CHƯ KINH TẬP YẾU
Soạn dịch: Sa-môn Thích Đạo Thế ở chùa Tây Minh, đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 11
PHẦN THỨ 19: NGHIỆP NHÂN
– Duyên thuật ý.
– Duyên phát nghiệp.
– Duyên tội hành.
– Duyên phước hành.
– Duyên tạp nghiệp.
Thứ 1: Trình bày về duyên ý
Thương thay! Những kẻ mê mờ chướng nặng, bỏ ba xe (Tam thừa) mà chẳng chịu đi, nổi chìm trong biển khổ, chịu cháy bỏng mà không biết mệt, như ruồi nhặng thích thây chết tanh hôi, như thiêu thân lao đầu vào lửa. Bởi mê nhân lầm quả, không biết thiện ác, nên thích gây nhân khổ, tùy duyên mà khởi nghiệp, chịu đủ mọi khổ nạn lầm than, đến nay bị thiêu chín mà chẳng biết thôi dừng đức. Như Lai tâm bi rộng lớn, không nỡ bỏ mãi chúng sanh, chỉ bảo cho pháp khổ vui, lìa khổ.
Thứ 2: Duyên phát sanh nghiệp
Hỏi: “Thế nào là nghĩa của nghiệp đạo?”
Đáp: Bảy nghiệp nơi thân khẩu tức là tự thể và tướng gọi là nghiệp đạo còn ba nghiệp của ý tương ưng với tâm. Lại nghiệp đó có thể làm nên nghiệp đạo gọi là nghiệp đạo.
Hỏi: Nếu nghiệp gọi là đạo thì đều có thể đồng đến địa ngục. Sao ba nghiệp còn lại (ý) chẳng phải là nghiệp đạo?
Đáp: Như bảy nghiệp đó lấy ba nghiệp ý làm căn bản, do tương ưng nên không thể như bảy nghiệp trước được, nên không gọi là nghiệp đạo. Như trong luận Đối pháp dạy. Lại nữa, có bốn loại nghiệp khác nhau. Nghĩa là nghiệp Hắc hắc dị thục, nghiệp Bạch bạch dị thục, nghiệp Hắc bạch hắc bạch dị thục, nghiệp phi Hắc bạch vô dị thục có thể diệt trừ các nghiệp. Nghiệp Hắc hắc dị thục là nghiệp bất thiện do nhiễm ô, không được quả ưa thích. Nghiệp Bạch bạch dị thục là nghiệp thiện trong ba cõi, không có nhiễm ô, được quả ưa thích. Nghiệp Hắc bạch hắc bạch dị thục là các tạp nghiệp trong cõi dục, những nghiệp thiện, bất thiện lẫn lộn. Nghiệp phi Hắc bạch vô dị thục, có thể diệt trừ các nghiệp là phương tiện trong đạo không bị gián đoạn. Các nghiệp vô lậu dùng phương tiện đạo không gián đoạn đạo để đối trị các nghiệp đó. Phi hắc là xa lìa phiền não cấu uế. Bạch là hoàn toàn thanh tịnh. Vô dị thục là xa lìa sanh tử. Có thể diệt trừ nghiệp là do nghiệp vô lậu mà vĩnh viễn trừ hết các nghiệp ác, hữu lậu trong ba cõi và tập khí dị thục.
Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy: Nếu có thiện nam nào không hiểu nghiệp duyên như vậy thì bị lưu chuyển sanh tử trong vô lượng kiếp, tuy sanh vào Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ thọ tám vạn kiếp, phước hết lại đọa vào ba đường ác, nên Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Tất cả họa đồ mô phỏng không hơn hẳn ý, ý họa vẽ phiền não, phiền não họa nghiệp, nghiệp thì họa thân.
Trong phẩm Nghiệp của A-tỳ-đàm-tạp-tâm, kệ:
Nghiệp thường trang bị đời
Hướng đến khắp mọi nơi
Là đều do Tư nghiệp
Cầu giải thoát khỏi đời
Các nghiệp thân, miệng, ý
Đều có trong các hữu
Nghiệp đó là các hành
Trang bị đủ các thân
Thân nghiệp nên biết hai
Là làm và không làm
Nghiệp miệng cũng như vậy
Nghiệp ý là Tư nghiệp.
Trong luận Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh dạy: Mười nghiệp đạo bất thiện là tất cả pháp ác đều do tham sân si mà khởi. Do nương vào ba độc mà sát sanh. Nếu nương vào tâm tham khởi: Như vì da thịt, tiền tài mà đaọt sanh mạng. Gọi là do tâm tham khởi. Nếu nương vào tâm sân khởi hoặc do tâm sân mà giết hại oan gia. Gọi là do tâm sân khởi. Nếu nương vào tâm si khởi: Như có người nói: Giết các loại rắn, bò cạp. Vì nó làm não hại chúng sanh nên giết cũng không có tội. Hoặc nói: Như Ba La Tư các việc như giết chết cha mẹ già, người bịnh nặng thì không có tội báo. Gọi là do tâm si khởi. Như nương vào ba độc mà sanh trộm cướp. Nếu nương vào tâm tham khởi, hoặc vì mình hay thân người, vì ăn uống. Gọi là do tâm tham khởi. Nếu nương vào tâm sân khởi thì ở bên người sân và những vật ưa thích mà ăn trộm vật ấy. Gọi là do tâm sân khởi. Nếu nương vào tâm si khởi: Như có Bà-la-môn nói: Tất cả các vật có ở đại địa đều là của ta. Vì sao? Vì quốc vương kia trước đã bố thí cho ta, do ta không có năng lực nên bị các dòng họ khác cướp mất mà xử dụng. Vì thế, ta lấy vật của mình, nên không gọi là ăn trộm. Gọi là do tâm si khởi.
Do nương vào ba độc khởi tà dâm. Nếu nương vào tâm tham khởi, đối với chúng sanh khởi tâm tham nhiễm, không tu hành như thật… Gọi là do tâm tham khởi. Nếu nương vào tâm sân khởi, dựa vào sự giúp đỡ tài vật sinh sống của người khác, vì dựa vào đó tâm sân khởi, dâm với thê thiếp của oam gia hoặc với người được oan gia yêu mến. Gọi là do tâm sân khởi. Nếu nương vào tâm si khởi, như có người nói: Ví như cái cối giã mịn các thứ như hoa quả, thức ăn, sông nước và các con đường thì người nữ hành dâm mới không có tội, hoặc như các tội Ba La Tư hành tà dâm với mẹ. Gọi là do tâm si mà khởi.
Do nương vào ba độc mà nói dối, như lời nói hai lưỡi, nói ác, nói thêu dệt. Nếu nương vào tâm tham khởi, thì dựa vào tham trói buộc sanh, tuần tự hai tâm hiện tại. Như vậy gọi là do tâm tham khởi. Nếu nương vào tâm sân trói buộc sanh thì gọi là do tâm sân sanh. Nếu nương vào tâm si trói buộc sanh thì gọi là do tâm si sanh, như tham, sân và tà kiến cũng nên biết như vậy.
