CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 32

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ bảy:

Ni không ở Lan nhã,
Không ở chùa ngoài thành,
Không đứng ngóng trước cửa,
Không nhìn qua cửa sổ.

Phật tại Trúc lâm, thành Vương xá, lúc đó trong thành có một dâm nữ tên là Liên hoa sắc hành nghề bán sắc, có một Bà-la-môn đến muốn cùng cô hoan lạc, cô hỏi có tiền không, đáp là không có, cô nói: “hãy đi kiếm tiền, có tiền rồi hãy đến”, đáp là sẽ đi kiếm tiền. Bà-la-môn này sau một thời gian đến phương Nam kiếm được năm trăm tiền vàng, liền trở lại tìm Liên hoa sắc. Lúc này Liên hoa sắc nhờ bậc thiện tri thứclà tôn giả Đại Mục-kiền-liên khai ngộ nên đã xuất gia thọ Cận viên và được chứng quả A-la-hán. Hôm đó cô rời thành Vương xá đi đến thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật chưa chế ngăn Bí-sô ni trú nơi A-lan-nhã nên Liên hoa sắc đến trong rừng tối để thiền định, thọ giải thoát lạc. Khi Bà-la-môn đến trong thành Vương xá tìm Liên hoa sắc thì được biết cô đã xuất gia trong Phật pháp và đã đi đến thành Thất-la-phiệt, anh liền đến trong rừng Thệ đa hỏi, Bí-sô nói: “cô ấy đã từ bỏ việc phi pháp, đã xuất gia hiện đang thiền định trong rừng tối”. Bà-la-môn này liền đến trong rừng tối, gặp Liên hoa sắc liền nhắc lại lời giao ước trước đây, Liên hoa sắc nói: “này Bà-la-môn, nay tôi đã vất bỏ nghiệp ác, ông hãy đi đi”, đáp: “tuy nàng bỏ ta nhưng ta không bỏ nàng, hãy đến đây với ta”, Liên hoa sắc hỏi: “ông yêu mến chỗ nào trên thân thể tôi?”, đáp là yêu đôi mắt, Liên hoa sắc liền dùng thần lực móc tròng mắt ra đưa cho Bà-la-môn, Bà-la-môn suy nghĩ: “nữ Sa môn trọc đầu này có thể làm yêu thuật”, nghĩ rồi liền cú vào đầu Liên hoa sắc rồi bỏ đi. Liên hoa sắc trở về trú xứ kể lại việc trên cho Ni chúng nghe, Ni chúng bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “do Bí-sô ni trú trong A-lan-nhã nên có lỗi này, từ nay Bí-sô ni không được thiền quán trong rừng tối và ngoài đồng hoang vắng. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, sau đó các Bí-sô ni ngồi nơi ngã tư đường thiền quán cũng bị lỗi như trên, Phật nói: “ni nên thiền quán ở trong chùa”. Sau đó có người tục tín tâm xây cất chùa ngoài thành cho chư ni ở, lại bị giặc và kẻ ác đến quấy nhiễu, Phật nói: “không nên làm chùa ni ở ngoài thành, nên làm ở trong thành”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà đứng trước cửa chùa ngóng trông để trêu chọc người qua lại, bị chê trách, Phật nói: “ni đứng trước cửa chùa nên có lỗi này, từ nay Bí-sô ni không được đứng trước cửa chùa, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, sau khi Phật chế ngăn không được đứng trước cửa chùa, ni kia liền đứng bên trong cửa sổ nhìn ra trêu chọc, bị chê trách như trước, Phật nói: “cũng như trước, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ bảy:

Cho mặc Tăng khước kỳ,
Không tắm chỗ nam tắm,
Không qua ngã tư đường,
Phải đi một bên lề.

Duyên xứ như trên, lúc đó ở trong chùa, khi các ni chấp tác mặc cả năm y nên thấy nóng bức và mệt nhọc, bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “ở trong chùa, khi chấp tác, Bí-sô ni được mặc Tăng khước kỳ”. Lúc đó có người tục đến chùa nhìn thấy ni chỉ mặc Tăng khước kỳ nên sanh niệm dục, người có tín tâm chê trách, Phật nói: “từ nay khi chấp tác, ở trước các trưởng giả, Bà-la-môn, Bí-sô ni không được mặc Tăng khước kỳ. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp. Nếu ở trước người tục chấp tác thì Bí-sô ni nên mặc Tăng khước kỳ phủ kín hai vai và tay, mặc y năm điều bên ngoài rồi mới chấp tác”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà đến tắm chổ người nam tắm, những người nam đang tắm thấy cô xuống nước liền nói với nhau: “hãy nhìn xem nữ Sa môn trọc đầu kia, thân hình như trâu hoang”, bạch Phật, Phật nói: “từ nay, Bí-sô ni không được đến tắm chỗ người nam tắm, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà đứng ở ngã tư đường trêu chọc người tục qua lại, bị chê trách, Phật nói: “từ nay Bí-sô ni không được đi qua ngã tư đường, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ bảy:

Nếu là nữ nhị hình,
Hoặc hai đường hiệp một,
Hoặc người thường chảy máu,
Và người không kinh nguyệt.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô ni cho người nữ hai hình xuất gia, người này khi thấy ni khác đến liền hiện tướng khác, chư ni hỏi là người gì, đáp là người hai hình (huỳnh môn), bạch Phật, Phật nói: “đây là hạng người phi nam phi nữ, không nên cho xuất gia, dù có thọ Cận viên cũng không phát luật nghi hộ, hãy đuổi đi. Từ nay nếu có người đến cầu xuất gia, nên hỏi họ trước rằng: cô có phải là người hai hình không. Nếu không hỏi mà cho xuất gia thì Bổn sư phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lại có Bí-sô ni cho người nữ có hai đường hiệp một xuất gia, khi tiểu tiện, đại tiện liền ra theo nên làm nhơ nhớp chỗ ấy, ni khác thấy liền hỏi là ai đã làm dơ, ni này nói rõ nguyên do, bạch Phật, Phật nói: “đây là hạng người phi nam phi nữ, không nên cho xuất gia, dù có thọ Cận viên cũng không phát luật nghi hộ, hãy đuổi đi. Từ nay nếu có người đến cầu xuất gia, nên hỏi họ trước rằng: cô có phải là người có hai đường hiệp một hay không. Nếu không hỏi mà cho xuất gia thì bổn sư phạm tội Việt pháp”. Lại có Bí-sô ni cho người nữ có bịnh thường chảy máu xuất gia, do thường chảy máu nên nội y dính dơ, ruồi bay đến bu, các ni hỏi rõ nguyên do, bạch Phật, Phật nói cũng như người trược, không nên ở chung. Lại có Bí-sô ni cho người nữ không có kinh nguyệt xuất gia, người này thấy các ni khác mỗi tháng có kinh nguyệt liền cơ hiềm, nói rằng: “do các cô có niệm xấu, không thể ly dục nên thường có nguyệt kỳ”, đáp: “đây là việc bình thường của phụ nữ, vì sao cô lại cơ hiềm, bộ cô không có hay sao?”, đáp là không có, bạch Phật, Phật nói: “đây là hạng người phi nam phi nữ, không nên cho xuất gia, dù có thọ Cận viên cũng không phát luật nghi hộ, hãy đuổi đi. Từ nay nếu có người đến cầu xuất gia, nên hỏi họ trước rằng: cô có phải là người không có kinh nguyệt phải không. Nếu không hỏi mà cho xuất gia thì bổn sư phạm tội Việt pháp”.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ bảy:

Âm đạo nhỏ, nội y,
Bên Bí-sô không nhổ,
Tăng ni không đối thú,
Đối thú chúng bên mình.

Duyên xứ như trên, lại có Bí-sô ni cho người nữ có âm đạo nhỏ xuất gia, mỗi khi đi tiểu thường đi rất lâu, các ni hỏi rõ nguyên do rồi bạch Phật, Phật nói: “đây cũng là hạng huỳnh môn nữ, nên đuổi đi”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có ni bị nguyệt kỳ làm thấm ướt y, ruồi bay đến bu, tuy đã giặt kỹ nhưng vẫn còn vết ố, Phật nói: “nếu như thế thì nên mặc nội y (quần lót)”. Sau đó ni Thổ-la-nan-đà mặc nội y, khi vào thành khất thực, y này tuột xuống nên bị chê trách. Phật nói: “Bí-sô ni mặc nội y nên cột dây lưng, nếu ai không cột dây lưng thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó tôn giả Đại Ca-diếp vào buổi sáng đắp y vào thành khất thực, ni Thổ-la-nan-đà thấy liền đi đến bên cạnh nhổ nước bọt xuống đất. Tôn giả nói: “cô không có lỗi, lỗi là do nơi cụ thọ A-nan đã gắng gượng xin Thế tôn cho hạng phụ nữ ác hạnh như cô xuất gia và cho thọ Cận viên”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “ni Thổ-la-nan-đà đã làm điều trái với hạnh Sa môn, từ nay Bí-sô ni không được nhổ nước miếng bên Bí-sô, ai làm thế thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô phạm lỗi, thấy Bí-sô ni đến liền mời ngồi, ni hỏi muốn làm gì, đáp là muốn phát lồ sám hối, nói rồi liền đối trước ni phát lồ: “Thánh giả nhớ nghĩ, tôi là Bí-sô —- phạm tội —-, nay đối trước Thánh giả phát lồ không có che giấu, nhờ phát lồ nên được an lạc”, ni hỏi: “Thánh giả cũng phạm tội ấy hay sao, đây không phải là việc thiện”, Bí-sô xấu hổ im lặng. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không được đối trước ni phát lồ sám hối, nên đối trước Bí-sô thanh tịnh đồng kiến. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.
Duyên xứ như trên, lại có Bí-sô ni phạm lỗi, thấy Bí-sô đến liền cung kính mời ngồi, hỏi muốn làm gì, đáp là muốn phát lồ sám hối, nói rồi liền đối trước Bí-sô phát lồ: “Thánh giả nhớ nghĩ, tôi là Bí-sô ni — phạm tội —-, nay đối trước Thánh giả phát lồ không có che giấu, nhờ phát lồ nên được an lạc”, Phật nói: “Bí-sô ni không được đối trước Bí-sô phát lồ sám hối, nên đối trước Bí-sô ni thanh tịnh đồng kiến. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ bảy:

Bí-sô tác yết ma,
Ni dụng tâm lắng nghe,
Trải tòa mời người ngồi.
Tòa ni nên phân biệt.

Duyên xứ như trên, như Phật đã dạy việc yết ma của Bí-sô và Bí-sô ni khác nhau, trừ việc cùng yết ma. Như trường hợp hai bộ chúng truyền giới cho ni, khi ở trong Tăng, ni tác yết ma không thể bình tĩnh nên tác pháp không thành, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô nên tác yết ma, ni nên lắng nghe”. Lúc đó ni không biết lắng nghe như thế nào, Phật nói: “nên chí tâm lắng nghe và nhớ kỹ những lời như: đây là yết ma lần thứ nhất, đây là yết ma lần thứ hai, lần thứ ba”.

