CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 34

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ tám:

Không tắm với người nữ,
Cũng không tắm ngược dòng,
Đế bát nên chắc chắn,
Không chứa chén lưu ly.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một cô gái sau khi xuống sông tắm xong liền lên bờ ngồi chải tóc, ni Thổ-la-nan-đà mang bột tắm đến sông tắm thấy vậy liền tật đố suy nghĩ: “người nữ ngu si này muốn chọc tức ta nên ngồi đây chải tóc, cho là trước đây ta không có tóc hay sao”, nghĩ rồi liền lặng lẽ cầm bột tắm bỏ lên đầu tóc của cô gái, cô gái nói: “tôi có lỗi gì mà Thánh giả bỏ bột tắm lên đầu tóc mà tôi vừa mới gội xong?”, ni nói: “ngươi cho là trước đây ta không có tóc hay sao mà ngồi đây chải tóc, nay đầu tóc đã dơ rồi hãy gội lại đi”, cô gái liền chê trách. Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “ni làm việc phi pháp bị chê trách là đúng, từ nay Bí-sô ni không được bỏ bột tắm lên đầu tóc sạch của người khác, ai làm thế thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà cùng các ni đến tắm trong sông, một mình cô đứng ở chỗ ngược dòng nước chảy mạnh để thọ xúc lạc, các ni hỏi rõ nguyên do rồi nói: “đây không phải là tịnh pháp, cô không nên đứng ở chỗ ngược dòng nước chảy mạnh để thọ xúc lạc như thế”, đáp: “đây là pháp rất tịnh, có gì là trái lý, nếu là bất tịnh thì đâu có học xứ nào ngăn cấm”. Bạch Phật, Phật nói: “các ni chê trách như vậy là đúng, từ nay Bí-sô ni không được đứng ở chỗ ngược dòng nước chảy mạnh để thọ xúc lạc, ai làm thế thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó các ni có bát sắt bạ đâu để đây nên bị rỉ sét, do đem đập gõ nên bát bị hư, bạch Phật, Phật nói: “các ni không được có bát sắt bạ đâu để đấy, nên dùng miếng thiếc mỏng làm đế lót bát”. Các ni liền dùng thiếc bọc hết bát, người tục thấy hỏi là vật gì, đáp là Phật cho dùng thiếc lót bát, người tục nói: “lẽ nào Phật bảo bọc thiếc hết bát hay sao, các vị nói dối, đây không phải việc mà Sa môn nữ nên làm”, ni xấu hổ im lặng. Bạch Phật, Phật nói: “người tục chê trách đúng, từ nay Bí-sô ni không được dùng thiếc bọc hết bát, chỉ dùng miếng nhỏ đủ để làm đế bát”. Sau đó, các ni lại làm đế bát có hình dáng kỳ lạ, Phật nói: “không được làm thế, hình dạng đế bát có hai: một là như lá cây bồ đề hay lá cây đa căn, hai là như lòng bàn tay”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà có chén lưu ly, một người nữ gần chùa đến hỏi mượn ni chén lưu ly để cho khách dùng, không ngờ khi đem về dùng lại lở tay làm rơi xuống đất bị bể. Sau đó Thâu-la-nan đà không thấy đem trả lại nên đến đòi, ni đó nói: “tôi đã lở tay làm rơi bể, tôi mua cái khác đền trả lại”, Thâu-la-nan đà đòi phải trả cái cũ, cố ý làm xúc não nhau nên Bí-sô ni đem việc này bạch các Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật bảo: “do Ni có chén lưu ly nên có lỗi này, từ nay Ni không được cất chứa chén lưu ly để ăn hay uống, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ tám:

Do vợ, chứa tích trượng,
Khi nhảy múa chiêu tội,
Bánh ướt, thọ thỉnh thực,
Bạn thuyết pháp đi (nên) bạch.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả rất giàu có, do vợ sanh trai nên mở tiệc ăn mừng, đêm đó hai vợ chồng ngủ trong phòng đến sáng vẫn chưa thức dậy. Có một Bí-sô khất thực vào nhà, do nhà có nhiều cửa nên đi lạc vào phòng của trưởng giả, trưởng giả vừa thức dậy thấy Bí-sô đi qua chỗ người vợ đang nằm ngủ, cho là đã cùng vợ làm việc phi pháp nên đánh Bí-sô vỡ đầu chảy máu và bể bát, người vợ thức dậy nói Bí-sô không có lỗi nên cho Bí-sô đi. Về đến trong rừng Thệ đa, các Bí-sô thấy hình dạng của Bí-sô này liền hỏi rõ nguyên do rồi bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô khất thực không nên vội vào nhà có nhiều cửa, nên dùng bánh bột làm dấu trước cửa rồi mới vào”. Sau đó có Bí-sô lặng lẽ vào nhà gặp người nữ đang lỏa hình nên bỏ chạy ra, bị người tục chê trách, Phật nói: “khi sắp vào nhà nên lên tiếng cho họ biết”. Sau đó Bí-sô trước khi vào nhà cất tiếng kêu ha ha, chủ nhà nói: “Thánh giả đâu phải là trẻ con mà cất tiếng kêu ha ha khi vào nhà tôi”, đáp: “Phật chế trước khi vào nhà nên lên tiếng nên tôi mới kêu ha ha”, họ nói: “không có cách gì lên tiêng hay sao mà lại kêu ha ha”. Bạch Phật, Phật nói: “từ nay không nên kêu ha ha”, Bí-sô lại dùng tay đập cửa, chủ nhà hỏi: “vì sao lại đập cửa nhà tôi?”, Phật nói: “từ nay không nên đập cửa, nên làm tích trượng”, Bí-sô không biết làm tích trượng như thế nào, Phật nói: “trên đầu cây tích trượng có gắn một vòng tròn lớn như miệng chén, lại kết thêm nhiều vòng tròn nhỏ vào vòng tròn lớn này để khi rung có thể phát ra tiếng”. Sau đó khi Bí-sô rung cây tích trượng báo cho chủ nhà biết thì bị chó sủa, Bí-sô liền dùng tích trượng đánh chó, Phật nói: “không nên dùng tích trượng đánh chó, chỉ đưa lên dọa làm cho nó sợ”; gặp phải chó dữ, khi dọa như thế nó càng hung dữ hơn, Phật nói: “nên ném miếng bánh xuống đất cho nó”. Sau đó, có Bí-sô khất thực đến trước nhà người không có tín tâm, rung mãi cây tích trượng mà không có ai ra nên mõi mệt, Phật nói: “không nên rung hoài, chỉ chừng hai ba lượt, nếu không có ai ra thì nên bỏ đi”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, các Bí-sô đều đi, Phật ở lại chùa bảo thị giả mang thức ăn về. Có năm nhân duyên Phật ở lại chùa và bảo người nhận lấy phần thức ăn mang về: một là muốn yên tĩnh, xa lìa ồn ào; hai là muốn thuyết pháp yếu cho chư thiên; ba là muốn thăm nom người bịnh; bốn là muốn xem xét ngọa cụ; năm là muốn chế học xứ cho các đệ tử. Trường hợp này là Phật muốn chế học xứ, lúc đó ở trong nhà trưởng giả, vì vào mùa mưa lạnh nên trưởng giả dâng cúng món cháo nóng trước, kế là bánh khô, bánh nướng và rau củ. Khi ăn cháo, các Bí-sô húp cháo kêu rồn rột; khi ăn bánh, cắn kêu tách tách… hòa lẫn tiếng mưa rơi trên mái nhà kêu tí tách, tạo thành âm hưởng. Có một Bí-sô trước kia biết ca múa khi nghe âm hưởng này, không đè nén được thói quen cũ nên đứng dậy vừa múa máy tay chân vừa búng tay nhịp theo các âm hưởng ấy. Trong chúng vị nào không trụ tâm thì cất tiếng cười, vị nào có dụng tâm thì kinh ngạc, những người dọn đưa thức ăn nhìn thấy cảnh này đều cười rộ lên, trưởng giả không vui liền chê trách. Khi Bí-sô nhận lấy phần thức ăn mang về cho Phật, Phật hỏi: “chúng tăng thọ thực có được no đủ không?”, đáp: “Thế tôn, thọ thức ăn ngon và đều được no đủ nhưng thí chủ không vui chê trách”, nói rồi liền kể lại việc trên. Phật thọ thực xong, ra ngoài rửa tay chân rồi trở vào phòng thiền tọa cho đến xế chiều. Sau đó đến trong chúng hỏi Bí-sô đã nhảy múa: “ở trong nhà thí chủ thầy dùng tâm gì mà đứng dậy nhảy múa?”, đáp: “con do tâm trạo cử và với ý chê trách nên đứng dậy nhảy múa”, Phật nói: “nếu Bí-sô nhảy múa với tâm trạo cử thì phạm tội Việt pháp, nếu với ý chê trách thì không phạm. Này các Bí-sô, do ăn phát ra tiếng nên có lỗi này, từ nay Bí-sô không nên ăn phát ra tiếng, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó có người tục tín tâm đem bánh khô, củ, mía đến cúng cho Tăng, Bí-sô không thọ nên các cư sĩ nói: “khi Phật chưa ra đời, chúng tôi xem ngoại đạo là chỗ tu phước; nay Phật ra đời, chúng tôi xem các vị là đại phước điền. Vì sao các vị không thọ vật của chúng tôi cúng, há không phải khiến chúng tôi bỏ tư lương tốt thú hướng cho đời sau hay sao. Lại nữa Phật có dạy bố thí nên đúng lúc, đây là lương thực mới và trái cây vừa chín nên chúng tôi đem cúng các vị có giới đức dùng trước rồi sau mới tự dùng, cốt là mong được phước, xin hãy thương xót thọ vật cúng này”, bạch Phật, Phật nói: “nên nhận, bánh khô thì trộn với canh cơm cùng ăn, củ mía thì chẻ nhỏ ra ăn để không phát ra tiếng”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, các Bí-sô không đến cùng một lúc, do mỗi người đi riêng với bạn nên người đến trước phải chờ người đến sau, chờ lâu họ bảo chủ nhà