CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 33

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ bảy:

Ngoài chùa không được sám,
Không nhờ nam cạo tóc,
Không cho thuê chùa Ni,
Không dùng đá kỳ cọ.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô ni theo học với Bí-sô, do có lỗi nên bị quở trách, cô trở về chùa nằm buồn bã. Thân giáo sư hỏi rõ nguyên do rồi bảo ni đến chỗ vị ấy sám hối, ni này đến phòng tìm không thấy, sau đó thấy vị kia đang kinh hành ngoài chùa, liền đến đảnh lễ xin sám hối, vị này không thọ sám liền bỏ đi. Người tục thấy việc này rồi, cho ni này bị dục nhiễm trói tâm nên nói: “tôi biết Thánh giả muốn sám hối nhưng vị ấy không thọ, hay là đến với chúng tôi, cần gì chúng tôi sẽ đáp ứng cho”, ni này nghe rồi xấu hổ im lăng trở về trong chùa, bạch Phật, Phật nói: “do Bí-sô không thọ sám nên khiến người tục tham dục hôn mê khởi phân biệt xấu xa này. Từ nay Bí-sô ni ở bên ngoài chùa không được đến bên Bí-sô xin sám hối, Bí-sô nên thọ sám, không nên bỏ đi. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô ni nhờ thợ cạo cạo tóc cho mình, thấy người này trẻ trung, ni liền sanh tâm ái, bạch Phật, Phật nói: “các Bí-sô ni tâm thường loạn động, nếu không chế phục tâm ý thì sẽ bị phiền não dối gạt. Lại nữa tánh người nữ, tâm dục rất mạnh, từ nay Bí-sô ni không được một mình nhờ người nam cạo tóc. Nếu muốn nhờ cạo tóc nên kêu một ni khác ngồi cạnh, nếu thấy người nam cạo tóc kia sanh tâm dục nhiễm, hiện tướng khác lạ thì ni kia nên nói: “hiền thủ nên biết, thân người nữ do xương thịt giả gợp tạo thành, hư vọng không thật, chớ sanh tà niệm với Bí-sô ni mà chịu khổ nơi địa ngục”. Nếu Bísô ni sanh tà niệm, ni kia nên nói: “cô đã bỏ tục xuất gia, hãy nhớ lai khi ở trong hai bộ chúng thọ Cận viên cô đã thệ nguyện gì. Như Phật đã dạy đối với các dục vị ngọt thì ít mà nguy hiểm thì nhiều, cô hãy bỏ tà niệm, giữ tâm xuất gia”. Nói như vậy thì tốt, nếu không nói thì ni kia phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà khuyên một trưởng giả làm chùa ni rồi cùng với nhiều ni ở chung trong đó. Thời gian sau có năm trăm thương nhân từ phương nam đến thành Thất-la-phiệt, muốn tìm nơi nghỉ đêm nhưng không có nên phải dừng nghỉ ở bên đường. Thấy chiều tối trời sắp mưa, họ ưu sầu không biết tính sao, ni Thổ-lanan-đà thấy vậy liền nói: “trời sắp mưa vì sao không thu dọn hàng hóa tìm nơi dừng nghĩ?”, đáp: “Thánh giả, chúng tôi đã tìm hỏi khắp nơi trong thành nhưng không thuê được phòng, biết phải làm sao”, ni nói: “ban đêm trời sẽ mưa, vì sao không trả giá cao, hàng hóa gặp mưa sẽ bị hư tổn, ai chịu mua nữa”, đáp: “chúng tôi đã trả giá cao nhưng vẫn không tìm được chỗ thuê. Đây là nghiệp của tôi, đành phải đợi đến sáng mai”, ni nói: “nếu các vi cho giá gấp bội thì có thể vào trong chùa trú”, đáp: “lành thay như lời Thánh giả nói”. trong khi họ vận chuyển hàng hóa vào chùa, ni Thổ-la-nan-đà vào trong chùa đuổi hết các ni ra ngoài để cho các thương nhân thuê. Các ni phải chạy sang chùa khác trong đêm lại bị mưa làm cho y phục ướt và dính bùn dơ. Các ni ở chùa khác thấy vậy liền hỏi rõ nguyên do rồi chê trách: “tại sao Bí-sô ni lại đuổi các ni ra ngoài chùa để cho người tục thuê?”, các ni đem việc này bạch Phật, Phật nói: “không được đem chùa cho người tục thuê, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà đến chỗ người nam tắm để tắm rồi lấy gạch đá kỳ cọ thân, những người nam thấy vậy liền sanh tâm dục nói với nhau: “hay xem cô ni kia học cách tắm rửa của chúng ta”, do bị chê trách nên bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô ni không được đến chỗ của những người ngu ám loạn tâm dâm dục để tắm, cũng không được dùng gạch đá kỳ cọ thân, nếu làm thế thì phạm tội Việt pháp”.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ bảy:

Không dùng xương và đá,
Gỗ, sừng… để kỳ cọ,
Chỉ dùng tay kỳ cọ,
Vật khác đều không cho.

