CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009
QUYỂN 39
10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ tám (tiếp theo) – Nói việc Phật nhập Niết-bàn và việc 500 vị kiết tập:
Lúc đó có một Bà-la-môn tên là Đột-lộ-noa ở trong hội chúng thấy mọi người vì muốn được chia phần xá lợi mà có thể quyết chiến với nhau, sợ có tổn thương và trái nghịch lời Phật dạy, nên ông cầm tràng phan dài giơ cao lên rồi nói với các lực sĩ thành Câu-thi-na: “xin các vị hãy tạm ngừng cho tôi được trình bày lợi hại. Tôi từng nghe đại Sa môn Kiều-đáp-ma rãi lòng từ đến khắp các hữu tình, ở trong vô lượng kiếp dõng mãnh tinh tấn chịu đựng các oán hại, chịu khổ lâu xa như thế mà vẫn tán thán hạnh nhẫn nhục nên nay mới thành Vô thượng giác, tâm hạnh bình đẳng như hư không, tế độ khắp tất cả. Vì chúng sanh hết phước nên Phật nhập Niết-bàn mới có bảy ngày mà đã hưng binh quyết chiến với nhau, thật là trái nghịch. Xin các vị chớ đánh nhau, tôi sẽ làm cho các vị được hoan hỉ, tôi sẽ chia đều Xá lợi Phật làm tám phần cho tám nước để các vị mang về xây tháp cúng dường. Bình vàng đựng xá lợi xin cho tôi được mang về xứ mình xây tháp cúng dường”, các lực sĩ thành Câu-thi-na nghe rồi liền nói: “nhân giả nói đúng, Thế tôn tu hạnh nhẫn, chúng ta không nên làm việc sát hại… Vậy nhân giả hãy thuận theo pháp mà chia đều xá lợi cho chúng tôi. Đây là việc làm tốt”. Lúc đó Bà-la-môn liền chia xá lợi làm tám phần cho tám nước như sau: phần thứ nhất trao cho các lực sĩ thành Câu-thi-na, phần thứ hai trao cho các lực sĩ ấp Ba ba, phần thứ ba trao cho ấp Giả la bác, phần thứ tư trao cho xứ A-la-ma, phần thứ năm trao cho các Thích tử thành Kiếp-tỷ-la, phần thứ bảy trao cho các Lật cô tỳ thành Phệ xá ly, phần thứ tám trao cho đại thần Hành vũ nước Ma-kiệt-đà. Sau khi được chia xá lợi xong, ai nầy đều mang về nước mình xây tháp cúng dường; Bàla-môn Đột-lộ-noa mang bình vàng đựng xá lợi về xứ mình xấy tháp cúng dường. Lúc đó trong đại chúng có Ma-nạp-bà tến Tất bát la nói với mọi người: “xứ tôi không được chia phần xá lợi, xin cho tôi mang tro tàn của Phật về xứ Tất bát la xây tháp cúng dường”. Lúc đó tại châu Thiệm bộ có tất cả tám tháp thờ xá lợi Phật, tháp thứ chín thờ bình đựng xá lợi, tháp thứ mười thờ tro. Xá lợi Phật gồm có một thạc sáu đấu được chia ra làm tám phần, bảy phần thờ tại châu Thiệm bộ, một phần của xứ A la ma đem thờ ở trong cung của Hải long vương. Lại có bốn răng xá lợi Phật: một cái thờ ở trên cung trời vua Đế thích, một cái thờ ở nước Kiện-đà-la, một cái thờ ở nước Yết-lăng-già và một cái thờ ở trong cung của Hải long vương xứ A la ma. Về sau này, vua Vô ưu của ấp Ba tra ly, khai quật bảy tháp lấy xá lợi ra rồi cho xây lại thành tám vạn bốn ngàn tháp để cúng dường khắp trong châu Thiệm bộ. Do oai đức của tháp làm trang nghiêm thế gian nên trời người… thảy đều cung kính tôn trọng cúng dường, làm cho chánh pháp được quang hiển, không bị mau diệt, ai có mong cầu gì cũng được toại ý.
Việc năm trăm A-la-hán kiết tập pháp tạng:
Thích ca Như lai sanh trưởng trong dòng họ Thích ca, thành Đảng chánh giác tại nước Ma-kiệt-đà, chuyển diệu pháp luân tại thành Bàla-nê-tư, nhập Niết-bàn tại trú xứ lực sĩ thành Câu-thi-na. Trước đó tôn giả Xá-lợi-phất cùng tám vạn Bí-sô đã đồng nhập Niết-bàn, tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng bảy vạn Bí-sô cũng đồng nhập Niết-bàn; khi Thế tôn nhập Niết-bàn cũng có một vạn tám ngàn Bí-sô đồng nhập Niết-bàn. Chư thiên cõi trời Trường thọ thấy việc này rồi liền chê trách: “kinh luật luật pháp tạng chơn chánh mà Phật đã nói ra chưa được kiết tập, lẽ nào lại để cho chánh giáo thành tro tàn hay sao?”. Lúc đó tôn giả Đại Ca-diếp biết ý của chư thiên nên bảo các Bí-sô: “các thầy nên biết trước đó tôn giả Xá-lợi-phất cùng tám vạn Bí-sô đã đồng nhập Niếtbàn, tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng bảy vạn Bí-sô cũng đồng nhập Niết-bàn; nay Thế tôn nhập Niết-bàn cũng có một vạn tám ngàn Bí-sô đồng nhập Niết-bàn. Chư thiên cõi trời Trường thọ thấy việc này rồi liền chê trách: “kinh luật luật pháp tạng chơn chánh mà Phật đã nói ra chưa được kiết tập, lẽ nào lại để cho chánh giáo thành tro tàn hay sao?”