dọn thức ăn để ăn trước… do dọn ăn nhiều lượt như vậy nên chủ nhà mệt nhọc chê trách. Bạch Phật, Phật nói: “không nên như thế, ai đến trước thì đứng ở cửa chờ rồi mới cùng vào nhà thí chủ một lượt, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó có Bí-sô bịnh, do đợi người khán bịnh thọ thỉnh thực xong mới mang thức ăn về đến, nên bịnh nặng thêm. Bạch Phật, Phật nói: “có năm trường hợp được ăn trước và ăn trong phòng: một là khách mới đến, hai là người sắp đi xa, ba là người bịnh, bốn là người khán bịnh, năm là vị trị sự đang bận rộn”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, Phật ở lại chùa bảo thị giả nhận phần thức ăn mang về… như trên cho đến câu trường hợp này là vì muốn chế học xứ. Lúc đó ở nhà thí chủ, các Bí-sô sau khi thọ thực xong liền đứng dậy ra về, bổn ý thì chủ muốn được nghe pháp nhưng không ai thuyết nên chê trách. Bạch Phật, Phật nói: “thí chủ chê trách đúng, từ nay Bí-sô thọ thực xong không nên bỏ về ngay, nên thuyết pháp cho họ rồi mới về. Ai bỏ về ngay thì phạm tội Việt pháp”, Bí-sô không biết ai nên thuyết pháp cho thí chủ, Phật nói: “Thượng tòa nên thuyết, nếu vị thứ nhất không thuyết được thì vị thứ hai nên thuyết… theo thứ lớp như thế, hoặc thỉnh trước người có khả năng”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả tín tâm thường lui tới trong rừng Thệ đa nghe pháp, hôm đó thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, Phật ở lại chùa vì năm nhân duyên… như trên cho đến câu trường hợp này là vì muốn chế học xứ. Lúc đó ở nhà thí chủ, các Bí-sô sau khi thọ thực xong đều ra về hết, chỉ để một người được sai ở lại thuyết pháp cho thí chủ. Thí chủ cùng quyến thuộc cùng tụ lại một chỗ có oai lực lớn và rất oai nghiêm nên vị thuyết pháp sanh tâm sợ sệt, không thể thuyết diệu pháp được. Trưởng giả thấy vậy liền suy nghĩ: “do quyến thuộc của ta quá đông nên làm cho Bí-sô e sợ, không thể thuyết diệu pháp; vậy ta nên thuyết”, nghĩ rồi liền nói với Bí-sô: “Thánh giả, như Phật đã dạy:

Bố thí được giàu có,
Trì giới được sanh thiên,
Chuyên tu đoạn phiền não,
Đây là pháp nên theo”.

Bí-sô nghe rồi không biết đáp lại như thế nào nên trở về chùa, đem việc trên kể lại cho các Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “từ nay không nên sai một người thuyết pháp, nên sai thêm bốn người làm bạn”. Sau đó, khi Tăng sai thêm bốn người làm bạn với Bí-sô thuyết pháp, các Bí-sô làm bạn này do có duyên sự ra ngoài không báo nên Bí-sô thuyết pháp chỉ có một mình lại như trước không thể thuyết pháp được. Bạch Phật, Phật nói: “nếu Bí-sô được sai làm bạn với người thuyết pháp thì khi đi đâu nên bạch rồi mới đi, ai không bạch thì phạm tội Việt pháp”.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ tám:

Thuốc tả, răng có độc,
Cây nạo lưỡi nên rửa,
Do tội nghiệp đã dứt,
Chứng quả A-la-hán.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bà-la-môn cưới vợ chưa bao lâu thì vợ sanh được một trai, người con trai này đến tuổi trưởng thành liền xuất gia trong Phật pháp. Một hôm mắc bịnh, Bí-sô này đến yêu cầu thầy thuốc chữa trị, thầy thuốc nói: “Thánh giả nên uống thuốc tả sẽ hết bịnh”, sau khi uống thuốc tả xong, Bí-sô đi kiết lỵ, tẩy tịnh bằng nước lạnh nên thuốc không tác dụng. Sau đó thầy thuốc đến thăm bịnh hỏi: “Thánh giả uống thuốc tả rồi thấy có khỏe hơn không?”, đáp là không thấy có tác dụng, thầy thuốc hỏi: “có phải Thánh giả tẩy tịnh bằng nước lạnh không?”, đáp là phải, thầy thuốc nói: “tẩy tịnh bằng nước lạnh thì làm sao thuốc có tác dụng, thầy nên uống thuốc tả như trước nhưng không tẩy tịnh, hết bịnh rồi mới tẩy tịnh”, đáp là Phật chưa cho làm thế, thầy thuốc nói: “cách dùng thuốc trị bịnh là phải như thế, không làm khác được”. Bạch Phật, Phật nói: “nếu như vậy thì sau khi đi kiết lỵ nên lau cho sạch”, Bí-sô không biết dùng vật gì lau, Phật nói: “nên dùng đất, lá cây, vải cũ hay giấy cũ để lau, khi bịnh hết 250 mới dùng nước nóng tẩy tịnh”.

