CHƯ KINH TẬP YẾU

Soạn dịch: Sa-môn Thích Đạo Thế ở chùa Tây Minh, đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 16

 

PHẦN THỨ 24: DỐI TRÁ

– Duyên thuật ý
– Duyên giả thân
– Duyên giả trá thuốc độc
– Duyên giả trá tôn quý
– Duyên giả trá khủng bố
– Duyên giả trá nuôi dưỡng

Thứ 1: Duyên thuật ý

Hễ đến với đạo chẳng có gì ngăn cản, chỉ quý ở chỗ trung thực. Cho nên nói lời thiện thì người ở ngàn dặm đều muốn nghe còn nói lời ác thì dù người ở gần bên cũng như điếc. Thế nhưng giáo pháp lưu truyền vào thời mạt pháp, lòng người thường dối gạt, hoặc có kẻ dùng chơn để tạo giả, hoặc tô vẽ sự hư ngụy để dối gạt sự chân chánh. Tất cả đều do con người có lòng tà, chánh còn pháp thì có chân, giả. Khi danh lợi đã xâm nhập thì ta và người cùng tranh hơn. Đối với người thân hiện tại còn không có sự trợ giúp, huống chi đối với kẻ xưa nay vốn xa lạ, do đó khó có thể cùng nhau làm bạn. Cho nên trong kinh có dạy: Tâm chân thật là đạo tràng vì không có sự hư dối vậy.

Thứ 2: Duyên giả thân

Trong kinh Tạp Bảo tạng có dạy: Tất cả sự gian dối, xảo trá, mê hoặc ấy nếu nhìn bên ngoài thì giống như chân thật nhưng bên trong thì ôm lòng gian xảo. Cho nên người trí nên phải quán xét sự chơn, giả. Như xưa kia có Bà-la-môn tuổi đã già nua mà vẫn ham muốn cưới vợ trẻ. Người vợ chê chồng mình già, muốn gian dâm với người khác nên khuyên chồng mở hội thỉnh mời các Bà-la-môn trai trẻ. Chồng nghi vợ mình có lòng tà vạy nên không thỉnh mời. Lúc ấy, con bà vợ trước té vào trong lửa. Người vợ trẻ thấy mà không kéo ra. Bà-la-môn nói: “Con té nhào trong lửa, tại sao không cứu nó?”. Người vợ đáp: “Thiếp từ nhỏ đến nay chỉ gần chồng mình, không hề gần một người con trai nào khác. Tại sao bảo thiếp kéo người con trai này”. Người chồng già nghe rồi cho rằng lời nói ấy đúng, liền mở đại hội, tập hợp các Bà-la-môn. Bấy giờ, người vợ trẻ liền tư thông với họ. Người chồng trông thấy, hết sức sân giận, liền lấy của báu, bỏ vợ mà ra đi. Lúc đi đường gặp Bà-la-môn nên cùng làm bạn, cùng ngủ. Sáng sớm họ cùng lên đường. Bà-la-môn bảo: “Ở chỗ ngủ tối hôm qua có một lá cỏ dính vào áo tôi. Tôi từ nhỏ đến nay không lấy vật của thế gian nên nay tôi muốn đem lá cỏ này trả lại nơi chủ nhân của nó. Ông thong thả ở lại đây đợi tôi quay trở lại”. Bà-la-môn già tin lời nói ấy, lại càng thêm kính mến, hứa sẽ chờ đợi. Bà-la-môn giả cầm lá cỏ vào trong rãnh nằm nghỉ. Một lát sau thì quay trở lại, nói lá cỏ đã trả lại rồi. Bà-la-môn già thấy thuận tiện liền đem của báu gởi cho Bà-la-môn kia. Người kia nhận lấy của báu rồi tẩu thoát. Bà-la-môn già thấy vậy vô cùng sợ hãi và giận dữ.

Bà-la-môn già đi đến một đoạn rồi nghỉ dưới gốc cây. Thấy trong miệng chim sẽ đang ngậm cỏ, chim Quán liền bảo đàn chim: “Các ngươi nên thương yêu nhau, cùng nhau tụ tập ở một chỗ”. Đàn chim tin theo lời nói ấy, cùng đến ở một chỗ. Chim Quán đợi đàn chim bay đi liền đến tổ chim kia mổ trứng ăn. Các con chim sắp đến nó lại ngậm cỏ. Đàn chim biết sự dối gạt ấy đều bỏ đi. Nghỉ dưới gốc cây một lúc Bà-la-môn trông thấy một ngoại đạo xuất gia, mặc áo vá nạp, an vui bước đi chậm rãi, miệng bảo chúng sanh đi đi. Bà-la-môn già hỏi: “Tại sao vừa đi vừa nói chúng sanh đi đi”. Ngoại đạo đáp: “Người xuất gia thương yêu tất cả chúng sanh, sợ làm tổn thương trùng, kiến nên nói vậy”. Bà-la-môn già thấy vậy càng tăng thêm lòng tin, tìm đến nhà ông ta vào lúc chiều tối. Khi nghe tiếng ca vũ, Bà-la-môn đi ra nghe, mới thấy rõ ở trong phòng của ngoại đạo xuất gia có một lỗ đất, trong đó có một phụ nữ đi ra cầm đàn đùa bỡn, hoan lạc với ông ta. Bà-la-môn già thấy vậy, suy nghĩ: “Muôn loài trong thiên hạ không có gì có thể tin được”. Ông ta liền nói kệ:

Không buộc nam tử kia
Đem cỏ trả lại chủ
Quán, Sẽ giả ngậm cỏ
Ngoại đạo sợ hại trùng
Miệng bảo nó đi đi
Giả dối, hư ngụy thế
Tất cả không thể tin
Sẽ đem khổ nạn đến.

Cho nên trong kinh Bát nhã, đức Phật dạy: Như ta ngày xưa nói kệ:

Tất cả sông ngòi
Tất có khúc quanh
Tất cả rừng rậm
Tất có cây cối
Tất cả người nữ
Tất có quanh co
Tất cả tự tại
Tất thọ an lạc.

Thứ 3: Duyên giả trá thuốc độc

Như trong kinh Tạp Bảo Tạng có dạy: Đề-bà-đạt-đa tạo các điều kiện muốn giết Phật nhưng không thành. Lúc ấy, có Bà-la-môn đến ở Thiên Trúc, ông ta giỏi biết về thần chú điều chế thuốc độc. Đề-bà-đạtđa liền điều chế thuốc độc rồi đem rãi trên đức Phật, nhưng gặp phải lúc gió thổi ngược lại làm cho thuốc độc rơi ngay trên đầu mình. Do đó ông ta ngất xỉu, xuôi chân sắp muốn chết. Các thầy thuốc đều không thể chữa trị. A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đề-bà-đạt-đa bị thuốc độc sắp chết.

Đức Phật thương xót nên nói lời chân thật: Từ lúc làm Bồ-tát cho đến khi được thành Phật, Ta thường sanh tâm từ bi đối với Đề-bà-đạtđa. Ta không hề có sự oán hận ông ta nên đọc nó sẽ tự tiêu mất. Đức Phật nói dứt lời thì độc liền bị tiêu diệt.

Các Tỳ-kheo nói: Hay thay! Hay thay! Thế Tôn! Đề-bà-đạt-đa thường sanh tâm ác đối với Như Lai. Tại sao Như Lai còn lo đến mạng sống của ông ta.

Đức Phật dạy: Chẳng phải ngày hôm nay, Đề-bà-đạt-đa có tâm ác đối với Ta mà quá khứ ông ta cũng vậy.

Các Tỳ-kheo thưa hỏi Phật: Đề-bà-đạt-đa có tâm ác đối với Phật như thế nào ?

Đức Phật dạy: Đời quá khứ, trong thành Ba-la-nại ở nước Ca-thi, có hai Bộ tướng: Tư-na và Ác-ý. Tư-na thường hành thuận theo pháp. Ác-ý thường tạo việc ác, ưa thích dèm pha nên nói với Vua: “Tư-na muốn tạo phản, làm ác”.

Nhà Vua liền tống Tư-na giam vào ngục. Bỗng trong hư không có

tiếng vang: “Người hiền như thế không có tội lỗi gì tại sao lại bắt trói? Ác-ý ăn trộm của báu trong kho Vua đem để ở chỗ Tư-na mà Nhà Vua cũng không hay biết”. Vua liền bảo bắt Ác-ý đem giao cho Tư-na giết chết. Tư-na liền bảo Ác-ý đến sám hối Vua.

Ác-ý biết mình có tội, liền đến Vua Tỳ-đề-ê làm một cái rương đựng hai con rắn ác, chứa đầy thuốc độc tâu Vua Tỳ-đề-ê sai sứ đem dâng cho Vua nước kia. Vua và Tư-na hai người cùng xem chớ sai người khác. Nhà Vua thấy rương báu được trang sức lộng lẫy, lòng rất vui mừng liền gọi Tư-na đến để cùng mở ra xem. Tư-na thưa: “Vật ở phương xa đem đến không nên tự xem một mình. Trái cây từ xa đem đến không được ăn liền. Vì sao? Hoặc có thể do độc làm tổn thương mình”.