. Vì vậy chúng ta nên thông báo cho Bí-sô các phương đến nhóm để cùng kiết tập pháp tạng, đây là đại sự”, đại chúng đồng thanh đáp là nên làm, tôn giả Đại Ca-diếp hỏi trong đại chúng: “trong đây ai nhỏ nhất?”, đáp là cụ thọ Viên mãn, tôn giả bảo Viên mãn: “thầy nên đánh kiền chùy kêu gọi Tăng già nhóm họp”, Viên mãn nghe rồi liền đến nơi yên tĩnh nhập Tứ thiền rồi theo định lực của mình, hệ niệm quán sát, quán sát xong xuất định đánh kiền chùy. Lúc đó có vị đại A-la-hán từ các phương đến vân tập và ngồi vào chỗ ngồi, tôn giả Đại Ca-diếp nói: “Bísô tăng già đã đến nhóm họp đủ hết chưa, hãy xem xét kỹ còn ai chưa đến?”, các Bí-sô nhìn xem khắp trong chúng rồi nói: “Bí-sô các phương đều đã đến nhóm, chỉ thiếu có cụ thọ Ngưu chủ”. Lúc đó Bí-sô Ngưu chủ đang ở yên tĩnh trong cung Thi lợi sa, tôn giả Đại Ca-diếp bảo Viên mãn: “thầy hãy đến chỗ ỡ của cụ thọ Ngưu chủ nói với vị ấy rằng: Bí-sô tăng già với tôn giả Đại Ca-diếp là thượng thủ có lời thăm hỏi sức khỏe của tôn giả, nay Tăng già có việc, thầy hãy mau đến”, Viên Mãn nghe rồi liền nhập định, nương theo định lực ẩn mất tại thành Câu-thi-na và hiện ra ở trước Bí-sô Ngưu chủ trong cung Thi lợi sa, Viên mãn đảnh lễ rồi đem lời của tôn giả Đại Ca-diếp nói lại cho tôn giả Ngưu chủ nghe, tôn giả tuy đã thoát ly các dục nhưng tập khí luyến ái vẫn còn nên hỏi Viên mãn: “thiện lai cụ thọ, có phải Như lai đại sư hóa duyên ở thế giới khác hay là Tăng già xảy ra tranh chấp; hay là pháp luân vô thượng mà Như lai đã chuyển lại bị các ngoại đạo phỉ báng; hay là ngoại đạo kết bè đảng làm trở ngại cho các đệ tử Thanh văn của Như lai; hay là các đệ tử của Như lai do phiền não sanh khởi nên khinh rẽ lẫn nhau; hay là có Sa môn, Bà-la-môn trái nghịch lời Phật dạy; hay là có kẻ ngu si phá tăng; hay là có kẻ ác kiến đem pháp tương tợ với văn cú đã có làm hoặc loạn chánh pháp của Như lai; hay là có nhiều đồng phạm hạnh bỏ thắng nghiệp tụng kinh thiền quán mà ưa thích bàn luận việc thế tục vô ích; hay là có tâm nghi hoặc do dự hai dường, phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp, phi Tỳ ni nói là Tỳ ni, Tỳ ni nói là phi Tỳ ni; hay là có Bísô bị tâm xan tham cấu uế nhiễu loạn nên bỏ sáu pháp hòa kính, thấy có khách và đồng phạm hạnh đến lại không quý mến nhau; hay là có Bí-sô tánh ác làm cho các trưởng giả, Bà-la-môn tín tâm quay lưng với chánh pháp mà theo về với ngoại đạo; hay là có Bí-sô tà mạng làm các việc như cày ruộng, mua bán, dua nịnh vua quan, xem tướng họa phước, ra sức tích chứa tài vật bất tịnh; hay là có Bí-sô đối với chánh hạnh đầu đà, thọ ngọa cụ xấu liền sanh tâm khinh chê, thật không phải là Sa môn mà tự xưng là Sa môn, não loạn các đồng phạm hạnh?. Nhưng mà thầy Viên mãn từ xa đến đây, đáng lẽ nên nói Thế tôn an ổn vô sự, sao lại nói là Tăng già với tôn giả Đại Ca-diếp là thương thủ?. Há không phải Thế tôn đã xả hàm thức vĩnh viễn nhập Niết-bàn vô dư; hay là thế gian đã mất đi vị thuyền sư nên sanh kinh sợ; hay là Thập lực vô úy đã bị Vô thường nuốt mất; hay là đấng có thể làm cho các hữu tình thức tĩnh được lợi ích đã ngủ mãi không thức dậy nữa; hay là mặt trời Phật đã lặn; hay là mặt trăng Như lai tròn sáng đã bị A-tu-la che mất; hay là đại thọ Thắng như ý tối tôn đại sư ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, được trang nghiêm bằng hoa Bồ đề phần, trái là bốn quả Thanh văn với hương thơm khả ái đã bị voi điên Vô thường xô ngã; hay là đèn trí huệ Như lai đã bị gió vô minh thổi tắt rồi phải không?”, cụ thọ Viên mãn nói kệ đáp:
“Chúng Thanh văn đã nhóm,
Trí huệ đều sáng suốt,
Muốn chánh pháp trụ lậu,
Chỉ còn chờ tôn giả.
Thuyền Phật pháp đã chìm,
Núi trí huệ cũng sụp,
Chúng thù thắng của Phật,
Đều muốn về viên tịch,
Thầy hãy mau đến gặp,
Cùng kiết tập pháp tạng,
Việc này rất trọng đại,
Tăng sai con đến báo”.
Tôn giả Ngưu chủ bảo Viên mãn đừng nói nữa rồi nói kệ:
“Đèn sáng vô thượng còn ở đời,
Tôi sẽ đến đảnh lễ tôn nhan,
Nay Phật hết duyên nhập Niết-bàn,
Có người trí nào lại đến đó,
Thầy hãy mang y bát của tôi,
Đưa cho đại chúng Ứng cúng ấy,
Tôi vào viên tịch không tái sanh,
Xin Thánh chúng từ bi tha thứ”.
Nói kệ xong, tôn giả liền vọt lên không trung hiện mười tám thần biến, phóng ra các ánh sáng và hóa ra lửa để tự thiêu thân mà diệt độ, từ thân tôn giả chảy ra bốn dòng nước. Dòng nước thứ nhất nói kệ:
“Chúng sanh chúng ta đã hết phước,
Nên nay bỗng nhiên bị bỏ rơi,
Mặt trời trí huệ Phật đã lặn,
Tất cả quần mê không ai cứu”.
Dòng nước thứ hai nói kệ:
“Các hành bị diệt từng sát na,
Từ sanh đến diệt đều khổ não,
Chỉ do phàm phu chấp hư vọng,
Người cho người nhận đều là không”.
