CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 38

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ tám (tiếp theo) – Phật bát Niết-bàn:

Lúc đó trong thành Câu-thi-na có một ngoại đạo xuất gia tên là Thiện hiền (Phạm ngữ gọi là Tô-bạt-đà-la) đã 120 tuổi rất già yếu. Tộc họ Lực sĩ ở trong thành này rất tôn trọng cung kính cúng dường vị này và xem như là bậc A-la-hán. Gần chỗ Thiện hiền ở có một cái ao hoa lớn tên Mạn đà chỉ nỉ, trên bờ ao có cây Ô đàm bạc. Khi Bồ-tát còn ở trên cõi trời Đổ-sử-đa hiện tướng voi trắng vào thai mẹ thì mầm cây này mới nhú ra; khi Phật đản sanh, cây này phát ra ánh sáng; khi Bồ-tát trở thành đồng tử thì hoa của cây này mọc ra; khi Bồ-tát xuất gia thì hoa này lớn dần như mỏ con chim Thứu; khi Bồ-tát tu khổ hạnh thì hoa của cây này tươi tốt dần… cho đến khi Phật thành đạo chuyển pháp luân thì hoa có ánh sáng và tỏa hương thơm ngào ngạt khắp nơi. Khi Phật độ hết các chúng sanh hữu duyên hết rồi và sắp nhập Niết-bàn ở thành Câu-thi-na thì cây hoa liền khô héo, ai thấy cũng đều kinh ngạc than thở. Thiện hiền thấy cây thay đổi như vậy liền suy nghĩ: “thành Câu-thina chắc có tai họa”, lúc đó thiên thần hộ quốc báo cho mọi người biết trong đêm nay Phật sẽ nhập Niết-bàn vô dư, Thiện hiền nghe lời này rồi suy nghĩ: “khổ thay, Sa môn Kiều-đáp-ma sắp nhập Niết-bàn trong đêm nay, ta thường hoài nghi về pháp mà mình đã chứng được, mong gặp được vị ấy để thưa hỏi giải nghi cho ta, nhưng tiếc thay pháp nhãn không bao lâu nữa sẽ diệt. Ngay bây giờ ta phải đến đó thưa hỏi, nếu đại sư thương xót giải nghi cho ta thì tốt”, nghĩ rồi liền đi đến Song lâm. Lúc đó tôn giả A-nan thấy mặt trời Phật sắp lặn, trong lòng đau buồn nên ở ngoài bìa rừng kinh hành, Thiện hiền đến hỏi A-nan: “Thánh giả A-nan, tôi nghe Sa môn Kiều-đáp-ma là bậc Nhất-thiết-trí, bình đẳng tế độ tất cả, đối với pháp mà mình đã chứng được tội thường có hoài nghi, mong gặp để thưa hỏi nhưng vẫn chưa toại nguyện. Nay nghe chư thiên báo trong đêm nay Như lai sẽ nhập Niết-bàn nên tôi vội đến đây, xin tôn giả cho tôi được gặp Phật để thưa hỏi giải nghi”, tôn giả nói: “ông không nên nói lời này để xúc não Thế tôn, hiện giờ đại sư của tôi không được khỏe”, Thiện hiền thưa thỉnh ba lần, A-nan vẫn không chấp thuận, Thiện hiền lại nói: “trước đây tôi có nghe cổ tiên nói rằng Phật ra đời như hoa Ưu đàm, trăm ngàn vạn kiếp mới xuất hiện một lần. Trong đêm nay Phật sẽ nhập Niết-bàn mà tôi vẫn còn mê muôi nên rất muốn gặp để thưa hỏi giải nghi, xin tôn giả cho tôi được gặp Phật thì thật là may mắn cho tôi”, Thiện hiền tha thiết cầu xin đến ba lần, A-nan vẫn không chấp thuận. Lúc đó Phật với thiên nhĩ thanh tịnh nghe rõ những lời đối đáp này nên bảo A-nan: “thầy chớ ngăn cản Thiện hiền, hãy cho ông ấy đến gặp ta tùy ý thưa hỏi, vì sao, vì Thiện hiền này là ngoại đạo cuối cùng được nghe ta thuyết pháp khởi tâm chánh tín và được ta gọi Thiện lai làm đệ tử của ta”, Thiện hiền nghe Phật cho phép rất đổi vui mừng liền đến gặp Phật, chào hỏi rồi ngồi một bên bạch Phật: “thưa Kiều-đáp-ma, tôi muốn thưa hỏi, xin hãy giải đáp cho tôi”, Phật nói tùy ý, Thiện hiền hỏi: “thưa Kiều-đáp-ma, tôi quán sát pháp của các phái ngoại đạo, mỗi phái đều lập tông riêng, Lục sư ngoại đạo là Bộ thích noa, Ma già lê câu xa tử, San xà da tỳ la đồ tử, Ni kiền đà nhã đề tử, Ca cầu đà ca chiên diên, A kỳ đà súy xá Khâm bà la, mỗi người đều lập tông khác nhau, tôi không biết là tông nào đúng?”, Phật nói kệ đáp:

“Ta năm hai chín tuổi,
Xuất gia cầu thiện pháp,
Trong hơn năm mươi năm,
Chuyên hành giới định huệ,
Nhất tâm không tán loạn,
Cốt tìm cầu chân lý,
Ngoài chánh pháp này ra,
Không có Sa môn khác”.