Duyên xứ như trên, lúc đó trong một khu rừng có con rắn độc nên các mục đồng phóng lửa đốt rừng, lửa cháy bốn phía, rắn kinh hoàng bò trên lửa chạy ra ngoài nằm cuộn mình bên gốc đại thọ. Khi tôn giả Xálợi-phất du hành trong nhân gian, đi đến gốc cây này thấy rắn độc này bị lửa đốt cháy, thân lở lói đang chịu khổ não. Tôn giả liền quán nhân duyên đời trước của nó có thiện căn hay không, liền biết là có thiện căn; lại quán nó có duyên với ai, liền biết là có duyên với mình, liền dùng nước rưới lên mình nó và nói ba câu pháp: “Hiền thủ nên biết, các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết-bàn tịch diệt. Hãy sanh thiện tâm thanh tịnh với ta để bỏ thân bàng sanh được sanh vào cõi lành”, nói xong bỏ đi. Lúc đó có chim cắt bay đến bắt rắn ăn thịt, răn nhờ khởi thiện tâm với tôn giả nên sau khi qua đời liền thác sanh vào nhà một Bà-la-môn giỏi về sáu việc tại thành Thất-la-phiệt. Giỏi về sáu việc: một là biết tổ chức lễ hội, hai là dạy người tổ chức, ba là giỏi đọc tụng, bốn là biết pháp xả thí, năm là biết pháp thọ vật, sáu là biết tịnh xúc. Thời gian sau, tôn giả quán xem rắn độc sau khi chết thọ sanh về đâu, liền biết nó thọ sanh vào nhà Bà-la-môn này, để hóa độ nó, tôn giả thường hay lui tới nhà này và truyền Tam quy ngũ giới cho cả hai vợ chồng. Một hôm, tôn giả một mình đi đến nhà Bà-la-môn, Bà-la-môn hỏi vì sao lại đi một mình không có thị giả, tôn giả đáp: “thị giả của tôi không ở trong thảo am mà ở chỗ Bà-la-môn”, Bà-la-môn liền nói: “vợ con đang có thai, sau này nếu sanh con trai sẽ cho làm thị giả của tôn giả”, tôn giả nghe rồi liền chú nguyện cho đứa bé được khỏe mạnh rồi ra về. Thời gian sau đủ ngày tháng, vợ trưởng giả hạ sanh một bé trai, khi nó bú sữa, răng nó cắn làm vú mẹ sưng to; đến khi lớn lên cùng các đồng tử khác chơi giỡn, khi nó tức giận dùng răng cắn hay móng tay cào đều gây ra vết thương rất lâu lành. Khi quan biết thời điểm xuất gia của đồng tử đã đến, tôn giả liền đến nhà thuyết pháp cho hai vợ chồng Bà-la-môn, thấy đồng tử đến gần, tôn giả suy nghĩ: “đây chắc là thị giả của ta”. Lúc đó người cha bảo con: “khi con chưa sanh ra, cha đã hứa cho con làm thị giả của tôn giả, nay con nên theo tôn giả, chớ có lưu luyến”, đồng tử đứng nghiêm trang nhìn tôn giả một hồi lâu rồi mới đi theo, về đến chùa, tôn giả cho đồng tử xuất gia, thọ Cận viên và dạy cho giáo pháp. Một hôm sau khi đánh răng và nạo lưỡi xong, Bí-sô này liền vất bỏ cái nạo lưỡi; lúc đó có một Bí-sô khác thấy ruồi bay đến đậu trên cái nạo lưỡi này liền chết, rắn mối đến ăn ruồi cũng bị chết, mèo vàng đến ăn rắn mối cũng bị chết, chó đến cắn mèo cũng bị chết, kiến bu đến cũng bị chết, tất cả đều cùng chết chung môt chỗ. Sáng hôm sau, các Bí-sô đến đánh răng thấy cảnh tượng này liền hỏi nhau vì sao, Bí-sô thấy sự việc hôm qua liền kể lại, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “các Bí-sô nên biết tuy thọ sanh trong loài người nhưng vẫn còn mang nọc rắn, từ nay sau khi đánh răng nạo lưỡi xong, rửa sạch cái nạo lưỡi rồi mới vất bỏ, nếu ai làm tái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó gặp lúc thiếu nước, các Bí-sô không biết làm sao, bạch Phật, Phật nói nên dùng tro đất chà sạch rồi vất bỏ. Một hôm, Bí-sô có nọc rắn nhuộm y rồi đem phơi, Ô-ba-nan-đà đến nói muốn giúp đỡ, đáp là tùy ý, Ô-ba-nan-đà tánh thích làm việc xấu nên khi giúp phơi y liền phơi y mới trên y cũ và chuyển đổi y ượt lên trên y