Dòng nước thứ ba nói kệ:
“Người trí tâm thường không phóng dật,
Siêng tu thiện pháp mau thành tựu,
Tuổi trẻ tươi đẹp cũng sẽ chết,
Bị quỷ Vô thường nuốt tất cả”.
Dòng nước thứ tư nói kệ:
“Tôi xin đảnh lễ đệ tử Phật,
Việc cần nên làm được thành tựu,
Tôi kính thuận Phật vào viên tịch,
Như bò chúa đi, bò nghé theo”.
Lúc đó Bí-sô Viên mãn cúng dường di thân của tôn giả Ngưu chủ xong liền mang y bát của vị ấy, nhập định ẩn mất ở trong cung Thi lợi sa, hiện thân trở lại trong thành Câu-thi-na ở trước đại chúng Bí-sô. Viên mãn đảnh lễ Tăng rồi để y bát của tôn giả Ngưu chủ ở trước mặt Thượng tòa rồi nói kệ:
“Tôn giả nghe Phật đã viên tịch,
Tất cả phước nghiệp đều đi theo,
Đây là y bát con mang về,
Tôn giả xin Tăng già tha thứ”.
Tôn giả Đại Ca-diếp bảo các Bí-sô: “các vị đồng phạm hạnh lắng nghe kệ:
Vị ấy theo Phật nên nhập diệt,
Nhiều Ứng cúng khác đã Niết-bàn,
Nay Tăng nên đồng tâm hòa hợp,
Khắp vì trời người mà kiết tập.
Các vị hãy kiến cố chí nguyện.
Chớ có nhập Niết-bàn:
Các vị chớ bắt chước Ngưu chủ,
Viên tịch trong cung Thi lợi sa,
Chớ nên vội vã nhập Niết-bàn,
Hãy làm lợi ích cho quần sanh”.
Lúc đó tôn giả Đại Ca-diếp cùng năm trăm Bí-sô lập chế: “các thầy lắng nghe, mặt trời Phật đã lặn, sợ pháp cũng mất theo nên muốn cùng các thầy tập họp lại kết tập pháp tạng. Mới táng đại sư xong, mọi người đều đau buồn, nếu kết tập tại đây thì Tăng bốn phương tụ đến sẽ làm ồn náo quấy nhiễu, tâm không an thì việc khó thành. Thế tôn đã thành Đẳng chánh giác dưới gốc cây Bồ đề tại nước Ma-kiệt-đà, nay pháp thân đã mất, chúng ta nên đến nơi đó để kết tập”, đại chúng đều nhất trí đến đó kết tập, tôn giả Đại Ca-diếp nói: “vua Vị sanh oán con của vua Thắng thân nước Ma-kiệt-đà, vừa phát tín tâm có thể cúng dường tứ sự đầy đủ cho chúng tăng yên tâm kết tập”. Lúc đó trong đại chúng có người nói: “tất cả chúng ta đều đã chứng A-la-hán, chỉ riêng có cụ thọ A-nan là còn ở vị Hữu học. Khi Phật còn tại thế, thầy ấy đã làm thị giả cho Phật và đã thọ trì hết pháp tạng của Phật, nhưng quả vị chưa viên mãn thì phải làm sao”, Tôn giả Đại Ca-diếp nói: “nếu vậy hãy tác pháp tuyển chọn vì sợ các Hữu học khác sanh tâm bất nhẫn, nên làm phương tiện sai A-nan làm người rót đưa nước, còn các vị khác đều ra ngoài”, đại chúng tán đồng, tôn giả Đại Ca-diếp hỏi A-nan: “thầy có thể làm người rót đưa nước cho đại chúng không?”, đáp là được, tôn giả Đại Ca-diếp liền bạch nhị yết ma sai như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, cụ thọ A-nan đã làm thị giả cho Phật và đã thọ trì hết pháp tạng. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai cụ thọ A-nan làm người rót đưa nước cho Tăng. Bạch như vậy.
Đại đức tăng lắng nghe, cụ thọ A-nan đã làm thị giả cho Phật và đã thọ trì hết pháp tạng. Tăng nay sai làm người rót đưa nước cho Tăng, nếu cụ thọ nào chấp thuận cụ thọ A-nan làm người rót đưa nước cho Tăng thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng sai cụ thọ A-nan làm người rót đưa nước cho Tăng xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.