Duyên xứ như trên, do Phật chế không dùng gạch kỳ cọ, ni kia liền dùng các vật khác bằng xương, sừng… để kỳ cọ lúc tắm, bị chê trách như trước nên Phật chế chỉ dùng tay kỳ cọ, tất cả vật khác đều không cho, nếu dùng thì phạm tội Việt pháp.

VIII. TỔNG NHIẾP TỤNG BIỆT MÔN THỨ TÁM:

Phá tháp, sám, trước cửa,
Được sai, không nên chứa,
Không cùng nữ, do vợ,
Thuốc tả, ba y, rắn.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ tám:

Phá tháp, hại Ba ly,
Tăng chế không nên trái,
Ni không nạn cho vào,
Tùy thời mà giáo giới.

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô ni Bản thắng qua đời, sau khi hỏa thiêu xong, nhóm thập nhi Bí-sô ni thu lấy hài cốt xây tháp ở nơi rộng rãi, treo phướn lọng đẹp đẽ, đăt vòng hoa trên tháp và rưới hương chiên đàn để cúng dường. Lại sai hai ni biết tán tụng hằng ngày đem bột rửa và nước sạch đến, hễ thấy có Bí-sô khách đến thì đưa bột rửa để rửa tay chân, đưa hương hoa rồi xướng kệ tụng dẫn họ đi nhiễu tháp. Hôm đó có một khách Bí-sô A-la-hán tên là Kiếp tỳ đức cùng năm trăm môn đồ du hành trong nhân gian, trên đường đến thành Thất-la-phiệt đi ngang qua tháp này. Bậc A-la-hán nếu không quán sát thì sẽ không biết được việc phía trước, thấy tháp liền sy nghĩ: “ai mới xây tháp thờ tóc và móng tay của Phật ở đây, ta nên đến làm lễ”, nghĩ rồi liền đến tháp. Hai ni kia đưa bột rửa và nước để rửa tay chân rồi dẫn năm trăm người đi nhiễu tháp, nhiễu tháp xong rồi đi. Cách tháp đó không xa, tôn giả Ưu-ba-ly đang ngồi tịnh dưới gốc cây nói với tới: “cụ thọ Kiếp tỳ đức hãy quán sát xem đã lễ bái tháp của ai”, Bí-sô A-la-hán nghe rồi liền suy nghĩ: “vì sao cụ thọ Ưu-ba-ly lại nói thế”, nghĩ rồi liền quán sát mới biết trong tháp an trí xương cốt của Bí-sô ni Bản thắng. Do còn tập khí sân nên vị này tức giận nói: “cụ thọ Ưu-ba-ly, ở đây có mụt ghẻ sanh trong Phật pháp mà sao không để ý đến”, Ưu-ba-ly không đáp, Bí-sô A-la-hán bảo các môn đồ: “nếu các vị kính thọ giáo pháp của bậc đại sư thì hãy cùng nhau đến đống gạch kia, mỗi người cầm một viên phá hủy tháp ây cho ta”, môn đồ vâng lời làm theo, trong chốc lát cái tháp bị phá hủy. Hai ni kia thấy việc này rồi kêu khóc rồi chạy đi báo, nhóm thập nhị Bí-sô ni và các ni chưa ly dục nghe rồi liền khóc to, Thổ-la-nan-đà hỏi hai ni kia: “vừa rồi ai đã nói cho Bí-sô kia biết?”, đáp là tôn giả Ưu-ba-ly, Thổ-la-nan-đà nói: “ta vừa nghe nói liền biết ngay là thợ cạo tóc trước kia, tuy đã xuất tục nhưng tánh không thay đổi, hãy cùng đến trị nó. Như Thế tôn nói có kẻ phá hoại đồ chúng thì đồ chúng không để yên, chúng ta lẽ nào lại bỏ qua”, nói rồi liền cầm dao gậy, dẫn chúng ni đi đến chỗ tôn giả Ưu-ba-ly để giết. Tôn giả thấy liền suy nghĩ: “xem bộ dạng các ni này vội vã, ắt có ý muốn hại ta”, nghĩ rồi liền quán biết họ đang tức giận muốn đến hại mình, vội nhiếp tâm nhập Diệt tận định nhưng quên dùng thần lực hộ đại y. Các ni đến dùng dao gậy dập chém thân tôn giả, do định lực nên tôn giả ngừng hơi thở, người như thây chết, các ni tưởng đã giết xong nên bỏ về chùa. Sau khi xuất định thấy đại y đã rách nát, tôn giả trở về trú xứ nói với các Bí-sô: “các Bí-sô ni suýt giết chết tôi”, các Bí-sô hỏi rõ nguyên do rồi nói: “các Bí-sô ni dù có sân hận cũng chỉ nên không lễ kính, không chào hỏi; sao lại có thể dùng dao gậy đến để giết cụ thọ suýt chết?”, nói rồi cùng nhau lập chế không cho ni vào rừng Thệ đa, sau khi Tăng lập chế rồi,các ni đều không vào cũng không sanh cung kính. Lúc đó Đại thế chủ đến để lễ kính Thế tôn, các Bí-sô không cho vào, ni nói: “không lẽ tôi lại giống như các ni lầm lỗi kia hay sao?”, Bí-sô nói: “Tăng đã lập chế, tôi biết làm sao”, ni nghe rồi quay về. Lúc đó Phật tuy biết nguyên do nhưng vẫn hỏi A-nan: “có phải Đại thế chủ bịnh không, vì sao không thấy đến?”, A-nan đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “các Bí-sô lập chế này tuy đúng nhưng các Bí-sô ni tùy thuộc theo các Bí-sô, nếu không cho vào chùa thì không sanh cung kính. Từ nay các Bí-sô ni muốn vào chùa cần phải bạch với Bí-sô rồi mới được vào, cũng không nên giáo giới ni”. Lúc đó các ni không biết phải bạch như thế nào, Phật nói: “khi ni muốn vào chùa Tăng bạch với Bí-sô là muốn vào chùa, Bí-sô nói nếu không cầm dao gậy với ý làm chướng nạn thì được vào. Nếu không bạch trước mà liền vào thì phạm tội Việt pháp, Bí-sô thấy ni vào chùa mà không nói như trên cũng phạm tội Việt pháp”. Phật đã dạy Bí-sô không nên giáo giới ni nhưng Lục chúng Bí-sô vẫn không ngừng giáo giới, Phật nói: “nếu Bí-sô ni có lỗi, Tăng chưa hoan hỉ thứ lỗi cho họ, Bí-sô nào liền giáo giới thì phạm tội Việt pháp; pháp Trưởng tịnh và Tùy y đều chuẩn theo đây mà biết”.