khô, Bí-sô này nói đừng làm thế đến ba lần nhưng Ô-ba-nan-đà vẫn không chịu ngừng. Bí-sô này nổi giận muốn bắt giữ lại, Ô-ba-nan-đà bỏ chạy, Bí-sô này rượt theo; tôn giả Xá-lợiphất đi đến thấy họ đang rượt đuổi nhau liền hỏi muốn làm gì, lúc đó Ô-ba-nan-đà bẻ cành cây dọa đánh, Bí-sô này vẫn rượt theo, tôn giả Xá-lợi-phất phải dịu dàng an ủi để Bí-sô này không rượt theo nữa, bạch Phật, Phật nói: “đối với người như vậy thì không nên xúc não làm cho nổi giận”. Sau đó, khi Ô-ba-nan-đà đến phiên làm tri sự đến bảo Bí-sô có nọc rắn làm việc này, việc kia thì Bí-sô này lại tức giận, bạch Phật, Phật nói: “đối với người trước đây có oán hận với mình thì không nên tự đến bảo họ làm việc này việc kia, nên nhờ người khác đến nói thì họ sẽ làm”. Bí-sô có nọc rắn ở trong Phật pháp tinh tấn tu tập đoạn trừ phiền não, không bao lâu sau chứng quả A-la-hán, các Bí-sô nói với tôn giả Xá-lợi-phất: “người sân độc như vậy mà có thể chứng quả A-la-hán, thật là hi hữu”, lúc đó tôn giả liền kễ rõ việc trước đây liên quan tới Bísô có nọc rắn cho các Bí-sô nghe. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, Bí-sô ấy đời trước đã tạo nghiệp gì mà nay bỏ được thân rắn sanh vào cõi người?”, Phật nói: “nghiệp mà vị ấy đã tạo, nay quả báo thành thục nên tự thọ, như bài kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Quá khứ Hiền kiếp, lúc con người thọ hai vạn tuổi có Phật Cadiếp-ba ra đời đầy đủ mười hiệu, trụ trong vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư. Lúc đó Bí-sô có nọc rắn này xuất gia trong giáo pháp của đức Phật ấy, thường tu pháp quán từ bi nên các Bí-sô thường gọi đùa là Từ quán, Bí-sô này nói đừng gọi như thế, đến ba lần mà các Bí-sô vẫn không ngừng gọi nên tức giận nói với các Bí-sô: “tôi là Từ quán còn các thầy là rắn độc trong loài người”.

Này các Bí-sô, Bí-sô tu quán từ bi thuở xưa nay chính là Bí-sô có nọc rắn, do thuở xưa tức giận nói lời ác với đệ tử Thanh văn của Phật nên trong năm trăm đời thường sanh làm rắn độc đến đời này là thân rắn sau cùng. Lại do khi ở trong giáo pháp của Phật xuất gia thường tinh tấn đọc tụng, tu tập giới phẩm, thông hiểu các pháp về uẩn, xứ, giới, nhân duyên, xứ và phi xứ nên nhờ thiện căn này mà sau khi bỏ thân rắn được sanh vào cõi người, được xuất gia trong giáo pháp của ta, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng, chớ có buông lung”, nghe Phật dạy rồi, các Bí-sô đều hoan hỉ tín thọ phụng hành.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ tám:

Tùy việc mặc ba y,
Pháp Lan nhã nên biết,
Tắm giữ cửa, Diệu hoa,
Không nên trụ Phi xứ.

Duyên xứ như trên, lúc đó các Bí-sô khi làm các công việc ở trong chùa như quét dọn, trát nền chùa, nhuộm y, giặt giũ cho đến vào nhà xí đại tiểu tiện đều mặc y Tăng-già-lê, giống như y bảy điều và y năm điều. Một Bí-sô nói: “y này nếu tùy tiện mặc dùng như hai y kia là không hợp lý, vì như Phật dạy: Tăng-già-lê là đại y, lẽ nào lại mặc khi làm các việc như thế”. Bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô này nói đúng, Tăng-già-lê là chủ trong các y, không nên mặc tùy tiện làm các việc như thế. Này các Bí-sô, khi vào tụ lạc khất thực, khi thọ thực, khi vào trong chúng thọ thực, lễ tháp, nghe pháp, lễ hai thầy và vị đồng phạm hạnh… đều nên mặc đại y; y Uất Đa-la tăng mặc khi ở những nơi sạch sẽ như trong phòng, hoặc như khi ăn uống…; y An-đà-hội được tùy ý mặc bất cứ ở chỗ nào và làm các việc đều không phạm”.