Nói kệ xong Phật lại bảo: “Có tám chi thánh đạo do chư Phật thuyết giảng rất là hi hữu, rất khó gặp, ngoài Thánh đạo này để cầu một, hai, ba, bốn đạo quả Sa môn là điều không thể có; phải ngay nơi tám Thánh đạo trong pháp luật thiện thuyết này mới có thể cầu được bốn đạo quả Sa môn. Lị nữa này Thiện hiền, vì xa rời tám Thánh đạo này nên các Sa môn, Bà-la-môn ngoại đạo đều chấp vào tri kiến của mình, cho là ba đời không có nhân quả, những phước thiện đã tu đều là không, là vô ích. Thế nên ở trong chúng Sa môn, Bà-la-môn, ta đã cất tiếng sư tử rống rằng: hễ có tu hành đều sẽ được đạo quả”, Thiện hiền nghe Phật nói xong, ngay nơi chỗ ngồi xa lìa mọi cấu uế được pháp nhãn thanh tịnh, được tâm bất hoại đối với pháp chân thật, vượt qua sông ái, phá tan lưới nghi thông đạt diệu pháp liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay bạch Phật: “thật khó được thưa hỏi bậc đại sư tôn trọng, con nay nhờ Thế tôn nên được thiện lợi này, con may mắn được gặp đấng pháp vương vô thượng, là bậc quán đảnh tối thượng trong các bậc thầy, con nay nhờ sức của thầy mà được thiện chứng. Thế tôn, xin cho con được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô, tu tập phạm hạnh”, tôn giả A-nan bạch Phật: “Thế tôn, Thiện hiền nghe pháp được tỏ ngộ, nay muốn xuất gia… tu tập phạm hạnh, xin Thế tôn tế độ cho”, Phật nói: “thiên lai Bí-sô, tu tập phạm hạnh”, Phật vừa dứt lời, Thiện hiền liền có đủ oai nghi, được xuất gia thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô, nhất tâm dõng mãnh không phóng dật, suy nghĩ: “vì sao các thiện nam lại cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, chánh tín xuất gia, tu tập phạm hạnh trong đạo pháp vô thượng, ngay trong hiện pháp được tự chứng ngộ, hiểu rõ: sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”, nghĩ rồi tâm liền thấu triệt và chứng quả A-la-hán, tâm được giải thoát. Thiện hiền suy nghĩ: “na ta không nỡ nhìn Phật nhập Niết-bàn, ta nên nhập diệt trước”, nghĩ rồi liền đảnh lễ Phật và bạch rằng: “Thế tôn, con xin nhập Niết-bàn trước”, Phật hỏi: “nay thầy muốn nhập Niết-bàn sao?”, đáp là phải, Phật hỏi đến ba lần rồi nói: “tất cả các hành là vô thường, điều mà thầy muốn làm, thầy đã tự biết thời, ta còn nói gì nữa”. Khi sắp nhập Niết-bàn, Thiện hiền suy nghĩ: “ta nên làm năm pháp gia trì rồi mới diệt độ: một là khi mọi người đến xem đều thấy thân ta cạo bỏ râu tóc, mặc y Tăng-già-lê, chớ để họ thấy ta với hình thức ngoại đạo. Hai là khi ngoại đạo đến khiên, ta sẽ khiến cho thân không di động, chỉ có các đồng phạm hạnh mới khiên đi được. Ba là khi đưa thân ta vào ao nước tắm rửa, chân của các ngoại đạo sẽ không đụng được tới đáy, chỉ có các đồng phạm hạnh mới tắm được thân ta. Bốn là khi các ngoại đạo vào trong nước sẽ bị cá rùa quấy nhiễu không an, còn các đồng phạm hạnh thì không bị xúc não. Năm là các ngoại đạo không thể đốt lửa hỏa thiêu di thân của ta, chỉ có các đồng phạm hạnh mới làm cho lửa cháy”, tác ý về năm pháp gia trì này xong, Thiện hiền liền nhập Niết-bàn. Lúc đó các ngoại đạo nghe tin phạm chí Thiện hiền đã nhập Niết-bàn liền đem đủ các loại âm nhạc, cờ phướn phang lọng đến thành Câu-thi-na, nơi ngã tư đường nói với mọi người: “các vị nên biết, đại Sa môn Kiều-đáp-ma thường nói: chỉ ở trong giáo pháp của ta mới có tám chi Thánh đạo với bốn quả Sa môn, trong ngoại đạo không có…; nhưng vị đồng phạm hạnh của chúng tôi là đại sư Thiện hiền cũng đã được Niết-bàn không khác họ”, các Bí-sô nói: “nếu các vị nói vị ấy là đồng phạm hạnh của mình thì hãy tự ý khiên đi”, các ngoại đạo cùng nhau đến khiên nhưng vẫn không thể di chuyển được, huống chi là khiên đi; các Bí-sô nói: “nếu các vị làm không được thì hãy để cho chúng tôi”, đáp là tùy ý, thấy các Bí-sô khiên đi được, họ im lặng. Sau đó các Bí-sô bảo họ tắm rửa di thân, họ bước xuống nước thì chân không đụng được đến đáy, lại còn bị cá rùa quấy nhiễu còn các Bí-sô thì không như vậy. Sau đó các Bí-sô bảo họ đốt lửa hỏa thiêu nhưng khi họ đốt lửa không cháy, thấy vậy mọi người đều chê trách, họ xấu hổ bỏ đi. Lúc đó các lực sĩ thành Câu-thi-na thấy việc hi hữu này rồi càng thêm kính ngưỡng, khởi tâm tịnh tín luyến mộ đối với Phật, họ nói: “Đại bi Thế tôn hiện thân có bịnh, nằm lần cuối cùng sắp nhập Niết-bàn mà còn có thể thuyết pháp cho ngoại đạo Thiện hiền được chứng quả A-lahán và làm cho các lực sĩ thành Câu-thi-na được đại thiện lợi”. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vì sao Thế tôn hiện thân có bịnh, thân thể không an mà còn làm cho phạm chí Thiện hiền thoát khỏi sanh tử, chứng quả A-la-hán được cứu cánh Niết-bàn dứt hết mé khổ?”, Phật nói: “các thầy nên biết việc này chưa hi hữu, vì hiện nay ta đã đoạn hết ba độc, thoát khỏi sanh già bịnh chết, ưu bi khổ não, đủ Nhất-thiết-trí tự tại trong tất cả cảnh giới nên làm cho Thiện hiền thoát khỏi sanh tử… chưa phải là hiếm có. Quá khứ khi ta còn trong sanh tử đầy đủ tham sân si, chưa thoát khỏi sanh già bịnh chết, không có trí huệ, còn mang thân bàng sanh mà đã có thể vì Thiện hiền và các lực sĩ xả bỏ thân mạng. Các thầy lắng nghe:

Quá khứ tại một núi rừng có con Nai chúa nhiều trí huệ có thể đoán biết trước cơ nghi, sống cùng bầy nai ngàn con ở trong rừng. Lúc đó có thợ săn thấy bầy nai liền báo cho vua biết, vua cho binh lính tới bao vây săn bắt, nai chúa suy nghĩ: “nếu ta không cứu bầy nai thì chắc chắn sẽ bị hại”, nghĩ rồi liền nhìn khắp bốn phương tìm cách cứu bầy nai, nai chúa bỗng thấy dưới núi sâu có thác nước chảy ra ngoài, nhưng vì sức yếu bầy nai không thể vượt qua thác nước này để ra ngoài. Nai chúa bước xuống đứng giữa dòng nước làm cầu cho bầy nai đi qua, bị móng chân của bầy nai đạp lên nên da thịt tét nứt lộ bày xương sống ra, tuy đau đớn nhưng Nai chúa vẫn ráng chịu đựng, lại còn đoái lại nhìn xem còn có con nào chưa qua. Lúc đó còn một nai con không thể qua được, nai chúa không nghĩ đến thân mình, tới chỗ nai con để nó lên lưng rồi lội qua bờ kia thì sức cũng đã kiệt, lúc sắp qua đời nai chúa phát nguyện: “con nay cứu bầy nai và nai con thoát khỏi tai ách, không tiếc thân mạng, nguyện ở đời vị lai khi chứng quả Chánh đẳng giác, con sẽ độ cho họ thoát khỏi sanh tử, đến chỗ cứu cánh Niết-bàn”.

Này các Bí-sô, Nai chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay, bầy nai chính là các lực sĩ và nai con chính là Thiện hiền. Lại nữa, khi ta còn mang thân bàng sanh vô trí, lúc hơi thở không ổn định, chịu khốn khổ về thân xác mà vẫn có thể cứu Thiện hiền đưa đến chỗ an ổn. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa tại thành Bà-la-nê-tư có vua Phạm thọ dùng pháp trị nước, vua có con Trí mã dự biết trước sự việc nên các nước lân bang đều đến triều cống. Khi Trí mã qua đời, vua các nước này liền sai sứ đến nói với vua rằng: “vua hãy chia thuế thu được cho chúng ta, nếu không thì không được ra khỏi thành, nếu trái lời thì sẽ đem binh đến tiêu diệt”, vua bảo sứ giả: “ta không chia thuế và sẽ ra thành du ngoạn”. Sau đó vua cho người tìm kiếm được một Trí mã khác, vào đầu xuân, trong vườn hoa nở rộ, chim hót vang, vua cỡi Trí mã cùng các thể nữa ra thành đến vườn hoa thưởng ngoạn. Vua các nước kia nghe tin liền kéo binh đến vây thành, quần thần báo tin, vua liền thống lãnh bốn binh cỡi Trí mã ra phá giặc, Trí mã bị trúng giáo của giặc, đau đớn không chịu nổi nhưng Trí mã suy nghĩ: “nay vua đang nguy khốn, nếu không cứu thì trái đạo, ta nên nhịn đau cứu vua thoát khỏi vòng vây vào thành an ổn”. Lúc đó giặc bao vây khắp nơi, không có đường nào vào thành, ngoài thành có hào nước tên là Diệu phạm trồng đủ loại hoa sen xanh vàng đỏ trắng, nếu băng qua được hào nước này thì có thề vào được trong thành. Trí mã không nghĩ đến thân mạng, chạy xuống ao phóng mình trên các lá sen đưa vua thoát khỏi vòng vây vào trong thành an ổn, vua vừa bước xuống thì Trí mã qua đời. Sau khi thoát nạn, vua Phạm thọ hỏi quần thần: “ai cứu được tính mạng của vua Sát-đế-lỵ quán đảnh thì nên báo ân như thế nào?”, đáp là nên chia nửa nước, vua nói: “Trí mã đã cứu ta nhưng nay đã chết, ta nên báo ân như thế nào?”, đáp: “nên mở hội Bạch liên hoa bất thường để tu phước nghiệp, trợ giúp Trí mã đầu thai”, vua liền ra lịnh ở khắp các ngã tư đường treo cờ phướn hương hoa và cho đánh trống thông báo khắp trong nước biết ngày mai mở hội bạch hiên hoa bất thường tại các ngã tư đường để tu phước nghiệp bố thí, trợ giúp linh hồn Trí mã đầu thai.

