CHƯ KINH TẬP YẾU

Soạn dịch: Sa-môn Thích Đạo Thế ở chùa Tây Minh, đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 9

 

PHẦN THỨ 16: CHỌN BẠN

– Duyên thuật ý.
– Duyên thiện hữu.
– Duyên ác hữu.
– Duyên phụ trái.
– Duyên trừng quá.

Thứ 1: Trình bày về duyên ý

Theo chỗ cùng cực của nghĩa lý thì chỉ có thiện và ác, ngước nhìn lại hai đường này, chợt biện giải khác nhau, chỗ sâu xa có tội phước khổ vui, hiện ra tức có hiền ngu, vinh nhục, thích vinh ghét nhục, theo vui bỏ khổ, chúng sanh đều như vậy. Nay biết thích vinh hoa mà không biết ngưỡng mộ bậc hiền, cầu phước mà không biết tránh họa. Ví như gieo trồng lúa lép, lúa đắng mà muốn mùa được lúa trắng tinh. Ngựa chạy liếu láo lười nhác mà mong phóng nhanh vượt hẳn đến đích, thì chẳng phải là lầm sao. Như trí của loài chim thú, côn trùng, còn biết nương vào gió để bay cao xa, thành tựu việc của chúng, huống nữa con người mà không biết nhờ bạn để trở thành người tốt. Cho nên, phải nương vào bạn tốt thì có tiếng tăm mới có phước đức. Nếu thân gần bạn mê mờ thì thân khốn khổ, mang tiếng ác. Nên tông Huyền quỷ, đề cao mô phạm, thay đổi tâm ý, sự việc thành tựu cũng nhờ bạn. Như con ruồi bám theo trâu mà bay xa trăm bước, hay bám vào đuôi chim loan thì bay xa vạn dặm. Đây là nhờ vào công sức của cánh chim bay nhanh. Phàm phu cũng vậy, bị đắm chìm các nẻo thấp kém, không thể vượt lên hàng trời người. Nếu nương tựa oai lực của Hiền thánh thì vượt lên mười địa, cùng sanh cõi tịnh.

Thứ 2: Duyên bạn tốt

Kinh Niết bàn dạy: Tỳ-kheo A Nan nói: Một nửa phạm hạnh là thiện tri thức. Đức Phật dạy: Không phải thế, đầy đủ phạm hạnh mới gọi là thiện tri thức. Lại nói, thiện tri thức là nói đúng như pháp, làm đúng theo lời nói. Thế nào là nói đúng pháp? Làm đúng pháp? Là tự mình không giết hại, không bảo người giết hại, cho đến tự hành chánh kiến, bảo người hành chánh kiến. Nếu được như vậy gọi là thiện tri thức chơn thật. Tự mình tu Bồ đề cũng dạy cho người khác tu tập Bồ đề, do nghĩa này gọi là thiện tri thức. Tự thân tu tập Tín, Giới, Thí, Đa văn, Trí tuệ cũng nên dạy cho người tu tập Tín, Giới, Thí, Đa văn, Trí tuệ, do nghĩa này gọi là thiện tri thức. Thiện tri thức là pháp lành. Những việc gì thiện tri thức làm đều không cầu an lạc cho mình mà thường cầu an lạc cho chúng sanh. Thấy lỗi của người khác cũng không nói cái xấu của người, luôn nói điều lành, do điều này, gọi là thiện tri thức. Này thiện nam! Như trăng trên trời, bắt đầu ngày mồng một đến ngày rằm từ khuyết đến tròn. Thiện tri thức cũng như vậy, hướng dẫn người học xa dần pháp ác, tăng trưởng pháp lành. Này thiện nam! Nếu ai thân gần thiện tri thức vốn chưa có Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến thì liền có ngay, nếu chưa đủ thì được tăng trưởng. Lại nói, bạn tốt thường quán thấy người nào nhiều tham dục, sân giận, ngu si, suy tư, người nào nghiên về thứ gì nhiều? Nếu biết người tham muốn nhiều thì nên thuyết pháp quán bất tịnh. Người nhiều sân giận thì thuyết pháp từ bi. Người suy tư nhiều thì dạy cho họ quán sổ tức. Người nhiều chấp ngã nên phân biệt cho họ về mười tám giới, nghe rồi tu tập, tuần tự quán bốn Niệm xứ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp, quán được pháp này rồi lại quán mười hai Nhân duyên. Quán xong, đến pháp Noãn, đắc được pháp Noãn, cho đến dần dần đắc các quả vị A-la-hán, Bích chi Phật, Đại thừa Bồ tát, Phật… nương vào đây mà sanh thì liền không còn nghi hoặc, lợi mình, lợi người không thêm nước và sữa. Đây gọi là thiện tri thức chân thật. Quả vị của pháp sư, nếu không đầy đủ như vậy thì chẳng gọi là thiện tri thức. Pháp mà thêm nước thì không nên nương tựa. Cho nên, bàn luận về phật tánh, trích dẫn kệ kinh:

Không trí, chẳng bạn tốt
Bạn ác bỏ chánh hạnh
Con nhện rơi trong sữa
Sữa này thành chất độc.

Do đó, cần phải làm lợi ích cho chúng sanh, trước điều phục mình, sau giáo hóa người thì không có lỗi ít nghe, không có lỗi quên làm, không có lỗi tán loạn, không có lỗi khinh mạn, không có lỗi điên đảo, không có lỗi mong cầu, không có lỗi giận dữ, không có lỗi tà hạnh, không có lỗi chấp ngã, không có lỗi tiểu hạnh. Ai đầy đủ mười pháp như vậy là thiện tri thức. Trong luận Trang Nghiêm nói kệ:

Đa văn và kiến đế
Khéo nói lại lân mẫn
Trượng phu này không lui
Nương Bồ tát tối thượng.

Kinh Phật Bổn Nguyện dạy: Bấy giờ, Thế tôn cùng với trưởng lão Nan Đà, đi đến nhà bán hương, nhà đó có các gói hương. Thấy rồi bảo trưởng lão Nan Đà: Này Nan Đà! Ngươi hãy đến lấy các gói hương ở nhà đó. Nan Đà vâng lời, đến đó lấy.

Đức Phật bảo Nan Đà: Chỉ trong giây lát, ngươi hãy lấy các bó hương, sau đó để lại trên đất.

Bấy giờ, trưởng lão nghe Đức Phật dạy, liền nắm hương trong chốc lát rồi để lại trên đất.

Khi ấy Đức Phật bảo Nan Đà: Nay, ngươi hãy ngửi xem tay của mình.

Nan Đà nghe Phật dạy, nên ngửi xem.

Đức Phật hỏi Nan Đà: Ngươi ngửi tay có những mùi gì?

Bạch đức Thế tôn! Mùi hương thơm ngát.

Đức Phật bảo Nan Đà: Đúng vậy! Nếu người gần gũi thiện tri thức, thường cùng ở, tùy thuận mà huân tập, luôn gần gũi thì nhất định sẽ có tiếng lành vang xa. Bấy giờ, Thế tôn nói kệ:

Nếu tay cầm nứơc hương trầm thủy
Dùng các loại hương như Uất, Xạ
Cầm trong giây lát hương thơm ngắt tay
Gần thiện tri thức cũng như vậy.

Bấy giờ, Thế tôn nói kệ:

Nếu ai thân cận ác tri thức
Hiện đời không được danh tiếng tốt
Chắc chắn do gần bạn xấu ác
Tương lai sẽ đọa ngục A tỳ.
Nếu gần gũi bậc thiện tri thức
Tùy thuận việc làm của người đó
Tuy chưa hiện chứng lợi thế gian
Tương lai diệt hết các nhân khổ.

Luật Tứ phần dạy: Tâm ý của bạn thân cần phải có bảy pháp mới thành bạn tốt. Một là làm việc khó có thể làm. Hai là khó cho có thể cho. Ba là khó nhẫn có thể nhẫn. Bốn là việc bí mật cùng nhau tâm sự. Năm là cùng nhau che dấu. Sáu là gặp khổ không bỏ. Bảy là nghèo khổ không xem thường. Bảy pháp như vậy người nào có thể làm thì nên thân gần họ.

Lại trong luận Đại trang nghiêm Đức Phật nói kệ:

Không bịnh lợi đệ nhất
Biết đủ giàu bậc nhất
Bạn tốt thân bậc nhất
Niết bàn an lạc nhất.

Kinh Ca la việt lục hướng bái dạy:Thiện hữu tri thức có bốn loại: Một là bên ngoài như kẻ thù nhưng trong lại nồng hậu. Hai là thẳng thắng khuyên bảo người, nói điều tốt với người ngoài. Ba là ốm bịnh hay bị quan phạt oan thì cùng nhau tranh đấu, cùng giải tỏa nổi buồn. Bốn là thấy người nghèo khổ không từ bỏ, nên nghĩ người đó sắp giàu có. Thiện tri thức lại có bốn loại: Một là nếu người bị quan đuổi bắt thì dẫn về núp, sau đó giải quyết. Hai là khi có bịnh tổn hại thì dẫn người về chăm sóc. Ba là biết sẽ chết vì quan giết thì nên đến thăm. Bốn là nếu biết chết rồi thì nhớ đến nhà thăm họ.

Thứ 3: Duyên bạn ác

Kinh Thi ca la việt lục hướng bái dạy: Ác tri thức có bốn loại: Một bên trong có tâm oán ghét, ngoài mặt giả làm thân thiện. Hai là trước mặt người nói tốt sau lưng nói xấu. Ba là khi có việc khẩn cấp trước mặt tỏ ra sầu khổ, sau thì vui vẻ. Bốn là ngoài có vẻ nồng hậu, trong nhiều oán hận. Ác tri thức lại có bốn loại: Một là chỉ một chút lỗi mà nổi giận nhiều. Hai là nhờ làm việc mà không chịu làm. Ba là khi thấy bạn có việc cần thì tránh đi. Bốn là thấy người chết lại bỏ không nhìn đến.