Nhà Vua nói: “Trẫm muốn xem bây giờ”.

Tư-na ân cần khuyên can đến ba lần, nhà Vua vẫn không chịu nghe. Tư-na thưa: “Đại vương không chấp nhận lời nói của thần, thì Đại vương tự xem lấy, thần không thể xem”. Nhà Vua liền mở ra xem thì hai mắt mù lòa không tháy được gì. Tư-na cảm thấy ưu sầu, đau khổ muốn chết mất. Ông ta liền sai người đi khắp nơi, qua các nước xa để tìm thầy thuốc giỏi. Sau đó thì tìm được thuốc tốt trị lành mắt cho nhà Vua.

Lúc ấy nhà Vua là Xá-lợi-phất. Tư-na là Ta. Ác-ý là Đề-bà-đạtđa.

Thứ 4: Duyên giả trá tôn quý

Trong luật Tăng Kỳ, đức Phật dạy: Vào thời quá khứ tại thành Bala-nại ở nước Già-thi, có Đại học sĩ Bà-la-môn tên Phất-lô-ê làm Quốc sư, thường chỉ dạy cho năm trăm người đệ tử.

Bấy giờ trong nhà Bà-la-môn có một nô tỳ tên là Ca-la-ha thường được sai cung cấp vật dụng cho các đệ tử. Nô tỳ ấy có căn tánh lanh lợi, nghe được lời thuyết pháp thì ghi nhớ tất cả. Một hôm nô tỳ ấy cùng các đồng tử nhỏ có sự hiềm khích thù hận nhau. Nó liền chạy sang nước khác rồi tự nói dối: “Tôi là Da-nhã-đạt-đa con của Bà-la-môn Phất-lôê, Quốc sư nước Ba-la-nại. Từ xưa đến nay tôi muốn cùng đại sư học đạo Bà-la-môn”. Pháp sư đáp: “Được vậy”. Nô tỳ thông minh, trước đã từng nghe, nay lại được nghe nên nghe rồi thì có thể thọ trì. Quốc sư rất vui lòng liền sai dạy dỗ năm trăm người đệ tử: “Ngươi hãy dạy bảo cho ta. Ta muốn đi đến vương quốc”. Quốc sư không có con trai chỉ có một người con gái nên liền bảo: “Da-nhã-đạt-đa, ngươi hãy nghe lời ta chớ có về nước, ta sẽ gả con gái cho ngươi”.

Đáp: “Con xin vâng lời”.

Hai vợ chồng cùng làm ăn sinh sống. Gia đình ngày càng giàu có, sung sướng. Da-nhã-đạt-đa vốn là người khó chịu nên khi vợ làm thức ăn thì nó thường sân giận bảo không vừa miệng. Người vợ suy nghĩ: “Nếu có người nào từ nước Ba-la-nại đến thì ta sẽ theo họ ăn uống. Sau đó ta có thể về cung dưỡng cho phu chủ”.

Bà-la-môn Phất-lô-ê nghe hết sự việc liền suy nghĩ: “Nô tỳ Cala-ha của ta chạy trốn sang nước kia. Ta phải đến bắt lại, hoặc là có thể gặp nó”. Ông ta liền đi đến nước kia.

Lúc ấy, nô tỳ kia đang cùng đồ chúng đến vườn dạo chơi. Giữa đường đi trông thấy chủ cũ từ xa, nó hết sức kinh hãi nên thầm bảo môn đồ: “Các người nên đi xa và mỗi người tự mình tụng tập”. Môn đồ đi rồi, nô tỳ đến trước chủ làm lễ và thưa: “Con đến nước này xưng Đại gia là cha của con, rồi theo học kinh điển với Quốc sư và lập gia đình với con gái ông ta. Xin Tôn trưởng bây giờ chớ nói rõ việc của con. Con sẽ cùng nô tỳ phụng dưỡng Đại gia”.

Bà-la-môn chủ giỏi xử lý việc đời liền nói: “Ngươi thật là con của ta nhưng lại sớm bỏ ta mà ra đi”.

Nô tỳ liền dẫn đến nhà vợ rồi thưa với trong nhà: “Người thân của con đến”. Vợ anh ta rất vui mừng liền cho bày biện các thức ăn uống. Dâng thức ăn xong, cô ta núp ở khoảng không nhỏ, lặng lẽ làm lễ dưới chân Bà-la-môn rồi thưa: “Con phụng sự, cung dưỡng chồng nhưng các món thức ăn thường không vừa ý. Xin Tôn trưởng chỉ dạy cho con. Lúc còn ở nhà chồng, con thường ăn những món gì? Con sẽ học cách làm các món ăn ấy”.

Bà-la-môn khách sân giận suy nghĩ: “Đúng vậy! Đúng vậy! Khốn khổ cho con quá. Nó sớm ra đi. Bây giờ ta đến đây dạy cho con một bài kệ làm cho chồng con không còn nói gì nữa. Cô gái nghe rồi hoan hỷ, tạ từ lui ra, bảo chồng: “Vì Tôn trưởng Bà-la-môn từ xa đến đây nên sáng sớm muốn ra đi”. Anh ta nghĩ: “Theo lời vợ đã nói, sáng sớm nên ra đi, chớ để ở lâu, sợ sẽ nói những lỗi làm làm tổn hại đến ta không ít”. Anh ta liền đem hết của báu bảo vợ làm thức ăn rồi tự mình dâng cúng. Người chồng liền gặp chủ nói chuyện không bao lâu. Cô gái dâng thức ăn xong làm lễ dưới chân xin nghe bài kệ. Bà-la-môn liền dạy kệ:

Không thân đến nước khác
Dối trá với người ta
Thường ăn thức ăn dở
Ăn ngon thì hiềm trách.

Nay ta cho con bài kệ này, nếu lúc nó sân giận, chê thức ăn dở thì nên đến bên cạnh quay lưng tụng nhỏ bài kệ này làm cho nó nghe được. Bà-la-môn dạy rồi liền trở về nước. Nô tỳ ấy tiễn chủ ra đi rồi thì mỗi lúc đến giờ ăn lại sân giận. Cô vợ đứng bên chồng tụng lại bài kệ kia. Chồng nghe bài kệ ấy thì không vui, liền nghĩ: “Than ôi! Lão già kia đã phơi bày sự việc xấu xa của ta”. Từ đó về sau, anh ta thường nói dịu dàng, mong vợ đừng giận, sợ vợ đến nói chuyện bí mật riêng tư của mình cho người khác nghe.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Lúc ấy, Bà-la-môn Phất-lô-ê tức là thân Ta. Nô tỳ Ca-la-ha nay là Tỳ-kheo Xiển-đà, đã từng cậy vào Ta để lăng nhục kẻ khác. Nay cũng vậy, nó dựa vào thế lực của Ta để ngược đãi người khác.

Thứ 5: Duyên giả trá về sự sợ hãi

Luận Trí-độ có dạy: Tất cả các pháp đều là giả dối như thế nhưng chúng sanh ngu si không biết thân sơ nên sân giận, mắng nhiếc, làm tăng thêm sự tổn thương cho đến phải mất mạng, sanh tội nặng nên phải rơi vào ba đường ác, chịu khổ vô cùng. Thí như trong núi có một ngôi chùa. Trong ấy có một căn phòng riêng biệt. Trong phòng có một con Quỷ, thường đến khủng bố não hại người. Các người tu thường bỏ phòng ấy mà đi. Bấy giờ có một khách Tăng đến. Duy-na phân ở trong phòng trống kia và nói: “Trong phòng này có con Quỷ ưa não hại người. Nếu ông có thể ở trong đó thì ở”. Khách tăng tự cho mình có trì giới, đa văn nên liền nói: “Quỷ nhỏ mà làm được gì? Tôi sẽ hàng phục nó”. Ông ta liền đi vào phòng nghỉ.

Đến tối, lại có một vị khách tăng đến, xin ở lại. Duy-na cũng bảo vào ở trong phòng đó, cũng nói có quỷ não hại người. Tỳ-kheo này cũng đáp: “Quỷ nhỏ mà làm được gì? Tôi sẽ hàng phục nó.

Vị khách tăng vào trước đóng cửa, ngồi thiền đợi Quỷ. Tỳ-kheo đến sau, ở trong đêm tối đẩy cửa để vào. Vị đến trước cho là Quỷ nên không chịu mở cửa. Vị đến sau đem hết sức lực đẩy cửa. Vị bên trong dùng sức cự lại. Vị bên ngoài đắc thắng đẩy cửa xông vào. Hai người đánh nhau. Đến sáng nhìn nhau mới nhận ra là bạn đồng học cũ. Biết rồi cả hai người đều cùng nhau xin lỗi. Mọi người tụ lại cười nhạo về sự việc kỳ quái này.

Chúng sanh cũng vậy, năm ấm đều hư dối, không ngã, không nhân mà lại chấp chặt nên cùng nhau đấu tranh làm tăng thêm sự độc hại. Nếu lúc thân thể tan rã trên đất chỉ còn xương thịt, không người không ta. Do đó Bồ-tát bảo chúng sanh: “Các ngươi chớ đối với nguồn gốc vốn trống không mà đánh nhau. Làm được thân người còn khó huống là gặp Phật.