Này các Bí-sô, Trí mã thuở xưa chính là thân ta ngày nay, vua Phạm thọ chính là Thiện hiền”. Lúc đó các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, cụ thọ Thiện hiền đời trước đã tạo nghiệp gì mà nay được làm đệ tử cuối cùng của đại sư?”, Phật nói: “các thầy lắng nghe:

Quá khứ Hiền kiếp, lúc con người thọ hai vạn tuổi có Phật Cadiếp-ba ra đời đầy đủ mười hiệu, ở trong vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư. Vị Phật ấy có người cháu ngoại tên là Vô ưu xuất gia, vì cho là quả giải thoát có thể tự nhiên chứng đắc nên không chuyên cần tu tập tám Thánh đạo, tuy xuất gia đã lâu nhưng không chứng được gì nên vị này du hành trong nhân gian tùy chỗ nhập hạ. Sau đó Như lai độ những người hữu duyên đã xong, việc làm đã hoàn mãn như củi hết lửa tắt nên trong đêm ấy sắp nhập Niết-bàn. Lúc đó Bí-sô Vô ưu đang đứng dưới một gốc cây, thần cây nghe tin Phật Ca-diếp-ba sắp nhập Niết-bàn nên buồn khóc, nước mắt rơi xuống thân Bí-sô Vô ưu. Bí-sô hỏi rõ nguyên do rồi cũng đau buồn như tên bắn vào tim liền gào khóc, thần cây hỏi nguyên do, Bí-sô đáp: “Phật Cadiếp-ba là cậu ruột của tôi, tuy nương theo Phật xuất gia nhưng tôi lại không chuyên cần tu tập, ở đây cách nơi ấy rất xa không thể đến kính lễ được. Tôi là phàm phu không có năng lực nhanh chóng đến đó nên tôi buồn khóc”, thần cây nói: “tôi có năng lực đưa Thánh giả đến đó mau chóng, nhưng đến gặp Phật rồi thì có ích lợi gì”, đáp: “nếu gặp được Phật, tôi quyết sẽ tinh tấn dõng mãnh theo lời Phật dạy mà chứng quả”. Thần cây liền dùng thần lực đưa Bí-sô đến chỗ Phật, Phật tùy thuận căn tánh thuyết diệu pháp khiến cho vị ấy được chứng quả A-la-hán, vị này không nỡ nhìn Phật nhập Niết-bàn nên nhập diệt trước. Lúc đó thần cây thấy Phật và Bí-sô đều nhập diệt nên sanh tâm luyến mộ, suy nghĩ: “Bísô này chứng quả được là nhờ ta, con nguyện đem công đức này ở đời vị lai lúc con người thọ trăm tuổi, có Phật Thích ca mâu ni ra đời đầy đủ mười hiệu, khi Phật ấy nhập Niết-bàn, con sẽ được xuất gia, được chứng quả vị Vô học Thanh văn và diệt độ trước Phật”.