Hỏi: Ở trong nghiệp đạo, những gì là tiền quyến thuộc? Những gì là hậu quyến thuộc?
Đáp: Nếu tìm mọi cách để giết hại dê. Hoặc dùng tài vật mua rồi đem tới lò mỗ. Mới chặt một nhát đầu, hoặc hai hoặc ba nhát dao mà dê chưa chết thì đã có nghiệp ác, gọi là tiền quyến thuộc. Tùy theo nhát dao lúc đó như thế nào mà khi đoạn dứt mạng sống, suy nghĩ lúc ấy đã có tác nghiệp và vô tác nghiệp. Đây gọi là nghiệp đạo căn bản. Sau đó, thân hành động tác nghiệp. Gọi là hậu quyến thuộc sát sanh. Cho đến nói thêu dệt cũng như vậy. Nên biết ngoài những nghiệp tham, sân, si, tà kiến thì không có tiền quyến thuộc, vì tâm sanh khởi ban đầu đã thành tựu nghiệp đạo căn bản.
Lại thân, miệng, ý có mười nghiệp đạo bất thiện, tất cả đều có tiền, hậu quyến thuộc. Nghĩa này thế nào? Như người sanh tâm muốn giết mạng chúng sanh này, nhân đó muốn đoạn mạng chúng sanh khác nữa. Như muốn giết hại chúng sanh để cúng tế trời, tức cướp vật của người khác, muốn giết người đó lại muốn hành dâm với vợ của họ. Nếu sanh tâm như vậy, liền bảo vợ người đó giết chồng. Lại dùng đủ lời nói tranh chấp, rối loạn phá hoại tình thân thuộc của người kia, hoặc không đúng thời, trái với sự thật, đối với vật của người đó sanh tâm tham, đối với người ấy phát khởi tâm sân. Vì giết hại người đó mà sanh tà kiến như vậy, tăng trưởng tà kiến giết hại mạng người đó, lại muốn giết hại cả vợ, con trai gái của người đó, cứ tuần tự như vậy đầy đủ mười nghiệp đạo bất thiện. Những nghiệp này gọi là tiền quyến thuộc. Tất cả mười nghiệp đạo bất thiện cũng nên biết như vậy.
Xa lìa đường thiện chẳng phải phương tiện, tu tập nghiệp đạo thiện là phương tiện. Vì xa lìa căn bản, xa lìa phương tiện, nên nói phương tiện là như Sa-di đó muốn thọ đại giới, phải đến giới trường lễ lạy chúng Tăng, thỉnh Hòa thượng, thọ trì ba y, mới thưa lần thứ nhất, thưa lần thứ hai như vậy. Gọi là tiền quyến thuộc. Thưa lần thứ ba cho đến yết ma xong. Những việc làm là Tác nghiệp và các suy nghĩ lúc đó là Vô tác nghiệp. Những việc đó đều gọi là nghiệp đạo căn bản. Tiếp theo trao truyền tứ y, cho đến làm tất cả việc lành, Tác nghiệp và Vô tác nghiệp của thân, miệng, như vậy đều gọi là hậu quyến thuộc.
Nói rằng: Trên đã dẫn chứng kinh luận để làm rõ nhiều loại nghiệp nhân, đến đây vẫn chưa xử đoán rõ tội nhẹ hay nặng, nên trong kinh Biệt dẫn Ưu-bà-tắc giới nói rõ nghiệp không đồng, liệt kê có bốn loại. Một là vật đối với ý có bốn. Hai là nặng nhẹ không giống nhau có tám. Ba là thượng, trung, hạ không giống nhau có tám. Bốn là theo luận Tác bà đa có tâm không tâm không giống nhau có tám. Hiện nay xét về tội đều bao gồm tất cả. Thứ nhất kinh dạy: Có vật nặng ý nhẹ. Có vật nhẹ ý nặng. Có vật nặng ý nặng. Có vật nhẹ ý nhẹ. Thứ nhất có vật nặng ý nhẹ là như tâm không có ý ác giết cha mẹ vậy. Thứ hai là có vật nhẹ ý nặng như dùng tâm ác giết súc vật. Thứ ba có vật nặng ý nặng như với tâm tàn ác để giết cha mẹ sanh mình. Thứ tư là có vật nhẹ ý nhẹ với tâm nhẹ giết hại súc sanh.
Thứ hai nghiệp ác như vậy lại có tám loại nặng nhẹ khác nhau. Những gì là tám? Một là có nhiều phương tiện thành tựu căn bản nhẹ. Hai là căn bản nặng mà phương tiện thành tựu ít. Ba là thành tựu phương tiện nhiều mà căn bản lại nhẹ. Bốn là có phương tiện căn bản nặng mà thành tựu nhẹ. Năm có phương tiện thành tựu rồi nặng mà căn bản lại nhe. Sáu là có căn bản thành rồi nặng mà phương tiện lại nhẹ. Bảy là có phương tiện căn bản thành tựu rồi đều nặng. Tám là có phương tiện căn bản thành tựu rồi đều nhẹ. Vật là một thứ do năng lực của tâm mà bị quả nặng nhẹ, như mười nghiệp lành cũng có ba điều đó. Một là phương tiện, hai căn bản, ba thành tựu. Lại có người thường siêng năng lễ bái cúng dường những người có đức như cha mẹ, Sư trưởng, Hòa thượng trước nên thưa hỏi, nói lời hòa nhã. Đây gọi là phương tiện. Nếu làm xong rồi mà tâm luôn tu tập nhớ nghĩ, vui vẻ không hối tiếc. Đây gọi là thành tựu. Khi làm chuyên tâm chấp giữ. Đây gọi là căn bản. Mười điều thiện như thế thì mười điều ác cũng như vậy.
Thứ ba là mười nghiệp đạo. Lại có ba điều, là thượng, trung và hạ. Phương tiện là thượng. Căn bản là trung. Thành tựu là hạ. Hoặc phương tiện là trung. Căn bản là thượng. Thành tựu là hạ. Hoặc phương tiện là hạ. Căn bản là thượng. Thành tựu là trung.
Thứ tư, dựa vào luận Tác Bà Đa phương tiện, căn bản, thành tựu. Khi làm hữu tâm, vô tâm tự mình rơi vào ba cõi sáu đường, sanh nghiệp nhiều ít có khác. Thứ nhất nói rõ sự phát khởi bất thiện ở địa ngục. Theo luận Tỳ đàm có năm nghiệp đạo. Một là nói ác. Hai là nói thêu dệt. Ba là tham. Bốn là sân. Năm là tà kiến. Đối với nói ác, thêu dệt và sân thì phải chịu khổ, ba loại này đều hiện hành. Lời nói xấu ác bị ở ngục tốt, nên nó hiện hành. Tức là lời ác này không thích hợp, trái với pháp, chẳng đúng chánh pháp, tức là rơi vào lời nói thêu dệt. Bấy giờ, phẩn nộ tức là sân giận. Ba việc này là không thiện, thì địa ngục hiện hành. Nếu nói về nghiệp tham và tà kiến thì chỉ thành tựu trong tâm mà không hiện hành. Do người phàm phu nói những lời thô ác chưa đoạn được phiền não, nên tham tà kiến thành tựu trong tâm, việc đó nam nữ đều chịu khổ, nếu nam nữ không cùng làm việc sai lầm thì tâm tham này không hiện hành. Do thường thọ khổ nên tâm thức luôn mê ám, không thể tìm cầu nhân quả có không, nên cũng không có tà kiến hiện hành. Nếu tự mình còn giết hại, trộm cắp, nói dối, nói hai lưỡi thì những việc đó không làm thì không có điều đó.