Kinh Niết bàn dạy: Đại Bồ tát xem voi ác và ác tri thức đều như nhau. Vì sao? Vì cả hai đều hủy hoại thân mình, nên đại Bồ tát đối với những con voi ác không lo sợ còn ác tri thức thì sanh tâm lo sợ. Vì sao? Vì những voi ác có thể hủy hoại thân, sau đó cũng có thể hoại tâm, nhưng ác tri thức đều hoại cả hai. Voi ác chỉ hoại một thân còn ác tri thức hoại vô lượng thân và tâm thiện. Voi ác có thể phá hoại thân xấu ác, bất thiện. Ác tri thức hoại cả thân và tâm thanh tịnh. Voi ác hoại thân thịt. Ác tri thức thì hoại pháp thân. Bị voi ác giết hại không đến ba đường ác. Bị bạn ác giết chắc chắn vào ba đường ác. Voi ác chỉ oán thân còn ác tri thức oán các pháp lánh. Thế nên Bồ tát thường phải xa lìa các ác tri thức. Kinh Tăng nhất A-hàm, Thế tôn nói kệ:

Chớ gần ác tri thức
Chớ ngu mà làm theo
Nên gần thiện tri thức
Tối thắng trong loài người
Trong người không có ác
Gần học ác tri thức
Trồng căn ác về sau
Mãi đi trong bóng tối.

Kinh Trung A-hàm ghi: Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Có bảy pháp oán đối để gây thù hận. Một là không muốn oán đối để được sắc đẹp, dù thích tắm rửa, xoa ướp hoa hương, nhưng vì sắc mà tâm sân giận che lấp làm việc oán đối. Thứ hai không muốn oán đối để ngủ nghỉ an ổn, tuy nằm trên giường, với chăn bông đắp kín nhưng do sầu khổ không bỏ, tâm sân giận che lấp mà gây oán đối. Thứ ba không muốn oán đối được lợi lớn, tuy đáng được lợi nhưng không được, đáng không được lợi lại được, hai pháp này chống trái lẫn nhau, do tâm sân hận nên làm oán đối. Thứ tư không muốn để oán đối được bạn tốt, nếu bạn thân gần thì tránh xa, do tâm sân giận che lấp mà làm oán đối. Thứ năm không muốn để oán đối được tiếng khen, điều ác đó là tiếng xấu đồn khắp các phương, do tâm sân giận che lấp mà làm oán đối. Thứ sáu không muốn oán đối được tiền của rất giàu có, người giàu có nhiều tài vật đó phải bị mất đi, do tâm sân giận che mất mà làm oán đối. Thứ bảy không muốn oán đối để lúc thân hoại mạng chung đến nơi tốt lành, muốn thân miệng ý của họ làm ác, rồi khi chết chắc chắn đến nơi xấu ác, sanh trong địa ngục mà làm oán đối. Lại kinh A hàm dạy: Xa lìa điều ác, gần việc lành có bốn pháp, nên nhanh chóng tránh xa một trăm do tuần (một do tuần là bốn mươi dặm, một trăm do tuần là bốn ngàn dặm). Bốn pháp là: Một là bạn xấu ác. Hai là chúng xấu ác. Ba là lắm lời, đùa giỡn. Bốn là sân giận hay đấu tranh.

Kinh Thiện sanh dạy: Người thọ giới không được làm năm việc: Nghĩa là mỗ trẻ con, dâm nữ, hàng rượu, quốc vương, nhà Chiên Đà La… Có năm loại nghiệp không nên làm: Nghĩa là bán thuộc độc, thuộc da, đánh xu bồ, cờ vây, lục bát, ca múa xướng hát. Kinh kinh Bảo vân dạy: Người trì giới không được phá giới không thể ở nhà.

Luận Kim Cang Tiên dạy: Người xuất gia không được hướn đến nhà mỗ trẻ con, dâm nữ, hàng rượu, voi ác, chó dữ, … mà không thể cũng không được đi lại nhiều lần gần gũi chúng.

Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì, Đức Phật dạy: Này thiện nam!

Sau khi Phật Diệt độ, nếu có pháp sư, tùy theo sự ưa thích của người mà khéo thuyết giảng cho họ, có thể học Đại thừa Bồ tát và Đại chúng phát tâm hoan hỷ bằng sợi lông, hay chỉ rơi giọt nước mắt thì nên biết đều là thần lực Phật. Nếu có người ngu, thật chẳng phải là Bồ tát, giả xưng là Bồ tát mà hủy báng Bồ tát chơn thật và các việc làm của họ. Lại nói: Họ biết gì, họ hiểu gì. Nếu những người hòa hợp được điều này thì có thể trú trì lưu thông pháp của ta. Nếu người chống trái điều này thì không hành chánh pháp. Những người hủy báng pháp này bị tội rất nặng, rơi vào ba đường ác khó có thể diệt trừ. Nếu người ngu si đối với lời dạy của Phật mà không tín thọ, tuy đọc tụng ba bộ đại thừa, giảng thuyết cho người đắc bốn thiền vì hủy báng người khác, nên trong bảy mươi kiếp chịu nhiều khốn khổ, huống nữa người si thật không biết gì mà tự cống cao ngã mạn, cho đến hủy báng một câu kệ thì nên biết các việc này rơi vào địa ngục, vĩnh viễn không thấy Phật. Nếu với mắt xấu ác liếc nhìn người phát tâm Bồ đề thì bị quả báo không có mắt. Nếu dùng miệng thô ác hủy báng người phát tâm Bồ đề thì bị quả báo không có lưỡi.

Xưa khi Đức Phật còn tại thế, có Tỳ-kheo ni Vi Diệu đắc quả A-lahán, nói chuyện với Ni chúng về quả báo của việc tạo nghiệp thiện ác, ở đời quá khứ, Tỳ-kheo ni này bảo với Ni chúng, ở đời quá khứ có một trưởng giả, nhà giàu có nhưng không có con, vì thế cưới thêm cô vợ bé. Người chồng rất thương yêu, sau thời gian sanh một bé trai. Vợ chồng thương con nhìn không biết chán, người vợ lớn có tâm ganh ghét, nghĩ: Đứa trẻ này, nếu lớn lên sẽ cầm giữ gia nghiệp, ta ra sức cực nhọc, nuôi dưỡng có lợi ích gì, không bằng ta giết nó, liền cầm kim chích lên má, sau đó chết. Người vợ bé nghi vợ lớn giết con, liền nói. Ngươi giết con ta. Lúc ấy, vợ lớn cho rằng không có báo ứng tội phước, tai ương, liền thề: Nếu ta giết con của ngươi thì chồng của ta đời đời làm rắn độc, sanh được đứa con bị trôi trên nước, bị sói ăn thịt, tự ăn thịt con, đang sống mà bị chôn vùi, nhà cha mẹ do lửa mà chết. Phát những lời thề này rồi, sau khi qua đời do giết con nên đọa vào địa ngục chịu vô lượng khổ, hết tội địa ngục lại sanh cõi người làm con gái Phạn chí, lớn lên dần, thích lấy chồng, sanh con, sau đó mang thai đủ tháng sắp sanh, người chồng dẫn về nhà cha mẹ, trên đừơng, đau bụng sinh, ban đêm ngủ dưới gốc cây, người chồng ngủ ở chỗ khác. Do lời thề trước, hôm nay phải chịu lấy. Khi ấy, có rắn độc đến cắn chết người chồng. Người vợ thấy chồng chết sanh sầu khổ tuyệt vọng, sáng mai mới tỉnh dậy liền cõng đứa bé lớn trên vai, ôm bé nhỏ khóc lóc đi tiếp. Trên đường có con sông sâu và rộng, liền để con lớn bên bờ này, đưa bé nhỏ qua bờ kia trước, trở lại đón đứa lớn. Người con thấy mẹ đến, vội nhảy xuống nước đến mẹ, liền bị nước cuốn trôi. Người mẹ ra sức kiếm tìm mà không được, chỉ trong chốc lát chìm xuống chết mất, khi trở lại bé nhỏ thì con sói đã ăn rồi, chỉ có máu chảy ra, con sói giẫm đạp trên đất. Người mẹ ngất xỉu, lâu sau mới tỉnh lại, lại đi tiếp, gặp một Phạn chí là người bạn thân của cha, nên trình bày đủ cảnh khổ với Phạn chí. Phạn chí thương xót, cùng khóc, liền hỏi trong nhà có bình an cả không? Phạn chí trả lời: Ngày gần đây, cha mẹ, bà con lớn nhỏ đều bị lửa cháy cả rồi, nghe nói như vậy, sầu khổ đến chết không tỉnh lại. Phạn chí dẫn về nhà nuôi dưỡng như con gái. Sau đó, lấy chồng mang thai sắp sinh. Người chồng ra ngoài uống rượu đến tối mới về, vợ tối đóng cửa, trong một mình, trong chốc lát người vợ sanh, người chồng ở ngoài gọi, người vợ sanh chưa xong, không có người đến mở, người chồng phá cửa vào, đánh vợ ngất xỉu, người vợ kể lại chuyện sanh, người chồng giận dữ nên đánh chết con, lấy rau tía tô nấu chín, bắt vợ phải ăn. Người vợ ăn thịt con xong, tự thấy đau xót, nghĩ mình phước mỏng phải gặp người này, liền bỏ chạy về thành Ba la nại, ngồi nghỉ ở dưới cây trong vườn. Khi ấy, có con trưởng giả, vợ của ông mới chết, ông thường đến mộ thương tiếc than khóc, thấy người nữ này ngồi dưới cây một mình, liền hỏi: Vợ chồng chung sống bao lâu mà chồng đã qua đời? Lúc ấy, theo phép nước đó, nếu khi sống vợ chồng thương yêu nhau, thì lúc chồng chết người vợ cùng chôn theo chồng. Bấy giờ, có bọn giặc đến đào mộ, họ thấy mặt mày người nữ xinh đẹp, nên lấy làm vợ, trải qua vài tuần, người chồng đào mồ người khác, bị vua giết, bạn giặc đem thây chết giao cho bà ta, lại bị chôn theo chồng, được ba ngày bị con cáo, chó sói đến đào mộ, nhờ vậy mà được sống lại, tự trách mình đời trước đã gây tội gì mà nay giữa chừng lại gặp tai họa này, chết rồi sống lại, nay tương tựa vào đâu để bảo toàn thân mạng. Nghe được Đức Phật Thích Ca ở trong Kỳ hoàn, liền đến chỗ Phật cầu xin xuất gia, nhờ năng lực phát nguyện dâng cúng Bích Chi Phật thức ăn nên hiện tại được gặp Phật xuất gia tu đạo, đắc quả A-la-hán, biết được nghiệp sát sanh đời trước, do phát thề rơi vào địa ngục, hiện tại chịu quả báo xấu ác đắng cay, không thể nói hết. Tỳkheo Vi Diệu tự nói, người vợ lớn ngày xưa nay chính là thân ta, tuy đắc quả A-la-hán nhưng thường bị kim châm nóng từ trên đầu xuống chân ra ngoài, đêm ngày khổ sở không thể chịu nổi, tai họa như thế, trọn không diệt sạch. Luận Nhập Đại thừa Bồ tát Kiên-ý nói kệ:

Hủy báng pháp Đại thừa
Chắc chắn vào đường ác
Lửa đốt rất khổ sở
Tin tội báo như vậy
Nếu từ địa ngục ra
Sau chịu báo ác khác
Các căn thường thiếu xấu
Mãi không nghe tiếng pháp.
Giả như mà được nghe
Lại sanh hủy báng pháp
Do duyên hủy báng pháp
Lại đọa vào địa ngục.