Tôn giả lại bảo A-nan: “thầy hãy cùng đại chúng du hành trong nhân gian dần dần đến nuớc Ma-kiệt-đà, còn tôi thì đi thẳng đến đó trước”, nói rồi tôn giả đi đến nước đó trước. Vua Vị sanh oán đối với Phật tin sâu nên khi đang cỡi voi lớn mà thấy Phật từ xa liền nhảy ngay xuống đất, nhờ oai thần của Phật nên vua không bị thương tổn. Lúc đó vua thấy tôn giả Đại Ca-diếp liền nhớ tới Phật nên vội nhảy từ lưng voi xuống, tôn giả dùng thần lực đỡ vua rồi nói: “đại vương nên biết, Như lai đại sư tâm thường chánh định, còn các đệ tử Thanh văn thì không được như vậy. Nếu không nhiệp niệm quán sát thì không thể biết được việc trước mắt, vì thế từ nay tôi cùng vua lập chế: nếu vua đang cỡi voi hay ngựa mà thấy đệ tử Thanh văn của Như lai thì không nên vội nhảy xuống đất, vua nên bảo trọng thân thể”, vua nói: “xin vâng theo lời tôn giả, nhưng khi Phật còn tại thế thì con đích thân cúng dường, nay Phật đã Niết-bàn thì con bày tỏ lòng cung kính nơi đâu, tôn giả chính là nơi để con tôn kính Thế tôn, vì sao, vì giáo pháp Như lai đều ủy thác cho tôn giả”, nói rồi vua bảo đại thần cúng dường tứ sự cho tôn giả chớ để thiếu thốn, tôn giả nói: “đại vương nên biết, Phật chứng đại Bồ đề, thành tựu pháp thân tại nước này, nên tôi và chúng tăng muốn ngay tại nước của vua kết tập pháp tạng, dựng ngọn cờ chánh pháp, chúng tăng đang trên đường đến đây”, vua nói: “lành thay, con xin cúng dường tứ sự cho Thánh chúng đầy đủ”. Sau đó các Thánh chúng đều đến thành Vương xá, vua nghe tin liền ra lịnh đại thần thông báo dân chúng quét dọn sạch sẽ đường sá, vua cùng phi hậu, Thái tử, đại thần mang hương hoa, phướn lọng với các kỹ nhạc ra thành nghinh đón Thánh chúng. Sau khi vào thành, vua liền ở trước Thượng tòa cung kính chắp tay bạch rằng: “kính bạch tôn giả Đại Ca-diếp, hôm nay Thánh chúng đến đây làm lợi ích cho chúng sanh, con xin cúng dường tứ sự đầy đủ, nhưng con không biết nên ở đâu kết tập pháp tạng?”, tôn giả Đại Ca-diếp nói: “nếu kết tập tại Trúc lâm trong thành này thì sợ Tăng bốn phương tụ đến làm ồn náo khiến bị gián đoạn; nếu kết tập trên núi Thứu thì cũng không yên tĩnh, nếu kết tập ở trong hang Tất bát la thì được nhưng lại không có ngọa cụ”, vua nói: “nếu tôn giả quyết định chọn chỗ ấy để kết tập thì con xin cúng dường đầy đủ ngọa cụ và các vật cần dùng”, tôn giả nói với đại chúng: “vua đã phát tâm cúng dường đầy đủ ngọa cụ và các vật cần dùng cho các Thánh chúng ở trong hang Tất bát la kết tập pháp tạng, vậy chúng ta hãy đi đến đó”, lúc đó vua nói với tôn giả Đại Cadiếp: “khi Thế tôn nhập Niết-bàn, con không được báo trước, con thỉnh tôn giả hãy trụ lâu ở thế gian, khi nào sắp viên tịch xin hãy báo cho con biết trước”, tôn giả im lặng nhận lời và suy nghĩ: “trong tiền an cư nên sửa sang phòng xá rồi hậu an cư kết tập”. Khi đến trong hang Tất bát la, tôn giả quán tâm của cụ thọ A-nan rồi hỏi cụ thọ A-ni-lư-đà: “trong đại chúng, thầy là người được Thế tôn tán thán, vậy thầy hãy quán xem trong chúng này ai còn ở vị hữu học, còn tham sân si với đủ ái thủ, việc nên làm chưa làm xong?”, cụ thọ liền nhập định thứ tư quán trong đại chúng, quán thấy chỉ có A-nan còn ở vị Hữu học, cọn bị phiền não trói buộc, việc nên làm chưa làm xong liền bạch cho tôn giả Đại Ca-diếp biết điều mà mình quán thấy. Tôn giả liền quán đối với A-nan nên an ủi hiểu dụ để điều phục hay là nên quở trách để điều phục, liền quán biết nên quở trách mới được điều phục, tôn giả liền ở trong đại chúng lớn tiếng bảo A-nan: “thầy hãy ra ngoài, thầy không thể cùng kết tập với đại chúng thù thắng này được”, A-nan nghe lời này rồi như bị tên bắn vào tim, toàn thân run rẩy và sợ hãi liền nói với tôn giả Đại Cadiếp: “xin hãy dung thứ cho tôi, tôi không phá giới, phá kiến, phá oai nghi, phá chánh mạng, ở trong Tăng cũng không có trái phạm, vì sao thầy bỗng đuổi tôi ra ngoài?”, tôn giả nói: “thầy làm thị giả cho Phật thì làm sao phá giới phá kiến…, việc ấy đâu có hi hữu, nhưng nói ở trong Tăng không có trái phạm thì thầy hãy đem thẻ ra đây, tôi sẽ nêu lỗi của thầy cho thầy tự biết”. Cụ thọ A-nan liền đứng dậy đi lấy thẻ, lúc đó ba ngàn đại thiên thế giới liền chấn động ba cách: nhẹ vừa và mạnh; chư thiên trên không trung nói với nhau: “than ôi, tôn giả Đại Ca-diếp có thể nói ra lời chân thật như thế, vì cụ thọ A-nan thân gần hầu hạ Phật nen mới nói lời khe khắt như thế để quở trách nhau”. Lúc đó tôn giả Đại Ca-diếp nói với A-nan: “thầy nói ở trong Tăng không có trái phạm, nhưng làm sao lại không có trái phạm được chứ. Thầy biết Thế tôn không chấp thuận cho người nữ có tánh kiêu mạn xuất gia, như Phật nói: “này A-nan, thầy đừng xin cho người nữ xuất gia thọ Cận viên, vì sao, vì người nữ xuất gia trong giáo pháp của ta thì chánh pháp sẽ không trụ lâu, như ruộng lúa tốt bị sương muối, mưa đá thì sẽ bị hư hoại. Cũng vậy nếu cho người nữ xuất gia thì chánh pháp không trụ lâu”. Vậy mà thầy lại cố nài cho người nữ xuất gia, đó chảng phải