Này các Bí-sô, thần cây thuở đó chính là Thiện hiền ngày nay. Do ý nghĩa này nên các thầy ở bất cứ nơi đâu cũng phái lánh xa bạn ác, gần gũi bạn lành, các thầy nên học như thế”. Lúc đó tôn giả A-nan bạch Phật: “Thế tôn, con ở nơi yên tĩnh suy nghĩ: thiện tri thức là nửa phần phạm hạnh, vì nhờ sức của thiện hữu mà người tu hành được thành tựu, được bạn lành thì nên xa lìa bạn ác, do nghĩa này nên con biết thiện hữu là nửa phần phạm hạnh”, Phật nói: “này A-nan, chớ nói thiện tri thức là nửa phần phạm hạnh, vì sao, vì thiện tri thức là toàn phần phạm hạnh, nhờ có thiện tri thức nên xa lìa được ác tri thức, không làm điều ác, thường tu thiện pháp thuần nhất thanh bạch, đầy đủ tướng phạm hạnh. Do nhân duyên này, ai được gặp và ở chung được với bạn lành thì tất cả mọi việc cho đến cứu cánh Niết-bàn đều sẽ được thành tựu, nên gọi là toàn phần phạm hạnh. Này A-nan, ta cũng nhờ có thiện tri thức nên mới có thể làm cho tất cả hữu tình đều được thoát khỏi sanh già bịnh chết ưu bi khổ não, nếu lìa thiện tri thức thì không có việc ấy. Này A-nan, nên tu học như vậy”, Phật lại bảo các Bí-sô: “do nghĩa này, từ nay các thầy không nên vội vàng độ ngoại đạo cho xuất gia thọ Cận viên, nếu hỏi không có các chướng pháp thì nên độ. Đối với ngoại đạo thờ lửa thì không cần phải cọng trụ mà nên cho xuất gia thọ Cận viên ngay, vì họ chủ trương có nghiệp dụng, có nhân duyên quả báo của sự tinh cần. Đối với các ngoại đạo khác đến cầu xuất gia thì Tăng nên cho họ cọng trụ trong bốn tháng, Thân giáo sư nên cung cấp y thực cho họ và quan sát tánh hạnh của họ nếu thấy điều nhu, có thể tế độ được thì mới cho xuất gia thọ Cận viên. Các thầy nên biết như thế. Lại nữa này các Bí-sô, pháp nào ngay trong hiện tại và vị lai có thể sanh trưởng lợi lạc thì các thầy nên thọ trì đọc tụng và giảng thuyết cho người khác, chớ để quên mất, như thế sẽ làm cho phạm hạnh được trụ lâu ở đời và làm cho trời người được an lạc, làm lợi ích cho chúng sanh. Pháp ấy gồm có mười hai phần giáo, đó là: khế kinh, ứng tụng, ký biệt, phúng tụng, tự thuyết, nhân duyên, bản sanh, bản sự, phương quảng, hy hữu, thí dụ và luận nghị. Này các Bí-sô, sau khi ta nhập Niết-bàn, Bí-sô nào suy nghĩ là nay ta không còn đại sư nữa thì hãy bỏ nhận thức này đi, vì sao, vì ta đã chế mỗi nửa tháng các thầy nên thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, đây chính là đại sư của các thầy, là chỗ nương tựa của các thầy không khác gì ta còn tại thế. Lại nữa, từ nay Bí-sô hạ tòa đối với các vị kỳ túc trưởng lão không được gọi bằng tên họ, nên gọi là Đại đức hay cụ thọ. Bí-sô trưởng lão gọi Bí-sô nhỏ là cụ thọ, nên thương yêu che chở họ với tâm từ ái, nên cung cấp y thực không để cho họ thiếu thốn và nên dạy bảo họ đọc tụng, thiền quán để họ được lợi ích. Có như thế thì giáo pháp của ta mới ngày càng tăng trưởng, ngược với trên thì giáo pháp sẽ mau hoại diệt. Lại nữa, trên đại địa này có bốn nơi nếu người nam người nữ nào có tín tâm thanh tịnh thì trọn đời nên nhớ giữ và sanh tâm tôn kính. Bốn chỗ đó là: nơi Phật đản sanh, nơi Phật thành đạo, nơi Phật chuyển pháp luân và nơi Phật nhập Niết-bàn. Nếu người nào đến bốn nơi này kính lễ với tâm chí thành thì sau khi qua đời nhất định sẽ sanh lên cõi trời. Này các Bí-sô, đối với Phật pháp tăng bảo hay là đối với bốn Thánh đế Khổ tập diệt đạo, các thầy còn có nghi ngờ gì thì hãy thưa hỏi, ta sẽ giải nghi cho”. (Một đời của Như lai từ khi xuất gia cho đến nhập Niết-bàn suốt hơn năm mươi năm có tám nơi trụ lâu, đó là nơi đản sanh, nơi thành đạo, nơi chuyển pháp luân, núi Linh thứu, thành Quảng nghiêm, nơi từ cõi trời xuống, vườn Kỳ thọ và Song lâm, nơi nhập Niết-bàn. Tám nơi này thì bôn nơi là định xứ, còn lại đều là bất định xứ. Nhiếp tụng:

Sanh, thành, pháp, Thứu,
Quảng, hạ, kỳ, lâm.
Kiền thành nhất tưởng,
Phước thắng thiên kim.).

Lúc đó cụ thọ A-nan bạch Phật: “Thế tôn, như con hiểu lời Phật dạy là các Bí-sô nếu còn nghi ngờ gì thì nên hỏi, nhưng trong chúng này không có ai còn nghi ngờ đối với Phật pháp tăng và bốn Thánh đế, cần phải hỏi lại nữa”, Phật nói: “lành thay A-nan, ta dùng trí huệ quán sát trong chúng này, thấy không có ai còn nghi ngờ gì về Tam bảo và Tứ đế nữa”. Lúc đó với tâm từ bi, lần cuối cùng Phật ở trước đại chúng vén thượng y hiển bày thân tướng rồi bảo các Bí-sô: “các thầy hãy nhìn thân Như lai lần cuối, vì sao, vì Như lai Ứng chánh giác khó được gặp như hoa Ưu đàm bát la”, các Bí-sô im lặng, Phật nói: “các pháp đều như vậy, các hành là vô thường, đây là lời giáo huấn cuối cùng của ta”. Nói xong Phật liền chánh niệm nhập định thứ nhất, xuất định thứ nhất rồi nhập định thứ hai, xuất định thứ hai rồi nhập định thứ ba, xuất định thứ ba rồi nhập định thứ tư, xuất định thứ tư rồi nhập định Không xứ, xuất định Không xứ rồi nhập định Thức xứ, xuất định Thức xứ rồi nhập định Vô sở hữu xứ, xuất định Vô sở hữu xứ rồi nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, xuất định Phi tưởng phi phi tưởng xứ rồi nhập Diệt thọ tưởng định. Lúc đó tôn giả A-nan hỏi tôn giả A-ni-lư-đà: “đại sư đã nhập Niếtbàn hay chưa?”, đáp là chưa, hiện đang nhập Diệt thọ tưởng định, Anan nói: “tôi nghe Phật nói: nếu Phật Thế tôn nhập định cuối cùng, tịch nhiên bất động thì ngay sau đó mắt thế gian khép lại, chắc chắn nhập Niết-bàn”. Lúc đó Phật xuất định Diệt thọ tưởng, lần lượt nhập ngược trở lại, như thế cho đến định thứ nhất rồi mới nhập Niết-bàn vô dư. Ngay lúc đó trời đất chấn động, trên không trung sao xẹt, bốn phương đều rực sáng, trống trời tự nhiên vang động khắp hư không.