Thứ 6: Duyên giả trá nuôi dưỡng

Như kinh Cựu Tạp Thí Dụ có dạy: Xưa có một người đàn bà giàu có nhiều của báu. Bà ta tư thông với một người con trai rồi lấy hết vàng bạc, tài vật và cùng dẫn nhau đi. Đến bên bờ sông, chàng ta bảo: “Nàng hãy đem hết tài vật đến đây, ta sẽ mang sang sông giúp cho, rồi sẽ trả lại”. Chàng ta mang sang sông rồi tẩu thoát không trả lại. Cô ta sầu khổ ngồi một mình bên dòng sông, chẳng có ai để cầu cứu, chỉ thấy một con Cáo rừng bắt một con Nhạn. Nó thấy con Cá dưới sông liền bỏ Nhạn bắt Cá. Bắt Cá không được Nhạn cũng mất luôn. Cô gái liền bảo Cáo: “Sao ngươi ngu quá vậy, tham lam bắt hai con nên chẳng được con nào”. Cáo nói: “Ta ngu còn có thể được. chứ nhà ngươi thì ngu hơn ta”.

Trong luật Tăng-kỳ, đức Phật dạy các Tỳ-kheo: “Vào thời quá khứ, Trời mưa thất thường, suốt bảy ngày không dứt. Những người chăn trâu suốt bảy ngày không thả trâu ra ngoài. Lúc ấy, có mộtcon Sói đói đi tìm thức ăn đã đi qua bảy thôn mà không kiếm được gì. Nó tự trách mình: “Ta có hình tướng gì xấu mà trãi qua bảy thôn chẳng kiếm được thức ăn. Chi bằng ta ở trong hang trì trai, cầu nguyện cho chúng sanh đều được an ổn”. Sau đó nó tự nhiếp hộ thân, nhắm mắt ngồi ngay thẳng.

Đến các ngày trai, Đế-thích thường cỡi long tượng Y-la trắng đi quan sát thế gian xem ai trì trai, ai phá giới. Lúc đến hang núi kia thấy Sói nhắm mắt tư duy, Đế-thích nghĩ: “Lạ thay! Loài Lang, Sói thật là đặc biệt. Ngay cả con người còn không có tâm như thế, huống là loài Lang, Sói mà làm được như vậy”.

Đế-thích muốn thử xem để biết sự hư thật, liền hóa làm một con Dê, đứng ở trước hang rồi lớn tiếng gọi bầy. Sói thấy Dê liền nghĩ: “Lạ thay! Nhờ phước đức trì trai nên có được sự báo ứng. Ta đã đi qua bảy thôn để tìm thức ăn chẳng được gì. Nay mới tạm trì trai mà bàn cỗ đã tự đến, nhà bếp đã dọn sẵn. Ta nên ăn xong sau đó trì trai”. Nghĩ rồi, nó ra khỏi hang, phóng đến chỗ Dê. Dê thấy Sói đến thì kinh hãi tháo chạy. Sói liền đuổi theo. Dê chạy không dừng. Đuổi bắt đã xa, Dê hóa làm con Chó, miệng vuông, tai to, quay lại đuổi Sói, gầm gừ rền vang. Sói thấy Chó đến, nó sợ hãi bỏ chạy. Chó vội đuổi Sói. Đến lúc yếu sức, Sói mới chạy thoát vào hang. Sói nghĩ: “Ta muốn ăn nó. Nó lại muốn ăn ta”.

Bấy giờ, Đế-thích hóa làm con Dê què, đứng trước hang Sói kêu vang. Sói nghĩ: “Trước đây ta đói, bị hoa mắt nên trông thấy Chó mà tưởng là Dê. Nay nó thật sự là Dê”. Sói quan sát kỷ, thấy rõ tai, sừng, lông đích thực là Dê. Nó liền phóng ra đuổi bắt. Dê lại kinh hãi bỏ chạy. Đuổi bắt sắp được, Dê lại hóa làm Chó, trở lại đuổi bắt Sói như trước. Sói nghĩ: “Ta muốn ăn nó. Nó lại muốn ăn ta”.

Lúc ấy, Đế-thích lại hóa làm con Dê con, đứng trước hang Sói gọi mẹ. Sói liền sân giận nói: “Dù ngươi có xé thịt ra từng mảng, ta cũng không ra, huống chi là con Dê con mà muốn lừa gạt ta”. Sói liền trì trai, tịnh tâm tư duy.

Bấy giờ, Đế-thích biết Sói đã tâm niệm trì trai, liền hóa làm Dê con ở trước Sói. Sói liền nói kệ:

Nếu đích thật là Dê
Ta còn không muốn ra
Huống nữa là hư vọng
Khủng bố ta như trước
Thấy ta trì trai rồi
Ngươi lại đến thử xem
Nếu như từng khúc thịt
Ta còn không thể tin
Huống nữa là Dê con
Mà giả kêu be be.

Bấy giờ, Đế-thích nói kệ:

Nếu người nào xuất gia
Trì giới mà buông lung
Không thể bỏ lợi dưỡng
Cũng như Sói trì trai.

Trong luật Ngũ-phần, đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Xưa kia có một người tịnh hạnh ở trong hang núi đọc kinh thư Sát-lợi. Có một con Cáo rừng thường ở bên để nghe tụng kinh. Trong tâm có sự hiểu biết, nó liền nghĩ: “Ta hiểu lời kinh thư này nên có thể làm chúa trong loài thú”. Nghĩ rồi, nó liền đi ngao du, bất chợt gặp một con Cáo rừng gầy yếu, liền muốn giết nó. Nó nói: Tại sao muốn giết tôi?

Cáo nói: Ta là chúa tể của loài thú. Nếu ngươi không phục tùng theo ta thì ta sẽ giết.

Cáo gầy nói: “Xin chớ giết tôi! Tôi xin theo hầu.”

Lúc ấy, hai con Cáo cùng lên đường lại gặp một con Cáo khác và muốn giết nó. (Hỏi, đáp như trên). Con Cáo này cũng nói xin theo. Như vậy, dần dần nó điều phục được tất cả loài Cáo. Nó dùng bầy Cáo để điều phục loài Voi, dùng loài Voi để điều phục loài Hổ, dùng loài Hổ để điều phục loài Sư tử. Khi được quyền làm chúa tể rồi, nó suy nghĩ: “Nay ta là chúa tể trong loài thú. Vậy ta không nên lấy vợ trong loài thú”. Do đó nó liền cỡi Voi trắng, thống lãnh bầy thú nhiều không tính kể đến vây thành Ca-di nhiều đến ngàn vòng. Nhà Vua thấy vậy, sai sứ ra hỏi: Tại sao bầy thú lại làm như vậy?

Cáo rừng nói: Ta là chúa tể trong loài thú, muốn cưới con gái nhà Vua. Nếu nhà Vua gả cho ta thì tốt, bằng không thì ta sẽ tiêu diệt nước ngươi.

Sứ giả vào tâu lại với Vua. Nhà Vua liền triệu tập quần thần để bàn luận. Chỉ trừ một vị thần không đồng ý, ngoài ra các vị thần đều chấp nhận gả công chúa. Vì sao? Vì sự bảo hộ đất nước chỉ nhờ vào Voi, Ngựa. Ta có Voi, ngựa, chúng có Sư tử. Voi, Ngựa nghe tiếng Sư tử thì đã kinh hãi nằm rạp xuống đất. Cuộc chiến không ngang nhau, ta sẽ bị thú tiêu diệt. Tiếc chi một đứa con gái mà để phải chịu cảnh tang thương một đất nước.

Lúc ấy, có một vị Đại thần sáng suốt, thông hiểu sâu xa, tâu Vua: “Xưa nay thần chưa nghe chuyện con gái nhà Vua đem gả cho loài thú hạ tiện bao giờ. Thần tuy là kẻ ngu muội thế nhưng muốn giết con Cáo ấy, làm cho bầy thú phải tháo chạy.”

Nhà Vua liền hỏi: Kế sách ra sao?

Đại thần đáp: “Nhà Vua ra kỳ hạn ngày chiến đấu nhưng trước phải cầu xin chúng nó một ước nguyện: “Xin cho Sư tử đánh trước, gầm sau. Như vậy chúng sẽ nghĩ là ta sợ liền sai Sư tử gầm trước, đánh sau.” Đến ngày đánh nhau, Vua ra sắc lệnh tất cả người vật trong thành đều bịt tai.

Nhà Vua đem lời của Đại thần, sai sứ đến hẹn ngày và cầu xin một ước nguyện trên. Đến ngày chiến đấu, Vua lại đưa thưa xin ước nguyện, sau đó thì xuất quân. Khi quân trận áp sát muốn giao chiến, Cáo rừng ra lệnh Sư tử gầm vang. Cáo nghe tiếng Sư tử rống lên thì thất kinh hồn vía. Ngay trên lưng Voi, Cáo ngã xuống đất. Ngay lập tức bầy thú chạy tán loạn.