Hỏi: Nếu địa ngục không có nghiệp đạo tham và tà kiến hiện hành thì sao lại nói chúng đã thành tựu? Hai pháp này nếu tâm pháp phiền não chưa đoạn xong, đời vị lai, tuy không hiện hành nhưng tánh luôn thành tựu, không giống với bảy chi sắc nghiệp của thân, miệng, là pháp thô phát khởi mới thành tựu, không tạo tác thì không nói là thành nên luận Tạp tâm dạy: Trong địa ngục không có tướng giết hại thì không có nghiệp đạo sát sanh, không nhận tài sản nên không có nghiệp đạo trộm cắp, không thu nhận người nữ nên không có nghiệp đạo tà dâm, có tưởng sai khác nên gọi là nói dối, do không có tưởng khác đó nên không nói dối, thường thích xa lìa nên không nói hai lưỡi. Vì bị khổ bức bách nên có lời nói ác, nói không đúng lúc nên cố nói thêu dệt, tham và tà kiến thành tựu mà không hành tác. Thứ hai, thứ ba nói rõ về đường ngạ quỷ, súc sanh có đầy đủ mười ác mà không có bảy chi ác luật nghi của thân, miệng.
Hỏi: Nay trong loài súc sanh không biết nói dù có âm thanh thì có thành tựu nghiệp miệng không?
Đáp: Khi sân của chúng sanh khởi có phát ra tiếng khác tuy chẳng nói được mà cũng thành tựu nghiệp miệng.
Luận Thành thật dạy: Âm thanh của súc sanh là nghiệp miệng phải không?
Đáp: Tuy không nói ra nhưng tiếng của chúng khác thường do từ tâm khởi nên cũng gọi là nghiệp. Nói đầy đủ cũng có mười. Nếu có nhiều là loài rồng chúa, biết rõ ý chí của người nên đầy đủ mười nghiệp đạo. Trừ loài súc sanh mê ám chỉ có sáu thứ, ba thuộc thân và ba thuộc ý, còn bốn thứ kia không có, vì miệng không hiểu được lời nói. Nếu căn cứ vào kiếp ban đầu của súc sanh mà hiểu được tiếng người thì mới đủ mười nghiệp ác.
Thứ tư là trong loài người mà tạo tội. Loài người khắp thiên hạ ở trong ba châu Nam-diêm, Đông-phất, Tây-ngưu tạo nhiều nghiệp ác nên đủ mười nghiệp ác. Nhưng Đông, Tây thì nhẹ mà phương Nam rất nặng vì có tạo ác luật nghi. Nếu nói về tội của Bắc-câu-lô-châu thì ở phương đó chỉ có bốn nghiệp bất thiện. Một là nói thêu dệt, hai tham, ba sân, bốn tà kiến. Do có ca hát ngâm vịnh nên có nói thêu dệt, tham, sân, tà kiến có thành tựu mà không tạo tác.
Hỏi: Ở phương Bắc có hành dục sao nói không có nghiệp đạo tà dâm?
Đáp: Ở phương đó không có vợ chồng cùng giao hợp, tuy có sự dâm nhưng không xâm đoạt lẫn nhau, nên không có tà dâm.
Hỏi: Đã có hành dâm tức tham dục hiện hành, sao nói chỉ thành tựu mà không làm?
Đáp: Họ chỉ khởi tham dâm chẳng phải tục thường đè nén, tuy nhiều lần hiện hành mà bậc Thánh vẫn cho không có tội. Chỉ do tâm tham dâm sở khởi (không chủ đông), chẳng phải là nghiệp tội mà không chịu khổ báo, huống gì tâm tham nặng khởi (chủ đông), như vợ chồng ở đời tham ái chẳng chế ngự.
Hỏi: Người phương Bắc có những thứ ca hát ngâm vịnh là pháp không đúng, tức là nói dối, sao không nói có nghiệp nói dối?
Đáp: Những người này thuần phát, chính trực không làm gian dối, tâm không dối người, nên không nói dối. Họ sống lâu ngàn năm nên không giết sinh mạng. Phương đó, cơm áo, lúa gạo, cây trái, y báu tự nhiên có nên không có người canh giữ, không có ăn trộm. Người ở đó hòa nhã không có những nghiệp nói hai lưỡi, nói ác. Luận Tạp tâm dạy: Bắc-câu-lô-châu có bốn nghiệp đạo bất thiện, thọ mạng lâu dài, không có sát sanh, không ưa thích tài vật nên không ăn trộm, không thích nhiều người nữ nên không có tà dâm, không lừa dối người nên không nói dối, thường hòa thuận nên không nói hai lưỡi, do nhu hòa nên không nói lời thô ác. Có ca hát, có nói thêu dệt, nhưng luận về ý nghiệp đạo thì tuy thành tựu mà không hiện hành.
Thứ năm là ở trong cõi trời mà tạo tội. Sáu tầng trời ở cõi Dục này có giết hại, trộm cướp. Tuy đối với mười nghiệp bất thiện đều có nhưng không có bảy loại ác luật nghi của thân, miệng. Luận Tạp tâm dạy: Sáu tầng trời cõi Dục có mười nghiệp đạo, xa lìa bất luật nghi, tuy không hại trời mà lại hại các loài khác, như hại A-tu-la, cũng có chặt tay chân nhưng lại sanh trở lại, nếu chém đầu thì chết lần lượt cướp đoạt lẫn nhau, cho đến đều có tất cả mười nghiệp đạo, cũng có phước mỏng của trời nhưng thiếu ít tư duyên, cướp giật lẫn nhau, nên có nghiệp ttrộm cắp. Hoặc có những tầng trời thọ ít dâm dục của các trời đẹp khác, nên có tà dâm, còn bảy nghiệp khác xem trong văn thì biết rõ.
Dựa vào mười thiện phân biệt, như luận A tỳ đàm dạy: Trong các loài ở địa ngục đó chỉ có ba thiện nghiệp ý, nhưng chỉ thành tựu mà không hiện hành, phương Bắc cũng vậy, ngoài ra tất cả đều đủ mười nghiệp thiện, trong văn có thể biết rõ.