Thứ 4: Duyên trái phụ

Như kinh Pháp cú dụ dạy: Xưa kia, khi Phật còn ở đời, có người buôn Ca Sa vương vào thành La duyệt xin ăn. Trong thành có con trâu cái mới sanh húc chết Ca Sa. Người chủ trâu rất lo sợ bèn bán trâu cho người khác. Người đó dẫn trâu về định cho nó uống nứơc thì đằng sau nó lại húc người chủ mới này chết. Người trong nhà của chủ quá tức giận giết nó, đem thịt ra chợ bán. Người chủ ruộng mua cái đầu trâu này cột vào sợi dây khiên về, cách nhà hơn một dặm, lại ngồi nghỉ dưới cây, móc đầu trâu trên cành cây, chỉ một tí thì dây đứt, đầu trâu rơi xuống đất, sừng trâu đâm trúng vào đầu người chủ ruộng, ông ấy chết ngay. Chỉ trong một ngày mà đã phạm sát ba người. Vua Bình Sa nghe vậy, cho là việc quái lạ, liền cùng các thần đến chỗ Đức Phật hỏi ý nghĩa tất cả sự việc. Đức Phật bảo vua: Ngày trước có ba người buôn đến trong nứơc kia lập nghiệp sinh sống, ở nhờ nhà bà già độc thân, bà đã đồng ý giá cả cho thuê. Những người này biết bà độc thân nên khinh thường không muốn trả(tiền), họ thấy bà lão không có, bèn im lặng bỏ đi. Bà già khi về lại nhà thì không thấy người khách nào, bèn hỏi nhà đó, biết họ đã đi cả rồi. Bà lão sân giận, tìm tòi đã quá mệt, chỉ trong chốc lát tiền của đã tiêu tan. Ba ngừơi khách đó ngược lại còn nhục mạ. Tôi trước đã cho thuê sao lại tiêu hết, cùng nhau phản bội mà không trả tiền cho tôi? Bà già đơn độc, cô thế không thể khiếu nại gì được bèn sầu não nguyền rủa: Hôm nay, ta khốn cùng nên những hiềm khích hay đấu tranh nào ta cũng chịu cả, nguyện đến đời sau nơi ta sanh ra nếu có gặp lại ta sẽ giết các người, đúng vậy khiến gặp được trên đường, trọn không bỏ được. Đức Phật bảo với vua Bình-sa: Bà già lúc đó nay chính là trâu cái, ba người buôn là Phất-ca-sa và hai người cùng chết đó, do trâu húc chết. Đức Phật nói kệ:

Nói ác mạ nhục
Lăng nhục dối người
Làm nhiều như vậy
Oán thù sanh nhanh
Nói lời từ hòa
Tôn kính mọi ngừơi
Bỏ oán chịu xấu
Oán liền tự diệt
Sanh làm phu sĩ
Búa ở trong miệng
Sẽ chặt thân mình
Do lời nói ác.

Kinh Xuất diệu dạy: Trong nước Kế tân có hai anh em, người anh xuất gia chứng A-la-hán, người em ở nhà lo tu sửa nối nghiệp nhà. Người anh đã nhiều lần khuyên bảo em bố thí, trì giới, tu thiện làm phước, hiện tại được tiếng khen, chết sanh vào nơi lành, người em nói anh: Nay anh đã xuất gia không nghĩ về chuyện công hay tư, không nghĩ đến vợ con ruộng vườn tài sản, còn em thì có những việc này. người anh đã nhiều lần khuyên bảo mà chẳng nghe lời anh, sau đó, bịnh rồi chết, sanh trong loài bò cởi xe cho người, chở muối vào thành. Người anh từ trong thành đi ra, gặp con ngựa này liền thuyết pháp cho nó, nghe rồi nghẹn ngào buồn bả.

Người chủ bò thấy vậy, thưa đạo nhơn: Ông đã nói gì, làm cho con bò tôi u sầu không vui.

Đạo nhân nói: Con bò này trước đây là em của tôi. Do đời trước mắc nợ bạn một đồng muối, nên nay phải đọa làm bò dùng sức lực để trả nợ cho bạn.

Chủ bò nghe vậy, thưa đạo nhơn: Người em bạn này ngày trước có thân quen với tôi. Lúc ấy, người chủ bò bảo với bò: Từ nay, ta thả ngươi, không sai khiến nữa. Bò nghe vậy, cảm động chí tâm niệm Phật, liền lao từ núi xuống vực thẳm chết ngay, lại được sanh lên cõi trời hưởng khoái lạc. Vì nhân duyên này, nên người nào mắc nợ thì phải trả.

Trong luận Thành thật dạy: Nếu có người nào mắc nợ không trả thì phải đọa vào các loài dê, bò, hươu, lừa, ngựa để trả nợ đời trước.

Luận Tỳ Bà Sa dạy: Nghe một người nữ bị ngạ quỷ bắt giữ. Có người dùng chú thuật hỏi quỷ: Sao lại não hại thân nữ đó? Quỷ đáp: Người nữ này là oan gia của ta, trong năm trăm đời thường giết hại ta.

Ta cũng ở trong năm trăm đời mất đi mạng căn. Nếu người nữ bỏ tâm oán thù trước thì tôi cũng bỏ. Khi ấy, người nữ nói: Hôm nay, ta đã từ bỏ tâm oán thù. Con quỷ thấy biết người nữ tuy nói bỏ mà tâm không từ, liền giết cô ta.

Trong kinh Tạp Bảo Tạng dạy: Tôn giả Mục Liên đến bờ sông, thấy năm trăm ngạ quỷ đều đến dòng nước. Lại có con quỷ giữ nước, lấy gậy sắc đuổi quỷ khác chạy, khiến không gần được. Bấy giờ, các con quỷ đến đảnh lễ Tôn giả Mục Liên và thưa hỏi tội lỗi của mình.

Một con quỷ thưa: Con đã chịu thân này, thường bị nạn khát nóng, nghe nói nước ở sông trong mát, vui mừng chạy đến nhưng nước sôi làm bỏng thân, thử ngậm một hớp thì làm cho ngũ tạng cháy bỏng thối nát, mùi hôi không thể tả. Đây là do duyên gì mà chịu những tội như vậy?

Mục Liên đáp: Do ngươi đời trước đã từng làm thầy xem tướng lành dữ của người thật ít, dối nhiều, chê bai hay khen ngợi, tự cho mình đã xem xét kỹ, do tâm người động, dối trá mê hoặc, để cầu tài lợi, mê hoặc chúng sanh, mất đi việc như ý.

Lại có một con quỷ nói: Con thường bị con chó lớn, răng nhọn trắng đỏ đến ăn thịt, chỉ còn lại xương, khi gió thổi đến lại làm thịt có lại, chó lại đến ăn, khổ này do nhân duyên gì?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi làm chủ tế trời, thường bảo mọi người giết dê, lấy máu tế trời còn ngươi ăn thịt, nên lấy thịt mà trả.

Lại có một con quỷ nói: Trên thân của con luôn bị phân dơ bám vào dơ nhớp, lại lấy nó ăn, tội này do nhân duyên gì?

Tôn giả Mục Liên bảo: Đời trước ngươi làm Bà-la-môn ác tà kiến không có đức tin. Có một đạo nhân đi khất thực, ngươi lấy phân bỏ đầy bát rồi lấy cơm che trên, dâng đạo nhân. Đạo nhân trở về dùng tay bóc ăn thì phân dơ bén đầy tay, nên ngày nay ngươi phải chịu tội này.

Lại có một con quỷ nói: Bụng con thật lớn như cái vò còn cái cổ, tay chân đều nhỏ như cái kim, không ăn uống gì được, là do đâu mà khổ vậy?

Tôn giả Mục Liên bảo: Ngươi đời trước làm chủ xóm làng, tự ỷ mình giàu có, uống rượu ngang tàn, khinh khi kẻ khác, lấy thức ăn của người, làm cho chúng sanh đói khổ, nên nay chịu khổ này.

Lại có một con quỷ nói: Con thường đến nhà vệ sinh muốn ăn phân, nhưng có bầy quỷ lớn cầm gậy đuổi con, nên không được nhà vệ sinh, trong miệng hôi thối, đói khát khốn khổ vô cùng, là do nhân duyên gì vậy?

Tôn giả Mục liên đáp: Đời trước ngươi chủ vẽ tượng Phật, có các cư sĩ chuẩn bị thức ăn cúng dường chúng Tăng mà ngươi ăn thức ăn ngon lại dùng thức ăn thô cúng dường chúng tăng và khách, nên phải bị khổ này.

Lại có một con quỷ nói: Trên thân con mọc đầy cả lưỡi, búa đến chặt lưỡi, chặt rồi lại sanh, như thế không dứt là tại sao vậy?

Tôn giả Mục Liên bảo: Đời trước khi làm đạo nhân, chúng Tăng sai giã đường làm nước tương. Khối đường lớn khó tan, ngươi lấy búa gõ ra, trộm lấy một miếng bỏ vào miệng, do đó, nên lưỡi thường bị chặt.