Đức Phật dùng sự việc này mà nói kệ:

Cáo rừng quá kiêu mạn
Muốn cầu quyến thuộc mình
Đi đến thành Ca-di
Tự xưng là chúa thú
Người kiêu mạn cũng vậy
Tập hợp thống lãnh chúng
Ở nước Ma-kiệt-đà
Tự xưng là pháp chủ.

Lúc ấy, Vua Ca-di là thân Ta. Đại thần thông minh là Xá-lợi-phất. Chúa Cáo rừng là Điều-đạt.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Xưa kia Điều-đạt lừa dối có thân thuộc, nay cũng như vậy. Do đó, Phật nói kệ:

Gặp gỡ người lành dễ
Gặp gỡ người ác khó
Gặp gỡ người ác dễ
Gặp gỡ người lành khó.

Trong kinh Phật-bản-hạnh nói: “Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳkheo: Ta nhớ xưa kia có một con sông tên là Ba-lợi-da-đa. Bên bờ sông ấy, có một người thợ kết tràng hoa. Ông ta có một khu vườn ở ven sông. Trong sông ấy có một con Rùa, từ dưới nước nỗi lên bò đến trong vườn hoa tìm thức ăn. Rùa ta bò khắp, dẫm đạp hết vườn hoa. Khi ấy, chủ vườn thấy Rùa dẫm đạp hoa liền bắt nó bỏ vào trong sọt, sắp muốn đem làm thịt. Rùa suy nghĩ: “Làm sao để thoát nạn đây? Ta phải tìm cách gì để dối gạt ông chủ này?” Nó liền nói kệ với chủ vườn:

Tôi xuất thân từ nước có bùn
Ông chủ dùng hoa rửa thân tôi
Thân tôi đã có bùn không sạch
Sợ làm dơ sọt và hoa ông.

Lúc ấy, chủ vườn suy nghĩ: “Lành thay! Con Rùa này biết dùng lời nói để chỉ bày cho ta. Ta nên ghi nhận lời nói ấy. Phải rửa thân nó để khỏi làm dơ sọt và hoa của ta”. Nghĩ rồi, ông ta liền đem Rùa xuống nước để rửa thân nó. Ông ta để nó trên đá và xuống múc nước để rửa.

Bấy giờ, Rùa dốc hết sức lực lao đầu xuống nước. Người thợ kết tràng hoa thấy Rùa ở trong nước liền nói: “Lạ thay! Con Rùa này có thể lừa dối ta như thế. Nay ta có thể mê hoặc con Rùa này làm cho nó lại nỗi lên mặt nước”. Ông ta liền nói kệ:

Rùa hiền lắng nghe lời ta nói
Hiện nay Rùa lớn, nhỏ rất nhiều
Ta làm nhiều vòng hoa ngươi ăn
Ngươi tự do theo ta vui sướng.

Bấy giờ, Rùa suy nghĩ: “Người này dối gạt ta. Mẹ nó nằm trên giường bệnh. Vợ nó kết hoa thành chuỗi đem bán để sinh sống. Nay nó nói như thế, nhất định là nó dối gạt ta, muốn ăn thịt ta nên mới dụ ta như thế”. Lúc ấy, Rùa nói kệ:

Nhà ngươi nấu rượu họp thân quyến
Làm ra vô số các thức ăn
Ngươi đến trong nhà nói lời này
Thịt Rùa nấu rồi mỡ dính đầu.

Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

Này các Tỳ-kheo! Nên biết con Rùa nhảy vào nước lúc ấy là thân Ta. Thợ kết tràng hoa là Ma-ba-tuần. Nó muốn mê hoặc Ta mà không được. Nay nó lại muốn lừa dối thì làm sao được?

Lại nữa, Phật bảo các Tỳ-kheo: Ta nhớ xưa kia lúc còn ở trong biển, có một con Rồng lớn. Con Rồng ấy có vợ đang mang thai. Con Rồng cái suy nghĩ muốn ăn tim con Khỉ nên thân thể gầy yếu, vàng vọt, run rẫy không an. Lúc ấy, Rồng thấy thân thể vợ gầy yếu, không còn nhan sắc như thế nên liền hỏi vợ: Vợ hiền! Nàng có bệnh gì, muốn ăn gì? Sao ta không nghe nàng hỏi xin ta thức ăn. Vì sao?

Rồng cái im lặng. Chồng nó lại hỏi: Sao bây giờ nàng không trả lời ta?

Rồng cái đáp: Nếu chàng làm cho thiếp đạt được điều mong ước thì thiếp sẽ nói. Còn chàng không có khả năng ấy thì thiếp nói ra làm gì!

Chồng nói: Nàng nói thử xem sao. Nếu thấy có lý thì ta cố gắng tìm cách làm bằng được.

Rồng cái nói: Nay thiếp muốn ăn tim con Khỉ, chàng có thể tìm được không?

Chồng đáp: Cái mà nàng cần là việc làm rất khó. Vì sao? Vì ta ở dưới biển, còn Khỉ ở trên cây, trên núithì làm sao kiếm được.

Rồng cái nói: Phải làm sao bây giờ? Nếu không tìm được tim Khỉ thì thai này chắc sẽ chết mất. Còn thiếp thì không bao lâu nữa sợ sẽ qua đời.

Lúc ấy, chồng nói: Vợ hiền! Nàng hãy từ từ chịu đựng. Ta sẽ tìm cách. Nếu làm được việc này thật là điều không thể nói được, tức ta cùng nàng đều cùng vui vẽ.

Bấy giờ, Rồng liền lên bờ. Cách bờ không xa có một cây lớn tên Ưu-đàm-ba-la. Trên cây có một con Khỉ lớn đang hái quả ăn. Rồng thấy Khỉ ngồi trên đó ăn trái cây thì nó bò dần đến dưới cây. Đến nơi nó dùng lời ngọt ngào, dỗ dành hỏi thăm Khỉ: Lành thay! Ba-tư-sư-tra ở trên cây này làm gì thế, không khổ não lắm chăng, tìm kiếm thức ăn dễ được không mệt nhọc chăng?

Khỉ đáp: Đúng vậy, bạn ạ. Nay tôi không gặp phải khổ não gì.

Rồng hỏi: Bạn ở nơi này ăn uống những gì?

Khỉ đáp: Tôi ở trên cây Ưu-đàm-ba-la ăn trái cây ấy.

Rồng lại nói: Nay tôi gặp được bạn thì trong lòng vô cùng hoan hỷ, khó mà kiềm chế được. Tôi muốn làm bạn tốt của bạn. Chúng ta cùng kính mến nhau. Bạn nhận lời ta chẳng cần ở đây làm gì. Hơn nữa, cây này ít trái, thì làm sao có thể ở đây mà được sung sướng. Bạn có thể xuống đây, đi theo tôi. Tôi sẽ dẫn bạn vượt biển sang bờ bên kia có khu rừng lớn, cây cối um tùm, hoa trái sum sê.

Khỉ nói: Làm sao tôi qua bên kia được. Nước biển thì sâu, rộng mênh mông, rất khó mà vượt qua. Tôi muốn qua đó làm sao để qua.

Rồng đáp: Lưng tôi sẽ mang bạn sang bờ bên kia. Bạn chỉ cần xuống đây, cỡi lên lưng tôi.

Do tâm không định, ngu si kém cỏi nên Khỉ vui mừng, nhảy từ trên cây xuống, cỡi trên lưng Rồng, đi theo nó. Bấy giờ, rồng ta suy nghĩ: “Lành thay! Lành thay! Nguyện vọng của ta đã thành”. Nó muốn đem Khỉ đến chỗ ở của mình nên cùng Khỉ lặn chìm trong nước.

Khỉ hỏi: Tại sao bỗng nhiên bạn lặn trong nước?

Rồng đáp: Vợ ta mang thai, nàng ấy nghĩ: “Muốn ăn tim ngươi”, do đó ta đem ngươi đi.

Bấy giờ, Khỉ nghĩ: “Than ôi! Nay ta gặp phải sự nguy hiểm. Tự mình đi nhận cái chết. Bây giờ, phải làm cách gì để thoát nạn đây”. Nó lại nghĩ: “Ta phải lừa dối Rồng”. Nghĩ rồi, Khỉ nói với Rồng: Bạn ơi! Tim của tôi gởi trên cây Ưu-đàm-bà-la nên không mang theo đây. Tại sao lúc ấy bạn không nói thật để biết bạn cần tim, tôi sẽ đem theo. Bạn hãy quay lại để tôi lấy tim rồi đi.

Rồng nghe nói vậy nên cả hai cùng quay lại. Khỉ thấy Rồng lên bờ thì vô cùng vui mừng, đem hết sức lực nhanh chóng nhảy lên. Từ trên lưng Rồng, Khỉ nhảy lên cây Ưu-đàm. Rồng ở dưới đợi một lúc, thấy Khỉ lẩn quẩn không xuống. Nó nói: Bạn thân ơi! Mau xuống đây đi đến nhà tôi.

Khỉ im lặng, không xuống. Rồng thấy Khỉ ở lâu không xuống nên nói kệ:

Khỉ thân mến! Tìm được tim rồi
Xin từ trên cây mau xuống đây
Tôi sẽ đưa bạn đến rừng kia
Chỗ có nhiều hoa trái sum sê.