là lỗi hay sao?”, A-nan nói: “xin hãy dung thứ cho tôi, tôi không có ý khác khi xin chó người nữ xuất gia, chỉ vì Đại thế chủ là di mẫu của Phật, khi sanh Phật ra được bảy ngày thì Thánh mẫu Ma da qua đời, di mẫu dưỡng dục bú mớm Phật cho đến trưởng thành, có ân sâu như vậy làm sao không báo đáp. Lại nữa chư Phật quá khứ đều có bốn chúng nên tôi muốn Thế tôn cũng giống như thế, một là báo ân sâu của di mẫu, hai là nghĩ đến tình thân tộc nên mới xin Phật cho người nữ xuất gia”, tôn giả nói: “này Anan, việc ấy không phải là báo ân mà chính là làm hoại chánh pháp thân, là ở trên ruộng Phật cho sương muối, mưa đá rơi xuống. Đáng lẽ chánh pháp trụ thế đủ một ngàn năm, do thầy nên bị giảm ít lại. Lại nữa, thầy nói nghĩ đến tình thân tộc cũng là phi lý, vì người xuất gia vĩnh viễn từ bỏ ân ái. y lại nói chư Phật quá khứ đều có bốn chúng muốn Thế tôn cũng đồng như vậy, nhưng thời xưa con người sống thiểu dục, tham sân si phiền não đều cạn mỏng nên mới được xuất gia; người thời nay thì không như thế nên Thế tôn mới không chấp thuận, vầy mà thầy cứ cố nài cho Phật chấp thuận. Đây là lỗi thứ nhất, thầy hãy bỏ xuống một thẻ. Lại nữa, khi Phật nói nếu người nào tu tập nhiều về bốn thần túc thì muốn trụ thế một kiếp hay hơn một kiếp đều được tự tại, tại sao thầy lại không vì chúng sanh mà thỉnh Phật trụ thế một kiếp?”, A-nan nói: “tôi thật không có ý khác, chỉ vì lúc đó tôi bị ma che chướng”, tôn giả nói: “đây là lỗi lớn, làm sao tha thứ được. Thầy thân gần hầu hạ Thế tôn, tập khí trần lao đều hết sao lại để cho ma che chướng. Đây là lỗi thứ hai, thầy hãy bỏ xuống một thẻ nữa. Lại nữa, khi Thế tôn còn tại thế nói mật dụ, thầy lại ở trước Phật nói rõ việc ấy ra. Đây là lỗi thứ ba, thầy hãy bỏ xuống một thẻ nữa. Lại nữa, khi Thế tôn đưa y màu hoàng kim cho thầy giặt, thầy đã dùng chân đạp lên y để vắt, há không phải là lỗi hay sao?”, A-nan nói: “vì lúc đó không có ai khác nên tôi phải dùng chân đạp y để vắt, thật không có ý khinh mạn”, Tôn giả nói: “nếu không có người sao thầy không ném lên hư không để chư thiên giúp thầy. Đây là lỗi thứ tư, thầy hãy bỏ xuống một thẻ nữa. Lại nữa, khi Thế tôn sắp đến Song lâm nhập Niết-bàn, khát nước bảo thầy đi lấy nước, thầy đã lấy nước đục dâng, há không phải là lỗi hay sao?”, A-nan nói: “khi tôi đến sông Cầu đà lấy nước thì có năm trăm chiếc xe chạy qua làm cho nước sông đục, không thể có được nước trong không phải là lỗi của tôi”, tôn giả nói: “sao lúc đó thầy không đưa bát lên hư không để chư thiên rót nước tám công đức vào bát. Đây là lỗi thứ năm, thầy hãy bỏ xuống một thẻ nữa. Lại nữa, như Phật đã dạy các Bí-sô mỗi nửa tháng thuyết kinh Biệt giải thoát, trong đó có những giới nhỏ thuộc tiểu tùy, khi sắp nhập Niết-bàn, Phật muốn bỏ để các Bí-sô được an lạc trụ, tại sao thầy lại không hỏi Phật trong đó giới nào là giới nhỏ thuộc tiểu tùy, nay Phật không còn để hỏi, biết làm sao đây. Nay nếu thuyết bốn pháp Ba la thị ca, mười ba pháp Tăng già bà thi sa, hai pháp Bất định, ba mươi pháp Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, chín mươi pháp Ba-dật-đề, bốn pháp Ba la đề đề xá ni và các pháp chúng học thì các giới khác là giới nhỏ thuộc tiểu tùy. Nếu thuyết từ pháp Tha thắng đến bốn pháp Đối thuyết thì các giới khác là giới nhỏ thuộc tiểu tùy. Nếu thuyết từ bốn pháp Tha thắng đến chín mươi pháp Đọa thì các giới khác là giới nhỏ thuộc tiểu tùy. Nếu thuyết từ bốn pháp Tha thắng đến ba mươi pháp Xả đọa thì các giới khác là giới nhỏ thuộc tiểu tùy. Nếu thuyết từ bốn pháp Tha thắng đến mười ba pháp Tăng tàn thì các giới khác là giới nhỏ thuộc tiểu tùy. Nếu thuyết từ bốn pháp Tha thắng đến hai pháp bất định thì các giới khác là giới nhỏ thuộc tiểu tùy. Nếu chỉ thuyết bốn pháp Tha thắng thì các giới khác là giới nhỏ thuộc tiểu tùy, cho nên các Bí-sô không biết giới nào là giới nhỏ thuộc tiểu tùy. Nếu ngoại đạo nghe biết sẽ được dịp phỉ báng nói rằng: “Sa môn Kiều-đáp-ma chế định nghiêm ngặt, khi còn sống thì các đệ tử Thanh văn hành trì hết tất cả, nhưng sau khi qua đời thì giáo pháp ấy cũng diệt theo. Đối với những giới đã chế, ai thích thì giữ, ai không thích thì bỏ, phần đông là không phụng hạnh theo. Tại sao thầy lại không vì chúng sanh đời sau mà thưa hỏi Thế tôn, thầy đáng tội truy hối”, A-nan nói: “tôi không có ý khác, chỉ là vì lúc đó sắp biệt ly Như lai nên tôi rất buồn khổ”, tôn giả nói: “dù vậy thầy vẫn có lỗi, thầy thân cận Phật đã lâu, tại sao lại không biết các hành là vô thường để đến nỗi buồn khổ như thế. Đây là lỗi thứ sáu, thầy hãy bỏ xuống một thẻ nữa. Lại nữa, sau khi Phật đã nhập diệt, thầy lại ở trong chúng thế tục, ở trước các người nữ hiện bày tướng âm tàng của Phật”, A-nan nói: “tôi không có ý khác, chỉ vì người nữ dục nhiễm hừng thạnh, phiền não trói buộc nếu thấy được âm tàng của Phật thì dục nhiễm liền dứt”, tôn giả nói: “thầy không có tuệ nhãn và tha tâm thì làm sao biết được các người nữ sau khi thấy âm tàng của