Lại có một con quỷ nói: Con thường ngậm bảy viên sắt nóng vào trong miệng nuốt xuống bụng làm cho ngũ tạng cháy bỏng ra ngoài rồi trở vào, đó là do nhân duyên gì mà bị tội này?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi làm Sa-di đi phân trái cây, đến chỗ thầy mình, vì kính thầy nên có tâm thiên vị dâng nhiều hơn, thật ra chỉ bảy quả lớn, nên thọ khổ này.

Lại có một con quỷ nói: Thường bị hai bánh xe sắt nóng kẹp dưới hai nách, toàn thân nóng bỏng, do nhân duyên mà bị vậy?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước, khi chúng Tăng làm bánh, ngươi trộm lấy hai bánh kẹp vào hai nách, nên nay chịu khổ này.

Lại có một con quỷ nói: Con có cái bướu lớn ở cổ lớn như cái chum, khi đi phải vác nó trên vai, khi nghỉ thì ngồi trên nó, đi đứng đều khổ sở, do gì mà khổ vậy?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi buôn bán ở chợ, thường cân non lường thiếu của người, cân nặng đong đầy cho mình, thường muốn được phần lợi nhiều cho mình, xâm phạm người khác.

Lại có một con quỷ nói: Trên hai vai con thường có mắt, ở ngực thì có miệng, mũi, lại không có đầu, đó là nhân duyên gì?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi thường làm đệ tử của người chủ chả nem, nếu khi ai giết hại, ngươi lại vui mừng, lấy dây trói kéo chúng, nên nay chịu khổ này.

Lại có con quỷ nói: Thân con thường bị kim sắc nóng châm vào thân, chịu khổ vô cùng, là do nhân duyên gì vậy? Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi làm người giữ ngựa hoặc giữ voi, ngựa và voi khó điều phục nên ngươi dùng kim sắc châm vào chân, khi đó chúng đi chậm chạp là do kim châm, do đó nay chịu khổ này.

Lại có một con quỷ nói: Thân con thường có lửa phát ra, lại thiêu đốt làm con nóng bức khổ não, là do nhân duyên gì vậy?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi làm phu nhân của vua một nước, lại có phu nhân khác thương yêu vua hơn, nên thường sanh tâm ganh tỵ, tìm mưu kế hại người này. Khi vua còn ngủ với phu nhân đó, do chưa mặc y áo, bà liền sanh tâm ác, đúng lúc làm bánh có dầu nóng, phu nhân lấy dầu rưới trên bụng, làm bụng cháy bỏng mà chết, nên chịu khổ như vậy.

Lại có một con quỷ nói: Thường có gió thổi xoáy quanh làm thân con bị chuyển động, không được tự tại mà ý tự do rong ruỗi, tâm thường sầu muộn, là do nhân duyên gì vậy?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi làm thầy bói, khi nói dối, khi lại nói thật làm mê hoặc tâm người, không theo ý của họ, nên chịu khổ này.

Lại có một con quỷ nói: Thân của con thường như cục thịt không có tay chân mắt tai mũi… chỉ làm côn trùng bị chim rỉa, tội khổ khó lường, là do nhân duyên gì vậy?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi thường cho người khác thuốc hư thai, nay chịu khổ này.

Lại có một con quỷ nói: Con thường bị nhốt trong lồng sắc nóng đốt cháy toàn thân, làm đau đớn, là do nhân duyên gì vậy?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi làm lưới bủa bắt chim cá, nên nay chịu khổ như vậy.

Lại có một con quỷ nói: Con thường lấy vật lồng trùm lên đầu vì luôn sợ người đến giết con, tâm luôn lo sợ không thể chịu được, là do nhân duyên gì vậy?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi tà dâm với nữ sắc, thường sợ người khác thấy, hoặc sợ chồng cô trói bắt chết, hoặc sợ phép quan giết bêu ở chợ, lo sợ liên miên, nên nay chịu khổ này.

Lại có một con quỷ nói: Con nhận chịu thân này trên vai thường có bình đồng đầy nước đồng nóng chảy, tay cầm gáo tự múc tưới thân, toàn thân cháy nóng chịu khổ như vậy vô lượng, là do nhân duyên gì vậy?

Tôn giả Mục Liên đáp: Đời trước ngươi xuất gia học đạo đã lấy bình sữa, cất riêng nơi khác cho mình, có khách đạo nhơn đến mà không mời, đợi họ đi rồi mới mang ra cho những người Tăng trú xứ, sữa này là vật của chiêu đề Tăng, tất cả đều có phần, người này cất riêng tuy cho nhưng không bình đẳng. Do nhân duyên đó mà nay tội chịu này.

Trong kinh Thí Dụ dạy: Xưa kia, nước ngoài có người, hồn chết dùng roi tự đánh vào thây chết của mình. Người bên hỏi: Người này đã chết sao lại lấy roi tự đánh? Đây là thân cũ của ta, do trước ta thường làm việc ác, thấy kinh giới không đọc tụng, trộm cắp nói dối, tà hạnh với vợ người, không hiếu thuận cha mẹ, anh em, tiếc tài của không chịu bố thí, nay chết ta phải chịu trong đường ác, luôn chịu khổ đắng cay, không thể kể hết, nên nay phải dùng roi tự đánh.

Trong kinh Y Vô Lượng Thọ dạy: Kiều Phạm Ba Đề đời quá khứ từng làm Tỳ-kheo, ở bên ruộng lúa người mà đào bới gốc rễ, đến khi chín thì hạt lúa rơi vải trên đất, nên trong năm trăm đời làm bò để trả nợ. Cho nên, luận Trí độ dạy: Vì tập khí của người đó, sau này được làm thân người, khi sanh ra có móng chân, thức ăn như bò. Đức Phật thương xót độ cho ông xuất gia đắc quả A-la-hán.

Thứ 5: Duyên tội lỗi

Kinh Duy Ma dạy: Nếu dùng một ngàn lời nói thống khổ mới có thể vào luật. Sách nói: Nghe khuyên bảo như nước chảy, những lời nói đó phải ghi nhớ, thường trái mà không tin, ngựa ác khó điều phục, vỗ vào ngực nhiều xấu hổ mà thường tự an ủi, khi nghe đến bài tựa tâm đã quanh co. Hôm nay, muốn giữ gìn lời nói và chỉnh đốn thân mình. Nếu trước chưa điều phục tâm mình thì tiếp đến phải chiết phục ý. Nên kinh dạy: Giữ tâm ở một chỗ thì mọi việc đều thành tựu. Thí như núi vàng, hang cáo, thỏ không dám nghỉ. Đấy biển sâu thì con chẩu oa không dám trú ở. Thế nên biết, sữa đổi tâm chính là làm cho ý mình thanh tịnh thì quả báo ba đường dứt hẳn, đầy đủ bốn đức, ngăn ngừa ý như thành, giữ miệng như bình, tức là sông vàng vẫn còn gởi lại người kia. Người chủ giữ cửa Hóa quảng cũng tin như vậy, đã sách tấn ba nghiệp tức là trừ được bốn hoạn nạn. Những gì là bốn? Là Sanh, già, bịnh, chết. Nên kinh Thọ thai dạy: Khi chúng sanh thọ thai là đầy đủ tất cả nạn, hình thái mù mịt như bụi trần bay, đủ mười tháng trong thai mẹ đã biết khổ, gió nghiệp thúc dục sanh ra, gió xoáy vào thân tựa như băng lạnh. Thật thế, sanh là khổ. Kinh Niết bàn dạy: Ví như tim đốt đèn chỉ bằng dầu mỡ, nếu dầu mỡ đã hết thì chẳng còn cháy lâu. Con người cũng vậy, dựa vào thân mạnh khỏe, khi thân đã cạn kiệt thì mạng sống đâu lâu dài được.

Trong kinh Xuất Diệu, Đức Phật nói kệ về khổ của già:

Trẻ tinh khí tráng kiện
Lúc già bị bức bách
Hình ốm yếu khô gầy
Sức cạn, đi nhờ gậy.

Đức Phật nói kệ về khổ của chết:

Khí hết thần mất
Hình hài tan tác
Người vật hợp nhất
Không sống chẳng chết.

Lại kinh Niết Bàn dạy: Người chết đối với chỗ hiểm nạn không có tư lương, đến nơi xa vắng không có bạn đồng hành, đi suốt ngày đêm không biết chỗ dừng, hang núi thâm sâu tối tăm chẳng có đèn sáng, vào nơi không có cửa mà vẫn có chỗ, tuy chỗ không thống khổ mà không thể trị lành, qua thì không ngăn chặn lại mà đến thì không thể thoát ra được.

Lại kinh Vô Lượng Thọ dạy: Sanh ra chỉ một mình mà chết đi cũng chỉ một mình, đến một mình, đi một mình, chỗ vui khổ, tự thân nhận thấy, không có người thay thế, mờ mờ ảo ảo biệt li mãi mãi, đường đi khác biệt, không hẹn ngày gặp, thật khó thay! Nếu được gặp nhau, cùng sống thì vui mừng, bà con sum họp hết lòng thương yêu nhau. Nếu chết thì sớm mất tối tàn, liền sợ sệt, phân chia hình bóng, hát, khóc đưa nhau, người chết không biết, trong nhà trống vắng chẳng nhìn thấy. Còn mất, có không thay đổi trong chốc lát, nên kinh Xuất Diệu, Đức Phật dùng kệ thuyết lại cái khổ của chết:

Mạng như quả sắp chín
Lo sợ gặp rồi tan
Đã sanh tức có khổ
Đến lúc chết vẫn còn.
Như người tù chết
Đưa đến nơi chợ
Hướng đến đường chết
Mạng người như vậy
Như nước chảy sông
Qua không trở lại
Mạng người cũng vậy
Nguyện không trở lại.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: Có mười loại nghiệp Mạn cần phải tránh xa. Một là đối với ruộng phước tôn trọng như Hòa thượng, A-xà-lê, cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn mà không tôn trọng cung kính cúng dường, đó là nghiệp mạn. Hai là đối với các Pháp sư được pháp vi diệu, đối với pháp sâu xa Đại thừa, biết đường ra khỏi sanh tử, được Đà-la-ni thành tựu đa văn, đầy đủ tạng trí tuệ, có thể khéo thuyết pháp mà không tin thọ, cung kính cúng dường, đó là nghiệp mạn. Ba là khi lãnh thọ pháp, nếu nghe pháp sâu xa, nên phát tâm lìa dục, hoan hỷ vô lượng, nhưng không tán thán pháp sư, để chúng được hoan hỷ, đó là nghiệp mạn. Bốn là khởi tâm kiêu mạn tự cao, nhục mạ người, không xét kỹ mình, không chế ngự tâm, đó là nghiệp mạn. Năm là khởi ngã tâm kế chấp, thấy người có công đức trí tuệ mà không khen ngợi cái tốt của họ, trái lại thấy người không có công đức lại nói cái tốt về họ, nếu nghe người khác khen với người đó thì sanh tâm ganh tỵ, đó là nghiệp mạn. Sáu là, nếu có Pháp sư biết về pháp, luật, chân thật, biết đúng lời Phật dạy mà tâm sanh ganh ghét cho là chẳng phải pháp, chẳng phải luật, chẳng phải chơn thật, chẳng phải lời Phật dạy, muốn phá hủy lòng tin của người khác, đó là nghiệp mạn. Bảy là tự mình trãi ngồi ở tòa cao, tự cho ta là pháp sư, không nên làm việc, không nên cung kính cúng dường người khác, các bậc tu tập Trưởng lão phạm hạnh có đức đều phải cung kính cúng dường ta, đó là nghiệp mạn. Tám là luôn xa lìa với vẻ kính cẩn nhìn người bằng mắt xấu ác, thường dùng những nét hòa nhã để nhìn chúng sanh, cho là nhã nhặn không thô ác, trừ tâm sân giận mà đối Pháp sư đó tìm lỗi lầm của vị ấy, đó là nghiệp mạn. Chín là tâm ngã mạn, đối với bậc đa văn thì không đến cung kính nghe pháp, gặp khó khăn cũng chẳng thưa hỏi: Những gì là thiện? Những gì là ác? Những gì đáng làm? Những gì không đáng làm? Làm những gì là có thể làm lợi ích cho chúng sanh lâu dài? Làm những gì không đem lại lợi ích cho chúng sanh? Làm những gì thì từ sáng vào sáng? Làm những gì thì từ tối vào tối? Những người như vậy là tâm ngã trôi nổi, không thể thấy được con đường chân chánh, đó là nghiệp mạn. Mười là khởi tâm mạn, nên không gặp được chư Phật, khó đắc pháp, diệt trừ hết căn lành của đời trước, không đáng nói mà nói, khởi tâm trách cử, bàn luận chê bai, trú trong pháp như vậy là đạo tà kiến. Do tâm Bồ đề kém nên không bỏ hẳn việc làm của Bồ tát, tuy không bỏ đạo Bồ tát nhưng ở trong vô lượng trăm ngàn vạn kiếp vẫn không gặp Phật, huống nữa là nghe pháp, đó là nghiệp mạn. Kinh Xuất Diệu, kệ:

Chúng sanh bị mạn trói
Đắm trước nơi kiêu mạn
Vì kiến chấp mê hoặc
Không bỏ bờ sanh tử.

Thế nên biết, phàm phu tuy làm ác ít nhưng quả báo đời sau nhiều vô lượng, như độc trong tâm, ý người không đồng. Cư sĩ kinh doanh để sống mà không nhìn lại cái chết, nhưng đã sanh thì không thể bảo toàn, cái chết chắc chắn sẽ đến, nhìn lại mạng người mong manh chẳng sớm thì chiều, chỉ trong chốc lát, ma ác vô thường biến đổi, mà cứ lo sửa sang ruộng nhà, vợ con.

Kinh Pháp cú dụ dạy: Khi Đức Phật ở nước Xá vệ, trong thành có Bà-la-môn, gần tám mươi tuổi, tiền của vô lượng, là người khó giáo hóa, không biết đạo đức, chẳng kể vô thường, liền xây nhà tốt đẹp, phía trước có hai dãy nhà, phía sau giảng đường có đài hóng mát và nhà ấm, phía Đông và Tây có mái hiên. Hai dãy nhà có mười cái cầu, phía trước và sau của giảng đường rất lớn còn chưa xong, Bà-la-môn lại vạch ra những việc kinh doanh khác. Đức Phật dùng đạo nhãn thấy, người này mạng sống chưa trọn một ngày, qua đời sau cũng không thể tự biết được mình mà lại lo tu sửa, tinh thần không có phước, thật đáng thương xót. Đức Phật cùng A Nan đi đến cửa nhà ông ân cần hỏi: Ngươi có mệt nhọc không? Hôm nay, làm nhà này để làm gì?

Bà-la-môn thưa: Dãy trước để tiếp khách, nhà sau dành cho tôi, hai mái Đông, Tây là để cho những đứa trẻ nghỉ ngơi và những người giúp việc cùng với tài sản. Mùa Hạ thì đến đài nghỉ mát, mùa Đông thì vào nhà ấm nghỉ.

Đức Phật bảo: Từ lâu Ta đã nghe công đức đời trước, nghĩ mãi mới muốn giảng nói, Đức Phật dùng bài kệ căn bản, còn hay mất đều có ích, muốn cùng nhau trao đổi, hãy khéo xét kỹ được chăng? Xin bỏ chút công việc cùng ngồi trò chuyện được không?

Bà-la-môn đáp: Hôm nay, tôi rất bận, ngày mai đến sẽ cùng gặp nhau tốt hơn.

Đức Phật nói kệ rồi, giảng thuyết cho ông, Thế tôn giảng kệ:

Có con có tài
Người ngu vội vàng
Ta chẳng phải ta
Đâu có con, tài
Nóng sẽ nghỉ đây
Lạnh sẽ nghỉ kia
Ngu nhiều tính toán
Chẳng biết đổi thay
Người ngu khuất lấp
Tự cho trí mình

Ngu cho là trí
Đúng là thật ngu.

Bà-la-môn nói: Bài kệ này thật hay! Hôm nay thật quá bận, ngày mai hãy đến bàn luận. Khi đó, Thế tôn thương xót bỏ đi. Sau đó, Bàla-môn cầm rui mái nhà, rui rớt xuống, đánh bể đầu, chết mất. Cả nh than khóc, náo động bốn phía. Đức Phật cách chỗ đó chưa xa, liền có sự vô thường biến đổi này, đến đầu làng gặp mười người Phạn chí hỏi Ngài: Thế tôn đi đâu?

Đức Phật nói: Đến nhà Bà-la-môn chết để thuyết pháp cho Bà-lamôn, vì không tin lời Phật, không biết vô thường, hôm nay bỗng nhiên đã thành đời sau, thuyết nghĩa bài kệ trước cho các Phạn chí, họ nghe rồi vui mừng đắc quả Đạo tích. Khi ấy, Thế tôn nói kệ:

Ngu gần bậc trí
Như rót rượu(vào) ly
Tuy quen tập khí
Do không biết pháp
Gần trí nghe hiểu
Như lưỡi liếm vị
Tập trong chốc lát
Hiểu đạo căn bản.
Người ngu tạo tác
Thân phải chịu họa
Tâm quyết làm ác
Tự mang tai ương.
Làm việc bất thiện
Trở lại thương lão
Nước mắt tuôn rơi
Trả nghiệp đời trước.

Bấy giờ, các Phạn chí nghe lại bài kệ này càng thêm lòng tin, lễ Phật hoan hỷ, phụng hành.

Kinh Chánh Pháp Niệm dạy: Nếu có chúng sanh gặp bạn người khác mà cùng nhau tranh cải, để thêm oán kết, mà có thể làm họ hòa thuận, người này lúc mạng chung được sanh vào cõi trời Dục ái, tùy theo tâm nghĩ mà được hưởng năm dục. Nếu có chúng sanh thấy người bị đánh sắp mất mạng, vì người đó đánh trả để cứu thoát nạn, hoặc ở nơi chỗ hiểm cứu người, dạy họ đạo chơn chánh, hoặc nơi nghi ngờ đáng sợ khiến cho họ được an ổn thì mạng chung được sanh lên cõi trời Chánh hạnh, được thiên nữ cúng dường hưởng năm thứ dục lạc, hoặc sanh trong loài người, thì ở trong nhà trưởng giả chánh kiến. Hoặc có người tâm hòa diệu, lìa tất cả cấu uế, được Niết bàn giải thoát như trong bàn tay, người tâm mềm mại như bạch lạp, tu tập nghiệp lành được mọi người tin tưởng. Người cứng cỏi tâm như kim cương thường không từ bỏ tâm oán kết, khó điều phục hành động, bị mọi người ghét, không tin yêu. Bấy giờ, Bồ tát Khổng Tước dùng kệ kinh Phật tụng:

Người lành tâm hòa diệu
Giống như vàng đã luyện
Người này trong ngoài thiện
Mau thoát được các khổ
Nếu người tâm điều hòa
Tất cả đều hòa nhã
Người ấy sanh việc thiện
Như ruộng phước tốt lành.

Lại kinh Ha Điêu A-na-hàm dạy: A-na-hàm có tám pháp không muốn để cho người biết. Những gì là tám. Một là không mong cầu, không muốn cho người biết. Hai là tin mà không để người biết. Ba là tự thẹn không để người biết. Bốn là tự xấu hổ không muốn khiến cho người biết. Năm tinh tấn không muốn cho người biết. Sáu là tự quán xét không muốn để cho người biết. Bảy là đắc được thiền không để cho người biết. Tám là có chút trí tuệ không để cho người biết. Sở dĩ không muốn để cho người biết là không muốn khiến người khác lo phiền.

Tụng kệ:

Xem tâm như cỏ cải
Hoa lan thơm khắp nơi
Trục xe có khi hư
Tơ trắng không như lụa
Ba ích riêng được vui
Hành Bốn xứ được hộ
Cố gắng hết sức mình
Dạy bảo được thành kính.

PHẦN THỨ 17: TƯ THẬN (SUY NGHĨ CHÍN CHẮN)

– Duyên thuật ý.
– Duyên thận quả.
– Duyên thận họa.
– Duyên thận cảnh.
– Duyên thận dụng.