Duyên xứ như trên,như Phật dạy nên tụng kinh, các Bí-sô không trải tòa ngồi, Phật nói nên trải. Sau đó chư ni đếnnghe pháp, Bí-sô trải chỗ ngồi tốt, có một ni bị xuất nguyệt kỳ làm dơ chỗ ngồi, sau khi họ ra về, vị tri sự thu xếp ngọa cụ thấy ruồi bu nên đem việc này bạch Phật, Phật nói: “ni đến nghe pháp, không nên trải tòa ngồi tốt”. Sau đó, hễ thấy ni đến nghe pháp, Bí-sô đều trải tòa xấu; hôm đó Đại thế chủ đến nghe pháp thấy tòa ngồi xấu liền nói: “khi còn tại gia, tôi cũng chưa từng ngồi tòa như thế này”, Bí-sô nói: “Đại thế chủ, đây là Thế tôn dạy không trải tòa ngồi tốt cho ni đến nghe pháp”, Đại thế chủ nói: “trước đây do ni kia không chánh niệm tạo lỗi, tôi làm sao có thể tạo lỗi như thế”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “từ nay Bí-sô ni nào chánh niệm đến nghe pháp thì nên trải tòa ngồi tốt”.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ bảy:

Bán rượu, nhà dâm nữ,
Giữa đường không đánh ni,
Tùy duyên khai nội y,
Không được ca hát múa.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà vào sáng sớm đắp y mang bát theo thứ lớp khất thực, gặp một cô gái mặc y phục với chuỗi anh lạc trang nghiêm thân liền hỏi từ đâu có được như vậy, đáp là nhờ bán rượu mới được như thế, ni nghe rồi cho là phương tiện tốt. Vừa đi vừa nghĩ về việc này thì gặp một cô gái khác gầy yếu, mặc y phục cũ dơ liền hỏi ở đâu thuộc về ai, đáp: “con không có thân thuộc, chỉ cần ai cho con y thực là con thuộc về người ấy”, lại hỏi: “nếu vậy sao cô không bán rượu?”, đáp: “con làm sao có thể bán rượu được, nhà bán rượu phải rộng lớn với đầy đủ bàn ghế, chỗ ngồi, chén muỗng, mâm tô, tiền vốn nhiều, phục vụ đúng pháp thì khách mới đến đông và mới có lợi nhuận”, ni nói: “những vật dụng đó ta sẽ loliệu đầy đủ, nhưng khi được lợi nhuận, cô phải đưa cho ta”, đáp là sẽ đưa. Thổ-la-nan-đà liền ở gần chùa ni mở một quán rượu lớn với đầy đủ vật dụng và đưa nhiều tiền vốn cho cô kia bán rượu, do nhiều người đến trong quán rượu này nên Thổ-la-nan-đà thu được nhiều tài lợi, các quán rượu khác thấy vậy đều sanh tật đố. Sau đó vua mở đại hội nên kêu đến các quán rượu cung cấp rượu, các quán kia nói với sứ giả: “gần chùa của ni Thổ-la-nan-đà có quán rượu lớn với đủ loại rượu ngon, vì sao không gọi đến họ lại làm khổ chúng tôi”, sứ giả nghe rồi liền đến quán rượu bắt giữ cô gái, cô la to lên: “Thánh giả Thổ-la-nan-đà, có quan của vua đến bắt con, Thánh giả hãy mau ra đây”, Thổ-la-nan-đà nghe liền chạy đến mắng sứ giả: “đồ hung ác, vì sao lại bắt cô gái của ta”, sứ giả nói: “Thánh giả cũng mở quán rượu hay sao?”, đáp: “ta đạp lên đầu kẻ oan gia, việc mở quán rượu liên can gì tới ngươi”, sứ giả nói: “Thánh giả cũng có oan gia nữa sao?”, đáp: “ngươi chính là oan gia, vì đã bắt cô gái của ta”. Nhân việc này nên hai bên tranh cãi nhau, các trưởng giả, Bà-la-môn hỏi rõ nguyên do rồi chê trách: “các Thích nữ trạo cử, làm việc phi pháp, không giữ tịnh hạnh mà còn bán rượu”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “do ni Thổ-la-nan-đà làm việc phi pháp, từ nay Bí-sô ni không được bán rượu, ai bán thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà vào sáng sớm đắp y mang bát theo thứ lớp khất thực, gặp một cô gái mặc y phục với chuỗi anh lạc trang nghiêm thân liền hỏi từ đâu có được như vậy, đáp là nhờ bán sắc mới được như thế, ni nghe rồi cho là phương tiện tốt. Vừa đi vừa nghĩ về việc này thì gặp một cô gái khác gầy yếu, mặc y phục cũ dơ nhưng xinh đẹp, liền hỏi ở đâu thuộc về ai, đáp: “con không có thân thuộc, chỉ cần ai cho con y thực là con thuộc về người ấy”, lại hỏi: “nếu vậy sao cô không làm nghề bán sắc?”, cô gái nghe rồi bịt tai nói: “Thánh giả, gia tộc của con chưa từng làm việc xấu xa này”, ni nói: “phần nhiều cô gái đều làm nghề ấy, cô không phải là vương nữ, cũng không phải được sanh ra từ nhà trưởng giả quý tộc, Bà-la-môn; vả lại người nữ đều thích người nam, nếu ta không xuất gia, ta cũng làm nghề ấy”, cô gái nói: “Thánh giả, làm nghề bán sắc há có thể làm ngay được hay sao, phải đủ các duyên mới làm được, như phải có nhà rộng lớn, y phục và đồ trang sức phải sang và đẹp để ai nhìn thấy cũng yêu thích; khi có người nam đến mới tùy theo sự sang hèn của họ mà phục vụ…”, ni nói: “những vật dụng ta sẽ lo liệu đầy đủ và cung cấp y thực đầy đủ cho cô, nhưng khi thu được tài vật phải đưa cho ta”, đáp là sẽ đưa. Thổla-nan-đà liền ở gần chùa làm một nhà dâm nữ rộng lớn với đầy đủ vật dụng, cung cấp y thực cho cô gái đầy đủ nên cô gái trở nên xinh đẹp nhất so với các dâm nữ khác, nên nhiều người chen chúc nhau đến trong nhà dâm nữ này, Thổ-la-nan-đà thu được nhiều tài lợi nên các dâm nữ khác đều tật đố. Sau đó do vua mở đại hội cần nhiều hương thoa nên sứ giả tập họp các dâm nữ bảo cung cấp hương thoa, họ nói: “gần chùa của ni Thổ-la-nan-đà cũng có dâm nữ, nên kêu đến”. Sứ giả nghe rồi liền đến nhà dâm gọi cô gái ra, cô la to lên: “Thánh giả Thổ-la-nan-đà, có quan của vua đến bắt con, Thánh giả hãy mau ra đây”, Thổ-la-nan-đà nghe liền chạy đến mắng sứ giả: “đồ hung ác, vì sao lại bắt cô gái của ta”, sứ giả nói: “Thánh giả cũng mở nhà dâm hay sao?”, đáp: “ta đạp lên đầu kẻ oan gia, việc mở nhà dâm liên can gì tới ngươi”, sự việc diễn tiến giống như trên cho đến câu Phật nói: “từ nay Bí-sô ni không được làm nhà nuôi dâm nữ, ai làm thì phạm Tốt-thổ-la để”.