Luận về cõi trời Sắc và Vô sắc. Theo luận A tỳ đàm thì không có nghiệp bất thiện; Theo lý mà nói cũng có ba nghiệp bất thiện rất vi tế, nghĩa là ý đó có những tà mạn. Thân, miệng có lỗi lầm như trong cõi thiền thứ nhất. Vua Bà-già-phạm bảo với các Phạn chúng: Các ngươi an trú ở đây ta sẽ cho các ngươi hết già, chết các ngươi không cần đến chỗ Cù Đàm.
Tỳ-kheo Hắc-sỉ đến đó hỏi: Thiền thứ nhất do Tam muội gì sanh?
Từ Tam muội gì diệt?
Phạn vương nói: Ta đứng đầu trong chúng Phạm.
Tỳ-kheo nói: Tôi không hỏi lớn nhỏ của Phạn vương mà chỉ hỏi “Trong sơ thiền do Tam muội gì sanh? Từ Tam muội gì mà diệt?”
Vị đó không trả lời được liền kéo Tôn giả ra khỏi chúng, bảo: Ta không thể biết sơ thiền do Tam muội gì sanh? Từ Tam muội gì mà diệt? Sao ngươi chịu ở trong chúng này mà hủy nhục ta? Đây là dua nịnh, dối trá, phiền não bất thiện, ta sẽ thưa Phật khiến cho ngươi không được giải thoát. Khi ấy, Phạm thiên hủy báng Phật, nói thêu dệt, nói ác. Cõi trên chỉ có ở đây nói dua nịnh, dối trá, phát khởi nghiệp bất thiện nhỏ của thân khẩu nhưng không nói thô tháo làm thương tổn người khác. Vì sanh trên này đã từng tu tập định, diệt hết các phiền não tham, sân thô ở cõi dục, nên được quả báo này. Lại siêng tu định, dù có phiền não mà chỉ có tâm si, vì mê mờ đạo nên sanh ái mạn, thích tu pháp thiện mong được hơn người. Những phiền não này làm hủy hoại định, không tổn hại vật, không chống trái nhau để hại. Theo luận Tỳ đàm: Phiền não cõi trên không phải bất thiện, cho là vô ký. Những tham nhỏ này có thể làm nhiễm ô tâm tịnh. Tuy là vô ký nhưng thể nhiễm ô, nên quả sanh ra không đồng báo sanh sắc, tâm, khổ, vui và các oai nghi. Vì thanh tịnh vô ký, nên Luận nói: Nhiễm ô vô ký. Do ô nhiễm này nên nghiệp chín muồi thọ sanh. Nếu những phiền não này không thấm nhuần nghiệp thì hạt giống của nghiệp hoàn toàn bị thiêu cháy không còn tiếp diễn. Chúng sanh ở cõi trên không còn sanh lại. Do nghiệp chín muồi nên còn tái sanh.
Hỏi: Phiền não cõi trên đã thấm nhuần thì nghiệp chín muồi sanh quả báo, sao lại vô ký?
Đáp: Các phiền não cõi trên tuy do nghiệp chín muồi nhưng chỉ được tổng báo thọ sanh mà thôi, không do cảm này mà chính là cảm quả vui, cũng không chuốc lấy quả khổ, nên Vô ký không đồng những phiền não bất thiện ở cõi dưới mà cảm ứng được quả báo và các tổng báo khổ khác.
Theo luận Thành thật: Trong hai cõi trên đã sanh khởi tà kiến đều gọi là bất thiện. Luận lại nói: Người ở cõi Sắc và Vô sắc cho là Niết bàn, lúc qua đời thấy sắc tham thân trung ấm, nên sanh tà kiến cho là không có Niết bàn, hủy báng pháp Vô thượng. Nên biết trong đó có nghiệp bất thiện. Luận lại nói: Tà kiến cõi trên đó là nhân duyên của khổ, theo nghĩa lý cõi trên thì căn cứ quả vị mà suy xét. Tâm chúng sanh rất vi tế nên phát khởi cảm ứng cũng nhỏ, phần nhiều không thành nghiệp nên Vô ký. Nếu căn cứ theo Thông luận, bên trong không ngăn ngừa có sanh tà thô thì thành ra nghiệp bất thiện. Như thế, Luận Tỳ đàm nói nghĩa trước để xem xét, luận Thành thật đưa ra nghĩa thông suốt phần thông sau. Căn cứ theo lý sâu xa thì các phiền não rất vi tế đều do trái với lý mà sanh khởi. Tất cả đều bất thiện. Theo luận Thành thật nghiệp ác bất thiện trong ba cõi cùng nhau phát khởi, chỉ có tăng giảm nhiều ít là khác mà thôi.
Cho rằng: Nói đến phàm phu thì giảng rõ các tội chướng do nghiệp thân, miệng sanh khởi. Nếu bàn luận về Thánh nhân, như các quả Tu-đà-hoàn khi ra khỏi chánh định thì mất chánh niệm hìng như có ý sanh khởi nghiệp bất thiện rất nhỏ, sanh các nguyện ác, đủ dục trói buộc. Tham, sân tuy mạnh nhưng có một tí giống như còn ở phàm phu, chỉ cần gặp thì sanh khởi. Tham, dục, sân, mạn không còn suy xét, khởi lên tâm tà kiến cũng không khởi tâm giết hại trộm cắp. Theo luận Tỳ đàm có quyến thuộc thì nắm lấy thêm các nghiệp bất thiện nhỏ. Theo luận Thành thật có ý bất thiện, giả sử thân, miệng có lay động nhưng không thành nghiệp báo như giọt nước đồng nóng tuy ướt mà khô.
Thứ 3: Duyên tạo tội
Cho là: Nói rõ về bậc Thánh là làm phước theo sau. Nói đến người tạo tội thì chẳng những chỉ thế mà còn thấy sai lầm, đắm nhiễm cảnh trần, chấp vào định Ngã Nhân, giữ chặt đúng sai khiến cho ta và người đều thành nghiệp ác. Thế nên, kinh dạy: Tham dục không sanh diệt, không thể khiến tâm phiền não. Nếu người có Ngã Tâm và có sự thấy biết, thì người này bị tham dục sẽ rơi vào địa ngục. Thế nên, ngoài tâm tuy không có cảnh phân biệt mà chúng sanh đó mê tình gượng thấy khởi nhiễm ô, như thấy cảnh trong mộng mà khởi tham, sân, cho mộng đó là thật không hư dối. Lý thì thật nhưng cảnh không, chỉ có chúng sanh thấy mê lầm. Luận Trí Độ dạy: Như trong mộng không có việc thiện mà cho là thiện, không có việc sân mà cho là sân, không có sự lo sợ mà cho là có sợ. Chúng sanh ba cõi cũng như vậy, vô minh mê mờ không đáng sân mà lại sân. Nên biết ngoài tâm tuy không có cảnh phân biệt mà chúng sanh thấy mê lầm mà khởi nhiễm ô, ngoài tâm tuy không có tướng địa ngục nhưng khi các nghiệp ác thành thì thấy sai lầm chịu khổ. Kinh Chánh pháp niệm dạy: Người ở Diêm ma la chẳng phải chúng sanh nhưng người có tội thấy cho là chúng sanh, trong tay cầm nắm kềm sắt cháy rực, người trong địa ngục đó khi nghiệp ác hết sau khi qua đời lại không thấy ngục Tốt diêm la nữa. Vì sao? Vì những người đó chẳng phải là chúng sanh có tội. Như tim và dầu hết thì không có đèn. Nghiệp hết cũng như vậy, không thấy lại trong ngục tốt Diêm la, như ánh sáng mặt trời ở cõi Diêm phù đề xuất hiện thì bóng tối tan biến, nghiệp ác hết thì ngục tốt Diêm la cũng như vậy. Mắt ác, miệng ác như tướng sắc mà chúng sanh lo sợ, tất cả đều mòn sạch, như phá bức tường có hình họa thì bức họa đó cũng mất. Nghiệp ác họa trên tường cũng như vậy, tức không thấy sắc tướng ngục tốt ở Diêm la đáng sợ, ở đây theo văn để chứng minh. Nghiệp ác của chúng sanh phải chịu khổ, tự nhiên trong không mà lầm tưởng có địa ngục.