2. Nhiếp tụng thứ hai trong Biệt môn thứ tám:

Ni sám không nên khinh,
Tùy ý (Tự tứ) khỏi Trưởng tịnh (bố tát)
Nên lẫn nhau thọ sám,
Ni chúng ngồi nên biết.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô ni theo học với Bí-sô, phạm lỗi nên bị Bí-sô quở trách… giống như trên, cho đến câu khi ni này đến cầu sám tạ thì Bí-sô này đạp chân trên đầu rồi bỏ đi. Khi trở về chùa, các ni hỏi đã sam tạ chưa thì đáp: “không nên gặp lại vị thầy như vậy nữa”, các ni hỏi rõ nguyên do rồi nói: “sao lại có thái độ khinh miệt như thế, đến xin sám tạ không thọ thì thôi, lại còn đạp chân trên đầu rồi bỏ đi”, bạch Phật, Phật nói: “ni trách như vậy là đúng, từ nay khi ni đến sám tạ, Bí-sô không được đạp chân trân đầu rồi bỏ đi, ai làm thế thì phạm tội Việt pháp. Ni khi bị quở trách cũng không nên vội đến sám tạ, nên tuần tự cầu sám tạ”. Lúc đó các ni không biết phải tuần tự như thế nào, Phật nói: “trước hết nên nhờ một Bí-sô hay Bí-sô ni, Cận sự nam hay nữ đến gặp vị kia khéo dùng phương tiện khiến cho hoan hỉ rồi mới đến sám tạ”.

Duyên xứ như trên, như Phật đã dạy nên tác pháp tùy ý về ba việc thấy nghe nghi, lúc đó Bí-sô an cư xong liền tác pháp Tùy ý rồi lại làm Trưởng tịnh. Một Bí-sô nói: “tôi thấy Trưởng tịnh và Tùy ý đều là làm cho thanh tịnh, nên biết Trưởng tịnh tức là Tùy ý”, một người nói: “Trưởng tịnh và Tùy ý hai việc khác nhau”, bạch Phật, Phật nói: “tuy hai việc khác nhau nhưng đều là làm cho thanh tịnh, nên biết Tùy ý rồi thì không cần làm Trưởng tịnh nữa”.