Bấy giờ, Khỉ nghĩ: “Con Rồng này ngu si quá”. Nó liền nói kệ:

Tuy Rồng bày mưu kế giỏi thật
Nhưng mà tâm trí quá ngu si
Ngươi nên lắng nghe, suy nghĩ kỹ
Chúng sanh ai mà không có tim
Rừng kia tuy có nhiều hoa trái
Và các quả quý như Am-la
Nay ta không muốn đi đến đó
Thà ta tự ăn quả Ưu-đàm.

Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nên biết con Khỉ lớn ấy là thân Ta. Rồng kia là ma Ba-tuần. Lúc ấy nó mê hoặc Ta mà không được. Nay nó lại muốn đem năm dục ở đời đến dụ dỗ Ta, đâu có thể động đến chỗ ngồi của Ta.

Trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: Xưa kia có một con Quạ và con Cú vọ oán ghét nhau. Quạ đợi ban ngày, biết Cú vọ không thấy nên đến đạp chết bầy Cú vọ rồi xé thịt ăn. Cú vọ bèn đợi đến ban đêm, biết Quạ mờ mắt, nó lại đến mổ bầy Quạ, mổ vào bụng nó, xé thịt ăn. Sợ ngày, sợ đêm, cả hai đều không sống yên trọn ngày. Có một con Quạ hiểu biết, nó bảo bầy Quạ: Đã là thù oán thì không thể hóa giải mà luôn luôn tìm cách giết hại nhau. Với tình cảnh này thì cả hai đều không an toàn. Tôi phải tìm cách núp trong bầy Cú vọ thì sau đó chúng ta mới được an ổn. Nếu sự việc không được như thế thì cả hai đều bị hủy hoại.

Bầy Quạ đáp: Nên làm cách gì để diệt giặc thù?

Quạ đáp: Các bạn nhổ lông, mổ đầu tôi. Tôi sẽ bày cách xin chúng che chở.

Bầy Quạ liền làm theo lời nó. Với dáng vẽ tiều tụy, Quạ đến bên ngoài hang Cú vọ, kêu rên thảm thiết. Nghe tiếng kêu, Cú vọ hỏi: Nay ngươi bị thương tích, tại sao lại đến chỗ ta?

Quạ nói: Bầy Quạ thù ghét tôi, chúng không muốn cho tôi sống nên tôi đến đây để xin lánh nạn.

Lúc ấy, Cú vọ cảm thấy thương tâm, nuôi dưỡng, thường đem thịt thừa cho ăn. Ngày tháng trôi qua, Quạ được bình phục trở lại. Nó bày kế ngậm cành cây khô và các cây cỏ để trong hang Cú vọ, giống như trả ân. Cú vọ bảo Quạ: Cần gì làm vậy?

Quạ đáp: Trong hang trống rỗng, toàn là đá lạnh nên dùng cây, cỏ này để chống gió lạnh.

Cú vọ bằng lòng, im lặng không đáp. Quạ liền xin giữ lỗ hang để báo ân.

Khi ấy gặp lúc bảo tuyết giá lạnh, bầy Cú vọ bảo Quạ vào ở trong hang. Quạ thấy tiện lợi liền rất vui mừng. Nó ngậm cây lửa để thiêu cháy hang Cú vọ. Trong một lúc cả bầy Cú vọ ở trong hang đều bị thiêu sạch.

Bấy giờ, chư Thiên nói kệ:

Các người có hiềm oán
Không nên tin tưởng nhau
Như Quạ giả thân thiện
Thiêu cháy bầy Cú vọ.

Trong Lục-độ-tập kinh có nói: Xưa kia, Bồ-tát làm chúa tể trong loài Khổng tước, rời bỏ năm trăm vợ cũ và muốn lấy con Chim sẽ xanh làm vợ. Chim sẽ chỉ ăn quả ngọt, vị ngon. Hằng ngày Khổng tước đều phải đi kiếm thức ăn cho vợ.

Ở nước kia có một Phu nhân đang lâm bệnh. Bà ta mộng thấy con Khổng tước, nếu mà ăn thịt của nó thì có thể chữa lành bệnh. Thức dậy, Phu nhân tâu lại với Vua. Nhà Vua ra lệnh cho thợ săn nhanh chóng tìm kiếm. Phu nhân nói: Người nào tìm được Khổng tước thì ta sẽ ban cho một ngàn cân vàng, và gả cho một cô gái giàu đẹp.

Các thợ săn trong nước chia nhau đi tìm. Khi trông thấy Khổng tước thường theo một con Chim sẽ đến chỗ thường ăn. Thợ săn liền dùng mật khô bôi lên các cây. Khổng tước liền lấy đem về cho vợ. Thợ săn lại dùng mật khô bôi lên thân thể, ngồi chờ. Khổng tước đến lấy mật, thợ săn liền tóm lấy nó. Khổng tước nói: Ngươi thả ta ra thì sẽ có lợi. Ta sẽ chỉ cho ngươi núi vàng, có thể nói đó là kho báu vô tận. Xin ngươi tha mạng.

Thợ săn nói: Đại vương ban cho ta ngàn cân vàng và cô gái giàu đẹp làm vợ. Ta đâu có thể tin lời nói của ngươi. Ta sẽ bắt ngươi đem dâng cho nhà Vua vậy.

Khổng tước nói: Đại vương có lòng thương xót tất cả chúng sanh, tấm lòng ấy thấm nhuần khắp nơi. Xin Ngài chấp nhận lời nói ngu hèn này, cho tôi một ít nước, tôi sẽ dùng lòng từ chú nguyện, khiến Hoàng hậu uống vào sẽ nhanh chóng lành bệnh. Nếu sự việc này không thành thì tôi xin chịu tội.

Nhà Vua đồng ý. Phu nhân uống thuốc, lành bệnh, nhan sắc tươi sáng. Mọi người trong nước cũng vậy cả nước đều khen lòng nhân từ của Vua nên mạng Khổng tước được sống còn. Thọ mạng cả nước đều được lâu dài. Khổng tước nói: Xin ném thân tôi vào hồ nước kia và chú nguyện nước ấy, dùng cứu dân chúng, chữa lành các bệnh. Nếu có sự nghi ngờ thì xin hãy dùng gậy đánh chân tôi.

Nhà Vua đồng ý, làm theo lời Khổng tước. Mọi người trong nước uống nước ấy đều có được năng lực: Người điếc thì nghe được, người mù thì thấy được, người câm thì nói được…các bệnh đều lành. Phu nhân và dân chúng trong nước đều lành bệnh. Song Khổng tước cũng không bị hại. Khổng tước cảm kích đến thưa Vua: Nhờ ân đức Vua thấm nhuần, thần cứu tế mạng sống cả nước. Báo đáp xong, thần sẽ xin đi.

Vua nói: Được.

Khổng tước bay liệng lên cây, lại nói: Trong thiên hạ có ba điều ngu.

Vua hỏi: Ba điều ngu đó là gì?

Khổng tước nói: Thần ngu, thợ săn ngu, nhà Vua ngu.

Vua nói: Xin hãy giải thích những điều ấy?

Khổng tước nói: Trong giới luật của chư Phật cho sắc là lửa. Thiêu thân, hại mạng đều do tham sắc. Tôi bỏ sự cung phụng của năm trăm bà vợ, mê say chạy theo Chim sẽ, đi tìm thức ăn hầu hạ cho Chim sẽ giống như kẻ tôi tớ, bị lưới cuồng say trói buộc làm nguy hiểm đến thân mạng. Đó là tôi ngu.

Người thợ săn ngu si, đối với lời chí thành, khẩn thiết của tôi mà ông ta bỏ núi vàng, bỏ vô số châu báu để tin theo lời dối trá, tà vạy của Phu nhân, mê vợ đẹp. Tất cả người đời đều điên cuồng như thế, bỏ giới chân chánh của Phật, tin theo sự dối trá của yêu quái, say sưa dâm loạn, hoặc bị họa tan nhà, hoặc chết vào núi Thái sơn chịu vô lượng khổ não. Khi được trở lại làm người thì cũng như chim không cánh, có muốn bay lên Trời đâu phải là chuyện dễ dàng. Dâm nữ mê loạn giống như yêu quái. Do đó mà mất nước, nguy mạng nhưng chồng ngu tin theo lời dối trá, thợ săn tin theo lời nói ấy. Đó là thợ săn ngu.

Vua được Thiên y trừ bệnh cả nước, các độc đều diệt, nhan sắc sáng rỡ. Thần nhờ vào sự hân hoan mà được Vua thả đi. Đây là Vua ngu.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất: Chúa Khổng tước từ đó về sau bay khắp tám phương để tìm kiếm thuốc hay, từ tâm ban cho chúng sanh chữa trị lành bệnh. Chúa khổng tước là thân Ta. Nhà Vua là Xá-lợiphất. Thợ săn là Điều-đạt. Phu nhân là vợ Điều Đạt.

Bồ-tát từ bi, trí tuệ, làm việc bố thí như vậy.