Duyên xứ như trên, Thổ-la-nan-đà lại đem một cô gái đến chỗ vắng vẻ gần đại lộ để làm nghề bán sắc kiếm tiền… sự việc diễn tiến cũng giống như trên cho đến câu Phật chế ai làm thì phạm Tốt-thổ-la để.

Duyên khởi tại thành Vương xá, lúc đó Lục chúng Bí-sô thường ở chỗ hát xướng biểu diễn, họ nói với nhau: “chúng ta bị các nhạc công bắt chúng ta biểu diễn đều là do nhóm thập nhị Bí-sô ni. Nếu họ không lén đưa y bát… cho các đào kép hát để xúc não chúng ta thì chúng làm sao bắt chúng ta biểu diễn được. Chúng ta nên trị mấy ni đó”, Ô-banan-đà nói nên đánh. Sau đó, khi Lục chúng Bí-sô đi đến chỗ kia thì gặp Thổ-la-nan-đà liền nói với nhau: “đây là cô ni đứng đầu trong nhóm, hãy trừng trị ni ấy”, nói rồi cùng nhau tới gần, một người giữ chặt, một người đánh lên đầu, người đá vào chân, người đánh vào hông… khiến cho thân thể của cô ni này bầm tím. Cô trở về trú xứ thoa dầu rồi nằm mẹp trên giường không thể đi lại được, các ni hỏi nguyên do, đáp là bị đánh, lại hỏi bị ai đánh, đáp là Lục chúng Bí-sô, lại hỏi đã làm lỗi gì, đáp: “họ là pháp huynh, tôi là pháp muội, răn dạy nhau là việc thường tình, nếu so với người khác thì cần gì hỏi lỗi”, các ni nghe rồi liền chê trách: “vì sao Bí-sô lại đánh Ni chúng?”, họ đem việc này bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “khi Bí-sô đánh Bí-sô ni liền có sự xúc chạm thân thể, từ nay Bí-sô không được đánh Ni, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó tuy Phật cho ni mặc nội y nhưng máu vẫn thấm ra ngoài làm dơ ngọa cụ, ruồi bu đến nên họ sanh nhờm gớm, bạch Phật, Phật nói: “từ nay Bí-sô ni nên mặc thêm quần lót bên trong nội y”. Sau đó tuy có mặc thêm quần lót, máu vẫn thấm dơ, Phật nói: “nên thường giặt cho sạch, khi nằm ngủ nên chánh niệm, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên khởi tại thành Vương xá, lúc đó ni Bản thắng qua đời, thi thể đưa vào Thi lâm để hỏa táng, nhóm thập nhị Bí-sô ni đến bên tử thi ca múa, các ni đem việc này bạch Phật, Phật nói: “pháp của ni là không được ca múa, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ bảy:

Nếu Tăng ni chuyển căn,
Đến ba lần thì đuổi,
Rộng nói duyên Pháp dữ,
Liên hoa sắc làm sứ.