Phật thì sẽ dứt dục nhiễm. Đây là lỗi thứ bảy, thầy hãy bỏ xuống một thẻ nữa. Lại nữa, thầy còn hiện bày thân kim sắc của Phật cho các người nữ thấy, họ nhìn thấy rồi khóc lóc, nước mắt của họ làm ướt bẩn tôn nghi của Phật”, A-nan nói: “chỉ vì lúc đó tôi cho là chúng sanh nào thấy được thân kim sắc của Phật thì sẽ phát nguyện được thân tướng như Phật”, tôn giả nói: “thầy không có tuệ nhãn và tha tâm thì làm sao biết được chúng sanh sẽ phát nguyện như vậy. Đây là lỗi thứ tám, thầy hãy bỏ xuống một thẻ nữa. Lại nữa, thầy chưa ly dục mà ở trong chúng đã ly dục thì không được, thầy hãy đi ra, Thánh chúng thù thắng không thể kết tập pháp tạng cùng với thầy được”. Sau khi bị kết tám tội Ác tác, cụ thọ A-nan nhìn khắp trong chúng rồi buồn khổ than thở: “khổ thay, sao ta lại đến nông nỗi này, mới lìa xa Thế tôn thì đã không còn nơi nương tựa, không còn ai giúp đỡ, ta biết nói với ai đây”, lúc đó chư thiên trên không trung đều tán thán tôn giả Đại Ca-diếp, nói với nhau rằng: “các đại tiên nên biết, thiên chúng tăng thạnh, A-tu-la suy giảm, chánh pháp của Thế tôn sẽ trụ lâu vì đạo lực của đại tv này gần bằng Phật nên mới có thể đem tám việc kia ra kết tội A-nan. Đức độ của đại Thanh văn ấy chỉ dưới Phật nên tôi biết Phật pháp sẽ bất diệt”, lúc đó cụ thọ A-nan nói với tôn giả Đại Ca-diếp: “Đại đức hoan hỉ dung thứ, tôi sẽ như pháp sám tám tội ấy không dám tái phạm. Khi Phật sắp nhập Niết-bàn có dạy tôi rằng: “thầy chớ có buồn khổ, sau khi ta nhập diệt, thầy nên nương theo Đại Ca-diếp tu tập. Nay tôi phạm chút lỗi, lẽ nào thầy lại không dung nạp, xin thầy hãy vâng theo lời dạy của Như lai”, tôn giả nói: “thầy chớ buồn khổ, thiện pháp do nơi thầy mà được tăng trưởng không bị hoại diệt, nhưng Thánh chúng không thể kết tập pháp tạng cùng với thầy được, thầy hãy rời khỏi nơi đây”, tôn giả A-ni-lư-đà nói: “nếu không có cụ thọ A-nan thì chúng ta làm sao kết tập pháp tạng?, tôn giả Đại Ca-diếp nói: “tuy cụ thọ A-nan có đủ các đức nhưng chưa thoát ly dục nhiễm sân si, còn ở vị Hữu học, việc nên làm chưa làm xong nên không thể cùng kết tập pháp tạng”, tôn giả lại bảo A-nan: “thầy hãy mau ra ngoài và hãy nổ lực làm xong việc cần nên làm, khi nào chứng được quả A-la-hán rồi, lúc ấy Thánh chúng sẽ cùng thầy kết tập pháp tạng”. Lúc đó A-nan trong lòng buồn khổ vì vừa xa lìa Như lai lại bị kết tội đuổi ra nên càng thêm áo não, đi đến trong tụ lạc Tăng thắng kết hạ an cư và thuyết giàng diệu pháp cho bốn chúng, chọn một đồng tử trong hạ an cư làm thị giả. Đồng tử này suy nghĩ: “Ô-ba-đà-da của ta là bậc hữu học ly dục hay là bậc vô học ly dục, ta nên nhập định tương ưng để quán sát”, nghĩ rồi liền nhập định quán sát và quán biết A-nan là bậc hữu học ly dục, đồng tử xuất định rồi đến chỗ A-nan, đứng một bên nói kệ:
“Nên ngồi yên tịnh dưới gốc cây,
Nhất tâm chánh niệm Niết-bàn cung,
Cẩn thận chuyên tu tập thiền quán,
Không bao lâu nữa được viên tịch”.
A-nan nghe đồng tử nói yếu nghĩa rồi liền chuyên tâm thiền quán đào luyẹn tâm ngay cả lúc đi hay ngồi. Lúc đó vào đầu đêm, A-nan dù đi hay ngồi đều nhất tâm trừ các chướng pháp; giữa đêm rửa chân vào phòng nằm nghỉ, vừa nằm nghiêng bên phải, hai gót chân chồng lên nhau, khởi tưởng ánh quang minh, tác ý thức dậy, đầu chưa chạm gối liền trừ hết các lậu tâm, được tâm giải thoát, chứng quả A-la-hán thọ giải thoát lạc. Tôn giả A-nan liền đi đến chỗ Thánh chúng kết tập ở thành Vương xá, Thánh chúng sau khi biết A-nan đã chứng quả đều tán thán là bậc đại trượng phu. Lúc đó tôn giả Đại Ca-diếp nói với đại chúng: “các vị nên biết, vị lai sẽ có những Bí-sô độn căn, tâm tán loạn nếu không có nhiếp tụng thì đối với kinh luật luận sẽ không thể đọc tụng thọ trì. Thế nên, chúng ta nên kết tập trước kệ tụng tóm lược tương ưng với sự việc, sau đó mới kết tập kinh luật luận”, các Bí-sô đều nhất trí kết tập nhiếp tụng trước, sau khi kết tập nhiếp tụng xong lại hỏi tôn giả Đại Ca-diếp trong ba tạng nên kết tập tạng nào trước, đáp là kết tập kinh tạng trước. Lúc đó Thánh chúng thỉnh tôn giả Đại Ca-diếp lên ngồi tòa sư tử, tôn giả ngồi rồi hỏi tôn giả A-nan: “cụ thọ có thể làm người kết tập những kinh mà Như lai đã thuyết hay không?”, đáp là có thể, tôn giả liền tác pháp yết ma sai như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, cụ thọ A-nan này có thể kết tập những kinh mà Như lai đã thuyết. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai cụ thọ A-nan làm người kết tập những kinh mà Như lai đã thuyết. Bạch như vậy.
Đại đức tăng lắng nghe, cụ thọ A-nan này có thể kết tập những kinh mà Như lai đã thuyết, Tăng nay sai cụ thọ A-nan làm người kết tập những kinh mà Như lai đã thuyết, cụ thọ nào chấp thuận cụ thọ A-nan làm người kết tập những kinh mà Như lai đã thuyết thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng đã chấp thuận sai cụ thọ A-nan làm người kết tập những kinh mà Như lai đã thuyết xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.