Hỏi: Người thấy địa ngục thì đã thấy ngục Tốt và Hổ lang, khiến cho thấy sai lầm, ở chốn địa ngục đó có Diêm la phán xử các người tội, tức là có các cảnh này. Sao lại nói không?
Đáp: Thấy chủ ngục đó cũng là thấy sai lầm, chính do người tội nghiệp ác, huân tập tâm khiến cho tâm thay đổi khác trong không mà vọng thấy, thật ra trong đó không có địa ngục, Diêm la. Luận Duy thức dạy: Như trong địa ngục không có chủ địa ngục mà địa ngục của chúng sanh, theo hành nghiệp tự nhiên thấy có chủ địa ngục và các khổ nên sanh tâm thấy đây là chốn địa ngục, đây là là đêm, đây là là ngày. Ta do nghiệp ác nên thấy chó, thấy chim, hoặc thấy núi đè, qua văn này có thể chứng minh. Do tâm huân tập thiện ác nên sự thấy có khác, thật không có địa ngục. Vì vậy, ngoài tâm không có địa ngục. Khi nghiệp ác hình thành thì kéo theo tự thấy sai lầm.
Hỏi: Quả báo của nghiệp khổ này chẳng phải là điều thiện, sao không nói ngay hết điều thiện khiến học tập, sao lại phải nói về nghiệp khổ?
Đáp: Nhân quả thiện, ác, các pháp cần phải đối đãi nhau. Nếu không nói về các tham… là tội lỗi thì do đâu mà hiển thị bố thí…là thiện. Nếu không nói ba đường là khổ thì không do đâu rõ được niềm vui của trời người. Thế nên cần phải nói phàm phu tạo tội, khiến cho người biết được mà nhàm chán xa lìa quay về đường thiện. Nếu người căn tánh mê muội khi nghe nghiệp khổ thì sanh chàm chán xa lìa, cầu đến chỗ an vui, do đây mà chuyển tâm tu các nghiệp phước. Nếu người căn tánh lanh lợi, khi nghe khổ này thì sanh chàm chán xa lìa, cầu được giải thoát. Do đây, mà có thể chuyển tâm tu hành thiền quán, khiến ở trong mê hoặc được nhân vượt thoát thế gian. Vì thế, Kinh dạy: Tất cả phiền não đều là chủng tử Phật, nên biết nghiệp khổ là căn bản để nhàm chán xa lìa, là duyên khởi thiện, thế nên cần phải giảng thuyết. Nếu không giảng về tạo tội của nghiệp ác này thì chúng sanh không biết nên làm hay từ bỏ. Tuy nói lên cái thấy để cân nhắc các tội lỗi xấu ác, nhưng thật ngoài tâm không có nghiệp khổ khác, chỉ biết không có cảnh tâm thể thường vắng lặng. Thế nên, kinh dạy: Tuy nói tội lỗi tham dục mà không thấy pháp có tham. Tuy nói tội lỗi sân giận mà không thấy pháp có sân giận. Tuy nói tội lỗi si mê mà biết pháp không có si mê, không chướng ngại. Tuy dạy cho chúng sanh về khổ của lo sợ trong ba đường mà không thấy được cái tướng súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Do văn này chứng minh có thể biết nhân quả tạo tội chỉ do tâm chứ không ngoài nó. phàm phu mê ám không hiểu nên mới dùng phương tiện, phải nói nghiệp khổ mới hướng đến hai cửa, chứ thật ra giảng thuyết về thể của tội không phân biệt có thểphá trừ, do người mê chưa hiểu nên nhất định phải giảng về tội. Đây là phân biệt rõ cho người ngu mê mờ để hiểu chơn vọng, nên nhất định phải giảng thuyết ý tạo tội.
Thứ 4: Duyên thực hành phước đức
Cho rằng: Ở đây nói rõ người làm phước là nghịch với người tạo tội trước mà làm phước. Trước nói rõ về phàm phu tu tập thiện ở cõi dục, để người loạn tâm tu tập phước thiện mà sanh cõi dưới gọi là nghiệp cõi Dục, tất cả đều sanh khởi trong năm đường. Trước thuật lại cảnh địa ngục, theo luận Tỳ đàm người ở địa ngục cũng có ba nghiệp thiện, tức là ba thiện căn của ý, ở đây chỉ thành tựu mà không hiện hành. Vì chỗ nạn này phần nhiều không nghe pháp, suy nghĩ hướng đạo nên không hiện hành, nếu luận về sanh được căn lành thì địa ngục cũng có. Như vua của nước Tiên cử giết năm trăm Bà-la-môn bị sanh vào trong địa ngục, nhưng phát lòng tin nên được sanh vào nước Cam lồ, nên biết có hiện hành. Nếu theo luận Thành Thật, cũng nói địa ngục có thiện hiện hành, dù không có nổ lực phương tiện khởi tu tập thiện chứng đắc Thánh đạo, nhưng có sanh được căn lành khởi thiện. Nghĩa là chúng sanh từ vô thỉ đến nay đã từng tu tập Tín, Tấn, Niệm…ở thế gian, chưa khởi tà kiến hủy báng, không có nhân quả, thiện này không mất, nếu sanh thiện liền thành tựu, gọi là sanh được thiện, nương theo các căn lành này mà phát khởi thiện tâm. Nếu có nghiệp đời trước cảm ứng với duyên mạnh thì Đại thánh giáo hóa khiến cho hết khổ, thuyết pháp đạo để có phương tiện tu tập. Thứ hai những loài rồng trong súc sanh cũng có tu thiện, như kinh Niết bàn dạy: Khi Đức Phật thuyết pháp nghĩa lý có vô lượng chim, cầm thú phát tâm Bồ đề sanh lên cõi trời. Nếu theo luận Tỳ Đàm súc sanh, ngạ quỷ tóm thâu trong mười điều thiện phi luật nghi. Vì bảy thiện luật nghi về thân, miệng của chúng đều do tất cả chúng sanh mà khởi. Do ngạ quỷ không thể chịu được, nên trong luận Tác bà đa nói: Súc sanh do ngu si mà không sanh khởi luật nghi. Nếu theo luận Thành thật thì quỷ thần, súc sanh cũng được đắc giới.