Duyên xứ như trên, lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, nếu ni chuyển căn thì phải như thế nào?”, Phật nói: “đồng Cận viên và y theo hạ lạp cũ rồi đưa qua chùa Tăng”, lại hỏi: “nếu Tăng chuyển căn thì có được theo hạ lạp cũ rồi đưa qua chùa Ni hay không?”, Phật nói cũng đưa qua chùa Ni, lại hỏi: “nếu cả hai khi đưa qua chùa kia liền chuyển căn trở lại thì phải như thế nào?”, Phật nói: “cũng như trước đưa trả về chỗ cũ”, lại hỏi: “nếu họ chuyển căn đến lần thứ ba thì phải như thế nào?”, Phật nói: “nếu chuyển căn đến lần thứ ba thì họ không phải là Tăng ni, phải cho họ hoàn tục”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả tên là Thiên dữ rất giàu có, lại có một trưởng giả tên là Lộc tử cũng rất giàu có, cả hai đều đã cưới vợ và trở thành bạn thân, có vật gì lạ đều gửi biếu cho nhau. Sau đó có việc, mọi người trong thành tụ họp trong công viên để bàn luận, hai trưởng giả này gặp nhau, sau khi họp xong mọi người ra về, cả hai ở lại, lúc đó Thiên dữ nói: “làm cách gì để sau khi chúng ta qua đời, con cháu của chúng ta vẫn thân thiết không xa lìa?”, Lộc tử nói: “lành thay, từ nay chúng ta chỉ bụng kết thân, hai nhà chúng ta nếu sanh nam nữ thì kết thông gia với nhau”, Thiên dữ nói: “ý tôi cũng như vậy”. Sau đó vợ của Thiên dữ sanh một bé gái xinh đẹp tuyệt trần nhưng tính hay khóc, mỗi khi có Bí-sô đến nhà thuyết pháp cho cha mẹ thì bé không khóc mà cón lắng tai nghe. Sau hai mươi mốt ngày, do bé thích pháp nên lắng tai nghe, lại là con của Thiên dữ nên được đặt tên là Pháp dữ, người cha giao cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng, bé dần dần lớn lên như hoa sen vượt lên khỏi mặt nước. Lúc đó trưởng giả Lộc tử suy nghĩ: “vợ bạn ta sanh con gái, ta nên gửi y phục và chuỗi ngọc cho con dâu của ta”, nghĩ rồi liền gửi y phục, chuỗi ngọc và thư sang chúc mừng. Không bao lâu sau vợ của Lộc tử có thai, đủ tháng sanh một trai, sau hia mươi mốt ngày, do bé sanh vào ngày sao Tỳ-xá-khư nên được đặt tên là Tỳ-xákhư, người cha cũng giao con cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng. Trưởng giả Thiên dữ nghe tin liền suy nghĩ: “vợ của bạn ta sanh con trai, ta nên gửi y phục và chuỗi ngọc cho con rễ của ta”, nghĩ rồi liền gửi y phục, chuỗi ngọc và thư sang chúc mừng. Lộc tử hồi âm nói rằng: “trước kia đã hứa kết thân, nay được toại nguyện, chờ khi chúng trưởng thành sẽ tính chuyện hôn nhân”. Thời gian sau, Pháp dữ đã khôn lớn nhưng lại một lòng muốn xuất gia, đem tâm ý này bạch với cha nhưng người cha nói: “trước kia cha đã hứa gả con cho Tỳ-xá-khư, con của trưởng giả Lộc tử, việc này không thể làm khác đi được”. Sau đó, khi có bổn sư là Bí-sô ni Liên hoa sắc đến nhà, Pháp dữ bạch rằng: “Thánh giả, con muốn được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô ni, tu tập phạm hạnh. Xin Thánh giả đến đây bí mật cho con xuất gia, vì cha con ngăn cấm nên con không sao đi được”, Liên hoa sắc nói: “lành thay, con có thể phát tâm ưa thích cầu xuất gia như vậy. Đối với các dục, vị ngọt của nó thì ít mà nguy hiểm thì nhiều. Như Phật đã day, người trí biết năm lỗi của dục nhiễm thì không nên làm, đó là:

1. Quán sát vị ngọt của dục thì ít mà lỗi thì nhiều, thương có các khổ.

2. Khi hành dục thường bị trói buộc.

3. Người làm việc dâm dục không biết nhàm chán.

4. Người làm việc dâm dục không việc ác nào mà không làm.

5. Đối với các cảnh dục, Phật và các Hiền thánh Thanh văn đều dùng vô số phương tiện nói về lỗi lầm của dục, vì thế người trí không làm việc dâm dục.

