng Thanh Văn, Độc Giác, hoặc do năng lực của Giới hiền thiện mà được sanh lên các cõi Trời hay chứng các cõi Thiền, hoặc cũng do Giới mà được sanh làm Người tôn quý đầy đủ an lạc hạnh phúc, tiếng tốt vang xa…Với Diệu pháp thù thắng như thế, nguyện giúp con sáng suốt vượt qua đêm dài tăm tối, không nương không tựa bất cứ một điều gì khác.”2

Thừa tiếp sự nguyện cầu của Đại sư Ngẫu Ích, chúng tôi phát tâm chuyển dịch bản Hán văn “Trì Phạm Tập Chứng Loại Biên”3 do Lý Viên Tịnh biên soạn4, ra Việt ngữ với nhan đề “Chứng Cứ Các Loại Trì Phạm”, với tâm nguyện “Giới pháp trường tồn thế gian, lợi lạc nhân quần xã hội”. Qua bản này, nội dung gồm hai Chương, Chương đầu giải trình về phần Trì Giới, Chương sau giải trình về phần Phạm Giới; trong mỗi Chương có ba Mục5, tổng cộng có sáu Mục. Sau bản dịch, chúng tôi đăng thêm phần Phụ lục, tức phần mà chúng tôi tóm lược những ý chính được trình bày trong bản văn, tất cả có một trăm bốn hai câu. Hy vọng, với những lời vàng trong tập này, tất cả chúng ta – những người Đệ tử của đức Thế Tôn – đều cảm nhận sâu sắc rằng: “Vào biển Phật pháp lấy đức Tin làm căn bản, vượt dòng sanh tử lấy Giới Luật làm thuyền bè. Nếu người xuất gia mà không giữ Giới Cấm, lại tham đắm, vướng mắc những thú vui thế tục, huỷ báng Giới pháp quý báu của đức Phật, hạng Tỷkheo như thế không còn được gọi là người xuất gia nữa.”6

Thông qua những lời giáo giới của đức Thế Tôn, của chư Tổ; nếu hết thảy chúng ta đều “Y giáo phụng hành”, giữ Giới Cấm nghiêm túc, thì Định-Tuệ – quả vị Giải thoát sẽ hiện hữu trong chúng ta – trên cuộc đời này. Bấy giờ, Mạt pháp sẽ chuyển thành Chánh pháp, vì rằng, Mạt pháp hay Chánh pháp vốn duyên sinh.

Thành tâm nguyện cầu Tam Bảo gia hộ chúng ta, sống đúng với danh nghĩa của mình. Trân trọng!

Chùa Hồng Đức, Mùa Vu Lan
Thích Giác Quả
Kính ghi.