Thứ 1: Trình bày về duyên ý

Suy nghĩ cẩn thận đề phòng lỗi lầm, lý không lo lắng là im lặng trừ bỏ hủy báng, xa lìa nguồn gốc ác. Xưa dạy bảo nên thận trọng sau này, người quân tử như Ô mai mặn, kính trên hộ trì dưới là nuôi dưỡng hướng đi chính yếu. Lại dùng gương soi sự chìm nổi của tội phước, biết được khổ vui của lành dữ. Ví như mắt trong bóng tối thì tự biết, mượn gương để soi hình tóc rối bời thì tự biết lý do ở nơi mình chắc phải mượn lược để tự chải cho suông, thấy được hình ảnh của mặt là chức năng ánh sáng của gương, tóc được suông là nhờ công năng của lược tốt. Sở dĩ tiếng thơm bay xa là do lợi ích của lời nói khéo, sở dĩ được quả tốt là do nhân tốt lành. Cho nên, thân sắp hủy hoại chắc chắn không nhận lời khuyên bảo đúng, mạng sống sắp chết thì không trao cho thuốc tốt.

Thứ 2: Duyên cẩn thận với tội lỗi

Trong phẩm Tế long kinh Đại tập dạy: Bấy giờ, trong đàn có con rồng mù tên Phả-la-cơ-lê-xa khóc lớn: Bạch Đại thánh Thế tôn! Xin cứu giúp con! Hôm nay, con chịu thân quá khổ, ngày đêm bị các loài trùng ăn sột soạt, ở trong nhà nước nóng, không được chút an vui. Đức Phật bảo Lợi-Xa: Trong đời quá khứ, ông ở trong pháp của Ta từng là Tỳ-kheo, hủy phạm giới cấm, trong thì lừa dối khinh khi, nhưng ngoài thì tỏ ra tướng tốt, ham chấp nhiều bà con đệ tử, cứ nói ta xa lìa bốn pháp, nghe hiểu tất cả, là Hòa thượng đắc quả A-la-hán, vì vậy mà được nhiều người cúng dường mà chỉ thọ dụng một mình, thấy người trì giới lại nói xấu ác cho họ, làm cho họ buồn rầu. Vì vậy, những người ấy nghĩ như vầy: Đời đời chúng ta sanh đến chỗ ngươi để ăn thịt ngươi, do tạo nghiệp ác như vậy nên chết sanh trong loài rồng. Đó là thân trước của ngươi. Chúng sanh nguyện ăn thịt của ngươi là do nhân duyên nghiệp ác mà bị quả báo mù này. Lại vô lượng kiếp trong quá khứ ở địa ngục đồng đỏ rực, thường bị các loài trùng ăn. Rồng nghe nói như vậy, buồn rầu than khóc nghĩ: Hôm nay, chúng con đều chí thành xin sám hối, nguyện cầu những khổ này nhanh chóng thoát khỏi, ở trong loài rồng qua hai mươi sáu ức năm bị đói khát, nhớ thân quá khứ tất cả đều rơi nước mắt, nhớ thân quá khứ tuy được xuất gia mà tạo nhiều nghiệp ác, trải qua vô lượng thân trong ba đường ác, do còn nghiệp báo nên ở trong loài rồng chịu nhiều khổ đau, như rồng mù, con cũng như vậy. Bấy giờ Thế tôn bảo với loài rồng: Các ngươi hãy lấy nước rửa sạch chân của Ta để các tội báo của các ngươi dần được diệt trừ. Khi ấy, tất cả rồng lấy tay múc nước, thì nước tất cả thành lửa, biến thành đá lớn, ở trong tay đầy cả lửa dữ, hết rồi lại sanh cứ như vậy đến bảy lần. Tất cả loài rồng thấy vậy rùng mình than khóc, nước mắt như mưa. Đức Phật bảo: Hãy phát thề nguyện lớn thì lửa dữ đều tắt, cho đến tám lần dùng tay múc nước rửa chân Như Lai chí thành sám hối. Đức Phật thọ ký cho loài rồng, đến thời Phật Di lặc sẽ được làm người gặp Phật xuất gia, tinh tấn trì giới đắc quả A-la-hán. Khi ấy, các loài rồng nhớ lại được đời quá khứ, biết lỗi lầm quá khứ của mình đối với Phật pháp, hoặc nhân duyên làm bà con với mọi người, hoặc nghe pháp nhân duyên ở quá khứ, vị lai bỏ các những điều đó, phát lòng tin, dâng cúng dường các hoa quả, thức ăn và y áo cho các Tỳ-kheo sau đó mới ăn. Hoặc có thuyết nói: Con thường ăn hoa quả trong bốn phương, hoặc nói: Con đến chùa cúng dường chúng Tăng, hay lễ bái, ăn uống như vậy. Hay nói: Con ở trong pháp của Phật Tỳ Bà Thi đã từng làm người, nói: Con ở trong pháp của Thích-ca-mâuNi từng làm người, hay do gần gũi bậc lớn thưa hỏi nhân duyên, hay đến nghe pháp nhân duyên, lại trở về chùa có lòng tin cúng dường Tăng, cúng dường đủ thứ hoa quả thức ăn. Các vị Tỳ-kheo nhận rồi cho lại con, con liền ăn. Do nhân duyên này, trong địa ngục trải vô lượng kiếp ở lửa hung dữ hoặc đốt hoặc nấu, hoặc uống nước đồng sôi, hoặc nuốt hòn sắt nóng. Từ địa ngục ra lại sanh vào súc sanh, bỏ thân súc sanh lại làm ngạ quỷ, cứ như thế chịu đủ các khổ, nghiệp ác chưa hết sanh trong loài rồng thường khốn khổ. Đức Phật bảo loài rồng: Nghiệp ác này cùng với ăn trộm vật của Phật không khác, đối với năm tội nghịch thì tội các ngươi chỉ bằng một nữa. Hôm nay, các ngươi nên hết lòng thọ trì Tam quy, luôn tu tập việc lành, nhờ duyên này mà ở Hiền kiếp gặp Đức Phật sau cùng là Lâu-chí, ở đời Đức Phật đó tội các ngươi sẽ trừ diệt. Bấy giờ, loài rồng nghe như vậy rồi đều chí tâm trọn đời thọ trì Tam quy. Khi ấy, trong chúng rồng có rồng nữ mù trong miệng phù thủng mục nát đầy các loài trùng như phân dơ cho đến các chất xấu uế, như người nữ các căn bên trong không sạch tanh hôi khó nhìn, ăn uống các loại máu huyết chảy ra, tất cả cơ thể thường bị các loài trùng độc như ruồi, muỗi ăn nuốt, thân thể là nơi hôi dơ không thể thấy biết. Bấy giờ, Thế tôn với tâm từ bi thấy vợ con rồng mắt mù đau khổ như vậy, hỏi: Ngươi vì duyên gì mà bị thân xấu ác này? Ở trong đời quá khứ từng tạo nghiệp gì? Vợ rồng thưa: Bạch đức Thế tôn! Hôm nay, con thọ thân này chịu khổ dày vò chưa từng nghỉ, giả sử muốn nói cũng không nói được. Con nhớ đời quá khứ ba mươi sáu ức, trong trăm ngàn năm sanh vào loài rồng ác chịu những khổ này cho đến một tí trong ngày cũng không dừng. Vì con ở trong chín mươi mốt kiếp đời quá khứ thời Đức Phật Tỳ Bà Thi làm Tỳ-kheo ni trong pháp Phật, nghĩ về những ham muốn tội lỗi hơn cả người say. Tuy được xuất gia mà không như pháp, ở trong Già lam phạm pháp luật, thường bị ba đường ác, các lửa thiêu đốt, thưa như thế rồi, nguyện xin Ngài cứu thân con. Đối với việc này Thế tôn dạy: Thật đúng như vậy! Ngài lấy ít nước mặn bỏ vào miệng rồng, lửa và côn trùng, máu mủ trong miệng rồng đều sạch. Miệng rồng trong sạch liền bạch: Bạch Đại Thánh Như lai! Quá khứ, thời Đức Phật Ca Diếp con từng làm người ở chỗ cày ruộng, có một Tỳ-kheo đến xin con năm mươi tiền, con trả lời: Đồng ý, nhưng đợi lúc lúa chín sẽ cho thầy ăn. Tỳ-kheo bảo: Nếu năm mươi tiền không được thì xin mười đồng tiền. Lúc đó, con sân và nói với Tỳ-kheo: Mười đồng cũng không cho! Tỳ-kheo đó buồn rầu. Lại ở thời khác, con đến chùa, vào vườn cây, ăn trộm lấy mười quả Yêm la của Tăng hiện tiền để dùng riêng. Do nghiệp đó mà bị khổ trong địa ngục. Nghiệp ác chưa hết lại sanh làm rồng đói khát ở trong đầm hoang thường bị côn trùng rỉa ăn, máu mủ chảy ra, đói khát khổ cực, Tỳ-kheo kia vì sân giận tạo nghiệp ác nên chết liền sanh làm thân rồng nhỏ độc, ở dưới nách, hút máu con, nóng bức thân con khó thể chịu được. Vì thế, thân con nóng bức máu mủ tràn trề. Rồng thưa Đức Phật: Thế tôn đại từ bi, nguyện đem lòng thương cứu giúp thân con, khiến cho con thoát khỏi oan gia với rồng độc này. Bấy giờ, Thế tôn lấy tay múc nước, dạy: Ta xưa kia đã từng ở đời cơ cực, lúc đó nguyện làm chúng sanh thân lớn cao mập vô lượng, với năng lực này ở trong hư không nói như vầy: Các loài trùng thân lớn ở trong đầm hoang kia, gọi là không sân, các ngươi có thể đến đây lấy thịt thân này dùng làm thức ăn, có thể trừ được đói khát. Lúc đó, người và phi nhân trong đời đó nghe tiếng như vậy, tất cả đều tranh nhau đến lấy thịt đó ăn. Lời nói đó chân thật, đáng tin, nên con rồng nhỏ độc dưới nách đi ra. Bấy giờ, hai con rồng đều bạch Phật: Thưa Thế tôn! Chúng con còn bao lâu nữa mới thoát khỏi loài rồng? Đức Phật bảo rồng: Nghiệp này rất lớn, đến năm vô gián. Vì sao vậy? Nếu đối với vật bốn phương thường trú hay vật hiện tiền Tăng, đàn việt dốc hết lòng tin dâng cúng tài vật, vườn cây hoa quả, thức ăn uống, vật sinh sống, giường mềm, chăn gối, thuốc men trị bịnh, tất cả đồ cần dùng mà lại riêng dùng phung phí, hoặc đem ra ngoài, hoặc xin cho bạn bè, cư sĩ, tội báo này rất nặng ở địa ngục A tỳ. Thế nên, các ngươi phải thọ Tam quy, quy y Tam bảo rồi mới ở trong nước mát lạnh, như vậy là ba lần xưng, ba lần thọ thì thân liền an ổn như vào trong nước mát. Bấy giờ, Thế tôn nói kệ cho loài rồng:

Thà dùng dao bén tự cắt thân
Phân chia thân từng phần từng đoạn
Có được niềm tin cúng dường Phật
Tài vật người tục là nạn lớn.
Thà nuốt hòn sắc nóng đỏ rực
Khiến trong miệng phát ra ánh sáng
Nếu có thức ăn của chúng Tăng
Không nên lấy dùng của riêng mình.
Thà bị lửa lớn như Tu di
Dùng tay cầm lấy để mà ăn
Những người thế tục hay tại gia
Không lấy thức ăn cúng dường Tăng.
Thà dùng dao bén xẻo thịt mình
Thân thể màng da để mà ăn
Những người thế tục hay tại gia
Không nên nhận vật thực chúng Tăng.
Thà đeo thân mình ném nơi khác
Lửa cháy hừng hực ở trong đó
Những người thế tục hay tại gia
Không nên ngồi nằm giường chúng Tăng.
Thà đem dùi sắt lớn cháy đỏ
Tay nắm chặt lấy phòng cháy bỏng
Những người thế tục hay tại gia
Không lấy vật Tăng để dùng riêng.
Thà đem dao bén, chày đá lớn
Tự cắt giã thịt thành từng miếng
Đối với người xuất gia thanh tịnh
Chớ nên khởi tâm niệm giận dữ.
Thà lấy tay mình móc hai mắt
Ném quăng chúng xuống ở trên đất
Người nào tu tập các pháp lành
Không nên tỏ rõ tâm giận dữ.
Thà đem lá sắt nóng vào thân
Ngồi nằm rảo chạy khắp Đông Tây
Không nên có tâm sân ganh tỵ
Với Tăng thanh tịnh cúng dường y.
Thà uống nước tro, nước đất mặn
Nung nóng sôi miệng giống như lửa
Không nên mang lòng ác sân giận
Cúng tăng thanh tịnh áo, thuốc, cơm.

Bấy giờ, Thế tôn nói kệ xong, một vạn bốn ngàn chúng rồng đều thọ Tam quy, tất cả nghiệp báo quá khứ hay hiện tại, ngay trong khổ não mà được giải thoát, lại thâm tín Tam bảo, tâm không còn thối lui, lại có tám mươi ức chúng rồng cũng đều phát tâm quy y cung kính.

Kinh Đại Tập dạy: Nếu làm Tỳ-kheo đủ các vật dụng sinh sống, đều do lòng tin của đàn việt cúng dường, mà chúng sanh này tự mình ăn hoặc cho người khác, hoặc cùng người khác trộm cắp cất dấu vật nơi khác để riêng dùng, nếu làm như vậy sẽ đọa vào ba đường ác chịu khổ lâu dài. Lại có chúng sanh khốn khổ thấp hèn, không được tự do, nên xuất gia mong được giàu sang giải thoát an vui, khi xuất gia rồi lại biếng nhác giải đãi không đọc tụng kinh, thiền định trí tuệ thường bỏ bê không tu tập, ưa thích biết việc riêng của Tăng. Lại có Tỳ-kheo suốt ngày tinh tấn thích tu tập pháp lành, đọc tụng kinh điển, ngồi thiền, tu tuệ không bỏ qua dẫn một chốc lát. Do nhân duyên này mà được bốn chúng cúng dường đầy đủ. Khi người tri sự được lợi dưỡng rồi, hoặc tự ăn riêng, hoặc trộm lấy cho bà con thân quen. Do những duyên này bị đọa đường ác lâu dài, ra rồi lại vào, ngu si như vậy không biết quả báo tương lai nhẹ hay nặng. Hôm nay, Ta dạy các đệ tử Sa-môn nhớ pháp mà giữ gìn, không được tự kheo mình là Sa-môn. Người hành pháp chân thật dựa vào chúng Tăng để thọ nhận vật cúng dường của tín thí, như bánh, rau, quả, hoa, chỉ có chúng Tăng mới ăn vật này, không được đưa cho người thế tục, cũng không được nói đây là vật của ta, ăn biệt chúng; lại cũng không được lấy vật của Tăng mà cất chứa và dùng để đổi chát mà nói là có lợi ích, sẽ bị người đời chê cười. Lại cũng không được đưa tốt lấy xấu cùng với ngừơi đời tranh giành quyền lợi. Không được vì lý do ăn với Tăng, để chúng sanh phải đọa vào ba đường ác, cần phải khuyến khích, chỉ dạy pháp lành làm cho Tỳ-kheo có lòng tin chân thật với Tam bảo, giáo hóa chúng sanh và cha mẹ được an vui trong ba pháp giải thoát.

Kinh Thập Luận dạy: Nếu các tài vật sanh sống của Tăng bốn phương, thì những người trì giới hay phá giới đều không dùng nó. Vì nhân duyên này sau khi chết đọa vào địa ngục A tỳ.

Thứ 3: Duyên cẩn thận với tai họa

Kinh Cựu Tạp Thí Dụ dạy: Xưa có một nước đầy đủ năm thứ lúa, người dân an ổn, không bịnh tật, ngày đêm ca hát, người không lo buồn. Nhà vua hỏi các quần thần: Trẫm nghe trong thiên hạ có cái họa gì?

Quần thần tâu: Thần cũng không biết. Nhà vua bảo một vị thần đến nước lân cận tìm cầu nó. Vị thần liền hóa trang thành người buôn bán trong chợ, thấy có loài như con heo, khóa sắt cột trói đem đi bán.

Thần hỏi: Đây gọi là gì? Đáp: Là họa mẫu.

Thần hỏi: Có bán không?

Đáp: Bán.

Hỏi: Bao nhiêu tiền?

Đáp: Một ngàn vạn.

Hỏi: Chúng ăn gì?

Đáp: Ăn một thăng kim, đã mua chúng rồi, các thần bảo mọi nhà tìm kiếm kim. Như vậy dân chúng mọi nơi đều cùng nhau tìm kiếm kim, khiến các quận huyện rối loạn. Dân chúng ở các nơi bị họa độc không nhờ vào đâu. Thần tâu vua: Tuy được họa mẫu nhưng lại làm dân chúng loạn lạc, nam nữ mất việc làm, muốn giết chúng nó nhưng Bệ hạ có cho phép chăng?

Nhà vua bảo: Rất tốt!

Các thần liền đem ra thành giết, đâm mà không vào, đánh đập cũng không bị thương, chém vẫn không chết, chất củi đốt thân đỏ như lửa, liền bỏ chạy qua làng thì đốt làng, qua chợ thì đốt chợ, vào thành thì đốt thành, vào nước thì đốt nước, làm dân chúng rối loạn lo buồn, đói khát cơ cực. Tất cả đều do ngồi không mà nhàm chán an lạc lại mua họa về nên bị khổ. Dụ này như ham muốn nữ sắc bị đốt cháy, người nam tham độc đến chết cũng không biết khổ.

Thứ 4: Duyên cẩn thận về cảnh

Kinh Chánh pháp niệm xứ dạy: Bồ tát Khổng-tước bảo đại chúng: Nếu có Tỳ-kheo sợ ác tức là lìa các họa, nghĩa là không cùng đến chỗ người nữ cười giỡn. Không vào nơi hàng rượu không gần nơi bán rượu, không cùng nói chuyện, không gần người nếm rượu cũng không cùng nói chuyện, không gần giặc, không gần người trước đây làm ác, không gần người thích đấu tranh, không gần người che giấu lòng độc hại người, không gần người đã nhiều kiếp bỏ đạo, không gần người cười cợt , không gần người ca hát, không gần trẻ nhỏ, không gần người bị nữ sắc trói buộc, không gần người thô tháo, không gần người không giữ gìn miệng, không gần người tham, không gần người lừa dối buôn bán, không gần người gian xảo ở chợ xấu ác ở đời, không gần người đào sông hồ, không gần người nữ Huỳnh môn cùng đi trên đường, không gần người chăn voi, không gần người làm chả nem, không gần người điều phục ngựa, không gần người đoạn kiến, không gần người không có giới. Những người ác như vậy không nên gần gũi, nếu gần những người này chắc sẽ học theo họ. Thế nên, Tỳ-kheo phải sợ tiếng ác, không nên cùng họ làm việc bất thiện, cùng một chí hướng, nói kệ:

Nếu gần người bất thiện
Tức là người bất thiện
Nên cần phải lìa ác
Chớ làm việc xấu ác.
Gần gũi những người nào
Thì thường cùng thân cận
Gần cùng nhau làm việc
Hoặc thiện hoặc bất thiện.
Tất cả người cầu thiện
Sẽ gần với người thiện
Như vậy mới được vui
Thiện chẳng phải như khổ.
Gần thiện thêm công đức
Gần ác thêm lỗi lầm
Công đức và tướng ác.
Như nay nói tóm lược
Nếu gần với người thiện
Thì được nhiều tiếng khen
Nếu gần người bất thiện
Khiến người bị xem thường.
Thường nên gần bạn lành
Xa lìa người xấu ác
Do gần gũi người lành
Mới bỏ các nghiệp ác.

Kinh Tạp A hàm dạy: Bấy giờ, Thế tôn bảo các Tỳ-kheo, ví như cái chày gỗ đêm ngày thường dùng không nghỉ sẽ bị mòn. Tỳ-kheo cũng vậy, từ xưa đến nay không đóng cửa các căn, ăn không biết đủ, đầu đêm cuối đêm không siêng năng tỉnh thức tu tập pháp lành, nên biết các người ấy trọn đời bị giảm sút không tăng pháp lành như chày giã kia.