Nếu người ở Bắc-câu-lô-châu chỉ thanh tịnh do ý thành tựu, ba nghiệp thiện đạo không hiện hành, không đoạn trừ thiện, nên đến khi kiếp tận thì người đều tu tập thiền định, một mình tu tập, không phân biệt rõ nên chẳng xa lìa được dục, còn ba phương đều khác có mười thiện và có không đủ.
Nếu theo sáu tầng trời của cõi Dục mà nói tức là không có giới biệt giải thoát của người xuất gia, chỉ có mười thiện và giới của người tại gia. Luận Thành thật dạy: Như trời Đế thích phần nhiều thọ tám giới, các loài rồng cũng vậy, không hạn cuộc trong loài người. Nếu luận về chư thiên ở Sắc giới, theo luận A Tỳ Đàm sanh ở cõi trên mà mất cõi dưới. Cõi trên không khởi thiện nghiệp cõi dưới, vì cõi này nhân địa quả đoạn. Thân sanh cõi trên cõi dưới đoạn pháp. Đây là căn cứ hữu lậu , do cõi dưới mà thành tựu cõi trên, sanh cõi trên mất cõi dưới, liền không tu tập mà khởi. Theo luận Thành thật dạy: “Cõi trên được thành tựu ở cõi dưới, cũng dựa vào khởi thiện nghiệp ở cõi dưới, như các Phạm thiên gặp Phật lễ bái, tán thán, tức là khen ngợi việc thiện. Ở đây, dựa vào cõi dục mà sanh khởi việc thiện. Nếu theo luận Tỳ Đàm, Tỳ Bà Sa thì Phạm thiên lễ bái chẳng phải thiện ở cõi dục là tâm khởi oai nghi ở Sơ thiền. Căn cứ vào đây là Vô ký không phải là thiện. Y theo bên ngoài của thân miệng là nghiệp sắc của cõi trên. Đây là nói về nghiệp phước, thiện lẫn lộn với nhau của cõi Dục, theo thân mà phát khởi cảnh.
Thứ hai là nói rõ về nghiệp của bốn thiền định của cõi Sắc, theo thân mà khởi cảnh. Nếu như trong loài ngạ quỷ, súc sanh gặp được Thánh duyên mạnh có thể ngộ đạo, thì ở đây cũng được do khởi tu tập, do nương theo thiền định vô lậu mà khởi. Giả sử không có thiền định sâu xa căn bản, thể chân chánh, chắc chắn có tâm thiền vị lai thô thiển, thiền vị lai này là nghiệp của cõi Sắc, theo thiền này mà khi đoạn trừ cáckiết cõi Dục, nghiệp này chiêu cảm quả Sơ thiền ở Phạn thiên. Nếu luận về hàng trời người, tu tập nghiệp cõi Sắc, trừ ra Bắc-câu-lô-châu không tu tập thiền định, còn ba phương khác và tầng trời cõi Dục đều tu tập mười điều thiện cõi Sắc. Người chứng đắc thiền là do ba nghiệp của ý: Không tham, không sân, chánh kiến. Nếu luận về bảy nghiệp thiện của thân, miệng là dựa vào tâm định phát sanh giới thiền. Giới thiền tức là bảy điều thiện của thân, miệng. Nên khi được thiền là có mười điều thiện của cõi Sắc. Nếu luận về chư thiên cõi Vô sắc, theo luận Tỳ Đàm thì trời cõi Vô sắc không tu tập nghiệp định ở cõi Sắc, sanh cõi trên xả bỏ cõi dưới, vì đoạn địa dưới. Theo luận Thành thật phàm sống ở Vô sắc cũng sanh xuống trong nghiệp của cõi Sắc, ở đây nói rõ về mười thiện nghiệp đạo của nghiệp phước thiền định cõi Sắc dựa theo thân mà có cảnh. Nếu luận về nghiệp bốn không định của cõi Vô sắc dựa vào thân mà có cảnh, thì trời, người ba cõi đều được tu tập. Từ trên đến đây đều nói rõ các việc làm phước theo thân mà khởi cảnh. Nếu luận về Thánh nhân làm phước thì chẳng liên quan đến phàm phu mong muốn được, nên không nói.
Thứ 5: Duyên tạo tội, phước
Cho là: Những việc làm này bậc Thánh cho là không nhất định, đã tạo tội thì trong các kinh giới gọi là nghiệp Hắc hắc và nghiệp bất thiện. Phàm phu làm phước các kinh gọi là nghiệp Hắc bạch và nghiệp Dĩ thiện, tuy có đủ laọi hành tướng, mà thể không khác. Thế nào là thể của hành tướng? Như luận Trí Độ dạy: Sát sanh… là nghiệp bất thiện. Bố thí… là nghiệp thiện. Đây là nói hai hành tướng tội phước, nói sát sanh là bằng với lấy đủ mười điều ác, đều gọi là hành tướng của tội. Nói đến bố thí là bằng với lấy những nghiệp giới định trong đó. Giống như việc hiện ở đời đều gọi là làm phước (hành tướng của phước) là thiện ở thế gian này. Tám thiền định là mong thiện rối rắm ở cõi Dục, gọi là hành bất động, hoặc mong cầu trí tuệ quán xét lý xuất thế, mà trụ duyên sự này thì gọi là làm phước. Như nói sáu độ, năm độ trước đều có thiền định, thần thông cũng gọi là phước, nhưng vì các người phước, tội nên hành tướng không giống nhau. Hoặc chuyên tu phước, hoặc chỉ tạo tội. Hoặc lại có người đều tạo tội phước. Người chuyên tu phước như gọi là tâm thanh tịnh như trì giới, bố thí…lợi ích cho ngưới khác. Người chỉ tạo tội như không có thấm nhuần tâm từ, thân miệng ý tác động đều làm tổn hại người khác. Người gây cả tội phước như khi làm phước trong tâm không tâm thanh tịnh cùng làm hao tổn vật. Đây tức là tạo tội phước tạp nghiệp ở cõi Dục không phải thuần tịnh cũng gọi là bất tịnh. Nếu luận về tạo tội thì thô hiện bên ngoài có thể biết. Nếu luận về tội và phước cùng làm với phước thanh tịnh thì có giống và khác, có phần nào ẩn kín bên trong khó biết. Nghĩa là làm phước căn cứ tướng bên ngoài, trong việc này tin, thích làm đều giống nhau. Nếu căn cứ trong tâm như cầu cho mình hay người đều khác, thô hay tinh không bằng nhau. Vì tu phước bên ngoài thì giống nhưng trong khác nên có thuần và tạp hai nghiệp không giống nhau. Nếu có thể điều phục tâm từ bi thương tiếc vật, (chúng sanh) tùy chỗ cho đều trở thành