Duyên xứ như trên, giống như đoạn trên khi Phật nói các ví dụ như mặc trời mọc, chim hót, nông phu canh tác… để khuyên các Bí-sô xa lìa nơi ồn náo, ở nơi tịch tĩnh để chyên tu thiền quán. Lúc đó có một Bí-sô ít học ít hiểu biết liền đến nơi A-lan-nhã, ở trong một am cỏ chuyên tu, trừ khi khất thực, cho đến kẻ chăn bò cũng biết rõ điều này. Sau đó có bọn giặc bị người khác làm hại đều bị thương và đói khát, không biết phải dừng nghỉ ở đâu, một người trong bọn nói: “trong chỗ A-lan-nhã có Sa môn Thích tử ở, tất cà Sa môn tánh ưa cất chứa lại thêm có lòng từ bi, không biết sợ hãi, chúng ta tới đó có thể nhờ giúp đỡ”, nói rồi cùng kéo nhau đến chỗ A-lan-nhã. Bí-sô thấy họ liền chào hỏi thiện lai, bọn giặc ngồi một lát liền nói với Bí-sô: “chúng tôi lạnh cần lửa”, đáp là không có lửa, lại nói: “chúng tôi khát cần nước”, cũng đáp là không có, lại nói: “chúng tôi cần ít bột thuốc để đắp vết thương”, cũng đáp không có, lại nói: “chúng tôi cần dầu để thoa vết thương”, cũng đáp là không có, lại nói: “chúng tôi đói cần thức ăn”, cũng nói là không có. Giặc lại hỏi: “hôm nay là ngày gì tháng gì, thời tiết gì?”, đáp: “tôi ở A-lan-nhã nên không biết rõ việc đó”. Một người trong bọn có biết Phật pháp nên hỏi: “Thánh giả có chứng được các quả A-la-hán, quả Bất hoàn… quả Dự lưu không?”, Bí-sô chỉ đáp là tôi sống nơi A-lan-nhã, lại hỏi: “Thánh giả có chứng được các tĩnh lự Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ, Thức xứ và Không xứ không?”, Bí-sô cũng đáp như trên, lại hỏi: “Thánh giả có phải là người trì ba tạng kinh luật luận hay không?”, Bí-sô cũng đáp như trên, lại hỏi tên gì, cũng đáp như trên, lại hỏi nơi đây thuộc phương nào, cũng đáp như trên. Bọn giặc nghe rồi tức giận nói: “chúng tôi tuy là giặc nhưng Bí-sô mới là đại tặc, vì sao, vì ngay cả tên mình cũng không biết, lại dối hiện oai nghi lừa gạt người đời”, nói rồi cùng đánh Bí-sô mang đầy thương tích rồi bỏ đi. Sáng hôm sau, Bísô gắng gượng trở về rừng Thệ đa, các Bí-sô thấy liền hỏi nguyên do, Bí-sô kể lại việc hôm qua, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nay ta chế hành pháp cho Bí-sô ở nơi A-lan-nhã, Bí-sô ở A-lan-nhã nên cất chứa nước, lửa, dầu, tô, bột thuốc, vải cũ và để dành một ít thức ăn; cũng nên biết ngày giờ, thời tiết, phương hướng, thông hiểu ba tạng và biết tên mình. Ai ở A-lan-nhã mà không tuân theo hành pháp này thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một ngoại đạo bịnh nặng đến yêu cầu thầy thuốc chữa trị, thầy thuốc nói: “nên làm phòng tắm tắm rửa sạch sẽ thân thể thì hết bịnh”, đáp: “tôi có thể làm phòng tắm ở đâu, vì tôi chỉ tùy thời khất thực mà sống”, thầy thuốc nói: “Sa môn Thích tử mỗi nửa tháng tắm rửa ở phòng tắm, thầy có thể đến đó tắm”. Nhân khi các Bí-sô tắm, ngoại đạo liền mặc áo đỏ vào bên trong để tắm, mọi người tưởng là Bí-sô nên không ai ngăn cản, tắm xong liền ra ngoài phơi nắng. Lúc đó có một Cầu tịch đến thấy ngoại đạo này ngồi ở ngoài nên rũ vào trong tắm, ngoại đạo lắc đầu ý không muốn tắm lại, Cầu tịch liền nắm tay kéo đi, ngoại đạo kêu lớn: “Sa môn Thích tử không sạch sẽ, sao lại dùng tay bất tịnh chạm vào thân thể đã tắm sạch”, Cầu tịch liền hỏi: “tôi là Sa môn, còn ông là người gì?”, đáp là ngoại đạo, Cầu tịch liền nói to lên: “ai lại cho ngoại đạo này vào bên trong tắm vậy?”. Các Bísô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “từ nay khi tắm rửa nên cho người giữ cửa, thấy Bí-sô vào nên hỏi tên họ”, sau đó người giữ cửa gặp người quen biết cũng hỏi tên, Phật nói không nên như vậy.