Duyên xứ như trên, lúc đó các Bí-sô trước đã có hiềm khích nhau nên hay tìm lỗi của nhau, khi ở trong chúng tác pháp Tùy ý, họ bèn đem lỗi của nhau ra để gạn trách về ba việc thấy nghe nghi, khiến cho các thân hữu cho đến hai thầy và các bạn đồng học đều vì nhóm phái của mình mà cùng tranh cãi nhau, thành việc phá tăng với ý kiến bất đồng nhau. Những vị trung lập khuyên can: “các cụ thọ chớ nên tranh cãi nhau, hãy trụ tâm xuất gia của mình. Như Phật đã dạy: nơi nào có Bí-sô tranh cãi nhau, tức giận đối chọi nhau thì ta không muốn nghe nói đến nơi ấy, huống chi là muốn đến, khi nào dứt tranh thì ta mới đến. Nếu Bí-sô nào dứt bỏ ba thiện căn là không tham, không sân, không si mà tạo ba pháp bất thiện căn là tham sân si thì Bí-sô ấy sẽ tức giận tranh cãi, đối chọi nhau và ôm lòng hận thù. Ngược lại nếu Bí-sô nào dứt bỏ ba pháp bất thiện tham sân si thì Bí-sô ấy sẽ không tức giận tranh cãi, không ôm lòng hận thù. Thế nên các thầy nên dứt bỏ pháp ác, tu tập pháp thiện”. Nhưng các Bí-sô này không chịu dừng tranh cãi, người tục thấy vậy liền chê trách: “các Sa môn trọc đầu này khi tác pháp Tùy ý, không giữ tâm xuất gia, tranh cãi với nhau”, bạch Phật, Phật nói: “họ chê trách như vậy là đúng, từ nay Bí-sô nào biết có Bí-sô khác hiềm khích thì không nên cùng một chỗ tác pháp Tùy ý, phải sám tạ trước rồi mới cùng tác pháp”. Sau đó, các Bí-sô sám tạ nhau trong ngày Tùy ý khiến tăng thêm tức giận và lại tranh cãi nhau, tâm không thể xả. Phật nói: “không nên sám tạ ngay trong ngày Tùy ý, nên sám tạ trước khoảng tám chín ngày”. Sau đó, các Bí-sô theo lời Phật dạy cùng nhau sám tạ trước, Phật nói: “không phải tất cả Bí-sô đều sám tạ, chỉ những người có hiềm khích nhau mới sám tạ để cùng hoan hỉ cho nhau”.

Duyên xứ như trên, như Phật đã dạy cách năm năm nên làm đại hội đảnh kế, lúc đó các trưởng giả, Bà-la-môn cùng tranh hơn thua nên làm đại hội Vô già, thỉnh hai bộ tăng đến dự. Như Phật đã dạy nên ngồi theo thứ lớp tuổi hạ, khi các ni y theo thứ lớp tuổi hạ để ngồi thì gây ồn náo, Phật nói: “người nữ tánh tham, trong đại hội thì hai ba bốn người đi trước theo ngồi theo thứ lớp tuổi hạ, số còn lại cứ tùy ý ngồi gần người mà mình quen biết”.

3. Nhiếp tụng thứ ba trong Biệt môn thứ tám:

Trước cửa không Trưởng tịnh (bố tát)
Cần phải sai hai ni,
Khi đến giờ Trưởng tịnh,
Sai người đợi Ni bạch.

Duyên xứ như trên, như Phật đã dạy trừ pháp sự phải yết ma chung, các pháp sự khác Bí-sô và Bí-sô ni phải tác pháp riêng. Lúc đó vào ngày Trưởng tịnh, các Bí-sô ni tụ đến rừng Thệ đa để cùng trưởng tịnh, Bí-sô liền ở ngay trước cửa cổng cùng Ni làm trưởng tịnh. Các trưởng giả thấy tụ đông đi đến xem thì họ liền đứng yên, Phật bảo các Bí-sô không được cùng Ni làm trưởng tịnh ngay trước cổng. Sau đó, các Bí-sô cùng Ni làm trưởng tịnh trong chùa thì lại có nhiều lời bàn tán, Phật bảo các Bí-sô không được cùng Ni làm trưởng tịnh trong chùa. Lúc đó các ni không biết có nên trở về chùa mình hay không, Phật nói: “ni đi đến giữa đường, các Bí-sô sẽ đến đó cùng làm trưởng tịnh”. Khi đang ở giữa đường cùng làm trưởng tịnh; các trưởng giả, Bà-la-môn thấy liền nói với nhau: “các Sa môn nam nữ trọc đầu này đang bàn nói việc gì”, một người nói: “còn bàn việc gì nữa, khi chúng ta nói chuyện, ni im lặng nghe, đến đây nói lại cho Bí-sô nghe, Bí-sô sau đó đến nói lại cho vương gia nghe, vua trị phạt chúng ta đều do đám Sa môn này thêu dệt mà ra”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “không nên làm trưởng tịnh ở giữa đường, vào ngày trưởng tịnh mỗi nửa tháng, Ni chúng nên sai hai ni đến trong Tăng bạch thanh tịnh và thỉnh giáo thọ”. Sau đó Ni chúng sai người không có năng lực, khi vào trong Tăng không thể tự bạch thanh tịnh, Phật bảo nên sai người có năng lực. Sau đó khó sai được hai người có năng lực, Phật nói một người cũng được; người này khi đến trong Tăng, nhìn thấy uy nghiêm của Phật và Tăng, không biết phải hướng đến ai để bạch thanh tịnh nên quay trở về, vì thế Ni chúng không làm trưởng tịnh. Phật nói: “Ni chúng sai một ni đến bạch, trong Tăng nên sai một Bí-sô ra đứng ở cửa chờ Ni đến bạch, Bísô thọ lời bạch này rồi đến trong Tăng bạch, lúc đó Tăng tác bạch nhị yết ma sai người giáo thọ ni”.