Kinh Tự ái, Đức Phật dạy: Người đời tâm thường độc hại, miệng nói lời ác, thân làm việc ác. Ba điều này phát ra ở thân miệng ý, mỗi khi nói tăng thêm ác cho chúng sanh. Chúng sanh trúng độc hại liền oán hận, phát thề muốn báo thù, hoặc ở hiện tại hoặc thân sau cùng, thần thức bay lên trời lại xuống báo thù họ. Trong loài người, súc sanh, quỷ thần ở núi Thái cùng nhau làm giặc, đều do đời trước, chẳng phải từ hư không sanh ra. Đức Phật nói kệ:

Tâm là tâm pháp
Tâm là đứng đầu
Trong tâm chẳng mê
Liền nói liền làm
Tự chuốc lấy khổ
Bánh xe theo trục
Tâm là gốc pháp
Đứng đầu sai khiến
Trong tâm nghĩ thiện
Liền nói liền làm
Nhận lấy phước lạc
Như bóng theo hình.

Kinh Cựu tạp thí dụ dạy: Xưa có con ba ba gặp trời hạn hán khô cạn, đầm hồ khô nước, trong hồ không có thức ăn. Khi ấy, có đàn chim ưng tụ họp bên hồ, ba ba cầu xin được cứu thoát, nên chim hạc ngậm ba ba bay qua các xóm làng, nó không im lặng được, hỏi: Đây là ở đâu? Hỏi mãi không ngừng, chim hạc liền trả lời, khi hả miệng ra thì ba ba rơi, gặp người bị mỗ ăn thịt. Người ngu không cẩn thận miệng lưỡi. Ví như kinh Pháp cú dụ dạy, Đức Phật bảo Bà-la-môn: Ở đời có bốn việc con người không thể làm, hành giả được phước không bị bần cùng này. Những gì là bốn? Một là khi trai tráng mạnh khỏe cẩn thận chớ kiêu mạn. Hai là tuổi già tinh tấn không tham dâm dục. Ba là có tài vật quý báu nhớ thường cúng dường. Bốn là tìm thầy học hỏi, lãnh thọ lời dạy chân chánh. Như vậy, người già, không làm bốn việc này tức là thường không tính toán thành bại, một mai mất đi. Ví như hạc già giữ mãi hồ không này tìm kiếm không có thức ăn. Bấy giơ, Thế tôn nói kệ:

Ngày đêm kiêu mạn
Già không ngừng dâm
Có của không thí
Không nghe lời Phật.
Bốn việc ngăn che
Tự lừa dối mình
Khổ thay già đến
Sắc biến thành già.
Lúc nhỏ vừa ý
Già thấy tàn tạ
Lại không giàu có
Già như chim hạc.
Tìm giữ hồ không
Đã không giữ giới
Không chứa tài vật
Già nua kiệt sức.
Nghĩ sao cho kịp
Già như lá thu
Ô uế giàn giụa
Mất mạng đã đến
Sau hối chẳng kịp.

Kinh Tạp bảo tạng dạy: Đức Phật kể, xưa có vua nước Ca thi tên là Ác thọ, việc làm thật phi pháp, gây khổ não cho dân chúng, đàn áp khách buôn bốn phương một cách vô đạo, các vật quý báu đều bị thâu thuế chiếm đoạt không trả lại đúng giá. Vì thế, các vật quý giá đều ở nhà kẻ giàu có. Mọi người đều nói nên tiếng ác đồn khắp. Bấy giờ, có chim Oanh vũ chúa ở trong rừng nghe người đi đường nói điều xấu ác của vua, liền nghĩ: Ta tuy là loài chim mà còn biết việc đó là sai, hôm nay, ta phải đến đó nói đạo lý thiện cho ông. Vua đó nếu nghe ta nói, chắc nghĩ: Chúa của loài chim mà còn biết nói thiện, sao vua là người mà bị người đời chê trách, thì nhà vua chắc chắn sẽ sửa đổi. Chim liền bay lên cao, đến trong vườn vua, bay lượn quanh rồi hạ xuống đậu trên cây, đúng lúc phu nhân của vua vào vườn dạo chơi, oanh vũ vỗ cánh hót: Hôm nay, vua hung ác thật không đạo đức, tàn hại vạn dân, độc ác cho đến chim thú đều kêu khóc, người ôm hận oán kết, tiếng than khóc đó vang khắp thiên hạ đều nghe, phu nhân cũng khắc nghiệt như vua không khác, cha mẹ muôn dân đâu đáng như vậy. Phu nhân nghe rồi, nổi cơn giận dữ, chim nhỏ nào mà dám lắm lời hủy nhục ta vậy, bèn sai người tìm bắt. Bấy giờ, chim oanh không kinh sợ, bay vào tay người bắt.

Phu nhân bắt được đem đến vua.

Vua hỏi chim oanh: Sao hủy nhục ta?

Chim oanh đáp: Vua nói sai rồi, tôi chỉ muốn đều được lợi, chứ không dám hủy nhục.

Khi ấy, vua hỏi: Có điều gì sai?

Chim đáp: Vua có bảy việc chẳng đúng pháp, có thể khiến vua mất mạng.

Vua hỏi: Những gì là bảy?

Chim oanh đáp: Một là đam mê nữ sắc không tôn kính chính nghĩa. Hai là say sưa rượu trà làm rối loạn, không đoái hoài việc nước. Ba là ham thích cờ bạc không tu tập lễ kính. Bốn là do dạo chơi mà giết hại vật, không có tâm từ. Năm là thích nói lời ác, mở miệng toàn điều ác. Sáu là thu thuế thường dùng hình phạt tăng gấp bội. Bảy là không dùng nghĩa lý mà chỉ đoạt lấy tài sản của dân. Bảy việc này có thể làm nguy hại thân vua. Lại có ba việc sụp đỗ nước nhà của vua.

Vua hỏi: Những gì là ba?

Đáp: Một là gần gũi người ác, dua nịnh sai lầm. Hai là không theo các bậc Hiền Thánh không chấp nhận lời nói thiện. Ba là ưa chinh chiến nước khác mà không chăm lo dân chúng. Nếu ba điều này không diệt trừ thì không sớm muộn đất nước sẽ sụp đỗ. Đã làm vua thì quân sĩ phải noi theo và kính ngưỡng. Vua phải như chiếc cầu để đưa muôn dân qua. Vua phải như cái cân thân sơ đều bình đẳng. Vua phải như con đường không trái vết chân của bậc thánh. Vua phải như mặt trời chiếu sáng ở thế gian. Vua phải như mặt trăng làm cho vạn vật tươi mát. Vua phải như ân cha mẹ nuôi dưỡng và thương yêu. Vua phải như bầu trời che khắp tất cả. Vua phải như mặt đất nuôi lớn vạn vật. Vua phải như lửa đốt cháy các hoạn nạn của muôn dân. Vua phải như nước thấm nhuần bốn phương, phải như Chuyển luân thánh vương ở quá khứ đã dùng mười điều thiện giáo hóa chúng sanh. Vua nghe rồi tự thấy hổ thẹn, nói thành thật với chim oanh: Ta là vua của muôn người, đã làm việc không đạo đức, xin thỉnh ngươi làm thầy dẫn đường, giáo hóa, ta xin lãnh thọ, sửa đổi làm việc chánh nghĩa. Bấy giờ, trong nước phong trào làm ác đã diệt trừ. Phu nhân, quan thần đều sanh tâm cung kính và trung thần, mọi người vui mừng. Chim oanh lúc ấy chính là Ta, vua Ác-thọ nước Ca thi là Phụ tướng, phu nhân của vua là vợ Phụ tướng.

Thứ 5: Duyên cẩn thận khi hoạt dụng

Luật Tăng kỳ dạy: Đức Phật bảo các Tỳ-kheo, đời quá khứ nước Ca thi, thành Ba la nại có Bà-la-môn ở nơi hoang vắng đào giếng để những người chăn trâu đến giếng uống nước và tắm rửa. Từ sáng đến tối có bầy chồn đến uống nước thừa trên đất, có con chồn chúa không uống nước trên đất, liền cúi đầu trong châu uống nước, uống xong đưa lên quá cao bị rơi xuống, nước trong miệng còn nước chảy ra ở cổ, bầy chồn nói với chồn chúa: Nếu còn đọng trên ngọn lá thì có thể dùng được, nên giữ gìn, huống nữa người làm chậu này có ích cho người đi đường. Vì sao đập bể? Chồn chúa nói: Ta làm chỉ để vì vui, biết gì mà nói chuyện người khác. Khi đó, có người đi đường nói với Bà-la-môn: Chậu nước của người đã bị bễ rồi, lại làm giống như trước, cũng bị con chồn phá vỡ mười bốn lần như vậy, các con chồn khác khuyên can nó nhiều lần nhưng không nghe lời. Khi ấy, Bà-la-môn nghĩ: Ai đã phá vỡ lọ này, ta nên đi tìm xem, thì gặp ngay con chồn này. Bà-la-môn nghĩ: Phước đức đào giếng của ta để lại nạn, nên làm lọ bằng gỗ chắc chắn khó bễ, khiến cái đầu vào dễ mà ra khó, đặt bên cạnh giếng. Sau đó cầm roi rình ở chỗ khuất, người đi đường uống xong, đến chồn chúa vẫn uống như mọi khi, uống xong vức bình trên đất nhưng không bị bễ. Khi ấy, Bà-la-môn cầm roi đáng chết chồn, trong hư không có vị trời nói kệ:

Trí thức nói tâm từ
Cứng cỏi không nghe khuyên
Người ngu chịu họa này
Bị tan thân mất mạng
Nên chồn chúa ngu si
Bị khổ bình gỗ đó.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo, con chồn chúa bấy giờ nay là Đề-bàđạt-đa, bầy chồn nay là các Tỳ-kheo khuyên can Đề-bà-đạt-đa, nên biết ở đời quá khứ đã không nghe lời thiện tri thức nên bị tan thân mất mạng nay lại không chịu nghe khuyên bảo của các Tỳ-kheo, do đó bị đọa vào đường ác, chịu khổ lâu dài. Tụng kệ:

Luôn nghĩ cẩn thận
Thân làm chân chánh
Miệng không hai lời
Tâm không khởi vọng
Ít muốn biết đủ
Quên hẳn bỉ thử
Cạnh tranh chiến đấu
Phạt buồn khuyên vui.

CHƯ KINH TẬP YẾU
(HẾT – QUYỂN 9 )