Phật tại nước Kiều-tát-la du hành đến tụ lạc tên Dục lê rồi dừng ở trong một vườn cây, trong tụ lạc này có một Bà-la-môn tên Diệu hoa được vua phong ấp nhiều đất đai, thọ dụng không thiếu, cũng được vua thường cúng dường. Lúc đó Diêu hoa nghe nói có sa môn Kiều-đáp-ma thuộc dòng họ Thích ca từ bỏ vương vị xuất gia tu chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng bồ đề, đầy đủ mười hiệu, danh tiếng vang khắp các nước, được trời người cung kính, tự mình giác ngội không nhờ thầy dạy, hiểu rõ “sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”. Với tri kiến như thật nói pháp yếu ban đầu, khoảng giữa và sau cùng đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất không tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh trong sạch; Phật ở trong nước Kiều-tát-la giáo hóa, nay đã đến nơi đây hiện đang ở trong một vườn cây. Bà-la-môn suy nghĩ: “ta đọc sách cổ thấy nói ai có tướng mạo trang nghiêm, đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân thì người đó nếu ở tại gia sẽ làm Chuyển luân thánh vương, dùng pháp giáo hóa cai trị bốn châu thiên hạ; có đủ bảy báu: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, nữ báu, thần coi giữ phục tàng báu, thần chỉ huy quân đội báu và ngọc ma ni báu; có đủ ngàn người con đại oai đức, dũng mãnh vô song đi đến đâu, mọi người đều quy phục, khắp nơi đều được cảm hóa, không có oán địch… Nếu xuất gia thì sẽ chứng đại bồ đề”, nghĩ rồi liền bảo đệ tử Thọ sanh: “con biết không ta nghe nói có sa môn Kiều-đáp-ma thuộc dòng họ Thích ca từ bỏ vương vị xuất gia tu chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng bồ đề… như trên cho đến câu nếu xuất gia thì chứng đại bồ đề. Con hãy đến xem thử các tướng hảo ấy là thật hay hư?”, Thọ sanh vâng lời thầy cùng các bậc kỳ túc Bà-la-môn đi đến chỗ Phật. Đến nơi Thọ sanh đứng một bên, các Bà-la-môn thăm hỏi Phật rồi ngồi trước Phật, Phật thuyết diệu pháp khiến họ được hoan hỉ. Khi Phật đang thuyết, Thọ sanh mang giày da đi qua lại trước Phật, lâu lâu đứng lại nghe rồi hỏi ngắt ngang, hỏi rồi lại đi, thái độ rất cao ngạo, lòng không kính sợ đối nghịch lại, cho mình là thắng thế. Phật trách: “ngươi thông hiểu Minh luận sao lại có thái độ ngạo mạn như vậy?”, liền nói: “này Kiều-đápma, tôi có lỗi gì?”, Phật nói: “khi ta cùng các bậc kỳ túc có học thức bàn luận, ngươi mang giày da đi qua đi lại, không biết lớn nhỏ, không có tâm kính thuận, loạn hỏi đối nghịch lại”, đáp: “theo pháp Bà-la-môn của tôi là vừa đi vừa nói chuyện với người, đứng nằm ngồi đều có thể cùng nói chuyện đều không có lỗi. Sa môn trọc đầu các vị bị phiền não trói buộc, không sanh con trai con gái, tôi hỏi ngắt ngang để cùng bàn luận thì có lỗi gì”, Phật nói: “ngươi có việc nên mới đến gặp ta, nhưng ngươi chưa đuợc bậc tôn trưởng chỉ dạy phải như thế nào”. Thọ sanh nghe rồi tức giận liền nói: “này Kiều-đáp-ma, những người thuộc dòng họ Thích ca như voi hoang dã, đối với Bà-la-môn không biết cung kính tôn trọng cúng dường”, Phật hỏi: “các Thích ca tử có lỗi gì mà ngươi nói lời này?”, đáp: “trước đây vì việc của thầy và việc riêng nên tôi đến thành Kiều-tát-la, các nam nữ họ Thích đứng trên lầu cao thấy tôi vào thành đang đi trên đường, họ chỉ trỏ nói với nhau mà không có tâm cung kính, nói: “đây là Ma-nạp-bà Thọ sanh, đệ tử của Bà-la-môn Diệu hoa”, Phật nói: “ví như chim sáo hót được nhiều tiếng, ở trong tổ mình mặc sức hót vang, các Thích ca tử ở trong chỗ của mình nên tùy ý đàm luận thì có lỗi gì”, đáp: “trong thế gian có bốn giai cấp là