việc thiện lớn. Nếu không giữ niệm, thấy tướng tu phước là trong tâm thô, ngoài tâm tế, chỉ thành tạp nghiệp, tội phướccùng làm. gọi những người đó là ngu tình. Tuy có hơn thế gian nhưng về lí thật ra trái với đạo, cũng không phải phước thanh tịnh. Vì khi tu phước không quán sanh Không, ngã điên đảo thường làm khắp chung ba tánh nên nghiệp quả cũng tương ứng điên đảo. Giả mượn chấp lấy tánh này, thế nên mê đạo, vì tâm không tham đắm, phần nhiều lại cầu quả báo ở đời, lại phần nhiều cầu danh nên chẳng phải là phước thanh tịnh, vì lẽ thuần và tạp này thế tục phần nhiều mê muội. Vì thế, nay tóm lược làm thành chương luận cho người biết để làm, trước luận về tạp nghiệp (tội và phước), sau nói rõ về phước thanh tịnh. Nhưng tạo các tội phước thì có thô tế. Thô là làm ác đều làm tổn hại người khác. Tế là mình chỉ mong cầu quả báo thế gian. Trước bàn về tạp nghiệp thô. Nếu luận về bố thí, hoặc có, như lấy tiền của phi pháp bố thí, như trộm vật của người để dùng bố thí, do đây cảm ứng đến quả vị lai thường luôn thiếu thốn; hay bố thí rồi lại hối tiếc thì được quả cũng như vậy. Nên kinh Ưu-bà-tắc dạy: Người nào bố thí rồi lại hối tiếc, hay cướp đoạt vật của người khác để bố thí, thì người này ở đời vị lai được tài vật, tuy được tài vật, thường bị hao tán không giữ được. Nếu người có bố thí cũng làm tổn hại người khác. Nghĩa là khi bố thí không có niệm thiện chân chánh hoặc sân giận, hoặc kiêu mạn sẽ rơi vào đường ác, tuy được phước báo nhưng chỉ riêng trong hàng súc sanh lãnh thọ, không cảm ứng trời người. Kinh Phân biệt nghiệp báo nói kệ:
Tu tập bố thí lớn
Tánh vội vàng sân si
Không nương vào chánh niệm
Sau làm thân rồng lớn
Thường tu bố thí lớn
Tâm cao ngạo khinh người
Do tạo nghiệp này sanh
Sức mạnh chim đại bàng.
Nếu người tu phước vì cầu quả báo ở đời như khi bỏ tài vật mà cầu quả báo cho mình về sau, hoặc sợ thân và tài vật vô thường mà bố thí, hoặc vì tiếng khen mà chuyên cầu lợi mình. Đây chẳng phải tâm từ bi để cứu giúp người khổ, giống như trao đổi ở chợ, chẳng phải nghiệp thuần tịnh. Vì thế trong kinh gọi là bố thí không thanh tịnh, như luận Bách pháp dạy: Người vì phước báo mà bố thí gọi là bố thí bất tịnh, giống như trao đổi ở chợ, nên quả báo có hai loại. Hiện báo là được tiếng và kính mến. Hậu báo là đời sau được giàu sang phú quý. Đây gọi là bố thí bất tịnh. Thí như khách buôn xa đến phương khác, tuy mang nhiều vật được nhiều lợi ích nhưng phải thương yêu chúng sanh, chỉ vì cầu lợi mình. Nghiệp này bất tịnh, bố thí mà cầu quả báo cũng như vậy, do đây mà biết được. Thật không có tâm thương yêu mà chỉ cầu tiếng khen cho mình hay cầu quả báo vị lai, tuy có bố thí rộng rãi nhưng chẳng phải là nghiệp thanh tịnh. Nghiệp này chẳng thanh tịnh nên có quả báo bất tịnh.
Kinh Phân biệt nghiệp báo dạy: Nếu bố thí mà mong sanh cõi trời, hoặc cầu được báo ân, tiếng khen, hoặc lo sợ quả báo mà bố thí nên được quả không thanh tịnh, thọ nhận thô ít. Bố thí như vậy thì trì giới…các việc thiện không thanh tịnh cũng giống thế. Luận Bách Pháp dạy: Người trì giới bất tịnh tự cầu quả báo an vui, nếu trì giới mong được khoái lạc ở cõi trời vá các thiên nữ, hoặc trong loài người được giàu sang phú quý hưởng năm dục lạc. Vì dâm dục nên bị che khuất tướng, bên trong muốn sắc người, ngoài làm thiện để gần gũi. Đây gọi là bất tịnh. Bên ngoài thì nhẹ nhàng nhưng trì giới không thanh tịnh. Như Tôn giả A Nan dùng kệ nói với Tôn giả Nan Đà:
Như dê đực tiếp xúc
Đến trước lại bỏ đi
Người vì dục trì giới
Việc này cũng như vậy.
Tâm mở rộng thường vì lợi ích người, thì được nhiều phước. Lại đối với người bịnh tật và nghèo khổ mà bố thí hoặc biết pháp mà thiếu vật cần dùng, nếu bố thí mà khiến cho họ được lợi ích tăng trưởng điều lành người được bố thí có thích nghi thì được nhiều phước đức. Kinh Hiền ngu dạy: Đức Phật khen ngợi năm cách bố thí được phước vô lượng, là bố thí cho người từ xa đến, bố thí cho người đi xa, bố thí cho người bịnh, bố thí thức ăn uống cho người khi đói khát, bố thí cho người biết pháp. Năm cách bố thí này đời hiện tại được phước, bố thí này đời hiện tại chắc chắn được phước, không như cầu danh. Bố thí không chính đáng tuy đem ra nhiều nhưng quả báo không được thanh tịnh. Lại tùy theo sự ưa thích của người mà bố thí để mong được chút ít quả báo mà làm việc bất thiện, thì người này tội ít, cũng gọi là thiện. Nếu mong xa lìa dục và chuyên vì người khác, tạo tội phước này tức là có tội. Luận Trí Độ dạy: Người thô có tội thô, người tế có tội tế. Nên tạp nghiệp này tội phước cùng làm, tâm mong cầu chẳng thuần nhất, là nghiệp bất tịnh. Trên đây nói rõ tội phước cùng hiện hành, là tạp nghiệp bất tịnh ở cõi dục này xong. Nếu luận về nghiệp tịnh thì xem xét ở trước có thể biết. Luận Bách pháp dạy: Bố thí thanh tịnh thì được người yêu kính, lợi ích phước cũng rất nhiều, kinh Nhân quả nói kệ:
Nếu có người nghèo khổ
Không có của bố thí
Thấy người khác bố thí
Mà phát tâm tùy hỷ
Phước báo của tùy hỷ
Cùng người thí không khác.