Lại nữa người trí biết xuất gia có năm lợi ích thù thắng, như Phật đã dạy người trí thấy năm điều nên cầu xuất gia trong thiện pháp luật: một là ta được tự lợi, người khác không có; hai là tự biết mình thuộc giai cấp hạ tiện bị người sai khiến, sau khi xuất gia trở lại được họ cung kính tán thán, lễ bái cúng dường; ba là sẽ chứng được Niết-bàn vô thượng; bốn là sau khi qua đời sẽ được sanh lên cõi trời; năm là thường được chư Phật, chúng Thanh văn và các bậc thắng nhân khen ngợi. Con hãy quán năm lợi ích này chí tâm xả lưới tục, cầu công đức lớn. Ta hứa sẽ độ con xuất gia, hãy chờ ở đây, đợi ta bạch Phật việc này”, Sau đó Liên hoa sắc đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đứng một bên chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, Pháp dữ là con gái của trưởng giả Thiên dữ, ưa thích xuất gia, thọ Cận viên, thành tựu tánh Bí-sô ni trong thiện pháp luật của Phật. Nhưng người cha trước đây đã hứa gả cho Tỳ-xá-khư, con trai của trưởng giả Lộc tử nên ngăn cản không cho Pháp dữ xuất gia”, Phật bảo A-nan: “thầy hãy đến thông báo Ni chúng, Pháp dữ là con gái của trưởng giả Thiên dữ muốn xuất gia, Ni chúng hãy tác pháp sai Liên hoa sắc đến chỗ ở của Pháp dữ nói là vâng theo lời Phật dạy, cho Pháp dữ Tam quy ngũ giới, kế cho cạo tóc và thọ mười giới ngay trong nhà”, tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy đến thông báo, Ni chúng nhất nhất làm theo lời Phật dạy. Sau khi truyền giới xong, Liên hoa sắc nói với Pháp dữ: “nay con đã xuất gia, hãy chuyên tâm tu học, hộ trì pháp như lời Phật đã dạy”, Liên hoa sắc lại quán biết căn tánh tùy miên của Pháp dữ, nói pháp Tứ đế khiến cho Pháp dữ được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau đó trở về bạch Phật: “vâng lời Phật dạy, con đã làm xong”, Phật lại bảo A-nan: “thầy hãy đến thông báo Ni chúng tác pháp sai Liên hoa sắc đến nhà truyền sáu học pháp và các tùy pháp cho Pháp dữ, trong hai năm làm Thức xoa ma na”, A-nan vâng lời Phật dạy đến thông báo, Ni chúng nhất nhất vâng theo lời Phật dạy. Sau khi truyền giới xong, Liên hoa sắc nói với Pháp dữ: “nay con đã là Chánh học nữ, nên tu tập học pháp trong hai năm, hộ trì pháp như lời Phật đã dạy”, Liên hoa sắc lại tùy cơ thuyết pháp, Pháp dữ nghe pháp xong liền chứng quả Nhất lai. Sau hai năm học sáu pháp và các tùy pháp, Pháp dữ đã trưởng thành càng xinh đẹp hơn trước, lúc đó trưởng giả Lộc tử sai sứ đến nói với trưởng giả Thiên dữ: “hai trẻ đã trưởng thành, xin hãy chọn ngày lành tính chuyện thành thân”, Thiên dữ nói lành thay rồi mời thầy chọn ngày tốt, sau đó thông báo cho quyến thuộc gần xa biết; trưởng giả Lộc tử cũng báo cho quyến thuộc gần xa biết, tất cả đều kéo nhau đến đầy chật thành Thất-la-phiệt. Vua Thắng quang nước Kiều-tát-la cùng các quan dân trong thành đều nghe biết tin này, vua bảo các đại thần đến trợ giúp, các đại thần cho người đưa đến những vật kỳ lạ để trang trí trong ngày cưới. Lúc đó khắp nơi trong thành đều được quét dọn sạch sẽ, rưới hương thơm… cảnh trí đẹp đẽ như trong vườn Hoan hỉ. Từ xa thấy sự việc quái lạ này, Pháp dữ liền hỏi gia nhân: “có phải trong thành phi thời mở hội bạch hoa phải không?”, gia nhân nói: “nhờ phước báo của cô nên trong thành mở hội bạch hoa trái thời để làm lễ cưới cho cô”, Pháp dữ nghe rồi ưu sầu liền đến nói với cha: “đối với năm dục, lòng con không còn ưa thích, xin cha cho con đến ở trong già lam Vương viên của Bí-sô ni”, người cha nói: “khi chưa sanh con, cha đã hứa gả con cho con trai của trưởng giả Lộc tử rồi. Vả lại, vua Thắng quang cùng quan dân trong nước đều đã nghe biết tin này, làm sao có thể cho con đến trong chùa Vương viên. Con muốn cha và thân tộc bị nhốt vào nhà lao hay sao, ngày mai là đám cưới, con chớ có khinh suất”, quyến thuộc cùng đến khuyên: “con không nên hấp tấp làm việc gì, con đang tuổi sung mãn khó thể tu phạm hạnh”, Pháp dữ nghe rồi càng tinh tấn để cầu chứng Thánh đạom nhưng vẫn không đạt được quả ly dục.

Thường pháp của chư Phật là khởi tâm đại từ bi cứu giúp chúng sanh, trụ trong chánh quán, không nói hai lời, dựa trên định huệ hiển phát ba minh, thành tựu ba học, điểu phục hoàn toàn ba nghiệp, vượt qua bốn Bộc lưu, an trụ nơi bốn Thần túc, thường tu bốn nhiếp hạnh, xả trừ năm triền cái, đầy đủ năm chi, năm lực, viên mãn sáu độ, bố thí khắp tất cả bằng bảy Thánh tài, nở hoa bảy giác ngộ, chỉ bày tám chi Thánh đạo, xa lìa tám nạn, đoạn dứt hẳn chín kết, phương tiện thiện xảo tùy ý nhập Cửu định, đủ mười Lực, danh vang khắp mười phương, tự tại vô úy, hàng phục ma oán, cất tiếng sấm lớn, rống lên tiếng rống của sư tử, ngày đêm ba thời thường dùng Phật nhãn quán sát chúng sanh: trí huệ tùy chuyển của ai tăng, của ai giảm; ai gặp khổ nạn, ai bức bách, ai bị bức bách; ai xuống nẽo ác, ai lên đường lành, ai một bề thú hướng, ai còn mang gánh nặng. Nên dùng phương tiện gì để cứu độ chúng sanh ra khỏi đường ác, vào cõi trời người và được giải thoát; người chưa tu thiện căn khiến tu tập thiện căn, người đã tu thiện căn chưa thành thục khiến cho được thành thục, đã thành thục rồi khiến được giải thoát. Như bài kệ:

Cho dù hải triều lớn,
Cũng có khi trễ hạn,
Đối với người đáng độ,
Phật liền độ, không bỏ.
Đối với các hữu tình,
Phật từ bi thương tưởng,
Nghĩ cứu họ thoát khổ,
Như bò mẹ theo con.

Lúc đó Phật trong khi đang đi kinh hành, Phật mĩm cười, từ trong miệng phóng ra hào quang năm sắc chiếu xuống hay chiếu lên, nếu chiếu xuống thì chiếu đến ngục Vô gián và các ngục khác khiến cho chúng sanh trong đây đang bị đốt nóng liền được mát mẻ, đang bị lạnh cóng liền được ấm áp. Họ cảm thấy an lạc liền suy nghĩ: “ta và mọi người từ cảnh khổ địa ngục chết đi, được sanh vào cõi khác chăng?”. Thế Tôn sau khi làm cho các hữu tình kia sanh tín tâm liền hiện nhiều tướng khác nữa, thấy những tướng này họ liền suy nghĩ: “chúng ta không phải chết ở đây sanh về cõi kia, mà là do sức oai thần của Đại thánh đã khiến thân tâm chúng ta hiện được an lạc”. Đã sanh tín kính thì có thể diệt các khổ, ở cõi nhơn thiên được thọ thân thắng diệu, thành chơn pháp khí thấy được lý chơn đế. Nếu hào quang chiếu lên thì đến cõi trời Sắc cứu cánh, trong hào quang diễn nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã… và nói kệ:

“Người phải nghe Phật dạy
Dốc cầu đạo xuất ly
Phá được quân sanh tử
Như voi phá nhà tranh.
Ở trong pháp luật Phật
Dũng tiến thường tu học
Xa lìa đường sanh tử
Bờ mé khổ không còn”.