4. Nhiếp tụng thứ tư trong Biệt môn thứ tám:

Được sai không bỏ đi,
Phải hỏi tên Giáo thọ,
Đội khăn, làm đảy bát,
Ni không được kết hoa.

Duyên xứ như trên, lúc đó Tăng sai Bí-sô đứng ở cửa chờ Ni đến bạch thanh tịnh, khi Ni đến gần bạch thì Bí-sô này nói: “chớ đến gần tôi, chớ đụng vào tôi”, nói rồi bỏ đi. Ni đành phải trở về chùa và Ni chúng không làm trưởng tịnh, Phật nói: “Bí-sô được sai không nên bỏ đi, phải thọ lời bạch của họ, nên nói rằng: cô hãy ngồi bạch, chớ đến gần cũng chớ xúc chạm tôi. Nếu không thọ lời bạch mà bỏ đi thì phạm tội Việt pháp”. Lại có trường hợp Bí-sô được sai đến cửa trễ, ni đến bạch không thấy ai, chỉ thấy một người trùm khăn lông đứng xem bức vẽ bánh xe sanh tử ở cửa, vội đến chỗ người này để bạch thanh tịnh: “Thánh giả nhớ nghĩ, Ni chúng chùa Vương viên sai con đến đảnh lễ Thánh chúng trong rừng Thệ đa và thăm hỏi có được ít bịnh, ít não, sở hành có được an lạc không và bạch: vào ngày Bao-sái-đà, Ni chúng đều thanh tịnh”, người kia im lăng không biết nói gì, ni nói: “Thánh giả hãy nói khả nhĩ”, người kia nghe nhưng không hiểu gì nên cúi đầu bỏ đi, ni cũng trở về chùa; sau đó, Bí-sô kia đến cửa chờ lâu không thấy ai nên trở về phòng mình. Đến lúc bố tát, vị thọ sự đơn bạch xong hỏi: “vị nào đem lời bạch thanh tịnh của Ni chúng đến”, không có ai đáp, vị thọ sự suy nghĩ: “không lẽ Ni chúng không sai người đến bạch thanh tịnh”, nghĩ vậy nên sau đó không sai Bí-sô ra cửa chờ Ni đến bạch nữa. Lần thuyết giới sau, Ni đến bạch thanh tịnh chờ mãi không thấy ai nên quay trở về và Ni chúng không làm trưởng tịnh. Sáng hôm sau các ni đến hỏi các Bí-sô nguyên do, các Bí-sô nói: “lần trưởng tịnh trước, Ni chúng đâu có sai ai đến bạch thanh tịnh, cho nên lần này…”, ni được sai đến bạch lần trước liền nói là có đến rồi kể lại việc lần trước, các Bí-sô nghe rồi liền biết đó là ngoại đạo lỏa hình nên nói với nhau: “ni nay bạch thanh tịnh với ngoại đạo lỏa hình”, bạch Phật, Phật nói: “vì Ni đến bạch thanh tịnh mà không hỏi tên vị giáo thọ nên có lỗi này, ni kia không phạm, từ nay Bí-sô ni đến bạch thanh tịnh nên hỏi tên vị giáo thọ, nếu không hỏi tên mà liền bạch thanh tịnh thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó, khi Ni đến bạch thanh tình, dù đã quen biết vị Bí-sô cũng vẫn hỏi tên, Phật nói: “nếu đã quen biết thì không cần hỏi tên”.

Duyên xứ như trên, lúc đó Đại thế chủ bịnh, ni chúng đến thăm hỏi bịnh gì, đáp bịnh —-, lại hỏi trước kia dùng cách gì để trị bịnh, đáp: “khi còn tại gia, ta thường bịt khăn trên đầu để trị bịnh này”, lại hỏi vì sao không làm như thế, đáp: “nay ta đã xuất gia, Phật chưa khai cho nên ta không dám”, bạch Phật, Phật nói: “từ nay ở trong chùa ni nên đội khăn”.