Sátđế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà-la; họ đều cung kính tôn trọng cúng dường các Bà-la-môn, chỉ riêng có dòng họ Thích ca thì không”. Lúc đó Phật suy nghĩ: “Ma-nạp-bà này ví dòng họ Thích như voi hoang dã là hủy nhục thái quá, ta nên nói về nhân duyên nguồn gốc chủng tộc trong quá khứ để hắn không còn ngạo mạn”, nghĩ rồi liền quán biết tổ tiên của Ma-nạp-bà là do nô tỳ của dòng họ Thích ca sanh ra, Thích ca tử là Tào chủ của Ma-nạp-bà nên Phật hỏi: “ngươi họ gì?”, đáp là họ Tiển đạo, Phật nói: “ta quán thấy tổ phụ đời trước của ngươi là do nô tỳ của dòng họ Thích ca sanh ra, các Thích ca tử hiện nay là Tào chủ của ngươi”. Các Bà-la-môn kỳ túc nói: “này Kiều-đáp-ma, chớ nói tộ tiên của Thọ sanh là do nô tỳ sanh ra, vì sao, vì Thọ sanh là người đa văn thông tuệ, biện luận lưu loát có thể cùng Kiều-đáp-ma y theo chánh pháp luận nghị hỏi đáp”, Phật nói: “nếu nói Thọ sanh đa văn trí huệ thì các vị hãy im lặng để Thọ sanh cùng ta đàm luận, nếu nói không được thì các vị sẽ trả lời”, các Bà-la-môn nói: “vậy thì chúng tôi im lặng để Thọ sanh nhiều trí huệ đàm luận cùng Kiều-đáp-ma”. Lúc đó Phật bảo Thọ sanh: “thuở xưa có vua Cam giá sanh được bốn con trai là Cự khẩu, Lư nhĩ, Tượng kiên và Túc xuyên. Do có lỗi nên cả bốn người con này đều bị đuổi khỏi nước, họ dẫn em gái đi theo, khi đến bên bờ sông cạnh núi Tuyết là nơi trú ngụ của tiên nhân Kiếp-tỷ-la, họ làm nhà cách đó không xa để ở, sau đó, họ lấy em gái khác mẹ làm vợ và sanh con. Thời gian sau, vua Cam giá nhớ các con nên hỏi đại thần chúng hiện đang ở đâu, đại thần kể lại mọi việc cho đến câu họ lấy em gái khác mẹ làm vợ và đã sanh con, vua nghe rồi liền nói: con ta có năng lực như vậy sao, đại thần đáp là thật vậy, vua liền giơ tay phải lên khen ngợi: con ta có năng lực làm được việc như vậy. Do đây chủng tộc đó có hiệu là Thích ca (dịch là Năng), này Ma-nạp-bà, ngươi có từng nghe chủng tộc Thích ca có việc như thế hay không?”, đáp là có nghe, Phật nói: “vua Cam giá có một nô tỳ tên là Tri phương rất xinh đẹp, cô lấy một tiên nhân sanh ra một trai, khi vừa sanh ra nó liền kêu lên: đừng lau thân tôi, hãy tắm tôi cho sạch. Do việc này nên người đương thời gọi đứa bé này là Quỷ tiễn đạo, ngươi có từng nghe có chủng tộc này không?”, Thọ sanh im lặng, Phật hỏi ba lần Thọ sanh vẫn im lặng. Lúc đó thần Kim cang thủ cầm chày kim cang ở trên đầu Thọ sanh, phóng ra ánh sáng như lửa, nói rằng: “Phật hỏi đến ba lần mà ngươi không chịu đáp thì ta sẽ cầm chày kim cang này đập đầu ngươi ra làm bảy phần”, do oai lực của Phật nên Thọ sanh thấy được thần Kim cang, trong lòng kinh sợ đến nỗi lông tóc dựng đứng, liền đáp: “tôi có nghe tên chủng tộc này”. Các Bà-la-môn kỳ túc nói: “đúng như lời Kiều-đáp-ma nói, chúng tôi đều tin chúng tộc đầu tiên của Thọ sanh là con của nô tỳ”, Thọ sanh nghe rồi buồn bã cúi đầu im lặng, Phật suy nghĩ: “ta nên an ủi”, nghĩ rồi liền nói về nhân duyên với nhiều ví dụ khiến Thọ sanh dứt tâm kiêu mạn và không còn ưu sầu nữa rồi nói: “này Ma-nạp-bà, ngươi đến đây với mục đích gì?”, Thọ sanh nghe rồi liền quán sát ba mươi hai tướng trên thân Phật, chỉ thấy có ba mươi tướng, còn hai tướng âm tàng và tướng lưỡi vì không thấy được nên phân vân nói kệ:

“Xưa nghe Đại Mâu ni,
Đủ ba mươi hai tướng,
Nhưng con quán sát thấy,
Thiếu hai tướng trên thân.
Nhân trung tôn, chưa thấy
Tướng âm tàng trong thân,
Và tướng lưỡi rộng dài,
Trong miệng không ai biết.
Cúi xin Phật hiện tướng,
Cho con hết nghi ngờ,
Chánh giác đại danh văn,
Người đời khó thấy được”.