Trong kinh Tạp Bảo Tạng, đức Phật dạy: Vào thời quá khứ có nhiều Hải âu, Uyên ương sống trong ao hoa sen. Lúc ấy, có chim Quán tước thong thả đi trong ao. Các con chim thấy vậy đều nói: Con chim này hành thiện, oai nghi nhẹ nhàng, không não hại nước.

Lúc ấy, lại có con Ngỗng trắng nói kệ:

Nó thong thả bước đi
Âm thanh rất nhẹ nhàng
Lừa dối ở thế gian
Ai không biết xảo trá.

Quán tước nói: Tại sao nói như thế. Xin cùng tôi làm bạn.

Ngỗng trắng nói: Ta biết ngươi là kẻ xảo trá nên không bao giờ làm bạn.

Nên biết, bấy giờ chúa Ngỗng là thân Ta. Quán tước là Đề-bàđạt-đa.

Trong king Tạp-bảo-tạng, đức Phật dạy: Vào thời quá khứ, có chú Gà rừng thường dẫn bầy Gà ở bên núi Tuyết. Mào Gà đỏ tươi, thân thể trắng muốt, nó bảo bầy Gà: Các ngươi hãy xa lìa thành ấp, xóm làng, chớ ăn uống nơi mọi người. Chúng ta có rất nhiều kẻ thù oán nên phải cẩn thân bảo vệ.

Lúc ấy, trong xóm làng có một con Mèo nghe tin bên kia có một đàn Gà đang sinh sống, nó liền đi đến đó rồi ở dưới gốc cây, bước đi thong thả, hai mắt nhìn xuống, bảo đàn Gà: Ta làm vợ ngươi. Ngươi làm chồng ta. Nhưng mà thân hình ngươi thì đoan chánh đáng yêu, mào đỏ trên đầu, toàn thân đều trắng. Ta phụng sự ngươi, ngươi sẽ được an ổn sung sướng.

Gà liền nói kệ:

Con Mèo mắt vàng ngu si kia
Khi gặp súc vật nhỏ thì muốn ăn
Không thấy ai chứa vợ như thế
Mà được sống sung sướng, an vui.

Bấy giờ, Gà ấy là thân Ta. Mèo là Đề-bà-đạt-đa. Quá khứ đã muốn lừa gạt Ta, ngày nay cũng vậy, muốn dối gạt đồ chúng của Ta.

Bài kệ tụng:

Tình gian dối xảo trá
Mong tin kẻ ngu si
Giả dối làm thân thiện
Lừa dối nương tựa nhau
Ngoài thân, trong thì hại
Sớm tối gây hại nhau
Cùng chung sống lâu ngày
Mới thấy suy sụp dần.

 

PHẦN THỨ 25: ĐỌA MẠN

– Duyên thuật ý
– Duyên dẫn chúng
– Duyên lập chí.

Thứ 1: Duyên thuật ý

Làm người mà không đắc đạo là do tinh thần mê muội, đa số đều do ngoại cảnh quấy rối. Sự việc ấy lược nói có ba: danh lợi, sắc đẹp, sự sung túc.

Danh lợi là nhu cầu thiết yếu hằng ngày đối với tâm, là quan trọng mà không lệ thuộc theo thời gian. Sắc đẹp mới là sự ràng buộc sâu nặng. Sự sung túc làm khổ lụy thống thiết. Tất cả vạn vật đều là cành nhánh của ba điều này. Do đó bậc Thánh biết rõ. Nếu không đoạn ba điều này thì kẻ cầu đạo không từ đâu mà đạt được. Cũng như lửa gặp nước, thì công dụng vẹn toàn, lìa nhau thì vinh quang nhạt phai. Cho nên trong kinh có dạy: Bản chất vi tế thì thế lực mạnh. Bản chất mạnh bạo thì thế lực yếu. Do đó xét kỹ thật ra tất cả đều do công lực siêng năng mà ngộ đạo. Đọa lạc là do tham danh tiếng, sắc đẹp nên làm chướng ngại Thánh đạo. Vì vây, dòng họ Thích dống trống nơi Lộc uyển. Khổng tử tuyên dương âm đức ở nơi ấp Châu nước Lỗ. Nếu còn tai mắt mà không nghe thấy thì tâm thức lấy đâu mà lãnh hội.

Thứ 2: Duyên dẫn chúng

Như trong luận Tát-bà-đa có dạy: Đối với giới luật ở trong năm đường mà nói thì chỉ có loài người là đắc giới. Ngoài ra đối với bốn đường còn lại thì không đắc giới.

Giống như cõi Trời do quá đắm trước dục lạc nên không đắc giới.

Xưa kia do đệ tử có bệnh nên Đại Mục-kiền-liên lên đến cõi trời Đâu suất để hỏi Kỳ-bà. Lúc ấy ông ta đang cùng chư Thiên vào vườn Hoan hỷ. Mục-liên đợi ở bên đường. Tất cả chư Thiên đều không nhìn thấy, chỉ có Kỳ-bà đến sau nhìn thấy. Khi nhìn thấy Mục-liên, Kỳ-bà vẫy tay rồi thắng xe đi thẳng. Mục-liên nghĩ: “Người này là đệ tử của ta, nay thọ nhận phước báo cõi Trời nên đắm trước lạc thú ở cõi Trời mà mất hết bản tâm”. Mục-liên liền dùng thần thông chặn xe đứng lại. Kỳ-bà xuống xe, làm lễ dưới chân Mục-liên. Mục-liên nêu các sự việc quở trách. Kỳ-bà đáp:

Do con ở trong loài người làm đệ tử đại đức nên đưa tay ra hiệu hỏi thăm. Vả lại, Đại đức thấy chư thiên có ai như con không?

Bấy giờ, Mục-liên dạy Thích-đề-hoàn-nhơn: Gặp được Phật xuất hiện ở đời là khó. Tại sao người không thường xuyên đến gần gũi, học hỏi chánh pháp.

Đế-thích muốn hiểu rõ ý Mục-liên nên sai sứ gọi một Thiên tử đến, gọi đến lần thứ ba mà Thiên tử không đến, sau đó, đành phải đi. Đế-thích nói với Mục-liên:

Thiên tử kia chỉ có một Thiên nữ, một kỷ nhạc, do quá vui say, nhiễm dục tình sâu nặng, dù biết mệnh lệnh quan trọng nhưng không thể dứt được nên không chịu đến huống chi là Thiên vương có vô số cung điện, vô số Thiên nữ, thức ăn tùy ý có trăm vị thơm ngon, trăm ngàn kỷ nhạc để giải trí, nhìn Đông quên Tây. Tuy biết gặp được Phật ra đời là khó, nghe được chánh pháp là khó nhưng do tham nhiễm dục lạc trói buộc nên không được tự do. Lại biết vì sao ba đường ác không có nhân duyên để đắc giới, chỉ có trong loài người mới đắc giới. Như ở phía Bắc Uất-đơn-việt, không có Phật pháp. Còn ba châu khác cũng không đắc giới, vì phước báo làm chướng ngại và ngu si nên không thọ nhận chánh pháp.

Luật Thiện Kiến có dạy: Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo ngồi ở dưới, mời người nghe pháp ngồi ở trên cao để thuyết pháp cho họ. Bởi vì khinh mạn pháp nên bị Phật quở trách. Đức Phật dạy: Xưa kia, ở trong nước Ba-la-nại có vợ cư sĩ Xa-ba-gia đang mang thai. Cô ta muốn ăn quả Am-la nên nói với chồng: Thiếp muốn ăn quả Am-la. Phu quân có thể tìm kiếm cho thiếp.

Chồng đáp: Bây giờ, chẳng đến thời kỳ ra quả, ta làm sao kiếm được?

Cô ta nói: Nếu phu quân không kiếm được chắc thiếp phải chết mất.

Anh chàng nghe nói vậy liền suy nghĩ: “Chỉ trong vườn Vua mới có quả không đúng mùa”. Nghĩ rồi, anh chàng chờ đến tối liền vào vườn nhà Vua, tìm hái quả chưa có thì trời đã hửng sáng. Không ra khỏi vườn được, anh ta đành núp ở trên cây. Lúc ấy, Vua và Bà-la-môn vào vườn muốn ăn quả Am-la. Bà-la-môn ngồi dưới nói pháp cho Vua ở trên cao nghe. Người ăn trộm quả ở trên cây suy nghĩ: “Ta ăn trộm quả việc này đáng tội chết nhưng nhờ nhà Vua nghe Bà-la-môn nói pháp nên ta được thoát nạn. Nay ta là người không biết pháp, nhà Vua và Bà-la-môn cũng vậy. Vì sao? Ta vì vợ nên ăn trộm quả của nhà Vua.

Pháp sư thuyết pháp ở dưới, nhà Vua tánh kiêu mạn ngồi nghe trên cao. Bà-la-môn vì tham lợi dưỡng nên ngồi ở dưới nói pháp cho Vua. Bây giờ, cả ba chúng ta đều không biết pháp, ta sẽ được thoát nạn. Anh ta liền trèo xuống, đến trước nhà Vua, nói kệ:

Hai người không biết pháp
Hai người không thấy pháp
Người dạy không nương pháp
Người nghe không hiểu pháp
Vì nhu cầu ăn uống
Ta nói không biết pháp
Vì danh tiếng, lợi dưỡng
Mà hủy pháp xuất gia.