Duyên khởi tại thành Vương xá, lúc đó có một Bà-la-môn đến từng nhà khất thực, đến trước một nhà xin thì chủ nhà nói: “không có, hãy đi đi”. Vừa đi ra liền thấy Đại thế chủ vào nhà ấy khất thực, người này liền suy nghĩ: “họ cũng không cho người này hay chỉ không cho ta”, nghĩ rồi liền đứng lại nhìn xem. Lúc đó chủ nhà nói: “may mắn thay được Phật mẫu đến nhà”, nói rồi niềm nở mời ngồi, đón lấy bát sớt đầy thức ăn thơm ngon rồi dâng cho Đại thế chủ. Khi Đại thế chủ trở ra, Bà-la-môn với tâm ganh ghét đến trước nói: “xin cho tôi xem thức ăn trong bát”, vừa giở bát ra, Bà-la-môn này liền nhổ nước miếng vào, Đại thế chủ nói: “sao ngươi lại làm bẩn thức ăn trong bát của ta, nếu ngươi muốn xin thì cứ nói, ta sẽ cho ngay”, Bà-la-môn im lặng. Bạch Phật, Phật nói: “người nữ ít có oai đức nên mới khiến kẻ ngu kia tạo ác nghiệp phải chịu nhiều khổ báo. Từ nay khi đi khất thực, ni nên đảy đựng bát phủ kín ở trên”, lúc đó ni không biết làm đảy đựng bát như thế nào, Phật nói: “nên làm một túi vải vuông một thước, để bát ở trong, trên làm dây để xách mang đi”.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, người phương Đông thường thích vườn hoa, lúc đó người trong thành mở đại hội vui chơi nên họ đem đủ các món ăn ngon cùng âm nhạc đến trong vườn hoa. Lúc đó có người sai sứ về nhà bảo vợ kết vòng hoa mang đến gấp, vì trong nhà người này có vườn hoa đẹp. Người vợ nghe rồi vào trong vườn hái hoa nhưng lại không biết kết vòng hoa nên mời người kết vòng hoa đến nhà để kết, người ấy đang bận kết vòng hoa cho người khác nên không thể đến ngay được, người vợ buồn bã không biết phải làm sao. Vừa lúc ấy có ni Thổ-la-nan-đà đến nhà khất thực, người vợ này nói: “cô hãy đi đi, tôi đang buồn rầu, không thể cho cô thức ăn”, ni liền hỏi rõ nguyên do rồi hỏi: “vì sao cô không tự kết?”, đáp: “tôi không biết kết, Thánh giả có biết không?”, đáp: “nay ta đã già, nhưng hồi còn trẻ thì việc gì ta cũng biết”, người vợ liền nói: “xin Thánh giả thương xót giúp tôi”, đáp: “nếu cô cho ta đủ các món ăn ngon thì ta sẽ giúp cô”, người vợ bằng lòng. Ni liền ngồi xuống duỗi chân kết vòng hoa, người vợ này nhìn thấy vòng hoa liền khen đẹp, vui mừng sớt thức ăn đầy bát đưa cho Thổ-la-nan-đà. Sau đó người kết vòng hoa đến nhà, người vợ này nói: “ngươi đã đến trễ rồi, vòng hoa đã được kết xong và đã đưa tới trong vuờn hoa rồi”, liền hỏi là ai đã kết, đáp là Thánh giả Thổ-la-nan-đà, người kia nghe rồi liền chê trách: “nữ Sa môn đã làm việc phi pháp, vì sao lại đoạt nghề kiếm sống của tôi”. Bạch Phật, Phật nói: “việc làm này là phi pháp, bị chê trách là đúng, từ nay Bí-sô ni không được kết vòng hoa, ai làm thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó, trong đại hội đảnh kế và trong những hội năm năm, sáu năm của Phật; vua Thắng quang… cho đến các Cận sự nam nữ đều cầu thắng thượng nên tranh dâng vòng hoa. Hoa đẹp rất nhiều nhưng người kết vòng hoa thì ít, người tín tâm nói với các ni: “chúng con kết vòng hoa để cúng dường đại sư, xin các ni kết vòng hoa giúp con”, ni nói: “Phật đã chế ngăn không cho ni kết vòng hoa, chúng tôi làm sao giúp được”, bạch Phật, Phật nói: “nếu vì Tam bảo thì ni được kết vòng hoa”. Lúc đó các ni hoặc ngồi ở ngay cổng, hoặc ngồi dưới hành lang duỗi chân để kết vòng hoa, người tục nhìn thấy liền nói đùa: “chắc các Thánh giả đều là các cô gái kết vòng hoa xuất gia”, các ni nghe rồi xấu hổ im lặng. Bạch Phật, Phật nói: “người tục chê trách như vậy là đúng, từ nay ni không nên ngồi kết vòng hoa ngay cổng hay dưới hiên, nên ngồi ở chỗ khuất kín không để cho người tục nhìn thấy. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thú tám:

Không nên chứa bát đồng,
Làm cho rượu ngon lại,
Cho thuê nhà, cửa hàng,
Dối gạt làm thầy bói.