Khi tôn giả A-nan sắp kết tập kinh, năm trăm A-la-hán đếu lấy Tăng-già-lê trải lên tòa cao, A-nan nhìn khắp bốn phía, khởi tâm từ bi đến các hữu tình, khởi tâm tôn trọng chánh pháp và tâm cung kính đối với các vị đồng phạm hạnh, hữu nhiễu tòa cao rồi đảnh lễ, kế y pháp kính lễ Thượng tòa rồi bước lên tòa ngồi ngay thẳng quán tâm của Thánh chúng như biển lớn sâu thẳm yên tĩnh, suy nghĩ: “những kinh mà chính ta được nghe từ Phật nói hoặc nghe nói lại hoặc ở cung rồng hoặc ở trên cõi trời, ta đều thọ trì không quên, ta nên kết tập lại”. Lúc đó chư thiên trên không trung nói với nhau: “các vị nên biết tôn giả A-nan sắp kết tập những kinh mà Phật đã thuyết, chúng ta nên nhất tâm lắng nghe”, có thiên tử nói kệ:
“Ai kiến lập diệu pháp,
Lợi ích ba ngàn cõi,
Đối Thánh pháp không sợ,
Cũng như Sư tử rống.
Các vị hãy chí thành,
Nghe thuyết pháp vi diệu,
Người nào muốn an lạc,
Biết nghĩa chân thật này”.
Tôn giả Đại Ca-diếp nói kệ bảo A-nan:
“Cụ thọ hãy tuyên thuyết lời Phật,
Pháp tối thượng trong tất cả pháp,
Tất cả pháp Đại sư đã nói,
Để làm lợi ích cho quần sanh”.
Lúc đó tôn giả A-nan nghe nói đến Đại sư liền sanh tâm luyến mộ, quay đầu về phía Phật nhập Niết-bàn rồi chắp tay nói với giọng thật rõ ràng rằng:
Tôi nghe như vầy: một thời Bạc-già-phạm tại vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư bảo năm vị Bí-sô rằng: đây là Khổ thánh đế, đối với pháp đã nghe này mà như lý tác ý thì có thể sanh nhãn trí minh giác… nói đầy đủ như trong kinh Tam chuyển pháp luân.
Tôn giả Kiều trần như nghe rồi liền nói với tôn giả Đại Ca-diếp: “diệu pháp này chính tôi được nghe từ Phật, Phật đã từ bi thuyết giảng cho tôi. Do năng lực của kinh này đã làm cho tôi khô cạn biển máu lệ, vượt qua núi xương, đóng bít cửa của đường ác Vô gián, khéo mở đường thiên cung giải thoát. Lúc đó tôi được xa lìa trần cấu, chứng được pháp nhãn thanh tịnh cùng tám vạn chư thiên đều được lợi ích”, chư thiên tren không trung và các Bí-sô chưa ly dục nghe lời nói này đều rất đau buồn, như bị ngàn mũi tên bắn vào tim, đồng thanh kêu khóc nói khổ thay rồi nói kệ:
“Họa thay thế gian này,
Vô thường không phân biệt,
Phá hoại kho tàng báu,
Làm khô biển công đức.
Chính tôi ở chỗ Phật,
Nghe pháp giải thoát này,
Nay lại ở nơi đây,
Nghe lại lời Như lai”.
Nói kệ rồi lại than thở: “họa thay sức mạnh của vô thường đã hoại con mắt của thế gian”, lúc đó tôn giả Kiều trần như rời khỏi tòa ngồi quỳ lên, các A-la-hán thấy vậy cũng rời khỏi tòa quỳ lên cùng than thở: “họa thay sức mạnh của vô thường, vì sao chính chúng ta nghe Phật thuyết kinh này, nay chỉ còn nghe nói lại”, liền nói kệ:
“Bậc tôn của Bát bộ đã mất,
Sao chúng ta lại không nhập diệt,
Không còn Phật, thế gian trống rỗng,
Ai sẽ làm đời này thăng hoa?”
Lúc đó các A-la-hán đều nhập đệ tứ thiền, dùng nguyện lực quán sát thế gian rồi xuất định hỏi tôn giả A-nan: “thầy vì pháp mà đến?”, Anan nói: “tôi vì pháp mà đến, các thầy cũng đến vì pháp”, đáp là phải. Tôn giả Đại Ca-diếp suy nghĩ: “ta đã kết tập kinh mà Phật đã thuyết đầu tiên, không bị các vị đồng phạm hạnh chống đối, cũng không bị chê trách, như vậy liền biết kinh này thật là lời Phật dạy”, tôn giả lại hỏi A-nan: “Thế tôn thuyết kinh thứ hai ở đâu?”, đáp: “Thế tôn cũng thuyết tại thành Bà-la-nê-tư”, lại hỏi thuyết cho ai, đáp là thuyết cho năm Bí-sô, lại hỏi là thuyết như thế nào, đáp: “Thế tôn thuyết như vầy: này các Bí-sô, nên biết có Tứ thánh đế, đó là khổ, tập, diệt đạo thánh đế. Khổ thánh đế gồm có sanh khổ, bịnh khổ, lão khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ; nếu nói tóm lược thì khổ chính là khổ về năm thủ uẩn. Khổ Tập thánh đế chính là hỉ ái cùng hiện hành tùy chỗ sanh nhiễm; Khổ Diệt thánh đế chính là đối với hỉ ái cùng hiện hành tùy chỗ sanh nhiễm để thọ thân sau thảy đều trừ diệt hết, nhiễm ái đều đứt liền chứng Niết-bàn. Khổ diệt đạo thánh đế chính là bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đây là con đường đưa đến Diệt thánh đế. Tôn giả Kiều trần như vừa nghe xong pháp này, tâm liền giải thoát khỏi các lậu hoặc, còn bốn Bí-sô kia được xa lìa trần cấu, chứng pháp nhãn thanh tịnh”, lúc đó tôn giả Kiều trần như nói với tôn giả Đại Ca-diếp: “chính tôi được nghe pháp này từ Phật, vừa nghe xong tâm tôi liền giải thoát khỏi các lậu hoặc, còn bốn Bí-sô kia được xa lìa trần cấu, chứng pháp nhãn thanh tịnh”. Tôn giả Đại Ca-diếp suy nghĩ: “ta đã kết tập kinh thứ hai