Vua nghe bài kệ này rồi liền tha tội cho người ăn trộm.

Lúc Ta làm người phàm còn biết việc phi pháp, huống chi nay Ta đã thành Phật. Các ông nên vì những người mà ngồi dưới để thuyết pháp. Người ăn trộm quả lúc ấy là thân Ta.

Luận Trí-độ có dạy: Vào thời đức Phật Ca Diếp có hai anh em cùng xuất gia cầu đạo. Một người chuyên trì giới, tụng kinh, ngồi thiền. Một người chuyên đi khuyến hóa các thí chủ làm phước. Đến lúc đức Phật Thích Ca ra đời thì một người sanh vào nhà Trưởng giả, một người làm voi trắng lớn có sức hùng mạnh để dẹp giặc. Người con Trưởng giả xuất gia học đạo, chứng đắc quả A-la-hán và sáu thần thông nhưng do phước mỏng nên khất thực khó được.

Một ngày kia, La-hán ôm bát vào thành khất thực khắp nơi mà chẳng được gì. La-hán đến chuồng voi trắng, thấy Vua đem nhiều thức ăn cho voi. La-hán nói: “Ta và ngươi đều có tội lỗi”. Voi liền tin, ba ngày không ăn. Người giữ voi rất lo sợ, vội tìm kiếm đạo nhận. Khi gặp đạo nhận, anh ta nói: Người đã làm phép thuật gì mà làm cho voi nhà Vua không ăn uống gì cả?

La-hán đáp: Con voi ấy đời trước là em của ta. Ta và nó cùng sanh ra vào thời đức Phật Ca Diếp. Hai anh em đều xuất gia học đạo. Ta chỉ trì giới, tụng kinh, ngồi thiền, không tu bố thí. Em ta thì chỉ chuyên khuyến hóa thí chủ làm việc bố thí nhưng không tu trì giới, không chịu học hỏi. Do đời trước nó không chịu trì giới, tụng kinh, ngồi thiền nên đời nay phải làm thân voi này, nhờ siêng tu bố thí nên ăn uống đầy đủ, sung túc. Còn ta thì chỉ hành đạo không chịu bố thí nên nay được đắc đạo quả nhưng khất thực không được gì. Vì sự việc này nên ta thấy nhân duyên không đồng, tuy được gặp nhau nhưng còn phải chịu đói khát.

Trong kinh Bách Dụ có dạy: Xưa kia vào ngày lễ Khánh tiết, ở nước ngoài thì tất cả phụ nữ đều đem hoa Ưu-bát-la dùng làm đồ trang sức. Lúc ấy, có vợ anh nhà nghèo nói với chồng: Nếu chàng kiếm được hoa Ưu-bát-la cho thiếp thì thiếp sẽ làm vợ chàng. Nếu chàng không kiếm được thì thiếp sẽ bỏ chàng mà đi.

Anh chàng này trước đây thường giả làm tiếng chim Uyên ương rất hay nên anh ta liền vào ao nhà Vua giả làm tiếng chim Uyên ương để hái trộm hoa. Lúc ấy, người giữ ao hỏi: Ai trong ao vậy?

Anh ta đáp: Ta là Uyên ương.

Người giữ ao bắt được đem đến chỗ nhà Vua. Giữa đường đi anh ta lại giả làm tiếng Uyên ương. Người giữ ao nói: Hồi nãy sao ngươi không làm tiếng chim Uyên ương, giờ giả làm thì có ích gì?

Người ngu ở đời cũng vậy, suốt đời tàn hại làm các việc ác, không tu việc lành, đến lúc lìa trần mới nói: “Nay ta muốn tu việc lành” thì đã bị ngục tốt dẫn đi, giao cho Diêm vương. Dù muốn tu việc lành cũng không kịp nữa. Như người ngu kia đi đến chỗ Vua còn giả làm tiếng chim Uyên ương.

Trong kinh Bách Dụ có dạy: Xưa kia có một Trưởng giả giàu có, hai người đứng hầu hai bên muốn lấy lòng ông ta nên rất cung kính với ông ta. Lúc Trưởng giả khạc nhổ thì hai người hầu hai bên tranh nhau dùng chân dẫm lên chà đi. Có một người ngu không đạp kịp nên anh ta suy nghĩ: “Nếu để Trưởng giả nhổ xuống đất thì mọi người đạp hết, chi bằng lúc Trưởng giả sắp muốn nhổ thì ta cứ đạp trước”.

Lúc ấy, Trưởng giả sắp muốn khạc nhổ, lập tức người ngu kia đưa chân đạp miệng Trưởng giả làm sưng môi, gãy răng. Trưởng giả hỏi: Tại sao ngươi đạp miệng ta?

Người ngu trình bày nguyên nhân, nên khi đàm sắp ra thì liền đưa chân đạp trước để lấy lòng người.

Hễ làm việc gì cần phải làm đúng lúc. Khi sự việc chưa đến nếu đem hết sức lực thì trở lại chịu phiền não. Cho nên, người đời cần biết: đúng lúc và không đúng lúc.

Thứ 3: Duyên lập chí

Như kinh Tạp Thí Dụ có dạy: Xưa kia có anh chàng Tát-bạt nghe tin ở nước kia có của báu, anh ta muốn đến đó để sinh sống nhưng mà giáp giới giữa hai nước có nạn La-sát nên không thể qua được. Tát-bạt đi du hành thấy cửa ở hướng Đông có một vị đạo nhân ngồi trên giường trống không, nói bán năm giới. Tát-bạt hỏi: Năm giới là gì?

Đạo nhân đáp: Năm giới tuy vô hình nhưng miệng giữ, tâm hành thì đời sau được sanh lên Trời. Hiện tại có thể vượt qua nạn quỷ Lasát.

Tát-bạt muốn mua liền hỏi bán nó bao nhiêu?

Đạo nhân đáp: Một ngàn tiền vàng thì sẽ nhận hết. Lúc người đến ranh giới nước ngoài nếu gặp phải quỷ La-sát thì chỉ nói: “Ta là đệ tư năm giới của Thích Ca”.

Sau đó không lâu, Tát-bạt đến giữa biên giới của hai nước thì thấy quỷ La-sát. Thân nó dài đến mười ba mét, đầu như áo tơi vàng, mắt như đinh đỏ, có vảy cá trên toàn thân, lại thường há miệng như cá đập mang, ngưỡng nhìn yến bay, đạp đất lún đến đầu gối, miệng chảy máu nóng, bọn chúng nhiều đến vô số xúm đến bắt lấy Tát-bạt. Tát-bạt nói: Ta là đệ tử năm giới của Thích Ca.

La-sát nghe vậy, chúng nó không chịu thả. Tát-bạt liền dùng hai tay nắm lấy vảy mà cũng không rút ra được. Anh ta lại dùng chân đạp đầu vùng ra cũng không được, toàn thân bị cuốn vào trong vảy và mai nên chỉ có thể động đậy. La-sát nói kệ:

Thân ngươi và tay chân
Tất cả đều bị buộc
Phải đi đến chỗ chết
Vùng vẫy để làm chi?

Nhờ ý chí kiên cố nên Tát-bạt nói kệ:

Thân ta và tay chân
Nhất thời bị trói buộc
Nhiếp tâm như đá vàng
Quyết không bị ngươi hại.

La-sát nói:

Ta là chúa loài Quỷ
Xưa nay ăn chúng mày
Những người có sức lực
Nhiều không thể tính kể
Chỉ đưa đến cái chết
Làm gì mà tự khoe.

Tát-bạt sân giận, tự nghĩ thân này bị luân hồi trong ba cõi chưa từng cầu xin ai. Nay ta phải cầu xin La-sát cho ăn một bữa thật no. Anh ta liền nói kệ:

Thịt sống của thân ta
Lâu nay muốn xả bỏ
La-sát bắt được ta
Thì dùng để bố thí
Chí mong cầu Đại thừa
Thành quả Nhất thiết trí.

La-sát thông hiểu ý của Tát-bạt nên trong lòng rất hổ thẹn, liền thả anh ta ra, rồi quỳ xuống chắp tay sám hối:

Ngài là thầy độ người
Hiếm có trong ba cõi
Chí cầu nơi Đại thừa
Không lâu sẽ thành Phật
Nên con xin quy y
Cúi đầu để làm lễ.

La-sát sám hối rồi tiễn Tát-bạt ra nước ngoài lấy được nhiều châu báu xong lại đưa trở về nhà. Anh ta tu nhiều công đức liền được thành tựu quả Tu-đà-hoàn.

Nên biết năng lực trì giới không thể nghĩ bàn. Vậy các hành giả nên giữ gìn cấm giới như người lập chí dõng mãnh này.

Trong luận Trí Độ có dạy: Có một con Rồng độc, có nhiều năng lực. Lúc nó dùng mắt nhìn người thì người sẽ bị chết, dùng miệng hà hơi thì người cũng bị chết.