Duyên xứ như trên, ni Thổ-la-nan-đà đến nhà thợ làm đồng hỏi: “hiền thủ, có thể làm bát bằng đồng được không?”, đáp: “đây là nghề của con, có gì không làm được. Thánh giả muốn làm bát lớn hay bát nhỏ?”, đáp là làm lớn cở —-, lại hỏi: “Thánh giả làm bát lớn như thế để làm gì?”, đáp: “người ngu si này, chẳng lẽ ông làm không, không lấy tiền hay sao mà hỏi”, người thợ làm đồng suy nghĩ: “làm lớn theo ý của khách đối với ta có hại gì”, nghĩ rồi liền làm bát lớn. Làm xong, Thổ-la-nan-đà lại bảo làm thêm một bát nữa đặt lọt vào trong bát này, thứ lớp như thế đến cái bát thứ bảy. Sau khi làm xong liền bảo đệ tử đánh bóng rồi dùng chỉ ngũ sắc đan lưới để đựng cả bảy cái bát đó và bảo Cầu tịch nữ đội trên đầu mà đi đến chỗ thọ thỉnh. Sau khi vào nhà thí chủ, ngồi vào chỗ ngồi rồi liền mở lấy bảy cái bát ra để ở trước mặt; các cư sĩ thấy rồi liền nói: “chẳng lẽ Thánh giả mở cửa hàng bán đồ đồng hay sao?”, đáp: “các người không biết gì cả, bảy cái bát này: bát thứ nhất đựng cơm; bát thứ hai đựng canh rau, những bát còn lại đựng các nón ăn khác”, cư sĩ nói: “nếu vậy cần thêm một vật đựng nữa để đựng thức ăn uống nhiều hơn”, Bí-sô ni nghe rồi liền im lặng. Ni bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật bảo: “do Bí-sô ni chứa bát đồng nên có lỗi này, từ nay Bí-sô ni không được chứa bát đồng. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp, nhưng cất chứa muỗng đồng, mâm đồng đựng muối, chung nước bằng đồng thì không phạm”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả, vợ sanh một gái có con mắt phải thông ngươi (không có con ngươi, chỉ có tròng trắng), bị cho là tướng ác nên không ai đến hỏi cưới làm vợ. Trong thành cũng có một trưởng giả giàu có, kết hôn chưa bao lâu thì vợ chết, lần lượt cưới thêm vợ khác cho đến người vợ thứ bảy cũng chết, nên người đương thời gọi ông là trưởng giả giết vợ. Do không thể sống cô độc nên ông tìm đến những nhà có con gái để cầu hôn, cha mẹ của cô gái đều nói: “chẳng lẽ chúng tôi muốn giết con gái của mình hay sao?”, sau đó ông lại tìm đến các quả phụ để cầu hôn, họ đều nói: “chẳng lẽ chúng tôi lại muốn tự sát hay sao?”. Do tìm vợ thêm không được nên ông phải tự quản lý việc nhà, một người bạn đến thăm thấy vậy hỏi rõ nguyên do rồi nói: “sao ông không hỏi cưới cô gái có mắt phải thông ngươi”, đáp là sợ họ không chịu gả, người bạn nói: “tôi biết nhà ấy rất mong gả được con gái, ông cứ đến hỏi đi”. Trưởng giả nghe lời bạn liền đến nhà kia hỏi cưới, người cha của cô gái liền chấp thuận lời cầu hôn này và nói: “nên vào ngày — tổ chức hôn lễ”. Lúc đó rượu trong nhà vì nóng nên bị hư, người nhà phải đặt mua rượu ở bên ngoài, các nhà làm rượu đều nhận làm rượu cho họ. Khi ni Thổ-la-nan-đà đến nhà này khất thực, gia nhân nói: “tôi đang lo về rượu bị hư nên không thể cho thức ăn được”, ni nói: “vì sao không làm cho ngon lại?”, đáp: “ tôi không biết làm, Thánh giả có biết không?”, đáp: “nay ta đã già, nhưng hồi còn trẻ thì việc gì ta cũng biết”, gia nhân liền nói: “xin Thánh giả thương xót giúp tôi”, đáp: “nếu có cho ta đủ các món ăn ngon thì ta sẽ giúp làm cho rượu ngon lại”, gia nhân bằng lòng, liền bảo đem nồi rượu ra xem thử. Sau khi xem xét trên dưới của nồi rượu vì sao mà rượu bị hư, liền biếtlà do nóng, ni liền mở nắp, mở cửa sổ rồi bảo đạt nồi rượu