Lúc đó cụ thọ Đại Ca-diếp ở trong Trúc lâm, bền ao Yết lan đạc ca, thành Vương xá thấy mặt đất chấn động liền nhiếp niệm quán sát, quán biết Như lai đã nhập Niết-bàn liền suy nghĩ: “nay ta không còn đại sư nữa, chỉ còn nương vào pháp, các hành là như vậy, biết làm sao. Nhưng vua Vị sanh oán vừa phát tín tâm, nếu nghe Phật đã nhập Niết-bàn ắt sẽ thổ huyết mà chết, ta nên làm phương tiện trước”, nghĩ rồi liền đến nói với đại thần Hành vũ: “ông nên biết, Phật đã nhập Niết-bàn, vua Vị sanh oán vừa phát tín tâm nếu nghe tin này ắt sẽ thổ huyết mà chết, ta muốn làm phương tiện thuận theo thứ lớp cho vua hiểu được. Ông hãy đến trong vườn, ở trong sảnh đường cho người vẽ nhân duyên bản sanh của Phật, từ khi Bồ-tát ở trên cõi trời Đổ-sử-đa…, kế hiện tướng voi trăng vào thai mẹ, kế đản sanh rồi xuất gia, tu khổ hạnh, cuối cùng thành đạo quả dưới cội Bồ đề. Sau đó đến thành Bà-la-nê-tư ba lần chuyển pháp luân mười hai hành tướng, kế đến thành Thất-la-phiệt hiện đại thần thông, kế lên cõi trời Tam thập tam thuyết pháp cho thân mẫu và chư thiên, kế trở cuống châu Thiệm bộ tại thành Tăng yết xa giáo hóa quần sanh, cuối cùng đến thành Câu-thi-na ở giữa hai cây Sa la (Sa la song thọ), nằm day đầu về hướng Bắc mà nhập Niết-bàn. Vẽ xong nên làm tám cái hòm to bằng người đặt bên ngoài sảnh đường, bảy hòm đầu đựng đầy sanh tô, hòm thứ tám đựng nước Ngưu đầu chiên đàn. Khi thấy vua đi ra nên thỉnh vua đến trong vườn xem tranh vẽ và giải thích theo thứ lớp cho vua hiểu, khi vua biết Phật đã nhập Niết-bàn, vua sẽ ngã bất tĩnh, lúc đó nên đặt vua vào trong hòm thứ nhất, lần lượt như thế đến hòm thứ tám thì vua sẽ tỉnh lại”, dặn dò xong, tôn giả đi đến thành Câu-thi-na. Lúc đó hành làm theo như lời tôn giả đã dặn, khi thấy vua ngã bất tĩnh, các quan vội đặt vua vào hòm thứ nhất, thứ lớp như thế đến hòm thứ tám thì vua dần dần tĩnh lại.

Khi Như lai nhập Niết-bàn, hoa thơm Sa la tự rơi rụng phủ lên kim thân, một Bí-sô nói kệ:

“Khi Thế tôn Niết-bàn,
Rừng Sa la tối thắng,
Rũ cành che phủ kín,
Và rụng xuống hoa thơm”.

Vua trời Đế thích nói kệ:

“Các hành vô thường,
Là pháp sanh diệt,
Sanh diệt diệt rồi,
Tịch diệt là vui”.

Phạm thiên vương nói kệ:

“Tất cả pháp thế gian,
Đã sanh đều phải tử,
Lực vô thường lớn nhất,
Phá tan hết các hành,
Đại sư mắt thế gian,
Đấng thập lực vô thượng,
Hóa duyên đã viên mãn,
Tịch diệt tại Song lâm”.

Tôn giả A nê lư đà nói kệ:

“Phật không thở ra vào,
Tâm Phật cũng tịch nhiên,
Mắt thế gian đã nhắm,
Vào tịch diệt bất động.
Thế tôn đủ mười lực,
Hóa độ xong nhập diệt.
Chúng sanh nào thấy nghe,
Sợ hãi lông dựng đứng,
Tâm người chớ mê loạn,
Cũng chớ nên đau buồn,
Phật chứng thân Mộc xoa,
Cũng như ngọn đèn tắt”.