Hào quang này sau khi chiếu khắp ba ngàn Đại thiên thế giới liền trở về chỗ Phật, nếu Thế Tôn nói việc quá khứ thì hào quang trở vào phía sau lưng, nếu nói việc vị lai thì hào quang trở vào phía trước ngực, nếu nói việc địa ngục thì hào quang trở vào phía dưới chân, nếu nói việc bàng sanh thì hào quang trở vào phía gót chân, nếu nói việc ngạ quỷ thì hào quang trở vào phía ngón chân, nếu nói việc loài người thì hào quang trở vào đầu gối, nếu việc của Lực luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay trái, nếu nói việc của Chuyển luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay phải, nếu nói việc cõi trời thì hào quang trở vào rốn, nếu nói việc của Thanh văn thì hào quang trở vào miệng, nếu nói việc của Độc giác thì hào quang trở vào phía giữa hai chân mày, nếu nói việc của đạo quả Chánh đẳng chánh giác thì hào quang trở vào phía trên đảnh đầu. Lúc đó hào quang nhiễu Phật ba vòng rồi vào miệng của Phật, cụ thọ A-nan Đà bạch Phật: “Thế Tôn Như Lai Ứng chánh đẳng giác vui vẻ mĩm cười chẳng phải là không có nhơn duyên”, liền nói kệ thỉnh Phật:

“Từ miệng Phật phóng hào quang vi diệu,
Chiếu khắp Đại thiên không phải một tướng,
Chiếu khắp cả mười phương các quốc độ,
Như mặt trời chiếu sáng khắp hư không.
Phật là nhân tối thắng của chúng sanh,
Có thể trừ kiêu mạn và lo buồn.
Không nhân duyên, kim khẩu không mở lời,
Miệng mĩm cười ắt nói việc kỳ lạ.
Con lặng lẽ quan sát đấng Mâu Ni,
Ai muốn nghe, Phật nói cho nghe,
Như sư tử vương rống tiếng vi diệu,
Cúi xin Phật quyết nghi cho chúng con,
Phật như Diệu sơn vương trong biển cả,
Nếu không nhân duyên, Phật không dao động,
Tự tại từ bi, miệng Phật hiện mĩm cười,
Nói nhân duyên cho người đang khao khát”.