trên cát ướt, kế dùng rêu xanh quấn bọc nồi lại rồi quạt cho hơi nóng bay ra, do có khí mát lạnh nên rượu ngon lại. Sau đó thân tộc đều tập họp đến, các nhà làm rượu chờ mãi không thấy ai đến lấy rượu liền sai người đến hỏi, họ đáp: “rượu đã được làm cho ngon lại nên không cần lấy rượu nữa”, lại hỏi: “rượu đã hư còn có thể làm cho ngon lại hay sao, là ai đã làm?”, đáp là Thánh giả Thổ-la-nan-đà, người kia nghe rồi liền chê trách: “nữ Sa môn đã làm việc phi pháp, vì sao lại đoạt nghề kiếm sống của tôi”. Bạch Phật, Phật nói: “đây không phải là pháp của Sa môn Thích tử, bị chê trách là đúng, từ nay Bí-sô ni không được chỉ dạy làm cho rượu ngon lại, ai làm thế thì phạm Tốt-thổ-la để”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả thích bố thí, bỗng bịnh nặng ngày càng nguy kịch, biết mình sống chẳng được bao lâu nên đem tài vật cấp thí cho Sa môn, Bà-la-môn và những người nghèo khổ cô độc, chỉ còn lại mỗi căn nhà trống không. Lúc đó ni Thổ-la-nan-đà đến nói với trưởng giả: “thông thường người nữ được lợi dưỡng rất ít, ông hãy hỷ xả ban cho ít nhiều”, trưởng giả nói: “Thánh giả đã đến chậm một bước rồi, tài vật đã có tôi đều đã cho hết, chỉ còn căn nhà trống không này”, ni nói: “tôi vốn hy vong nên vác mặt đến đây, không ngờ phải trở về tay không”, trưởng giả nói: “căn nhà này nếu Thánh giả muốn lấy thì tôi cũng không tiếc”, ni nói: “nếu vậy thì tôi xin nhận, nguyện cầu ông hết bịnh khổ”. Sau khi trưởng giả qua đời, thân tộc tụ đến đưa thi thể đến trong Thi lâm để hỏa thiêu, ni Thổ-la-nan-đà liền đến nhà niêm phong lại rồi đứng một bên. Sau khi hỏa thiêu xong trở về thấy nhà bị niêm phong liền hỏi là ai đã làm, Thổ-la-nan-đà nói: “người thọ thí tự đến niêm phong”, hỏi là đã cho ai, đáp là cho ta, có người nói: “nếu vậy hãy cho tôi thuê, sau sẽ trả tiền”, hỏi có thật không, đáp là thật, ni liền mở cửa cho người ấy thuê nhà. Các trưởng giả, Bà-la-môn nghe biết việc này đều chê trách: “Sa môn nữ làm việc phi pháp, sao lại đem nhà của người khác cho thuê”, bạch Phật, Phật nói: “đó không phải là pháp Sa môn, bị chê trách là đúng, từ nay Bí-sô ni không được cho người tục thuê nhà, ai làm thế thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ giống như trên, chỉ khác là cửa hàng, cho đến câu Phật nói: “ai cho thuê cửa hàng thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà vào thành khất thực, thấy có một bà thầy bói lắc linh đi đến các nhà bói việc lành dữ, được nhiều tài vật đủ để nuôi thân, liền nghĩ đây là phương pháp tốt. Nghĩ vậy rồi sau khi có linh, sáng sơm liền vào thành đi đến từng nhà lắc linh hoặc làm việc tắm gội thân thể cho con trai con gái của người, hoặc dối nói việc lành dữ và những điềm sắp đến… khiến người trong thành đều nghe biết tiếng. Do ai có điều thỉnh cầu đều tìm đến ni nên không hỏi tới bà thầy bói kia nữa, khi bà thầy bói kia đến hỏi mọi người có cần xem tướng không thì họ đều nói: “không cần nữa, chúng tôi đã có thánh sư thông hiểu mọi việc…”, lại hỏi là ai, đáp là Thánh giả Thổ-la-nan-đà, người kia nghe rồi liền chê trách: “nữ Sa môn đã làm việc phi pháp, vì sao lại đoạt nghề kiếm sống của tôi”. Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “do Bísô ni làm thầy bói nên có lỗi này, từ nay Bí-sô ni không được làm thầy bói, ai làm thì phạm tội Việt pháp”.