mà Phật đã thuyết, không bị các vị đồng phạm hạnh chống đối, cũng không bị chê trách, như vậy liền biết kinh này thật là lời Phật dạy”, tôn giả lại hỏi A-nan: “Thế tôn thuyết kinh thứ ba ở đâu?”, đáp: “Thế tôn cũng thuyết tại thành Bà-la-nê-tư”, lại hỏi thuyết cho ai, đáp là thuyết cho năm Bí-sô, lại hỏi là thuyết như thế nào, đáp: “tôi nghe như vầy: một thời Bạc-già-phạm tại vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư, Thế tôn bảo năm Bí-sô: “các Bí-sô nên biết, sắc không phải là ngã, nếu sắc là ngã thì sắc sẽ không bị bịnh và chịu các khổ não; ta muốn sắc như vầy, ta không muốn sắc như vầy, nhưng sắc lại không theo ý muốn của ta. Thế nên biết sắc không phải ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy”. Phật lại hỏi năm Bí-sô: “Ý các thầy nghĩ sao, sắc là thường hay vô thường?”, đáp là vô thường, Phật lại hỏi: “nếu sắc là vô thường thì đó là khổ hay không khổ?”, đáp là khổ, Phật lại hỏi: “nếu sắc là vô thường, khổ tức là biến hoại thì người đệ tử đa văn có chấp sắc là ngã, ngã có các sắc, sắc thuộc ngã và ngã ở trong sắc hay không?”, đáp là không. Phật lại hỏi: “Ý các thầy nghĩ sao, thọ tưởng hành thức là thường hay vô thường?”, đáp là vô thường, Phật lại hỏi: “nếu thọ tưởng hành thức là vô thường thì đó là khổ hay không khổ?”, đáp là khổ, Phật lại hỏi: “nếu thọ tưởng hành thức là vô thường, khổ tức là biến hoại thì người đệ tử đa văn có chấp thọ… thức là ngã, ngã có thọ… thức, thọ… thức thuộc ngã và ngã ở trong thọ… thức hay không?”, đáp là không, Phật nói: “vì thế nên biết, các loại sắc quá khứ hay vị lai hay hiện tại hoặc ở trong, ở ngoài, hoặc thô hay tế, hoặc thù thắng hay hạ liệt, hoặc gần hay xa… đều không phải là ngã, ngã sở hữu, sắc không thuộc ngã và ngã không ở trong sắc. Này các Bí-sô, nên quán sát kỹ sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấy bằng chánh trí; nếu đệ tử Thanh văn của ta quán năm thủ uẩn này là vô ngã, không có ngã sở hữu, liền biết là không có năng sở để chấp thủ, cũng không bị chuyển biến theo mà được tự giác ngộ, chứng Niết-bàn, hiểu rõ: sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau. Khi Phật thuyết xong kinh này, cả năm Bí-sô đều được giải thoát các lậu hoặc”. Tôn giả Đại Ca-diếp suy nghĩ: “ta đã kết tập kinh thứ ba mà Phật đã thuyết, không bị các vị đồng phạm hạnh chống đối, cũng không bị chê trách, như vậy liền biết kinh này thật là lời Phật dạy”. Sau đó tôn giả A-nan tuần tự nói lại hết các kinh pháp mà Phật đã thuyết hoặc ở tại vương cung, hoặc tại tụ lạc, thành ấp… Các A-la-hán cùng kết tập nhưng kinh tương ưng với năm uẩn thì xếp vào phẩm Uẩn; những kinh tương ưng với sáu xứ, mười tám giới thì xếp vào phẩm Xứ giới; những kinh tương ưng với duyên khởi thánh đế thì xếp vào phẩm Duyên khởi; những kinh do Thanh văn nói thì xếp vào phẩm Thanh văn; những kinh do Phật nói thì xếp vào phẩm Phật; những kinh tương ưng với niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn, lực, giác, đạo thì xếp vào phẩm Thánh đạo; kinh tương ưng với kệ tụng thì gọi là kinh Tương ưng A Cấp ma ( Tương ưng xưa dịch là Tạp ); kinh dài, nói dài thì gọi là kinh Trường A Cấp ma; kinh vừa, nói vừa thì gọi là kinh Trung A Cấp ma; kinh nói một vấn đề, hai vấn đề cho đến mười vấn đề thì gọi là kinh Tăng nhất A Cấp ma. Lúc đó tôn giả Đại Ca-diếp nói với tôn giả A-nan: “kinh tạng ngoài những kinh A Cấp ma ra thì không còn có kinh nào khác”, nói rồi liền bước xuống tòa nói với đại chúng: “các vị nên biết, đã cùng kết tập xong những kinh mà Phật đã thuyết, kế tiếp là kết tập Tỳ-nại-da”. Lúc đó trong chúng chỉ có tôn giả Ưu-ba-ly là người thông suốt duyên khởi của Tỳ-nại-da, tôn giả Đại Ca-diếp lên tòa bạch chúng: “các vị nên biết, cụ thọ Ưu-ba-ly thông suốt Tỳ-nại-da, được Phật thọ ký là bậc trì luật đệ nhất, nay tôi thỉnh vị ấy làm người kết tập Tỳ-nại-da”, nói rồi liền hỏi Ưu-ba-ly: “cụ thọ có thể làm người kết tập Tỳ-nại-da mà Như lai đã chế định hay không?”, đáp là có thể, tôn giả liền bạch nhị yết ma sai như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, cụ thọ Ưu-ba-ly này có thể kết tập Tỳnại-da mà Như lai đã chế định. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai cụ thọ Ưu-ba-ly làm người kết tập Tỳ-nại-da mà Như lai đã chế định. Bạch như vậy.
Văn yết ma chuẩn theo văn tác bạch, yết ma xong tôn giả Đại Ca-diếp xuống tòa để cho tôn giả Ưu-ba-ly bước lên tòa sư tử kết tập Tỳ-nại-da.