Bấy giờ, Rồng thọ giới trong một ngày, xuất gia ở trong rừng cây, ngồi lâu suy nghĩ mỏi mệt nên ngủ mất đi. Pháp của loài Rồng khi nằm ngủ thì hình trạng như Rắn, có bảy màu sắc xen tạp nhau. Thợ săn trông thấy, vui mừng nói: Đây là việc hiếm có, khó kiếm được da này để dâng lên cho nhà Vua dùng làm đồ trang sức, thật là thích hợp. Anh ta liền dùng gậy đè đầu xuống rồi lấy dao cắt da nó. Rồng nghĩ: “Sức lực của ta có thể lật đổ cả cõi nước, một vật nhỏ này đâu đủ để làm khổ ta. Bây giờ ta trì giới nên không chấp vào thân này, phải vâng theo lời Phật dạy, nhẫn nhịn nhắm mắt không nhìn, nín hơi không thở. Vì thương xót người này, vì trì giới nên một lòng chịu cắt, không có ý hối hận. Khi đã bị lấy mất da, thịt tươi ở trên đất thì bị mặt Trời nóng đốt nên Rồng phải lăn lộn trong đất. Nó muốn đến chỗ nhiều nước thì thấy các trùng nhỏ xúm đến ăn thịt mình, vì trì giới nên không dám động đậy. Nó tự nghĩ: “Nay đem thân ta bố thí cho các loài trùng vì hành Phật đạo. Nay ta dùng thịt bố thí để chúng nó được no đủ. Sau đó ta đem pháp bố thí làm lợi ích cho tâm chúng”. Sau khi chết đi, Rồng được sanh lên cõi Trời.

Súc sanh còn có thể giữ gìn cấm giới đến chết cũng không phạm, huống chi loài người không có sự bao dung nên phạm!

Trong luật Ngũ phần, đức Phật dạy: Quá khứ có một con Rắn độc cắn một con Trâu nghé rồi vào trong hang. Có một thầy bùa dùng một con Dê chú nguyện để Rắn bò ra nhưng không có kết quả. Thầy bùa liền ở trước Trâu nghé đốt lá bùa. Trâu nghé liền hóa thành Ong lửa bay vào trong hang đốt Rắn. Rắn không chịu đựng nỗi phải bò ra khỏi hang. Dê liền dùng sừng húc nó để trước thầy bùa. Thầy bùa nói: Ngươi hãy hút độc lại đi, nếu không thì ta sẽ ném ngươi vào lửa.

Rắn nói kệ:

Ta đã nhả độc này
Không thể hút lại được
Nếu phải mất mạng này
Thì không thể sống lại.

Lúc ấy, Rắn không thâu độc lại, tự gieo mình vào lửa.

Đức Phật dạy: Bấy giờ, Rắn độc là Xá-lợi-phất. Xưa kia chịu khổ như vậy còn không lấy độc lại, huống chi ngày nay mà lại đi lấy khoái lạc đã bỏ.

Trong kinh Tạp Bảo Tạng, đức Phật có dạy: Vào thời quá khứ, đức Phật thường du hóa ở nước Ca-thi và Tỳ-đề-ê. Giáp giới giữa hai nước là một đồng trống mênh mông. Ở đó có ác quỷ Sa-tra-lô làm cắt đứt đường đi. Tất cả mọi người đều không thể qua được. Có một thương chủ tên là Sư tử dẫn năm trăm người muốn đi qua con đường này. Mọi người dều lo sợ không thể qua được con đường này. Thương chủ nói: Các ngươi hãy cẩn thận, chớ sợ hãi, hãy đi theo sau ta.

Lúc ấy, mọi người đi đến chỗ Quỷ. Quỷ nói: Ngươi không nghe danh tiếng ta sao?

Mọi người đáp: Ta nghe danh tiếng ngươi nên muốn đến thi đấu.

Quỷ hỏi: Ngươi có năng lực gì mà muốn đến thi đấu?

Mọi người đều tra cung tên, bắn Quỷ. Năm trăm mũi tên đâm vào bụng Quỷ. Mọi người đấm, đá vào đầu, dùng tay phải đánh tay phải, dùng chân phải đạp chân phải, dùng chân trái đạp chân trái, dùng đầu đánh đầu. Quỷ nói kệ:

Ngươi dùng tay, chân cùng với đầu
Tất cả các vật đè thân ta
Ngoài ra còn vật gì nữa không?

Thương chủ nói kệ:

Nay chân, tay và đầu ta
Tất cả tiền tài và dao gậy
Các loại vật ấy đã vào bụng
Chỉ có tinh tấn không buộc ngươi
Nếu mà tinh tấn không dừng nghỉ
Quyết đấu cùng ngươi không ngừng nghỉ
Giờ đây ta hết sức tinh tấn
Quyết không sợ hãi ngươi nữa đâu.

Quỷ đáp: Nay vì bọn bây nên năm trăm khách mua đều bỏ đi.

Trong luận Tạp-bà-sa có dạy: Ma-vương thấy Bồ-tát ngồi dưới cây Bồ-đề, chánh niệm bất động, thệ nguyện đạt đến quả Vô thượng nên nó vội ra khỏi cung Ma rồi đi đến chỗ Bồ-tát. Nó nói: Chàng Sátđế-lợi có thể ra khỏi tòa này. Hiện giờ đang vào thời ác trược, chúng sanh rất ương ngạnh, chắc chắn không thể chứng quả Bồ-đề. Thà ngươi hiện làm Chuyển-luân-vương, ta sẽ đem bảy báu đến dâng cúng.

Bồ-tát nói: Lời nói của ngươi cũng như kẻ dụ dỗ trẻ con. Mặt Trời, mặt Trăng và các vì sao có thể rơi rụng, núi rừng, mặt đất có thể vọt lên hư không nhưng muốn ta không đắc Chánh giác, đi khỏi tòa này thì việc ấy không thể xãy ra.

Sau đó, Ma dẫn quân ma nhiều đến ba mươi sáu ức. Mỗi Ma hiện vô số hình trạng đáng sợ, trên tay cầm nắm vô số binh khí chiến đấu đủ các màu sắc dàn hàng khắp ba mươi sáu dặm cùng một lúc hướng đến cây Bồ-đề, làm não loạn Bồ-tát nhưng chẳng được ích gì.

Thân tâm Bồ-tát không lay động như núi Tu-di.

Trong kinh Tăng già-la-sát có dạy: Xưa kai có một vị Bồ-tát hiện thân làm chim Anh vũ. Nó thường ở trên cây lớn. Có một cơn gió mạnh thổi đến liền có lửa phát ra. Lửa mỗi lúc một mạnh dần làm thiêu trụi một ngọn núi. Anh vũ suy nghĩ: “Giống như loài chim bay còn trở lại trên cây để sanh tâm báo ân. Huống chi ta đã ở đây lâu dài mà không tìm cách dập tắt lửa”.

Anh vũ liền đến biển, dùng hai cánh lấy nước biển mang về tưới lửa, hoặc dùng miệng tưới. Nó vội chạy đằng Đông đằng Tây để dập lửa. Lúc ấy, có vị Thiện Thần cảm động đến sự cần khổ ấy liền đến dập tắt lửa giúp chim.

Trong luận Trí Độ có dạy: Xưa kia lửa ở một đồng trống có lửa đốt cháy rừng. Trong rừng có một con chim Trỉ, siêng năng tự lực bay đi lấy nước tưới rừng. Bay đi, bay lại vô cùng vất vả thế mà nó chẳng cảm thấy khổ. Lúc ấy, Trời Đế-thích đến hỏi: Ngươi làm việc gì vậy?

Trỉ đáp: Ta cứu rừng này. Vì thương xót chúng sanh nên rừng này đã che chở nuôi dưỡng chúng sanh cư trú lâu ngày. Rừng là nơi mát mẻ khoái lạc. Tất cả chủng loại và thân thuộc chúng ta đều nương tựa. Ta có sức lực tại sao không cứu lấy?

Đế-thích nói: Thế ngươi siêng năng đến bao giờ?

Trỉ nói: Cho đến lúc chết.

Đế-thích nói: Ai sẽ công nhận cho ngươi?

Trỉ liền lập thệ nguyện: Tâm ta chí thành, không có hư vọng, nguyện lửa tự diệt.

Lúc ấy, Trời Tịnh cư biết thệ nguyện sâu rộng của Trỉ liền dập tắt lửa. Cây cối xưa nay vẫn tươi tốt, không còn bị lửa diệt.

Bài kệ tụng:

Lười học, mê ba giáo
Hỏi đến chẳng biết gì
Hợp đèn không kết hạt
Cột hoa sao có trái
Không sanh tâm cao mạn
Mạ nhục chẳng được gì
Đạo lạc đường u ám
Ra vào ngục tối tăm
Cho đến trăm ngàn năm
Vạn ức khổ bức bách
Gặp biển khổ không biết
Đều do tâm kiêu mạn
Ví dụ như người thiện
Lập chí cần rõ luật
Hùng hỗ khinh mạn pháp
Nay không biết hối cải.

CHƯ KINH TẬP YẾU
(HẾT – QUYỂN 1)