Lúc đó các Bí-sô đều bi cảm, có người mê loạn ngã lăn ra đất kêu khóc, có người tư duy pháp lý nói: “chúng ta nên chịu đựng, như Thế tôn đã dạy là tất cả vinh hoa đáng ưa thích rốt cuộc cũng trở về nơi hoại diệt”, tôn giả A-ni-lư-đà bảo A-nan: “cụ thọ nên khuyên nhũ đại chúng hãy tự kìm chế, chớ để trái oai nghi, chớ nên buồn khóc quá đáng, vì sao, vì hiện nay có chư thiên Trường thọ đang chê trách: “vì sao các Bí-sô xuất gia trong pháp luật thiện thuyết của Thế tôn lại không thể quán vô thường, đến nỗi buồn khổ như vậy”, A-nan hỏi có bao nhiêu chư thiên đến, đáp: “phương Nam từ sông Kim đến rừng Sa la… trong chu vi mười hai Du thiện na này đều có chư thiên đại oai đức chen vai nhau, không có chỗ để dựng tích trượng”. Sau đó tôn giả lại bảo A-nan: Này A-nan, thầy hãy đến trong thành Câu-thi-na nói các lực sĩ rằng: “Như lai đại sư trong đêm nay đã nhập Niết-bàn vô dư, các vị nên làm những gì cần làm để sau khỏi phải hối hận và nói là Như lai đã nhập Niết-bàn trong thành ấp này mà chúng ta lại không biết cúng dường để báo từ ân của Phật”. Tôn giả A-nan nghe rồi liền đến nói với các lực sĩ như thế, các lực sĩ nghe rồi có người bất tĩnh ngã ra đất, có người đấm ngực gào khóc, thân thể run rẩy không thể tự kìm chế; có người nói: như Phật đã dạy thế gian vô thường ắt phải biệt ly. Họ nói với nhau: “chúng ta hãy mau đem hương hoa, hương bột, hương đốt, dầu thơm cùng các loại nhạc khí đến rừng Sa la để cúng dường”, nói rồi họ cùng các quyến thuộc ra khỏi thành Câu-thi-na đi đến rừng Sa la, đến chỗ Phật nhập Niết-bàn rãi hương hoa, treo cờ phướn phang lọng và tấu âm nhạc để cúng dường. Sau đó họ hỏi tôn giả A-nan việc tẩm liệm đấng Pháp vương vô thượng nên làm như thế nào, A-nan nói: “trước đây tôi có hỏi Phật, pháp tẩm liệm nên làm như pháp táng vị Chuyển luân thánh vương”, lại hỏi: “pháp táng vị Chuyển luân thánh vương như thế nào?”, đáp: “sau khi Chuyển luân thánh vương qua đời được quấn khắp thân bằng năm trăm tấm bạch điệp thượng diệu và nghiêm sức bằng năm trăm tấm y đẹp, được đặt trong kim quan, trong đó đổ đầy dầu thơm và được hỏa thiêu bằng gỗ thơm. Hỏa thiêu xong, tắt lửa bằng sữa thơm rồi thu lấy hài cốt đựng trong bình vàng, xây tháp thờ nơi ngã tư đường, dựng tràng phan, lọng, hương hoa, tấu các loại âm nhạc và thiết đại trai hội để cúng dường. Sau khi Phật nhập diệt, trời người hãy theo pháp ấy mà cung kính cúng dường, gấp bội sự cung kính cúng dường vị Chuyển luân thánh vương”, các lực sĩ nói: “chúng con sẽ làm như lời tôn giả nói, nhưng một, hai ba ngày không làm sao hoàn tất được, phải đến bảy ngày mới có thể làm xong”, A-nan đáp là được. Lúc đó trong phạm vi mười hai Du thiện na từ thành Câu-thi-na đến tháp Hệ quang, vô lượng chúng sanh vân tập đến với đủ loại hương hoa và kỹ nhạc để cúng dường. Một vị kỳ túc trong tộc họ lực sĩ bảo mọi người rằng: “những người có mặt trong đây, người nữ cầm tràng phan, người nam khiên kim quan, tất cả cùng rãi hương hoa, hương bột và tấu âm nhạc đưa kim quan đi vào cửa Tây thành Câu-thi-na rồi ra cửa Đông, qua sông Kim đến tháp Hệ quang rồi đặt kim quan ở nơi tốt nhất để làm lễ hỏa thiêu”, mọi người nghe rồi cùng nhau đến khiên kim quan, tuy dùng hết sức lực vẫn không thể nâng kim quan lên được, cụ thọ A-nan hỏi tôn giả A-ni-lư-đà nguyên do, tôn giả nói: “vì chư thiên có ý nghĩ sẽ cùng những người có mặt trong đây, người nữ cầm tràng phan, người nam khiên kim quan, tất cả cùng rãi hương hoa, hương bột và tấu âm nhạc đưa kim quan đi vào cửa Tây thành Câu-thi-na rồi ra cửa Đông, qua sông Kim đến tháp Hệ quang rồi đặt kim quan ở nơi tốt nhất để làm lễ hỏa thiêu. Do nhân duyên này nên các lực sĩ không thể khiên kim quan được”, A-nan nói: “nếu vậy hãy thuận theo ý của chư thiên”. Sau khi thuận theo ý của chư thiên, họ khiên kim quan trên vai một cách nhẹ nhàng, lúc đó trên không trung trời mưa hoa sen xanh, vàng đỏ trắng, bột thơm trầm thủy, chiên đàn…, trăm ngàn nhạc trời đồng tấu, lọng hoa của chư thiên che như mây với vô số thiên y. Các nam nữ trong tộc họ lực sĩ cũng rãi hương hoa và tấu âm nhạc đưa kim quan tuần tự đi đến tháp Hệ quang, hoa rãi nhiều đến nỗi ngập ngang đầu gối.

Lúc đó tôn giả Đại Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử với oai nghi nghiêm túc đang trên đường đi đến Song lâm, thấy một ngoại đạo cầm vài cành hoa đi ngược lại, liền hỏi: “ông lấy hoa này từ đâu và định đi đâu?”, đáp: “tôi lấy hoa này từ thành Câu-thi-na và định đi về ấp Ba ba, đại sư của các vị đã nhập Niết-bàn được bảy ngày rồi, trời người đang cúng dường di thân”, lúc đó có một Bí-sô già ngu si nghe ngoại đạo nói lời này liền phát ra lời thô ác: “vui sướng thay, từ nay sẽ không còn ai bảo chúng ta điều này nên làm, điều này không nên làm, từ nay chúng ta muốn làm gì thì làm tùy ý”, chư thiên trên không trung nghe lời phi pháp này liền dùng thần lực làm mất âm thanh không cho ai nghe, chỉ trừ tôn giả Đại Ca-diếp. Tôn giả dừng lại bên đường giáo giới Bí-sô già kia rồi bảo đại chúng: “này các cụ thọ, các hành trong thế gian đều vô thường, không có lâu dài, không đáng tin tưởng rốt cuột cũng sẽ hoại diệt. Các thầy nên sanh tâm nhàm lìa, chớ có tham luyến, giờ chúng ta hãy mau đi đến gặp Phật lần cuối”.

