CHỨNG CỨ
CÁC LOẠI TRÌ PHẠM

BIÊN SOẠN: LÝ VIÊN TỊNH
DỊCH CHÚ: THÍCH GIÁC QUẢ

 

Phụ Lục
PHẦN TỔNG KẾT

Thông qua hai Chương Trì, Phạm, chúng ta – những người con Phật – một lần nữa lại cảm nhận rằng: “ Giới Luật là nền tảng của bất cứ sự tu tập nào của hết thảy hành giả, xuyên suốt cả ba thời gian; do vậy, Giới Luât không thể thiếu vắng trong tiến trình tu tập chứng đạt Đạo quả”. Qua đó, chúng tôi thấy cần nên tóm lược hai Chương ấy ngắn gọn hơn, để mọi hành giả dễ ghi nhớ, hầu ứng xử trong quá trình tu tập của mình, nhằm đạt được kết quả thực tế ngay trong đời này.

Dưới đây, chúng tôi sẽ tuần tự tóm lược cũng vẫn tuân theo mục lục ấy; tuy nhiên, chỉ chú trọng đến những câu dạy về Giới Luật; bên cạnh, sẽ không ghi tên Kinh, Luật, Luận của các câu ấy và chỉ chọn một câu trong các câu giống nhau.

 

 Chương Đầu
PHƯƠNG DIỆN GIỮ GIỚI

Mục I:  KHÁI LƯỢC VỀ GIỚI.

1- Tôn trọng Giới Luật chính là tôn trọng đức Phật.

2- Giữ Giới nghiêm túc chính là báo đáp ân đức cao cả của đức Phật.

3- Chứng đạt tất cả các quả vị Giải thoát, căn bản là do giữ Giới.

4- Giới Luật là thọ mạng của Phật pháp, Giới Luật hiện hữu là Phật pháp hiện hữu.

5- Không giữ Giới thì không thể chứng đạt bất cứ một quả vị giải thoát nào.

6- Không giữ Giới dù ở cạnh đức Phật cũng vẫn xa cách Ngài vạn dặm.

7- Giới là căn bản của Thiền định và Trí tuệ.

8- Muốn giữ Giới thanh tịnh phải hội đủ bốn điểm: Thứ nhất, hộ trì sáu căn cẩn trọng; thứ hai, ăn uống điều độ, đúng pháp; thứ ba, đầu đêm, cuối đêm đều an trú trong Thiền định; thứ tư, thường Chánh niệm trong bốn Oai nghi.

9- Người giữ Giới không bị đọa vào Ba đường ác, không bị Ma, Quỷ phá hoại.

10- Giới pháp rất khó gặp.

11- Chứng quả thấp hay cao là do giữ Giới ít hay nhiều. Giữ Giới Cụ túc thì có thể chứng Đẳng Giác, Diệu Giác (Phật-Đà).

12- Người phạm Giới thì chư vị Thần, Trời, Bồ-Tát, đức Phật đều biết rõ.

13- Người giữ Giới sẽ thông suốt sự sinh hoạt của Tăng như An cư, Tự tứ, Thọ Giới… và được phép nuôi Sa-di, làm Thầy Y chỉ. Nếu chỉ giỏi Kinh, Luận mà không rành Luật thì không được phép nuôi Sa-di, làm Thầy Y chỉ. Người trì Luật có giá trị hơn người giỏi Kinh, Luận, vì sẽ làm Phật pháp trú thế lâu dài.

14- Trì Giới là tự mình giữ gìn tất cả các Giới Cấm đã thọ lãnh, bảo người khác giữ gìn Giới Cấm đã thọ lãnh và hoan hỷ tán thán những người giữ gìn Giới Cấm đã thọ lãnh.

15- Phụng dưỡng mẹ, cha là giữ Giới vậy.

16- Bồ-Tát tại gia nên giữ Giới càng nhiều càng tốt.

17- Bồ-Tát tại gia khuyến khích cha mẹ nghiêm trì Giới Luật là một trong ba yếu tố “bất thối” đối với quả vị Phật-Đà.

18- Giữ trọn Năm Giới là thực hiện đại bố thí vậy.

19- Giữ Oai nghi, Giới Luật nghiêm túc là một trong ba điểm làm ba nghiệp thanh tịnh, để được đức Phật A Di Đà và Thánh chúng trực tiếp hướng dẫn về thế giới Cực lạc.

20- Thọ trai đúng ngọ là giữ Giới Cấm.

21- Không giữ Giới Cấm mà khuyên người khác giữ Giới hay thuyết giảng Phật pháp thì chẳng ai nghe.

22- Giữ Giới là duy trì hạt giống Tam Bảo hiện hữu trên thế gian.