Thế Tôn bảo A-nan Đà: “Đúng vậy A-nan Đà, không phải không có nhân duyên mà Như Lai Ứng chánh đẳng giác miệng hiện mĩm cười. Thầy còn nhớ Pháp dữ mà trước đây ta bảo thầy đến trong Ni chúng thông báo cho Ni chúng sai Liên hoa sắc đến nhà tuần tự truyền Tam quy ngũ giới, muời giới và sáu học pháp làm Thức xoa ma na trong hai năm hay không. Ngày mai cô ấy sẽ lấy chồng, quyến thuộc đều đã tập họp”, đáp là còn nhớ, Phật nói: “này A-nan, không thể để cho cô ấy ở tại gia ăn thức ăn dư cách đêm, vì không bao lâu nữa, cô ấy sẽ chứng quả Bất hoàn và A-la-hán. Thầy nên đến thông báo Ni chúng, Pháp dữ đã học xong sáu pháp trong hai năm, nay ni chúng nên tác pháp sai Liên hoa sắc đến nhà truyền cho cô ấy Bổn pháp phạm hạnh”, Ni chúng nhất nhất vâng lời Phật dạy. Sau khi truyền Bổn pháp xong, Liên hoa sắc nói với Pháp dữ: “không bao lâu nữa con sẽ thọ Cận viên”, nói rồi tùy cơ thuyết pháp khiến cho Pháp dữ chứng được quả Bất hoàn và phát sanh thần thông lực. Sau đó trở về bạch Phật, Phật bảo A-nan đi thông báo cho hai chúng Tăng ni truyền thọ Cận viên cho Pháp sữ qua sứ giả là ni Liên hoa sắc. Sau đó Liên hoa sắc đến nhà truyền lời lại cho Pháp dữ rồi nói rằng: “hai bộ tăng già đã truyền thọ Cận viên cho con, con hãy khéo phụng hành”, nói rồi tùy cơ thuyết pháp, Pháp dữ sau khi nghe pháp sánh tâm nhàm lìa thế tục, quán năm ngũ uẩn là vô thường khổ không vô ngã. Bí-sô ni này chuyên tâm tu tập đoạn trừ các phiền não, chứng A-la-hán, ba minh, sáu thông, đủ tám giải thoát, được như thật tri: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tâm không chướng ngại như tay nắm hư không, như dao cắt mùi thơm, yêu ghét không khởi, xem vàng và đất như nhau không khác, tất cả danh lợi đều xả bỏ, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính. Không thể có trường hợp một A-la-hán đã hết lậu hoặc mà lại ở trong nhà bạch y, ăn thức ăn dư cách đêm và thọ hành pháp thế tục. Lúc đó Pháp dữ bạch với cha mẹ: “cha mẹ biết cho con đã chứng quả A-la-hán, nay muốn đến trong chùa ni Vương viên”, cha mẹ nói: “nếu con đi như vậy thì pháp vua sẽ bắt tội cha, hãy tính kế cho con cùng đi theo Phật”, đáp: “lành thay, nhờ cha làm phương tiện”. Lúc đó trưởng giả Thiên dữ liền thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, đồng thời sai sứ đến nói với trưởng giả Lộc tử: “Pháp dữ con tôi không thích thế tục, quyết định xuất gia, xin hãy mau đến cưỡng ép làm lễ cưới”, trưởng giả nghe rồi liền tâu vua: “trước đây thần và Thiên dữ có chỉ bụng kết thân, nhưng nay con gái ông ấy muốn bỏ tục xuất gia, thần muốn cùng thân quyến đến cưỡng ép làm lễ cưới”, vua nói tùy ý. Lúc đó Thiên dữ lo liệu đầy đủ các món ăn ngon xong rồi liền sai sứ đến bạch Phật đã đến giờ thọ thực. Phật đắp y mang bát cùng các Bí-sô đi đến nhà trưởng giả rồi ngồi vào chỗ ngồi, trưởng giả tự tay dâng cúng các món ăn. Phật và tăng thọ thực xong, trưởng giả lấy một cái ghể nhỏ ngồi trước Phật muốn nghe pháp, Phật thuyết diệu pháp làm cho họ được lợi hỉ rồi đứng dậy ra về. Vừa lúc đó, trưởng giả Lộc tử cùng thân thuộc và quan dân trong thành đưa Tỳ-xá-khư đến trước cửa ngõ với đầy đủ nghi lễ để rước dâu. Pháp dữ đi theo Thế tôn ra đến trước cổng, Tỳ-xá-khư thấy Pháp dữ liền đến nắm lấy tay Pháp dữ. Giữa trăm ngàn đại chúng đang nhìn, Pháp dữ như con thiên nga bay lên hư không hiện các thần biến; vương tử đại thần và tất cả quyến thuộc của trưởng giả Lộc tử thấy thần thông lực này rồi đều như cây đại thọ đổ ngã, họ sụp xuống lạy xin sám hối và nói lớn: “Thánh nữ đã chứng ngộ thắng đức thù diệu như thế mà muốn cho Thánh nữ ở tại gia thọ hưởng dục lạc và ăn thức ăn dư cách đêm là không có lý đó”. Pháp dữ hiện trở xuống đất rồi ứng cơ thuyết pháp cho đại chúng, sau khi nghe pháp, có vô lượng trăm ngàn người được kiến giải thù thắng, có người đắc quả Tu đà hoàn, hoặc quả Tư-đà-hàm, hoặc quả A-na-hàm, có người gieo trồng nhân duyên với Thanh văn thừa, có người gieo trồng nhân duyên với Bích chi Phật thừa, có người gieo trồng nhân duyên với Phật thừa, cầu xuất ly sanh tử. Thuyết pháp xong, Pháp dữ đảnh lễ Phật rồi đi, lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “chúng Thanh văn ni trong pháp luật của ta thì Bí-sô ni Pháp dữ là người thuyết pháp bậc nhất”. Sau đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “ni Pháp dữ đời trước đã tạo nghiệp gì mà nay được xuất gia ngay tại nhà của mình, lại được đắc giới nhờ Phật khai cho sai sứ đến truyền giới, Pháp dữ ngay tai chỗ chứng được quả A-la-hán và được Phật thọ ký là người thuyết pháp bậc nhất trong Ni chúng?”, Phật bảo các Bí-sô: “nghiệp mà Pháp dữ đã tạo đời trước, nay quả báo thành thục nên được thọ hưởng, như bài kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe: Quá khứ Hiền kiếp, lúc con người thọ hai vạn tuổi có Phật Ca-diếp-ba ra đời đầy đủ mười hiệu, ở trong vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư. Lúc đó trong thành có một trưởng giả rất giàu có, cưới vợ chưa bao lâu thì vơ có thai, đủ tháng sanh ra một bé gái. Đến tuổi trưởng thành cô gái này muốn xuất gia nhưng cha mẹ không cho, cô liền bạch với vị bổn sư là một lão ni: “Thánh giả có thể giúp con được xuất gia, thọ Cận viên, thành tựu tánh Bí-sô ni ở ngay tại nơi đây không?”, đáp: “con hãy an tâm đợi ta bạch Phật”. Phật nghe lão ni bạch rồi liền sai lão ni này đến truyền thọ pháp Tam quy ngũ giới, cho xuất gia, kế cho thọ pháp chánh học, cuối cùng được hai bộ tăng sai sứ ni đến truyền thọ Cận viên. Vị lão ni quán căn tánh, tùy cơ thuyết pháp khiến cho cô gái ngay nơi chỗ ngồi chứng quả A-la-hán; sau đó lại được Phật thọ ký là người thuyết pháp bậc nhất trong chúng Ni. Vị lão ni này suy nghĩ: “cô gái này được xuất gia, thọ Cận viên, sau khi nghe pháp tỏ ngộ chứng quả A-la-hán đều là nhờ nơi ta mà được lợi ích thù thắng này”, do suy nghĩ như vậy nên vị lão ni này phát nguyện: “con trọn đời tu phạm hạnh trong giáo pháp của Phật Ca-diếp-ba, nguyện xin đem công đức thiện căn tu tập này, ở đời vị lai lúc con người thọ trăm tuổi, có Phật Thích ca mâu ni ra đời đầy đủ mười hiệu, con sẽ như cô gái này, ngay tại nhà mình được thọ các học xứ, nghe pháp liền tỏ ngộ, được xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy, đoạn trừ phiền não, chứng quả A-la-hán và cũng được Phật thọ ký là người thuyết pháp bậc nhất trong chúng Ni”.

Này các Bí-sô, lão ni thuở xưa chính là Pháp dữ ngày nay, do lực của lời phát nguyện ngày xưa mà nay được quả báo này. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng”, nghe Phật dạy rồi, các Bí-sô đều hoan hỉ tín thọ phụng hành, đảnh lễ Phật rồi đi ra.