Luận Đại trượng phu nói kệ:
Thương yêu thí một người
Công đức như đại địa
Vì mình cho tất cả
Được báo như hạt cải
Cứu người thoát một nạn
Còn hơn thí tất cả
Ánh sáng các vì sao
Không bằng mặt trăng sáng.
Nếu các phàm phu tạo các tội phước này, mà không hiểu nhân quả thiện ác đều không có tánh, đây gọi là mê sự, chấp tánh nên thường trói buộc trong ba cõi. Luận Trí Độ dạy: Ví như ruồi nhặng bám víu mọi nơi chỉ trừ lửa ra. Chúng sanh tham ái cũng như vậy. Trong pháp thiện, bất thiện đều cố giữ, cho đến phi tưởng cũng chấp, chỉ trừ không chấp vào lửa lớn tánh Không của Bát nhã Ba la mật, do đây mà nghiệm biết không có: Tánh thiện, ác thường lưu chuyển trong năm đường tức sẽ không có Phật tánh chúng sanh. Ở đây nói tóm lược tội phước của phàm phu, hai việc làm mê sự, chấp lấy tánh, dựa vào kinh đã luận bàn xong.
Kinh Tạp Bảo Tạng dạy: Xưa Đức Phật còn tại thế, vua Ba-tư-nặc có một người con gái, gọi là Thiện-quang thông minh xinh đẹp, được cha mẹ thương yêu đưa vào cung lại Vua cha bảo con gái: Con nhờ năng lực của ta mà được tiến cung và mọi người kính yêu.
Con gái thưa: Con bị năng lực của nghiệp, chứ chẳng do vua cha.
Vua nghe vậy tức giận, nói: Hôm nay, ta sẽ thử xem con có nghiệp lực gì, liền ra lệnh người xung quanh tìm một người ăn xin thật nghèo khổ, giao cho con gái.
Vua bảo con: Con tự có nghiệp không nhờ đến ta thì từ nay có thể nghiệm biết.
Người con đáp: Con bị năng lực của nghiệp, liền cùng người ăn xin nghèo khổ bỏ đi.
Người vợ hỏi chồng: Có cha mẹ không?
Người chồng đáp: Cha mẹ ta trước ở trong thành Xá vệ này là trưởng giả lớn nhất, cả nhà cha mẹ đã qua đời, không nơi nương tựa, vì thế xin ăn nghèo khổ như vậy.
Người vợ hỏi chồng: Nay chàng có biết chỗ nhà cũ ở đâu không?
Người chồng đáp: Biết! Nhưng nhà bị hư mục, chỉ có đất trống. Vợ chồng cùng nhau đến nhà cũ, đi khắp nơi, đến đâu thì mọi vật ẩn tàng tự hiện ra, liền lấy báu quý thuê người xây nhà, chưa đầy một tháng thì cung điện nhà cửa đều xong. Những người ca hát, hầu hạ, giúp việc không thể tính hết. Bỗng nhiên vua nhớ đến con gái Thiện Quang của ta làm sao sinh sống?
Có người tâu: Vợ chồng Thiện Quang cung điện, tiền tài không kém gì bệ hạ. Một ngày nọ, Công chúa nói với chồng, hãy đến cung nghinh vua. vua liền nhận lời đến, thấy nhà cửa cung điện lộng lẫy, khen ngợi chưa từng có, nên vua đến chỗ Đức Phật thưa: Người nữ này trước đã làm phước gì mà nay được sanh vào nhà vua và thân có ánh sáng.
Đức Phật đáp: Ở đời quá khứ chín mươi mốt kiếp, sau khi Đức Phật Tỳ Bà Thi nhập Niết bàn, có vua Bàn-đầu xây tháp bằng bảy báu thờ xá lợi. Phu nhân lớn của vua thấy vậy liền lấy mão trời sửa sang lại cho đẹp rồi đặt trên đỉnh tượng. Bên trong mão trời có ngọc như ý bảo châu chạm sát đỉnh tháp rồi phát nguyện: Nguyện cho thân con ở đời vị lai có ánh sáng màu vàng đỏ tía, sanh vào nhà tôn quý giàu sang, chớ đọa vào tám nạn ba đường ác. Phu nhân xưa nay chính là Thiện Quang. Sau thời Đức Phật Ca Diếp đời quá khứ lại dâng cúng Đức Phật và chúng Tăng thức ăn hảo hạng người chồng ngăn cản, người vợ khuyên thỉnh “ Hôm nay, thiếp mời đầy đủ chư Phật và chúng Tăng” người chồng nghe lời vợ. Người vợ lúc ấy nay là Thiện Quang, người chồng nay là chồng của Thiện Quang, do đời trước ngăn vợ nên thường nghèo khổ, cũng do nghe lời vợ thỉnh Tăng, chính nhờ vợ mà nay được giàu có, nếu không nhờ người vợ thì đời sau trở lại nghèo khổ. Vì lý do này, nghiệp thiện ác theo thân mà chịu quả báo, chưa từng sai, mất.
Kinh Tạp Bảo Tạng dạy: Khi Đức Phật còn tại thế, vua Ba-tư-nặc trong khi đang ngủ nghe hai vị quan trong cung cùng tranh luận về lý đạo. Người thứ nhất nói: Ta nhờ vua mà sống. Người thứ hai nói: Ta do nghiệp của mình chứ không nhờ vua. Vua nghe được, người thứ nhất nói thì muốn ban thưởng cho, liền sai người đến gặp ông đó và nói phu nhân: Hôm nay, trẫm sẽ bảo người mang nhiều vật quý giá đến. Vua sai người thứ nhất mang rượu đến và uống cùng với phu nhân. Người này vừa ra cửa thì máu trong mũi chảy ra không thể đi được, liền bảo người thứ hai đưa đi. Phu nhân thấy vậy ban cho nhiều tiền tài, y phục, chuỗi hột. Ông này đi đến trước vua, vua thấy rất lạ, nên gọi người thứ nhất đến hỏi: Trẫm đã sai ngươi đi sao không đi? Người đó trình đầu đuôi câu chuyện cho vua nghe. Vua nghe rồi tán thán lời dạy của Đức Phật rất đúng, tự mình gây nghiệp thì tự chuốc lấy quả báo không mất đi. Do quán quả báo thiện ác này nên biết nghiệp đã dẫn dắt chứ chẳng phải trời hay vua ban cho, điều cốt yếu là tự tạo thì phải nhận, nên sanh khởi chánh kiến nói: Quả báo của nghiệp rất gần với hàng trời người, xa quả báo của Phật. Nếu trái với lời dạy của bậc Thánh thì chịu khổ như trước, nói kệ:
Do tìm đường lạc hướng
Nên xả bỏ mục đích
Khổ quá quay về vui
Vui nhiều lại tìm khổ
Tội phước đâu có khác
Đều do tâm đối đãi
Nếu đoạn nghiệp hữu lậu
Thường thấy được pháp thân.
CHƯ KINH TẬP YẾU
(HẾT – QUYỂN 11)