23- Giữ Giới thanh tịnh thì thành tựu mọi thiện pháp để chứng đạt cứu cánh Giải thoát.

24- Phạm Giới là do tâm ý điên đảo.

25- Chấp thủ giữ Giới chỉ được quả báo Nhân, Thiên; không chấp thủ thì đạt Tịnh Giới Ba-la-mật, có thể giúp mình và người chứng quả Phật-Đà.

26- Xuất gia thọ Giới mà không hồi hướng quả vị Vô thượng, thì không bao giờ thành tựu Tịnh Giới và chỉ là hữu danh vô thực mà thôi. Dù tại gia chỉ thọ Tam quy mà tin sâu Tam Bảo, hồi hướng quả vị Vô thượng, những người này chính là thọ trì Tịnh Giới chân thật vậy.

27- Giữ Giới Thập Thiện là hành trì Giới Luật thế gian, do đây được công đức thanh tịnh để hàng phục mọi Ma oán, vượt qua Tam giới, vượt qua mọi quả vị Hiền, Thánh để chứng đạt cứu cánh tối hậu. Tại đây, ly dục gọi là Giới, giải thoát gọi là Giới, tận diệt phiền não gọi là Giới vậy.

28- Hành trì Giới Cấm tức thực hiện Tam Tụ Tịnh Giới một cách trọn vẹn để thành tựu Tam Vô Lậu Học viên mãn, đạt cứu cánh giải thoát Phật-Đà.

 

Mục II : CÔNG ĐỨC GIỮ GIỚI.

1- Năng lực Giới Luật làm Ác Quỷ, Ác Thần… kính trọng người giữ Giới, không dám làm hại người giữ Giới; trái lại, chúng còn giúp đỡ hành giả sớm hoàn thiện mục đích tu tập của mình.

2- Giữ Giới nghiêm túc nhiều đời, thì năng lực uy đức tự thân càng thâm hậu.

3- Trì Giới sẽ đoạn trừ mọi cấu uế của tâm. Khi tâm thanh tịnh thì đi đâu, làm gì đều được Thiện Thần, Thánh nhân kính trọng giúp đỡ.

4- Giữ Giới không chỉ tự lợi mà còn lợi ích cho những người chung quanh.

5- Khi giữ Giới nghiêm túc, lỡ phạm một lỗi nhỏ gây oán kết với Quỷ, Thần; họ cũng không thể làm hại được, dù họ luôn theo dõi để báo thù.

6- Năng lực giữ Giới vừa giúp tự thân thoát khỏi những tai họa do Người, Thú dữ hay Quỷ dữ …gây ra; vừa chuyển hoá các đối tượng ấy trở về với Tam Bảo.

7- Giới là căn bản của tất cả thiện pháp, năng lực của Giới sẽ giúp hành giả thành tựu mọi thiện pháp để chứng đắc Niết-Bàn.

8- Người trì Giới mới có uy đức để khiển trách kẻ phá hoại Đạo pháp, và do khiển trách ấy mà được vô lượng công đức.

9- Chỉ có hương thơm giữ Giới mới toả khắp mười phương và khiến Ma, Quỷ phải xa lánh.

10- Công đức thường thọ trì Giới Bát Quan Trai rất thù thắng, về phước báo thì hơn cả Đế Thích và là điều kiện để cầu chứng Niết-Bàn.

11- Hành trì Năm Giới sẽ tái sanh làm Người, trì Mười Giới sẽ sanh lên sáu cõi Trời Dục giới, trì Giới Cụ-túc và tu tập Thiền Định sẽ sanh lên cõi Trời Sắc giới hay Vô sắc giới. Trong hạng trì Giới Cụ túc, nếu yếu thì chứng Bốn quả Thanh Văn, trung bình thì chứng quả Bích Chi Phật, viên mãn thì chứng đạt quả vị Phật-Đà.

12- Năng lực của Giới Luật dù Nam tông hay Bắc tông đều khiến các Quỷ, Thần, Trời, Vua chúa, Quan … kính trọng. Dù người thọ trì ít Giới hay nhiều Giới; họ đều không dám nhận sự lễ bái, vì sợ tổn giảm công đức và tuổi thọ.

13- Giữ Giới thanh tịnh thì có thể chế ngự bốn loại Ma.

14- Giữ Giới của Thân viên mãn, thì thành tựu Trí vô ngại đối với hết thảy các pháp. Giữ Giới của Miệng viên mãn, thì thành tựu Âm thanh vi diệu như đức Phật. Giữ Giới về Ý viên mãn, thì thành tựu hết thảy Thần thông và đạt Giải thoát bất động.