Lúc đó các lực sĩ thành Câu-thi-na và bốn chúng đốt gỗ thơm để hỏa thiêu nhưng lửa không cháy, tôn giả A-ni-lư-đà nói với A-nan: “họ muốn đốt, lửa cũng không cháy được”, hỏi vì sao, đáp: “vì chư thiên không cho lửa cháy”, lại hỏi vì sao, đáp: “vì tôn giả Đại Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử đang trên đường sắp đến đây, muốn thấy thân kim sắc của Phật lần cuối và đích thân hỏa thiêu, vì đợi vị ấy đến nên chư thiên không cho lửa cháy”, A-nan liền nói cho mọi người biết để đợi. Một lát sau tôn giả Đại Ca-diếp đến, dân chúng thành Câu-thi-na đến đảnh lễ tôn giả rồi theo tôn giả đến chỗ kim quan để chiêm ngưỡng kim thân Phật lần cuối. Tôn giả dùng một ngàn tấm bạch điệp quấn bên ngoài kim thân Phật, đậy nắp kim quan, chất gỗ thơm để thiêu rồi đứng qua một bên. Do uy lực của Phật và lực của chư thiên nên lửa tự nhiên từ trong gỗ thơm bốc cháy, A-nan hữu nhiễu giàn hỏa và nói kệ:

“Tướng hảo Như lai đã viên tịch,
Lửa tự nhiên cháy thiêu kim thân,
Ngàn lớp vải ngoài đều cháy hết,
Chỉ còn xá lợi ở bên trong”.

Lúc đó các lực sĩ thành Câu-thi-na định dùng sữa thơm để tắt lửa thì ngay trong lửa bỗng mọc lên bốn cây: cây sữa màu hoàng kim, cây sữa màu đỏ, cây Bồ đề và cây Ô đàm bạt; sữa từ bốn cây này chảy ra làm cho lửa tắt. Họ thu lấy xá lợi để trong bình vàng đặt trên xe báu rồi đem hương hoa, hương chiên đàn trầm thủy… và tấu âm nhạc để cúng dường rồi đẩy xe vào thành, đặt bình vàng xá lợi này ở giữa sảnh đường và tiếp tục cúng dường như trước. Các lực sĩ ở ấp Ba ba sau khi nghe biết tin này liền tập họp bốn binh kéo đến thành Câu-thi-na, muốn được chia xá lợi nên nói với các lực sĩ trong thành: “Thế tôn là từ phụ của chúng sanh, chúng tôi đã được Phật dạy bảo chánh pháp, nay Phật đã diệt đo xin chia cho chúng tôi xá lợi để đem về ấp Ba ba xấy tháp cúng dường”, các lực sĩ trong thành đáp: “Thế tôn đại sư đã nhập Niết-bàn trong xứ của chúng tôi, vì vậy toạn bộ xá lợi Phật phải để ở đây cúng dường, không chia cho người ngoài”, người ấp Ba ba nói: “nếu chia thì tốt, nếu không chia thì chúng tôi đem binh đoạt lấy”. Sau đó lần lượt người của các ấp Già lạc ca, ấp Đô lỗ ca, ấp A la ma, ấp Phệ suất nô, các Thích tử thành Kiếp-tỷ-la, các Lật cô tỳ thành Phệ xá ly đều kéo đến thành Câu-thi-na. Lúc đó vua Vị sanh oán nước Ma-kiệt-đà sau khi nghe biết Thế tôn đã nhập Niết-bàn trong lòng buồn khổ bảo đại thần Hành vũ: “ta nghe các nơi đang kéo đến thành Câu-thi-na để đòi chia xá lợi, ta cũng nên đến đó xin một phần, khanh nên chỉnh đốn bốn binh”, khi vua vừa lên lưng voi trắng, tâm lại nhớ đến ân sâu của Phật nên ngã xuống đất bất tĩnh; lát sau tĩnh lại liền lên lưng ngựa, cũng như trước ngã xuống bất tĩnh, lát sau tĩnh dậy, vua bảo Hành vũ: “ta không thể đích thân tới đó được, khanh nên thống lĩnh bốn binh đến thành Câu-thi-na truyền lời của ta thăm hỏi các lực sĩ trong thành được ít bịnh, ít não… và nói rằng: Thế tôn là đại sư của chúng tôi, nay Phật đã nhập Niết-bàn tại trú xứ của các vị, xin hãy cho chúng tôi một phần xá lợi để đem về thành Vương xá xây tháp cúng dường”, Hành vũ tuân lịnh vua đi đến thành Câu-thi-na nói lại lời của vua, các lực sĩ thành Câu-thina nói: “Phật đã nhập Niết-bàn tại trú xứ của chúng tôi, tuy có xá lợi nhưng vua các vị muốn được chia phần thì thật khó được”, Hành vũ nói: “nếu chia thì tốt, nếu không chia thì chúng tôi đem binh đoạt lấy”, đáp là tùy ý, nói rồi các lực sĩ trong thành Câu-thi-na tập họp bốn binh định quyết chiến với bốn binh của bảy thành ấp kia.