15- Giữ Giới nào sẽ có phước báo Giới ấy, như giữ Giới sát sanh sẽ không gặp nạn đao binh.v.v…

16- Vào Sáu ngày trai (Lục trai), Đế Thích sai Tứ Thiên Vương đi thị sát nhân gian để về báo cáo, người nào giữ nhiều Giới thì Đế Thích sai nhiều Thiện Thần đến bảo hộ, người giữ ít Giới thì sai ít Thiện Thần. Nếu mọi người không giữ Giới, sẽ gặp thời tiết bất thường như hạn hán, bão lụt.v.v…

17- Trì Giới thanh tịnh sẽ đạt được nhiều lợi ích giải thoát từ thấp đến cao, từ thô đến tế, cuối cùng đạt quả vị Phật-Đà.

18- Trì Giới thanh tịnh sẽ được “Thiên Long Bát Bộ” tôn kính và thoát khỏi mọi tai hoạ từ nhỏ đến lớn.

19- Người trì Giới thanh tịnh là vị tối cao, tối thượng, đứng đầu trong tất cả Chúng.

20- Bố thí cho người bình thường, không bằng bố thí cho người giữ Giới thanh tịnh. Bố thí cho người phàm phu giữ Giới thanh tịnh, không bằng bố thí cho chư vị Thanh Văn. Bố thí cho Thanh Văn, không bằng bố thí cho Bích Chi Phật. Bố thí cho Bích Chi Phật, không bằng bố thí cho đức Phật. Bố thí cho đức Phật, không bằng giúp mọi người trong thế giới hành trì Tam quy, Ngũ Giới. Tự mình trường trai, giữ Năm Giới thanh tịnh thì thắng vượt mọi sự bố thí trên.

 

Mục III: TINH TẤN GIỮ GIỚI.

1- Khi thọ Giới phải thệ nguyện thọ lãnh Giới và giữ Giới, mới có thể đắc Giới.

2- Thà nhảy vào hầm lửa cực nóng để chết, còn hơn huỷ phạm Giới Cấm mà chư Phật trong ba thời gian đã chế định, để sống.

3- Con người trong thời Mạt pháp muốn được tâm Viên Giác như đức Như Lai, thì phải kiên cố hành trì Giới Cấm và xa lìa mọi chuyện huyễn hoặc của thế gian.

4- Giữ Oai-nghi, Giới Cấm là để sống khế hợp với Chánh pháp.

5- Thà bỏ thân mạng chứ không huỷ phạm Giới Cấm, là điều kiện để được thân cận đức Như Lai.

6- Thà nuốt viên sắt nóng để chết, còn hơn không giữ Giới mà ăn uống thực phẩm của thí chủ.

7- Giới là yếu tố đầu tiên để vào Đạo, là điều kiện căn bản để đoạn tận lậu hoặc, là con đường bình an để tiến về Niết-Bàn. Do vậy, thà bỏ thân mạng chứ không huỷ phạm Giới Cấ

8- Không ăn thịt cá, không uống rượu bia, không ăn năm gia vị cay nồng, không nhận vật thí bất tịnh thì sẽ được chư Thiên và người có trí tôn trọng, cúng dường.

9- Mục đích chân chính giữ Giới là để phát khởi tánh Tăng, phát huy tánh Phật, nhằm đoạn tận sanh tử, đem lợi lạc cho tất cả chúng sanh; chứ hoàn toàn không phải để mong cầu phước báo Nhân, Thiên. Thực hiện được như vậy sẽ được chư vị Thánh Nhân, chư Phật tán thán.

10- Tinh tấn giữ Giới nghiêm túc không chỉ Ma quân không thể làm hại, mà còn cảm hóa chúng trở thành những Phật tử nữa.

11- Không giữ Giới, dù ở cạnh đức Phật vẫn cách xa Ngài vạn dặm. Tinh tấn giữ Giới mà chết dù không  được gặp đức Phật vẫn  luôn ở cạnh Ngài.

12- Tinh tấn giữ Giới thì thoát khỏi mọi khủng bố, tai họa do con người tạo ra.

13- Thà im lặng chịu đựng sự đánh đập tàn nhẫn hay bị giết, chứ không nên nói thật để người khác hay cầm thú bị giết.

14- Chăm sóc Tỷ-kheo bị bệnh cẩn trọng là tinh tấn trì Giới.

15- Kiên định giữ Giới không khởi tâm Sân, thương xót kẻ thù bố thí thân mạng, gọi là tinh tấn trì Giới Ba-la-mật.

16- Do tư duy về Nhân quả thiện ác, tư duy về chư Thiên, chư vị Thánh nhân; tư duy về Chánh pháp mà tinh tấn trì Giới.

 



CHỨNG CỨ
CÁC LOẠI TRÌ PHẠM